Thế giới của Sophie
Chương 16: Thời Trung Cổ

…chỉ đi một đoạn đường không có nghĩa là đi sai đường…

Một tuần trôi qua mà Sophie không nhận được tin tức gì của Alberto Knox. Cũng không có thêm bưu ảnh nào từ Lebanon, mặc dù cô và Joanna vẫn nói chuyện về những tấm bưu ảnh họ tìm được trong căn nhà của ông thiếu tá. Joanna đã bị một cú sốc nhớ đời, nhưng khi có vẻ chẳng có thêm chuyện gì xảy ra, sự hoảng sợ nhất thời nhạt dần và biến mất trong đống bài tập và những trận cầu lông.

Sophie đọc đi đọc lại những lá thư của Alberto, tìm kiếm đầu mối để có thể soi sáng điều bí ẩn Hilde. Việc đó cũng tạo cho cô cơ hội để tiêu hóa được các tư tưởng triết học kinh điển. Cô không còn vất vả khi cố gắng phân biệt giữa Democritus và Socrates, hay giữa Plato và Aristotle.

Ngày thứ Sáu, 25 tháng Năm, cô đang trong bếp chuẩn bị bữa tối trước khi mẹ về nhà. Đó là thỏa thuận thường lệ cho thứ Sáu. Hôm nay, cô nấu súp với cá viên và cà rốt. Đơn giản, dễ làm.

Bên ngoài trời bắt đầu nổi gió. Sophie đứng khuấy nồi súp. Cô ngoái nhìn về phía cửa sổ. Rặng bu-lô đang uốn mình như những thân cây ngô.

Bất chợt có cái gì đó đập vào cửa sổ. Sophie ngoái lại lần nữa và nhìn thấy một tấm thiệp đang dính vào cửa sổ.

Đó là một tấm bưu ảnh. Cô có thể đọc nó qua cửa kính: “Hilde Moller Knag, gửi qua Sophie Amundsen.”

Cô đoán không sai! Cô mở cửa sổ và lấy tấm bưu ảnh. Không có chuyện nó bay suốt từ Lebanon đến đây được!

Tấm thiệp này cũng được ghi ngày 15 tháng Sáu. Sophie nhấc nồi ra khỏi bếp rồi ngồi xuống cạnh bàn. Trên bưu ảnh ghi:

Hilde yêu quí, không biết khi con đọc tấm bưu ảnh này thì có còn đang là sinh nhật của con không nữa. Bố hy vọng là vẫn còn, hay ít nhất là mới chỉ ít ngày sau sinh nhật của con. Một hai tuần đối với Sophie không có nghĩa nó cũng dài như vậy đối với chúng ta. Bố sẽ về đến nhà vào lễ Hội Mùa Hè, khi đó, bố con mình có thể ngồi cùng nhau hàng giờ trong cái tàu lượn và nhìn ra biển, Hilde à. Chúng ta có thật nhiều chuyện để nói. Nhiều yêu thương từ bố, người đôi khi cảm thấy rất buồn về cuộc tranh chấp hàng nghìn năm giữa người Do Thái, người Ki Tô giáo, và người Hồi giáo. Bố phải tự nhắc nhở mình rằng cả ba tôn giáo này đều xuất phát từ Abraham. Do vậy, bố cho rằng họ đều thờ cùng một vị Chúa. Ở đây, Cain và Abel vẫn chưa ngừng giết nhau.

T.B. Con hãy chào Sophie. Khổ thân, cô bé còn chưa hiểu tất cả những chuyện này có liên quan với nhau như thế nào. Chắc con đã hiểu?

Sophie mệt mỏi gục đầu xuống bàn. Có một điều chắc chắn - cô không hiểu tí gì về chuyện này. Nhưng Hilde hiểu, chắc vậy.

Nếu bố của Hilde bảo cô ấy chào Sophie, hẳn là Hilde phải biết về Sophie nhiều hơn Sophie biết về Hilde. Mọi chuyện rối rắm đến nỗi Sophie quay lại với việc nấu nướng.

Một cái bưu ảnh tự bay đến đập vào cửa sổ bếp! Có thể gọi đó là thư hàng không quá đi chứ!

Cô vừa đặt lại nồi súp lên bếp thì điện thoại reo.

Hy vọng đấy là Bố gọi! Cô mong ước một cách tuyệt vọng rằng bố sẽ về nhà để cô có thể kể tất cả những chuyện đã xảy ra trong mấy tuần nay. Nhưng có lẽ đó chỉ là Joanna hoặc Mẹ. Sophie nhấc máy.

“Sophie Amundsen đang nghe ạ,” cô nói.

“Tôi đây,” một giọng nói vang lên.

Sophie biết chắc ba điều: đó không phải bố cô, nhưng đó là giọng đàn ông, và cô biết cô đã nghe thấy giọng nói này ở đâu rồi.

“Ai đấy ạ?”

“Tôi là Alberto.”

“Ôôôi!”

Sophie lặng người không nói được lời nào. Cô đã nhận ra đó là giọng nói trong băng video về Acropolis.

“Em không sao chứ?”

“Vâng ạ.”

“Từ bây giờ tôi sẽ không gửi thêm lá thư nào nữa.”

“Nhưng em có gửi thầy con nhái nào đâu ạ!”

“Chúng ta phải gặp mặt. Tình hình bắt đầu trở nên khẩn cấp rồi, em thấy đấy.”

“Sao vậy ạ?”

“Cha của Hilde đang khép dần vòng vây quanh chúng ta.”

“Bao vây thế nào ạ?”

“Từ mọi phía, Sophie à. Chúng ta phải hợp tác từ bây giờ.”

“Như thế nào ạ…?”

“Nhưng em chưa thể giúp được nhiều trước khi tôi kể cho em về thời Trung Cổ. Chúng ta còn phải nói về thời Phục Hưng và thế kỷ XVII nữa. Berkeley là nhân vật then chốt…”

“Có phải ông ta là người trong bức tranh ở nhà ông thiếu tá không ạ?”

“Chính thế. Có lẽ cuộc đấu tranh thực sự sẽ được đền đáp bằng triết học của ông ấy.”

“Thầy nói nghe như chiến tranh ấy.”

“Đáng ra tôi nên gọi đó là một trận chiến của ý chí. Chúng ta sẽ phải thu hút sự chú ý của Hilde và kéo cô ấy về phía ta trước khi cha cô ấy về nhà ở Lillesand.”

“Em chẳng hiểu gì cả.”

“Có lẽ các nhà triết học sẽ có thể mở mắt cho em. Gặp tôi ở nhà thờ Thánh Mary vào tám giờ sáng mai. Nhưng đến một mình, bé ạ.”

“Sao sớm thế ạ!”

Điện thoại kêu lách cách.

“Alô?”

Ông ta đã cúp máy! Sophie lao về phía bếp vừa kịp khi nồi súp bắt đầu trào.

Nhà thờ Thánh Mary? Đó là một nhà thờ cổ bằng đá từ thời Trung Cổ. Bây giờ nó chỉ được dùng để tổ chức các buổi hòa nhạc hay những buổi lễ rất đặc biệt. Mùa hè, thỉnh thoảng người ta mở cửa cho khách du lịch vào thăm. Nhưng có chắc là nó không mở cửa lúc nửa đêm chứ? Khi mẹ về nhà, Sophie đã cất tấm bưu ảnh vào cùng chỗ với những thứ khác từ Alberto và Hilde. Sau bữa tối, cô đến nhà Joanna.

“Mình phải thu xếp một việc rất đặc biệt,” cô nói ngay khi bạn vừa mới mở cửa.

Cô không nói thêm gì cho đến khi Joanna đóng cửa phòng ngủ.

“Chuyện này khá là khó hiểu,” Sophie tiếp tục.

“Kể đi!”

“Tớ sẽ phải bảo mẹ là tớ sẽ ngủ đêm ở đây.”

“Tuyệt!”

“Nhưng tớ chỉ nói thế thôi, cậu hiểu không. Tớ phải đến một chỗ khác.”

“Tệ thật. Một anh chàng à?”

“Không, chuyện này có liên quan đến Hilde.”

Joanna khẽ huýt sáo, Sophie nhìn thẳng vào mắt cô.

“Tối nay tớ sẽ đến,” cô nói, “nhưng tớ sẽ phải lén đi lúc 7 giờ sáng. Cậu phải che giấu giúp tớ cho đến khi tớ quay lại.”

“Nhưng cậu định đi đâu vậy? Cậu phải làm cái gì vậy?”

“Rất tiếc, tớ không nói được.”

Ngủ nhà bạn chưa bao giờ là vấn đề. Gần như ngược lại là đằng khác. Đôi khi Sophie có cảm giác mẹ cô thích ở nhà một mình.

“Con sẽ về nhà ăn sáng chứ?” đấy là câu duy nhất mẹ cô hỏi, khi Sophie ra khỏi nhà.

“Nếu con không về, mẹ biết con ở đâu rồi.”

Cái quái gì làm cô nói vậy? Đó là một điểm yếu.

Cuộc viếng thăm của Sophie bắt đầu như mọi lần đến ngủ nhà bạn, hai cô chuyện trò đến tận khuya. Điều khác biệt duy nhất là họ bắt đầu đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng, Sophie đặt đồng hồ báo thức lúc 7 giờ kém 15.

Năm tiếng sau, Joanna thức giấc khi Sophie tắt chuông báo thức.

“Đi cẩn thận nhé,” cô nói bằng giọng ngái ngủ.

Sophie lên đường. Nhà thờ Thánh Mary nằm ở ngoại vi phố cổ của thành phố. Đường xa khoảng vài dặm. Tuy mới ngủ được vài giờ nhưng Sophie vẫn cảm thấy rất tỉnh táo.

Khi cô đến trước cổng nhà thờ đá cổ thì đã gần tám giờ. Sophie thử đẩy cánh cửa lớn. Cửa không khóa!

Nhà thờ cổ hoang vắng tĩnh mịch. Luồng ánh sáng màu xanh được lọc qua những khung kính màu làm hiện ra vô số hạt bụi nhỏ xíu đang bay lượn trong không khí. Dường như bụi trong nhà thờ tập trung thành những luồng lớn theo cách này. Sophie ngồi trên hàng ghế trung tâm, đăm đăm nhìn về phía bàn thờ, nơi có một cây thánh giá cổ xỉn màu.

Một vài phút trôi qua. Bỗng vang lên tiếng đàn phong cầm. Sophie không dám nhìn quanh. Tiếng đàn nghe như một giai điệu cổ xưa, có lẽ từ thời Trung Cổ.

Sau đó lại là sự im lặng. Rồi cô nghe thấy tiếng chân đang đến gần từ phía sau. Có nên quay lại nhìn không nhỉ? Thay vì quay lại, cô quyết định không rời mắt khỏi cây thánh giá.

Bước chân đi vượt qua cô, tiếp tục tiến giữa hai hàng ghế, và cô nhìn thấy một người mặc áo thầy tu màu nâu. Sophie có thể thề rằng đó chính là một tu sĩ đến từ thời Trung Cổ.

Cô cảm thấy thật căng thẳng, nhưng không đến nỗi sợ hết vía. Đến trước bàn thờ, tu sĩ xoay nửa vòng rồi leo lên bục giảng. Ông ta tì lên mép bục, nhìn xuống Sophie, và nói với cô bằng tiếng Latin:

“Gloria Patri, et Filio, et Spirtui Sancto. Sicut erat in principo, et nunc, et semper et in sæculorum. Amen.”

“Nói cái gì người ta hiểu được chứ! Ngớ ngẩn!” Sophie bật ra.

Tiếng cô vọng khắp nhà thờ đá.

Mặc dù nhận ra rằng ông thầy tu chắc phải là Alberto Knox, cô vẫn hối hận vì đã thét lên tại nơi thờ cúng tôn nghiêm này. Nhưng cô đã cảm thấy rất căng thẳng, và khi thần kinh căng thẳng quá thì làm loạn một chút sẽ giúp ta cảm thấy dễ chịu hơn.

“Ssh!” Alberto giơ một tay lên như các tu sĩ vẫn làm khi họ muốn các con chiên ngồi xuống.

“Thời Trung Cổ bắt đầu lúc 4 giờ,” ông nói.

“Thời Trung Cổ bắt đầu lúc 4 giờ?” Sophie nói, cảm thấy ngớ ngẩn, nhưng đã hết căng thẳng.

“Đúng, khoảng 4 giờ. Và sau đó là 5 giờ, 6 giờ, và 7 giờ. Nhưng thời gian như đứng yên. Rồi phải đến tám giờ, chín giờ, và mười giờ. Nhưng vẫn là thời Trung cổ, em thấy đấy. Giờ thức dậy đón một ngày mới, có thể em nghĩ như thế. Phải, tôi hiểu ý em. Nhưng vẫn đang là Chủ nhật, một chuỗi dài những ngày Chủ nhật. Và rồi đến mười một giờ, mười hai giờ, và mười ba giờ. Đây là thời kỳ mà người ta gọi là thời Gothic, khi những nhà thờ vĩ đại được xây dựng ở châu Âu. Và sau đó, khoảng mười bốn giờ, hai giờ chiều, một con gà gáy vang - và thời Trung Cổ dài lê thê bắt đầu lụi dần.”

“Vậy là thời Trung Cổ kéo dài đến 10 tiếng đồng hồ,” Sophie nói. Alberto vươn cổ ra khỏi chiếc mũ trùm đầu màu nâu của tu sĩ và thăm dò hội đoàn tín hữu của mình - gồm một cô bé 14 tuổi.

“Đúng, nếu mỗi giờ tính bằng 100 năm. Ta có thể coi Jesus sinh ra lúc nửa đêm. Paul bắt đầu các cuộc hành trình truyền giáo khoảng gần 1 giờ rưỡi sáng và chết tại Rome khoảng 15 phút sau. Khoảng 3 giờ sáng, Giáo hội Ki Tô giáo hầu như bị cấm, nhưng đến năm 313, nó đã là một tôn giáo được chấp nhận trong đế quốc La Mã. Đó là triều đại của hoàng đế Constantine. Nhiều năm sau, chính hoàng đế đã được rửa tội lần đầu tiên trên giường hấp hối. Từ năm 380, Ki Tô giáo là tôn giáo chính thức trên khắp đế quốc La Mã."

"Đế quốc La Mã vẫn chưa sụp đổ ạ?"

"Nó mới bắt đầu đổ vỡ. Ta đang đứng trước một trong những thay đổi vĩ đại nhất trong lịch sử văn hóa. Vào thế kỷ IV, La Mã bị đe dọa bởi cả dân man di từ phía bắc đánh xuống lẫn sự tan rã từ bên trong. Năm 330, Constantine Đại đế dời thủ đô của đế quốc từ Rome đến Constantinople, thành phố mà ông đã sáng lập khi tiến gần biển Đen. Nhiều người coi thành phố mới là "thành Rome thứ hai". Năm 395, đế quốc La Mã bị chia thành hai - một đế quốc phía Tây với trung tâm là Rome, và một đế quốc phía Đông với thủ đô là Constantinople. Rome bị quân man di cướp phá năm 410, và đến năm 476 cả đế quốc phía Tây đã bị phá tan. Đế quốc phía Đông vẫn tồn tại như một nước độc lập cho đến năm 1453, khi người Thổ chiếm được Constantinople."

"Và tên của nó bị đổi thành Istanbul?"

"Đúng đấy! Istanbul là cái tên gần đây nhất. Một mốc nữa mà chúng ta cần lưu ý là năm 529. Đó là năm mà nhà thờ đóng cửa Hàn lâm viện của Plato ở Athens. Cũng trong năm đó, dòng Benedictine, dòng tu lớn đầu tiên, đã được thành lập. Do vậy, năm 529 đã trở thành biểu tượng của việc Giáo hội Ki Tô giáo đậy nắp đóng kín triết học Hy Lạp. Từ đó, các tu viện nắm độc quyền về giáo dục, tư tưởng, và suy nghĩ. Đồng hồ đang tích tắc về phía 5 rưỡi sáng..."

Sophie hiểu ý nghĩa của giờ giấc mà Alberto đang nói đến. Nửa đêm là năm 0, 1 giờ là 100 năm sau Thiên chúa giáng sinh, 6 giờ là 600 năm sau Thiên chúa giáng sinh, và mười bốn giờ là 1400 năm sau Thiên chúa giáng sinh.

Alberto tiếp tục: "Thực ra thời Trung Cổ có nghĩa là thời kỳ chuyển tiếp giữa hai thời đại khác. Thành ngữ này được đưa ra vào thời Phục Hưng. Thời đại Đen Tối, một tên khác của thời Trung Cổ, thời đó được xem là đêm dài lê thê một nghìn năm đã bao phủ châu Âu giữa thời Cổ đại và thời Phục Hưng. Ngày nay, từ "trung cổ" được dùng với nghĩa xấu, để tả một cái gì độc đoán và cứng nhắc. Nhưng nhiều nhà sử học hiện đại lại xem thời Trung Cổ là thời đại nghìn năm của nảy mầm và phát triển. Thí dụ, hệ thống trường học đã được phát triển tại thời Trung Cổ. Những trường học trong tu viện đầu tiên đã được mở khá sớm trong thời kỳ này, và các trường dòng nối tiếp vào thế kỷ XII. Khoảng năm 1200, những trường đại học tổng hợp đầu tiên đã được thành lập, các môn học được nhóm thành các ‘khoa’ khác nhau, y như ngày nay."

"Một nghìn năm là khoảng thời gian rất dài."

"Đúng nhưng Ki Tô giáo cần thời gian để đến với đại chúng. Hơn nữa, trong thời Trung Cổ, nhiều quốc gia dân tộc đã hình thành và phát triển với các thành phố và nhân dân, dân ca và truyện dân gian. Nếu không có thời Trung Cổ thì chuyện cổ tích và những bài dân ca sẽ ra sao? Thậm chí cả châu Âu sẽ như thế nào? Một tỉnh của La Mã chăng. Cái tạo ra tiếng vang của những cái tên Anh, Pháp, và Đức chính là cái vực sâu không đáy mà ta gọi là thời Trung Cổ. Có nhiều con cá lấp lánh bơi quanh cái vực đó, dù không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy chúng. Snorri sống vào thời Trung Cổ. Thánh Olaf và Charlemagne cũng vậy, khỏi cần nhắc đến Romeo và Juliet, Joan D'Arc, Ivanhoe, Pied Piper D'Hamelin, và nhiều hoàng tử dũng mãnh và các vị vua oai nghiêm, các hiệp sĩ hào hoa và các tiểu thư xinh đẹp, những người thợ làm kính màu và thợ đàn phong cầm vô danh. Và tôi còn chưa nói đến các tu sĩ khổ hạnh, các hiệp sĩ thập tự chinh, và những mụ phù thuỷ."

"Thầy cũng chưa nói đến các linh mục."

"Đúng. Nhân tiện, tôi nói thêm là đến tận thế kỷ XI, Ki Tô giáo mới đến Na Uy. Không phải là nói quá khi bảo rằng các nước Bắc Âu đã theo Ki Tô giáo một cách chóng vánh. Các tín ngưỡng cổ xưa vẫn tiếp tục tồn tại bên dưới bề mặt Ki Tô giáo, và nhiều nguyên tố tiền - Ki Tô giáo đã kết hợp với Ki Tô giáo. Ví dụ, trong lễ mừng Giáng sinh của vùng Scandinavia, các tập tục Ki Tô giáo và Bắc Âu vẫn chung sống đến tận ngày nay. Và ở đây, câu nói cổ rằng vợ chồng cưới nhau sẽ trở nên ngày càng giống nhau đã được áp dụng. Bánh qui Yuletide, lợn con Yuletide, và bia Yuletide trở nên giống với Ba nhà thông thái từ phương Đông và cái máng ăn Thành Bethlehem. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, Ki Tô giáo đã dần trở thành triết lý sống chủ đạo. Do đó, ta thường nói về thời Trung Cổ như là một sức mạnh thống nhất của văn hoá Ki Tô giáo."

"Như vậy thời đó không hoàn toàn u ám?"

"Những thế kỷ đầu tiên sau năm 400 quả thực là một sự suy thoái về văn hoá. Thời La Mã đã là một đỉnh cao văn hoá với những thành phố lớn có thợ may, nhà tắm công cộng, và thư viện, đấy là chưa nói đến nền kiến trúc đáng tự hào. Những thế kỷ đầu của thời Trung Cổ, toàn bộ nền văn hoá này tan rã. Thương nghiệp và kinh tế của nó cũng vậy. Thời Trung Cổ, dân chúng quay lại kiểu mua bán bằng trao đổi hàng hoá. Nền kinh tế thời đó là kinh tế phong kiến, có nghĩa là một số ít quí tộc quyền thế sở hữu đất, nông nô phải làm việc cực nhọc trên những mảnh đất đó để kiếm sống. Dân số cũng giảm mạnh vào những thế kỷ đầu. Thời Cổ Đại, có hơn một triệu người sinh sống tại Rome. Nhưng đến năm 600, dân số của Thủ đô La Mã cổ đã giảm xuống còn khoảng 40.000 người, chỉ bằng một cái vảy của thời kỳ trước. Như vậy, chỉ còn một phần tương đối nhỏ dân chúng còn ở lại, lang thang giữa những gì còn lại của công trình oai nghiêm - vẻ huy hoàng xưa kia của thành phố. Khi họ cần vật liệu xây dựng, có vô số đống đổ nát để cung cấp cho họ. Đây là nguồn gốc của nỗi buồn lớn lao đối với các nhà khảo cổ học hiện đại, họ ước gì những người thời Trung Cổ đã không động đến các đền đài."

"Có sự kiện cụ thể thì dễ hiểu hơn đấy ạ."

"Nhìn từ quan điểm chính trị, thời La Mã đã chấm dứt vào cuối thế kỷ IV. Tuy nhiên, Giám mục của Rome trở thành người đứng đầu tối cao của Giáo hội Công giáo La Mã. Ông được trao danh hiệu Giáo hoàng (tiếng Latin là ‘papa’ với nghĩa là ‘cha’) và dần dần được coi là người thừa lệnh của Chúa Ki Tô trên trần gian. Như vậy, Rome là thủ đô của Ki Tô giáo trong suốt gần hết thời Trung Cổ. Nhưng khi vua và giám mục của các quốc gia dân tộc mới ngày càng trở nên hùng mạnh hơn, một vài người trong số họ đã dám đứng lên chống lại quyền lực của nhà thờ."

"Thầy đã nói rằng nhà thờ đóng cửa Hàn lâm việc của Plato ở Athens. Có phải vậy nghĩa là tất cả các nhà triết học Hy Lạp đều đã bị lãng quên?"

"Không hẳn là như vậy. Một số trước tác của Plato và Aristotle vẫn được biết đến. Nhưng đế quốc La Mã cổ đã dần dần được chia thành ba nền văn hoá khác nhau. Ở Tây Âu, ta có văn hoá Ki Tô giáo La Mã với thủ đô là Rome. Ở Đông Âu, ta có văn hoá Ki Tô giáo Hy Lạp với thủ đô là Constantinople. Thành phố này bắt đầu được gọi bằng tên tiếng Hy Lạp - Byzantium. Do vậy, ta nói về thời Trung Cổ Byzantine để phân biệt với thời Trung Cổ Ki Tô giáo La Mã. Tuy nhiên, Bắc Phi và Trung Đông cũng từng là một phần của đế quốc La Mã. Vào thời Trung Cổ, khu vực này đã phát triển thành văn hoá Hồi giáo nói tiếng Arab. Sau cái chết của Muhammad năm 632, Hồi giáo đã thắng lợi ở cả Trung Đông và Bắc Phi. Chẳng bao lâu sau, Tây Ban Nha cũng bắt đầu trở thành một phần của thế giới Hồi giáo. Đạo Hồi lấy Mecca, Medina, Jerusalem, và Bagdad làm các thánh địa. Nhìn từ quan điểm lịch sử văn hoá, sự kiện người Arab tiếp quản thành phố Hy Lạp cổ Alexandria khá là lý thú. Như vậy, phần lớn nền khoa học Hy Lạp cổ được thừa kế bởi người Arab. Trong suốt thời Trung Cổ, người Arab chiếm ưu thế trong các môn khoa học chẳng hạn toán học, hoá học, thiên văn học, và y học. Ngày ngay, chúng ta vẫn sử dụng hệ thống số Arab. Trong nhiều lĩnh vực, văn hoá Arab nổi trội hơn văn hoá Ki Tô giáo.

"Em muốn biết chuyện gì đã xảy ra với triết học cổ Hy Lạp."

"Em có thể tưởng tượng được một dòng sông rộng có một đoạn bị chia thành 3 nhánh rồi nhập thành một dòng sông lớn không?"

"Có ạ."

"Vậy em cũng có thể thấy văn hoá Hy Lạp đã bị chia rẽ, nhưng đã sống sót qua ba nền văn hoá Ki Tô giáo La Mã ở phía Tây, văn hoa Byzantine ở phía Đông, và văn hoá Arab ở phía Nam. Nếu nói một cách cực kỳ giản lược, ta có thể nói rằng triết học Tân Plato được truyền ở phía Tây, Plato ở phía Đông, và triết học Aristotle được truyền cho người Arab ở phía Nam. Tuy nhiên, vẫn có sự pha trộn ở cả ba dòng. Điểm quan trọng là đến cuối thời Trung cổ, cả ba dòng gặp nhau ở Bắc Ý. Ảnh hưởng Arab đến từ những người Arab ở Tây Ban Nha, ảnh hưởng Hy Lạp từ phía Hy Lạp và đế quốc Byzantine. Và bây giờ, ta thấy sự khởi đầu của thời Phục Hưng, sự 'tái sinh' của văn hoá cổ đại. Theo một nghĩa nào đó, văn hoá cổ đại đã sống sót qua thời đại Đen Tối."

"Em hiểu rồi."

"Nhưng ta không nên đoán trước dòng sự kiện. Đầu tiên ta phải nói chút ít về triết học Trung Cổ. Tôi sẽ không tiếp tục nói từ trên bục giảng nữa. Tôi sẽ xuống chỗ em."

Mắt Sophie nặng trĩu vì thiếu ngủ. Khi nhìn ông thầy tu xa lạ từ trên bục giảng nhà thờ Thánh Mary đi xuống, cô có cảm giác như mình đang ngủ mơ.

Alberto đi về phía bàn thờ, nhìn lên cây thánh giá cổ, rồi chậm rãi bước về phía Sophie. Ông ngồi xuống hàng ghế cạnh Sophie.

Thật là một cảm giác kỳ lạ khi ông ta ở gần đến thế. Sophie nhìn thấy một đôi mắt sâu màu nâu dưới cái mũ trùm đầu. Chúng thuộc về một người đàn ông trung niên tóc sẫm và chỏm râu cằm nhỏ hình tam giác. Thầy là ai, cô thầm nghĩ, tại sao thầy lại đảo lộn cuộc sống của em như vậy?

"Dần dần chúng ta sẽ quen nhau hơn," ông nói như thể đọc được suy nghĩ của Sophie.

Họ ngồi cạnh nhau, ánh sáng lọt vào nhà thờ qua những khung kính màu ngày càng trở nên sắc nét, Alberto bắt đầu nói về triết học thời Trung Cổ.

"Triết học thời Trung Cổ gần như coi đức tin Ki Tô giáo hiển nhiên có thực," ông bắt đầu."Câu hỏi đặt ra là ta đơn giản là phải tin hoàn toàn vào mặc khải Ki Tô giáo, hay ta có thể tiếp cận các chân lý của Ki Tô giáo với sự giúp đỡ của lý tính. Các triết gia Hy Lạp và những gì Kinh thánh nói có mối quan hệ với nhau như thế nào? Có hay không mâu thuẫn giữa Kinh thánh và lý tính, hay là đức tin và trí thức có tương thích hay không? Hầu hết triết học thời Trung Cổ xoay quanh câu hỏi này."

Sophie gật đầu một cách sốt ruột. Cô đã biết học những điều này ở môn Tôn giáo rồi.

"Ta sẽ thấy hai nhà triết học nổi bật nhất thời Trung Cổ giải quyết câu hỏi này như thế nào, và ta sẽ bắt đầu với Thánh Augustine, người sống từ năm 354 đến năm 430. Trong cuộc đời con người này, ta có thể quan sát quá trình chuyển dịch từ hậu Cổ Đại sang tiền Trung Cổ. Augustine sinh ra ở Tagaste, một thành phố nhỏ ở Bắc Phi, 16 tuổi ông đến Cartage để học. Sau đó, ông đến Rome, Milan, và sống phần đời còn lại ở Hippo, một thành phố cách Cartage vài dặm về phía tây. Nhưng ông không phải tín đồ Ki Tô giáo từ nhỏ, Augustine đã nghiên cứu một vài tôn giáo và triết học khác nhau trước khi trở thành tín đồ Ki Tô giáo."

"Thầy ví dụ đi ạ?"

"Có một thời gian, ông ta là tín đồ Manichaean. Đó là một giáo phái hoàn toàn mang đặc trưng của thời Hậu Cổ Đại. Giáo lý của họ nửa tôn giáo, nửa triết học, khẳng định rằng thế giới được cấu tạo bởi những cặp đôi của cái thiện và cái ác, ánh sáng và bóng tối, tinh thần và vật chất. Bằng tinh thần, con người có thể vươn lên cao hơn thế giới vật chất và như vậy có thể chuẩn bị cho sự cứu rỗi linh hồn mình. Nhưng sự phân chia rõ rệt giữa thiện và ác làm cho Augustine trẻ tuổi băn khoăn. Ông bị thu hút hoàn toàn vào cái mà ta gọi là 'vấn đề về cái ác' - câu hỏi về nguồn gốc của cái ác. Có lúc ông chịu ảnh hưởng của triết học Khắc kỳ, mà theo các triết gia Khắc kỳ thì không có ranh giới rõ ràng giữa thiện và ác. Tuy nhiên, những nghiên cứu chủ đạo của ông lại hướng về chủ nghĩa Tân Plato - trường phái triết học quan trọng còn lại của triết học Hậu Cổ Đại. Tại đây, ông gặp khái niệm rằng mọi vật hiện hữu đều có bản chất thần thánh."

"Như vậy ông ta đã trở thành một giám mục Tân Plato?"

"Em nói vậy cũng được. Trước hết, ông trở thành tín đồ Ki Tô giáo, nhưng Ki Tô giáo của Augustine chịu ảnh hưởng bởi chính thuyết ý niệm của Plato. Và như vậy, Sophie à, có nghĩa là em phải hiểu rằng, tại thời điểm bước vào thời Trung Cổ Ki Tô giáo, không có sự đoạn tuyệt với triết học Hy Lạp. Phần lớn triết học Hy Lạp được đưa vào thời đại mới bởi các giáo phụ như Augustine."

"Thầy muốn nói rằng Augustine là người nửa Ki Tô nửa Tân Plato?"

"Ông ta tin rằng mình là tín đồ Ki Tô giáo 100% và ông không thấy có mâu thuẫn thực sự nào giữa Ki Tô giáo và triết học Plato. Đối với ông, sự tương đồng giữa Plato và giáo lý Ki Tô giáo dễ thấy đến mức ông cho rằng Plato chắc hẳn đã biết về Kinh Cựu Ước. Tất nhiên, điều này là khó có khả năng. Vậy ta hãy nói rằng Augustine là người đã 'Ki Tô hoá' Plato."

"Như vậy là khi bắt đầu tin vào Chúa Ki Tô, ông ta không quay lưng lại tất cả những gì liên quan đến triết học?"

"Không, nhưng ông ta chỉ ra rằng, trong lĩnh vực các câu hỏi tôn giáo, có những giới hạn của việc lý tính có thể đưa ta đến đâu. Đức tin Ki Tô là một huyền thoại thánh thần mà ta chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Nhưng nếu ta tin vào Ki Tô, Chúa Trời sẽ 'soi sáng' linh hồn để ta có thể trải nghiệm một dạng trí thức siêu nhiên về Chúa, Augustine đã cảm thấy từ chính bản thân mình rằng triết học có giới hạn. Ông không tìm được sự bình yên trong tâm hồn cho đến khi ông theo Ki Tô giáo. "Trái tim ta không yên bình cho đến khi nó được yên nghỉ trong Chúa." Ông đã viết."

"Em không hiểu làm thế nào mà các tư tưởng của Plato có thể hoà được với Ki Tô giáo," Sophie phản đối."Thế còn các ý niệm vĩnh cửu thì sao?"

"Augustine khẳng định rằng Chúa Trời tạo ra thế giới từ hư vô, và đó là tư tưởng của Kinh Thánh. Người Hy Lạp thiên về tư tưởng rằng thế giới vẫn luôn luôn tồn tại. Nhưng Augustine tin rằng, trước khi Chúa sáng tạo ra thế giới, các 'ý niệm' nằm trong tâm thức Thần Thánh. Như vậy, ông đã đặt các ý niệm Plato vào trong Chúa và bằng cách đó đã bảo toàn quan niệm của Plato về các ý niệm vĩnh cửu."

"Thông minh thật!"

"Điều đó cho thấy rằng không chỉ Augustine mà nhiều giáo phụ khác đã ngả về quá khứ để đưa các tư tưởng Hy Lạp và Do Thái lại với nhau. Theo một nghĩa nào đó, chúng thuộc về hai nền văn hoá. Augustine còn ngả về chủ nghĩa Tân Plato trong quan điểm về cái ác. Cũng như Plotinus, ông tin rằng cái ác là 'sự vắng mặt của Chúa'. Cái ác không có sự tồn tại của riêng nó, nó là cái gì đó không hiện hữu, bởi thực ra sáng tạo của Chúa chỉ tuân lệnh Chúa của con người. Ông nói rằng: "Thiện ý là sản phẩm của Chúa Trời; ác ý là sự rời xa sản phẩm của Chúa."

"Ông ta có tin rằng con người có linh hồn thần thánh không?"

"Có và không. Augustine khẳng định rằng giữa Chúa Trời và thế giới có một hàng rào không thể vượt qua. Ở đây, ông theo sát Kinh Thánh và loại bỏ học thuyết của Plotinus rằng mọi thứ đều là một. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng con người là một thực thể tinh thần. Anh ta có một thể xác vật chất - cái thuộc về cái thế giới vật lý mà 'mối mọt và rỉ mốc phá hoại' - nhưng anh ta còn có một linh hồn biết về Chúa.

"Chuyện gì xảy ra với linh hồn khi ta chết?"

"Theo Augustine, cả loài người bị lạc lối kể từ sự Sa Ngã của loài người. Nhưng Chúa Trời quyết định rằng một số người nên được cứu thoát khỏi cái chết vĩnh cửu."

"Nếu thế thì Chúa Trời cũng có thể quyết định cứu tất cả mọi người."

"Về chuyện đó thì Augustine phủ nhận quyền phê phán Chúa của con người, dựa theo Thánh Thư của Paul gửi cho người La Mã: Hỡi con người, người là ai mà dám cãi lại Thiên Chúa? Chẳng lẽ vật được tạo ra lại nói với người tạo ra nó: 'sao ông làm ra tôi như thế này?' Phải chăng thợ gốm không có quyền dùng đất sét theo ý mình: từ cùng một nắm đất sét mà nặn ra các đồ vật khác nhau, cái thì dùng vào việc cao quý, cái thì dùng vào việc thấp hèn?"

"Vậy là Chúa Trời ngồi trên Thiên Đường và chơi với con người ư? Và mỗi khi chán một trong các tác phẩm của mình thì ông ta chỉ việc quẳng đi?"

"Quan điểm của Augustine là không có người nào xứng đáng với sự cứu vớt của Chúa Trời. Nhưng Chúa đã chọn một số người để cứu thoát khỏi bị đầy xuống địa ngục. Vậy với Chúa, chẳng có gì bí mật về chuyện ai sẽ được cứu và ai không được. Điều đó đã được định trước. Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào lòng thương của Chúa Trời."

"Như vậy, theo một cách nào đó, ông ta đã trở lại với đức tin cổ xưa vào số mệnh."

"Có thể. Nhưng Thánh Augustine không chối bỏ trách nhiệm của con người đối với cuộc sống của chính mình. Ông dạy rằng ta phải sống trong sự nhận thức về việc được Chúa Trời lựa chọn. Ông không phủ nhận rằng chúng ta có ý chí tự do. Nhưng Chúa dã 'thấy trước' chúng ta sẽ sống như thế nào."

"Như thế không phải thật bất công sao?" Sophie hỏi. "Socrates nói rằng tất cả chúng ta đều có cơ hội như nhau vì chúng ta đều có nhận thức thông thường như nhau. Nhưng Augustine lại chia mọi người thành hai nhóm. Một nhóm được cứu vớt và nhóm kia bị nguyền rủa."

"Đúng là lý thuyết của Augustine đi tách khá xa ra khỏi chủ nghĩa nhân văn của Athens. Nhưng Augustine không chia nhân loại thành hai nhóm. Ông ta chỉ đang giải thích giáo lý Kinh Thánh về cứu rỗi và trừng phạt. Ông giải thích điều này trong một công trình nghiên cứu có tên Thành phố của Chúa."

"Thầy kể về nó đi ạ".

"Thành ngữ 'Thành phố của Chúa' hay 'vương quốc của Chúa' xuất phát từ Kinh Thánh và học thuyết của Jesus. Augustine tin rằng toàn bộ lịch sử loài người là một cuộc đấu tranh giữa 'Vương quốc của Chúa' và 'Vương quốc Thế giới'. Đây không phải là hai vương quốc chính trị tách rời. Chúng đấu tranh để giành quyền làm chủ bên trong mỗi con người. Tuy nhiên, Vương quốc Thế giới hiện diện trong Nhà nước, chẳng hạn đế quốc La Mã - đế quốc đang suy tàn vào thời Thánh Augustine. Khái niệm này trở nên ngày càng rõ ràng khi Giáo hội và Nhà nước đấu tranh giành quyền tối cao trong suốt thời Trung Cổ. Khi đó người ta nói rằng 'Không có sự cứu rỗi bên ngoài nhà thờ". Cuối cùng thì 'Vương quốc của Chúa' của Augustine đã trở nên đồng nhất với Giáo hội. Chỉ đến thời kỳ của phong trào Kháng Cách vào thế kỷ XVI mới nảy sinh sự phản đối tư tưởng rằng người ta chỉ có thể nhận ra được sự cứu rỗi thông qua Nhà thờ."

"Đã đến lúc đi qua rồi!"

"Ta cũng có thể thấy rằng trong những nhà triết học mà ta từng gặp, Thánh Augustine là người đầu tiên kéo lịch sử vào triết học của mình. Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác không phải điều gì mới. Cái mới ở đây là, đối với Augustine, cuộc đấu tranh này đã diễn ra trong lịch sử. Không có mấy Plato ở khía cạnh này trong công trình của Augustine. Ông ta chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ cách nhìn tuyến tính về lịch sử như ta gặp trong Kinh Cựu ước: tư tưởng rằng Chúa cần toàn bộ lịch sử để hiện thực hóa Vương quốc của Chúa. Lịch sử cần cho sự khai sáng của con người và sự hủy diệt cái ác. Hoặc, như Augustine nói, 'Sự tiên kiến thần thánh định hướng lịch sử của nhân loại từ thời Adam đến ngày tận thế, như thể đó là câu chuyện về một người phát triển dần dần từ trẻ thơ đến tuổi già."

Sophie nhìn đồng hồ, "Mười giờ rồi," cô nói: "Em sắp phải về."

"Nhưng tôi phải kể cho em nghe về một nhà triết học vĩ đại khác của thời Trung Cổ đã. Chúng ta ra ngoài ngồi nhé?"

Alberto đứng dậy. Ông chắp hai lòng bàn tay lại rồi bắt đầu đi dọc lối đi giữa hai hàng ghế. Trông ông như thể đang cầu nguyện hoặc đang đắm chìm trong suy nghĩ về một chân lý tinh thần nào đó. Sophie đi theo, cô cảm thấy mình chẳng có lựa chọn nào khác.

Mặt trời vẫn chưa ló ra khỏi những đám mây buổi sáng. Alberto ngồi xuống một cái ghế băng bên ngoài nhà thờ. Sophie tự hỏi nếu ai đó đi ngang qua thì người ta sẽ nghĩ gì. Ngồi trên ghế nhà thờ lúc mười giờ sáng đã là lạ, ngồi với một thầy tu thời Trung Cổ chẳng làm cho tình thế trông khả dĩ hơn chút nào.

"Tám giờ" ông bắt đầu. "Khoảng 4000 năm đã trôi qua kể từ thời Thánh Augustine, trường học bắt đầu mở cửa. Từ đây cho đến lúc mười giờ, các trường học trong tu viện sẽ giữ độc quyền về giáo dục. Từ mười giờ đến mười một giờ, trường dòng đầu tiên sẽ được thành lập, tiếp theo là những trường đại học tổng hợp đầu tiên vào lúc giữa trưa. Những nhà thờ Gothic vĩ đại sẽ được xây dựng vào cùng thời gian đó. Chính nhà thờ này cũng có niên đại từ những năm 1200 - hay thời kỳ mà ta gọi là thời Gothic. Trong thành phố này, người ta đã không đủ tiền để xây một nhà thờ lớn.

"Họ chẳng cần," Sophie nói. "Em ghét nhà thờ trống không."

"À, nhưng những nhà thờ vĩ đại được xây dựng không chỉ để phục vụ các hội đoàn tín hữu lớn. Người ta xây những nhà thờ lớn để làm sáng danh Thiên Chúa, và đó chính là một dạng tôn giáo. Tuy nhiên, trong thời kỳ này còn xảy ra một sự kiện khác có ý nghĩa đặc biệt với các nhà triết học như chúng ta."

Alberto tiếp tục: "Ảnh hưởng của những người Arab ở Tây Ban Nha bắt đầu thể hiện rõ. Trong suốt thời Trung Cổ, người Arab đã duy trì sự sống cho truyền thống Aristotle, và từ cuối thế kỷ XII, các học giả Arab đã đến Bắc Ý theo lời mời đã được biết đến và được dịch từ tiếng Hy Lạp và Arab sang tiếng Latin. Điều này đã tạo nên mối quan tâm mới đối với khoa học tự nhiên và thổi sức sống mới vào câu hỏi về mối quan hệ của mặc khải Ki Tô Aristotle trong lĩnh vực khoa học, nhưng khi nào người ta nên đi theo nhà triết học Aristotle, khi nào bám vào Kinh thánh? Em thấy không?

Sophie gật đầu, ông thầy tu tiếp tục.

"Nhà triết học vĩ đại nhất và quan trọng nhất trong thời kỳ này là Thánh Thomas Aquinas, ông sinh năm 1225 và qua đời năm 1274. Ông xuất thân từ Aquino, một thành phố nhỏ nằm giữa Rome và Naples, nhưng ông cũng dạy ở Đại học Tổng hợp Paris. Tôi gọi ông là một nhà triết học, nhưng thực ra ông là một nhà thần học. Thời đó, thần học và triết học không khác nhau là bao. Ngắn gọn, ta có thể nói rằng Aquinas đã biến Aristotle thành tín đồ Ki Tô giáo y như việc Thánh Agustine đã làm đối với Plato vào đầu thời Trung Cổ."

"Chuyện đó thật kỳ quái, biến các nhà triết học đã sống từ cả ngàn năm trước khi có Chúa Ki Tô thành tín đồ Ki Tô giáo."

"Em có thể nói như vậy. Nhưng khi nói đến việc 'Ki Tô hóa' hai nhà triết học Hy-Lạp vĩ đại này, ta chỉ có ý rằng họ đã được giải nghĩa theo một cách mà theo đó họ không còn được coi là mối đe dọa đối với tín lý Ki Tô giáo. Aquinas là một trong những người đã cố gắng làm cho triết học của Aristotle tương thích với đức tin Ki Tô giáo. Ta nói rằng ông đã tạo ra sự kết hợp vĩ đại giữa đức tin và tri thức. Ông ta làm việc đó bằng cách đi vào triết học của Aristotle và nắm lấy lời ông."

"Em xin lỗi thầy, nhưng đêm qua em hầu như không ngủ. Chắc thầy phải giải thích rõ hơn mới được."

"Aquinas tin rằng không nên có mâu thuẫn giữa những gì triết học hay lý tính dạy ta và những gì sách Khải Huyền Ki Tô giáo hay đức tin nói với ta. Thế giới Ki Tô giáo và triết học thường phát biểu giống nhau. Như vậy, chúng ta thường có thể tự lập luận để đạt đến cùng một chân lý mà ta có thể đọc được trong Kinh Thánh."

"Bằng cách nào? Chẳng lẽ lý tính nói với ta rằng Chúa Trời tạo ra thế giới trong sáu ngày, và Jesu là Con của Chúa?"

"Không, ta chỉ có thể tiếp cận những cái gọi là chân lý của đức tin đó qua sách Khải Huyền và đức tin. Nhưng Aquinas tin vào sự tồn tại của các 'chân lý thần học tự nhiên', nghĩa là những chân lý mà ta có thể đạt được qua cả đức tin Ki Tô giáo lẫn lý tính bẩm sinh hay lý tính tự nhiên của ta. Chẳng hạn, chân lý về sự tồn tại của Chúa Trời. Aquinas tin rằng có hai con đường đến với Chúa. Một đường qua đức tin và sách Khải Huyền Ki Tô giáo, đường kia qua lý tính và các giác quan. Trong hai con đường đó, đường qua đức tin và Kinh thánh hẳn là con đường chắn chắn nhất, vì người ta rất dễ lầm lạc nếu chỉ tin vào lý tính. Nhưng quan điểm của Aquinas là không nên có mâu thuẫn giữa một nhà triết học như Aritotle và giáo lý Ki Tô giáo."

"Như vậy ta có thể chọn giữa việc tin Aristotle và tin Kinh thánh?"

"Không hề, Aristotle chỉ đi nửa đường vì ông ta không biết đến Khải Huyền Ki Tô giáo. Nhưng đi nửa đường không có nghĩa là đi sai đường. Ví dụ nói rằng Athens nằm ở châu Âu thì không sai, nhưng cũng chẳng cụ thể lắm. Nếu một cuốn sách chỉ viết rằng Athens là một thành phố ở Châu Âu thì ta nên tra cứu thêm đầy đủ rằng Athens là thủ đô của Hy Lạp, một quốc gia nhỏ ở đông nam Châu Âu. Nếu may mắn, ta có thể tìm được một ít thông tin về Acropolis nữa. Đấy là chưa nói đến Socrates, Plato, và Aristotle."

"Nhưng mẩu thông tin đầu tiên về Athens là đúng sự thật."

"Chính xác! Aquinas muốn chứng minh chỉ một sự thật. Như vậy khi Aristotle cho ta thấy một điều lý tính mách bảo là có thật, điều đó có mâu thuẫn với giáo lý Ki Tô giáo. Ta có thể đạt tới một khía cạnh của chân lý với sự giúp đỡ của lý tính và bằng chứng của giác quan. Chẳng hạn, loại chân lý mà Aristotle nói đến khi mô tả thế giới động thực vật. Còn qua Kinh thánh, Chúa mở ra cho chúng ta một khía cạnh khác của chân lý. Nhưng hai khía cạnh này của chân lý trùng nhau tại những điểm quan trọng. Có những câu hỏi mà Kinh thánh và lý tính đưa ra các câu trả lời giống hệt nhau."

"Đúng vậy. Triết học của Aristotle cũng giả thiết sự tồn tại của một vị Chúa Trời - hay một nguyên nhân hình thức - cái đã làm cho tất cả các quá trình thiên nhiên hoạt động. Nhưng ông không miêu tả gì hơn về Chúa Trời. Do vậy, ta phải dựa hoàn toàn vào Kinh thánh và học thuyết của Jesu."

"Hoàn toàn chắc chắn là có Chúa ạ?"

"Hiển nhiên là người ta có thể tranh cãi về chuyện đó. Nhưng ngay cả trong thời của chúng ta, phần đông mọi người sẽ đồng ý rằng lý tính của con người chắc chắn không đủ khả năng để phản chứng sự tồn tại của Chúa Trời. Aquinas còn đi xa hơn. Ông tin rằng ông có thể dùng triết học của Aristotle để chứng minh rằng Chúa Trời tồn tại."

"Ghê nhỉ!"

"Ông tin rằng, với lý tính, ta có thể nhận ra rằng mọi thứ xung quanh ta đều phải có một 'nguyên nhân hình thức'. Như vậy, có cả 'thần học về đức tin' và 'thần học tự nhiên'. Điều tương tự cũng đúng trong khía cạnh đạo đức. Kinh thánh dạy ta Chúa Trời muốn con người sống như thế nào. Nhưng Chúa cũng cho ta một lương tâm để ta phân biệt đúng sai một cách 'tự nhiên'. Vậy, cũng có 'hai con đường' dẫn đến một cuộc sống có đạo đức. Ta hiểu rằng làm hại người khác, ngay cả khi chưa đọc trong Kinh thánh rằng ta phải đối xử với người như ta muốn được người đối xử. Ở đây cũng vậy, cách chắn chắn nhất là tuân theo lời răn trong Kinh thánh."

"Em nghĩ là em đã hiểu," Sophie nói. "Nó gần giống như cách ta biết có bão khi nhìn thấy chớp và nghe thấy sấm."

"Chính xác! Ta có thể nghe thấy sấm nếu ta mù, và có thể nhìn thấy chớp nếu ta điếc. Tất nhiên, tốt nhất là vừa nghe thấy vừa nhìn thấy. Nhưng không có mâu thuẫn giữa những cái ta nhìn thấy và nghe thấy. Ngược lại, hai ấn tượng hỗ trợ lẫn nhau."

"Vâng."

"Để tôi lấy thêm một hình ảnh nữa. Nếu em đã đọc một tiểu thuyết, 'Truyện về Chuột và Người' của John Steinbeck chẳng hạn..."

"Thực ra em đã đọc quyển đó rồi."

"Chỉ qua việc đọc sách, em có cảm nhận được điều gì về tác giả không?"

"Em thấy rằng có một người đã viết quyển sách đó."

"Đấy là tất cả những gì em biết về ông ta?"

"Ông ta có vẻ quan tâm đến những người bị ruồng bỏ."

"Khi em đọc cuốn sách đó - một tác phẩm của Steinbeck - em biết cả một số điều về bản chất của Steinbeck nữa. Nhưng em không thể trông đợi rằng sẽ lấy được thông tin về cá nhân tác giả. Đọc Truyện về Chuột và Người, em có thể biết được tác giả bao nhiêu tuổi khi viết cuốn sách đó, ông ta sống ở đâu, hay ông có mấy đứa con hay không?"

"Hiển nhiên là không rồi."

"Nhưng em có thể tìm những thông tin này từ tiểu sử của John Steinbeck. Chỉ từ tiểu sử hay hồi ký, em mới có thể biết rõ hơn về con người Steinbeck.

"Vâng, đúng vậy."

"Sự sáng tạo của Chúa Trời và Kinh thánh ít nhiều cũng như vậy. Chỉ cần dạo quanh thiên nhiên, ta cũng có thể nhận thấy rằng có một vị Chúa Trời. Ta có thể dễ dàng thấy rằng Ngài yêu hoa cỏ và muông thú, nếu không Ngài đã chẳng tạo ra chúng. Nhưng các thông tin về cá nhân Chúa thì chỉ có thể tìm thấy trong Kinh thánh, hay là 'hồi ký' của Chúa nếu em muốn."

"Thầy giỏi tìm ví dụ thật!"

"Ờ, ừ..."

Lần đầu tiên, Alberto không trả lời mà chỉ ngồi lặng thinh suy nghĩ.

"Có phải tất cả những chuyện này đều liên quan đến Hilde không ạ?" Sophie không kìm được.

"Chúng ta không biết có hay không một cô 'Hilde'."

"Nhưng ta biết có ai đó đang xếp đặt một bằng chứng về bạn ấy ở khắp nơi. Bưu ảnh, khăn lụa, ví xanh, tất..."

"Alberto gật đầu. "Và có thể cha của Hilde là người quyết định ông ta sẽ sắp đặt bao nhiêu bằng chứng," ông nói. "Đến giờ, tất cả những gì chúng ta biết chỉ là có ai đó đang gửi cho ta rất nhiều bưu ảnh. Tôi hy vọng ông ấy sẽ viết chút ít đó về bản thân nữa. Nhưng chúng ta sẽ quay lại chuyện đó sau."

"Mười một giờ kém 15 rồi. Em phải có mặt ở nhà trước khi thời Trung Cổ chấm dứt."

"Tôi sẽ chỉ kết luận bằng mấy lời về cách Aquinas đưa triết học Aristotle vào mọi lĩnh vực, nơi nó không xung đột với thần học của Nhà thờ. Các lĩnh vực này bao gồm logic, lý thuyết về tri thức, và quan trọng nhất là triết học tự nhiên của ông. Chẳng hạn, em còn nhớ miêu tả của Aristotle về thang tiến triển của sự sống từ thực vật và động vật đến con người không?"

Sophie gật đầu.

"Aristotle cho rằng cái thang này cho thấy một vị Chúa Trời cấu thành một dạng cực đại của sự tồn tại. Có thể liên hệ sơ đồ này với thần học Ki Tô một cách không khó khăn gì. Theo Aquinas, có một mức độ hiện hữu tăng dần từ thực vật đến động vật rồi đến con người, từ con người đến thiên thần, và từ các thiên thần đến Chúa Trời. Cũng như động vật, con người có một cơ thể và các cơ quan cảm giác, nhưng con người còn có trí thông minh để lập luận. Thiên thần không có cơ thể với các cơ quan cảm giác, đó là lý do họ có trí thông minh tự phát và tức thời. Họ không cần suy nghĩ cân nhắc như con người. Họ biết tất cả những gì con người có thể biết mà không phải học từng bước như chúng ta. Và vì thiên nhiên không có thể xác, họ không bao giờ chết. Không phải họ luôn luôn tồn tại như Chúa Trời, vì họ đã từng được Chúa tạo ra. Nhưng họ không có một thể xác mà một ngày nào đó phải từ bỏ, do vậy họ sẽ không bao giờ chết."

"Nghe hay thật!"

"Nhưng Chúa Trời trị vì ở bên trên các thiên thần, Sophie ạ. Ông ta có thể nhìn thấy tất cả và biết tất cả mọi thứ chỉ trong một tầm nhìn thống nhất."

"Vậy là bây giờ ông ta có thể nhìn thấy chúng ta."

"Phải, có lẽ ông ta nhìn thấy. Nhưng không phải 'bây giờ'. Đối với Chúa Trời, thời gian không tồn tại như nó đang tồn tại với chúng ta. 'Bây giờ' của chúng ta không phải 'bây giờ' của Chúa. Nhiều tuần đã trôi qua đối với chúng ta, nhưng không nhất thiết là chúng đã trôi qua đối với Chúa."

"Ôi trời!" Sophie thốt lên. Cô lấy tay bịt miệng. Alberto cúi nhìn cô và Sophie nói tiếp: "Hôm qua em nhận được một tấm bưu ảnh nữa của bố Hilde. Ông ấy viết cái gì đó như: một hai tuần đối với Sophie không có nghĩa nó cũng dài như vậy đối với chúng ta. Câu đó gần như giống hệt với những gì thầy vừa nói về Chúa!"

Sophie có thể thấy một cái nhíu mày thoáng qua khuôn mặt Alberto bên dưới cái mũ thầy tu.

"Ông ta phải tự lấy làm xấu hổ mới phải!"

Sophie chẳng hiểu Alberto định nói gì. Ông tiếp tục: "Đáng tiếc là Aquinas cũng tiếp thu quan điểm của Aristotle về phụ nữ. Chắc em còn nhớ Aristotle cho rằng phụ nữ là một người đàn ông không hoàn chỉnh. Ông còn cho rằng con cái chỉ thừa kế đặc điểm của cha, do người phụ nữ thụ động và tiếp nhận, trong khi người đàn ông chủ động và tạo tác. Theo Aquinas, những quan điểm này đồng điệu với thông điệp của Kinh thánh - chẳng hạn trong đó viết rằng phụ nữ được tạo ra từ xương sườn của Adam."

"Vớ vẩn!"

"Nên lưu ý rằng đến tận năm 1827 người ta mới phát hiện được trứng của động vật có vú. Do đó, chuyện người ta cho rằng người đàn ông mới là người sáng tạo và là năng lực truyền sự sống trong quá trình sinh sản có lẽ cũng không đáng ngạc nhiên lắm. Hơn nữa, ta có thể ghi nhận rằng, theo Aquinas, phụ nữ chỉ thấp hèn hơn nam giới trong vai trò một thực thể tự nhiên. Linh hồn của phụ nữ ngang bằng với linh hồn nam giới. Trên Thiên Đường có sự bình đẳng tuyệt đối về giới tính, vì mọi sự khác nhau vật lý về giới tính đã chấm dứt."

"An ủi nhạt nhẽo. Ở thời Trung Cổ không có nhà triết học nữ nào ạ?"

"Nam giới thống trị cuộc sống trong nhà thờ thời Trung Cổ. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng không có các nhà tư tưởng nữ. Một trong số họ là Hildegard xứ Bingen..."

Sophie tròn mắt:

"Bà ấy có liên quan gì tới Hilde không ạ?"

"Hỏi thế bao giờ! Hilde là một nữ tu ở Rhine Valey, sinh năm 1098 và qua đời năm 1179. Mặc dù là phụ nữ, bà giảng đạo, viết sách, làm thầy thuốc, là nhà thực vật học, nhà tự nhiên học. Bà là một ví dụ về thực tế rằng phụ nữ có đầu óc thực tiễn hơn, thậm chí khoa học hơn, ngay cả ở thời Trung Cổ."

"Thế còn Hilde?"

"Theo đức tin Ki Tô giáo và Do Thái cổ xưa, Chúa Trời không chỉ là một người đàn ông. Chúa còn có một mặt nữ tính, hay 'mẹ thiên nhiên'. Phụ nữ cũng được tạo theo hình Chúa. Trong tiếng Hy Lạp, mặt nữ tính của Chúa được gọi là Sophia. 'Sophia' hay 'Sophie' có nghĩa là sự thông thái."

Sophie lắc đầu đầy cam chịu. Tại sao trước đây chưa có ai từng nói với cô về điều đó? Và tại sao cô chưa bao giờ hỏi?

Alberto nói tiếp: "Sophia, hay phần mẹ thiên nhiên của Chúa Trời có một ý nghĩa nhất định đối với cả người Do Thái và Giáo hội Chính thống Hy Lạp trong suốt thời Trung Cổ. Ở phía Tây, bà đã bị lãng quên. Nhưng Hildegard xuất hiện. Bà đã được thấy linh ảnh của Sophia hiện ra trong trang phục áo chẽn vàng gắn những đồ trang sức quý giá..."

Sophie nhỏm dậy. Sophie đã hiện ra trước Hildegard...

"Có thể em sẽ hiện ra trước Hilde."

Cô ngồi xuống. Lần thứ ba, Alberto đặt tay lên vai cô.

"Đó là điều mà chúng ta phải nghiên cứu. Nhưng bây giờ đã quá mười giờ. Em phải về nhà, và chúng ta đang tiến tới một thời kỳ mới. Tôi sẽ gọi em đến để nói về thời Phục Hưng. Hermes sẽ đến tìm em trong vườn."

Đến đó, ông thầy tu kỳ lạ đứng dậy và bắt đầu đi về phía nhà thờ, Sophie ngồi lặng thinh suy nghĩ về Hildegard và Sophia, Hilde và Sophie. Bỗng nhiên, cô bật dậy chạy về phía nhà triết học mặc áo thầy tu, cô hỏi với theo:

"Thời Trung Cổ có Alberto không ạ?"

Alberto đi chậm lại, khẽ quay đầu và nói, "Aquinas có một ông thầy triết học nổi tiếng được gọi là Alberto Vĩ đại..."

Rồi ông cúi đầu và biến mất sau cánh cửa nhà thờ Thánh Mary.

Sophie vẫn chưa hài lòng với câu trả lời. Cô theo ông vào trong nhà thờ. Nhưng bây giờ, nó hoàn toàn không một bóng người. Ông ấy đã độn thổ chăng?

Trên đường ra ngoài, cô nhìn thấy một bức hình Đức Mẹ Đồng trinh Madonna. Cô tiến đến ngắm nghĩa kĩ càng. Cô chợt nhận thấy một giọt nước nhỏ đọng dưới khóe mắt Madonna. Có phải đó là nước mắt không?

Sophie lao ra khỏi nhà thờ và vội vã quay về nhà Joanna.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thế giới của Sophie Chương 16: Thời Trung Cổ

Có thể bạn thích