Thế giới của Sophie
Chương 19: Descartes

...ông muốn dọn sạch gạch vụn...

Alberto đứng lên, tháo bỏ chiếc áo choàng đỏ và vắt lên thành ghế. Rồi ông ngồi xuống chỗ cũ ở góc đi văng.

“René Descartes sinh năm 1596. Trong suốt cuộc đời, ông đã sống tại nhiều nước ở Châu Âu. Ngay từ thời trẻ, ông đã có một mong muốn mãnh liệt là đạt được sự thấu hiểu về bản chất của con người và vũ trụ. Nhưng sau khi nghiên cứu triết học, ông trở nên ngày càng tin rằng mình còn biết quá ít.”

“Như Socrates?”

“Đúng vậy, ít nhiều giống ông ấy. Cũng như Socrates, ông tin rằng chỉ có thể thu được tri thức đáng tin cậy qua lý tính. Ta không thể tin vào những gì các quyển sách cũ nói. Ta thậm chí còn không nên tin vào những gì các giác quan của ta mách bảo.”

“Plata cũng nghĩ như vậy. Ông tin rằng chỉ có lý tính mới có thể cho ta tri thức đáng tin cậy.”

“Chính xác. Dòng dõi của Plato và Socrates đã được truyền thẳng qua Augustine xuống cho Descrates. Họ là những nhà duy lý điển hình, những người tin tưởng rằng lý tính là con đường duy nhất dẫn tới tri thức. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, Descrates đi đến kết luận rằng lượng kiến thức truyền lại từ thời Trung Cổ không nhất thiết là đáng tin cậy. Em có thể so sánh ông với Socrates, người đã không tin vào những quan điểm đại chúng mà ông gặp trên quảng trường Athens. Vậy thì khi đó người ta sẽ làm gì, Sophie? Em có thể nói cho tôi không?”

“Người ta bắt đầu xây dựng triết học của chính mình.”

“Tuyệt vời! Descrates quyết định chu du vòng quanh châu Âu, như Socrates đã danh cả đời mình nói chuyện với dân chúng thành Athens. Ông kể rằng, từ đó, ông tập trung vào tìm kiếm sự thông thái mà có thể tìm được hoặc trong chính bản thân hoặc trong ‘cuốn sách vĩ đại nhất thế giới’. Thế là ông gia nhập quân đội và tham gia chiến tranh, nhờ đó ông đã sống nhiều khoảng thời gian tại nhiều vùng khác nhau ở Trung Âu. Sau đó, ông sống vài năm ở Paris, nhưng đến năm 1629, ông đến Hà Lan và ở lại đó trong vòng 20 năm viết các công trình về toán học và triết học.

“Năm 1649, ông được nữ hoàng Christina mời đến Thụy Điển. Nhưng quãng thời gian tạm trú ở nơi mà ông gọi là ‘đất nước của gấu, băng và đá’ đã mang đến một trận viêm phổi và ông qua đời mùa đông năm 1650.”

“Vậy là khi chết ông ấy mới có 54 tuổi.”

“Đúng vậy, nhưng ông có ảnh hưởng rất lớn đối với triết học, ngay cả sau khi đã chết. Người ta có thể nói một cách không quá lời rằng Descrates là cha đẻ của triết học hiện đại. Tiếp sau sự tái phát hiện say sưa về con người và thiên nhiên trong thời Phục Hưng, xuất hiện nhu cầu kết hợp các tư tưởng của thời đại để tạo thành một hệ thống triết học chặt chẽ. Người xây dựng hệ thống quan trọng đầu tiên chính là Descrates. Nối tiếp ông là Spinoza và Leibniz, Locke và Berkeley, Hume và Kant.”

“Hệ thống triết học có nghĩa là gì ạ?”

“Nghĩa là triết học được xây dựng từ dưới nền móng lên, và nó liên quan đến việc tìm kiếm cách giải thích cho mọi câu hỏi trung tâm của triết hoc. Thời Cổ Đại cũng có những nhà xây dựng hệ thống vĩ đại, đó là Plato và Aristotle. Thời Trung Cổ có Thánh Thomas Aquinas, người đã cố gắng xây cầu nối giữa triết học Aristotle và thần học Ki Tô giáo. Tiếp đến là thời Phục Hưng với một mớ hỗn độn các đức tin cũ và mới về thiên nhiên và khoa học, Chúa Trời và con người. Đến tận thế kỷ XVII, các nhà triết học mới thử kết hợp các tư tưởng mới vào thành một hệ thống triết học rõ ràng, và người đầu tiên làm việc đó là Descrates. Công trình của ông là tiên phong của những đề tai quan trọng nhất của triết học trong các thế hệ nối tiếp. Mối quan tâm chủ yếu của ông là những gì ta có thể biết, nói cách khác là tri thức đáng tin cậy. Một câu hỏi lớn khác cũng ám ảnh ông đó là về mối quan hệ giữa thể xác và tâm thức. Cả hai câu hỏi đều là trọng tâm của các lý luận triết học trong vòng 150 năm sau.”

“Ông ta chắc đã đi trước thời đại.”

“À, nhưng câu hỏi đó lại thuộc về thời đại của ông. Khi nói đến việc thu thập tri thức đáng tin cậy, nhiều người cùng thời của ông đã bày tỏ một chủ nghĩa hoài nghi triết học tuyệt đối. Họ cho rằng con người nên chấp nhận rằng mình chẳng biết gì cả. Nhưng Descrates thì không. Nếu làm như vậy, ông đã chẳng trở thành một nhà triết học thực thụ. Ta lại có thể vẽ một đường song song với Socrates, người đã không chấp nhận chủ nghĩa hoài nghi của các Học giả. Và vào thời của Descrates, các ngành khoa học tự nhiên mới đang phát triển một phương pháp cho phép mô tả một cách chính xác và đáng tin cậy các quá trình của thiên nhiên.

“Descrates đã phải tự hỏi có tồn tại hay không một phương pháp chính xác và đáng tin cậy cho tư duy triết học.”

“Em có thể hiểu điều đó”

“Nhưng đó chỉ là một phần. Ngành vật lý mới đã đưa ra câu hỏi về bản chất của vật chất và cái gì quyết định các quá trình vật lý của thiên nhiên. Ngày càng có nhiều người ủng hộ quan niệm cơ giới về thiên nhiên. Nhưng khi thế giới nhìn càng có vẻ cơ giới thì câu hỏi về mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn cang trở nên hối thúc. Cho đến thế kỷ XVII, linh hồn vẫn thường được coi là một loại ‘sinh khí’ tràn ngập mọi sinh vật sống. Trong hầu hết các ngôn ngữ của Châu Âu, nguồn gốc ý nghĩa của các từ ‘linh hồn’ và ‘tinh thần’ thực ra là ‘hơi thở’ và sự ‘hít thở’. Đối với Aristole, linh hồn là cái hiện hữu ở mọi nơi trong cơ thể sống như là ‘nguyên khí’ của cơ thể đó - và do vậy không thể coi là biệt lập với cơ thể. Cho nên, ông có thể nói đến một linh hồn cây, hay một linh hồn thú. Trước thế kỷ XVII, các nhà triết học chưa bao giờ đưa ra được một ranh giới rõ ràng giữa linh hồn và thể xác. Lý do là vì chuyển động của mọi thể vật thể vật chất - trong đó có cơ thể, người hay động vật - được giải thích bằng các quá trình cơ giới. Những linh hồn con người chắc chắn không thể là một phần của cái cớ chế này được. Vậy thì linh hồn là cái gì ? Cần một lời giải thích cho câu hỏi không ít quan trọng: Một thứ thuộc về tinh thần làm thế nào để khởi động được một quá trình cơ giới ?”

“Thật là một ý nghĩ kỳ lạ”

“Kỳ lạ thế nào ?”

“Em quyết định nhấc tay - và thế là cánh tay tự nâng. Hoặc em quyết định chạy theo xe buýt, tích tắc sau chân em đang chuyển động. Hay là em đang nghĩ về một chuyện buồn, rồi em chợt khóc. Vậy, phải có một mối nối bí hiểm nào đó giữa cơ thể và ý thức”.

“Đó chính là vấn đề đã thúc đẩy tư duy của Descartes. Cũng như Plato, ông tin rằng có một ranh giới rõ ràng giữa ‘tinh thần’ và ‘vật chất’. Nhưng về chuyện tâm thức ảnh hưởng lên thể xác như thế nào, Plato không có câu trả lời.”

“Em cũng vậy, và em đang đợi được nghe về lý thuyết của Descartes đây”.

“Ta hãy đi theo dòng lý luận của chính ông”.

Alberto chỉ quyển sách trên bàn.

“Trong phương pháp luận, ông đặt ra câu hỏi về phương pháp mà nhà triết học phải sử dụng để giải quyết các vấn đề triết học. Khoa học đã có phương pháp mới của mình…”

“Thầy đã nói rồi”

“Descartes giữ quan điểm rằng ta không thể chấp nhận bất cứ điều gì là đúng trừ khi chúng ta có thể tri giác nó một cách rõ ràng và xác thực. Để làm được việc này, cần phải chia một vấn đề phức hợp ra thành càng nhiều nhân tố đơn càng tốt. Sau đó, ta có thể xuất phát từ ý niệm đơn giản nhất. Em có thể nói rằng mỗi ý nghĩ đều phải đem ra cân đo đông đếm. Như cách Galileo đã muốn đo cái có thể đo và làm cho cái không thể đo trở nên được đo được. Descartes tin rằng triết học nên đi từ cái đơn giản đến cái phức tạp. Chỉ khi đó mới có thể xây dựng được một sự thấu hiểu mới. Cuối cùng cần phải đảm bảo rằng không cái gì bị bỏ xót bằng cách liên tục liệt kê và kiểm soát. Khi đó một kết luận triết học sẽ nằm trong tầm tay”.

“Nghe cứ như một bài kiểm tra môn toán”.

“Đúng thế, Descartes là một nhà toán học, ông được coi là cha đẻ của môn hình học giải tích và ông đã đóng góp một phần quan trọng cho môn đại số. Descartes đã muốn sử dụng phương pháp toán học ngay cả cho việc tư duy triết học. Ông bắt đầu chứng minh cách chân lý triết học theo cách người ta chứng minh một định lý toán học. Nói cách khác, ông muốn sử dụng chính các công cụ mà người ta dùng cho các con số, đó là lý tính, vì chỉ khi có lý tính mới có thể cho ta sự chắc chắn đáng tin cậy. Không thể dám chắc rằng ta có thể dựa vào các giác quan của mình. Chúng ta đã ghi nhận sự đồng minh của Descartes với Plato, người cũng đã quan sát thấy rằng toán học và tỷ lệ bằng số cho ta thấy độ tin cậy cao hơn những bằng chứng thu thập từ giác quan của ta”.

“Nhưng người ta có thể giải quyết các vấn đề triết học theo cách đó được không ?”

“Ta nên quay lại với lập luận của Descartes. Mục tiêu của ông là đạt được sự xác tính về bản chất của cuộc sống và ông bắt đầu bằng việc khẳng định rằng trước hết người ta phải nghi ngờ tất cả mọi thứ. Ông không muốn xây dựng trên nền cát, em thấy đấy”.

“Em đã diễn đạt rất chuẩn, bé ạ. Bây giờ, Descartes không cho rằng việc nghi ngờ mọi chuyện là hợp lý mà ông cho rằng trên nguyên tắc có thể nghi ngờ mọi thứ. Thí dụ, không thể đảm bảo rằng ta sẽ tiến bộ trong nghiên cứu triết học bằng cách đọc về Plato hay Aristole. Nó có thể làm tăng kiến thức về lịch sử chứ không làm tăng kiến thức về thế giới. Đối với Descartes, điều quan trọng là phải tự thoát khỏi tất cả những thứ được truyền lại, hoặc nhận được, học được trước khi bắt đầu công cuộc xây dựng triết học của chính mình”.

“Ông muốn dọn sạch gạch vụn khỏi mặt bằng trước khi xây ngôi nhà mới…”

“Cảm ơn em. Ông muốn dùng toàn những vật liệu mới để đảm bảo rằng công trình tư tưởng mới của mình sẽ đứng vững. Nhưng những nghi ngờ của Descartes còn đi xa hơn. Ông nói rằng ta thậm chí không thể tin vào những gì các giác quan mách bảo. Có thể chúng ta đang lừa dối ta”.

“Như thế nào ?”

“Khi nằm mơ, ta cảm thấy mình đang chứng kiến thực tại. Cái gì phân biệt giữa các cảm giác khi thức và cảm giác khi đang mơ ?”

“Khi suy xét kỹ càng, tôi không tìm thấy một đặc điểm nào phân biệt rõ ràng giữa trạng thái thức và trạng thái ngủ mơ, Descartes viết. Và ông tiếp tục: ‘Làm sao bạn có thể dám chắc là cả cuộc đời mình không phải là một giấc mơ ?’”

“Jeppe nghĩ mình mơ là đã nằm trên giường lãnh chúa”.

“Và khi anh ta đang nằm trên giường của lãnh chúa, anh ta lại nghĩ cuộc đời tá điền nghèo khổ của mình chỉ là một giấc mơ. Cũng theo cách đó, Descartes đi đến chỗ nghi ngờ mọi thứ. Nhiều nhà triết học trước ông đã đến cuối con đường của mình tại chính chỗ đó”.

“Vậy là họ đã đi không xa”.

“Còn Descartes thì cố gắng tiến lên từ cái mốc số không này. Ông đã nghi ngờ mọi thứ, và đó chính là điều duy nhất mà ông biết chắc. Và giờ ông chợt nhận ra một điều: Có một điều chắc chắn phải đùng và đó chính là: Ông đã nghi ngờ. Khi ông nghi ngờ, ông hẳn đang suy nghĩ, vậy chắc chắn ông là một bản thể tư duy. Hẳn như ông đã tự phát biểu về mình: “Cognito, ergo sum”.

“Nghĩa là cái gì ạ ?”

“Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”.

“Em chẳng ngạc nhiên là ông ta đã nhận ra điều đó”.

“Cũng phải thôi. Nhưng em hãy lưu ý độ xác tinh của trực giác việc ông nhận thức bản thân như là một bản thể tư duy. Có lẽ em còn nhớ Plato đã nói rằng cái mà ta nằm bắt bằng lý tính có thực hơn cái ta nắm bắt được bằng các giác quan. Descartes cũng nghĩ như vậy. Ông không chỉ đang nhận thức được rằng mình là một cái tôi tư duy này có thật hơn là thế giới vật chất mà ta đang tri giác bằng các giác quan. Và ông đi tiếp. Ông còn xa mới hoàn thành nghiên cứu triết học của mình”.

“Tiếp theo là gì ?”

“Bây giờ Descartes tự hỏi liệu có cái gì khác mà ông có thể tri giác được với cùng độ xác tín trực giác đó hay không. Ông đi đến kết luận rằng trong tâm thức mình có một ý niệm rõ ràng và xác thực về một thực thể hoàn hảo. Đó là một ý niệm mà ông luôn luôn có và do đó, Descartes thấy rằng một ý niệm như thế hiển nhiên không thể xuất phát từ bản thân ông. Ông khẳng định rằng ý niệm về một thực thể hoàn hảo không thể xuất phát từ một người mà chính anh ta lại không hoàn hảo. Do vậy, ý niệm về sự hoàn hảo phải xuất phát từ chính thực thể hoàn hảo đó, hay nói cách khác là từ Chúa Trời. Như vậy, đối với Descartes việc Chúa Trời tồn tại cũng hiển nhiên như việc một bản thể tư duy chắc chắn phải tồn tại”.

“Giờ thì ông nhẩy đến kết luận vội thế! Lúc đầu, ông ấy cẩn thận hơn”.

“Em nói đúng. Nhiều người đã gọi đó là điểm yếu của ông. Nhưng em dùng từ ‘kết luận’. Thực ra, đây không phải là một vấn đề chứng minh. Descartes chỉ muốn nói rằng chúng ta ai cũng có ý niệm về một thực thể hoàn hảo và rằng ý niệm đó tự nó đã chứa đựng sự thật rằng thực thể hoàn hảo đó phải tồn tại. Bởi vì một thực thể hoàn hảo sẽ không hoàn hảo nếu nó không tồn tại. Nếu không có một thực thể hoàn hảo thì ta đã chẳng có ý niệm về nó. Vì chúng ta không hoàn hảo, nên ý niệm về sự hoàn hảo không thể xuất phát từ chúng ta. Theo Descartes, ý niệm về Chúa Trời là bẩm sinh, nó được đóng triện lên chúng ta từ khi sinh ra ‘như một nghệ nhân thủ công đóng dấu lên sản phẩm của mình’”.

“Vâng, nhưng chuyện em có ý niệm về một con cá sấu voi không có nghĩa là con cá sấu voi đó tồn tại”.

“Descartes chắc chắn sẽ nói rằng sự tồn tại của con cá sấu voi không phải cái gì đó vốn có trong khái niệm về cá sấu voi. Tuy nhiên, sự tồn tại của một thực thể hoàn hảo lại vốn dĩ được hàm chứa trong khái niệm về nó. Theo Descartes, điều này cũng chắc chắn y như trong ý niệm về một đường tròn đã có sẵn tính chất rằng các điểm trên đường tròn phải có khoảng cách tới tâm bằng nhau. Em không thể có một đường tròn không tuân theo qui tắc đó. Em cũng không thể có một thực thể hoàn hảo mà lại thiếu một tính quan trọng nhất là sự tồn tại”.

“Một lối tư duy kỳ quặc”.

“Đó chính là kiểu suy nghĩ duy lý, cũng như Socrates và Plato, Descartes tin rằng có một mối nối giữa lý tính và sinh vật sống. Một vật càng hiển nhiên đối với lý tính của một người thì càng chắc chắn là nó tồn tại”.

“Như vậy là ông ta đã tiến xa đến kết luận rằng ông là một con người tư duy và rằng tồn tại là một thực thể hoàn hảo”.

“Đúng vậy và từ xuất phát điểm này, ông đi tiếp. Đối với câu hỏi về tất cả các ý niệm của ta về thực tại bên ngoài - chẳng hạn, mặt trời và mặt trăng - có khả năng chúng chỉ là tưởng tượng. Nhưng thực tại bên ngoài còn có những tính chất nhất định mà chúng ta có thể nhận thức bằng lý tính. Đó là các tính chất toán học, hay nói cách khác là những thứ có thể đo được, chẳng hạn chiều rộng, chiều dài và độ sâu. Những tính chất ‘định lượng’ này cũng rõ ràng và xác thực đối với lý tính của ta như thực tế rằng tôi đã tư duy do đó tôi tồn tại. Mặt khác, các tính chất ‘định tính’, chẳng hạn màu sắc, mùi vị, có liên quan đến tri giác, giác quan và do đó không miêu tả sự thực bên ngoài”.

“Vậy rốt cuộc thì thiên nhiên không phải là một giấc mơ”.

“Đúng vậy và đến đây, một lần nữa Descartes viện đến ý niệm của ta về thực thể hoàn hảo. Khi lý tính của ta tri giác được một cái gì đó rõ ràng và xác thực- như trường hợp các tính chất toán học của thực tại bên ngoài - cái đó nhất thiết phải như thế. Bởi vì một vị Chúa Trời hoàn hảo sẽ không lừa dối chúng ta. Descartes tuyên bố rằng Chúa đảm bảo rằng bất cứ điều gì ta nhận thức được bằng lý tính đều tương ứng với thực tại”.

“Thôi được rồi, vậy là ông ta đã phát hiện mình là một bản thể tư duy, Chúa Trời tồn tại và có thực tại bên ngoài”.

“À, nhưng thực tại bên ngoài rất khác biệt với thực tại của tư duy. Bây giờ Descartes khẳng định rằng có hai hình thức khác nhau của thực tại - hoặc hai ‘chất’. Một chất là tư duy hay ‘tâm thức’, chất kia là phần mở rộng hay vật chất. Tâm thức là thuần túy ý thức, nó không chiếm chỗ trong không gian và do đó không thể chia thành các phần nhỏ hơn. Còn vật chất là phần mở rộng thuần túy, nó chiếm chỗ trong không gian nên luôn luôn có thể được chia nhỏ hơn, nhưng nó không có ý thức. Descartes còn khẳng định rằng cả hai chất đều bắt nguồn từ Chúa Trời, vì chỉ có chính bản thân Chúa tồn tại độc lập với bât cứ thứ gì khác. Nhưng mặc dù cả tư duy và vật chất đều bắt nguồn từ Chúa, hai chất này lại không có mối liên hệ gì với nhau. Tư duy khá độc lập với vật chất và ngược lại, các quá trình vật chất cũng khá độc lập với tư duy”.

“Vậy là ông ta chia đôi sự sáng tạo của Chúa ?”

“Chính xác. Ta nói rằng Descartes là một người theo thuyết nhị nguyên, có nghĩa rằng ông ta đưa ra một ranh giới rõ ràng giữa thực tại tư duy và thực tại mở rộng. Ví dụ, chỉ có con người mới có tâm thức, động vật hoàn toàn thuộc về thực tại mở rộng. Quá trình sống và chuyển động của chúng được thực hiện một cách hoàn toàn máy móc. Descartes coi một con vật như là một cái máy tự động phức tạp. Đối với thực tại mở rộng, ông hoàn toàn đống ý với thế giới cơ giới - hệt như các nhà duy vật”.

“Em rất nghi ngờ chuyện Hermes chỉ là một cái máy. Chắc Descartes không thích động vật lắm. Thế còn chúng ta thì sao ? Chúng ta cũng là những cái máy chắc ?”

“Có và không. Descartes đi đến kết luận rằng con người là những sinh vật kép vừa tư duy chiếm chỗ trong không gian. Như vậy con người có cả một tâm thức và một thể xác mở rộng. Augustine và Thomas Aquinas đã nói những điều tương tự, đó là con người có một cơ thể như động vật và một linh hồn như các thiên thần. Theo Descartes, có thể con người là một cái máy hoàn hảo. Nhưng con người còn có một tâm thức hoạt động khá độc lập với thể xác. Các quá trình trong cơ thể không có được sự tự do đó, chúng tuân theo các luật lệ riêng. Nhưng những điều ta suy nghĩ bằng lý tính không xảy ra trong tâm thức - mà tâm thức thì hoàn toàn độc lập với thực tại mở rộng. Nhân đây, tôi nên nói thêm rằng Descartes không phủ nhận khả năng động vật có thể tư duy. Nhưng nếu chúng có khả năng đó thì cũng phải áp dụng cho chúng thuyết nhị nguyên giữa tư duy và vật chất”.

“Chúng ta đã nói đến mấy chuyện này rồi. Nếu em quyết định chạy theo xe buýt, cả cái ‘máy’ sẽ chạy. Và nếu em không đuổi kịp xe buýt, em sẽ khóc’.

”Ngay cả Descartes cũng không thể chối bỏ rằng có một sự tương tác thường xuyên giữa tâm thức và thể xác. Ông tin rằng một khi tâm thức còn ở trong thể xác, nó được kết nối với bộ não bởi một cơ quan thần kinh đặc biệt mà ông gọi là tuyến tùng, nơi đó có sự tương tác liên tục diễn ra giữa “tinh thần” và “vật chất”. Do đó tâm thức liên tục được tác động bởi các cảm giác và xúc cảm liên quan đến các nhu cầu của thể xác. Nhưng tâm thức cũng có thể tách mình ra khỏi những xung động “bản năng” đó và hoạt động độc lập với thể xác. Mục tiêu là để lý tính nắm quyền kiểm soát. Bởi vì, ngay cả nếu tôi bị một cơn đau bụng tệ hại nhất thì tổng ba góc của một tam giác vẫn bằng 180 độ. Như vậy, con người có khả năng vượt lên trên các nhu cầu thể xác và cư xử một cách hợp lý. Theo nghĩa đó, tâm thức siêu việt hơn thể xác. Chân ta có thể yếu đi, lưng có thể còng và răng có thể rụng, nhưng 2 cộng 2 sẽ mãi bằng 4, miễn là ta vẫn còn lý tính. Lý tính không trở nên già yếu. Chỉ có thể xác là già đi. Đối với Descartes, phần cốt lõi của tâm thức là tư duy. Những cảm xúc và say mê bản năng hơn, chẳng hạn như mong muốn và căm ghét, có liên kết chặt chẽ hơn với các chức năng của cơ thể và do đó gần với thực tại mở rộng hơn”.

“Em không thể nuốt được cái kiểu ông ấy coi cơ thể con người như một cái máy tự động”.

“Sự so sánh này được dựa trên cơ sở thực tế rằng vào thời của ông, mọi người rất say sưa với máy móc và hoạt động của đồng hồ - những thứ có vẻ như có khả năng làm việc tự động. Nhưng dễ thấy đó chỉ là một ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng ta tự hoạt động. Thí dụ, một cái đồng hồ thiên văn, nó được xây dựng và lên giây đều là bởi bàn tay con người. Descartes nhấn mạnh thực tế rằng so với số lượng khổng lồ các xương, cơ, dây thần kinh, tĩnh mạch và động mạch cấu tạo nên cơ thể người và động vật thì những phát minh tài bà thuộc loại đó thực ra chỉ là lắp ráp một cách đơn giản từ một số tương đối ít ỏi các thành phần. Tại sao Chúa Trời không thể tạo một cơ thể người hay động vật theo các định luật cơ học ?”

“Ngày nay người ta nói rất nhiều về ‘trí thông minh nhân tạo’ “.

“Phải, đó chính là cái máy tự động của thời đại chúng ta. Ta đã tạo nên những cái máy mà đôi khi chúng có thể lừa cho ta tin rằng chúng có trí thông minh. Những cái máy kiểu này chắc là có thể đe dọa Descartes sợ mất vía. Có thể ông ta sẽ bắt đầu nghi ngờ không biết lý tính con người có thật sự tự do và độc lập như ông đã nghĩ hay không ? Và có những nhà triết học tin rằng cuộc sống tinh thần của con người chẳng hề tự do hơn các quá trình của cơ thể. Hiển nhiên, tâm thức con người phức tạp vô hạn lần một chương trình máy tính bất kỳ, nhưng có người cho rằng, trên nguyên tắc, chúng ta bị trói buộc chẳng kém những chương trình kia. Nhưng này, Sophie. Tôi sẽ cho em xem một thứ”.

Alberto chỉ về phía cái bàn viết lớn ở đầu kia của căn phòng. Trên đó đặt một chiếc máy tính nhỏ. Ông đi về phía cái máy tính. Sophie theo sau.

Ông bật máy. Chẳng mấy chốc, màn hình xuất hiện chữ C:. Ông gõ ‘Laila’ và giải thích đây là một chương trình hội thoại cao cấp.

Một dòng chữ nhanh chóng hiện ra trên màn hình:

“Xin chào! Tôi là Laila. Bạn đang ngồi thoải mái đấy chứ ?”

Sophie gõ:

“Thoải mái”, cô viết mặc dù cô vẫn chưa ngồi xuống. Alberto mang một chiếc ghế đến cho cô.

“Tên bạn là gì ?” Màn hình hiện.

“Sophie Amundsen”, Sophie viết và máy tính trả lời:

“Nhà số 3, đường Cò Ba Lá. Rất vui được gặp bạn, Sophie ạ. Bạn sắp đến sinh nhật lần thứ 15 phải không ?”

Sophie giật mình, Alberto đặt một tay lên vai cô và nói: Tôi chỉ cho nó tên, địa chỉ và ngày sinh của em thôi. Giống như khi em được giới thiệu với bạn mới. Nếu được biết trước một chút về họ sẽ hay hơn”.

“Không tồi”, Sophie viết.

“Ôi Sophie thân mến, tôi hy vọng không phải bạn đang không vui. Bạn hãy cố gắng nói chuyện bằng những câu đầy đủ”.

“Cảm ơn, tôi bình thường. Tôi có thể hỏi bạn mấy câu được không ?”

“Tôi rất mừng là bạn bình thường. Bạn hãy hỏi đi”.

“Bạn bao nhiêu tuổi ?” Sophie viết.

“ Tôi ra đời ở Atlanta vào ngày 8 tháng 8 năm 1988. Nhưng tôi được dịch sang tiếng Na Uy ở trường đại học bác khoa Na Uy ngày 28 tháng 3 năm 1990”.

“Phịa!”

“Tôi đã nói là bạn phải nói đủ câu”.

“Tôi chỉ kêu ‘Phịa!’ thôi mà”

“Tôi không hiểu tiếng lóng. Vốn từ của tôi có hơn 100.000 từ những từ gần với phịa nhất mà tôi có thẻ tìm thấy là Phúc Âm”.

“Đó là chuyện Jesus”.

“Bạn có phải là người theo Ki Tô giáo không, Sophie ?”

“Tôi không biết”.

“Theo quy luật, không biết là một bước tiến về trí thức mới”.

“Socartes chắc cũng nói như vậy. Hay Descartes cũng được”.

“Socrates là một nhà triết học người Hy Lạp sống từ năm 470 đến năm 399 trước công nguyên. Nếu bạn muốn biết thêm, nhấn F7. Descartes là một nhà triết học người Hy Lạp sống từ năm 1596 đến 1650. Nếu bạn muốn biết thêm, nhấn F7”.

“Cảm ơn, thế là đủ rồi. Tôi có thể hỏi bạn câu khác được không ?”

“Tôi rất mừng vì như thế là đủ. Bạn hỏi đi!”

Alberto cười thầm, Sophie viết:

“Hilde Moller Knag là ai ?”

“Hilde Molleer Knag sống ở Lillesand và bằng tuổi Sophie Amundsen”.

“Sao bạn biết ?”

“Tôi không biết. Tôi tìm thấy cô ấy trên đĩa cứng”.

Sophie cảm thấy một bàn tay đặt trên vai mình.

“Tôi đã nhập vào chương trình một chút thông tin chúng ta có về Hilde”, Alberto nói.

“Bạn còn biết gì khác về Hilde không ?”, Sophie viết.

“Cha Hilde là một nhà quan sát Liên Hợp Quốc tại Lebanon. Ông ta có hàm thiếu tá và liên tục gửi bưu ảnh cho con gái”.

“Bạn tìm ông ta đi”.

“Tôi không thể. Ông ta không có trong các file của tôi và tôi không được kết nối với các cơ sở dữ liệu khác”.

“Tìm đi!!!”

“Bạn xúc động à, Sophie ? Nhiều dấu chấm than như vậy là dấu hiệu của cảm xúc mạnh”.

“Tôi muốn nói chuyện với bố của Hilde!”.

“Bạn đang gặp khó khăn trong vấn đề kiềm chế bản thân. Nếu bạn muốn nói về thời thơ ấu, nhấn F9”.

Alberto lại đặt tay lên vai Sophie.

“Nó nói đúng đấy. Đây không phải là một quả cầu pha lê. Laila chỉ là một chương trình máy tính thôi mà”.

“Im đi!” Sophie viết.

“Nếu bạn muốn, Sophie. Cuộc trò chuyện của chúng ta chỉ kéo dài 13 phút 52 giây. Tôi sẽ ghi nhớ tất cả những gì chúng ta đã nói. Tôi sẽ kết thúc ở đây”.

Chữ C: lại hiện ra trên màn hình.

“Bây giờ chúng ta có thể quay lại bàn,” Alberto nói.

Nhưng Sophie đã gõ mấy phím.

“Knag”, cô viết.

Một dòng chữ lập tức hiện lên trên màn hình:

“Tôi đây”.

Bây giờ đến lượt Alberto giật mình.

“Ai đấy ?” Sophie viết.

“Thiếu tá Albert Knag xin được phục vụ. Tôi từ Lebanon đến thẳng đây. Bạn có yêu cầu gì ?”

“Thật chưa từng thấy!” Alberto thở mạnh. “Con chuột đã lẻn vào đĩa cứng”.

Ông ra hiệu cho Sophie đứng ra và ngồi trước bàn phím.

“Ông vào máy tính của tôi bằng cách nào ?” Ông viết.

“Chỉ là trò vặt thôi mà, đồng nghiệp thân mến. Tôi ở đâu mà tôi muốn”.

“Đồ Virus đáng ghét!”

“Thôi nào! Hiện giờ tôi chỉ là một con Virus sinh nhật thôi. Cho tôi gửi một lời chúc mừng sinh nhật nhé ?”

“Thôi cảm ơn, chúng tôi đã nhận được quá đủ rồi”.

“Nhanh thôi mà: Tất cả chỉ để dành cho con thôi, Hilde yêu quí. Một lần nữa, chúc sinh nhật thật vui vẻ. Con hãy hiểu cho tình huống này nhé, bố muốn lời chúc mừng sinh nhật của bố bật ra từ khắp nơi xung quanh con, ở bất cứ nơi nào con đến, yêu con nhiều. Bố, mong được ôm con một cái thật chặt”.

Trước khi Alberto kịp gõ tiếp, chữ C: đã hiện ra trên màn hình.

Alberto gõ “dir knag*.*”, kết quả là màn hình hiện lên các thông tin:

knag.lib 147,643 06-15-90 12:47

knag.lil 326,439 06-23-90 22:34

Alberto gõ “del knag*.*” rồi tắt máy tính.

“Xong rồi, tôi đã xóa sạch”. Ông nói: “Nhưng không thể nói được lần sau ông ta sẽ xuất hiện ở đâu.”

Ông vẫn ngồi trên ghế, mắt trân trân nhìn màn hình. Ông nói tiếp:

“Điều tồi tệ nhất là cái tên. Albert Knag…”

Lần đầu tiên, Sophie giật mình vì sự giống nhau giữa hai cái tên. Albert Knag và Alberto Knox. Nhưng trông Alberto bực tức đến mức cô không dám hé răng. Họ quay lại ngồi bên bàn nước.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thế giới của Sophie Chương 19: Descartes

Có thể bạn thích