Thế giới 5000 năm
 Người Tù Bị Lưu Đày Chối Từ Sự Ân Xá

 NGƯỜI TÙ BỊ LƯU ĐÀY CHỐI TỪ SỰ ÂN XÁ

Một ngày năm 1875, một sĩ quan rạp mình trên ngựa phóng như bay tới một làng hẻo lánh ở Bắc Xibêri (Nga).

Ở đây khí hậu lạnh lẽo, mùa đông băng phủ, giao thông cách trở, người ở thưa thớt. Dân cả làng không đến 500 người, chỉ có hơn 20 nhà gỗ và số ít là lều vải. Chính phủ Sa hoàng thường lưu đầy những nhà cách mạng đến đây. Người ta gọi nó là “nhà tù thiên nhiên”.

Tên sĩ quan có xã trưởng và hiến binh cùng đi, bước vào một gian nhà gỗ nhỏ thấp lè tè.

- Ông bà Sécnưsépxki, tù nhân bị lưu đày đến đây phải không? Tên sĩ quan thừa biết nhưng vẫn cố ý hỏi.

Người được hỏi đã gần 50 tuổi, đầu tóc bù xù, trán rộng, hai má hóp, da nhăn nheo, rõ ràng là ông đã bị đầy đọa qua nhiều năm tháng. Ông ngồi trên một chiếc ghế đẩu, không ngẩng đầu lên, chỉ chuyển động tròng mắt, nhìn tên sĩ quan đang đứng trước mặt qua gọng kính.

Viên sĩ quan nhíu lông mày nói:

- Tôi vâng lệnh của Ngài Tổng đốc Đông Xibêri đến báo cho ông biết, chỉ cần ông viết đơn xin Hoàng thượng tha cho hành vi phạm tội của ông, ông có thể rời khỏi nơi hoang vắng này, trở về đoàn tụ với gia đình. Đơn xin người ta đã viết thay cho ông rồi, ông ký một chữ là xong. Xin mời ông! - Nói xong, y đưa tờ giấy cho Sécnưsépxki. Sécnưsépxki xem qua tờ giấy, lạnh lùng nói:

- Theo ngài, tôi phải xin tha những gì? Tôi cho rằng tôi bị lưu đày chỉ vì đầu óc tôi và đầu óc của quan hiến binh không giống nhau. Vì điều ấy mà tôi phải xin hoàng thượng tha cho sao?

Viên sĩ quan ngạc nhiên:

- Vậy ông từ chối xin tha tội?

- Vâng, tôi kiên quyết từ chối xin tha tội.

Vì sao Sécnưsépxki bị Sa hoàng lưu đày đến đây? và tại sao ông lại từ chối xin tha tội?

Từ bé, Sécnưsépxki đã ham thích đọc sách, 10 tuổi trình độ hiểu biết của ông đã bằng trình độ học sinh trung học 15 tuổi. Năm 16, ông đã thông thạo 7 ngoại ngữ. Năm 1846, 18 tuổi, ông lên kinh đô học ở Khoa lịch sử văn học trường Đại học Pêtécbua - Ông rất thích thú những vấn đề xã hội, khao khát lật đổ Chính phủ chuyên chế Sa hoàng, xoá bỏ chế độ nông nô thối nát. Tốt nghiệp Đại học, ông trở về quê nhà làm giáo viên Ngữ văn ở một trường Trung học. Vì nhiệt tình tuyên truyền tư tưởng cách mạng, lãnh đạo nhà trường chỉ trích ông phá hoại nền nếp của trường, gieo rắc những tư tưởng nguy hiểm. Không chịu nổi, ông tức giận bỏ trường về pêtécbua.

Pêtécbua có một tờ tạp chí tiến bộ tên là “Người cùng thời”, do nhà thơ nổi tiếng của Nga Puskin sáng lập năm 1836. Lúc bấy giờ, tổng biên tập của tạp chí nàylà Nêclaxốp, nhà thơ dân chủ cách mạng. Sécnưsépxki viết một bài cho “Người cùng thời”. Nêcraxốp xem xong bản thảo rất khen ngợi, liền mời Sécnưsépxki phụ trách một chuyên mục của “Người cùng thời”. Từ đó, Sécnưsépxki vừa tổ chức biên tập bài vở, vừa viết bài đả kích Chính phủ Sa hoàng.

Lúc bấy giờ, mâu thuẫn xã hội ở Nga đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Để thoát khỏi nguy cơ, năm 1857, Nga hoàng nêu vấn đề “giải phóng” nông nô. Sécnưsépxki thấy ngay đây là một trò bịp bợm, đã viết nhiều bài vạch trần trò bịp này trên “Người cùng thời”. Ông còn viết nhiều tuyên ngôn và truyền đơn, nhắc nhở nông nô chớ mắc lừa Sa hoàng. Ông nêu rõ: “Các bạn là nông nô của địa chủ, mà địa chủ là đầy tớ của Sa hoàng. Sa hoàng là địa chủ đứng trên các địa chủ. Như vậy là: Sa hoàng và địa chủ cũng cùng một giuộc. Các bạn không thể tìm được ở Sa hoàng thứ tự do mà các bạn đang cần.

Tháng 2 năm 1861, Chính phủ Sa hoàng ban bố pháp lệnh “xóa bỏ” chế độ nông nô. Báo chí của Chính phủ và phái tự do ồn ào ca tụng. “Người cùng thời” lặng thinh để tỏ thái độ phản đối.

Mật thám của bộ máy cảnh sát Sa hoàng thường xuyên bí mật theo dõi hành động của Sécnưsépxki, chỉ chờ cơ hội để bắt ông.

Mùa hè năm 1862, ở Pêtécbua liên tiếp xẩy ra mấy vụ hỏa hoạn. Nhà đương cục cảnh sát vu cho những người của Đảng cách mạng đốt và tháng 7 thì bắt giam Sécnưsépxki.

Cảnh sát buộc Sécnưsépxki phải nhận tội Sécnưsépxki kiên quyết phủ nhận:

- Tôi có thể ngồi ở đây cho đến lúc đầu bạc, thậm chí có thể ngồi cho đến chết, nhưng không bao giờ thừa nhận mình có tội?

Nhà đương cục cảnh sát hết sức lúng túng, tìm mọi cớ kéo dài vụ án.

Sécnưsépxki có một nghị lực cách mạng phi thường.

Tuy ông bị mất tự do về nhân thân nhưng vẫn dùng ngòi bút để chiến đấu.

Ông bị giam trong một gian nhà đá vừa nhỏ vừa lạnh lẽo, chỉ có một luồng ánh sáng yếu ớt xuyên vào qua một ô vuông nho nhỏ, thường xuyên có người canh gác không cho ông viết. Làm thế nào bây giờ? Ông liền bịa chuyện nói với bọn cai ngục là khi ở tòa soạn tạp chí “Người cùng thời”, ông đã lĩnh trước một khoản tiền nhuận bút, nay phải viết một cuốn tiểu thuyết không có liên quan đến chính trị, để trả nợ cho họ. Ông cố ý viết một đoạn truyện trinh thám, để bọn cai ngục và bọn kiểm duyệt tin là thật. Sau khi được phép, 3 tháng liền ông viết xong một cuốn tiểu thuyết mấy chục vạn chữ. Nhờ có Nêcraxốp giúp đỡ, cuốn tiểu thuyết được đăng liên tục trên “Người cùng thời” từ tháng 1 năm 1863, đó chính là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng: “Làm gì?”

“Làm gì?” viết về truyện “người mới”. “Người mới” đó là những người cách mạng trí thức bình dân.

Vêra xuất thân trong gia đình tiểu thị dân, là một cô gái hết sức yêu tự do và tính khí kiên cường. Cô thà chết chứ không chịu nghe theo lời cha mẹ lấy một tên sĩ quan đạo đức đồi bại. Lôpukhốp, gia sư, chàng sinh viên đại học trẻ trung hết sức thông cảm với cảnh ngộ cô, giúp cô trốn khỏi cái gia đình như địa ngục này. Ít lâu sau, họ lấy nhau.

Vì chịu ảnh hưởng của tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng, sau khi kết hôn, Vêra ngược xuôi khắp nơi, lập ra một xưởng may. Trong xưởng, mọi người đều bình đẳng, không có bóc lột, lợi nhuận thu được đều dùng để cải thiện phúc lợi cho mọi người. Xưởng may làm việc rất sôi nổi, công nhân sống hạnh phúc sung sướng. Vêra cũng trở thành người thầy thuốc nữ đầu tiên của Nga, nàng được giải phóng thật sự.

Tiểu thuyết còn miêu tả nhân vật Rakhơmêtốp, nhà cách mạng dân chủ. Rakhơmêtốp kiên quyết từ bỏ gia đình quý tộc của mình, hiến thân cho sự nghiệp cách mạng. Để rèn luyện ý chí đấu tranh, anh làm những công việc lao động chân tay nặng nhọc. Không uống rượu, không ăn bánh mì trắng, đường, hoa quả và thịt bò, thậm chí ngủ ở bãi sông để thử xem mình có chịu đựng nổi cuộc sống gian truân vất vả, có trung thành với lý tưởng đã định hay không.

Trong tiểu thuyết này, Sécnưsépxki đã bày tỏ quan điểm của mình đối với các, vấn đề tình yêu và phụ nữ, tuyên truyền cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng. Ông tìm câu trả lời cho một vấn đề mang tính lịch sử là thế hệ thanh niên phải “làm gì?”. Thanh niên phải vứt bỏ lợi ích cá nhân, rèn luyện ngoan cường, tiến hành đấu tranh cách mạng, dũng cảm tiến vào vương quốc của lý tưởng.

Cuốn tiểu thuyết ra đời được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt. Khi nhà cầm quyền biết mình đã sơ suất, vội vàng ra lệnh cấm thì nó đã được truyền khắp toàn quốc từ lâu rồi.

Vụ án Sécnưsépxki kéo dài gần 2 năm, mãi đến tháng 2 năm 1864, chính quyền Sa hoàng mới xử ông 7 năm tù khổ sai và lưu đày chung thân ở Xibêri. Trước khi bắt ông đi khổ sai, kẻ thù còn “tử hình giả” ông. Ngày 19 tháng 5, bọn đao phủ áp giải ông đến đoạn đầu đài trên một quảng trường trong nội thành, đè ông quỳ xuống, dùng xích sắt buộc ông vào cột xử tử tù rồi bẻ gẫy một thanh kiếm ngay trên đầu ông. Sécnưsépxki thản nhiên lặng lẽ chờ sự kết thúc của cái trò hề làm nhục con người này. Một cô gái ném cho ông một bó hoa tươi, cô gái này lập tức bị bắt ngay. Sau đó, ông bị áp giải đi Xibêri làm khổ sai.

Khổ sai không làm cho Sécnưsépxki mất đi ý chí cách mạng. Ông chịu đựng mọi sự đầy đoạ, giữ mối liên hệ mật thiết với những người cách mạng cùng bị lưu đầy và quần chúng địa phương. Mãn hạn 7 năm khổ sai, ông lại bị chính quyền Sa hoàng đày đến “nhà lao thiên nhiên” hoang vắng, xa xôi hơn. Mặc dù Tổng đốc Đông Xibêri muốn ông ký vào đơn xin tha tội, ông vẫn kiên quyết không chịu khuất phục, kiên quyết chối từ: Trong thời gian tù khổ sai, ông viết cuốn tiểu thuyết dài “Màn giáo đầu”. Bản thảo cuốn tiểu thuyết qua tay người bạn, rồi vòng vèo chuyển qua nhiều đường đến Anh, được Mác giúp đỡ xuất bản thành sách.

Năm 1881, Sa hoàng Alếchxanđrơ III lên ngôi. Để lung lạc nhân tâm, ông ta hạ lệnh khôi phục tự do cho Sécnưsépxki. Sau đó 2 năm, Sécnưsépxki chấm dứt cuộc sống lưu đầy.

21 năm sống cuộc đời không phải của con người, Sécnưsépxki tàn tạ đi vì đầy đoạ Tháng 10 năm 1889, trái tim nhà cách mạng dân chủ Nga lỗi lạc này đã ngừng đập.

LÉP TÔNXTÔI

11 giờ đêm, Lép Tônxtôi già nua hai tay run rẩy mặc áo quần, châm ngọn nến rồi ngồi viết cho bà vợ lá thư cuối cùng. Trong tâm trạng xúc động, ông viết: “Anh không thể sống trong cảnh xa hoa này nữa. Anh phải làm như những người già vào tuổi anh vẫn làm: Trốn khỏi cuộc sống trần tục, sống những năm cuối đời mình trong cô đơn và vắng lặng”.

Tảng sáng hôm sau ông lên chiếc xe ngựa bốn bánh rời khỏi trang trại. Sau đó, ông đến ga tàu hỏa, lên một toa hạng ba chật ních người, ngồi lẫn với công nhân, nông dân nói chuyện, hỏi thăm về cuộc đời và sự đói khổ của họ. Sau đó một hôm, ông đến một tu viện, sống với cô em gái hai ngày rồi ra đi chẳng một lời từ biệt. Không ai biết rốt cuộc là ông đi đâu.

Thời tiết âm u của mùa thu và tâm trạng bị kích thích mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của cụ già 82 tuổi này. Khi đến ga Axtapôvô (bấy giờ đổi thành ra Lép Tônxtôi) , ông gục ngã vì ốm.

Viên trưởng ga vội vàng đưa ông về nhà mình. Thầy thuốc chẩn đoán ông bị viêm phổi nặng.

Tônxtôi là nhà văn vĩ đại của Nga nổi danh trên toàn thế giới. Tin ông đột nhiên bỏ nhà ra đi và giữa đường mắc bệnh bỗng chốc lan truyền khắp thế giới. Cái ga bé nhỏ này bỗng thành trung tâm chú ý của các nhân sĩ tiến bộ Nga và toàn thế giới.

Bệnh tình của ông càng ngày càng trầm trọng. Ngày 7 tháng 11 năm 1910, cũng là ngày thứ 11 ông rời nhà ra đi, nhà văn nổi tiếng toàn thế giới này đột ngột qua đời.

Hàng nghìn hàng vạn người đi theo tiễn đưa, thi hài của Tônxtôi được đưa về nơi ông đã sống trước khi ra đi - trang trại Iaxnaia Pôlina gần thành phố Tua và an táng ông sát một hẻm núi, nơi ông đã sống qua thời niên thiếu ở đây.

Tônxtôi sinh ra trong một gia đình quí tộc, 2 tuổi mất mẹ, 9 tuổi mất cha. 16 tuổi, ông vào Trường đại học Cadan, sau đó 3 năm chuyển đến Trường đại học Pêtécbua, ít lâu sau nghỉ học trở về Pôlina.

Bấy giờ, chế độ nông nô thối nát còn thịnh hành ở Nga. Tônxtôi là chủ của hơn 300 nông nô ở trang trại Pôlina, tận mắt nhìn thấy cuộc sống bi thảm của những người nông nô, cảm thấy mình có tội lỗi, định giúp đỡ nông nô cải thiện cuộc sống. Nhưng những người nông nô trước sau vẫn coi ông là ông lớn, không tin ông sẽ giúp đỡ họ, điều này làm cho ông vô cùng khổ tâm.

Anh của Tônxtôi là sĩ quan pháo binh của Chính phủ Sa hoàng, thấy tâm trạng ông không ổn, liền đề nghị ông tòng quân. Tháng 4 năm 1851, hai người cùng đi Cápcađơ. Ngoài cuộc sống quân ngũ căng thẳng, Tônxtôi sáng tác văn học.

Tháng 7 năm sau, Tônxtôi gửi tác phẩm đầu tay của ông truyện vừa “Thời niên thiếu” cho Nêcraxốp, tổng biên tập tạp chí “Người cùng thời”, kèm theo một lá thư nói rõ đây là phần thứ nhất của một bộ tiểu thuyết, các phần khác có viết tiếp hay không là do phần này có thành công hay không quyết định. Vì thiếu tự tin, Tônxtôi chỉ viết tên viết tắt của mình “L.T” trên bản thảo và thư.

Nêcraxốp có ấn tượng tốt sau khi đọc “Thời niên thiếu”. Ông viết ngay thư trả lời cho Tônxtôi:

“Tôi đã đọc bản thảo của ông, nó thật hấp dẫn. Tôi đã quyết định sẽ cho đăng trên tạp chí. Vì chưa có phần sau nên không thể có kết luận rõ ràng được. Nhưng tôi cảm thấy quả thực tác giả có tài năng xuất chúng. . .”

Tháng 11 năm ấy, “Thời niên thiếu” đăng trên “Người cùng thời”. Cuốn tiểu thuyết trong đó Tônxtôi dốc hết thể nghiệm cuộc sống thời niên thiếu của mình, đã phản ánh một cách sinh động cuộc sống của những trẻ con trong các gia đình quý tộc xưa, sau khi ra đời, đã được độc giả kể cả những nhà văn nổi tiếng đều khen ngợi, làm cho ông bỗng chốc lọt vào hàng ngũ những nhà văn nổi tiếng của Nga.

Sau khi từ Cápcadơ về, Tônxtôi lại được điều động đến Crưm. Ông tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Xêvaxtôpôn, làm đại đội trưởng pháo binh, chỉ huy 5 khẩu đại bác phản kích liên quân Anh- Pháp.

Tranh thủ khoảng thời gian trống giữa các cuộc chiến đấu ác liệt, Tônxtôi hoàn thành được 3 truyện ngắn trong đó có “Truyện Xêvaxtôpôn”. Các tác phẩm này cũng đều thành công.

Từ năm 1863 đến năm 1869, Tônxtôi hoàn thành cuốn tiểu thuyết vĩ đại “Chiến tranh và hoà bình”. Tiểu thuyết này lấy việc Napôlêông xâm nhập Nga làm đề tài, miêu tả cuộc đấu tranh của nhân dân Nga hăm hở vùng lên đánh trả quân Pháp, phản ánh chiều hướng cuộc sống xã hội Nga lúc bấy giờ. Tiểu thuyết đã miêu tả sinh động nếp sinh hoạt và tư tưởng, tình cảm của những thanh niên quý tộc trong những năm tháng chiến tranh, đồng thời vạch rõ sự thối nát của xã hội quý tộc coi thường vận mệnh của Tổ quốc và nhân dân. Tiểu thuyết còn khắc họa hoạt động của những nhân vật như Sa hoàng Alếchxanđrơ I, Napôlêông. . . Khuôn khổ câu chuyện rộng lớn, dài tới hơn một triệu hai mươi vạn chữ; với trên 550 nhân vật xuất hiện, là một tác phẩm quan trọng trong văn học châu Âu thế kỷ 19.

Để viết cuốn tiểu thuyết này, Tônxtôi đã bỏ ra rất nhiều công sức. Ông đọc rất nhiều hồi ký lịch sử và tư liệu báo chí có liên quan, đi khắp các thư viện lớn ở Matxcơva, tìm kiếm những người đã tham gia chiến tranh để nghe họ kể lại. Bất cứ ở đâu, ông đều dùng nhãn quan nhậy bén chăm chú quan sát mọi thứ chung quanh và không ngừng ghi chép. Để giúp mình có được cảm thụ chân thực, rõ ràng, ông tìm đến những chiến trường chính ngày xưa, ghi bút ký ngay ở đó, vẽ bản đồ địa hình chiến dịch, tiến hành khảo sát thực địa. Bắt tay vào viết, từ sáng sớm ông đã giam mình trong phòng sách, không cho bất cứ ai quấy rầy. Ban đêm, bà vợ thuộc lòng nét chữ của ông ngồi cạnh bàn viết, sao chép lại bản thảo chi chít dấu gạch xóa của ông, bà thường làm việc thâu đêm.

Hoàn thành bộ “Chiến tranh và hoà bình”, Tônxtôi nghỉ viết một thời gian khá dài. Mùa hè năm 1870, cả ngày ông cùng với nông dân cày ruộng, cắt cỏ. Về sau, ông lại học tiếng Hy Lạp. Một thời gian sau, ông yêu cầu thầy giáo kiểm tra trình độ. Kết quả ông đã dịch được tiếng Hy Lạp mà không phải dùng từ điển, khiến thầy giáo kinh ngạc hết sức. Từ lâu, trước đó 10 năm, ông đã mở một trường học cho con em nông dân. Bây giờ ông lại viết “Sách học chữ” cho trẻ con. Để làm việc này, ông đi sâu nghiên cứu vật lý học, lịch sử học, nhân loại học, địa lý học, nghiên cứu văn học Arập và Ấn Độ, tự mình phiên dịch và cải biên gần 700 truyện. Sau đó, ông tinh giản lại sách cho phát hành rộng rãi, khiến cho mấy thế hệ trẻ con Nga nhờ học sách này mà biết đọc, biết viết.

Một hôm, Tônxtôi đọc “Tập văn Puskin”, đọc đến một đoạn ông bất giác kêu lên: “Hay quá chừng! Mộc mạc quá chừng! Nói thẳng vào đề luôn, không cần phải quanh co. Nói xong, ông lập tức cầm bút, bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết mới. Cuốn tiểu thuyết này chính là tác phẩm “Anna Carênina” nổi tiếng, hoàn thành vào năm 1877. Tiểu thuyết phản ánh mâu thuẫn xã hội nước Nga sau cải cách chế độ nông nô, vạch trần và phê phán sâu sắc nền chính trị, pháp luật và đạo đức của xã hội tư sản quí tộc.

Trong thời gian cuối cùng viết cuốn “Anna Carênina”, Tônxtôi ngày càng cảm thấy bất bình với cuộc sống của mình. Ông ý thức được rằng địa chủ và nông dân không thể bắt tay nhau, do đó cảm thấy tuyệt vọng, thậm chí muốn tự sát. Sau đó, ông chuyển sự chú ý sang tôn giáo. Ông đọc rất nhiều sách tôn giáo và đã đi bộ 10 ngày hành hương đến một tu viện. Ông đi tìm hiểu cuộc sống của dân nghèo và bố thí cho họ, thậm chí định viết bài kêu gọi nên công hữu hóa ruộng đất. Sau đó, đối với cuộc sống sung túc của mình, ông cảm thấy lương tâm không yên, thường làm công việc của nông dân, thậm chí cùng ăn bánh mì đen với nông dân.

Năm 1887, giữa lúc tư tưởng Tônxtôi ngày càng mâu thuẫn thì một ông bạn làm quan Thanh tra, kể cho ông nghe một vụ án. Có một cô gái bình thường bị một gã quí tộc lừa dối, kết quả sa ngã, bị mang ra xét xử. Tônxtôi cảm thấy rất thích thú đối với vụ án này. Sau đó hai năm, ông lấy câu chuyện đó làm đề tài sáng tác tiểu thuyết nổi tiếng “Sống lại”.

“Sống lại” viết về câu chuyện: Chàng quí tộc Nêkhơliuđốp khi hội thẩm ở Tòa án, phát hiện ra Cachiusa Maxlôva, người kỹ nữ bị vu cáo phạm tội giết người, chính là cô con gái của một nông nô đã bị chàng dụ dỗ trước kia để đến nỗi phải sa ngã. Để giảm nhẹ sự dằn vặt của “lương tâm”, chàng tìm đủ cách phải cứu Cachiusa, theo nàng đến nơi lưu đày. Cuối cùng, chàng sám hối để cầu mong được “sống lại” về tinh thần.

Tiểu thuyết phê phán quyết liệt chế độ Nhà nước, chế độ giáo hội, chế độ xã hội và chế độ kinh tế của nước Nga, nhưng lại tuyên truyền cho thuyết không dùng bạo lực chống lại điều ác, mà dùng sự tự hoàn thiện mình về đạo đức và tôn giáo để cứu vớt nhân loại.

Thời gian Tônxtôi viết “Sống lại” dài đến 11 năm. Tiểu thuyết bắt đầu đăng trên tạp chí “Ruộng đất” tháng 3 năm 1899, liên tục trong suốt 1 năm. Vì trong sách có phê phán Giáo hội nên Tônxtôi bị khai trừ giáo tịch.

Vào cuối đời, tư tưởng Tônxtôi thay đổi ngày càng lớn. Ông không tới dự những dạ hội xã giao của giới quý tộc nữa, thậm chí không muốn tiếp những vị khách “cao quý” tại nhà. Ông ăn mặc giống hệt như một nông dân bình thường và tự nhận là “luật sư của trăm triệu nông dân”. Theo ông nếu nông dân từ chối không đến làm việc trên ruộng đất của địa chủ nữa, thì địa chủ sẽ phải từ bỏ ruộng vì họ sẽ chẳng kiếm được lợi lộc gì. Nhưng chủ trương của ông không được ai hưởng ứng, càng khiến cho nỗi đau khổ của ông về tư tưởng càng ngày càng sâu sắc.

Mâu thuẫn giữa Tônxtôi và bà vợ ông cũng ngày càng trở nên gay gắt. Bà kiên quyết phản đối quan điểm của chồng, không đồng ý với việc ông từ bỏ bản quyền đối với các tác phẩm viết sau năm 1881, phản đối việc ông sống chung với nông dân.

Tất cả những điều này làm cho Tônxtôi mất đi lòng tin có thể tiếp tục sống ở trang trại Pôliana. Thế là xẩy ra sự việc Tônxtôi bỏ nhà ra đi đã kể ở đoạn mở đầu câu chuyện.

GOÓCKI

Một sáng mùa đông, một thanh niên người cao cao đeo chiếc túi đến trước cửa nhà Côrôlencô, nhà văn nổi tiếng của Nga.

Trước thềm nhà, một người vóc dáng thấp lùn đang quét tuyết, thấy anh chàng thanh niên đứng trước cửa nhìn quanh, liền hỏi:

- Này, anh kia, tìm ai thế?

- Dạ, tôi tìm Côrôlencô.

- Chính tôi là Côrôlencô đây. Có việc gì thế?

Chàng thanh niên ngượng nghịu nói:

- Là thế này ạ, cháu muốn xin chú góp ý cho cháu về những bài thơ cháu làm.

Côrôlencô gật gật đầu, mời chàng thanh niên vào nhà. Chàng thanh niên mở túi ra, đưa cho Côrôlencô một xấp bản thảo dày cộp. Côrôlencô thấy trên trang đầu viết: “Bài ca cây sồi già”, lật xem mấy trang đã chỉ ra ngay mấy chỗ sai; sau đó, ông nói với chàng thanh niên một số vấn đề đơn giản, dễ hiểu. Chàng thanh niên lắng nghe, cảm thấy những điều mình hiểu biết còn ít quá nên tỏ ra, lúng túng, xấu hổ. Cuối cùng, Côrôlencô bảo để bản thảo lại để ông xem kỹ thử, chàng thanh niên vội vàng cáo từ.

Sau đó hai tuần, chàng thanh niên nhận được bản thảo gửi trả lại. Chỉ thấy trên phong bì viết: “Qua “Bài ca” này rất khó nhận xét về tài năng của anh, nhưng có thể là anh rất có tài. Đề nghị anh viết về một số cảm thụ anh đã trải qua gửi cho tôi xem thử. Tôi không phải là người giám định và thưởng thức thơ, song thơ của anh cá biệt có những câu rất có sức mạnh, trong sáng, nhưng tôi cảm thấy thơ anh khó hiểu”.

Chàng thanh niên xem xong, lập tức xé vụn các bản thảo quẳng vào lò sưởi.

Chàng thanh niên này tên là Alếchxây Macximôvích Pêscốp. Anh chính là Goócki, nhà văn vĩ đại nổi tiếng thế giới sau này. Sự việc trên đây xẩy ra năm 1889, bấy giờ anh 21 tuổi.

Goócki sinh năm 1868 trong một gia đình thợ mộc ở Nga. Cậu chưa học đến năm thứ 3 Tiểu học thì đã thất học. 11 tuổi cậu đi học nghề, ít lâu sau, trốn đi giúp việc cho công nhân bốc vác, lên tàu thủy làm phụ việc cho những người rửa bát, về sau lại làm người quét sân, thợ làm bánh mì, người gác đêm, nhân viên cân hàng đường sắt. 16 tuổi cậu đến Cadan, gần gũi với những thanh niên có tinh thần cách mạng, đọc “Tư bản” của Mác, học tác phẩm văn học cổ điển của Nga và nước ngoài, và bắt đầu sáng tác văn học. “Bài ca cây sồi” là một bài thơ dài cậu dùng văn xuôi và văn vần đề viết. Sau khi đốt bản thảo thơ, cậu quyết định bỏ viết lách đi lang thang các nơi.

Goócki theo sông Vônga đi về hạ du, từ Salipin xuyên qua vùng sông Đông, Ucraina, Crưm lưu lạc đến Cápcadơ. Cậu đi bộ hàng nghìn dặm, trên đường làm đủ mọi việc: công nhân khuân vác, công nhân đánh cá, công nhân làm muối, một ngày có khi làm đến 15 tiếng đồng hồ, mà vẫn thường xuyên bị đói. Cuộc “du lịch” đường dài lần này khiến anh nhận rõ được Tổ quốc, tích luỹ được tài liệu sáng tác phong phú.

Mùa thu năm 1891, Goócki đến Tiphơlit. Ở đây, anh quen biết một người tù chính trị bị lưu đày tên là Caliôxinôi. Caliôxnôi khuyến khích Goocki sáng tác. Ít lâu sau, Goócki dựa vào những điều tai nghe mắt thấy trong thời gian lang thang đây đó viết thành truyện ngắn “Maca Suđra”. Tháng 9 năm sau, truyện ngắn này được đăng trên tờ báo địa phương “Nhật báo Cápcadơ” với bút danh mà về sau toàn thế giới đều biết: Mácxim Goócki.

Sau khi đã liên tiếp cho đăng mấy truyện ngắn, mùa thu năm 1893, Goócki đến gặp Côrôlencô.

Côrôlencô thấy Goócki liền phấn khởi kêu lên:

- Ồ! Tôi vừa mới đọc một truyện ngắn của anh. Tuyệt lắm, bây giờ anh cũng đã bắt đầu công bố tác phẩm, phải chúc mừng anh!

Goócki vẫn giọng ngượng ngùng:

- Thế, chú thấy cháu có thể viết được không ạ?

Côrôlencô hơi ngạc nhiên:

- Tất nhiên là có thể! Thế nào, chẳng phải anh đã viết, đã công bố tác phẩm rồi sao?”

Sau đó, Goócki viết một truyện ngắn có tên là “Sencát”, xin Côrôlencô góp ý. Đọc  xong, Côrôlencô chúc mừng Goócki:

- Anh đã viết một truyện hay, thậm chí có thể nói là một truyện thật sự xuất sắc! Anh là một nhà hiện thực chủ nghĩa, nhưng đồng thời cũng là một nhà lãng mạn chủ nghĩa!

Qua sự giới thiệu của Côrôlencô, “Sencát” đã được đăng trên một tạp chí cỡ lớn ở Pêtécbua.

Từ đó, tên tuổi nhà văn Goócki dần dần được người ta biết đến. Từ năm 1901, tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài; kịch bản của ông cũng được diễn ở các nhà hát trong và ngoài nước.

Mật thám của Chính phủ Sa hoàng luôn luôn theo dõi ông. Tháng 4 năm 1901, sau khi đăng “Bài ca chim báo bão”, hiến binh lập tức đến lục soát nhà ông.

Nửa đêm, hiến binh đột nhiên xông vào nhà. Goócki ngồi trước bàn, không trả lời những câu hỏi hiến binh nêu ra, chỉ bình tĩnh nói:

- Xin các ông cứ mở hết các ngăn kéo!

Cuộc lục soát kéo dài mãi đến 8 giờ sáng hôm sau. Rất nhiều bút ký và bản thảo tác phẩm của Goócki đều bị nhét vào bao tải.

Goócki bị bắt. Ông phạm tội gì? Chính quyền cho rằng “Bài ca chim báo bão” là “tác phẩm nguy hiểm và có hại, có thể làm cho tư tưởng độc giả nhiễm mầm độc tự do”. Người viết tác phẩm như vậy, tất nhiên là phạm tội rồi! Không những thế, đến tạp chí đăng tác phẩm này cũng bị đóng cửa!

Chỉ cần đọc qua bài thơ là có thể biết rõ vì sao Chính phủ Sa hoàng sợ Goócki đến thế:

Hỡi bão táp! Bão táp sắp nổi lên rồi!

Đây là con chim báo bão dũng cảm kiêu hãnh bay liệng trên biển cả đang gào thét giữa những tia chớp, đây là nhà tiên tri của thắng lợi đang gào thét:

Bão hãy nổi lên, mãnh liệt nữa đi!

Goócki vốn rất yếu ớt, lại mắc bệnh phổi, bị giày vò như thế nên bệnh tình ở trong lao ngày càng trầm trọng. Nhiều nhân sĩ tiến bộ Nga hết sức căm phẫn, nhà văn nổi tiếng Lép Tônxtôi đích thân đứng ra bảo lãnh. Thế là nhà cầm quyền đành phải thả Goócki và sửa án thành quản chế tại gia. Trong nhà bếp, ở thềm nhà, trên đường phố ngoài cửa nhà Goócki, chỗ nào cũng có cảnh sát theo dõi, ông hoàn toàn mất tự do. Sau đó mấy tháng, ông lại bị lưu đày.

Nhưng vào tháng 2 năm sau, Goócki được Ban Văn học Viện khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự. Như vậy là ông giành được vinh dự cao nhất trong giới văn học Nga đương thời như Lép Tônxtôi, Côrôlencô, Sêkhốp… Được tin Goócki được bầu làm Viện sĩ danh dự, Sa hoàng rất tức giận, lập tức gửi một đạo dụ cho Bộ trưởng Bộ Quốc dân Giáo dục Uỷ thác cho khanh tuyên bố, theo mệnh lệnh của Trẫm, việc Goócki đắc cử bị thủ tiêu”. Thế là lần bầu cử này bị vô hiệu.

Côrôlencô và Sêkhốp rất bất bình với thái độ chuyên chế của Chính phủ Sa hoàng. Để tỏ bày sự phản đối, họ công khai tuyên bố từ bỏ danh hiệu Viện sĩ danh dự.

Năm 1902, Goócki sáng tác kịch bản nổi tiếng “Dưới đáy”, mô tả cảnh ngộ khốn khổ của tầng lớp nhân dân tận cùng của xã hội dưới sự áp bức, thống trị của Chính phủ Sa hoàng. Sau khi công diễn ở Nhà hát Nghệ thuật Matxcơva, vở kịch được quần chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

“Lớp đáy” diễn thành công làm cho Chính phủ Sa hoàng hốt hoảng. Thế là Chính phủ ra lệnh: Vở kịch này diễn ở tỉnh ngoài phải được tỉnh trưởng cho phép; đồng thời bí mật ra lệnh cho tỉnh trưởng các tỉnh không phê chuẩn cho diễn. Bản chỉ thị cũng được gửi cho các ban biên tập báo chí địa phương.

Nhưng lệnh cấm của Chính phủ Sa hoàng không thể làm giảm đi ảnh hưởng xã hội to lớn của kịch bản ưu tú này. Trong 3 năm, các Nhà hát ở châu Âu đã công diễn tới 500 lần!

Năm 1906, Goócki hoàn thành cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của ông: “Người mẹ”. Tiểu thuyết viết về một câu chuyện cảm động: anh công nhân trẻ Paven và bà mẹ anh Nilốpna không ngừng nâng cao giác ngộ trong đấu tranh cách mạng và trở thành những người cách mạng kiên cường. Tác phẩm phản ánh phong trào công nhân phát triển sôi nổi trong thời kỳ chuẩn bị cách mạng 1905 ở Nga, là cuốn tiểu thuyết miêu tả sớm nhất cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản Nga.

“Người mẹ” mới được trích đăng trên báo đã làm cho cơ quan kiểm duyệt báo chí chú ý đến ngay. Trong công văn của hội đồng xuất bản Pêtécbua gửi cho viên Kiểm sát trưởng viết: “Cuốn tiểu thuyết này tỏ thái độ rõ ràng đồng tình hoàn toàn với tư tưởng xã hội chủ nghĩa”, “có tính chất kích động phản loạn”, “có tính chất tội ác”. Sau đó, có quyết định tịch thu các số báo đã đăng cùng với cả bản kẽm và ra lệnh truy nã Goócki. Như vậy, “Người mẹ” buộc phải xuất bản ở nước ngoài, còn ở Nga thì mãi đến sau Cách mạng tháng 10 năm 1917. toàn văn mới xuất bản.

Tháng 5 năm 1907, Goócki gặp Lênin ở Luân Đôn. Trong câu chuyện, Lênin nhắc ngay đến tiểu thuyết “Người mẹ”. Hoá ra, Lênin đã được đọc bản thảo tác phẩm này.

Goócki nói:

- Quyển tiểu thuyết này tôi viết rất vội. . .

Không đợi Goóckl giải thích nguyên nhân, Lênin gật gật đầu rồi nói một cách khẳng định:

- Đúng, anh viết vội, nhưng ông viết vội rất đúng lúc. Cuốn sách rất cần! Nhiều công nhân tham gia phong trào cách mạng một cách tự phát, chưa tự giác, đọc “Người mẹ” sẽ rất có ích cho họ.

Goócki không biết nên trả lời thế nào.

Cuối cùng, Lênin khen:

- Đây là một quyển sách rất hợp thời.

Quả vậy sau khi “Người mẹ” ra đời, nó được truyền đi nhanh chóng, được dịch ngay ra nhiều thứ tiếng ở châu Âu, trở thành “sách gối đầu giường” của giai cấp vô sản châu Âu, cổ vũ mạnh mẽ giai cấp công nhân Nga và các nước châu Âu.

Sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, Goócki tham gia hoạt động văn hóa xã hội chủ nghĩa. Sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Liên Xô. Các tác phẩm ưu tú của Goócki đến nay vẫn cổ vũ nhân dân Liên Xô và các nước trên thế giới.

CHA ĐẺ CỦA KỊCH HIỆN ĐẠI

Trong một ngôi nhà ở Ôxlô, thủ đô Na Uy, có một ông già 70 tuổi thường tựa cửa sổ mắt đăm đăm nhìn về phía vườn hoa đối diện.

Ông bị bệnh tim nặng, tâm trạng hết sức sầu muộn. Người nhà ông đều nghĩ, giá mà đưa được ông đến vườn hoa ấy để ông khuây khoả một chút thì tốt biết bao.

Nhưng vườn hoa đối diện là của hoàng gia, không phải người trong hoàng gia đâu có được tự do vào.

Biết chuyện này, quốc vương mời riêng ông già đến và nói:

- Nghe nói khanh rất muốn đến thăm vườn hoa của trẫm. Vậy trẫm cho phép khanh đến bất cứ lúc nào để dạo chơi và thưởng thức. Về chính trị, trẫm là vua, về văn học thì khanh là vua mà!

Từ đó, mỗi khi có gió nhẹ và đẹp trời, ông già thường đến khu vườn thượng uyển đầy hoa thơm cỏ lạ này để đi dạo.

Ông già này là ai thế? Vì sao đến quốc vương cũng tôn kính ông như vậy?

Ông chính là Henrích Ipxen, nhà viết kịch Na Uy nổi tiếng thế giới, được mọi người ca tụng là “Cha đẻ của kịch hiện đại”

Một đời Ipxen viết tất cả 26 kịch bản, trong đó có ảnh hưởng lớn nhất là các vở “Ngôi nhà búp bê”, “Trụ cột của xã hội, “Kẻ thù chung của quốc dân”. Những vở kịch này trái với truyền thống kịch trước nay, lấy đời sống hiện thực thường nhật làm đề tài, thông qua các nhân vật và tình tiết trong tác phẩm để vạch trần, phê phán một số hiện tượng bất hợp lý trong xã hội tư bản, đặt ra những vấn đề xã hội khiến mọi người phải suy nghĩ, qua đó dẫn dắt mọi người đứng lên cải tạo các thói hư tật xấu trong xã hội. Cho nên kịch của ông được gọi là “kịch của những vấn đề xã hội”. Nó mở ra một con đường mới cho sáng tác kịch, không ít kịch tác gia nổi tiếng trên thế giới đều đã học được những mẫu mực, những đều bổ ích trong sáng tác của ông.

Xin giới thiệu trước một chút nội dung vở kịch “Ngôi nhà búp bê”. Kịch bản này xuất bản năm 1879, có thể nói nó là tác phẩm tiêu biểu của Ipxen, cũng là một trong những tác phẩm tiêu biểu về “Kịch của những vấn đề xã hội”.

Chuyện xẩy ra trước lễ Giáng sinh năm nọ.

Gia đình Nôra sống rất hạnh phúc. Chồng nàng Toócvan Henme rất yêu nàng, cứ gặp nàng là âu yếm gọi “con chim nhỏ của anh”, “con sóc nhỏ của anh”, Henme chỉ vài ngày nữa lên làm giám đốc Ngân hàng, sau này cuộc sống của Nôra chắc sẽ càng thêm hạnh phúc!

Nôra đang tíu tít chuẩn bị cho lễ Giáng sinh thì Linđanh, bạn của nàng đến thăm. Hai người vốn là bạn học của nhau đã nhiều năm không gặp nhau, thế là bao nhiêu chuyện trong nhà họ mang ra kể hết. Nôra kể cho Linđanh biết một việc “vừa đắc ý vừa phấn khởi” mà mình đã làm.

Việc này Nôra làm giấu chồng, thời gian xảy ra sau khi họ lấy nhau ít lâu. Khi đó, địa vị của Henme thấp, thu nhập ít; để kiếm được nhiều tiền, chàng phải dậy sớm thức khuya làm việc, kết quả là đã quỵ và bị một trận ốm nặng. Thầy thuốc khuyên nên đi xuống miền nam dưỡng bệnh, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Để có tiền đi Italia, Nôra hỏi vay của nhân viên ngân hàng Cơrôxta một món tiền. Cơrôxta đòi cha của Nôra phải ký tên vào biên bản bảo lãnh. Vì cha bệnh nặng nên Nôra không dám nói việc này cho ông biết. Nàng bất đắc dĩ phải bắt chước chữ ký cha để ký. Nhờ món tiền ấy, cả nhà Nôra sang được Italia chữa lành bệnh cho Henme. Sau khi về nước, Nôra tìm mọi cách để trả nợ. Vì vậy, nàng nhịn ăn nhịn tiêu, tìm việc vặt để làm. Nàng rất phấn khởi vì mình đã hết lòng vì gia đình, đã cứu được Henme.

Cơrôxta người cho Nôra vay tiền, lại chính là viên chức của Ngân hàng mà Henme làm giám đốc. Henme có ấn tượng không tốt về anh này, đã cho anh ta thôi việc. Cơrôxta nhờ Nôra nói giúp với Henme cho anh ta được ở lại làm việc, nhưng đã không thành công. Thế là anh ta viết một lá thư, đem toàn bộ việc Nôra vay tiền và giả mạo chữ ký nói cho Henme biết.

Trước khi xẩy ra việc này, Henme luôn tỏ ra là mình yêu Nôra, thậm chí có lúc còn nói “muốn có việc nguy hiểm uy hiếp nàng để Henme được liều mình, hy sinh tất cả để cứu nàng”. Nhưng sau khi đọc xong thư của Cơrôxta, Henme nổi trận lôi đình, trách mắng Nôra đã giấu chồng làm một việc vi phạm luật pháp, huỷ hoại tiền đồ của anh ta, lại còn nhục mạ nàng là con người dối trá, là một kẻ tội phạm, một người đàn bà thấp hèn v.v. . . Đối mặt với bộ mặt giả dối, hung ác, ghê tởm của Henme, Nôra cảm thấy tiền đồ vô vọng, muốn nhảy xuống sông tự tử. Biết vậy mà Henme vẫn đay nghiến, rằng cô ấy có chết đi cũng không rửa hết được tội lỗi.

Bây giờ Nôra mới nhìn thấu được bộ mặt bỉ ổi ích kỷ của chồng và biết mình chỉ được coi như một thứ đồ chơi, một con búp bê. Nàng cảm thấy tám năm nay, mình chỉ sống chung với một người xa lạ, và giờ đây nàng không thể nào chịu đựng được nữa. Nôra quyết định rời khỏi “Ngôi nhà búp bê” này.

Kịch bản đặt ra một loạt các vấn đề xã hội về pháp luật, đạo đức và địa vị của người phụ nữ trong xã hội tư bản. Việc Nôra bỏ nhà ra đi, thực chất là một sự thách thức công khai đối với xã hội trong đó người phụ nữ đòi được bình đẳng với nam giới.

Một kịch bản nữa tiêu biểu cho thể loại kịch của Ipxen là vở kịch “Kẻ thù chung của dân” công bố năm 1882.

Nội dung kịch bản như sau:

Pitơ, thị trưởng một thành phố nhỏ ở bờ biển Nam Na Uy, là một kẻ chỉ biết trục lợi. Ông ta bỏ vốn xây dựng một bãi tắm suối nước nóng, công việc làm ăn rất thịnh vượng. Em trai ông ta, bác sĩ Stuốcmăng vốn ở miền bắc xa xôi hẻo lánh, giờ cũng được điều về phụ trách chăm sóc sức khỏe.

Stuốcmăng viết cho tòa soạn báo một bài giới thiệu các ưu điểm của bãi tắm để thu hút khách hàng. Bài viết sắp đăng thì anh bỗng nhiên phát hiện trong nước suối nóng có vi trùng bệnh truyền nhiễm, liền rút bài lại. Sau đó, anh viết báo cáo gửi cho người anh Pitơ đang làm thị trưởng, đưa ra kế hoạch xây lại bãi tắm. Pitơ và các cổ đông sợ tốn tiền, chỉ muốn chữa qua loa cho xong chuyện.

Stuốcmăng cho rằng mình phải làm hết trách nhiệm đối với quốc dân, bất chấp sự o ép dụ dỗ của bọn họ, chuẩn bị công bố sự việc này với công chúng. Anh triệu tập nhiều người đến họp. Cánh thị trưởng từ lâu đã có sự chuẩn bị, vu anh cố ý thổi phồng sự việc, chủ trương sửa chữa lại bãi tắm là để tăng thêm gánh nặng cho những người nộp thuế.

Tại cuộc họp, Stuốcmăng công kích kịch liệt nhà cầm quyền địa phương bất chấp sức khỏe của quốc dân”, đầu độc mọi người bằng thứ nước suối hôi hám đó. Nhưng điều không may là tiếp đó Stuốcmăng lại công kích vào những quần chúng bình thường. Thì ra theo anh, “quốc dân” là những người có học thức và giáo dưỡng, người bình thường chẳng qua chỉ là “nguyên liệu” mà thôi, phải trải qua gia công mới thành “quốc dân”. Thế là Stuốcmăng rơi vào thế bốn phía đều có địch. Kết quả, mọi người bỏ phiếu tuyên bố anh là “Kẻ thù chung của quốc dân”, bị đuổi khỏi hội trường, miễn chức vụ hiện nay của anh, liên lụy cả đến người nhà. Bị tuyên bố là “Kẻ thù chung của quốc dân”, tuy anh rất buồn, nhưng cố tự an ủi mình: “Trên đời này, người có sức mạnh nhất là kẻ bị cô lập nhất”.

Kịch bản thông qua hình tượng Stuốcmăng, một trí thức can đảm, dám đơn độc chiến đấu để vạch trần sự giả dối của thứ dân chủ tự do tư sản, nhưng cũng phản ánh sự xem thường lực lượng quần chúng của Ipxen.

Việc Ipxen được ca ngợi là “cha đẻ của kịch hiện đại” có quan hệ rất nhiều với con đường không bình thường mà ông đã trải qua. Ông sinh vào tháng 3 năm 1828 trong một gia đình buôn bán gỗ ở Na Uy. Thời thơ ấu, gia đình Ipxen rất giàu có; năm ông 8 tuổi, gia đình sa sút, đời sống ngày càng gian nan. Lúc ông 16 tuổi, cha mẹ ông bất đắc dĩ phải để ông đi ra ngoài kiếm sống. Cuộc đời học nghề giúp ông am hiểu sâu sắc cái xã hội mà trong đó giữa sự giầu nghèo chênh lệch nhau rất xa. 22 tuổi, ông đến Ôxlô dự thi Đại học, nhưng trượt. Kịch bản đầu tay của ông do bạn bè bỏ tiền ra in giúp nhưng bán không chạy, cũng chẳng rạp hát nào muốn diễn. Ông không nản chí, viết tiếp kịch bản thứ hai “Mồ người dũng sĩ”.

Kịch viện nhận dàn dựng, sau khi công diễn được quần chúng rất hoan nghênh.

Năm 1851, Ipxen làm chủ nhiệm sân khấu cho một rạp hát, sau đó 6 năm chuyển sang làm giám đốc cho Nhà hát Na Uy. Vì ông không thạo quản lý kinh doanh nên Nhà hát Na Uy cuối cùng phá sản, ông cũng thất nghiệp luôn, kinh tế thường xuyên bị túng bấn, khan đọng Năm l864, ông lợi dụng Quỹ du lịch xin được đi sang Italia. 27 năm sau đó, ông sống ở nước ngoài. Một số kịch bản quan trọng của ông đều sáng tác ở nước ngoài.

Năm 1891, Ipxen đã 63 tuổi. Tháng 7 năm ấy, ông sung sướng được trở về Tổ quốc, giới văn hóa đón tiếp ông trọng thể. Sau khi về nước, trung bình hai năm ông cho ra đời một tác phẩm. Năm 1898 ông 70 tuổi, giới văn hóa Na Uy tổ chức mít tinh chúc mừng sinh nhật ông; Nhà hát quốc gia Na Uy dựng một tượng đồng để tỏ lòng kính mộ đối với ông.

Năm ấy, Ipxen không công bố sáng tác mới, thì ra ông đã bị bệnh tim. Nhưng ông vẫn kiên trì viết, năm sau ông cho ra đời vở kịch “Khi những người chết của chúng ta tỉnh lại”. Đây là sáng tác cuối cùng của ông.

Từ đó về sau, bệnh tim của Ipxen ngày càng nặng thêm, tiếp đó ông bị bại liệt cánh tay, không thể cầm bút để sáng tác được nữa. Những cuộc đi dạo chơi ngắm cảnh trong vườn hoa Hoàng gia, tất nhiên cũng không thể khiến bệnh tình ông thuyên giảm. Tháng 5 năm 1906, nhà viết kịch lừng danh với tên gọi “cha đẻ của kịch hiện đại” vĩnh viễn giã từ nhân gian.

NHÀ ĐIÊU KHẮC BẬC THẦY RÔĐANH

Nhà điêu khắc bậc thầy Rôđanh đã sáng tác bức tượng kỷ niệm Ban dắc. Làm xong tượng, ông gọi mấy người học trò đến để cùng thưởng thức.

Tạo hình bức tượng rất độc đáo: Bandắc khoác chiếc áo ngủ, hai tay chắp trước ngực, chiếc đầu to ngước lên, cặp mắt chăm chú nhìn phía trước.

Trong khi xem, một học trò chỉ hai bàn tay bức tượng nói:

- Thưa thầy, bàn tay này giống tuyệt vời ạ! Trước nay, em chưa hề thấy bàn tay nào hoàn mỹ đến thế.

Không ngờ, lời khen của cậu học trò khiến Rôđanh cau mày. Ông lặng yên suy nghĩ một lúc, rồi bỗng nhiên giơ rìu lên, chặt phăng đôi tay của pho tượng. Trong chớp mắt đôi “bàn tay hoàn mỹ” biến mất.

Đám học trò ngạc nhiên, ngẩn người ra. Một cậu tiếc quá xuýt xoa:

- Thưa thầy, thầy sao thế ạ? Thầy đã dốc 5 năm tâm huyết cho pho tượng này, sao bỗng chốc. . .

Rôđanh sắc mặt nghiêm nghị:

- Đôi bàn tay quá nổi bật! Nếu nó đã có cuộc đời riêng của nó, thì nó không còn thuộc về chỉnh thể của pho tượng này nữa. Các bạn nhất thiết phải ghi nhớ điều này: Một tác phẩm nghệ thuật thật sự hoàn mỹ thì không có bất cứ một bộ phận nào quan trọng hơn chỉnh thể tác phẩm.

Bức tượng này, Rôđanh sáng tác theo yêu cầu của Hội nhà văn Pháp. Bây giờ hai bàn tay của tượng đã bị ông chặt đi, Hội nhà văn Pháp không công nhận đây là tượng Bandắc mà họ đặt mua ở Rôđanh.

Về việc này, Rôđanh rất đau lòng, nhưng ông cam đoan với họ: “Bức tượng của tôi sẽ không chịu số phận thất bại đâu. Rôđanh mang bức tượng về đặt trong vườn hoa của nhà mình. Về sau, lời cam đoan của ông quả nhiên đã thành sự thật: Tượng Bandắc trở thành tác phẩm nghệ thuật rất quý, nổi tiếng toàn thế giới.

Rôđanh sinh năm 1840 ở Pari. Năm 14 tuổi, ông thi vào trường Hội họa và Toán học. Dưới sự hướng dẫn của thầy, ông đã nắm vững các kỹ xảo phác họa.

Ông vốn muốn trở thành họa sĩ, sau lại cảm thấy thích thú đối với nghệ thuật điêu khắc nên đã say sưa lao vào công việc sáng tác này.

Năm 1875, Rôđanh đến Italia du lịch. Ở đây, ông được thưởng thức các tác phẩm kiệt xuất của Mikenlăng nhà điêu khắc của thời văn nghệ Phục hưng Itaiia, và tầm mắt của ông được mở rộng. Những sáng tác đầu tay của ông như “Thời đại đồng thau” v.v. . . đã đem lại cho ông chút ít tiếng tăm.

Năm 1880, Rôđanh nhận sáng tác trang trí cổng của Viện Bảo tàng nghệ thuật Pari. Trang trí cho chiếc cổng này thế nào đây? Ông nghĩ đến chiếc cổng của phòng rửa tội ở Phơlôrăng mà ông đã được tham quan khi ở Italia - Lúc bấy giờ, ông đã từng không ngớt lời thán phục về nghệ thuật trang trí siêu việt của chiếc cổng này, ông nẩy ra ý tưởng làm chiếc cổng trang trí nghệ thuật cho Viện Bảo tàng.

Theo cấu tứ, toàn bộ công trình gồm 186 pho tượng. Năm ấy Rôđanh hoàn thành các tác phẩm “Nhà tư tưởng”, “Ba người”. Mấy năm sau ông hoàn thành thêm một tác phẩm nữa. Nhưng toàn bộ công trình của ông rất đồ sộ, hơn nữa, chủ trương luôn luôn sáng tạo cái mới bị phía chính quyền cản trở nên kế hoạch của ông đã không thể thực hiện được hoàn toàn.

Năm thứ 3 của thời gian sáng tác chiếc cổng nghệ thuật này vừa đúng là năm đại văn hào Huygô của Pháp tròn 80 tuổi. Để tỏ lòng tôn kính đối với nhà văn lão thành đã có những cống hiến vĩ đại cho nhân loại, thư ký của “Báo Mácxây” đề nghị Rôđanh nặn một bức tượng cho Huygô. Rôđanh vui vẻ nhận lời vì ông cũng rất kính trọng Huygô.

Không ngờ khi Huygô nghe nói Rôđanh sắp làm tượng cho ông, ông liền cự tuyệt.

“Tha cho tôi đi! Tôi đã 80 tuổi rồi, không chịu nổi sự “hành hạ” của các bậc thầy nghệ thuật này của các anh đâu”.

Chuyện gì vậy? Hỏi ra mới biết, trước đó ít lâu có một nhà điêu khắc làm tượng cho Huygô bắt Huygô mỗi ngày phải ngồi yên không được cựa quậy suốt mấy tiếng đồng hồ liền trong nửa tháng ròng rã, làm ông mỏi nhức cả lưng, tê cứng cả tay chân, kết quả tượng nặn ra trông cứng nhắc, không một chút sinh khí. Huygô xem xong rất bực mình, quyết định sau đó không “chơi” với các nhà điêu khắc nữa.

Biết tình hình như vậy, Rôđanh đến nhà Huygô một lần nữa.

- Thưa ngài Huygô, tôi nặn tượng khác với người khác. Ngài có thể sinh hoạt theo thói quen của ngài, tôi không dám quấy rầy ngài tí nào đâu.

- Nếu tôi muốn đi bách bộ và tiếp khách thì sao?

- Xin ngài cứ tự nhiên, tôi chỉ ở bên cạnh quan sát.

Huygô thấy Rôđanh thái độ chân thành không có ý phiền phức gì cho mình, liền bằng lòng. Ông nói:

- Tôi còn một điều kiện nữa - Ông già Huygô nói - Không được mang đất sét, giá gỗ đến, vì tính tôi thích sạch sẽ, không muốn làm bẩn căn phòng.

- Vâng, tôi xin làm đúng theo yêu cầu của ngài.

Rôđanh hẹn thời gian làm việc với Huygô, hằng ngày đúng giờ ông đến. Dù Huygô ngồi ở bàn viết đang mải mê suy nghĩ hay đi lại trong sân, hoặc đến phòng khách chuyện trò với bạn bè, Rôđanh chỉ lặng lẽ ở bên cạnh quan sát, dùng bút chì ký họa trên vở. Những lúc cảm xúc chợt ùa đến, ký hoạ xong, ông chạy vội về phòng làm việc ở nhà, lấy đất sét cố định lại hình ảnh.

Qua mấy tháng cần cù làm việc, cuối cùng bức tượng đã hoàn thành. Mọi người đều không ngớt lời khen ngợi tác phẩm nghệ thuật siêu phàm này. Hình tượng Huygô do Rôđanh sáng tạo không những dáng vẻ bên ngoài rất giống mà còn thể hiện rõ tình cảm cao thượng và tư tưởng sâu sắc của nhà văn lão thành này. Huygô xem xong cũng rất cảm động. Tác phẩm nghệ thuật quí báu sáng tác trong điều kiện vô cùng khó khăn này là một trong những kiệt tác của Rôđanh. Sau này tác phẩm đã được trưng bày ở Viện Mỹ thuật quốc gia Pháp.

Cuối đời, Rôđanh đã trở thành nhà điêu khắc bậc thầy được thế giới công nhận. Tác phẩm của ông có mặt tại các viện bảo tàng lớn trên thế giới, bản thân ông nhận được rất nhiều danh hiệu vẻ vang. Để lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập của mình, Rôđanh đã thuê ngôi nhà của một vương cung và mở Bảo tàng Rôđanh tại đây vào năm 1916.

Tháng 11 năm 1917, nhà điêu khắc bậc thầy nổi tiếng thế giới tạ thế. Trên phần mộ của ông, người ta đặt bức tượng “Nhà tư tưởng”. Đây là một trong những tác phẩm kiệt xuất nhất và cũng được ông yêu thích nhất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thế giới 5000 năm  Người Tù Bị Lưu Đày Chối Từ Sự Ân Xá

Có thể bạn thích