Sài Gòn năm xưa
Phần 6 - 3

Bà Lưu Thị Ngoạn, tục danh "Cô Ba Ngoạn",làm chủ một gánh hát bội, đào tạo nhiều đào kép nay còn để tiếng nhắc đời (đào Năm Nhỏ, dâu của bà, hát đứng cặp với kép Hai Thắng (sau nầy là Bầu Thắng) thì không ai bì kịp. Đồng thời còn kép Sáu Ất xuất sắc vai Dự Nhượng và vai Quan Công, kép Cang giỏi vai Trương Phi, đều là đào kép hữu hạng, không kém các đào kép Đào Bổn, Đào Chung, ông Tư Nhựt, lớp trước.

Chợ Lớn có bà Tám Đội, quen gọi "Cô Tám"cũng chủ gánh hát bội hữu danh, không sút gánh "Cô Ba Ngoạn", thêm có rạp hát riêng, sự nghiệp đồ sộ, nhà lầu, vườn cao su, hột xoàn cả ô, khi bà nhắm mắt, sự nghiệp cũng tiêu tan theo gió.

Đường Hồ Văn Ngà chỗ rạp chớp bóng Rex, xưa có ông Ninh dựng rạp hát bội tại đây. Tên ông là Lương Khắc Ninh, tự Dũ Thúc, vừa nhà văn, soạn tuồng, viết báo, vừa làm bầu gánh hát, vừa kèm chức nghị viên quản hạt, nên ông được tặng nhiều chức hiệu: Bầu Ninh, Hội Đồng Ninh, cũng một người.

Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia, hồi Tây mới đến, có Cô Ba, con gái thầy thông Chánh, là đẹp không ai bì;đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem nhà Thơ Dây Thép (Bưu Điện), và một hiệu buôn xà bông xin phép hoạ hình làm mẫu rao hàng: xà bông "Cô Ba": muốn biết danh tiếng bực nào xin ráng tìm các bà cỡ 1900 hỏi lại!

Lối năm 1923 đến 1935, có các cô Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương, Hai Thời, v.v… đua nhau bán dạng thuyền quyên, báo hại Bạch Công Tử, Hắc Công Tử, Công Tử Bạc Liêu, Công Tử Cầu Ngang (Trà Vinh) kình nhau phá nhà của cha mẹ để lại. (Ông cha các cậu, kẻ giàu ruộng "cò bay thẳng cánh", người giàu nhờ ruộng muối miệt Bạc Liêu, (một ngày nắng tốt huê lợi đến năm ngàn đồng bạc, bạc thời ấy, như chơi).

Chiều chiều các cô lượn đảo trên các đường phố, hết Chợ Bến Thành đến Catinat, xe Delage mui trần, tài xế vận y phục nhà có dấu hiệu, hay xe Hoa Kỳ "cắt chỉ" mới trong hãng lấy ra buổi sớm. Các cô thi đua trên đường nhựa, lên Thủ Đức ăn nem hoặc đến tắm suối Xuân Trường.

Các cậu không sẵn xe, các thầy phong lưu, ông còm mì bột "chơi bời" cũng không chịu sút nước "ăn xài" của các công tử mũi trắng. Xe song mã chạy mát, mỗi giờ hai đồng bạc xe lô ca xông một cuốc Sài Gòn Thủ Đức đầu tháng là năm đồng, cuối tháng cạn xu mời mọc ba đồng cũng được!

Tối lại dưới bóng đèn, các cô như bướm tề tựu đủ mặt cạnh sòng bài sòng me, hoặc năm ba gầy mâm hút có đờn ca giúp vui, báo hại các cậu con chủ điền muốn lên mặt với chị em đành phải trốn về bán lúa vay bạc Chà, cố cầm sự nghiệp ông bà để lại.

°

Năm Quý Sửu (1913) có vụ Phan Phát Sanh làm "Cách Mạng".

Phan Sát Sanh tự Lạc, năm ấy, vừa hai mươi tuổi, con của Phan Núi làm Cảnh Sát trong Chợ Lớn. Lúc nhỏ không ham ăn học, lớn làm bồi cho Tây, bỗng xưng Phan Xích Long, tự cho mình là "Đông Cung", con vua Hàm Nghi, sắm mão và dây đai vàng, tự tôn làm "Hoàng Đế", lập đảng kín, chế tạo lựu đạn trái phá, in trát dán khắp chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Tây, kêu gọi dân nổi dậy chống Pháp. Việc làm như giả ngộ (giả bộ), chưa chi đã lậu sự, bắt bớ lung tung.

Phan Xích Long bị cò Tây bắt tại Phan Thiết, còng giải về Sài Gòn. Đồng đảng, cả thảy bị bắt một trăm mười một người, đem ra Toà Áo Đỏ xử tử mồng năm đến mười hai tháng mười một dương lịch 1913, tha bổng năm mươi bốn người, kêu án năm mươi bảy người, nặng hơn hết là án chung thân khổ sai sáu người: Phan Xích Long, Nguyễn Tri, và Nguyễn Hiệp, án hiện diện. Còn ba người Nguyễn Màng, Trương Phước, và Nguyễn Ngọ trốn thoát không bắt được, bị án khiếm diện. Ba người nầy bị giam Khám Lớn Sài Gòn, làm chấn động giới giang hồ mã thượng.

Qua năm Bính Thìn (1916), giữa trận Âu Châu đại chiến 1914 - 1918 bên trời Tây, Tây thua xiểng liểng thì đêm mười hai tháng giêng âm lịch, đảng kín "Thiên Địa Hội" tổ chức cuộc khám phá định cứu các "đại ca" ra khỏi vòng lao lý. Ban đầu rất nhiều thuyền ghe nhỏ tứ xứ đến đậu chen nhau dưới gầm cầu móng Khánh Hội, đến ba giờ khuya là khởi sự. Dưới khẩu hiệu "đại ca", các đồng đảng thảy đều uống bùa, cổ mang phù chú, tay cầm gươm mác, kéo lên Khám Lớn Sài Gòn. Dao nói chuyện với súng làm sao lại, bùa chú chống đạn chỉ có hiệu lực trong trí óc người mê tín. Sự thực thì hai người bị bắn chết tại cửa Khám Lớn, bốn người bị rượt theo bắn ngã tại Xóm Dầu trong Chợ Lớn. Đồng đảng, bất cứ đàn ông đàn bà ai mặcáo đen quần trắng, buổi sáng ấy và lẩn quẩn xóm tình nghi là bị bắt nhốt khám và đem ra xử ở Toà Đại Hình. Kết cuộc: ba mươi tám người bị xử tử tại Đồng Tập Trận và bắn ngày hai mươi tháng hai năm 1916; mười ba người bị xử bắn ngày mười sáu tháng ba năm 1916, kể luôn hai người đêm phá khám tử chiến tại trận tiền và bốn người bị hạ sát tại Xóm Dầu, thì cuộc phá khám 1916 đã khiến năm mươi bảy vị "anh hùng" tên ghi vào sử nhưng thây thì bị chôn vùi "Đất Thánh Chà" đường Hiền Vương, cho đến mới đây nghĩa địa này bị ban phá ra bình địa xây xóm nhà anh em lao động tài xế, đô thành, mồ mả xiêu lạc mất tích luôn, nhưng danh thơm còn mãi trong trí óc người yêu nước.

°

Giới người bất đắc chí trổ sanh nghề lạ thì trước có Tư Mắt, sau có Thầy Sáu Ng.

Tư Mắt, tên thiệt là Nguyễn Văn Trước,sanh tiền có lập một tiệm hớt tóc, số nhà 200 đường Thuỷ Bình cũ (nay đường Đồng Khánh), lấy hiệu là "Nam Hữu Mai".

Ngày mười bốn tháng năm năm 1915, Toà đem Tư Mắt ra xử, kể lai lịch Tư Mắt có đến ba vợ, đều phục sự "Anh Tư" hết lòng, và vô số anh em. Toà khép Tư Mắt vào tội "gia nhập hội kín ám trợ Cường Để ", kêu án lấy chừng, kỳ trung Tư Mắt bắt chước theo Đơn Hùng Tín trong truyện"Thuyết Đường": phàm trong đám du côn đứa nào đã chịu làm em nuôi của "Đại Ca Tư Mắt" thì Đại Ca không khi nào bỏ, "hoạn nạn tương cứu, sanh bất tử ly", không tiền thì Đại Ca cho tiền, không áo, Đại Ca cho áo, thậm chí khi bị tù rạc thì có người nuôi ăn và cung cấp thuốc, bánh. Nhưng khi nào Đại Ca cần dùng ra lịnh thì phải tuân hành, chết sống không kể thân, sai biểu chém ai, giết ai là chém bất luận bà con thân thích.

Tư Mắt đi đến tỉnh nào xứ nào là em út rần rần, đứa theo ủng hộ, đứa đến trình diện bái nghinh Đại Ca. Tư Mắt bước vào quán nước nào thì người khác hội nên lui chân, hàng em út tha hồ gọi bánh gọi mì vì đã có Đại Ca bao trả. Nhưng phải nhớ "ăn của anh Tư thì sau nầy có việc chớ khá so đo cùng anh Tư"!

Lính tráng kiêng dè nể mặt, cò bót miệng ngậm sáp cũng làm lơ. Lịnh sai nã trốc đã ra mà tìm không có ai dám ra tay sanh cầm Tư Mắt: không khéo có ngày mang thẹo, ăn dao của hàng em út anh Tư. Tuy vậy hết hồi vinh quang đến hồi xuống dốc. Về sau Tư Mắt ăn năn vào chùa "Giác Lâm" Chợ Lớn lần chuỗi bồ đề tụng kinh sám hối.

Thầy Sáu Ng.thì khác. Thầy mua Pháp tịch, lấy tên Tây là Paul D. để rủi thời xộ khám thì được đãi hàng đặc biệt, liệt hàng phạm nhơn Âu tịch. Về sau chạm phải viên chưởng lý Lafrique, Paul D. bị thâu chức dân Tây.

Thầy làm nghề chứa cờ bạc khắp vùng Sài Gòn Chợ Lớn, cao lâu khách sạn phải nhờ Thầy Sáu "ủng hộ" thì mới mong hốt me xổ đề không bị bắt hoặc bị bối phá đám giựt tiền. Thầy Sáu tổ chức rất là chu đáo. Mỗi tuần, thầy sai người thân tín đem bao thơ lo lót trao tay đến tận nhà. Cứ đếm một tuần nhựt "chơi" mấy ngày là trả "tiền xúp" mấy bữa. Bữa nào không chơi được thì gọi "ngày ấy hôi", miễn trả tiền.

Trả từ trên xuống dưới và trả từ dưới lên trên, ông xếp, ông chủ sự phòng, ông thông, ông ký, thầy đội chạy giấy, chú cai gác đường, anh lính tay trơn cũng "ẵm tiền" thầy Sáu, nên mỗi khi có lịnh trên đưa xuống dạy đi "bắt bài thầy Sáu chứa" thì Thầy đà hay trước, hay gấp mấy lần: hay bằng ông xếp báo tin, hay bằng đội, cai, bếp, lính, mỗi người nắm được giấy "mật lịnh" là lật đật gõ cửa "nhà người ngồi không chia của" để giội tin sốt dẻo.

Giữa các người thọ của hối và thầy Sáu, còn một anh lợi hại là tên cỡi xe đạp chở bao thơ đi phát từng nhà. Mỗi tuần anh chận lận "lấy lên" của mỗi ông chút ít, mà nào ai hay biết, có biết chăng là những tay hốt cái sòng me vì thấy anh ta vẫn có tiền cúng mỗi ngày mà không hầy hấn. Thầy Sáu vẫn nghi nhưng vẫn ép lòng dùng đứa tớ bất lương nhưng tinh xảo, các ông vẫn biết, biết mình bị "trút lọp" mỗi tuần hay ít bữa một đôi tuần bị một lần, nhưng biết thì biết vậy chớ miệng nào kêu mà kêu với ai?

Nhắc đến Lafrique là nhớ đến ông chưởng lý mặt sắt "Thiết diện vô tư", giới bất lương đều ngán và kiêng sợ. Thế mà có một lần họ La vẫn bị qua mặt cái vù mà không hay biết, và bị một quan Việt bán đứng không ngờ.

Sự cớ như vầy:

Thầy Sáu bị họ La bắt bề tội chứa me cho vào tù một lúc; lúc khám được ra rồi, Thầy treo giải thưởng: "ai giỏi tài cám dỗ cho cá ăn câu, cho họ La để Thầy tự do chơi ít lâu, thì Thầy đền ơn người ấy: tiền thưởng mặt mười ngàn đồng bạc lớn, riêng mỗi ngày miễn "chơi thả cửa không ai bắt" là có tiền xúp rắc rắc một trăm đồng ngày ấy, nguyện không sai lời. (Thưở đó, thống đốc Nam Kỳ lương chưa đến ba ngàn bạc). Và có một thống đốc từng phân bì ăn ít hơn viên cò xếp Chợ Lớn, vì lễ mễ lì xì của Tàu cho cò vô số đếm. Như vậy bạc một trăm mỗi ngày, tính ra nhằm một tuần bảy bữa: 100$ x 7 = 700$, và mỗi tháng hai mươi tám ngày, là 100$ x 28 = 2.800$. Trong khi ấy, viên chánh tham biện Tây gần về hưu, nhứt hạng tham biện, lương tháng chín trăm và viên đốc phủ sứ đặc hạng, lương tháng hai trăm năm chục đồng. Vì ham số bạc kếch xù, mà cũng vì bấy lâu thua me sòng Thầy Sáu thâm thủng lần hồi vô phương cạy gỡ, vay hỏi bạc Chà không được nữa nên có một ông Quận, ngồi cai trị một vùng có tiếng là xứ cao su tốt nhứt trong Nam, ông ta nghĩ ra một diệu kế. Ông biết họ La có đồn điền trong quận mình, nên một hôm xuống lãnh mạng với Thầy Sáu giao kết ngày ấy, tháng ấy, Thầy Sáu cứ mở công khai sòng me tại số… đường… trong Chợ Lớn, nếu không ai làm khó dễ thì Thầy phải giữ lời trao cho ông số bạc mười ngàn. Liền khi ấy, còn tiền thưởng mỗi ngày một trăm hẹn hậu nhựt tri. Thầy Sáu ưng chịu. Đến ngày hẹn, Thầy dẫn cái ngành thầu (ngân đầu) đến chỗ do ông Quận chỉ, kẻ trải chiếu, người cầm chén hốt me, tay con đặt rần rần trọn buổi tối, từ đỏ đèn đến khuya, thiên hạ vô ra nườm nượp không khác nào nhà Xéc (Cercle), có ba tăng, thế mà lính tráng, biện Tây không một ai nói nửa lời. Thầy Sáu mừng rỡ ra mặt, xỉa tiền thưởng mười ngàn không tiếc, mà mừng hơn ai ca, là ông Quận, ông chờ sẵn từ hồi nào, ông thộp số bạc nhét vào túi ngon lành, lên xe đi một nước, không cần đếm, lại còn dặn vói thầy Sáu hãy tiếp tục đi rồi sẽ hay.

Thầy Sáu quen mửng (lối) cũ, qua ngày sau, còn mời thêm các tay sộp cho sòng me thêm cụp lạc. Đợi tay con đông đủ, chủ cái đương "nhập thần", me đang xí mứng (vô cuộc) ngon lành, thì lính cò ụp tới xỏ xâu dắt về bót, chỉ thiếu mặt chủ chứa, nhưng Thầy Sáu đã có người hy sinh ra chịu tội thế. Té ra ông Quận quả là diệu thủ. Ngày trước ông mời họ La đến nha môn đãi cơm thết rượu. Họ La vị lòng, vẫn cần dùng ông Quận để coi chừng coi đỗi sở vườn và nhờ chăm nom ba "thằng cu li", đừng cho chúng nó trốn hoặc bỏ sở, bởi thế nên khi nghe ông Quận ngỏ lời thiết yếu xin ông ban đặc ân nhơn ngày giỗ tổ tiên trong Chợ Lớn, tại căn phố của nhạc phụ, số… đường…" đúng vào ngày thứ bảy tuần tới, ngày ấy có anh em bà con cô bác tề tựu đông người và có đánh bài ăn thua nho nhỏ cho vui đám ", họ La nghe chưa dứt lời đã gật đầu lia lịa, về nhà còn không quên căn dặn cò bót đến ngày giờ đã định đừng khuấy rầy ngày giỗ tổ tiên của người ta, nhưng chỉ ngày thứ bảy đó thôi, vào ngày khác có xảy ra việc gì thì cứ phận sự thi hành. Bởi rứa nên việc hôm sau Thầy Sái đành ôm hận vào lòng, tuy thất bại nhưng đối với Thầy, như bù mắt cắn voi, nào thấm tháp chi thầy, hòng sợ!

Kể về thế lực, Thầy Sáu không làm quan, làm làng mà oai vệ hơn quan làng bá bội. Chiều chiều, thầy ngồi xe hơi "sáu máy", tài xế chánh và tài xế phụ đều vận y phục có lon chạy chỉ thêu, thầy rảo một vòng Chợ Lớn lấy tiền xâu, thầy ghé cao lâu nào thì y như hẹn trước, tài phú kéo ngăn tủ lấy bạc ra nạp không sai một xu nhỏ. Có khi thầy cao hứng lên lầu cầm chén "xổ cái" giải muộn, mấy khi như vậy, các tay hổ kha (con bạc) đặt thả cửa, nếu thầy thua đã có chủ tiệm bao thầu, chung trả đủ rồi sau sẽ tính toán với Thầy. Mà cờ bạc như sòng Thầy Sáu, ai lại không ưa. Trước khi có bày ra Đại Thế Giới, mấy mươi năm về trước, mà thầy đã sắp đặt ngăn nắp hẳn hòi. Tiệm cao lâu nào do thầy tổ chức chỗ chơi, thì đèn đỏ đèn xanh báo hiệu đàng hoàng, lính tráng hoặc du côn, bợm bãi không thể nào trèo lên lầu được mà hòng phá phách. Chỗ chơi, khách vừa bước vào là đã có người đến dâng nước đá, nước cam giải khát; mì cháo tha hồ muốn dùng cứ gọi tửu bảo hầu sáng đem lên, khỏi trả tiền, thêm sẵn bàn đèn mời mọc, sập gụ bóng trơn, muốn giải phiền mấy điếu ngao, cũng có đủ người, đủ chỗ cung cấp, thậm chí có người quá tham, thừa dịp nằm gần bàn đèn tiêm tiêm, nướng nướng, nhét á phiện đầy hộp kalmine để đem về nhà hút sướng thân khỏi tốn tiền, việc như vậy mà cũng không một ai chỉ trích, chiêu hiền đãi sĩ đến thế là cùng!

Cờ bạc thì không đánh đặt bằng tiền mặt, vì dầu thế cũng phải đề phòng để nếu khi bị bắt thì dễ chạy án; trong sòng sát phạt ăn thua với nhau bằng "nút chí" hoặc bằng chiếc đũa, tuỳ màu sắc khác nhau, nút chí kể là bao nhiêu đồng, chiếc đũa tuỳ màu sắc, là mấy chục mấy trăm, tuỳ giao kết trước. Khách thôi chơi bước xuống lầu đến bàn tài phú, trao các vật ấy là có đủ số bạc, không sai chạy xu nào cả.

Có khi khác Thầy Sáu ngồi nhà hàng uống rượu khai vị hoặc để nghe em út phúc trình chỗ nào chơi, chỗ nào dẹp, chỗ nào có người phá đám, hoặc cũng để khoe cô nhơn tình mới sắm! Lối ăn mặc của Thầy rất kỳ dị, nửa dọn bàn, nửa mấy ông, mấy thầy. Buổi sáng thấy thầy diện bộ tussor (vải tơ tầm) bén ngót, buổi chiều thầy tra bộ "quàng đông" hàng Bắc Thảo, chơn đi giày escarpin! Một hôm thầy mặc y phục lụa đen, đơm sáu nút óng ánh là sáu hột kim cương lớn cỡ đầu ngón tay út. Thầy đến gõ cửa phòng nhà ngủ Bá Lạc góc đường Lê Công Kiều Chợ Mới, để nhờ thầy Tư Nên xem số tướng.

Tư Nên lúc ấy đang nổi danh, thoạt trông tướng mạo thầy, Tư Nên cũng phải giả chước mệt mỏi xin hẹn qua ngày sau sẽ đến nhà đoán vận mạng luôn cả hai ông bà mới chắc chắn hơn. Sau, thầy Tư Nên nói riêng với tác giả bài nầy (V.H.S). rằng sở dĩ hôm ấy thầy không dám trổ tài, là vì thoạt tiên thầy thấy một người mặt mày dữ tợn, ăn mặc khác thường, trong ý Tư Nên định: nếu đó là "ăn cướp sát nhơn" thì sao chưa ngồi tù, còn nếu đó là "trưởng giả phú hào" thì sao hình thù tướng mạo lạ lùng đến thế?

Tư Nên đưa khách ra cửa, nhớ số xe nên sau nhờ hỏi người xa phu (tài xế) biết được đích thị đó là thầy Sáu Ng. Qua ngày kế đó, Tư Nên đến nhà xem cả chỉ tay hai vợ chồng Thầy Sáu, và nhờ biết trước nên đoán không sai một mảy. Nào số thầy ngồi không chia của, tướng Đơn Hùng Tín đời Đường. Nào năm tới đây, chỉ tay thầy đứt đoạn nơi đường sanh mạng, lẽ đáng năm tới thầy bỏ mình. Nhưng may sao tay của vợ thầy không có số chết chồng, nên đổi lại năm tới đây thầy và cô sẽ cách mặt nhau, hoặc nhẹ thì do một cuộc đi chơi xa, Đông du, Tây du nào biết, hoặc nặng thì thầy sẽ bị ngục hình tù tội. Tư Nên nói rất nhiều, Thầy Sáu khen lấy khen để, và về sau, nghiệm ra không sai một lời, quả nhiên Tư Nên đáng là bậc kỳ tài trong khoa tướng số.

Thầy Sáu sau nầy bị kẻ khác mạnh thế lực hơn giành nghề, thêm hết thạnh đến suy, về già thầy đánh đâu thua đó, lại bị bạn hữu trở mặt cướp mất một số tiền to tát, nên thầy bán cả hai nhà lầu xinh đẹp, và tỵ trần trong một nhà dưỡng lão gần Sài Gòn. Em út, như bồ câu hết lúa, không một đứa cho thầy thấy mặt, lúc lâm chung.

Tác giả bài này được mục kích năm 1927 - 1928, một vụ Thầy Sáu xử kiện và lên án đày lưu một chú chệc chuyên môn đổ tam hường lận (ăn gian).

Bà Phán K. đến xẹc (cercle) của Thầy Sáu trong Chợ Lớn. Nơi đây, mỗi đêm có một sòng tam hường ăn thua mỗi thẻ hường là năm đồng. Chú chệc tráo hột, ăn bà K. sạch túi, hơn ba ngàn bac. Sau có người mách mánh lới gian, bà K. đến thưa tự sự tại nhà Thầy Sáu. Thầy lật đật sai em út quần khắp chợ Bến Thành và trong Chợ Lớn, may sao gặp được chú, lập tức mời chú đến nhà riêng của Thầy, có cả bà Phán đối nại và các tay em út thính lịnh. Thầy Sáu tra hỏi kỹ càng, xét quả đúng như lời bà K. than phiền. Thầy xử chú phải trả đủ số bạc gian lận cho bà K. Trả rồi, thầy lên án: "Sòng bài xẹc tôi tổ chức ăn thua sòng phẳng. Bà Phán đây tôi vẫn kính trọng là anh, là chị của tôi. Nay nhà ngươi đến phá đám. Tội ngươi nặng lắm, nhưng nể lời bà đã xin tha, thì tôi cũng tha cho làm phước, duy tự hậu, tôi cấm nhà ngươi tốt hơn đừng héo lánh tới Chợ Bến Thành, đất Sài Gòn và nhà xẹc của tôi. Em út, nghe dặn: Đứa nào gặp mặt hắn ở đâu thì "mần" hắn cho tôi. Có bề nào tôi chịu!" Lạy lục năn nỉ cách mấy cũng không xiêu lòng, chú đành cuốn gói trở lên Nam Vang hành nghề. Rủi ro bị bắt, bất quá ngồi tù ít lâu. Với Thầy Sáu, không được như vậy. Như thưở kia đối với Tư Mắt, Thầy Sáu có em út thừa hành phận sự, hễ không cho ở được một chốn nào thì chỉ có một nước phải tuân lịnh thầy mới mong bảo toàn sanh mạng; cãi lịnh, đoàn em út Thầy Sáu "ăn thịt" có ngày.

Thầy Sáu còn có một phương pháp nuôi em út cũng ngộ. Tuỳ đứa, tuỳ tài, thầy dùng theo chỗ: đứa gác đường, đứa giữ cửa, đều có phận sự và có lương ăn. Gặp khi túng bấn hữu sự, em út đến xin tiền, thầy Sáu chỉ ngay giỏ giấy bạc cũ rách và thiếu miểng, thiếu góc, do tiền hồ, tiền xâu dư lại: "Đó! mặc ý. Đứa nào ráp mót được bao nhiêu thì lấy đem về mà xài!" Đôi bên đều thoả thuận như vậy, nhưng than ôi, giấy còn khá khá, giấy ít hư hao đã được o bế từ đêm trước kia rồi, nhà Thầy Sáu có nuôi cả một bộ Ba Tàu chăm nom và đếm giấy bạc, có thua gì nhà băng!

Kể về bộ quân sư của Thầy Sáu cũng tài tình lắm lắm. Thưở đó, một học giả (vừa mới mất), ông chuyên viết báo, và Pháp văn của ông rất đanh thép, rất mực phong lưu, nhà viết báo Maurice Monribot đã từng bái phục, ví văn ông như văn Anatole France pha mùi Buffon. Ông làm chủ nhiệm một tờ tuần báo rất được đồng bào chú ý. Ông bình sanh rất thích xem đánh võ đài và có tánh ưa đến gần. Mê xe hơi kiểu mới lạ, chạy êm, chạy lẹ. Thú tiêu khiển của ông là hằng ngày, ăn vận chỉnh tề, ngồi ngay ngắn nơi băng sau, để tài xế đưa đi dạo phố phường, bến tàu, lăng Cha Cả. Nhưng tánh ông rất ghét bạc bài và bổn tánh rất thanh liêm thẳng thắn. Nghe Thầy Sáu chứa bài nơi đâu là số báo sau có ít hàng của ông chỉ trích. Thầy Sáu sợ lắm và nhột quá, mượn người tin cậy đến xuống nước quy hàng và xin nạp ông mỗi tuần một số bạc to tát. Nhưng không bao giờ ông khứng hạ mình lãnh số tiền nhơ nhớp ấy. Thầy Sáu đăm chiêu nhưng cũng chẳng biết làm sao.

Cách ít lâu, ông muốn sắm xe hơi, nên đăng báo tìm cách bán xe cũ. Một chú Ba Tàu đến ưng mua với một giá cao hơn giá ông định khá nhiều. Ông mừng thầm trúng mối và vui lòng bán xe, thơ thới và khoan khoái như một quân tử làm một việc thanh thiên bạch nhựt. Ông vẫn y như cũ, thẳng tay "bố" Thầy Sáu nếu dịp đưa đến.

Nhưng ngờ đâu, kỳ Thầy Sáu chứa bài sau vụ ông bán xe, ông đành ngơ mắt, giả đui, giả điếc, vì vừa dợm viết thì mặt thằng Ba Tàu ló ra:"Hè! Tội nghiệp mà! Ngộ đâu có tiền mua xe của ông! Mua xe của ông, hè, là tiền của Thầy Sáu lớ! "

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Sài Gòn năm xưa Phần 6 - 3

Có thể bạn thích