DocSachHay.net

ôi đến Hà Lan phần nào mỏi mệt hơn sau một tuần rong ruổi ở Ý và Bỉ. Hôm đầu tiên đến, anh bạn thân người Anh Alastair và tôi phần nào bị shock vì Amsterdam hoang dại quá. Tưởng chừng như tất cả những hippie râu dài, quần áo xộc xệch trên khắp thế giới đều hội tụ về đây.

Gần như ở mỗi khu phố đều có người đến chào bán cocaine, những câu lạc bộ cho dân “gay” nhan nhản khắp nơi và đường phố đầy những khách du lịch ngoại hình “bất hảo. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, tôi nhận ra nếu tránh xa khu phố đèn đỏ, Amsterdam vẫn thật đẹp, thật thơ với những khoảng xanh, những góc phố tĩnh lặng, và đáng yêu nhất vẫn là những sông nước êm đềm với những cây cầu hẹp và những con thuyền rẽ nước bơi.

  Ngược dòng lịch sử, cái tên Amsterdam bắt nguồn từ cộng đồng ngư dân tên Aemstelredamme, nghĩa là con đập chắn dòng sông Amstel, có từ thế kỉ 13 ở Hà Lan. Amsterdam phát triển hàng hải rất nhanh và đến cuối thế kỉ 15 đã thống trị giao thương vùng biển Baltic, chỉ đến hai thế kỉ saumới nhường chỗ cho Pháp và Anh vì không đủ nguồn lực. Amsterdam vẫn còn những cảng biển Hoorn hay Enkhuizen nhộn nhịp tàu bè, nhưng dòng sông Amstel thanh bình xanh ngắt với những hàng cây rợp bóng ngày nay phục vụ du lịch nhiều hơn hàng hải.

 Hà Lan là nước duy nhất nằm dưới mực nước biển nên cả đất nước đều rất bằng phẳng, không có đồi núi trùng điệp như những nước láng giềng  châu Âu khác. Amsterdam như nằm trên một vòng tròn, hiếm đường phố nào hoàn toàn là một đường thẳng, xe điện đi trên phố phải qua rất nhiều khúc ngoặt, ai không quen rất dễ say xe. Ngày thứ 2 ở đây, tôi thích thú khi nhìn những bảng chỉ đường thấy rẽ trái hay rẽ phải cũng đều có thể đến cùng một điểm: Nhà ga trung tâm chẳng hạn. Quả thật ngộ.

 Và một đặc điểm nữa của thủ đô này mà ai cũng dễ dàng nhận thấy: ở Amsterdam đâu cũng gặp kênh đào và sông nước trong trẻo nên thơ. Không gì bằng thong thả đi bộ dọc theo những quán cà phê vỉa hè Amsterdam hai bên bờ kênh với những ánh nắng lọc qua tán cây rơi lốm đốm xuống đường, những chiếc xe đạp lười biếng dựa trên thanh sắt cầu ngủ trưa chờ chủ. Khi Alastair và tôi đi trên xe điện từ ga Amstel về chợ hoa, tình cờ nhìn thấy ngoài cửa xe cây cầu rộng bắc qua con sông dài được những tia nắng hoàng hôn dát vàng lấp loáng. Chúng tôi vội vã xuống ngay bến tiếp theo để đi bộ ngược lại, ngắm nhìn mặt trời chậm rãi biến vào mây và thuyền gỗ xuôi ngược.

Một trong những điều thú vị nhất đối với du khách Amsterdam vẫn là được ngồi trên một trong những con tàu lớn từ từ rẽ nước. Từ đó đi ngang qua những ngôi nhà có đầu hồi đủ hình dạng độc đáo và những cây cầu thấp đến nỗi thật khó tin tàu có thể chui qua được. Những con kênh hẹp đến nỗi dễ làm cảm giác tàu sẽ đụng vào bờ khi quay đầu nhưng thuyền trưởng người “Hà Lan bay” vẫn rất khéo léo điều khiển tàu xuôi dòng thành phố.

Ngày cuối cùng ở Amsterdam, tôi gọi điện cho anh bạn người Hà Lan, Walter, đang sống ở Utrecht nhưng sinh ra ở Amsterdam và rất rành về thành phố này. Quả thật, người địa phương biết những góc nhìn đẹp mà khách du lịch không dễ nhận ra: anh dẫn hai đứa tôi đến quảng trường Nieuwmarkt (Chợ Mới), nơi tàu thuyền từng neo lại bốc dỡ hàng vào thời hoàng kim của hàng hải Hà Lan. Vùng phía Nam quảng trường trước đây hoàn toàn là nước, sau thế kỉ 16, chính phủ lấp một phần sông Amstel để tạo thành khu phố cho những người Do Thái từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sang.

Mùa hè năm nay châu Âu rất nóng và Hà Lan cũng không ngoại lệ. Bốn tháng trước đây có cô bạn ở cùng phòng qua Amsterdam lúc nhiệt độ âm hai mươi độ C và tuyết rơi dày đặc nhưng những ngày này nắng vàng tràn ngập khắp nơi và nhiệt kế báo ba tám độ C, nóng như những ngày hè ở Sài Gòn. Chúng tôi đi bộ dọc theo Raamgracht, một trong những con kênh yên bình và đẹp nhất ở đây. Những ngôi nhà dưới bóng râm nở đầy hoa hồng thơm ngát, mở ra con đường Ververstraat hẹp với những kiến trúc xưa và nay hòa hợp cạnh nhau. Chỉ sau 10 phút vừa đi bộ vừa ngắm cảnh đã ra đến Jodenbreestraat, nơi chúng tôi tình cờ xem một buổi biểu diễn tập võ nghệ thuật Hà Lan rất hào hứng bên cầu. Phía tay trái cầu, rất dễ nhận ra một ngôi nhà thật đẹp hơi nghiêng 1 bên, dân địa phương đang lười biếng vừa uống bia vừa sưởi nắng bên những chiếc bàn kê sát bờ kênh trong một buổi trưa chủ nhật rảnh rỗi.

Bên kia đường là ngôi nhà mà danh họa Rembrant từng sống và làm việc. Cạnh đó là một ngôi nhà mang tên “kỉ niệm Hà Lan”, nơi du khách vào xem một cuốn phim tư liệu dài nửa giờ về những cối xay gió, hoa tulip và kênh đào với mong muốn tạo hiệu ứng như thật. Đến đoạn hoa tulip nở, nước hoa được xịt vào phòng tạo mùi thơm thoang thoảng; lúc con đập bị vỡ trên màn hình, nhiệt độ trong phòng giảm xuống đột ngột và những tia nước bắn vào khán giả. Đó là những gì tôi đọc được trong sách và Walter bảo khách du lịch nào chỉ có vài tiếng đồng hồ ở Amsterdam nhưng muốn biết hết về Hà Lan mới vào đó, còn nếu có đủ thời gian thì tự mình khám phá cảnh thật vẫn hay hơn nhiều.

Dân Hà Lan vẫn truyền miệng câu nói tự phê: Rotterdam ( trung tâm kinh tế với cảng biển và nhiều công ty lớn) làm ra tiền, The Hague (thành phố với trụ sở  Chính Phủ Hà Lan và nhiều đại sứ quán) nghĩ ra cách dùng tiền vào việc gì, còn Amsterdam xài tiền. Thủ đô Hà Lan có những khu phố sáng đèn nhộn nhịp 24/24, những quán cà phê, nhà hàng mở cửa thâu đêm hầu hết chỉ dành cho những ai trên 18 hoặc 21 tuổi nên dân châu Âu mỗi lần nghĩ đến một địa điểm ăn chơi thỏa sức là nghĩ ngay đến Amsterdam.

Riêng mình, tôi nhớ đến Amsterdam với hình ảnh những người dân thân thiện và mến khách, sẵn sàng dừng lại chỉ đường khi thấy bạn có vẻ lơ ngơ dù bạn chưa kịp hỏi. Đặc biệt ai cũng nói tiếng Anh lưu loát khác hẳn những nước láng giềng kiêu hãnh như Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ…; thêm nữa là hình ảnh những cô gái Hà Lan không mặc đồ miền quê quàng khăn đi vắt sữa mà xinh xắn trong áo thun 2 dây và váy cotton mùa hè, đạp xe qua những cây cầu làm ai cũng phải ngoái nhìn hoặc những anh chàng Hà Lan giống nhau, cao lớn, tóc vàng, mắt xanh và có khuôn mặt hơi ngồ ngộ như con nít rất dễ nhận ra so với người nước khác.

Và tôi cũng nhớ đến Amsterdam với sông nước êm đềm lặng lẽ chảy qua cầu từ bao thế kỉ trước, nay vẫn tiếp tục chảy níu chân tôi không muốn về…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích