Những Đứa Con Của Nửa Đêm
Chương 27: Dưới bóng Thánh đường

Không nghi ngờ gì nữa: đang có một sự tăng tốc. Rắc roạc rộp - trong khi mặt đường nứt toác dưới cái nóng ghê người, tôi cũng đang bị đẩy nhanh tới chỗ tan rã. Thứ-gặm-mòn-xương (một thứ, như tôi thường xuyên phải giải thích với quá nhiều đàn bà ở quanh mình, vượt xa khả năng nhận biết, chưa nói đến cứu chữa, của các thầy thuốc) sẽ chẳng thể bị kìm hãm bao lâu nữa, mà chuyện chưa kể thì còn quá nhiều...

Cậu Mustapha đang lớn dần bên trong tôi, và cái bĩu môi của Parvati-phù-thủy, một lọn tóc của người anh hùng đang chờ đợi sau cánh gà. Và một cơn trở dạ kéo dài mười ba ngày, và lịch sử đồng dạng với kiểu tóc của một thủ tướng, sắp có sự phản bội, và trốn vé, và mùi (phảng phất theo những cơn gió trĩu nặng tiếng rên rỉ của những góa phụ) thứ gì đó đang bị rán trên chảo sắt... Thế nên, tôi cũng buộc phải tăng tốc, phải bứt phá về đích, trước khi ký ức của tôi vỡ vụn, không mong gì sắp xếp lại được, tôi phải ưỡn ngực chạm đích. (Mặc dù đã có, đã có những chỗ mơ hồ, khiếm khuyết; và đôi khi cần phải ứng tác.)

Hai mươi sáu lọ ngâm ảm đạm xếp hàng trên giá, hai mươi sáu công thức pha trộn đặc biệt, mối lọ có một nhãn định danh riêng, được viết ngay ngắn với những hàng chữ quen thuộc. Chẳng hạn “Cuộc Hành Quân Của Lọ Gia Vị”, hay “Alpha và Omega”, hay “Cây dùi cui của Trung tá Sabarmati”. Hai mươi sáu cái lọ lanh canh rất hùng hồn mỗi khi đoàn tàu hỏa vàng-và-nâu chạy qua. Trên bàn tôi, năm cái lọ rỗng leng keng đầy khẩn thiết, nhắc nhở tôi về nhiệm vụ chưa hoàn thành. Nhưng giờ tôi không thể lần lữa bên những chiếc lọ rỗng không, đêm là thời khắc của ngôn từ, và chutney xanh phải đợi đến lượt mình.

Padma tư lự: “Ôi, ông này, Kashmir tháng Tám chắc là đẹp lắm, trong lúc ở đây nóng như thiêu!”

Tôi buộc phải quở trách bạn đồng hành phúng-phính-nhưng-cơ-bắp này, vì để tâm trí vơ vẩn tận đâu, và buộc phải thừa nhận Padma Bibi của chúng ta, con người nhẫn nại khoan dung khéo vỗ về, bắt đầu cư xử giống một bà vợ Ấn Độ đích thực. (Còn tôi, với nết xa cách và chỉ mải việc mình, giống một ông chồng?) Gần đây, bất chấp thái độ lạnh nhạt phó mặc số mệnh của tôi trước các vết nứt đang lan rộng, tôi đã ngửi thấy, trong hơi thở của Padma, giấc mơ về một kịch bản tương lai khác (nhưng bất khả).

Phớt lờ cái kết cục bất khả tiêu trừ của những rạn nứt trong nội thể tôi, cô bắt đầu tỏa ra mùi hương ngọt đắng của hy-vọng-hôn-nhân. Bông sen-phân của tôi, người lâu nay vẫn vững vàng trước những cái nhếch môi dè bỉu của đội ngũ lao động nữ bắp tay phủ lông tơ; người đã đặt việc chung sống với tôi ra ngoài và lên trên mọi chuẩn mực xã hội, có vẻ đã quy hàng khát vọng được chính danh... Tóm lại, dù không đả động gì đến chủ đề này, cô vẫn chờ đợi tôi biến cô thành một người đàn bà đoan chính.

Mùi hương hy vọng u sầu ngấm vào những lời lẽ quan hoài vô tư nhất của cô. Thậm chí ngay lúc này, khi cô, “Ông này, sao không kết thúc vụ viết lách này rồi nghỉ ngơi; về Kashmir, cho thanh tĩnh một thời gian - và ông có thể đem Padma của ông theo, để cô ta có thể chăm nom...?”

Đằng sau giấc mơ chớm nở về kỳ nghỉ Kashmir ấy (cũng từng là giấc mơ của Jehangir, Đại đế Mughal, của Ilse Lubin tội nghiệp bị lãng quên, và có lẽ của chính Jesus Christ), tôi đánh hơi thấy sự hiện diện của một giấc mơ khác, có điều cả hai đều sẽ không thể thành hiện thực. Bởi vì giờ đây những vết nứt, những vết nứt và luôn là những vết nứt, đang thu hẹp tương lai của tôi tới một dấu chấm hết duy nhất và tất yếu. Và cả Padma cũng sẽ phải ngồi ghế sau để tôi cố thế kết thúc câu chuyện của mình.

Ngày nay, báo chí đang bàn tán về khả năng tái xuất chính trường của Indira Gandhi, nhưng lúc tôi quay về Ấn Độ, náu mình trong chiếc giỏ liễu gai, “Quý Bà” đang đắm mình trong tột đỉnh vinh quang. Ngày nay, có thể chúng ta đều đã quên, tự nguyện chìm đắm trong vùng mây mù nguy hại của bệnh mất trí nhớ, nhưng tôi vẫn nhớ, và sẽ ghi chép lại, tôi đã - bà ta đã - chuyện đã xảy ra như thế nào mà... - không, tôi không được nói ra, tôi phải kể tất cả theo trình tự, đến khi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiết lộ...

Ngày 16 tháng Mười hai năm 1971, tôi bổ nhào ra giữa một đất nước Ấn Độ nơi đảng Tân Quốc đại của bà Gandhi nắm hơn hai phần ba số ghế trong Quốc hội.

Trong chiếc giỏ tàng hình, nhận thức về bất công đã biến thành giận dữ, và một số thứ khác nữa - không chỉ biến đổi vì cơn thịnh nộ, trong tôi còn trào dâng cảm giác đau xót của nỗi cảm thông với một đất nước không chỉ là chị em song sinh mà còn dính liền với tôi (một cách hình tượng) ở hông, khiến điều gì xảy ra với người này, cũng xảy đến với người kia. Nếu tôi, mũi thò lò mặt nhọ vân vân, vì thế mà gặp lắm gian truân, thì em cũng vậy, người em tiểu lục địa sinh đôi của tôi. Và giờ đây khi đã tự cho mình quyền lựa chọn một tương lai tốt đẹp hơn, tôi quyết rằng đất nước này phải được chia sẻ điều đó. Tôi nghĩ rằng khi bổ nhào ra giữa bụi bặm, bóng thánh đường và tiếng reo hò thích thú, tôi đã mang sẵn trong lòng một quyết tâm cứu nước.

(Nhưng còn những vết rạn nứt... liệu tôi, khi ấy, đã kịp nhận ra rằng tình yêu tôi dành cho Jamila Ca sĩ đã, theo một nghĩa nào đó, sai lầm? Liệu tôi đã kịp hiểu ra mình đã cứ thế trút lên vai cô sự sùng bái mà giờ đây tôi nhận chức rõ là một tình yêu hướng thượng, quảng đại dành cho đất nước? Tới lúc nào tôi mới nhận ra, rằng những tình cảm loạn luân đích thực của tôi là dành cho người em gái song sinh thật sự, cho chính Ấn Độ, chứ không phải cho ngữ xướng ca vô loài đã nhẫn tâm trút bỏ tôi, như một bộ da rắn dùng rồi, và vứt tôi vào cái thùng rác ẩn dụ là đời lính? Lúc nào lúc nào lúc nào?... Thừa nhận thất bại, tôi buộc phải ghi lại rằng, tôi không thể nhớ chính xác.)

Saleem ngồi hấp háy mắt giữa đám bụi, dưới bóng một thánh đường. Một người khổng lồ đứng bên gã, cười toét miệng, hỏi, “À há, đội trưởng, chuyến đi ổn hỉ?“

Còn Parvati, mắt mở to đầy phấn khích, rót nước từ chiếc lotah[1] vào đôi môi nứt nẻ mặn chát của gã... Cảm giác! Cái buốt giá của nước giữ lạnh trong surahi[2] bằng đất nung, cái nứt nẻ bỏng rát của đôi môi khô héo, chất bạc và thanh kim thạch siết trong lòng tay...

“Tôi cảm thấy rồi!” Saleem reo lên với đám đông thân thiện vây quanh.

[1] Một kiểu ca nước, thường làm bằng đồng

[2] Bình đựng nước cổ cao.

Lúc ấy là thời điểm buổi chiều được gọi là chaya[3], khi bóng của Thánh đường Thứ Sáu cao chót vót bằng gạch đỏ và cẩm thạch vắt ngang những căn lều hỗn loạn của khu ổ chuột chen chúc dưới chân nó, với những mái tôn xiêu vẹo tạo thành một không khí nóng hầm hập, đến mức không thể ở nổi trong những túp lều xập xệ này trừ lúc chaya và ban đêm… Nhưng lúc này, các nghệ sĩ ảo thuật và uốn dẻo và tung hứng và các fakir đều tập hợp dưới bóng râm quanh cột ống khói khổng lồ đơn độc nọ để chào đón người mới đến.

“Tôi cảm thấy rồi!” Tôi reo lên.

Và rồi Picture Singh, “Tốt rồi, đội trưởng - nói xem, chú cảm thấy sao hỉ? - khi được sinh ra lần nữa, như một đứa trẻ sơ sinh, lăn ra từ giỏ của Parvati?”

Tôi có thể ngửi thấy mùi kinh ngạc ở Picture Singh, anh rõ ràng là sửng sốt trước xảo thuật của Parvati, có điều, là dân trong nghề thực thụ, anh không tưởng đến chuyện hỏi xem cô làm điều đó như thế nào. Nhờ vậy mà Parvati-phù-thủy, người sử dụng pháp lực vô biên của mình đưa tôi đến nơi an toàn, đã thoát khỏi bị phát hiện. Và cũng còn vì, như về sau tôi khám phá ra, ghetto của giới ảo thuật không tin, với sự quả quyết tuyệt đối của những kẻ sống-bằng-nghề-ảo-thuật, sự tồn tại của pháp thuật.

Thế nên Picture Singh bảo tôi, với vẻ kinh ngạc, “Anh thề, đội trưởng - ở trong giỏ chú rất nhẹ, như trẻ sơ sinh!”

Nhưng anh không bao giờ hình dung ra được, tình trạng không trọng lượng của tôi tuyệt không hề là xảo thuật.

[3] Nghĩa là bóng râm.

“Ê này, sahib cu tí,” Picture Singh kêu lên, “Chú thấy sao hỉ, đội trưởng cu tí? Hay là anh kiệu chú lên vai cho chú ợ hơi nhé?”

- Và giờ Parvati, khoan dung: “Cái anh này, baba, hơn tí là đùa nhảm.” Cô cười rạng rỡ với tất cả mọi người có mặt... nhưng ngay lúc đó, một việc bất tường xảy ra. Một giọng đàn bà rít lên từ phía sau nhóm ảo thuật gia: “Ai-o-ai-o! Ai-o-o!” Đám đông ngạc nhiên tách ra và một bà già vọt qua lao thẳng vào Saleem, làm tôi buộc phải tự vệ trước một màn múa chảo, cho đến khi Picture Singh, kinh hãi, túm lấy cánh tay múa chảo của bà già, rồi gầm gừ, “Này, đội trưởng gái, làm nhộn cái gì thế?” Và bà già, dai dẳng: “Ai-o-ai-o!”

“Resham Bibi,” Parvati nói, khó chịu, “Kiến bò trong não bà à?”

Và Picture Singh, “Chúng ta có khách, đội trưởng gái ạ - cậu ấy biết làm thế nào khi bà cứ rầm rĩ lên? Arre, im nào, Resham, đội trưởng đây là chỗ bạn bè với Parvati của chúng ta đấy! Đừng gào rú trước mặt cậu ấy nữa!”

“Ai-o-ai-o! Điềm gở đến rồi! Ngươi sang xứ lạ và đem nó về đây! Ai-oooo!”

Nét mặt hoang mang của các nhà ảo thuật nhìn từ Resham Bibi sang tôi - bởi mặc dù là một cộng đồng phủ nhận sự siêu nhiên, họ là nghệ sĩ, và, như mọi người hành nghề biểu diễn, họ ngấm ngầm tin vào vận số, vào may rủi...

“Chính ông vừa bảo,” Resham Bibi rít lên, “hắn được sinh ra hai lần, và thậm chí không phải từ đàn bà! Giờ thì hoang tàn, bệnh dịch và chết chóc sẽ giáng xuống. Ta ngần này tuổi rồi, ta biết. Arre baba,” bà ta sầu thảm quay sang tôi, “Hãy rủ lòng thương; đi đi - mau đi!”

Tiếng xì xầm nổi lên - “Phải rồi, Resham Bibi biết rõ những chuyện ngày xưa”

- Nhưng Picture Singh nổi cáu. “Đội trưởng đây là thượng khách của ta,” anh quát, “Cậu ấy sẽ ở lại nhà ta bao lâu tùy thích. Các người xì xào cái gì? Đây không phải là chỗ kể chuyện hoang đường.”

Lần đầu tiên lưu lại ghetto của giới ảo thuật của Saleem Sinai chỉ kéo dài vài ngày. Nhưng trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy, một số chuyện xảy ra đã làm dịu đi nỗi sợ mà ai-o-ai-o đã khơi lên. Sự thật trần trụi, không màu mè là, hồi ấy, các ảo thuật gia và nghệ sĩ trong ghetto bắt đầu đạt những đỉnh cao mới - các nghệ sĩ tung hứng giữ được một ngàn lẻ một trái bóng trên không cùng lúc; đệ tử nhập môn của một fakir lạc bước vào một thảm than hồng, rồi thản nhiên bước qua, như thể cô đã học được bản tính của sư phụ bằng cách thẩm thấu; và tôi nghe nói trò ảo thuật dây thừng[4] đã thành công.

Đồng thời, cảnh sát không thực hiện được đợt càn quét hằng tháng vào ghetto, điều trong ký ức của mọi người chưa từng xảy ra; và khu trại liên tục có khách viếng thăm, người hầu của các nhà giàu, đặt hàng sự phục vụ của một hay nhiều nghệ sĩ trong chương trình văn nghệ của đêm gala này nọ... trên thực tế, có vẻ như Resham Bibi lần này đã đoán nhầm, và tôi nhanh chóng trở nên nổi tiếng tại ghetto. Tôi được đặt tên là Saleem Kismeti, Saleem May mắn; Parvati được chúc mừng, vì đã mang tôi về khu ổ chuột. Và cuối cùng, Picture Singh đưa Resham Bibi đến xin lỗi.

[4] Một tiết mục ảo thuật kinh điển của Ấn Độ, trong đó nhà ảo thuật phù phép cho một sợi dây thừng vươn thẳng lên trời, sau đó một cậu bé phụ tá sẽ leo lên rồi biến mất.

“Sin ỗi,” Resham móm mém nói rồi bỏ chạy.

Picture Singh thêm, “Già rồi khổ thế đấy, não xơ và trí nhớ lộn tùng phèo hết cả. Đội trưởng, đây ai cũng bảo chú là vận may của chúng tôi; nhưng chú có định ra đi sớm không?”

Và Parvati, đôi mắt tròn xoe nín lặng nhìn tôi như van nài đừng đừng đừng, nhưng tôi buộc phải trả lời bằng câu khẳng định.

Saleem, ngày nay, tin chắc rằng gã đã trả lời, “Có”. Rằng cũng vào buổi sáng hôm ấy, vẫn mặc tấm áo choàng lùng thùng, vẫn không rời cái ống nhổ bạc, gã cất bước ra đi, mà không nhìn lại cô gái dõi theo gã với ánh mắt rớm ướt những trách móc. Rằng, vội vàng sải bước qua các nghệ sĩ tung hứng đang tập luyện, qua những hàng bánh kẹo phả vào mũi gã thứ mùi quyến rũ của rasgulla, qua các bác thợ cạo lấy mười paisa một lần cạo mặt, qua bước chân tha thẩn vật vờ của những bà cụ và tiếng léo nhéo giọng Mỹ của lũ nhóc đánh giày đang bu lấy từng đoàn xe du khách Nhật mặc đồng phục xanh giống hệt nhau và đội khăn xếp màu nghệ nhìn chả ăn nhập gì do những gã hướng dẫn viên xun xoe một cách tinh quái vấn cho.

Qua những dãy bậc thang cao ngất dẫn lên Thánh đường Thứ Sáu, qua những lái buôn ý tưởng và tinh dầu và mô hình của Qutb Minar[5] bằng thạch-cao-Ba-lê và ngựa đồ chơi phết sơn và gà chưa cắt tiết cánh vỗ phành phạch. Qua những lời mời chọi gà và chơi bài, gã bước ra khỏi ghetto của giới ảo thuật và thấy mình đang đứng tại Faiz Bazar, đối diện bức tường trải dài bất tận của Thành Đỏ, nơi từ trên thành lũy của nó một Thủ tướng đã từng tuyên bố độc lập.

Và dưới bóng của nó một người đàn bà đã gặp một người chủ hộp vạn hoa, một anh chàng Dilli-dekho người dẫn bà đi vào những ngõ hẹp để nghe tiên đoán về tương lai của con trai bà, giữa bầy chồn và kền kền và các bệnh nhân gãy xương tay bó lá; rằng, nói ngắn gọn, gã rẽ phải và đi khỏi Thành Cổ hướng về những cung điện màu hường do những kẻ chinh phục da hồng xây dựng đã lâu: từ bỏ những cứu tinh của mình, tôi đi bộ đến New Delhi.

[5] Ngọn tháp thánh đường (minaret) cao nhất Ấn Độ, được UNESCO trao danh hiệu Di sản Thế giới.

Tại sao? Tại sao, sau khi hắt hủi một cách vô ơn nỗi buồn nhớ quá khứ của Parvati-phù-thủy, tôi ngoảnh mặt với cái cũ và lên đường đến với cái mới? Tại sao, sau suốt nhiều năm tìm thấy nơi cô một đồng minh trung thành nhất ở các hội nghị về đêm trong tâm trí tôi, tôi lại rời bỏ cô nhẹ tênh đến thế vào buổi sáng? Đấu tranh với những khoảng trống rạn nứt về quá khứ, tôi chỉ có thể nhớ nổi hai lý do, nhưng không dám chắc cái nào là chủ yếu, hay là còn một cái thứ ba... Trước hết, dù sao đi nữa, tôi đã đánh giá toàn diện tình hình.

Saleem sau khi phân tích cơ hội của mình, không thể không tự thừa nhận rằng chẳng có gì tốt đẹp hết. Tôi không có hộ chiếu, xét về pháp lý là dân nhập cư bất hợp pháp (đã từng là người di cư hợp pháp), trại P.O.W. đang chờ tôi ở khắp nơi. Và cho dù có gác tình trạng bại-binh-chạy-trốn của tôi sang một bên, thì danh sách những bất lợi của tôi vẫn rất ghê gớm. Tôi không có tiền hay quần áo, không bằng cấp, chưa hoàn tất bậc học và cũng chẳng nổi trội gì trong những học phần tôi đã trải qua. Tôi làm sao để theo đuổi kế hoạch tham vọng là cứu quốc khi không có lấy một mái nhà trên đầu hay một gia đình để bảo vệ ủng hộ hỗ trợ...

Tôi bỗng nhận ra, như sét đánh bên tai, rằng mình đã nhầm, rằng ở đây, chính tại thành phố này, tôi có họ hàng - và không chỉ họ hàng bình thường, mà họ hàng có thế lực!

Cậu tôi Mustapha Aziz, một Công Chức cấp cao, người lần cuối tôi nghe nhắc đến đã là nhân vật số hai ở Sở của cậu. Còn có người bảo hộ nào phù hợp hơn cho tham vọng Cứu thế của tôi? Dưới mái nhà cậu, tôi có thế tạo dựng quan hệ và có quần áo mới, có sự bảo trợ của cậu, tôi sẽ được bổ dụng vào Chính quyền. Và, trong quá trình tìm hiểu nội tình chính phủ, chắc chắn tôi sẽ tìm thấy chìa khóa cho sự nghiệp cứu quốc. Và tôi sẽ được các Bộ trưởng lắng nghe, có thể tôi còn xưng hô bằng tên[6] với con người vĩ đại...!

Chính vào lúc bị viễn cảnh huy hoàng ấy chế ngự tôi đã bảo Parvati-phù-thủy, “Tớ phải đi, nhiều đại sự đang diễn ra!”

Và, nhìn thấy sự tổn thương trên hai gò má đột nhiên bừng đỏ, bèn an ủi cô: “Tớ sẽ đến thăm cậu thường xuyên. Thường xuyên thường xuyên.”

Nhưng cô không thấy được an ủi... lý tưởng cao đẹp, như vậy, là một động cơ khiến tôi ruồng bỏ những người đã giúp đỡ tôi. Nhưng chẳng phải còn một động cơ khác nhỏ mọn hơn, thấp kèm hơn, riêng tư hơn sao? Có đấy. Parvati đã bí mật dắt tôi ra một góc sau một căn lán dựng bằng tôn-và-gỗ-phế-thải, nơi gián đẻ trứng, nợi chuột làm tình, nơi ruồi ngốn ngấu phân chó, cô siết chặt cổ tay tôi và trở nên bừng sáng ở mắt và xuýt xoa ở lưỡi. Nấp trong đoạn ruột già thối rữa của ghetto, cô thú nhận rằng tôi không phải đứa trẻ nửa đêm đầu tiên tao ngộ với cô!

Và giờ là câu chuyện về đoàn diễu hành ở Dacca, khi các ảo thuật gia sánh bước bên các anh hùng, kia là Parvati nhìn lên một chiếc xe tăng, kia là mắt-Parvati bắt gặp một cặp đầu gối khủng bố, linh hoạt như tay... cặp đầu gối kiêu hãnh gồ lên dưới bộ quân phục hồ cứng. Kia là Parvati kêu lên, “Ơ này! Ơ này...” và rồi cái tên không thế nói ra, cái tên của tội lỗi của tôi, của kẻ đáng lẽ sẽ sống cuộc đời của tôi nếu không có một tội ác trong nhà hộ sinh. Parvati và Shiva, Shiva và Parvati, mà vận mệnh thần thánh của hai cái tên đã định cho họ gặp nhau, được hội ngộ đúng vào thời khắc chiến thắng.

“Anh hùng đấy!” cô xuýt xoa tự hào đằng sau căn lán. “Họ sẽ cho cậu ấy làm quan to này kia!”

Và bây giờ, thứ gì được rút ra từ nếp y phục xác xơ của cô? Thứ gì từng kiêu hãnh mọc trên đầu một anh hùng và nay nép vào bầu ngực nàng pháp sư?

“Tớ xin và cậu ấy cho,” Parvati-phù-thủy nói, đoạn chìa cho tôi lọn tóc của hắn.

[6] Trong tiếng Anh, khi giao tiếp lịch sự, người ta gọi nhau là ông/bà + họ. Còn nếu là chỗ bạn bè thân mật thì gọi nhau bằng tên.

Tôi có bỏ chạy khỏi lọn tóc định mệnh ấy? Saleem, sợ phải tái ngộ với bản thể đối lập của mình, kẻ đã bị gã từ-rất-lâu cấm cửa ở những cuộc họp nửa đêm, có đào tẩu vào vòng tay của cái gia đình mà cuộc sống tiện nghi đã bị tước mất khỏi tay người hùng thời chiến? Vậy là vì lý tưởng hay tội lỗi ?

Tôi không chắc chắn nữa, tôi chỉ ghi lại những gì nhớ được, ấy là việc Parvati-phù-thủy thì thầm, “Biết đâu cậu ấy sẽ trở lại khi rảnh rỗi; lúc ấy ta sẽ có ba người!”

Và cả một câu nữa, lặp đi lặp lại: “Những đứa trẻ của nửa đêm, yaar... oách đấy chứ, hả?”

Parvati-phù-thủy khiến tôi nhớ lại những điều tôi đã cố gạt bỏ khỏi tâm trí, và tôi rời bỏ cô, đến nhà Mustapha Aziz.

Lần tiếp xúc cuối cùng thê thảm của tôi với sự thân mật tàn nhẫn của cuộc sống gia đình chỉ để lại những mảnh vụn. Tuy nhiên, do tất cả phải được ghi chép để rồi ngâm ủ, tôi sẽ cố gắng chắp nối thành một câu chuyện... Vậy thì, để bắt đầu, tôi xin báo cáo rằng, cậu Mustapha tôi sống tại một bungalow kiểu Công chức tiện nghi một cách nhạt nhẽo, trên một mảnh vườn chỉn chu kiểu Công chức ở ngay trên đường Rajpath, giữa trung tâm thành phố của Lutyens[7].

Tôi đi dọc con-đường-từng-là-Đại-lộ-Hoàng-đế, hít thở vô vàn mùi vị của phố phường, phả ra từ Khu Bách hóa Thủ công và ống xả xe tuktuk. Hương bồ đề và tuyết tùng trộn với mùi ma quái của mồ ma, các toàn quyền và memsahib[8] đi găng tay, với cả mùi hơi người khen khét của các begum giàu xổi, và dân vô gia cư. Đây là tấm bảng tỉ số bầu cử, nơi (trong trận-chiến-quyền-lực đầu tiên giữa Indira và Morarji Desai) người dân đã bu quanh, chờ đợi kết quả, háo hức hỏi nhau: “Con trai hay con gái?”

Giữa cổ và kim, giữa Cổng Ấn Độ và Văn phòng Chính phủ, tâm trí tôi chen chúc suy nghĩ về hai đế chế (Mughal và Anh) đã tiêu vong, và về lịch sử của chính tôi. Bởi vì, đây là thành phố của lời tuyên bố công khai, của quái vật nhiều đầu, và của một bàn tay trên trời rơi xuống. Tôi quyết tâm dấn bước, người bốc mùi, như mọi thứ xung quanh, lên tận trời xanh.

Và cuối cùng, sau khi rẽ trái về phía đường Dupleix, tôi dừng lại trước một khu vườn vô danh, có tường thấp và hàng rào ô rô bao quanh. Ở góc vườn, tôi thấy một tấm biển đu đưa trong gió, như đã một lần những tấm biến từng nở hoa trong các khu vườn ở Điền trang Methwold. Nhưng tiếng vọng này của quá khứ lại kể một câu chuyện khác. Không phải BÁN NHÀ, với hai nguyên âm bất tường cùng bốn phụ âm định mệnh. Bông hoa gỗ trong vườn của cậu tôi nở ra một thông báo kỳ quái: Ngài Mustapha Aziz và Ruồi.

[7] Edwin Lutyens, kiến trúc sư người Anh, người thiết kế hầu hết các kiến trúc quan trọng của New Delhi trong thời kỳ thuộc Anh vào những năm 1920-1930. Nhà của Mustapha có lẽ nằm ở Khu Bungalow Lutyens, một quần thể rộng gồm những dãy nhà xây kiểu bungalow dành cho viên chức của chính quyền. Rajpath là Đại lộ Hoàng gia ở Delhi, nơi tổ chức các cuộc diễu hành quan trọng của thành phố.

[8] Cách xưng hô kính trọng của thời kỳ thuộc Anh, dành cho những phụ nữ da trắng đã lập gia đình.

Không hề biết chữ cuối cùng là lối viết tắt khô khan, quen thuộc của cậu tôi đối với danh từ gây xúc động rộn ràng “gia đình”[9], tôi rơi vào tình trạng hoang mang vì tấm biển gật gù. Tuy nhiên, sau khi đã ở nhà cậu một thời gian rất ngắn, tôi bắt đầu thấy nó hoàn hoàn hợp lý. Vì gia đình của Mustapha Aziz, quả thật, cũng bị đập bẹp, tầm thường, giống-côn-trùng như con Ruồi bị rút gọn một cách bí hiếm nọ.

[9] Gia đình trong tiếng Anh là Family, nếu cắt bỏ ba chữ ami thì còn Fly nghĩa là con ruồi.

Những lời lẽ nào đã chào đón tôi khi, có chút hồi hộp, tôi ấn chuông, lòng tràn trề hy vọng bắt đầu một sự nghiệp mới? Bộ mặt nào đã xuất hiện sau cánh cổng bịt lưới thép và cau lại trong một cơn ngạc nhiên giận dữ?

Padma: tôi nhận được sự chào đón của vợ cậu Mustapha, từ bà mợ điên Sonia, với câu cảm thán: “Ptui! Allah! Thằng này hôi khiếp!”

Và cho dù tôi, ra sức lấy lòng, “Xin chào, Mợ Sonia yêu quý,” và toét miệng cười bẽn lẽn, trước hình thù khuất-sau-lưới-thép của một nhan sắc Iran bắt đầu nhăn nheo ở mợ tôi.

Bà tiếp tục, “Saleem, phải không? Rồi, tao nhớ mày rồi. Thằng ranh con hỗn xược. Lúc nào cũng nghĩ lớn lên mày sẽ thành Chúa này kia. Mà tại sao? Một bức thư ngu xuẩn chắc hẳn do trợ lý thứ mười lăm của phủ Thủ tướng gửi cho.”

Từ buổi gặp đầu tiên ấy, lẽ ra tôi phải dự báo được các kế hoạch của mình sẽ tiêu ma. Lẽ ra tôi phải đánh hơi thấy, từ bà mợ điên khùng, mùi sặc sụa không nguôi của lòng đố kỵ Công chức, điều sẽ phá hoại mọi nỗ lực của tôi nhằm xác lập vị thế trên đời. Tôi được nhận một lá thư, bà ta thì không, điều đó làm chúng tôi thành kẻ thù truyền kiếp. Nhưng có một cánh cửa, rộng mở, thoang thoảng mùi quần áo sạch và nhà tắm vòi sen. Và tôi, cảm kích trước những ân huệ nhỏ nhặt, không xét thấy những mùi hương chết người từ mợ tôi.

Cậu tôi, Mustapha Aziz, mà bộ ria một-thời-vuốt-sáp-đầy-kiêu-hãnh không bao giờ hồi phục sau cơn bão bụi gây tê liệt của việc phá hủy Điền trang Methwold, đã bị bỏ qua khi xét để bạt Giám đốc Sở không dưới bốn mươi bảy lần. Và cuối cùng, đã tìm thấy niềm an ủi cho sự thiếu năng lực của mình trong việc đánh đập lũ con. Và lèm bèm hằng đêm về việc mình rõ ràng là nạn nhân của định kiến bài-Hồi-giáo, trong lòng trung thành đầy mâu thuẫn nhưng tuyệt đối với Chính phủ đương thời. Và trong nỗi ám ảnh về khoa phả hệ, sở thích duy nhất của cậu, mà máu đam mê còn lớn hơn khát vọng chứng minh mình là hậu duệ của các Đại đế Mughal của cha tôi năm xưa.

Trong niềm an ủi đầu tiên ông nhận được sự nhiệt tình hưởng ứng của vợ, bà Sonia (tên thời con gái Khosrovani) nửa Iran và khao-khát-làm-phụ-nữ-thượng-lưu. Người xác thực đã hóa điên vì một cuộc sống, trong đó bà buộc phải sắm vai “che tàn bợ đít” cho bốn mươi bảy bà vợ khác nhau và nối tiếp nhau của những nhân vật số một, những người trước đó đã bị bà rẻ rúng với thái độ khệnh khạng bề trên khi họ còn là vợ nhân vật số ba.

Dưới sự hội đồng tẩm quất của cậu mợ tôi, đám em họ tôi giờ đã bị tẩn tơi bời thành một đống nhão nhoét, đến nỗi tôi chịu không nhớ nổi số lượng, giới tính, tầm vóc hay đường nét của chúng nữa. Nhân cách của chúng, tất nhiên, từ lâu đã không còn tồn tại.

Tại nhà cậu Mustapha, tôi ngồi im lặng giữa lũ em bị tán nhuyễn, nghe màn độc thoại hằng đêm và không ngừng tự mâu thuẫn của ông, quay ngoắt từ cay cú vì không được đề bạt sang trung thành mù quáng kiểu chó cưng với mỗi hành động của Thủ tướng. Nếu Indira Gandhi đề nghị cậu tự sát, Mustapha Aziz chắc sẽ quy việc này cho sự thành kiến với người đạo Hồi nhưng lại bênh vực nhãn quan lãnh đạo của đề nghị ấy, và, tất nhiên, sẽ thực hiện nhiệm vụ mà chẳng dám (thậm chí không tưởng đến) phản kháng.

Về phả hệ: cậu Mustapha dành tất cả thờỉ gian rỗi để lấp đầy những cuốn sổ ghi chép dày khự bằng những cây gia tộc hình nhện. Không ngừng đào sâu nghiên cứu và lưu danh sử sách hậu duệ kỳ dị của các đại gia tộc trên cả nước. Nhưng một hôm, trong thời gian tôi ở đây, mợ Sonia được biết về một rishi[10] từ Hardwar. Người nghe đồn đã ba trăm chín mươi lăm tuổi, và thuộc lòng phả hệ của mọi gia tộc Bà la môn trên cả nước.

“Đến cả cái đấy anh cũng chỉ về nhì!” bà rít lên với cậu tôi.

Sự tồn tại của vị rishi từ Hardwar đã hoàn tất quá trình rơi vào điên loạn của bà, khiến sự bạo hành của bà với lũ con gia tăng đến mức cả nhà phải sống thường trực trong nỗi lo xảy ra án mạng. Và cuối cùng, cậu Mustapha buộc phải cho nhốt bà lại, bởi sự quá đáng của bà làm ông khó xử trong công việc.

[10] Ẩn giả Hindu.

Đấy, như vậy, là gia đình mà tôi đã tìm đến. Sự hiện diện của họ ở Delhi trở nên, trong mắt tôi, như một sự báng bổ với quá khứ của tôi. Tại một thành phố mà, với tôi, hồn ma Ahmed và Amina thời trẻ ngự trị vĩnh hằng, con Ruồi gớm ghiếc ấy đang bò lên đất thiêng.

Nhưng điều không bao giờ có thế xác minh được là, những năm sau này, nỗi ám ảnh về phả hệ của cậu tôi, sẽ được tuyển mộ phục vụ một chính quyền đang bên bờ vực sụp đổ, dưới bùa phép song hành của quyền lực và thuật chiêm tinh. Bởi vậy, điều xảy ra ở Quán trọ Góa phụ có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra, nếu không có sự giúp đỡ của ông...

Nhưng không, tôi cũng là tên phản bội. Tôi không kết tội, tôi chỉ muốn nói rằng, đã có lần tôi nhìn thấy, trong đống sổ phả hệ của ông, một cặp tài liệu màu đen bằng da dán nhãn TỐI MẬT, đề tên KẾ HOẠCH M.C.C.

Cái kết đang đến gần, và chẳng thể bị né tránh bao lâu nữa. Nhưng trong lúc sarkar của Indira, như chính quyền của cha bà, ngày ngày đều tham vấn những kẻ bàng môn tà đạo. Trong lúc lũ thầy bói Benarsi[11] góp phần viết nên lịch sử Ấn Độ, tôi phải đi lạc đề sang những hồi ức riêng tư, đau đớn. Bởi chính tại nhà cậu Mustapha mà tôi biết tin, xác thực, về cái chết của gia đình tôi trong cuộc chiến năm 65. Và còn về sự mất tích, chỉ vài ngày trước khi tôi xuất hiện, của giọng hát Pakistan nổi tiếng Jamila Ca sĩ.

[11] Một thành phố thuộc bang Uttar Pradesh bên bờ sông Hằng.

Khi bà mợ điên khùng biết tôi đã chiến đấu trong hàng ngũ phe địch, bà nhất định không cho tôi ăn nữa (cả nhà đang ăn tối), và rít lên, “Chúa ơi, mày thật là gan cùng mình, biết không hả? Mày không có não để nghĩ à? Mày mò đến nhà một Cán bộ Nhà nước Cấp cao - một tên tội phạm chiến tranh sổng chuồng, Allah! Mày tính làm cậu mày mất việc à? Mày muốn đẩy cả nhà tao ra đường à? Mày phải biết nhục chứ! Đi - Đi, cút đi, hay tốt hơn là để tao kêu cảnh sát đến gô cổ mày lại! Đi mà làm tù binh chiến tranh, việc gì đến chúng tao, mày còn chẳng phải con đẻ của bà chị đã quá cố của chúng tao...”

Hai tiếng sét, nối nhau giáng xuống: Saleem lo sợ cho an toàn của mình, đồng thời biết sự thật không thể trốn tránh về cái chết của mẹ gã, biết rằng gã đang ở vào thế yếu hơn là gã tưởng, bởi việc công nhận gã chưa được thực hiện ở phần này của gia đình gã. Sonia, biết rõ lời thú tội của Mary Pereira, có thể làm bất cứ điều gì!...

Và tôi, lẩy bẩy, “Mẹ cháu? Quá cố?”

Và giờ cậu Mustapha, có lẽ cảm thấy vợ mình đã quá lời, gượng gạo nói, “Không sao cả, Saleem, tất nhiên cháu phải ở lại - nó phải ở lại, mình ạ, còn cách nào khác đâu? - thằng bé tội nghiệp còn chẳng biết...”

Rồi họ nói ra.

Tôi bỗng nhận ra, giữa lòng con Ruồi điên dại này, rằng tôi nợ những người đã khuất một cơ số tang kỳ. Sau khi biết về kết cục của cha và mẹ tôi, và bác Alia và mợ Pia và dì Emerald, của ông em họ Zafar với quận chúa xứ Kif của gã, của Mẹ Bề trên và vợ chồng bà cô họ xa Zohra, tôi quyết định dành bốn trăm ngày tiếp theo để thương khóc họ, cho đúng phép và phải đạo: mười tang kỳ, mỗi kỳ bốn mươi ngày. Và rồi, và rồi, còn chuyện về Jamila Ca Sĩ…

Em đã biết tin tôi mất tích trong chiến loạn ở Bangladesh, em người luôn thể hiện tình yêu khi quá muộn, có lẽ đã hơi phát điên vì cái tin này. Jamila, Giọng hát của Pakistan, Họa mi của Đức tin, đả ra mặt phản đối giới cầm quyền mới của một Pakistan bị cắt xén, nhậy ăn và chiến tranh chia cắt.

Trong khi Ngài Bhutto tuyên bố trước Hội đồng Bảo an, “Chúng tôi sẽ xây dựng một Pakistan mới! Một Pakistan tốt đẹp hơn! Đất nước tôi đang lắng nghe tôi!”

Em gái tôi công khai lên án ông ta. Em, thuần khiết nhất trong những kẻ thuần khiết, yêu nước nhất trong những người yêu nước, đã nổi loạn khi nghe tin tôi chết. (Đó, ít ra, là cách nhìn của tôi. Tất cả những gì tôi nghe được từ cậu tôi thuần túy là thông tin, ông thu thập chúng qua đường ngoại giao, một kênh tin tức không đi vào phán đoán tâm lý.) Hai ngày sau bài phê phán những kẻ châm ngòi chiến tranh, em tôi đã biến mất khỏi mặt đất.

Cậu Mustapha cố gắng vỗ về tôi: “Nhiều chuyện rất tồi tệ đang xảy ra ngoài đó.

Saleem, lúc nào cũng có người mất tích, ta phải tính đến tình huống xấu nhất.”

Không! Không không không! Padma: cậu tôi nhầm! Jamila không mất tích trong tay Chính quyền! Vì đúng vào đêm đó, tôi mơ thấy em, dưới bóng tối của đêm đen và sự che giấu của một tấm khăn bình thường, không phải cái áo choàng kim tuyến ai thấy là nhận ra ngay của Bác Puffs, mà một tấm burqa đen bình dị, lên máy bay chạy trốn khỏi thủ đô. Và đây là em, hạ cánh xuống Karachi, không bị xét hỏi không bị bắt giữ hoàn toàn tự do, em bắt taxi đi sâu vào lòng thành phố. Và kia là một tòa nhà kín cổng cao tường với ô cửa lật mà qua đó, đã có thời, lâu lắm rồi, tôi nhận bánh mì, thứ bánh mì men nở vốn là điểm yếu của em tôi.

Em gõ cửa xin vào, các nữ tu mở cửa trong lúc em nài xin tị nạn, phải, kia là em, đã vào trong an toàn, cửa chốt lại sau lưng em, đánh đổi một dạng vô hình lấy một dạng vô hình khác, ngày nay đã có một Mẹ Bề trên khác, vì Jamila Ca sĩ người từng, hồi còn là con Khỉ Đồng, dan díu với Thiên Chúa giáo, đã tìm thấy an toàn nơi nương náu sự bình yên ở dòng tu kín Santa Ignacia...

Phải, em ở đó, an toàn, không biến mất, không rơi vào tay bọn cảnh sát chuyên đấm đá bỏ đói tù nhân, mà an nghỉ, không phải dưới một nấm mồ vô danh bên bờ sông Ấn, mà vẫn sống, nướng bánh mì, và hát ngọt ngào cho các nữ tu kín. Tôi biết, tôi biết, tôi biết. Làm sao tôi biết? Một người anh biết, thế thôi.

Trách nhiệm, lại một lần nữa công kích tôi: vì không thể phủ nhận - sự sụp đổ của Jamila, như thường lệ, hoàn toàn là lỗi của tôi.

Tôi sống tại nhà Mustapha Aziz bốn trăm hai mươi ngày... Saleem bận khóc thương muộn những người đã khuất, nhưng chớ nghĩ dù chỉ một giây rằng tai tôi điếc! Đừng tưởng rằng tôi không nghe thấy những điều tiếng quanh mình, những cuộc cãi cọ triền miên của cậu mợ tôi (một điều có lẽ đã giúp ông đi đến quyết định gửi bà vào nhà thương điên).

Sonia Aziz la thét, “Thằng bhangi[12] - thằng ranh bẩn thỉu đê tiện ấy, nó còn chẳng phải cháu ông, tôi chẳng hiểu ông bị làm sao, ta nên tống thẳng cổ nó ra đường!”

Mustapha, nhỏ nhẹ, đáp: “Thằng bé tội nghiệp đang tan nát cõi lòng, làm sao mình nỡ, bà chỉ cần để ý là thấy, đầu óc nó có vấn đề, nó chịu đựng quá nhiều điều tồi tệ.”

Đầu óc có vấn đề! Một điều thật kinh khủng, khi thốt ra từ miệng họ - một gia đình mà, nếu đặt cạnh họ, một bộ lạc ăn thịt người lí lố còn có vẻ điềm đạm và văn minh hơn! Tại sao tôi lại chịu nổi điều này? Bởi vì tôi là kẻ đang ôm một giấc mơ. Nhưng trong bốn trăm hai mươi ngày, đó là một giấc mơ không thành hiện thực.

[12] Kẻ nghiện hút (bhang nghĩa là thuốc phiện) và thuộc đẳng cấp thấp hèn.

Ria ủ rũ, cao-nhưng-còng, một số hai mãn kiếp: cậu Mustapha tôi không phải là cậu Hanif tôi. Ông bây giờ là kẻ đứng đầu gia đình, người duy nhất của thế hệ ông sống sót sau vụ thảm sát 1965, nhưng ông chẳng giúp được gì tôi... Tôi đối mặt ông trong phòng làm việc chất đầy phả hệ của ông vào một tối rét căm và giải thích - bằng thái độ nghiêm túc đúng mực và cử chỉ khiêm cung song kiên quyết – về sứ mệnh lịch sử của tôi phải cứu vớt cả dân tộc khỏi định mệnh.

Nhưng ông thở dài và đáp, “Nghe này, Saleem, cháu muốn ta làm gì? Ta giữ cháu lại đây, cháu ăn cơm nhà ta và không làm gì cả như vậy cũng không sao. Cháu đến từ nhà người chị quá cố của ta, ta phải trông nom cháu - cứ nghỉ ngơi cho khỏe đi đã, từ từ ta sẽ tính. Cháu muốn một chân thư ký hay gì đấy, chắc ta sẽ thu xếp được, nhưng mấy giấc mơ Chúa-mới-biết ấy thì bỏ đi. Đất nước đang ở trong những bàn tay đáng tin cậy. Indiraji đang thực hiện nhiều cải cách cấp tiến - cải cách ruộng đất, tái cơ cấu thuế, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình - cháu có thể tin ở bà và sarkar của bà.”

Dạy bảo tôi, Padma! Như thể tôi là một thằng ngô ngọng! Ôi hổ thẹn thay, nỗi hổ thẹn ô nhục vì bị những kẻ đần lên mặt dạy đời!

Ở mỗi ngã rẽ tôi đều vấp phải khó khăn, một nhà tiên tri giữa chốn man di, như Maslama, như ibn Sinani! Dù tôi nỗ lực đến đâu, sa mạc vẫn là phần số của tôi. Ôi sự vô dụng hôi hám của những ông cậu xu nịnh! Ôi tham vọng bị xiềng xích bởi những họ hàng bợ đỡ mãn kiếp về nhì! Việc cậu tôi từ chối yêu cầu khẩn thiết được đề bạt của tôi đã gây hậu quả nghiêm trọng: ông càng ca tụng Indira của ông thì tôi càng ghét cay ghét đắng bà ta. Kỳ thực, ông đang chuẩn bị cho tôi trở về với ghetto của giới ảo thuật, và cho... cho mụ ta… mụ Góa phụ.

Ghen tị: chính thế đấy. Sự ghen tị lớn lao từ bà mợ điên khùng, như thuốc độc rỉ vào tai cậu tôi, ngăn ông làm bất cứ điều gì để giúp tôi khởi đầu sự nghiệp mà tôi đã chọn. Số phận của vĩ nhân vĩnh viễn do lũ tiểu nhân định đoạt. Và còn cả: lũ tiểu phụ nhân điên khùng.

Ngày thứ bốn trăm mười tám tôi ở đây, bầu không khí tại ngôi nhà điên có một thay đổi. Có một người đến ăn tối: một người có cái bụng núng nính, cái đầu thon lại ở đỉnh, phủ những lọn tóc bóng dầu, cái miệng dày thịt như môi âm hộ đàn bà. Tôi nghĩ mình nhận ra hắn qua những bức ảnh trên báo. Quay sang một trong những đứa em không giới tính không tuổi tác không diện mạo, tôi tò mò hỏi, “Này em, có phải Sanjay Gandhi đấy không?” Nhưng sinh vật bị nghiền mịn ấy đã bị hủy diệt triệt để đến mức không còn năng lực trả lời... Có phải không nhỉ? Khi ấy, tôi chưa biết điều tôi sắp ghi lại đây: có một số nhân vật cao cấp của cái chính phủ kỳ khôi ấy (và một số con trai không chức danh của thủ tướng) đã có khả năng tự nhân bản...

Chỉ vài năm sau, hàng đàn hàng lũ Sanjay sẽ lúc nhúc khắp Ấn Độ! Trách nào mà cái vương triều kỳ quái ấy chẳng muốn áp đặt kiểm soát sinh đẻ lên tất cả chúng tôi… Có thể như vậy, và cũng có thể không. Nhưng ai đó đã biến mất vào thư phòng cùng Mustapha Aziz. Và đêm đó - tôi nhìn lén - xuất hiện một cặp tài liệu bìa da đen khóa kín, trên đó chữ TỐI MẬT và KẾ HOẠCH M.C.C. Và sáng hôm sau ánh mắt cậu Mustapha nhìn tôi có chiều khác lạ, với vẻ gần như sợ hãi, hoặc là cái nhìn đặc biệt chán ghét mà giới Công chức dành riêng cho những kẻ bị thất sủng với chính quyền.

Đáng lẽ tôi phải biết ngay điều gì đang chờ đợi tôi, song khi hồi cố thì mọi chuyện đều có vẻ đơn giản. Bây giờ hồi cố đến với tôi khi đã quá muộn, khi tôi đã bị đày ra vùng ngoại vi của lịch sử, khi các mối liên hệ giữa vận mệnh của tôi và của đất nước này đã vĩnh viễn bị cắt đứt... để tránh cái nhìn không thể giải thích của cậu tôi, tôi đi ra vườn, và nhìn thấy Parvati-phù-thủy.

Cô ngồi trên vỉa hè với cái giỏ tàng hình đặt bên người. Vừa thấy tôi ánh mắt cô liền sáng lên đầy trách cứ.

“Cậu bảo sẽ quay lại, nhưng chả thấy đâu, nên tớ,” cô lắp bắp.

Tôi cúi gằm mặt. “Tớ bận để tang,” tôi gượng gạo đáp.

Và cô, “Nhưng lẽ ra cậu vẫn có thể - lạy Chúa, Saleem, cậu không hiểu đâu, ở khu trại tớ không thể thổ lộ với ai về ma thuật thật sự của tớ, không bao giờ, kể cả với Picture Singh người tớ coi như cha. Tớ phải nín nhịn và nín nhịn, vì họ không tin vào những điều như thế, và tớ tự nhủ, có Saleem đây rồi, giờ ít ra mình cũng có một người bạn. Chúng mình có thể trò chuyện, có thể ở bên nhau, chúng mình đều đã trải qua, đều đã biết... Và, ôi trời, biết nói sao nhỉ? Saleem, cậu chẳng quan tâm, cậu có được cái cậu cần rồi thì cậu bỏ đi thẳng, tớ chẳng là gì với cậu hết, tớ biết...”

Đêm đó mợ Sonia điên khùng của tôi, chỉ còn vài ngày nữa là bị giam trong một chiếc áo tâm thần[13] (chuyện này bị lên báo, một mẩu tin nhỏ ở trang trong; Sở của cậu tôi chắc khá khó chịu), lên một cơn kích động dữ dội của chứng điên trầm trọng và xông vào phòng ngủ mà, nửa giờ trước, một-người-có-đôi-mắt-to-tròn đã trèo vào qua ô cửa sổ ở tầng trệt. Bà phát hiện ra tôi trên giường cùng Parvati-phù-thủy, và sau đó cậu Mustapha không còn hứng thú với việc chứa chấp tôi nữa.

“Mày là nòi bhangi, mày sẽ là quân đê tiện đến hết đời.”

Vào ngày thứ bốn trăm hai mươi, tôi rời nhà cậu tôi, bị đoạn tuyệt mọi liên hệ gia đình, rốt cuộc đã trở về với di sản thực sự của nghèo khổ và bần hàn mà tội ác của Mary Pereira lừa mất của tôi đã quá lâu. Parvati-phù-thủy chờ tôi trên vỉa hè, tôi không nói cho cô biết rằng trong chừng mực nào đó tôi mừng vì bị mợ tôi làm gián đoạn, vì khi hôn cô trong bóng tối của cái đêm bất chính ấy, tôi thấy mặt cô biến đổi, trở thành gương mặt của một tình yêu cấm kỵ. Những đường nét ma quái của Jamila Ca sĩ đã thay thế nét mặt của cô gái phù thủy.

Jamila người đang (tôi biết mà!) an toàn ẩn náu trong tu viện tại Karachi đột nhiên cũng ở đây, có điều em đã trải qua một biến hóa đen tối. Em đã bắt đầu mục rữa, mụn nhọt và lở loét khủng khiếp của tình yêu cấm kỵ đang lan trên mặt em. Như có lần hồn ma của Joe D’Cosca đã mục rữa vì bệnh hủi ma quái của cảm giác tội lỗi, giờ đây loài hoa loạn luân ôi rữa đang nở trên bộ mặt hồn ma của em tôi. Và tôi không thể làm điều đó, không thể hôn hít vuốt ve nhìn ngắm khuôn mặt quỷ hồn không thể nào chịu nổi này.Tôi đang sắp sửa quay ngoắt đi với một tiếng thét của nỗi hổ thẹn và hoài nhớ tuyệt vọng thì Sonia Aziz xông vào cùng ánh đèn điện và rú lên.

[13] Loại áo có tay rất dài, dùng để buộc chéo ra sau lưng nhằm kiềm chế bệnh nhân tâm thần.

Về phần Mustapha, thật ra, tai tiếng của tôi với Parvati, trong mắt ông, chẳng qua chỉ là một cái cớ hữu ích để rũ bỏ tôi. Nhưng điều này vẫn là nghi vấn, bởi chiếc cặp màu đen bị khóa tôi chỉ có thể căn cứ vào một ánh nhìn trong mắt ông, một mùi sợ hãi, ba chữ cái đầu trên một cái nhãn - bởi sau này, khi mọi chuyện đã kết thúc, một người đàn bà thất bại và đứa con trai môi-âm-thần đá khóa cửa phòng trong hai ngày đế đốt tài liệu. Và làm sao chúng ta biết được trong số đó có-hay-không một hồ sơ dán nhãn M.C.C.?

Dầu sao, tôi cũng chả muốn ở lại. Gia đình: một ý niệm bị phóng đại. Chớ nghĩ tôi buồn! Đừng tưởng dù chỉ một giây rằng cổ họng tôi nghẹn lại khi bị trục xuất khỏi ngôi nhà ơn phước cuối cùng mở cửa đón tôi! Nói thật nhé - tinh thần tôi rất phấn khởi khi ra đi... Có thể ở tôi có gì đó không tự nhiên, có chút thiếu hụt căn bản của phản xạ cảm xúc; nhưng tâm trí tôi trước giờ luôn hướng đến những điều cao cả hơn. Cho nên tôi mới bền bỉ. Đánh tôi: tôi bật dậy. (Nhưng phản kháng cũng chẳng ích gì trước những vết nứt).

Tóm lại: vứt bỏ niềm hy vọng ngây thơ trước kia về việc được đề bạt công chức, tôi quay về khu ổ chuột của giới ảo thuật và chaya của Thánh đường Thứ Sáu. Học theo đức Cồ Đàm, Buddha đầu tiên và chân chính, tôi từ bỏ đời nhung lụa làm một kẻ hành khất dấn thân vào cõi thế.

Hôm ấy là 23 tháng Hai năm 1973, các mỏ than và thị trường bột mì đang được quốc hữu hóa. Giá dầu bắt đầu tăng phi mã, và sẽ gấp bốn sau một năm. Và trong đảng Cộng sản Ấn Độ, chia rẽ phe Moscow của Dange và C.P.I.(M.) của Namboodiripad đả trở nên không thể hàn gắn. Và tôi, Saleem Sinai, như Ấn Độ, vừa tròn hai mươi lăm tuổi, sáu tháng, tám ngày.

Các ảo thuật gia đều là Cộng sản, hầu như không có ngoại lệ. Cũng xin nói luôn rằng, đồng thời với việc khám phá ra điều ấy, tôi, người đã được nuôi dưỡng trong tín ngưỡng chân chính kia của Ấn Độ (mà ta có thể gọi là Thương đạo[14]), người đã ruồng-bỏ-và-bị-ruồng-bỏ-bởi những ai tu tập đạo này, ngay lập tức thấy mình như cá gặp nước. Là phản đồ của Thương đạo, tôi sốt sắng hóa đỏ, đỏ nữa và đỏ mãi, cũng quả quyết và triệt để như có lần cha tôi từng hóa trắng, khiến giờ đây sứ-mệnh-cứu-nước của tôi có thể được nhìn nhận dưới một ánh sáng mới, nhiều phương pháp luận cách mạng đã nảy sinh trong óc tôi.

Đả đảo ách thống trị của những lão cậu bán hàng rong bất hợp tác và những lãnh đạo kính yêu của lão! Đầu tràn ngập tư tưởng về đối-thoại-trực-tiếp-với-quần-chúng, tôi định cư ở khu trại của giới ảo thuật, kiếm sống bằng cách mua vui cho khách du lịch ngoại quỗc lẫn bản xứ bằng tuệ nhãn thần diệu của mũi tôi, thứ cho phép tôi ngửi ra những bí mật giản đơn, kiểu du khách của họ. Picture Singh rủ tôi về ở chung lều với anh. Tôi ngủ trên tấm vải bố tả tơi giữa những sọt rắn kêu phì phì, nhưng tôi thấy thoải mái, cũng như tôi thấy mình đủ sức chịu đựng đói rét muỗi và (lúc đầu) cái rét buốt của mùa đông Delhi.

Picture Singh, Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian này, đồng thời cũng là thủ lĩnh không tranh cãi của ghetto, mọi khúc mắc và cãi cọ đều được giải quyết dưới bóng cái ô đen khổng lồ không đâu không có mặt của anh. Và tôi, người biết đọc biết viết và lại biết ngửi, thành ra một kiểu sĩ quan phụ tá cho người đàn ông đồ sộ này. Người bao giờ cũng khuyến mại một bài giảng về chủ nghĩa xã hội kèm theo mỗi màn xiếc rắn, và người nổi tiếng khắp đường to ngõ nhỏ của thành phố này không chỉ về tài dụ rắn. Tôi có thể nói, với niềm tin tuyệt đối, rằng Picture Singh là người đàn ông vĩ đại nhất tôi từng biết.

[14] Thương tức là thương nhân, thương mại, hiểu nôm na là tín ngưỡng của con buôn.

Một buổi chiều, trong giờ chaya, ở ghetto xuất hiện một bản sao khác của gã thanh niên môi-âm-thần mà tôi đã gặp ở nhà cậu Mustapha. Đứng trên bậc thềm thánh đường, hắn giũ một tấm băng rôn cho hai gã phụ tá giăng lên. Trên đó có dòng chữ XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO và biểu tượng con-bê-bú-mẹ của đảng Quốc đại của Indira. Mặt hắn trông đặc biệt giống khuôn mặt tròn trịa của một con bê, và khi mở miệng hắn phả ta một cơn lốc thối mồm.

“Hỡi các anh chị em! Đảng Quốc đại nói gì với các bạn? Đây: rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng!" Hắn không kịp nói gì thêm, đám đông rụt lại trước hơi thở như phân bò dưới nắng gắt của hắn.

Và Picture Singh bắt đầu cười hô hố: “Ô ha ha, đội trưởng, quá hay!”

Và cặp môi-âm-thần, ngu ngốc hỏi: “Ô kê, anh, người anh em, có gì hay thì kể xem nào?”

Picture Singh lắc đầu, ôm bụng: “Bài diễn văn, đội trưởng! Diễn văn tuyệt đỉnh!”

Tiếng cười của anh từ dưới mái ô lăn ra và nhiễm vào đám đông, cho đến khi tất cả chúng tôi đều lăn lộn nên mặt đất, cười sằng sặc, nghiền nát kiến, bụi phủ đầy người.

Và giọng nói của con bê non[15] Quốc đại la lên thất thanh: “Cái gì thế này? Anh bạn này không cho rằng mọi người đều bình đẳng? Tư tưởng thấp kém quá nhỉ...”

Nhưng giờ Picture Singh, ô-trên-đầu, đã sải bước về phía lều của anh. Cặp môi-âm-thần thở phào, tiếp tục diễn thuyết... Nhưng không được bao lâu, bởi vì Picture đã quay lại, ôm dưới tay trái một cái sọt tròn nhỏ có nắp và cặp dưới nách phải một ống sáo. Anh đặt cái sọt lên bậc thềm dưới chân anh giai Quốc đại, mở nắp, đặt sáo lên môi. Giữa những tràng cười lại rộ lên, gã chính khách trẻ nhảy bắn bốn mươi bảy xăng ti mét lên không, khi một con hổ mang chúa ngái ngủ lắc lư ngóc đầu dậy từ cái sọt...

Cặp môi-âm-thần rú lên: “Làm cái gì thế hả? Định giết tươi người ta à?”

Và Picture Singh, phớt lờ hắn, ô đã xếp gọn lại, tiếp tục chơi, mỗi lúc một bốc hơn, và con rắn duỗi thẳng ra. Picture Singh chơi nhanh, nhanh nữa đến khi tiếng sáo đã lan khắp mọi ngóc ngách của khu ổ chuột và đe dọa làm tróc tường thánh đường. Và sau cùng, con rắn khổng lồ lơ lửng giữa không khí, được nâng đỡ chỉ nhờ ma thuật của tiếng sáo, vươn dài ba thước khỏi cái sọt và nhảy múa bằng cái đuôi... Tiếng sáo dịu đi. Nagaraj[16] thu mình cuộn lại.

Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian đưa cây sáo cho gã trai Quốc đại: “Ô kê, đội trưởng,” Picture Singh hòa nhã nói, “cậu thử xem.”

Nhưng cặp môi-âm-thần: “Hả, anh thừa biết tôi không làm được!”

Picture Singh liền kẹp cổ con hổ mang, há miệng to thật to, phô ra một mớ tàn tích hào hùng của răng và lợi, nháy mắt trái với gã trai Quốc đại. Anh đút cái đầu con rắn hổ đang thò thụt lưỡi vào cái động khẩu gớm ghiếc đang ngoác rộng của mình! Đúng một phút trôi qua trước khi Picture Singh trả con hổ mang vào sọt. Hết sức nhẹ nhàng, anh bảo gã trai: “Cậu thấy đấy, đội trưởng, đấy là sự thật của vấn đề: ở đời luôn có kẻ hơn người kém. Nhưng nếu cậu nghĩ ngược lại, chì cũng tốt thôi.”

[15] Ở đây Rushdie chơi chữ: mooncalf trong tiếng Anh nghĩa là thằng ngốc, nhưng về mặt chữ thì nó nghĩa là con bê (calf), có ý mỉa mai Sanjay Gandhi chỉ như một con bê non (logo cũ của đảng Quốc đại thời Indira Gandhi vẽ hình một con bò cái và một con bê).

[16] Rắn chúa (Naga = rắn, Raj(a) = vua).

Chứng kiến cảnh này, Saleem Sinai hiểu ra rằng, Picture Singh và các ảo thuật gia là những kẻ nhận thức tuyệt đối chắc chắn về hiện thực. Họ nắm bắt nó vững vàng đến nỗi, có thể uốn nắn nó ra sao tùy ý, để phục vụ nghệ thuật, nhưng không bao giờ quên bản chất của nó.

Vấn đề của ghetto ảo thuật cũng là vấn đề của phong trào Cộng sản Ấn Độ. Trong phạm vi khu trại, ta có thể thấy, dưới dạng thu nhỏ, vô số mâu thuẫn và bất đồng đang giày xéo nội bộ đảng này trên cả nước. Picture Singh, tôi phải nói ngay, đứng trên tất cả. Là người cha tinh thần của ghetto, anh sở hữu một chiếc ô mà bóng râm của nó có khả năng khôi phục hòa khí giữa các phe phái đang hục hặc.

Nhưng những mâu thuẫn được đem đến dưới bóng ô của người-dụ-rắn ngày càng gay gắt hơn. Bởi trong khi các xảo thuật gia, những người lôi thỏ ra từ mũ, hậu thuẫn đảng C.P.I. chính thống theo đường lối Moscow của Ngài Dange, phe đã ủng hộ bà Gandhi suốt thời kỳ ban bố Tình trạng khẩn cấp, thì các nghệ sĩ uốn dẻo bắt đầu ngả hơn về hệ tư tưởng phức tạp ngày càng thiên tả của phe thân Tàu.

Những nghệ sĩ ăn lửa và nuốt kiếm hoan nghênh chiến thuật du kích của phong trào Naxalite. Trong khi các nhà thôi miên và đi-trên-than-hồng ủng hộ tuyên ngôn của Namboodiripad (không theo cả Moscow lẫn Bắc Kinh) và căm ghét đường lối bạo động của phái Naxalite[17]. Đã xuất hiện xu hướng Trotskyist trong đám cờ bạc bịp, cũng như một phong trào Cộng-sản-thông-qua-bỏ-phiếu trong các thành viên ôn hòa của phe phúc ngữ. Tôi đã bước vào một môi trường nơi, trong khi mọi định kiến tôn giáo và vùng miền vắng bóng hoàn toàn, bản năng thiên phú xa xưa của đất nước này là chia tách đã tìm thấy nhiều hình thức biểu hiện mới.

Picture Singh buồn rầu kể cho tôi rằng, hồi tổng tuyển cử năm 1971 đã xảy ra một vụ án mạng kỳ quái, nảy sinh từ vụ cãi cọ giữa một người nuốt lửa phái Naxalite và một thuật sĩ phe Moscow. Người, sôi máu vì quan điểm của đối thủ, định lôi từ chiếc mũ ma thuật ra một khẩu súng, nhưng món vũ khí chưa kịp rút ra thì người ủng hộ Hồ Chí Minh đã thiêu chết đối thủ bằng cách thổi bùng lên một lưỡi lửa kinh hồn.

[17] Naxalite là từ chỉ những nhóm cộng sản theo đường lối vũ trang, tiến hành chiến tranh du kích ở Ấn Độ.

Dưới bóng ô của mình, Picture Singh nói về một chủ nghĩa xã hội hoàn toàn không chịu ảnh hưởng nước ngoài.

“Nghe này, đội trưởng,” Anh bảo các nghệ sĩ phúc ngữ và múa rối, “khi về làng các cậu có mang chuyện mấy ông Stalin với Mao ra nói không? Nông dân Bihar và Tamil thì quan tâm gì việc Trotsky bị giết?”

Chaya của chiếc ô ma thuật của anh, làm nguội đi những cái đầu nóng nhất trong giới phù thủy, và gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi, rằng một ngày rất gần, Picture Singh sẽ tiếp bước Mian Abdullah rất nhiều năm trước. Và rằng, như con Chim ngân nga huyền thoại, anh sẽ rời ghetto để nhào nặn lịch sử hoàn toàn bằng sức mạnh ý chí của mình. Và rằng, không như người anh hùng của ông tôi, không gì có thể ngăn bước anh cho đến khi anh, và lý tưởng của anh, đã giành chiến thắng... Nhưng, nhưng. Luôn luôn có nhưng nhưng. Điều gì xảy ra, sẽ xảy ra. Chúng ta đều biết vậy.

Trước khi quay lại với câu chuyện đời tư của mình, tôi muốn tất cả biết rằng, chính Picture Singh là người hé lộ cho tôi rằng, nền kinh tế “đen”, đồi bại của đất nước này đã tăng trưởng ngang bằng với trạng thái “trắng” và chính thống của nó, bằng cách cho tôi xem một bức ảnh đăng báo của Bà Gandhi. Mái tóc bà ta, rẽ ngôi giữa, bên trắng như tuyết và bên đen-như-đêm, thành thử, tùy vào diện mạo bà ta muốn phô diễn, bà ta sẽ giống một con ermine hoặc một con chồn đuôi ngắn[18]. Sự tái hiện của ngôi giữa trong lịch sử, đồng thời, nền kinh tế phản ánh kiểu tóc của Thủ tướng... Những nhận thức quan trọng này đều nhờ Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian truyền đạt cho tôi.

Picture Singh chính là người bảo tôi rằng Mishra, Bộ trưởng Đường sắt, cũng chính là bộ trưởng được chính thức bổ nhiệm của ngành hối lộ, đầu mối phê duyệt những áp phe lớn nhất của nền kinh tế đen, và người môi giới việc đút lót các bộ trưởng và quan chức hữu quan. Không nhờ Picture Singh, tôi chắc chẳng bao giờ biết đến việc dàn xếp kết quả trong các kỳ bầu cử cấp bang ở Kashmir.

Tuy vậy, anh cũng chẳng phải người say mê dân chủ: “Quỷ tha ma bắt trò bầu cử này đi, đội trưởng,”

Anh bảo tôi, “Mỗi lần như thế, những chuyện tồi tệ lại xảy ra, dân mình lại xử sự như một lũ hề.”

Tôi, mê man trong cơn-sốt-làm-cách-mạng, không thể phản bác lại thầy.

[18] Ermine chính là chồn đuôi ngắn. Loài chồn này lưng xám bụng trắng, nếu nó đi bằng bốn chân, ta chỉ thấy nó màu xám, còn khi nó đứng bằng hai chân sau thì (khi nhìn từ phiá trước) ta sẽ thấy nó trắng hoàn toàn.

Quy củ ở ghetto, tất nhiên, cũng có vài ngoại lệ: một hai ảo thuật gia vẫn theo tín ngưỡng Hindu và, về mặt chính trị, ủng hộ đảng Jana Sangh hệ phái Hindu của những kẻ cực đoan tai tiếng theo chủ thuyết Ananda Marga[19], có cả cử tri Swatantra[20] trong số những người tung hứng. Bỏ qua vấn đề chính trị, bà lão Resham Bibi là một trong ít cư dân của cộng đồng này vẫn là một kẻ hoang tưởng vô phương cứu chữa, vẫn mê tín (chẳng hạn) rằng đàn bà cấm được trèo dừa, bởi cây dừa nào đã chịu sức nặng của đàn bà thì mãi mãi sẽ đậu quả chua...

Và có một fakir kỳ lạ tên là Chishti Khan, người có khuôn mặt láng mịn đến mức không ai biết ông ta mới mười chín hay đã chín mươi, và đã dựng quanh lều một kiến trúc kỳ quái bằng tre và giấy màu vụn khiến nhà ông ta trông như một bản sao thu nhỏ, nhiều màu của Thành Đỏ gần đấy. Chỉ khi đi qua cánh cổng pháo đài, người ta mới nhận ra rằng đằng sau cái mặt tiền hình cung được chế tác kỳ công gồm một dãy lô cốt và công sự bằng tre và giấy bồi ấy cũng là một căn lều xập xệ dựng bằng tôn và bìa như bao căn khác.

Chishti Khan đã mắc một sai lầm căn bản khi để chuyên môn nhiễm sang đời thật, ông ta bị cả ghetto xa lánh. Giới ảo thuật đều giữ khoảng cách, sợ lây bệnh từ những giấc mơ của ông ta.

[19] Jana Sangh là một chính đảng lớn ở Ấn Độ, tồn tại trong giai đoạn 1951-1980, chủ trương truyền bá đạo Hindu, tiếng Hindi và bảo vệ bò thiêng. Ananda Marga là một chủ thuyết xã hội và tin ngưỡng ở Ấn Độ, có nguồn gốc tư tưởng xuất phát từ các triết lý Vệ Đà và Tantra.

[20] Một chính đảng theo tư tưởng tự do cổ điển ở Ấn Độ.

Có vậy quý vị mới hiểu tại sao Parvati-phù-thủy, người sở hữu ma thuật thần kỳ đích thực, phải giữ kín chuyện đó suốt đời. Bí mật về biệt tài được nửa đêm ban tặng của cô không dễ dàng nhận được sự tha thứ của một cộng đồng vẫn hằng phủ nhận khả năng tồn tại của những điều như thế.

Ở góc khuất của Thánh đường Thứ Sáu, nơi vắng bóng các ảo thuật gia, còn nguy cơ duy nhất là từ những người mót-đồng-nát, kiếm-thùng-gỗ-vứt-đi hay săn-sắt-vụn... Đó là nơi Parvati-phù-thủy, hăm hở như mù tạc, cho tôi thấy cô làm được những gì. Mặc một tấm shalwar-kameez khiêm nhường may từ vải vụn của cả chục tấm khác, nữ pháp sư của nửa đêm biểu diễn cho tôi với niềm nhiệt tình và háo hức của một đứa trẻ. Mắt tròn xoe, tóc đuôi ngựa vặn thừng, môi đỏ căng mọng... Tôi sẽ chẳng bao giờ cưỡng lại cô lâu đến thế nếu không vì gương mặt ấy, cặp mắt cái mũi đôi môi thối rữa ghê rợn của...

Ban đầu năng lực của Parvati dường như không có giới hạn. (Nhưng có đấy.)

À, thế thì: yêu tinh có được triệu đến? Thần Đèn có hiện lên, hứa cho chúng tôi giàu có và chu du thế giới trên thảm bay? Ếch có hóa thành hoàng tử, và đá có biến thành ngọc quý? Có chuyện bán-rẻ-linh-hồn, và gọi người chết sống dậy?

Chẳng có gì hết, ma thuật mà Parvati-phù-thủy biểu diễn cho tôi - thứ ma thuật duy nhất cô bằng lòng biểu diễn - là loại ma thuật “trắng”. Như thể cuốn Kỳ Thư của Bà la môn, Atharva Veda[21], đã tiết lộ mọi bí mật của mình cho cô. Cô có thể chữa bệnh và giải độc (để chứng minh, cô cho rắn cắn mình rồi chống lại nọc độc bằng một nghi lẽ kỳ lạ, gồm có cầu thần rắn Takshasa, uống nước hòa với tinh chất của cây Krimuka và sức mạnh của quần áo cũ đã luộc chín, và niệm một câu thần chú: Garudamand, thần ưng, phục thuốc độc, nhưng vô hiệu, tương tự như thế ta chuyển hướng độc lực của nó, như chuyển hướng một mũi tên)

Cô có thể chữa lành những chỗ đau và luyện bùa. Cô biết luyện bùa sraktya và Nghi thức Lễ Cây[22]. Và tất cả những điều này cô đã tiết lộ với tôi, trong một chuỗi màn trình diễn về đêm phi thường, dưới những bức tường của Thánh đường - nhưng cô vẫn kém vui.

[21] Cuốn thứ tư trong bộ sách thiêng của đạo Hindu (thường gọi chung là kinh Vệ Đà), nội dung chủ yếu là y thuật và pháp thuật.

[22] Sraktya là một loại gỗ quý chuyên dùng để luyện bùa. Câu thần chú của Parvati và nghi thức Lễ Cây đều xuất xứ từ cuốn Atharva Veda.

Như mọi lần, tôi buộc phải nhận trách nhiệm: mùi hương sầu muộn vây quanh Parvati-phù-thủy là tác phẩm của tôi. Bởi vì cô đã hai mươi lăm, và cái cô muốn ở tôi không chỉ là sẵn sàng làm khán giả của cô. Chúa mới hiểu vì sao, nhưng cô muốn tôi vào giường với cô. Hay, chính xác hơn, nằm cùng cô trên tấm vải bao tải là giường của cô trong túp lều xập xệ được cô chia sẻ với một gia đình ba nghệ sĩ uốn dẻo đến từ Kerala, ba cô gái cũng mồ côi như cô, và như tôi.

Những gì cô làm cho tôi: dưới sức mạnh ma thuật của cô, tóc bắt đầu mọc ở nơi chúng chưa hề mọc lại, từ khi lão Zagallo kéo quá mạnh. Pháp lực của cô làm hai vết bớt trên mặt tôi nhạt đi sau khi xức thuốc thảo dược chữa thương. Thậm chí chân tôi cũng bớt vòng kiềng dưới sự chăm sóc của cô. (Tuy nhiên, cô hoàn toàn bất lực trước bên tai điếc của tôi. Không phép thuật nào trên trái đất đủ mạnh để tẩy sạch những di sản của cha mẹ để lại.)

Nhưng dẫu cô làm cho tôi bao nhiêu, tôi vẫn không thể làm cho cô cái điều cô khao khát nhất. Bởi mặc dù chúng tôi nằm xuống bên nhau dưới lối đi ở mặt khuất của Thánh đường, ánh trăng vẫn soi tỏ gương mặt ban đêm của cô, hóa thành, luôn luôn hóa thành gương mặt người em gái xa cách, mất tích của tôi... Không, không phải em tôi... thành gương mặt thối rữa, biến dạng gớm ghiếc của Jamila Ca sĩ.

Parvati xức lên người loại dầu cao tẩm bùa yêu, cô chải tóc hàng ngàn lần bằng chiếc lược làm từ thứ xương hươu kích tình. Và (tôi không hề nghi ngờ) sau lưng tôi chắc hẳn cô đã thử nghiệm đủ loại huyền thuật ái tình. Nhưng tôi đã mắc phải một bùa chú cũ hơn, và, dường như, không thể bị phá giải. Định mệnh buộc tôi phải thấy khuôn mặt những phụ nữ yêu tôi biến thành đường nét của... Nhưng quý vị biết những đường nét rữa nát, xộc vào mũi tôi mùi hôi thối kinh hoàng ấy là của ai rồi.

“Cô bé tội nghiệp,” Padma thở dài, và tôi đồng ý. Nhưng cho đến khi mụ Góa phụ hút kiệt quá khứ hiện tại tương lai khỏi tôi, tôi vẫn phải chịu đựng lời nguyền của con Khỉ.

Khi Parvati-phù-thủy rốt cuộc phải thừa nhận thất bại, gương mặt cô phát sinh, sau một đêm, một nét dằn dỗi nổi bật và đáng lo ngại. Cô thiếp đi trong túp lều của ba chị em uốn dẻo mồ côi, và tỉnh dậy với cặp môi đầy đặn, bĩu hẳn ra trong một vẻ hờn dỗi tràn trề nhục cảm. Ba chị em mồ côi cho cô biết, và lo lắng bảo nhau không hiểu mặt cô bị làm sao. Cô nỗ lực hết sức để đưa nét mặt mình trở lại như cũ, nhưng chẳng cơ bắp hay ma thuật nào có thể giúp cô phục hồi nguyên trạng. Cuối cùng, đành lòng chấp nhận bi kịch này, Parvati chịu thua.

Thế là Resham Bibi bảo bất kỳ ai chịu lắng nghe: “Con bé tội nghiệp - nó đã bị thần phạt khi đang làm mặt dỗi.”

(Thật tình cờ, năm ấy, chị em phụ nữ thành thị sành điệu đều làm vẻ mặt tương tự nhằm tỏ ra gợi tình. Đám người mẫu kiêu kỳ ở show thời trang Eleganza năm 73 đều bĩu môi khi sải bước trên sàn catwalk. Trong cảnh bần hàn cơ cực của khu ổ chuột của giới ảo thuật, nàng Parvati-phù-thủy bĩu môi là đỉnh cao của gương mặt thời trang.)

Các ảo thuật gia dốc rất nhiều tâm sức để làm Parvati cười trở lại, bỏ bê cả công việc lẫn nhiệm vụ. Nhàm chán hơn, là dựng lại những túp lều tôn-và-bìa đã bị gió to giật đổ, hay diệt chuột, họ biểu diễn những tiết mục khó khăn nhất hòng làm cô đẹp ý, nhưng đôi môi vẫn không suy suyển. Resham Bibi pha trà xanh ướp long não và ép cô uống hết. Tác dụng của trà gây ra một cơn táo bón nghiêm trọng đến nỗi không ai thấy cô đi đại tiện ở sau lều suốt chín tuần liền.

Hai nghệ sĩ tung hứng trẻ nảy ra suy đoán rằng, có lẽ cô bắt đầu thương khóc người cha quá cố một lần nữa, và đặt ra cho mình nhiệm vụ vẽ chân dung của ông trên một mảnh vải dầu cũ rồi đem treo nó bên trên manh chiếu bao tải của cô. Ba chị em pha trò, còn Picture Singh, hết sức buồn phiền, bắt rắn hổ mang tự thắt nút, nhưng tất cả đều không ăn thua. Bởi vì nếu mối tình trắc trở của Parvati nằm ngoài khả năng chữa trị của chính cô, thì người khác hy vọng gì?

Áp lực từ cặp môi của Parvati đã gây ra, ở ghetto, một tâm lý bất an không thể gọi tên, mà lòng thù ghét của toàn bộ giới ảo thuật đối mặt với những điều thần bí cũng không thể xua tan đi hoàn toàn.

Thế rồi Resham Bibi nảy ra một ý.

“Chúng ta dốt quá,” bà lão bảo Picture Singh, “chuyện ngay trước mũi mà chẳng nhìn ra. Con bé tội nghiệp đã hăm lăm, baba - quá lứa nhỡ thì đến nơi rồi! Nó đang ao ước một tấm chồng!”

Picture Singh kinh ngạc.

“Resham Bibi,” Anh gật gù tán thành, “não bà chưa chết hẳn đâu.”

Từ đó, Picture Singh tự lãnh trách nhiệm tìm cho Parvati một chàng trai thích hợp. Khá nhiều thanh niên trong ghetto đã nếm mùi dụ dỗ nạt nộ dọa dẫm. Một số ứng cử viên đã được chọn ra, nhưng đều bị Parvati từ chối. Vào cái đêm cô bảo Bishmillah Khan, người nuốt lửa triển vọng nhất của khu trại, biến đi với hơi thở cay sẽ mùi ớt của gã, đến cả Picture Singh cũng tuyệt vọng.

Đêm đó, anh bảo tôi, “Đội trưởng, con bé này làm anh vừa bế tắc vừa đau lòng. Nó là bạn thân của chú, chú có ý tưởng gì không?”

Rồi một ý tưởng nảy ra trong đầu anh, một ý tưởng phải đợi đến khi anh tuyệt vọng, bởi vì ngay cả Picture Singh cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng đẳng cấp, tự động xem tôi là “quá tốt” đối với Parvati. Vì xuất thân được cho là “cao quý hơn’’ của tôi, người Cộng sản lớn tuổi cho đến lúc này chưa từng nghĩ rằng tôi có thể...

“Chú nói xem, đội trưởng,” Picture Singh ngần ngại hỏi, “chú định một ngày nào đó sẽ lập gia đình chứ?”

Saleem Sinai nghe một nỗi sợ hãi dâng lên trong lòng.

“Nghe này, đội trưởng, cậu thích con bé, đúng không hỉ?”

Và tôi, không thể phủ nhận, “Tất nhiên.’’

Và giờ Picture Singh, cười toét miệng đến mang tai, trong khi rắn phì phì trong sọt: “Thích lắm không, đội trưởng. Lắm lắm không?”

Nhưng tôi đang nghĩ đến ra khuôn mặt trong đêm của Jamila, và đi đến một quyết định tuyệt tình.

“Pictureji, em không thể lấy cô ấy được.”

Và giờ anh, nhíu mày: “Không lẽ cậu đã có gia đình, đội trưởng? Có vợ bìu con ríu ở đâu rồi?”

Giờ thì hết cách, tôi khẽ khàng, hổ thẹn, đáp: “Em không lấy ai được, Pictureji. Em không thể có con.”

Sự im lặng trong lều chỉ bị gián đoạn bởi tiếng rắn phì phì và tiếng chó hoang gọi nhau trong đêm.

“Cậu nói thật chứ, đội trưởng? Bất lực à?”

“Vâng.”

“Bởi vì không được nói dối về những cái - như thế, đội trưởng. Nói dối về năng lực đàn ông là rất, rất gở. Điều gì cũng có thể xảy ra, đội trưởng.”

Và tôi, tự gieo xuống đầu mình lời nguyền của Nadir Khan, mà cũng là của cậu tôi Hanif Aziz. Trong vụ đóng băng và suốt một thời gian dài sau đó, cha tôi Ahmed Sinai, bị dồn đến chỗ phải nói dối một cách càng giận dữ hơn.

“Em nói rồi,” Saleem kêu lên, “thật đấy, có thế thôi!”

“Vậy thì, đội trưởng,” Pictureji, đập tay lên trán, bi thảm nói, “Chúa mới biết phải làm gì với con bé tội nghiệp ấy.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Những Đứa Con Của Nửa Đêm Chương 27: Dưới bóng Thánh đường

Có thể bạn thích