Ngôi Nhà Quái Dị
Chương 12

Một khoảng im lặng ngắn sau khi Taverner đi ra.

Rồi tôi nói:

“Cha à, những kẻ giết người trông thế nào?”

Ông Già trầm ngâm nhìn tôi. Hai cha con hiểu nhau đến đỗi ông biết rõ trong đầu tôi nghĩ gì khi tôi đặt câu hỏi. Và ông trả lời hết sức nghiêm túc.

“Lúc này điều quan trọng,” ông nói, “rất quan trọng – cho con… Kẻ giết người đến rất gần con. Con không thể từ bên ngoài mà xem xét.”

Tôi luôn quan tâm, bằng cái kiểu nghiệp dư, một vài ‘vụ án’ đình đám mà Cục Điều tra Hình sự xử lý, nhưng như cha tôi nói, tôi chỉ quan tâm từ góc độ bên ngoài – và nhìn vào như thể ngắm hàng. Nhưng giờ đây, như Sophia đã thấy nhanh hơn tôi, kẻ sát nhân đã trở thành một nhân tố áp đảo cuộc đời tôi.

Ông Già tiếp tục:

“Cha không biết cha có đúng là người để con hỏi không. Cha có thể đưa con đến chỗ chuyên viên tâm lý làm việc cho chúng ta. Họ sẽ làm cho mọi chuyện dễ hiểu. Hoặc Taverner có thể cho con tất cả thông tin nội bộ. Nhưng cha hiểu là con muốn biết cá nhân cha nghĩ về việc ấy như thế nào, qua kinh nghiệm của cha về tội phạm phải không?”

“Chính là điều con muốn,” tôi nói, giọng biết ơn.

Cha tôi dùng ngón tay vẽ một vòng tròn trên mặt bàn.

“Kẻ giết người trông như thế nào? Một vài đứa…” – một nụ cười buồn thoáng hiện trên gương mặt ông – “được cho là những gã dễ thương.”

Tôi nhìn cha, hơi ngạc nhiên.

“Đúng vậy,” ông nói. “Những gã dễ thương giống như cha và con – hay giống như người vừa mới đi ra – Roger Leonides. Con thấy đấy, kẻ giết người là một tội phạm nghiệp dư. Dĩ nhiên, cha đang nói về loại tội phạm con có ở trong đầu – không phải loại găngxtơ. Người ta thường cảm thấy những người rất đỗi bình thường trở thành sát nhân khi họ mất kiểm soát vì một sự việc bất chợt nào đó. Họ ở vào hoàn cảnh bị bắt buộc hoặc ham muốn thứ gì đó rất dữ dội, tiền bạc hay đàn bà – và họ giết người để có được thứ đó. Chúng ta có thể khống chế được ham muốn còn họ thì không. Con có biết, một đứa trẻ biến sự ham thích thành hành động không hối tiếc. Nó giận một chú mèo con, nên thét: ‘Tao sẽ giết mày!’ rồi lấy búa đập đầu con mèo – sau đó khóc lóc vì con mèo không sống lại. Nhiều thằng nhóc cố lôi em bé ra khỏi xe đẩy và quăng em xuống đất vì em bé chiếm sự chú ý của cha mẹ – hay làm mất cuộc vui của chúng. Chúng hoảng hồn – rất sớm – khi nhận ra chúng đã làm sai, sau đó sẽ bị trừng phạt. Sau này, chúng cảm thấy việc làm đó không đúng. Nhưng cha cho rằng, có một số người vẫn không trưởng thành về đạo đức. Họ vẫn biết rằng giết người là sai nhưng họ không cảm thấy thế. Theo kinh nghiệm của cha, cha nghĩ mọi kẻ giết người đều cảm thấy ân hận… Đó có lẽ là dấu nhận diện Cain[10]. Những kẻ giết người được tách riêng ra, người ta thì ‘khác’ – giết người là sai – nhưng chuyện đó không sai với họ – với họ đó là điều cần thiết – nạn nhân ‘đòi bị giết’ và đó là ‘cách duy nhất’.”

“Cha có nghĩ,” tôi hỏi, “nếu có ai đó ghét ông lão Leonides, hay ghét ông ấy từ lâu, đó có thể là lý do không?”

“Chỉ là ghét thôi à? Rất không có thể, cha sẽ nói thế.” Ông tò mò nhìn tôi. “Khi con nói thù ghét, cha cho rằng con muốn nói sự không ưa thích đã vượt quá mức. Một sự thù ghét vì ganh tị – xuất phát từ sự yêu mến và sự bực mình. Mọi người đều nói: Constence Kent rất thương yêu em trai nhưng đã giết nó. Người ta đặt giả thiết cô ta muốn có sự quan tâm và tình thương đã được dành cho cậu bé. Cha cho rằng người ta thường giết người họ thương yêu hơn là người họ ghét. Có thể chỉ vì người con thương yêu khiến cho cuộc sống không thể chịu đựng nổi với con.”

“Nhưng tất cả những điều đó không giúp ích gì nhiều cho con, phải không?” cha tôi tiếp tục. “Điều con muốn, nếu cha đoán không lầm, là biểu hiện, dấu hiệu phổ quát nào đó sẽ giúp con tìm ra kẻ giết người từ một ngôi nhà có vẻ bình thường và những con người thú vị?”

“Vâng, đúng vậy.”

“Cha tự hỏi, có mẫu số chung không? Con biết đó,” cha tôi dừng lời, suy nghĩ, “mẫu số chung nếu có, theo cha đó là sự tự phụ.”

“Tự phụ?”

“Đúng, cha chưa hề gặp một tên giết người nào không là kẻ tự phụ… Chính sự tự phụ đã đưa đến sự tệ hại, mười lần hết chín. Họ có thể sợ bị bắt, nhưng không đừng được vênh váo và khoe khoang và luôn tin chắc mình quá khôn ngoan không thể nào bị bắt.” Ông nói thêm: “Và có một chuyện khác, đó là kẻ giết người muốn thổ lộ.”

“Muốn thổ lộ?”

“Đúng, con nên biết, phạm tội giết người đặt con vào sự cô đơn cùng cực. Con muốn cho một ai đó biết tất cả mọi chuyện – nhưng con không thể. Điều đó càng làm cho con muốn hơn. Và như vậy – nếu con không thể nói về chuyện con đã làm, con có thể, ít ra là, nói về việc giết người – tranh cãi, đặt giả thuyết – lật đi lật lại. Nếu cha là con, Charles à, cha sẽ nhìn xa hơn. Con hãy đến đó lần nữa, làm thân với họ, và gợi cho họ nói. Dĩ nhiên đó không phải việc dễ dàng. Tội lỗi hay ngây thơ, họ đều thích có dịp để nói với một người lạ vì họ có thể nói với con nhiều điều họ không thể nói với nhau. Nhưng cha nghĩ, có thể, con sẽ phát hiện sự bất đồng. Một kẻ có điều gì cần giấu có thể không nói tất cả. Cơ quan tình báo trong chiến tranh biết vậy. Nếu con bị địch bắt, con chỉ cho địch biết tên họ, cấp bậc, số quân, ngoài ra không gì nữa. Kẻ cố cho thông tin giả gần như lúc nào cũng có sơ suất. Charles, hãy để cho người trong nhà đó nói, và phát hiện sơ suất hay một tia chớp của sự lộ tẩy.”

Tôi kể cho cha nghe Sophia đã nói về sự nhẫn tâm trong gia đình – các loại nhẫn tâm khác nhau. Cha đặc biệt hứng thú.

“Đúng,” ông nói. “Cô bạn gái của con có biết chuyện gì ở đó đấy. Hầu như gia đình nào cũng có khuyết điểm, một chỗ rạn trên tấm khiên che của họ. Phần đông con người ta có thể đối phó với một điểm yếu – nhưng không thể đối phó với hai điểm yếu khác loại nhau. Chuyện này hay đây, tính di truyền. Lấy ví dụ sự nhẫn tâm của bà cô de Haviland, và cái mà chúng ta có thể gọi là sự giả dối của dòng họ Leonides – dòng họ Haviland thì ổn vì họ không vô liêm sỉ, còn dòng họ Leonides cũng đúng vì, tuy giả dối nhưng họ tử tế – nhưng hãy tìm một hậu duệ của họ có cả hai tính cách trên – con hiểu ý cha không?”

Tôi không nghĩ như vậy. Cha tiếp tục:

“Nhưng cha không lo con chú ý về chuyện di truyền. Một đề tài quá tinh vi và phức tạp. Con trai à, hãy đến đó và hãy để họ nói cho con nghe. Sophia của con hoàn toàn đúng về một chuyện. Chỉ có sự thật mới tốt cho cô ấy hay cho con. Con phải biết.

Ông nói thêm khi tôi bước ra khỏi phòng.

“Và coi chừng con nhỏ đó.”

“Josephine? Cha muốn nói đừng để nó biết con định làm gì.”

“Không, ý cha không phải thế. Ý cha – hãy trông chừng con bé. Chúng ta không muốn nó có chuyện.”

Tôi nhìn ông.

“Đi nào, đi nào, Charles. Đó là một kẻ giết người máu lạnh, ở trong ngôi nhà đó. Con bé Josephine có vẻ biết khá nhiều chuyện đang xảy ra.”

“Nó chắc chắn biết mọi chuyện về Roger – ngay cả đi đến kết luận ông ta là một kẻ lừa đảo. Câu chuyện mà nó nghe lén dường như hoàn toàn chính xác.”

“Đúng, đúng. Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Cha luôn tin tưởng như vậy. Dĩ nhiên, không sử dụng ở tòa. Trẻ con không thể giữ vững lời khai trước những câu hỏi trực tiếp. Chúng lúng búng hay trông ngu ngốc và nói những điều chúng không biết. Chúng chỉ giỏi nhất khi đang giả vờ. Con nhỏ đó đang làm vậy với con. Giả vờ có năng lực. Làm y cách đó, con sẽ nắm được nhiều thông tin hơn. Đừng đặt câu hỏi với nó. Hãy giả bộ con nghĩ rằng nó không biết gì hết. Vậy sẽ có tác dụng với nó.” Ông nói thêm: “Nhưng hãy trông chừng nó. Nó có thể biết hơi bị quá nhiều cho sự an toàn của ai đó.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Ngôi Nhà Quái Dị Chương 12

Có thể bạn thích