Người Đua Diều
Chương XIX

Lại say xe. Đến lúc xe chúng tôi chạy qua cái biển đạn bắn lỗ chỗ, ĐÈO KHYBER HOAN NGHÊNH QUÝ KHÁCH, miệng tôi bắt đầu muốn nôn. Một cái gì đó trong dạ dày tôi cuộn lên và xoắn lại. Farid, gã tài xế của tôi, liếc nhìn tôi lạnh lùng. Không một chút đồng cảm nào trong mắt hắn.Tôi hỏi:

- Có thể hạ kính xe xuống không?

Hắn châm một điêu thuốc và kẹp chặt giữa hai ngón còn lại của tay trái, bàn tay vẫn để trên tay lái. Đôi mắt đen vẫn nhìn đường, hắn cúi xuống phía trước nhặt chiếc tuốc nơ vít nằm giữa hai chân, và trao nó cho tôi. Tôi cắm vào cái lỗ nhỏ ở cửa xe, nơi đáng lẽ có tay quay và vặn cho cửa kính xe cho tôi hạ xuống.

Farid lại nhìn tôi khinh miệt, cái nhìn này có vẻ như một kẻ thù địch được nén lại, và tiếp tục hút thuốc. Hắn không nói quá mươi lời từ lúc chúng tôi khởi hành ở Jamrud Ford.

- Cảm ơn, - tôi lẩm bẩm. Tôi ngả đầu ra ngoài cửa số để cho khí lạnh giữa ban trưa ào qua mặt tôi. Xe chạy xuyên qua những vùng đất của các bộ tộc Đèo Khyber, ngoằn ngoèo giữa những vách đá phiến và đá vôi, đúng như tôi nhớ Baba và tôi đã cho chạy xe qua miền đất tuyệt vọng này trước năm 1974. Những dãy núi khô cằn, sừng sững dọc theo những vực sâu, vút lên nhưng đỉnh lởm chởm tai mèo. Những pháo đài cổ, tường bằng đất nung đang vỡ vụn trên đỉnh những vách đá cheo leo. Tôi cố dán mắt vào dãy Hindu Kush phủ tuyết ở phía Bắc, nhưng mỗi lần bụng tôi ổn ổn được một chút, chiếc xe tải lại lượn vòng một khúc ngoặt khác, làm dội lên một đợt sóng buồn nôn mới.

- Thử một miếng chanh xem.

- Cái gì?

- Chanh. Say xe dùng tốt đấy, - Farid nói. - Tôi luôn mang theo một quả khi lái xe đường này.

- Không, cảm ơn. - Tôi nói. Nghĩ đến thêm chất chua cho dạ dày là đã muốn nôn thêm rồi.

Farid cười khẩy.

- Không màu nhiệm như thuốc Mỹ đâu, tôi biết chỉ là một phương thuốc cổ mẹ tôi dạy tôi thôi.

Tôi chỉ tiếc nhỡ để lỡ mất dịp may thân thiện với hắn:

- Đã vậy thì có lẽ cho tôi một miếng.Hắn vớ lấy cái túi giấy ở sau ghế và bóc một nửa quả chanh ra. Tôi cắn một miếng, đợi vài phút:

- Anh nói đúng, tôi thấy dễ chịu hơn.Tôi nói dối. Là một người Afghan, tôi biết tốt nhất là chịu khổ còn hơn thô lỗ. Tôi cố nặn ra một nụ cười yếu ớt.

- Mẹo watani 1 cổ đấy mà, không cần phải thuốc tiên đâu - Hắn nói giọng gần như cáu kỉnh. Hắn búng tàn thuốc đi và tự ban cho mình một cái nhìn thoả mãn trong chiếc gương chiếu hậu. Hắn là một người Tajik 2, một gã đàn ông gầy cao lêu đêu, da ngăm đen, mặt sạm nắng gió, vai hẹp, cái cổ dài lộ yết hầu, nhưng chỉ ló ra sau bộ râu khi hắn quay đầu lại. Hắn mặc nhiều hơn tôi, dù tôi cho đó thực ra chỉ là lối ăn mặc khác: một chiếc mền len dệt thô chùm lên pirhan-tumban 3 màu xám và một áo vest. Trên đầu, hắn đội chiếc pakol 4 nâu hơi nghiêng về một bên, giống như người anh hùng Tajik Ahmad Shad Massoud - được dân Tajik coi như "Con mãnh sư của Panjsher."

Chính Rahim Khan đã giới thiệu tôi với Farid. Ở Peshawar. Ông bảo tôi Farid hai chín tuổi, dẫu hắn có bộ mặt thận trọng, chằng chịt nếp nhăn của một người già hơn cái tuổi chưa đến ba mươi. Hắn sinh ra ở Mazar-i-Sharif, và sống ở đó cho tới khi lên mười thì cha hắn chuyển cả gia đình tới Jalalabad. Mười bốn tuổi, hắn theo cha tham gia phong trào Hồi giáo Thánh chiến Jihad chống lại bọn Shorawi. Cha con hắn đã chiến đấu ở thung lũng Panjsher hai năm liền cho đến khi trực thăng nã súng máy và xé ông bố ra làm nhiều mảnh. Farid có hai vợ và năm đứa con. "Hắn vốn có bảy đứa", Rahim Khan nói bằng con mắt buồn buồn, nhưng hắn đã để mất đứa con gái bé nhất mấy năm trước trong một vụ mìn nổ ngay phía ngoài Jalalabad, cũng vụ nổ đã cắt mất gót chân và ba ngón tay trái hắn. Sau đó, hắn đưa hai vợ hắn và lũ trẻ tới Peshawar.

- Trạm kiểm soát. - Farid gầm lên. Tôi khom người xuống một chút trong ghế ngồi của tôi, hai tay khoanh trước ngực, quên cả buồn nôn. Nhưng không cần phải lo. Hai quân nhân Pakistan lại gần chiếc xe Land Cruiser cũ nát của chúng tôi, liếc vội vào trong xe, và vẫy chúng tôi đi.Tên Farid đứng đầu danh sách chuẩn bị của chú Rahim Khan và tôi, một danh sách gồm cả việc đổi tiền đô sang tiền Kaldar và tiền Afghan, quần áo của tôi và chiếc pakol - mỉa mai thay, tôi chưa từng mặc thứ nào hồi tôi còn sống ở Afghanistan, tấm ảnh Polaroid của Hassan và Sohrab, và cuối cùng, khoản quan trọng nhất, một bộ râu đen giả dài đến ngực, Shari"a tử tế - hoặc ít nhất cũng là Shari"a theo cách hiểu của bọn Taliban. Rahim Khan quen một người bạn ở Peshawar, chuyên gia trong việc gắn những thứ đó, đôi khi cho cả những nhà báo phương Tây đến làm phóng sự về chiến tranh.

Rahim Khan muốn tôi lưu lại với ông thêm mấy ngày nữa để sắp xếp mọi việc trôi chảy hơn. Nhưng tôi biết tôi phải rời đi cùng sớm càng tốt. Tôi sợ tôi sẽ đổi ý. Tôi sợ tôi sẽ cân nhắc, suy tính, dằn vặt, duy lý, và thuyết phục bản thân đừng đi. Tôi sợ tiếng gọi của cuộc sống ở Mỹ sẽ kéo tôi trở lại, tôi sẽ lội ngược dòng con sông lớn vĩ đại đó và phó mặc bản thân quên đi, phó mặc mọi chuyện tôi biết được vài ngày vừa qua chìm xuống đáy. Tôi sợ tôi sẽ để cho nước cuốn tôi khỏi những gì tôi phải làm. Khỏi Hassan. Khỏi quá khứ đã lên tiếng gọi. Khỏi cơ may cuối cùng này để chuộc tội. Vì vậy tôi lên đường trước khi có một khả năng nào của những điều đó xảy ra. Còn đối với Soraya, báo cho nàng biết tôi sẽ trở về Afghanistan không phải lựa chọn của tôi. Nếu tôi làm thế, nàng sẽ đặt vé máy bay ngay chuyến kế tới Pakistan.

Chúng tôi đã vượt qua biên giới và những dấu hiệu của nghèo khổ hiện ra ở khắp mọi nơi. Bên kia đường, tôi thấy hàng loạt những ngôi làng nhỏ mọc ra đó đây, giống như những mảnh vụn đồ chơi giữa đám đất đá, những ngôi nhà và những túp lều bằng đất đổ nát chẳng có gì ngoài bốn cây cột gỗ và mảnh vải rách coi như cái mái. Tôi thấy lũ trẻ ăn mặc rách rưới săn đuổi quả bóng đá bên ngoài những túp lều ấy. Vài dặm đường sau, tôi bất chợt thấy một nhóm đàn ông ngồi xệp, trông như một đàn quạ, trên cái xác chiếc xe tăng Xô viết cháy rụi, gió thổi bay mép những tấm mền quấn quanh người họ. Phía sau họ một người đàn bà trong chiếc burqa 5 nâu vác một vò sành lớn trên vai, đi xuống con đường hằn sâu và bánh xe, về phía dãy nhà đất.

- Lạ thật, - tôi nói.

- Gì cơ?

- Tôi cảm thấy như một khách du lịch trên chính đất nước mình, - tôi vừa nói vừa quan sát một người chăn dê đang chăn sáu con dê còm nhom dọc lề đường.Farid cười khẩy. Hắn quẳng điếu thuốc đi:

- Ông vẫn còn nghĩ nơi này là đất nước mình ư?- Tôi nghĩ một phần con người tôi sẽ luôn luôn nghĩ vậy, - tôi nói, để chống chế hơn là chủ định.

- Sau hai mươi năm sống ở Mỹ chứ gì, - hắn vừa nói vừa đánh tay lái, tránh một cái hố to bằng trái bóng bãi biển.

Tôi gật đầu:

- Tôi lớn lên ở Afghanistan.Farid lại cười khẩy.

- Tại sao anh lại thế?

- Chẳng sao cả, - hắn lẩm bẩm.

- Không, tôi muốn biết. Tại sao anh lại làm thế?

Trong chiếc gương chiếu hậu, tôi thấy một cái gì đó loé lên trong mắt hắn.

- Ông muốn biết không? - Hắn cười mỉa. - Để tôi tưởng tượng xem nào, Agha sahib. Có thể ông đã sống trong một toà nhà lớn hai hoặc ba tầng với một cái sân sau tuyệt đẹp nơi người coi vườn của ông trồng đầy hoa và cây ăn quả. Tất cả đều có cổng, tất nhiên. Bố ông lái một chiếc xe hơi Mỹ. Ông cũng có nhiều đày tớ, có thể là người Hazara. Cha mẹ ông thuê thợ trang trí ngôi nhà theo lối mehmanis 6 cầu kỳ của họ, để bạn bè họ ghé thăm, chè chén rồi khoác lác về những chuyến đi châu Âu hoặc Mỹ của họ. Và tôi dám đem đôi mắt của đứa con trai đầu lòng của tôi ra cược, đây là lần đầu liên ông đội pakol.

Hắn nhăn nhở cười với tôi, để lộ đầy một mồm răng sún.

- Tôi nói đúng chứ?

- Tại sao anh lại nói những điều này? - Tôi hỏi.

- Bởi vì ông muốn biết.

Hắn nhổ. Hắn chỉ một ông già, quần áo rách rưới lê bước xuống lối đi bẩn thỉu, một bao to đầy cây chổi xể 7 buộc trên lưng:

- Đó mới là Afghanistan thực sự, Agha sahib. Là Afghanistan mà tôi biết. Còn ông? Ông mãi mãi là một khách du lịch ở đây, ông đâu có biết điều đó.

Rahim Khan đã cảnh báo tôi đừng mong một sự đón tiếp nồng nhiệt ở Afghanistan từ những con người đã ở lại phía sau và chiến đấu. Tôi nói:

- Tôi rất tiếc về chuyện cha anh, con gái anh đã mất, và rất tiếc về bàn tay anh.

- Chẳng là gì đối với tôi, - hắn lắc đầu nói. - Chung quy là tại sao ông lại trở về? Bán đất của Baba ông à? Đút tiền vào túi và chuồn thẳng về với mẹ ông ở Mỹ à?

- Mẹ tôi chết ngay lúc sinh ra tôi, - tôi nói.Hắn thở dài, châm một điếu thuốc khác. Không nói gì nữa.

- Đỗ lại.

- Cái gì?

- Đỗ lại, chết tiệt! - Tôi nói. - Tôi sắp bị nôn.

Tôi nhào vội ra khỏi xe, lúc nó vừa táp vào lề sỏi dọc đường. Đến xế chiều, địa hình đã chuyển từ một vùng toàn những đỉnh núi dãi nắng và vách đá trơ trụi sang một quang cánh thôn dã hơn, xanh tươi hơn. Con đèo chính từ Landi Kotal dốc xuống qua địa phận Shinwari với Landi Khana. Đến Torkham là chúng tôi đã vào địa phận Afghanistan rồi. Những cây thông mọc bên lề đường, ít hơn là tôi nhớ và nhiều cây trơ trụi, nhưng lại được nhìn thấy cây cũng tốt sau một đoạn đường xe chạy gian nan qua đèo Khyber. Chúng tôi đang đến sát Jalalahad, ở đấy Farid có một người anh trai ban đêm sẽ đón chúng tôi vào nhà.

Mặt trời chưa lặn hẳn khi xe chúng tôi vào Jalalabad, thủ phủ của tiểu bang Nangarhar, thành phố từng nổi tiếng về trái cây và khí hậu ấm áp. Farid lái xe qua những toà chung cư và những ngôi nhà bằng đá của khu trung tâm thành phố. Không có nhiều cây cọ như tôi nhớ nữa, và nhiều nhà đã biến thành những bức tường không mái với những đống đất sét vụn nát.

Farid ngoặt lên một con đường hẹp không lát và đỗ chiếc Land Cruiser dọc theo con mương khô cạn. Tôi chui ra khỏi xe, vươn vai, và hít một hơi dài. Ngày xưa, gió thổi tràn qua những cánh đồng được tưới tiêu xung quanh Jalalabad, nơi nông dân trồng mía làm không khí thành phố đượm một mùi thơm ngọt ngào. Tôi nhắm mắt lại và tìm kiếm mùi ngọt ngào ấy. Nhưng tôi không thấy.

- Ta đi thôi. - Farid nôn nóng nói. Chúng tôi bước lên một con đường đất, qua mấy cây bạch dương trụi lá dọc theo một dãy những bức tường đất đổ nát, Farid dẫn tôi đến ngôi nhà một tầng cũ nát và gõ vào cánh cửa ván gỗ.Một phụ nữ trẻ với đôi mắt màu xanh đại dương và một chiếc khăn trùm đầu màu trắng quấn quanh khuôn mặt ló ra. Chị ta trông thấy tôi trước, ngần ngại, chợt thấy Farid, mắt chị sáng lên:

- Salaam alaykum, Kaka Farid!

- Salaam, Maryam jan. - Farid đáp lại, và tặng chị ta thứ mà suốt ngày hôm ấy hắn đã từ chối tôi: nụ cười nồng ấm. Hắn hôn lên đỉnh đầu chị. Người phụ nữ trẻ bước sang một bên, nhìn tôi đôi chút thông cảm hơn, khi tôi theo Farid vào ngôi nhà bé nhỏ.

Trần nhà gạch phơi thấp, những tường đất chung quanh trơ trọi, và chỉ có chút ánh sáng từ cặp đèn lồng ở góc nhà. Chúng tôi cởi giày ra và bước lên chiếc chiếu cói trải trên nền nhà. Dọc một bức tường, ba đứa con trai ngồi khoanh chân trên đệm trải một cái mền mép rách bươm. Một người đàn ông cao lớn để râu, vai rộng, đứng lên chào đón chúng tôi. Farid và anh ta ôm ghì lấy nhau và hôn nhau lên má. Farid giới thiệu anh ta tên là Wahid, và là anh trai của mình.

- Ông ấy từ Mỹ về, - Farid vừa nói với anh trai vừa ngoắc ngón tay cái về phía tôi. Rồi hắn để mặc hai chúng tôi với nhau và đến thăm lũ trẻ.Wahid ngồi dựa vào tường cùng tôi, đối diện với lũ trẻ. Chúng vồ lấy Farid và trèo lên vai hắn. Mặc cho tôi phản đối, Wahid sai một đứa trải chiếc mền nữa để tôi được thoải mái hơn trên nền nhà, và yêu cầu Maryam mang cho tôi một tách trà. Anh ta hỏi thăm tôi chuyến xe từ Peshawar và việc qua đèo Khyber.

Anh ta nói:

- Tôi hy vọng ông không tình cờ đụng phải một đám dozd 8 nào. Đèo Khyber nổi tiếng về địa hình cũng như những toán cướp thường nhũng nhiễu khách du hành. - Trước khi tôi kịp trả lời, anh ta nháy mắt và nói to:

- Tất nhiên, chẳng dozd nào lại phí thì giờ đi cướp chiếc xe xấu xí như của em tôi.

Farid vật đứa bé nhất trong ba đứa con trai ra nền nhà và cù vào xương sườn nó bằng bàn tay lành. Thằng bé cười rinh rích và đá hắn.

- Ít nhất em cũng có được một cái xe, - Farid hổn hển nói. - Dạo này con lừa của anh ra sao rồi?

- Lừa của tôi cưỡi còn tốt hơn xe của chú.

-Khar Khara mishnassah 9. - Farid đáp trả. Tất cả đều cười và tôi cũng cười theo. Tôi nghe thấy những tiếng đàn bà từ gian phòng kề bên. Tôi có thể nhìn rõ nửa gian phòng đó từ chỗ tôi ngồi. Maryan và một phụ nữ lớn tuổi hơn, đội hijab 10 nâu, chừng như là mẹ chị ta, đang thì thầm với nhau và rót trà từ ấm sang một cái bình.

- Vậy ông làm gì ở Mỹ, Amir agha? - Wahid hỏi.

- Tôi là một nhà văn, - tôi nói. Tôi tưởng như nghe thấy Farid cười thầm khi tôi nói thế.

- Nhà văn ư? - Wahid nói, rõ ràng xúc động. - Ông viết về Afghanistan à?

- Phải, tôi đã viết. Nhưng không phải mới đây. - Tôi nói. Cuốn tiểu thuyết gần nhất của tôi: Một thời tro bụi 11 viết về một giáo sư đại học gia nhập một bộ lạc người Di-gan sau khi thấy vợ mình lên giường với một trong những sinh viên của ông. Đó không phải là một cuốn sách tồi. Một vài nhà phê bình đã gọi đó là cuốn sách "hay", và một người thậm chí đã dùng từ "lôi cuốn". Nhưng chợt tôi thấy ngượng ngùng về chuyện đó. Tôi mong Wahid sẽ đừng hỏi tôi viết về cái gì nữa.

- Có lẽ ông nên lại viết về Afghanistan, - Wahid nói. - Nói cho mọi người khác trên thế giới biết bọn Taliban đang làm gì đất nước chúng ta.

- Ồ, tôi không... tôi không hoàn toàn thuộc loại nhà văn đó.

- Ồ! - Wahid vừa nói vừa gật đầu và hơi đỏ mặt lên. - Tất nhiên, ông biết rõ nhất nên viết gì. Đâu đến lượt tôi gợi ý...Ngay lúc đó, Maryam và người đàn bà kia bước vào phòng với hai cái tách và ấm trà trên khay nhỏ. Tôi lễ phép đứng lên, ép tay vào ngực, và cúi đầu chào:

- Salaam alaykum.

Người đàn bà lúc này đã quấn hijab, che phía dưới mặt, cũng cúi đầu chào lại:

- Salaam, - bà đáp bằng một giọng hầu như không nghe thấy. Mắt chúng tôi chẳng hề tiếp xúc với nhau. Bà rót trà, còn tôi vẫn đứng.Người đàn bà đặt tách trà đang bốc khói trước mặt tôi và ra khỏi phòng, đôi chân trần của bà không gây một tiếng động nhỏ khi bà biến mất. Tôi ngồi xuống và nhấp trà đen đặc. Wahid cuối cùng cũng phá vỡ sự im lặng không mấy dễ chịu theo sau.

- Vậy cái gì khiến ông quay lại Afghanistan?.

- Cái gì khiến

tất cả

bọn họ quay lại Afghanistan chứ, anh thân mến? - Farid nói với Wahid, nhưng mắt lại dán vào tôi bằng một cái nhìn khinh thị.

-Bas! Thôi đi! - Wahid ngắt lời.

- Vẫn chuyện ấy thôi. - Farid nói. - Bán mảnh đất này, bán hỏi nhà kia, gom tiền và chạy trốn như một con chuột nhắt. Trở về Mỹ, tiêu tiền ấy vào việc cho cả gia đình đi nghỉ ở Mêhicô.

- Farid! - Wahid gầm lên. Lũ trẻ con, và ngay cả Farid nữa, sợ hãi lùi cả lại. - Quên mất phép tắc rồi ư? Đây là nhà tôi! Amir agha là khách của tôi đêm nay và tôi sẽ không cho phép chú làm mất danh dự tôi như thế!

Farid mở miệng, định nói điều gì đó, nhưng rồi nghĩ lại và không nói gì nữa. Hắn ngồi phịch xuống dựa vào tường, lẩm bẩm điều gì đó, và gác cẳng chân què lên chân lành. Đôi mắt buộc tội của hắn không chịu rời tôi.

- Thứ lỗi cho chúng tôi, Amir agha, - Wahid nói. - Từ lúc còn nhỏ, miệng em tôi vẫn luôn đi trước cái đầu của nó hai bước.

- Thực ra đấy là lỗi của tôi, - tôi nói, cố mỉm cười dưới cái nhìn quyết liệt của Farid. - Tôi không thấy bị xúc phạm đâu. Lẽ ra tôi nên giải thích cho anh ấy công việc của tôi ở Afghanistan. Tôi không về đây để bán tài sản. Tôi định đi Kabul để tìm một đứa bé trai.

- Đứa bé trai? - Wahid hỏi lại.

- Vâng.

Tôi moi ở túi áo sơ mi ra tấm ảnh Polaroid. Nhìn lại tấm hình của Hassan, một lần nữa xé toang lớp vảy mới liền trên nỗi đau cái chết của cậu ấy. Tôi phải nhìn đi chỗ khác. Tôi đưa tấm ảnh cho Wahid. Anh ta ngắm nghía tấm ảnh. Hết nhìn tôi lại nhìn tấm ảnh, rồi ngược lại.

- Đứa bé này à?

Tôi gật đầu.

- Một thằng bé Hazara?

- Vâng.

- Nó là thế nào với ông?

- Bố nó có ý nghĩa rất nhiều với tôi. Người đàn ông trong tấm ảnh đó. Cậu ấy chết rồi.

Wahid chớp chớp mắt:

- Một người bạn của ông à?

Bản năng của tôi muốn nói "vâng", như thể, sâu thẳm trong tôi, tôi vẫn muốn bảo vệ bí mật của Baba. Nhưng nói dối thế là đủ lắm rồi:

- Cậu ấy là em trai cùng bố với tôi. - Tôi nghẹn giọng. Nói thêm, - em trai khác mẹ, bất hợp pháp của tôi. - Tôi xoay tách trà. Mân mê tai tách.

- Tôi không có ý tọc mạch.

- Anh tọc mạch gì đâu. - Tôi nói.

- Ông sẽ làm gì với thằng bé?

- Mang nó về Peshawar. Ở đó có những con người sẽ trông nom săn sóc nó.Wahid trao trả tôi tấm ảnh và đặt bàn tay thân thiện lên vai tôi.

- Amir agha, ông là một người đàn ông đáng kính. Một người Afghan đích thực.

Tôi thấy ngượng trong lòng.

- Tôi tự hào được có một người như ông ở nhà chúng tôi đêm nay, - Wahid nói.

Tôi cảm ơn anh ta và liếc nhìn sang phía Farid. Lúc này hắn cúi nhìn xuống, mân mê những mép rách của tấm chiếu cói.

Một lát sau, Maryam và bà mẹ đem hai bát rau nấu shorwa nghi ngút khói và hai ổ bánh mì ra. Wahid nói:

- Tôi rất tiếc là chúng tôi không thể mời ông món thịt. Giờ chỉ có bọn Taliban có thể ăn thịt thôi.

- Món này trông tuyệt lắm, - tôi nói. Mà cũng tuyệt thật. Tôi mời anh ta và lũ trẻ ăn một chút nhưng Wahid bảo gia đình đã ăn trước khi chúng tôi đến rồi. Farid và tôi xắn ống tay áo lên, dầm bánh vào bát shorwa, và ăn bằng tay.

Trong khi ăn, tôi để ý thấy cả ba đứa trẻ nhà Wahid đều gầy còm, mặt cáu bẩn, tóc nâu cắt ngắn dưới những chiếc mũ chỏm đầu, đang nhìn trộm vào chiếc đồng hồ điện tử đeo tay của tôi. Đứa nhỏ nhất thì thào điều gì đó vào tai anh nó. Thằng anh gật đầu, không rời mắt khỏi chiếc đồng hồ của tôi. Đứa lớn nhất - tôi đoán chừng mười hai tuổi, rập rà rập rình, mắt dán vào cổ tay tôi. Ăn tối xong, sau khi rửa tay bằng nước Maryam dội từ chiếc vò sành, tôi xin Wahid cho phép tôi tặng con trai anh một hadia, một món quà. Anh bảo không, nhưng khi tôi cố nài, anh ta miễn cưỡng đồng ý. Tôi tháo chiếc đồng hồ đeo tay và tặng nó cho đứa bé nhất trong ba đứa trẻ. Nó ngượng ngập lẩm bẩm:

- Taskakor!

- Đồng hồ này sẽ cho cháu biết giờ của bất kỳ thành phố nào trên toàn thế giới, - tôi bảo nó thế.

Lũ trẻ lễ phép gật đầu, chuyền cái đồng hồ cho nhau xem. Nhưng chúng hết hứng thú ngay và, chẳng mấy chốc, chiếc đồng hồ đã bị bó quên trên manh chiếu cói.

Lát sau, Farid bảo tôi, khi nằm sát bên nhau trên chiếc chiếu cói vợ Wahid trải cho chúng tôi:

- Đáng lẽ ông có thể nói cho tôi biết.

-Nói cho anh biết cái gì?

- Nói tại sao ông trở về Afghanistan.

Giọng hắn đã mất hẳn vẻ thô lỗ mà tôi vẫn được nghe từ lúc tôi gặp hắn.

- Anh có hỏi đâu, - tôi nói.

- Lẽ ra ông phải nói cho tôi biết.

- Anh không hỏi mà.

Hắn xoay người lại nhìn tôi. Vòng cánh tay ra gối đầu:

- Có thể tôi sẽ giúp ông tìm thằng bé.

- Cảm ơn anh, Farid. - Tôi nói.

- Tôi thừa nhận là tôi đã nhầm.

Tôi thở dài:

- Không sao. Anh đã đúng hơn là anh tưởng đấy.

Hai tay cậu bị trói ngoặt ra sau bằng một chiếc thừng bện xù xì, cứa đến lút thịt cổ tay cậu. Cậu bị bịt mắt bằng một miếng vải đen. Cậu đang quỳ trên đường phố trên bờ một con mương đầy nước tù, đầu cậu rũ xuống giữa hai vai. Hai đầu gối run rẩy trên đất cứng và máu thấm qua quần khiến cậu như đang lắc lư trong lúc cầu nguyện. Đó là lúc xế chiều, và cái bóng dài của cậu chao đảo tới lui trên lớp sỏi rải đường. Cậu đang lẩm bẩm một điều gì đấy. Tôi bước sát hơn. Cậu lẩm bẩm:

Cả nghìn lần rồi. Vì cậu cả nghìn lần rồi. Cậu ấy lắc lư lui tới. Cậu ngẩng mặt lên. Tôi thấy một vết sẹo mờ trên môi trên của cậu.

Chúng tôi không chỉ có một mình.

Thoạt đầu, tôi thấy cái nòng súng. Rồi gã đàn ông đứng sau cậu. Hắn cao lớn, mặc một chiếc áo vest rằn ri và đội chiếc khăn tu-ban đen Hồi giáo. Hắn nhìn xuống người bị bịt mắt trước hắn bằng đôi mắt chẳng biểu hiện điều gì ngoài sự trống rỗng mênh mông như hang tối. Hắn lùi lại đằng sau một bước và giơ nòng súng lên. Gí vào sau gáy người đang quỳ. Trong một khoảnh khắc, nắng nhạt chiều tà hắt lên màu kim loại lấp lánh.

Khẩu súng gầm lên một tiếng chói tai.

Tôi dõi theo nòng súng theo vòng cung ngược lên. Tôi thấy bộ mặt sau bụm khói đang xoáy tròn từ họng súng. Tôi là người đàn ông trong chiếc áo vest rằn ri.

Tôi tỉnh giấc với một tiếng thét bị nghẹn lại trong họng.

Tôi bước ra ngoài. Đứng trong ánh trăng bàng bạc của vầng trăng khuyết một nửa và nhìn lên bầu trời lấm tấm những vì sao. Dế kêu râm ran trong bóng đêm bịt bùng và một luồng gió ào qua các khóm cây. Đất lạnh giá dưới đôi chân trần của tôi và bất chợt, lần đầu tiên, từ lúc chúng tôi vượt qua biên giới tôi cảm thấy như tôi đã trở về. Sau bao năm ấy, tôi lại trở về quê hương, đang đứng trên đất đai của tổ tiên tôi. Đó là mảnh đất nơi cụ tôi đã cưới bà vợ thứ ba một năm trước khi bị cái chết trong trận dịch tả xảy ra ở Kabul năm 1915 cướp đi. Cuối cùng thì cụ bà cũng sinh cho cụ một người con trai mà hai bà vợ trước không có được. Đó là mảnh đất mà ông nội tôi đã tham gia vào một chuyến đi săn cùng với quốc vương Nadir Shah và bắn được con nai. Mẹ tôi đã chết trên mảnh đất ấy. Và trên mảnh đất ấy tôi đã giành giật để có được tình yêu của cha tôi.

Tôi ngồi dựa lưng vào bức tường đất sét của ngôi nhà. Mối tình máu mủ tôi bất chợt cảm thấy đối với mảnh đất cũ này làm tôi ngạc nhiên. Tôi ra đi đã khá lâu, đủ để quên và bị lãng quên. Tôi đã có một mái ấm trên một mảnh đất có lẽ cũng như một dải thiên hà khác đối với những người đang ngủ bên kia bức tường tôi đang dựa đây. Tôi nghĩ tôi đã quên mảnh đất này. Nhưng tôi đã không quên. Và, dưới ánh trăng sáng trắng như xương của vầng trăng khuyết nửa, tôi cảm thấy Afghanistan đang ngân nga dưới chân tôi.

Có thể Afghanistan đã không hề quên tôi.Tôi nhìn về phía Tây và ngạc nhiên thấy, đâu đó bên kia những dãy núi, Kabul vẫn tồn tại. Nó thực sự vẫn tồn tại, không chỉ là một ký ức xưa cũ, hoặc như đầu đề của một truyện của hãng A.P 12 trên trang 15 của tờ Biên niên ký San Francisco.

Đâu đó bên kia những dãy núi ấy, về phía Tây, yên ngủ thành phố, nơi đứa em môi hẻ của tôi và tôi từng đua diều.Đâu đó bên ấy, người đàn ông bị bịt mắt trong giấc mơ của tôi đã chết một cái chết không cần thiết. Một lần, bên kia những dãy núi đó, tôi đã từng lựa chọn. Và giờ đây, một phần tư thế kỷ sau, sự lựa chọn đó lại đặt tôi trở lại đúng trên mảnh đất này.

Tôi đang định trở vào thì nghe thấy những tiếng nói từ trong nhà. Tôi nhận ra một trong những giọng nói ấy là của Wahid.

-... Chẳng còn gì cho lũ trẻ.

- Chúng ta đói nhưng chúng ta không phải là những kẻ dã man! Ông ấy là khách! Tôi nên làm gì nào? - Anh ta nói bằng một giọng căng thẳng.

-... ngày mai tìm cái gì đó. - Người đàn bà nói, gần như rơi nước mắt. - Em biết cho con ăn cái gì...

Tôi kiễng chân rón rén lảng ra xa. Lúc này tôi mới hiểu tại sao lũ trẻ không tỏ ra quan tâm tới chiếc đồng hồ của tôi chút nào. Chúng chẳng hề chăm chú nhìn vào chiếc đồng hồ. Chúng chỉ chăm chú nhìn vào thức ăn của tôi.

Chúng tôi chào tạm biệt nhau vào sáng sớm hôm sau. Trước khi trèo lên chiếc Land Cruiser, tôi cảm ơn Wahid về lòng hiếu khách của anh. Anh chỉ vào ngôi nhà nhỏ bé phía sau mình và nói:

- Đây là nhà của ông.

Ba đứa trẻ đứng ở bậc cửa quan sát chúng tôi. Đứa bé nhất đang đeo chiếc đồng hồ, nó lủng lẳng quanh cổ tay bé tẹo của thằng bé.

Tôi liếc nhìn vào chiếc gương chiếu hậu khi xe chạy. Wahid đứng quây quần cùng mấy đứa con trai trong đám bụi xe cuốn tung lên. Tôi chợt nghĩ, ở một thế giới khác, những đứa trẻ đó sẽ không quá đói đến nỗi không đủ sức đuổi theo chiếc xe.

Sáng sớm hôm đó, khi tin chắc không có ai nhìn, tôi đã làm một việc hai mươi sáu năm trước đây tôi từng làm: nhét một nắm tiền nhàu nát dưới cái đệm.

--------------------------------

1 Watani trick: Trò lừa trẻ con.

2 Tajik: Một nhóm người thiểu số sống ở Afghanistan, Uzbekistan, Iran, Pakistan, Tajkistan và Trung Quốc.

3 Pirhan-tumban: Một loại áo choàng.

4 Pakol: Một loại mũ.

5 Burqa: Loại áo thông thường của phụ nữ Afghan.

6 Mehmanis: Giải trí, vui chơi.

7 Tiếng Anh Scrub grass: Loại cây thân nhỏ mọc ở đồi núi - tạm dịch: chổi xể.

8 Dozd: Cướp.

9 Khar khara mishnassah: Có cưỡi lừa mới biết lừa thế nào.

10 Một loại khăn của phụ nữ Afghan.

11 Tiếng Anh A season for Ashes: Tạm dịch là Một thời tro bụi.

12 A.P: Viết tắt American Press - Hãng thông tấn Mỹ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Người Đua Diều Chương XIX

Có thể bạn thích