Những Người Khốn Khổ
Chương XI , XII

Có cái gì hạn chế được Paris không? Không. Không có một thành phố nào thống trị người ta mà đôi khi lại phỉ báng người ta. Ngày xưa Alêchxanđơrơ nói với dân thành phố Aten: “Hỡi người Aten! Làm vừa lòng được các người!” Paris không những làm ra luật, Paris còn là ra “mốt”, Paris không những làm ra mốt, Paris còn làm ra “lề thói”. Khi nó muốn, Paris có thể ngớ ngẩn được: đôi khi nó cũng làm cái trò ấy và lúc bấy giờ thì cả vũ trụ cũng ngớ ngẩn theo nó, nhưng rồi Paris thức tỉnh, dụi mắt và nói: “Ơ! Sao mình ngu xuẩn thế!” và cười rộ vào mặt cả loài người: một thành phố như vậy, quả là một kỳ quan! Thật là một điều kỳ dị, khi cái vĩ đại ấy và cái lố bịch ấy chung đụng với nhau. Khi Tất cả cái đường bệ ấy không hề bị trò đùa nhại kia làm mất vẻ oai nghiêm và cũng một cái miệng ấy có thể hôm nay thổi vào kèn của ngày phán xét cuối cùng và ngày mai thổi vào cái ống sáo củ tỏi. Cái vui nhộn của Paris ngự trị! Cái vui của Paris tựa như lôi thần; cái nhộn của Paris mang ấn kiếm. Một cái chau mày của Paris đôi khi làm nổi dậy dông tố. Những cuộc bùng nổ, những ngày lịch sử, những kiệt tác, những việc phi thường, những hùng ca Paris đi đến tận cùng vũ trụ và cả những câu chuyện cóc nhảy của nó đang đi xa như vậy. Cái cười của Paris là một miệng núi lửa phun khắp trái đất. Những lời cười cợt của nó là những đốm lửa. Nó truyền cho cả nhân loại những tranh biếm họa của nó cũng như lý tưởng của nó, những lâu đài đồ sộ nhất của nền văn minh nhân loại cũng để cho nó giễu cợt và sẵn sàng làm cho những trò nghịch ngợm của nó thành bất diệt. Paris thật tuyệt vời, nó có một 14 tháng 7 phi thường, giải phóng cả trái đất; nó khiến cho tất cả các quốc gia dân tộc phải thề cái lời thề “Giơ đơ Pơmơ” (Lời thề của đẳng cấp bình dân ngày 20/6/1789 họp ở phòng Giơđơ Pômơ quyết định không giải tán trước khi lập cho được một hiến pháp cho nước Pháp, cách mạng 1789); đêm 4 tháng 8 của nó thủ tiêu trong ba tiếng đồng hồ một nghìn năm phong kiến. Nó làm cho lôgic của nó trở thành bắp thịt của ý chí tất cả mọi người, nó tự nhân lên trăm, ngàn lần, với tất cả những hình thức của cao cả. Nó chiếu rọi ánh sáng của nó vào Oasinhtơn, Kooxiuyxkô, Bôliva, Bôtdarixơ, Riêgô, Bem, Manim, Lôpedơ, Giôn Brao, Garibanđi. Chỗ nào tương lai sáng lên là có nó: nó ở Bơxtơn năm 1779, ở đảo Lêông năm 1820, ở Pextơ năm 1848, ở Palecmơ 1860. Nó nói vào tai các người Mỹ chống chế độ nô lệ tập hợp ở bến sông harpơxơ Pheri và vào tai những nhà ái quốc Ăngcônơ hợp nhau trong bóng tối của Arơsi, trước quán Gôdi trên bờ biển, cái khẩu hiệu mãnh liệt Tự do. Nó làm nên Canarixơ, nó làm nên Kirôga; nó làm nên Pidacanơ, nó làm nên Kirôga; nó làm nên Pidacanơ; nó tỏa cái vĩ đại khắp nơi trên trái đất. Đi theo phía ngọn gió thổi, Baiơn đã hy sinh ở Mixôlôngghi và Madê ở Bacxơlon. Nó là cái bục diễn thuyết dưới chân Mirabô, là miệng núi lửa dưới chân Rôbexpierơ. Sách của nó, sân khấu của nó, nghệ thuật của nó, khoa học của nó, văn học của nó, triết học của nó, là sách giáo khoa của nhân loại. Nó đã có Paxcan, Rênhiê, Coócnây, Đêcáctơ, Giang Giăc, Vônterơ cho mỗi phút một và Môlierơ cho mọi thế kỷ. Nó làm cho cả nhân loại nói tiếng nói của nó và tiếng nói ấy đã trở thành tiếng trí tuệ, nó xây dựng cho tất cả mọi tinh thần cái ý niệm Tiến bộ và những nguyên lý giải phóng loài người mà nó đã đúc lên là những thanh gươm gối đầu giường của tất cả các thế hệ và chính tâm hồn của các nhà tư tưởng và các nhà thơ của nó từ 1789 đã làm nên những anh hùng của tất cả các dân tộc. Thế mà tất cả những cái đó không ngăn cản nó nghịch ngợm. Cái thiên tài vĩ đại mà người ta gọi là Paris, vừa thay đổi cả bộ mặt của thế giới với cái sánh sáng của nó, vừa bôi nhọ cái mũi của Buginiê trên tưởng đền thờ Têdê và viết: “Cơrêđơviơ ăn cắp!” trên Kim tự tháp.

Paris, bao giờ cũng nhe răng; khi nó không gầm thét thì nó cười.

Paris như thế đó. Những ngọn khói trên các mái nhà của nó là những luồng tư tưởng của vũ trụ. Bảo nó là một đống bùn và một đống gạch đá cũng được, nhưng trên hết, nó là một tinh thần. Nó không phải chỉ to lớn, nó mênh mông vô tận. Vì sao! Vì nó dám nghĩ, dám làm.

Dám nghĩ dám làm, chỉ như thế mới tiến bộ được.

Tất cả những chinh phục diệu kỳ đều là phần thưởng của táo bạo. Muốn có cách mạng không phải chỉ có Môngtexkiơ tiên đoán, Điđơrô tuyên truyền, Bômácse báo trước, Côngđoócxê tính toán, Aruê chuẩn bị, Ruxô suy nghĩ mà đủ. Phải có Đăngtông dám làm.

Tiếng kêu: “Táo bạo!” là lời “Ánh sáng hãy hiện ra!” (Nguyên văn Latinh: Fiat Lux). Muốn cho nhân loại tiến lên, luôn luôn ở trên những đỉnh cao phải có thường xuyên những bài học hiên ngang nêu gương dũng cảm. Những hành động táo bạo làm cho lịch sử chói ngời và là một trong những nguồn ánh sáng lớn lao của con người. Bình minh đã dám khi bình minh lên. Thử làm, mạnh bạo làm, cứ làm, kiên trì làm, chung thủy với bản thân mình, vật lộn với số phận, khinh thường tai họa đến mức làm cho tai họa phải ngạc nhiên, khi thì đương đầu với cường quyền, khi thì vả vào mặt sự đắc thắng say sưa, đứng vững, đối đầu; đó là tấm gương mà các dân tộc cần có, đó là ánh sáng truyền điện lực vào cho họ. Cũng một tia chớp ghê gớm đã đi từ ngọn đuốc của Pơrômêtê tới cái điếu của Căngbơrôn.

XII

TƯƠNG LAI TIỀM TÀNG TRONG

QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN

 

 

Còn nhân dân Paris, dù đã là người lớn vẫn cứ là chú nhóc con. Miêu tả em bé Paris tức là miêu tả thành phố Paris. Vì vậy chúng tôi đã nghiên cứu con chim ưng kia ở trong con chim sẻ tự do này.

Ta hãy nhấn mạnh điểm này, là cái giống thuần túy của Paris xuất hiện nhiều nhất ở vùng ngoại ô. Đó mới là Paris chính cống, đó mới là bộ mặt thực của Paris, ở đó dân Paris lao động và đau khổ mà đau khổ và lao động là hai bộ mặt của con người. Ở đó lúc nhúc nhiều vô kể những con người vô danh, đầy dẫy những điển hình kỳ lạ nhất, từ bác phu dỡ hàng ở La Rapê, đến anh đồ tể ở Môngphôcông. Xixêrôn nói “cặn bã thị thành” (Tiếng Latinh: Fex urbis), Bơckơ, công phẫn nói thêm “Dân hạ lưu” (Tiếng Latinh: Mob), bùn rác, quần chúng, dân hèn, nói như thế cũng dễ thôi. Nhưng cũng được. Có quan trọng gì? Nếu họ đi chân đất thì có làm sao? Họ không biết đọc? Cũng cóc cần. Có phải vì thế mà ta bỏ rơi họ không? Ta có quyền rủa cảnh buồn khổ của họ không? Ánh sáng có thể chiếu rọi vào tận đám quần chúng đó không? Ta hãy trở lại cái tiếng kêu gọi: ánh sáng! Và kiên trì kêu gọi: ánh sáng! Ánh sáng! Biết đâu đấy, những khối u minh dầy đặc ấy lại không trở thành trong suốt. Những cuộc cách mạng chẳng phải là những cuộc thay hình đổi dạng là gì? Hãy tiến lên! Hỡi các nhà triết học, hãy giảng dạy, hãy soi rọi, hãy đốt sáng, hãy nghĩ thành tiếng, hãy nói to lên, hãy vui vẻ chạy tới mặt trời bao la, hãy hòa mình vào những quảng trường, hãy báo những tin vui, hãy phổ biến chữ cái, hãy tuyên bố những pháp quyền, hãy hát những khúc hát Mácxâyedơ hãy gieo mầm phấn khởi, hãy hái những cành sồi xanh. Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó. Những bàn chân không ấy, những cánh tay trần ấy, những giẻ rách ấy, những ngu độn ấy, những ô nhục ấy, những bóng tối ấy có thể dùng để chinh phục lý tưởng. Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý. Cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ trở thành phalê rực rỡ. Chính nhờ cái phalê ấy mà Galilê và Niutơn phát hiện những vì sao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Những Người Khốn Khổ Chương XI , XII

Có thể bạn thích