Những Ngày Xanh
Chương mười hai

Nhiều năm kế tiếp trôi qua... Mấy cây anh đào trước nhà xum xuê hơn trước.

Buổi chiều tháng 4 năm 1910, tôi rời trường, lòng vui vẻ, hãnh diện. Mặt trời hồng rực rỡ lặn sau ngọn Ben.

Chiều nay tôi cảm thấy tôi chính là tôi, bởi đôi lúc tôi ngờ ngợ như mình là kẻ nào khác, vâng! Đôi lúc tôi xa lạ với chính tôi.

Sáng hôm kia ở hiệu Baxter ra, tôi chợt nhìn trong tủ kính, giật mình vì hình ảnh phản chiếu cho tôi thấy một thiếu niên 15 xanh xao, gầy ốm, tay chân dài ngoằng, nét mặt u trầm, buồn bã... Tôi đã giật mình tự hỏi: mình đó sao, trời?

Nhưng hôm nay thì tôi hết sức phấn khởi, sung sướng vì câu chuyện thầy Reid nói với tôi lúc tôi ra về. Số là chúng tôi sắp được nghỉ lễ Phục Sinh, trước khi tan học thầy đã giữ tôi lại (thầy còn trẻ, khoảng 30, dáng cao lớn, khỏe mạnh, một cái sẹo dài nằm vắt ngang ở môi trên và vì nó, chiếc mũi thầy hơi thấp xuống, khiến người ta thấy đôi mắt xanh thầy to hơn, lộ hơn dưới mái tóc óng ả vàng hoe. Da thầy trắng và hơi nhờn. Râu luôn luôn được cạo nhẵn, hình như ông không cần che giấu vết sẹo trên môi). Thầy ôn tồn bảo tôi:

- Robert Shannon! Trò không giống như các bạn cho nên... – ông gõ gõ tay lên bàn trong khi tôi nhìn chăm chú vào ông – ta muốn đề nghị với trò một điều này...

Trở về đến nhà, tôi vẫn còn bàng hoàng xúc động vì câu chuyện thầy nói với tôi. Tôi muốn được một mình nghiền ngẫm bí mật này. Song ông tôi đã chờ tôi trước cửa sổ mở rộng, bàn cờ "dame" trước mặt. Giọng nóng nảy, ông hỏi:

- Sao con về trễ thế? Có gì hở?

-Thưa ông, không có gì.

Ít lâu nay tôi trở nên khép kín đối với ông, vả chăng ông khôngcòn là bậc anh hùng đối với tôi và bí mật quý báu này tôi không muốn chia sẻ với ông.

Phải công bình mà nhận rằng ông ít thay đổi hơn tôi: vẫn còn khỏe mạnh, tuy râu ông ngả bạc và chiếc áo ghi lê càng ngày càng nhiều vết bẩn hơn. Gần đây, bạn ông, ông Peter-Dickie đã vào Viện dưỡng lão. Song về phần ông, ông rất ghét nghe ai nói đến chết chóc cũng như nhắc đến tuổi tác đè nặng người ông. Càng lúc ông càng tỏ ra yêu đời, vui vẻ nhất là trong lúc này, theo lệ thường, bà cố tôi đã đi Kilmarnoch.

Ông không vui vì cảm thấy tôi không hăng say chơi cờ với mình, cái thú ông vẫn say mê:

- Robert, con làm sao vậy? Y  như ngồi trên lửa...

Tôi nén lòng đến ngồi trước mặt ông, ông cúi đầu nhíu mày nhìn bàn cờ, chú chú chăm chăm tính nước và ông giăng bẫy tôi bằng cách đi một nước cờ với vẻ hết sức lơ đãng, tay còn gõ gõ ống điếu nữa chớ.

Còn tôi, tôi đầu óc đâu mà nghĩ đến trò chơi: tôi đang bị ám ảnh về cái đề nghị tốt đẹp của thầy Reid. Trước mắt tôi tương lai rộng mở. Như tất cả các bạn đồng học, tôi hết sức lo lắng, bối rối khi sắp rời trường để chọn nghề. Tôi có tham vọng, muốn trở thành một nhân vật đặc biệt, nhưng hoàn cảnh tôi chỉ cho tôi rất ít hy vọng để trở thành mẫu người tôi ao ước. Ở trung học tôi luôn luôn nhất lớp và các giáo sư đều tiên đoán tôi sẽ tiến xa. Song chưa một vị giáo sư nào, trừ thầy Reid để ý đến tôi đặc biệt. Thầy là người chú ý đến năng khiếu tôi, đứa học trò say mê sinh vật có cái gì khác hơn là sự giải trí suông. Tóm lại, thầy có biệt nhãn đối với tôi. Tôi còn nhớ rõ...

Một hôm vào mùa hè, một đôi bướm xanh loại thông thường nhất bay qua khung cửa sổ mở rộng, vào lớp. Cả lớp đều ngẩng lên, nhìn. Giọng mơ màng như là đặt câu hỏi cho chính mình chứ không phải cho bọn môn sinh, thầy Reid nói:

- Tại sao chúng bay thành cặp, nhỉ?

Im lặng giây lâu và rồi, tôi rụt rè đáp:

- Thưa thầy, vì bây giờ là mùa chúng ghép đôi.

Thầy nhìn tôi hỏi thêm:

- Có phải trò nghĩ rằng bướm cũng biết yêu nhau không?

- Thưa thầy, vâng! Chúng nhận ra nhau cách xa hàng dặm nhờ một mùi thơm do chúng tiết ra.

- Chuyện khá lý thú đấy! – Thầy tiếp, vẻ nghi ngờ về sự hiểu biết của tôi – Này, Robert! Trả lời tôi câu nữa: làm sao chúng nhận ra mùi của nhau?

- Thưa, nhờ những gai thịt ở đầu mấy sợi râu...

Thấy thầy nhìn tôi, mỉm cười có vẻ tán thưởng và khuyến khích, tôi thêm:

- Thưa thầy, điều này cũng chưa có gì là mới lạ, so với loại Amrial pourpre, giống này ngửi bằng cẳng kia...

Bạn học tôi cười lên như phá, nhưng chúng bị thầy cắt ngang:

- Im đi, lũ ngu! Ít nhất trò ấy còn khá hơn các trò. Này, Robert! – Ông tiếp tục hỏi tôi. – Trò có thể cho biết chúng có thể nhận ra nhau không, nếu không có cái mùi đặc biệt kể trên?

- Thưa thầy, mắt của loài bướm lạ lắm: nó gồm khoảng ba ngàn phần tử, mỗi phần gồm có đủ giác mô, võng mô, thủy tinh thể, nhưng dù chúng có tài phân biệt màu sắc, chúng chỉ có thể thấy rất gần, không quá một thước hai.

Khi tôi dứt lời, nét mặt thầy rạng rỡ hẳn lên song thầy không hỏi tiếp gì nữa. Cuối giờ học, trong khi sắp hàng, thầy mỉm cười với tôi. (Ôi chao! Làm sao quên được cái cười thân mật đó!).

Kể từ ấy, không những khuyến khích tôi tiếp tục học thêm về Sinh vật học, thầy còn dạy tôi Vật lý, trình độ cao hơn các bạn tôi. Vài tháng kế đó, thầy dắt tôi vào phòng thí nghiệm, hướng dẫn tôi thêm.

Nhờ vậy, tôi thường rất cô đơn, trở nên mến phục thầy rất mau và những lời thầy dạy trong lớp, tôi xem ngang như Kinh Thánh.

Gavin đã theo lời cha vào trường nội trú Larchfield năm ngoái. Điều này làm tôi đau đớn không ít. Đó là một trường Trung học trưởng giả nổi tiếng, học phí rất đắt, khó có con nhà trung lưu nào học nổi. Tôi chỉ còn một điều an ủi là: tuy Gavin được cảm tình của nhiều bạn mới, nó vẫn quý mến nhất có mình tôi không thay đổi.

Mỗi trưa hè, mượn xe đạp thầy Reid, tôi vượt 15 dặm đến để xem bạn tranh giải cho trường. Thoạt thấy tôi, tức thì Gavin bỏ hết đám bạn vây quanh, can đảm chạy lại với tôi. Tôi, kẻ phá đám, khép nép đứng chờ bạn ở một góc sân thể thao, cái sân sang trọng, Gavin, áo thun sọc, quần nỉ mềm trắng, buông mình xuống cỏ cạnh tôi, bứt cọng cỏ đưa lên miệng, hỏi:

- Sao? Ở Lenvenford có gì lạ không?

Và nhìn sâu vào mắt nhau, chúng tôi biết rằng không gì chia rẽ được chúng tôi, trừ cái chết, nhưng chúng tôi còn trẻ quá, lo gì?

Song dù tình bạn chúng tôi khăng khít, mãnh liệt, dù suốt ngày nghỉ nào cũng có mặt bên nhau, chúng tôi vẫn cam chịu xa nhau hàng tháng dài vì bận học. Phần tôi, đáng lẽ thay vì bằng lòng với một thằng bạn kém hơn Gavin đôi chút, tôi thà cô độc thui thủi một mình.

Một mình, tôi rong ruổi khắp các vùng quanh tỉnh, tôi quen thuộc từng tổ chim, từng phiến đá, từng lối mòn trên các ngọn đồi Winton. Cho đến nỗi mấy bác gác rừng quen mặt và cho phép tôi tự do đi lại, đó là một đặc ân hiếm có.

Bộ sưu tập của tôi tăng dần. Tôi có cả những loại sâu bọ hiếm nhất, như con chuồn chuồn đặc biệt thuộc loại Pantala flavescens, theo tôi biết thì  chưa bao giờ được thấy ở Tô Cách Lan này, trước đây. Nhờ tìm tòi thám hiểm, tôi không hề ao ước "nghỉ hè trên bãi bể" như các bạn. Trí tưởng tượng mang tôi ra xa hơn mấy bờ bể nhỏ. Đồng hoang đối với tôi trở thành rừng hoang vu, nơi tôi mạo hiểm xông pha với  nhiều thận trọng.

Nhưng thưa các bạn, đừng ngỡ là ngoài giờ học tôi được tự do theo đuổi đàn bướm suốt ngày đâu. Ba tôi luôn luôn trông coi cho giờ rảnh rỗi của tôi trở thành hữu ích. Từ lúc ông cho là tôi đã đến tuổi có thể làm việc được, ông kiếm việc cho tôi ngay.

Ông không ngừng thúc bách mẹ tôi giảm chi, dù bà đã giảm chi đến mức tối đa.

Thời gian gần đây, ba tôi đích thân thanh toán mọi chi phí trong tháng, ông luôn luôn đòi bớt, bớt, bớt cho đến nỗi người bán phát khùng lên; mua bất cứ vật gì ông cũng cò kè lâu lắc. Mỗi khi nghe bán đấu giá, bán xôn một vật gì xem ra có ích (theo ý ông) ông liền quyết định đi mua. Nhưng tính hà tiện của ông thường thắng: trở về với hai tay không, ông vui vẻ reo lên rằng tiền vẫn còn nguyên!

Một tiếng kêu thích thú làm tôi chợt tỉnh, tiếng kêu của ông tôi. Đầu óc bay bổng đâu đâu nên tôi đã thua nốt hai con cờ chót. Ông tôi cười hả hê:

- Ta thắng được con rồi, thấy chưa? Thắng cậu học trò thông minh nhất tỉnh đâu phải chuyện chơi?

Tôi vội vàng rời ông ngay, chỉ nơm nớp sợ ông giữ lại bày ván nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Những Ngày Xanh Chương mười hai

Có thể bạn thích