Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin)
Chương 8: Người đàn bà không tim 4

Nàng cũng như hết thảy mọi người đàn bà mà chúng ta không thế chiếm hữu được, - Rastignac ngắt lời tôi nói, - Tôi hóa điên: - tôi kêu lên - Tôi cảm thấy cơn điên từng lúc gầm lên trong óc tôi. Ý nghĩ của tôi như những bóng ma, chúng nhảy nhót trước mặt tôi mà không làm sao tôi tóm lấy được. Tôi ưng cái chết hơn là cuộc sống này. Vì vậy tôi chăm chú tìm cách tốt nhất để kết thúc cuộc vật lộn này. Vấn đề chẳng phải là Foedora sống thật, Foedora ở khu Saint-Honoré, mà là Foedora của tôi cái người ở đây này, - tôi vỗ vào trán nói. - Cậu nghĩ thế nào về thuốc phiện? - Chà! Đau đớn tàn khốc, Rastignac đáp. - Dùng hơi ngạt? - Đồ khỉ! - Sông Seine? - Những lưới và nhà xác bẩn lắm. - Một phát súng ngắn? - Nhưng nếu cậu không chết thì mặt mũi cậu sẽ hóa dị dạng. - Hãy nghe đây, - hắn tiếp, - tôi cũng như mọi chàng trai đã suy nghĩ nhiều về những vụ tự sát. Trong chúng ta, thời ba mươi tuổi, ai mà chẳng tự tử hai ba lần? Tôi chẳng thấy cách gì hơn là hành lạc để làm mòn mỏi cuộc đời. Hãy nhảy xổ vào cuộc trác táng miệt mài, mối tình của cậu hay bản thân cậu sẽ tiêu ma. Sự quá độ, bạn thân mến ạ. Là bà chúa của mọi cách chết. Chứng phong là một phát súng ngắn chẳng hề chệch ta được. Hành lạc đêm đó là thứ tiền lẻ của thuốc phiện? Khi bắt ta uống thái quá, trụy lạc thách thức ly rượu chí tử. Thùng rượu bồ đào của công tước de Clarence[1] chẳng ngọt vị hơn bùn sông Seine à? Khi chúng ta gục xuống chân bàn một cách cao nhã, phải chăng đó là một cuộc ngạt hơi nhỏ tuần kỳ! Nếu lính tuần tra nhặt chúng ta, khi nằm trên chiếu giường lạnh lẽo của đội cảnh vệ, chúng ta chẳng là hưởng cái thú của nhà xác, trừ cái bụng chướng phù lên, tái ngắt, xanh lè, cộng thêm cái ý thức về cơn say đó sao? Chà! - Hắn nói tiếp, - việc tự sát dần mòn đó chẳng phải là cái chết của gã hàng xén vỡ nợ. Bọn lái buôn đã làm nhục con sông, chúng nhảy xuống nước để làm mủi lòng chủ nợ. Vào địa vị cậu, tôi sẽ cố chết một cách lịch sự. Nếu cậu muốn sáng tạo một lối chết mới bằng cách ăn vạ với cuộc sống như vậy, tôi sẽ là kẻ phù tá của cậu. Tôi buồn lắm, nản lắm. Mụ góa của tôi biến lạc thú của tôi thành nhà tù thật sự. Vả chăng, tôi đã phát hiện ra chân trái mụ có sáu ngón, tôi không thể sống với một người dàn bà có sáu ngón chân! Cái đó rồi người ta biết tôi hóa nực cười. Mụ chỉ có mười tám nghìn quan thực lợi, tài sản của mụ thì bớt di mà ngón chân của mụ thì lại tăng lên Mặc xác! Kẻo một cuộc đời rồ dại, có lẽ chúng ta sẽ ngẫu nhiên tìm thấy hạnh phúc. Rastignac mê hoặc tôi. Cái dự kiến đó làm lấp lánh những điều quyến rũ quá mạnh, nó nhen lên quá nhiều hy vọng, nghĩa là nó có một màu sắc quá thi vị khiến một nhà thơ không thể không vừa lòng. - Thế tiền ở đâu? - Tôi hỏi hắn. - Cậu chẳng phải có bốn trăm năm mươi quan đấy à? Phải, nhưng tôi còn nợ thợ may, bà chủ nhà.

- Cậu trả tiền thợ may à? Cậu không bao giờ làm nên cái gì., ngay cả làm thượng thư, - Nhưng hai mươi louis thì làm được cái trò gì? - Đi đánh bạc. - Tôi rợn mình, - A ha. - Hắn lại nói khi thấy tính câu nệ của tôi, - cậu muốn lao mình vào cái mà tớ gọi là Phương pháp phóng đãng, thế mà cậu lại sợ một tấm thảm xanh. - Hãy nghe đã. - tôi đáp tôi đã hứa với cha tôi không bao giờ đặt chân vào một sòng bạc. Không những là lời hứa đó thiêng liêng, mà còn là cái tôi cảm thấy ghê sợ không chịu được khi đi qua một sòng bạc: cậu cầm lấy trăm écu của tôi, và đi tới đó một mình. Trong khi cậu đem tài sản của chúng ta đi liều một quắn, thì tôi đi thu xếp công việc của tôi gọn ghẽ, và sẽ đến đợi ở nhà cậu.

Đó bạn ạ, tôi đã sa đọa là như thế đó. Chì cần cho một chàng trai gặp phải một người đàn bà không yêu hắn, hoặc một người đàn bà quá yêu hắn, là đủ cho cả cuộc đời hắn bị hư hỏng. Hạnh phúc ngốn ngấu sức đức hạnh của chúng ta. Trở về khách sạn Saint Quentin của tôi, tôi ngắm rất lâu gian gác xép ở đó tôi đã sống cuộc đời thanh bạch của một nhà bác học, một cuộc đời có lẽ vẻ vang, lâu dài, mà đáng ra tôi không nên rời bỏ để chuốc lấy cuộc đời đắm đuối nó kẻo tôi xuống một vực thẳm. Pauline bắt chợt tôi đang ngồi ủ rũ.

- Thế nào, ông làm sao thế - Nàng hỏi.

Tôi lạnh lùng đứng lên và đếm tiền trả món nợ bà mẹ nàng và thêm vào đó sáu tháng tiền nhà. Nàng kinh hoàng ngắm nghía tôi.

- Tôi từ biệt cô, cô Pauline thân yêu ạ. - Tôi đã đoán thế mà, - nàng thốt lên, - Hãy nghe tôi, cô em ạ, tôi không phải không trở lại đây nữa. Cô cứ giữ phòng này cho tôi trong nửa năm. Nếu khoảng mười lăm tháng Mười một mà tôi không quay lại, thì cô sẽ thừa kế tôi. - Tập bản thảo niêm phong này, - tôi vừa nói vừa chỉ một bó giấy, - là bản thảo tác phẩm lớn của tôi về Ý chí, cô đem gửi ở Thư viện Hoàng gia. Còn tất cả mọi thứ tôi để lại đây, thì tùy ý cô muốn dùng làm gì thì làm.

Nàng nhìn tôi bằng con mắt khiến tôi đứt ruột. Pauline đứng đó như thể một lương tâm sống. - Em sẽ không được học nữa ư? - Nàng chỉ chiếc dương cầm hỏi. Tôi không trả lời. Ông sẽ viết thư cho em chứ? - Vĩnh biệt, Pauline ạ... Tôi nhẹ nhàng kẻo nàng lại gần tôi, và trên vầng trán mến yêu của nàng, trinh bạch như làn tuyết chưa rơi xuống đất, tôi đặt một cái hôn anh em, một cái hôn của ông già. Nàng bỏ chạy. Tôi không muốn gặp bà Gaudin. Tôi để chìa khóa vào chỗ vẫn để và ra đi. Khi rời bỏ khỏi phố Cluny, tôi nghe có tiếng chân nhẹ của đàn bà ở phía sau.

- Em đã thêu tặng ông cái túi tiền này, hay ông cũng từ chối nốt? - Pauline hỏi tôi.

Dường như tôi thoáng thấy dưới ánh ngọn đèn lồng một giọt lệ trên mắt Pauline, và tôi thở dài. Có lẽ cả hai người cùng do một ý nghĩ thúc đẩy chúng ta từ giã nhau hấp tấp như kẻ chạy trốn bệnh dịch. Cuộc đời phóng đãng mà tôi lăn vào hiện ra trước mắt tôi biểu thị một cách lạ lùng bằng gian buồng ở đó tôi chờ Rastignac về, lòng vô tư lự đến là khẳng khái. Giữa lò sưởi đặt một chiếc đồng hồ quả lắc trên có tượng thần Vénus ngồi chồm hổm trên con rùa của nàng, và trong tay ôm một điếu xì-gà hút dở. Những đồ đạc lịch sự, quà tặng của tình yêu, để bừa bãi. Những chiếc bít tất cũ quẳng trên chiếc đi-văng thật khoái trá. Chiếc ghế bành lò xo êm mà tôi ngồi lọt thỏm vào, mang những vết sẹo như một cựu binh, nó bày ra trước mắt những cái tay sứt mẻ, và trên chỗ tựa cáu lên những vết sáp và dầu cổ của bao nhiêu đầu bạn bè bôi vào đó. Sung túc và nghèo túng kết hợp đến ngây thơ ở chiếc giường, trên những bức tường, khắp nơi. Có thể nói nó như những lâu đài thành Naples kề sát với những túp lều của đám cùng đinh. Đó là buồng của một tay cờ bạc hay của một gã bất hảo mà xa xỉ có tính chất thuần cá nhân, sống bằng những cảm xúc, và chẳng đếm xỉa đến những cái lạc điệu. Bức tranh đó tuy nhiên không thiếu thi vị. Cuộc sống với những mảnh vàng và những tã rách của nó, sừng sững ở đó, đột ngột, không trọn vẹn như trong thực tế của nó, nhưng linh hoạt, nhưng ngông cuồng như trong một trạm nghỉ chân mà gã ăn trộm đã cuỗm hết những cái gì hắn thích thú.

Một cuốn Byron thiếu mất ít trang dùng để nhóm bó cúi của chàng trai có thể ném lên chiếu bạc một trăm quan mà không có lấy một thanh củi, cưỡi xe độc mã mà không có lấy một chiếc sơ-mi lành lặn tinh tươm. Ngày hôm sau một nữ bá tước, một đào hát hay một ván bài các-tê[2] sẽ đem lại cho chàng một bộ cánh đế vương. Chỗ này là ngọn nến cắm vào cái ống xanh của một chiếc bật lửa; chỗ kia nằm một bức chân dung đàn bà mất cả khung bằng vàng chạm... Làm thế nào mà một chàng trai vốn háo hức, xúc động, lại từ bỏ được những thú vị của một cuộc sống nhiều trái ngược như vậy, và nó đem lại những thú vị của chiến tranh giữa cảnh hòa bình?

Tôi đang gần như thiu thiu ngủ thì Rastignac đá cánh cửa buồng bước vào, và kêu lên: - Đại thắng! Chúng mình có thể chết theo sở thích rồi. - Hắn giơ ra chiếc mũ của hắn đầy tiền vâng, đặt lên bàn, rồi chúng tôi nhảy quanh như hai gã người rừng có mồi để ăn, la thét, giậm chân nhảy nhót, đấm nhau ra trò[3], và hát lên trước quang cảnh bao nhiêu lạc thú trần gian đến với chúng tôi đựng trong chiếc mũ. - Hai mươi bảy nghìn quan, - Rastignac nhắc lại và đặt thêm ít giấy bạc vào đống tiền vàng - Đối với những kẻ khác thì số tiền đó đủ cho họ sống, nhưng nó có đủ cho chúng ta chết hay không? Chà! Đủ, chúng mình sẽ tắt hơi trong một cuộc tắm vàng. Hoan hô! Rồi chúng tôi lại nhảy cỡn lên. Như những kẻ chia gia tài, chúng tôi chia nhau từng đồng bắt đầu bằng những đồng Napoléon đôi, đi từ đồng lớn đến đồng nhỏ, reo vui luôn miệng: Này cậu, này tớ - Chúng mình không ngủ đêm nay, Rastignac la lên. - Joseph, pha rượu! - Hắn ném một đồng tiền cho gã hầu trung thành của hắn - Đây phần cu cậu, - hắn nói, - cu cậu muốn chết thì cứ việc.

Ngày hôm sau tôi sắm đồ đạc ở hiệu Lesage, tôi thuê căn nhà ở phố Taitbout, nơi mà cậu đã làm quen với tôi, và gọi tay dệt thảm cừ nhất đến trang hoàng. Tôi tậu ngựa. Tôi lao mình vào một cơn lốc những lạc thú trống rỗng mà cũng thật sự. Tôi đánh bạc, khi được khi thua những số tiền lớn, nhưng ở nơi vũ hội, ở nhà bạn bè, chứ không bao giờ ở sòng bạc mà tôi vẫn giữ mối ghê tởm thiêng liêng khởi thủy. Dần dà tôi có được một số bạn thân. Họ gắn bó với tôi qua những cuộc cãi lộn, hay qua những chuyện tâm sự dễ dãi trong khi cùng nhau trụy lạc; mà có lẽ chúng ta cũng dễ ngoặc với nhau bằng thói hư đó chăng? Tôi ném ra cầu may vài tác phẩm văn học và được khen ngợi. Những tay cự phách trong làng buôn văn không coi tôi là địch thủ đáng sợ, cho nên tâng bốc tôi, chắc hẳn ít vì tài năng cá nhân tôi hơn là vì họ muốn dìm tài năng các bạn họ. Tôi trở thành một tay ăn chơi, nói theo cái danh từ thú vị thịnh hành trong ngôn ngữ làng chơi của cậu. Tôi lấy làm tự phụ tự giết mình nhanh chóng, đè bẹp những bạn vui nhộn nhất bằng cao hứng và uy thế của tôi. Tôi lúc nào cũng tươi tắn, lịch sự. Tôi được tiếng là hóm hỉnh. Không có gì để lộ ra ở tôi cái cuộc sống kinh khủng nó biến một con người thành một chiếc phễu một bộ máy tiêu thức ăn, một con ngựa sang. Chẳng mấy lúc hành lạc hiện ra trước mắt tôi và tất cả cái kinh khủng bề thế của nó, và tôi hiểu rõ nó. Cố nhiên những kẻ khôn ngoan và căn cơ, dán nhãn hiệu lên từng chai rượu để lại cho con cháu, chẳng thể quan niệm được lý thuyết cũng như trạng thái bình thường của cuộc sống khoáng đạt đó. Anh có thể nhồi được cái chất thơ của nó vào đầu óc những quan viên tỉnh nhỏ mà thuốc phiện và chè, đem lại bao nhiêu lạc thú, đối với họ chỉ là hai vị thuốc, hay không?

Ngay ở Paris, ở cái thủ đô của tư tưởng này, ta đã chẳng gặp những dân Sybarite[4] không trọn vẹn đó ư? Không đủ sức chịu đựng cái vui thái quá, họ đã chẳng ra về mệt mỏi sau một cuộc truy hoan, kiểu như những tay trưởng giả phúc hậu ấy nghe xong một ca kịch mới nào của Rossini là kết án cả âm nhạc đó sao? Họ đã chẳng khước từ cuộc sống đó như một người điều độ không muốn ăn pâtés Ruffec[5] nữa, chỉ vì miếng đầu tiên đã làm cho họ khó tiêu, đó sao? Hành lạc hiển nhiên là một nghệ thuật cũng như văn thơ, và đòi hỏi những tâm hồn cứng rắn. Muốn nắm được những bí mật của nó, muốn thưởng thức những thú vị của nó, một người dường như phải quan tâm nghiên cứu nó một cách nghiêm túc. Cũng như mọi khoa học, nó mới trông thì gớm ghiếc, gai góc. Những trở ngại lớn bao vây những thú vui lớn của con người, không phải những hưởng thụ vụn vặt mà là những phương pháp dựng lên thành thói quen những cảm xúc hiếm hoi nhất của họ, thâm tóm chúng, làm cho chúng phong phú thêm bằng cách tạo cho họ một cuộc sống có kịch tính trong đời họ, bằng cách đòi hỏi một sự phung phí thái quá và mau lẹ sức lực của họ. Chiến tranh, Quyền hành, Nghệ thuật là những cái bại hoại cũng đặt xa tầm con người, cũng sâu xa như hành lạc, và tất cả đều khó đạt tới.

Nhưng một khi con người đã tấn công những bí mật lớn lao đó, phải chăng họ bước vào một thế giới mới? Những tướng tá, những thượng thư, những nghệ sĩ hết thảy ít nhiều đều đi tới sự bại hoại do nhu cầu mãnh liệt đối chọi những tiêu khiển tàn bạo với cuộc sống của họ, nhu cầu cực kỳ mãnh liệt vượt ra ngoài cuộc sống bình thường. Rút cục, chiến tranh là sự hành lạc bằng máu, cũng như chính trị là cuộc hành lạc bằng quyền lợi: mọi điều thái quá đều là anh em với nhau cả. Những quái gở xã hội đó có sức mạnh của những vực thẳm, chúng thu hút chúng ta như Sainte-Hélène kêu gọi Napoléon[6]; chúng làm chóng mặt, chúng mê hoặc, và chúng ta muốn biết rõ tận đáy của chúng mà không hiểu tại sao. Cái tư tưởng vô cực có lẽ nằm trong những vực thẳm đó, có lẽ chúng chứa đựng niềm mơn trớn lớn lao nào đó đối với con người chẳng phải là bấy giờ họ lôi kéo tất cả nhằm vào họ đó sao? Để đối chọi với hoan lạc của những thời giờ nghiên cứu, với lạc thú của sự thai nghén, nghệ sĩ mệt mỏi đòi hỏi, hoặc như Trời sự yên nghỉ của ngày chủ nhật, hoặc như quỷ sứ những khoái trá của địa ngục, để đối lập lao động của giác quan với lao động của năng lực tinh thần. Sự giải trí của huân tước Byron không thể là ván bài boston[7] ba hoa nó làm say mê một gã sống bằng thực lợi: là thi sĩ, ông đem cả Hy Lạp đánh nước bài với Mahmoud[8].

Trong chiến tranh, con người phải chăng trở thành một thiên thần hủy diệt, một thứ đao phủ, nhưng to lớn phi thường. Phải chăng là cần có những sự mê hoặc kỳ lạ để cho chúng ta tiếp nhận, những đau đớn tàn khốc đó, thù địch với cái thân hình mong manh của chúng ta, nó như bao bọc những dục vọng bằng một vành đai gai góc. Nếu sau một điếu thuốc quá say, hắn lăn ra giãy giụa và như giãy chết, thì phải chăng kẻ nghiện đã được tham dự những hội kỳ thú ở những miền nào không biết? Không đủ thì giờ chùi chân nhúng máu ngập đến mắt cá, châu Âu phải chăng đã liên tục tái diễn chiến tranh? Vậy thì con người tập hợp thành quần chúng có hay không cái say sưa của nó, cũng như thiên nhiên có những cơn sốt yêu đương! Đối với con người riêng tư, đối với Mirabeau sống lay lắt dưới một triều đại yên ổn và nằm mơ bão táp, hành lạc là bao gồm hết thảy; nó là sự siết chặt vĩnh viễn lấy cả cuộc sống, hay hơn thế, một cuộc quyết đấu với một thế lực xa lạ, với một con quái vật: thoạt tiên quái vật làm cho hoảng sợ, phải tấn công vào sừng nó, phải mệt nhọc hết sức; tạo hóa đã cho anh một cái dạ dày hẹp hay lười nhác thế nào đó? Anh khắc phục nó, anh căng rộng nó ra, anh học nốc rượu, anh làm quen với cơn say, hàng đêm anh không ngủ được, nghĩa là anh tự luyện cho anh một thế chất của viên chỉ huy giáp binh, bằng cách tự tạo ra bản thân một lần thứ hai, như để tấn công cả.

Trời! Khi con người hóa thân đi như vậy, khi gã lính mới đã rèn luyện tâm hồn trong pháo binh, rèn luyện đôi cẳng cho quen bôn tập để trở thành lính già, nhưng chưa sa vào tay con quái vật, chưa biết giữa hai bên kẻ nào làm chủ, thì họ vật lộn với nhau, khi được khi thua, trong một bầu không khí mà hết thảy đều kỳ lạ, mà mọi đau đớn, của tâm hồn đều được ru ngủ, mà chỉ duy những bóng ma tư tưởng là hồi sinh. Cuộc đấu tranh tàn khốc đã trở thành cần thiết. Thể hiện những nhân vật hoang đường đó, theo truyền thuyết, chúng đã bán linh hồn cho quỷ sứ để đổi lấy cái sức mạnh làm càn, kẻ phóng đãng đã đánh đổi cái chết của hắn lấy mọi hưởng lạc trên đời, nhưng thật nhiều, mà phong phú! Không chậm rãi chảy giữa đôi bờ tẻ ngắt, ở trong xó một thương điếm hay một văn phòng, cuộc sống sôi sục và chảy như thác lũ. Tựu trung, chắc chán rằng hành lạc cần cho thể xác cũng như những hoan lạc thần bí cần cho linh hồn. Say sưa đưa anh vào những giấc mê mà ảo ảnh cũng lạ lùng như ảo ảnh của sự phấn khích. Anh trải qua những giờ phút kỳ thú như những ỡm ờ của một cô gái, những chuyện trò thú vị với bạn thân, những tiếng mô tả cả một cuộc đời, những niềm vui thật thà và không ẩn ý, những cuộc du hành không mệt mỏi, những thi phẩm trình bày trong vài câu. Sự thỏa mãn tàn bạo của con vật, mà trong đáy sâu nó khoa học đã đi tìm một linh hồn, đưa tới những cơn mê mẩn diệu kỳ mà những kẻ chán ngán vì trí tuệ của mình hằng khát khao. Phải chăng hết thảy họ đều cảm thấy sự cần thiết sản xuất hưu dưỡng hoàn toàn; và hành lạc phải chăng là một thứ thuế mà thiên tài trả cho điều ác? Cậu hãy nhìn hết thảy những bậc vĩ nhân: nếu họ không ưa khoái lạc thì tạo hóa sinh ra họ yếu đuối. Một thế lực, nhạo báng hay ghen tuông, sẽ làm hư tâm hồn hay thể xác họ để trung hòa những cố gắng của tài năng họ. Trong những lúc say rượu đó, người và vật trình diện trước mặt anh, mình bận bộ áo dấu của anh. Là Chúa tể của tạo vật, anh biến đổi nó theo sở ước của anh. Qua cơn hôn mê vĩnh cửu đó, thú vui tùy theo ý muốn của anh, rót thuốc độc của nó vào mạch máu anh[9].

Một ngày kia, anh rơi vào tay con quái vật, bấy giờ, cũng như tôi đã từng thấy, anh sẽ điên dại khi tỉnh giấc: sự bất lực đã ngồi bên đầu giường anh. Là cựu chiến binh, bệnh lao phổi tiêu hủy anh, là nhà ngoại giao, bệnh phình mạch treo cái chết trên sợi chỉ giữa quả tim anh; như tôi. có lẽ bệnh phổi sắp bảo tôi: "Ta đi thôi!" cũng như xưa kia nó đã bảo Raphaël d"Urbin, chết vì quá nặng tình. Đó, tôi đã sống như thế đó! Trong cuộc sống xã hội, tôi đã đến hoặc sớm quá hoặc muộn quá; chắc chắn là sức lực của tôi ở đó sẽ nguy hiểm nếu tôi đã không kìm hãm nó lại như thế, thiên hạ chẳng được thoát khỏi tay Alexandre nhờ ly rượu Hercules[10] sau một cuộc trác táng đó sao! Tựu trung, đối với một số kẻ bất đắc chí phải có thiên đường hay địa ngục, hành lạc hay viện cứu tế núi Saint Bernard[11]. Lúc nãy tôi đã không có can đảm giáo hóa hai nhân vật kia, - anh vừa nói vừa chỉ Euphrasie và Aquilina. Họ chẳng phải là hiện thân của tiểu sử tôi, một hình ảnh của cuộc đời tôi đó sao? Tôi không thể buộc tội họ được, đối với tôi họ là những quan tòa. Tuy nhiên giữa bài thơ sống đó, đang khi mắc bệnh điên cuồng đó, tôi trải qua hai cơn với bao nhiêu đau đớn chua chát. Lần đầu sau khi như Sardanapale[12] lao mình vào giàn lửa thiêu được vài ngày, tôi gặp Foedora dưới hàng cột trước rạp Bouffons. Chúng tôi đang đứng chờ xe. - A ha! Tôi lại gặp ông vẫn còn sống như thường! - Lời nói đó toát ra từ nụ cười của nàng, từ những lời ranh mãnh và ngấm ngầm mà nàng nói với gã nịnh thần của nàng, chắc là để kể chuyện về tôi với hắn, và coi mối tình của tôi như một mối tình tầm thường. Nàng tự khen cái sáng suốt giả của nàng.

Chao ôi! Tôi vì nàng mà chết, tối vẫn còn yêu nàng, mường tượng thấy nàng qua những cuộc phóng đãng, qua những cơn say trong giường gái giang hồ, thế mà cảm thấy bị nàng giễu cợt! Không sao xé ngực ra được để moi lấy mối tình của tôi mà ném xuống chân nàng. Cuối cùng, túi tiền của tôi đã cạn dễ dàng: nhưng ba năm sống lành mạnh trước kia đã khiến cho tôi khỏe mạnh hơn ai hết, và cái ngày mà tôi hết tiền thì tôi lại sung sức lạ thường. Để tiếp tục hủy hoại mình, tôi ký những hối phiếu ngắn hạn, và rồi đến ngày trả tiền. Xúc động tai ác! Và nó làm những trái tim trai trẻ sôi nổi vô cùng! Người tôi chưa phải là đã già được; tâm hồn tôi vẫn còn trẻ trung, cường tráng và xinh tươi. Món nợ đầu tiên làm hồi sinh mọi đức tính của tôi, chúng đến chậm chạp và tôi tưởng như tàn tạ. Tôi biết thương lượng với chúng như với những bà cô già thoạt đầu thì mắng mỏ chúng ta nhưng rút cục rồi khóc lóc và cho chúng ta tiền. Nghiêm khắc hơn, trí tưởng tượng của tôi chỉ cho thấy tên tôi truyền đi từ thành phố nọ đến thành phố kia, khắp các nơi công cộng ở châu Âu. Eusèbe Salverte[13] đã nói: Tên chúng ta, chính là bản thân chúng ta. Sau những cuộc đi lang thang, như hồn ma của một người Đức[14], tôi trở về nhà mà tôi chưa hề bước chân ra khỏi cửa, để bản thân bừng tỉnh dậy. Những nhân viên ngân hàng đó, những mối hận thương mại đó, bận quần áo xám, mặc chế phục của chủ, đeo một chiếc thẻ bạc xưa kia tôi dửng dưng nhìn họ đi trên các đường phố Paris nhưng ngày nay, tôi thành kiến căm ghét họ. Một buổi sáng, một người trong bọn họ đã chẳng đến đòi tôi thanh toán mười một chiếc hối phiếu mà tôi đã thảo nguệch ngoạc đó sao? Chữ ký của tôi đáng giá ba nghìn quan, bản thân tôi chẳng đáng giá đến ngần ấy! Bọn mõ tòa, mặt lạnh như tiền trước mọi thất vọng, ngay cả trước cái chết, đứng lên trên mặt tôi, như những tên đao phủ bảo kẻ bị án: - Đúng ba giờ rưỡi rồi. Thư ký của chúng có quyền xâm phạm đến tôi, nguệch ngoạc ghi tên tôi, làm nhơ bẩn nó, nhạo báng nó.

Tôi mắc nợ! Nợ, phải chăng như vậy là bản thân mình thuộc về mình? Những kẻ khác phải chăng có quyền đòi hỏi tôi phải nói rõ cách sinh hoạt của tôi? Tại sao tôi đã ăn món dồi độn nho, tại sao tôi đã uống nước đá? Tại sao tôi ngủ, đi lại, suy nghĩ, vui chơi mà không trả nợ? Giữa một bài thơ, giữa một ý nghĩ, hay giữa bữa ăn, ngồi với bạn bè, vui vẻ, đùa cợt, tôi có thể thấy bước vào nhà một thằng cha mặc áo màu hạt dẻ, tay cầm một chiếc mũ tàng. Thằng cha đó là món nợ của tôi, là tấm hối phiếu của tôi, một bóng ma làm tôi mất vui, bắt tôi phải rời khỏi bàn ra nói với hắn; hắn sẽ tước của tôi niềm vui, tình nương, hết thảy cho đến cả chiếc giường nằm. Hối hận còn dễ chịu hơn, nó không dìm ta vào cái nơi ô uế bỉ ổi của thói hư, nó chỉ ném ta lên đoạn đầu đài ở đó gã đao phủ làm cho ta vinh dự; lúc ta bị hành hình mọi người tin rằng ta vô tội; còn như xã hội thì không để lại một đức hạnh nào cho kẻ hành lạc cạn tiền. Rồi những món nợ có hai cẳng đó, mình bận áo dạ xanh lá cây, mang kính xanh lơ hay chiếc ô sặc sỡ; những món nợ bằng xương thịt đó, mà chúng ta chạm trán ở một đầu phố, giữa lúc chúng ta đang mỉm cười, bọn chúng sẽ có cái đặc quyền kinh khủng nói: "- Ông de Valentin nợ tôi mà không trả. Tôi tóm được ông ấy. A ha! Mong rằng ông ấy đừng làm mặt giận với tôi!". Cần phải chào chủ nợ của ta! chào chúng một cách nhã nhặn " - Bao giờ ông trả nợ cho tôi?", - chúng hỏi.

Ấy thế là chúng ta bắt buộc phải nói dối, phải đi van xin một người khác để có tiền, phải cong lưng trước một thằng ngốc ngồi trên két bạc, phải đón nhận cái vẻ nhìn lạnh lùng của hắn, cái nhìn của loài đ ỉ a bỉ ổi hơn một cái tát, phải tiếp thu bài học luân lý kiểu Barême[15] và cái dốt đặc của hắn. Một món nợ là một tác phẩm của trí tưởng tượng mà chúng không hiểu được. Những mối xúc động của tâm hồn thường lôi cuốn, khuất phục một người đi vay, còn thì chẳng có gì vĩ đại khuất phục, chẳng có gì cao cả hướng dẫn những kẻ sống trong tiền bạc và chỉ biết có tiền bạc. Tôi ghê tởm tiền bạc. Sau hết, tấm hối phiếu có thể biến thành ông già nặng gánh gia đình, có nhiều đức hạnh. Có lẽ tôi mắc nợ một bức tranh sinh động của Greuze[16], một người què đông con, bà vợ góa của một người lính, tất cả họ chìa tay ra van xin tôi. Những người chủ nợ ghê gớm mà ta phải khóc lóc với họ, và, khi nào đã trả nợ, chúng ta lại còn phải cứu trợ họ. Đêm trước ngày trả nợ, tôi nằm ngủ trong cái tình trạng bình tĩnh giả hiệu của những kẻ nằm ngủ trước lúc bị hành hình, trước một cuộc quyết đấu, họ bao giờ cũng phải tự ru mình bằng một mối hy vọng dối trá.

Nhưng lúc tỉnh dậy, khi tôi đã thản nhiên, khi tôi cảm thấy tâm hồn bị nhốt trong chiếc cặp chứng khoán của một chủ băng, nằm trên các văn từ, viết bằng mực đỏ, thì các món nợ của tôi nhảy ra khắp nơi châu chấu; chúng ở trong chiếc đồng hồ quả lắc của tôi, trên những ghế bành của tôi, hay khắc vào những đồ đạc của tôi mà tôi dùng hết sức thích thú. Trở thành miếng mồi của bọn hung đồ ở Châtelet[17] như vậy là những vật nô lệ hiền lành kia sắp bị bọn sai nha cướp đi và tàn bạo quẳng ra chỗ công cộng. Chà! Di vật của tôi cũng là bản thân tôi. Tiếng chuông cửa nhà tôi vang lên trong lòng tôi, nó đánh tôi đúng vào cái chỗ mà người ta phải đánh những ông vua, vào đầu; Đó là một việc tuẫn tiết mà không có thiên đường để tưởng lệ. Thật vậy đối với một kẻ hào hiệp thì một món nợ là địa ngục, nhưng địa ngục có những tên mõ tòa và biện sự. Một món nợ không trả là sự đê hèn, một bước đầu của sự ăn cắp, và tệ hơn nữa, một sự lường đảo! Nó phác họa những tội ác, nó thu thập những tấm ván cho đoạn đầu đài. Những hối phiếu của tôi bị cự tuyệt. Nhưng ba hôm sau tôi thanh toán cả; câu chuyện như thế này. Một tay đầu cơ đến đề nghị với tôi bán cho hắn một hòn đảo của tôi trên sông Loire ở đó có phần mộ mẹ tôi. Tôi đồng ý. Khi ký hợp đồng ở nhà viên quản khế của người tậu, tôi cảm thấy trong xó văn phòng tối tăm một hơi lạnh như ở nơi hầm nhà.

Tôi rợn mình khi nhận ra cũng cái hơi lạnh ẩm tôi đã cảm thấy ở bờ huyệt nơi chôn cha tôi. Tôi đón cái việc ngẫu nhiên đó như một điềm gở. Dường như tôi nghe tiếng mẹ tôi nói và trông thấy bóng mẹ tôi; tôi không hiểu thế lực nào đã làm vang lên mơ hồ tên họ tôi trong tai, giữa những tiếng chuông. Tiền bán hòn đảo, trả nợ xong, còn được hai nghìn quan. Cố nhiên tôi có thể trở lại cuộc sống yên ổn của nhà bác học, quay về gian gác xép sau khi đã từng trải cuộc sống, trở về với đầu óc đầy những nhận xét phong phú và sau khi đã có một chút gọi là tiếng tăm. Nhưng Foedora không rời bỏ miếng mồi của nàng. Thường khi chúng tôi chạm trán nhau. Tôi làm cho tên tôi vang bên tai nàng nhờ những gã tình nhân của nàng ngạc nhiên vì trí tuệ của tôi, những con ngựa của tôi, những thành công của tôi, những cỗ xe của tôi. Nàng vẫn lạnh lùng và phớt đều ngay cả với lời nói kinh khủng của Rastignac: - Cậu ấy tự giết mình vì bà! Tôi nhờ cả thiên hạ trả thù cho tôi, nhưng tôi vẫn không sung sướng! Đào sâu cuộc sống đến tận bùn đen như vậy, tôi vẫn cảm thấy lạc thú của một mối tình được chia sẻ, tôi theo đuổi cái bóng ma đó qua những tình cờ của cuộc sống phóng đãng, giữa những cuộc truy hoan.

Điều bất hạnh cho tôi là những niềm tin tốt đẹp của tôi đều bị sai lạc, tôi làm điều thiện thì bị trừng phạt bằng sự bội bạc, mà làm điều tội lỗi thì được đền bù bằng muôn nghìn lạc thú. Triết lý thảm hại, nhưng đúng với sự hành lạc! Chung quy Foedora đã truyền cho tôi cái bệnh hủi của lòng tự cao tự đại. Khi dò sâu tâm hồn tôi, tôi thấy nó hư mục, thối nát. Quỷ sứ đã ghi vết móng của nó lên trán tôi Từ nay tôi không thể từ bỏ những rung động thường xuyên của một cuộc sống lúc nào cũng liều lĩnh và những lọc lõi khả ố của giàu sang. Dù có bạc triệu, có lẽ tôi vẫn cờ bạc, ăn uống, chạy nhông. Tôi không muốn sống cô đơn với mình nữa. Tôi cần có gái **************, bạn hờ, cần uống rượu, ăn ngon để khuây khỏa. Những sợi dây buộc một con người với họ hàng đã vĩnh viễn bị chặt đứt ở tôi. Nô lệ của lạc thú, tôi phải hoàn thành cái số kiếp tự sát của tôi. Vào những ngày giàu có cuối cùng của tôi, mỗi tối tôi lại có những hành động quá trớn không tưởng tượng được; nhưng sáng ra, cái chết lại quẳng tôi lại với cuộc sống. Giống như một gã sống bằng thực lợi chung thân, có lẽ tôi có thể thản nhiên đi vào một đám cháy. Cuối cùng tôi chỉ còn trơ trọi với một đồng hai mươi quan, tôi liền nhớ tới cái chuyến phát tài của Rastignac...

- Ầy! Ầy! - Anh kêu lên khi đột nhiên nhở tới tấm bùa và rút nó ở túi ra.

Hoặc bị mệt mỏi vì cả một ngày dài vật lộn, anh không còn sức điều khiển trí tuệ của mình giữa tràn trề rượu nọ rượu kia; hoặc bị kích động vì hình ảnh cuộc đời anh, anh dần dần say sưa với những lời nói thao thao của mình, Raphaël hoạt bát lên, phấn khích như một kẻ hoàn toàn mất lý trí.

- Việc cóc gì mà chết? - Anh vừa la lên vừa giơ cao miếng Da lừa. - Bây giờ ta muốn sống! Ta giàu có, ta có đủ mọi đức tính. Không gì cưỡng lại được ta. Ai mà chẳng tốt khi họ làm gì cũng được? Này! Này! Ơ này! Ta đã ước được hai mươi vạn quan thực lợi, ta sẽ có. Hãy chào ta đi, lũ lợn con lăn trên thảm như trên đống phân kia! Cơ ngơi huy hoàng này, mày thuộc về ta! Ta giàu có ta mua được tất cả mọi người ngay cả ông nghị sĩ nằm ngáy ở kia. Hỡi đồ súc sinh của xã hội thượng lưu, hãy cầu phúc cho ta! Ta là Giáo hoàng.

Những tiếng la của Raphaël, từ nãy bị những tiếng ngáy trầm trầm liên tục che lấp, bây giờ bỗng nhiên được nghe thấy. Phần lớn những người ngủ tỉnh dậy và kêu lên, họ trông thấy tay phá đám chân đứng không vững. Và họ nhao nhao lên chửi rủa anh chàng say làm ầm ĩ.

- Hãy im đi - Raphaël lại nói. - Lũ chó, hãy về cũi. Emile ạ, tớ giàu tiền, tớ sẽ đãi cậu xì-gà La Havane.

- Nghe rồi, - chàng thi sĩ đáp, - Foedora hay là chết! Cứ thế mà đi! Cái cô Foedora ngọt xớt ấy đã lừa cậu. Tất cả đàn bà đều là con gái của Eve. Chuyện cậu chẳng bi thảm chút nào.

- Chà! Cậu ngủ à, đồ hiểm độc!

- Không đâu! Foedora hay là chết, có tớ đây.

- Dậy đi, - Raphaël vừa thét lên vừa đập miếng Da lừa vào đầu Emile như muốn làm nảy ra làn sóng điện.

- Đồ quỷ! Emile vừa la lên vừa đứng dậy và ôm ngang mình Raphaël, - anh bạn ơi, hãy nhớ rằng anh đang ở giữa đám đàn bà bệ rạc...

- Ta là triệu phú.

- Nếu cậu không phải triệu phú, chắc hẳn cậu say.

- Say vì quyền hành. Tớ có thể giết cậu! Im đi, tớ là Néron! Tớ là Nabuchodonosor[18]!

- Này, Raphaël, chúng mình ở giữa đám người độc ác, vì thể diện cậu phải im đi.

- Suốt đời tôi đã im lặng quá lâu rồi... Bây giờ tôi sẽ trả thù cả thiên hạ. Ta sẽ chẳng chơi lối phung phí những đồng tiền chết tiệt, ta sẽ bắt chước, ta sẽ thâu tóm thời đại ta bằng cách tiêu hủy những tính mạng con người, và những trí tuệ, những tâm hồn. Đó là một sự xa xỉ không nhỏ mọn, phải chăng đó là sự sung túc của bệnh dịch hạch! Ta sẽ chống lại bệnh sốt rét vàng, xanh lơ, xanh lục, chống lại những quân độc, những đoạn đầu đài. Ta có thể có Foedora. Mà không, ta không thèm Foedora đó là căn bệnh của ta, ta chết vì Foedora! Ta muốn quên Foedora đi.

- Nếu cậu còn kêu lên nữa, tôi sẽ mang cậu sang buồng ăn. Cậu có nhìn thấy miếng Da này không?

- Di chúc của Salomon đấy. Hắn thuộc về tôi, Salomon, cái não vua bé con hủ lậu ấy! Ta có nước Ảrập, Pétrée[19] nữa. Vũ trụ là của tôi. Cậu là của tôi, nếu tôi muốn. A ha! Nếu tôi muốn, cậu cẩn thận đấy! Tôi có thể mua cả cái cửa hàng nhà báo của cậu, cậu sẽ là thằng hầu của tôi. Cậu sẽ làm cho tôi những khúc ca, cậu sẽ điều chỉnh giấy tờ của tôi. Bớ hầu! Thằng hầu, có nghĩa là: Hắn mạnh khỏe, bởi vì hắn chẳng suy nghĩ gì.

Nghe tới đó, Emile mang Raphaël sang buồng ăn:

- Được rồi! Được, anh bạn ạ, - anh bảo hắn, - tôi là thằng hầu của cậu. Nhưng cậu sắp làm chủ biên của một tờ báo, cậu im đi! Nể mặt tôi, cậu phải cho đứng đắn! Cậu có mến tôi không?

- Có chứ, tôi mến cậu! Cậu sẽ có xì gà La Havane, nhờ miếng Da này. Lại miếng Da, bạn ạ, miếng Da tối cao! Môn thuốc thần hiệu, tôi có thể chữa được những vết chai. Cậu có những vết chai không? Tôi đánh đi cho.

- Chưa bao giờ tôi thấy cậu ngốc đến thế. - Ngốc à, anh bạn? Không Miếng Da này co lại khi tôi có một ước nguyện... đó là một phản ngữ. Tay Bàlamôn, phải có một tay Bàlamôn ở trong đó! Vậy thì Bàlamôn là một tay nhạo báng, vì những ước nguyện, cậu nghĩ xem thì phải làm giãn ra chứ...

- Ừ phải đấy.

- Tôi bảo cậu...

- Phải, đúng lắm, tôi cũng nghĩ như cậu. ước nguyện làm giãn ra...

- Tôi bảo cậu là miếng Da!

- Ừ.

- Cậu không tin tôi. Tôi biết cậu lắm, anh bạn ạ, cậu thì nói dối như một tên vua mới lên ngôi.

- Làm sao mà cậu lại muốn tôi nghe theo những lời cậu nói vớ vẩn trong cơn say được?

- Tôi đánh cuộc với cậu đấy, tôi có thể chứng minh được Ta thử đo mà xem.

- Thôi đi, nó chẳng ngủ mất đâu, - Emile kêu lên khi thấy Raphaël chăm chú tìm tòi trong buồng ăn.

Nhanh nhẹn như một con khỉ, nhờ sự sáng suốt kỳ lạ đôi khi ở những người say rượu, trái ngược với cái nhìn ngây dại trong cơn say, Valentin tìm ra được một nghiên mực và một chiếc khăn mặt, mồm vẫn lặp lại:

- Thử đo mà xem! Thử đo mà xem!

- Ừ thì đo xem. - Emile nói.

Đôi bạn căng chiếc khăn ra và đặt miếng Da lừa lên trên. Emile, tay hình như vững hơn, lấy bút vạch một đường mực theo chu vi của tấm bùa, trong khi bạn anh nói: - Tôi đã ước có hai mươi vạn quan thực lợi, có phải thế không? Thế thì khi nào tôi được toại nguyện miếng Da lừa sẽ co hẹp lại cho mà xem.

- Ừ, thôi bây giờ cậu ngủ đi. Cậu để tôi đặt cậu lên trên chiếc ghế bành dài này nhé? Thôi, cậu nằm có dễ chịu không?

- Được, cậu nhà báo bé con của tôi ạ. Cậu sẽ làm cho tôi vui, cậu sẽ xua ruồi cho tôi. Bạn trong nghèo khổ có quyền được là bạn lúc quyền thế. Vì vậy tôi sẽ đãi cậu xì... gà.. La Hav...

- Thôi, nhà triệu phú, hãy ủ vàng đi.

- Cậu, hãy ủ những bài báo. Xin chào. Và gửi lời chào Nabuchodonosor! Tình yêu! Lấy rượu đây! Nước Pháp... vinh quang và giàu có... Giàu!

Chẳng bao lâu đôi bạn hòa tiếng ngáy với điệu nhạc chung vang lên ở các phòng khách. Cuộc hòa nhạc vô bổ! Những ngọn nến tắt dần dần và làm nổ những vành đèn bằng thủy tinh. Đêm tối trùm một làn nhiễu lên cuộc truy hoan cuồng loạn kéo dài đó, mà câu chuyện của Raphaël thì như một cuộc loạn ngôn với những lời không ý, và những ý thường thiếu lời.

Hôm sau, vào quãng trưa, nàng Aquilina kiều diễm tỉnh dậy, ngáp dài, mỏi mệt, trên má hằn vết chiếc ghế đẩu bọc nhung vẽ hoa mà nàng đặt đầu lên đế ngủ. Euphrasie, tỉnh giấc vì cử động của bạn, bỗng đứng lên và thét một tiếng khàn khàn; khuôn mặt đẹp đêm qua trắng và tươi đến thế, bây giờ vàng và tái như mặt một cô gái đi nằm nhà thương. Dần dần khách ăn cựa cạy và rên la ảo não, họ cảm thấy chân tay cứng đờ, bao nhiêu thứ mệt mỏi đè nặng lên họ khi tỉnh dậy. Một gã hầu buồng ra mở cửa kính cửa chớp các phòng khách. Cử tọa đứng lên, những ánh nắng ấm áp lóng lánh trên đầu những người ngủ làm cho họ hồi lại. Những cử động khi ngủ đã làm rối bù những làn tóc bới thanh nhã và làm phai tàn mọi thứ điểm trang khiến cho những người đàn bà, do ánh nắng chói lòa rọi vào trông thật gớm ghiếc: tóc họ xõa xuống không duyên dáng, nét mặt họ đã thay đổi, những cặp mắt long lanh đến thế bây giờ đục mờ vì mỏi mệt. Nước da của những người đa sầu đa cảm rực rỡ trong ánh sáng đến thế bây giờ trông kinh khủng, bộ mặt của những người tính tình lạnh nhạt khi khỏe khoắn thì trắng đến thế, mềm mại đến thế, bây giờ hóa xanh ngắt; những cái miệng mới đây xinh tươi và đỏ thắm, bây giờ khô khốc và trắng nhợt, mang những vết ô nhục của say sưa. Những người đàn ông chối đẩy tình nương ban đêm vì thấy họ phai tàn, nhợt nhạt, như những bông hoa bị giẫm nát trên đường phố sau một đám rước đi qua. Bọn đàn ông khinh khỉnh đó trông lại còn kinh khủng hơn. Anh sẽ phải rợn mình khi thấy những bộ mặt người đó mắt hõm và quầng thâm dường như chẳng trông thấy gì, ngay đờ vì rượu, ngây dại vì giấc ngủ không yên làm mệt hơn là khoẻ lại. Những bộ mặt xanh xao đó để lộ liễu những thèm khát về thể chất không được tâm hồn tô điểm bằng chất trơ, có cái gì là hung tợn và thú vật đến lạnh lùng. Sự thức dậy của thói hư trần truồng đó, bộ xương của tệ lậu rách rưới, rét lạnh, trống rỗng và thiếu những ngụy biện của trí thức hay những mê hoặc xa xỉ đó làm kinh hoảng những lực sĩ can trường kia, cho dẫu họ đã quen vật lộn với hành lạc mấy đi nữa. Nghệ sĩ và kỹ nữ im tiếng và bằng con mắt hung tợn ngắm gian phòng bừa bãi ở đó mọi thứ đều đã bị ngọn lửa của các dục vọng tàn phá tan hoang. Một tiếng cười ma quái bỗng nổi lên khi Taillefer, nghe tiếng thở khàn khàn của quan khách, định chào họ bằng một cái nhăn nhó, bộ mặt đẫm mồ hôi và căng máu của hắn đưa liệng trên cảnh địa ngục đó hình ảnh của tội ác không hối hận. Bức tranh thật toàn vẹn. Đó là cuộc sống nhơ nhớp giữa xa xỉ, một sự pha trộn kinh khủng của những hoa lệ và những khổ cực của con người sự thức dậy của hành lạc, khi nó đã dùng những bàn tay cứng mạnh của nó để vắt hết mọi trái quả của cuộc đời, và chỉ để lại quanh nó những mảnh tàn ô uế hay những dối trá mà nó không tin nữa. Có thể nói đó là cảnh thần chết mỉm cười giữa một gia đình bị dịch hạch; chẳng còn hương thơm cũng như ánh sáng lộng lẫy nữa, chẳng còn vui vẻ cũng như thèm muốn nữa; mà là ghê tởm với những mùi lợm giọng của nó và cái triết lý xót xa của nó, mà là ánh nắng rực rỡ như chân lý và không khí trong sạch như đức hạnh tương phản với bầu không khí oi nồng, đầy uế khí, uế khí của một cuộc truy hoan! Mặc dầu đã quen hư hỏng, nhiều người trong đám các cô gái đó nhớ tới cuộc thức giấc xưa kia của họ, khi họ còn ngây thơ trong trắng, thoáng nhìn, qua những cửa sổ thôn quê có hoa kim ngân và hoa hồng rủ quanh, một phong cảnh tươi mát có tiếng sơn ca vui hót làm mê say, có ánh bình minh chiếu sáng đục mờ và có sương đọng muôn hình muôn vẻ. Có những người mường tượng thấy cảnh xưa ăn sáng trong gia đình, chung quanh chiếc bàn các con và bố cười ngây thơ, mọi vật toát ra một vẻ kỳ thú khôn tả, và những món ăn đơn giản như những tấm lòng. Một nghệ sĩ nghĩ tới xưởng làm việc yên tĩnh với pho tượng tinh khôi của mình, với người kiểu mẫu duyên dáng đang chờ mình. Một chàng trai, nhớ ra vụ án định đoạt số phận của một gia đình, nghĩ đến cuộc thương lượng quan trọng cần sự có mặt của mình. Nhà bác học hối tiếc nơi phòng làm việc mà một công trình cao quý đang kêu gọi mình. Hầu hết mọi người đều tự than phiền về mình. Lúc đó, Emile, tươi thắm hồng hào như tay chào hàng xinh nhất của một cửa hiệu được ưa chuộng, xuất hiện, vừa cười vừa nói:

- Các ngài xấu như ma lem[20]. Các ngài chẳng làm gì được hôm nay; thế là mất cả ngày rồi, tôi có ý kiến là ta cùng ăn sáng.

Nghe nói, Taillefer bước ra để ra lệnh. Các cô gái uể oải đến trước những tấm gương sửa lại đầu tóc rối bù. Ai nấy chuyển mình. Những tay hư hỏng nhất thuyết phục những kẻ ngoan ngoãn nhất. Các cô gái giang hồ giễu những chàng tỏ ra không đủ sức tiếp tục bữa tiệc nhọc nhằn. Chỉ một lúc những bóng ma đó nhộn nhịp lên, họp thành nhóm, thăm hỏi nhau và mỉm cười. Vài gã hầu nhanh nhẹn, lẹ làng dọn đồ đạc và mọi vật đâu vào đó.

Một bữa ăn sáng tuyệt vời được bày ra. Khách ăn liền đổ xô sang phòng ăn. Ở đó, nếu mọi vật còn mang vết tích không xóa nổi của cuộc trác táng đêm trước, thì ít ra cũng có dấu hiệu của sự sống và tư duy như trong cơn giãy giụa của một kẻ hấp hối. Giống như đám rước ngày kết thúc hội giả trang, cuộc trác táng được kết thúc bởi những bộ mặt nạ đã mỏi mệt vì nhảy múa, say mềm vì cơn say, và muốn chứng tỏ rằng thú vui là bất lực để che đậy sự bất lực của chính mình. Giữa lúc đám cử tọa can trường đó vây quanh bàn ăn của nhà tư bản, thì Cardot, đêm trước đã khôn ngoan chuồn mất sau bữa ăn để kết thúc cuộc truy hoan trong giường vợ, bắt ló bộ mặt chạy việc ra với một nụ cười dịu dàng thoáng qua. Dường như hắn đã dò ra một đám kế thừa nào đó để nhấm nháp, để phân chia, để kê khai, để sao lục, một đám kế thừa bộn những giấy tờ phải làm, béo bở tiền hậu tạ, cũng ngon bổ như miếng thịt thăn run rẩy mà người chủ đang thọc lưỡi dao vào.

- A ha! Chúng ta sẽ ăn trước mặt quản lý văn khế, de Cursy la lên.

- Ông tới đúng lúc để đánh số, ký áp tất cả những văn bản này, - tay chủ băng vừa nói vừa chỉ bàn tiệc.

- Không có chúc thư để làm, nhưng giấy giá thú thì có lẽ? Nhà bác học nói, từ một năm nay đây là lần đầu tiên ông ta lấy được vợ sộp.

- Ô hô!

- A ha!

- Khoan đã - Cardot đáp lại, điếc tai vì những lời cợt nhả nhao nhao lên, - tôi đến đây vì chuyện đứng đắn. Tôi đem lại sáu triệu quan cho một vị trong các ngài. (Im lặng như tờ). Thưa ngài, - hắn quay lại nói với Raphaël bấy giờ chẳng cần lịch sự đang lấy một góc khăn ăn của mình lau mắt, - cụ thân mẫu ngài có phải là con gái thuộc dòng họ O"Flaharty không?

- Vâng, - Raphaël đáp lại như cái máy, - Barbe-Marie.

- Ngài có mang theo đây, - Cardot nói tiếp, - giấy khai sinh của ngài và của bà de Valentin không.

- Hình như có.

- Thế thì! Thưa ngài, ngài là người thừa kế duy nhất của thiếu tá O"Flaharty, từ trần vào tháng Tám năm 1828 ở Calcutta.

- Hoan hô, thiếu tá! - Tay đa sự kêu lên.

- Vì trong chúc thư thiếu tá để lại nhiều món tiền cho một số cơ quan công cộng cho nên chính phủ Pháp yêu cầu Công ty Ấn Độ thanh toán việc kế thừa, - viên quản khế nói tiếp. - Hiện nay gia tài đó đã thanh toán xong và có thể lĩnh được. Từ mười lăm ngày nay tôi tìm mãi mà vô hiệu những người kế thừa của cô Barbe Marie O"Flaharty, cho tới hôm qua ngồi ăn...

Lúc đó, bỗng nhiên Raphaël đứng lên phác ra một cử động đột ngột của một người bị trúng thương. Dường như một cuộc hò reo ngấm ngầm nổ ra, tình cảm đầu tiên của khách ăn là do một sự ghen tị âm thầm, bao nhiêu con mắt dồn về phía anh ta như bấy nhiêu ngọn lửa. Tiếp đó, một tiếng rì rầm như tiếng khán giả rạp hát nổi giận, tiếng ồn ào của một cuộc nổi loạn nổ ra, to lên, và mỗi người nói một lời để chào đón cái tài sản kếch xù mà viên quản khế mang tới. Tỉnh người lại vì sự phục tùng số phận đột ngột, Raphaël giải phắt lên bàn chiếc khăn mà lúc nãy anh đã dùng để đo miếng Da lừa. Chẳng nghe thấy tiếng gì, anh đặt tấm bùa lên trên, và rợn cả mình khi thấy một khoảng cách khá xa giữa đường vạch trên khăn và chu vi miếng Da lừa.

- Ấy kìa! Ông ấy làm sao thế? - Taillefer kêu lên, - ông ấy được tài sản dễ như bỡn.

- Đỡ lấy hắn, Châtillon, - Bixiou bảo Emile, hắn có thể chết vì mừng quá đấy.

Bao nhiêu bắp thịt trên bộ mặt tàn tạ của người kế thừa đó đều tái xanh một cách kinh khủng: nét mặt co lại, những đường nổi trắng bệch, những lỗ hõm tối om, sắc mặt nhợt nhạt, mắt trừng trừng. Anh trông thấy cái CHẾT. Tay chủ băng phởn phơ giữa đám gái giang hồ tàn tạ, giữa những bộ mặt no chán đó, cơn vui hấp hối đó, là hình ảnh sinh động của cuộc đời anh. Raphaël nhìn đi nhìn lại ba lần tấm bùa nó có thể xoay đi xoay lại dễ dàng giữa những đường vạch tàn nhẫn trên chiếc khăn; anh có ý nghi ngờ; nhưng một linh tính sáng suốt phá tan sự ngờ vực của anh. Thiên hạ thuộc về anh, anh có thể có tất cả nhưng không có muốn gì nữa. Như một kẻ du hành giữa sa mạc, anh chỉ có một ít nước để uống đỡ khát và phải tính toán sự sống chết theo số ngụm nước. Anh nhìn thấy mỗi ước nguyện của anh đáng giá bao nhiêu tuổi đời anh. Và anh tin ở miếng Da lừa, anh lắng nghe tiếng mình thở, anh đã cảm thấy mắc bệnh, anh tự hỏi: Phải chăng ta bị đau phổi? Mẹ ta phải chăng đã chết vì bệnh phổi?

- A ha! Raphaël, giờ đây anh tha hồ vui chơi thỏa chí! Anh định tặng em cái gì đây? Aquilina nói.

- Hãy nâng cốc chúc cái chết của ông cậu hắn, thiếu tá Martin O"Flaharty? Đó mới là bậc trượng phu.

- Cậu ấy sẽ làm nguyên lão nước Pháp.

- Chà! Vụ sau tháng Bảy thì một nguyênlão nước Pháp là cái gì? Tay đa sự nói.

- Cậu có định thuê lô ở rạp Bouffons không? -Tôi mong rằng cậu sẽ khao tất cả chúng tôi, - Bixiou nói.

Cỡ cậu ấy thì biết làm mọi sự ra trò, - Emile nói.

Tiếng hoan hô của các cử tọa vui nhộn đó vang bên tai Valentin mà anh chẳng thể hiểu được ý nghĩa một lời nào, anh mơ hồ nghĩ tới cuộc sống như máy và không ước mong của một nông dân xứ Bretagne, đông con, cày ruộng của mình, ăn lúa mạch đen, uống rượu tần tu cả bình, tin Đức Bà và tin vua, chịu lễ ngày Phục sinh, ngày chủ nhật nhảy trên một bãi cỏ xanh và chẳng hiểu gì bài thuyết giáo của viên giáo trưởng. Cái cảnh tượng bày ra trước mắt anh lúc này, những lớp ván phủ tường thếp vàng kia, những kỹ nữ kia, bữa tiệc kia, sự xa xỉ kia, như chẹn họng anh làm anh phát ho.

- Ông có muốn dùng măng tây không? - Tay chủ băng hỏi to.

- Tôi chẳng muốn gì hết, - Raphaël thét vang lên đáp.

- Hoan hô! - Taillefer trả lời. - Ông biết giá trị của tài sản đấy, nó là một mảnh bằng của láo xược. Ông nhập bọn với chúng tôi rồi! Mời quý vị hãy nâng cốc chúc cho quyền lực của vàng. Ngài de Valentin trở thành sáu lần triệu phú là nắm được quyền hành. Ông ấy làm vua, ông ấy có hết thảy, ông ấy ở trên hết thảy, như hết thảy những người giàu có. Đối với ông, từ nay lời ghi trên đầu Pháp điển: Mọi người Pháp đều bình đẳng trước Pháp luật là một lời nói láo ông ấy sẽ không tuân theo pháp luật pháp luật sẽ tuân theo ông ấy. Đối với bậc triệu phú thì không có đoạn đầu đài, không có đao phủ!

- Đúng, - Raphaël, - họ chính là đao phủ của bản thân họ.

- Ồ! Tay chủ băng kêu lên, - hãy uống đi.

- Hãy uống đi, Raphaël nhắc lại và bỏ tấm bùa vào túi.

- Cậu làm gì đấy? - Emile vừa nói vừa giơ tay bạn lại.

- Thưa quý vị, - anh nói thêm với cử tọa đang khá ngạc nhiên vì thái độ của Raphaël, - Các vị nên biết rằng ông bạn de Valentin của chúng ta, à chết chửa, Ngài hầu tước de Valentin có một bí quyết để làm giàu. Lời ước nguyện của ông ấy được toại nguyện ngay sau khi ông vừa nói ra, ông ấy sẽ làm cho hết thảy chúng ta được giàu có, nếu không sợ mang tiếng là một thằng hèn, một kẻ độc ác.

- Chao! Raphaël bé bỏng của em, em, muốn có một chuỗi hạt ngọc, - Euphrasie thốt lên.

- Nếu anh ấy biết ơn, anh ấy sẽ tặng em hai cỗ xe thắng ngựa đẹp và chạy nhanh? - Aquilina nói.

- Ước cho tớ mười vạn quan thực lợi.

- Đồ cachemire.

- Trả nợ cho tôi!

- Giáng một đòn trúng phong cho ông chú tớ, cái lão to lớn khô khốc ấy!

- Raphaël, một vạn quan thực lợi là tớ cho cậu xong nợ.

- Quà cáp nhiều quá đấy! - Viên quản khế kêu lên.

- Ông ấy phải chữa cho tôi khỏi bệnh thống phong...

- Ông hãy làm hạ giá thực lợi xuống, - tay chủ băng kêu lên.

Tất cả những lời đó vụt ra như những chùm hoa cải của một bó hoa lửa kết thúc cuộc hội pháo hoa, và những ước muốn nhiệt liệt đó có lẽ là đúng đắn chứ không phải bông đùa.

- Anh bạn thân mến của tôi ơi, - Emile trịnh trọng nói, - tôi chỉ cần hai mươi vạn thực lợi thôi, anh hãy vui lòng ước nguyện hộ tôi đi!

- Emile, - Raphaël nói - thế ra cậu không biết tôi phải trả giá như thế nào ư?

- Khéo từ chối! - Chàng thi sĩ la lên. Phải chăng chúng ta phải hy sinh vì bạn?

- Tôi sắp muốn ước cho các vị đều chết hết cả. - Valentin vừa đáp vừa đưa con mắt u ám, thâm trầm nhìn các khách ăn.

- Những kẻ hấp hối thường là tàn ác độc địa. - Emile vừa nói vừa cười. - Thôi bây giờ cậu giàu rồi, - anh nghiêm trang nói thêm, - thế thì tớ cho cậu chỉ hai tháng là trở thành ích kỷ đến bẩn thỉu. Cậu đã ngốc rồi, cậu không hiểu một lời nói đùa. Chỉ còn nước cầu tin vào miếng Da lừa của cậu thôi.

Raphaël sợ hãi những lời nhạo báng của cử tọa đó, anh im bặt, nốc rượu tàn và say đi để cho quên một lúc cái quyền lực tai hại của anh.

Chú thích:

[1] Duc de Clarence (thế kỷ XV): Anh em với vua nước Anh Eđua IV, bị án tử hình xin được dìm vào thùng rượu để chết.

[2] Écarté: Một lối đánh bài lá.

[3] Nguyên văn: Đấm nhau đến giết chết một con tê giác.

[4] Sybarite: Dân thành Sybarite (Cổ Hy Lạp), xa hoa. dâm dật

[5] Ruffec: Một thành phố nhỏ nước Pháp có tiếng về nghề làm pate gan ngỗng.

[6] Đảo Sainte-Hélène là nơi Napoléon bị đày ra ở đó.

[7] Boston: Một cách đánh bài lá.

[8] Mahmoud: Vua Thổ Nhĩ Kỳ. Đây nói Byron tham gia cuộc chiến tranh giải phóng của Hy Lạp chống ách Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1823-1824.

[9] Nguyên văn là: rót chì lỏng vào mạch máu anh.

[10] Theo truyền thuyết, Alexandre đại đế chết trong một bữa tiệc vì uống một ly rượu to lớn (ly rượu Hercules).

[11] Ở tu viện Saint Bernard trên núi Alpes, có nơi nhà trú cho khách qua lại.

[12] Sardanapale: Tên ông vua cuối cùng xứ Assvrie. Theo truyền thuyết, Sardanapale không muốn để bị người Babylon cầm tù, cùng với các vợ nhảy vào giàn lửa to để tự thiêu.

[13] Eusèbe Salverte: Tác giả cuốn sách Tiểu luận triết học và Lịch sử về tên người, tên các dân tộc và địa phương và những công trình khác về khoa học thần bí.

[14] Đây là nhà văn quái dị Đức Homphman (1776 -1822) viết những truyện về ma quỷ, hồn phách con người.

[15] Barême (thế kỷ XVII): Tác giả quyển cẩm nang về kế toán, đây ý nói những chuyện tiết kiệm vụn vặt, chi ly.

[16] Greuze (1725-1805): Họa sĩ Pháp tác giả tranh lòng già què", "người mẹ gia đình", v.v...

[17] Châtelet: Pháo đài cũ ở Paris sau dùng làm trụ sở tòa án, và nơi giam tù nợ.

[18] Néron: Hoàng đế La Mã (thế kỷ I sau công lịch) và Nabuchodonosor vua xứ Chaldée cổ (trước Công lịch): Đây ý nói quyền hành vô hạn của họ.

[19] Pétrée: Miền Ảrập có núi đá.

[20] Nguyên văn: xấu hơn bọn sai nha.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Miếng Da Lừa (La Peau de chagrin) Chương 8: Người đàn bà không tim 4

Có thể bạn thích