Tối hôm ấy, ông giám mục thành Đinhơ đi dạo phố về lại ngồi làm việc trong phòng mãi. Ông lo soạn một bộ sách về Những bổn phận. Công việc còn đang dở dang.

Ông nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những gì mà các Cha cố và các Nhà thông thái đã nói về vấn đề trọng đại này. Cuốn sách gồm hai phần: phần thứ nhất nói về bổn phận mọi người, phần thứ hai về bổn phận cá nhân, tùy theo hoàn cảnh từng tầng lớp. Bổn phận mọi người là quan trọng nhất. Có bốn cái mà Thánh Mathiơ đã chỉ rõ: Bổn phận đối với Chúa (Matth, VI), bổn phận đối với bản thân (Matth, V, 29, 30), bổn phận đối với đồng loại (Matth, VII, 12), bổn phận đối với sinh linh (Matth, VI, 20,25). Về các bổn phận khác, ông cũng đã thấy rõ có nơi vạch ra và khuyên làm: các nhà vua và các bề tôi thì trong khuyến thư cho người La Mã; các quan tòa, của kẻ làm vợ, làm mẹ, của thanh niên thì trong lời thánh Pi-e; của người làm chồng, làm cha, làm con, làm gia nhân cho kẻ khác thì trong Khuyến thư cho dân Ephe; của người đi đạo thì trong Khuyến thư cho người Ebơrơ; của trinh nữ, trong Khuyến thư cho dân Côranhtơ. Ông cẩn thận đem tất cả những lời khuyên kia sắp xếp thành một bài luân lý cân đối hài hòa để: trình bày cho mọi người.

Tám giờ rồi ông vẫn còn ngồi lom khom viết vào những mẩu giấy vuông nhỏ, trên đùi đặt một cuốn sách to. Như thường lệ, mụ Magơloa bước vào lấy bộ đồ bạc trong ô tủ gần đầu giường. Một lúc sau, đoán chừng bữa ăn đã dọn xong và cô em có lẽ đang đợi, ông gấp sách đứng lên bước sang phòng ăn.

Phòng ăn là một căn buồng hình bầu dục có lò sưởi, cửa chính quay ra đường (như trên đã tả) và cửa sổ trông ra vườn.

Bữa ăn vừa dọn xong, bà Magơloa vừa bày bàn vừa nói chuyện với cô Baptistin.

Cây đèn để trên bàn; bàn lại kê bên lò sưởi. Trong lò củi cháy khá đượm.

Người ta có thể dễ dàng hình dung được hai bà phụ nữ, bà nào tuổi cũng ngoại sáu mươi. Bà Magơloa thì thấp người, đẫy đà, lanh lẹ; cô Baptistin thì dịu dàng, dáng gầy và lêu khêu, so với ông anh có cao hơn một tí; cái áo lụa bà mặc màu nâu thẫm, bà giữ mãi đến bây giờ là sắm ở Paris từ hồi 1806, lúc ấy màu đó rất được mọi người hâm chuộng. Nếu mượn cách nói thông tục, nó có cái hay là một chữ có thể diễn đạt được một ý mà có khi cả một trang văn chương cũng chưa chắc đã nói đầy đủ bằng, thì bà Magơloa có vẻ là một bà nhà quê, còn cô Baptistin thì ra dáng một phu nhân. Bà Magơloa thì trên đầu đội cái mũ vải trắng, chung quanh cuộn tròn thành ống, cổ đeo một cây thánh giá nhỏ bằng vàng, thứ nữ trang duy nhất trong nhà. Cái khăn quàng của bà thật trắng lòi ra ngoài cái áo dài đen, tay ngắn và rộng, bằng len thô. Cái tạp dề bằng vải kẻ ô xanh đỏ, buộc ngang hông bằng các dải màu lục. Trước bụng thêm miếng vải gấp ngược lên thành túi cài hai kim băng ở hai góc trên. Chân đi giày rộng với bít tất vàng như phụ nữ Macxây. Chiếc áo dài của cô Baptistin cắt theo mẫu 1806, cở ngắn, thân hẹp, tay bồng, có dải buộc và đính cúc. Mớ tóc lốm đốm bạc, bà thu vào trong một bộ tóc giả uốn theo kiểu thiếu niên. Bà Magơloa có vẻ thông minh, lanh lợi, tốt bụng; hai khóe miệng không cân nhau; môi trên dày hơn môi dưới, trông ở bà có cái gì cộc cằn và độc đoán. Ông giám mục mà còn làm thinh thì bà nói năng mạnh dạn với thái độ vừa kính nể và tự do; nhưng hễ Đức Cha lên tiếng, thì, điều này mọi người đã biết, bà phục tòng ngoan ngoãn cũng như cô Baptistin vậy. Cô này thì lại như không nói năng gì. Cô chỉ vâng lời và làm theo cho ông anh vui lòng. Ngay hồi còn trẻ, người cô cũng không xinh, đôi mắt to xanh, hơi lồi, sống mũi dài và gù; có điều khuôn mặt cũng như cả con người, như chúng tôi đã nói ở đầu sách này, đều toát lên một vẻ hiền từ vô hạn. Cô vốn sinh ra để làm con người hiền đức; nhưng đức tin, tình bác ái, lòng hy vọng, ba đức ấy lại nhẹ nhàng sưởi ấm tâm hồn làm cho trái tim hiền đức kia lại dần dần nâng lên thành thánh đức. Tạo vật chỉ đúc cô làm một con cừu, tôn giáo đã biến cô thành một thiên thần. Tội nghiệp người con gái thánh đức! Một hình ảnh êm dịu đã mất!

Không biết bao nhiêu lần cô Baptistin đã kể lại việc xảy ra trong dinh giám mục buổi tối hôm ấy, cho nên nhiều người hiện nay còn sống hãy còn nhớ rõ các chi tiết.

Khi ông giám mục bước vào, bà Magơloa đang chuyện trò có vẻ hăng lắm. Bà nói với cô Baptistin câu chuyện bà đã thuộc lòng và ông giám mục nghe cũng đã quen tai, câu chuyện cái then chỗ cửa ra vào.

Nghe đâu lúc chiều đi mua thức ăn, bà đã nghe thấy chỗ nào cũng xì xào nhiều chuyện lắm. Nào chuyện có một tên trộm hình dạng kỳ dị, một tên du đãng khả nghi vừa xuất hiện, đang còn lẩn lút trong các phố, đêm nay ai mà về khuya chắc sẽ gặp những chuyện chẳng lành. Nào chuyện tuần phòng bị bỏ bê, lơ là vì ông tỉnh trưởng và ông thị trưởng không ưa nhau, cố tìm cách làm xảy ra việc nọ việc kia để hại nhau. Ai khôn hồn thì tự liệu mà giữ lấy thân, giữ lấy của, nhà cửa phải liệu mà rào trước chặn sau, đóng then cài chốt cho thật kỹ.

Bà cố ý nhấn mạnh mấy tiếng sau cùng. Song ông giám mục vừa ở phòng bên sang, đang rét, nên đến thẳng chỗ lò sưởi ngồi sưởi rồi nghĩ vơ vẩn đến chuyện khác. Ông không có hưởng ứng gì về câu nói bóng gió của bà, khiến bà ta phải lặp lại. Cô Baptistin muốn chiều ý bà mà không làm phiền ông anh, nên đánh bạo hỏi khẽ:

- Thưa anh, anh có nghe bà Magơloa vừa nói gì đó không?

Ông giám mục đáp:

- Có, tôi có nghe loáng thoáng.

Ông quay ghế lại, để hai tay lên đầu gối, ngẩng nhìn bà ở già. Ánh lửa từ dưới chiếu lên khuôn mặt dịu dàng và vui vẻ:

- Nào, có chuyện gì thế? Đang có chuyện gì nguy hiểm lắm phải không?

Bà Magơloa lại kể lại đầu đuôi câu chuyện và vô tình thêm thắt ít nhiều. Nào là có một tên cầu bơ cầu bất, một thằng khố dây, một tên ăn xin nguy hiểm, nó đã lọt vào trong tỉnh. Nào nó đến xin trọ ở nhà hàng Laba nhưng người ta không chứa. Nào lúc nhá nhem tối người còn thấy nó ở đại lộ Cátxăngđi đang rình mò trong các phố. Một tên đầu trộm đuôi cướp mặt mày dễ sợ lắm.

Ông giám mục nói:

- Thật ư?

Thấy ông giám mục đã chịu khó hỏi han, bà phấn khởi đoán chừng câu chuyện đã làm ông hơi lo, nên đắc thắng nói tiếp:

- Vâng, thưa Đức Cha, đúng thế. Đêm nay trong tỉnh thế nào cũng có chuyện chẳng lành. Ai cũng bảo thế cả. Đã vậy, việc tuần phòng lại lơ là thế nào ấy (câu nhắc cần thiết)! Ai lại ở xứ rừng núi thế này mà đêm hôm phố xá chẳng có đèn đóm gì cả! Bước ra khỏi nhà thì cứ như là chui vào hũ nút. Thưa Đức Cha, có cô Baptistin đấy, cô cũng đồng ý với con là...

Cô này vội ngắt lòi:

- Không, tôi có nói gì đâu. Anh tôi làm thế nào cũng phải cả.

Bà Magơloa làm như không có lời chối cãi ấy, cứ tiếp:

- Chúng tôi bàn với nhau là cái nhà này cửa ngõ không chắc chắn gì cả. Đức Cha cho phép thì con đến lão thợ khóa Pôlanh Muyzơboa bảo lão ta đến tra ngay bộ then cũ vào cửa; hãy còn đủ cả đấy, chỉ một chốc là xong. Thưa Đức Cha, thế nào cũng phải có then, dù là chỉ một đêm nay thôi. Chứ cửa gì mà lại ở bên ngoài kéo cái cựa gà là mở ngay, ai muốn mở lúc nào cũng được, đến là khiếp. Đã thế Đức Cha lại quen tính hễ nghe gõ cửa là bảo cứ vào, nửa đêm gà gáy cũng chẳng cần xin phép xin tắc gì cả, thực chẳng còn trời đất nào nữa...

Giữa lúc ấy có một tiếng đập cửa khá mạnh. Ông giám mục bảo:

- Cứ vào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích