Lắng Nghe Trong Gió
Quyển 2 - Chương 21

Trên đây tôi đã nói, thời trẻ tôi đã ba lần yêu, nhưng không thành, về sau tổ chức phải giúp tôi giải quyết chuyện hôn nhân. Nói thật, tôi không có kinh nghiệm đối với phụ nữ, nhất là đối với con người “quậy phá” như Hoàng Y Y, tôi càng bối rối, không biết phải thế nào. Nhưng tôi có vũ khí của tôi, vũ khí của tôi đó là sự cố chấp. Rất nhiều thành công trong cuộc đời tôi có được là nhờ sự cố chấp và kiếm tìm cố chấp. Tôi tin rằng, cái cố chấp của tôi sẽ xử lí tốt quan hệ giữa tôi và Y Y, xử lí tốt quan hệ tình cảm và lợi ích quốc gia.

Bây giờ nhìn lại, đấy là sai lầm lớn trong đời tôi, nếu không phải là sai lầm, thì ít ra cũng là xử lí không thỏa đáng. Nhưng đặt vào hoàn cảnh và tình cảnh lúc bấy giờ, tôi không “sai” liệu có được không? Tôi chỉ có thể “sai”. Điều này tưởng chừng như ngược đời. Nhưng bản thân việc phá khóa mật mã là ngược đời, ở 701, những người sống ngược đời như tôi nhiều lắm. Tôi không hiểu đó là sự cao cả vĩ đại của người 701 chúng tôi hay là bi kịch trong cuộc sống.

Thôi, không nói xa xôi nữa, trở lại với câu chuyện.

Chiều hôm sau tôi đến bệnh viện thăm Y Y thì cô đã ra viện. Y Y bị cảm, vào viện gấp, ra viện cũng nhanh chóng, được truyền nước xong là khỏe. Từ bệnh viện ra, tôi do dự không biết có nên đến thăm Y Y tại nhà hay không. Cuối cùng, trên góc độ một lãnh đạo đơn vị, tôi quyết định đem trái cây đến thăm cô. Tôi không biết có phải cô giận tôi hay cố ý tỏ ra lạnh lùng, nói năng cay độc. Tôi hỏi thăm đã đỡ chưa, cô nhìn tôi với vẻ khinh khỉnh: “Đỡ hay không việc gì đến anh, con người hèn kém như tôi có chết anh càng vui mừng!”. Một câu nói khiến tôi sững sờ, không biết phải nói gì. Nhưng thấy tôi không nói gì, cô như sốt ruột, kêu to: “Anh nói đi!”. Tôi nói, cô như vậy, tôi còn biết nói gì, cô cứ nghỉ ngơi cho khỏe, rồi tôi ra về. Cô lại nổi giận, trách tôi đến không phải để thăm cô. Tôi đành đứng lại, nói: “Y Y, thật tình tôi đến thăm cô”. Cô cười nhạt: “Hình như đến để chê cười tôi thì phải”. Tôi cố tình nói to: “Cô có còn câu nói nào tử tế nữa không”. Thấy tôi nổi nóng, cô dịu giọng, mời tôi ngồi chơi cờ. Tôi không chơi, vì tôi không phải là đối thủ của cô. Bất chấp lời từ chối của tôi, cô lấy bàn cờ ra, một tay quân đen, một tay quân trắng, giúp tôi đánh cờ, giống như người bị thần kinh, cô cứ lẩm bẩm: “Em đoán anh sẽ đi thế này... anh đi quân ấy em đi quân này... đi quân này... trình độ anh nhất định đi quân này, thật ra nước cờ đi rất dở, nhưng không có cách nào khác, trình độ anh là thế...”. Cuối cùng, tôi đành cầm cờ chơi với cô.

Chơi một lúc, bàn cờ rơi đầy nước mắt của Y Y - bệnh cũ lại tái phát! Lại trách tôi tại sao không yêu cô.

Tôi nói: “Chúng ta không nói chuyện ấy, có được không?”.

Y Y nói: “Em nói. Anh phải trả lời em, tại sao anh không yêu em?”.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói: “Vì trong tim tôi đã có người khác”.

Cô mở to mắt, nhìn tôi: “Ai? Người trong di ảnh ấy à?”.

Tôi gật đầu.

“Anh không thấy vớ vẩn à?”.

“Tôi cảm thấy... người chết vẫn chưa an táng mà đã vui vẻ với người khác mới là chuyện vớ vẩn”.

Y Y cười nhạt: “Hừm, người chết rồi, không an táng, vẫn để đấy, anh nghĩ rằng như thế là tôn trọng người chết hay sao?”.

“Còn đang chờ ngày”.

“Ngày nào, giỗ đầu hay sinh nhật, hay ngày Mồng một tháng Tám thành lập quân đội, hay Quốc khánh?”.

“Đều có thể”.

“Hay là chờ đến ngày chúng ta phá được khóa mật mã Quang phục?”.

“Đúng!”.

Đôi mắt Y Y chợt sáng lên lạ kì, nhìn tôi hồi lâu, nói: “Ý của anh là... phá được khóa mã Quang phục, anh sẽ yêu em?”.

Tôi cười đau khổ: “Tại sao suốt ngày cô cứ nói đến yêu đương, chả nhẽ yêu lại quan trọng đến thế cơ à?”.

Y Y hỏi ngược lại: “Lẽ nào còn có gì quan trọng hơn tình yêu?”.

Tôi nói: “Tất nhiên, đối với tôi, phá khóa mật mã Quang phục là quan trọng nhất trong lúc này, quan trọng hơn tất cả điều quan trọng cộng lại. Nếu nói yêu, thì đấy là tình yêu lớn nhất, là thể hiện cụ thể tình yêu nước, yêu Đảng, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội”.

Y Y nói: “Nhưng Đảng, đất nước, nhân dân, chủ nghĩa xã hội không bảo anh phải yêu họ rồi mới có được tình yêu khác”.

Tôi nói: “Những tình yêu khác phải phục tùng những tình yêu ấy, lúc này tôi chỉ nghĩ đến phá khóa mã Quang phục, ngoài ra không còn nghĩ đến gì khác”.

Y Y nói: “Em cũng nghĩ đến phá mật mã Quang phục, hơn nữa em tin rằng nếu anh đáp ứng yêu cầu của em, nhất định em sẽ phá được”.

Tôi nói: “Chỉ cần cô không nhắc đến việc yêu hay không yêu, còn thì, vấn đề gì tôi cũng sẵn sàng đáp ứng”.

Y Y nói: “Lúc này em không có bất cứ yêu cầu gì, nếu em không phá được mật mã Quang phục, em cũng sẽ không có yêu cầu gì khác; nhưng nếu phá được mật mã Quang phục, anh phải đáp ứng cho em một yêu cầu”.

Tôi hỏi: “Yêu cầu gì?”.

Y Y nói: “Lấy em! Anh lấy em!”.

Tôi biết nói thế nào? Nói thật, yêu cầu ấy không có gì là quá đáng, Bỉnh mù lập công cho 701, tổ chức cưới vợ cho anh, nếu Y Y phá được mật mã Quang phục, lập công còn to hơn Bỉnh. Đến lúc ấy, cô nêu yêu cầu gì chúng tôi cũng sẵn sàng đáp ứng, chỉ cần không vi phạm pháp luật, huống chi là tôi. Cô phá được mật mã Quang phục, tôi là người trực tiếp hưởng lợi, dù công hay tư tôi cũng không có lí do từ chối cô. Nếu không có tình cảm riêng tư, tôi sẽ không do dự đáp ứng yêu cầu của cô, cho dù không yêu, tôi cũng sẵn sàng lấy cô làm vợ, hơn nữa, tôi... có lí do gì để không yêu? Xinh đẹp, tài hoa, tình cảm, liệu có anh đàn ông nào không rung động trái tim trước một người phụ nữ như vậy? Tôi dám nói, hễ là đàn ông thì đều thích cô. Nếu nói về tác phong cô hơi có vấn đề, cũng là vì nhiều đàn ông thích cô, thu hút cô quá nhiều. Thêm vào đấy, cô có thời gian ở nước ngoài khá lâu, quan niệm về quan hệ trai gái có phần tùy tiện. Để lấy làm vợ, tất nhiên đấy là khiếm khuyết, nhưng tôi cho rằng, đối với một người đàn ông, ưu điểm của cô vượt xa những khuyết điểm kia. Cho đến nay tôi có thể nói, nếu cô phá được mật mã Quang phục, cho dù cô không có ưu điểm lại có vấn đề về tác phong, giống như Lâm Tiểu Phương vậy, tôi sẵn sàng hiến thân cho một vị anh hùng.

Nhưng tôi... không thể.

Tại sao?

Vì thật ra Vũ chưa chết!

Anh không biết đâu, đấy là một sự lừa dối, Tổng cục dựng nên màn kịch lừa dối, mục đích là để sau khi tôi về nước, Vũ làm điệp báo với thân phận tuyệt mật. Sau khi Vũ “chết”, cô đổi họ thay tên, từ Matxcơva về Peterburg, từ một nhân viên ngoại giao công khai của sứ quán trở thành người buôn lậu vũ khí, cùng sống chết ra vào với Phi Cơ, chìm nổi trong nghề tình báo. Hồi ấy, ngoài một vài vị lãnh đạo đặc biệt ở Tổng cục ra, không ai biết bí mật ấy, kể cả Thủ trưởng La, kể cả tôi ban đầu cũng không biết. Tại sao tôi biết? Ông Thiết nói với tôi. Có thể ở Bắc Kinh ông Thiết phong thanh nghe thấy chuyện Y Y ráo riết theo đuổi tôi, nên đã nói sự thật với tôi. Hôm ấy, bà La giao tài liệu bí mật cho tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên, và cũng hiểu rằng, tại sao hồi đầu tổ chức lại cố tình để tôi đem hộp “tro hài cốt” về nước, tại sao Bộ Ngoại giao lại tổ chức lễ truy điệu long trọng như thế (được đưa tin lên báo), sau đấy lập bàn thờ trong nhà tôi... tất cả đều cố tình làm rùm beng để lan truyền tin Vũ đã “chết”. Chúng tôi cần để nhiều người biết vợ tôi đã chết, theo một ý nghĩa nào đấy, như vậy Vũ sẽ an toàn hơn. Ngược lại, thêm một người biết chuyện, sự an toàn của Vũ càng bị đe dọa thêm một chút.

Nhưng tối hôm ấy tôi không còn cách nào khác, Y Y đẩy tôi đến đường cùng, tôi chỉ có hai lựa chọn: thứ nhất, đồng ý với yêu cầu của Y Y, cô phá xong khóa mã Quang phục tôi sẽ lấy cô; thứ hai, nói rõ sự việc để tình yêu của cô dành cho tôi chết hẳn. Tôi chọn cách thứ hai, vì tôi biết lựa chọn thứ nhất là không thể, làm như vậy sẽ gây tổn thương lớn cho cô. Như vậy tôi đã lừa dối cô gấp bội, cô cũng sẽ bị tổn thương gấp bội, tôi không đành lòng. Cuối cùng, sau khi cô đứng trước chân dung Chủ tịch Mao thề độc (giữ bí mật, tuyệt đối không nói với ai), tôi nói rõ sự việc với cô. Cô tưởng như kinh hãi trước sự thật ác nghiệt ấy, yếu ớt nhìn tôi hồi lâu không nói nên lời. Sau đấy, bỗng như bùng nổ, kêu lên một tiếng rồi khóc thật to, hai tay ôm mặt, lảo đảo bước ra cửa, tôi gọi thế nào cô cũng mặc.

Tối hôm ấy, tôi cứ quẩn quanh ngoài nhà cô rất lâu, cho đến khi thấy đèn trong nhà đã tắt, không thấy có gì bất thường tôi mới về. Có thể hình dung, tôi đã cho cô một đòn choáng váng, từ đó về sau cô sẽ không ảo tưởng đến tôi nữa. Điều tôi không hình dung nổi là cô sẽ đối xử với tôi thế nào? Liệu có tức giận bỏ 701 mà đi không? Cô rất kiên quyết, không tính đến hậu quả, tôi lo cô sẽ có những hành động quyết liệt, khiến tổ chức và bản thân cô đều bị liên lụy. Bởi vậy, ngay trong đêm đó, tôi viết cho cô một bức thư dài, nhét vào khe cửa nhà cô, mong cô xử sự đúng đắn.

Không biết có phải vì tác dụng của lá thư hay do nguyên nhân nào khác, sáng hôm sau thấy cô đi làm đúng giờ, tôi vui mừng khôn xiết. Nhưng tôi phát hiện cô đã thay đổi, không còn vui vẻ như trước, mà trở nên trầm mặc, lạnh lùng, nhất là đối với tôi, ánh mắt lạnh nhạt khiến tôi cảm thấy hoang mang, không yên tâm.

Một buổi chiều, chúng tôi mở một cuộc họp, chủ yếu để phân tích cái được cái mất trong lần thất bại của Y Y, đồng thời tìm lối đi mới. Y Y từ đầu đến cuối buổi họp không nói năng gì. Tôi nêu ra hai điểm: Thứ nhất là vấn đề phân tích, đây là thành tích của mọi người, hệ số phân tích của chúng ta lúc đầu không đến hai phần nghìn, bây giờ đạt đến năm phần nghìn, tốc độ và diện tăng trưởng thật đáng mừng. Nhưng từ góc độ phá khóa mã, tuy tỉ lệ phân tích có lên, nhưng hàm lượng vàng trong phân tích vẫn chưa cao. Tại sao? Những chữ, những từ, những con số mới chúng ta phân tích được, còn rất ít, đại bộ phận chữ và từ đều là phiên hiệu quân đội, tên người, ngày tháng. Tôi thống kê sơ bộ, những chữ và từ danh xưng ấy chiếm đến 87%. Điều này chứng tỏ kết quả phân tích của chúng ta không đều, đấy là tình hình không tốt cho công tác phá khóa. Tình hình tốt, tỉ lệ phân tích không nhất thiết cao, nhưng phải đều, vẫn còn quá nhiều điểm đen, đấy là “đất chết”. Điểm thứ hai tôi yêu cầu, có thể là một yêu cầu nghiêm khắc, muốn phòng phân tích đưa tất cả những bức điện đã phân tích về phân tích lại. Tôi làm như vậy là xuất phát từ suy nghĩ mười ngày nửa tháng chúng ta mới được đọc báo chí nước ngoài, một số đầu mối phản ánh tức thời bị mất, đọc lại báo trong những ngày đó rồi phân tích có thể có phát hiện mới.

Sự thật đã chứng minh, suy nghĩ của tôi là đúng, chất lượng phân tích điện mật từ đấy có chuyển biến. Nhị Hồ là người hưởng lợi đầu tiên, mấy hôm sau anh đến tìm tôi, báo tin vui: Anh đã đọc được một bản điện mật hoàn chỉnh. Nội dung điện mật như sau: “Sói già, Nghiệp đã lên đường, đến chỗ cũ chờ, biếu chuối tiêu...”.

Đấy là việc của Nhị Hồ, dựa vào hiểu biết tình hình địch và những tư liệu tích lũy bấy lâu, có thể xây cao ốc trên đất bằng, giống như một nhà văn thiên tài, không hiểu văn chương chữ nghĩa nhưng vẫn có thể viết sách. Hai mươi năm trước, trong khi tình hình mật mã chưa có kĩ thuật tăng độ mật, chưa số hóa, đọc được một bức điện mật có giá trị nhiều mặt, nó có thể xuất hiện hiện tượng đô-mi-nô, theo đó có thể làm cho đổ bể toàn bộ mật mã.

Vì vậy chúng tôi lại nhóm họp để thảo luận bức điện mật Nhị Hồ đã đọc được. Nhưng Y Y không coi thành tích của Nhị Hồ là gì, trong cuộc họp cô phát biểu: “Trước tiên tôi chúc mừng anh Hồ đã thực hiện đột phá số không, lần đầu tiên giải mã hoàn chỉnh một bức điện mật, nghe nói, các bộ phận hữu quan đã chứng minh tính chính xác của bức điện. Nhưng anh Hồ theo đó để nhận định công việc phá khóa mật mã đã có bước đột phá lớn, đồng thời đưa ra đề nghị thiết thực cho bước tiếp theo, điều này tôi không dám tùy tiện đồng ý. Theo tôi, đấy chỉ là một bức mật điện đơn thuần, không có ý nghĩa thực tế đối với việc phá khóa mật mã Quang phục, chẳng qua chỉ là một sợi lông của con bò, mong thông qua một sợi lông để tóm hẳn một con bò là không thực tế, chúng ta chớ vội lạc quan, càng không nên quyết định một cách dễ dãi để rồi đưa công việc phá khóa mật mã vào ngõ cụt”.

Nhị Hồ không nhịn nổi, anh bác bỏ: “Đấy là bò của cô, trước đây chúng tôi đã thông qua mấy cái lông bò để có hẳn một con bò rồi đấy”.

Y Y nói: “Đấy là trước kia, lúc ấy mật mã chủ yếu do con người thiết kế, từ một bức điện mật dẫn đến bức thứ hai, thứ ba, thứ tư, khả năng ấy hoàn toàn có. Mật mã bây giờ được số hoá, nếu anh muốn được một đến trăm thì phải từ nguyên lí và công thức, trình tự toán học để phá tận gốc, nếu không một chỉ là một, hai chỉ là hai, đừng mong được một rồi sẽ được hai, ba. Cho nên, tôi đề nghị anh Hồ đừng say sưa với nó”.

Nhị Hồ nhìn Y Y, muốn cô chỉ ra một lối đi mới. Cô chìa hay bàn tay, nói: “Hết!”.

“Cho nên, tôi nói cô không phải là người nhìn xa trông rộng”. Nhị Hồ nói không chút khách khí. “Hãy thiết thực từ góc độ tư liệu và liên lạc tình báo để bắt tay vào việc, hãy từ những bức điện cụ thể để vào việc, giải mã được một bức tức là thu hoạch được một bước, tôi tin rằng lượng tích lũy đến một mức độ nào đó, sẽ có sự thay đổi về chất”.

Y Y nói: “Tất nhiên, nếu anh giải mã hoàn chỉnh được cả chục nghìn bức điện mật như thế chắc chắn đấy là công lớn. Nhưng mà, chờ cho đến khi chúng ta tích lũy được một lượng lớn như thế, mật mã này có thể đã quá thời hạn sử dụng, bị vứt bỏ đi rồi. Tôi vừa nói, chúng ta không nên trông chờ bức điện mật này như là một con gà có thể từ đẻ trứng, có thể một biến thành ba. Không thể. Nó là nó. Một con gà vừa không đẻ được trứng, lại không thể biến thành phượng hoàng. Anh Hồ, anh thử nghĩ, cứ coi như mỗi tuần anh giải được một bức điện, vậy bao giờ mới được một nghìn bức đấy?”.

Nhị Hồ bực bội: “Đây chỉ là cái lý thuyết luẩn quẩn mù quáng của cô”.

Y Y cao giọng: “Tại sao gọi là luẩn quẩn mù quáng?”.

Tôi ngửi thấy ở đấy có mùi thuốc súng, vội đứng ra hòa giải. Y Y vẫn một mực chưa chịu, giọng cay nghiệt: “Anh Hồ, không giấu gì anh, công việc anh làm trước kia gọi là dịch mật mã, còn hiện nay là làm công việc của người thợ phân tích bậc cao”.

Nhị Hồ kinh ngạc: “Cô nói sao? Tôi làm công việc của người thợ phân tích bậc cao à? Trong cái khu nhà kia có biết bao nhiêu thợ phân tích, tại sao đến lúc này vẫn chưa giải mã được một bức điện mật nào? Ngày nào cô chẳng đọc báo cáo phân tích của họ, được mấy phần nghìn của một chữ, một từ, thỉnh thoảng lại còn râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Y Y nói: “Cho nên họ chỉ là những người phân tích bình thường, còn anh là thợ bậc cao”.

Nhị Hồ bực tức đứng bật dậy, hầm hầm nhìn Y Y: “Vâng, cảm ơn cô đã thẳng thắn, tôi cũng có một câu thẳng thắn muốn nói với cô”.

Y Y nói: “Xin mời, tôi rửa tai xin nghe đây”.

Nhị Hồ nghiến răng: “Cô mà phá được khóa mật mã Quang phục, thì...”

Y Y rất hứng thú nhìn Nhị Hồ, nói: “Thì sao?”.

Nhị Hồ nhìn thẳng vào Y Y, chìa tay ra, nói: “Tôi dùng bàn tay này làm chảo để cô rán cá”. Y Y cười, đáp lời: “Hãy chờ đấy, cá ấy sẽ rất ngon, biết đâu còn thơm mùi thịt của anh”. Nhị Hồ bực tức bỏ đi.

Sau buổi họp, Nhị Hồ đến phòng làm việc của tôi, anh thở hổn hển, càu nhàu với tôi, trách Y Y quá quắt. Tôi nói đỡ cho cô mấy câu, Nhị Hồ không bằng lòng, trách tôi: “Không phải tôi nói anh, nhưng nhiều lúc anh cả tin, nhân nhượng cô ta quá mức, như vậy không hay. Ví dụ lần này, tôi rất buồn, tìm chìa khóa trước khi giải mã hoàn toàn là cách làm ngược, vậy mà anh còn ủng hộ cô ta. Anh coi cô ấy như thần tiên, kết quả là cô ta biến anh thành con rối”.

Tôi nói: “Thế nào gọi là làm ngược? Đấy là cách làm mới mà”.

Nhị Hồ nói: “Mới gì? Đấy là con đường chết. Hừm, tôi làm cái nghề giải mã này hai chục năm nay, chưa bao giờ nghe nói phải tìm chìa khóa mã trước. Chìa khóa mã là cái gì? Là chìa khóa của ma quỷ, cứ coi như cho anh chìa khóa để anh mở cửa vào, nhưng cái chúng ta cần là két sắt bảo mật, anh không mở được két bảo mật, dù có vào được cửa cũng không để làm gì. Ngược lại, tôi chỉ cần mở được két bảo mật, không có chìa khóa cửa tôi vẫn đập vỡ kính cửa sổ để vào”.

Tôi lắc đầu, lặng lẽ nhìn Nhị Hồ. Xem ra Nhị Hồ đã già rồi, anh không biết rằng, mấy năm nay cùng với kĩ thuật máy tính điện tử của phương Tây, nghiên cứu thiết kế mật mã và phá khóa mật mã đã có một cuộc cách mạng lớn. Bây giờ chìa khóa mật mã và mật mã đã hợp nhất thành một khối, giống như kĩ thuật hợp kim, nhôm và sắt hợp thành một loại vật liệu mới, anh làm sao tách nó ra nổi?

Hôm ấy, sau khi nói chuyện với Nhị Hồ, tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ phải đi Liên Xô một chuyến. Ông Androv không trả lời thư tôi, chẳng nhẽ tôi không thể đích thân đi Liên Xô tìm ông được sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Lắng Nghe Trong Gió Quyển 2 - Chương 21

Có thể bạn thích