Thú Tội
Chương 3: Kẻ Nhân Từ

Kỳ nghỉ hè thứ hai sau khi lên đại học. Tôi dự định về nhà vào dịp lễ Obon[6], song chưa kịp về thì bất ngờ nhận được điện thoại của bố sáng sớm ngày 20 tháng Bảy.

Có hai chuyện. Thứ nhất là mẹ tôi bị giết. Thứ hai, kẻ giết mẹ là em trai tôi.

Trường hợp mẹ bị giết, là người nhà của nạn nhân, tôi chỉ cần trút căm phẫn vào hung thủ. Trường hợp em trai mình phạm tội giết người, là người thân của kẻ thủ ác, tôi vừa phải hứng chịu miệng lưỡi thiên hạ, vừa phải lo chuyện cải tạo cho em trai và tạ lỗi với người bị hại.

Nhưng trường hợp gộp cả hai thế này thì tôi phải làm gì?

Đương nhiên, thiên hạ và truyền thông sẽ chẳng để yên vì lý do đây là chuyện nội bộ của một gia đình. Qua một đêm, thứ dành cho gia đình tôi không phải là sự thông cảm, cũng không phải sự căm ghét mà là những ánh mắt hiếu kỳ.

Những năm gần đây, “giết cha mẹ” không phải là chuyện hiếm. Đến mức, dù tivi đưa tin, người ta cũng chỉ nghĩ “À, lại nữa à”. Dù vậy, những vụ “giết cha mẹ” ít nhiều dễ thu hút sự chú ý hơn những chuyện khác là vì có thể biết được sự méo mó trong gia đình người khác.

Tình thương méo mó, kỷ luật méo mó, giáo dục méo mó, và lòng tin méo mó. Dù mới đầu người ta chỉ nghĩ “không thể tin được là gia đình này” nhưng khi sự việc xảy ra, thế nào họ cũng tìm thấy sự méo mó và đi đến kết luận rằng chuyện gì đến ắt phải đến thôi.

Có lẽ cũng có người xem tin tức và lo lắng “liệu nhà mình có ổn không nhỉ?” Nhưng với tôi đó đã luôn là chuyện nhà người khác. Bởi vì “bình thường” là từ thích hợp nhất với gia đình tôi, “gia đình Shimomura”. Thế nhưng chuyện “giết cha mẹ” ấy đã xảy ra với gia đình tôi. Vậy, sự méo mó trong gia đình tôi là gì nhỉ?

Lần gần nhất tôi về nhà là dịp tết năm nay.

Mùng Một, tôi và em trai cùng bố mẹ, bốn người đi lễ ở một ngôi đền gần nhà rồi về nhà, vừa ăn osechi[7] mẹ nấu vừa nhàn nhã xem tivi. Đứng với mẹ trong bếp, tôi kể về lũ bạn trong câu lạc bộ tennis, khi xem tivi với em trai, tôi kể về nghệ sĩ hài tới trường tôi vào dịp lễ hội văn hóa.

Hôm sau, chị cả mới kết hôn hiện sống ở thị trấn bên cạnh tới nhà chúc Tết, cả nhà đến trung tâm thương mại mua túi hàng may mắn đầu năm. Vì điểm số của em trai trong học kỳ hai tăng nhiều nên nó được bố mẹ mua máy tính bảng ao ước từ lâu, còn tôi, tuy lại nói câu cửa miệng “Nao sướng ghê” nhưng cũng được mua cho một túi xách nhỏ.

Một kỳ nghỉ Tết bình thường của một gia đình bình thường, giống hệt mọi năm. Tôi nhớ lại từng đoạn hội thoại, từng hành động để xem có triệu chứng gì không nhưng chẳng thấy gì cả.

Hay nửa năm vừa rồi đã xảy ra chuyện gì khiến có thứ bị méo mó?

Trên thi thể mẹ tôi có một vết dao đâm ở phần bụng và một vết va đập sau gáy. Có vẻ sau khi bị đâm bằng dao, mẹ đã ngã xuống cầu thang. “Có vẻ”, nghe như đang nói chuyện của người khác. Song dù nhìn thấy xác mẹ, tôi vẫn không thể chấp nhận được việc mẹ đã chết, cũng không thể tin được kẻ làm chuyện đó là em trai mình.

Tại sao lại xảy ra chuyện này? Nếu không biết lý do, tôi sẽ không thể chấp nhận được cái chết của mẹ. Nếu không biết lý do, tôi sẽ không thể chấp nhận tội lỗi của em trai mình. Nếu không biết lý do, bố, chị gái, tôi, gia đình còn lại này sẽ không thể vực dậy.

Tôi biết về sự méo mó của gia đình mình hai ngày sau vụ việc. Cảnh sát bảo cho tôi biết. Em trai tôi không tới trường một buổi nào từ khi lên lớp Tám. Song gần đây không hiếm chuyện trẻ em bỏ học hay ở lì trong phòng.

Tức là, ngoài mẹ tôi ra, trong nhà không ai biết sự méo mó. Tôi xa nhà, chị gái đang mang bầu sống tại thị trấn bên cạnh không biết đã đành, đến bố tôi ở cùng nhà cũng không hay biết. Dù hằng ngày mất gần hai tiếng để đi làm, dù phải làm thêm nhiều nhưng liệu có người cha nào suốt bốn tháng không nhận ra con trai không đến trường không.

Trả lời câu hỏi của cảnh sát, bố tôi nói chẳng phải chuyện xảy ra ở trường hồi học kỳ ba là nguyên nhân em trai tôi không đi học sao. Nhà xảy ra chuyện nghiêm trọng mà người bố vốn ít nói của tôi cứ vẫn thản nhiên hỏi gì đáp nấy cứ như thể chuyện nhà người khác. Tóm tắt lại thì là thế này.

Tháng Hai năm nay, con gái cô chủ nhiệm lớp em trai tôi bị ngã xuống hồ bơi chết đuối. Tình cờ em trai tôi cũng có mặt ở đó nhưng đã không thể cứu đứa bé. Cô chủ nhiệm cho rằng em trai tôi cũng có trách nhiệm trong cái chết của con gái. Em trai tôi suy nghĩ về chuyện ấy nên không thể đi học dù cô giáo kia đã nghỉ việc.

Nếu có chuyện như vậy xảy ra thì đứa em trai nhút nhát của tôi chắc chắn không thể chịu đựng. Việc giam mình trong phòng có thể hiểu được. Nhưng đến mức phải giết mẹ ư?

Em trai tôi đã sống như thế nào khi nó giam mình trong phòng. Mẹ đã tiếp cận với em bằng cách nào… Giờ mẹ đã mất rồi nên chỉ có em tôi biết những điều đó. Nhưng tôi vẫn chưa được gặp trực tiếp em.

Tôi chợt nhớ ra mẹ đã mua cho tôi một quyển nhật ký khi tôi bắt đầu sống một mình. “Nếu có chuyện buồn, con có thể chia sẻ với mẹ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khi thấy không thể kể với mẹ, con hãy viết vào đây giống như đang trò chuyện với người con tin tưởng nhất. Não con người cố nhớ được hết mọi thứ nhưng nếu viết ra, con có thể yên tâm quên đi, không cần nhớ đến nó nữa. Hãy giữ lại trong đầu những chuyện vui, còn chuyện buồn con viết ra rồi quên đi.”

Đó là lời thầy giáo cấp hai nói với mẹ khi ấy vừa mất đi cả cha lẫn mẹ do bệnh tật, tai nạn, và tặng mẹ một cuốn nhật ký.

Tôi đi tìm nhật ký của mẹ.

Tháng Ba, ngày 1x…

Giáo viên chủ nhiệm của Naoki, Moriguchi Yuko đến nhà ngày hôm qua.

Vốn mình vẫn ghét Moriguchi. Mình đã từng viết thư cho hiệu trưởng bảo rằng thật chẳng ra làm sao khi để một bà mẹ đơn thân làm giáo viên chủ nhiệm của con trai mình đang trong thời kỳ nhạy cảm. Nhưng xét cho cùng, đó là một trường công lập. Không có chuyện họ tiếp thu ý kiến của chỉ một phụ huynh. Và quả nhiên, tháng Một năm nay, khi Naoki bị mấy đứa cấp ba hư hỏng gây gổ và bị cảnh sát đưa về đồn, cô ta cũng ưu tiên gia đình hơn mà không đến đón thằng bé. Nếu lúc ấy hiệu trưởng đổi giáo viên chủ nhiệm thì Naoki đã không bị cuốn vào sự việc này.

Chuyện con gái Moriguchi chết ở bể bơi của trường mình đã đọc trên báo. Mình thông cảm với chuyện cô ta mất đi đứa con thơ dại, nhưng ngay từ đầu việc đưa con đến chỗ làm đã buồn cười rồi. Giả như không phải trường học mà là một công ty thông thường thì liệu có dẫn con tới không. Chẳng phải thói kiêu ngạo, dựa dẫm vào cái mác công chức của cô ta đã khiến sự việc xảy ra hay sao.

Nhưng không chỉ bất thình lình tới nhà mình, Moriguchi còn hỏi dò Naoki ngay trước mặt mình. Đầu tiên cô ta hỏi về cuộc sống ở trường cấp hai. Naoki kể chuyện tham gia câu lạc bộ tennis nhưng vì không hợp với phương pháp của huấn luyện viên nên đành phải bỏ, chuyện sau đó thằng bé bắt đầu đi học thêm, chuyện bị mấy đứa cấp ba gây gổ, chuyện mình là nạn nhân mà lại bị phạt… vân vân.

Càng nghe càng thấy thằng bé háo hức được lên cấp hai là vậy mà toàn gặp những chuyện đáng thương. Naoki chẳng có lỗi trong bất cứ chuyện gì, thế mà toàn phải chịu khổ. Mình giận sôi người không biết người phụ nữ này đến để làm gì. Ấy vậy mà Moriguchi còn hỏi Naoki về tai nạn của con gái mình như muốn đánh đòn kết liễu.

“Chuyện đó liên quan gì tới Naoki chứ!”

Mình bất giác cao giọng nhưng sau đó thì á khẩu khi nghe những gì Naoki nói.

“Không phải lỗi của em.”

Bằng giọng lí nhí, Naoki kể.

Khi vào học kỳ ba, Naoki chơi thân với cậu bạn cùng lớp tên Watanabe Shuya. Mình đã đọc báo và biết chuyện Watanabe giành được giải thưởng nhờ làm ra chiếc ví chống trộm nên rất vui khi Naoki có được người bạn học giỏi như vậy. Thế nhưng cậu Watanabe này lại chẳng ra sao.

Watanabe muốn thử nghiệm cái ví kinh khủng có dòng điện chạy bên trong tên là “ví chống trộm” ấy lên một ai đó và cho Naoki chọn mục tiêu. Naoki tốt bụng đã không nêu tên bạn cùng lớp mà nêu tên vài giáo viên thằng bé nghĩ có thể ngăn chặn vụ việc nhưng đều bị bác bỏ. Naoki chẳng còn cách nào khác là nêu tên con gái Moriguchi. Hẳn thằng bé nghĩ chắc Watanabe sẽ không ra tay với trẻ con đâu.

Nhưng Watanabe đúng là ác quỷ. Cậu ta chấp nhận đề xuất của Naoki thật và tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng. Cậu ta ép Naoki đi đến bể bơi dù thằng bé không thích và chờ con gái của Moriguchi.

Tưởng tượng ra cảnh ấy thôi mình đã thấy hơi chóng mặt.

Người đầu tiên gọi con gái của Moriguchi khi nó tới cho chó ăn là Naoki. Watanabe đã lợi dụng vẻ tốt bụng của Naoki. Watanabe đeo cái ví hình con thỏ lên cổ con gái Moriguchi đã mất cảnh giác rồi xúi nó mở ra xem.

Là cái ví mà mình tình cờ bắt gặp con gái Moriguchi đang vòi xin ở trung tâm thương mại. Chắc là muốn dạy con, nhưng dù là mẹ đơn thân thì lương cô ta vẫn cao hơn mức bình quân rồi, nếu cô ta mua luôn cho con mà không để chuyện xấu hổ như vậy xảy ra trước bàn dân thiên hạ thì sẽ không có chuyện Naoki bị Watanabe lợi dụng.

Con gái Moriguchi ngã ngay khi vừa chạm vào khóa kéo của cái ví. Naoki đã phải chứng kiến khoảnh khắc một đứa bé chết ngay trước mắt mình. Chuyện ấy đáng sợ đến thế nào cơ chứ. Nhưng đáng sợ hơn cả là ngay từ đầu Watanabe đã định giết đứa bé ấy.

Cứ nói với mọi người đi. Đạt được mục đích rồi Watanabe nhanh chóng đi về, bỏ lại Naoki. Dẫu vậy, Naoki tốt bụng vẫn muốn che chở cho bạn mình. Naoki đã ném thi thể xuống bể bơi vì muốn làm như con gái Moriguchi chết do tai nạn.

“Lúc đó em quá sợ hãi nên không nhớ được mấy.”

Naoki nói câu ấy khi kể xong. Đương nhiên rồi. Dính líu đến một vụ giết người cơ mà.

Nghe xong, Moriguchi nói vài lời hoa mỹ gì đó nhưng đến cuối cùng, cô ta nói thế này.

“Nếu cảnh sát đã nhận định là do tai nạn thì tôi cũng không định khơi lại nữa.”

Cô ta nói gì nghe kẻ cả vậy. Chẳng phải tất cả lỗi đều do Watanabe sao. Watanabe đã lên kế hoạch và lợi dụng Naoki. Naoki chỉ là nạn nhân thôi. Nếu Moriguchi không nói thì mình còn định sẽ thay cô ta đến báo với cảnh sát về Watanabe cơ.

Nhưng Naoki đã vứt thi thể xuống bể bơi. Liệu hành vi này có phải là tội phi tang xác chết hay che giấu tội phạm không. Mình phải tránh chuyện Naoki bị thiên hạ coi là kẻ tòng phạm vì thằng bé còn có tương lai. Thế là mình đành phải giả vờ cảm ơn Moriguchi. Nhìn bộ mặt thỏa mãn khi ra về của cô ta mình ghét không chịu được.

Mình định sẽ không nói gì với chồng. Nhưng sau khi Moriguchi ra về mình mới nghĩ có lẽ nên đưa cô ta ít tiền bồi thường. Phải dọn dẹp sạch sẽ tránh việc bị xin xỏ sau này.

Việc liên quan đến tiền thì không thể giấu chồng mà làm được rồi. Khi chồng đi làm về, mình kể lại vắn tắt rồi nhờ anh ấy gọi điện đến nhà Moriguchi. Song cô ta đã từ chối tiền bồi thường. Vậy mục đích cô ta đến nhà mình là gì?

Chồng mình nói nên báo cảnh sát. Không đời nào. Mình hỏi nếu Naoki bị buộc tội tòng phạm thì anh tính sao nhưng anh ấy bảo, kể cả nghĩ cho Naoki thì cũng nên làm thế. Người bố thế này mới rắc rối. Mình hối hận vì đã báo với chồng về vụ việc. Mình phải bảo vệ Naoki thôi.

Vốn dĩ mình vẫn không thể tin lời thú tội của Naoki.

Có khi Naoki chỉ tình cờ có mặt ở đó nhưng bị Watanabe đáng sợ kia uy hiếp nên buộc phải nói mình cũng tham gia vào vụ việc. Mà không, có khi nào chính Moriguchi bịa ra vụ việc đó không. Như trên báo viết, nếu đứa trẻ vô ý trượt chân ngã xuống bể bơi rồi chết thì lỗi thuộc về Moriguchi, làm mẹ mà lơ là trách nhiệm. Cô ta không muốn thừa nhận điều đó nên đã uy hiếp Naoki và Watanabe không may có mặt ở đó, bắt phải bịa ra lời tự thú. Mình không thể không nghĩ như thế.

Giả sử Naoki có tham gia vào vụ việc ấy thật thì không có chuyện mình lại không biết. Cũng không có chuyện Naoki không nói gì với mình để đến nỗi bị Moriguchi xúi giục.

Đúng rồi, nhất định là như thế. Tất cả chuyện này đều do Moriguchi đang đau khổ kia dựng lên. Nếu vậy thì thằng bé Watanabe cũng là người bị hại.

Kẻ có lỗi từ đầu đến cuối là Moriguchi.

Tháng Ba, ngày 2x….

Hôm nay là lễ bế giảng ở trường Naoki.

Sau hôm Moriguchi đến nhà, Naoki lúc nào cũng trong trạng thái ủ rũ nhưng không nghỉ học buổi nào nên mình cũng yên tâm.

Hôm nay về đến nhà, nó giam mình trong phòng, bỏ cả cơm tối rồi đi ngủ luôn. Có lẽ những mệt mỏi bị dồn nén đã được giải phóng hết một lượt.

Ngày mai bắt đầu kỳ nghỉ, nhưng cứ nghĩ sang học kỳ mới vẫn là Moriguchi chủ nhiệm, mình lại thấy chán.

Tháng Ba, ngày 2x….

Naoki bỗng mắc chứng ưa sạch sẽ ngay khi bắt đầu kỳ nghỉ xuân.

Đầu tiên thằng bé nói muốn đồ ăn được chia vào đĩa nhỏ chứ không để trong đĩa lớn. Nó vốn là đứa trẻ có thể thản nhiên ăn nốt đồ mình để thừa. Sau đó, nó lần lượt đưa ra những yêu cầu như không muốn quần áo được giặt chung với mọi người, hay sau khi nó ngâm bồn thì tuyệt đối không được ai vào nữa.

Chuyện thế này mình từng thấy trên tivi nên cho là do tuổi dậy thì và làm đúng như Naoki muốn dù thấy hành động của con có hơi thái quá. Nói chung nó không cho mình chạm vào đồ nó đã mặc hay thứ nó đã dùng.

Đứa con chưa bao giờ bị bắt làm việc nhà bây giờ lại tự mình rửa bát đĩa, giặt quần áo. Đương nhiên là chỉ đồ của nó thôi… Viết như thế này mình cảm thấy như nó đã trở thành một đứa trẻ ngoan, nhưng tận mắt chứng kiến thì không thể không lo lắng. Chỉ có vài cái đĩa với bát thôi mà xối nước và rửa với nước rửa chén gần một tiếng đồng hồ. Quần áo cũng thế, chẳng màng quần áo màu hay không, nó đổ thuốc tẩy có tác dụng sát khuẩn hơn mức cần thiết rồi cứ giặt đi giặt lại.

Nó hành động như thể đột nhiên một ngày nó nhìn thấy hàng vạn vi khuẩn mắt thường không thấy được.

Nếu chỉ vậy thì có thể hiểu là do chứng ưa sạch sẽ quá mức rồi đưa ra biện pháp nào đó, nhưng trường hợp của Naoki lại không chỉ có thế. Thằng bé đang có những hành động hoàn toàn phản lại bản thân.

Nói chung là bẩn. Thằng bé không hề dọn dẹp những thứ có trên người nó. Mình nhắc nhở nhiều lần nhưng nó không chịu chải đầu, cũng chẳng đánh răng. Thằng bé cũng ghét ngâm bồn tắm, việc mà vốn nó rất thích.

Hôm đó mình trêu đùa đẩy nhẹ người Naoki khi ấy đang đi trong hành lang về phía nhà tắm, bảo con đi tắm đi. Vậy mà thằng bé hét lên với một thái độ đáng sợ mà mình chưa bao giờ thấy: “Đừng chạm vào con!”

Đó là lần đầu tiên Naoki to tiếng với mình. Mình tự an ủi rằng thằng bé đang trong thời kỳ nổi loạn nhưng quả thực mình đã buồn đến mức ngồi khóc một mình.

Cũng có khi vừa tỏ thái độ như thế nhưng ngay sau đó nó lại vào phòng mình gọi “mẹ ơi mẹ” rồi bắt đầu kể những kỷ niệm ngày xưa.

Không biết những hành vi kỳ lạ của Naoki sẽ tiếp diễn đến bao giờ.

Tháng Ba, ngày 3x…

Hôm nay hàng xóm đi du lịch về tặng mình bánh nhân đậu đỏ mua từ một cửa hàng bánh kẹo truyền thống nổi tiếng ở Kyoto. Từ bé Naoki đã không thích bánh kẹo truyền thống nhưng người ta đã cất công đem cho nên mình quyết định mang lên phòng hỏi xem con có ăn không.

Đúng như mình đoán, thằng bé bảo “con không cần” nhưng một lúc sau lại đi xuống bếp nói “con sẽ ăn thử”. Lâu lắm mới được ngồi đối diện với Naoki và ăn bánh nên mình đã pha loại trà ngon nhất rồi hồi hộp quan sát Naoki.

Naoki cắn một miếng rồi cứ thế cho cả chiếc bánh vào miệng. Sau khi nuốt một cách ngon lành, chẳng hiểu sao nó bắt đầu khóc.

“Mẹ này, bánh nhân đậu đỏ hóa ra ngon đến vậy. Thế mà bây giờ con mới biết đấy…”

Nhìn những giọt nước mắt ấy cuối cùng mình đã nhận ra. Chứng ưa sạch sẽ của Naoki và những hành vi đi kèm chẳng phải do tuổi dậy thì hay thời kỳ nổi loạn, mà là do vụ tai nạn đó.

“Nao, con cứ ăn thoải mái đi. Ăn hết cũng được.”

Nghe mình nói vậy, Naoki bóc chiếc bánh mới, lần này từ từ cắn từng miếng như để thưởng thức.

Chắc chắn Naoki vừa ăn vừa nghĩ về con gái đã chết do tai nạn của Moriguchi. Chẳng phải thằng bé đang khóc vì thương đứa bé ấy không được ăn những món ngon trên đời nữa hay sao. Naoki là một đứa trẻ tốt bụng mà.

Không chỉ lúc ăn bánh nhân đậu đỏ. Chắc chắn lúc nào vụ tai nạn đó cũng ở trong đầu Naoki.

Chứng ưa sạch sẽ chẳng phải vì nó quyết tâm rũ sạch ký ức khó chịu dù làm thế nào cũng không sạch kia bằng cách tẩy đi tẩy lại những vết bẩn trên quần áo, bát đĩa hay sao? Tuy nhiên nó lại không muốn làm bản thân sạch sẽ là do bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi rằng chỉ có mình đang được sống thoải mái.

Đến tận bây giờ Naoki vẫn đang tự trừng phạt.

Cuối cùng mình đã có thể lý giải hành vi kỳ quái của Naoki trong những ngày qua. Làm sao mình lại không nhận ra chuyện này sớm hơn nhỉ. Naoki vẫn luôn gửi tín hiệu cầu cứu mình cơ mà.

Thế này thì kẻ đáng ghét đúng là Moriguchi kia, kẻ đã bức bách tinh thần Naoki vì những nghi ngờ vớ vẩn. Nếu muốn giảm bớt cảm giác tội lỗi thì hãy đổ trách nhiệm cho kẻ nào cũng trơ trẽn như mình ấy. Làm chuyện ấy với Naoki tốt bụng thì không thể gọi bằng từ nào khác ngoài “hèn nhát”.

Nhưng may thay, trong bảng điểm được gửi tới hai ngày trước có kèm bức thư thông báo nghỉ việc của Moriguchi. Bỏ nghề giáo viên chính là bằng chứng cô ta cảm thấy tội lỗi. Có vẻ như sẽ không có chuyện luân chuyển lớp. Nếu chỉ đổi giáo viên chủ nhiệm thôi thì cũng không vấn đề gì. Mình viết thư cho hiệu trưởng bày tỏ ý muốn giáo viên chủ nhiệm mới là một thầy giáo độc thân, có nhiệt huyết.

Naoki không cần phiền muộn nữa. Điều cần thiết cho Naoki bây giờ là “quên”. Để quên thì viết nhật ký là cách hay.

Nói mới nhớ, người dạy mình hãy viết nhật ký khi có chuyện buồn là giáo viên hồi cấp hai. Mình đã có may mắn gặp được một giáo viên tuyệt vời như thế mà sao Naoki lại bắt phải lá thăm xấu nhỉ. Đúng vậy, lá thăm xấu.

Chỉ là Naoki hơi xui xẻo thôi. Từ giờ sẽ toàn là chuyện tốt.

Tháng Tư, ngày…

Hôm nay mình tới cửa hàng văn phòng phẩm gần nhà mua một cuốn nhật ký có khóa. Một cuốn gắn khóa có lẽ sẽ giam hãm được những cảm xúc đã thổ lộ ra.

Vừa nãy mình đã đưa cuốn nhật ký cho Naoki và nói.

“Nao, mẹ biết bây giờ trong lòng Nao đang chất chứa nhiều đau khổ. Nhưng không cần thiết phải giữ lại đâu con. Con hãy viết những gì con đang nghĩ vào đây, mẹ sẽ không bắt con đưa mẹ đọc đâu. Con nhé.”

Thằng bé học cấp hai nên mình sợ nó không thích mấy thứ như nhật ký, nào ngờ thằng bé cầm lấy ngay. Thế rồi lại khóc và nói.

“Cảm ơn mẹ. Con không giỏi viết lắm nhưng con sẽ cố gắng viết.”

Những lời ấy làm mình khóc theo.

Không sao đâu, không sao. Naoki sẽ vực dậy được ngay thôi. Mình nhất định phải làm cho thằng bé quên đi sự việc đáng ghét đó.

Mình đã tự thề với lòng như vậy.

Tháng Tư, ngày…

Thường thì khi gặp chuyện buồn mình mới viết nhật ký, nhưng hôm nay đã có một chuyện rất vui nên mình không thể không ghi lại.

Mariko đến và thông báo: “Con có thai rồi.” Mới bước sang tháng thứ ba nên thân hình con bé chưa thay đổi gì mấy nhưng mình thấy nét mặt của con ngập tràn hạnh phúc và tự hào về sứ mệnh làm mẹ.

Con bé mua bánh su kem mà Naoki rất thích đem đến. Mình lên phòng gọi Naoki xuống để cả ba cùng ăn mừng nhưng Naoki không xuống. Thằng bé nói đang bị cảm nên không muốn lây sang cho chị.

Mariko có vẻ tiếc song vẫn khen Naoki: “So với anh chồng nhà này thì Nao rõ ràng là chu đáo hơn,” rồi bắt đầu than phiền về anh chồng thản nhiên hút thuốc ngay trước mặt người vợ đang mang thai.

Nghe Mariko nói mình mới giật mình. Gần đây mình quá bận tâm tới những hành vi kỳ lạ của Naoki mà không để ý tới con người thật của thằng bé. Naoki chẳng những tốt bụng mà còn trưởng thành đến độ biết lo lắng cho chị gái đang có bầu. Nhận ra điều này mình vui khôn xiết.

Mình còn vui hơn nữa là khi Mariko về, mình và con đang đứng ở bậc thềm nói chuyện thì Naoki mở cửa sổ, vừa vẫy tay vừa nói “Chúc mừng chị nhé.” Mariko cũng cười vẫy tay lại “Cảm ơn Nao. Nhớ yêu thương em bé nhé.”

Nhìn cảnh ấy mình thêm vững tin rằng cách nuôi dạy con gần đây khiến mình tự vấn không hề sai.

Gia đình mình sinh ra và lớn lên là một gia đình lý tưởng. Bố nghiêm khắc, mẹ thảo hiền, mình và em trai. Hàng xóm và họ hàng đều nói họ thấy ghen tị với gia đình mình.

Bố giao phó hết mọi việc trong nhà cho mẹ, làm việc chăm chỉ, bất kể ngày đêm vì gia đình. Nhờ vậy mà gia đình mình sống dư dả hơn đôi chút so với những gia đình khác.

Đối với cô con gái là mình, mẹ đã nghiêm khắc dạy dỗ từng li từng tí kiến thức thông thường, lễ nghi, phép tắc ứng xử để sau này mình có làm dâu nhà nào cũng không phải xấu hổ. Ngược lại, để em trai luôn tự tin và hành động độc lập, mẹ luôn khen ngợi từ những việc nhỏ và dõi theo nó với đầy tình yêu thương. Ngoài ra, để bố có thể toàn tâm toàn ý với công việc, mẹ luôn cố gắng tự giải quyết những tranh cãi trong nhà.

Nhưng có lẽ chính những gia đình hạnh phúc lại bị bất hạnh ghé thăm sớm hơn. Bố bị tai nạn giao thông, mẹ ngã bệnh nên mình lần lượt mất cả hai người khi đang học cấp hai.

Mình và em trai kém tám tuổi được họ hàng nhận nuôi. Kể từ đó mình thành mẹ của em. Mình không quên những điều mẹ dạy, nghiêm khắc với bản thân và đối xử với em như một người mẹ. Có lẽ nhờ thế mà em hai đã đậu vào trường đại học hạng nhất, vào làm ở một công ty hạng nhất, có gia đình riêng tuyệt vời và làm việc ở khắp thế giới.

Làm đúng như mẹ dạy thì sẽ không sai.

Chứng ở bẩn do ưa sạch sẽ (mình không tìm được từ nào khác phù hợp hơn) của Naoki vẫn thế, nhưng hình như từ khi có cuốn nhật ký, thằng bé vui vẻ nhiều hơn một chút.

Ngẫm ra mới thấy hai đứa lớn cũng trải qua thời kỳ tương tự. Hồi cấp hai Mariko cũng bảo muốn nghỉ lớp piano, còn Kyomi thì từ hồi cấp hai đã nói không muốn mặc quần áo mình mua.

Bị cuốn vào một sự việc khó chịu đúng vào thời kỳ nhạy cảm của tuổi dậy thì, mình nghĩ bản thân Naoki vẫn đang dò dẫm chọn con đường sau này. Mình không được phép dao động. Giống như mẹ đã làm với em trai, hoặc như mình đã làm với em trai, mình chỉ cần khen ngợi từ những việc nhỏ và dõi theo với đầy tình yêu thương thì chắc chắn Naoki sẽ trở lại thành Naoki của ngày xưa, mà không, sẽ là Naoki đã trưởng thành vượt bậc.

Giờ mình có thể từ từ tận hưởng kỳ nghỉ xuân được rồi.

Tháng Tư, ngày 1x…

Vài năm gần đây mình hay nghe thấy những từ như “hikikomori[8]” hoặc “NEET[9]”. Nghe nói những thanh thiếu niên thuộc diện này mỗi năm một tăng và đang trở thành vấn đề xã hội.

Mình thì cho rằng chuyện đặt một cái tên chung cho những thanh thiếu niên không đi học, không đi làm, ăn không ngồi rồi ở nhà như vậy mới là vấn đề.

Sống trong xã hội, nhờ thuộc về một nơi nào đó, có chức danh gì đó mà chúng ta có được cảm giác yên tâm. Việc chẳng thuộc về nơi nào, chẳng có chức danh nào cũng tương đương với việc mình không phải là một thành viên của xã hội. Phần lớn mọi người nếu rơi vào hoàn cảnh ấy đều sẽ lo lắng, bồn chồn, nỗ lực để có được một vị trí tồn tại sớm ngày nào hay ngày ấy.

Nhưng nếu gắn những cái tên như “hikikomori” hoặc “NEET” cho những người không thuộc về bất cứ đâu thì chính thời điểm đó, cái tên ấy đã trở thành chức danh, thành nơi họ thuộc về rồi. Những người có được vị trí tồn tại là “hikikomori” hoặc “NEET” trong xã hội cảm thấy như vậy là yên tâm, sẽ không nỗ lực đi học hay kiếm việc nữa.

Vì toàn xã hội đã chấp nhận sự tồn tại ấy nên chẳng thể làm khác được, song mình vẫn không thể tin nổi có những phụ huynh thản nhiên bảo con mình là “hikikomori” hay “NEET”. Họ nói ra điều ấy mà không hề thấy xấu hổ.

Mình nghĩ những phụ huynh có thể thản nhiên nói như vậy chắc chắn cho rằng nguyên nhân con mình thành “hikikomori” hay “NEET” là từ phía nhà trường, hoặc xã hội chứ không phải trong gia đình.

Làm gì có chuyện đó. Giả sử nhà trường hay xã hội có góp phần, nhưng nền tảng tính cách của đứa trẻ được hình thành từ gia đình nên không thể có chuyện nguyên nhân không phải do gia đình được.

Nguyên nhân của “hikikomori” là ở gia đình. Nghĩ theo logic ấy thì Naoki tuyệt đối không phải là “hikikomori”.

Hôm nay vừa tròn một tuần kể từ khi học kỳ mới bắt đầu nhưng Naoki vẫn chưa đi học buổi nào. Ngày đầu tiên thằng bé bị sốt nên mình cho nghỉ học mà không thúc ép quá. Mình gọi điện đến trường thì được một thầy giáo trẻ nghe nói là giáo viên chủ nhiệm mới nghe điện. Mình rất hài lòng vì cuối cùng thầy hiệu trưởng đã lắng nghe nguyện vọng của mình, mình cũng thông báo ngay cho Naoki.

“Nao, chủ nhiệm mới là một thầy giáo trẻ đấy. Nhất định thầy sẽ hiểu Nao.”

Nhưng hôm sau rồi hôm sau nữa, Naoki vẫn nói là bị sốt và không muốn tới trường. Mình đặt tay lên trán nó thì bị quát “Mẹ làm cái gì thế!” Khi mình đưa nhiệt kế ra thì nó từ chối: “Con hơi đau đầu chứ không hẳn là sốt.”

Chắc là nó giả vờ ốm. Nhưng không phải trốn học do lười. Đến trường thế nào thằng bé cũng nhớ lại sự việc kia. Mình nghĩ cảm giác ấy đã khiến Naoki né tránh trường học.

Tinh thần Naoki đang mệt mỏi. Nếu vậy phải đưa đi khám bác sĩ và lấy xác nhận hẳn hoi. Nếu cứ biếng nhác không chịu đi học thì nhà trường và hàng xóm sẽ coi Naoki là “hikikomori” mất.

Có thể Naoki sẽ không thích nhưng trước mắt phải đến bệnh viện một lần đã. Lần này mình buộc phải mạnh tay với con.

Tháng Tư, ngày 2x…

Hôm nay mình đưa Naoki tới khoa Thần kinh ở bệnh viện thị trấn bên cạnh.

Đúng là Naoki đã cự tuyệt chuyện đi bệnh viện. Mình tự nhủ rằng tới chặng này những phụ huynh không thể lớn tiếng với con sẽ coi con mình là “hikikomori”, và nói với Naoki. “Nao, nếu con không đi bệnh viện thì ngay bây giờ phải đi học cho mẹ. Nếu con đến bệnh viện và được bệnh viện xác nhận thì từ ngày mai mẹ sẽ không bắt con đi học nữa. Có thể Nao đang hiểu lầm chứ bây giờ bệnh về tâm lý cũng được coi là bệnh đấy. Chỉ đến nói chuyện thôi nên con thử đi xem sao nhé.”

Naoki nghĩ một lúc rồi nói thế này.

“Có phải lấy máu hay gì không ạ?”

Nói mới nhớ, từ bé Naoki đã sợ tiêm. Thằng bé đang lo về chuyện ấy à, Naoki thật đáng yêu quá. Nó vẫn chỉ là một đứa trẻ thôi.

“Đừng lo, mẹ sẽ bảo người ta đừng tiêm.”

Đoạn Naoki bắt đầu sửa soạn đi. Ngẫm thử thì Naoki đã không ra ngoài kể từ lần cuối cùng tới trường hôm bế giảng học kỳ ba.

Ở bệnh viện, sau khi khám sơ về thể chất là đến phần tư vấn gần một tiếng đồng hồ. Bác sĩ hỏi gì Naoki cũng chỉ cúi đầu, không giải thích được rõ ràng về tình trạng thể chất và tinh thần của bản thân, nên mình đã thay thằng bé kể lại tình trạng mấy ngày gần đây.

Chuyện Naoki bị giáo viên chủ nhiệm năm ngoái đổ tội oan nên không còn tin trường học nữa. Chuyện thằng bé mắc chứng ưa sạch sẽ quá mức.

Naoki được chẩn đoán mắc chứng “rối loạn thần kinh tự chủ”. Bác sĩ dặn đừng ép thằng bé đi học, trước tiên thằng bé hãy sống thật thoải mái, tránh để căng thẳng. Bác sĩ giao nhiệm vụ cho mình phải ở nhà.

Trên đường về mình gợi ý ăn gì đó ngon rồi hãy về, Naoki nói muốn ăn hăm bơ gơ ở cửa hàng đồ ăn nhanh. Mình không thích những cửa hàng kiểu đó nhưng ở tuổi Naoki chắc là thỉnh thoảng lại muốn ăn. Hai mẹ con bước vào cửa hàng hăm bơ gơ trước ga.

Trong lúc bọc hăm bơ gơ trong khăn giấy để không làm bẩn tay, mình chợt nhận ra. Naoki chọn thức ăn nhanh chính là do chứng ưa sạch sẽ. Ở những cửa hàng thế này sẽ không lo chuyện phải dùng lại bộ đồ ăn của người khác hay người khác dùng lại đồ của mình.

Bàn bên cạnh có một bé gái khoảng bốn tuổi và một phụ nữ chắc là mẹ bé gái. Mình nhìn và nghĩ không thể đồng tình nổi với việc cho con ăn đồ ăn nhanh từ lúc bé thế này, nhưng khi thấy đứa bé chỉ uống sữa tươi mình mới yên tâm.

Nhưng đứa trẻ lại tuột tay làm rơi bịch sữa. Sữa bắn tung tóe dưới sàn, bắn cả lên giày và gấu quần Naoki. Lập tức, mặt Naoki biến sắc, nó chạy bổ vào nhà vệ sinh. Hình như thằng bé đã nôn hết ra nên khi quay lại mặt nó xanh rớt.

Có lẽ không chỉ tinh thần mệt mỏi mà thể trạng thằng bé cũng không được tốt. Mình định ngày mai sẽ gửi phiếu xác nhận của bệnh viện tới trường và xin cho thằng bé được nghỉ ngơi thoải mái một thời gian.

Tháng Năm, ngày…

Naoki luôn dành hơn nửa ngày để làm vệ sinh.

Bằng bàn tay với những móng tay dài, thằng bé rửa bát đĩa, phơi những bộ đồ đã giặt đến nhàu nhĩ. Mỗi lần đi vệ sinh xong lại dùng nước sát khuẩn lau bệ ngồi và tay nắm cửa tốn gấp mấy lần thời gian đi vệ sinh.

Mình nói là để mẹ làm nhưng thằng bé nhất định không nghe. Mình mà động tay vào bộ đồ ăn hay quần áo Naoki để giúp nó là thế nào cũng bị quát “Mẹ đừng chạm vào!”

Không phải thằng bé đang làm gì xấu nên có lẽ cứ để kệ thế cũng được. Nhưng nếu bản chất vấn đề là do sự việc kia thì mình phải làm gì đó.

Một tuần nên tắm hai lần nhưng vì thằng bé không ra ngoài, không bị bẩn hay đổ mồ hôi, chắc cũng không đến mức khó chịu.

Mình thích nhất là giờ uống trà. Còn tùy vào tâm trạng của Naoki ngày hôm ấy, sau bánh nhân đậu đỏ, cũng có hôm Naoki ăn cùng mình khi mình đưa ra một thứ bánh ngon. Có hôm thằng bé còn nói: “Con muốn ăn bánh kếp mẹ làm.” Tuy thằng bé không còn theo mình đi chợ như trước kia nhưng lựa những loại bánh có thể Naoki sẽ thích khi đi chợ đã trở thành thú vui của mình gần đây. Ngoài thời gian đó ra thì mình không biết thằng bé dùng máy tính, chơi game, hay ngủ. Thằng bé cứ ở lì trong phòng, rất im ắng, chẳng mấy khi nghe thấy tiếng động.

Mình nghĩ Naoki đang thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ của đời mình.

Tháng Năm, ngày 2x…

Hôm nay thầy Terada Yoshiki, giáo viên chủ nhiệm mới đã tới nhà mình.

Đã vài lần nói chuyện với thầy qua điện thoại, nhưng gặp trực tiếp mới thấy sự nhiệt tình tỏa khắp con người thầy khiến mình có ấn tượng cực kỳ tốt. Naoki nói là không muốn gặp và không ra khỏi phòng, song thầy ấy đã chăm chú lắng nghe như người ruột thịt vậy.

Thầy ấy còn mang vở ghi chép tất cả các môn đến. Dù biết thằng bé cần thong thả nghỉ ngơi tại nhà nhưng mình vẫn rất lo cho chuyện học của con nên vô cùng cảm động và biết ơn trước sự chu đáo của thầy ấy.

Có điều, mình hơi thắc mắc khi thầy ấy đi cùng với Kitahara Mizuki. Có lẽ thầy ấy tính nếu dẫn theo bạn cùng lớp, có thể Naoki sẽ thoải mái nói chuyện hơn, nhưng nếu vậy thì nên dẫn bạn nào đó sống xa đây một chút.

Tuy mình đã báo với nhà trường về căn bệnh của Naoki nhưng không biết thầy ấy giải thích thế nào với các bạn cùng lớp. Nếu Mizuki về nhà lại sơ ý dùng từ “hikikomori” để nói về chuyện của Naoki rồi lan ra hàng xóm thì mệt lắm. Ngày mai mình sẽ gọi điện cảm ơn thầy giáo, nhân tiện nhờ thầy nói với các bạn cùng lớp viết một lá thư động viên Naoki.

Lúc nãy, mình mang tập vở thầy giáo đem tới lên phòng Naoki, vừa mở cửa liền bị thằng bé quát, “Bà già ngu xuẩn, đừng có kể mấy chuyện thừa thãi” rồi bị ném một quyển từ điển vào mặt. Mình tưởng như tim ngừng đập. Lời lẽ thô tục, hành vi man rợ, đây là lần đầu tiên mình thấy Naoki như thế. Tóm lại là nó không thích cái gì đây? Chẳng lẽ cứ nhắc đến chuyện trường học là thằng bé lại nổi khùng à. Bữa tối mình đã làm món hăm bơ gơ mà Naoki rất thích nhưng thằng bé không xuống ăn.

Song mình nghĩ thầy Terada sẽ giúp được Naoki. Nghĩ vậy mình càng cố gắng mạnh mẽ hơn.

Tháng Sáu, ngày 1x…

Chứng sạch sẽ của Naoki vẫn vậy, nhưng chắc đã mệt vì chuyện rửa bát nên thằng bé đề nghị mình đựng đồ ăn của nó vào đĩa giấy. Trà thì dùng cốc giấy, đũa là đũa dùng một lần. Cách này vừa không kinh tế mà rác lại nhiều hơn, nhưng nếu làm thế giúp Naoki bình tĩnh lại thì ngày mai mình sẽ đi mua.

Đã hơn ba tuần thằng bé không tắm. Quần áo và đồ lót cũng chỉ mặc một bộ không biết bao nhiêu ngày. Tóc thì nhờn bóng, cả người bốc mùi ươn thối. Thấy mất vệ sinh quá nên mình sẵn sàng chấp nhận bị quát, lấy khăn ướt ép thằng bé lau mặt nhưng bị nó đẩy ra mạnh đến nỗi đập cả mặt vào tay vịn cầu thang.

Hai mẹ con cũng không còn cùng nhau ăn quà chiều nữa.

Song thằng bé vẫn dọn nhà vệ sinh.

Thằng bé đã tạm thời bình tĩnh rồi cơ mà, sao giờ lại thế này nhỉ… Nhất định nguyên nhân do thầy giáo tới nhà rồi. Mỗi tuần một lần, vào thứ Sáu, thầy Terada lại dẫn theo Mizuki đến nhà và mỗi lần như vậy, mình lại thấy thời gian Naoki giam mình trong phòng như dài hơn. Có khi thằng bé đang nghi ngờ rằng dù mình bảo con có thể ở nhà nghỉ ngơi nhưng thực ra lại đang muốn bắt nó đi học.

Ngay cả thầy Terada, ban đầu mình thấy khâm phục vì sự nhiệt tình nên cũng kỳ vọng, nhưng thầy càng đến thì mình càng nhận ra thầy chẳng giúp ích được gì. Thầy ấy chỉ mang tập vở tới mà chẳng đưa ra được biện pháp hay phương hướng gì từ phía nhà trường. Không biết thầy ấy nói gì với thầy hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm khối.

Mình đã định gọi đến trường hỏi thử nhưng lỡ Naoki nghe thấy thì thằng bé sẽ chẳng ra khỏi phòng nữa, nên mình quyết định thử giữ khoảng cách với nhà trường một thời gian xem sao.

Tháng Bảy, ngày…

Sống cùng một nhà mà mình không nhìn thấy Naoki suốt bao ngày nay. Thằng bé đã hoàn toàn không ra khỏi phòng.

Mình mang đồ ăn đựng trong đĩa giấy lên thằng bé cũng chỉ bảo đặt trước cửa phòng cho nó chứ không ra mặt. Chắc chắn một tháng rồi thằng bé không tắm. Cũng không có vẻ gì là đã thay quần áo hay đồ lót.

Thằng bé vẫn đi vệ sinh nhưng luôn nhằm lúc mình ra ngoài hay có việc bận. Khi ở ngoài về và vào nhà vệ sinh mình thấy nhà vệ sinh sáng bóng nhưng còn sót thứ mùi lạ. Không giống mùi phân mà là mùi thức ăn bị thiu.

Naoki mặc lên người chiếc áo giáp có tên dơ dáy và tự giam hãm mình trong phòng.

Mình đã tin rằng cứ để mặc thế rồi thằng bé sẽ hồi phục. Nhưng Naoki càng ngày càng khép kín trái tim lại. Mình phải kiên quyết đối diện với sự sợ hãi và bất an sâu trong lòng Naoki hơn nữa chăng.

Tháng Bảy, ngày 1x…

Trong căn phòng được dọn dẹp kinh khủng đến mức không vương một sợi tóc, Naoki mặc tấm giáp dơ dáy đang ngủ li bì. Nếu không có chuyện gì lớn, chắc chắn thằng bé sẽ ngủ tới chiều tối.

Lén trộn thuốc ngủ vào bữa trưa của con là hành vi không tốt nhưng để gỡ tấm áo dơ dáy ra khỏi Naoki thì mình chỉ nghĩ ra được cách này. Thứ giam hãm Naoki trong nhà chính là tấm áo giáp dơ dáy mà cảm giác tội lỗi đã tạo nên.

Trong căn phòng tối mờ do kéo rèm kín, mình từ từ lại gần Naoki bốc mùi, nhìn xuống khuôn mặt đang ngủ của thằng bé. Khuôn mặt bóng nhẫy đầy ghét có vài cái mụn đã mưng mủ trắng, gàu thì đóng thành tảng trên tóc. Nhưng những điều ấy không ngăn được cảm giác muốn xoa đầu Naoki nên mình đã đưa tay nhẹ nhàng xoa đầu nó một lần.

Rồi bằng cái kéo đang cầm ở tay kia, mình chầm chậm cắt quanh chỗ tóc mai của Naoki. Mình chợt nhớ đến chuyện từng dùng cây kéo này để làm túi đựng đồ lặt vặt. Cây kéo cắt xoẹt mái tóc dài bết dầu của Naoki đã tạo ra tiếng động lớn khiến mình lo sợ thằng bé tỉnh dậy, nhưng rồi mình cũng xoay xở cắt ngắn được trên mang tai.

Vốn mình không định cắt tóc cho thằng bé trong lúc nó ngủ. Song mình nghĩ nếu cắt nham nhở, dở dang thì biết đâu thằng bé sẽ muốn đi tới hiệu cắt tóc.

Chỉ cần làm nứt tấm giáp dơ dáy kia là được.

Tóc rơi đầy dưới gối nhưng nghĩ biết đâu vì thế mà thằng bé sẽ ngứa cổ rồi đi tắm nên mình cứ để nguyên vậy rồi cầm cái kéo nhẹ nhàng ra khỏi phòng.

Tiếng gầm rú như loài dã thú vang vọng khắp nhà đúng lúc mình bắt đầu chuẩn bị bữa tối. Tiếng rú ấy giống dã thú tới nỗi mình không thể nhận ra ngay đó là tiếng Naoki. Mình vội chạy lên tầng hai, vừa rón rén mở cửa phòng Naoki thì chiếc máy tính xách tay bay ra. Trong phòng lộn xộn tới mức không thể tin nổi mới vài giờ trước còn gọn gàng đến thế.

Naoki vừa gào rú, chẳng nghe rõ là “á” hay “ố”, vừa ném tất cả những thứ vớ được vào tường, nhìn nó chẳng còn giống con người nữa.

“Naoki! Dừng lại!”

Giọng mình to đến nỗi chính mình cũng ngạc nhiên. Naoki đột nhiên ngừng lại, quay lại phía mình nói bằng giọng không ngữ điệu.

“Đi ra…”

Đôi mắt ấy rõ ràng đang lộ vẻ điên dại. Lẽ ra mình nên ôm lấy con dù có thể sẽ bị nó giết chăng. Khi ấy, lần đầu tiên mình thấy sợ chính đứa con của mình, chỉ còn biết lao ra khỏi phòng Naoki như chạy trốn.

Mình nghĩ một mình mình thì chẳng làm gì được nữa.

Mình quyết tâm hôm nay sẽ nói với chồng. Nhưng đúng lúc ấy có tin nhắn của chồng báo tối nay sẽ ngủ lại công ty vì phải làm thêm, gửi tới chiếc điện thoại mình dùng mãi chưa quen.

Mình chẳng còn cách nào khác ngoài viết nhật ký.

Hình như Naoki lại ngủ tiếp hay sao mà không thấy bất kỳ tiếng động nào từ phòng nó ở ngay bên trên.

Tháng Bảy, ngày 1x…

Mình viết nhật ký rồi ngủ quên luôn ở phòng khách, gần sáng, tiếng vòi sen từ phòng tắm khiến mình tỉnh giấc. Tưởng chồng đã về nhưng quần áo vứt bên ngoài là của Naoki.

Naoki đã tự mình đi tắm. Đây là điều không thể tưởng tượng được sau hành vi điên rồ, thú tính hôm qua. Chắc là qua một đêm Naoki đã bình tĩnh và nghĩ lại.

Chiến lược làm nứt tấm giáp dơ dáy đã thành công tốt đẹp.

Tiếng vòi sen kéo dài tới hơn một tiếng. Nửa chừng mình còn lo thằng bé nghĩ tới mấy thứ ngu ngốc như tự sát nên đến trước nhà tắm mấy lần để xác nhận có tiếng xê dịch ghế hay tiếng kỳ cọ bằng bông tắm lẫn với tiếng nước rồi quay về phòng khách. Gần hai tháng thằng bé không tắm nên đương nhiên là sẽ mất thời gian.

Nhìn Naoki bước ra khỏi phòng tắm, mình bất giác thốt lên “A… a…” Naoki đã cạo trọc đầu.

Tuy ngạc nhiên nhưng mình nghĩ như thế là sạch nhất. Naoki với cái đầu nhẵn thín nhìn giống một nhà sư đã rũ sạch phiền muộn. Móng tay cũng được cắt, quần áo và đồ lót đều là đồ mới mình mua.

Nhưng nhìn Naoki đang đứng trước mặt thực lòng mình không thể vui nổi. Gương mặt thằng bé không có chút biểu cảm gì, giống như Naoki đã rửa trôi luôn cả những xúc cảm con người.

Mình đang phân vân không biết nói gì thì Naoki đã mở miệng trước.

“Xin lỗi mẹ về những gì con đã làm. Con đi ra cửa hàng tiện lợi đằng kia một lát rồi về.”

Giọng nói chẳng hề có ngữ điệu.

Thằng bé tắm xong, giờ lại đi ra ngoài. Mình buột miệng nói “Mẹ đi cùng nhé” nhưng bị từ chối “Con không sao”. Mình nghĩ hay là thử đi theo sau xem sao, nhưng nếu bị phát hiện thì mọi cố gắng tối qua sẽ đi tong. Mình quyết định sẽ kiên nhẫn ngồi đợi ở nhà.

Khi tiễn Naoki tới cửa, mình mới nhận ra trời đã sang hè.

Tháng Bảy, ngày 1x…

Những gì mình viết sau đây là chuyện xảy ra vài chục phút sau khi Naoki đi đến cửa hàng tiện lợi. Mất vài ngày mới viết được. Bởi vì mình đã quá sốc.

Để thằng bé đi về có ngay bữa ăn sáng, mình vào bếp làm món trứng bác trộn thịt hun khói mà thằng bé ưa thích. Bỗng chiếc điện thoại bình thường chẳng mấy khi đổ chuông reo lên.

Mình có linh cảm chẳng lành và đúng như vậy. Người gọi là chủ cửa hàng tiện lợi gần nhà. Ông ta nói đang giữ con trai mình và muốn mình đến đón.

Mình nghĩ chắc thằng bé ăn trộm đồ, mình đã đưa đủ tiền lúc nó ra khỏi nhà nhưng do ra ngoài khi tinh thần chưa ổn định nên nó đã bốc đồng làm vậy.

Nhưng hành vi của Naoki kỳ quái hơn nhiều. Theo lời nhân viên cửa hàng thì Naoki bước vào, đi vòng quanh cửa hàng, sau đó thằng bé đút tay vào túi quần (vì thằng bé vừa lấm lét nhìn quanh vừa đút tay vào túi nên nhân viên nghĩ thằng bé đang ăn trộm) rồi lại đưa chính bàn tay đó lên sờ lần lượt tất cả các mặt hàng như cơm nắm, cơm hộp, nắp chai.

Làm vậy đúng là kỳ quái thật nhưng không đến mức bị giữ lại. Có điều, Naoki đã hành động với bàn tay đầy máu. Thằng bé đã bôi máu của mình lên mọi thứ trong cửa hàng. Tay phải của Naoki được sơ cứu bằng băng gạc bán ngay tại cửa hàng. Nghe nói Naoki tự băng sau khi bị nhân viên phát hiện. Trong túi quần Naoki có một lưỡi dao cạo râu chưa dùng lấy từ bồn rửa mặt ở nhà.

Chủ cửa hàng lần đầu gặp trường hợp này nên không biết xử lý thế nào, đành gọi tới số điện thoại đầu tiên lưu trong danh bạ điện thoại của Naoki, tức số mình. Người của cửa hàng hỏi gì Naoki cũng không chịu nói. Vì hành vi này chưa đến mức phạm tội nên họ không gọi cảnh sát mà đồng ý tha cho Naoki khi mình đề nghị mua hết những thứ bị dính máu.

Trên đường về nhà Naoki cũng không nói gì. Vì đang làm dở bữa sáng nên mình đi thẳng vào bếp, Naoki cũng đi theo rồi im lặng ngồi vào bàn. Có lẽ thằng bé không muốn quay về căn phòng bừa bãi kia. Mình đặt túi đồ to đùng vừa mua lên mặt bàn rồi ngồi xuống đối diện.

“Nao này. Sao con lại làm chuyện đó?”

Tuy không nghĩ thằng bé sẽ trả lời nhưng mình không thể không hỏi. Song thằng bé đã trả lời.

“… Vì con muốn bị cảnh sát bắt.”

Giọng nói đều đều không ngữ điệu.

“Bị cảnh sát bắt là sao? Nao vẫn còn nghĩ về vụ tai nạn đó à? Nao không có lỗi gì hết. Con không phải bận tâm đâu.”

Lần này thì thằng bé không đáp lại. Nhưng từ trước đến nay, hai mẹ con chưa bao giờ nói về vụ tai nạn đó. Mình nghĩ đây chính là cơ hội để Naoki vực dậy nên đã hành xử vui vẻ nhất có thể.

“Ôi, chẳng hiểu sao đói quá. Nói mới thấy, mẹ chưa bao giờ ăn cơm nắm ở cửa hàng như thế này đâu. Mẹ đã mua về rồi, để con thử ăn một cái nhé.”

Mình lấy một gói cơm nắm từ túi đồ ra. Vỏ nắm cơm nhãn hiệu Sea Chicken Mayonnaise dính máu khô đã chuyển thành màu nâu của Naoki.

“À mẹ không nên ăn cái đó. Mẹ sẽ nhiễm AIDS mà chết đấy.”

Nói đoạn Naoki lấy nắm cơm từ tay mình rồi bóc vỏ và bắt đầu ăn. Mình không hiểu nổi hành động của Naoki lẫn việc nó nhắc đến AIDS.

“Mẹ hoàn toàn chẳng hiểu Nao đang nói gì. Là sao? AIDS ấy.”

“Con bị cô Moriguchi cho uống sữa có virus gây bệnh AIDS.”

Naoki thú nhận chuyện đáng sợ đó mà mặt không hề biến sắc. Trong lúc nhẩm đi nhẩm lại lời Naoki vừa nói, toàn thân mình dần nổi hết da gà.

“Nao, chuyện đó có thật không?”

“Là thật. Cô đã nói thế trong lễ bế giảng. Bố của con gái cô Moriguchi là ‘người thầy cứu rỗi’. Mẹ thích thầy ấy nhỉ. Người ta nói thầy đó chết do ung thư nhưng thực ra chết vì AIDS đấy. Cô Moriguchi đã pha máu của thầy ấy vào sữa của con và Watanabe.”

Dù đang thú nhận một chuyện đáng sợ nhưng trên khuôn mặt vô cảm của Naoki hình như phảng phất nét rạng rỡ. Mình chẳng thể ngồi yên, cứ liên tục chạy ra bồn rửa để nôn. Moriguchi là ác quỷ…

Virus bệnh AIDS, đứa con yêu quý của mình đã bị nhiễm HIV. Bị đối xử như thế mà Naoki lại không thể thổ lộ kể cả với mình, âm thầm chịu đựng đến bây giờ.

Giờ mình đã hiểu chứng ưa sạch sẽ, chứng ở bẩn lẫn việc chảy nước mắt khi ăn đồ ngon. Dù bị đối xử bất công nhưng Naoki vẫn nghĩ đến mẹ, bố và chị gái. Rồi nó nói thấy biết ơn điều tuyệt vời là đang được sống.

“Nao, cùng mẹ tới bệnh viện nhé. Mẹ sẽ nói rõ chuyện của Nao cho bác sĩ.”

Nếu được thì mình muốn thay hết máu của Naoki ngay bây giờ. Chỉ có mình cứ cuống lên, trong khi Naoki vẫn rất bình thản.

Nhưng cơn ác mộng vẫn còn tiếp tục. Đoạn đối thoại sau đó đã ném mình xuống đáy địa ngục. Mình không thể tóm lược lại nên sẽ viết nguyên như vậy.

“Thay vì đến bệnh viện thì nên tới cảnh sát.”

“Cảnh sát? Đúng rồi, phải để họ bắt Moriguchi.”

“Không phải, để họ bắt con.”

“Con đang nói gì vậy? Sao lại phải bắt Nao?”

“Vì con là kẻ giết người.”

“Nao mà là kẻ giết người à, vớ vẩn! Mẹ không tin đâu, Nao chỉ vứt cái xác xuống bể bơi thôi mà?”

“Cô Moriguchi nói đứa bé chỉ bị ngất thôi. Còn nói sau khi bị con ném xuống bể bơi đứa bé mới chết.”

“Chuyện đó, không thể nào… Cơ mà dù thế thì vì Nao không biết nên là tai nạn thôi chứ.”

“Không, không phải.”

Nụ cười lan khắp gương mặt của Naoki, nó nói:

“Đứa bé đó đã mở mắt ra trước mắt con. Sau đó con mới ném nó xuống bể bơi.”

Hôm nay mình không thể viết thêm được nữa.

Tháng Bảy, ngày 1x…

Vừa nãy, thầy giáo ngu xuẩn đó, thầy Terada đã đến rồi làm một chuyện không thể tưởng tượng được. Ngay trước cửa nhà, bằng giọng oang oang khiến cả xóm nghe thấy, anh ta đã công khai chuyện Naoki không đến trường giúp mình.

Lại còn mang đến một tờ giấy bìa cứng viết những lời động viên của các bạn cùng lớp nữa chứ. Có một đoạn viết bằng bút dạ đỏ nổi bật thế này.

Mọi người đều không đơn độc, thế giới này tuy nhảm nhí nhưng phải hạnh phúc nhé.

Hãy vững tin, đừng từ bỏ!

Định đưa ra ám hiệu phức tạp à. Dù Terada không nhận ra nhưng mình nhìn là biết ngay. Chẳng phải ghép các chữ cái đầu lại sẽ thành “Kẻ giết người, chết đi” hay sao. Naoki là kẻ giết người. Một kẻ giết người bị cả những con người vô dụng, vô giáo dục, không có trí óc cười cợt viết ra thứ tin nhắn này.

Nhưng nhờ thế mà mình đã quyết tâm.

Naoki chỉ ném đứa con của Moriguchi đã bị Watanabe sát hại xuống bể bơi thôi. Thậm chí cả điều đó mình cũng tin là do Moriguchi bịa ra. Nhưng sự thật còn đáng sợ hơn nhiều.

Naoki đã ném con gái Moriguchi xuống bể bơi sau khi đứa bé ấy tỉnh lại. Giết người có chủ ý.

Hôm ấy, khi cùng Moriguchi nghe lời thú nhận của Naoki mình thấy đâu đó có chỗ không thật là vì nghĩ Moriguchi bắt Naoki phải nói dối. Chính bởi vậy mình đã tin Naoki vô tội. Nhưng đó lại là vì Naoki đã cố tình nói dối.

Mình không muốn tin sự thật tàn khốc nghe được từ Naoki song mình không nghĩ thằng bé nói dối.

Mình là mẹ của Naoki. Mình biết con có nói dối hay không.

“Đứa bé đã mở mắt nhưng con vẫn ném xuống bể bơi là vì sợ phải không?”

Mình hỏi đi hỏi lại Naoki sau khi thằng bé thú nhận sự thật kinh khủng ấy. Mình cũng biết mình là một người mẹ ngu ngốc. Nhưng sau khi con trai đã thừa nhận chuyện giết người, mình vẫn mong sao động cơ ấy đến từ nỗi sợ hãi.

Nhưng Naoki lại nói là “Đúng vậy”.

“Nếu mẹ muốn nghĩ thế thì cũng được thôi.”

Thằng bé nhất quyết không cho mình biết tại sao lại giết con gái Moriguchi. Không những thế, hình như cảm thấy nhẹ nhõm vì thú nhận hết hoặc bắt đầu trở nên ương ngạnh hay sao mà hễ cứ mở miệng là Naoki lại nhắc đi nhắc lại như thể kỳ kèo “Mau đến cảnh sát đi mẹ”.

Cùng với tấm giáp dơ dáy, Naoki đã rửa trôi luôn cả trái tim nhân hậu hơn người của nó rồi. Naoki yêu dấu của mình đã không còn. Với đứa con trai đã mất đi trái tim con người, trở thành một kẻ sát nhân ương ngạnh, mình chỉ có thể làm một việc duy nhất.

Cảm ơn anh Yoshihiko vì mọi thứ. Anh hãy giữ gìn sức khỏe nhé.

Mariko, thật tiếc vì mẹ không đợi được đến lúc lên chức bà. Con hãy sinh một đứa con khỏe mạnh nhé.

Kiyomi, con hãy sống thật mạnh mẽ và thực hiện giấc mơ của mình nhé.

Mẹ sẽ dẫn Naoki đến chỗ ông bà yêu dấu chờ mọi người.


Tôi đã nghĩ dù có dò dẫm trong bóng tối nhưng nếu như sự thật được làm sáng tỏ thì cũng sẽ ít nhiều thấy đường ra. Song bây giờ, khi đọc xong nhật ký của mẹ, đừng nói đến đường ra mà ngay cả chân mình tôi cũng không còn nhìn thấy nữa.

Mẹ đã định giết em trai trước. Đây là điều tôi nghĩ đến đầu tiên khi nghe tin em trai trở thành “hikikomori”. Nếu là mẹ, người theo đuổi lý tưởng của bản thân, luôn tin chắc rằng sống đúng đắn mới là hạnh phúc thì lựa chọn ấy cũng không có gì lạ.

Nhưng hóa ra mẹ không nông nổi như tôi nghĩ. Mẹ coi chuyện em trai không đến trường là một quãng nghỉ của đời người và lặng lẽ dõi theo em. Đối với người chăm lo cho em trai từng li từng tí, nó làm gì cũng không yên tâm như mẹ, hẳn mẹ phải quyết tâm lắm mới lặng lẽ dõi theo em trai như thế được.

Em trai nổi điên chắc chắn không phải lỗi của mẹ đã cắt tóc nó. Vốn thằng bé đã gần phát điên rồi. Việc em trai thú nhận với mẹ rằng mình đã giết người chỉ là vấn đề thời gian.

Dù vậy, tôi nghĩ, nếu thêm nửa tháng nữa là tôi về nhà rồi. Đến giờ tôi vẫn không biết cách tiếp cận nào là tốt nhất với đứa em trai ở trong tình trạng như nhật ký mẹ viết. Nhưng nếu có hai người thì chắc sẽ có cách nào đó.

Nếu có hai người… Chẳng lẽ bố tôi không nhận ra gì thật ư? Hay thực ra ông biết trong nhà có sự lạ nhưng lại vờ như không biết.

Nếu mẹ biết tôi có những suy nghĩ thế này thì có lẽ sẽ nổi giận. Còn bố thì giả vờ bị trầm cảm để trốn tránh chuyện ầm ĩ này. Có thể không phải giả vờ mà bị gần như thế thật… Vì sự yếu đuối của em trai là thừa hưởng từ bố.

Lý tưởng của mẹ rốt cuộc cũng chỉ là lý tưởng, gia đình tôi thực sự rất u ám. Nhưng bây giờ nghĩ lại thì gia đình tôi từng là một gia đình bình thường, rất hạnh phúc.

Vụ việc khiến chị gái bị sốc, suýt sẩy thai nên phải nằm viện. Cánh truyền thông mò đến tận bệnh viện để viết bài, không biết cần bao nhiêu thời gian để họ mò ra sự việc em trai đã gây ra ở trường nhỉ. Có lẽ họ đã biết rồi cũng nên.

Không còn thời gian.

Nghe nói em trai nhất định không nói dù bị hỏi.

Những dòng nhật ký mẹ viết vào ngày cuối cùng có được coi là di chúc không nhỉ? Nếu mẹ là người có ý định ra tay trước thì chẳng phải hành vi của em trai có thể coi là tự vệ chính đáng hay sao? Kết hợp với những nhận xét khi đi khám thần kinh thì… sẽ thành vô tội chăng.

Vì chị gái, vì bố, vì bản thân, và vì mẹ, tôi muốn giúp em trai vô tội.

Nhưng phải xác nhận những suy nghĩ thực của em trai đã.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thú Tội Chương 3: Kẻ Nhân Từ

Có thể bạn thích