Thế giới 5000 năm
Napôlêông

NAPÔLÊÔNG

- Này cậu người Coócsơ, cậu đọc chữ “Phơrăngxơ” xem thế nào? - Mấy cậu trò nhỏ quây lấy cậu bé mới đến, thách cậu ta như vậy.

Cậu bé đánh vần:

- Phơ. . . răng . . . xơ.

- Đọc nhanh lên chứ, cậu người Coócsơ!

- Tại. . . sao? Tớ biết. . . các cậu. . . muốn. . . trêu tớ. - Cậu bé vẫn nói ngắt quãng từng chữ từng chữ như vậy, cậu nói tiếng Pháp không được sõi.

- Ha, ha! Chúng tớ biết cậu chỉ biết tiếng Coócsơ thôi! - Các bạn học đúng là muốn trêu đùa cậu.

- Thế thì. . . chúng mình. . . so. . . thành tích học tập. . . xem! - Cậu bé không chịu kém. Cậu vốn dĩ học hành chăm chỉ, thành tích học tập nổi trội, đặc biệt là toán và sử, vượt xa các bạn khác.

Cậu bé nói đặc giọng địa phương này họ là Bônapác, tên là Napôlêông, sinh ngày 15 tháng 8 năm 1769. Quê hương cậu là đảo Coócsơ ở Địa Trung Hải, vốn không thuộc nước Pháp, năm Napôlêông ra đời mới sáp nhập vào nước Pháp. Cha cậu là luật sư từng gia nhập chính đảng Pháp. Khi Napôlêông 10 tuổi, cha mẹ đưa cậu đến học ở thành phố Brennê để cậu tiếp thu nền giáo dục Pháp.

Năm 15 tuổi, Napôlêông vào học trường Lục quân Pari. Hai năm sau tốt nghiệp trở thành một thiếu úy bình thường. Nhưng trong bão táp của cuộc đại cách mạng Pháp, tài năng của Napôlêông bỗng chốc nổi trội hẳn lên.

Đó là năm 1792, được quân Anh giúp, người của Đảng Bảo hoàng Pháp chiếm thị trấn quan trọng Tulông bên bờ Địa Trung Hải. Chính phủ cách mạng lệnh cho Napôlêông hạ cứ điểm quan trọng ở miền nam đó. Napôlêơng biết công sự phòng ngự của Tulông kiên cố, quyết định tăng cường sức mạnh công kích. Ông suốt ngày đêm đôn đốc chế tạo đại bác, huấn luyện pháo binh, mấy tháng sau đã tổ chức được một đơn vị pháo binh.

- Tiến vào trận địa! - Napôlêông chỉ huy pháo binh tiến quân. Nhưng một loạt đạn đã hạ gục những Pháo thủ của Napôlêông. Lính Anh đã bắn bị thương hoặc bắn chết họ.

Napôlêông đứng dậy hô to:

- Pháo binh chúng ta ai cũng là dũng sĩ can đảm, hãy tiến lên? - Mặt ông tái nhợt, người gầy như que củi, lại mang bệnh nặng, song vẫn anh dũng xông lên phía trước. Hành động đó của Napôlêôn khiến quân lính Pháp vô cùng cảm động, ai cũng hăng hái chiến đấu, cuối cùng dùng đại bác bắn sập pháo đài, hạ được Tulông.

Để biểu dương thành tích của Napôlêông Chính phủ cách mạng đã phong vượt cấp ông lên cấp tướng, khi đó ông mới 24 tuổi.

Ngày mồng 4 tháng 10 năm 1795, người của Đảng Bảo hoàng mua chuộc được Tư lệnh cảnh bị Pari, bao vây Hội nghị quốc dân, mưu toan ngóc đầu dậy. Napôlêông lại gánh vác nhiệm vụ nặng nề dẹp tan bọn bạo loạn. Quân của Đảng Bảo hoàng gần 30.000 người, quân của Napôlêông không đến 6.000 người, trong đó hơn 1.000 người là dân quân. Nhưng Napôlêông không nản lòng, kiên quyết dẹp tan bạo loạn. “Xoẹt” một tràng, ông tuốt kiếm ra, giọng hiên ngang:

- Chừng nào mọi việc xong xuôi ta mới tra kiếm vào vỏ.

Ông khẩn trương điều đại bác tới bố trí xung quanh khu vực Hội nghị Quốc dân làm việc.

Sáng sớm mồng 5 tháng 10, Đảng Bảo hoàng nổ súng. Chúng như đàn ong vỡ tổ ùa lên phía trước. Đúng lúc đó, “Oành!” một tiếng, đại bác của Napôlêông gầm lên. Máu thịt của quân phản loạn bay tung tóe, bọn còn lại ào ào rút lui. Napôlêông chỉ huy quân lính hăng hái xuất kích, không đến một ngày đã đập tan được toàn bộ quân phản loạn của Đảng Bảo hoàng. Nước Cộng hòa Pháp vẫn đứng vững. Sự kiện này xảy ra đúng vào tháng Nho của lịch cộng hòa, nên mọi người thường gọi thắng lợi này của Napôlêông là “Trận bão tháng Nho”.

Chiến thắng Tulông và cuộc dẹp tan quân phản loạn khiến uy danh của Napôlêông, vang dội. Từ đó ông trở thành tư lệnh của một đội quân quan trọng của nước Pháp. Ông đánh bại nước Áo, xâm nhập nước Ý, cướp vàng bạc châu báu và những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, hội họa danh tiếng của Ý đưa về Pari.

- Đánh đến Ấn Độ - Napôlêông khi đó đã coi các thuộc địa của Anh là mục tiêu tiến quân của mình. Năm 1798, ông dẫn một hạm đội vượt Địa Trung Hải đổ bộ lên Ai Cập. Kết quả bị hạm đội Anh và hạm đội Nga đánh cho đại bại.

Đúng lúc đó, Napôlêông được tin chính phủ cộng hòa ở Pari lục đục, có nguy cơ sụp đổ. Ông lập tức quyết định trở về đoạt quyền. Tháng 10 năm 1799, Napôlêông để quân viễn chinh ở lại nước ngoài, một mình trở về Pari. Ông tập trung quân đội trung thành với mình lại, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của giai cấp đại tư sản Pari - các nhà ngân hàng, lấy được khá nhiều tiền bạc. Có được những thứ đó, bàn tay sắt của Napôlêông bắt đầu hành động.

Ngày mồng 9 tháng 11, Napôlêông làm đảo chính. Hôm sau ông giải tán Hội nghị quốc dân lúc đó gồm Viện nguyên lão và Viện 500 người, đoạt lấy quyền lực của chính phủ, tuyên bố thành lập “Phủ chấp chính” nước Pháp. Napôlêông tự phong là chấp chính thứ nhất, một mình nắm đại quyền. Năm năm sau, ông lại sửa hiến pháp, đổi nước Cộng hòa Pháp thành “Đế chế Pháp”, và quyết định mồng 2 tháng 12 năm 1804 cử hành lễ Đăng quang.

Nhà thờ Đức Bà Pari là một trong những nhà thờ lớn nhất nước Pháp hôm đó nhộn nhịp lạ thường. Boong! Boong! Boong! Boong! Chuông nhà thờ âm vang cả thành phố. Giáo hoàng Rôma vừa già vừa gầy từ xa ngàn dặm đến Pari để chủ trì đại lễ đội vương miện cho Napôlêông.

Đại lễ bắt đầu. Đức Giáo hoàng già nua miệng lẩm nhẩm đọc kinh, hai bàn tay nhăn nheo run rẩy bê chiếc vương miện làm toàn bằng vàng chuẩn bị đội lên đầu Napôlêông. Giáo hoàng quá già, động tác chậm chạp, Napôlêông không đợi lâu hơn được nữa, giơ tay ra giật phắt lấy đội ngay lên đầu mình. Từ đó cậu bé sinh ra ở đảo Coócsơ trở thành hoàng đế của đế chế Pháp, gọi là “Napôlêông I”.

Ngày Napôlêông Bônapác đảo chính là ngày mồng 9 tháng 11 năm 1799, đúng vào ngày 18 tháng Sương mù năm thứ 8 theo lịch Cộng hòa Pháp, nên trong lịch sử gọi cuộc đảo chính đó là “Cuộc chính biến ngày 18 tháng Sương mù”.

ĐẠI BẠI Ở MÁTXCƠVA

Ngoại ô thành phố Écphuốc Đức trời thu cao, xanh trong, không khí thoáng đãng, cảnh sắc rất hợp lòng người. Bên ngoài rừng cây, hai vị hoàng đế bận võ phục cưỡi hai con ngựa cao to lực lưỡng đi sóng đôi bên nhau.

- Xin mời bệ hạ! - Sa hoàng Nga Alếchxanđrơ ghìm cương ngựa nhường vị hoàng đế đi cạnh lên trước, vì trước mặt là một con đường.

- Bệ hạ! Ta đi trước một bước đây! - Hoàng đế Pháp Napôlêông không chút khiêm nhường, ra roi cho ngựa phóng lên.

Nhưng ngựa của Napôlêông khi đến con mương khá rộng thì dừng lại không chịu đi. Một nguyên soái Pháp đi đằng sau thấy vậy đành phải dắt con ngựa lội qua.

- Ha! Ha! - Sa hoàng Nga thấy vậy cười ầm lên, Hai chân ông kẹp chặt bụng ngựa, ngựa tung mình lên không, trong chớp mắt đã vọt qua mương nước. Do phi quá mạnh, kiếm của Sa hoàng rơi xuống đất. Nguyên soái Pháp vội cúi xuống nhặt, định đưa cho Sa hoàng.

- Đưa kiếm cho ta! - Napôlêông bảo Nguyên soái. Sau đó quay đầu lại nói với Sa hoàng - Bệ hạ, ngài không phản đối chứ?

Mặt Sa hoàng chợt dài ra, nhưng chỉ một giây sau lại tỏ ra rất bình thản, mỉm cười gật đầu tỏ ý bằng lòng. Napôlêông vội cởi kiếm đeo bên mình ra tặng lại Sa hoàng.

Cuộc đấu trí trên đây xảy ra trong dịp hai hoàng đế Nga - Pháp hội đàm vào tháng 9 năm 1808. Qua sự việc trên, có thể thấy Napôlêông rõ ràng bị lép vế, nhưng ông ta tìm trăm phương ngàn kế để chiếm thế thượng phong. Còn Sa hoàng Alêchxanđrơ trong khi đua tranh đã thêm cảnh giác và cũng đang nghĩ cách chống lại đối thủ.

Napôlêông mời Sa hoàng hội đàm “hòa bình hữu hảo”, trên thực tế đó là âm mưu. Ông ta đang bí mật vạch kế hoạch tấn công nước Nga.

Tháng 5 năm 1812 Napôlêông vênh vang đắc ý duyệt binh ở Đrâyxtơn (trong biên giới Đức).

“Tiến quân!” Hiệu lệnh được ban ra, 60 vạn quân Pháp tiến về phía đông. Ngày 23 tháng 6, quân Pháp vượt sông Nêman, tiến vào Lithuani do Nga trực tiếp kiểm soát.

“Người đâu cả?” Không thấy quân Nga chống cự, Napôlêông thấy rất kỳ lạ. Ông ta muốn tìm dân địa phương để tìm hiểu tình hình, nhưng chẳng có ai. Người Nga đều rút hết cả. Giữa vùng đất hoang vu vắng lặng này, quân Pháp dường như không cách gì tồn tại được. Một vạn con chiến mã vì quá mệt mỏi và ăn cỏ tạp bị ốm lăn quay ra chết.

- Tâu bệ hạ! Hậu phương không tiếp tế chúng ta làm thế nào? - Nguyên soái quân Pháp xin ý kiến Napôlêông.

- Tiếp tục tiến! Tấn công Xmôlenxcơ, tiêu diệt quân Nga ở đó! - Napôlêông ra lệnh. Khi đó vị hoàng đế Pháp ruột gan đã như lửa đốt.

Quân Pháp lập tức đánh thành. Do vội vã vào trận, chuẩn bị không tốt, chẳng mấy chốc đã bị diệt 12.000 người.

- Dùng đại bác bắn! - Napôlêông hạ lệnh - Đánh bằng đại bác là nghề của ông ta, nhưng lần này không có kết quả. Khi quân Pháp vào được thành phố thì chủ lực của quân Nga đã chuyển đi từ lâu, chỉ còn lại một tòa thành trống rỗng.

Trong tình trạng tiếp tế thiếu thốn, Napôlêông dốc túi đánh canh bạc cuối cùng, tiếp tục chỉ huy quân đội tiến về phía đông. Mồng 7 tháng 9, quân Pháp gặp quân Nga ở Bôrôđinô, một trận đánh đầu tiên có qui mô lớn nhất thế kỷ 19 đã diễn ra ở đây.

Làng Bôrôđinô cách Matxcơva hơn 100 km, là cửa ngõ của Matxcơva. Napôiêông biết rõ điều đó, đã ném vào trận đánh 130.000 quân, gần 600 khẩu đại bác để giành lấy ngôi làng và đã chiếm được khá nhanh chóng.

- Tâu bệ hạ! Đại bác ở pháo đài tiền tiêu liên tục nã vào quân ta, có hạ pháo đài đó không ạ? - Viên nguyên soái Pháp xin ý kiến Napôlêông.

- Quân Nga ở đó có bao nhiêu? - Napôlêông hỏi.

- 35.000 quân. Kể cả quân ở phía sau tất cả có 120.000.

- Bao nhiêu đại bác?

- Khoảng 300 khẩu.

- Chủ tướng là ai?

- Bagratiôn.

- Này ông nguyên soái! - Napôlêông ngừng một chút rồi bảo - Ông ta là một đối thủ rất khó đối phó, là vị tướng giỏi nhất của quân đội Nga, ông phản cẩn thận.

- Rõ. - Viên nguyên soái Pháp nhận lệnh đi tấn công pháo đài tiền tiêu.

Cuộc đấu pháo bắt đầu. Hơn 400 khẩu đại bác của quân Pháp đồng loạt nổ, 300 khẩu đại bác của quân Nga cũng đồng loạt phản pháo. Trên mảnh đất không đầy một cây số vuông, lửa khói mù trời, khắp nơi là hố đạn và gạch ngói vỡ.

- Xung phong! - Hàng vạn quân Pháp xông lên pháo đài tiền tiêu dưới làn đạn dầy đặc của quân Nga, chết như ngả rạ. Nhưng quân Pháp cậy đông quân, vẫn xông vào pháo đài. Toàn bộ quân Nga ở pháo đài tử trận.

Bagratiôn tổ chức quân hậu bị phản kích lại. Ông đi đầu hàng quân, hô lớn:

- Đạp qua xác thù tiến lên chiếm lại pháo đài!

Dưới làn đạn đại bác của quân Pháp, quân Nga liều chết xông lên chiếm lại được pháo đài với giá khá đắt.

Hôm đó, quân Pháp 8 lần xông vào pháo đài, quân Nga 8 lần chiếm lại, hai bên tổn thất 7,8 vạn người, pháo đài vẫn đứng sừng sững không hề suy suyển.

Chiều tối, Napôlêông hạ lệnh xung phong lần thứ 9.

“Oàng! Oàng! Oàng! Đại bác quân Pháp nã liên hồi vào trận địa quân Nga. Một mảnh đạn văng trúng ngực Bagratiôn, vị tướng Nga này không còn gượng dậy được nữa.

Pháo đài tiền tiêu cuối cùng thất thủ. Thống soái tối cao quân Nga Cutudốp tổ chức rút lui có kế hoạch.

Ngày 14 tháng 9, quân Pháp tiến vào Matxcơva. Nhưng ở đó chỉ còn là một tòa thành trống rỗng không có một thứ gì. Hôm sau, toàn thành bốc lửa, cháy rừng rực suốt ba ngày ba đêm, khói phủ kín cả cung điện Krêmli, làm mọi người ho sặc sụa. Ở trong đó không tài nào chịu nổi, Napôlêông phải chạy ra ngoài.

Mùa đông đến. Quân Pháp không có cái ăn, cũng không có cái mặc, thảy đều oán hận. Ngày 18 tháng 10 lại bị quân Nga phục kích thương vong 3. 000 người.

Napôlêông thấy quân đội của mình sắp bị chết rét, chết đói hoặc bị bắn chết, nên ngày 19 tháng 10 dẫn 115.000 tàn binh bại trận rút về theo đường cũ. Trên đường rút, liên tục bị quân Nga tập kích, thêm vào đó băng tuyết giá rét làm quân lính chết hàng loạt. Ngày 23 tháng 11, khi vượt sông Bêrêđina, binh sĩ và các gia đinh đi theo tranh nhau qua cầu, kết quả 12.000 người rơi xuống sông chết đuối. Đến trung tuần tháng 12, khi ra khỏi được nước Nga, 60 vạn đại quân chỉ còn sót lại 2 vạn quân đói khát thương tật vật vờ như hồn ma!

Sa hoàng Nga lập tức liên kết với quân Áo, Phổ v.v. . từ phía sau đánh tới. Năm 1813 đánh nhau với quân Pháp ở Laixích Đức, quân Pháp đại bại. Ngày 31 tháng 3 năm 1814, Sa hoàng Alêchxanđrơ dẫn quân Nga và liên quân chống Pháp của các nước tiến vào Pari. Napôlêông buộc phải thoái vị, bị đày ra đảo Enba- một đảo nhỏ ở Địa Trung Hải. Em trai của Lui 16 là Lui 18, kẻ đứng đầu vương triều Buốcbông về nước lên ngôi dưới lưỡi lê của nước ngoài.

TRẬN OÁTECLÔ

Hoàng cung Viên đèn nến sáng trưng, một cuộc đại yến đang diễn ra ở đó. Quốc vương các nước châu Âu ai cũng vui vẻ hào hứng cơm no rượu say. Tiếng nhạc vang lên, hoàng đế Áo tươi cười đứng lên:

- Xin mời các bệ hạ khiêu vũ!

Đúng lúc đó, một vị đại thần hớt hải chạy vào đại sảnh, đứng trước mặt hoàng đế Áo kêu lên:

- Tâu bệ hạ! Hỏng to rồi! Quân của Napôlêông đổ bộ lên bờ biển phía nam nước Pháp rồi!

Cái gì? - Hoàng đế Áo hoảng sợ tái mặt, tiu nghỉu ngồi phịch xuống ghế. Các vị quốc vương đều ngây ra như tượng gỗ.

Đó là việc xảy ra tối ngày 17 tháng 3 năm 1815.

Napôlêông làm thế nào lại vùng lên được như vậy?

Số là, sau khi bị buộc phải thoái vị, bị giam lỏng ở đảo Enba một năm trước đây, Napôlêông vẫn cho người đi thám thính tình hình các nước. Tháng 2 năm 1815, một tay chân thân tín đến đảo nói với ông ta rằng: ở Pari có người sắp làm đảo chính chuẩn bị lật đổ vương triều Buốcbông.

- Hay lắm! - Nghe được tin đó Napôlêông mừng đến nỗi nhảy cẫng lên - Vừa hay tên chỉ huy người Anh giám sát ta về nước lo việc riêng rồi. Ta phải ra tay ngay!

Napôlêông lệnh cho thủ hạ sơn chiếc tầu chiến “Vô thường” của ông ta theo kiểu tầu Anh. Đêm chủ nhật 26 tháng 2, nhân lúc lính canh đều đi nghỉ, Napôlêông dẫn 1.050 binh sĩ lên tầu “Vô thường” và 6 tầu khác rời đảo Enba.

Trên Địa Trung Hải, một tầu chiến của vương triều Buốcbông Pháp đang chạy tới, nhìn thấy “Vô thường” tưởng là tầu Anh bèn phất cờ hiệu hỏi:

- Các ông từ đảo Enba đến phải không? Napôlêông thế nào?

- Napôlêông ấy à? Ông ta rất khỏe! - Thuyền trưởng tầu “Vô thường” trả lời theo lệnh của Napôlêông.

- Tạm biệt!

Tầu chiến của vương triều chạy xa dần.

- Ta không mất một viên đạn mà đến được Pari - Napôlêông tinh thần phấn chấn nói với bộ hạ khi con tầu sắp cập bờ.

Mồng 1 tháng 3, Napôlêông đổ bộ an toàn lên vịnh Gioan.

Quân Napôlêông tới một hẻm núi. Tên sĩ quan đơn vị quân Bảo hoàng đóng giữ ở hẻm núi nhìn thấy quân lính đội mũ da gấu thì hoảng hốt hét lên:

- Quân Napôlêông đến rồi!

Quân lính Bảo hoàng vội nhìn cả về phía trước.

Lúc đó, một giọng nói rất quen thuộc với binh lính Pháp vang lên:

- Quay mũi súng xuống đất!

Tên sĩ quan chỉ huy biết ngay người mặc bành tô xám chính là Napôlêông, lập tức lệnh cho lính của tiểu đoàn mình:

- Nổ súng vào ông ta!

Napôlêông đứng ngay hàng đầu dõng dạc nói:

- Hỡi các binh sĩ! Ai trong các anh muốn giết hoàng đế của mình thì nổ súng đi! Ta đang ở đây.

Một hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra.

Binh sĩ của cả tiểu đoàn quả nhiên chúc mũi súng xuống đất, hô to “muôn năm”, rồi cùng chạy sang phía quân Napôlêông. Vì trong con mắt của rất nhiều binh sĩ Pháp vốn dĩ coi Napôlêông là vị anh hùng. Họ nghênh đón Napôlêông vào thành.

“Đưa Lu-i 18 lên đoạn đầu đài!” Trong thành cũng có rất nhiều người hô to khẩu hiệu trên để đón tiếp Napôlêông.

Các sĩ quan của quân Bảo hoàng và các quan chức của vương triều Buốcbông sợ run lên như cầy sấy, vội vàng tháo chạy.

Trên đường, binh sĩ của cả một trung đoàn, cả một lữ đoàn đều trở cờ chạy sang với Napôlêông. Vua Lu-i 18 nghe tin thất kinh vội vã dóng xe chạy khỏi Pari. Ngày 20 tháng 3, Napôlêông tiến vào Pari, thiết lập lại một chính phủ tư sản.

Được ít lâu, liên minh chống Pháp của châu Âu lại tập hợp lại. Anh, Nga, Áo, Phổ và nhiều nước khác đều cho quân tới vây đánh Pari. Napôlêông nhanh chóng tổ chức một đội quân lớn 125.000 người, đích thân chỉ huy chống trả quân địch. Hai ngày 15, 16 tháng 6, Napôlêông đột phá trận địa của 12 vạn quân Phổ, một phát đạn bắn trúng yên ngựa của nguyên soái quân Phổ Bluysê khiến ông này ngã lăn từ trên mình ngựa xuống. Napôlêông thừa thắng huy động đại quân tiến lên phía bắc đánh bại quân Anh, chiếm làng “Bốn cánh tay - một nút giao thông quan trọng, rồi tiến đến tận biên giới Bỉ.

Ngày 18 tháng 6, trận đại quyết chiến ở Oátéclô bắt đầu.

Oátéclô nằm ở miền nam nước Bỉ, cách Brúcxen không xa. Trận địa của quân Anh bố trí trên một dải đồi dài, trước mặt là một khe núi ngăn cách với quân Pháp. Quân Anh và quân Pháp mỗi bên có khoảng 10 vạn. Quân Anh (gồm cả một bộ phận nhỏ quân Hà Lan và quân Bỉ) do Công tước Oenlinhtơn thống lĩnh, quân Pháp do Napôlêông đích thân chỉ huy.

Sáng sớm mưa như trút nước. 8 giờ sáng mưa nhỏ dần, Napôlêông tập trung quân chuẩn bị tấn công. 11 giờ rưỡi trời quang đãng, Napôlêông hạ lệnh xuất kích.

- Oenlinhtơn là tên bại tướng có gì ghê gớm, chưa hết thời gian của một bữa ăn sáng ta đã có thể tính xong ông ta rồi! - Napôlêông nói rất tự tin.

Sau một trận pháo kích, quân Pháp hùng hổ vượt qua khoảng đất trũng xông lên trận địa của quân Anh ở trên đồi.

“Oàng! Oàng! Oàng!” Đại bác của quân Anh nổ liên hồi, mảnh đạn bay tung tóe giữa đội hình quân Pháp. Quân Pháp thương vong nặng nề phải lùi về.

Một giờ chiều, quân Pháp tổ chức đợt tấn công thứ hai, lại bị đánh lui. Napôlêông chuẩn bị đợt tấn công thứ ba với qui mô lớn hơn. Ông dùng ống nhòm quan sát tứ phía, đột nhiên nhìn thấy một đám đen đen ở phía xa.

- Đó là cái gì? - Napôlêông hỏi.

- Có lẽ là rừng cây! - Một sĩ quan tùy tùng đáp.

- Không phải, đó là một binh đoàn. - Dựa vào kinh nghiệm một đời chinh chiến, Napôlêông phán đoán rất chính xác. Ông tức thì hạ lệnh:

- Tóm một cái lưỡi lại đây!

Được một lát, quả nhiên bắt được một sĩ quan kỵ binh Phổ khi tên này đến trinh sát. Khi bị thẩm vấn, tên này nói là có một binh đoàn quân Phổ đang tiến lại gần. Napôlêông nghĩ bụng, một nguyên soái của ông đang chỉ huy 3 vạn quân tác chiến ở phía đông thì một binh đoàn quân Phổ chẳng ăn nhằm gì nên không ngại. Kỳ thực, lời khai của viên sĩ quan Phổ là giả, không phải một binh đoàn mà là 3 binh đoàn.

Napôlêông ra lệnh cho 80 khẩu đại bác đồng loạt bắn vào trận địa quân Anh. Sau đợt pháo kích, kỵ binh xuất kích. 4 sư đoàn quân Pháp xếp thành hàng ngang mỗi hàng hơn 200 người, ồ ạt xông lên trận địa trung tâm của quân Anh.

Đứng dưới gốc cây du, Oenlinhtơn dùng ống nhòm quan sát trận đánh. Nhìn thấy quân Pháp xông lên, ông lập tức điều một tiểu đoàn đi chi viện. Nhưng tiểu đoàn đó đâu có cản được cuộc tấn công của quân Pháp, nó nhanh chóng bị kỵ binh Pháp đánh tan. Hàng ngàn hàng vạn quân Pháp đã tràn lên dãy đồi trận địa của quân Anh, thắng lợi của Napôlêông đã gần kề!

- Xông lên!

Sau khi chiếm được đỉnh đồi, quân Pháp xông lên thế như chẻ tre, tiến một mạch tới phòng tuyến cuối cùng của quân Anh. Đột nhiên, “Đoàng! Đoàng!” tiếng súng nổ ran. Quân Anh nấp ở phía sau nổ súng, hạ hàng loạt kỵ binh Pháp. Trong khi quân Pháp còn đang do dự thì thấy mấy ngàn người cùng hô vang: “Xcôtlen muôn năm!” Đội kỵ binh Xcôtlen của Anh xông tới, chỉ trong ba phút, ba đơn vị quân Pháp đã bị tiêu diệt toàn bộ. Lúc đó lại xuất hiện một đội kỵ binh Anh - kỵ binh cận vệ hoàng gia xông tới cướp lại trận địa trên đỉnh đồi. Quân Pháp thương vong 5.000 người, tổn thất hơn 40 khẩu đại bác.

Napôlêông không thể không tổ chức luân phiên các đợt tấn công với qui mô lớn hơn. Quân Pháp tấn công lên đỉnh đồi, bị quân Anh tái chiếm, lại tấn công, lại tái chiếm, cứ thế đến 9 lần, 10 lần. 6 ngàn rồi 1 vạn kỵ binh chém giết lẫn nhau trong trận hỗn chiến, chẳng bên nào đánh bại được bên nào. Các sĩ quan Pháp bỏ mũ sắt ra đội lên mũi kiếm chỉ huy, tay huơ huơ, mồm hò hét: “Xông lên! Xông lên!” Nhưng quân Pháp không sao tiến lên được.

Napôlêông cầm ống nhòm quan sát liên tục. Ông nhủ thầm: “Sao thế nhỉ? Lẽ nào quân Anh lại không chịu rút lui?” Kỳ thực, không phải quân Anh không chịu lui, mà là Napôlêông không đủ quân. Theo chiến thuật tấn công của Napôlêông xưa nay là trước tiên cho đại bác nã dữ dội, tiếp đến kỵ binh xung phong, cuối cùng là bộ binh xuất kích. Nhưng hôm nay, kỵ binh xung phong rồi sao không có bộ binh theo sau để củng cố trận địa.

Bộ binh đi đâu rồi? Họ đang phải đánh nhau với quân Phổ ở cánh bên phải. 4 giờ rưỡi chiều hôm đó, một binh đoàn quân Phổ đã tới Oátéclô. 5 giờ họ bắt đầu nổ súng tấn công. Quân Pháp không thể không dùng bộ binh đánh lại. Napôlêông đinh ninh rằng viện binh phía đông sẽ nhanh chóng tới cứu viện, nhưng không phải là quân Pháp tới mà lại là binh đoàn thứ hai, binh đoàn thứ ba của quân Phổ. Tình thế quân Pháp trở nên thật tồi tệ.

6 giờ chiều, toàn bộ kỵ binh Pháp thất thểu rút về vị trí cũ. Napôlêông nghiến răng quyết định tung toàn bộ 4. 000 quân cận vệ cuối cùng vào cuộc tấn công. Họ xếp mỗi hàng 70 người, liều mạng xông lên đồi. Đạn đại bác của quân Anh có khả năng sát thương rất lớn, quân Pháp bị bắn chết hàng loạt. Nhưng họ vẫn cứ xông lên, cuối cùng chiếm được đỉnh đồi xông vào trận địa quân Anh.

Quân Pháp cách phòng tuyến cuối cùng của quân Anh chỉ còn 60 bộ. Qua ống nhòm, Napôlêông chờ đợi điều diệu kỳ sắp xảy ra. Đúng lúc đó, Thống soái quân Anh Oenlinhtơn đột nhiên đứng vụt dậy hô to:

- Quân cận vệ toàn tuyến xuất kích!

Đội hậu bị của quân Anh xông ra tấn công mãnh liệt vào quân Pháp.

- Sao vậy? Hàng ngũ của chúng ta sao lại rối loạn vậy? - Napôlêông không tin vào mắt mình nữa. Nhưng quân của ông đã dùng hết cả, chẳng còn lấy một tên lính nào, đành phải giương mắt nhìn binh sĩ của mình bị quân địch chém giết. Dưới ánh chiều tà, lưỡi kiếm của quân Anh vung lên loang loáng, qua ống nhòm Napôlêông trông rõ mồn một, ông buông tiếng thở dài:

- Thế là mọi cái đều hết!

9 giờ tối, trăng lên, quân Phổ xông vào phòng tuyến quân Pháp. Hàng ngũ quân Pháp rối loạn bỏ chạy tứ tung. Xe của Napôlêông không thể đi được trong đám loạn quân, ông phải bỏ xe, cưỡi ngựa chạy. Đêm đó, quân Pháp 7 lần hạ trại, 7 lần bị quân Phổ truy kích, xe cộ vũ khí mất sạch. Napôlêông mặt tái nhợt, nước mắt chan hòa, dẫn 1 vạn tàn binh bại tướng rút về Pari.

Có người khuyên Napôlêông dùng khẩu hiệu của phái Giacôbanh quay về với quần chúng, động viên đông đảo nông dân gia nhập quân đội, nhưng Napôlêông từ chối. Là người đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản Pháp, hai tay của Napôlêông đánh về hai phía: một phía đánh thế lực phục hồi phong kiến, một phía đả kích lực lượng cách mạng công nông, thế cho nên lực lượng của ông ta mỏng manh. Ngày 22 tháng 6, trước sự tấn công can thiệp mạnh mẽ của lực lượng vũ trang quốc tế, Napôlêông lần thứ hai buộc phải thoái vị, bị cầm tù ở đảo Xanh Helen trong Đại Tây Dương, phía tây châu Phi, cho đến năm 1821 thì ốm chết. Lần trở lại cầm quyền này của Napôlêông tất cả chỉ khoảng 100 ngày, nên trong sử sách gọi là “Vương triều 100 ngày”.

Sau khi Napôlêông đổ, Lu-i 18 lần thứ hai trở lại ngôi báu dưới sự ủng hộ của lưỡi lê nước ngoài. Vương triều này duy trì được 15 năm, năm 1830 Pari nổ ra cuộc cách mạng tháng Bẩy, sau đó lập nên một vương triều của giai cấp tư sản vương triều tháng Bẩy.

CUỘC CHIẾN ĐẤU VĨ ĐẠI ĐẦU TIÊN

Sau khi giai cấp vô sản bước lên vũ đài chính trị, cuộc chiến đấu vĩ đại đầu tiên chống giai cấp tư sản là cuộc khởi nghĩa Pari tháng 6 năm 1848.

Tháng 2 năm đó, ở Pháp nổ ra “cuộc cách mạng tháng Hai” lật đổ “vương triều tháng Bẩy”, lập lại chế độ cộng hòa, gọi là đệ nhị Cộng hòa. Chủ lực của cuộc cách mạng này là giai cấp vô sản, nhưng chính phủ của nước cộng hòa mới thành lập lại do giai cấp tư sản lãnh đạo. Khi thảo luận về quốc kỳ, hai bên mâu thuẫn nhau.

Giai cấp vô sản cho rằng quốc kỳ Pháp phải là một lá cờ đỏ, phản ánh nguyện vọng thực hiện chủ nghĩa xã hội của giai cấp vô sản, và chứng tỏ giai cấp vô sản là chủ nhân của quốc gia.

Giai cấp tư sản cho rằng quốc kỳ Pháp phải lấy lại cờ ba màu xanh, trắng, đỏ, tượng trưng cho “tự do, bình đẳng, bác ái”, phản ánh nguyện vọng của giai cấp tư sản chống chuyên chế phong kiến.

Qua nhiều lần thương thảo, cuối cùng đi tới thỏa thuận: quốc kỳ Pháp vẫn là cờ ba màu, trên cán cờ thêm một dải đỏ. Nhưng khi sử dựng trong thực tế thường không dùng dải đỏ đó. Quốc kỳ là tiêu chí mang tính chất quốc gia, cuộc tranh cãi về quốc kỳ, thực chất đã phản ánh sự khác nhau về lợi ích cơ bản của hai giai cấp lớn.

Vấn đề tranh cãi thứ hai là vấn đề quyền lao động. Trong xã hội tư bản, “tự do” của công nhân tức là thất nghiệp. Giai cấp công nhân muốn sinh tồn trước tiên phải giành được quyền lao động.

Qua thương thảo, chính phủ quyết định mở “xí nghiệp nhà nước” để tiếp nhận công nhân thất nghiệp và thợ thủ công phá sản vào lao động. Tuy công việc vất vả, đồng lương rẻ mạt, nhưng cũng giải quyết được công ăn việc làm cho 110.000 người.

Đến 22 tháng 6, tình hình xoay ngược 1800: chính phủ công bố pháp lệnh giải thể các xí nghiệp nhà nước, đưa thanh niên đi lính, đưa người nhiều tuổi đi khai hoang ở tỉnh ngoài.

Những biện pháp phản động của Chính phủ Cộng hòa đã làm cho giai cấp vô sản - giai cấp đã hy sinh đổ máu lập nên nước Cộng hòa vô cùng căm phẫn. Một cuộc khởi nghĩa lớn long trời lở đất của giai cấp vô sản đã bùng nổ dữ dội như núi lửa phun trào.

Sáng hôm đó, hàng ngàn hàng vạn công nhân các xí nghiệp nhà nước xuống đường biểu tình thị uy. Họ hô to các khẩu hiệu “Đả đảo Nghị viện”, “Cầm lấy vũ khí”, tiến vào trung tâm thành phố.

Khu công nhân cư trú ở Pari là khu Xanh Ăngtoan ở phía đông. Nghị viện Pháp ở phía tây Pari. Để chống lại các cuộc tấn công của quân chính phủ, công nhân cậy đá lát đường lên đắp hơn 600 chiến lũy trên các đường phố ở khu trung tâm thành phố. Như vậy Pari bị chia thành hai phần đông và tây. Giai cấp vô sản và giai cấp tư sản ranh giới rõ ràng, đông tây đối chọi nhau.

Chiến lũy công nhân dựng trên đường phố rất kiên cố, có chỗ còn cao hơn tòa nhà hai tầng, cờ đỏ phấp phới bay trên đỉnh. Trên lá cờ đỏ viết khẩu hiệu: “Đả đảo chế độ người bóc lột người!”, “Nước cộng hòa xã hội dân chủ muôn năm!”.

Sáng sớm ngày 23 tiếng súng đã nổ, quân chính phủ chia làm nhiều ngả điên cuồng tấn công vào các chiến lũy trên đường phố. Giữ chiến lũy trên đường phố Cơlêri có 7 công nhân nam và 2 công nhân nữ. Một công nhân nam dơ cao lá cờ đỏ chỉ dẫn các công nhân đánh trả, “Đoàng!” phát đạn của quân chính phủ bay tới, người cầm cờ trúng đạn gục xuống. Một công nhân nữ lập tức chạy lại cầm lấy lá cờ xông lên. “Đoàng!” lại một phát đạn của quân chính phủ bắn tới, chị công nhân hy sinh tại trận. Chị công nhân còn lại lập tức xông lên tiếp lấy lá cờ tiếp tục chiến đấu. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt một ngày trời, cho tới khi quân chính phủ có viện binh đến chiến lũy mới bị vỡ. Cuộc chiến đấu ở các nơi khác cũng vô cùng ác liệt.

Hôm sau người tham gia chiếu đấu càng đông hơn. Công nhân nhà máy cơ khí, công nhân đường sắt đều đến chi viện. Công nhân khởi nghĩa tổ chức lại lực lượng, chia làm bốn đường tiến về tòa thị chính. Đúng lúc đó, đại bác nổ vang. Tên tướng đao phủ. Cavenhắc chỉ huy mấy vạn quân chính phủ tấn công quân khởi nghĩa. Chúng dùng lựu đạn và đạn lửa tấn công chiến lũy và nhà dân, gây ra những đám cháy lớn. Công nhân hy sinh rất nhiều, nhưng họ vẫn anh dũng chiến đấu ở gần tòa Thị chính có cửa hàng quần áo “Người đẹp”, 600 công nhân khởi nghĩa cố thủ ở đó, biến nơi đó thành pháo đài kiên cường đánh trả quân chính phủ. Đánh mãi không được, Cavenhắc dùng trọng pháo nã dữ dội. Toàn bộ 600 công nhân hy sinh oanh liệt, không một ai đầu hàng, thể hiện tinh thần cách mạng anh dũng bất khuất của giai cấp vô sản.

Ngày thứ ba, quân chính phủ đông như kiến ào ào xông tới. Chính phủ dùng tới 250.000 quân tấn công khu công nhân Pari. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, chập tối ngày 26, chiến lũy cuối cùng của khu Xanh Ăngtoan bị đánh tan, cuộc khởi nghĩa tháng Sáu thất bại.

Chính phủ tư sản đàn áp đẫm máu những công nhân Pari tham gia khởi nghĩa. Theo thống kê, 11.000 người bị tử hình, 25.000 người bị bỏ tù, 3.500 người bị đày ra nước ngoài làm khổ sai. Đó chính là “tự do, bình đẳng, bác ái!” mà giai cấp tư sản hằng khoe khoang.

Trong cuộc khởi nghĩa, giai cấp vô sản thể hiện đầy đủ khí phách anh hùng, ngoan cường chiến đấu. Có một công nhân cơ khí tên là Racali bị thương nặng nên bị bắt. Khi bị xét xử ở tòa án, anh đầy lòng tự tin hét thẳng vào mặt bọn quan lại tư sản: “Tương lai thuộc về chúng tao. Nước cộng hòa xã hội dân chủ muôn năm!”. Đúng vậy, tương lai là thuộc về giai cấp vô sản, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thắng lợi.

Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu là cuộc chiến đấu vĩ đại đầu tiên của giai cấp vô sản với giai cấp tư sản. Công trạng của nó sẽ mãi mãi được ghi trong sử sách. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng đã để lại cho sự nghiệp cách mạng vô sản những kinh nghiệm quí báu: cách mạng muốn giành được thắng lợi, nhất định phải xây dựng hạt nhân lãnh đạo kiên cường - đảng cộng sản; cách mạng vô sản nhất định phải đập tan bộ máy nhà nước cũ, thiết lập nên chính quyền của mình chính quyền vô sản chuyên chính.

Cuộc khởi nghĩa tháng Sáu đã giáng một đòn mạnh mẽ vào nền thống trị của nước cộng hòa tư sản. Cháu của Napôlêông là Lu-i Bônapác thừa cơ làm đảo chính phản cách mạng, năm 1852 lên ngôi hoàng đế xưng là “Napôlêôn III”. Napôlêông III lập lại đế chế ở Pháp, gọi nước Pháp là Đế chế hai.

ÔNG VUA YÊU ÂM NHẠC

Tiếng sáo du dương quyện trong tiếng vó ngựa bay bổng về phía trước. Trên cánh đồng mênh mông của Đức, một chiếc xe tứ mã nhằm hướng tây phóng như bay. Trong xe có hai thanh niên, một chàng chỉ độ 17, 18 tuổi vừa thổi sáo vừa ngắm cảnh đẹp xung quanh.

- Thái tử điện hạ! Trước mặt là đường biên rồi. - Chàng trai lớn tuổi hơn chỉ pháo đài trước mặt nói vậy.

Chàng thanh niên kia ngừng thổi sáo, thở phào, giọng phấn khởi:

- Ôi. Ta được tự do rồi!

Xe chạy đến trước pháo đài thì dừng lại, Thái tử đưa cho sĩ quan biên phòng xem giấy tờ. Viên sĩ quan lập tức đứng nghiêm chào, nói liến thoắng:

- Không biết Điện hạ giá lâm, xin thứ tội. Xin Điện hạ xuống nghỉ ngơi một lát.

Hai thanh niên vừa mới xuống xe thì phía sau bỗng nhiên bụi tung mù mịt. Khi nghe thấy tiếng vó ngựa lộp cộp thì một con ngựa đã phóng đến trước mặt.

- Quốc vương Phổ Vinhem có chỉ, lệnh cho Thái tử điện hạ lập tức về kinh - Viên sĩ quan vừa phi ngựa tới hô to.

Viên sĩ quan biên phòng thấy tình hình như vậy lập tức chỉ huy quân biên phòng vây quanh hai thanh niên và nói:

- Xin mời Thái tử điện hạ lên xe về kinh.

Không để cho hai thanh niên biện bạch gì, quân lính đã đẩy hai người lên xe, đánh ngựa trở về.

Xe vừa về đến Beclin, quan chức địa phương truyền lệnh của quốc vương giam hai chàng vào ngục. Thái tử bị giam riêng một phòng, người bạn của Thái tử bị phán quyết tử hình và bản án được thi hành ngay.

Đường đường là thái tử của vương quốc Phổ, tại sao phải chạy trốn? Quốc vương tại sao lại đối xử với người nối dõi của mình nghiêm khắc như vậy? Nói thật cũng kỳ lạ, cha con mâu thuẫn với nhau cũng chỉ vì chuyện tranh chấp giữa âm nhạc và quân sự.

Khi đó, Phổ là một nước chư hầu của đế quốc Đức, trước đó không mạnh, sau nhờ quốc vương Vinhem I rất nỗ lực, Phổ trở thành một cường quốc quân sự.

Vinhem tự nhận là “quốc vương nhà binh”. Ông cho rằng, làm một quốc vương cần phải là một nhà quân sự. Nhưng con trai ông - Thái Tử Phrêđêrich lại rất yêu âm nhạc, chẳng những thổi sáo rất hay mà còn biết làm thơ phổ nhạc, thậm chí còn sáng tác rất nhiều ca khúc tuyệt vời. Cha muốn con học quân sự, con lại khăng khăng không chịu. Bị vua cha trách mắng nhiều lần, Thái tử định chạy ra nước ngoài. Cha nổi giận bèn giam con lại.

Một năm sau, Thái tử chịu nhượng bộ, tỏ ý muốn học quân sự. Quốc vương đưa Phrêđêrich về cung. Năm 1740 Vinhem tạ thế, Thái tử nối ngôi xưng là “Phrêđêrich II”.

Phrêđêrich ở ngôi quốc vương 46 năm. Việc lớn hàng đầu của cuộc đời ông là phát triển mạnh mẽ thực lực quân sự. Phổ vốn chỉ có 90.000 quân, với sự cố gắng của ông đã tăng lên hơn 200.000. Vị quốc vương này suốt đời theo đuổi nghiên cứu chiến lược và chiến thuật quân sự, đã sáng tạo nhiều loại chiến thuật tấn công.

Chiến thuật được sử dụng đầu tiên là “chiến thuật dàn hàng ngang”, đây là một phương pháp tác chiến của bộ binh. Súng kíp dùng ở châu Âu khi đó sau khi bắn một phát phải lấy vỏ đạn ra lắp viên thứ hai vào, nên giữa hai phát mất một đoạn thời gian. Chiến thuật của Phrêđơrich chia bộ binh làm 3 tuyến. Khi tác chiến, tuyến thứ nhất nằm, tuyến thứ hai quì, tuyến thứ ba đứng. Khi tuyến thứ nhất bắn, hai tuyến kia lắp đạn. Khi hai tuyến này lần lượt bắn, tuyến thứ nhất lắp đạn. Cứ luân phiên như thế có thể bắn liên tục nên uy lực rất lớn. Dựa vào chiến thuật mới này, Phrêđêrich đánh thắng rất nhiều trận.

Nhưng khi đánh nhau với Nga, chiến thuật dàn hàng ngang của ông đã bị phá sản. Kỵ binh Nga dùng tốc độ nhanh xông đến chém giết, bộ binh Phổ thây chết ngổn ngang, liên tục bại trận phải lùi, thậm chí thủ đô Beclin cũng bị quân Nga chiếm một thời gian.

Phrêđêrich tỉnh ngộ, qua bài học thất bại, ông thấm thía mấu chốt của chiến tranh là tốc độ tác chiến. Thế là ông lại thiết kế một chiến thuật mới: trước tiên dùng đại bác nã vào trận địa đối phương, sau đó dùng kỵ binh đột nhập với tốc độ nhanh, cuối cùng dùng bộ binh củng cố trận địa. Chiến thuật đánh nhanh phối hợp pháo binh và kỵ binh trở thành biện pháp tấn công có hiệu quả nhất trong chiến tranh cận đại. Tư tưởng chiến lược chủ yếu của Phrêđêrich là tiêu diệt sinh lực của đối phương. Ông chủ trương tập trung ưu thế binh lực, chia cắt quân địch, lần lượt tiêu diệt từng bộ phận một. Đó là tổng kết quan trọng về qui luật chiến tranh. Napôlêông, người đã làm chấn động cả hai châu lục châu Âu và châu Phi, do học chiến lược chiến thuật đó mà giành được thắng lợi.

Phrêđêrich có một câu “danh ngôn”: “Giả dụ anh thích lãnh thổ của người khác thì anh cứ việc lấy, luật sư bào chữa thế nào rồi cũng sẽ mời được”. Ông nhiều lần phát động chiến tranh xâm lược, chiếm lĩnh một vùng lãnh thổ rộng lớn, cùng Nữ Sa hoàng Nga Êcatêrinna II xâu xé Ba Lan, mở rộng lãnh thổ Phổ lên gấp đôi, khiến Phổ trở thành một quốc gia lớn mạnh nhất trong đế quốc Đại Đức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Thế giới 5000 năm Napôlêông

Có thể bạn thích