NAM THIÊN ĐẠI HIỆP
HỒI THỨ TƯ

DocSachHay.net

ường lên núi quanh co uốn khúc, đôi chỗ có cầu bắc ngang qua ghềnh đá cheo leo thẳng đứng, hay những khe suối nước chảy róc rách dưới chân. Mỗi chỗ, mỗi nơi, Mạc Diệp đều có đặt ra những cái tên thật thơ mộng nào là Vọng nguyệt kiều, Nghinh phong kiều..và giải thích cho Tiểu Tâm vì sao mình đã đặt ra những cái tên như vậy, Tiểu Tâm cũng vô cùng thích thú và tán thưởng ý nghĩa của những địa danh mà Mạc Diệp đã đặt ra.  Nhờ vừa đi vừa chuyện trò với Mạc Diệp mà Tiểu Tâm không thấy mệt nhọc. Và cuối cùng nơi ẩn cư của một vị kỳ sĩ giang hồ đã hiện ra trên lưng chừng núi. Câu đối dưới chân núi chỉ diễn tả cái phi thường, thoát tục của Kỳ Tửu, thì bước chân lên nơi đây, mới cảm thấy như lạc vào chốn thiên thai. Thạch thất nằm giữa một thạch bình rộng lớn, xây mặt ra hắc giang, dưới ánh trăng sáng tỏ, trăm hoa, hồng cúc khoe màu. Xảo hợp giữa thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người đã làm cho người mới đến có cảm tưởng lạc vào tiên cảnh. Nhìn nơi ẩn cư của Kỳ Tửu, Tiểu Tâm reo lên:

- Mạc đại ca! Tiểu đệ thường nghe đến những nơi thế ngoại đào nguyên, những nơi ấy, tiểu đệ tưởng cũng chỉ như ở đây là cùng!

Tiểu Tâm và Mạc Diệp vừa mới bước chân lên thạch bình, thạch thất còn tận đàng xa, nhưng Mạc Diệp chưa kịp đáp lời Tiểu Tâm, thì trong thạch thất đã vang ra lời cười lớn và tiếng nói vui vẻ như rót bên tai:

- Hổ phụ sinh hổ tửu có khác! Đoàn lão đệ một đời giang hồ lãng tử, ngoài việc cứu giúp người đời, thì lấy trăng gió, sông núi làm vui, lời khen ngợi của chú bé đúng thật là cha nào con nấy..

Tiếng nói chưa dứt, cửa thạch thất mở lớn, bên trong Võ Lâm Tam Tuyệt, đi giữa là Kỳ Tửu, bên tả là Thi Kiếm, bên hữu là Đàn Chưởng, phía sau là Lý Đại, hai tráng sĩ trung niên và một thiếu phụ cùng bước ra chờ đợi nghinh đón Đoàn phu nhân. Cả ba vị kỳ nhân giang hồ thân hành ra tận cửa tiếp rước Đoàn phu nhân, điều này đã nói lên sự thương kính của họ dành cho trượng phu của bà. Thấy sư phụ bước ra thạch thất, Mạc Diệp vội kéo tay Tiểu Tâm dừng bước, mời Đoàn phu nhân lên trước. Đoàn phu nhân đã cảm thấy sự trịnh trọng Tam Tuyệt dành cho mình, bà dừng chân trong giây phút đè nén cảm xúc, rồi mới thong thả bước lên. Thạch thất không đồ sộ như một ngôi thiền tự, nhưng cũng không nhỏ như những am viện thông thường, cửa chính lại rất to rộng, vì bên trong là khách sảnh mà cũng là đại sảnh, được dùng làm nơi hội họp cơ mật của những nhân vật giang hồ, giữ những vai trò quan trọng trong tổ chức phục Lý của Kỳ Tửu. Trước cửa đại sảnh, trên hàng tam cấp, Kỳ Tửu thân hình to lớn, râu dài chấm bụng, mặc áo bào đen nổi bật giữa Lý Trường Phong và Nguyễn Minh Anh vận y phục trắng đứng hai bên chờ đón. Thoáng trông, dù màu sắc y phục có khác, ba người họ giống như bức tranh Quan Công, có Quan Bình và Chu Thương hai bên. Tam Tuyệt đứng yên lặng, sáu cặp mắt như sáu luồng điện quang hướng về phía Đoàn phu nhân đang đi tới, làm cho bà có cảm giác xôn xao, vừa cảm thấy mình quan trọng, vừa cảm xúc, vừa lo ngại vu vơ. Bà vừa đi, vừa hít nhẹ những luồng dưỡng khí để trấn áp cảm xúc. Con đường đá vài chục thước, nhưng bà cảm thấy như rất là dài. Chú bé Tiểu Tâm có lẽ cũng không hơn gì bà, đang liến thoắng như chim với Mạc Diệp, thì lúc này chú nắm chặt tay Mạc Diệp và im thin thít. Đôi mặt thơ ngây của chú như bị cái uy nghi của Tam Tuyệt thu hút. Rồi con đường cũng đã thu ngắn dưới những bước chân, Đoàn phu nhân hướng vào Tam Tuyệt làm lễ tương kiến:

- Ngu phụ và cô nhi của Đoàn gia xin bái kiến tam vị tôn sư.

Kỳ Tửu vô cùng cảm khái qua tiếng thở dài:

- Gần hai thập niên thương hải, cuộc cờ với Đoàn lão đệ tưởng chừng như mới đây mà kẻ tri kỷ đã ra người quá cố! Lý Đại tình cờ gặp được phu nhân ắt hẳn cũng nhờ anh linh Đoàn đệ dun rủi. Cố nhân đã không còn, gặp được phu nhân và hậu duệ của cố nhân cũng là một sự an ủi lớn cho chúng tôi xin phu nhân đừng khách sáo.

Phúc chí tâm linh, không đợi mẹ chỉ bảo hay ra dấu, Tiểu Tâm bước ra khấu đầu đảnh lễ với Tam Tuyệt:

- Tiểu Tâm bái kiến tam vị lão gia

Kỳ Tửu đưa một luồng chân khí nhẹ nhàng đỡ Tiểu Tâm dậy, và kéo chú lại gần mình xoa đầu cảm khái:

- Chú bé ngoan lắm! Đoàn đệ đã có hậu! Đoàn lão đệ đã có hậu! Ông ta quét mắt qua Tiểu Tâm, rồi lên tiếng khen ngợi:

- Tốt lắm! Giống Đoàn lão đệ như khuôn đúc, với gân cốt và anh khí này nhất định cũng sẽ là một đại kỳ nhân trên chốn giang hồ.

Thi Kiếm Lý Trường Phong chào Đoàn phu nhân:

- Trên thuyền mấy ngày mà không biết phu nhân là quả phụ của Đoàn đại ca thật là thất kính, xin Đoàn tẩu tẩu lượng thứ.

Đàn Chưởng Nguyễn Minh Anh đặt tay lên vai Tiểu Tâm và hướng về Đoàn phu nhân, pha trò vui vẻ nhưng không dấu niềm luyến tiếc:

- Minh Anh này nghe tiếng ngón đàn của Đoàn lão đã lâu, nhưng không có duyên gặp gỡ, mười lăm năm sau nhất định phải thi đấu với chú bé này mới được, nợ cha con phải trả!

Đợi sư phu và hai vị sư thúc chào hỏi Đoàn phu nhân xong, Phạm Minh, tiến lên vái chào Đoàn phu nhân, thân thể khôi vĩ của ông, so với Kỳ Tửu như là một sự xảo hợp của thiên công, là thầy trò nhưng thân hình và phong thái của hai người trông rất giống như cha con. Phạm Minh hơi ngập ngừng xưng hô vai cháu với Đoàn phu nhân, vì so ra bà chỉ bằng tuổi vợ ông, nhỏ hơn ông rất nhiều:

- Điệt nhi là Phạm Minh, đại đệ tử của sư phụ. Đây là tam đệ Vũ Thúc Linh, được chân truyền của sư phụ về môn ám khí nên được giang hồ tặng cho danh hiệu là Bách Bộ Xuyên Dương và đây là tiện nội, Lý Thùy Dung, trên giang hồ cũng có chút danh phận, được gọi là Mai Sơn Tiên Tử. Chúng điệt nhi tham kiến Đoàn bá mẫu.

Vũ Thúc Linh, thân hình nhỏ thó, xương xẩu, mới trông không có vẻ gì đặc biệt, nhưng trên khuôn mặt tầm thường đó là đôi mắt thật to, thật sáng chứng tỏ có một khả năng thông minh phi thường. Lý Thùy Dung, trong bộ võ phục màu hồng, nổi bậc làn da trắng như tuyết, mắt phượng, mày ngài, thật xứng với mỹ danh tiên tử. Nghe Phạm Minh giới thiệu về mình, cả hai đều cười vui vẻ.

Vũ Thúc Linh:

- Phạm đại ca quên không giới thiệu mình trên giang hồ hiện nay tặng cho anh danh hiệu là Vô Địch Thần Quyền, Đoàn bá mẫu phải phạt anh ta mới được.

Lý Thùy Dung:

- Thùy Dung nhất định đem danh hiệu Tiên Tử nhường cho Đoàn bá mẫu, gặp bá mẫu Thùy Dung có cảm tưởng mọi vẻ đẹp trong trời đất đều tập trung trên mình bá mẫu.

Trước sự chào đón vui vẻ của các đệ tử Kỳ Tửu, Đoàn phu nhân khiêm nhượng:

- Trượng phu là bạn của tam vị lão sư, nhưng tiện thiếp so với các vị cũng đồng trang lứa, câu nệ lễ phép làm cho tôi thật khó xưng hô với quí vị..

Phu nhân nắm tay Lý Thùy Dung cảm xúc:

- Muội Muội rất xứng đáng mỹ danh Tiên Tử, Đỗ Hồng Vân này chỉ là thứ hồng nhan đa truân, bạc mệnh mà thôi, từ nay mong muội muội giúp đỡ cho tỷ tỷ và đứa cô nhi..

Mạc Diệp lớn tiếng phản đối:

- Đoàn tiểu đệ đã kết làm huynh đệ với Mạc Diệp này, mẫu thân của Đoàn đệ là bá mẫu của Mạc Diệp, nếu Phạm tẩu tẩu xưng hô tỷ muội với phu nhân, thì Mạc Diệp này nhất định kiện với sư phụ để bảo vệ kỷ cương. Hừ! Mạc Diệp không thể xuống vai điệt nhi đối với tẩu tẩu đâu nhé!

Lời phản đối của Mạc Diệp làm mọi người cùng cười. Sau đó Kỳ Tửu mời phu nhân vào khách sảnh. Vì là nơi dùng hội họp những kỳ khách giang hồ trong tổ chức Phục Lý của Kỳ Tửu nên khá rộng rãi, giữa khách sảnh là một bàn đá rộng, trên đó đã sắp sẵn những bình rượu và trái cây tươi, cùng vài món cháo, rau còn bốc hơi, trên tường treo nhiều thứ binh khí, cả bức vách đối diện treo một bức tranh đại thọ, nét bút rất sống động. Vừa bước vào thạch thất, Kỳ Tửu chỉ bức tranh nói với phu nhân:

- Đây là bức tranh mà Đoàn lão đệ đã bỏ ra bảy ngày bảy đêm vẽ tặng lão phu. Mỗi lần nhìn bức tranh là nhớ đến Đoàn lão đệ. Đất nước phong ba, giang hồ dậy sóng, Đoàn lão đệ lại như con thần long ẩn hiện, nên từ ngày chia tay đến nay trên hai chục năm mà không có duyên tái ngộ. Do tin tức từ lũ nha trảo Trần triều, mấy năm về trước mới biết Đoàn lão đệ đã bị hại, và cũng biết Đoàn lão đệ còn có một quả phụ và một cô nhi đang phiêu bạt giang hồ, lão đã cho người dò tìm tin tức nhưng vẫn không tìm ra manh mối. Lý Đại tình cờ gặp được tẩu tẩu, thật đúng là ý trời.

Nhìn bút tích và di vật của trượng phu, Đoàn phu nhân bất giác dòng lệ lăn dài:

- Trượng phu ngoài y thuật cũng rất say mê cầm kỳ thi họa, trong một đêm tất cả công phu, tâm huyết của người đều tan theo mây khói. Bức tranh này này có lẽ là bức tranh duy nhất còn lưu lại.

Mọi người im lặng thông cảm nỗi cảm xúc của phu nhân. Lý Thùy Dung tế nhị đưa phu nhân ra khỏi nỗi u hoài, tiếc nhớ:

- Bá mẫu và Đoàn hiền đệ hẳn đã đói lắm rồi, mời bá mẫu và Đoàn hiền đệ tạm thời dùng tạm một ít đồ nhẹ lót lòng, kẻo đồ ăn sẽ nguội lạnh.

Nói là làm, Thùy Dung mời Kỳ Tửu, nhị vị sư thúc, rồi nắm tay Tiểu Tâm và phu nhân đưa vào bàn. Sau những lời mời mọc chủ khách, trong bữa cơm chay đạm bạc, những kỷ niệm giao tình giữa Kỳ Tửu và Thi Kiếm với Đoàn thần y được kể ra cho mọi người nghe. Họ đã đến với nhau không phải vì võ công mà vì mến mộ tài thi phú, cầm kỳ thi tửu, họ đã định kết nghĩa huynh đệ với nhau, nhưng chưa tìm ra tung tích của Đàn Chưởng để cùng nhau bái kết, đổi danh xưng Nam Thiên Tam Tuyệt thành Nam Thiên Tứ Tuyệt, thì họ đã vô phương gặp nhau đông đủ trong tình trạng vận nước nhiễu nhương.. Và cuối cùng những gì đã xảy ra với nhân vật Đoàn thần y trong thời gian trước đây, Đoàn phu nhân cũng nghẹn ngào, từ từ thuật lại mọi việc đã qua.

Đoàn Minh, là anh em cùng cha khác mẹ với Đoàn Thượng, cả hai đều học hỏi được được võ công cao siêu, nhưng Đoàn Thượng chỉ say mê võ công và đã trở thành đệ nhất cao thủ ở Đại Việt, và ra làm quan cho triều đình, còn Đoàn Minh lúc lên hai mươi tuổi thì chán võ nghiệp, xoay qua nghiên cứu y thuật, cầm kỳ thi họa, lấy trăng gió làm vui. Khi nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, Đoàn Minh đang vân du ở vùng Thập Vạn Đại Sơn, vội bôn ba về Hồng Châu, khuyên anh dựng cờ khởi nghĩa phù Lý. Đoàn Thượng đã nghe lời Đoàn Minh liên lạc với giang hồ kỳ sĩ, đưa người đến chùa Chân Giáo đánh cướp Huệ Tông nhiều lần nhưng bất thành. Biết Hoàng Liên Nhị Lão đang phò tá Trần thủ Độ chuyên sử dụng chất độc, Đoàn Minh lại xin phép anh tạm thời vắng mặt, đến các dãy núi cao ở phương Nam để tìm thiên niên kỳ nam về chế biến các loại thuốc giải độc hộ mạng dành cho binh sĩ. Trong thời gian Đoàn Minh ra đi, Huệ Tông băng hà, Thủ Độ lại bình định được giặc Mường uy thế đang hăng, lại dùng kế mua thời gian, gởi sứ nghị hòa với Đoàn Thượng, và đã làm Đoàn Thượng xiêu lòng. Mọi việc xảy ra khi Đoàn Minh đang lặn lội tại các sơn cùng thủy tận trong dãy Hoành sơn và các vùng núi non hiểm trở nằm sâu trong lãnh thổ Chiêm Thành. Và khi ông mới đặt chân trở lại vùng địa đầu giới tuyến là châu Nghệ An, thì nghe hung tin quân đội Hồng Châu đã tan rã và Đoàn Thượng đã bị tử trận. Trước tin dữ, Đoàn Minh một lần nữa lại nguội lạnh với công việc phò vua giúp nước, mượn rượu tiêu sầu. Một hôm ông đang ngồi ngắm trăng khuya nơi quán trọ, thở than thời thế, thì thoáng thấy một bóng đen dạ hành, thân pháp nhanh nhẹn, vác trên vai một bao nặng lăng không chuyền từ nóc nhà này qua nóc nhà khác, hướng về khu rừng rậm. Nhận thấy có điều khẩu nghi, Đoàn Minh đuổi theo và phát hiện kẻ dạ hành là một tên dâm tặc đang định giở trò tồi bại với một thiếu nữ từ trong bao kéo ra còn đang thiêm thiếp giấc nồng. Tức giận, ông xông ra dạy cho hắn một bài học và cứu người thiếu nữ nạn nhân. Tên dâm tặc là Cao Diệm, tứ đệ tử của Nhất Lão, võ công thuộc hàng võ lâm cao thủ, nhưng không phải là đối thủ của ông nên chỉ sau vài chục hiệp hắn  đã bị đánh ngã, vốn có lòng nhân từ ông cảnh cáo Cao Diệm và tha cho mạng hắn..

Thiếu nữ bị Cao Diệm bắt trong tuổi trăng tròn, nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, xiêm y mỏng manh, lệch lạc đã làm cho Đoàn Minh, một người đã quá tứ tuần, từ trước đến giờ chưa gần nữ sắc cảm thấy vô cùng bối rối không biết phải làm sao. Thấy chiếc bao của tên dâm tặc vứt trên mặt đất, ông mới tìm ra giải pháp, nhắm chặt hai mắt, bế thiếu nữ luồn bỏ lại vào trong bao, cột miệng bao ngang cổ, để đầu ra ngoài rồi mới giải huyệt cho thiếu nữ, định hỏi nàng nhà cửa nơi đâu để đưa về nhà, thì khi được giải huyệt, người thiếu nữ lại như không biết việc gì đang xảy ra cho mình, trái lại đôi mắt như khờ dại, miệng rên rỉ, tay chân cử động với những bức xúc của đòi hỏi dục tình. Là một y sư, Đoàn Minh biết ngay nàng ta đang bị một thứ dâm dược cực mạnh hành hạ, ông lại không có mang thuốc giải độc bên mình. Không còn cách gì hơn, biến phải tùng quyền, ông lại điểm huyệt người thiếu nữ, kéo nàng ra khỏi bao, đặt tay vào đan điền chuyền chân khí kiềm chế chất độc, phi nhanh về phòng trọ tìm phương giải dược. Ông ta không dám giải huyệt cho thiếu nữ trong tình trạng dâm dược còn đang hành hạ, nên trong đêm đó, ông phải dùng chân khí đưa thuốc giải vào miệng thiếu nữ và dẫn thuốc đi khắp châu thân. Mãi cho đến trời sáng tỏ khi thấy mạch của nàng điều hòa, ông ta mới giải khai thụy huyệt. Thức dậy, thấy mình đang ở trong một phòng lạ của một người đàn ông, người thiếu nữ hốt hoảng và giận dữ tát vào mặt ông. Đoàn Minh ngồi yên để thiếu nữ mặc tình đánh đấm, nhưng chậm rãi và rõ rệt, từ tốn kể lại những việc xảy ra. Hoảng hốt nhất thời, nhưng rồi cũng lần lần nhớ lại người đã xông vào phòng ngủ của mình hình thù như thế nào, và kiểm soát thấy thân thể mình cũng không mất mát, lúc bấy giờ thiếu nữ mới biết ông là người cứu mạng mình. Thiếu nữ nạn nhân là Đỗ Hồng Vân, người con út và cũng là tiểu thơ duy nhất của nguyên Điện Tiền Chỉ Huy Sứ châu Nghệ An là Đỗ Thanh.

Vào đời vua Cao Tông, Đỗ Thanh làm Chỉ Huy Sứ châu Nghệ An, lúc bấy giờ vua Chiêm Thành là Bố Trì bị chú là Bố Điền cướp ngôi, Bố Trì đem hai trăm chiến thuyền sang cửa bể Kỳ La xin tạm trú để lo bề khôi phục, Đỗ Thanh chấp thuận cho Bố Trì tạm dung ở Nghệ An, và khải tấu về triều. Trong triều lúc bấy giờ Đàm Dĩ Mông làm phụ quốc đại thần mê ám, lo sợ Bố Trì đang âm mưu dòm ngó nước ta, nên chỉ thị cho Đỗ Thanh phải đem quân đi đánh Bố Trì. Vì tin chắc Bố Trì thật tâm thần phục nước ta, Đỗ Thanh đã bao vây và canh giữ đạo quân của Bố Trì mà không làm thiệt hại đến họ, mong thời gian sẽ làm cho triều đình xét lại. Tuy nhiên quyết định của triều đình đã làm cho Bố Trì và quan tướng trong đạo quân Chiêm tức giận, nên nhân cơ hội quân Đỗ Thanh chểnh mảng, họ nổi dậy đánh giết quân ta và cướp bóc tài sản của dân chúng rồi trốn ra ngoài bể. Vụ này làm Đỗ Thanh bị cách chức, và cũng chán ngán quan trường, ông lui về ẩn dật. Gia trang của nguyên Điện Tiền Chỉ Huy Sứ Đỗ Thanh cách quán trọ mà Đoàn Minh trú ngụ không xa. Cách mấy ngày trước, Trần thủ Độ đưa một phái đoàn đến khuyến dụ Đỗ Thanh ra làm quan với tân triều, lấy lý do già cả và bệnh hoạn Đỗ Thanh từ chối và phái đoàn của Trần thủ Độ đã ra về trong thất vọng. Trong phái đoàn có tên dâm tặc Cao Diệm. Hắn  đã để ý mọi người trong Đỗ gia trang, và đã lập tâm bất chính với Đỗ tiêu thư, khi thoáng nhìn qua được hình bóng của nàng trong lúc cùng tì nữ đạo bước trong hoa viên.

Trần thủ Độ có tài về chính trị, vì cần sử dụng cao thủ giang hồ, mà những nhân vật anh hùng nghĩa sĩ thì còn tận trung với Lý triều, nên phải sử dụng những thành phần hắc đạo, nhưng cũng nghiêm cấm rất khắc khe những việc làm bất chánh, nhũng nhiễu lương dân, vì thế tên Cao Diệm che đậy hành vi của mình bằng cách tiền dâm hậu sát. Khi bắt một thiếu nữ nào, hắn  cho uống thuốc khích dâm cực độc, dày xéo thân thể của họ trong một đêm, rồi giết chết và dùng hóa thi phấn thủ tiêu thân thể, không để lại dấu vết. Khi biết Đoàn Minh là người đã cứu mạng, Đỗ Hồng Vân cảm tạ ơn cứu mạng và nhờ ông đưa về nhà. Đoàn Minh cũng cho tiểu thư biết rằng chất độc trong người của nàng phải dùng thêm thuốc liên tiếp trong nửa tháng mới khỏi hẳn. Tưởng đưa Đỗ Hồng Vân về nhà, viết cho vài toa thuốc, rồi sẽ lãng du trở lại trên con đường vô định. Nhưng mọi sự ở đời do tiền định, Đoàn Minh không hạ sát Cao Diệm đã gây họa lớn cho Đỗ gia trang. Trong khi ông đang chạy chữa cho Đỗ Hồng Vân, Cao Diệm trở lại Đỗ gia tàn sát tất cả mọi người và khi Đỗ Hồng Vân và Đoàn Minh về đến nơi, cả dãy nhà rộng lớn, đó đây là những bãi nước vàng sủi bọt, mùi hôi thúi xông lên nồng nặc. Đỗ Hồng Vân ngất xỉu trước cảnh đau thương, và Đoàn Minh ngoài việc phải tiếp tục chữa trị chất độc trong người Hồng Vân, thì cũng không thể rời nàng trong lúc nàng không còn nơi nương tựa. Ông đã trở thành người săn sóc thuốc men, giúp nàng làm ma chay cho gia đình, an ủi trong lúc tinh thần bấn loạn và che chở trước kẻ thù đang đe dọa.

Đỗ Hồng Vân là con nhà võ tướng, nhưng không luyện tập võ nghệ, chỉ thích cầm kỳ thi họa, mà Đoàn Minh là người đa tài, nên một thời gian ngắn họ trở thành tri kỷ. Trong thời gian đi khắp đó đây, vừa du sơn ngoạn thủy, vừa tránh né sự truy lùng của Trần triều, vừa kiếm tìm tung tích của Cao Diệm để trả thù cho Đỗ gia trang, Hồng Vân lại học thêm y thuật với Đoàn Minh. Nhờ nghiên cứu y thuật, nàng biết Đoàn Minh phải làm gì để cứu nàng khi nàng bị Cao Diệm bắt và nàng tự coi như thân thể mình đã thuộc về ông ta. Trong hai năm họ không thể rời nhau, vì cả hai cần tránh né sự truy lùng của nha trảo Trần triều mà nàng thì không đủ võ công để tự vệ, hơn nữa Đoàn Minh cũng nhận lời nàng phải tìm tên Cao Diện để trả mối gia thù. Khi dò biết Cao Diệm sau khi từ Nghệ An về Thăng Long đã được đưa đi làm hộ vệ cho một phái bộ sang nhà Tống, Đoàn Minh đã đưa nàng đến quan ải chờ phái bộ nhà Trần trở về, tâm nguyện của nàng đã được Đoàn Minh hoàn thành, Cao Diệm bị Đoàn Minh bắt để nàng tự tay trả thù cha, và khi đó nàng cũng vừa mãn tang.

Dù tuổi tác chênh lệch quá lớn, nhưng tình cảm mật thiết đã nẩy nở giữa hai người, họ là cặp trai tài, gái sắc, họ có thể hòa nhau tiếng đàn, cùng nhau ngâm thơ vịnh phú, tâm ý tương thông. Họ đã như cặp chim đã cùng bay trong một bầu trời, họ không thể tách rời nhau, Đỗ Hồng Vân đã thẳng thắn bày tỏ tâm ý của mình với Đoàn Minh. Họ kết nghĩa phu thê và sau đó đưa nhau đến chân núi Long Môn qui ẩn giang hồ. Dù qui ẩn, nhưng lòng từ tâm vẫn thúc đẩy Đoàn Minh tiếp tục dùng y thuật để cứu giúp người đời, và cũng vì thế khi đứa con trai đầu lòng của họ mới lên hai tuổi, thì nha trảo của Trần thủ Độ tìm ra tung tích. Trong một đêm tối trời họ bị đại đệ tử của Hoàng Liên Nhất Lão là Bách Độc Thư Sinh đem hàng chục cao thủ đến bao vây, phóng hỏa đốt nhà, gà chó cũng không tha. Đoàn Minh dù võ công cao, nhưng mãnh hổ nan địch quần hồ, nhất là ông còn phải bảo vệ cho vợ con đào thoát. Ông đã hy sinh để cho người vợ trẻ và đứa con thơ còn sống sót. Người vợ của ông nhờ học được môn mê tung bộ pháp bí truyền của dòng họ Đoàn, và cũng nhờ trong thời gian rảnh rỗi nghiên cứu thuật dị dung làm vui, đã giúp nàng trốn thoát mọi nanh vuốt của kẻ thù trong suốt trên mười năm, nàng đã lê gót chân đi từ Bắc đến Nam, rồi từ Nam ra Bắc, trốn tránh đến tận vùng Mường, Thái xa xôi, rồi những vùng bờ biển hẻo lánh ít vết chân người, bằng mọi cách nàng phải sống để bảo quản dòng máu duy nhất của họ Đoàn còn sót lại.

Thiên trường sử đau buồn của Đoàn Minh và Đỗ Hồng Vân do chính nàng kể lại, đôi lúc nghẹn ngào nức nở, đã làm cho mọi người, mà hầu hết điều có công phu tu dưỡng rất cao cũng không che đậy được những tiếng thở dài thương cảm hay uất hận. Có lẽ đây là lần đầu tiên, Tiểu Tâm nghe mẹ kể về cái chết của phụ thân mình. Đôi mắt của cậu như tóe lửa. Khi Đoàn phu nhân nói đến cảnh rày đây mai đó trốn tránh kẻ thù, Tiểu Tâm không còn dằn lòng được nữa, lớn tiếng khóc òa. Chú quỳ gối xuống đất hướng về Tam Tuyệt nức nở khẩn cầu:

- Xin tam vị bá bá nể tình phụ thân, dạy dỗ diệt nhi công phu võ học để trả mối gia thù.

Kỳ Tửu đỡ Tiểu Tâm dậy cảm khái:

- Mối thù của con cũng là mối thù của Tam Tuyệt chúng ta. Đã có duyên phận nên tình cờ mà con đến được đây, dạy dỗ cho con là bổn phận của chúng ta. Tư chất của con rất tốt, chẳng những con sẽ trả được mối gia thù mà con sẽ còn trả được mối quốc thù của con dân nhà Lý.

Thương mến kéo Tiểu Tâm vào lòng mình, Kỳ Tửu đưa mắt nhìn Thi Kiếm và Đàn Chưởng:

- Đây là một hạt ngọc quý, trước đây ta đã lỡ có lời hứa là không thâu nhận thêm đệ tử, và ủy thác cho Phạm Minh thay ta phát triển phái Mai Sơn, dù chú bé còn nhỏ nhưng là con của Đoàn lão đệ, hắn  không thể bái Phạm Minh làm sư phụ được. Hà! Hà! Coi bộ hạt ngọc này phải được một trong hai hiền đệ ra công mài giũa mới được!

Đàn Chưởng:

- Như kế hoạch đã định, hai ngày nữa chúng ta lại phải chia tay nhau. Đại ca thân hành đi liên kết với các lộ anh hùng trong nước, ta phải đi Chiêm Thành để nhờ quốc sư Chế Ba La giới thiệu với vua Chiêm để kết tình thân thiện. Hơn nữa, như hai vị lão ca đã biết, khi tên đệ tử yêu của ta phản thầy, đánh cắp bí kíp chạy theo con yêu nữ ở Ngân Sơn, ta đã lập lời trọng thệ không bao giờ thâu nhận đệ tử nữa. Như vậy thì hạt ngọc này lại phải về tay Nhị ca. Nhị ca chưa có đệ tử, bây giờ lại được lãnh phần tọa trấn ở đây, hạt ngọc trăm năm khó kiếm này...Hà! Hà! thuộc về nhị ca là phải.

Thi Kiếm tỏ vẻ suy nghĩ, khó xử:

- Đoàn đại ca là tri kỷ của đại ca và của ta, chẳng phải riêng ta mà cả ba anh em ta đều phải có bổn phận với chú bé này. Hà! Chú bé này trên thuyền đã biết thưởng thức, phẩm bình lời thơ của ta, thật là có duyên với ta. Tuy nhiên, ta lại cũng có chỗ khổ tâm, võ công của ta là võ công gia truyền, chỉ truyền cho người trong dòng họ. Thật là....

Tiểu Tâm trong lòng Kỳ Tửu, nghe Tam Tuyệt khen ngợi, tin tưởng mình sẽ được họ thâu làm đệ tử, nhưng khi nghe cả ba đều có những khó khăn riêng để từ chối, chú thất vọng, lại khóc lớn lên. Thi Kiếm biết nỗi thất vọng của chú, đưa tay kéo chú lại phía mình, xoa đầu, nghiêm nghị:

- Con không phải thất vọng, nam nhi đại trượng phu không thể mỗi chút mỗi khóc, dù vì những lý do riêng đại bá, tam thúc và thúc thúc không thâu nhận con làm đệ tử đi nữa, thì cũng sẽ tìm cách để cho con trở nên một kỳ nam tử hán. Bây giờ con còn nhỏ, chậm một thời gian luyện tập cũng không phải là chậm, con biết chứ!

Tiểu Tâm nghe Thi Kiếm nói vậy lòng mừng khấp khởi, chú lại quỳ xuống vái lạy:

- Con xin chư vị đại bá, đại thúc thương tình và giúp đỡ cho con.

Kỳ Tửu lại cảm khái:

- Thật là một đứa bé ngoan!

Ông phất tay áo đỡ Tiểu Tâm dậy, thân yêu lau nước mắt cho cậu, an ủi tiếp:

- Mọi việc trên đời không ra ngoài chữ duyên, bá bá và hai thúc thúc của con đang có nhiều việc phải làm gấp trong thời gian tới, nhưng không ai quên con đâu, khi bá bá và tam thúc trở về sẽ tìm cách chu toàn để con có thể học tập võ nghệ.

Ông hướng mắt về phía Đoàn phu nhân:

- Bây giờ đã khuya lắm rồi, tiểu tẩu đã qua những ngày mệt nhọc để Dung nhi đưa tiểu tẩu về an nghỉ. Phía sau núi, cũng có một chỗ thạch bình rộng rãi, lão sẽ bảo Minh nhi cho đệ tử cất một căn nhà gỗ cho tiểu tẩu và cháu tạm trú. Có lẽ năm ba ngày là xong. Nhà của Minh nhi nhỏ hẹp, nhưng đêm nay và những ngày tới, Minh nhi phải ở đây với chúng tôi bàn luận công việc, vì thế tiểu tẩu không phải ái ngại.

Ông đưa mắt nhìn Lý Thùy Dung nói tiếp:

- Dung nhi được giang hồ tặng cho danh hiệu Mai Sơn Tiên Tử, nhưng không phải là đệ tử của lão phu. Nàng là con gái của Lý Bất Nhiễm đại nhân, người đã làm Châu Bá châu Nghệ An và đã hai lần đánh bại sự xâm lăng của Chiêm Thành trong năm Kiến Giá thứ sáu và thứ tám. Như vậy, tiểu tẩu và Dung nhi đều là con của công thần, danh tướng nhà Lý, đã thay nhau giữ vững cả vùng cực Nam của đất nước. Trong những ngày ở chung nhau, Dung nhi và tiểu tẩu hẳn sẽ có dịp hàn huyên những kỷ niệm của quê hương xứ Nghệ.

Đoàn phu nhân:

- Mọi sự nhờ Đinh tiền bối...

- Đoàn lão đệ nhỏ hơn lão phu bốn tuổi, nên đã gọi lão phu là đại ca, tiểu tẩu cũng phải gọi lão phu là đại ca. Tuổi tác không thể làm thay đổi danh phận. Đoàn tẩu phải coi các đệ tử của lão như đệ tử của Đoàn lão đệ, phải gọi chúng theo danh phận của chúng. Các con của Dung nhi dù cùng trang lứa với Tiểu Tâm, cũng phải coi Tiểu Tâm như hàng thúc thúc của mình. Có như vậy mới gìn giữ được kỷ cương.

Đoàn phu nhân ngập ngừng:

- Cảm ơn Đinh đại ca và hai vị ca ca, được sự che chở của chư vị và các vị anh hùng ở đây, từ đây mẹ con chúng tôi sẽ được sống những ngày an bình và tiên phu cũng sẽ có nơi đặt thờ linh vị, hôm sớm hương hoa...

Đoàn phu nhân lại cảm động, nước mắt tuôn trào.

Lý Thùy Dung cầm tay bà:

- Thùy Dung xin đưa bá mẫu về nhà an nghỉ, hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai, dù chưa hẳn là thái lai, nhưng ở phái Mai Sơn, nhất định bá mẫu và Tâm đệ sẽ sớm thấy như mình đang ở trong một ngôi nhà lớn, đầy chân tình, trong đó có tình sư môn, tình gia đình, tình đồng đạo..

Vũ Thúc Linh lên tiếng:

- Lương y như từ mẫu, ở đây, có thể các điệt nhi chưa giúp được gì cho bá mẫu, thì bá mẫu lại có thể trở thành người mẹ hiền của tất cả huynh đệ trong võ trường.

Kỳ Tửu nghe Vũ Thúc Linh nói, chợt hiểu ý cười sảng khoái:

- Tên Thúc Linh này đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến cái lợi! Đoàn bá mẫu các con có làm lương y cho võ trường hay không, cũng phải để người nghỉ ngơi một thời gian mới được. Các ngươi không được quấy rầy trong lúc người còn mệt nhọc, chưa ổn định đấy nhé!

Đoàn phu nhân:

- Trong thời gian sống chung, có cùng tiên phu nghiên cứu y thuật, tuy rằng không bằng người, nhưng những bệnh thông thường, trật gân, sai khớp, nội thương, hàn khí, độc thương có lẽ không đến nỗi nào không biết cách chữa trị. Được đem khẩu năng hèn mọn đóng góp với anh em là vinh dự và cũng là bổn phận của Hồng Vân này vậy...

Lý Thùy Dung đưa mắt nhìn Vũ Thúc Linh:

- Và khi đó nhất định bá mẫu phải sai anh chàng Thúc Linh đa sự kia đi hái thuốc cho bá mẫu mới được!

Vũ Thúc Linh chưa kịp đáp lại lời nói móc của Thùy Dung, thì Mạc Diệp lên tiếng:

- Mạc Diệp nhất định không để tam sư ca có cái vinh dự đấy đâu nhé. Mạc Diệp gặp bá mẫu trước, thì phải để Mạc Diệp làm việc với bá mẫu mới công bằng chứ! Phải không? Thưa sư phụ!

Kỳ Tửu vui vẻ:

- Chú bé này lại vòi vĩnh nữa rồi! Tam ca con sẽ theo sư phụ đi vân du, con ở nhà cứ mặc sức mà đi hái thuốc cho Đoàn bá mẫu của con. Sẽ không có ai dành việc này với con đâu. Bây giờ để Thùy Dung đưa bá mẫu con về nhà an nghỉ, con không dành làm việc này với Dung nhi đấy chứ?

Mạc Diệp:

- Con có bao giờ dám dành việc gì với Phạm tẩu tẩu đâu! Tẩu tẩu mà bất bình thì con sẽ bị Phạm đại ca hành hạ cho đến chết đi sống lại... nhưng con muốn đưa Đoàn đệ thêm một chặng đường nữa.

- Chú liệu hồn đấy nhé! Thùy Dung làm bộ gắt gỏng, Phạm đại ca của chú lúc nào cũng bênh chú, và có coi con nhỏ Thùy Dung này vào đâu đâu mà chú lúc nào cũng đổ oan, đổ oán như thế? Chú đừng tưởng được sư phụ cưng rồi chú muốn nói gì cũng được đấy nhé!

- À há! Điều mà Mạc Diệp này biết là Phạm đại ca không sợ trời sợ đất mà chỉ biết sợ.... hai người là sư phụ và..... bà Mai Sơn Tiên Tử nào đấy mà thôi! Ai động đến bà Tiên Tử, thì...hà hà...ngọn thần quyền sẽ làm cho càn khôn đảo lộn..

Sự chọc ghẹo lẫn nhau của mấy người đệ tử Kỳ Tửu làm cho không khí trở nên vui vẻ, mọi người đều cười, Tiểu Tâm và Đoàn phu nhân cũng cười vui theo họ.

Kỳ Tửu cũng cảm thấy vui vẻ với những người học trò của mình, nhưng ông nghiêm nghị:

- Có nhị thúc, tam thúc và Đoàn bá mẫu ở đây các con không được phóng túng. Thùy Dung đưa Đoàn bá mẫu về nhà, Mạc Diệp phải ở lại đây để sư phụ có việc giao phó, con và Tiểu Tâm sẽ còn nhiều ngày tháng gặp nhau, con không cần phải quyến luyến như vậy.

Hướng về Đoàn phu nhân, Kỳ Tửu tiếp lời:

- Ngày mốt lão phu và tam đệ sẽ phải rời khỏi Mai Sơn, mọi việc ở đây sẽ có Minh nhi lo lắng cho tiểu tẩu, xin tạm biệt nơi đây và sẽ gặp lại tiểu tẩu trong vòng nửa hay một năm sau. Đã quá khuya, để Dung nhi đưa tiểu tẩu về nhà nghỉ ngơi.

Lý Thùy Dung vái lạy Tam Tuyệt, và đưa tay mời Đoàn phu nhân dời bước. Phu nhân cúi đầu chào Tam Tuyệt:

- Cầu chúc nhị vị thượng lộ bình an, trong thời gian quý vị vắng mặt, Đỗ Hồng Vân này cũng sẽ đem hết khẩu năng để cùng đóng góp với các huynh đệ ở đây.

Tiểu Tâm cũng khấu đầu:

- Chúc đại bá và tam đại thúc lên đường mã đáo thành công... Mong..mong hai vị về sớm để Tiểu Tâm được học hành võ nghệ.

Kỳ Tửu lại một lần nữa nâng cậu ta dậy nói thêm ít lời an ủi, hứa hẹn việc học hành của chú sẽ sớm được tiến hành.

Lý Thùy Dung đưa Đoàn phu nhân về nhà. Tư gia của Vô Địch Thần Quyền Phạm Minh và Mai Sơn Tiên Tử ở phía sau núi, cách thạch thất của Kỳ Tửu không xa. Họ dựng nhà như vậy để mỗi sáng, mỗi chiều Phạm Minh đều có thể thuận đường vào thăm viếng, bái lạy tôn sư. Trên đường đi, đúng như Kỳ Tửu đã nói, Lý Thùy Dung và Đỗ Hồng Vân bắt đầu nhắc đến những kỷ niệm thời niên thiếu của họ ở đất Nghệ An. Đúng là tha hương ngộ cố tri, họ nói đến những căn nhà, những vườn hoa trong dinh châu bá, ngay cả những con đường xứ Nghệ. Trong câu chuyện Lý Thùy Dung cũng tỏ ý mong được Hồng Vân dạy cho mình học đàn trong thời gian tới. Thùy Dung cũng khoe về hai người con gái nhỏ thông minh, xinh đẹp của mình. Chúng đang học võ nghệ và nếu được Đoàn phu nhân rèn luyện thêm cầm kỳ thi họa thì sẽ trở nên hai kiệt nữ văn võ song toàn. Biết Phạm Minh và Thùy Dung có hai người con gái, Đoàn phu nhân mới liên tưởng tới câu nói của Mạc Diệp: “Biết đâu vài ngày nữa Đoàn đệ lại chỉ muốn gọi Mạc đại ca này là Mạc thúc thúc” và hiểu ý Mạc Diệp định nói gì, bà ta mỉm cười một mình và cũng hối hận đã có chút nghi ngờ dụng ý sàm sỡ của Mạc Diệp khi nói câu nói trên.

Nhà của Vô Địch Thần Quyền và Mai Sơn Tiên Tử xây trên một thạch bình nhỏ, phía sau là vách núi cheo leo, mọc nhiều hoa dại, có thác nước nhỏ từ bên trên đổ xuống rào rạt. Tiếng nước chảy, tiếng gió len qua cành cây kẽ lá, tạo nên một bản nhạc thiên nhiên huyền diệu.

Đỗ Hồng Vân buột miệng khen:

- Nơi đây cũng là một phong cảnh khác thường, dưới ánh trăng đêm thật là nên thơ diễm ảo.

Lý Thùy Dung:

- Ngay ngày mai, các đệ tử sẽ bắt một cây cầu nhỏ phía eo núi trước mặt để qua phía bên kia cất nhà cho bá mẫu, chỗ đó cũng không khác gì ở đây, cũng có thác nước, nhưng nhiều phong lan, lại còn đối diện trước mắt là núi rừng trùng điệp, nhất định bá mẫu sẽ còn thích hơn ở đây nhiều lắm.

Nghe Thùy Dung nói chỗ mình sắp ở còn đẹp hơn cảnh sắc trước mắt, Hồng Vân lấy làm vui sướng.

Thùy Dung đã lưu lạc giang hồ khá lâu mới gặp Phạm Minh, nhưng khi yên bề gia thất, nàng đã đem thêm mấy người tì nữ của mình trước đây về nuôi dưỡng, nên nhà cửa đã được săn sóc cẩn thận, sạch sẽ và ngăn nắp từ trước đến sau. Nhà được xây bằng thứ gỗ quí, chùi bào cẩn thận, bước vào nhà đã cảm thấy được sự mát mẻ của nó. Hai cô gái xinh đẹp được Thùy Dung nhắc nhở có lẽ đã yên giấc ngủ, trong nhà chỉ hai cô tì nữ còn thức, có lẽ họ đang đợi chờ để chủ nhân sai bảo. Khi Hồng Vân vào nhà cả hai đều khấu đầu làm lễ tương kiến. Sau khi giới thiệu sơ qua Đoàn phu nhân và Tiểu Tâm, Thùy Dung ra lệnh cho hai tì nữ:

- Tiểu Mai đưa tiểu sư thúc ra nhà sau tắm rửa cho khỏe và Tiểu Thanh trải màn chiếu cho tiểu sư thúc trên bộ ván gụ ở phòng khách. Ta sẽ đưa bá mẫu vào phòng tắm riêng và đưa bá mẫu vào phòng của Thùy Trang. Đã khuya lắm rồi chúng ta không nên khách sáo để bá mẫu phải mệt mỏi thêm.

Lần đầu tiên biết phải ngủ riêng với mẹ, Tiểu Tâm hốt hoảng định lên tiếng phản đối, nhưng Đoàn phu nhân đã dự đoán trước, nên nắm tay cậu bóp mạnh, ngầm cho cậu biết những ngày lang thang vô định, mẹ con lúc nào cũng phải sát bên nhau không còn nữa, và bắt đầu từ đêm nay cậu sẽ không còn được phép nằm trong lòng mẹ nữa.

Là một võ lâm cao thủ, nên những việc xảy ra không thoát khỏi tai mắt của Thùy Dung, liên tưởng đến cảnh phiêu bạt của mẹ con Tiểu Tâm, nàng chợt hiểu, vỗ vai Tiểu Tâm an ủi:

- Tiểu sư đệ sắp trở thành một nam tử hán rồi đấy, từ nay không thể ngủ chung với mẹ được nữa, nếu không các cháu sẽ cười vị tiểu thúc thúc của mình.

Tiểu Tâm bệu bạo nhưng cứng rắn:

- Tiểu đệ kính vâng lời dạy dỗ của Phạm tẩu, từ nay tiểu đệ sẽ ngủ riêng giường với mẫu thân.

Đoàn phu nhân và Thùy Dung không hẹn cùng vuốt đầu Tiểu Tâm khen ngợi:

- Con ngoan lắm.

- Tiểu sư đệ ngoan lắm.

Lời khen ngợi làm Tiểu Tâm sung sướng, quên hết nỗi lo sợ và hoảng hốt phải ngủ riêng với mẹ, chú chúc mẹ và Thùy Dung ngủ ngon, rồi mở gói hành trang lựa áo quần, đi theo Tiểu Mai ra phòng tắm.

Lạ nhà? Không phải, vì từ nhỏ đến lớn Tiểu Tâm chưa biết đến nhà. Có thể là lần đầu tiên thiếu vắng hương hơi, sự ấm áp trong lòng mẹ, nên không ngủ được. Cũng có thể vì trăn trở với bao ý nghĩ trong lòng, nghĩ đến mối gia thù, ao ước học được võ công của Nam Thiên Tam Tuyệt nên mãi đến khi tiếng gà rừng cất lên đây đó Tiểu Tâm mới thật sự chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, Tiểu Tâm cũng ngủ không được lâu, không ai đánh thức Tiểu Tâm dậy, nhưng tiếng rinh cây, xẻ gỗ, những tiếng hô hoán trước nhà của những đệ tử trong võ trường đang khởi công xây cây cầu gỗ qua gành đá, và sẽ cất nhà cho mẹ con cậu phía thạch bình bên kia đã đánh thức Tiểu Tâm. Mở mắt, Tiểu Tâm thấy mẹ đang ngồi bên cạnh và hai cô bé, tóc thắt đuôi gà, vô cùng xinh xắn đang ở bên mẹ, nhìn mình cười nụ. Hai cô bé giống nhau như đúc, bốn cặp mắt như bốn hạt ngọc xanh long lanh, nhìn Tiểu Tâm và cùng nhìn nhau nghịch ngợm, trêu chọc. Cả hai thấy Tiểu Tâm thức dậy, cùng khấu đầu:

ú..c.

Nói đến tiếng sư thúc, hai cô bé đưa giọng kéo dài, và hai cặp mắt liếc nhìn nhau, cười lỏn lẻn.

Tiểu Tâm biết hai cô bé chọc phá mình, chú làm ra kẻ cả:

- Các con không phải khách sáo, thúc thúc miễn lễ cho các con...

ú..c, từ đây mong được sư thúc chỉ điểm cho các con các môn công phu võ học cao siêu...

Nghe hai cô bé đòi mình chỉ điểm võ công, Tiểu Tâm cảm thấy nhột nhạt, nhưng đã làm ông cụ non, thì không thể xuống giọng được nữa, Tiểu Tâm, tiếp tục giọng kẻ cả:

- Nhất định, tiểu sư thúc này biết được gì, thì sẽ không giấu giếm với hai nữ điệt.

Vốn còn trẻ, và không phải là người câu nệ, Đoàn phu nhân không thấy việc hai cô bé trên danh nghĩa đứng vào hàng cháu, phá bĩnh cậu con của mình là khó coi, mà cảm thấy rất vui với hoạt cảnh trước mắt. Bà vuốt tóc Thùy Trang và Thùy Vân âu yếm:

ú..c, nhưng mà mới đến đây, hai con phải chỉ vẽ cho Tiểu Tâm mới được.

Trước Đoàn phu nhân, hai cô bé lại vô cùng lễ phép:

- Hai cháu xin vâng lời Thái bá mẫu.

Hai cô cúi đầu chào Đoàn phu nhân rồi dắt tay ra ngoài. Trước khi ra khỏi cửa, cô chị kề tai cô em nói nhỏ điều gì đó và cùng quay lại nhìn Tiểu Tâm cười khúc khích.

Tiểu Tâm nghĩ hai cô bé cười mình điều gì đó, cậu cau mặt tức giận:

- Mấy con nhỏ thấy ghét!

Đoàn phu nhân vuốt ve cậu:

- Hai cô bé rất thông minh lanh lợi, cùng trang lứa với con mà phải kêu con bằng sư thúc, dĩ nhiên cũng có chút bực tức trong lòng. Làm sao cho hai cô bé mến phục mới đáng làm sư thúc người ta chứ? Có phải vậy không? Các cô ấy dù ở vai sư điệt nhưng sẽ là bạn của con trong những ngày ở đây, con đừng làm cho họ ghét bỏ thì con mới có bạn để chuyện trò, rong chơi, nếu không thì con sẽ phải sống những ngày tháng cô đơn, và hai cô bé lại càng chọc ghẹo con nhiều hơn nữa.

- Con có mẹ và Mạc đại ca để trò chuyện rồi. Hừ! con đâu cần phải rong chơi với hai con ranh con ấy chứ!

Đoàn phu nhân nghiêm giọng:

- Con không thể quanh quẩn suốt ngày bên chân mẹ. Mạc đại ca của con sẽ rất bận rộn với chuyện trong võ trường, làm sao có thì giờ để gặp con thường xuyên được. Hơn nữa, con phải tập tính tha thứ, rộng lượng, và hòa đồng với mọi người, không thể ai làm gì mình không bằng lòng rồi ghét bỏ, ác cảm. Có như vậy sau này con mới trở nên một người đại lượng, không kênh kiệu, làm cho mọi người chán ghét mình.

Trước lời răn dạy của mẫu thân, Tiểu Tâm tỏ vẻ hối hận, dúi đầu vào lòng mẹ:

- Con xin vâng lời mẫu thân.

Đoàn phu nhân vuốt vai Tiểu Tâm nói tiếp:

- Kẻ thù của con là cả một tập đoàn hùng mạnh, hàng ngàn võ sĩ, trăm vạn hùng binh, con muốn trả được thù cha, đền được nợ nước, việc rèn luyện võ công là việc phụ, mà rèn luyện đức độ để thu phục nhân tâm mới là căn bản của thành công. Nếu không thu phục được nhân tâm, con cũng sẽ chỉ là một võ phu, cùng lắm là mang được cái danh hiệp sĩ nhưng sẽ không làm được điều gì ích quốc lợi dân. Con ghi nhớ lời mẹ dạy.

Trước lời nghiêm huấn, Tiểu Tâm ngồi dậy, nghiêm chỉnh quỳ gối:

- Con nhất định ghi vào tâm phế những lời chỉ bảo của mẫu thân.

Đoàn phu nhân khen ngợi:

- Con ngoan lắm, đêm qua mẹ biết con không ngủ được, nhưng con không thể tiếp tục nằm ngủ giờ này được nữa. Con đi rửa mặt, luyện khí trong nửa giờ cho tỉnh người, rồi thay quần áo và đi tìm Thùy Trang và Thùy Vân để làm thân và chơi với chúng. Mẹ không muốn mình ngồi không ở nhà người ta, nên cũng cần phải làm ít công việc. Trong vài ngày nữa, có nhà riêng, mẹ sẽ cho con nhiều thì giờ hơn để ngơi nghỉ.

Tiểu Tâm vâng lời mẹ, đi rửa mặt, rồi vào ngồi hít hơi, luyện phép thổ nạp. Phép nội công mà Đoàn phu nhân dạy Tiểu Tâm, bà không biết là phép luyện nội công gì. Khi theo Đoàn Minh, ông ta thấy bà không có căn bản võ công, nên chỉ dạy. Mỗi lần mệt nhọc bà áp dụng phép điều tức này thì cảm thấy trong người khỏe khoắn ngay. Bà cứ theo lời chỉ dạy mà làm không cần tìm hiểu. Khi Đoàn Minh bị sát hại, phải mang hài nhi đi trốn tránh, lúc mệt nhọc bà dùng phép điều tức này, càng áp dụng thường xuyên hơn, bà cảm thấy vừa khỏe người hơn mà đôi chân áp dụng bộ pháp Đoàn Minh chỉ dạy để tránh né kẻ thù càng được nhanh chóng, hiệu dụng hơn, vì thế khi Đoàn Chính Tâm lên sáu tuổi, bà đã bắt đầu chỉ dạy lại cho con và cùng luyện tập.

Họ Đoàn, nguyên người gốc Đại Lý đến nước ta vào đời nhà Đường. Lúc bấy giờ Đại Lý có tên là Nam Chiếu, vào đầu thế kỷ thứ tám, Nam Chiếu đã chinh phục nước Thổ Phồn (Tây Tạng), tịch thu các kinh điển phật học ở đây, trong đó có các loại kỳ thư võ học. Họ Đoàn là một dòng họ lớn, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình Nam Chiếu, và một danh tướng của họ Đoàn là Đoàn Tú Thiên, khi xâm lăng nước ta, được vua Nam Chiếu phong làm Tiết Độ Sứ đã học được hai bộ môn công phu của thiền môn là nhất dương công và mê tung bộ pháp. Dù võ công cao, nhưng không phải là tướng mưu lược nên khi nhà Đường đưa Cao Biền sang chiếm lại Giao Châu, Đoàn Tú Thiên bị thua và bị giết, con cháu của Đoàn Tú Thiên sợ bị vua Nam Chiếu trị tội thất trận nên cũng không dám về nước mà tìm nơi hẻo lánh trú ẩn tại Giao Châu. Sau khi bị Cao Biền đánh bại, Nam Chiếu lần lần suy yếu, và đổi tên làm nước Đại Lý. Dòng họ Đoàn còn ở nước Đại Lý sau này vẫn tiếp tục là những nhân vật quan trọng trong hàng quan lại nước này. Dù là một nước nhỏ, nhưng trong đời nhà Lý, vua nước Đại Lý vẫn ấp ủ nhiều manh tâm đối với nước ta. Khi Lý Thái Tổ mới lên ngôi, Đại Lý đã cử Dương Trường Hoa và Đoàn Kính lập ra trại Ngũ Hoa, tích chứa lương thực, tập trung trên hai chục vạn quân để xâm lăng nước ta. Vua Lý Thái Tổ sai Dực Thánh Vương đi đánh, phá được giặc, giết mấy vạn người. Đời Lý Thái Tông, Đại Lý lại ngầm yểm trợ cho bọn Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao làm phản, rồi vào đời Lý Nhân Tông, họ lại ngầm đưa võ sĩ của họ vào làm nha tướng Lê Văn Thịnh để mưu việc tạo phản. Vì dã tâm của Đại Lý, họ Đoàn tại nước ta đã không được trọng dụng. Mãi đến đời vua Huệ Tông, trong nước loạn lạc, gặp Đoàn Thượng ở Hồng Châu, vua Huệ Tông mới phong Đoàn Thượng làm tướng, cho phép chiêu mộ quân dân Hồng Châu để dẹp loạn. Khi có đầy đủ vi cánh, Thượng đã liên lạc với vua Đại Lý lúc bấy giờ là Đoàn Kiến Trung. Âm mưu bị lộ, triều đình Huệ Tông đã định giam Thượng để điều tra, nhưng vì võ công của Đoàn Thượng quá cao, dù với hai bàn tay không, thị vệ, quân tướng nhà Lý không ai dám lại gần để bắt giữ Thượng. Trốn thoát cuộc vây bắt của triều đình, Đoàn Thượng trở về Hồng Châu xây dựng thành quách, viết biểu xin Huệ Tông tha tội để phục vụ triều đình. Thấy không thể trừng phạt được Thượng, Huệ Tông bèn xá tội và phong vương chức cho Thượng. Chính vì vậy, Lý Trường Phong, vốn dòng dõi Lý Thường Kiệt căm giận Trần thủ Độ, thì cũng không mấy cảm tình với Đoàn Thượng. tưởng cũng nên nói, Lý Thường Kiệt, lúc còn trai trẻ phải tự thiến để vào cung giữ chức Hoàng Môn Chi Hậu, thì làm sao có con cháu được! Là một danh tướng lập nhiều công lao hiển hách, đánh Tống, bình Chiêm, lúc về già, không con nối dõi là điều đã làm cho Lý Thường Kiệt rất đau lòng. Rất thương anh, và cũng thấy anh mình là một đại công thần của triều Lý, danh vang thiên cổ, nên Lý Thường Hiến là em Lý Thường Kiệt, đã dạy bảo con cháu coi Lý Thường Kiệt như là ông tổ của dòng họ nhà mình, và vì thế đến đời Trường Phong, con cháu đều yên trí ông tổ họ là Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt. Đoàn Minh là bào đệ của Thượng, sự thành tựu võ học của Đoàn Minh không bằng anh, nhưng tâm pháp nhất dương công và mê tung bộ là hai môn võ học gia truyền là tất cả công phu võ học của Đoàn Minh và ông đã truyền dạy một phần cho vợ mình. Phép điều tức mà Tiểu Tâm đang luyện chính là môn nhất dương thần công.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
NAM THIÊN ĐẠI HIỆP HỒI THỨ TƯ

Có thể bạn thích