Sắp đặt Công việc cho các tướng lĩnh của triều đình đâu vào đấy, Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự bèn họp các tướng của phủ Hưng Đạo lại bàn kế tiến binh. Ông nói:

- Khắp các mặt trận, giặc đang ở vào thế thất lợi. Nhất là thời kỳ nóng ẩm, đang làm suy kiệt sức chiến đấu của đội quân Thoát-hoan từng ngày. Nếu ta không cấp kỳ khai triển lợi thế này, mà kẻ địch gượng trụ được đến sang thu, sang đông, sức người, sức ngựa chúng hồi phục lại, và có quân tăng viện nữa, thời sự thất lợi ấy lại rơi vào chính quân ta.

Hưng Đạo chỉ ngọn roi về phía chiếc bản đồ treo ngang bên phía tả. Nơi ngã ba sông, một ngả từ Thăng Long đổ về, một ngả rẽ vào đất Thiên Trường, ngả kia quặt sang đất Long Hưng rồi xuôi ra biển. Nơi đây là căn cứ của Vạn hộ hầu Lưu Thế Anh. Một trạm quân đóng liên hoàn từ mặt sông lên mặt đê án ngữ cả đường thủy, đường bộ, tạo thành thế ỷ dốc; vì vậy chúng có thể ứng cứu cho nhau mau lẹ.

Lấy ngọn roi chỉ bao quát cả một vùng mênh mông sông nước, và cả những cánh đồng lúa trải dài xa tít tắp. Dừng ngọn roi tại nơi có chiếc khuyên tròn màu đỏ son, Quốc công nói:

- Đây là đại bản doanh của Lưu Thế Anh. Nhân việc phải đối mặt với y, ta cho các ngươi biết đôi điều về tên Hán gian này. Y thuộc dòng dõi quí tộc nhà Tống, nhưng cam tâm làm tay sai cho giặc đã được chúng tin dùng cất nhắc. Y rất có công trong việc tiêu diệt đồng bào mình. Dưới trướng Thoát- hoan lần này dáng mặt nhất có A-lí Hải-nha người Mông Cổ, là một võ tướng kiệt hiệt về kỵ binh. Lý Hằng thiên về bộ binh, còn Lưu Thế Anh giỏi về thủy binh. Vì vậy Thoát-hoan mới cho y đóng đại bản doanh đặc trấn vùng A Lỗ này. Vị trí của nó vô cùng quan yếu, nó vừa là yết hầu cả về hai mặt thủy bộ từ Thăng Long, từ Trường Yên xuống. Tới dây nó có thể thông ra biển bằng đường thủy qua cửa Thần Phù nằm kề Trường Yên, và cửa Đại Ác cách Thiên Trường nửa ngày ngựa.

Về mặt bộ, nó còn khống chế con đường thiên lý thông thương từ Thiên Trường vào Hoan, Ái qua cửa quan Tam Điệp. Cửa quan này về mặt hiểm trở, có nhẽ nó chỉ thua có cửa quan Lão Thử.

Cho nên sống chết giặc cũng phải giữ cho bằng được. Bởi mất nó, cả vùng Thiên Trường, Long Hưng, rồi tuốt từ Trường Yên vào đến Hoan, Ái cũng sẽ mất luôn. Và Thăng Long sẽ không còn gì che chắn nữa; nó tựa như một võ sĩ mình trần, chân đất tay không binh khí.

Đặt chiếc roi xuống, Hưng Đạo nhìn khắp lượt các vị tướng lĩnh dưới quyền, để dò xem ý tứ. Đoạn quốc công nói tiếp:

- Lưu Thế Anh đã được Hốt-tất-liệt phong tước "hầu", thực ấp một vạn hộ. Trong quân thường gọi là y "Lưu vạn hộ", còn cấp trên hoặc đồng liêu gọi y là "Vạn hộ hầu". Hiệp trấn với y ở đây còn có năm ngàn quân rút từ Chiêm Thành ra do Giảo Kỳ thống lĩnh. Tổng số quân của giặc đóng trong vùng A Lỗ này là một vạn bảy nghìn tên, chia ra như sau:

Mười ngàn tên lính thủy. Loại này đã được luyện tập kỹ càng, nên giỏi nghề chèo thuyền, bắn cung tên, ngoài ra chúng còn sử dụng được cả giáo mã tấu. Điểm yếu đáng nói của đám quân này là bơi lội rất kém. Tuy nhiên đám quân thủy này vẫn có thể dời thuyền lên đánh bộ được.

Về quân bộ, chúng có năm ngàn tên. Bọn này thuần quân tân phụ người Tống. Binh khí chúng quen dùng là giáo dài, cung nỏ. Một số tên biết sử dụng cả roi, thiết lĩnh, và thạo cả quyền, cước.

Số còn lại là hai ngàn tên kỵ binh, cả người và ngựa đều thuộc nòi Mông Cổ, do tướng Bột-la-cáp-đáp-nhĩ (Bolquadar) trực tiếp điều hành. Đám quân này có tài phi ngựa bắn cung. Trên sa mạc hoặc trên các bình nguyên khô ráo, chúng có thể ào đến và bứt đi như một trận cuồng phong, khiến đối phương trở tay không kịp.

Đưa mắt nhìn bao quát các tướng một lượt, quốc công tiết chế lại ung dung nói:

- Trách phận của chúng ta, phải tiêu diệt đạo quân này, không cho chúng chạy thoát. Và cùng lúc ta đánh A Lỗ, thì các đạo quân khác trên toàn cõi đều nhất tề đánh vào trại giặc. Vậy bây giờ trong các ông, ai có kế gì hay, xin đưa ra nghị bàn. Nhưng phải gấp gáp. Ta nói trước để các ông tự liệu, nếu mùa mưa lụt này, ta không đuổi được giặc ra khỏi cõi bờ, thời tình thế sẽ giằng dai không biết đến bao giờ.

Như vậy là quốc công quyết đuổi bè lũ Thoát-hoan, chỉ trong vòng hai, ba tháng trong mùa nước ngập. Các tướng không ai không nghĩ như vậy. Và vì thế họ náo nức được xông ra chiến trường. Các tướng ai nấy đều có ý mong được quốc công cho bầy tỏ kế sách của mình.

Thấy trong hàng gia tướng gia thần có Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão là hai tướng văn tướng võ trẻ nhất, Hưng Đạo muốn đò biết ý họ thế nào, người bèn trỏ tay vào Phạm Ngũ Lão.

- Tướng quân cho nghe diệu kế của mình đi.

Phạm Ngũ Lão vòng tay cung kính:

- Tiểu tướng chỉ mong sao được quốc công sớm sai khiến, để mau mau tống khứ lũ cáo cầy Thoát-hoan ra khỏi cõi thôi, chớ quả thật tiểu tướng không có mưu sâu kế lạ gì đâu ạ. Tuy vậy, theo ngu ý của tiểu tướng, nếu đánh vào A Lỗ thì phải đánh thắng vào ba sào huyệt, tức là nơi đầu não điều hành ba đạo quân: kỵ binh, thủy binh và bộ binh.

Hiện nay đang là mùa mưa dầu, nắng lửa, bệnh thời khí đang lây lan nặng trong hàng ngũ quân giặc. Thần đã cho người dò xét, được biết đứa nào không ốm cũng mệt mỏi, tinh thần bải hoải, suốt ngày buồn ngủ, chân tay không muốn cử động. Người đã vậy, ngựa của chúng cũng không hơn gì. Lũ ngựa này thuộc nòi ngựa chiến Mông Cổ, mới sinh ra đã tung tăng trên thảo nguyên mênh mông, hoặc sải vó trên dặm dài sa mạc. Chúng được ăn loài cỏ thảo nguyên ngọt như mía, thơm như mật. Nay thứ cỏ khô ấy trong kho giặc đã cạn, chúng phải gậm loài cỏ tranh, cỏ gừng, cỏ chỉ, cỏ màn thầu của ta vừa ngắn ngủn, vừa đất cát bụi bặm, chát đắng. Không quen thủy thổ, lại gặp thức ăn lạ, đâm chướng bụng, ỉa chảy, con nào con ấy mông lép kẹp, đứng gục đầu lắc bờm, quật đuôi đuổi ruồi, đuổi muỗi. Và ra khỏi tầu là lội bì bõm, lầy thụt, nhiều con không đủ sức nhấc chân lên nữa, nói gì chạy. Kỵ binh với bộ binh như thế, còn đám thủy binh cũng chẳng hơn gì. Thuyền bè thì nhỏ bé, ọp ẹp nhiều thứ quân ta đã phá bỏ, giặc nhặt lấy đem về sửa chữa lại dùng. Ngay đám lính thủy cũng suốt ngày nôn với mửa, lại còn sợ nước và nhiều đứa còn không biết bơi.

Bẩm quốc công, điều đó chỉ có nghĩa là sức chiến đấu của giặc đã suy giảm, chứ không phải là chúng không còn sức chiến đấu nữa. Vì vậy, để tiêu diệt hoàn toàn đạo quân này, ta phải huy động ít nhất ba vạn quân. Nhưng để đánh tan đạo quân này, ta chỉ cần năm ngàn quân tinh nhuệ, đánh thẳng vào trung quân của chúng. Theo thiển ý của tiểu tướng, ta nên chọn vào lúc nửa đêm, giặc đang vùi mình trong giấc ngủ sâu mà đánh hỏa công. Thiêu cho cháy rụi đám thuyền bè doanh trạm, đốt cho cháy bùng lên mấy dẫy tàu ngựa, thế là người, ngựa chúng xéo giẫm lên nhau mà chết. Quân tướng sẽ tan tác, làm mồi cho dân binh của ta tiêu diệt.

Phạm Ngũ Lão vừa ngồi xuống thì Hưng Đạo đã chỉ vào Trương Hán Siêu. Siêu vòng tay nói:

- Thần cho rằng kế của Phạm tướng quân có thể dùng được. Ở đây, tướng quân đã dựa vào hai điều bất ngờ và thần dũng. Muốn chắc thắng thời phải giữ cho thật kín nhẹm. Ngay người lính chiến đấu, cũng chỉ được biết hướng tiến quân trước giờ xuất phát. Điều thứ hai quân phải thật tinh khỏe. Nhưng sao thần chưa thấy Phạm tướng quân nói đến việc phải bắt hoặc diệt cho bằng được bọn đầu sỏ. Còn một điều nữa, thần xin lạm bàn, rằng việc nhận định về sức chiến đấu của quân giặc, thì điều đó chỉ riêng các vị tướng biết để lường sức giặc mà điều quân vào trận, nhược bằng sĩ tốt của ta biết được điều này, sẽ đem lòng khinh giặc mà chủ quan kiêu mạn, không đề phòng thì dễ bại. Thần cứ nghĩ, một thằng giặc ốm yếu là một tên lính bỏ đi. Nhưng một trăm thằng, thậm chí một nghìn thằng ốm yếu cụm lại, lại được tướng giỏi chỉ huy thì chưa chắc chúng đã là đội quân bỏ đi. Cứ xem như Tôn Vũ huấn luyện đám nữ binh thì đủ biết.

Nghe Trương Hán Siêu bầy tỏ, Hưng Đạo lấy làm đẹp ý, người cứ vuốt vuốt mãi chòm râu đốm bạc và gật đầu tới hai ba lần. Trương vừa ngồi xuống, Phạm Ngũ Lão liền bật dậy vái hai vái với lời nói chân thành, cảm kích.

- Giã ơn tiên sinh đã có lời răn. Nếu không thì Ngũ Lão này dễ phạm vào điều cấm kỵ của nghiệp làm tướng. Ngũ Lão bèn cúi xuống lấy bút viết vào vạt áo bốn chữ: 'Bất khả khinh địch'' để tự nhắc nhủ mình không lúc nào được phép coi thường giặc.

Việc hai tướng khiêm nhường thủ lễ với nhau, khiến Hưng Đạo cảm động. Vương ôn tồn nói:

- Lời của Hán Siêu là đúng. Kế của Ngũ Lão bổ chính thêm có thể dùng được. Tướng quân cứ yên tâm, ta không cho lời nói của ông là có ý coi thường giặc. Bởi ta xem trận ông cản giặc trên ải Lão Thử cuối năm ngoái, đủ biết tài cầm quân của ông. Sức giặc tràn qua như nước vỡ đê trời, vậy mà ông cản được, lại lui được cả một đạo quân lớn an toàn như vậy, thời không thể nói ông hồ đồ, kém mưu lược được.

Các tướng còn bàn cãi khá lâu, Hưng Đạo bước ra sân ngó nghiêng bầu trời đầy mây xám, mưa lắc rắc; quay vào nhà, ông nói:

- Mưa này chỉ vào giờ hợi là tạnh. Cả ngày mai và đêm mai trời vẫn quang, tạnh. Vậy các tướng phải chuẩn bị đầy đủ, cắt cử ai vào việc ấy, không để sót điều gì. Đêm mai nhất loạt phát hỏa vào đầu giờ tí. Các tướng nhớ nhắc ba quân, chớ ham bắt, giết giặc mà làm chậm trễ việc tiến binh. Ta phải thần tốc, mới gây cho giặc nỗi kinh hoàng. Thỉnh thoảng phải vờ cho giặc "phá vòng vây" chạy thoát vài chục tên, rồi lùa cho chúng về các trạm, trại giặc chưa bị đánh, để chúng gieo rắc nỗi hoang mang, hãi sợ cho nhau - Đoạn ông quay ra sai khiến các tướng ai vào việc ấy.

Duy có bốn người con của đại vương chưa được cắt đặt, bèn đồng thanh lên tiếng:

- Xin quốc công cho chúng con được tham gia đánh giặc, lập công.

Hưng Đạo vuốt râu cười khoan khoái:

- Ta chỉ sợ các con không đủ sức - Rồi người vẫy tay cho các tướng đã lĩnh mệnh lui ra, đoạn ông chậm rãi nhấn từng lời: - Ta không nói, các ngươi cũng biết, thời cơ đuổi giặc ra khỏi cõi để rửa mối nhục cho nước đã đến. Nhưng các ngươi không được hấp tấp để hỏng việc lớn của ta.

- Hưng Vũ vương! - Quốc công gọi.

- Dạ! - Nghe cha gọi, Trần Quốc Nghiễn vội đứng lên chắp tay thủ lễ.

- Con dẫn một vạn quân lên biên ải đón lõng đường giặc rút chạy qua cửa quan Khâu Ôn, Khâu Cấp. Con nhớ việc ém quân phải kín nhẹm, nếu không động chà, cá nhảy, nghe chưa!

- Dạ, con xin lĩnh ý phụ thân.

- Việc này hệ trọng lắm, ta biết tính con nghiêm cẩn nên ưu ái giao cho. Con nên nhớ, từ năm ngoái tới nay, giặc vào cõi bờ ta, chúng gây xiết bao tội ác, trời không dung đất không tha. Nay ta quyết bắt chúng phải đền tội. Nếu vì hấp tấp, sơ khoáng để giặc trốn thoát thì chắc chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ lại sang xâm lấn cõi bờ ta. Con rõ chưa?

- Dạ, con xin ghi lòng lời cha dậy.

Hưng Đạo nghiêm mặt:

- Đây không phải việc trong nhà cha con dậy nhau. Mà là việc nước, việc quân, ngươi là tướng nhận mệnh của triều đình ra biên thùy dẹp giặc - Nói xong, Hưng Đạo thư thả nhấc tấm binh phù giơ ra cho các tướng nhìn rõ.

Các vương và các tướng len lét nhìn vào gương mặt quắc thước của quốc công.

- Hưng Nhượng! - Quốc công lại gọi.

- Dạ! - Trần Quốc Tảng vòng tay thủ lễ - Con xin nghe mệnh.

- Ngươi đem tất cả quân bản bộ cùng thuyền bè chẹn cứng cửa sông Bạch Đằng, không cho một chiến thuyền nào, một tên giặc nào thoát ra được cửa sông này. Ngoài ải Vân Đồn, ngày đêm đốt lửa làm hiệu nghi binh. Ta không tin Hốt-tất- liệt kịp ra tay trước ta. phái binh sang cứu con hắn.

Nhìn thẳng vào đôi tròng mắt người con út, Hưng Đạo gặng hỏi một lần nữa:

- Ngươi đã rõ các việc phải làm chưa, có cần điều gì ở ta nữa không?

- Dạ, con rõ phận sự cả rồi, xin cha cho con nhận mệnh.

- Được!

Quốc công lại ve vuốt chòm râu rồi thong thả gọi như đếm từng lời một:

- Hưng Trí, Hưng Hiếu, các con nghe mệnh đây.

Nghe cha gọi, Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Uất đều đứng cả dậy vòng tay thưa:

- Chúng con xin nghe mệnh.

- Ta cho các ngươi đem hết quân bản bộ cùng xe cộ, thuyền bè, khí giới đi suốt ngày đêm về bầy trận nghênh địch tại vùng Vạn Kiếp. Giặc có thể dồn tới nửa số quân chạy theo đường sông Thiên Đức, sông Nguyệt Đức, sông Như Nguyệt về Lục Đầu. Nếu ở đây giặc không bị tổn thất lớn, ta chắc chúng sẽ rút theo đường biển. Nhược bằng giặc bị đại bại, hẳn chúng phải tháo chạy qua ải Nội Bàng rồi tắt Khâu Ôn, Khâu Cấp mà về Tư Minh.

Hưng Đạo ngừng lời nhìn các con. Đoạn mỉm cười, quốc công lại nói:

- Trận kịch chiến với giặc ở Vạn Kiếp hồi tháng giêng, ta đã giết vạn hộ hầu Nghê Nhuận. Trận này các con phải tóm gọn lũ giặc Mông - Thát về cho ta.

Các ngươi nhớ phải nhử cho binh giặc chạy về Lục Đầu mà tiêu diệt. Ta không cho phép các ngươi để sổng một tên tướng giặc nào thoát qua Vạn Kiếp, Bình Than mà ra biển. Các ngươi đã rõ chưa?

- Dạ, chúng con xin tuân mệnh.

Một giây im lặng, rồi Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn và cả Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng xin nói:

- Trình cha, cha cho bốn anh em con đón đánh quân giặc cả đường thủy lẫn đường bộ, vậy chớ Thoát-hoan chạy đường nào?

Hưng Đạo vuốt râu cười ha hả:

- Mấy tháng trước đây Thoát-hoan đe vua ta: Chạy đường bộ, chúng đuổi bằng ngựa; chạy đường thủy, chúng đuổi bằng thuyền; chui xuống đất, chúng nắm tóc lôi lên; bay lên trời, chúng cầm chân kéo xuống.

Nay lại đến lượt ta phải mượn nhời Thoát-hoan để nói với y như vậy. Xuống đất, lên trời hẳn chúng không có tài. Duy có hai đường thủy, bộ, các con thử đoán xem, y chạy đường nào.

Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng nhanh nhảu nói:

- Thưa cha, hẳn là Thoát-hoan chạy theo đường biển, nên cha ưu ái cho con phục quân tại Bạch Đằng, Vân Đồn.

Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn vội cướp lời em:

- Trình cha, hẳn là Thoát-hoan chạy theo đường bộ, nên cha cho con phục quân tại các cửa quan đón bắt.

Hưng Đạo mỉm cười, nói vui với các con:

- Thôi thì cả Hưng Vũ, Hưng Nhượng mỗi tướng bắt cho ta một Thoát-hoan đem về nộp. Nhưng ta e rằng tiểu tướng quân Hoài Văn hầu lại nhanh tay hơn các con đấy. Viên hổ tướng này làm ta kỳ vọng.

Lời quốc công khen Hoài Văn, càng khích sâu vào lòng kiêu dũng của cả bốn anh em nhà vương. Và tất cả bốn người đều quỳ lạy:

- Con xin nộp đầu Thoát-hoan trước phụ thân. Xin phụ thân cho chúng con làm tờ cam kết.

Hưng Đạo bật cười, người cứ vuốt mãi chòm râu rồi gật gù nói:

- Khí thế quân ta quả là cao ngất. Ta mừng vì các con đều một lòng vì nước, quyết rửa mối hận Hốt-tất-hệt, bắt con y phải đền tội. Nhưng bây giờ thì chưa thể nói Thoát-hoan sẽ rút chạy dường nào, để ta phái các con đi bắt y về nộp. Đành rằng, giặc chỉ có hai đường để thoát. Về mặt thủy, ta dồn đánh chúng từ Thiên Trường trở về Thăng Long, vậy không có chuyện chúng tháo chạy qua các cửa Thần Phù, Đại Ác, mà chỉ có thể qua cửa Bạch Đằng rồi rút về Vân Đồn để ra biển. Mặt bộ có nhiều cửa quan giặc có thể vượt qua. Nhưng tựu trung có hai đường huyết mạch qua ải Khâu Ôn, Khâu Cấp là có khả năng giặc sẽ rút chạy qua đây. Còn cửa quan qua Quảng Nguyên thì cả đường bộ, đường thủy, tới đó đều xa mà hiểm trở, giặc sẽ không chạy theo đường đó, nên ta chẳng cần cho quân phục làm gì. Lần này giặc kéo sang, chủ yếu là bộ binh, nên khả năng giặc rút qua đường biển là ít hơn. Song các tướng cứ phải phòng bị kỹ càng. Bởi chưng trong binh pháp được phép: "lấy thực làm hư, lấy hư làm thực". Vì vậy việc phòng bị kỹ không bao giờ thừa cả. Tuy nhiên, phải chờ ta đánh xong trận này, mới có thể phán đoán chắc chắn chiều hướng rút chạy của giặc.

Nói xong, quốc công cho các tướng ai về trại nấy, lo liệu đêm mai tiến quân.

Như quốc công dã sắp đặt:

- Tướng quân Phạm Ngũ Lão giữ ấn tiên phong, lĩnh ba ngàn tinh binh và pháo binh đánh thẳng vào đại bản doanh của Vạn hộ Lưu Thế Anh.

- Các tướng Phạm Lãm, Ngô Sĩ Thường mỗi người dẫn một ngàn quân, từ hai phía tả hữu đánh vào cánh quân của giặc rút từ Chiêm Thành ra, do tướng giặc là Giảo Kỳ thống lĩnh.

- Các tướng Trình Giũ, Trần Thì Kiến, mỗi tướng lĩnh một ngàn quân đánh vào đại trại của Đường-ngột-đải.

- Hai tướng Yết Kiêu, Dã Tượng tháp tùng quốc công đem thủy đội khóa chặt ba mặt sông, không cho giặc lên bộ tháo chạy.

Lại nói trong trại của Lưu Thế Anh, mới vào hạ mà quân đã ốm tới non nửa, nửa còn lại cũng uể oải không làm sao mà giữ nổi kỷ cương. ốm đau nhiều, lòng quân sinh nản. Có đứa vừa đổi gác về là gục chết. Có đứa đi cắt cỏ ngựa cũng chết rũ ngoài cánh đồng. Có đứa đang đứng gác thì miệng nôn trôn tháo, mặt xám như chàm, tay chân co quắp, mắt trắng dã, mồ hôi toát ra như tắm, không thuốc nào chữa trị được.

Sợ cứ để tình trạng này kéo dài dễ có biến trong quân. Hoặc giả như quân An Nam bất ngờ đánh vào, quân thiên triều khó mà chống cự được. Nghĩ vậy, Lưu Thế Anh bèn mời các tướng dưới quyền vào trung quân thương nghị.

Đại bản doanh của Lưu Thế Anh đóng trong ngôi chùa cổ, có tên "Sùng phúc tự", nằm trên doi đất cao, bốn bề cây cối xanh um. Những cây muỗm, cây đa gốc xù xì, thân cao vút, cành lá vươn dài, tuổi thọ của chúng có dễ đến xấp xỉ với tuổi của ngôi chùa. Đây là ngôi chùa cổ được xây cất từ năm Nhâm Ngọ đời Lý Thánh tông, tính tới nay đã ngót 250 năm. Trụ trì tại ngôi chùa này là thiền sư Vô Lượng, một bậc cao tăng đời nay. Thiền sư năm nay đã 87 tuổi, người có khả năng thấy trước các việc. Một năm trước khi giặc Thát phạm vào cõi, Thiền sư đã có sớ dâng về triều, nói tới các điều sẽ xảy ra. Thiền sư đã kíp cho di chuyển các pho tượng phật quí. Các kinh bổn và phả hệ của chùa, cả các đạo sắc phong qua các đời vua, cùng các đồ thờ tự quí giá đưa đi cất giấu, không cho giặc phạm vào. Các sư tăng, người nào khỏe mạnh, có lòng đầu quân đi đánh giặc, Thiền sư khuyến khích cho đi. Các người già yếu cũng đưa về các vùng hẻo lánh khuất lấp. Chùa chỉ còn vài ba đồng tử ở lại với Thiền sư để hương đăng sớm chiều.

Khi mới đến chiếm đóng vùng này, thi thoảng Lưu Thế Anh có qua lại chùa thăm viếng Thiền sư.

Y nói, y cũng là đệ tử Phật nên nhà chùa sẽ được bảo vệ. Thiền sư chỉ cười cám ơn.

Lưu Thế Anh hết lời khen ngợi ngôi chùa cổ kính, nghệ thuật kiến trúc tinh vi, lại tọa lạc trên thế đất đẹp như một viên ngọc minh châu.

Thiền sư bề ngoài vẫn xem Lưu Thế Anh là một chúng sinh như trăm ngàn chúng sinh khác. Nhưng trong sâu sa tiềm thức lại mách bảo Thiền sư phải canh chừng bởi nơi cơ thể y toát ra mùi tanh hôi, hệt như mùi tử khí. "Phải rồi", Thiền sư tự nhủ, chính y đang cầm đầu một đạo quân xâm lược.

Không khí ngày càng ngột ngạt, Thiền sư cảm nhận như cuộc huyết chiến sắp tới gần, ngài đã đôi ba lần cáo trước Phật đài xin cứu vớt chúng sinh. Rồi một hôm ngài dắt theo mấy đồng tử ngồi trên con thuyền thúng bồng bềnh sang sông.

Từ bữa ấy, Lưu Thế Anh ghé lại chùa nhưng không thấy Thiền sư, cũng không thấy đám tiểu tăng. Y đẩy cửa vào chùa thắp hương, thỉnh chuông, nhưng kỳ lạ thay hương vừa đốt, cắm vào bình, cúi đầu vái Phật xong, ngửng lên đã tắt ngấm. Tự xem đây là một việc bất thường, viên tướng giặc lại đốt ba nén hương khác, cắm vào bình, cúi đầu khấn vái. Chợt ngửng lên, hương lại tắt. Y làm đúng ba lần, vẫn y hệt như lần đầu. Y cho rằng Phật không chứng cho y. Vì vậy y sợ lạnh cả xương sống, người nổi hết da gà. Vừa quay ra, y vừa niệm hồng danh đức Quán Thế âm Bồ tát...

Trời vào hạ, mưa xối xả. Nước nguồn tràn về, ngập lụt đầy đồng. Muỗi bọ, rắn chuột chui cả vào buồng ngủ, vào giường ngủ. Nước dềnh vào nhà ở. Việc đi lại vô cùng khó khăn. Thuyền ít, lính di chuyển thuần lội bộ, không quen đường, có khi cả một đô quân xông thẳng xuống mương ngòi, nước ngập lút đầu, ướt như chuột. Trời vẫn cứ mưa xập xùi. Vì thế số quân đổ bệnh ngày một tăng.

Lưu Thế Anh đã chuyển trung quân tới hai ba lần. Mỗi lần lại đuổi một vài nhà phú hào đi để chiếm chỗ. Nhưng rồi nhà nào nước lũ cũng tràn vào, rắn rết, chuột bọ cũng bò vào. Cuối cùng Lưu Thế Anh nghĩ đến "Sùng phúc tự". Ngôi chùa xây trên gò đất cao, nên nước lụt chỉ bám quanh chân gò.

Thế bất đắc dĩ, y phải cho chuyển đại bản doanh vào đóng trong chùa. Bởi qua ba lần thắp hương không cháy, Lưu Thế Anh biết là chùa tối linh. Vì vậy y cấm không cho quan quân và lính tráng, xâm phạm vào bất cứ một thứ gì trong khuôn viên nội tự. Lại bắt viên tì tướng sớm chiều phải thắp hương, thay nước cúng trên các ban thờ Phật. Bản thân y và lũ bộ tướng chỉ dám ở nhà thụ trai và các tăng phòng.

Khi các tướng đã tề tựu đủ mặt, Lưu Thế Anh cất giọng hỏi:

- Trong quân thứ, các ông có do thám được điều gì về phía bọn giặc cỏ An Nam không.

Bôn-kha-da, viên tướng kỵ binh nghe giọng nói hách dịch của Lưu Thế Anh, khiến y bực bội. Hắn giả vờ ho rồi khạc đờm, nhổ qua đầu mấy viên tướng người Hán ra phía cửa.

Lưu Thế Anh biết Bôn-kha-đa vốn không phục mình. Và cách nhổ bọt của y, là cố ý nhại theo thói quen của người Hán, nhằm trêu tức thượng cấp mà thôi. Bởi vậy, Lưu Thế Anh coi như không nhìn thấy gì hết. Y đưa mắt về phía viên tả thừa Tang-gu-tai cùng tham chính Hắc-đích, Giảo Kỳ và các tướng dưới trướng của Toa-đô bị quân Đại Việt ghìm chân ở biên ải Việt-chiêm từ mấy năm trước. Nay chúng mới phá vỡ được cửa quan Nghệ An đánh thông ra Trường Yên, được Thoát- hoan phái về hợp trấn với Lưu Thế Anh tại Thiên Trường.

Đám quân, tướng này suốt mấy năm bị cầm giữ tại mặt trận Champa, đầu óc căng thẳng, mệt mỏi, nay lại gặp thời tiết nắng mưa khắc nghiệt, lẽ ra chúng phải được nghỉ ngơi dưỡng sức, thì lại bị dồn đuổi về vùng đất ngập lụt trắng băng như thế này. Chúng đều cảm thấy chán nản, không có gì để nói.

Cuối cùng lại Lưu Thế Anh phải lên tiếng:

- Ta mời các ông đến để nghe tuyên dụ của Trấn Nam vương. Thái tử răn chúng ta phải phòng bị cho cẩn mật, vạn nhất có điều gì sơ xuất thì ngài sẽ trị tội gấp đôi - Ngài hữu thừa A-lí Hải-nha còn cho biết Trần Hưng Đạo đang gấp gáp điều quân, chưa biết chúng sẽ quấy rối ở vùng nào - Vậy chớ các ông có cao ý gì không?

Các tướng sang An Nam thủy thổ không hợp, căng thẳng kéo dài, nay lại bị nạn lụt vây hãm, nên trong lòng ai cũng bực dọc. Đã vậy, Lưu Thế Anh lại còn gạn hỏi.

Vứt chiếc mũ da dê đang cầm tay xuống sàn nhà, cởi phăng hàng khuy áo đang làm nghẹt thở, viên tả thừa Tang- gu-tai nói giọng giật cục:

- Khi bọn ta đang ở Champa, Trấn Nam vương bao phen đưa thư thúc giục, nếu phá vỡ cửa quan Nghệ An thì Trấn Nam vương sẽ cất vó vua tôi nhà Trần, hoàn tất sự nghiệp Nam chinh, cùng hưởng phú quí. Bọn ta kéo năm vạn quân viễn chinh, đi suốt bốn năm ròng rã. Bốn năm bị giam hãm trong chiến trận Champa, quân chết tới phân nửa. Gồng sức lên đánh vỡ cửa quan Nghệ An, rong ruổi một lèo ra đến tận Trường Yên, tưởng rằng Trấn Nam vương sẽ rước đại quân về Thăng Long khao thưởng. Ai ngờ, chân ướt chân ráo chưa hoàn sức hoàn hồn, Trấn Nam vương lại bắt một nửa quay lại Ái Châu, một phần ở lại Trường Yên, còn tất cả phải về Thiên Trường tăng viện. Ta thật không hiểu sự thể ra làm sao cả. Và cái thứ chiến tranh chó chết này bao giờ mới tới hồi chung cuộc?

Lòng bực tức như một vết dầu loang, ai cũng muốn nói cho hả.

Tang-gu-tai vừa ngồi xuống thì Bôn-kha-đa, tướng kỵ binh liền đứng dậy tiếp lời:

- Ông Tả thừa họ Lưu gọi quân An Nam là đám giặc cỏ.. Giặc cỏ gì mà mấy chục vạn hùng binh của thiên triều đánh. dẹp mãi không được. Và còn sợ nó gom quân sắp đánh ở đâu. Lại hỏi "có do thám được điều chi".

Ông là người chỉ huy cao nhất ở đây. Nhẽ ra điều ấy chúng ta hỏi ông mới phải - Ta muốn biết đến bao giờ mới có cỏ khô cho ngựa ăn. Nếu cứ bắt ngựa phải gặm cỏ hôi hám, bẩn thỉu thời ta chắc chỉ nửa tuần trăng nữa là số ngựa của ta quỵ hết. Thậm chí chết hết vì bệnh ỉa chảy - Bôn-kha-đa bực bội nhìn khắp cử tọa rồi văng ra một câu mà ai cũng cho là điều gở - Ta nói thật, bây giờ quân An Nam đánh vào, thời đến ngựa cho ông chạy trốn cũng không có, nói gì ngựa chiến. Ta không hiểu các ông am tường địa lý An Nam đến đâu mà để thiên tử phái đội kỵ binh bách chiến bách thắng của ngài đến vùng ngập lụt này. Ông nên nhớ, nếu đội kỵ binh của thiên tử sứt mẻ thì ông mất đầu.

Mấy viên tướng Thát cậy mình là đồng bào, đồng hương của Trấn Nam vương, nên nói năng chẳng cần giữ mồm giữ miệng. Ấy vậy mà Lưu Vạn hộ vẫn nhoẻn cười. Cái giọng cười mới thâm hiểm và cay độc làm sao. Y tự lượng sức mình không thể làm căng với lũ Mông - Thát được, đành đấu dịu dàn hòa:

- Tôi biết các ông là bậc kỳ tài đời nay. Vì vậy thiên tử mới phái sang làm thủ túc cho Trấn Nam vương chớ. Những việc các ông nói đều đúng cả. Nhưng xin chờ cho khi nước rút xuống đã. Chớ bây giờ các ông đòi từ lương cho người, cho ngựa đến thuốc men các thứ, quân lương không sao cung ứng được.

Mục đích của Lưu Thế Anh là mời các tướng đến để răn đe cảnh tỉnh, chớ vì thấy quân An Nam không có động tĩnh gì mà lầm tưởng họ tan rã hết. Thế nhưng chiều hướng xem ra không êm thuận. Mặc dù vậy, y vẫn cứ phải nhắc nhở:

- Ta lưu ý các ông, vài bữa nay mưa đã ngớt, nước đã nhúc nhắc rút được dăm bảy tấc, vì vậy quân An Nam có thể bất ngờ đánh lén. Các việc tuần tra cảnh giới đêm hôm nhất nhất không được lơ là. Mặt sông, mặt đê lúc nào cũng phải có hai toán quân tuần tiễu ngược chiều nhau. Vạn nhất giặc có đánh vào, phải giữ cho quân không rối, trước sau, trong ngoài phải ứng cứu được cho nhau; trụ bám chắc thì giặc không tạo được khe hở mà đánh vào. Giặc không vào được thì quân chúng sẽ tự rối. Khi quân chúng đã rối thì chia binh ra mà đánh, giặc ắt phải thua. Thôi, bây giờ các ông nên về với trại quân đi kẻo muộn.

Các tướng đứng dậy cười khẩy.

Tham chính Hắc-đích nói vừa đủ nghe, nhưng không phải Lưu Thế Anh không nghe được:

- Ta ngờ Lưu tướng quân vừa mới đọc Tôn Vũ đêm qua.

Các tướng cười khùng khục. Có ai đó nói:

- Ta cũng ngờ rằng ông ấy mới đọc được có một thiên "phòng bị".

- Thảo nào, đêm qua ta nghe như có tiếng mọt nghiến sách- Một giọng giễu cợt khác xen vào rồi ai về trại nấy.

Nước rút nhanh, ngấn phù sa cứ khô dần trên vách tường nhà, trên các hàng giậu tre gai, và ngấn nước còn đai thít lấy thân cây như những vành khăn xếp mầu nâu cháy.

Khắp vùng không còn bóng dáng một người dân, cũng chẳng còn trâu bò gà lợn, lúa gạo để cho quân thù vơ vét. Đường làng tuy còn lội lõm bõm, nhưng đám quân đã đi lại nói cười tươi tỉnh, đã có sinh khí.

Lưu Thế Anh do ba lần thắp hương không cháy y vẫn canh cánh lo, nên nước vừa rút đã bắt quân phải dời chùa về lại doanh trạm cũ.

Đêm yên tĩnh và mát mẻ. Đã lâu lắm mới lại có một đêm như thế. Trăng hạ tuần mờ đục. Gió mơn man chạy dài trên mặt nước mênh mang. Thảng có tiếng cú rúc mơ hồ, và những cánh chim đêm đập gió ào qua.

Biết bao ngày vật lộn với nước ngập, với rắn rết, chuột bọ, với nắng hun như lửa đốt, khiến đám quân Thát-đát mất ăn mất ngủ, người cứ bã ra như xác con vờ. Vì vậy đêm nay họ ngủ như chết. Ngay đám lính tuần phòng trên sông nước cũng gác mái chèo lên ngủ. Đám kỵ binh đi tuần thám ban đêm thì ngủ ngay trên mình ngựa. Dường như hàng vạn quân Thát đêm nay không có một tên nào canh thức.

Đúng giờ tý, Phạm Ngữ Lão cho pháo khai hỏa vào đại bản doanh Lưu Thế Anh.

Mới thoáng lát ngọn lửa đã bốc cao.

Trong các trại quân bộ, quân kỵ của giặc, các tướng Phạm Lãm, Ngô Sĩ Thường, Trình Giũ, Trần Thì Kiến cùng lúc cho phóng hỏa và đánh thẳng vào trung quân. Bốn phương đều có ngọn lửa bốc cao, tiếng reo "Sát Thát!” dậy đất. Tiếng trống đồng xối xả, vang rền khắp mặt sông. Tiếng tù và rúc inh ỏi. Tiếng pháo lệnh nổ oàng oàng khiến đất rung chuyển ầm ầm như sắp toác vỡ ra.

Quân giặc bị đánh bất ngờ, vừa tỉnh giấc đã thấy lửa cháy bốn bề khiến chúng hoảng hết, nhiều đứa cứ thế chạy thục mạng không kịp cầm binh khí.

Trại giặc chưa bao giờ hỗn loạn như thế. Thoạt tiên là từ các tầu ngựa, những con ngựa chiến to đùng như những con voi nan, ốm gần hết. Con nào con ấy đứng rũ bờm lắc lư bên cạnh những con còn khỏe mạnh. Chợt thấy lửa cháy bừng bừng ngay trong tầu trại, chúng hí lên man dại. Những con khỏe thúc bật tầu lao ra. Những con yếu chạy theo. Bốn phương tám hướng không đâu là không có lửa cháy rát bỏng, đàn ngựa lồng lên rồi chạy quẩn. Bây giờ thì không còn phân biệt được con nào khỏe, con nào yếu, mà tất cả lũ chúng đều như những con hổ dữ, chúng lao đi tìm sự sống. Chúng hí hét, chúng nhảy, chúng húc, chúng đá, chúng dẫm đạp lên đầu, lên thân mình đám lính bị trúng tên, trúng đạn đang vật vã, la hét. Trong khi đó từng loạt, từng loạt hết tên đến đạn bắn vào đám giặc đang vón cục lại như lũ kiến gặp nước, và quân ta ào ào xốc tới.

Phải nói, từ ngày quân Mông-thát tràn vào Đại Việt tới nay, chúng có bị quân Trần đánh trả ở hầu khắp các mặt trận. Nhưng đấy là sự bị động chống trả chứ chưa có một lần nào quân Trần tiến công qui mô và mãnh liệt như thế này. Chính vì lẽ đó mà lũ kiêu binh đâm hoảng sợ. Cũng bởi một lẽ khác, là chưa một lần nào chúng được các chủ tướng dự liệu đến tình thế này. Mà chỉ nghe. "Bắt triều đình nhà Trần đem về Yên Kinh trị tội", hoặc "Đạp đổ thành trì, biến tông miếu thành gò hoang" và "Làm cỏ xứ này"...

Tuy vậy, với Lưu Thế Anh thì lại khác, y là một tướng dạn dầy trận mạc. Và nữa y phải luôn luôn đối phó với đồng bào của y, đối phó với cả đám chủ mới người Mông Cổ nữa. Bởi lẽ đám chủ mới dù có dùng y làm tay sai thì chúng cũng vừa khinh, vừa canh chừng. Nay đem quân đến đánh dẹp một xứ sở, tổ tiên y vẫn coi là đất phên dậu, là man di. Nhưng sao cái đám man di này nó bướng bỉnh mà quật cường làm vậy. Nhớ triều Nam Tống, thời Tống Nhân tông, tướng Lý Thường Kiệt đã đem quân sang tận thành Ung Châu và Khâm Châu, giết và làm tan rã tới mười vạn quân của Tống thiên triều, rồi rút về êm ru, khiến tể tướng Vương An Thạch ức đến hộc máu mồm.

Nhà Đại Tống của ta, Lưu Thế Anh tự nhủ, đất rộng mênh mông, kho người, kho của, vậy mà còn bị Hốt-tất-liệt đè bẹp, phải cam chịu dưới ách đô hộ của chúng. Thế nhưng người An Nam, nước nhỏ bằng cái bàn tay, dân cư lèo tèo mà dám chống lại thiên binh của nhà Đại Nguyên thì cũng là sự lạ. Chính vì sự lạ ấy nên lúc nào Lưu Thế Anh cũng nơm nớp canh chừng, phòng bị. Bởi vậy, khi quân Đại Việt tiến đánh, quả có làm cho y bất ngờ, song không phải trung quân của y đã rơi ngay vào tình thế trở tay không kịp. Thế nhưng đại quân của Lưu thì đã hỗn loạn không còn điều khiển được nữa. Ấy cũng bởi các viên tướng Thát-đát vốn tự phụ, coi thường quân Đại Việt, coi thường cả y là người Hán mà được cất nhắc tin dùng. Và vì thế việc phòng bị có phần lơ là. Từ đại bản doanh Lưu Thế Anh đã phát ra bao nhiêu mệnh lệnh, nhưng các tướng đều mạnh ai nấy chạy. Cuối cùng, Lưu Thế Anh cũng co cụm được một số quân hộ tống cho y rút chạy.

Bôn-kha-đa, viên tướng kỵ binh béo ị, không kiếm nổi cho mình một con ngựa, y gầm réo thuộc hạ tựa như một con bò điên. Và rồi y cũng lao vào đám quân hỗn loạn cùng lũ ngựa đang dầm dề, đang hụp lặn trong nước, lửa.

Bốn mặt, chỗ nào cũng có lửa cháy rừng rực, chạy nẻo nào  cũng gặp tên bắn như mưa. Lính tráng, ngựa nghẽo đứa chết đứa bị thương nằm ngổn ngang, ùn tắc, giầy xéo lên nhau.

Quân Trần kéo đến mỗi lúc mỗi đông, xiết chặt vòng vây trùng trùng điệp điệp không cho giặc thoát bằng đường bộ nhưng lại để hở phía mặt sông. Trống thúc, chiêng khua, pháo nổ, quân reo hò dậy đất, khiến lũ giặc càng hoảng loạn. Và chúng ùa cả ra cánh đồng nước trắng băng. Chúng lội bì bõm như lũ chuột đồng, để tìm đường thoát tới nơi các chiến thuyền đang neo đậu.

Hưng Đạo thân dẫn chu sư có Yết Kiêu, Dã Tượng là hai viên tì tướng dũng mãnh theo hầu, đang chẹn cứng dòng sông trên thượng lưu.

Phía hạ lưu, Nguyễn Thế Trực, cũng dẫn một thủy đội mạnh đang đánh ngược lên. Tiếng hô "Sát Thát” như những mũi dùi nhọn hoắt đâm vào tim óc giặc. Sóng cồn lên những đợt dữ dằn, khiến lũ giặc tưởng như quân Đại Việt đang dựng ngược dòng sông ụp xuống đầu chúng.

Thấy hạ lưu bị chặn, quân lại vào bẩm phía thượng lưu yên tĩnh, chỉ có những đống lửa đốt rải rác hai bên bờ sông, Lưu Thế Anh không thể nén giấu được nụ cười.

Bộ tướng của y thấy tình thế cấp bách mà y vẫn cười được, bèn hỏi:

- Còn chưa nguy kịch sao, thưa chủ tướng?

- Hưng Đạo, người ta cứ đồn ông ta dùng binh như thần,nay mới thấy đó chỉ là ngoa truyền. Các tướng hãy nghe lệnh ta - Đại đội binh thuyền, tất cả ngược Thăng Long!

- Chủ tướng không nghe thấy Hưng Đạo đã đốt lửa nghi binh hai bên bờ sông đó sao? Nhất định phải có quân phục. Ta chớ nên mắc vào quỉ kế của ông ta - Các tướng lĩnh đều xúm vào can.

Lưu Thế Anh nghiêm mặt:

- Các người đọc binh pháp không hơn một con vẹt. Đốt lửa, phục quân, đó là kế Khổng Minh dùng để bắt Tào Tháo trên Hoa Dung tiểu lộ, các đời sau ai chẳng biết. Đây là cách Hưng Đạo đánh vào cân não ta. Kỳ thực ông ta cho đại quân phục ở hạ lưu. Vì sao lại như vậy? Vì rằng nước đang xuống mạnh nếu ta xô chiến thuyền vào đuổi họ, chỉ cần họ chăng dây cản trên mặt sông hoặc đóng cọc ngầm, là các chiến thuyền của ta lao vào nhau nát vụn như tương. Còn như ta ngược Thăng Long, tức là ngược nước, ngược gió, gian khổ biết chừng nào. Nhưng đó lại là kế an toàn, là thượng sách. Hưng Đạo sao lừa nổi ta.- Dứt lời, mặt Lưu vạn hộ vênh lên.

Các tướng ai cũng phục Lưu tướng quân thật là người cao kiến, và răm rắp đốc thúc quân xuống thuyền. Thật ra, xuống được thuyền cũng không phải là chuyện dễ. Bởi cả quân bộ, quân kỵ đều chạy dạt về thủy trại và cùng xô nhau xuống thuyền. Thuyền đắm tại bến khá nhiều. Lưu Thế Anh lại phát lệnh.

"Quân bộ quân kỵ không được xuống thuyền, mà phải đi trên bờ sông để thủy bộ dựa vào nhau, yểm trợ cho nhau."

Quân thám về bẩm: "Giặc đang thủy bộ cùng rút ngược dòng sông về nẻo Thăng Long". Hưng Đạo cười thầm: "Thế là ta đã lừa được con cáo già này". Quốc công hạ lệnh:

- Các trạm đốt lửa làm hiệu hai bên bờ sông, cứ một khắc đồng hồ phải dời một dặm, ngược về thượng lưu. Ngài cũng hạ lệnh cho tướng Nguyễn Thế Trực ở phía hạ lưu phải bám sát giặc: "Quân kia rút đến đâu phải lập tức lấy chão chắc khỏe căng trên mặt sông đến đấy. Lại phục sẵn các tay nỏ cứng, khi thuyền giặc quay mũi cứ nhằm thẳng vào những quân chèo lái mà bắn. Khi giặc rối loạn thì dùng tên bùi nhùi lửa bắn cháy thuyền, giặc tất bỏ thuyền chạy lên bộ. Xa thì dùng cung, nỏ; gần thì dùng giáo, mác tiêu diệt giặc. Đánh hất chúng xuống sông, không được cho chúng ngoi lên bờ chạy trốn".

Thuyền giặc nhỏ, lính tranh nhau xuống nhiều, nên chiếc nào cũng khẳm mạn, lại ngược nước, ngược gió nên chúng di chuyển ì ạch như rùa bò.

Lưu Thế Anh tuy đã lường trước mạn thượng lưu không có mai phục, nhưng vẫn cho quân đi viễn thám. Cử tới ba toán nối nhau đi, nhưng chưa có toán nào quay lại, y đã thấy gợn lo. Giữa lúc Lưu Vạn hộ còn đang băn khoăn thì cả ba toán viễn thám nối nhau quay lại, trước mũi thuyền chủ tướng, chúng đồng thanh hô:

- Bẩm chủ tướng, quan Trần sợ oai chủ tướng chạy trốn hết rồi.

Cả ba toán cứ thế xuôi gió xuôi nước kéo buồm về hạ lưu gặp tướng Nguyễn Thế Trực, truyền lệnh của quốc công. Chẳng là các toán quân viễn thám của Lưu Thế Anh đều bị quân.của Yết Kiêu, Dã Tượng vây bắt gọn. Hưng Đạo tương kế tựu kế, cho lột hết áo quần của quân Thát, cả phù hiệu, cờ hiệu, ám hiệu, rồi cho đám người Tống lưu vong hiện đầu quân dưới trướng mặc vào; trao cho họ mật kế. Quả nhiên, Lưu Thế Anh và các tướng dưới quyền không mảy may nghi ngờ. Bởi từ mật khẩu đến mật lệnh không sai một ly, lại áo quần thuyền bè, khí giới đều y hệt lúc ra di. Còn tiếng nói, thì người Tống nói tiếng Tống, thử hỏi còn sai quấy nỗi gì.

Lưu Thế Anh từ khi được các toán quân viễn thám về bẩm báo, y càng yên tâm: Hưng Đạo là một tướng xoàng.

Tới cuối giờ sửu, tiền quân của Lưu Thế Anh đã vượt qua hai trạm đốt lửa trên bờ sông, mà vẫn không thấy dấu hiệu gì tỏ ra có quân phục. Tít tận phía xa, lẫn vào với những vì sao lấp lánh, còn nhận ra vài trạm lửa leo lét. Điều đó không đem lại một cảm giác nghi ngờ nào cho Lưu Vạn hộ. Y đã toan lui vào khoang thuyền trong, nghỉ cho lại sức. Bỗng có một tiếng "ầm" to như tiếng sét, rồi kéo theo một chuỗi những tiếng nổ rền như sấm. Và rồi những con thuyền to như những con quái vật, cháy đùng đùng lao thẳng vào đoàn thuyền giặc rệu rã đang ì ạch ngược dòng. Tại hai bên bờ sông, quân phục của ta lại nhất loạt bắn bùi nhùi lửa vào đoàn thuyền giặc đang hỗn loạn. Lửa cháy trên mặt sông mỗi lúc mỗi to, rực sáng cả một vùng trời. Từ hai bờ sông, quân ta nhìn xuống thuyền giặc rõ như ban ngày. Các loại song sảo, ngũ sảo pháo của ta bắn thẳng vào đám giặc đang chìm dần. Chúng kêu gào, rống thét nghe thảm thiết đến ghê rợn. Sông rộng, nước chảy xiết, đám giặc bị đắm thuyền toan ngoi vào bờ, nhưng thay vì từng đứa một tự bơi, thì chúng lại bám vào nhau chặt chẽ như một xâu cua bị đóng gông, để rồi tất cả đều chìm nghỉm.

Tình thế hỗn loạn, cả đạo quân lớn của Lưu Thế Anh bỗng trở nên bối rối, vật vã như lũ rắn không đầu. Các thuyền lửa của quân Trần vẫn thả xuôi dòng, nó chạy băng băng và chỉ dừng lại khi đã bị xô dồn và làm đắm làm cháy hàng loạt thuyền giặc. Và song sảo, ngũ sảo pháo cùng tên lửa bùi nhùi vẫn xối xả rót vào đám quân thất đảm kinh hồn kia. Như một sự tự nhiên, những thuyền giặc ở phía sau liền quay mũi xuôi theo dòng nước, chạy về hạ lưu.

Quân ta ráo riết truy đuổi và đồng thanh hô lớn:

- Bắt sống Lưu Thế Anh!

- Bắt sống Lưu Thế Anh!

- Bắt sống Lưu Thế Anh!...

Tiếng hô mỗi lúc mỗi to hơn gần hơn, thúc hối như quân Đại Việt sắp nhảy vào thuyền mình bắt sống, khiến Lưu Thế Anh hốt hoảng. Lúc này y đã bỏ thuyền to, chui vào thuyền nhỏ, lẫn trong đám quân hỗn độn kia trốn chạy, phó mặc cho số phận.

Trong khi những người lính kỵ binh Mông Cổ không có ngựa, chúng phải chạy bộ cùng đám quân tân phụ người Tống. thất thểu đến gần nơi đang hỗn chiến, thì gặp quân ta phục đón từ lâu. Một phát pháo hiệu nổ xé trời, rồi tiếng trống đồng khua vang dội, quân ta xuất hiện như các thiên binh từ trên trời phái xuống. Đám tàn quân từ đêm đã mấy phen chết hụt, hết ngoi ngóp trên đồng nước ngập lụt, lại chạy bộ trên mặt đê trơn lầy. Nhất là những tên lính Thát- đát sức lực đã kiệt cùng từ mấy năm chôn chân trên đất Cham-pa, rồi những ngày oi bức lụt lội trên cái xứ An Nam khốc liệt này, đến nỗi bây giờ không một tên nào dám nghĩ đến việc chống cự nữa. Chúng nó xin hàng. Tất cả, cả quân Thát-đát, cả quân tân phụ đều ngoan ngoãn giơ tay chịu trói để được yên thân. Chẳng mấy chốc, trời đã rạng sáng, đoàn thuyền giặc cứ ùn ùn trôi về hạ lưu, tới lúc chúng lờ mờ nhận ra cờ xí Đại Việt giăng ngợp lòng sông, thì những con thuyền lửa vẫn tới tấp dồn đuổi chúng ở phía sau. Và những tiếng hô "Sát Thát" dầy hào khí vẫn riết bám đám tàn quân. Dưới hạ lưu bật vang lên tiếng trống đồng, trống cái, tiếng tù và hòa trong tiếng pháo, và những tên lửa bùi nhùi, tới tấp lao vào thuyền giặc, như lửa trời cao ụp xuống đầu chúng. Và rồi tiếng hét đồng thanh bật lên:

- Lấy đầu Lưu Thế Anh!

- Lấy đầu Lưu Thế Anh!

- L... ấy đ... ầu Lưu Thế Anh!

Tiền quân giặc bị chặn đánh bất ngờ, lâm vào thế rối loạn. Thuyền giặc vấp phải dây chão của quân ta căng trong lòng nước, xô nhau gẫy đổ ầm ầm. Những chiếc đi sau theo đà đâm vào chiếc đi trước chìm nghỉm. Và cứ thế nối đuôi nhau có tới cả trăm chiến thuyền giặc chìm dưới đáy sông.

Quân ta truy đánh tới non trưa thì thuyền giặc quang vợi hẳn. Lũ sống sót kéo cờ hàng. Có cả ngàn tên bị bắt sống, nối đuôi nhau đi, mặt mày xám ngoét, ủ rũ, bơ phờ như lũ gà rù.

Trận đánh từ giờ tí đến giờ tị thì kết thúc. Hưng Đạo có lệnh không' truy đuổi những tên giặc thoát chết đang trốn chạy; mặc cho chúng tìm về các doanh trạm quân Thát-đát chưa bị tiến đánh, để chúng gieo rắc nỗi hoang mang hãi sợ cho nhau.

Chư tướng lần lượt về báo tiệp, quan yếu nhất là thu được tấm binh phù và cả mũ áo của Lưu Thế Anh.

Quốc công lấy làm tiếc đã để cho tên giặc này chạy thoát. Ông ngồi trên mình ngựa viết biểu báo tiệp, và dâng vật báu thu được của viên tướng thua trận lên hai vua.

Và ngay lập tức ông sai ngựa lưu tinh đem lệnh cho các vương ở Vạn Kiếp:

“ Thủy quân giặc đã bị quét sạch ở A Lỗ. Nay Thoát-hoan không thể rút theo đường thủy về nước nữa. Hưng Trí, Hưng Hiến, các ngươi đem hết quân bản bộ quét sạch giặc tại Vạn Kiếp, rồi chia quân đón đánh chúng trốn chạy trên triền sông Thiên Đức, Nguyệt Đức dọc theo đường thiên lý.

Nhận được mệnh này, các ngươi phải lập tức thi hành. Chậm trễ trị theo quân lệnh. "

A Lỗ bị tiêu diệt, các doanh trại lẻ tẻ trên đất Thiên Trường đều bỏ chạy hết về Trường Yên. Thiên Trường sạch bóng giặc. Và một dải dài chạy theo hai triền sông Cái, từ A Lỗ đổ lên gần bến Tây Kết, cũng không còn một doanh trại giặc nào đồn trú nữa.

Một ngày sau khi trận đánh diễn ra, xác giặc nổi kín mặt sông. Nước đang rút mạnh, cuốn xác giặc đi từng mảng như những mảng bèo vỡ tan tác, khiến thuyền bè không đi lại được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích