DocSachHay.net
hác Thảo Các Bài Thực Tập Cơ Bản

Khi chiêm niệm về sự phồng lên và xẹp xuống, thiền giả cần phải hướng tâm thức về vùng bụng. Sau đó thiền giả sẽ biết sự chuyển động hướng lên hoặc bụng đang phình ra khi hít vào, và sự chuyển động hướng xuống hoặc sự co thắt khi thở ra. Cần ghi nhận bằng tâm thức rằng “lên” khi sự chuyển động nằm ở trên và “xuống” khi sự chuyển động nằm ở dưới. Nếu tất cả các cử động này không được ghi nhận rõ ràng, chỉ cần giữ sự chú tâm nơi chúng, một hoặc hai tay cần được đặt lên bụng.

Thiền giả không cần phải thay đổi phương cách hít thở tự nhiên của mình. Thiền giả cũng không cần cố gắng thở chậm bằng cách giữ lại hơi thở, hoặc thở nhanh hoặc thở sâu. Nếu như thiền giả thay đổi dòng chảy hít thở tự nhiên của mình, thiền giả sẽ mệt mỏi rất nhanh. Vì vậy, thiền giả phải giữ mức độ tự nhiên của hơi thở và tiến hành với sự chiêm niệm về lên và xuống.

Khi sự phồng lên của bụng xuất hiện, tinh thần cần ghi nhận “lên”, và khi bụng xẹp xuống, tinh thần cần ghi nhận “xuống”. Ý niệm ghi nhận của những từ này không cần phải phát âm. Trong thiền minh sát, quan trọng là biết rõ đối tượng hơn là biết tên hay chữ của nó. Vì vậy, điều cần thiết cho thiền giả là nỗ lực để có chánh niệm về sự chuyển động lên và xuống, ngay từ khi nó bắt đầu cho đến nó khi kết thúc, như là các chuyển động này được nhìn thấy bằng cặp mắt vậy. Khi sự phồng lên xảy ra, tâm thức cần theo sát sự chuyển động này, như trong trường hợp một cục đá văng vào bức tường. Mỗi khi có sự chuyển động phồng lên là tâm thức liền biết ngay. Tương tự như vậy, mỗi khi có sự chuyển động xẹp xuống xảy ra là tâm thức liền biết ngay.

Khi không có đối tượng hiển hiện, thiền giả cần tiếp tục thực tập việc ghi nhận hai chuyển động này như “lên, xuống, lên, xuống, lên, xuống.” Vì vậy, trong khi bận rộn với thực tập này, có thể nhiều khi tâm thức đi lang thang. Khi sự tập trung yếu ớt, thực là khó khăn để điều khiển tâm thức. Dù tâm thức được hướng dẫn hướng đến sự chuyển động lên, xuống, tâm thức sẽ không trụ lại ở đây mà lang thang ở những nơi khác. Đừng để tâm thức này đi lang thang một mình. Khi nhận thấy tâm thức đi lang thang, nên ghi nhận ngay là “đi lang thang, lang thang, lang thang”. Khi ghi nhận được một hoặc hai lần thì tâm thức đi lang thang thường dừng lại, và việc thực tập ghi nhận “lên, xuống” của bụng được tiếp tục. Và rồi khi nhận thấy tâm thức đã đến một chỗ, cần ghi nhận “đến, đến, đến.” Rồi khi các chuyển động được ghi nhận rõ ràng, cần nhanh chóng quay về với thực tập “lên, xuống” của bụng.

Khi gặp một người trong trí tưởng tượng, cần được ghi nhận “gặp, gặp,” sau đó quay trở lại với thực tập thường ngày. Đôi khi thực ra chỉ là sự tưởng tượng khi ta nói chuyện với người trong trí tưởng, và cần được ghi nhận “nói, nói.” Mục đích thực sự là ghi nhận mỗi một hoạt động tinh thần khi nó xảy ra. Thí dụ, cần được ghi nhận là “suy nghĩ” ngay giây phút suy nghĩ, và “ phản ánh,” “kế hoạch,” “biết,” “tham dự,” “vui mừng,” cảm thấy lười biếng,” “cảm thấy vui vẻ,” “ghê tởm,” v…v…, tùy vào trường hợp khi mỗi hoạt động xảy ra. Sự chiêm niệm về các hoạt động tinh thần và ghi nhận chúng được gọi là cittanupassana, sự chiêm niệm về tâm thức.

Bởi vì con người chẳng có sự hiểu biết có ích nào về thiền minh sát, họ thường không ở vị trí biết rõ về trạng thái thực sự của tâm thức. Điều này tự nhiên làm cho họ có cái nhìn sai lầm, xem tâm thức là “người,” “ngã,” “thực thể sống.” Họ thường tin rằng “sự tưởng tượng là Tôi,” “Tôi là cái suy nghĩ,” “Tôi là kế hoạch,” “Tôi đang biết rõ,” v…v… Họ tin rằng có một thực thể sống đang hiện hữu hoặc một cái tôi đã từ tuổi thơ lớn dần đến trưởng thành. Thực tế, một thực thể sống như thế không từng hiện hữu, nhưng cái hiện hữu là tiến trình liên tục của các yếu tố tinh thần xảy ra từng cái một, mỗi lần một yếu tố xảy ra và liên tục không dừng. Thực tập về sự chiêm niệm được thi hành với mục đích khám phá ra bản thể chân thật của thân tâm phức tạp này.

Liên quan đến tâm thức và cách thức nó xuất hiện, đức Phật đã nói trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada - v.37)

Durangamam ekacaram

asariram guhasayam

ye cittam saññamessanti

mokkhanti marabandhana.

Đi xa, lang thang đơn độc,

Vô hình, và ẩn trong hang.

Những ai kiềm chế tâm thức

Chắc chắn thoát khỏi ràng buộc của Ma Vương.

Đi xa. Tâm thức thường lang thang đi xa. Trong khi cố gắng thực tập chiêm niệm trong phòng thiền, người hành thiền thường bắt gặp tâm thức mình đi lang thang đến các nơi xa xôi, thành thị, v..v… Người ấy cũng nhận thấy tâm thức mình có thể đi lang thang đến những nơi rất xa mà họ đã biết ngay giây phút đang suy nghĩ hoặc tưởng tượng. Sự thực này được khám phá với sự chiêm niệm.

Đơn độc. Tâm thức xuất hiện đơn độc, từng giây phút, tiếp nối nhau. Những ai không nhận thấy thực tế rằng tâm thức hiện hữu trong cuộc sống, họ không biết rằng các tâm thức mới luôn luôn xuất hiện ở từng giây phút. Họ nghĩ rằng cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ của quá khứ và hiện tại thuộc về họ và cùng là một thứ tâm thức, và rằng ba hoặc bốn hành động của cái thấy, nghe, xúc chạm, biết thường xảy ra cùng một lúc.

Những quan điểm này đều sai lầm. Thực tế, mỗi giây phút tâm thức xuất hiện và biến mất liên tiếp nhau, cái này rồi cái kia. Khi thực tập lâu dài sẽ nhận thấy được điểm này. Các trường hợp tưởng tượng và kế hoạc được nhận diện một cách rõ ràng. Sự tưởng tượng biến mất khi nó bị ghi nhận là “tưởng tượng, tưởng tượng,” và kế hoạch cũng biến mất khi nó bị ghi nhận “kế hoạch, kế hoạch.” Những giây phút xuất hiện, ghi nhận và biến mất hiển hiện như một tràng chuỗi hạt. Tâm thức trước đó không phải là tâm thức sau này. Mỗi cái đều riêng biệt. Những đặc điểm của thực tại được nhận diện tùy vào từng cá nhân, và với mục đích này ta có thể tiến hành sự thực tập chiêm niệm.

Vô hình. Tâm thức chẳng có thực chất, nó vô hình. Không dễ dàng phân biệt nó như trường hợp của vật chất. Trong trường hợp của vật chất, thân thể, đầu, tay và chân rất nổi bật và dễ dàng được ghi nhận. Nếu như hỏi việc gì xảy ra, việc ấy có thể được hiển thị và xử lý. Tuy nhiên, không dễ dàng để miêu tả tâm thức bởi vì nó chẳng có thực chất hoặc hình dạng. Vì lý do này, không thể nào thực hiện, phân tích các thử nghiệm về tâm thức.

Tuy vậy, ta có thể hiểu cặn kẽ tâm thức nếu nó được giải thích là cái mà biết được đối tượng. Để hiểu về tâm thức, điều cần thiết để chiêm niệm tâm thức ở mỗi giây phút khi nó xuất hiện. Khi sự chiêm niệm thuận tiện tiến xa, cách tiếp cận đối tượng của tâm thức được hiểu một cách rõ ràng. Nó hiển hiện trong mỗi giây phút của tâm thức, nó trực tiếp nhảy vọt về phía đối tượng. Sự chiêm niệm là quy định để hiểu rõ về bản chất chân thật của tâm thức.

Ẩn trong hang. Vì tâm thức hiện hữu nương tựa vào nền móng của tinh thần và các cánh cửa giác quan nơi thân thể, nó được xem như ẩn trong hang.

Những ai kiềm chế tâm thức chắc chắn thoát khỏi ràng buộc của Ma Vương. Tâm thức cần phải được chiêm niệm ở mỗi giây phút khi nó xuất hiện. Vậy tâm thức có thể bị điều khiển bằng sự chú tâm. Thành công trong việc điều khiển tâm thức, thiền giả đạt được sự tự do, thoát khỏi ràng buộc của Ma Vương, Thần Chết. Điều quan trọng là ghi nhận tâm thức ở mỗi giây phút khi nó xuất hiện. Khi nó bị ghi nhận, tâm thức liền biến mất. Thí dụ, bằng cách ghi nhận một hoặc hai lần “ý định, ý định,” ngay lúc bị ghi nhận, ý định liền tiêu mất. Sau đó cần quay về với thực tập ghi nhận thường lệ nơi bụng “lên, xuống, lên, xuống”.

Trong khi ta tiến hành với thực tập thường lệ, ta có thể cảm giác rằng ta muốn nuốt nước miếng. Cần ghi nhận là “muốn,” và khi ngậm nước miếng, “ngậm,” và khi nuốt, “nuốt,” theo trình tự nó xảy ra. Lý do để chiêm niệm trong trường hợp này là bởi vì quan điểm bền bỉ của cá nhân, “muốn nuốt là tôi,” “nuốt cũng là tôi.” Thực tế, “muốn nuốt” thuộc về tính chất tinh thần và không phải “tôi,” và “nuốt” thuộc về tính chất vật lý và cũng không phải “tôi.” Giây phút đó chỉ xuất hiện tính chất tinh thần và vật chất. Bằng cách chiêm niệm này, ta có thể hiểu rõ ràng tiến trình của thực tại. Cũng vậy, trong trường hợp khạc nhổ, nó cũng cần được ghi nhận như “muốn” khi ta muốn khạc nhổ, và “cúi xuống” khi cổ cúi xuống (cần làm một cách từ từ), như “nhìn, thấy” khi nhìn, và “khạc nhổ” khi khạc nhổ. Sau đó, tiếp tục quay về với thực tập thường lệ.

Bởi vì ngồi một lúc lâu, cơ thể sẽ có cảm giác khó chịu, tê cứng, nóng, v…v… Các cảm giác này cần được ghi nhận khi nó xảy ra. Tâm thức cần được chú tâm vào một chỗ và ghi nhận như “tê cứng, tê cứng” khi cảm thấy tê, và “nóng, nóng” khi cảm giác nóng, và “đau, đau” khi cảm thấy đau, “tê rần, tê rần” khi có cảm giác rần rần trên da, và “mệt, mệt” khi cảm thấy mệt mỏi. Những cảm giác khó chịu này là dukkha-vedana và sự chiêm niệm về các cảm giác này là vedananupassana, sự chiêm niệm về cảm giác.

Do thiếu kiến thức về các cảm giác này, nên tồn tại một quan điểm sai lầm về cá tính của tôi hoặc cái tôi, nghĩa là, “tôi cảm thấy tê cứng,” “tôi cảm thấy đau,” “tôi cảm thấy khỏe trước đó nhưng giờ tôi cảm thấy khó chịu,” theo cách có một cái tôi. Thực tế, các cảm giác khó chịu phát sinh vì những ấn tượng khó chịu nơi thân. Giống như ánh sáng của một bóng đèn có thể tiếp tục cháy sáng nếu có nguồn cung cấp năng lượng liên tục, và trong trường hợp của các cảm giác, nó xuất hiện mỗi lần mỗi mới khi tiếp xúc với các dấu ấn khó chịu.

Điều quan trọng là hiểu rõ những cảm giác này. Ngay từ lúc đầu ghi nhận “tê cứng, tê cứng,” “nóng, nóng,” “đau, đau,” ta có thể cảm thấy các cảm giác khó chịu đang dần tăng lên, và ta ghi nhận tâm thức xuất hiện ý muốn thay đổi tư thế. Tâm thức này cần được ghi nhận “muốn, muốn.” Sau đó cần quay về với cảm giác và ghi nhận “tê cứng, tê cứng” hoặc “nóng, nóng,” v…v… Nếu ta tiến hành bằng phương pháp này, với sự chiêm niệm và sự kiên nhẫn bền bỉ, cảm giác khó chịu sẽ biến mất.

Có một câu nói rằng, sự kiên nhẫn dẫn đến Niết Bàn. Rõ ràng câu nói này được áp dụng nhiều hơn trong trường hợp chiêm niệm. Cần rất nhiều kiên nhẫn trong sự chiêm niệm. Nếu một thiền giả không thể chịu đựng các cảm giác khó chịu với lòng kiên nhẫn, mà thường thay đổi tư thế trong khi chiêm niệm, vị ấy không thể đạt được sự tập trung. Không có sự tập trung thì chẳng có cơ hội đạt được sự thấu hiểu sâu sắc (vipassana-ñana), không có sự thấu hiểu sâu sắc, con đường đạo và quả Niết Bàn không thể nào đạt được.

Sự kiên nhẫn rất quan trọng trong việc chiêm niệm. Sự kiên nhẫn cần nhất để chịu đựng những cảm giác khó chịu nơi thân. Hầu như không có bất cứ trường hợp xáo trộn nào từ bên ngoài mà không cần đến sự thực tập kiên nhẫn. Có nghĩa là việc quán sát khantisamvara, hạnh nhẫn nhịn. Khi cảm giác khó chịu xuất hiện, tư thế tức thời không được thay đổi, mà cần ghi nhận liên tục “tê, tê,” “nóng, nóng,” v…v… Các cảm giác đau đớn là bình thường và nó sẽ biến mất. Trong trường hợp ta có sự tập trung mạnh mẽ, sẽ thấy rằng cảm giác đau đớn mãnh liệt sẽ biến mất khi ta nhẫn nại chịu đựng và ghi nhận nó. Sau khi cảm giác đau đớn tan biến, ta cần quay lại thực tập thường lệ ghi nhận nơi bụng “lên, xuống.”

Mặt khác, có thể cảm giác đau đớn hoặc khó chịu không tức thời biến mất kể cả khi ta ghi nhận nó với sức nhẫn nại cao tột. Trong trường hợp này, ta không còn cách nào khác là thay đổi tư thế. Dĩ nhiên, ta phải đầu hàng những lực lượng mạnh hơn. Khi sự chú tâm chưa được mạnh mẽ, các cảm giác đau đớn sẽ không biến mất nhanh chóng. Trong những trường hợp này, tâm thức lúc ấy thường xuất hiện ý muốn thay đổi tư thế, và ý định này cần được ghi nhận “muốn, muốn.” Sau đó, ta cần ghi nhận từng cử động “giở (tay/chân), giở” và tiến về phía trước.

Các hoạt động của thân thể cần được làm một cách chậm rãi, và những động tác chậm rãi cần được theo dõi và ghi nhận theo trình tự “giở, giở,” “di chuyển, di chuyển,” “xúc chạm, xúc chạm,” và khi để tay chân xuống, ghi nhận “để xuống, để xuống.” Nếu như chẳng còn gì để ghi nhận khi tiến trình thay đổi tư thế đã hoàn tất, quay về với thực tập thường lệ ghi nhận nơi bụng “lên, xuống”.

Trong quá trình này không có sự ngừng nghỉ hoặc dừng lại. Hành động trước đó được ghi nhận và hành động sau đó cần phải liên tục được ghi nhận. Tương tự như vậy, sự chú tâm trước và sau cần phải liên tục, và hành động nhận biết trước và sau cũng như vậy. Tương tự, sự chú tâm, tập trung và hiểu biết phát triển dần dần qua từng giai đoạn, và dựa vào sự phát triển hoàn toàn của chúng, giai đoạn cuối cùng của con đường đạo sẽ đạt được.

Trong thực tập thiền minh sát, điều quan trọng là bắt chước người đốt lửa. Trước khi có diêm quẹt, để đốt lửa, người ta cần phải liên tục cọ sát hai nhánh cây vào nhau và không được ngừng giữa chừng. Khi các nhánh cây trở nên nóng lên, cần phải nỗ lực hơn nữa, và phải liên tục cọ sát chúng vào nhau, không được ngừng. Chỉ khi nào ngọn lửa bắt đầu bén cháy, người ta mới có thể nghỉ ngơi. Tương tự như vậy, một thiền giả cần phải chăm chỉ thực tập, phải luôn ghi nhận không được dừng lại ở giữa hai hành động nối tiếp nhau, và sự tập trung trước và sau cũng cần được ghi nhận. Sau khi đã nhận biết các cảm giác đau đớn và ghi nhận chúng, bạn cần quay lại với sự thực tập bình thường bằng cách ghi nhận nơi bụng, “lên, xuống”.

Trong khi bận rộn với thực tập thường lệ, bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy chỗ nào đó trên thân. Bạn phải hướng tâm thức đến nơi đó và ghi nhận “ngứa, ngứa.” Ngứa ngáy là một cảm giác rất khó chịu. Khi cảm giác ngứa xuất hiện, tâm thức liền muốn chà hoặc gãi. Tâm thức này cần được ghi nhận “muốn, muốn,” không gãi hay chà vào chỗ đó, nhưng phải ghi nhận cơn ngứa đó “ngứa, ngứa.” Khi ta bận rộn với sự chiêm niệm theo cách thức này, cái ngứa trong nhiều trường hợp sẽ tự biến mất và ta có thể quay về với thực tập thường lệ và ghi nhận “lên, xuống”.

Mặt khác, nếu như cơn ngứa không biến mất, nhưng cần phải chà hay gãi, nên đưa sự chú tâm về các giai đoạn tiếp nối cần được ghi nhận như “muốn, muốn.” Và tiếp tục ghi nhận “giở tay, giở tay” khi giơ tay lên, “chạm vào, chạm vào” khi bàn tay chạm vào nơi bị ngứa, “chà, chà” hoặc “gãi, gãi” khi bàn tay chà hay gãi vào chỗ ngứa, khi rút tay lại ghi nhận “rút tay, rút tay”, khi bàn tay chạm vào thân thể “chạm vào, chạm vào”, và sau đó cần tiếp tục sự chiêm niệm thường lệ như “lên, xuống”. Trong mỗi trường hợp cần thay đổi tư thế, sự chiêm niệm về các giai đoạn tiếp nối cần được thực hành và ghi nhận một cách cẩn thận và tương tự nhau.

Trong khi cẩn thận tiến hành sự chiêm niệm, ta có thể nhận thấy các cảm giác đau đớn hoặc khó chịu tự động xuất hiện nơi thân. Thông thường, con người thay đổi tư thế khi họ cảm thấy có chút mệt mỏi, khó chịu hoặc nóng mà không cần để ý đến các sự kiện này. Sự thay đổi tư thế được thi hành một cách lơ đễnh khi hạt giống đau đớn bắt đầu nẩy mầm. Và các cảm giác khó chịu xuất hiện rất rõ rệt. Vì lý do đã nói trên đây, như một quy định, các tư thế ẩn giấu các cảm giác đau đớn khỏi tầm nhìn. Thường người ta nghĩ rằng họ cảm thấy khỏe cả ngày lẫn đêm. Họ nghĩ rằng các cảm giác đau đớn chỉ xuất hiện vào thời điểm của một chứng bệnh nguy hiểm.

Thực tế hoàn toàn ngược lại với điều người ta nghĩ. Hãy thử xem một người có thể giữ tư thế ngồi trong thời gian bao lâu mà không di động hay thay đổi tư thế. Sau một lúc ngồi chừng năm hoặc mười phút, ta sẽ cảm thấy không thoải mái, và ta sẽ bắt đầu cảm thấy không thể chịu nổi sau mười lăm hoặc hai mươi phút. Rồi ta cảm thấy như bị cưỡng bách phải di động hoặc thay đổi tư thế bằng cách ngẩng hay cúi đầu, di động tay hoặc chân, hoặc lay động thân hình về phía trước hoặc phía sau. Vô số hành động thường xảy ra trong một thời gian ngắn, và con số sẽ trở nên to lớn nếu được đếm trong thời gian một ngày. Tuy vậy, không một ai nhận thức được yếu tố này bởi vì chẳng ai thèm chú ý đến nó.

Trong mỗi trường hợp đều có trình tự như thế, trong trường hợp của thiền giả, bạn phải luôn chú tâm đến các hành động của mình và tiến hành sự chiêm niệm, các thể nghiệm theo tính chất tự nhiên của nó được nhận diện một cách rõ ràng. Chúng hoàn toàn tự tiết lộ bản thân theo đúng với bản chất tự nhiên của chúng và bạn có thể quán sát cho đến khi nhận diện chúng đầy đủ.

Dù có cảm giác đau đớn xuất hiện, thiền giả vẫn tiếp tục ghi nhận. Thường thì bạn không nên cố gắng thay đổi tư thế hay cử động. Khi tâm thức muốn thay đổi xuất hiện, ta liền nhận diện nó và ghi nhận “muốn, muốn,” sau đó ta quay lại với cảm giác đau buốt và tiếp tục ghi nhận lấy nó. Bạn chỉ thay đổi tư thế hoặc cử động chỉ khi nào cơn đau đã quá sức chịu đựng. Trong trường hợp đó, ta cũng bắt đầu ghi nhận tâm thức muốn thay đổi, và tiến hành ghi nhận cẩn thận mỗi giai đoạn trong quá trình của các cử động. Đây là lý do tại sao các tư thế không thể nào ẩn giấu các cảm giác đau đớn. Thường người hành thiền nhận thấy cảm giác đau đớn lan dần từ nơi này, nơi kia hoặc cảm thấy nóng, đau buốt, ngứa ngáy, hoặc cả thân hình là một khối đau. Như vậy các cảm giác đau đớn quá mạnh mẽ cho nên các tư thế không thể ẩn giấu chúng.

Nếu bạn có ý thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng, trước tiên bạn cần ghi nhận ý định trong đầu như “ý định, ý định,” và tiến hành với việc an bài tay chân theo trình tự tiếp nối bằng cách ghi nhận “giở,” “cử động,” “co duỗi,” “chạm vào,” “ấn vào,” v…v… Khi thân thể nghiêng về phía trước, cần ghi nhận “nghiêng, nghiêng.” Trong khi đứng dậy, thân sẽ có cảm giác nhẹ nhỏm khi thực hiện hành động đứng dậy. Sự chú tâm cần được tập trung vào những yếu tố này và ghi nhận “đứng, đứng.” Động tác đứng dậy cần được thi hành một cách chậm rãi.

Trong quá trình thực tập quan trọng là thiền giả hành động một cách yếu ớt, chậm rãi trong tất cả mọi hoạt động, như một người yếu sức, bịnh hoạn. Có thể thí dụ đúng nhất ở đây là đứng lên như một người bị đau lưng kinh niên. Bệnh nhân luôn cần cẩn thận và cử động chạm rãi để tránh khỏi bị đau thêm. Cũng y như vậy, thiền giả cần phải cố gắng cử động chậm rãi trong tất cả mọi hành động. Cử động chậm chạp cần thiết để cho phép sự chú tâm, tập trung và hiểu biết bắt kịp nhau. Ta thường luôn sống một cách lơ đễnh và ta chỉ bắt đầu nghiêm túc thực tập để giữ chánh niệm nơi thân. Đây chỉ là khởi đầu, và chánh niệm, sự tập trung và hiểu biết chưa được gia tăng tốc độ trong khi tốc độ của tiến trình thân và tâm lại chuyển động quá nhanh. Vì vậy bắt buộc phải làm cho các tiến trình ở tốc độ nhanh chậm lại, để cho chánh niệm và sự hiểu biết có thể bắt kịp tốc độ. Như vậy, lúc nào các cử động chậm chạp cũng đều có thể được thực hiện theo mong muốn.

Hơn nữa, thiền giả nên cư xử như một người mù xuyên suốt thời gian thực tập. Một người chẳng có bất cứ hạn chế nào sẽ không nhìn cẩn thận vì họ nhìn mọi vật và mọi người một cách thờ ơ. Họ cũng chẳng có được trạng thái tinh thần vững chãi và tĩnh lặng. Mặt khác, người mù cư xử với thái độ điềm tĩnh bằng cách ngồi nghiêm chỉnh mắt nhìn xuống. Họ không nhìn hướng này hướng kia để nhìn vật hay người bởi vì họ mù và không thể nhìn thấy. Thái độ điềm tĩnh này rất đáng để noi theo. Thiền giả cần cư xử với thái độ tương tự trong khi thực tập sự chiêm niệm. Bạn không nên nhìn bất cứ nơi nào. Tâm thức của bạn chỉ hướng đến đối tượng mà bạn đang chiêm niệm. Trong tư thế ngồi, bạn phải chăm chú ghi nhận “lên, xuống.” Kể cả khi những việc lạ đang xảy ra gần đó, bạn cũng chẳng nhìn đến. Bạn đơn giản chỉ ghi nhận “thấy, thấy” và rồi tiếp tục với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống.” Thiền giả cần xem trọng thực tập này và thực hành nó một cách nghiêm chỉnh, cho đến độ bị nhìn lầm là người mù.

Trong lĩnh vực này một số nữ thiền giả được xem là có tư thế hoàn hảo. Họ cẩn thận thi hành thực tập này một cách nghiêm chỉnh tùy vào các lời chỉ dẫn. Thái độ của họ điềm tĩnh và họ luôn luôn chăm chú vào đối tượng của sự chiêm niệm. Họ chẳng nhìn tới nhìn lui. Khi họ đi, họ luôn luôn chăm chú vào những bước chân. Bước chân của họ nhẹ nhàng, bình thản và chậm rãi. Mỗi một thiền giả cần phải noi theo gương của họ.

Thiền giả cũng cần nên giống như người điếc. Thường thường, khi ta nghe một tiếng động, ta liền nhìn tới nhìn lui, nhìn về hướng phát ra tiếng động, hoặc ta hướng tới người đối diện đang nói chuyện với ta và trả lời họ. Ta không cư xử với thái độ chậm chạp. Ngược lại, người điếc cư xử với thái độ điềm tĩnh. Họ không để ý đến bất cứ tiếng động hay câu chuyện nào bởi vì họ không nghe được. Tương tự như vậy, thiền giả cần phải giữ thái độ giống y vậy, không để ý đến những câu chuyện phiếm, cũng không cố ý nghe bất cứ câu chuyện hoặc cuộc đối thoại nào. Nếu tình cờ nghe thấy tiếng động hoặc cuộc đối thoại, bạn cần phải ghi nhận tức khắc “nghe, nghe,” và rồi quay trở về với thực tập thường lệ và ghi nhận nơi bụng “lên, xuống.” Bạn cần tiến hành việc chiêm niệm một cách chăm chú, đến nỗi bị nhìn lầm là một người điếc.

Cần ghi nhớ rằng thiền giả chỉ quan tâm đến việc chăm chú thực tập sự chiêm niệm. Những gì nghe được hay thấy được đều không phải là việc đáng quan tâm. Kể cả khi chúng có vẻ thú vị hoặc kỳ lạ, bạn cũng chẳng nên để ý đến. Khi thấy bất cứ điều gì, bạn đều nên ngó lơ như thể chẳng thấy. Cũng vậy, bạn cần bỏ qua các tiếng nói hoặc tiếng động như là bạn chẳng nghe được gì. Khi cơ thể cử động, bạn cử động một cách yếu nớt và chậm rãi như thể đang bị bịnh và rất yếu sức.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích