Lật Mở Thiên Thư
Quyển 1 - Chương 3-5: Đầu mối bị đứt đoạn

Chúng tôi đi theo Đèn Bão đến rừng đào ở sau núi, nhìn thấy ông già đang ngồi dưới một gốc cây đào. Nhìn thấy chúng tôi, ông ta cười nói: “Hôm nay các vị đã thể hiện khá lắm, rất có khả năng sẽ đắc đạo. Bản tiên quyết định dẫn các vị vào động để chính thức tu tiên, nhưng các vị buộc phải bỏ hết tất cả những gì mang theo người, ngoại trừ quần áo.”

Lão Phó nhìn chúng tôi. Giờ đây có thể khẳng định lão già bát nháo này là tên lừa đảo, lão bảo chúng tôi bỏ tiền nong và các thứ ra để ở ngoài, sau đó đi theo lão ư? Lão Phó bỗng đứng lên đấm cho Dương Sạn một quả ngã dúi dụi, sau đó chạy lại co chân đá Đèn Bão. Đèn Bão sợ quá đứng lên né tránh, nhưng người chao đi và cũng ngã lăn kềnh. Tôi và Mông Nhân cùng chạy lên ghì lão già xuống rồi cho lão mấy cái tát. Lão già chịu trận nhưng miệng vẫn cãi: “Các ngươi dám đánh bản tiên, thì trời sẽ trừng phạt các ngươi!”

Xem ra, sự nhẫn nại của lão Phó và Mông Nhân đã đến giới hạn cuối cùng...

Mông Nhân lại cho thêm cái tát nữa: “Cút mẹ nhà ngươi đi! Trời trời cái gì? Trời cứ trừng phạt đi, cứ giáng sấm sét cho ta xem đi? Từ nhỏ, ta đã biết ông tây Franklin[1] , ta được sét đánh từ bé rồi lớn lên đây này!”

[1] Benjamin Franklin (1706 - 1790), người Mỹ; danh nhân nhiều lĩnh vực, nhà khoa học; cột thu lôi là một trong nhiều phát minh của ông.

Lão già bắt đầu mấp máy môi lẩm nhẩm gì đó, tôi và Mông Nhân để ý xem lão định diễn trò gì. Thì ra là lão đang niệm A di đà Phật. Lão Phó nói: “Tạm nghỉ đã, để chờ cảnh sát đến. Vừa nãy tôi nhắn tin cho người đang ở xã Thệ Thủy để báo cảnh sát đưa người đến tìm chúng ta; dọc đường tôi đã đánh dấu rồi, họ sẽ tìm thấy.”

Thì ra lão Phó không đến đây một mình, anh ta đi với hai chú em họ, hai người ấy tạm ở lại xã Thệ Thủy để chờ tin, nếu cần sẽ hành động ngay. Sau vài giờ, lão già gần như đã ngủ say, chú em họ của lão Phó dẫn cảnh sát đến. Tôi đá vào mông lão già, hỏi rằng tại sao lão có thể ngủ được? Lão nói, giả vờ làm thần tiên mệt ơi là mệt!


Sau đó lão già, Dương Sạn và gã Đèn Bão bị đưa đi. Lão già và gã Đèn Bão là hai cha con, đều tuyệt đối mù chữ, vốn là dân bản ở sâu tít trong núi. Mấy năm trước hai cha con ra ngoài làm thuê lặt vặt, nhận ra rằng lâu nay dân thành phố đua nhau đi cầu tiên, đi tìm tiên dược, bèn nảy ra ý định lừa bịp. Họ trở về bản nói rằng mình đi xa, gặp được cao nhân, hiện nay có tài này tài nọ... rồi học lỏm trên ti-vi các mánh lới lừa bịp để hù dọa dân bản thật thà ngô nghê, sau đó họ tự xưng là thổ hoàng đế trong rừng núi; họ làm y như hoàng đế thật. Quái dị nhất là họ đặt ra cả quốc hiệu gọi là đại thánh gì đó, rồi tự xưng là Ngọc hoàng đại đế, và phong cho người khác là đại thần tướng quân. Sau đó cử người đi loan tin khắp nơi rằng ở đây có thần tiên (lão già nói, trang phục và bộ dạng thần tiên thì lão bắt chước trong phim “Tây du ký” chiếu trên ti-vi), và đã lừa được rất nhiều gã ngốc ở thành phố đang muốn tầm tiên học đạo.

