Những ký ức thời thơ ấu thường không bao giờ lưu giữ được theo đúng trật tự hoặc có những khi bạn cần tới, chúng lại cứng đầu náu mình rất kỹ trong một góc bí mật nào đó của trí nhớ khiến cho bạn chẳng thể nào nhớ nổi. Có những lúc tôi có thể thấy rõ mồn một những cảnh tượng từ khi tôi còn là một cô bé ba bốn tuổi, nhưng tôi lại không thể nhớ được tại sao tôi lại có mặt trong khung cảnh đó và điều gì xảy ra tiếp theo. Nhiều khi, những ký ức đã bị lãng quên đột ngột trở về không báo trước và thường thì tôi cảm thấy rằng thà chúng cứ mãi mãi bị lãng quên đi có lẽ lại tốt hơn. Tôi sợ rằng một ngày nào đó tất cả những khoảng ký ức mà tôi đã cố tình cất giữ sẽ được mở toang ra. Tôi sợ rằng tôi không đủ mạnh mẽ, nghị lực để có thể đối mặt với những điều đó.

Tôi cũng thường xuyên không thể chắp nối, lắp ráp được các sự kiện đã xảy ra theo đúng một trật tự. Tôi có thể nhận ra rằng khi một sự kiện nào đó xảy ra, lúc đó tôi bốn tuổi hay sáu tuổi nhưng lại không thể nói chính xác điều đó diễn ra trong vòng một năm hay một tháng. Tôi nghĩ rằng điều này cũng chẳng ảnh hưởng nhiều lắm nhưng sự lộn xộn của trí nhớ này khiến cho việc kể lại một cách chính xác và chân thực câu chuyện của cuộc đời tôi trở nên khó khăn hơn bởi vì bất kỳ ai có thể nhớ được chính xác những thời điểm đó chắc chắn cũng sẽ có đủ lí do để không nói ra sự thật hoặc ít nhất thì cũng thay đổi đôi chút nhằm làm cho vai trò của họ trong câu chuyện này dễ chịu hơn.

Tôi vẫn còn nhớ cái ngày tôi và cậu em trai Jimmy của mình cùng được đưa vào trại trẻ mồ côi. Khi đó, tôi mới chỉ khoảng ba tuổi và Jimmy ít hơn tôi mười tám tháng. Tôi yêu Jimmy hơn bất kỳ thứ gì trên thế giới này. Ba tôi vẫn kể với tôi rằng, mỗi lần ông đưa chúng tôi ra khỏi nhà trẻ đi ăn trưa hay bất kỳ chuyến đi ra ngoài nào, tôi hành động tựa như bà mẹ tí hon của Jimmy, cho Jimmy ăn và quan tâm từng ly từng tí tới nó. Tôi không nhớ được tất cả những lần ba đưa chúng tôi ra khỏi nhà trẻ đi chơi nhưng tôi vẫn nhớ rõ mồn một tôi yêu Jimmy tới mức nào.

Điều đáng kể nhất tôi còn nhớ được về nhà trẻ là những viên thuốc vitamin màu xám xịt mà họ vẫn thường phân phát cho chúng tôi mỗi buổi sáng trong những chiếc chén nhỏ màu tía, và việc người ta bắt chúng tôi phải ăn món cải bruxen cùng sự căm ghét từng thìa súp lạnh ngắt vả không thể nuốt nổi trong đĩa...

Trong nhà trẻ đó có một người phụ nữ, sau khi tất cả chúng tôi đã được uống sữa buổi tối, bà thường tách tôi ra khỏi những đứa trẻ đang xếp hàng, đưa tôi tới một nơi bí mật, đặt ngón tay trỏ lên miệng như thể chúng tôi đang sở hữu một điều gì đó hết sức bí mật với toàn thế giới. Sau đó, người ấy thường đặt tôi ngồi xuống, chải tóc cho tôi và dành hàng giờ liền để uốn cong những lọn tóc, khiến cho tôi được có cảm giác mình thật xinh đẹp dù chỉ là một vài phút mỗi ngày? Mái tóc tôi dày, tối màu và rất mềm mượt khiến cho nhiều người hay hỏi tôi có phải là người ấn Độ hay người Pakistan không. Sau khi đã hoàn thiện công trình của mình, người phụ nữ tốt bụng đó thường đưa ra một tấm gương và giơ nó ra trước mặt tôi, nhờ thế tôi có thể nhìn thấy mái tóc mình cả đằng trước lẫn  đằng sau qua một tấm gương nữa treo trên tường và ngưỡng mộ công trình của bà. Đối với tôi, nó như là một tấm gương có phép màu vậy.

Sau này, hầu hết những thông tin tôi biết được về những năm tháng ấu thơ và về lý do tại sao chúng tôi lại bị đưa tới trại trẻ đó là do mẹ tôi luôn luôn rất sung sướng khi được nói về tôi với những người khác như thể tôi không hề có mặt ở đó vậy. Tôi thường ngồi lặng lẽ trong một góc phòng, chờ đợi một mệnh lệnh để biết được nhiệm vụ tiếp theo của mình là gì trong khi mẹ tôi cứ không ngừng quay bên này, quay bên kia, diễn thuyết với hết người này đến người khác. Nhưng thỉnh thoảng, khi chợt nhớ ra rằng tôi vẫn còn ngồi ở đó, mẹ sẽ lại nhắc tôi: "Đừng bao giờ nói với ông ấy rằng mẹ đã nói với con như thế nhé". Cha dượng của tôi thường không thích bất cử ai nhắc lại những chuyện quá khứ.

Khi tôi khoảng mười tuổi, tôi thường đến thăm cha tôi và cha cũng kể cho tôi biết một vài điều nhưng tôi không thích cứ liên tục hỏi cha những câu hỏi. Hình như ngày trước cha có một số vấn đề với rượu và mẹ làm cho vấn đề càng tồi tệ hơn khi không ngớt càu nhàu và khiến cha phải sống trong tình trạng tồi tệ. Cha đã bỏ chúng tôi đi trước khi chúng tôi bị đưa tới trại trẻ và mẹ thì bắt đầu hẹn hò với Richard, hay là “Git ngu ngốc", cái tên tôi vẫn thích gọi mỗi khi nhớ về ông ta. Có lẽ vì ông ta đã bắt đầu sống trong nhà tôi từ ngày đó mặc dù ông ta còn rất trẻ, chỉ mười sáu hay mười bảy tuổi là cùng. Ông ta chỉ lớn hơn tôi có mười bốn tuổi.

Jimmy và tôi đã từng bị gửi tới hai trại trẻ khác nhau, một trong hai nhà trẻ đó tôi nhớ rằng hình như cũng không đến nỗi tệ. Nhưng nhà trẻ thứ hai thì không được ổn lắm. Đối với tôi, mọi người ở đó giống như những con quỷ. Nhưng có lẽ họ cũng chỉ quá nghiêm khắc theo cái cách mà tôi không cảm thấy quen thuộc mà thôi. Chúng tôi không bao giờ được phép thì thầm với nhau, không được phép nói chừng nào người ta cho phép. Có một lần, khi người ta bắt gặp tôi thì thầm với Jimmy họ đã nhét cả một cái nút chai cuộn trong một đôi bít tất mới mua vào mồm tôi. Tôi đã phải ngồi ở bậc cầu thang trên cùng, với cái nút chai cuộn giẻ trong miệng suốt cả đêm trong khi tất cả những người khác đã được đi ngủ hết.

Tôi không cảm thấy vui vẻ gì khi sống trong trại trẻ nhưng tôi vẫn không bao giờ mong muốn được quay trở về nhà, dù cho tôi không thể giải thích được lý do tại sao. Khi gặp mẹ, bao giờ tôi cũng sẽ nói: "Con thật sự rất mong muốn được trở về nhà!" mặc dù tôi hoàn toàn không muốn điều đó một chút nào cả.

Khi chúng tôi được trở về thăm gia đình, bầu không khí trong ngôi nhà đó khiến cho tôi hoảng sợ mặc dù trong vòng vài giờ đó, không có điều gì thực sự tồi tệ xảy ra. Tôi giữ thái độ im lặng vì không muốn làm người đàn ông mới tới trong gia đình cảm thấy bực mình. Nhưng Jimmy thì không thể kiềm chế được như tôi và ngay khi chúng tôi vừa xuống xe, bước vào nhà, Jimmy đã kêu toáng lên như thể hết sức kinh hoàng. Tôi vẫn còn nhớ rõ ràng rằng điều đó khiến cho Richard nổi giận còn tôi thì sợ phát run lên. Tuy  vậy, tôi đã không thể làm gì để có thể xoa dịu tình hình và làm Jimmy bình tĩnh lại cho tới khi các nhân viên xã hội đến đưa chúng tôi trở lại trại trẻ. Trong suốt chuyến trở về thăm nhà hôm đó, chúng tôi cùng ngồi trên ghế sofa, Jimmy thì kêu thét còn tôi thì cố gắng dỗ dành em. Cơn giận dữ của Richard và nỗi tuyệt vọng của mẹ tôi ngày càng tăng lên đến mức không thể chịu đựng nổi và họ chờ đợi chuyến viếng thăm khó chịu này sớm kết thúc.

Jimmy có một vết sẹo lớn ngay giữa trán. Vết sẹo này đã gắn bó với em suốt thời thơ ấu. Người ta luôn luôn nói với tôi rằng Jimmy bị vết sẹo đó là do em đã bị ngã đập đầu xuống cái bàn uống nước trước khi chúng tôi bị đưa vào trại trẻ. Lúc đó, tôi đã chấp nhận câu chuyện này như là một sự thật hiển nhiên, nhưng giờ đây, khi nghĩ lại, tôi cảm thấy rằng đó là một vết sẹo quá lớn so với một cú ngã đập đầu vào bàn uống nước bởi lúc đó, Jimmy còn nhỏ xíu nên khó có thể ngã đập vào bàn với một lực mạnh đến như vậy. Lúc này, tôi đang tự hỏi không biết có phải có một điều vì đó còn tồi tệ hơn đã xảy ra với em trai tôi hay không và rằng tại sao chúng tôi lại bị đưa vào trại trẻ, tại sao Jimmy lại luôn hoảng sợ mỗi khi trở về nhà. Tôi không thể biết được câu trả lời vì lúc đó Jimmy còn quá bé để có thể nhớ được điều gì.

Có ai đó đã nói với tôi rằng chúng tôi bị đưa vào  trại trẻ là bởi vì chúng tôi đã bị bỏ rơi, rằng chúng tôi đã không được quan tâm đầy đủ nhưng không ai cho chúng tôi biết một cách chi tiết câu chuyện.

Trước khi bị đưa đến trại trẻ, chúng tôi sống trong một căn hộ, nhưng khi trí nhớ của tôi hồi tưởng những ký ức về mẹ và Richard thì chúng tôi đã chuyển tới sống trong một ngôi nhà. Họ cũng đã có một đứa con chung, đó là Pete. Điều này có vẻ cũng bình thường, giống như những người đang vá víu lại cuộc sống của mình, nuôi dưỡng con cái và cố gắng làm tốt những nghĩa vụ của mình. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì Richard cũng vẫn chỉ là một cậu thanh niên.

Đôi khi tôi cứ tự hỏi rằng không biết mẹ và Richard có quyết định đưa tôi trở lại nhà không nếu như tôi cũng gây ồn ào, nhặng xị lên như Jimmy. Giờ đây tôi ước gì lúc đó mình bắt chước Jimmy, không bởi vì sau này Jimmy đã được những người tốt bụng nhận nuôi. Nhưng lúc đó, dường như vỉệc khiến cho Richard trở nên giận dữ là một điều hết sức nguy hiểm và tôi chấp nhận ngồi yên một cách ngoan ngoãn. Nhiều năm sau, tôi mới phát hiện ra rằng chính họ đã nói với những người có thẩm quyền là họ "chỉ muốn đưa đứa bé gái về nuôi". Tôi đã không thể tin nổi điều đó. Jimmy cũng đã được tự mình đọc lại tập hồ sơ về cậu và cảm giác bị bỏ rơi còn ám ảnh mãi, thậm chí ngay cả khi tôi khẳng định rằng đó là một sự giải thoát may mắn nhất giành cho cậu.

Tôi cũng đã được nghe mẹ kể rằng gia đình  chúng tôi đã phải hối lộ ai đó trong chính quyền địa phương thì người ta mới cho phép tôi trở về nhà và rằng hai nhân viên nhà nước lớn tuổi đã từ chức khi họ biết được rằng tôi đang bị đưa trở lại cái "hố sâu địa ngục đó". Từ này đã được sử dụng để mô tả gia đình tôi trong một số bản báo cáo. Nếu được đọc những tập hồ sơ bị thất lạc của tôi chắc chắn sẽ rất ấn tượng nhưng những điều đã xảy ra trong một vài năm đầu tiên đó của cuộc đời tôi cũng chẳng còn quan trọng lắm bởi vì những nỗi kinh hoàng thực sự chỉ mới chớm bắt đầu mà thôi.

Một cảnh tượng luôn luôn hiện hữu rất rõ trong tâm trí tôi là khi phải nói lời tạm biệt với Jimmy trên ngưỡng cửa trại tế bần. Jimmy khóc nức nở và tôi thực sự cũng muốn được làm như thế nhưng tôi không dám cho bất kỳ ai biết cảm xúc thực của mình. Ai đó đã nói với tôi rằng Jimmy cũng sẽ trở về nhà trong một hai tuần nữa nhưng tôi không hề tin vào điều đó. Tôi nghĩ rằng chắc hẳn tôi đã nghe lỏm thấy điều gì đó, nên tôi biết rằng những lời nói đó chỉ là dối trá. Tôi biết họ đang sắp sữa chia rẽ chúng tôi và điều đó làm trái tim tôi tan nát: Tôi đã từng căm thù cái trại tế bần này nhưng ít nhất ở đó tôi cũng còn có Jimmy. Nhưng giờ đây tôi đang sắp phải chuyển đến nơi mà những điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra, và tôi thậm chí còn không có Jimmy ở bên để ôm ấp, vỗ về và chia sẻ.

Nhưng tôi không hề nói với mẹ bất kỳ điều gì đang diễn ra trong tâm trí mình. Tôi chỉ nói với bà rằng tôi đang rất mong chờ được trở về nhà bởi vì tôi không muốn làm tổn thương tình cảm của bà. Từ khi Jimmy và tôi bị chia rẽ, tôi thường cố gắng liên lạc, giao tiếp với em bằng ngoại cảm bất cứ khi nào tôi được ở một mình. Tôi có một cái bớt trên cánh tay và tôi đã cố bắt mình tin rằng lối cái bớt đó mang hình giống như chữ "J", vì vậy tôi cứ nhìn chăm chú vào đó và cố gắng nói chuyện với Jimmy bằng trí não, nói với em rằng phải cố gắng để trở thành một cậu bé tốt và hứa với rằng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đến thăm cậu, kể với cậu tất cả những gì đã xảy đến với tôi. Nhưng thực tế là từ đó cho tới khi chúng tôi trưởng thành, chúng tôi không hề gặp lại nhau một lần nào cả. Tuy nhiên, ở vào thời điểm đó, cách giao tiếp bằng ngoại cảm với Jimmy mà tôi tự huyễn hoặc mình cũng giúp tôi thanh thản chút ít bởi vì tôi nghĩ rằng mình vẫn còn liên lạc được với cậu em trai.

Sau Pete, mẹ và Richard còn có thêm ba cậu con trai khác nữa, gần như mỗi năm một đứa, nhưng không đứa nào có thể thay thế được Jimmy trong lòng tôi. Tôi phải giữ kín những tình cảm với Jimmy, tôi không bao giờ được phép nói chuyện về cậu, phải coi cậu như thể chưa từng tồn tại trong cuộc sống của chúng tôi. Gia đình tôi còn có vô số những bí mật kiểu như vậy. Tôi không bao giờ được phép nói với bất cứ ai rằng Richard là cha dượng chứ không phải cha đẻ của tôi mặc dù chắc hẳn bất kỳ người hàng xóm nào cũng biết được sự thật đó. Bốn đứa em cùng mẹ khác cha của tôi không bao giờ nhận ra rằng tôi không phải là người chị ruột của chúng cho tới khi tôi hai mươi tuổi và những chứng cứ tại phiên toà phơi bày mọi việc ra ánh sáng. Tôi cũng không bao giờ được phép liên lạc với bất cứ người họ hàng nào thuộc đằng cha đẻ tôi như thể họ không hề tồn tại. Và vì vậy, tôi cũng không hề có ý niệm gì trong ký ức về ông bà nội tôi. Có vẻ như Richard muốn kiểm soát từng thông tin và chỉ cho phép một số lượng ít ỏi có thể đến được với tôi vậy.

Cha tôi kể với tôi rằng ông đã cố gắng đến thăm tôi vài lần nhưng bao giờ cũng phải đụng đầu với bạo lực và sự thô lỗ, vì vậy ông nghĩ rằng sẽ an toàn hơn cho tôi nếu như ông lánh xa ra và để cho mọi việc lắng xuống. Điều đó khiến tôi có cảm giác như đồng minh cuối cùng của mình cũng đã biến mất mặc dù sau này tôi đã phát hiện ra rằng ông vẫn cố gắng dõi theo những gì xảy đến đối với cuộc sống của tôi theo một cách khác.

Một hôm, một bức ảnh của Jimmy rớt ra từ sau một cuốn album. Một trong những đứa em trai cùng cha khác mẹ của tôi hỏi:

- Ai đây? Ai đây?

Ngay lập tức Richard nổi giận, ném ngay bức ảnh vào thùng rác và cấm chúng không được hỏi thêm bất kỳ đều gì về đứa trẻ trong bức ảnh đó nữa. Vậy là Jimmy không còn là một phần trong gia đình tôi nữa.

Ngôi nhà nào chúng tôi sống cũng đều hết sức gọn gàng, sáng sủa. Tôi đoán rằng có lẽ đó là một lý do khiến cho mẹ và Richard thuyết phục được các nhà chức trách rằng họ có thể trở thành những bậc cha mẹ tốt đối với tôi. Họ luôn giữ cho nhà cửa sạch như lau như ly không một vết bẩn và hoàn toàn biệt lập. Cha dượng của tôi bị ám ảnh bởi việc trang trí nhà cửa. Không có ngày nào là ông ta không trang trí, sắp đặt lại phòng nào hay phòng khác với những thứ giấy dán tường phế phẩm, loại giấy mà bạn có thể thấy trong những quán rượu cũ kỹ, lỗi thời, hoặc sơn lại màu sơn khác, hoặc sửa lại cái bệ lò sưởi bằng gạch giả. Thậm chí, ngày đó, tôi còn hay bọc sách vở của mình bằng những mảnh giấy thừa từ những cuộn giấy dán tường của ông ta.

Sự riêng tư, biệt lập của gia đình chúng tôi là tất cả đối với ông ấy. Ngôi nhà của chúng tơi bao giờ cũng là ngôi nhà đẹp nhất trong khu phố. Những tấm rèm phủ kín khung cửa sổ suốt cả ngày và còn được gia cố thêm một lớp rèm bằng nhung dày cộm ngay khi ánh sáng bên ngoài bắt đầu mờ và trong nhà thắp đèn. Chỉ có Chúa mới biết họ lấy ở đâu ra nhiều tiền thế để mua chúng nhưng sự thật là họ đã đặt mua tấm rèm nhung đó từ trong những quyển sách giới thiệu vải mẫu. Không con mắt tò mò nào có được cơ hội dù là nhỏ nhất nhìn thấy cuộc sống bên trong của chúng tôi. Bên ngoài ngôi nhà là những cánh cổng cùng hàng rào cao ngất và những bụi cây còn cao hơn thế. Không ai, kể cả những thành viên trong gia đình có thể ra vào ngôi nhà một cách dễ dàng khi phải vượt qua những lần khoá và then cửa kiên cố như thế. Richard đã đã kiểm soát hoàn toàn lãnh địa của mình.

Tất cả chúng tôi đều phải làm việc nhà không ngừng nghỉ. Không một hạt bụi, không một vết bẩn nào có thể thoát khỏi đôi mắt diều hâu của Richard. Chỉ cần một chút bông nhỏ xíu rơi ra từ quần áo hay bít tất của chúng tôi xuống thảm là ngay lập tức chúng tôi bị quát mắng. Vì thế chúng tôi thường đi dép lê trong nhà để tránh điều đó xảy ra. Bất cứ ai đến thăm nhà chúng tôi cũng không thể tin được rằng người ta lại có thể giữ gìn một ngôi nhà đầy trẻ con được gọn gàng và sạch sẽ đến như vậy. Tất cả thìa, dĩa, cốc, chén, bát, đĩa trong tủ bếp, chạn bát đều được dọn xuống, lau chùi hàng ngày, mọi thứ đồ gỗ đều được đem ra ngoài cọ rửa, kể cả nồi nấu và tủ lạnh. Khung cửa sổ, cửa ra vào là những nơi thường khuất tầm mắt và không được để ý cũng được lau chùi mỗi ngày. Mọi thứ trong nhà lúc nào cũng bóng lộn như trong một doanh trại quân đội được điều hành bởi một thiếu tá lúc nào cũng sẵn sàng nổi cơn thịnh nộ. Cầu thang phải được cọ bằng tay mỗi buổi sáng và sau đó mẹ sẽ làm sạch nó thêm ba bốn lần nữa trong suốt cả ngày.

Khu vườn cũng nhận được sự quan tâm kỹ lưỡng tương tự. Rìa thảm cỏ được cắt bằng chằn chặn bởi kéo.

Nhưng làm việc nhà là cách duy nhất để khiến tôi bận rộn và tránh được Richard khi ông ta bỗng nhiên nổi cáu.

Richard trẻ hơn mẹ khoảng bốn tuổi và cũng chỉ hơn tôi khoảng mười bốn tuổi khi tôi được đưa trở về nhà. Nhưng đối với tôi ông ta vẫn là người lớn hoàn toàn và tôi biết rằng việc phản đối lại ông ta hay không nghe lời ông ta dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ đồng nghĩa với việc mạo hiểm tới sự an toàn của chúng tôi. Tôi rất ghét phải uống những viên thuốc khi còn ở trại tế bần và tôi không bao giờ cảm thấy sợ hãi khi chống đối lại những người quản lý việc uống thuốc. Vậy mà có điều gì đó ở người đàn ông này khiến cho tôi biết rằng nếu như tôi dám chống đối lại ông ta, mọi việc sẽ trở nên ngàn lần tồi tệ hơn thế.

Trông ông ta không giống như một con quỉ mặc dù ông ta cao hơn sáu feet (lm80), mảnh dẻ và nhiều cơ bắp. Ông ta có mái tóc hoe vàng với đôi mắt màu xanh lục như mắt rắn, ăn mặc bình thường nhưng rất chải chuốt. Ông ta rất quan tâm tới vẻ bề ngoài, cũng giống như chăm sóc ngôi nhà của mình vậy. Trong nhiều năm liền, tôi đã phải ủi quần áo cho ông ta nhiều tới nỗi tôi vẫn nhớ chính xác những thứ đồ mà ông ta có: một đôi quần jean và áo phông cổ tròn, những chiếc áo len cổ chữ V và những chiếc quần hiệu Farrahs. Khi tôi lớn tuổi hơn chút nữa, bạn bè tôi đôi khi nói với tôi rằng họ rất ngưỡng mộ ông ta. Điều đó khiến tôi cảm thấy phát ốm bởi vì đối với tôi, ông ta dường như là sản phẩm xấu xí nhất của tạo hoá trên thế giới này. Ông ta xăm tên mẹ lên cổ để nói với cả thế giới rằng ông ta mạnh mẽ đến thế nào.

Ngay sau khi tôi vừa bị đưa trở lại ngôi nhà đó và không ai ở thế giới bên ngoài có thể nhìn thấy tôi nữa, ông ta thể hiện ra mặt sự căm ghét đối với tôi. Bất cứ khi nào đi qua tôi mà mẹ không để ý, ông ta đều đánh tôi, hay giật tóc tôi thật mạnh đến mức tôi có cảm tưởng tóc tôi gần như đứt ra khỏi da thịt. Ông ta thường ghé môi sát tai tôi và rít lên rằng ông ta khó chịu và căm ghét tôi đến thế nào, đồng thời những ngón tay ông ta như gọng kìm véo mạnh vào má tôi. Ông ta sẽ phun ra những lời lẽ sau:

- Tao căm ghét mày, đồ con hoang Pakistan. Trước khi mày trở về đây, mọi thứ đều tốt đẹp, mày là đứa con lai chó chết. Mày là đồ xấy xí, gớm ghiếc. Mày cứ đợi đấy, rồi sẽ biết tay tao!

Sự căm ghét mà ông ta dành cho tôi lớn đến nỗi ông ta không thể kiềm chế nổi bản thân mình. Gọi tôi với cái tên "con hoang Pakistan" là lời sỉ nhục tồi tệ nhất mà ông ta có thể nghĩ ra bởi vì ông ta thường tự hào khi mang theo mình những tư tưởng kỳ thị chủng tộc giống như một tấm huân chương danh dự trên ngực áo.

Ông ta thường xuyên khạc nhổ vào đĩa thức ăn của tôi bất cứ khi nào ông ta có cơ hội và tôi thường phải trộn cả nước bọt với súp khoai tây hay nước thịt để dễ nuốt hơn bởi vì bao giờ ông ta cũng bắt tôi phải ăn tới miếng cuối cùng có trong đĩa. Ông ta sẽ nói giống như một người cha quan tâm tới sự ăn uống của con mình: "Con không được rời khỏi bàn nếu như không ăn hết đĩa thức ăn của mình đâu đấy!”. Nhưng bao giờ ông ta cũng cười rất nham hiểm vì ông ta biết rõ những gì mình vừa làm được.

Khi cậu em Pete của tôi đủ lớn để có thể nói ra những gì nó nhìn thấy thì một lần điều đó đã thực sự xảy ra.

- Ơ, sao ba lại nhổ vào đĩa thức ăn của chị Janey?

Ông ta nạt nộ:

- Đừng có nói những điều ngu ngốc như thế. Ta đâu có làm thế.

Khi tôi thấy mẹ đã chú ý tới sự việc này, và vì nghĩ rằng tôi đã có một nhân chứng là Pete, tôi lấy hết can đảm lên tiếng:

- Đúng là ba đã làm thế. Ba luôn luôn làm như thế.

Nhưng mẹ không bao giờ có thể tin rằng ai đó lại làm điều đáng ghê tởm như thế và từ đó trở đi Richard đã biến trò đó thành một trò tệ hại gấp đôi. Ông ta thường tạo ra những tiếng động trên đĩa thức ăn của tôi và sau đó khạc một miếng dãi to gấp bội vào đồ ăn của tôi khi mẹ tôi quay đi, chỉ tặc lưỡi một cách không hài lòng và nói với ông ta "đừng có vớ vẩn như thế nữa" như thể điều đó chẳng hơn gì một trò đùa mà bà không cảm thấy buồn cười.

Tôi nghĩ chắc hẳn bà cũng biết ông ta căm ghét tôi đến thế nào bởi vì khi tôi còn bé dường như không bao giờ bà muốn để tôi ở lại một mình trong phòng với ông ta lâu. Nếu như bà thấy Richard đang bực dọc mà bà lại phải đi toa lét thì bà thường gọi tôi đi cùng, giống như gọi một con chó theo gót chủ. Khi chúng tôi đã vào bên trong toa lét, bà sẽ để tôi ngồi xuống ngay đằng trước bà, lưng tôi tựa vào đầu gối bà trong khi bà làm việc của mình. Tôi không thể tìm ra một lý do khác cho hành động đó của bà, nhưng chúng tôi không bao giờ nói với nhau về điều đó và tôi luôn luôn hạnh phúc được đi cùng với bà bởi vì tôi biết rằng điều đó sẽ giúp tôi thoát khỏi một cái tát tai hay một cú đá của Richard. Tuy nhiên, điều mà bà không bao giờ nhận ra là không phải chỉ khi không vui hay cáu giận Richard mới đánh tôi, véo tôi hay rít lên những lời nguyền rửa, sỉ nhục vào tai tôi mà ông ta làm điều đó mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.

Căn nhà nơi chúng tôi ở có ba phòng ngủ. Vì vậy, tôi có một phòng riêng ngay từ đầu và nó cũng được trang trí rất đẹp, giống như phòng ngủ của bất cứ cô bé con nào. Giấy dán tường trong phòng tôi cũng đầy màu sắc, từ loại giấy có những cô bé con đội những chiếc mũ mềm, rộng, xinh xắn tới những con ngựa đủ kích cỡ, kiểu dáng. Tôi cũng có rất nhiều đồ chơi nhưng tôi không bao giờ được phép chơi với chúng trừ khi tôi trả ơn cho Richard bằng một  điều gì đó.

Những lần trả ơn đó đã trở thành thường nhật trong cuộc sống của tôi. Nếu như mẹ cho phép tôi ra ngoài chơi khi Richard đi đâu đó và rồi ông ta trở về nhà và biết rằng tôi đã ra ngoài thì có nghĩa là tôi đã "nợ ông ta một lần trả ơn". Nếu như tôi muốn ăn một cái kẹo, hay muốn đến tham dự bữa tiệc sinh nhật của một người bạn hay muốn xem vở “The Muppet", ông ta vẫn có thể đồng ý nhưng ông ta sẽ làm cho tôi biết rằng sau đó tôi sẽ phải bù lại bằng một lần trả ơn. Cuối cùng, tôi quyết định không hỏi xin ông ta bất kì điều gì nữa nhưng ông ta vẫn yêu cầu tôi những lần trả ơn, hoặc thay vì thế ông ta gọi nó là "những hình phạt " vì "những tội lỗi", chẳng hạn như khi ông ta thấy mặt mũi tôi sưng sỉa, hờn dỗi hay ủ ê. Giờ đây, khi ngẫm lại quá khứ, tôi nhận ra rằng, bằng cách nào hay cách khác, ông ta cũng sẽ vẫn yêu cầu tôi những lần trả ơn, vì vậy, tôi ước rằng tôi đã xin nhiều thứ hơn để đổi lấy những lần tôi phải trả ơn ông ta. Thế nhưng lúc đó, tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được một cách rõ ràng những gì đang diễn ra. Ông ta đã sắp xếp để mọi chuyện trở nên phức tạp và đáng sợ đối với tôi.

Wolfie là thử đồ chơi yêu thích của tôi. Đó là một con thú nhồi bông với cái đầu chó rất lớn, to gần bằng tôi. Wolfie có một khoảng eo nhỏ giữa thân. Tôi thường vòng tay qua chỗ ngẵng đó và Wolfie có thể khiêu vũ với tôi, đi cùng tôi xung quanh căn phòng. Đó là người bạn thân nhất của tôi.

Nếu như Richard muốn trừng phạt tôi mà mẹ lại ở nhà, ông ta sẽ thì thầm vào tai tôi: "Nhìn đây này!". Sau đó ông ta sẽ mắng chửi tôi vì một điều gì đó và mắng mỏ, to tiếng với mẹ rằng tôi là một con bò xấu xí, đáng bực mình. Khi nhìn thấy cơn giận dữ của ông ta khi đó, mẹ sẽ đồng ý với ông ta, tặc lưỡi một cách buồn bã với cô bé con mệt mỏi, ủ rũ là tôi. Sau đó, Richard sẽ đá tôi, tát tai tôi và túm lấy đuôi tóc lôi tôi lên nhà, làm cho tôi không thể nào theo kịp và thế là đương nhiên, tôi bị kéo lê đi hoàn toàn bằng mớ tóc trên đầu. Ông ta sẽ nói với mẹ rằng ông ta sẽ đưa tôi lên giường đi ngủ và sẽ "nói chuyện" với tôi nhưng sau đó ông ta sẽ đánh tôi còn dã man hơn là khi tôi còn ở dưới nhà. Ông ta sẽ nói với tôi trong lúc kẹp nhéo khuôn mặt tôi qua những ngón tay như gọng kìm:

- Hãy đợi cho tới khi mẹ mày đi vắng. Rồi mày sẽ biết tay tao!

Ban đầu, khi ông ta hay đánh đập tôi bằng tay, bằng dép hay bằng gậy, tôi thường khóc thút thít. Nhưng chẳng mấy chốc, tôi quyết tâm sẽ không để cho ông ta được hả hê như thế nữa. Tôi không thể ngăn nước mắt ròng ròng chảy ra vì đau đớn nhưng tôi nhận thấy rằng nếu như tôi nghiến chặt răng và nhìn chằm chằm vào ông ta thì tôi có thể ngăn mình bật lên những tiếng nức nở. Đó chỉ là một chút rất nhỏ sự chống đối mà tôi thấy mình còn có đủ can đảm và sức mạnh để thực hiện và điều đó nhưng khiến cho sự hành hạ, đánh đập còn trở nên tàn tệ hơn.

Ông ta nói:

- Không khóc hả? Có nghĩa là mày thấy như thế này chưa đủ đau phải không?

Nhưng sau đó, khi tôi khóc thành tiếng, ông ta thậm chí còn trở nên giận dữ hơn và bảo tôi rằng ông ta sẽ cho tôi lý do để khóc cho dễ dàng. Ông ta luôn luôn làm điều gì ông ta muốn mà không cần quan tâm tới việc tôi nói gì hay làm gì.

Tôi cũng cho rằng mẹ biết đôi khi ông ta đã đi quá đà bởi vì sau khi ông ta ném tôi lên giường, thỉnh thoảng bà cũng rón rén vào phòng tôi để kiểm tra xem tôi có còn thở không. Tôi thường giả vờ thở thật yếu ớt, thật thoi thóp vì tôi muốn hù doạ cho mẹ tôi sợ hãi để trừng phạt bà vì đã để ông ta đánh đập tôi. Đó quả là một điều đáng để làm.

- Janey! Janey! - Bà hốt hoảng thì thầm và tôi đột ngột mở mắt ra như thể tôi vừa thiếp ngủ.

- Con thở bình thường xem nào?

Bà mắng tôi, tức giận vì tôi đã khiến bà hoảng sợ. Bà chẳng bao giờ dám lớn tiếng bởi vì bà không muốn để Richard biết rằng bà đã lên phòng tôi để xem tôi còn sống hay không. Mặc dù tôi đã rất giận bà vì đã không giúp đỡ tôi nhưng tôi cũng cảm thấy nhẹ người vì bà không bị đánh như tôi.

Nhiều lần, Richard nói với tôi là ông ta và tôi sẽ làm gì sau đó và nếu như trông tôi không được thoải mái hoặc quay đi, hoặc kêu khóc, ông ta sẽ nói:

- Phải, mày là con chó cái vô ơn. Giờ hãy xem tao sẽ làm gì. Tao sẽ dạy cho mày biết phải trái.

Sau đó, ông ta bắt đầu gây sự, cãi nhau với mẹ và đánh đập mẹ ngay trước mặt tôi. Rồi ông ta sẽ liên tục nhắc lại với tôi rằng:

- Mày chính là lý do duy nhất khiến mẹ mày và tao cãi nhau.

Cảm giác tội lỗi đè nặng lên tâm hồn tôi. Tôi hiểu rằng tôi cần phải đồng tình với ông ta, luôn luôn phải mỉm cười và luôn luôn phải tỏ ra biết ơn vì tất cả mọi điều, nếu không thì sẽ có những sự trừng phạt đáng sợ xảy đến với cả tôi và mẹ tôi.

Giống như một cậu bé con vặt trụi cánh của con côn trùng bé nhỏ hoặc nhốt chúng vào trong lọ mứt rỗng và đứng nhìn chúng chết dần vì đói khát, Richard dường như rất háo hức trong những trò bắt tôi phải chịu đựng, phải đau đớn chẳng vì lý do gì cả. Chiếc tủ ngăn được sưởi nóng để đựng khăn tắm của cả nhà được đặt trong phòng tôi và ông ta thường bắt tôi cởi  quần áo rồi chui vào trong giữa đống khăn tắm. Tôi cũng không biết ông ta đã bắt tôi phải ở trong đó bao nhiêu lâu bởi vì với một đứa trẻ còn quá nhỏ, ngồi im thít trong bóng tối, lòng đầy sợ hãi thì thời gian dường như không thể đếm được. Tôi cũng không biết cái tủ đó có bị khoá không nữa bởi vì tôi chưa bao giờ dám thử chui ra ngoài nếu như chưa được sự cho phép của ông ta. Không tuân lệnh cũng đồng nghĩa với việc những hình phạt khác nặng nề hơn sẽ giáng xuống đầu tôi. Luật chơi ở đây là phải chịu đựng tất cả những gì ông ta bảo và tôi phải làm như vậy với một nụ cười vui vẻ và lòng biết ơn. Là "một con lừa với vẻ mặt buồn bã, ủ ê" là một trong những "tội lỗi" tồi tệ nhất mà tôi có thể phạm phải. Chỉ thỉnh thoảng hoặc ông ta mới quay lại để kiểm tra xem liệu tôi có bị chết ngạt vì nóng hay không, sau đó ông ta lại sập cửa lại và bỏ mặc tôi trong bóng tối và tôi không hề biết tôi sẽ còn phải ở đó trong bao lâu nữa.

Trong phòng tôi cũng có một cái gờ nhỏ và tôi còn nhớ mình đã bị bắt đứng lên đó nhưng tôi không nhớ được điều gì xảy ra tiếp theo. Một ngày nào đó, có lẽ ký ức về điều này sẽ trở về nhưng tôi không hề mong chờ điều đó xảy ra.

Tuy vậy những sự làm nhục, sự tra tấn về thể xác như vậy chưa đáng sợ và khó vượt qua bằng những trò tra tấn về tinh thần, những trò gần như đã ngay lập tức diễn ra khi tôi vừa trở về căn nhà đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích