Ngày xưa, con trai làm rể có công ba năm được vợ. Ngày nay anh cán sự kiến trúc nầy đi coi nhà thầu sửa nhà có công nên ba tuần lễ sau đó, khi ngôi nhà ở đường Huỳnh quang Tiên mang vào xong chiếc mặt nạ biệt thự tân thời thì anh ta cũng được vợ.

Chưa được liền, nhưng ông Hoạch đứng ra làm mai và bên kia đã ưng thuận, chỉ còn hẹn ngày cưới nữa thôi, mọi việc họ sẽ cho đơn-giản tới mức tối đa, không đòi hỏi lễ lộc rình rang, đám tiệc linh đình gì hết, vì cả đôi bên đều không còn cha mẹ, họ hàng gì.

Chú rể tương-lai nầy có đi làm rể một lần để thảo luận lại với bên vợ về vài chi tiết nho nhỏ.

Chàng đến ngôi nhà số 32 ấy vào xế chúa nhựt để có thể gặp cả hai chị em, và nhứt là gặp hai cô chủ nhà trẻ tuổi đang rảnh rang vì thường thì buổi sáng những người nội trợ bận ghê lắm.

Một người đang ngồi đọc báo ở buồng tiếp khách chào chàng bằng một câu mà chàng biết ngay người ấy là ai:

A, dượng tới chơi, may mắn quá, tôi cũng đang trông dượng đây.

Hồng lấy quyền gì gọi tôi bằng dượng? Thảo hỏi đùa.

Dượng nầy hổn! Dượng phải kêu tôi bằng chị hai biết chưa?

Chưa! Sao Hồng lại là chị hai của tôi?

Vì tôi là chị hai của con Cúc.

Hồi nào?

Hồi mới đẻ ra.

Chưa chắc đâu nghen cô. Bằng vào cái gì?

Má tôi nói tôi ra trước con Cúc đến nửa tiếng đồng hồ.

Đó là tại Cúc nó chậm bước một tí chớ Hồng có cao hơn nó vì cái việc ra trước ấy đâu. Hồng có hơn nó gờ ram nào hay không lúc sanh ra?

Không.

Nếu vậy đừng có đòi làm chị.

Nhưng đã quen xem như vậy từ bao lâu nay rồi.

Mặc kệ. Thảo không nhìn nhận quyền đó.

Chớ bộ dượng muốn bắt Hồng làm em sao?

Không. Hai người ngang hàng với nhau, và ta nên gọi nhau bằng tên là hay hơn cả.

Dượng là một tên phiến loạn, đem sự rối tôn ti, trật tự vào gia đình chúng tôi.

Bấy giờ Cúc đã ra đến nơi. Nàng nghe biết cả câu chuyện giữa hai người từ nãy đến giờ, và cho rằng Thảo có lý.

Thế là hai người truất phế tôi đó hả? Hồng hỏi đùa, vui vẻ nhưng vẫn hơi chua xót trong lời nói.

Ít ra ta nên tha cho anh Thảo phải làm em, còn em thì cứ gọi chị bằng chị như trước cũng chẳng chết chóc gì.

Chưa chi ta đã thua trận rồi thì cái vụ bắt rể...

Bắt rể? Thảo trố mắt nhìn Hồng mà hỏi thế.

Thảo cứ hỏi con Cúc. Đó là phát minh của nó đấy.

Cúc cười nói:

Ừ, đó là sáng kiến của em. Anh nè...

Hãy khoan. Nếu Hồng mặc áo hồng thì tuyệt. Thảo dễ phân biệt hơn.

Nhưng tôi không ưa màu hồng thì Dượng, à không, thì Thảo bảo sao? Vả lại tôi mặc màu hồng thì Cúc tìm đâu ra “màu cúc” để mặc?

Ba người cười xòa với nhau, đoạn Cúc tiếp tục câu chuyện mà nàng chỉ mới bắt đầu lúc nãy:

Anh nè, nhà cửa minh mông như thế nầy, mà để chị Hồng ở một mình, chỉ sợ ma quá, làm thế nào chỉ ở được?

Nhà rộng thật, đối với những người địa vị khiêm tốn, họ chỉ giao thiệp với những người ở những căn nhà hẹp bốn thước thôi. Thật ra thì nhà nầy không to hơn một ngôi biệt thự, nhưng nó đưọc xây cất theo lối kiến trúc của ta xưa. Hai buồng ngủ ở trong cùng quá hẹp, bao nhiêu diện tích dưới hai mái nhà đều dành cho buồng tiếp khách, thành thử buồng nầy minh mông, con gái ở một mình ở đây, ban đêm dễ sợ thật. Hơn thế, vườn tược quanh nhà rất là sầm uất càng làm tăng thêm vẻ âm u của chốn nầy.

Thảo nói:

Thảo tự hỏi sao Cúc và Hồng không nghĩ đến việc cho thuê hay bán quách nhà nầy đi.

Anh nói theo quan điểm của người ngoài. Đây là ngôi nhà tổ phụ mấy đời, chị em của em thương mến nó lắm không nỡ rời. Nhá, anh nhá, về đây ở với em anh nhá? Bỏ chị Hồng tội nghiệp chị ấy quá.

Thấy Thảo cứ làm thinh, Hồng phụ lực với em:

Tuy mang tiếng là bị bắt rể, Thảo sẽ làm chủ gia đình thật sự, vì Hồng đã bị truất quyền làm chị rồi thì trên đầu Thảo có ai đâu mà lo. Vả lại Thảo là đàn ông thì làm “xếp” tụi nầy là phải vì Thảo đủ khả năng làm chủ gia đình hơn một trong hai đứa nầy.

Nhưng khi Hồng lấy chồng thì sao?

Rất dễ tính. Hoặc Hồng sẽ bắt rể, hoặc sẽ giao nhà nầy cho Thảo và Cúc, hoặc Thảo và Cúc giao nhà nầy cho Hồng. Chừng ấy, không còn một cô gái ở một mình một ngôi nhà lớn nữa, vấn đề nầy sẽ không còn, Hồng trông đợi Thảo để bàn về câu chuyện nầy đó.

Thảo làm thinh, suy nghĩ rất lâu rồi nói:

Cũng được. Nhưng sau hôn lễ, chú rể lại xách va ly về đây thì buồn cười quá.

Đừng có thành kiến. Thảo về đây, nhà nầy bớt vẻ quạnh hiu thì người trong xóm họ thích chớ có cười chê gì đâu mà phải sợ.

Thảo và Cúc xách va-ly lên đường đi hưởng tuần trăng mật vào một buổi sáng chúa nhật.

Hồng tiễn họ ra sân, mặt buồn dàu dàu. Không biết Cúc nghĩ sao chớ Thảo thì biết Hồng buồn về gì. Họ chỉ đi Đà-lạt có chín ngày thôi vì Thảo chỉ xin phép nghỉ được có mười ngày chớ nào phải đi Tây đi Tàu gì năm bảy năm đâu mà kẻ ở lại phải buồn.

Nỗi buồn nầy thỉnh thoảng hiện lên mặt của Hồng từ ngày Thảo chánh thức đi hỏi Cúc và Cúc nhận lời sau khi hỏi ý chị.

Từ bé đến giờ, hai chị em thương yêu nhau không hề rời nhau phút nào cả, tối họ ngủ chung với nhau, thường khi họ tắm chung với nhau một lượt trong cái buồng tắm độc nhứt của nhà nầy.

Y phục của họ không cất riêng mà để chung với nhau một tủ, không có áo nào riêng của Hồng, không có quần nào là quần riêng của Cúc.

Giờ thì cái quốc gia thống nhứt ấy đã bị chia đôi, mặc dầu họ vẫn còn ở chung trên một lãnh thổ, họ vẫn chia hai y phục, và đau đớn nhứt là chia hai tình-cảm vì Cúc đã thương yêu hai người.

Hồng buồn là vì đã mất cái phân nửa con người của nàng là Cúc, cái phân nửa ấy nàng thương yêu nó y như phân nửa khác là chính con người của nàng.

Sự mất mát nầy xảy ra ngay đêm tân hôn mà Cúc chia xẻ giường với Thảo chớ không chia xẻ giường với nàng. Tuy nhiên, sáng ra hai chị em vẫn còn thấy mặt nhau, còn gần gũi nhau phần nào.

Hồng đã ôm em, hun nó trên đầu mà nghẹn ngào hỏi:

Em có được hạnh phúc hay không?

Có chị à.

Hồng vừa mừng giùm em mà cũng vừa nghe đau thắt nơi lòng, vì Cúc mà được hạnh phúc thì nàng đã mất Cúc trọn vẹn và vĩnh-viễn rồi vậy.

Hôm nay, ngày thứ ba sau đám cưới, đôi vợ chồng mới ra đi, họ đi rồi họ lại về, biết vậy, nhưng Hồng cứ có cảm giác rằng họ sẽ đi mất luôn.

Không biết Cúc đang nghĩ gì lúc bước lên tắc-xi, day lại nhìn chị lần chót, chớ riêng Thảo thì chàng nghe kỳ kỳ.

Hai chị em nầy đồng sở thích, đồng tình cảm với nhau từ việc lớn đến việc nhỏ, đến đỗi cơm ăn, hai người cũng ăn đúng lượng với nhau, mỗi người hai chén rưỡi.

Mối tình giữa chàng và Cúc chỉ là mối tình thường thôi, chớ không phải là một mối tình lớn như những mối tình trong lịch-sử hay trong tiểu thuyết, và Cúc không hề bị tiếng sét lần nào. Như vậy chắc Hồng đã dửng dưng được với chàng.

Nhưng nếu đây là một mối tình lớn? Có phải là Hồng đã yêu chàng hay không vì nàng đồng sở-thích, đồng tình-cãm, đồng đam mê với Cúc kia mà!

Và nếu như vậy thì thật là khó chịu, đối với người đạo đức như chàng, vì có cái gì không ổn trong tận đáy lòng của một người thân, sự không ổn nầy gần như là sự loạn luân.

Những người song thai là những người bất thường tuy sự bất thường ấy, thường khi không đến nỗi nào nhưng vẫn không được... ơ... không được... ngay ngắn cho lắm.

Chính chàng là một anh con trai đứng đắn mà cũng không khỏi có những ý nghĩ không sạch sẽ.

Trong đêm tân hôn, hai vợ chồng nói chuyện rù rì gần tới sáng, họ không bỏ sót gì cả trong đời họ, và dĩ nhiên, Cúc đã nói đến Hồng. Nàng cười mà cho Thảo biết chi tiết nầy:

Em chỉ khác với chị Hồng ở cái chỗ kín nầy là trên lưng chị Hồng có một nút ruồi son, còn lưng em thì không, ngoài ra, cái gì khác cũng giống nhau như đúc.

Cúc cười ngặt nghẹo khi nói đến mấy tiếug “ngoài ra cái gì khác”, mấy tiếng rất kín đáo ấy đủ rõ nghĩa cho Thảo hiểu sâu vào trong, và chàng không ngăn được tưởng tượng đến những cái mà một người đạo đức như chàng không được phép tưởng tượng đến.

Tạo hóa đã làm một việc hết sức bậy bạ là cái hiện tượng song thai không nên có ấy. Tạo hóa đã khéo léo vô cùng, tạo ra cái gì cũng hữu-lý, cũng ổn thỏa cả, trừ hiện tượng song thai khó chịu ấy.

Sau đêm đó, và những đêm khác, Cúc cứ vô ý thức và dại dột mà nói mãi về những điều mà nàng cần nín đi.

Chẳng hạn Thảo yêu cầu nàng đừng xức nước hoa, đừng có dùng xà bông thơm trong ít lúc, để chàng được tận hưởng và làm quen thân với cái mùi thật và tự nhiên của con người của nàng, và đó là dịp mà Cúc lại nói bậy:

Anh nè, mùi của chị Hồng y hệt như mùi của em. Nếu tụi nầy chơi cắc cớ, thì lúc anh ngủ say, em đi, để Hồng vào nằm với anh, khuya anh giựt mình thức dậy, đố anh biết được sự tráo trộn đó. Anh chưa phân biệt được đứa nào là Hồng, đứa nào là Cúc bằng cách nhìn mặt thì đã đành rồi, bằng cách đụng chạm vào các bộ phận của cơ-thể của tụi em thì đã đành rồi, nhưng dấu hiệu tế-nhị là cái mũi riêng biệt của từng mỗi người, anh cũng không sao nghe được bởi đâu có sự khác nhau giữa hai đứa nầy.

Cũng may là chàng là một anh con trai đứng đắn và đạo đức, nếu không, chàng sẽ lợi dụng cái ưu thế kẻ mù của chàng mà người vợ dại dột của chàng đã gợi ý.

Ừ, tại sao chiều đi làm về, chàng lại không ôm Hồng mà hôn một cái thay vì ôm Cúc? Hồng không thể khiển trách chàng được mà Cúc cũng đành phải nhẫn nại chịu, bởi có ở chung năm bảy tháng rồi, chàng cũng cứ có thể chối rằng mình chưa hết mù. Khi Hồng phản đối thì chuyện đã rồi, và hai chị em chỉ còn có nước cười trừ trong khi chàng xin lỗi một tiếng bậy bạ rồi thôi.

Hồng làm ở khu két trong Ngân hàng, mà khu nầy luôn luôn đóng cửa trước giờ hơn một tiếng đồng hồ để thủ quỹ soát lại coi tiền có ăn khớp với bên khu kế toán hay không.

Thường thì ăn khớp, mà họ chỉ tốn có nửa tiếng đồng hồ thôi, thế mà bên nhân-viên của khu két ngày nào cũng về sớm được, tức là khi Thảo tới nhà là Hồng đã tắm rửa xong rồi, và đã hóa thành Cúc rồi, chớ không còn là một cô thơ-ký đi làm về cùng một lượt với anh rể, và ông anh rể dễ bề lợi dụng tình trạng lộn xộn trong gia đình.

Thảo tự tin, biết rằng mình sẽ không bao giờ làm quấy, nhưng những ý nghĩ không được thánh hiền lắm của chàng cũng đã làm cho chàng hoảng-sợ và khó chịu vô cùng.

Tuần trăng mật ở Đà-lạt có lẽ là những ngày hạnh phúc nhứt trong đời làm chồng của chàng, không phải vì đó là trăng mật, mà vì chàng được xa một người mà chàng cần phải xa, xa được ngày nào hay ngày nấy.

Cúc không được trọn vui, thỉnh thoảng nàng lại ngó mông về hướng Sài-gòn vì đây là lần đầu tiên trong đời nàng mà nàng sống tách riêng hoàn toàn với cái phân nửa của nàng.

Thảo nghĩ rằng hai chị em nhớ nhau ghê lắm nên chưa được một tuần lễ, chàng đã đưa vợ về Sài-gòn chớ không ở đủ chín ngày như đã dự định.

Thấy vợ mừng, Thảo lại đâm ghen. Thật là vô lý, nhưng chàng chỉ là người thôi, không sao mà công bằng cho được. Bất công, lại ý thức về sự bất công của mình, chàng lại phải khó chịu mãi.

Ừ, Cúc nó mừng, nghĩa là nó còn thương yêu một người thứ ba, khác hơn là chàng. Tình thương yêu nơi nó bị chia xẻ, có thể chàng được hưởng phần lớn hơn, nhưng chàng ích kỷ, không muốn chia sớt cho ai chút xíu nào cả?

Nếu chàng là đứa khốn nạn, yêu hết hai chị em, thì chàng sẽ lời, chúng nó có chia với nhau, chàng cũng còn đủ, còn dư nữa là khác, vì đứa nầy chia cho đứa kia ba mươi phần trăm, chàng chỉ mất có ba mươi phần trăm ấy thôi, trái lại chàng được hưởng hai lần bảy mươi phần trăm.

Nhưng chàng là người tốt nên chàng phải chịu lỗ vậy.

Nhà bây giờ có mượn người làm, một con bé mười ba tuổi, vì Thảo không muốn để vợ cực nhọc lắm, nhứt là từ rày thêm một người, công việc sẽ bề bộn ra.

Con bé Ngô ấy chạy ra cửa để mừng chủ mới về, mà lại nói ngay cái câu không nên nói:

Trời, cô hai nhớ cô, khóc đến sưng con mắt.

Và hồi mười hai giờ rưỡi, Hồng về tới nhà thì hai chị em ôm nhau mà khóc một trận như mưa tháng tám.

Sau trận mưa ấy, Hồng mới thấy quà của Thảo. Đó là một chùm lan lưỡi rồng, mà Cúc bảo rằng hai chị em thích ghê lắm. Bấy giờ Hồng mới thấy sự có mặt của người thứ ba đã xen vào giữa hai chị em họ.

Hồng dở nắp hộp lên rồi reo:

Cha, đẹp quá, cám ơn Thảo nhé.

Không cám ơn chuyện khác à? Thảo hỏi đùa.

Còn chuyện gi nữa?

Chuyện quan trọng hơn nhiều là chuyện mang về trả Cúc cho Hồng.

Không trả, Hồng sẽ mần thịt Thảo ấy chớ. Nhưng trả vĩnh viễn, trả trọn vẹn hay trả phân nửa?

Tám mươi phần trăm.

Ít lắm.

Nói xong, Hồng lại ôm chặt lấy em, cắn vào má nó.

Tối nay ngủ với chị nghen cưng! Nhớ gần chết hè. Cho thằng đó ra rìa một đêm.

Nói rồi nàng điểm mặt Thảo mà nói:

Oán mầy lắm nha!

Họ cười xòa với nhau, nhưng Thảo vẫn nghe hơi đau đau nơi tim, vì tuy Hồng nói chơi nhưng vẫn có thứ tình cảm đó thật sự là oán ghét phần nào.

Tối hôm ấy thì vui. Thảo dẫn vợ và chị vợ (hay em vợ gì tùy ý mỗi người) đi ăn ở ngoài, săn sóc hai người y như nhau, hễ gắp cho Cúc một miếng thịt gà thì Hồng cũng được hưởng một miếng liền khi đó.

Những thực khách ở các bàn quanh đó, nhìn họ mà xầm xì. Hồng Cúc bất kể, nhưng Thảo thấy nhột nhạt, không yên.

Hoặc: “Tao đố mầy ai là vợ, ai là chị vợ”.

Rồi lại có thằng trả lời: “Chắc nó quất tuốt cả hai chị em”.

Những giờ vui vẻ của Thảo thế là kém vui. Họ gợi cho chàng những ý quấy nó làm cho chàng đỏ mặt vì xấu hổ, và làm cho chàng khổ sở quá vì mắc cỡ thầm mà đã nghĩ quấy khi bị gợi ý không hay.

Cái câu mà đêm tân-hôn Cúc đã cười ngặt nghẹo mà nói với chàng, cái câu ấy từ đây cứ văng vẳng vang lên mãi bên tai chàng: “...Ngoài ra cái gì khác cũng giống nhau như đúc.”.

Chàng không thể nhìn Hồng bằng cặp mắt lương thiện của một người thường đối với một người quen biết thường nữa mà bằng cặp mắt ma-lai, trông suốt qua y phục để thấy những chi tiết mà chàng đã biết nhờ cái bản sao mà chàng đang nắm trong tay.

Thật ra thì không thể nói bản nào là bản chánh, bản nào là bản sao, chỉ hay rằng hai bản giống nhau như đúc trừ cái nốt ruồi trên lưng của một bản, kẻ nào biết bản nầy thì tức nhiên biết bản kia. Nhưng một điểm kỳ lạ của con người là mặc dầu cầm chắc như đã biết rõ bông rồi, họ vẫn cứ tưởng tượng mãi về cái mà họ biết, vì đó là một sự kiện hết sức ngộ nghĩnh, hai người giống nhau như hai giọt nước, kể cả những tiểu tiết tỉ mỉ nhứt trong người họ, cứ để hai cái đùi của hai người gần nhau để so sánh sự giống hệt của nó, chắc buồn cười lắm.

Cho đến cả vật vô-tri vô-giác là y phục của Cúc, cũng làm cho chàng nghĩ không hay. Cũng cứ do miệng Cúc kể, chàng mới biết rằng trước đây hai chị em không có y phục riêng, kể cả những y phục nhỏ mặc lót lên trong nữa: họ để chung rồi cứ nhắm mắt vớ được cái nào mặc cái nấy vì hai người không ai cao hơn ai li nào, không ai mập hơn ai gờ-ram nào hết.

Thành thử mỗi lần úp mặt vào áo Cúc, Thảo cứ nghe như mình úp mặt vào áo Hồng, và mùi áo Cúc hiện giờ là dư hương của Hồng hôm trước.

Thảo đã tốn rất nhiều tiền để thử nước hoa. Giờ thì lịnh cấm vợ xức nước hoa đã được thu hồi vì chàng đã quen hơi Cúc rồi. Trái lại chàng rất cần hai chị em xức nước hoa, với điều kiện là phải dùng hai thứ nước hoa khác nhau để một là phân-biệt họ qua hương của họ, hai là để gạt gẫm mình rằng họ khác nhau, bằng cớ là mùi họ khác.

Ác lắm là là chị em chỉ thích một mùi như nhau thành thử chàng phải mua lu bù thứ nước hoa để họ dọ dẫm hầu tìm một mùi mà họ thích được mà lại không giống mùi của người kia.

Sự hy sinh tiền của Thảo, không uổng bởi dầu sao, từ ngày mà Hồng xức Salomé và Cúc xức Glamour thì họ đã khác nhau phần nào rồi, tuy khác nhau một cách giả-tạo, nhưng cũng vẫn cứ là khác.

Lấy mộl cô gái đẻ sanh đôi làm vợ là một khổ hình mà trước khi vào vòng, không anh con trai nào thể lường trước được cả.

Nói khổ hình là khổ hình đối với những người đạo đức như Thảo đây thôi, chớ còn bọn con trai không đứng đắn, chúng nó chỉ thấy tình thế ấy là một cái thú vô song và là một cái lợi lớn.

Xong công việc ướp nước hoa hai mùi khác nhau cho hai phụ nữ, Thảo lại phải lo giáo dục nghệ-thuật họ. Chỉ nói lớn lối thế thôi chớ còn chàng chỉ cần nhồi vào óc họ vài điều căn bản sơ đẳng về sự thưởng thức vẻ đẹp thôi.

Trước tiên chàng nỗ lực đánh đổ sở-thích sai của họ về điểm đối xứng. Sự đối xứng (la symétrie) là một yếu tố mỹ thuật thời xưa, nơi mọi dân tộc, nhứt là nơi người Trung-hoa và ta. Quan niệm nghệ thuật của thế kỷ nầy thấy đó là yếu-tố gây xấu, chớ không gây đẹp.

Chính con người của hai cô cũng đã là sự đối xứng rồi. Nhưng điều ấy không hề gì. Chỉ phiền là họ rất thích sự đối xứng nên họ ưa ăn mặc giống hệt nhau, trang điểm giống hệt nhau, chọn màu sắc giống hệt nhau.

Sở thích của họ là một bản năng. Khó lòng mà đánh đổ một bản năng, nhưng Thảo tin rằng khó lòng không có nghĩa là không được. Thành thử chàng mới cố gắng và bền chí trong công việc cải hóa khiếu thẩm mỹ của hai người, không phải để họ thưởng thức mỹ thuật mà để họ thôi ham sự đối xứng nữa, có thế họ mới chịu làm khác nhau, ít lắm là ở bề ngoài.

Trong khi chờ đợi công việc cải hóa của mình đem lại hiệu quả thì Thảo cứ tiếp tục lầm lẫn Hồng với Cúc và tháng rưỡi đã qua rồi mà chàng chưa phân biệt được ai là ai cả.

Chiều chiều chàng đi làm về thì thấy cả hai chị em đều ở dưới bếp. Hồng về sớm, tắm rửa rồi và mặc đồ mát để phụ với Cúc mà lo bữa ăn tối.

Cả hai đều mừng chàng một lượt với nhau và đều gọi chàng là Thảo nầy Thảo nọ. Thảo đâm ra ân hận, phải chàng dè như thế nầy, chàng đã nhận làm em rể quách cho rồi để cái tiếng xưng hô “dượng” ấy giúp chàng biết ai là Hồng.

Có một tối, ăn cơm xong, chàng còn bận đánh răng ở nhà tắm, hai chị em ngồi nói chuyện khào ở buồng khách, một nàng ngồi ở ca-na-bê, một nàng ngồi ở ghế thường.

Chàng thèm ngồi ca na bê lắm, nhưng khi lên đó chàng cứ không dám vì không biết người ngồi trên đó là ai, vì hôm ấy cả hai đều ăn mặc như nhau, mỗi người một bộ bi-da-ma màu cà phê sữa lợt, may giống kiểu như nhau.

Hồng nè, mai xem giùm Thảo coi tiền của Thảo còn được bao nhiêu trong chương mục, vì Thảo đã làm thất lạc cuốn sổ ghi các số tiền gởi vô lấy ra rồi.

Ừ, để Hồng xem cho.

Phải dùng cái mẹo ấy chàng mới biết kẻ ngồi ca-na-bê không phải là Hồng, vì kẻ ấy không đối đáp với chàng.

Có một dấu hiệu nữa, cũng giúp được phần nào nếu hai nàng đều gọi chàng bằng tên hết thì hơi rắc rối, nhưng có khi Cúc kêu “anh” và Hồng có khi kêu “thằng”, những lúc vui đùa với nhau. Vậy cô nào gọi chàng là thằng nầy thằng nọ thì chắc chắn đó là cái cô đã có tham vọng làm chị vợ của chàng.

Trưa chúa nhựt ấy, Thảo đang ngủ bổng giựt mình thức dậy vì nghe ai gọi tên chàng!

Thảo ơi! Thảo ơi, chết rồi Thảo ơi!

Tiếng kêu cứu ấy từ ngoài vườn, ở hông nhà hướng Đông vọng vào. Hoảng hốt, Thảo nhảy xuống ghế bố và chạy chơn không ra ngoài ấy.

Trưa hơi nực nên chàng thích nằm ngoài buồng khách trên một chiếc ghế bố mà ngủ cho mát, trong khi Cúc nằm trong buồng theo thói quen kín-đáo của phụ nữ.

Ra tới nởi, chàng thấy Hồng hay Cúc không biết nữa, đang ngồi trên một nhánh mận cây già cỗi, tay vịn một nhánh nhỏ hơn, còn tay ở không phủi lia, phủi lịa: nàng bị kiến vàng tấn công; kiến đông quá, nàng không tự vệ được mà cũng không xuống được nữa vì bận phủi kiến.

Thảo thót lên hai cái thì đã tới nhánh cây ấy rồi. Chàng giết kiến bằng cả hai tay chàng, kiến đông nghẹt như...kiến, ở đâu cũng có cả, chơn tay, bụng ngực, đầu, cổ, mặt mày của nàng đều bị kiến đậu, con nào cũng vừa cắn vừa nhổng đít lên để xịt nước độc, những con tấn công gò má nàng đã đầu độc đôi mắt nàng khiến nàng cay quá, vừa nhắm nghiền đôi mắt lại, vừa la.

Nhưng kiến không những xâm lăng người nàng mà thôi đâu. Quanh đó, nhánh nào cũng vàng khè những kiến là kiến và chúng kéo nhau tới để tiếp viện bọn bị giết, càng phút càng đông.

Chính chàng cũng bị kiến cắn đau muốn chết, phương chi chàng ngủ trưa hay cổi trần lắm, nên lưng chàng là một mục phiêu lý tưởng cho chúng.

Thảo cắn răng mà chịu, và cũng không phủi kiến trên người của nạn nhân nữa, vì chàng thấy cần phải đưa nàng xuống đất chớ ở đây giết tới tối cũng không hết kiến.

Nạn nhân đau đớn quá và đã bắt đầu khóc la. Thảo ẵm nàng, xót xa không chịu thấu, chàng nghe đau y như là chàng bị đau, tức là chàng đau đến hai lần, đau đớn vì mình bị kiến cắn và cũng đau đớn vì bạn chàng bị cắn. Vâng, nạn nhân cũng có thể là Cúc lắm nhưng chàng không đủ thì giờ để hỏi, vì chàng phải hành động mau lẹ. Vậy chàng kể như đó là Cúc, nên nói:

Em ráng chịu đau một chút xíu, để anh rảnh tay ẵm em xuống đất chớ ở đây thì nguy.

Thảo xuống rất khó khăn và rất chậm chạp vì không còn tay để vịn, bởi phải ẵm một người đã không thấy đường lại mất cả tinh thần vì hoảng sợ và vì đau đớn. Phụ nữ da họ non quá, chịu đau đớn bên ngoài dở hơn nam phái.

Khi họ xuống tới góc sân rồi thì nạn nhơn không đứng vững được nữa, phải ngã trong người của Thảo, chàng phủi kiến và giết kiến cho. Có thể bảo rằng nàng đã gần ngất xỉu rồi vì phải chịu đau đớn lâu quá.

Lũ kiến quái ác, lại chun cả trong áo, trong quần của nạn nhân nữa, thành thử chàng tảo thanh chúng nó sạch trơn bên ngoài rồi mà nạn nhân vẫn còn kêu la. Thảo xem xét lại mới hay có bọn cán bộ nằm vùng ẩn núp bên trong. Thành thử chàng lại phải lòn tay vào trong để tảo thanh mấy trận nữa.

Bấy giờ mặt, tay, cổ của nạn nhân đã sưng vù lên, nàng đã bất tĩnh thật sự. Thảo ẵm ngữa bạn đi mau vào buồng ngủ của chàng. Khi chàng đá cánh cửa buồng bằng chơn và cánh cửa bị xô đi thật lẹ thì một cảnh kỳ dị xảy ra ở đây: Cúc giựt mình thức dậy và ngơ ngác mà thấy Thảo ẵm Hồng vào buồng. Thảo thì rụng rời vì chợt thấy rằng mình lầm, cái lầm vô tội nhưng dù sao, chàng đã trót có những cử chỉ quá thân mật với người con gái không phải là vợ chàng.

Chàng thở dài, nhẫn nại, xây lưng bước trở ra.

Cúc hoảng hốt hỏi:

Gì đó? Chị Hồng sao!

Leo hái mận, chạm phải mấy ổ kiến vàng trên ấy.

Có sao không?

Không đến đỗi nào.

Có té hay không?

Không.

Mấy câu đối đáp nầy giúp Cúc an lòng, nên nàng đi rửa mặt chớ không chạy theo chồng. Thành thử Thảo lại phải vào buồng Hồng một mình để đặt nàng nằm xuống giường nàng rồi trở ra ngoài, tìm ve rượu chín chục chữ trong tủ thuốc để vào xức ở các vết thương của Hồng, kể cả các vết thương ở bên trong, ở những nơi kín đáo.

Tai nạn không có hậu quả tai hại cho Hồng ấy lại làm cho anh chồng khó xử nầy càng khó chịu hơn trước nhiều lắm.

Giữa tình thương mến và tình yêu, ranh giớì thật là mong manh, lắm khi kẻ không muốn bước mà vô ý một chút xíu là đã lỡ chơn rồi. Phương chi cứ thỉnh thoảng lại xảy ra những cuộc đụng chạm quá thân mật như vậy thì một ngày kia, việc đáng tiếc có thể xảy đến.

Thảo đã thề với chàng rằng chàng sẽ nỗ lực đứng đắn và tin rằng mình giữ vững được tác phong đứng đắn, nhưng những lúc không bị công việc và ai quấy rầy, chẳng hạn như những đêm mà chàng chưa ngủ trong khi Cúc đã tiến sâu vào giấc cô miên, thì chàng nghe lại lòng chàng, rồi giựt mình sợ hãi.

Chàng không đủ can đảm tự thú tội lỗi, nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng chàng đã bắt đầu hơi yêu Hồng.

Không yêu làm sao được bởi chàng yêu Cúc mà Hồng với Cúc chỉ là một thôi. Lắm khi Cúc nói một câu mà chưa hết lời thì Hồng mau tiếng nói tiếp theo thay cho em, mà đoạn nói tiếp ấy ăn khớp với đoạn đầu của Cúc, y như hệt là chính Cúc nói từ đầu đến cuối, vì giọng hai người không khác nhau một âm sắc nhỏ nào cả.

Làm như là cả hai cùng nghĩ một lúc về một việc, và nghĩ y hệt như nhau, rồi cả những lời lẽ dùng để ra ý nghĩ đó cũng giống hệt như nhau nơi hai người.

Hồng cũng lại thương mến chàng lắm, việc đó rất dễ hiểu vì hễ Cúc ưa cái gì thì Hồng ưa cái nấy, duy chỉ có điều là Hồng đã bước cái bước nguy hiểm qua biên giới giữa tình mến thương và tình yêu hay không thì đó là bí mật riêng của lòng nàng không sao đoán được, bởi Hồng không phải là gái lẳng, có bước hay không, ngoài cũng không ai thấy được, vì cô gái đứng đắn ấy dĩ nhiên phải cố chiến đấu với bản thân cô để ngăn tình cảm xổng cương.

Cái hôm mà cả hai chị em đều cúm thì Thảo thấy là mối nguy đã lên tới tột độ cùng.

Thường thì hễ Cúc mỏi lưng thì Hồng cũng mỏi lưng, đó là chứng bệnh do khách quan gây ra, Cúc có thể ngồi nhiều còn Hồng thì không, mà cũng đã như vậy rồi, phương chi bịnh cúm là bịnh nội thương, tuy cũng do điều kiện khách quan ấy, cả hai đều phải chịu y như nhau, không ai kém ai ngọn gió nào, hoặc độ lạnh nào cả thì cơ thể họ phải phản ứng y như nhau.

Ban đầu hai chị em chỉ đua nhau mà nhảy mũi suốt một ngày. Tối lại, họ nóng hâm hâm và kêu nhức đầu ; cả hai đều đi ngủ sớm.

Thảo không băn khoăn bao nhiêu vì sổ mũi nhức đầu chứng bịnh xoàng, không cần uống thuốc rồi vài ngày cũng khỏi.

Nhưng sáng hôm sau cả hai chị em không ai dậy được cả. Thảo sờ trán vợ thì nghe nóng như vừa được hơ gần lò lửa ra. Hoảng hốt chàng chạy qua buồng Hồng sờ thử trán nàng thì cũng nghe nóng y hệt trán Cúc.

Em!

Thảo vừa gọi khe khẽ vừa lay vợ.

Cúc “dạ” thật nhỏ và thật yếu.

Em nghe trong người làm sao?

Em nóng lắm. Và em muốn mê sảng rồi đây.

Thảo hoảng. Chàng vội thay y phục thật lẹ, chạy ra phòng điện thoại công cộng để gọi ngân hàng xin phép cho Hồng rồi gọi phòng kiến - trúc để xin phép cho chàng rồi đi mời đốc tơ.

Ở xứ ta, chỉ có nhà giàu có bảc sĩ gia đình mới mời họ đến dễ dàng, còn người thường thì khó mong, vì các ông bác sĩ tư của ta không hề chịu đi khám bịnh ở các tư gia.

Thảo phải tốn trên một tiếng đồng hồ, chạy hết phòng mạch nầy đến phòng mạch khác, và rốt cuộc mời được một vị bác sĩ già ế khách trong Chợ lớn nhận lời giúp chàng.

Khi họ về tới nhà thì hai chị em đã mê sảng rồi. Bác-sĩ khám cả hai phụ nữ nầy rồi nói:

Nếu tôi không lầm thì các cô chỉ bị cúm nặng thôi, chớ không có gì đáng ngại. Nhà có nhiệt kế hay không?

Dạ có.

Tốt lắm, giờ tôi tiêm thuốc cho các cô và biểu lấy toa để ông mua thuốc uống cho các cô. Thỉnh thoảng lấy nhiệt độ, hễ thấy nóng trên bốn mươi độ thì phải cho họ uống thuốc an thần tức khắc để ngừa chứng động kinh.

Vâng.

Có thể các cô sẽ mê sảng như thế nầy vài ngày, nhưng nếu không có triệu chứng gì khác hơn thì nên an lòng, uống các thứ thuốc tôi chỉ trong toa mà đừng gọi tôi nữa mất công, vì vài hôm các cô sẽ khỏi.

Vâng.

Ông nên coi chừng! Họ đã nóng bốn mươi độ rồi đó. Nên đi mua các thứ thuốc ngay đi và đừng quên thuốc an thần.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích