Cùng Kohler ra khỏi cổng hậu tổ hợp chính của CERN đứng ngắm ánh mặt trời Thuỵ Sĩ ảm đạm, Langdon thấy mình như được về nhà. Cảnh vật trước mắt anh trông giống như khu nội trú Ivy League(1).

Một con dốc phủ đầy cỏ dẫn xuống lối đi rộng phía dưới, nơi những rặng cây maple(2) điểm xuyết bốn góc sân tiếp giáp với khu nhà ở xây bằng gạch và những lối mòn. Những con người trông có vẻ uyên bác, tay ôm hàng chồng sách đang nhộn nhịp ra vào toà nhà như góp phần làm tăng không khí của một trường đại học, hai nhân vật tóc dài ăn mặc kiểu hippy ném dĩa Frisbee(3) qua lại cho nhau trong khi đang thường thức bản Giao hưởng số bốn của Mahler phát ra từ cửa sổ khu nội trú.

Đây là khu nhà ở của chúng tôi, – Kohler giải thích khi ông ta tăng tốc xe lăn tiến xuống đường mòn về phía toà nhà. – Chúng tôi có trên 3000 nhà vật lý học ở đây. Chỉ riêng CERN đã thu nạp hơn một nữa số nhà vật lí hạt cơ bản trên thế giới – những bộ óc thông minh nhất – người Đức, người Nhật, người Ý và Hà Lan. Các nhà vật lí này đại diện cho hơn 500 trường đại học và 60 quốc gia trên thế giới.

Langdon ngạc nhiên.

Họ làm thế nào để giao tiếp được với nhau?

Dĩ nhiên là họ dùng tiếng Anh. Đó là ngôn ngữ toàn cầu của khoa học.

Langdon luôn nghe thấy người ta nói rằng Toán học mới là ngôn ngữ toàn cầu của khoa học, nhưng anh quá mệt mỏi nên không muốn tranh luận. Anh ngoan ngoãn đi theo Kohler xuống dưới đường.

Đi được nửa đường, họ gặp một thanh niên chạy bộ qua. Trên áo phông của anh ta có dòng chữ: KHÔNG GUT, KHÔNG VINH QUANG! Langdon nhìn anh ta ngạc nhiên:

Gut là gì?

Thuyết thống nhất chung, Kohler châm biếm – Học thuyết về vạn vật.

Tôi hiểu, – Langdon nói nhưng chẳng chú ý gì cả.

Ông có biết vật lí hạt cơ bản(4) không, ông Langdon?

Tôi biết vật lí học đại cương – cơ thể rơi tự do, đại loại như thế. – Những năm tháng kinh nghiệm của môn nhảy cầu đã làm anh lưu tâm đặc biệt tới sức mạnh kinh ngạc của gia tốc rơi tự do. – Nghiên cứu vật lí hạt nguyên tử, đúng thế không?
Kohler lắc đầu:

Nguyên tử giống như các hành tinh nếu so với những gì chúng tôi nghiên cứu. Mối quan tâm của chúng tôi là hạt nhân nguyên tử kia – chỉ bằng một phần trăm kích cỡ của nguyên tử. – Ông ta lại ho, vẻ rất ốm yếu – Tất cả mọi người ở CERN đều đang tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi chung mà nhân loại đặt ra từ thuở sơ khai. Chúng ta xuất hiện từ đâu? Được tạo thành từ vật chất nào?

Và những câu trả lời này nằm trong phòng thí nghiệm vật lí?

Ông có vẻ ngạc nhiên.

Đúng thế. Những câu hỏi này dường như mang nặng chất tâm linh.

Ông Langdon, tất cả những câu hỏi này đã từng liên quan đến lĩnh vực tâm linh. Ngay từ thuở xa xưa, tôn giáo đã cùng nhau lấp chỗ trống mà khoa học chưa khám phá nổi. Việc mặt trời mọc và lặn cũng được gán cho thần Helios và cỗ chiến xa lửa thần kỳ. Động đất và sóng thần là do sự nổi giận của thần Poseidon. Khoa học ngày nay chứng minh rằng những vị thần này chỉ là hình mẫu giả tưởng. Sắp tới tất cả những vị thần sẽ được minh chứng là hình mẫu giả tưởng. Khoa học ngày nay đã giải đáp gần hết mọi câu hỏi của con người. Chỉ còn vài câu hỏi nữa và chúng là những câu bí truyền. Loài người xuất hiện từ đâu? Chúng ta đang làm gì ở đây? Ý nghĩa của cuộc sống và vũ trụ là gì?

Langdon ngạc nhiên:

Và đây là những câu hỏi mà CERN đang cố giải quyết?

Sửa một chút. Đây là những câu hỏi mà chúng tôi đang tìm kiếm câu trả lời. Langdon im lặng khi có hai người đàn ông đi lướt qua sân khu nhà ở. Langdon và Kohler đang đi thì một chiếc đĩa bay qua đầu và rơi ngay trước mặt họ. Kohler bỏ qua và đi tiếp.

Một giọng nói cất lên từ trong sân “S il vous plalt!”(5)

Langdon nhìn quanh. Một người đàn ông luống tuổi tóc bạc mặc chiếc áo thể thao có in chữ College Paris trên ông tay đang vẫy anh. Langdon nhặt chiếc đĩa và ném lại cho ông ta một cách thành thạo. Ông già đó giơ một ngón tay chụp lấy và tung lên vài lần trước khi ném qua vai cho người bạn cùng chơi.

Cám ơn! -Ông ta gọi với theo Langdon.

Xin chúc mừng, – Kohler nói khi thấy anh bắt trúng cái đĩa. -Ông vừa chơi ném đĩa với một người từng giành giải Nobel, Georges Charpark đấy, người phát minh ra buồng tỉ lệ đa dây (Multi-vice Propotional Chamber).

Langdon gật đầu. Một ngày may mắn.

Phải mất ba phút nữa Langdon và Kohler mới đến đích, đó là một khu nhà lớn, gọn gàng và sạch sẽ nằm giữa rừng dương. So với những khu khác, toà nhà này có vẻ sang trọng hơn. Tấm biển khắc đá phía trước đề dòng chữ NHÀ C.

Một cái tên mang đầy tính tưởng tượng, Langdon nghĩ.

Mặc cho cái tên khô khan, toà nhà C thu hút sự chú ý của Langdon bởi lối kiến trúc rất bảo thủ và vững chắc, với mặt tiền màu gạch đỏ, hàng lan can trang trí và hàng rào chạm trổ cân xứng. Khi hai người đàn ông tiến xuống con đường đá dẫn đến lối vào họ băng qua cánh cổng được tạo bởi hai cột đá cẩm thạch. Ai đó đã dán một mẩu giấy nhắn trên một trong hai chiếc cột.

ĐÂY LÀ CỘT IONIC(6)

Dòng chữ nghịch ngợm của các nhà vật lí? Langdon trầm ngâm, mắt dán vào cột và tự mỉm cười một mình. “Tôi thở phào khi thấy chính những nhà vật lí lỗi lạc cũng mắc lỗi.

Kohler nhìn sang:

Ý ông là gì?

Người viết dòng chữ này mắc một sai lầm. Đó không phải là cột Ionic. Các cột Ionic đều có chiều rộng thống nhất. Cái kia có hình tháp nhọn: Nó được gọi là Doric – một bản sao của người Hy Lạp, rất nhiều người lầm lẫn kiểu này.

Kohler không buồn mỉm cười.

Tác giả câu này muốn đùa một chút, ông Langdon ạ. Ionic có nghĩa hàm chứa i-ôn – các hạt tích điện. Đa số các vật thể đều chứa hạt này.

Langdon nhìn lại cây cột đó và rên lên.

Khi bước ra khỏi thang máy lên tầng trên cùng của toà nhà C, Langdon cảm thấy vốn kiến thức của mình thật ít ỏi. Anh theo Kohler đến một dãy hành lang được trang hoàng rất công phu. Lối trang trí tuyệt vời theo kiểu thuộc địa truyền thống của Pháp đi văng màu mận chín, lọ hoa bằng sứ, đồ gỗ chạm trồ.

Chúng tôi muốn cuộc sống của các nhà khoa học nơi đây phải thật thoải mái. – Kohler giải thích.

Rõ rồi, Langdon thầm nghĩ. Anh hỏi.

Vậy người đàn ông trong tờ fax cũng sống ở đây à? Có phải là một trong những nhân viên cấp cao của các ông không?

Gần như vậy! – Kohler nói – Sáng nay ông ta bỏ lỡ một cuộc họp với tôi và không trả lời máy nhắn tin. Tôi lên đây để tìm và phát hiện ông ta đã chết trong phòng khách.

Langdon cảm thấy một luồng khí lạnh chạy qua khi biết rằng mình sắp nhìn thấy một xác chết. Anh chưa bao giờ gặp phải tình huống này. Hồi còn là sinh viên nghệ thuật, anh đã thấy nôn nao khi nghe giáo viên kể rằng Leonardo Da Vinci có được kinh nghiệm về giải phẫu cơ thể người là do đi khai quật những xác chết và mổ xẻ các cơ trên người họ.

Kohler dẫn đường đi tới cuối góc hành lang. Chỉ có một cánh cửa.

Nhớ thông tầng, như chính các ông gọi. – Kohler tuyên bố, rồi thấm nhẹ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán.

Langdon đưa mắt dọc tấm biển trên cánh cửa gỗ sồi trước mặt. Trên tấm biển viết:

LEONARDO VETRA

Leonardo Vetra, – Kohler nói – Tuần sau ông ta sẽ tròn năm 58 tuổi, ông ta là một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất của thời đại này. Cái chết của ông ấy là một mất mát lớn cho khoa học.

Trong chốc lát, Langdon cảm nhận được sự xúc động trên khuôn mặt cứng đờ của Kohler. Nhưng cảm xúc đó ngay lập tức tan biến. Kohler lần túi và lôi ra một chùm chìa khoá to.

Langdon chợt thấy lạ lùng. Toà nhà này dường như rất vắng vẻ.

Mọi người đâu rồ? – anh hỏi. Nơi đây vắng bóng các hoạt động mà anh thường nghĩ đến khi họ sắp bước vào hiện trường một vụ giết người.

Những cư dân ở đây đang trong phòng thí nghiệm, – Kohler đáp tay vẫn mải tìm chìa khoá.

Ý tôi là cảnh sát kia, – Langdon nói lại cho rõ. – Họ đã rời khỏi dây rồi à?

Đang tra dở khoá vào ổ, Kohler lập tức ngừng lại:

– Cảnh sát?

Langdon nhìn thẳng vào mắt vị giám đốc:

Cảnh sát chứ sao.

Ông gửi cho tôi một tờ fax về vụ giết người. Hẳn ông đã phải gọi cảnh sát rồi chứ?

Không thể được.

Cái gì?

Đôi mắt màu xám của Kohler quắc lên:

Tình hình rất phức tạp ông Langdon ạ. Langdon cảm thấy e ngại;

Nhưng… thể nào chả có người biết chuyện này rồi!

Có. Con gái nuôi của Leonardo. Cô ấy cũng là nhà nghiên cứu vật lí của CERN. Hai cha con cô ấy cùng làm chung trong một phòng thí nghiệm. Họ là đồng nghiệp của nhau. Tuần này cô Vetra đi nghiên cứu thực nghiệm. Tôi đã thông báo về cái chết của cha cô ấy và trong khi chúng ta nói chuyện ở đây, cô ấy đang trên đường trở về.

Nhưng có một người bị giết…

Một cuộc điều tra chính thức, sẽ được tiến hành. – Kohler nói, giọng chắc nịch. – Tất nhiên, chắc chắn người ta sẽ tiến hành khám xét phòng thí nghiệm của Vetra, nơi hai cha con họ muốn giữ bí mật. Vì vậy chúng ta phải đợi đến khi cô Vetra trở về. Tôi cho là cần phải thận trọng một chút.

Kohler xoay chìa khoá.

Cánh cửa mở ra, một luồng khí lạnh từ trong phòng phả thẳng vào mặt Langdon. Anh hoang mang lùi lại, nhìn qua ngưỡng cửa của một thế giới xa lạ. Căn hộ trước mặt anh chìm trong màn sương mù màu trắng dầy đặc. Làn khói màu trắng đục bao phủ căn phòng và cuộn xoáy xung quanh đồ đạc.

Cái gì thế này? – Langdon lắp bắp.

Hệ thống làm lạnh freon, – Kohler đáp. – Tôi phải giữ lạnh căn phòng để bảo quản xác.

Langdon cài nút áo khoác vải tuýt để đỡ lạnh. Mình lạc vào xứ sở Oz(7) anh nghĩ. Lại còn quên không mang theo đôi dép thần kỳ.

Chú thích:

(1) Ivy League: Nhóm 8 trường Đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, trong đó có Harvard.

(2) Maple: Cây thích (biểu tượng của Canada).

(3) Frisbee: Một trò chơi ném đĩa phố biến của trẻ em Mỹ

(4) Vật lý hạt (particle physics): Là một ngành của vật lý, nghiên cứu về các hạt sơ cấp chứa trong vật chất và bức xạ, cùng với những tương tác giữa chúng.

(5) S il vous plait (tiếng Pháp): Làm ơn.

(6) Cột Ionic: cột trụ tròn, thường dùng trang trí ở những nơi quan trọng như đền thờ. Là một trong ba kiểu cột đỡ theo kiến trúc cổ của người Hy Lạp. Hai kiểu cột kinh điển kia là Doric và Corinthian.

(7) Trích dẫn “Phù Thuỷ xứ Oz”, khi Dorothy lạc vào xứ Oz cô bé có một đôi dép thần kỳ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích