Thế giới của Sophie
Chương 30: Marx

…một bóng ma đang ám ảnh châu Âu…

Hilde ra khỏi giường và đến bên cửa sổ trông ra vịnh. Hôm thứ bảy, cô đã đọc đến đoạn sinh nhật lần thứ mười lăm của Sophie. Ngày hôm trước chính là sinh nhật của Hilde.

Nếu bố cô tưởng rằng hôm qua cô mới đọc đến đoạn ngày sinh của Sophie thì ông không được thực tế cho lắm. Cả ngày cô chẳng làm gì ngoại trừ việc đọc. Nhưng ông vẫn đúng khi bảo rằng sẽ chỉ còn một lời chúc sinh nhật nữa. Đó là khi Alberto và Sophie cùng hát bài Happy Birthday để chúc mừng cô. Xấu hổ thật Hilde thầm nghĩ.

Và bây giờ Sophie đang mời mọi người đến một bữa tiệc triết học trong vườn tổ chức vào đúng cái ngày bố cô sẽ từ Lebanon về đến nhà. Hilde tin chắc hôm đó sẽ có chuyện gì đó xãy ra mà cả cô và bố cô đều chưa biết chắc được.

Nhưng có một điều chắc chắn : trước khi bố về đến nhà, bố sẽ bị một quả sợ. Đó là điều tối thiểu cô có thể làm cho Sophie và Alberto, đặc biệt là sau khi họ đã kêu gọi cô giúp đỡ…

Mẹ cô vẫn ở dưới nhà thuyền. Hilde chạy xuống chỗ để điện thoại ở Copenhagen của Anne và Ole, cô gọi cho họ.

“ Anne Kvamsdal nghe ạ. ”

“ Chào chị em là Hilde đây ạ.”

“A, chào em. Mọi chuyện ở Lillesand dạo này thế nào?”

“Ổn cả chị ạ, em đang nghỉ hè mà. Còn tuần tới bố em sẽ từ Lebanon về.”

“Tuyệt quá còn gì!”

“Vâng, em rất mong bố về. Em gọi điện cho chị cũng vì chuyện ấy.”

“Thế à.”

“Hình như bố em sẽ xuống sân bay Kastrup khoảng 5 giờ chiều thứ bảy ngày 23. Lúc đó chị có ở Copenhagen không?”

“Tất nhiên là được rồi, chuyện gì vậy?”

“Chuyện này rất đặc biệt, em cũng không biết có được không nữa.”

“Em đang làm chị tò mò quá đấy!”

Hilde bắt đầu mô tả kế hoạch. Cô kể cho Anne nghe về cái cặp giấy, về Sophie và Alberto và những chuyện khác. Cô phải ngừng vài lần vì hai chị em buồn cười quá. Nhưng khi Hilde gác máy là lúc kế hoạch cô bắt đầu được thực thi.

Bây giờ cô sẽ bắt đầu phải chuẩn bị một số thứ, nhưng còn nhiều thời gian.

Hilde dành phần còn lại của buổi chiều và cả buổi tối ở bên mẹ. Họ lái xe đi Kristiansand chơi và xem phim. Hai mẹ con cảm thấy cần phải bù lại vì hôm trước họ chưa làm gì đặc biệt cả. Khi đi ngang qua lối ra sân bay Kjevik, một vài mẫu của trò xếp hình lớn mà Hilde đang chơi đã rơi vào đúng chỗ.

Đêm đó, cô lên giường khi đã muộn, nhưng cô lấy chiếc cặp giấy và đọc tiếp.

Khi Sophie lách qua hàng dậu để vào vườn thì đã gần tám giờ. Cô xuất hiện khi mẹ đang nhặt cỏ dại trên luống hoa trước cửa.

“Con nảy từ đâu ra thế?”

“Con chui qua hàng dậu về. ”

“ Qua hàng dậu ? ”

“ Mẹ không biết có đường xuyên qua ạ ? ”

“ Nhưng con ở đâu về, Sophie ? Đây là lần thứ hai con biến mất mà chẳng nhắn câu nào. ”

“ Con xin lỗi mẹ. Hôm nay đẹp trời nên con đi dạo hơi xa. ”

Mẹ cô đứng dậy nhìn cô nghiêm khắc.

“ Không phải con lại đi với ông triết học kia đấy chứ ? ”

“ Đúng là con có đi với ông ấy. Con đã kể với mẹ là ông ấy thích đi dạo mà. ”

“ Ông ta sẽ đến dự bữa tiệc trong vườn chứ ? ”

“ Ồ vâng, ông ấy rất mong đến buổi tiệc. ”

“ Mẹ cũng vậy. Mẹ đang mong đến từng ngày. ”

Có vẻ mẹ đang bực. Để an toàn Sophie nói :

“ May mà con đã mời cả bố mẹ Joanna, nếu không thì sẽ hơi khó xử.”

“Mẹ không rõ…nhưng gì thì gì, mẹ cũng sẽ phải nói chuyện nghiêm túc với cái ông Alberto này.”

“Mẹ có thể dùng phòng con nếu mẹ muốn. Con đảm bảo là mẹ sẽ quý ông ấy.”

“Còn một chuyện khác. Con có một bức thư.”

“Thế ạ?”

“Thư đóng dấu Tiểu Đoàn Liên hợp quốc.”

“Chắc là của em trai Alberto.”

“ Chuyện này phải chấm dứt thôi, Sophie ! ”

Sophie cuống cuồng nghĩ. Trong nháy mắt cô tìm được một câu trả lời có vẻ hợp lý. Như thể cô được vị thần hướng đạo nào đó gợi ý.

“ Con kể với Alberto là con sưu tầm các dấu bưu điện hiếm. Có anh em cũng có ích lợi đấy chứ. ”

Mẹ cô có vẻ yên tâm lại.

“ Bữa tối trong tủ lạnh ấy.” Bà ta nói với giọng hơi dịu lại.

“Lá thư ở đâu ạ?”

“Trên nóc tủ lạnh.”

Sophie ào vào nhà. Phong bì đóng dấu ngày 15 tháng sáu năm 1990. Cô bóc thư và lấy ra một mảnh giấy nhỏ :

Để làm gì, đời nhọc nhằn sáng tạo vĩnh hằng

Chẳng mấy nỗi đời tàn trong quên lãng

Quả thực là Sophie không trả lời được câu hỏi đó. Trước khi ăn cô cất mảnh giấy vào ngăn tủ cùng với những thứ cô đã thu thập được từ mấy tuần trước. Chẳng bao lâu cô sẽ biết được tại sao lại hỏi câu đó.

Sáng hôm sau, Joanna đến chơi. Sau một ván cầu lông, hai cô bé bắt đầu bàn kế hoạch cho một bữa tiệc triết học. Họ cần dành sẵn một chút bất ngờ để phòng những trường hợp mọi người bắt đầu cảm thấy buồn tẻ.

Khi mẹ Sophie đi làm về, hai cô vẫn chưa bàn tính xong. Mẹ Sophie nhắc đi nhắc lại : “ đừng lo tốn tiền ”. Và bà không hề châm chọc.

Có lẽ bà đang nghĩ rằng một “ bữa tiệc triết học ” chính là đều cần thiết để đưa Sophie về lại thực tại sau nhiều tuần cô tập trung học triết.

Đến cuối buổi chiều, họ đã thống nhất được mọi chuyện, từ những chiếc đèn lồng bằng giấy cho đến một câu đố triết học có thưởng. Giải thưởng sẽ là một cuốn sách triết học dành cho tuổi trẻ là hay nhất. Nếu như có một thứ như vậy ! Sophie không chắc chắn về điều này tí nào.

Hai ngày trước lễ hội Mùa Hè, thứ năm 21 tháng sáu, Alberto lại gọi điện cho Sophie “ Sophie đang nghe ạ. ”

“ Tôi là Alberto đây ”

“ Ồ em chào thầy. Thầy khoẻ không ạ ? ”

“ Thật sự rất khoẻ, cảm ơn em. Tôi nghĩ là tôi đã tìm được một cách tuyệt vời để trốn thoát. ”

“ Trốn khỏi cái gì ạ ? ”

“ Em biết rồi đấy. Thoát khỏi sự giam cầm tinh thần mà chúng ta đang sống từ quá lâu rồi. ”

“ À ra thế. ”

“ Nhưng không thể nói một từ nào về kế hoạch trước khi nó được bắt đầu. ”

“ Như thế không phải sẽ quá muộn ạ ? Em cần biết em liên quan đến chuyện gì chứ. ”

“ Em đang ngây thơ quá đấy. Mọi cuộc trao đổi của chúng ta đều bị nghe trộm. Điều khôn ngoan nhất bây giờ là không nói gì cả. ”

“ Tình thế xấu đến thế cơ à ? ”

“ Chuyện nó như vậy mà, bé. Những việc quan trọng nhất, quan trọng nhất phải xảy ra khi chúng ta không nói. ”

“ Ồ ”

“ Ta đang sống trong một thực tại hư cấu đằng sau những từ ngữ của một câu chuyện dài. Từng chữ cái đang được ông thiếu tá gõ lên một chiếc máy chữ xách tay cũ kỹ. Do vậy, không có gì in ra mà lại thoát được sự chú ý của ông ta. ”

“ Em hiểu ra rồi. Nhưng chúng ta làm cách nào trốn khỏi ông ấy được. ”

“ Suỵt ! ”

“ Cái gì ạ ? ”

“ Còn có cái gì nằm giữa dòng chữ nữa. Đó chính là nơi mà chúng ta đang cố xoay xở khéo léo với mọi mánh khoé mà tôi biết. ”

“ Ra là vậy. ”

“ Nhưng ta phải tận dụng tối đa thời gian của hôm nay và ngày mai. Thứ bảy này, quả bóng sẽ bay. Em có thể đến chỗ tôi ngay bây giờ không ? ”

“ Em đi ngay đây. ”

Sophie cho chim và cá ăn, rồi lấy một lá xà lách to cho Govina. Trước khi ra khỏi nhà, cô mở một hộp thức ăn mèo và trút vào một cái bát đặt trên bậc thềm cho Shekeran.

Rồi cô chui qua hàng giậu ra con đường ở phía ngoài nhà. Đi được một lát cô chợt thấy một cái bàn rộng đặt giữa đám cây thạch nam. Ngồi bên bàn là một người đàn ông đứng tuổi, ông ta có vẻ đang tính toán với các con số. Sophie đến gần và hỏi tên ông.

“ Ebenezer Scrooge. ”, ông ta trả lời rồi lại miệt mài với cuốn sổ cái.

“ Tên cháu là Sophie. Chắc ông là một nhà doanh nghiệp ạ ? ”

Người đàn ông gật đầu. “ Và ta giàu kếch xù. Không được phí phạm một xu nào. Thế nên ta phải tập trung vào khoản mục kế toán của ta. ”

“ Phiền nhỉ. ”

Sophie vẫy tay chào rồi đi tiếp. Nhưng chưa được bao xa thì cô nhìn thấy một cô bé ngồi một mình dưới gốc cây cao. Cô bé ăn mặc rách rưới, da dẻ xanh xao và ốm yếu. Khi Sophie đi ngang qua, cô bé thục tay vào túi và rút ra một bao diêm.

“ Chị mua diêm nhé ? ” Cô bé mời, chìa bao diêm về phía Sophie, Sophie sờ túi xem cô có mang theo đồng nào không. Có cô tìm thấy một cu-ron.

“ Bao nhiêu một bao ? ”

“ Một cu-ron ”.

Sophie đưa đồng xu cho cô bé và đứng đó, tay cầm bao diêm.

“ Hàng trăm năm nay rồi chị là người đầu tiên mua diêm của em. Có lúc em bị chết vì đói, khi khác thì vì băng giá. ”

Sophie thầm nghĩ có lẽ chẳng đáng ngạc nhiên nếu việc kinh doanh diêm không phát đạt lắm ở trong rừng. Nhưng rồi cô nhớ ra nhà doanh nghiệp mà cô vừa gặp trên đường. Không có lí gì mà cô bé phải chết đói trong khi ông ta lại giàu có đến như vậy.

“ Đi với chị. ” Sophie nói.

Cô nắm tay cô bé bán diêm và dẫn cố bé quay lại chỗ người đàn ông giàu có.

“ Ông phải xem thế nào để cô bé này có một cuộc sống tốt hơn. ”cô nói.

Người đàn ông ngẩng lên từ đống giấy tờ và nói : “ Chuyện đó tốn tiền, và tôi đã nói rồi, một xu cũng không được bỏ phí. ”

“ Nhưng thật không công bằng khi ông thì giàu thế còn cô bé này lại nghèo thế. ” Sophie khăng khăng “ Như thế là bất công ! ”

“ Vớ vẩn! lắm chuyện ! Công bằng chỉ tồn tại giữa những người bình đẳng. ”

“ Ông nói thế nghĩa là sao ? ”

“ Tôi gây dựng cơ đồ này bằng sức mình, và công sức tôi được đền đáp xứng đáng. Người ta gọi đó là phát triển.”

“Nếu ông không giúp cháu; cháu sẽ chết,” cô bé khốn khổ nói.

Nhà doanh nghiệp lại ngẩng đầu lên từ cuốn sổ. Rồi ông quẳng chiếc bút lông ngỗng xuống bàn một cách sốt ruột.

“Mày không có con số nào trong sổ kế toán của tao. Vậy thì cút! Cút về nhà tế bần!”

“Nếu ông không giúp tôi; tôi sẽ đốt rừng,” cô bé nói.

Người đàn ông đứng bật dậy, nhưng cô bé đã đánh một que diêm. Cô dí que diêm cháy vào một cụm cỏ khô và nó bắt lửa ngay lập tức.

Người đàn ông vung tay lên trời, miệng hét: Xin Chúa cứu con! Con gà đỏ đã gáy rồi!

Cô bé nhìn người đàn ông và cười tinh nghịch.

“Ông biết tôi là một người cộng sản rồi chứ?”

“Một phút sau, cô bé, nhà doanh nghiệp và cái bàn đã biến mất. Sophie còn lại một mình trong khi ngọn lửa đang nhanh chóng nuốt dần cụm cỏ khô. Cô phải mất một lúc mới dập được đám lửa bằng cách dẫn chân lên nó.

Ơn trời! Sophie nhìn xuống đám cỏ đen xì. Cô đang cầm trong tay một bao diêm.

Không lẽ chính cô đã châm lửa?

Khi gặp Alberto ngoài cửa căn nhà nhỏ, cô đã kể cho ông về những chuyện vừa xảy ra.

“Scrooge là một gã tư sản keo kiệt trong tác phẩn Bài hát mừng Giáng Sinh của Charles Dickens. Em chắc còn nhớ cô bé bán diêm trong truyện cổ tích của Hans Christian Andersen.”

“Em không nghĩ là lại gặp họ trong rừng.”

“Sao lại không? Đây đâu phải một khu rừng bình thường, và chúng ta lại sắp nói về Karl Marx. Em vừa chứng kiến một ví dụ về những cuộc đấu tranh giai cấp dữ dội vào giữa thế kỷ XIX, hợp lý quá còn gì. Nhưng ta hãy vào trong. Ở đó, ta sẽ được bảo vệ đôi chút khỏi sự quấy rầy của ông thiếu tá.”

Họ lại ngồi bên chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ trông ra hồ. Sophie vẫn còn nhớ rõ cô đã cảm nhận về cái hồ như thế nào sau khi uống cái chai màu xanh.

Hôm nay, hai cái chai nhỏ được đặt trên bệ lò sưởi. Trên bàn có một mô hình đền thờ Hy Lạp nhỏ.

“Cái gì đấy ạ?” Sophie hỏi.

“Đâu sẽ có đó, Sophie thân mến.”

Alberto bắt đầu: “Khi Kierkegaard đến Berlin vào năm 1841, có thể ông đã ngồi cạnh Marx trong lớp học của Schelling. Kerkegaard hoàn thành luận văn thạc sĩ về Socrates. Cùng thời gian đó, Marx đã viết luận án tiến sĩ về Democritus và Epicurus - nói cách khác, về chủ nghĩa duy vật thời cổ đại. Như vậy, cả hai đã định được hướng đi cho triết học của mình.”

“Có phải Kierkagaard đã trở thành một nhà triết học hiện sinh, còn Marx là nhà duy vật?”

“Marx đã trở thành một nhà duy vật lịch sử. Nhưng ta sẽ quay lại chuyện đó sau.”

“Thầy nói tiếp đi vậy.”

“Mỗi người theo cách của riêng mình, cả Kierkegaard và Marx đều đã lấy triết học của Hegel làm xuất phát điểm. Cùng chịu ảnh hưởng của lối tư duy Hegel, nhưng cả hai đều phủ nhận 'tinh thần thế giới' hay chủ nghĩa duy tâm của ông.”

“Có lẽ vì đối với họ nó quá viển vông.”

“Chính xác! Nói chung, ta thường nói rằng thời kỳ của ”những hệ thống triết học lớn đã kết thúc tại Hegel. Sau ông, triết học chuyển sang một hướng mới. Thay cho những hệ thống lớn mang tính suy đoán, ta có cái gọi là triết học hiện sinh, hay triết học của hành động. Đó là những gì Marx muốn nói khi ông quan sát thấy rằng, cho đến giờ 'các nhà triết học chỉ giải thích thế giới theo nhiều cách khác nhau; vấn đề quan trọng là thay đổi nó.' Những lời này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử triết học.”

“Sau khi gặp Scrooge và cô bé bán diêm thì em thấy Marx rất dễ hiểu.”

“Các tư tưởng của Marx có mục đích thực tiễn, hay nói cách khác là chính trị. Ông không chỉ là một triết gia, ông còn lạ một nhà sử học, nhà xã hội học và nhà kinh tế học.”

“Và ông đã là người đi tiên phong trong tất cả các lĩnh vực đó ạ?”

“Chắc chắn chưa có nhà triết học nào có vai trò quan trọng hơn ông trong ngành chính trị học thực tiễn. Tuy nhiên, ta phải cẩn trọng trong việc đồng nhất những gì tự xưng là chủ nghĩa Marx và các tư tưởng của chính Marx. Người ta nói rằng, đến tận giữa những năm 1840, Marx mới trở thành người theo chủ nghĩa Marx, nhưng ngay cả sau đó, đôi khi ông cảm thấy cần phải khẳng định rằng ông không phải là người theo chủ nghĩa Marx.”

“Jesus có theo đạo Ki Tô không ạ?”

“Đấy tất nhiên cũng là điều đáng tranh cãi.”

“Rồi sao nữa ạ?”

“Ngay từ đầu, Friedrich Engel, người bạn và người đồng nghiệp của ông đã đóng góp cho cái mà sau này được gọi là chủ nghĩa Marx. Trong thế kỷ của chúng ta, Lenin, Stalin, Mao và nhiều người khác cũng góp phần của mình cho chủ nghĩa Marx, hay là chủ nghĩa Marx-Lennin”

“Theo em thì chúng ta chỉ nên tập trung vào Marx thôi. Thầy vừa bảo rằng ông ta là một nhà duy vật lịch sử phải không ạ?”

“Ông không phải là một nhà duy vật triết học như các triết gia theo thuyết nguyên tử cổ đại, ông cũng không ủng hộ chủ nghĩa duy vật cơ giới của các thế kỷ XVII và XVIII. Nhưng ông cho rằng chính các yếu tố vật chất trong xã hội xác định cách tư duy của ta. Những yếu tố vật chất với bản chất đó chắc chắn đã có vai trò quyết định đối với sự phát triển của lịch sử.”

“Điều này rất khác tinh thần thế giới của Hegel.”

“Hegel đã chỉ ra rằng sự phát triển của lịch sử được định hướng bởi sự căng thẳng giữa các mặt đối lập - cái mà sau đó được giải toả bằng một thay đổi bất ngờ. Marx đã phát triển tư tưởng này xa hơn nữa. Nhưng theo Marx, Hegel đã lộn đầu xuống đất mà chổng chân lên trời.”

“Hy vọng không phải lúc nào cũng như vậy.”

“Hegel gọi lực đẩy lịch sử lên phía trước là tinh thần thế giới hay lý tính thế giới. Marx cho rằng, điều này bị lộn ngược. Ông muốn chứng minh rằng chính các thay đổi về vật chất gây ảnh hưởng lên lịch sử. 'Các quan hệ tinh thần' không tạo ra các thay đổi về vật chất, điều ngược lại mới đúng. Các thay đổi vật chất tạo ra các quan hệ tinh thần mới. Marx đặc biệt nhấn mạnh rằng chính các lực lượng kinh tế trong xã hội đã tạo ra thay đổi và nhờ đó đẩy lịch sử lên phía trước.”

“Thầy có ví dụ nào không ạ?”

“Triết học và khoa học cổ đại có mục tiêu thuần tuý lý thuyết. Không ai đặc biệt quan tâm đến việc đưa các phát kiến mới vào thực tiễn.”

“Không ạ?”

“Đó là do cách tổ chức đời sống kinh tế của cộng đồng. Sản xuất dựa chủ yếu vào lao động nô lệ. Do đó, các công dân không có nhu cầu tăng năng suất bằng các cải tiến thực tiễn. Đó là một ví dụ về ảnh hưởng của các quan hệ vật chất đối với các suy tưởng triết học.”

“Vâng, em hiểu rồi.”

“Marx gọi các mối quan hệ vật chất, kinh tế, xã hội này là cơ sở hạ tầng của xã hội. Cách tư duy của xã hội, các thể chế chính trị, hệ thống luật pháp và không kém phần quan trọng là tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật và khoa học, Marx gọi là kiến trúc thượng tầng của xã hội.”

“Vâng, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.”

“Còn bây giờ em hãy đưa cho tôi cái đền thờ Hy Lạp.”

Sophie làm theo.

“Đây là mô hình của đền Parthenon trên đỉnh Acropolis. Em cũng đã nhìn tận mắt.”

“Nghĩa là đã xem trong băng video.”

“Em có thể thấy rằng công trình này có mái đền rất thanh nhã và tinh tế. Có lẽ mái đền với cái trán tường là những gì đập vào mắt ta trước nhất. Đó là cái mà ta gọi là kiến trúc thượng tầng.”

“Nhưng nó không thể lơ lửng trong không khí.”

“Nó được hàng cột chống đỡ.”

“Ngôi đền có nền móng rất vững chãi chống đỡ toàn bộ công trình. Cũng như vậy, Marx tin rằng các quan hệ vật chất nâng đỡ toàn bộ những gì thuộc về tư tưởng và quan niệm trong xã hội. Kiến trúc thượng tầng của một xã hội thực ra là một phản ánh của các nền tảng của xã hội đó.”

“Có phải ý thầy là thuyết ý niệm của Plato là một phản ánh của ngành sản xuất đồ gốm và trồng nho?”

“Không, không đơn giản như vậy, theo như cách Marx đã chỉ ra một cách rõ ràng. Đó là hiệu ứng tương tác của các nền tảng của xã hội đối với kiến trúc thượng tầng của nó. Nếu Marx phủ nhận tương tác này thì ông đã là một nhà duy vật cơ giới. Nhưng vì Marx đã nhận ra rằng có một mối quan hệ tương tác và biện chứng giữa các cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, ta nói rằng ông là một nhà duy vật biện chứng. Nhân tiện, nói để em biết, Plato không phải thợ gốm, cũng chẳng phải người trồng nho.”

“Thôi được. Thầy còn nói gì thêm về cái đền nữa không ạ?”

“Có, còn một chút nữa. Em thử miêu tả nền móng của ngôi đền xem.”

“Những cột chống đặt trên một cái nền gồm ba mức - hoặc ba bậc.”

“Cũng như vậy, ta sẽ gọi tên ba mức hoặc ba tầng của các cơ sở hạ tầng xã hội. Tầng cơ bản nhất là cái mà ta có thể gọi là điều kiện sản xuất của xã hội. Nói cách khác là điều kiện tự nhiên hoặc tài nguyên thiên nhiên của xã hội. Chúng là nền tảng của bất cứ xã hội nào, và nền tảng này quyết định thể loại sản xuất trong xã hội, đồng thời quyết định bản chất và văn hoá của xã hội nói chung.”

“Người ta không thể đánh cá trích trên sa mạc Sahara hay trồng chà là ở miền bắc Na Uy được.”

“Đúng đấy. Và tư duy của những người thuộc văn hoá du mục rất khác với cách suy nghĩ của dân làng đánh cá ở miền Bắc Na Uy. Tầng tiếp theo là tư liệu sản xuất của xã hội. Ở đây, Marx muốn nói đến mọi loại thiết bị, công cụ, máy móc, cũng như các vật liệu thô được tìm thấy trong xã hội đó.”

“Ngày xưa, người ta chèo thuyền ra bãi cá. Bây giờ người ta dùng tàu lớn với lưới rà để đánh cá.”

“Đúng vậy. Và em vừa nói về tầng tiếp theo trong cơ sở hạ tầng của xã hội, đó là những người sở hữu các tư liệu sản xuất. Sự phân công lao động, hay sự phân bố công việc và sở hữu, đó là cái mà Marx gọi là các quan hệ sản xuất của xã hội”

“À.”

“Như vậy, ta có thể kết luận rằng chính phương thức sản xuất trong một xã hội quyết định các điều kiện về chính trị và tư tưởng trong xã hội đó. Không phải ngẫu nhiên mà ngày nay cách tư duy và các quy tắc đạo đức của chúng ta có phần nào khác với thời phong kiến cổ xưa.”

“Như vậy Marx không tin vào một lẽ phải của tự nhiên vĩnh cửu?”

“Không. Theo Marx, vấn đề cái gì đúng đắn về mặt đạo đức là một sản phẩm của cơ sở hạ tầng của xã hội. Ví dụ, không phải ngẫu nhiên mà trong xã hội nông dân ngày trước, cha mẹ là người chọn vợ chồng cho con cái mình. Đó là vấn đề ai sẽ thừa kế trang trại. Trong một thành phố hiện đại, các quan hệ xã hội không giống như vậy. Ngày nay, người ta có thể gặp người chồng hoặc vợ tương lai của mình tại một buổi tiệc hay một sàn nhảy, và nếu yêu nhau đủ nhiều, người ta sẽ tìm một nơi nào đó để sống chung.”

“Em không bao giờ có thể chịu được chuyện bố mẹ quyết định xem em sẽ cưới ai.”

“Đó là vì em là một đứa con của thời đại của em. Hơn nữa, Marx nhấn mạnh rằng gần như giai cấp thống trị xã hội chính là những người đặt ra các quy tắc về đúng và sai. Bởi vì 'lịch sử của mọi xã hội từ trước đến nay là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp.' Nói cách khác, lịch sử chủ yếu là vấn đề ai là người sở hữu các tư liệu sản xuất.”

“Các tư tưởng và ý kiến của nhân dân không đóng góp vào việc thay đổi lịch sử ạ?”

“Có và không. Marx hiểu rằng các điều kiện trong kiến trúc thượng tầng của xã hội có thể có một ảnh hưởng qua lại đối với hạ tầng cơ sở của xã hội, nhưng ông phủ nhận rằng kiến trúc thượng tầng có chút lịch sử độc lập nào của riêng nó. Cái đã đưa lịch sử phát triển từ xã hội nô lệ thời Cổ Đại tới xã hội công nghiệp ngày nay về căn bản được quyết định bởi các thay đổi trong hạ tầng cơ sở của xã hội.”

“Thấy đã nói vậy rồi.”

“Marx tin rằng trong mọi thời kỳ của lịch sử đều đã có một sự mâu thuẫn giữa hai giai cấp có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Xã hội nô lệ thời Cổ đại có sự mâu thuẫn giữa công dân tự do và nô lệ. Xã hội phong kiến thời Trung Cổ có mâu thuẫn giữa chủ đất và nông nô; và sau đó là giữa quý tộc và một dân chúng. Còn tại thời của Marx, trong cái mà ông gọi là một xã hội tư sản hoặc xã hội tư bản chủ nghĩa, mâu thuẫn lớn nhất là giữa các nhà tư bản và công nhân hay giữa những người vô sản. Như vậy, mâu thuẫn nằm giữa những người sở hữu tư liệu sản xuất và những người không sở hữu. Và do 'giai cấp trên' không tự nguyện từ bỏ quyền lực của họ nên thay đổi chỉ có thể xảy ra bằng cách mạng.”

“Thế còn một xã hội cộng sản chủ nghĩa thì sao ạ?”

“Marx đặc biệt quan tâm đến sự chuyển dịch từ một xã hội tư bản đến một xã hội cộng sản. Ông còn thực hiện một phân tích chi tiết về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nhưng trước khi xem xét vấn đề đó, ta phải nói một chút về quan niệm của Marx về lao động của con người.”

“Thầy nói đi ạ.”

“Trước khi trở thành một người cộng sản, anh thanh niên Marx đã quan tâm nghiên cứu những gì xảy ra với một người khi người đó làm việc. Đây là điều mà Hegel cũng đã phân tích. Hegel tin rằng có một mối quan hệ tương hỗ hoặc biện chứng giữa con người và thiên nhiên. Khi con người biến đổi thiên nhiên, chính anh ta cũng bị thay đổi. Hay nói một cách hơi khác, khi con người làm việc, anh ta tương tác với thiên nhiên và biến đổi nó. Nhưng trong quá trình đó, thiên nhiên cũng tương tác với con người và biến đổi ý thức của anh ta.”

“Nói cho tôi biết anh làm gì, và tôi sẽ nói anh là ai.”

“Đó chính là diễn đạt ngắn gọn về quan điểm của Marx. Cách ta làm việc có ảnh hưởng tới ý thức của ta, nhưng ý thức của ta cũng ảnh hưởng đến cách ta làm việc. Em có thể nói đó là mối quan hệ tương hỗ giữa đôi tay và ý thức. Do đó, cách tư duy của em có quan hệ chặt chẽ với công việc em làm.”

“Thế thì khi bị thất nghiệp chắc phải chán nản lắm.”

“Đúng vậy. Theo một nghĩa nào đó, người thất nghiệp là người trống rỗng. Hegel đã nhận thấy điều này từ trước đó. Đối với cả Hegel và Marx, công việc là một điều tích cực và nó có quan hệ chặt chẽ với bản chất cốt lõi của loài người.”

“Vậy thì làm công nhân cũng phải là một điều tốt chứ ạ?”

“Ừ, ban đầu là như vậy. Nhưng đây chính là nơi Marx chĩa mũi dùi phê phán phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.”

“Như thế nào ạ?”

“Dưới hệ thống tư bản chủ nghĩa, người công nhân làm việc cho người khác. Do vậy, lao động của anh ta là cái gì đó ngoại lai đối với anh ta - hay cái gì đó không thuộc về anh ta. Người công nhân trở nên xa lạ đối với công việc của mình và từ đó cũng trở nên xa lạ với chính mình. Anh ta đánh mất liên hệ với thực tại của chính mình. Bằng một lối diễn đạt của Hegel, Marx nói rằng người công nhân trở nên bị lạc lõng.”

“Em có một người cô đã làm việc trong nhà máy, cô ấy đóng gói kẹo hơn 20 năm liền. Nên em thấy những gì thầy đang nói rất dễ hiểu. Cô ấy bảo rằng sáng nào cô cũng ghét đi làm.”

“Nhưng Sphie à, nếu cô ấy ghét công việc của mình, theo một nghĩa nào đó, cô ấy chắc phải ghét cả chính mình.”

“Chắc chắn là cô ấy ghét kẹo.”

“Trong một xã hội tư bản chủ nghĩa, lao động được tổ chức sao cho thực ra công nhân làm nô lệ cho một giai cấp xã hội khác. Như vậy, công nhân chuyển giao lao động của mình - và cùng với nó là cả cuộc đời mình - cho giai cấp tư sản.”

“Có tệ hại đến thế thật không ạ?”

“Ta đang nói về Marx, và do đó ta phải lấy xuất phát điểm từ các điều kiện xã hội của những năm giữa thế kỷ trước. Cho nên câu trả lời phải là một tiếng 'đúng' vang rền. Công nhân có thể phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày trong một nhà xưởng giá lạnh. Tiền công thường rẻ mạt đến mức cả trẻ em và phụ nữ có thai cũng phải đi làm. Điều đó dẫn tới tình trạng xã hội tồi tệ hết chỗ nói. Ở nhiều nơi, một phần tiền công được trả bằng những thứ rượu rẻ tiền và phụ nữ phải kiếm thêm tiền bằng mãi dâm. Khách hàng của họ là những công dân được kính trọng trong thành phố. Ngắn gọn, chính trong tình huống mà đáng ra phải được đứng trên bục danh dự lớn nhất của loài người, người công nhân đã bị biến thành thân trâu ngựa.”

“Thật đáng phẫn nộ!”

“Điều đó cũng làm Marx phẫn nộ. Và trong khi tình trạng đó diễn ra, con cái của giai cấp tư sản chơi vĩ cầm trong những căn phòng rộng rãi, ấm áp sau khi được tắm táp cho sảng khoái. Hay chúng ngồi bên đàn dương cầm trong khi đợi một bữa tối bốn món thịnh soạn. Đàn vĩ cầm và dương cầm cũng có thể là một thú tiêu khiển sau một cuộc cưỡi ngựa dài.”

“Hừm! Thật bất công!”

“Marx chắc hẳn cũng đồng tình. Cùng với Engels, năm 1848, ông đã xuất bản Tuyên ngôn Cộng sản. Câu đầu tiên trong bản tuyên ngôn này viết rằng: Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu - bóng ma của chủ nghĩa Cộng sản.”

“Nghe sợ nhỉ.”

“Nó cũng làm giai cấp tư sản hoảng sợ. Bởi vì giờ đây, giai cấp vô sản đang bắt đầu nổi dậy. Em có muốn nghe bản Tuyên ngôn kết thúc như thế nào không?”

“Có ạ.”

“Những người Cộng sản không thèm che giấu quan điểm và ý định của họ. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Hãy để các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc cách mạng Cộng sản chủ nghĩa. Những người vô sản không có gì để mất ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ có thể giành được cả thế giới. Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”

“Nếu tình trạng xã hội tồi tệ như thầy vừa kể, em chắc cũng ký vào bản Tuyên ngôn đó. Nhưng tình hình bây giờ chắc chắn đã khác nhiều phải không ạ?”

“Ở Na Uy thì đúng như vậy, nhưng không phải ở đâu cũng thế. Nhiều người vẫn phải sống trong những điều kiện phi nhân tính trong khi họ tiếp tục sản xuất các loại hàng hoá làm cho các nhà tư bản ngày càng giầu có hơn. Marx gọi đó là sự bóc lột.”

“Thầy có thể giải thích từ đó được không ạ?”

“Nếu một người công nhân sản xuất một sản phẩm, sản phẩm này có một giá trị trao đổi nhất định.”

“Vâng.”

“Nếu giờ ta lấy giá trị trao đổi trừ đi tiền công cho công nhân và các chi phí sản xuất khác, ta luôn có một số tiền nào đó còn dư lại. Marx gọi số tiền này là giá trị thặng dư hay lợi nhuận. Nói cách khác, nhà tư bản đút túi một giá trị mà thực ra do người công nhân tạo ra. Đó là ý nghĩa của bóc lột.”

“À ra thế.”

“Như vậy, nhà tư bản đầu tư một phần lợi nhuận của công ty vào tư bản mới, chẳng hạn để hiện đại hoá quy trình sản xuất với hy vọng sản xuất hàng hoá với chi phí ít hơn và nhờ đó tăng lợi nhuận trong tương lai.”

“Nghe có vẻ hợp logic.”

“Đúng vậy, nó có vẻ hợp lý. Nhưng trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, với thời gian, mọi chuyện sẽ không diễn ra như nhà tư bản hình dung.”

“Thế nghĩa là sao ạ?”

“Marx tin rằng có nhiều mâu thuẫn cố hữu trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế tự huỷ diệt vì nó thiếu một sự kiểm soát hợp lý.”

“Điều đó tốt cho những người bị áp bức đấy chứ?”

“Đúng vậy. Chủ nghĩa tư bản có đặc điểm cố hữu là nó đang tiến dần về sự diệt vong của chính mình. Theo một nghĩa nào đó, chủ nghĩa tư bản có tính tiến bộ vì nó là một giai đoạn trên đường tới chủ nghĩa cộng sản.”

“Thầy có thể ví dụ về tính chất tự diệt vong của chủ nghĩa tư bản được không ạ?”

“Ta đã nói rằng nhà tư bản có một lượng tiền thặng dư lớn, và ông ta sử dụng một phần của số tiền này để hiện đại hoá nhà máy. Nhưng ông ta còn tiêu tiền cho các bài học vĩ cầm. Hơn nữa, vợ ông ta đã trở nên quen với cách sống xa hoa.”

“Không nghi ngờ gì.”

“Ông ta mua máy móc mới và không còn cần nhiều công nhân như trước. Ông ta làm việc này để tăng sức cạnh tranh.”

“Em hiểu.”

“Nhưng ông ta không phải là người duy nhất suy nghĩ theo kiểu này. Có nghĩa là toàn bộ nền sản xuất liên tục được cải tiến để ngày càng hiệu quả hơn. Các nhà máy ngày càng lớn hơn trong khi số công nhân ngày càng ít hơn. Chuyện gì sẽ xảy ra, Sophie?”

“Ờ...”

“Cần ngày càng ít công nhân, có nghĩa là ngày càng có nhiều người thất nghiệp. Do đó, các vấn đề xã hội cũng tăng lên, và các cuộc khủng hoảng như vậy là dấu hiệu của việc chủ nghĩa tư bản còn có các yếu tố tự huỷ diệt khác. Mỗi khi lợi nhuận phải được gắn chặt với tư liệu sản xuất nhưng không tạo ra được một giá trị thặng dư đủ lớn để giữ cho sản xuất tiếp tục có giá cạnh tranh...”

“Vâng?”

“...khi đó, nhà tư bản sẽ làm gì? Em có thể cho tôi biết không?”

“Không, em chịu.”

“Hãy tưởng tượng em là chủ một nhà máy. Em không thể cân đối thu chi. Em không thể mua nguyên liệu thô để duy trì sản xuất. Em đang đối mặt với phá sản. Câu hỏi của tôi là em có thể làm gì để tiết kiệm tiền?”

“Có lẽ em sẽ giảm lương công nhân.”

“Thông minh đấy! Đúng, đó thật sự là điều khôn khéo nhất mà em có thể làm. Nhưng nếu nhà tư bản nào cũng khôn khéo như em - tất cả bọn họ đều như vậy - thì công nhân sẽ nghèo đến mức họ không thể mua hàng được nữa. Ta có thể nói rằng sức mua giảm sút. Và bây giờ ta thật sự nằm trong cái vòng luẩn quẩn khắc nghiệt. Hồi chuông báo tử cho tài sản tư bản đã rung, Marx chắc sẽ nói như vậy. Chúng ta đang tiến nhanh tới một tình huống cách mạng.”

“À, ra vậy.”

“Nói ngắn gọn, cuối cùng giai cấp vô sản nổi dậy và chiếm lĩnh các tư liệu sản xuất.”

“Và rồi sao nữa ạ?”

“Trong một thời kỳ, ta có một 'xã hội giai cấp' mới, trong đó những người vô sản chế ngự giai cấp tư sản bằng vũ lực. Marx gọi đây là chế độ chuyên chính vô sản. Nhưng sau một thời kỳ quá độ, sự chuyên chính của giai cấp vô sản sẽ được thay thế bằng một 'xã hội không có giai cấp', trong đó tư liệu sản xuất thuộc sở hữu 'toàn dân' - nghĩa là của chính nhân dân. Chính sách của xã hội này là 'làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu'. Hơn nữa, giờ đây lao động thuộc về chính những người lao động và cảm giác bị lạc lõng của thời kỳ tư bản chủ nghĩa chấm dứt.”

“Nghe tuyệt thật! Nhưng trong thực tế chuyện gì đã xảy ra? Có cuộc cách mạng nào không ạ?”

“Có và không. Ngày nay, các nhà kinh tế học có thể khẳng định rằng Marx đã nhầm tại một số điểm quan trọng, nhất là trong phân tích của ông về các cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Và ông đã quan tâm chưa đủ tới sự phá hoại môi trường tự nhiên mà ngày nay ta đang chứng kiến những hậu quả nghiêm trọng của nó. Tuy nhiên...”

“Tuy nhiên điều gì ạ?”

“Chủ nghĩa Marx đã dẫn tới những biến động lớn. Không nghi ngờ gì, chủ nghĩa xã hội đã thành công lớn trong việc đấu tranh chống lại một xã hội phi nhân tính. Dù sao thì ở châu Âu, ta cũng đang sống trong một xã hội công bằng hơn và đoàn kết hơn thời Marx. Đó có phần không nhỏ là nhờ chính Marx và toàn thể phong trào xã hội chủ nghĩa.”

“Cái gì đã xảy ra ạ?”

“Sau Marx, phong trào xã hội chủ nghĩa chia thành hai nhánh chính, phong trào dân chủ xã hội và chủ nghĩa Lenin. Với chủ nghĩa xã hội, phong trào dân chủ xã hội là phương cách của Tây Âu. Ta có thể gọi đây là cuộc cách mạng chậm. Chủ nghĩa Lenin giữ nguyên niềm tin của Marx rằng cách mạng là cách duy nhất để đấu tranh với xã hội giai cấp cũ. Nhánh này có ảnh hưởng lớn tại Đông Âu, châu Á, và châu Phi. Theo cách của mình, mỗi nhánh đều đấu tranh chống lại điều kiện sống khổ cực và sự áp bức.”

“Nhưng nó không tạo ra một dạng áp bức mới chứ ạ? Ví như tại Nga và Đông Âu?”

“Không nghi ngờ gì về điều đó. Ở đây, lại một lần nữa, ta thấy rằng mọi thứ con người chạm vào đều trở thành một hỗn hợp của thiện và ác. Tuy nhiên, không có lý gì quy tội cho Marx vì những yếu tố tiêu cực của 50 hay 100 năm sau khi ông qua đời tại cái gọi là các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng có lẽ ông đã nghĩ quá ít về những người sẽ trở thành những người điều hành của một 'xã hội cộng sản'. Có lẽ sẽ không bao giờ có một 'vùng đất hữa'. Loài người sẽ luôn tạo ra các vấn đề mới để đấu tranh về nó.”

“Chắc chắn vậy.”

“Và ta sẽ hạ tấm màn về Marx tại đây, Sophie à.”

“Ấy, khoan đã! Có phải thầy đã nói gì đó về chuyện công bằng chỉ tồn tại giữa những người bình đẳng?”

“Không, Scooge đã nói vậy.”

“Sao thầy biết ông ấy đã nói gì?”

“Ôi dào, tôi và em có cùng một ông tác giả. Thực ra, chúng ta gắn bó với nhau chặt chẽ hơn là người thường có thể thấy được.”

“Lại trò châm biếm đáng ghét của thầy!”

“Đúp. Đó là châm biếm đúp, Sophie à.”

“Nhưng quay lại với công bằng. Thầy bảo là Marx cho rằng chủ nghĩa tư bản là một dạng xã hội không công bằng. Thầy định nghĩa như thế nào về một xã hội công bằng?”

“Một nhà triết học đạo đức tên là John Rawls đã thử làm việc đó bằng ví dụ sau đây: Tưởng tượng rằng em là thành viên của một hội đồng đặc biệt có nhiệm vụ đề ra mọi luật lệ cho một xã hội trong tương lai.”

“Em không từ chối vào hội đồng đó đâu.”

“Họ phải xem xét đến từng chi tiết nhỏ một, bởi vì ngay khi họ đạt được một sự thống nhất và khi mọi người đều đã ký xác nhận bộ luật, thì họ sẽ lăn ra chết cả.”

“Ôi!”

“Nhưng họ sẽ lập tức sống lại trong xã hội mà họ đã lập pháp. Có điều, họ sẽ không biết mình sẽ có vị trí nào trong xã hội mới.”

“À, em hiểu rồi.”

“Xã hội đó sẽ là một xã hội công bằng, xã hội của những người bình đẳng.”

“Nam và nữ!”

“Điều đó thì khỏi phải nói. Chẳng ai trong số đó biết mình sẽ tỉnh dậy là nam hay nữ, vì xác suất là 50-50. Cho nên đối với phụ nữ hay nam giới thì xã hội đó đều hấp dẫn y như nhau.”

“Nghe thật hứa hẹn.”

“Vậy hãy nói cho tôi nghe, châu Âu của Karl Marx có phải là một xã hội như thế không?”

“Hoàn toàn không!”

“Nhưng em có biết ngày nay có xã hội nào như thế không?”

“Hừm... đó là một câu hỏi thú vị.”

“Em hãy suy nghĩ về vấn đề đó. Còn bây giờ, không còn thêm điều gì về Marx nữa.”

“Cái gì ạ?”

“Chương tiếp theo!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thế giới của Sophie Chương 30: Marx

Có thể bạn thích