Niềm Tin Chưa Mất
Niềm Tin Chưa Mất

DocSachHay.net

hằng con tôi ở trần và dang nắng cả ngày. Hỏi lý do vì sao, nó không chịu nói. Tôi phải ôn tồn giảng cho nó nghe rằng dang nắng lắm nhiều khi cũng nguy hiểm: có thể bị nhức đầu, bị cảm nắng sinh bệnh.

- Con đừng nên làm phiền Ba. Ba đi làm vắng cả ngày thế mà lỡ con bệnh thì ai săn sóc cho con? Những lần con đau con có nhớ rằng Ba phải thức suốt đêm bên giường con không?

Thấy tôi thật tình lo lắng, nó nói:

- Nhưng mà… lũ học trò cứ gọi con là heo luộc.

- “Heo luộc” là cái gì?

Tôi ngơ ngác hỏi.

- Tụi nó nói da con trắng như heo luộc.

Không thể nín được, tôi bật cười to một tràng dài. À ra con heo luộc phải dang nắng để thành con heo quay đây mà! Thời đại đổi thay, ngày xưa người ta yêu màu da trắng trẻo còn ngày nay người ta chuộng màu da rám nắng. Quả tình có nghe con tôi nói tôi mới để ý thấy rằng độ này da dẻ nó có rám đen đi phần nào. Ngày còn má nó, da nó trắng như con gái. Tôi nhớ đến những buổi trưa mười giờ, bãi biển đầy những cô gái nằm phơi nắng. Họ đội mũ lác rộng vành và đeo kính râm. Những chàng trai da nâu hãnh diện đi đi lại lại. Quan niệm đẹp có thay đổi nhiều thật nhưng tôi không ngờ nó lại ăn sâu cả vào lớp trẻ con mới mười tuổi. Hồi tôi còn nhỏ đi học thầy giáo yêu nhất những học trò mặt mũi trắng trẻo đã đành, cả đến chúng tôi cũng chỉ thích chơi với những đứa bạn mặt mày trắng trẻo. Những đứa đen đủi nhiều khi bị chế giễu một cách tàn nhẫn.

Tôi nhìn kỹ lại con tôi hơn. Nó chỉ đánh một cái quần đùi màu đỏ, - mãi đến bây giờ tôi mới tự hỏi tại sao chị ở lại cứ bắt nó mặc quần đùi đỏ, mua chi mà một lần đến ba, bốn cái quần đùi đỏ, - còn thì mình trần cả ngày. Tôi tưởng tượng đến một lúc nào mình nó sẽ đen như một con heo quay. Và tự nhiên tôi nghĩ đến một hình ảnh, không phải trong tương lai mà chính ngay trong quá khứ tôi đã sống. Tôi nhớ đến anh Tộc, người bạn học của tôi hồi còn lớp Tư. Lúc bấy giờ chúng tôi vào khoảng mười, mười một tuổi. Mình Tộc gầy đét, hai chân như hai cái que. Đã thế lại chuyên môn mặc quần đùi khiến chúng tôi mỗi lần gặp anh là phải để ý ngay đến cặp chân que tăm. Không biết anh ta khéo xếp thế nào mà cái quần đùi nào anh mặc cũng cũ, cũng sờn đít hoặc rách đít. Tôi chưa hề thấy anh mặc một cái quần đùi mới. Không mới mà có cũ, thế có lạ không? Anh không bao giờ mặc áo. Đi từ đầu làng đến cuối làng mà cũng để mình trần. Đánh bi đánh đáo cả ngày, hết bắt dế đến câu cá, lúc nào anh cũng phơi mình dưới nắng khiến da cứ tím sậm lại. Người lại gầy, xương sống chạy một hàng dài gồ lên, còn xương sườn thì đếm đủ mười hai đôi. Hai núm vú thâm dán sát vào da như đầu của hai chiếc đinh bảy phân ai đã đóng vào ngực. Ngực lép và bụng lép nhưng cái rún lại béo bở. Rún của ai cũng thõm vào, hoặc tròn như lỗ đáo, hoặc méo xệch như cái miệng cười mỉm, chỉ riêng rún của Tộc thì lồi ra một đoạn dài gần hai phân, trông như cái núm vung. Rờ tay vào thấy mềm mềm những thịt. Lúc bấy giờ ở xóm tôi có một gánh hát bội đến trình diễn thường xuyên, chúng tôi cứ đợi đến chín giờ khuya rạp thả giàn là ùa vào coi khỏi mất tiền. Rạp hát lấy tên rạp là Thạnh Xương. Thấy Tộc mình chỉ toàn những da và xương, một người bạn có nhiều sáng kiến bỗng đặt tên cho Tộc là thằng Thạnh Xương. Tộc không phản đối mà nhận cái biệt hiệu mới một cách vui vẻ. Do đó mỗi khi đùa nghịch chúng tôi có thể gọi tên Tộc hay tên Thạnh Xương cũng được.

- Ê Tộc, thách mày lặn một hơi cho qua bờ sông bên kia đó.

- Thạnh Xương, Thạnh Xương, leo lên cây bàng gỡ dùm con diều cho tao một tí mày.

Tộc không chịu thua một cuộc thách đố nào, không từ chối một sự nhờ vả nào. Kết quả của những cuộc mạo hiểm là mình Tộc mang đầy những vết sẹo. Anh em ai cũng mến Tộc vì Tộc chấp nhận mọi sự đùa nghịch của anh em. Tộc không bao giờ cáu vặt. Hoặc là thách đánh nhau hoặc là tha thứ không thèm chấp, thế thôi. Không thèm trả thù ngầm, không thèm nói láo.

Tộc ham chơi đáo đến nỗi có hôm mê mải ăn thua mà đứa nào giấu áo không biết. Đến lúc trống đánh, chạy đi tìm áo, hỏi ai cũng bảo không biết, lạy ai cũng không chịu chỉ giùm khiến Tộc òa ra khóc. Tộc sợ thầy lắm. Nhưng mà cái tật ở trần cởi áo vắt vai, Tộc vẫn không thể bỏ. Đến sân trường thì bỏ sách vở xuống cỏ, đặt áo đè lên trên rồi thì chơi mải chơi mê không còn biết trời đất gì nữa. Mãi đến khi trống đánh vào lớp mới lật đật bỏ trò chơi mà vội vã mặc áo vào. Có lần vừa cãi vã ăn thua vừa hẹn hò tái đấu, anh cài hột nút này sang khuy áo kia mà không biết. Khi sắp hàng vào lớp, ai nấy đã ngồi an vị rồi thì thầy Nghĩa, thầy giáo chúng tôi, đi soát qua lớp một lượt. Thầy chỉ tay sang Tộc, gọi:

- Tộc, lên bảng.

Tộc vụt đứng dậy, nhanh quá, như một cái gân bị giật. Có lẽ người anh chỉ có gân và xương nên sự phản ứng mới lẹ như thế. Anh thoăn thoắt bước lên bảng, vô tư như khi đi nhặt một hòn bi. Đứng cụng nhằm bảng đen mới dừng lại. Rồi im lặng, một ngón tay bôi lên bảng vẽ hình con cua con quạ gì đó. Thầy Nghĩa quát:

- Quay mặt trở lại!

Anh vâng lời quay mặt trở lại và cả lớp cười rộ lên vì hai cái vạt áo gài khuy so le. Anh ngơ ngác không biết vì sao các bạn cười mình, thầy hỏi:

- Hồi trưa mày làm gì?

Tộc trả lời ngay, không phải suy nghĩ:

- Dạ thưa thầy hồi trưa con ăn cơm xong thì mẹ con sai con gánh nước mắm qua nhà bà Chức Ba. Kỳ nước mắm trước bị thiếu nắng, dang không kỹ nên mới để nửa tháng mà đã trở, thúi quá…

Lũ học trò cười rộ lên, to hơn trước, thế mà Tộc vẫn điềm nhiên nói tiếp. Nhưng tiếng ồn ào lớn quá, chắc cả lớp không nghe được gì, duy chỉ có những đứa ngồi bàn đầu như tôi là nghe rõ tiếng Tộc chậm rãi tiếp:

- … Bà Chức Ba bắt đền nói mẹ con mà không đổi nước mắm khác cho bà ta thì bà ta…

Đến đây thầy Nghĩa đập mạnh thước gạch vào mặt bàn một tràng dài và cả người nói lẫn người cười đều im lặng, Thầy giận dữ nói:

- Ý tao muốn hỏi mày hồi trưa mày làm gì mà đi học mặc áo xốc xếch như vậy. Chớ mày gánh nước mắm cho bà Chức Ba hay bà Chức Tư gì thì tao đâu cần biết, nước mắm của mẹ mày thúi hay thơm cũng thây kệ mày.

Tộc cúi xuống nhìn vạt áo của mình và lặng lẽ cởi nút ra rồi gài lại, vẻ thản nhiên như không có việc gì xảy ra. Thầy nói:

- Thôi cho đi xuống.

Tộc “dạ” một tiếng, lủi thủi đi xuống nhưng khi đến dãy bàn thứ tư không quên nháy mắt sang một đứa bạn bên cạnh. Chúng tôi ai cũng biết thầy Nghĩa không có cảm tình với Tộc, nhưng Tộc, hình như anh lại không để ý đến điều đó. Tính thầy Nghĩa cẩn thận, ưa sắp đặt trang hoàng cho lớp đẹp đẽ. Những khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn, Trọng thầy mới được làm thầy, Chăm chỉ sạch sẽ…”, được thầy cắt bằng giấy màu treo cân đối. Những hình vớ vẩn xanh đỏ lòe loẹt như hình Phúc Lộc Thọ, Sư tử hí cầu thầy cắt ở nhãn pháo hay nhãn hương, những tấm bưu thiếp hình chợ hình phố, thậm chí có những ảnh ả xẩm thầy cũng lồng giấy bóng treo khắp tường, chi chít, rộn ràng bên cạnh những tấm địa đồ, bản đồ nghiêm trang, đứng đắn. Thầy coi chừng tóc tai và quần áo của học sinh luôn. Không phải với mục đích bảo vệ sức khỏe, chắc thế, mà chỉ vì sợ đốc học hay thanh tra bất chợt tới. Sách vở bút mực thì khỏi phải nói. Mỗi lần sắp có thanh tra tới khám trường thì chúng tôi thật là khổ sở với thầy. Thầy tập đứng dậy, tập ngồi xuống, thầy bắt bao lại sách vở, bắt cắt tóc, bắt cắt móng tay, bắt mặc bộ quần áo nào đẹp nhất. Sợ lũ chúng tôi quên đi những lễ nghi tối thiểu, thầy bắt chép và học thuộc lòng một bài nhan đề “Lời khuyên học trò”. Bắt đầu như thế này:

Trống trường vừa đánh mau mau,

Sắp hàng ngay ngắn trước sau đàng hoàng.

Đừng nói chuyện chớ làm ồn

Học trò như vậy mẹ cha vui mừng.

Sau này tôi mới biết rằng đó là một bài thơ dở, sai âm luật. Chắc do thầy sáng tác. Vì lâu lâu thầy lại cho phép thêm một đoạn ám chỉ khuyết điểm nào đó mà thầy vừa khám phá ra. Ví dụ hôm thầy đè cổ thằng Hùng đánh ba roi vì tội hái trộm dưa leo bị bà Tang lên mét giữa lớp thì chiều đó thầy bắt chép thêm một đoạn “Lời khuyên học trò” (tiếp theo):

Dưa cà là của người ta

Mình đừng khuấy phá hái mà không nên.

Bắt được đã phải chịu đòn

Lại làm xấu hổ tổ tiên ông bà.

Tôi không biết bao giờ bản trường ca này mới chấm hết. Chỉ biết mỗi lần thầy dạy dư giờ hay những chiều mùa đông chưa tan học mà trời tối quá không thấy mặt chữ thì thầy bắt cả lớp ê a đọc bài “Lời khuyên…” như những tín đồ tụng niệm giáo điều. Tất nhiên là với một thầy giáo cẩn thận dường ấy và nhất là sợ thanh tra tới mức ấy thì Tộc không phải là một cái hoa đẹp đáng để cho lớp và cho thầy hãnh diện. Tóc thì dễ thường đến hai tháng mới cạo một lần, - cạo chớ không phải cúp, - thành ra tóc mọc lấn xuống trán, tóc mai chỉa nhọn xuống nửa má. Cái mặt trở nên quắt lại bằng bàn tay. Áo quần thì như trên đã nói. Thành ra thầy có nhiều thành kiến đối với Tộc, những thành kiến khiến có lần Tộc bị mắng oan. Một hôm giữa lúc sắp hàng, thầy khám sạch sẽ. Thầy kéo hẳn Tộc ra khỏi hàng, chỉ vào cặp chân đen:

- Mày ở dơ thế kia?

Tộc thưa liền:

- Thưa thầy con mới tắm ạ.

- Mới tắm cái gì? - Thầy sừng sộ nói - Cái cổ đầy những đất thế này.

Thầy vừa nói vừa lùa ngón tay kỳ cọ nơi cổ của Tộc. Nhưng quả không có một lằn đất nào dính nơi tay thầy cả. Thầy hoi ngượng, đứng im nhìn kỹ Tộc từ đầu đến chân. Rồi thầy chỉ xuống hai cái mụt Tộc mang ở cổ chân:

- Ở dơ - ghẻ chốc thế kia mà nó còn cãi tao nữa.

Tộc vẫn trả lời tỉnh bơ:

- Dạ, thưa thầy không phải ghẻ ạ. Đây là vết đỉa cắn. Hôm chủ nhật con đi mót lúa đám ruộng ông Thuận bị đỉa bâu cắn. Con rịt thuốc mãi mà chưa lành. Mẹ con nói đỉa mén nó cắn là độc lắm.

Thầy không trả lời, nhún vai một cái rồi ra lệnh cho vào lớp. Ở trong lớp có ai làm quấy, ví dụ làm đổ mực xuống nền xi măng, bôi tay dơ lên vách, ném đá bể ngói… mà thầy chưa tìm ra thủ phạm là y như thầy nghi cho Tộc. Chúng tôi cứ tưởng Tộc thù thầy, nhưng tuyệt nhiên không. Đi cùng chúng tôi đến nhà thầy nộp bài, Tộc hay đảo mắt nhìn khắp đó đây rồi liên tiếp đề nghị:

- Thưa thầy cây cau ở ngang chái bếp của thầy đã có buồng đầy rồi đó. Để con leo bẻ cho thầy. Hai hôm nữa thì già mất.

Thầy hỏi:

- Mày leo gì được?

Thì Tộc vồn vã ngay:

- Ồ! Con leo giỏi lắm. Để con leo thầy coi. Con leo không cần “nài” mà.

Thế là từng thót một, Tộc thoăn thoắt leo lên bám ở trên đọt cau, nhanh nhẹn bẻ cả một buồng rồi tuột xuống. Lần khác đến thăm thầy, sau khi cả bọn chia tay nhau vục gáo vào vò nước lã uống lấy uống để, Tộc bỗng nhăn mặt nói:

- Nước hôi bùn quá!

Chúng tôi đưa mắt lừ Tộc, có ý bảo: “Chết! Sao mày ăn nói hỗn vậy? Nước nhà thầy mà mày chê hôi”.

Nhưng Tộc thản nhiên nói bô bô:

- Muốn hết hôi thì phải đảo. Ở dưới đáy giếng thiếu gì bùn non rồi những dây gàu đứt, đồng xu, mẻ sành, cắc bạc.

Thế rồi bỏ chúng tôi, Tộc chạy lên nhà trên thảo luận gì với thầy không biết. Lúc ra về, Tộc nói:

- Chủ nhật tới, tao lại đào giếng giùm cho thầy.

Tộc sống tự nhiên quá, thấy việc thì làm không câu nệ, nghĩ gì nói nấy không giấu giếm. Hình như anh không có mặc cảm. Nhà nghèo, mặt mũi không đẹp, áo quần xốc xếch, nhưng tôi chưa bao giờ thấy anh ngượng ngập rụt rè. Tôi có cảm tưởng tâm hồn anh hiền lành như một cây xanh, cây ổi cây bàng nào đó đang sức lớn. Đâm chồi, ra lá, nứt hoa… Cây cứ bình tĩnh làm nhiệm vụ của mình, không cần nhìn xem những phản ứng của các cây đứng xung quanh nó. Không thấy cây xấu hổ vì những lá héo, giấu giếm những cành gãy, mà cũng không thấy nó hãnh diện vì chồi xanh non mướt hay hoa nở đầy cành. Tộc cũng giống như vậy. Nhưng tội nghiệp cho Tộc là Tộc không hoàn toàn được là một cái cây. Cái cây không phải học bài và làm bài. Còn Tộc thì phải khổ sở rất nhiều mỗi khi phải mó vào sách vở. Tộc học rất dốt, không mấy khi thuộc bài. Tính thầy Nghĩa lại thích lái cho học sinh không thuộc bài nói bậy mà Tộc thì nói bậy một cách tín cẩn. Đủ biết anh chẳng hề ngó qua bài một lần. Mỗi khi thầy nhắc sai và anh dò dẫm nói theo là cả lớp im phăng phắc để đợi nghe những sự bất ngờ lý thú. Chẳng hạn bà Trưng thù ông Thi Sách đã giết chồng bà là Tô Định…, hoặc nước Việt Nam đông giáp vịnh Thái Lan, tây giáp bể Nam Hải v.v… Đến giờ đọc tiếng Pháp thì thật là không thể nín cười được. Anh không phân biệt được chữ nào đọc là “ơ” chữ nào đọc “e”, chữ z, w, ch anh đọc cứ lộn phèo cả lên rồi thêm dấu huyền dấu nặng, rồi ậm ừ, rồi cà lăm nữa. Một người pha trò khéo cũng không thể làm cho lớp học náo hoạt hơn anh. Tật cà lăm sau này gần thành một cố tật của anh. Tôi cho rằng đó là do những giờ học Pháp văn mà ra. Mới đầu năm khi còn học bài một bài hai thì anh cà lăm ít, đến chừng sang bài hăm bảy, hăm tám thì anh cà lăm nặng hơn, cuối cùng thì anh chỉ “cà” chứ không nói nữa. Mà mỗi lần “cà” như vậy thì trông anh khổ lắm. Mắt cứ nhắm tít đi còn cái lưỡi và hai hàm răng thì run bấn lên. Thầy giáo chịu thua phải cho anh về chỗ.

Lẽ cố nhiên là học hành như vậy anh không đỗ nổi bằng sơ học yếu lược. Và cuối niên khóa anh phải nghỉ học. Khi chúng tôi, vài đứa, mang sách đi học ở trường huyện, chúng tôi thỉnh thoảng gặp anh ở bến đò đầu làng. Vẫn gầy, vẫn đen, tưởng chừng nếu xòe một cây diêm châm vào là anh bốc cháy thành ngọn lửa ngay. Gặp chúng tôi, anh toe toét cười:

- Đố tụi mày “la ma-rơ” là cái gì? (1 )

Rồi không đợi chúng tôi trả lời, anh nói luôn:

- Tao ngồi buồn mở cuốn sách Langue Francaise đọc lại mà hóa ra giỏi tụi mày ơi. Té ra bây giờ tao mới biết chữ Tây là gì. Nè, tao đọc cho tụi mày nghe, nghe không: la lame, la lac, papa a vu kilo, à Hanoi il y a un pont…(1 )

Anh đọc hàng tràng dài, đọc sai âm sai giọng nhiều lắm nhưng trông chừng hỉ hả và không còn ngọng khổ ngọng sở như ngày xưa nữa.

Tôi hỏi:

- Bây giờ mày ở nhà làm gì?

- Tao đi củi.

- Có còn đánh đáo nữa không?

- Tao đánh ách-xì, bài cào, không thèm đánh đáo nữa. À, bữa nào tao cho mày một cái ná cao su. Tao đi củi kiếm được nhiều cái chạng “ngon” lắm.

Sau đó, tôi càng ngày càng ít gặp Tộc dần. Có một độ nào tôi nghe Tộc mê con gái ông xã Chín nhưng bị cô này chê. Tộc thất tình bỏ ăn bỏ uống và đâm ra lừng khừng như người sắp điên. Người ta tưởng Tộc có thể nhào xuống Bầu Di hay cầu Ông Chừ để tự tử vì vụ thất tình này nặng lắm. Người nhà phải canh gác dòm chừng Tộc luôn. Nhưng bỗng một hôm Tộc mất tích. Cả nhà đổ xô đi tìm. Mẹ Tộc khóc mếu máo. Tự tử thật chăng? Nhưng tự tử sao lại mang hết quần áo, nịt, mũ và cái bi-đông nước theo làm gì? Tuy vậy mẹ Tộc vẫn khóc mếu máo đi tìm. Chợt nghe tin ở xóm Long Hòa con Lành, con ông Câu Hò, cũng mất tích đúng vào đêm đó. Ông Câu không khóc mếu máo mà chỉ chửi. Ông nốc rươu vào thật nhiều, - nhà ông nấu rượu lậu nên tha hồ cho ông nốc, - khiến mặt đỏ tía như một con gà đá rồi oang oang kể tội con gái ra mà chửi. Ông bảo con ông mê ngu mê dại một thằng chỉ có cái rựa và đôi dép cao su. Ông bảo cái nhà thằng đó không bằng cái chuồng heo nhà ông. Ông bảo con mẹ nó không đáng xách giày xách dép cho ông. (Say rượu rồi nói khoác vậy thôi chớ thực tế ông không bao giờ mang giày mang dép, chỉ thỉnh thoảng lắm mới mang guốc). Người ta đồn rằng hai đứa, Tộc và con Lành, rủ nhau bỏ đi hoang nhưng người ta không biết hai đứa đi đâu. Nhà Tộc nghèo không có phương tiện đi tìm xa còn nhà ông Câu đông con nên bỏ đi một đứa cũng không thiếu. Đi đâu thì đi, hết muốn đi thì về, chẳng ai thèm tìm. Tôi không phải là bà con của hai người nên tôi càng có lý do để không biết rõ hành tung của hai người sau đó.

Lẽ ra thì sự quan hệ giữa tôi và Tộc chỉ có thế, chỉ dừng lại ở mức đó mà thôi. Nếu không vì một thằng con thích ở trần và dang nắng thì tôi đã quên hẳn người bạn ngày xưa của tôi rồi. Cuộc sống bon chen bận rộn đâu có cho phép tôi năng nhìn về dĩ vãng để tìm gặp lại những dáng người quen? Vả lại, mỗi khi có dịp hồi ức tôi cũng ít khi chịu khó vẹt đám người đông đảo lẫn lộn ngày xưa để tìm cho ra đúng cái dáng gầy gò đen đủi của anh. Thế mà, ngược với ý muốn của tôi, sự việc đến đây vẫn chưa chịu chấm dứt. Trong khi tôi ngồi mơ màng nhớ đến anh, đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời anh mà tôi biết, giai đoạn bỏ nhà ra đi với đủ cả dây nịt và bi-đông nước, có thể với con gái ông Câu Hò vì đó chỉ mới là dư luận, ức đoán, thì có bất ngờ không, - ở một nơi xa xôi kia anh cũng nghĩ đến tôi. Một bức thư không mong đợi đem đến cho tôi sự khám phá êm đềm này. Số là cách đây chừng nửa tháng tôi nhận được một bức thư. Nhìn nét chữ lạ viết ở phong bì, nhìn con dấu nhà bưu điện Ban Mê Thuột, tôi rất hồi hộp. Tôi không thích những bức thư của người lạ vì nó hay làm cho tôi bồi hồi lo lắng. Ở Ban Mê Thuột tôi không chắc có người quen nào. Hay có ai gửi lầm chăng? Nhưng nhìn lại địa chỉ người nhận thư thì quả là tên tôi. Tôi lật đật xé toẹt phong bì, không kịp lấy kéo cắt. Nội dung bức thư như sau:

Ban Mê Thuột, ngày.... tháng.......

Thưa anh, tôi là Trần Văn Tộc. Anh có còn nhớ Trần Văn Tộc không, Tộc “Thạnh Xương” của các anh đó mà. Riêng tôi vẫn còn nhớ anh rõ lắm, anh học trò trắng trẻo mà tôi thường gọi đùa là “con chuột rụt rè”. Anh còn nhớ không, anh tức mình gọi lại tôi là “con mèo khiêu khích” nhưng thay vì con mèo mun (vì tôi đen) anh lại gọi ác là con “Bạch Tuyết”. Nhưng con mèo không vồ con chuột mà yêu con chuột lắm. Đến bây giờ xa cách vài mươi năm rồi mà vẫn nhớ đến con chuột đây.

Tôi có đọc mấy truyện của anh viết về những ngày thơ ấu của chúng ta khi còn học ở trường Ngân Sơn. Tôi cảm động nhớ lại những ngày xưa, nhớ lại ông Cai Tròn, nhớ lại thầy Nghĩa mà trong truyện anh đổi tên lại là thầy Hiền. Thầy Nghĩa đã chết rồi, chắc anh đã biết. Bây giờ ngồi nhớ lại thầy, tôi thấy tôi thương thầy hết sức. Đành rằng tôi học hành chẳng đỗ đạt được gì, nhưng đó toàn là lỗi của tôi. Tôi học dốt mà lại lười quá. Giá vào tay một thầy giáo khác thì tôi đã bị đuổi học lâu rồi. Thế mà thầy vẫn chịu đựng, vẫn chấp nhận tôi, vẫn cố dạy cho tôi biết rằng la mare là cái ao, le kilo là quả cân… những kiến thức đó, ra đời tôi không dùng được gì, nhưng chúng cho tôi một cảm tưởng êm đềm là ngày thơ ấu của tôi không đến nỗi bị bạc đãi. Lớn lên khi được biết rằng những người học trò tệ lậu như tôi dễ làm cho thầy giáo bị ghi điểm xấu, bị chậm tăng lương, chậm thăng ngạch trật, tôi thấy áy náy trong lòng vì tôi cho rằng sở dĩ thầy phải già đời ngồi dạy ở một xó nhà quê này, biết đâu chẳng phải vì tôi. Năm 1959 tôi và nhà tôi cùng mấy cháu có về quê thăm. Lúc bấy giờ tôi mới được biết rằng ngôi trường cũ của chúng ta ở đầu núi đã bị phá hoại vào những năm kháng chiến. Cây cà-te cao to, trụ sở của lũ ma quỉ mà ngày nhỏ các anh sợ, đã bị chặt mất rồi. Tất cả chỗ ấy bây giờ còn là khoảng không. Hình ảnh của chúng chỉ còn lại trong tâm hồn của chúng ta thôi.

Anh bây giờ đã được mấy cháu rồi? Tôi thì được năm cháu. Ba cháu lớn học ở Lycée Yersin. Vợ tôi cũng thường ở Đà Lạt hơn ở Ban Mê Thuột, chúng tôi có tậu được một vi-la ở cité Saint Benoit. Tôi bây giờ nhờ trời làm ăn cũng khá dư đủ. Có được hai nhà máy cưa và một rạp hát. Anh có biết tôi đặt tên cho rạp hát của tôi là rạp gì không? Chắc anh không đoán được đâu. Tôi đặt là rạp Thạnh Xương. Để nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa.

Thôi, giấy ngắn tình dài, chúc anh và quý quyến sức khỏe. Nghỉ hè rảnh rỗi mời anh lên Ban Mê Thuột chơi nghe? Tụi mình gặp nhau mới nói hết chuyện.

Nhớ ghi địa chỉ là:

Ông Trần Minh Thạnh

4I, đường Ama Trang Long

Ban-mê-thuột.

Đọc xong thư Tộc, - bây giờ là Trần Minh Thạnh, - tôi vui vẻ như chính tôi đã làm giàu, đã làm chủ hai nhà máy cưa và một rạp hát Thạnh Xương. Tộc không nói rõ về người vợ Tộc, tưởng như ai cũng đã biết rồi, nhưng tôi đinh ninh rằng đó là cô Lành con ông Câu Hò. Tôi tưởng tượng thấy một chiếc ô-tô sang trọng chở Tộc và cô Lành đỗ xịch trước cái quán của bà mẹ Tộc ở đầu làng. Bao nhiêu người hàng xóm bâu lại xem, trầm trồ bàn tán. Những đứa trẻ con ở trần và đen đỉu như Tộc ngày xưa đứng vây quanh chỉ trỏ, sờ mó. Chiếc xe ấy lại đỗ xịch trước nhà ông Câu Hò. Ông Câu Hò hẳn là thôi không chửi nữa. Nghĩ đến ông Câu tôi chợt cười thành tiếng. Tôi nhớ đến những đôi giày đôi dép tưởng tượng của ông ngày xưa khi ông cất tiếng chửi “thằng” Tộc đi hoang đã dụ dỗ con Lành ngu dại của ông. Niềm vui khi đọc thư Tộc tôi giữ cho đến suốt ngày. Tôi cảm thấy bớt đơn chiếc và cuộc đời dễ sống hơn. Tộc đại diện cho một loại nhân cách miễn nhiễm, không tà khí. Lúc nào cũng nghĩ tốt cho người, không ác ý, không đối phó, không bị lôi cuốn, và sẵn sàng làm điều tốt cho người, không mưu tính, không mặc cả. Tôi tin chắc sự làm giàu của Tộc rất trong sạch. Lòng thương yêu thầy mà Tộc nói trong thư chắc chắn là thành thật chớ không phải là một lời sáo, một công thức xã giao. Những mẫu sinh hoạt vụn vặt của Tộc khi còn đi học chắc chắn là không chịu sự chi phối của một thành kiến nào. Tâm hồn Tộc như cái phòng rộng trống trơn, không có xó kẹt, không có bóng tối. Tộc làm những điều mình nói và có thể nói cả những điều mình làm. Có thể nói cả những điều mình nghĩ nữa. Trong một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã thành điển-lệ, mà thù hằn đã thành khí giới phổ thông, quả tình nhân cách của Tộc vươn lên như một chồi cây mạnh giúp tôi tin cậy ở cuộc đời.

 

Chú thích:

(1) la mare = cái ao

(2) lưỡi dao, cái hồ, cha đã thấy quả cân một ký, ở Hà nội có một cái cầu

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Niềm Tin Chưa Mất Niềm Tin Chưa Mất

Có thể bạn thích