Một Giọt Từ Sự Đọa Đầy
Lí Thuyết Và Nguyên Lí

(Trích tác phẩm: Patmosz)

Sự khác biệt giữa lí thuyết và nguyên lí (teoria), là sự khác biệt giữa câu hỏi và vấn đề, giữa ý tưởng và tư tưởng. Nhà báo có ý tưởng, nhà thơ có tư tưởng. Chính trị gia, hoặc nhà tài chính có câu hỏi, kẻ gặp những khó khăn hiện sinh có vấn đề.

Sự khác biệt giữa lí thuyết và nguyên lí không ở chỗ, lí thuyết thì mang tính chất điều kiện, còn nguyên lí không thể thay đổi. Lí thuyết cũng không bắt buộc. Lí thuyết vì một lí do nào đấy không phù hợp, tôi làm ra lí thuyết khác có thể dở hoặc hay. Nhưng với nguyên lí, không thể không chấp nhận.

Nguyên lí đã có sẵn hậu quả, và trước hết cần phải hiện thực hóa nó, nếu không, đấy không phải là nguyên lí. Người nào không đi theo lí thuyết của họ, không sao, nhưng nếu kẻ nào không đi theo nguyên lí của họ, kẻ đó phản bội và dối trá.

Lí thuyết phần lớn là sự nổi hứng, còn dấu hiệu chắc chắn của nguyên lí là sự phổ quát, hay đúng hơn là trạng thái tích cực một cách đạo đức và hiện sinh.

Quyền sống còn của lí thuyết không phải là sự thực hành, không bao giờ là sự thực hành, bởi vậy lí tưởng chủ nghĩa, hay duy vật chủ nghĩa, hay một triết học châu Âu nào đó đều chỉ là lí thuyết.

Lí thuyết chỉ là lí thuyết, bởi không phải, và không thể là thực hành, nó sừng sững một cách trừu tượng, phi hiện thực và không có khả năng thực hiện, đúng hơn, nó là sự cuồng nhiệt và nhầm lẫn, là ý tưởng giả dối và hoang đường, lý thuyết là thứ không biết chính những điều này từ bản thân,.

Lí thuyết là thứ dựng sự vật lên một cách cảm hứng và tùy tiện theo hàng lối, và không mang tính chất một trật tự. Người ta còn gọi nó là thế giới quan. Thế giới quan là một thứ khung, mẫu.

Nguyên lí tạo dựng nên trật tự sống, và bởi vậy nếu không được hiện thực hóa, không mang ý nghĩa gì. Lí thuyết xây dựng, hoặc ít nhất mang ý đồ xây dựng; nguyên lí tạo lập, và sự tạo lập lớn hơn sự xây dựng. Con người lí thuyết chỉ nhận biết, còn con người nguyên lí nhìn.

Lí thuyết không phải là nguyên lí bị tha hóa, như lí tưởng bị tha hóa của ý tưởng và tôn giáo bị tha hóa của quan điểm. Các lí thuyết một mặt tuyên bố sự ưu tiên của các lí thuyết, mặt khác tuyên bố sự ưu tiên của thực hành.

Trong nguyên lí không có sự khác biệt giữa lí thuyết và thực hành. Nguyên lí dựa trên yếu tố, rằng không có sự xác định nào thiếu vắng tầm vóc của hiện sinh và hậu quả đạo đức.

Lí thuyết không có mức độ, bởi vậy không duy trì được những gì trừu tượng hoặc cụ thể. Chỗ đứng của lí thuyết là khoa học và triết học, còn chỗ đứng của nguyên lí là nghệ thuật và tôn giáo.

Kẻ nào xây dựng một nguyên lí, kẻ đó cần thay đổi toàn bộ đời sống của mình.

Con người hiện đại sống giữa các quá độ. Ý tưởng, và câu hỏi, và lí thuyết. Họ có khoảng ba loại lí thuyết: chủ nghĩa Darwin (Darwinizmus) chủ nghĩa Freud (Freudizmus), và chủ nghĩa Marx (Marxizmus).

Nền tảng của chủ nghĩa Darwin, như Betrand Russell đã giải thích, đơn giản là một sự nhầm lẫn. Darwin đưa tư tưởng cơ bản của một nhà lí thuyết kinh tế Anh thế kỉ mười tám vào quá trình sinh học, theo đó thiên nhiên bằng con đường ngắn nhất và những công cụ đơn giản nhất kiếm tìm lợi ích lớn nhất.

Chúng ta đều biết quan niệm cho rằng đời sống thiên nhiên dựa trên những nguyên lí cơ bản của kinh tế học là một sự nhầm lẫn. Logic của thiên nhiên tuyệt đối không mang tính chất cần kiệm, trái lại mang tính thừa thãi, và bởi vậy thiên nhiên không kiếm tìm lợi ích lớn nhất, mà không ngừng cung cấp sự dồi dào (theo Bataille).

Chủ nghĩa Freud và chủ nghĩa Marx gây khó chịu không chỉ vì như chọc tức mà vì nó khiến người ta nghi ngờ, chúng sinh ra không để làm gì khác ngoài việc làm con người bực bội. Ẩn giữa các điều kiện của các chủ nghĩa này là những ý đồ mơ hồ không có ý định tìm kiếm sự thật, mà muốn bắt quả tang một cái gì đó từ con người. Rất có thể, chủ nghĩa Freud và chủ nghĩa Marx ra đời để lăng mạ chất thị dân con người trong sự biếng nhác ngơ ngẩn.

Nếu nó là sự thật, dù bằng phương pháp nào, nó có thể tuyên bố gánh chịu bản chất không mấy dễ chịu của con người, thậm chí ở một phương diện nào đấy các lí thuyết này được chấp nhận một cách dễ dàng hơn. Nhưng phương pháp của Freud không chữa chạy tâm lí con người, mà tìm ra những tính chất ngớ ngẩn vô cảm trước khó khăn, bất bình thường hơn trong chính bản thân con bệnh.

Lí thuyết xã hội của Marx không ổn định các rối loạn cộng đồng, mà mong muốn tạo ra một đám đông không thèm để ý đến các phức tạp tất yếu. Con người không có khát vọng cần phải nịnh bợ, tâng bốc sự thật, nhưng cũng chẳng cần cảm thấy bị sự thật xúc phạm.

Kiểu lý thuyết như thế nếu mong muốn có tác động, lại cần một kiểu người phù hợp với nó. Nếu một lý thuyết như vậy mong đạt được tác động, nó cần đạt tới trình độ của các tờ báo hằng ngày trong các phụ bản dành cho lễ Giáng sinh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Một Giọt Từ Sự Đọa Đầy Lí Thuyết Và Nguyên Lí

Có thể bạn thích