Nhưng gã Dương Sạn quyết không chịu hé răng, gã chỉ nói mình cũng là nạn nhân bị lừa v.v... chứ không nói thêm gì khác. Mấy ngày sau, chuyện này bị đưa lên trang nhất của báo chí, lúc này mới biết mấy năm qua có đến hơn hai trăm người bị lừa, hai cha con lão già đã kiếm được vài trăm ngàn nhân dân tệ.

Nhưng điều đáng kinh ngạc vẫn còn ở phía sau. Cảnh sát khám cái nơi gọi là “hoàng cung” của lão ở (là một hang núi), thấy trong đó có xác người đã bị phân hủy, là nữ. Quần áo của xác nữ ấy vẫn nguyên vẹn; họ điều tra ra rằng, người phụ nữ ấy chết trong trạng thái không quần áo, sau đó mới được mặc trở lại. Trên đầu có vết thương nhẹ, không thể dẫn đến tử vong; mũi, mồm và hai lỗ tai nhét đầy đất cát. Khám tử thi cho thấy nạn nhân chết ngạt do bị chôn sống. Và, nữ nạn nhân này là vợ của Dương Sạn!

Nghe nói sau này Dương Sạn khai rằng, anh ta đã từng mất rất nhiều công sức theo đuổi thành công, rồi kết hôn chưa được hai năm. Cô vợ vẫn như xưa: rất thích cảm giác mình được đàn ông bao vây tán tỉnh, cô ta chỉ mải mê tung ảnh của mình lên mạng, ảnh chụp đủ các tư thế làm dáng, hoặc là ra ngoài gặp bạn quen trên mạng, cô ta đã cho Dương Sạn bị cắm sừng vô số lần. Còn Dương Sạn vốn là anh chàng ít nói, hàng ngày anh ta luôn có nét buồn buồn, mọi sự việc luôn giấu kín trong lòng. Về sau, lên mạng đọc thấy có người đã tu tiên thành công nói rằng: có thể biến đổi hoàn toàn tâm tính con người, chỉ cần dán bùa vào người ấy và đem chôn ba ngày, sau đúng ba ngày đào lên, thì trái tim người ấy sẽ mãi mãi thuộc về mình. Dương Sạn vốn không tin, nhưng mọi hành vi của cô vợ khiến Dương Sạn không thể bình tĩnh nổi nữa, trong một lần cãi nhau, anh ta đã lỡ tay đánh vợ chết ngất. Trong lúc hoang mang, Dương Sạn tưởng cô vợ đã chết, anh ta nhớ đến cái biện pháp đã học được trên mạng, bèn thử xem sao. Dịp ấy đang vừa khéo nghe thấy tin đồn ở thành phố âm có “thần tiên”, Dương Sạn đang lú lẫn u mê, bèn nghĩ rằng đem xác vợ đến chôn ở núi tiên thì đúng là “một công đôi việc”. Dương Sạn bèn mượn xe, khuân xác vợ lên, dùng nước đá để ướp, rồi chở đến núi, tìm lão “Ngọc hoàng thượng đế” ấy...

Vào đến núi, Dương Sạn lập tức nhận ra thần tiên chỉ là đồ giả dối, nhưng vì mình trót “giết vợ”, hết cách rồi, bèn loan tin với bên ngoài rằng vợ đã đi về nhà mẹ đẻ ở miền Bắc. Dương Sạn dự định sẽ ở mãi trong núi này đến cuối đời.

Đâu dễ gì được gặp một tử tù, nhưng tôi nhờ vào các mối quan hệ gia đình và mấy người bạn của lão Phó, đã được gặp Dương Sạn. Khi gặp, tôi không dài dòng, đi ngay vào đề, hỏi anh ta bốn vị thuốc bắc kia là thế nào? Dương Sạn khóc và nói rằng anh ta thật lòng muốn cứu vợ, có người trên mạng viết rằng dùng bốn vị thuốc bắc ấy nhét vào miệng người chết, kết hợp với dán bùa thì sẽ có tác dụng. Dương Sạn còn nói chính mình cũng đã đọc thấy ở một cuốn sách nào đó trong hiệu sách viết như thế, cụ thể là ở hiệu sách mà anh ta hay đến. Lúc này chúng tôi mới nhớ ra chuyện những cái bùa kia, bèn bảo Dương Sạn thử vẽ ra xem sao. Nào ngờ cảnh sát lại cấm Dương Sạn không được vẽ được viết gì hết. Tôi đành bảo Dương Sạn nói cho biết địa chỉ của trang web đó, Dương Sạn nói đã quên mất, vì lúc đó anh ta chỉ ngẫu nhiên tìm thấy...

Về sau, chúng tôi tìm đến hiệu sách có tên là “Tuổi xuân lướt nhanh”, và tìm thấy cuốn sách như lời miêu tả của Dương Sạn. Đúng ra, chỉ là tệp sách thuộc loại “lá cải” giống như những cuốn “Tự xem bói”, “Năm Dần của những người tuổi Hổ”... mà người ta vẫn mua! Cuốn này còn khá nhiều trong hiệu này. Mở sách ra tìm, quả nhiên thấy có một trang viết về chuyện kia, trang này chẳng ăn nhập gì với các trang trước và sau nó cả, phía sau cũng vẽ một cái bùa. Lão Phó nhìn xong nói rằng bùa này giống hệt bùa vẽ trong sách mà cụ nội anh ta để lại. Chúng tôi bèn hỏi bà chủ hiệu, cuốn sách này ở đâu ra. Bà nói rằng người bán những thứ sách như thế này thỉnh thoảng đến đây tiếp thị, họ bán theo cân, cả chồng sách chỉ mua có mười mấy đồng, bà nghĩ rằng dù bán ra mỗi cuốn chỉ hơn một đồng thì cũng được tí tiền lãi, nên bà đã mua lại.

Bà còn nói, người bán sách ấy có trở lại đây một lần. Đó là một nam trung niên cao lớn, trông có vẻ có văn hóa chứ không giống như người đi bán sách. Lão Phó bèn miêu tả về một “nhân vật” - tức cha anh, theo ấn tượng của anh về cha mình - cho bà chủ hiệu sách nghe, bà lắc đầu nói: “Không! Người này cao ít nhất là 1,85 mét.” Nghe xong, lão Phó nhìn tôi và Mông Nhân lắc đầu. Vậy là manh mối về sách bị đứt đoạn. Mông Nhân nói, nên về tra trên mạng, biết đâu có thể tìm thấy người đã tung cái tin này ra, xem xem người ấy có thể biết được những gì.

Nhưng chúng tôi mò trên mạng rất lâu cũng không tìm thấy gì. Sau đó lại nghĩ: dù tìm thấy, nhưng nếu người ấy cũng chỉ biết có ngần ấy điều trên cuốn sách kỳ cục này thì sao?

Rốt cuộc, tôi và Mông Nhân lại tập trung cho công tác, lại ngày ngày mơ ước sẽ phát tài hoặc sẽ trở thành nhà văn. Còn lão Phó thì bắt tay vào kinh doanh nghiêm túc ở lĩnh vực mà anh ta hứng thú nhất là vật tư máy tính, thỉnh thoảng anh ta cũng đi các sạp bán sách sưu tầm những cuốn sách “lá cải” nho nhỏ, xem xem có tìm ra manh mối gì không; anh cũng hay hỏi han các khách hàng của mình xem có nhìn thấy ở đâu ghi chép về mấy vị thuốc bắc kia hoặc có vẽ cái bùa chú kia không.

Cuốn sách kia được lão Phó gửi vào két bảo hiểm của ngân hàng, anh ta chỉ luôn mang bên mình một bản photo, và gửi cho Phòng văn hóa thành phố C một bản, mong sao những ai chuyên làm về khảo cổ có thể từ đó tra cứu được một vài thông tin gì chăng.

Còn Dương Sạn, ít lâu sau bị thi hành án tử hình. Lãnh đạo công ty thường nhắc lại sự việc ấy trong các cuộc họp để nhắc nhở răn đe nhân viên hãy tu dưỡng cho tốt... Năm 2005, tôi lại trở về công ty bảo hiểm thành phố âm làm việc. Khi kể lại câu chuyện trên với một bạn học thời đại học, bạn tôi nói mình đã từng phỏng vấn hai vụ án tương tự xảy ra ở thành phố khác, hoặc là chồng giết vợ rồi đem chôn xác, hoặc ngược lại; nhưng khác ở chỗ đương sự không bị ai “chỉ bảo”, hoặc không mô phỏng cách phạm tội ở những vụ án nào cả.

Việc chỉnh lý của tôi đối với “Tầm tiên ký”

Cũng như các bài ghi chép trước đây, tôi có thói quen sau khi chỉnh lý xong câu chuyện thì tôi liệt kê ra các vấn đề cho mình.

Một là, nguồn cơn nhà họ Phó có trong tay cuốn sách ấy, có thật không?

Sau khi nghĩ đến vấn đề này, tôi bèn gọi lão Phó đến nhà chơi, và hỏi dò anh ta một lượt. Nhưng lão Phó lập tức nổi giận, nguyền rủa, và thề độc với tôi rằng tuyệt đối là sự thật chứ không nói dối một chi tiết nào. Tôi thanh minh rằng, ý tôi muốn hỏi xem cụ nội anh ta có giấu bớt điều gì không; và ông nội cũng như cha anh được “thừa hưởng” câu chuyện, có phát hiện ra điều gì không - và, vì không muốn lão Phó nhận ra các manh mối trong đó rồi truy tìm, họ đành phải giấu nhẹm? Rất có thể ông nội và cha của lão Phó đã phát hiện ra manh mối nhưng cũng nhận ra mối nguy tiềm ẩn trong đó, thì sao? Lão Phó không trả lời mà chỉ ngồi rít thuốc lá.

Hai là, tại sao chỉ có bốn vị thuốc bắc?

Về vấn đề này, trước đây tôi đã viết một đoạn suy đoán dài mười ngàn chữ, nhưng về sau đều bị “lật đổ”; hiện giờ tôi tạm “treo” lại đã, tôi sẽ miêu tả kỹ ở câu chuyện về sau này.

Ba là, cụ nội, ông nội và người cha của lão Phó đều ra đi khi con trai mình mới khoảng mười tuổi, có phải họ đã mất tích không?

Tôi đã hỏi lão Phó rằng người cha mất tích khi anh ta bao nhiêu tuổi. Lão Phó nói, khi đó anh đã mười bảy tuổi; và ngay năm đó thì bà mẹ kể cho anh biết rằng cha anh đã ra nước ngoài hợp tác kinh doanh với người ngoại quốc rồi. Lão Phó liền tin ngay, nhưng nửa năm sau không thấy cha gọi điện hay viết thư về nhà, thì lão Phó cho rằng đã xảy ra chuyện. Lão Phó còn nói rằng, không rõ có phải khi ông nội ra đi thì cha anh đã mười bảy tuổi không, vì cha anh chỉ nói chung chung rằng “khoảng mười tuổi”. Cha lão Phó cũng không rõ khi cụ nội lão Phó ra đi, thì ông nội lão Phó mười mấy tuổi.

Tôi và lão Phó trao đổi xong, bèn kéo nhau đi gặp bà mẹ lão Phó để hỏi chuyện. Bà mẹ lão Phó nói rằng mình không biết gì nhiều hơn những điều lão Phó đã biết; hồi nọ không kể cho lão Phó biết chuyện về cha mình, vì bà lo cậu con trai đang tuổi trưởng thành sẽ bị sốc mạnh, rồi đi vào những ngả đường sai trái (tôi nhớ lại Mông Nhân từng nói rằng: hình như kể từ đó lão Phó bỗng thay đổi tâm tính và hành vi hao hao bọn lêu lổng đầu đường xó chợ. Xem ra, bà mẹ có ý lo lắng như thế cũng không phải là thừa).


Bốn là, nội dung cuốn sách kia là gì?

Trước hết, tôi tuyệt đối không tin vào chuyện trường sinh bất tử. Ít ra là quan điểm của riêng tôi: con người là sinh vật, trên trái đất này không có sinh vật nào là sống mãi không bị hủy diệt, dù có loài thực vật đã sống đến vài trăm năm thì sớm muộn gì cũng có ngày khô héo. Đó là một thứ định luật tuần hoàn.

Cuốn sách Thiên thư mà tôi đã mở ra xem, sau khi xem kỹ thấy rằng: đại đa số chữ viết trong đó được viết từ những thời đại khác nhau, thậm chí có nhiều ký tự không phải là chữ Hán, nhưng tất cả đều có một điểm chung là hai thái cực khác hẳn nhau: hoặc là viết những thứ rất nhạt nhẽo, chán đến nỗi không thấy những tư liệu văn bản đó nằm ở đâu; hoặc là những nội dung khiến người ta phải kinh ngạc, ví dụ có hai trang viết sơ kỳ thời Tùy - Đường[1] , thời đó ở vùng trung và hạ du sông Trường Giang vẫn còn triều đình nhà Trần, vị vua gần cuối cùng triều Trần là Trần tuyên đế sau khi chết thì con trai tên là Thúc Bảo lên kế vị (được gọi là Trần hậu chủ); Trần hậu chủ bất tài không ngó ngàng chính sự, chỉ mải ăn chơi hưởng lạc, không nhận ra nhà Tùy sắp tiêu diệt nhà Trần. Về sau, vì Trần hậu chủ nói năng ngông cuồng với Tùy văn đế nên ông ta nổi giận rồi đem quân chinh phạt nhà Trần. Viết đến đây thì giống như sách sử đã chép, nhưng đoạn sau thì viết rằng: khi đó quân nhà Tùy đã tấn công hậu cung nhà Trần, rồi phát hiện thấy Trần hậu chủ và vợ nấp trong giếng nước, chứ không như sử chép là họ bị bắt làm tù binh. Sau đó quân Tùy ném đá xuống giếng giết chết Trần hậu chủ; còn về chuyện Trần hậu chủ bị bắt, thì đó là người khác chứ không phải ông ta, người ấy là anh em sinh đôi với Trần hậu chủ.

[1] Thế kỷ 6 - 7

Đọc đến chỗ này tôi rất kinh ngạc: Trần hậu chủ lại có anh em sinh đôi? Chuyện này chưa từng nghe nói. Sách này còn viết rằng, những tình tiết nói trên là chép lại từ cuốn sách có tên là “Hậu Trần nhai ngữ”. Sau đó tôi lập tức đi tra cứu hỏi han rất nhiều người nhưng chưa có ai nghe nói về cuốn sách “Hậu Trần nhai ngữ” cả. Đây là sự nhắc nhở của cuốn sách này? Hoặc là, Trần hậu chủ không hề có anh em sinh đôi nào cả, mà chỉ là cuốn sách này bịa đặt, nhằm mục đích kích thích người ta đi tìm cuốn “Hậu Trần nhai ngữ” hoặc đi tìm một thứ gì đó, là bí mật về trường sinh bất tử? Tôi tạm giả thiết mình tin là có trường sinh bất tử, thì, nếu cuốn sách này có chứa những bí mật về nó thì rất có thể trong sách sẽ chứa một chữ, một từ, thậm chí một câu, căn cứ vào một thứ tự nào đó sắp xếp tổ hợp lại, thì có thể có được cách để trường sinh bất tử chăng?

Tất nhiên là, sau khi nắm được bí mật về cuốn sách này thì tôi cực kỳ xúc động, dù tôi không rõ những chuyện đó có thật hay không. Những tình tiết này để sau hãy hay, tôi sẽ viết tỉ mỉ trong những ghi chép ở phía sau.

Nhưng vẫn cần nói về một điểm này: chuyện Dương Sạn chôn vợ, về sau tôi có đọc thấy trên nhật báo của thành phố M; vì lúc đó tôi đang có việc hệ trọng nên chưa lập tức theo dõi. Báo chí đăng như sau: một gã thầy bói nói với một anh nông dân rằng sau này vợ anh sẽ trăng hoa ngoại tình, muốn cô ta đổi tâm tính và hết lòng chung thủy với anh, thì phải đem cô ta đi chôn một đêm, phải chọn đêm trăng tròn, đồng thời dán bùa; sáng sớm hôm sau đào vợ lên đem về. Thế là được. Cảnh sát bắt gã thầy bói, và đưa ra khởi tố về tội xúi giục giết người, thì gã lý sự rằng: hôm đó tôi say rượu nên nói bừa, không ngờ thằng khốn trời đánh ấy lại tin là thật. Đọc đến đây, độc giả dở khóc dở cười. Tôi tiếp tục theo dõi, về sau anh nông dân kia bị pháp luật trừng trị, phải “đi gặp” vợ mình. (Tôi chợt nhớ đến mấy câu hài hước của ai đó đăng trên mạng QQ sau đó: mùa xuân, tôi đem vợ tôi chôn xuống đất, đến mùa thu, tôi gặt hái được rất nhiều vợ! Sự thật là: mùa xuân tôi đem vợ tôi chôn xuống đất, đến mùa thu tôi bị chú cảnh sát chôn luôn). Còn tôi, tôi đi tìm gã thầy bói kia, mới biết gã bị đi tù, trong tù, gã lỡ trượt chân ngã đập đầu vào chậu hoa, rồi chết ngay tại chỗ. Tôi cho rằng nếu dùng từ báo ứng để diễn tả mẩu chuyện này thì rất xác đáng.

(Hết “Tầm tiên ký”)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Lật Mở Thiên Thư Quyển 1 - Chương 3-5: Đầu mối bị đứt đoạn

Có thể bạn thích