DocSachHay.net

ơi lạnh làm tôi giật mình thức dậy. Ở những giường bên, các bạn cùng phòng vẫn thở đều. Tôi xỏ chân vào dép, lục vali lấy thêm vớ, áo ấm và một khăn len dày quàng vào người rồi co ro bước lại giường. Tàn lá ngoài cửa sổ in những hình thù kì dị lên nền trời có trăng lưỡi liềm trắng bạc. Chúng tôi đang ở trong lâu đài St. Donat được xây dựng từ thế kỉ 14.

Đây được xem là lâu đài bị nhiều ma ám, trong đó có Lady Stradling, một bà già nghiêm nghị mang giày cao gót và mặc váy dài phết đất đã bị ám sát cũng tại nơi này. Người ta đồn bà thường xuất hiện ở Long Gallery, và tuy không thường xuyên, mỗi lần bà xuất hiện thường báo trước điềm gở. Lần cuối cùng người ta thấy bà vào năm 1938, trước khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra.

Long Gallery khá xa chỗ tôi ở nhưng không vì thế mà tôi bớt sợ. Tôi quen sống một mình nhưng trong toà lâu đài bảy trăm năm tuổi thì lại là chuyện khác. Đã vậy trước khi tôi đi còn đọc đủ chuyện ma quái về những bá tước trong những toà lâu đài vương quốc Anh. Những câu chuyện khi đọc bạn biết chắc chắn sẽ làm mình sợ ít nhất một tuần lễ, nhưng lôi cuốn đến nỗi khó cưỡng lại ý định đọc tiếp. Cũng may phòng tôi còn ba bạn nữa, nếu không chắc tôi run lấy bẩy vì sợ. Những bóng ma trong lâu đài St. Donat tôi đọc trên trang web của vùng Vale of Glamorgan còn bao gồm một mụ phù thuỷ già vẫn thường được thấy ở kho vũ khí, hồn một con báo mắt sáng quắc hay bước nhẹ dọc hành lang, và rùng rợn nhất là bàn tay vô hình chơi đàn piano mặc dù nắp đàn đóng lại. Sáng nay tôi có thấy cây đàn piano đó nhưng vì đang háo hức làm quen bạn mới và ổn định chỗ ở nên quên bẵng mất, bây giờ những chi tiết đó mới hiện rõ mồn một trong đầu. Tôi trùm chăn kín đầu sợ hãi không dám nhìn ra cửa sổ, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Chúng tôi đến Llantwit Major, một vùng quê xinh đẹp và yên ả thuộc vùng Vale of Glamorgan tham dự chương trình hội nghị quốc tế "Những người trẻ tuổi làm thay đổi thế giới". Tất cả ba trăm thanh niên tham gia chương trình đều ở trong lí túc xá của trường Atlantic College trong khuôn viên lâu đài St. Donat nhìn xuống đại dương mệnh mông. Sáng dậy, tôi mới nhận ra mình quả yếu bóng vía. Bầu trời xứ Wales ngày tháng tám xanh biếc, chim chóc hót ríu rít trên đường tôi đi bên thảm cỏ xanh mướt trước cổng vào lâu đài còn đẫm sương. Đang loay hoay dò bản đồ, thấy một anh chàng cao lớn nhưng mặt non choẹt đang chạy bộ ngược chiều, tôi mới gọi lại hỏi đường. Anh chàng người Anh chit đường rất "khí thế" ấy là David, sau đó tình cờ ở chung nhóm chuyên đề "toàn cầu hoá" với tôi và trở thành bạn thân thiết trong chương trình (hai năm sau ngày gặp gỡ ở Wales chúng tôi còn gặp nhau nhiều lần nữa khi tôi sang Anh học).  Hai người bạn thân khác tôi có nhắc đến nhiều trong những bài viết về nước Anh là Lynette và Fiona. Lynette nằm trong ban tổ chức chương trình, lúc đó đang có bầu bé Molly sáu tháng nhưng rất năng động, chạy đi chạy lại như con thoi, hết bộ đàm đến điện thoại di động réo rắt. Cô rất mến tôi nen dù bận mấy cũng kéo tôi ra lấy di động bảo tôi nói chuyện với Jacko - chồng cô - vì cô kể nhiều về tôi với anh. Còn Fiona tôi gặp khi tất cả mọi người đang đững ngồi chen chúc trong bar lúc DJ đang chơi bài Dancing in the moonlight. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in cô gái tóc vàng dễ thương mặc váy jeans xanh áo trắng xinh xắn, cười với tôi rất tươi làm quen.

Llantwit Major, tiếng xứ Wales là Llanilltud Fawr, đã có người ở hơn ba ngàn năm trước, từ thời đồ đồng, đồ đá đến thời Roman, nhưng những toà nhà xưa nhất trong thị trấn được xây dựng bởi người Norman sau đó. Sẵn đề cập đến tiếng xứ Wales, thật ra Wales thuộc liên hiệp vương quốc Anh và nơi tiếng anh như tiếng mẹ đẻ nhưng ít ai biết được quốc gia này hiện nay vẫn còn ngôn ngữ riêng, chỉ có điều đã mai một đi đáng kể. Tôi có anh bạn người Úc, trước làm việc tại đại sứ quán Úc tại Hà Nội, trong những cuộc nói chuyện thấy anh không thích người Anh mấy. Tò mò hỏi chuyện, mới biết bố mẹ anh gốc người xứ Wales. Bởi vậy anh không có cảm tình với nước Anh vì trong lịch sử đã chinh phục xứ Wales và làm mất đi ngôn ngữ truyền thống nước này. Tôi gân cổ "nhưng nhờ vậy mà bây giờ nói tiếng Anh khỏi cần đi học chi cho khổ". Anh vặn lại: "Vậy Việt Nam bây giờ không có tiếng Việt mà nói tiếng Trung Quốc, khỏi cần phải đi học chi cho khổ, chịu không?". Tôi có thể cãi lại "nhưng tiếng Trung Quốc đâu "có giá" bằng tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế cả thế giới giao tiếp". Tuy nhiên, nghe anh nói có lý nên tôi thôi không tranh luận nữa.

Buổi chiều, sau những ngày tham gia hội thảo vất vả, chúng tôi đón taxi ra trung tâm thị trấn chơi. Llantwit Major chỉ cách thủ đô Cardiff rộn ràng chừng ba mươi cây số nhưng cả đám nhất trí không đi Cardiff mà ở lại làng mạc êm đềm hít thở bầu không khí của một miền quê xứ Wales. Quảng trường nhỏ của thị trấn đẹp như mơ, yên tĩnh đến lạ lùng. Chúng tôi say sưa nhìn quán rượu Old White Hart với những giỏ hoa tươi rung rinh trên tường sơn trắng sần sùi. Mãi sau này tôi mới biết đây là ngôi nhà có người ở xưa nhất thị trấn, được gia đình Raglan xây dựng từ giữa thế kỉ 15. Tôi mê mẩn nhing những bộ bàn ghế gỗ kê bên ngoài quán rượu đầy người địa phương đang ngồi uống bia vầ trò chuyện trông thật thư giãn, rồi theo đám bạn làm một vòng pub crawl (°). Thỉnh thoảng tôi lại tách ra một mình lang thang qua những con đường vắng với những ngôi nhà xinh xắn êm đềm đặc trưng làng quê xây bằng đá xưa, có cả những mái nhà tranh lúp xúp như nấm bên ngoài dây leo phủ kín, tường treo đầy những giỏ hoa tươi. Hoa thuỷ tiên (daffodil) là biểu tượng của xứ Wales nhưng cuổi hè thuỷ tiên đã tàn hết, chỉ có những loài hoa khác nở bừng trên những khoảng sân be bé trước nhà. Tôi cũng thích khoảng sân rải đá dăm trắng trước những quán rượu yên tĩnh, nơi cư dân Llantwit Major làm việc xa ở Cardiff sau một tuần lễ tất bật được ngồi thư thái trên ghế gỗ dài trong khu vườn dẫn ra con suối róc rách, nhấm nháp trà và bánh ngọt phủ quả dâu tằm đỏ mọng.

Ngày cuổi cùng, chúng tôi kéo nhau ra bờ biển chơi. Khuôn viên trường Atlantic nằm trên đồi nhìn xuống bãi biển vắng người đầy đá tảng lô xô, bao bọc là vách đá dựng đứng của vịnh Tresilian được thiên nhiên đẽo gọt thành những nấc thang có thể trèo lên được. Chúng tôi thi nhau trèo lên chụp ảnh, khi về đến nhà đọc trên Internet mới biết những vách đá này rất nguy hiểm, có thể rớt vỡ bất cứ lúc nào, hú hồn hú vía. Vịnh Tresilian cũng là nơi những hoá thạch từ thời xa xưa được tìm thấy, còn vách đá chúng tôi leo lên có một hang khuất bên trong, nơi thời xưa cướp biển và dân buôn lậu trú ẩn vì có đường hầm ăn thông ra lâu đài St. Donat. Tôi mê nhất vườn hoa nằm giữa lối đi giữa bãi biển và lâu đài, nhỏ nhắn thôi nhưng hoa mọc đẹp như tranh vẽ thế kỷ 18, có cả loại hồng to bằng cái tô lớn nhưng vẫn chưa bung hết cánh ra. Nếu có một vườn hoa như thế này ở nhà, tôi có thể nằm ngoài vườn đọc sách cả ngày không chán.

Trời ngả về chiều, xa xa một nhóm bạn đang tắm biển vẫy chúng tôi rối rít. Tôi chưa kịp thay đồ bơi, đang đứng lò dò trên mép nước lạnh buốt như nước đá trong nhiệt độ buổi chiều 8 độ C, nửa muốn xuống nửa không thì James - người London, cũng chung hội thảo toàn cầu hoá của tôi - chạy thật nhanh từ ngoài biển lên bờ. Tôi chưa kịp định thần đã bị anh chàng bế xốc lên chạy trở lại xuống biển thảy ùm xuống nước. Tôi lạnh còng, lại không biết bơi nên vừa khua nước tứ tung vừa run lập cập. Lên được bờ rồi, tôi rượt anh chàng láu cá chạy chối chết.

Đã bốn năm trôi qua kể từ những ngày vừa êm đềm vừa sôi nổi ấy. Tôi không tả hết được vẻ đẹp giản dị của thôn xóm Llantwit Major vùng thung lũng Glamorgan, cũng như đồi núi chập chùng ruộng đồng xanh ngắt, với những đàn bò khoang trắng khoang đen thong thả gặm cỏ. Tôi cũng quên mặt phần lớn những người bạn cùng chương trình, ba bạn gái cùng phòng giúp đỡ tôi đỡ sợ ma đêm đầu tiên ở lâu đài St. Donat. Rồi anh chàng trẻ tuổi sinh viên trường Atlantic đã tình nguyện chìa chân mình làm bậc cho tôi bước lên khi tôi đang lúng túng kiếm chỗ leo lên bờ trong hồ bơi sâu đến cổ. Cả những người bạn cùng tôi cắt diều thả lên nền trời đầy nắng... Sau này sống ở Anh hơn một năm, cảnh miền quê lặng lẽ với những mái nhà lợp tranh xinh xắn không còn mới mẻ với tôi nữa. Nhưng lần nào cũng vậy, mỗi lần nghĩ về những quán rượu rải sỏi tĩnh lặng trong chiều và những giỏ hoa tươi trên tường đá, tôi lại muốn khoác ba lô trốn chạy phố phường về lại những ngày êm đềm ở làng mạc xứ Wales xưa.

(°) pub crawl: đi la cà vào nhiều quán rượu khác nhau, rất phổ biến ở sinh viên châu Âu sau mỗi mùa thi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích