Thế giới của Sophie
Chương 4: Huyền Thoại

…một thế quân bình mong manh giữa các lực lượng thiện và ác…

Sáng hôm sau, không có một bức thư nào cho Sophie. Cả một ngày lê thê chán ngắt ở trường. Cô cố tỏ ra thân mật với Joanna. Trên đường về, họ bàn chuyện đi cắm trại ngay khi rừng đủ khô ráo.

Thời gian gần như vô tận cho đến khi Sophie đến được chỗ cái hộp thư. Đầu tiên, cô mở một bức thư gửi từ Mexico. Đó là thư của bố cô. Ông viết về nỗi nhớ nhà và về lần đầu tiên ông đánh cờ thắng sĩ quan chỉ huy. Ngoài ra, ông đã đọc gần xong đống sách ông đã mang theo sau kỳ nghỉ đông.

Và tiếp theo, nó kia rồi - một chiếc phong bì màu nâu với tên cô trên đó! Cất cặp và các lá thư khác vào nhà, Sophie chạy đến chỗ cái hốc. Cô lấy ra những tờ giấy mới đánh máy và bắt đầu đọc:

Bức tranh huyền thoại về thế giới

Chào Sophie! Ta có rất nhiều việc phải làm, vậy hãy bắt đầu ngay không chậm trễ.

Triết học là một lối tư duy hoàn toàn mới, nó được phát triển ở Hy Lạp vào khoảng 600 năm trước Công Nguyên. Cho đến thời điểm đó, nhiều người đã tìm ra lời giải đáp cho tất cả các câu hỏi của mình trong các tôn giáo khác nhau. Những lời giải thích mang màu sắc tôn giáo này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới dạng các huyền thoại. Một huyền thoại là một câu chuyện về các thần thánh, nó được đặt ra để giải thích các hiện tượng trong cuộc sống.

Qua nhiều thiên niên kỷ, trải khắp thế giới là sự nở rộ của những cách giải thích mang tính huyền thoại cho các câu hỏi triết học. Các nhà triết học Hy Lạp đã cố gắng chứng minh rằng các cách giải thích đó không đáng tin cậy.

Để hiểu được lối tư duy của các triết gia tiên khởi, ta phải hiểu một bức tranh huyền thoại về thế giới nghĩa là như thế nào. Ta có thể lấy ngay một vài huyền thoại Na Uy làm ví dụ. (Không cần chở củi về rừng.)

Có lẽ em đã nghe kể về thần Thor và cái búa của ngài. Trước khi Ki Tô giáo đến Na Uy, người ta tin rằng thần Thor thường bay ngang qua bầu trời trên một cỗ xe hai dê kéo. Khi ngài vung búa, nó sẽ tạo ra sấm sét. Từ “sấm” trong tiếng Na Uy - “Thor dØn” - có nghĩa là tiếng gầm của Thor. Trong tiếng Thuỵ Điển, từ “sấm” là “åska”, xưa là “ås-aka”, có nghĩa “chuyến đi của thần thánh” qua thiên đàng.

Khi có sấm chớp thì cũng có mưa - sự sống còn đối với nông dân Viking. Do đó, Thor còn được thờ làm thần của sự phì nhiêu.

Do đó, cách giải thích thần thoại về hiện tượng mưa là khi thần Thor vung búa. Và khi mưa xuống, ngô nảy mầm và đua nhau vươn lên trên các cánh đồng.

Người ta đã không hiểu vì sao cây cối mọc và cho mùa màng. Nhưng rõ ràng, điều đó có liên quan tới mưa. Và khi tất cả đều tin rằng mưa là do thần Thor, ngài trở thành một trong những vị thần quan trọng nhất của Na Uy.

Vai trò quan trọng của thần Thor còn có một lý do liên quan đến trật tự của cả thế giới.

Người Viking cho rằng, thế giới, nơi con người sinh sống giống như một hòn đảo luôn bị đe doạ từ bên ngoài. Họ gọi phần thế giới này là Midgard, có nghĩa là vương quốc ở giữa. Bên trong Midgrad là Asgard - nơi ở của các thần thánh. Bên ngoài Midgrad là vương quốc Utgard, miền đất của những tên khổng lồ xảo trá, chúng dùng mọi thủ đoạn hòng phá huỷ thế giới. Những tên ác quỷ này thường được gọi là “các lực lượng hỗn mang”. Không chỉ trong thần thoại Na Uy mà trong hầu hết các nền văn hoá khác, người ta đều thấy một thế quân bình mong manh giữa các lực lượng thiện và ác.

Một trong những phương cách mà bọn khổng lồ có thể sử dụng để tiêu diệt Midgard đó là bắt cóc Freyja, nữ thần của sự phì nhiêu. Nếu bọn chúng thành công, sẽ không còn thứ gì mọc trên đồng và phụ nữ sẽ không thể sinh con. Vậy nên, giữ chúng trong tầm kiểm soát là nhiệm vụ có vai trò sống còn.

Thor là nhân vật trung tâm của cuộc chiến đấu với bọn khổng lồ. Lưỡi búa của ngài không chỉ để làm mưa; đó còn là một vũ khí quan trọng để chống lại các thế lực hỗn mang nguy hiểm. Nó cho ngài sức mạnh gần như vô hạn. Chẳng hạn, ngài có thể ném nó vào kẻ thù để giết chúng. Và ngài không bao giờ phải lo mất búa vì nó luôn luôn quay lại, y như một cái boomerang.

Đó là một lời giải thích mang tính thần thoại về chuyện sự cân bằng thiên nhiên đã được gìn giữ như thế nào và tại sao lại có cuộc đấu tranh không ngừng giữa thiện và ác. Và đây chính là kiểu giải thích mà các nhà triết học bác bỏ.

Nhưng đó không chỉ là lời giải thích đơn thuần.

Con người không thể ngồi khoanh tay đợi các vị thần can thiệp khi thiên tai như hạn hán, dịch bệnh hoành hành. Họ phải tự hành động trong cuộc đấu tranh chống cái ác. Họ làm việc đó bằng cách tổ chức các nghi lễ tôn giáo đa dạng.

Nghi lễ tôn giáo nổi bật nhất ở Bắc Âu thời cổ là lễ dâng cúng. Dâng cúng cho một vị thần làm tăng sức mạnh của vị thần đó. Chẳng hạn, con người đã phài dâng cúng các thần để mang lại cho họ sức mạnh chiến thắng các lực lượng hỗn mang. Hình thức dâng cúng cho thần có thể là hiến sinh một con vật. Đồ cúng thần Thor thường là một con dê. Với thần Odin, có khi phải dùng con người làm vật hiến sinh.

Huyền thoại nổi tiếng nhất ở các nước vùng Bắc Âu bắt nguồn từ bài thơ cổ kiểu Iceland “Bài thơ về Thrym”. Huyền thoại kể về thần Thor. Một lần khi ngủ dậy, thần phát hiện ra mình đã mất búa, thần bực tức đến nỗi hai bàn tay run bần bật, và bộ râu cũng rung lên. Thần cùng người giúp việc Loki đi gặp Freyja hỏi mượn đôi cánh để bay đến xứ Jotunheim, xứ sở của bọn khổng lồ, để tìm hiểu xem có phải chúng đã lấy trộm chiếc búa.

Tại Jotunheim, Loki gặp Thrym, vua của bọn khổng lồ. Hắn khoe đã giấu cây búa sâu bảy dặm dưới lòng đất. Hắn còn nói thêm rằng Thor sẽ không lấy lại được cây búa chừng nào hắn chưa cưới được Freyja làm vợ.

Em có tưởng tượng được không, Sophie? Bỗng nhiên, các thần thiện thấy mình ở giữa một vụ bắt cóc con tin. Bọn khổng lồ đã đoạt được vũ khí phòng thủ sống còn của các thần. Đây là một tình thế hoàn toàn không thể chấp nhận được. Một khi bọn khổng lồ còn giữ chiếc búa của Thor, chúng còn kiểm soát toàn bộ thế giới của thần và người. Để đổi lấy cây búa, chúng đòi Freyja. Nhưng điều này cũng không thể chấp nhận được. Nếu các thần phải bỏ nữ thần của mùa màng và sự phì nhiêu - người bảo vệ sự sống - thì cỏ sẽ biến mất trên các cánh đồng và tất cả các thần và con người sẽ chết. Tình thế bế tắc.

Câu chuyện tiếp tục với việc Loki quay về Asgard bảo Freyja mặc trang phục cô dâu vì nàng sẽ phải cưới vua khổng lồ. Freyja giận dữ nói rằng nếu nàng bằng lòng lấy một tên khổng lồ, mọi người sẽ nghĩ rằng nàng mắc bệnh cuồng dâm.

Khi đó, thần Heimdall nghĩ ra một cách. Thần gợi ý Thor cải trang thành cô dâu. Với mái tóc quấn lên và hai hòn đá độn dưới ngực áo, trông thần sẽ giống một phụ nữ. Có thể đoán là Thor không thích thú ý tưởng này lắm, nhưng thần hiểu đây là cách duy nhất để đoạt lại cây búa.

Vậy là Thor để mọi người trang điểm cho mình thành cô dâu và Loki thành nàng hầu.

Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Thor và Loki là “đội đặc nhiệm chống khủng bố” của các vị thần. Cải trang thành phụ nữ, nhiệm vụ của họ là thâm nhập pháo đài của bọn khổng lồ để đoạt lại cây búa của thần Thor.

Khi các vị thần đến Jotunheim, bọn khổng lồ bắt đầu chuẩn bị một bữa tiệc cưới lớn. Nhưng trong bữa tiệc, cô dâu Thor chén hết cả một con bò và tám con cá hồi. Thần còn uống hết ba thùng bia. Thrym rất đỗi kinh ngạc. “Đội đặc nhiệm” suýt bị lộ mặt. Nhưng Loki đã đẩy lùi mối nguy hiểm bằng cách giải thích rằng cô dâu đã mong được đến Jotunheim đến nỗi nàng đã không ăn uống gì trong suốt một tuần liền.

Khi Thrym vén tấm voan cưới để hôn cô dâu, hắn giật mình nhìn thấy đôi mắt rực lửa của Thor. Một lần nữa, Loki cứu vãn tình hình bằng cách giải thích rằng cô dâu đã thức suốt một tuần do quá hồi hộp vì đám cưới. Yên tâm , Thrym ra lệnh đem cây búa đến đặt trong phòng cô dâu khi cử hành hôn lễ.

Thần Thor cười phá lên khi nhận được cây búa. Trước hết, thần giết Thrym, sau đó thần quét sạch bọn khổng lồ và họ hàng của chúng. Thế là vụ con tin ghê gớm đã kết thúc tốt đẹp. Thor - Ngươi Dơi, hay điệp viên 007 của các vị thần - lại một lần nữa chiến thắng cái ác.

Kể chuyện thần thoại thế là đủ. Nhưng ý nghĩa thực sự đằng sau đó là gì? Huyền thoại được xây dựng không chỉ để giải trí. Huyền thoại còn cố gắng giải thích điều gì đó. Đây là một lời giải thích có thể chấp nhận được.

Khi hạn hán xảy ra, con người tìm cách giải thích tại sao trời không mưa. Có phải là do bọn khổng lồ đánh cắp cây búa của thần Thor?

Có lẽ huyền thoại là một cố gắng giải thích sự thay đổi của các mùa trong năm: mùa đông, thiên nhiên chết vì cây búa của thần Thor đang ở Jotunheim. Nhưng đến mùa xuân, thần giành lại được cây búa. Vậy huyền thoại cố gắng đưa ra sự giải thích cho một điều gì đó mà con ngừơi chưa thể hiểu.

Nhưng huyền thoại không chỉ là một lời giải thích. Người ta còn tổ chức các nghi lễ tôn giáo liên quan đến các huyền thoại. Ta có thể hình dung khi gặp hạn hán hoặc mất mùa, người ta sẽ diễn lại một vở kịch về các sự kiện trong huyền thoại. Có thể một anh trai làng sẽ mặc trang phục cô dâu - với hai hòn đá độn ngực - để chiếm lại cây búa từ tay bọn khổng lồ. Làm như vậy, người ta cho rằng mình đã làm được gì đó giúp đem mưa đến cho mùa màng trên đồng.

Ở nhiều nơi khác trên thế giới, có rất nhiều ví dụ về cách con người kịch hóa huyền thoại về các mùa để thúc giục các quá trình của tự nhiên.

Chúng ta chỉ mới nhìn qua thế giới huyền thoại Bắc Âu cổ. Có vô số huyền thoại về các thần Thor và Odin, Freyr và Freyja, Hoder và Balder cùng nhiều vị thần khác. Các khái niệm thần thoại kiểu này đã phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới cho đến khi các nhà triết học bắt đầu can thiệp. Một bức tranh thần thoại về thế giới cũng đã tồn tại ở Hy Lạp khi lý luận triết học đầu tiên đang được phát triển. Suốt nhiều thế kỷ, các câu chuyện về các vị thần Hy Lạp đã được truyền từ đời này sang đời khác. Ở Hy Lạp, các vị thần được gọi là Zeus và Apollon, Hera và Athene, Dionysos và Asclepios, Heracles và Hephaestos. Đấy mới chỉ là kể qua một vài vị thần.

Khoảng năm 700 trước Công nguyên, phần lớn thần thoại Hy Lạp được Homer và Hesiod chép lại. Việc này đã tạo ra một tình thế mới. Khi các huyền thoại tồn tại dưới dạng văn viết, thì người ta có thể thảo luận về chúng.

Các triết gia đầu tiên của Hy Lạp đã chỉ trích các truyền thuyết của Homer vì các thần quá giống người thường, họ cũng ích kỷ và mưu mô không kém. Lần đầu tiên, huyền thoại được xem là không phải là gì khác ngoài các khái niệm của chính con người.

Triết gia Xenophanes, người sống vào khoảng năm 570 trước Công nguyên, là một đại diện của quan điểm này. Ông nói, con người đã tạo nên các thần theo hình ảnh của chính mình. Họ tin rằng các thần đã được sinh ra, họ có cơ thể, quần áo, ngôn ngữ như chúng ta vậy. Người Ethiopia tin rằng các vị thần da đen và mũi tẹt, dân xứ Thrace lại tưởng tượng các vị thần mắt xanh tóc vàng. Nếu bò, ngựa, và sư tử biết vẽ, hẳn chúng cũng sẽ vẽ thần thánh trông giống bò, ngựa, và sư tử!

Thời đó, Hy Lạp thành lập nhiều thành bang ở cả Hy Lạp và các nước thuộc địa của Hy Lạp tại miền nam Italia và vùng Tiểu Á, nơi mọi công việc chân tay đều dành cho nô lệ, còn các công dân được tự do dành trọn thời gian cho chính trị và văn hóa.

Trong các môi trường thành thị này, người ta bắt đầu suy nghĩ theo một cách hoàn toàn mới. Với danh nghĩa cá nhân, mỗi công dân đều có quyền đặt câu hỏi về việc xã hội nên được tổ chức như thế nào. Do đó, mọi cá nhân đều có quyền đặt ra các câu hỏi triết học mà không viện dẫn tới các huyền thoại cổ.

Ta gọi đây là sự phát triển từ kiểu tư duy huyền bí thành lối tư duy dựa vào kinh nghiệm và lý luận. Mục đích của các nhà triết học Hy Lạp tiên khởi là tìm ra lời giải thích tự nhiên, thay vì siêu nhiên, cho các quá trình của thiên nhiên.

Sophie ra khỏi cái hốc và đi lang thang trong khu vườn rộng. Cô cố gắng quên những gì đã học ở trường, đặc biệt trong các giờ khoa học.

Nếu cô lớn lên trong khu vườn này mà không biết tí gì về thiên nhiên, cô sẽ cảm nhận như thế nào về mùa xuân?

Liệu cô có cố tìm ra một cách nào đó để giải thích tại sao thỉnh thoảng trời bất chợt mưa? Liệu cô có nghĩ ra một câu chuyện tưởng tượng nào đó để giải thích chuyện tuyết trốn đi đâu và tại sao mặt trời mọc mỗi buổi sáng?

Có, chắc chắn là có. Cô bắt đầu bịa ra một câu chuyện:

Mùa đông giữ mặt đất trong bàn tay băng giá vì tên Muriat xấu xa đã nhốt nàng công chúa Sikita xinh đẹp trong ngục tối lạnh lẽo. Một buổi sáng, chàng hoàng tử Bravato dũng cảm đến cứu công chúa. Sikita hạnh phúc đến nỗi nàng nhảy múa trên đồng cỏ, hát một bài ca mà nàng đã sáng tác trong ngục tối. Mặt đất và cây cỏ cảm động đến nỗi tuyết biến thành những giọt nước mắt. Rồi mặt trời lên và làm khô nước mắt. Chim chóc bắt chước bài hát của Sikita. Và khi nàng công chúa xinh đẹp xõa suối tóc vàng, một vài lọn tóc rơi xuống đất và biến thành những bông hoa ly trên đồng...

Sophie rất thích câu chuyện đẹp của mình. Nếu cô chưa biết các cách giải thích khác về sự chuyển đổi của các mùa, chắc hẳn cuối cùng cô sẽ tin vào câu chuyện của chính mình.

Cô hiểu rằng con người đã luôn cảm thấy một nhu cầu giải thích các quá trình của thiên nhiên. Có lẽ họ không thể sống mà không có những lời giải thích đó. Vì vậy, họ đã tạo ra các huyền thoại vào cái thời mà chưa có cái gọi là khoa học.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thế giới của Sophie Chương 4: Huyền Thoại

Có thể bạn thích