Người dân thị trấn Viscos đã nhanh chóng biết rõ những thói quen của vị khách lạ, ông ta dậy sớm, uống xong tách cà phê đặc sánh rồi đi dạo khắp dãy núi quanh vùng mà không chút nề hà cơn mưa dai dẳng suốt từ ngày thứ hai kể từ khi vị khách tới thị trấn. Mưa như trút. Mưa triền miên. Những hạt mưa rơi trong không trung dần đông lại biến thành những bông tuyết. Người khách lạ không bao giờ ăn trưa và thường quay về khách sạn vào đầu giờ chiều, đóng cửa phòng và ở lì trong đó chắc để ngủ - mọi người đều nghĩ thế.

Gần tối người khách lạ lại đi dạo nhưng chỉ lòng vòng trong thị trấn. ông ta luôn là người đầu tiên xuất hiện ở tiệm ăn, biết chọn đúng ngay những món ngon nhất, không những thế, chẳng cần để ý đến giá cả, gọi ngay loại rượu vang tuyệt hảo, mà "tuyệt hảo" hoàn toàn không có nghĩa là "đắt nhất", sau đó châm thuốc rồi đi sang quán bar. Sau vài buổi, ông ta đã bắt thân được với mấy ông bà vốn là khách quen của quán ở thị trấn.

Ông khách có vẻ thích nghe những câu chuyện kể về những địa điểm ở thị trấn này, về những người đầu tiên từ xa xưa đã đến sinh sống ở Viscos (người ta cho rằng, ở đây đã từng có một thành phố lớn hơn rất nhiều so với cái thị trấn nhỏ bé hiện nay. Những đống đổ nát của một vài ngôi nhà ở cuối ba con phố của thị trấn dường như đã khẳng định điều này), về những phong tục của địa phương, về những điều mê tín dị đoan thường thấy ở những người nông dân vốn quen với công việc đồng áng, về đủ mọi cách thức canh tác và chăn nuôi mới lạ.

Mỗi khi đến lượt ông khách kể về mình thì y như rằng xuất hiện mâu thuẫn. Lúc thì ông ta kể mình đã từng là thuỷ thủ, lúc thì nhớ về các nhà máy chế tạo vũ khí khổng lồ mà mình từng làm chủ trước khi vứt bỏ tất cả và nương náu trong một tu viện những mong tìm đến với Chúa.

Rời quán bar, những người dân của Viscos lại tranh luận xem mọi chuyện nghe được từ ông khách là thật hay bịa. Ông thị trưởng cho rằng, chẳng có gì không bình thường ở đây cả. Con người ta trong đời có thể làm đủ mọi nghề, mặc dù những người dân Viscos từ lúc tóc còn để chỏm đã hiểu mỗi người trong số họ đều có một số phận đã định sẵn. Ông linh mục lại một mực giữ ý kiến khác. Ông cho rằng người khách lạ đã từng lầm lạc và tự đánh mất mình nên đã đến vùng này để mong tìm lại bản thân.

Tất cả mọi người chỉ cùng nhất trí một điều: người khách lạ sẽ ở lại thị trấn của họ không quá một tuần. Theo lời bà chủ khách sạn kể, thì hình như ông khách trọ đã gọi điện đến sân bay thủ đô để định trước ngày bay của mình. Nhưng có một điều lạ là ông ta bay đi châu Phi chứ chắc chắn không phải về Nam Mỹ. Ngay sau cuộc nói chuyện điện thoại ấy, ông khách rút từ trong túi ra một xấp thẻ tín dụng và trả trước tiền phòng, tiền ăn, mặc dù bà chủ đã cố cam đoan rằng, bà tin ông ta. Tuy thế, ông khách vẫn nhất định không chịu. Bà chủ khách sạn đành đề nghị ông ta như với tất cả các khách trọ khác trả bằng thẻ tín dụng, còn tiền mặt để dành cho mọi tình huống bất trắc, mà hiếm gì những chuyện không lường trước được. Bà chủ còn định nói thêm "Biết đâu, ở châu Phi, người ta lại không nhận thẻ tín dụng của ông thì sao? Song chợt nghĩ như thế thì bất lịch sự quá, như thế chẳng hoá ra bà đã lén gnhe cuộc nói chuyện qua điện thoại của người khách trọ. Thứ nữa, khác gì bà có ý nói trên thế giới có những vùng này văn minh hơn những vùng kia.

Người khách lạ cảm ơn bà chủ khách sạn vì sự thông cảm, nhưng vẫn nhã nhặn từ chối.

Ba buổi chiều liền, vẫn bằng tiền mặt, ông ta chiêu đãi tất cả những ai có mặt trong quán bar. Đây là điều chưa từng thấy ở Viscos, vì thế những người có mặt trong quán liền quên ngay tất cả những gì không ăn khớp hoặc mâu thuẫn trong câu chuyện của người khách lạ. Mọi người đều cho rằng, ông ta là một người phóng khoáng, thân thiện, không hề có định kiến và thành tâm đối đãi với họ, những người dân ở chốn heo hút quê màu này cứ như thể họ là dân của các thành phố lớn.

Và bây giờ, mọi người trong quán lại tranh luận về một chuyện khác. Ngay trước lúc quán bar đóng cửa, trong số khách còn ngồi nán lại sau cùng, có một người tuyên bố rằng, ông thị trưởng đoán chẳng trật chút nào. Người khách lạ chắc chắn là một người rất từng trải, cho nên ông ta hiểu rõ giá trị của một tình bạn chân chính. Một số người khác vẫn ngả theo ý kiến của ông linh mục, người theo thiên chức có nghĩa vụ phải thấu hiểu phần hồn của người khác, đồng thời họ nhất trí rằng, người khách lạ là một người cô độc đang đi tìm những người bạn mới hay một cái nhìn mới đối với cuộc đời. Dù còn nhiều ý kiến trái ngược nhau song người khách lạ vẫn được lòng tất cả mọi người. Những người dân Viscos tin chắc là vào thứ hai tới, khi người khách đi rồi, họ sẽ cảm thấy thiếu vắng ông ta.

Ngoài ra, họ còn nhận thấy rằng, ông khách là một người rất thanh nhã. Sở dĩ họ cho như vậy vì dựa trên một chi tiết rất có ý nghĩa: tất cả những người đàn ông khác đến đây, đặc biệt là những khách đến một mình, thể nào cũng cố bắt chuyện với Chantal Prym, cô gái làm việc ở quán bar với hy vọng tán tỉnh được cô hòng có một cuộc tình ong bướm hoặc còn vì một lý do nào đó nữa. Còn họ thấy người khách lạ này chỉ giao tiếp với Chantal cốt để đặt món và không hề liếc nhìn cô với ánh mắt ngụ ý ve vãn tình tứ.

Sau lần gặp bên suối, suốt ba đêm liền, Chantal hầu như thức trắng. Gió bỗng chốc lặng đi rồi lại nổi lên như một trận cuồng phong đập vào các cánh cửa sổ bằng sắt kêu loảng xoảng khiến con tim cô như ngừng đập. Nếu có chợp mắt thiếp đi trong chốc lát thì mỗi lần tỉnh giấc người cô lại ướt đẫm mồ hôi, mặc dù về đêm cô luôn tắt lò sưởi để tiết kiệm.

Đêm đầu tiên cô thấy mình đối diện với cái Thiện. Giữa hai cơn ác mộng mà sau đó cô không thể nhớ nổi, cô lại cầu nguyện Chúa và xin Người cứu giúp. Trong đầu cô không hề óc ý định, dù chỉ là thoáng qua, kể về những điều cô nghe thấy trong rừng, tức là tự mình trở thành kẻ đứng ra tuyên bố về tội ác và chết chóc.

Lúc này đây cô nghĩ Chúa ở quá xa, chẳng nghe thấu những lời cầu nguyện của mình, thế nên cô cầu khẩn bà ngoại. Mẹ Chantal chết ngay sau khi sinh cô nên bà ngoại là người đã nuôi nấng và dạy dỗ cô từ tấm bé. Bà cũng đã mất từ lâu. Chantal cố hết sức  bấu víu vào ý nghĩ – cái Ác đã có một thời từng ngự trị ở đây và bây giờ thì nó vĩnh viễn không còn tồn tại.

Có thể nói rằng trong cuộc đời mình, cô gái đã gặp phải không biết bao chuyện đau buồn, thế nhưng cô luôn đinh ninh một điều, những người sống trong thị trấn của cô là những người trung thực, sẵn sàng vô điều kiện thực hiện nghĩa vụ của mình, ngẩng cao đầu kiêu hãnh sống trong đời và được tất cả mọi người trong vùng kính trọng. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng được như thế. Trong suốt hai trăm năm có lẻ, dân Viscos từng là những đại diện bất hảo nhất trên đời, còn tất cả những người khác chấp nhận hoàn cảnh này như một điều hoàn toàn tự nhiên và giải thích đó là do lời nguyền của những người Celte xa xưa đã bị tiêu diệt trong trận chiến với những người La Mã.

Tình trạng cứ thế kéo dài mãi cho đến khi những người đồng bào của cô chợt tỉnh ngộ nhờ lòng quả cảm thầm lặng của một người duy nhất không tin vào các lời nguyền mà chỉ tin vào những điều phúc lành. Nghe tiếng cánh cửa sổ đập chát chúa vì những cơn gió giật, Chantal nhớ lại câu chuyện bà ngoại từng rủ rỉ kể cho cô nghe.

"Ngày trước đã lâu lắm rồi, ở một trong những hang động của vùng này có một tu sĩ ẩn cư, người mà sau này được vinh danh là Thánh Savin. Thuở ấy, Viscos còn là một điểm giáp biên, nơi tụ tập của đám trộm cướp lẩn trốn pháp luật, các toán buôn lậu, những ả gái điếm, các gã chuyên đâm thuê chém mướn tạm nghỉ tay giữa những cuộc chém giết, những kẻ tìm kiếm các trò phiêu lưu…Tóm lại, chỉ toàn những kẻ ngưu tầm ngưu, mã tầm mã tụ tập tại đây. Trong số bọn chúng, tàn bạo và táng tận lương tâm nhất là một gã Ả rập tên là Ahab. Gã làm chủ cả thị trấn và các vùng lân cận, bắt những người nông dân vẫn cố gắng sống đường hoàng và trung thực phải chịu các khoản cống nạp quá sức chịu đựng.

Lần đó, Savin rời khỏi hang ở ẩn của mình đi đến nhà Ahab và xin ngủ lại qua đêm.

Chẳng lẽ ngươi không biết ta là một kẻ giết người không ghê tay hay sao? Ở quê nhà ta đã cho khối thằng đi chầu Diêm Vương, còn mạng sống của ngươi đối với ta chẳng đáng giá gì sất – nói rồi Ahab phá lên cười.

Tôi biết chứ - Savin đáp – nhưng tôi thấy mệt mỏi vì cuộc sống ở trong hang lắm rồi. Hãy cho tôi tá túc trong nhà anh dù chỉ một đêm thôi cũng được.

Ahab biết danh tiếng của vị tu sĩ thánh thiện này cũng không thua kém gì gã, và điều này khiến gã lo ngại bởi vì gã không muốn chia sẻ danh tiếng của mình với bất kỳ một ai, huống hồ lại là với một kẻ còm nhom, ốm yếu này. Vì thế Ahab rắp tâm đêm đó sẽ giết chết Savin để chứng tỏ cho tất cả mọi người biết ai mới là chủ nhân đích thực và duy nhất ở đây.

Họ chỉ trao đổi với nhau đôi câu. Những lời nói của vị tu sĩ thánh thiện cũng gây được ấn tượng với Ahab, nhưng gã vốn bản chất là một kẻ đa nghi và đã từ lâu rồi không còn tin vào cái Thiện. Gã tướng cướp chỉ cho vị tu sĩ thánh thiện chỗ ngủ đêm, còn đã gầm ghè đi mài dao trông như một hung thần. Savin quan sát theo gã một lát rồi nhắm mắt ngủ thiếp đi một cách ngon lành.

Ahab mài dao suốt đêm. Nhưng sáng ra, khi tỉnh giấc, vị tu sĩ ẩn cư đã nghe thấy tiếng khóc nức nở.

Ông đã không hề tỏ ra sợ hãi và cũng không nguyền rủa kết tội tôi. Lần đầu tiên trong đời có một người ngủ qua đêm bên cạnh tôi mà tin tưởng rằng tôi có thể là một người tốt bụng và có thể cho người khác ở nhờ trong nhà mình khi họ cần. Tôi đã hành động như thế vì niềm tin của ông như thể tôi có thể hành động được như vậy.

Và kể từ giờ phút ấy, Ahab cũng từ bỏ luôn cái nghề tội lỗi của mình và bắt tay vào thay đổi cuộc sống trong vùng. Thế là từ đó, Viscos từ chỗ là nơi trú ngụ cho đủ mọi loại cặn bã xã hội, dần dần biến thành một thành phố đóng vai trò trọng yếu về buôn bán giữa hai quốc gia mà nó nằm ở chính giữa".

Phải rồi, chuyện đúng là thế.

Chantal thôi không khóc nữa và thầm biết ơn bà ngoại đã giúp cô nhớ lại câu chuyện xa xưa này cùng những người tốt đang sống chính tại nơi đây và cô có thể tin tưởng ở họ. cô gái cố gắng nhắm mắt ngủ, nhưng trong mơ luôn hiện lên cảnh tượng cô sẽ kể cho mọi người ở thị trấn tất cả những điều cô được nghe từ người khách lạ nọ, thậm chí cô có thể hình dung được vẻ sợ hãi và kinh ngạc của ông ta khi bị dân Viscos tống cổ ra khỏi thị trấn.

Nhưng ngày hôm sau, cô ngạc nhiên dõi theo người khách lạ rời tiệm ăn sang chỗ quán bar, qua chỗ người gác khách sạn đứng rồi đến bên quầy thực phẩm của thị trấn chẳng khác gì một người khách du lịch bình thường nhất. Và như không hề có chuyện gì xảy ra, ông ta bắt chuyện với mấy người khách quen, vẫn làm bộ như ông ta thích thú với việc xén lông cừu hay cách thức hun sấy thịt. Những người dân Viscos cho rằng hầu hết khách du lịch nước ngoài tới đây đều sướng mê cuộc sống lành mạnh và tự nhiên ở thị trấn của họ, vì vậy trong câu chuyện họ cứ lặp đi lặp lai, thậm chí mỗi lần kể lại thêm tràng giang đại hải, chỉ một chủ đề duy nhất: được sống tránh xa các tệ nạn của văn minh hiện đại mới tuyệt vời làm sao, mặc dù thực ra, người nào trong số họ cũng mơ ước được một lần len lỏi giữa dòng xe cộ nháo nhào và bị đầu độc bởi những luồng khí thải độc hại, hoặc giữa rừng nhà bê tông cốt thép, nơi mối nguy hiểm chết người luôn rình rập theo từng bước chân.Ý tưởng này xuất hiện bởi lẽ các thành phố lớn thường có sức quyến rũ ma mị như bùa mê với những người nông dân.

Ấy thế mà, chỉ cần có một người khách xuất hiện ở Viscos là y như rằng, tất cả người dân của thị trấn lại sốt sắng tranh nhau như cố thuyết phục không chỉ vị khách mà còn cả chính bản thân mình tin rằng, họ phải cảm tạ số phận đã cho họ cái diễm phúc được sinh ra tại nơi đây và được sống ở một chốn thiên đường thực thụ. Họ dường như quên mất rằng, không hiểu tại sao mãi đến tận giờ, chẳng có lấy một ai trong số những người khách trọ của khách sạn quyết định từ bỏ chốn phồn hoa để tới sinh cơ lập nghiệp ở Viscos.

Cuộc trò chuyện rôm rả, dễ chịu có lẽ cứ thế diễn ra và mọi chuyện đều trôi chảy nếu như người khách lạ không buột miệng nói một câu mà đáng lẽ ra không nên nói:

Bọn trẻ ở Viscos của các vị ngoan thật đấy! Chẳng thấy chúng hò hét bên cửa sổ vào những buổi sáng sớm, không như ở các thành phố khác mà tôi đã từng đến.

Một thoáng im lặng căng thẳng và khó xử vụt đến,  bởi vì ở thị trấn Viscos này hoàn toàn không hề có trẻ con. May sao, có một người đã nhanh trí vội hỏi người khách lạ rằng, xem ra ông ta có vẻ thích ăn món ăn địa phương vừa mới dọn ra cho  bữa tối. Và thế là câu chuyện lại tiếp tục trở lại, như thường lệ, vẫn xoay quanh chủ đề về vẻ đẹp của cuộc sống nơi thôn dã và các thói hư tật xấu của chốn đô hội.

Thời gian trôi đi, Chantal mỗi lúc một thêm lo lắng chờ xem người khách lạ có yêu cầu cô kể về cuộc gặp của họ ở trong rừng nữa hay không. Nhưng ông ta không hề nhìn về phía cô và chỉ hỏi cô đúng một lần khi gọi đồ uống cho tất cả những người có mặt trong quán bar và trả tiền luôn.

Khi khách khứa ra về hết, còn người khách lạ cũng lên phòng mình, cô gái cởi tạp dề, lấy một điếu thuốc trong bao thuốc lá của ai đó bỏ quên trên bàn và trình bày với bà chủ quán rằng, đêm qua cô bị mất ngủ nên xin dọn dẹp quán vào sáng hôm sau. Bà ta đồng ý. Chantal quơ ngay áo măng tô, bước vội ra phố, hít một hơi thật căng không khí giá lạnh của trời đêm.

Tới nhà cô chỉ chừng hai phút đi bộ, và cô gái cảm thấy những hạt mưa nhẹ chảy trên má. Cô nghĩ, có lẽ toàn bộ câu chuyện này chỉ là một trò đùa ác và ngông, còn người khách lạ chỉ đơn giản muốn gây được sự chú ý của cô bằng cái cách không mấy hay ho và quái gở này.

Nhưng cô lại nhớ ngay đến số vàng vì chính cô đã tận mắt trông thấy những thỏi vàng. Nhỡ đâu đó là vàng giả thì sao? Nhưng Chantal chẳng còn hơi sức đâu để nghĩ tiếp nữa nên về đến nhà, cô vội thay quần áo và chui luôn vào chăn.

Đêm thứ hai, Chantal gặp cả cái Thiện lẫn cái Ác. Cô thiếp đi, ngủ rất sâu và ngon, hầu như không hề mộng mị song chưa đầy một tiếng sau cô lại tỉnh giấc. Ngoài trời tịnh không một tiếng động – thậm chí gió cũng không đập vào các cánh cửa sổ bằng sắt kêu loảng xoảng nữa, cả những con chim đêm cũng im tiếng. Không có gì. Tuyệt nhiên không có gì chứng tỏ Chantal đang sống ở trên đời này.

ua màn mưa bụi và sương mù giăng mờ, khó khăn lắm mới thấy ánh đèn nê ông của tấm biển khách sạn. Trong ánh sáng mờ nhạt ấy, thị trấn Viscos càng thêm u buồn. Chantal hiểu rõ sự tĩnh mịch bao trùm lên thị trấn nhỏ bé tỉnh lẻ này tuyệt nhiên không hề biểu hiện sự thanh bình và yên ổn, mà là sự thiếu vắng hoàn toàn những thông tin mới mẻ đáng được quan tâm đến.

Chantal nhìn sang phía rặng núi. Cô không thể nhìn thấy chúng vì những đám mây đen trĩu nặng, nhưng cô biết nơi chôn giấu vàng ở đó. Nói chính xác hơn, là viên gạch màu vàng mà người khách lạ để lại đó. Ông ta đã chỉ cho cô địa điểm của kho báu, như muốn mời mọc cô gái đào thỏi vàng lên và lấy cho mình.

Cô quay về giường, trằn trọc một hồi, rồi lại ngồi dậy đi vào phòng tắm, ngắm nhìn mình ở trong gương, nghĩ rằng, không bao lâu nữa vẻ quyến rũ của mình sẽ mất đi. Nghĩ tới đó, cô gái lại đi nằm. Cô lấy làm tiếc vì đã không lấy bao thuốc lá của ai đó trong số khách của quán bar bỏ quên trên bàn. Nhưng không lấy cũng là may, biết đâu người đó nhớ ra quay lại lấy nó thì sao, mà Chantal thì không muốn để mất lòng tin của mọi người. Nếp sống của Viscos là thế, dù là bao thuốc lá chỉ còn một nửa  đã có chủ, hay một chiếc khuy áo thôi cũng được giữ cho đến khi chủ của chúng sực nhớ đến và hỏi thăm xem có ai nhặt được không. Đã thành quy ước, tiền trả lại phải tính thành từng xu lẻ và không được phép làm tròn. Điểm đáng ghét là mọi thứ ở đây đã thành quy định bất di bất dịch, cứng nhắc và có thể dự đoán trước.

Biết chắc là không thể nào ngủ lại được nữa, cô cầu nguyện và lại nhớ đến bà, nhưng trước mắt cô luôn hiện ra chỉ một cảnh tượng: hố đất, khối nhỏ màu vàng dính đầy đất và đoạn cành cây cô cầm trong tay như chiếc gậy của một người hành hương chuẩn bị lên đường. Chantal thiếp đi được một vài lần và choàng tỉnh lại ngay, ngoài trời vẫn là bầu không khí im lìm chết chóc ấy, vẫn một hình ảnh ấy không ngừng quay cuồng trước mắt cô.

Khi Chantal nhìn thấy ánh ban mai đầu tiên ló rạng qua ô cửa sổ, cô liền mặc quần áo và ra khỏi nhà. Mặc dù người dân Viscos có thói quen dậy từ tờ mờ sáng nhưng bấy giờ vẫn còn quá sớm, cả thị trấn vấn còn ngủ yên. Chantal đi dọc theo con phố vắng lặng, thỉnh thoảng quay lại trông chừng xem người khách lạ có bám theo sau không. Nhưng sương mù dày đặc, cách hai bước chân thôi là đã không trông thấy gì. Chantal chốc chốc lại dừng lại, cố nghe ngóng bước chân lạ, nhưng chỉ nghe thấy tiếng trống ngực mình đập thình thịch.

Cô gái tiến sâu vào khu rừng, đến gần tảng đá hình chữ Y – tảng đá gieo cho cô sự sợ hãi. Cô có cảm giác như nó chỉ chực đổ sập xuống. Chantal cầm lấy cành cây hôm trước cô quẳng lại, bắt tao vào đào đúng chỗ mà người khách lạ đã chỉ cho cô, sau đó luồn tay vào khe đất mới đào và rút thỏi vàng lên. Liền đó, cô nhận thấy một điều thật kỳ lạ - vẫn như trước đấy trong khu rừng tịnh không có một tiếng động. Dường như bởi sự xuất hiện của một ai đó khiến chim chóc và muông thú trốn xa còn cây rừng thì chết lặng.

Khi cầm thỏi vàng trên tay, Chantal không ngờ nó nặng đến thế. Cô lau sạch hết đất và nhận thấy trên một mặt của nó có đóng hai con dấu cùng một vài con số nào đó mà cô không hiểu ý nghĩa của chúng và cô cũng không muốn cố để hiểu.

Thỏi vàng này có giá là bao nhiêu? Cô không biết con số chính xác, nhưng như người khách lạ nói khi đó thì đủ để cô sống đến cuối đời mà không phải bận tâm về chuyện kiếm sống. Chantal cầm trên tay cái khối ước mơ của mình mà nhờ một điều thần kỳ vụt hiển hiện trước mắt cô. Đây là cơ hội để thoát khỏi những chuỗi ngày cũng như đêm giống nhau như đúc ở Viscos, thoát khỏi cái khách sạn nơi cô đã làm việc ngay khi mới đến tuổi trưởng thành, thoát khỏi những lần họp mắt hàng năm với nhóm bạn từ lâu rồi đã đi khỏi Viscos vì được cha mẹ cho đến các thành phố lớn để học hành – và chúng nó đã thành đạt trong cuộc sống, thoát khỏi những cuộc chia ly với tất cả những người mà cô vừa kịp làm quen và cảm thấy gắn bó, thoát khỏi những gã đàn ông mới gặp đã xổ ra những lời hứa tặng cô hàng núi vàng nhưng mới sang ngày hôm sau đã bỏ đi thậm chí không có đến một lời từ biệt, thoát khỏi tất thảy những gì mà cô kịp và không kịp giã biệt. Chính tại đây, trong khu rừng này đã xuất hiện phút giây trọng đại nhất của đời cô.

Cuộc đời luôn thật bất công với Chantal. Cô chẳng hề biết mặt cha, mẹ thì chết khi vừa sinh ra cô, trút lại cho cô gánh chịu lỗi lầm. Bà ngoại đã cặm cụi kiếm sống bằng nghề khâu vá, tiết kiệm từng đồng xu để mong sao đứa cháu gái ít ra cũng biết đọc biết viết. Chantal là một cô gái hay mơ mộng. Cô mơ thấy mình vượt qua những trở ngại, lấy chồng, kiếm được chỗ làm ổn định ở một thành phố lớn, hay biết đâu có một người nào đó đi săn tìm những tài năng đến cái chốn chim kêu vượn hú này để nghỉ ngơi đôi chút và chợt phát hiện ra cô. Biết đâu, cô sẽ trở thành một minh tinh lừng danh, cô sẽ viết một cuốn sách khiến danh tiếng của cô nổi như cồn. Biết đâu, cô sẽ phải nghe những lời kêu xin nài nỉ của đám phóng viên ảnh. Biết đâu, cuộc đời sẽ trải thảm đỏ đón rước cô.

Mỗi ngày qua đi là một ngày mong đợi. chiều nào cũng có thể xuất hiện ở Viscos cái người có thể đánh giá được phẩm chất của cô. Từng đêm cũng lại đem đến cho cô niềm hy vọng. Có một người đàn ông qua đêm trên chiếc giường của cô, sớm mai sẽ đưa cô cùng ra đi và cô sẽ không bao giờ còn phải thấy ba con phố nhỏ, những ngôi nhà bằng đá lợp mái ngói, nghĩa địa cùng ngôi nhà thờ, khách sạn cùng cửa hàng nơi có thể mua các loại thực phẩm tươi nguyên nhưng rồi cứ nằm suốt ở đó ế chổng ế chơ hàng tháng trời và cuối cùng phải bán tháo như những loại sản phẩm bình thường nhất của nhà máy.

Đôi khi, trong đầu cô chợt nảy ra ý nghĩ rằng, những người Celte từ thuở xa xưa sống ở miền đất này, đã chôn giấu những kho báu của mình ở đây và cô phát hiện ra chúng. Tuy nhiên trong số tất cả các ước mơ của Chantal thì đây là ước mơ hão huyền nhất, không tưởng nhất.

Thế mà giờ đây, trên tay Chantal là một thỏi vàng, chính cái kho báu mà cô chưa bao giờ tin vào sự tồn tại của nó, nói đúng ra, thì cô đã không tin vào sự giải thoát hoàn toàn và trọn vẹn.

Nỗi sợ hãi chợt xâm chiếm lấy cô, sự may mắn chỉ một lần trong đời mỉm cười với cô, có thể biến mất ngay trong chiều nay. Ngộ nhỡ người khách lạ đổi ý thì sao? Hoặc là ông ta quyết định đi sang thị trấn khác và tìm ở đó một người phụ nữ sẵn sàng hơn Chantal, đồng ý giúp ông ta thực hiện dự định của mình? Tại sao cô không đứng dậy, không đi ngay về nhà, xếp mấy thứ đồ vặt vãnh nghèo nàn vào va ly rồi cứ thế rời bỏ Viscos?

Cô hình dung ra cảnh mình theo sườn dốc cheo leo dựng đứng xuống con đường nhựa phía dưới chân dốc, một chiếc xe chạy ngang qua, còn người khách lạ cùng lúc này đang trên đường đi dạo buổi sáng, phát hiện ra thỏi vàng của ông ta đã bị lấy trộm. chantal sẽ đi đến một thành phố gần nhất, còn ông ta thì quay về khách sạn và gọi cảnh sát.

Chantal cảm ơn người tài xế và đi thẳng ra bến xe, mua vé đi tiếp đến đâu đó xa hơn, đúng lúc đó có hai viên cảnh sát tiến lại phía cô và nhã nhặn đề nghị cô mở va ly. Khi họ nhìn thấy những gì bên trong, vẻ lích thiệp của họ vụt biến mất – cô ta đây rồi, người phụ nữ đang bị truy bắt theo thông báo được phát ra ba tiếng trước đó về tội ăn trộm.

Và trong đồn cảnh sát, Chantal đứng trước sự lựa chọn: kể lại toàn bộ sự thật mà chẳng một ai tin, hoặc bịa ra câu chuyện nhìn thấy một hố đất mới đào, khi đào sâu hơn thì cô phát hiện ra thỏi vàng. Có một người chuyên đi tìm kho báu, anh ta cũng săn tìm các kho báu của người Celte, có một lần đã qua đêm với cô. Theo lời anh ta, hoá ra nhà nước có ra các điều luật quy định rõ: người tìm thấy có quyền hưởng tất cả những gì anh ta phát hiện thấy, nhưng có nghĩa vụ, cũng theo điều khoản này, thông báo về phát hiện của mình, nếu nó có giá trị về lịch sử. Nhưng thỏi vàng này chẳng hề có một chút giá trị lịch sử nào, đây là một vật của thời hiện đại, chỉ đơn giản là một thỏi vàng có dán nhãn hiệu, dấu đóng và các con số.

Người khách lạ sẽ bị tra hỏi. ông ta sẽ không thể nào chứng minh được là Chantal đã đột nhập vào phòng của ông ta và ăn trộm tài sản. Lời khai của ông ta trái ngược với những lời khai của cô, nhưng cũng không loại trừ tình huống là người ta vẫn tin ông ta, đặc biệt là khi họ phát hiện ra ông khách có những người bạn có thế lực và những mối quan hệ đắc dụng. Khi đó, Chantal sẽ yêu cầu tiến hành giám định và kết quả là cô đã nói đúng sự thật – trên thỏi vàng có dính đất.

Nhưng cùng lúc đó tin đồn về sự việc này đã lan đến Viscos và những người dân ở đây, vì ganh tị hay vì tức tối có thể dựng chuyện với cảnh sát để chống lại Chantal bằng cách đơm đặt câu chuyện đồn thổi về cô rằngmùi nghe đâu cô đã không ít lần vụng trộm ăn nằm với những người khách đến trọ cho nên cô có thể dám đánh cắp thỏi vàng trong khi người khách lạ đang ngủ lắm.

Toàn bộ câu chuyện này sẽ kết thúc một cách thảm bại và đáng buồn: thỏi vàng bị tịch thu để đưa ra phiên toà xét xử vụ việc này. Chantal đành bắt một chiếc xe khác và quay trở về Viscos, ê chề, nhục nhã, đeo đẳng mãi khôn nguôi, nỗi buồn cùng những chuyện thêu dệt đầy ác ý mà có đến hàng chục năm sau người ta vẫn chẳng quên cho. Sau đó, phiên toà cũng chẳng đến đến đâu, tiền phải trả cho luật sư cô gái cũng chẳng có đủ và rốt cuộc là cô không đợi được phán quyết của toà, đành chịu từ chối nhận thỏi vàng.

Và kết quả là gì? Vàng đâu chẳng thấy, danh tiếng cũng mất tiêu. Nhưng rồi có một tình huống khác, người khách lạ đã nói thật với cô. Nếu Chantal đánh cắp thỏi vàng và trốn đi cùng với nó thì biết đâu cô sẽ cứu thị trấn của mình tránh được một tai hoạ lớn hơn?

Tuy nhiên, trước khi ra khỏi nhà và đi vào rừng, Chantal đã biết trước rằng, không đời nào cô lại quyết định hành động như thế. Thế nhưng tại sao chính vào thời điểm có thể hoàn toàn làm thay đổi toàn bộ cuộc đời, thì nỗi khiếp sợ lại tràn ngập trong cô? Chẳng phải là Chantal đã tữNG NGỦ với những người khách mà cô thích? Chẳng phải là cô đã từng làm bộ lẳng lơ đưa tình với những người khách của quán bar, những mong được các món tiền "boa" kha khá. Chẳng phải là cô đã từng ghen tị với đám bạn cũ mà  bây giờ chỉ xuất hiện ở Viscos vào dịp năm mới để thăm hỏi họ hàng?

Cô cố hết sức nắm chặt lấy thỏi vàng, đứng dậy, song cô cảm thấy toàn thân rã rời và tràn ngập nỗi tuyệt vọng nên lại thả thỏi vàng xuống hố và lấp đất lên. Không, cô không thể làm nổi một việc như thế này, nhưng vấn đề không phải ở chỗ, cô là người trung thực hay không mà cô cảm thấy quá khiếp sợ. Vào giây phút này Chantal mới hiểu rõ một điều, con người ta không thể thực hiện được những ước mơ của mình trong hai trường hợp: khi chúng hoàn toàn viển vông không hiện thực và sau đó, khi bánh xe số phận bất ngờ quay ngoặt, chúng vụt biến thành việc hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng chỉ có điều, lúc này ta lại không sẵn sàng cho tình huống ấy. Và khi đó, nỗi khiếp sợ xâm chiếm lấy ta trước con đường không rõ đưa tới đâu, trước cuộc đời ném cho ta những lời thách thức đầy bí ẩn, trước cái khả năng tất thảy những thói quen cố hữu, ăn sâu trong ta sẽ vĩnh viễn bị trốc sạch tận gốc rễ.

Người ta muốn thay đổi tất cả, nhưng đồng thời lại muốn giữ nguyên tất cả như trước kia. Chantal không hiểu tại sao lại như thế, nhưng chính điều này hiện đang diễn ra với cô. Có thể, cô đã quá đỗi gắn bó với Viscos, đã quá quen thuộc với việc cảm thấy mình là kẻ thất bại – và bất cứ một cơ hội giành thắng lợi nào đối với cô cũng trở thành một việc hết sức nghiêm trọng không thể thực hiện được, một gánh nặng quá sức chịu đựng.

Có tin người khách lạ sẽ chán cảnh chờ đợi câu trả lời của cô và sẽ mau chóng – có lẽ chỉ đến chiều nay thôi – quyết định dừng sự lựa chọn của mình vào một người khác chứ không phải là cô nữa. Nhưng nỗi khiếp sợ đã lấn át khát vọng thay đổi số phận của mình.

Đôi bàn tay chỉ mới đây thôi còn cầm thỏi vàng, sẽ lại phải cầm cái bàn chải chùi bàn, hoặc miếng khăn rửa ly hay tấm giẻ lau sàn. Chantal quay lưng lại với kho báu vừa bị chôn lấp và đi về thị trấn. Ỏ đó, trong khách sạn bà chủ đang đợi cô chắc đã có phần cáu giận vì cô trót hứa với bà ta sẽ đến quán bar trước lúc người khách trọ duy nhất tỉnh giấc.

Hóa ra, những lo lắng của Chantal là thừa bởi người khách lạ vẫn chưa đi. Ngay chiều hôm đó, cô thấy ông khách trong quán bar, chưa bao giờ ông ta sôi nổi và hấp dẫn đến thế khi kể về các chuyến phiêu lưu của mình, dù không hẳn đã là sự thật, nhưng được cái chúng là những trải nghiệm sâu sắc và tràn ngập trong trí tưởng tượng phong phú của ông ta. Và cũng như hôm qua, ánh mắt của họ chỉ vô tình gặp nhau, khi ông ta trả tiền cho buổi thết đãi.

Chantal đã mệt nhoài và chỉ mong sao mọi người sẽ ra về sớm hơn. Tuy nhiên, người khách lạ hôm nay lại đang rất hưng phấn, vẫn luôn mồm kể tiếp, kể mãi không thôi những câu chuyện mới, còn những người khác chăm chú lắng nghe ông ta với một vẻ đầy hứng thú và với một sự trọng vọng, đúng hơn là rất giống với sự căm ghét nhẫn nhịn vốn thường thấy ở những người dân chốn quê mùa đối với những người thành phố vì cho rằng họ thông minh hơn, có học thức hơn, tân tiến hơn, có văn hoá hơn và thông hiểu mọi chuyện hơn.

"Rõ thật ngố - Chantal nghĩ, mấy ông bà ấy chẳng hiểu rằng mình cũng quan trọng đấy chứ. Họ không hiểu cứ mỗi lần ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, khi có một ai đó bưng bát cơm lên miệng thì anh ta có thể làm được điều này nhờ vào những người dân của Viscos, những người đã làm việc từ sáng đến đêm, những người đổ mồ hôi sôi nước mắt, cắn răng nén chịu nỗi khó nhọc phải quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cày sâu cuốc bẫm và chăn dắt đàn gia súc. Họ cần thiết cho thế giới này hơn dân chúng của các thành phố lớn, nhưng lại cảm nhận và xử sự như những kẻ hèn kém và thấu hiểu sự tồn tại vô dụng của mình".

Trong khi đó, người khách lạ rõ ràng muốn chứng tỏ cái văn hoá của ông ta nặng ký hơn và đắt giá hơn sự lao động nhọc nhằn của những người ngồi trong quán bar. Ông ta chỉ vào một bức tranh trang trí treo trên tường.

Các vị có biết đây là gì không? Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới. Nó là một tuyệt tác của Leonardo da Vinci, mô tả lại buổi họp kín, bữa tối cuối cùng của Jesus với các môn đồ.

Không thể thế được! – bà chủ quán thốt lên – Lẽ nào đây là bức tranh nổi tiếng ấy? Tôi mua nó rẻ lắm cơ.

Nhưng đây chỉ là phiên bản mà thôi. Bức tranh nguyên tác hiện ở trong một nhà thờ cách xa nơi đây. Có một truyền thuyết về  bức tranh này. Nếu các vị muốn nghe tôi xin kể lại.

Những người trong quán ngỏ ý đồng tình, còn Chantal lại cảm thấy rát cả mặt vì xấu hổ bởi cô đang đứng ở đây và phải nghe con người gian hùng ấy phô trương cái học thức vô bổ của mình chỉ để chứng tỏ rằng ông ta hiểu biết hơn những người khác.

Trong khi vẽ bức tranh này, Leonardo đã gặp phải một khó khăn rất lớn: ông phải thể hiện hình tượng Jesus là hiện thân của cái Thiện, còn Juda là biểu tượng của cái Ác, kẻ đã quyết định phản bội Người trong bữa ăn đó. Nửa chừng, Leonardo bỏ dở công việc và tiếp tục hoàn thiện nó chỉ khi nào ông tìm được hình mẫu lý tưởng. Một hôm, khi hoạ sĩ đến nghe buổi trình diễn của một dàn đồng ca, ông nhận thấy một chàng trai trong ban hát trẻ có vẻ mặt thánh thiện của chúa Kitô, và ông đã mời cậu ta đến xưởng vẽ của mình làm mẫu để phác hoạ đôi nét và làm mấy phác thảo. Ba năm nữa trôi qua. "Buổi họp kín" đã gần như hoàn thành, tuy thế Leonardo đến lúc này vẫn chưa tìm được người mẫu thích hợp cho Juda. Vị Hồng y giáo chủ chịu trách nhiệm về toàn bộ bức bích hoạ của nhà thờ này thúc giục yêu cầu ông làm sao có thể mau chóng hoàn thiện bức tranh. Và thế rồi sau nhiều ngày tìm kiếm, một hôm, hoạ sĩ nhìn thấy một người nằm vạ vật trong con kênh thoát nước – một người trẻ tuổi nhưng vội sớm già trước tuổi, bẩn thỉu, rách rưới và say mèm. Thời gian để phác thảo không còn, Leornado ra lệnh cho những người giúp việc của mình đưa thẳng anh ta về nhà thờ, họ lập tức thực hiện ngay.

Đến khi ông kết thúc công việc thì kẻ khốn nạn ấy mới có phần tỉnh táo hơn. Vừa mở mắt ra, nhìn thấy bức tranh trước mặt mình, anh ta sợ hãi và đau buồn hét lên.

trước kia tôi đã có lần thấy bức tranh này!

Bao giờ? – Leonardo ngạc nhiên hỏi.

Ba năm trước đây, khi tôi vẫn còn chưa đánh mất mọi thứ. Lúc đó, tôi hát trong dàn đồng ca và cuộc đời tôi còn tràn đầy bao ước mơ, có một ông hoạ sĩ đã lấy tôi làm mẫu để vẽ Chúa Kitô.

Người khách lạ lấy lmà đắc ý im lặng một lúc lâu, sau khi đưa mắt nhìn ông linh mục đang nhâm nhi ly bia của mình, nhưng Chantal hiểu rằng, những lời nói của ông ta là nhằm vào cô.

Cũng có thể, cái Thiện và cái Ác cũng cô chung một khuôn mặt. Tất cả chỉ phụ thuộc vào một điều, chúng gặp mỗi người trong chúng ta khi nào trên đường đời.

Ông khách đứng dậy, viện cớ rằng ông thấy mệt, xin lỗi và đi về phòng nghỉ của mình. Những người khác của quán bar chậm rãi và nặng nề bước ra cửa, vừa nhìn bức phiên bản của bức tranh nổi tiếng vừa trâm ngâm tự hỏi, họ đã từng gặp thiên thần hay quỷ dữ trong quãng đường đời nào của họ. Và mặt không một ai chia sẻ những suy ngẫm của mình với những người khác, nhưng mọi người đều cùng đi đến một kết luận: tất cả những điều này đã xảy ra trước khi Ahab biến xứ sở trộm cướp thành miền đất bình an và hưng thịnh, còn bây giờ ngày nào cũng như ngày nào, chẳng có gì khác biệt. Và mãi mãi là thế chẳng có gì hơn.

Mệt rã rời, Chantal làm như một cái máy, nhưng cô là người duy nhất trong số những người dân Viscos nghĩ khác. Cô cảm thấy rất rõ sự mơn trớn ve vuốt từ bàn tay hiểm độc và ma mị của cái Ác. "Có lẽ, cái Thiện và cái Ác cũng chó chung một khuôn mặt. tất cả chỉ tuỳ thuộc vào một điều, chúng gặp mỗi người trong chúng ta ở đâu trên con đường đời". Một câu nói thật hay, và thậm chí có thể phù hợp với thực tế đây, nhưng lúc này cô không còn hơi sức đâu để ý đến nó, lúc này, cô chỉ muốn  lăn ra ngủ mà thôi.

Kết quả là cô đã tính nhầm tiền trả lại cho một người khách, một điều rất hiếm khi xảy ra với cô. Cô xin lỗi, nhưng không hề cảm thấy mình có lỗi. Giữ nguyên vẻ đường hoàng hờ hững, cô gái chờ cho đến khi những người khách cuối cùng rời khỏi quán – thông thường, đó là ông thị trưởng và ông linh mục. Chantal khoá két tiền, khoác chiếc áo măng tô dày nặng rẻ tiền của mình và đi về nhà như nhiều năm qua cô vẫn làm vậy.

Nếu cứ đi, thì cũng không tới được nhà thờ. Mà nếu có đến được, thì cô cũng phải chờ linh mục tỉnh dậy, mặc quần áo, mở cửa cho cô nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để cái lạnh giá ban đêm khiến cơn sốt của cô tăng lên đến độ tắt thở ngay ở đó, trước một nơi được nhiều người tôn thờ là nơi thiêng liêng.

"Thì đã sao nào – Chantal nghĩ – Ít ra thì cũng chẳng phải mang mình ra nghĩa trang, mình sẽ chết ở đó".

Suốt đêm, Chantal vật vã trong cơn sốt và trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, nhưng khi nắng sớm rọi vào căn phòng của cô, cô thấy cơn sốt hạ xuống đến gần một nửa. Sức lực đã phục hồi trở lại, cô định ngủ lại, nhưng chợt nghe thấy tiếng còi quen thuộc của người bán bánh mì đến Viscos, vậy là đã đến lúc chuẩn bị cà phê sáng rồi.

Không có ai bắt cô phải ra khỏi nhà và đi mua bánh mì. Cô không có trách nhiệm với ai cả và cô có thể nằm trên giường thậm chí cả ngày vì cô chỉ đi làm vào các buổi chiều. Tuy vậy, Chantal cảm thấy trong mình có sự thay đổi nào đó, để trở lại trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, cô cần phải cảm nhận thế giới quanh mình. Cô muốn nhìn thấy mọi người vào giờ phút này, như mọi khi, xúm xít bên chiếc xe tải nhỏ có mui màu xanh lá cây, đổi những đồng tiền lẻ lấy bánh mì và vui sướng vì một ngày mới đã bắt đầu, họ đã có cái để ăn và có việc để làm.

Chantal xuống đến đường, chào hỏi mọi người và nghe thấy "Trông cô có vẻ mệt mỏi đấy" và "Có chuyện gì xảy ra với cô không?" Tất cả mọi người đều niềm nở, đầy cảm thông, sẵn sàng giúp đỡ, tất cả đều chất phác, mộc mạc chân tình. Nhưng tâm hồn Chantal bị giằng xé nát tna, tràn ngập một nỗi khiếp sợ và sự nhận thức được quyền lực, những niềm mơ ước và khát vọng đầy phiêu lưu của mình. Cô rất muốn thổ lộ với một ai đó cái điều thầm kín, nhưng cô biết, chỉ cần kể cho một người thôi thì đến gần trưa là cả thị trấn sẽ biết về chuyện này. Vậy nên tốt hơn hết là cảm ơn họ đã lo lắng cho sức khoẻ của cô và tạm lánh đi chừng nào đầu óc còn chưa thật tỉnh táo.

Không, không có gì đâu ạ - cô trả lời – sói tru suốt cả đêm làm cháu không tài nào ngủ yên được.

Nhưng tôi có nghe thấy tiếng sói nào đâu – bà chủ khách sạn ngạc nhiên, bà ta cũng vừa mua bánh mì.

Dễ đến hàng tháng nay rồi, trong vùng làm gì có nghe thấy tiếng sói tru – cùng đồng tình với bà chủ khách sạn là một bà chuyên nấu các món ăn địa phương để bán trong quầy hàng của khách sạn  - Đám thợ săn hình như đã giết sạch chả còn con nào. Mà với chúng ta điều này là rất dở. Chính lũ sói ấy mới là miếng mồi nhử du khách đến. Và con thú càng tinh rang khó bắt thì đám thợ săn lại càng ham. Họ rất khoái cái trò ganh đua vô nghĩa như thế.

Khi người bán bánh mì còn ở đây, không nên nói trong vùng ta còn chó sói – bà chủ của Chantal nói – Điều này mà lộ ra thì người ta chẳng còn muốn đến Viscos của chúng ta nữa.

Nhưng cháu đã nghe thấy tiếng sói tru mà.

Biết đâu lại chẳng là người hoá sói – bà vợ ông thị trưởng buông lời. Bà ta vốn không hề ưa gì Chantal, nhưng là một phụ nữ được giáo dục và biết che giấu những tình cảm của mình.

Chả có chuyện người hoá sói nào hết! – bà chủ khách sạn có phần giận dữ phản đối – Một con sói bình thường, mà không biết chừng bây giờ nó đã bị ăn đạn rồi.

Nhưng bà vợ ông thị trưởng không có ý đầu hàng.

có hay không chưa biết, nhưng có con sói nào tru suốt đêm qua đâu. Bà bắt Chantal làm việc tối mắt tối mũi lại nên cô ấy mệt quá, tưởng tượng ra đủ mọi thứ đấy thôi.

Chantal không tham gia vào cuộc tranh cãi của họ, cô mua bánh mì rồi bỏ đi.

"Trò ganh đua vô nghĩa" – cô ngẫm nghĩ khi chợt nhớ lại lời của người phụ nữ tham gi vào câu chuyện. Phải, với họ cuộc đời đúng là như vậy, một cuộc ganh đua vô nghĩa. Chantal cố gắng lắm mới kìm được mình để không nói ra lời đề nghị mà người khách lạ đưa ra cho cô. Thật thú vị nếu được xem những con người nghèo nàn về tinh thần nhưng có một cuộc sống khá giả này sẽ tổ chức như thế nào một cuộc tranh đua khác, mà trong đó có một ý nghĩa lớn lao hơn. Một tội ác thôi, đánh đổi lại là 10 thỏi vàng có thể đảm bảo tương lai cho con cháu họ, trả lại vinh quang đã qua cho Viscos. Đi với sói hay không đây?

Tuy nhiên, Chantal cũng đã kiềm chế được mình. Đến phút này thì cô quyết định sẽ kể lại câu chuyện ấy ngay trong chiều nay, nhưng phải vào lúc tất cả mọi người đều có mặt ở quán bar để không một ai có thể nói sau đó là không được nghe hoặc không hiểu câu chuyện. Có lẽ, họ sẽ túm lấy người khách lạ và lôi tuột ông ta đến đồn cảnh sát. Còn cô, sẽ được nhận một thỏi vàng với ý nghĩa là phần thưởng dành cho công lao đối với cả thị trấn. Và cũng có thể, họ đơn giản là không tin, khi đó người khách lạ sẽ rời Viscos và tin rằng, tất cả những người dân của chô"nó này đều là những người chính nghĩa. Nhưng điều này thực ra không phải vậy.

Tất cả bọn họ đều tăm tối, ngờ nghệch. Tất cả đều suy nghĩ và cảm nhận theo một khuôn mẫu. Tất cả đều chỉ tin vào những điều mà việc tin vào chúng đã thành thói quen ở họ. ngoài ra, họ không tin vào một điều gì khác. Tất cả đều sợ hãi Chúa Trời. Tất cả - trong đó có cô nữa – đều cảm thấy khiếp sợ vào cái khoảnh khắc khi họ có thể thay đổi được số phận của mình. Còn cái gọi là tấm lòng nhân hậu chân chính thìns đúng hơn cả, hoàn toàn không hề tồn tại – cả trên trần gian này, nơi cư trú của những con người đớn hèn, cả trên thượng giới, nơi ngự trị của Chúa Trời – đấng cai quản muôn loài, người gieo rắc khắp muôn nơi những khổ đau chỉ với một mục đích duy nhất làm sao để chúng ta suốt đời phải cầu xin Người cứu giúp chúng ta tránh khỏi cái Ác.

Cơn sốt đã giảm. Chantal đã ba đêm liền không ngủ, nhưng khi đun cà phê sáng cho mình, cô cảm thấy mình chưa bao giờ khoẻ khoắn đến thế. Không, cô không phải là người duy nhất cảm thấy khiếp sợ. có lẽ, cô là người duy nhất nhận ra sự hèn nhát của mình bởi lẽ tất cả những người khác gọi cuộc đời là "cuộc tranh đấu vô nghĩa", nhưng nỗi khiếp sợ vốn có ở họ lại được coi là sự thanh cao.

Cô chợt nhớ đến một người ở Viscos đã 20 năm, làm việc cho một hiệu thuốc ở thị trấn bên, nhưng sau đó bị cho nghỉ việc. Ông ta đã không đòi hỏi phải trả cho mình một khoản tiền trợ cấp nghỉ việc nào, không lương hưu, và giải thích điều này rằng, ông ta là bạn thân của người chủ hiệu thuốc, nên không hề muốn ép buộc người đó, vì biết ông ta bị sa thải là do có những khó khăn về tài chính. Mọi chuyện ấy đều là bịa đặt, ông ta không dám kiện ra toà, là vì hèn nhát, ông ta bất luận thế nào vẫn cứ muốn được yêu mến, để người chủ hiệu thuốc, vẫn như xưa, coi ông ta là một người cao thượng, và là một người bạn tốt. Nhưng một thời gian sau, ông ta vẫn phải đến yêu cầu tiền công, người ta không thèm tiếp chuyện ông ta nữa. đã quá muộn rồi, ông ta bèn viết đơn về việc bị sa thải nhưng chỉ thêm mất công toi.

Thế nên mới đáng đời ông ta. Ra vẻ ta đây cao thượng chỉ là bệnh của kẻ sợ chiếm giữ một vị trí nhất định trong cuộc sống. Đương nhiên, tin vào lòng tốt của bản thân mình dễ dàng hơn nhiều so với việc đấu tranh bảo vệ những quyền lợi của mình. Nuốt hận, chịu nhục là việc nhẹ nhàng hơn nhiều sv việc lấy hết can đảm và lao vào chiến đấu với một kẻ thù mạnh mẽ. Luôn luôn có thể nói viên đá ném vào chúng ta bay sượt qua thôi, và chỉ về đêm, khi đối diện với chính mình, khi vợ hay chồng hoặc người bạn học của ta đã ngủ yên, chỉ khi đêm đến chúng ta mới âm thầm thổn thức vì sự hèn nhát của chúng ta.

Chantal vừa uống cà phê, vừa mong sao ngày hôm nay trôi đi thật nhanh. Chiều tối nay, cô sẽ huỷ diệt cả thị trấn này, chấm dứt sự tồn tại của Viscos. Mà quả thật là thế, thị trấn này có tồn tại trên đời được đến thế hệ sau đâu, bởi tại đây nào có thấy đứa trẻ nào được ra đời cơ chứ! Đám thanh niên thì thích sinh con đẻ cái ở những thành phố khác - ở nơi ấy tưng bừng, sung sướng  và tươi đẹp hơn, ở đó người ta ăn vận toàn gấm nhung là lượt, ở đó người ta được du hí đó đây và ở đó có "cuộc tranh đua vô nghĩa".

Trái với mong muốn của Chantal, ngày hôm nay dài như vô tận. Nhìn nền trời xám xịt, những đám mây đen nặng trĩu có cảm giác như thời gian đã hoàn toàn ngừng trôi. Màn sương mù che mờ cả rặng núi và tưởng như Viscos bị chia cắt rời ra khỏi toàn bộ thế giới, tự tách biệt và biến mất như thể trở thành nơi duy nhật có sự sống trên khắp cả hành tinh này. Qua ô cửa sổ, Chantal nhìn thấy người khách lạ rời khách sạn và  như mọi lần đi về phía rặng núi. Chantal chợt thóang lo lắng về thỏi vàng của mình, nhưng rồi cô bình tĩnh lại ngay – ông ta đã trả tiền trước cho cả tuần rồi, mà mấy người giàu có chẳng ném tiền qua cửa sổ bao giờ - chỉ có những người nghèo kiết xác mới làm thế.

Cô gái cố thử đọc sách, nhưng đầu óc cứ nghĩ vẩn vơ đi đâu. Cô bèn quyết định đi dạo quanh Viscos và người duy nhất cô thấy trên đường là bà Berta. Bà lão góa chồng, suốt ngày này qua ngày khác ngồi trước cửa nhà theo dõi canh chừng mọi sự việc diễn ra trong thị trấn.

cuối cùng thì cái lạnh cũng đã về rồi đấy – bà lão nói với Chantal.

Còn cô gái thì tự hỏi – tại sao những người này quá quan tâm tới thời tiết như vậy, và cô im lặng gật đầu tỏ ý đồng tình.

Rồi cô lại đi tiếp, bởi suốt bao năm sống ở Viscos họ đã nói với bà Berta về đủ mọi thứ chuyện có thể nói. Có một thời gian thậm chí cô rất quan tâm đến người phụ nữ đầy nghị lực này, xem làm thế nào bà có thể lo liệu ổn thoả cuộc sống của mình ngya cả khi đã trở thành một người goá bụa. Ông chồng của bà chết trong một tình huống không may rất thường xảy ra trong những lần đi săn. Bà Berta khi đó đã bán hết toàn bộ gia tài của mình, và bỏ số tiền này cùng khoản tiền bảo hiểm cho một doanh nghiệp tin cậy nào đó, bây giờ bà sống nhờ vào lợi tức.

Nhưng sau rồi, Chantal cũng không còn quan tâm đến bà Berta nữa. Trong cuộc đời bà lão, cô thấy tất cả những gì mà cô lo sợ: bản thân cô rồi cũng trở thành một bà già và sẽ ngồi trên chiếc ghế ở trước cửa nhà mình, mùa đông thì quấn mình trong trăm lớp áo đơn áo kép và thấy trước mắt mình mãi vẫn chỉ một khung cảnh ấy và chăm chú quan sát những thứ mà chẳng đòi hỏi cả sự chăm chú lẫn sự lưu tâm, bởi vì chẳng có gì có ý nghĩa quan trọng và có giá trị ở đây cả.

Chantal đi sâu vào trong cánh rừng, không sợ lạc đường vì cô biết rõ như trong lòng bàn tay ở đó, từng thân cây, từng tảng đá và từng con đường mòn. Cô hình dung ra ngày hôm nay sẽ có một buổi chiều tuyệt vời và bằng những giọng điệu khác nhau diễn tả lại tất cả những gì cô định kể lại cho những người đồng hương: khi thì cô thông báo cho họ những gì cô nhìn thấy và nghe được, khi thì thuật lại đúng từng chữ những lời của người khách lạ cho họ nghe, khi thì thêu dệt thành một câU chuyện mà cô cũng không thể nói đó là chuyện thật hay tưởng tượng, thậm chí còn bắt chước lại đúng kiểu nói của cái người đã ba đêm liền không cho cô ngủ yên.

"Ông ta rất nguy hiểm, ông ta xấu xa hơn những người đi săn mà tôi đã từng biết".

Khi đi dọc theo con đường mòn trong rừng, Chantal mới hiểu, có lẽ, còn có người nguy hiểm không kém người khách lạ, con người đó – chính là  cô. Mới bốn ngày trước thôi, cô không ngờ rằng, cô đã quen với  việc cô là con người như thế nào, với những gì cô có thể mong đợi từ cuộc đời và với một điều rằng, cuộc sống ở Viscos không đến nỗi tồi tệ như vậy. Rốt cuộc, đến mùa hè, cả vùng lại tràn ngập du khách, họ gọi những địa điểm ở đây là "thiên đường".

Thế mà lúc này đây, những con quái vật đã chui ra khỏi hang ổ của mình, gieo rắc nỗi khiếp sợ trong tâm hồn cô, buộc cô cảm thấy mình là một kẻ bất hạnh, bị hắt hủi một cách bất công, bị Chúa Trời ruồng bỏ, rúit phải lá số đen đủi. Thậm chí, còn tồi tệ hơn thế - chúng buộc cô phải hiểu rõ ngày cũng đêm, trong rừng sâu cũng như ở quán  bar, trong những lần gặp gỡ hiếm hoi với mọi người cũng như khi cô đơn cô đã phải mang trong mình một cảm giác cay đắng đến nhường nào.

"Quỉ tha ma bắt cái con người đó đi. Và cả mình nữa, ma dẫn lối quỷ đưa đường thế nào mà mình lại gặp ông ta chứ".

Trên đường quay về lại thị trấn, cô cảm thấy hối hận về từng phút giây trong cuộc đời, trách giận mẹ vì đã bỏ cô côi cút sớm đến thế, và cả bà ngoại nữa vì bà cứ khuyên răn cô cần phải cố gắng là một người trung thực và nhân hậu, rồi cả đám bạn vì chúng đã bỏ rơi cô. Và cuối cùng là trách số phận vì đã để mặc cô trở thành một người như thế này, chứ không phải như một người khác.

Bà Berta vẫn ngồi ở chỗ cũ.

Sao mà cháu cứ tất tả thế? – bà lão nói – Ngồi xuống đây với ta, nghỉ một chút đi nào.

Chantal nghe theo vì nghĩ rằng, nếu có chuyện gì đó làm cô quên đi thì thời gian sẽ trôi nhanh hơn.

Viscos của chúng ta có sự thay đổi đấy – Bà lão nhận xét – chính ngay trong khí trời cũng có điều gì đó khác lạ, mà hôm qua ta nghe thấy "mấy con sói ma quỷ" ấy nó tru đấy.

Cô gái cảm thấy nhẹ người. Có phép lạ hay không, thì đêm hôm qua cũng đúng là có tiếng sói tru và ít ra cũng có thêm một người nữa nghe thấy.

Thị trấn nàt hoàn toàn chẳng thay đổi gì đâu ạ - cô trả lời – Đổi mùa đấy thôi bà ạ, và bây giờ mùa đông đã về rồi.

Không. Có người khách lạ đến đấy.

Chantal cố lắm mới kìm được mình. Không lẽ ông ta còn nói chuyện với một ai đó nữa hay sao?

Có gì thay đổi ở Viscos của chúng ta  cùng với sự xuất hiện của người khách lạ hả bà?

Suốt cả ngày trời ta ngồi nhìn những gì xung quanh ta. Người khác nghĩ dường như việc này tiêu phí thời gian một cách vô ích, nhưng với ta, chỉ có như thế mới có thể chịu đựng được nỗi mất mát người mà ta yêu thương. Ta được thấy bốn mùa trong năm chuyển đổi nhau như thế nào, cây cối trút lá ra sao, và sau đó lại đâm chồi nảy lộc. Nhưng có những khi một hiện tượng bất thường của thiên nhiên làm nảy sinh những sự thay đổi kỳ lạ. Ta được nghe kể rằng, hình như rặng núi kia đã mọc lên sau một trận động đất xảy ra từ hàng nghìn năm trước đây.

Cô gái gật đầu. Hồi học phổ thông cô cũng được nghe kể về điều này.

Chẳng có gì còn lại như xưa cũ đâu. Ta sợ là điều này sắp xảy ra bây giờ đấy.

Chatal ngờ rằng bà Berta biết một điều gì đó, cô đã chực kể cho bà lão nghe về số vàng, song lại im lặng.

Ta nghĩ  về Ahab, về người cải cách vĩ đại của chúng ta, về người anh hùng của chúng ta, về người đã được tôn danh là vị tu sĩ ẩn cư thánh thiện.

Nhưng tại sao lại về Ahab ạ?

Vì ông ta có thể hiểu một điều vặt vãnh, ngay cả khi nó xuất hiện từ những ý định nhỏ nhặt nhất cũng có khả năng huỷ diệt tất thảy. Người ta kể rằng, sau khi đã lập lại sự bình an trong thị trấn, tống cổ khỏi đây tất cả lũ lưu manh, định ra những quy định mới cho việc canh nông và buôn bán, ông ta đã gọi bạn bè đến ăn cơm và nấu cho họ những món nóng sốt ngon lành. Nhưng đến lúc ấy mới biết hoá ra trong nhà không còn tí muối nào. Ahab bèn gọi con trai và sai cậu ta "Con hãy đi vào thành phố mua muối nhưng hãy nhớ là phải trả đúng giá, không đắt hơn mà cũng không rẻ hơn". "Không được mua hớ, điều này thì con đã hiểu thưa cha – cậu con trai ngạc nhiên – nhưng nếu có thể mặc cả thì tội gì lại không tiết kiệm lấy ít tiền ạ?" "Ở thành phố lớn thì đúng là phải làm như thế. Nhưng đối với một thành phố như của chúng ta thì điều này kết cục sẽ rất nguy hại". Không hỏi thêm một lời, cậu con trai chạy vội đi mua muối. Nhưng những người khác đến dự bữa ăn nghe thấy lời nói đó liền hỏi, tại sao không được mua muối với giá rẻ hơn và Ahab đã trả lời "Cái người phải bán muối rẻ hơn giá thực của nó là vì thực ra anh ta quá túng bấn. Kẻ nào lợi dụng việc này đã chứng tỏ sự khinh thường đối với mồ hôi và công sức khó nhọc đã đổ ra, mà thiếu điều này thì chẳng có thể làm ra được một thứ gì hết". "Nhưng chỉ có thể thôi cũng chưa đủ để khiến Viscos của chúng ta chết được". "Thuở sơ khai, khi thế gian này được tạo dựng, sự bất công cũng chỉ hết sức nhỏ nhặt. nhưng mỗi một người tiếp sau lại bổ sung thêm cho nó một nhúm hay một vốc nhỏ, bởi cũng nghĩ rằng, chẳng vì thế mà có điều gì thay đổi cả. Các anh thử xem, kết quả là tôi và các anh, chúng ta đang ở đâu?"

Vâng, chỉ cần lấy ví dụ như người khách lạ này cũng đủ thấy – Chantal nói với hy vọng sẽ nghe bà lão Berta nói rằng, bà lão cũng đã nói chuyện với ông ta. Nhưng vì bà lão không đáp lại lời cô nên cô lại nói tiếp – Cháu cũng không hiểu, tại sao Ahab lại cố cứu Viscos đến thế. Trước kia đây là chốn ẩn nấp và tụ vạ của đám cặn bã, còn bây giờ là nơi tập trung của sự hèn nhát.

"Rõ ràng là bà lão đã biết một điều gì đó, chỉ có điều phải làm rõ là do đâu, liệu có phải chính người khách lạ đã nói cho bà  biết việc này?"

Ta không tin đấy là sự hèn nhát với đúng nghĩa của từ này. Ta nghĩ, đấy là nỗi sợ hãi những sự thay đổi. mọi người muốn làm sao Viscos vẫn luôn như thế, là nơi cày cấy và chăn thả gia súc, vui mừng đón tiếp những người thợ săn và khách du lịch, nhưng đồng thời cũng là nơi mỗi một người đều biết chính xác điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai, và là nơi có một điều duy nhất không thể đoán trước được, đó là những trò tinh quái oái oăm của thiên nhiên. Có lẽ, họ kiếm tìm sự bình an trong tâm hồn cũng bằng cách này và ta chỉ đồng ý với cháu ở một điểm: khi tất cả cho rằng, họ điều khiển tất thảy mọi việc thì khi ấy chẳng có một ai điều khiển được việc gì.

Đúng thế, chẳng có ai điều khiển được việc gì – Chantal đồng ý.

Chẳng một ai có thể đưa thêm dù chỉ một nét, hay chỉ một dấu chấm vào những gì đã được viết sẵn – bà lão bật lảy một câu thơ trong sách Phúc âm – Nhưng chúng ta thích sống với cái ảo tưởng này vì nó dem lại cho chúng ta sự tự tin.

Rốt cuộc người ta chỉ có một lựa chọn, làm sao để chẳng có gì khác biệt với bất cứ một ai khác. Đồng thời, thật ngớ ngẩn khi cho rằng, chúng ta đang sống trong bình an. Điều này kết thúc bằng việc mọi người nói chung không chuẩn bị tinh thần sẵn sàng với cuộc sống vào khoảnh khắc khi chúng ta ít chờ đợi điều này nhất, thì trận động đất tạo nên các ngọn núi, sét đánh chết một thân cây đã chuẩn bị đơm hoa khi mùa xuân đến, còn một sự không may quái gở trong một chuyến đi săn đã cướp đi sự sống của một con người đáng kính.

Và dễ đến trăm lần có lẻ, bà lão kể chuyện ông chồng của bà. Ông lão được coi là một thợ săn kiêm dẫn đường lão luyện ở trong vùng. Chuyện săn bắn đối với ông không phải là một trò thể thao man rợ, mà là một cách giữ truyền thống của quê hương. Nhờ những cố gắng nỗ lực của ông, số lượng một số loài động vật ở Viscos đã tăng lên, toà thị chính đã soạn thảo các điều luật bảo vệ những loài thú đang có nguy cơ tuyệt chủng và bổ sung cho ngân quỹ của thị trấn bằng cách cấp giấy phép cho việc săn bắn.

Ông chồng của bà Berta cố gắng để qua việc săn bắt vốn bị một số người cho là man rợ, còn một số khác lại cho là trò giải trí truyền thống có thể dạy cho mọi người một điều gì đó. Khi xuất hiện một người khách không có kinh nghiệm đi săn nhưng giàu có, ông dẫn người đó ra một bãi đất trống và đặt lon bia bằng sắt tây lên một tảng đá. Sau đó ông đi lùi lại khoảng 50m và bằng phát đạn đầu tiên đã bắn ngay cái lon.

Tôi là một tay súng cừ nhất ở miền này – ông nói – Và tôi sẽ dạy anh bắn được như tôi.

Đặt cái lon vào vị trí cũ, quay trở lại vạch đứng bắn, lấy từ trong túi ra một chiếc khăn và nhờ buộc kín mắt mình lại. Sau đó ông ngắm bắn.

Trúng không? – vừa tháo khăn ra ông vừa hỏi.

Tất nhiên là trượt – Người khách đáp lấy làm khoái chí vì đã làm bẽ mặt ông thợ săn kiêu ngạo – Đạn đi tìm chim. Khó có thể tin được rằng tôi phải cần tới những bài dạy của ông.

Nhưng tôi vừa mới dạy cho anh một bài học quan trọng nhất trong đời đấy – ông chồng bà lão Berta đáp lại – Bất kể khi nào, nếu muốn đạt được điều gì đó, hãy thận trọng, tập trung và cố hiểu cho chính xác là anh cần gì. Không thể cố đạt được mục đích với hai con mắt bịt kín.

Và có một lần, khi ông thợ săn sau phát đạn đầu vừa đặt lon vào chỗ cũ, thì người khách cho rằng, đã đến lúc anh ta chứng tỏ tài thiện xạ của mình. Anh ta bóp cò luôn không chờ tới khi ông chồng bà Berta quay trở lại vạch ngắm, và anh ta đã bắn  trượt, viên đạn trúng ngay vào cổ ông lão. Anh chàng đi săn kia đã không kịp nắm bài học bổ ích nhất về việc biết tập trung và sự hiểu biết thấu đáo những hành động của mình có ý nghĩa quan trọng như thế nào.

Cháu phải đi đây – Chantal nói – trước khi đi làm, cháu còn phải làm một việc nữa bà ạ.

Bà Berta chúc cô gái gặp may mắn, nhìn theo cô cho đến khi cô đã khuất vào ngõ nhỏ sau nhà thờ. Trong suốt ngần ấy năm ngồi trước cửa nhà mình, ngắm nhìn những ngọn núi và đám mây, âm thầm trò chuyện với người chồng đã khuất, bà lão đã học được cách "nhìn nhận" con người. Ngôn từ của bà nghèo nàn, không phải lúc nào bà cũng tìm chọn được một từ cần thiết để diễn tả nhiều cảm giác mà mọi người gợi lên trong lòng bà, nhưng điều này là có thực, bà lão nhìn thấu tâm hồn họ, đọc nó như thể đọc một cuốn sách rộng mở.

Toàn bộ điều này xuất hiện trong buổi tang lễ của người mà bà yêu thương nhất, và có lẽ là người duy nhất mà bà yêu thương đến thế. Lúc đó, có một đứa con trai nhỏ của một người dân Viscos đứng sát cạnh bà (mà giờ thì cậu bé đã thành người lớn từ lâu rồi và sống xa cách thị trấn hàng nghìn cây số) đã hỏi bà rằng sao bà lại buồn thế.

Bà Berta không muốn làm nó sợ, nói với nó về cái chết và sự chia lìa vĩnh  viễn, vì thế bà chỉ nói là chồng bà đi xa và không hiểu vì sao mãi không thấy về.

Cháu nghĩ là ông đánh lừa bà đấy – thằng bé nói – Cháu vừa nhìn thấy ông, ông nấp sau tấm bia kìa, ông cười và cầm trong tay chiếc thìa ăn.

Bà mẹ thằng bé nghe thấy vậy liền nghiêm mặt mắng con và lựa lời xin lỗi bà Berta.

Bọn trẻ ở tuổi nó chỉ rặt tưởng tượng ra đủ thứ vớ vẩn.

Nhưng bà Berta liền ngừng khóc, nhìn về phía thằng  bé chỉ. Ông chồng của bà không bao giờ bỏ được một thói quen khiến bà bực lắm: đó là chỉ ăn bằng cái thìa của riêng mình, mặc dù tất cả thìa đều như nhau và cũng chỉ xúc được ngần ấy súp, nhưng ông lão vẫn gàn bướng giữ thói quen này và chỉ dùng đúng chiếc thìa đó. Bà Berta không dám kể với ai chuyện ấy vì sợ mọi người cho rằng chồng mình lẩm cẩm. Vậy mà thằng bé thực sự đã nhìn thấy ông chồng bà và chiếc thìa ăn là bằng chứng cho thấy toàn bộ điều này là thật. Trẻ con "thấy được" cái thầm kín. Vậy là bà Berta cũng quyết định học cho được cách nhận biết này vì bà muốn trò chuyện với chồng và làm sao để ông ở bên bà – dù chỉ như một cái bóng hay một ảo ảnh.

Đầu tiên bà tự giam mình trong nhà, hầu như không bước chân ra khỏi nhà chờ đợi đến khi ông chồng xuất hiện. nhưng vào một ngày đẹp trời bà thấy như có điềm báo, bà hiểu là phải ra ngoài cửa và chăm chú để ý tới những  người khác. Bà cảm thấy chồng bà muốn cuộc sống của bà vui vẻ hơn, để người vợ goá bụa của ông tham gia nhiều hơn vào những gì diễn ra ở Viscos này.

Thế là bà Berta đặt ghế ở ngoài cửa nhà, ngồi và ngắm nhìn những ngọn núi. Trên mấy con phố của Viscos hiếm khi có bóng người qua lại, nhưng chính vào ngày hôm đó, có một bà hàng xóm ở làng bên sang chơi kể rằng, ở bên đó xuất hiện những người bán hàng rong, và họ bán những chiếc thìa rất đẹp, rẻ nữa. Để khẳng định cho câu chuyện của mình, bà ta lấy từ trong túi xách ra một chiếc thìa.

Bà Berta hiểu không bao giờ còn được gặp lại chồng tuy nhiên ông ấy đã muốn bà ngồi ngoài cửa ngắm nhìn thị trấn và bà thực hiện yêu cầu ấy của ông. Một thời gian sau, bà cảm thấy ở phía bên phải bà như có sự hiện diện của ai đó và tin chắc là ông ấy, chồng bà đang đứng bên, làm bầu bạn cùng bà, bảo vệ cho bà tránh khỏi hiểm nguy. Ngoài ra, còn có một điều nữa mà người khác không thể nào hiểu nổi, đó là bà nhận biết và phân biệt qua hình dáng các đám mây trông giống các bức tranh để đọc được những thông điệp báo tin tức. Mới đầu, bà Berta rất buồn vì khi bà định nhìn thẳng vào chồng thì hình bóng ông vụt biến mất. Nhưng rồi bà mau chóng hiểu ra rằng có thể trò chuyện cùng ông nhờ những suy nghĩ thầm kín chợt đến, và thế là hai ông bà bắt đầu có những buổi trò chuyện dài về mọi việc diễn ra ở Viscos.

Thêm ba năm nữa, bà Berta đã có khả năng "nhìn thấy" những tình cảm ở người khác, còn ông chồng cho bà những lời khuyên thực tế khác nhau rất hữu ích với bà. Nhờ ông mà bà Berta không để cho người khác lừa mình và không đồng ý với khoản đền bù đắp thấp hơn mức cần thiết. Nhờ ông mà bà đã kịp rút tiền ra khỏi ngân hàng mà chẳng bao lâu sau ngân hàng đó bị vỡ nợ và làm khánh kiệt rất nhiều người dân địa phương có tiền gửi.

Vào một buổi sáng, giờ thì bà Berta chẳng còn nhớ được cách đây bao lâu, ông chồng có nói với bà rằng, Viscos có thể bị huỷ diệt. Thoạt nghe bà Berta nghĩ đến trận động đất làm trong vùng xuất hiện những ngọn núi mới, nhưng ông đã khiến bà yên tâm khi giải thích rằng hàng nghìn năm tới đây sẽ không có hiện tượng này. Không, ông lão nói về một sự huỷ diệt khác, và bà Berta dù chưa hiểu ông nói về chuyện gì nhưng vẫn cứ thấy lo sợ. Ông khuyên bà phải thật chú tâm vào vì chính nơi đây là quê hương, là nơi yêu quý nhất của ông, dù rằng ông đã phải xa nó sớm hơn ông muốn.

Bà Berta bắt đầu để ý hơn đến những người dân trong vùng, dõi theo chăm chú hơn đến những người đám mây trôi trên bầu trời hình thành những  bức tranh kỳ lạ, đến những người đi săn đến và rời Viscos. Nhưng bà chẳng thấy bằng chứng nào cho thấy có một ai đó có ý định huỷ diệt thị trấn, chưa bao giờ thấy ai đó làm điều  gì tồi tệ. Ông chồng bà tuy vậy vẫn kiên trì nhắc nhở bà phải cảnh giác hơn và bà đã thực hiện yêu cầu của ông.

Rồi ba ngày trước, khi nhìn thấy người khách lạ đến Viscos, không chỉ có một mình mà còn cùng với quỷ dữ thì bà Berta đã hiểu, điều bà chờ đợi đã đến. Còn ngày hôm nay, bà Berta nhận thấy sau một bên vai của Chantal là thiên thần, còn vai bên kia là quỷ dữ. Bà gắn kết hai sự kiện này làm một  và hiểu ra rgcó những sự việc kỳ lạ sẽ xảy ra ở thị trấn Viscos của bà.

Mỉm cười một mình, bà nhìn sang phải và có vẻ như ngầm gửi về phía đó một nụ hôn gió. Không, bà chưa phải là một bà già vô tích sự, bà còn phải hoàn thành một việc rất trọng đại: cứu lấy cái thị trấn nơi bà đã sinh ra và bà sẽ cứu được nó mặc dù hiện giờ bà vẫn chưa biết phải sử dụng những phương tiện nào để làm điều này.

Chantal đứng lên ra về trong khi bà Berta còn mải đăm chiêu suy nghĩ. Những người hàng xóm vẫn thường rỉ tai nhau về chuyện bà lão hay trò chuyện với ma quỷ. Người ta kể rằng cả một năm trời bà đóng kín cửa ở miết trong nhà để học ma thuật bùa mê. Khi Chantal hỏi ai là người có thể dạy bà lão những trò đó thì một số người nói rằng, hình như chính Satan đêm đêm đến nhà bà Berta, còn một số khác lại nói bà lão niệm những câu thần chú được cha mẹ truyền cho, gọi thần linh của vị pháp sư người Celte. Tuy vậy những điều ấy đặc biệt không hề mê hoặc và động chạm tới bất cứ ai, bà lão hiền lành chẳng gây hại cho ai và luôn có khả năng kể một câu chuyện gì đó rất thú vị.

Mọi việc đúng như họ nói, nhưng chỉ có điều là bà Berta lúc nào cũng chỉ kể đi kể lại mỗi một chuyện. Chợt Chantal đứng sững lại, tay nắm chặt chiếc chìa khoá nhà. Cô đã nhiều lần nghe kể về chuyện ông chồng  bà Berta bị chết như thế nào, nhưng chỉ đến lúc này cô mới hiểu câu chuyện này là bài học quan trọng nhất đối với cô. Cô nhớ lại, lúc với mới đây thôi, đi lang thang trong rừng, trong cô tràn ngập nỗi giận dữ ghê gớm với hết thảy mọi thứ, sẵn sàng lao vào và cấu xé bất kể những gì hiện ra trước mắt cô, cả chính bản thân mình, thị trấn và những người dân cùng đám con cái của họ.

Nhưng chỉ có người khách lạ mới thực sự là mục tiêu xứng đáng. Cần phải tập trung, ngắm trúng đích và hạ thủ con mồi. Nhưng để làm được việc này cần phải có kế hoạch – sẽ thật là ngu ngốc nếu kể lại mọi chuyện trong chiều nay. Và để cho tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát, Chantal quyết định lùi lại thêm một ngày nữa mới kể về lời đề nghị của người khách lạ cho những người đồng hương biết.

Chiều tối hôm đó người khách lạ, như thường lệ, trả tiền cho tất cả mọi người, đồng thời kẹp một mảnh giấy trong xấp tiền đưa cho Chantal. Cô gái làm bộ lơ đãng đút nó vào túi mặc dù nhận thấy người khách lạ thỉnh thoảng lại cố đón bắt ánh mắt của cô, như ngầm hỏi cô. Họ đã đổi vai, giờ thì cô đang làm chủ tình hình, cô đã chọn thời điểm và địa điểm cho trận quyết đấu. Đúng như những người thợ săn lão luyện nhất thường vẫn làm, họ tạo điều kiện để nhử con mồi vào tầm bắn.

Nhưng chỉ khi về đến nhà, và chỉ hôm nay thôi, Chantal mới có một linh cảm rất kỳ lạ rằng, đêm nay cô sẽ ngủ rất sâu và ngon. Chantal mở mảnh giấy. Người khách lạ hẹn gặp cô tại địa điểm họ lần đầu gặp nhau.

Ông ta còn viết thêm, tốt nhất là họ muốn nói chuyện tay đôi, nhưng nếu cô muốn thì có thể trước mặt đông đủ mọi người.

Chantal không chỉ cảm thấy mối đe doạ mà còn thấy mừng vì nó đã lên tiếng. Điều này có nghĩa là ông ta đã mất tự chủ, một điều không bao giờ xảy ra với những người thực sự nguy hiểm. Ahab, con người vĩ đại đã đem lại sự bình an, rất thích nhắc lại câu nói "Những kẻ ngu ngốc có hai loại. Loại thứ nhất vứt bỏ ngay công với mới bắt đầu khi cảm thấy hiểm nguy. Loại thứ hai cho rằng, nhờ những mối hiểm nguy mà họ có thể đạt được một điều gì đó".

Chantal xé vụn mảnh giấy, vứt vào  bồn cầu và xả nước, tắm nước nóng rồi đi nằm và mỉm cười thầm. Cô đã đạt được tất cả những gì cô muốn, nhưng cô còn muốn gặp lại người khách lạ, mặt đối mặt nói chuyện với ông ta. Nếu cô muốn biết phải chiến thắng địch thủ như thế nào thì cần phải hiểu cho rõ xem ông ta bộc lộ bộ mặt thật của mình ra sao. Sau đó cô liền ngủ thiếp đi và ngủ rất sâu, yên giấc và ngon lành. Đêm đầu tiên cô ở bên cái Thiện, đêm thứ hai, với cả cái Thiện và cái Ác, còn đêm thứ ba – với cái Ác. Không cái nào giành được chiến thắng, nhưng cả hai vẫn ở lại trong tâm hồn cô và giờ đây bắt đầu cuộc đấu tay đôi để phân biệt ai là kẻ mạnh hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích