– Thời khắc của bọn trẻ và người điên.

Tôi bắt đầu sự nghiệp trong thời chiến làm nhạc công dương cầm cho một quán cà phê Nowoczesna, trên đường phố Nowolipki ở ngay trung tâm ghetto Warsaw. Tháng Mười một năm 1940, vào lúc các cổng ra vào ghetto làm xong, gia đình tôi đã bán hết mọi thứ có thể bán được từ lâu, kể cả tài sản quý giá nhất trong nhà là chiếc dương cầm. Cuộc sống dù không đáng kể đến thế, nhưng vẫn buộc tôi phải vượt qua sự thờ ơ của tôi để tìm cách kiếm sống, và ơn Chúa, tôi đã tìm được việc làm. Công việc làm tôi bớt thời giờ mà ủ ê nghiền ngẫm, và tôi ý thức được rằng cả gia đình tôi phụ thuộc vào việc tôi kiếm sống, dần dần nó giúp tôi khắc phục được tình trạng thất vọng và bơ vơ trước đây của tôi.

Công việc của tôi bắt đầu từ lúc chiều tối. Muốn đến quán cà phê, tôi phải đi qua một mê cung những con đường hẹp từ xa vào Ghetto, hoặc muốn thay đổi một chút, nếu tôi cảm thấy thích quan sát hoạt động của bọn buôn lậu, tôi phải men theo rìa bức tường.

Chiều tối là lúc thuận tiện nhất cho việc buôn lậu. Cảnh sát đã mệt lử vì đã tìm cách hốt tiền bất chính suốt buổi sáng, lúc này mất cảnh giác vì đang mải tính đếm tiền lời lãi. Nhiều dáng người không ngừng xuất hiện trong các khung cửa sổ và cửa ra vào của các khu nhà dọc theo bức tường, rồi lại chúi vào nơi ẩn nấp, sốt ruột đợi tiếng lạo xạo của một chiếc xe ngựa hoặc tiếng loảng xoảng của chuyến xe điện. Từng lúc một, tiếng động bên kia bức tường cứ rõ dần, và lúc một chiếc xe ngựa chạy nước kiệu qua theo đúng dấu hiệu thoả thuận, một tiếng huýt sáo, rồi khi đã nghe thấy, những cái bao, gói, bọc bay qua tường. Người ta nằm im, đợi đến lúc chạy ào qua cửa, hấp tấp vồ lấy các thứ của cải phi pháp, rồi lại rút vào trong nhà, và sự im lặng dối trá đầy mong đợi, những tiếng thì thào to nhỏ, bồn chồn, và bí mật lại tràn ngập đường phố, ít phút sau mới chấm dứt. Vào những ngày cảnh sát làm công việc thường lệ sốt sắng hơn, có thể nghe thấy tiếng những phát súng hoà lẫn với tiếng bánh xe ngựa, những quả thủ pháo bay qua bức tường thay cho các bao, túi, tiếng nổ ầm vang làm vôi vữa trong các ngôi nhà rơi rụng lả tả.

Chiều dài bức tường của ghetto không dọc theo suốt con đường. Cách một khoảng nhất định, có những lỗ hổng dài trên mặt đất để thoát nước từ khu vực Aryan [1] vào các cống rãnh bên ngoài lề đường của người Do Thái. Bọn trẻ con thường dùng những chỗ hổng này để buôn lậu. Có thể thấy những dáng người màu sẫm, bé nhỏ, trên các đôi chân khẳng khiu từ khắp mọi phía chạy vội đến, những cặp mắt sợ hãi lén lút liếc từ trái sang phải. Rồi những bàn tay nhỏ bé kéo mạnh các loại đồ đạc qua các lỗ hổng, những thứ đồ ký gởi này thường to hơn cả những kẻ buôn lậu.

Lúc đồ buôn lậu đã lọt qua tường, bọn trẻ phải hất chúng lên vai, chúng khom cả người, lảo đảo dưới sức nặng, mạch máu trên thái dương nổi hằn lên xanh lè vì  gắng sức, miệng chúng há hốc, thở hổn hển đau đớn hớp không khí lúc hối hả chạy về mọi hướng như những con chuột nhỏ hốt hoảng.

Công việc của chúng đầy rủi ro và nguy hiểm chẳng kém gì bọn buôn lậu người lớn. Một hôm lúc đi dọc theo bức tường, tôi đã chứng kiến hoạt động buôn lậu của bọn trẻ hình như đã đến hồi thắng lợi. Một đứa bé Do Thái vẫn còn ở phía bên kia tường, chỉ cần theo đồ của nó chui qua lỗ hổng. Hình dáng bé nhỏ, gầy guộc của nó đã hiện ra một phần, bỗng nhiên nó hét lên, và tôi nghe tiếng gầm khàn khàn bằng tiếng Đức ở bên kia tường. Tôi chạy đến nắm chặt lấy thằng bé, cố giúp nó chui qua cho thật nhanh, nhưng bất chấp sự cố gắng của chúng tôi, hông của nó vẫn mắc kẹt nơi ống cống. Tôi ráng sức kéo cánh tay nó trong khi tiếng la hét của nó ngày càng trở nên tuyệt vọng và tôi nghe thấy tiếng đấm đá nặng nề của cảnh sát phía bên kia bức tường. Lúc tôi cố kéo được thằng bé chui qua, nó đã chết. Xương sống nó đã gẫy tan.

Trong thực tế, ghetto không phụ thuộc vào việc buôn lậu để tự nuôi sống mình. Thực ra việc buôn lậu do những trùm tư bản như Kon và Heller  điều hành, chúng hoạt động dễ dàng hơn và khá an toàn. Cảnh sát canh gác được ăn hối lộ sẽ lờ đi vào những thời gian thích hợp theo những thoả thuận ngầm, lúc đó hàng dẫy xe ngựa chạy qua cổng ghetto ngay dưới mũi cảnh sát, chở theo thực phẩm, rượu đắt tiền, nhiều loại hàng quý giá và xa xỉ, thuốc lá chở thẳng đến từ Hy Lạp, nhiều thứ đồ trang điểm và mỹ phẩm của Pháp.

Hàng ngày tôi được ngắm kỹ các thứ đồ buôn lậu này ở Nowoczesna. Quán cà phê đầy ắp những kẻ giàu có lượn quanh, đeo đầy nữ trang bằng vàng, lủng lẳng kim cương. Tiếng bật nút chai champagne cùng với những món ăn trang trí cầu kỳ đưa ra phục vụ bọn đầu cơ thời chiến ngồi quanh các bàn chất đồ ăn thức uống nặng trĩu. Chính ở nơi này tôi đã mất hai thứ ảo tưởng: niềm tin vào sự đoàn kết chung chung và khả năng yêu thích âm nhạc của người Do Thái.

Không một người ăn mày nào được phép lảng vảng ngoài Nowoczesna. Những người gác cửa béo tốt dùng dùi cui xua họ đi. Nhiều xe cộ từ xa đến, mùa đông, đàn ông đàn bàn ngồi trong xe đều mặc hàng len đắt tiền, mùa hè mặc hàng lụa Pháp và đội những chiếc mũ rơm quý. Trước lúc họ đến, cả khu vực được những người gác cửa bảo vệ, bản thân họ dùng gậy xua đám đông, mặt họ méo đi vì giận dữ. Họ không cho lấy một đồng xu. Trong mắt họ, bố thí chỉ làm hư dân chúng mà thôi. Nếu bạn làm việc vất vả như họ, bạn cũng sẽ kiếm được nhiều tiền như họ, đây là điều hiển nhiên với tất cả mọi người, và nếu bạn không biết cách kiếm được nhiều trong đời, đấy là lỗi của bạn.

Cuối cùng, khi họ đã yên vị bên những chiếc bàn xinh xắn trong tiệm cà phê rộng rãi, nơi họ đến chỉ vì công việc làm ăn, họ bắt đầu than phiền về thời buổi khó khăn và sự thiếu thể hiện tình đoàn kết của người Mỹ gốc Do Thái. Họ nghĩ gì về việc họ đang làm? Dân chúng ở đây đang chết dần chết mòn không có một miếng để ăn. Bao nhiêu điều kinh khủng đang diễn ra, vậy mà báo chí Mỹ không hề nhắc tới, các chủ ngân hàng Do Thái ở bờ biển bên kia không làm gì để cho Mỹ tuyên chiến với Đức, dù họ dễ dàng được tư vấn cách làm, nếu họ muốn.

Ở Nowoczesna chẳng ai chú ý đến âm nhạc mảy may. Tôi chơi to hơn thì đám đông đang ăn nhậu cũng nói to hơn, và ngày ngày đám khán giả và tôi thi nhau xem ai át được tiếng ai. Có lần một người khách còn ra lệnh cho hầu bàn đến bảo tôi ngừng chơi một lúc, vì tiếng nhạc làm hắn ta không thể thử tiếng những đồng hai mươi đô la vàng hắn vừa đòi được của một vị khách khác. Rồi hắn gõ nhẹ đồng tiền lên mặt bàn đá cẩm thạch, nâng chúng lên giữa những đầu ngón tay lên đến tận tai và chăm chú lắng nghe tiếng ngân, thứ âm nhạc duy nhất hắn quan tâm. Tôi ngưng không chơi một lúc thật lâu. May thay, tôi kiếm được việc làm ở một tiệm cà phê loại khác hẳn ở phố Sienna, nơi giới trí thức Do Thái đến nghe tôi chơi đàn. Chính nơi đây tôi đã nổi tiếng về nghệ thuật biểu diễn và kết bạn với nhiều người sau này cùng tôi trải qua những thời gian dễ chịu cũng như khủng khiếp. Trong các vị khách thường đến quán cà phê có hoạ sĩ Roman Kramsztyk, một nghệ sĩ tài năng và là bạn của Artur Rubinstein và Karol Szymanowski. Ông đã vẽ một loạt tranh kỳ diệu, miêu tả đời sống bên trong bức tường ghetto,,không hay biết ông sẽ bị ám sát và mất một phần lớn các bức tranh ấy.

Một vị khách nữa ở phố Sienna là Janusz Korczack, một trong những người cao quý nhất mà tôi được gặp. Ông là nhà văn mà hầu hết những nghệ sĩ hàng đầu của phong trào Ba Lan Trẻ đều biết tiếng. Ông thảo luận với họ bằng cách lôi cuốn nhất, sự quan tâm của ông vừa thẳng thắn vừa thú vị. Ông không được coi là một trong những nhà văn cao sang bậc nhất, có lẽ vì sự thành công của ông trong lãnh vực văn chương có một nét đặc sắc rất riêng: đó là những câu chuyện viết cho thiếu nhi và viết về thiếu nhi, nổi tiếng về sự am hiểu ý nghĩ trẻ thơ. Những truyện ấy viết không phải chỉ vì hoài bão nghệ thuật mà còn vì sự thẳng thắn và trung thực xuất phát từ trái tim của nhà hoạt động xã hội và nhà giáo dục bẩm sinh. Giá trị chân chính của Korczak không phải ở chỗ ông viết gì, mà ở những sự việc ông đã sống lúc ông viết. Nhiều năm trước đây, vào lúc khởi nghiệp, ông đã dành từng giây phút rỗi rãi và từng đồng zloty kiếm được cho sự nghiệp vì thiếu nhi, và ông tận tuỵ với chúng cho đến lúc chết. Ông đã thành lập nhiều trại trẻ mồ côi, tổ chức các biện pháp thu nhặt trẻ em nghèo, nói chuyện trên đài phát thanh, giành được sự mến mộ rộng rãi (không phải chỉ của trẻ em), là một nhà “Thông thái già”. Khi cổng các ghetto làm xong, ông vào trong đó dù ông có thể tự cứu mình, và ông tiếp tục sứ mệnh trong các bức tường như một người cha nuôi có hàng chục đứa trẻ Do Thái mồ côi, những đứa trẻ bị bỏ rơi nghèo khổ nhất trên đời. Lúc chúng tôi nói chuyện với ông ở phố Sienna, chúng tôi không biết tình yêu cao thượng và sáng chói của ông sẽ chấm dứt ra sao.

Bốn tháng sau, tôi chuyển đến một tiệm cà phê khác, Sztuka (Nghệ Thuật) trên phố Leszno. Đây là tiệm cà phê lớn nhất trong ghetto, và có nhiều điều thu hút khéo léo. Các buổi biểu diễn âm nhạc tổ chức trong phòng hoà nhạc của tiệm. Ca sĩ gồm Maria Einstenstadt, nếu không bị bọn Đức thủ tiêu thì giờ đã nổi tiếng với hàng triệu người vì giọng hát tuyệt vời của mình. Tôi chơi dương cầm tay đôi với Andrzej Goldfeder. Nhà thơ Szlengel xuất hiện hàng ngày cùng Leonid Fokczanski, ca sĩ Andrzej Walst, nhóm hài kịch được nhiều người hâm mộ “Người yêu nghệ thuật Wacus”, và Paula Braunów trong chương trình “Life Newspaper”, một tiết mục dí dỏm trong sinh hoạt của ghetto, đầy những lời bóng gió gay gắt táo bạo đối với bọn Đức. Ngoài phòng hoà nhạc, ở đây còn có quầy rượu nơi những người thích ăn uống hơn âm nhạc có thể kiếm được một ly vang hay một món ăn ngon lành. Cả hai phòng hoà nhạc và quầy rượu luôn đông người, nên hồi này tôi kiếm được kha khá, có thể tạm thoả mãn được nhu cầu của gia đình chúng tôi gồm sáu người, dù cũng chật vật chút đỉnh.

Tôi thật sự thích chơi đàn ở Sztuka, vì ở đó tôi gặp được nhiều bạn bè và có thể trò chuyện với họ giữa những buổi biểu diễn, nếu như không nghĩ đến việc về nhà vào buổi tối. Nó phủ một bóng đen lên tôi suốt các buổi chiều.

Hồi đó là mùa đông 1941 đến 1942, một mùa đông hết sức khắc nghiệt trong ghetto. Một biển người Do Thái khốn khổ bám quanh những hòn đảo nhỏ của những người tương đối khá giả, đại diện là giới trí thức Do Thái và cuộc sống xa hoa của những kẻ đầu cơ. Người nghèo yếu lả vì đói và không được che chở khỏi cái rét vì không thể trang trải nổi tiền mua nhiên liệu. Bọn vô lại cũng tràn vào quấy phá. Ghetto đầy nhung nhúc các loại ký sinh và chẳng thể làm gì được. Chấy rận từ quần áo người lan ra ngoài đường phố, chui vào xe điện hoặc các cửa hiệu. Chúng bò lúc nhúc trên các vỉa hè, lên cầu thang, nhảy từ trên trần các công sở xuống, nhiều người làm ăn buôn bán các loại đã bị thăm hỏi như thế. Chấy rận tìm được đường len vào các nếp gấp của báo chí, vào cả đồ lót sạch của bạn, thậm chí có cả trong vỏ bánh bạn vừa mua. Một trong các loại ký sinh trùng ấy có thể mang mầm bệnh Rickettsia[2].

Một nạn dịch bùng phát trong ghetto. Mỗi tháng số người chết vì Rickettsia lên tới năm ngàn. Đề tài chủ yếu trong các câu chuyện của người giàu lẫn người nghèo là bệnh Rickettsia. Người nghèo thì băn khoăn không biết chết lúc nào, còn người giàu lo giữ chặt vaccine của bác sĩ Weigel để phòng thân. Bác sĩ Weigel là nhà vi khuẩn học nổi tiếng đã trở thành nổi tiếng nhất sau Hitler, cả người thiện lẫn kẻ ác đều nói thế. Người ta kể bọn Đức đã bỏ tù bác sĩ ở Lemberg, nhưng ơn Chúa đã không giết ông, vì thực ra chúng cũng hiểu ông là một người Đức danh dự. Có tin đồn bọn chúng đã mời chào ông một phòng thí nghiệm tinh vi, một biệt thự lộng lẫy cùng chiếc xe lộng lẫy không kém, sau khi đặt ông dưới sự giám sát chặt chẽ của Gestapo, để chắc là ông không chạy trốn và sản xuất vaccine chống bệnh chấy rận cho quân đội Đức ở phía Đông. Chuyện kể rằng lẽ đương nhiên bác sĩ Weigel đã từ chối cả biệt thự lẫn xe hơi.

Tôi không biết sự thật về ông ra sao. Tôi chỉ biết rằng nhờ ơn Chúa ông còn sống, và khi ông nói với bọn Đức bí mật vaccine của ông vào lúc mà nó không còn có ích cho chúng nữa, nhờ một số kỳ công của ông mà rốt cuộc chúng không tống ông đến một phòng hơi ngạt khủng khiếp. Dù thế nào đi nữa, nhờ phát minh của ông và bọn Đức dễ ăn hối lộ mà nhiều người Do Thái ở Warsaw đã thoát khỏi chết vì bệnh Rickettsia, nếu không thì cũng chết kiểu khác sau này.

Bản thân tôi không được tiêm vaccine. Tôi không thể có hơn một liều huyết thanh chỉ đủ cho bản thân và không thể cho những người còn lại trong gia đình, tuy tôi không muốn thế.

Trong ghetto, không có cách gì chôn cất người chết vì Rickettsia đủ nhanh kịp với tốc độ tử vong. Tuy nhiên, các xác chết cũng không thể để mãi trong nhà. Cuối cùng người ta đã tìm ra một giải pháp tạm bợ: người chết bị lột hết quần áo – quá giá trị cho người sống còn lại – và để ra ngoài vỉa hè, quấn trong giấy. Họ phải đợi ở đó trong nhiều ngày, cho đến lúc xe của hội đồng thành phố đến nhặt và đưa đi chôn trong những nấm mồ chung ở nghĩa trang. Đấy là các xác chết vì Rickettsia, còn xác chết đói cũng thế. Làm cho tối tối từ tiệm cà phê về nhà, tôi rất kinh hãi.

Tôi là một trong những người cuối cùng còn lại, cùng với người quản lý tiệm, sau khi tính toán hàng ngày và trả lương cho tôi. Đường phố tối tăm và gần như vắng ngắt. Tôi bật đèn pin và cố tránh không dẫm phải các xác chết. Làn gió tháng Giêng lạnh giá táp vào mặt và cuốn tôi đi, làm giấy bọc xác sột soạt, nâng chúng lên để lộ những cẳng chân teo tóp, trần trụi, những cái bụng hõm sâu, những bộ mặt nhe răng và những cặp mắt mở trừng trừng mà chẳng nhìn thấy gì.

Tôi không quen được với người chết như sau này. Tôi vội vã xuống phố, sợ hãi và ghê tởm, về nhà càng nhanh càng tốt. Mẹ tôi đợi sẵn với một chiếc kẹp và bát cồn. Bà sợ cho sức khoẻ của gia đình trong lúc bệnh dịch nguy hiểm hết mức. Bà không cho phép chúng tôi qua sảnh để vào nhà cho đến lúc bà lấy kẹp gạt hết chấy rận trên mũ, áo khóac và com lê của chúng tôi rồi dầm chúng chêt đuối trong cồn.

Mùa xuân, lúc đã thân thiết hơn với Roman Kramsztyk, tôi thường không về thẳng nhà mà từ tiệm cà phê về nhà ông, một căn hộ trên phố Elektoralna. Chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện đến tận đêm khuya. Kramsztyk là người hết sức may mắn. Ông có một căn phòng nhỏ xíu, trần dốc xuống tận người trên tầng áp mái của khu nhà. Ông để tất cả kho báu của ông ở đây, tránh được sự cướp bóc của bọn Đức. Một chiếc đi văng rộng, hai chiếc ghế bành cổ có giá, một tủ áo nhỏ rất đẹp thời Phục Hưng, một tấm thảm Ba Tư, một số vũ khí thời cổ, ít tranh vẽ và đủ thứ vật nho nhỏ ông đã sưu tầm trong nhiều năm từ khắp các nơi ở Châu Âu, mỗi thứ đều là tác phẩm nghệ thuật và làm no mắt. Thật là dễ chịu lúc ngồi trong căn phòng nhỏ xiú dưới ánh đèn màu vàng dìu dịu, chụp đèn La Mã, uống cà phê đen và chuyện trò vui vẻ. Trước khi màn đêm buông xuống, chúng tôi ra bao lơn đứng thở hít khí trời. Nơi đây không khí trong lành hơn các đường phố bụi bặm, ngột ngạt. Sắp đến giờ giới nghiêm. Dân chúng vào trong nhà và  đóng chặt cửa, mặt trời mùa xuân đang xuống thấp, phủ ánh sáng hồng hồng lên mái tôn, từng đàn bồ câu trắng bay trên trời xanh và mùi hoa tử đinh hương trên các bức tường gần Ogród Saxki (vườn Saxon) thoảng đến chỗ chúng tôi trong khu vực bị đoạ đày này. Đây là giờ của trẻ con và người điên. Roman và tôi nhìn xuống phố Elektoralna tìm “người đàn bà cắm lông chim”, chúng tôi gọi bà điên như thế. Diện mạo bà ta thật khác thường. Gò má bà đánh phấn hồng thật tươi và lông mày dày tới một xăng ti mét, kéo từ thái dương bên này sang thái dương bên kia bằng chì côn. Bà ta quấn một cái khăn bằng rèm nhung màu xanh lá cây cũ kỹ phủ ra ngoài bộ váy áo màu đen, một cái lông đà điểu khổng lồ màu hoa cà được cài trên mũ rơm, dựng đứng trong không khí, lắc lư nhè nhẹ theo bước chân chập chững, nhanh nhẹn của bà. Trong lúc bước đi, bà mỉm cười lịch sự giữ người đi qua hỏi thăm về chồng bà đã bị bọn Đức giết hại ngay trước mắt bà.

Tôi xin lỗi…Ông có tình cờ thấy ông Izaak Szerman nhà tôi không? Một người cao, điển trai, có hàng ria mép nho nhỏ hoa râm?

Rồi bà ta nhìn chăm chú vào mặt người bà ta giữ lại, và lúc nghe câu trả lời, bà ta kêu lên vẻ thất vọng “Không ư?”  Bộ mặt bà ta méo mó vì đau đớn trong giây lát, nhưng ngay lập tức mềm lại vì nụ cười giả tạo, nhã nhặn.

Ôi xin hãy tha lỗi cho tôi!

Bà ta nói và vừa đi tiếp vừa lắc lư cái đầu, nửa ân hận là đã làm mất thời gian của người khác, nửa ngạc nhiên là người ấy không biết ông chồng Izaak của bà, một người đỉển trai và thú vị đến thế.

Vào khoảng lúc này trong ngày, một người tên là Rubinstein, quần áo sờn rách, bay phần phật mọi phía, tóc tai rối bời cũng đang trên đường xuống phố Elekoralna. Anh ta vung cây gậy, vừa nhảy lò cò vừa nhảy cẫng lên ngâm nga ư ử một mình. Anh ta rất nổi tiếng trong ghetto. Có thể nghe thấy tiếng anh ta la hét suốt một con đường dài “Hăng lên chứ, ông bạn!” Mục đích của anh ta là làm cho mọi người phấn chấn bằng cách chọc cho họ cười. Những câu đùa và khôi hài của anh ta vọng trong khắp các ngóc ngách của ghetto, lan truyền sự hân hoan. Một trong những trò đặc biệt của anh ta là đến gần bọn lính gác Đức, vừa nhảy lò cò vừa nhăn nhó, gọi chúng bằng những cái tên như “chúng mày là đồ yêu tinh, là đồ kẻ cướp, là lũ ăn trộm” và bằng đủ các thứ tục tĩu khác nữa. Bọn Đức lấy đấy làm trò vui, thường ném cho anh ta thuốc lá và mấy đồng xu trả cho những lời lăng mạ của anh, nghĩ cho cùng, không thể bắt một người điên như thế phải nghiêm chỉnh.

Tôi không biết chắc bọn Đức có nghĩ thế thật không, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu có thực Rubinstein là một trong những người mất trí vì những nỗi đau khổ anh phải chịu hay bày trò ngớ ngẩn để thoát chết. Anh đã không làm điều đó thành công.

Người điên chẳng chú ý gì đến giờ giới nghiêm, nó chẳng có nghĩa gì với họ hay với bọn trẻ con. Lúc này những bóng mờ của bọn trẻ mới chui ra khỏi các tầng hầm, các ngõ hẻm và ngưỡng cửa mà chúng trú ngụ, chạy nhanh với hy vọng có thể  gợi lòng thương trong trái tim con người vào giờ khắc cuối cùng này trong ngày. Chúng đứng bên chân các ngọn đèn, cạnh tường các ngôi nhà và ngay trên đường phố, đầu ngẩng lên, rên rỉ đều đều rằng chúng đang đói. Chúng hát còn du dương hơn. Chúng hát những khúc balat bằng giọng yếu ớt, nho nhỏ về một người lính trẻ bị thương, bị tất cả bỏ rơi trên chiến trường, anh ta gọi “Mẹ ơi!” lúc chết. Nhưng mẹ anh không ở đấy, bà đang ở rất xa, không biết con trai mình đang nằm chờ chết, và chỉ có mặt đất, những cây cỏ xào xạc ru người đàn ông tội nghiệp đi vào giấc ngủ ngàn thu “Ngủ đi, con ơi, ngủ ngon đi con trai yêu quý của ta”. Một bông hoa rơi trên ngực người chết là huân chương duy nhất của anh ta.

Chỉ bọn trẻ mới cố kêu gọi lương tâm con người, nài xin con người “Chúng cháu đang đói, đói lắm! Chúng cháu không được ăn nhiều năm nay rồi. Hãy cho chúng cháu một mẩu bánh mì, nếu không có bánh mì, cho chúng cháu xin củ khoai tây hay củ hành, miễn là giữ cho chúng cháu sống được đến sáng mai”.

Nhưng khó mà có người có được củ hành đó, và nếu có thì cũng chẳng cho đi, vì chiến tranh đã biến trái tim họ thành sắt đá.

Chú thích

[1] Aryan: người Aryan gồm các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn Âu. Dưới chế độ Đức quốc xã, dùng để chỉ người Đức thuần chủng.

[2] Bệnh Rickettsia: bệnh lây nhiễm, gây sốt, ốm yếu, trên cơ thể người bệnh mọc lên nhiều nốt đỏ tím.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích