DocSachHay.net
ước lên cầu thang, Golyadkin thấy bình tĩnh trở lại. Chàng tự mắng thầm: “Đồ ngu, mình dẫn hắn đi đâu đây? Tại sao mình lại phải đưa đầu vào tròng như thế này? Petrushka mà thấy được hắn sẽ nói làm sao? Thằng vô dụng đó sẽ tưởng tượng ra những cái gì? Cái thằng thô lỗ mà lại đa nghi đó?”.

Nhưng đã quá trễ để đổi ý. Golyadkin gõ cửa. Cửa mở. Petrushka giúp khách cởi áo ngoài. Golyadkin liếc Petrushka, cố đoán hắn đang nghĩ gì. Nhưng chàng ngạc nhiên khi thấy gã giúp việc không lộ vẻ gì kinh ngạc. Hắn còn có vẻ như đang đợi việc này xảy đến. Dĩ nhiên lúc này hắn cũng vẫn có cái nhìn như chó sói đang muốn thịt con mồi.

Golyadkin nghĩ ngợi.

“Có phải ai đã mê hoặc chúng không? Phải có quỷ ám chúng rồi. Coi bộ chúng bất thường quá. Quỷ thần ơi!”.

Golyadkin nghĩ như vậy lúc đưa khách vào phòng và mời ngồi. Khách có vẻ như đang bối rối lắm. Anh ta ngượng ngùng theo dõi từng cử chỉ của Golyadkin, nhìn vào mắt Golyadkin như muốn được biết chàng đang nghĩ gì. Có một vẻ gì như rụt rè, bị dồn ép, sợ sệt trong cử chỉ của anh ta, nếu lấy một hình ảnh khác để so sánh thì anh ta trông giống như một người không có quần áo phải mặc quần áo của kẻ khác mà lại nhận thấy tay áo quá dài phủ luôn cánh tay trong khi vạt dưới lại cao lên đến cổ nên cứ phải kéo xuống, vừa cố che giấu cử chỉ lố bịch của mình lại vừa liếc xem có ai cười nhạo không - và mặt anh ta đỏ như gấc, mất cả tự tin.

Golyadkin đặt nón ở cửa sổ. Nón rơi xuống sàn. Khách vội vã chạy đến nhặt lên, phủi bụi và đặt vào cạnh cửa. Nhưng rồi lại đặt xuống gần ghế nơi anh ta đang khép nép ngồi.

Việc bất ngờ này cho Golyadkin thấy là người kia đang cần đến mình. Vì vậy chàng không lo phải mở đầu cuộc nói chuyên như thế nào. Cứ để mặc y nhưng khách không hiểu vì rụt rè hay nghĩ là nên lịch sự đợi chủ nhân mở lời trước cũng ngồi im. Lúc đó, Petrushka xuất hiện, nhìn vào góc phòng nơi chủ khách đang ngồi trơ ra, hỏi giọng bẳn nhẳn:

- Tôi có phải dọn hai phần ăn không?

- Không rõ... Bạn thế nào?... Thôi được, cứ dọn hai phần ăn.

Petrushka bước đi. Golyadkin liếc sang khách. Anh ta đỏ mặt. Là người tử tế, Golyadkin nghĩ ngay ra một giả thuyết: “Thật là một kẻ khốn khổ” chàng nghĩ “Đúng là ngày đầu đi làm việc. Chắc anh ta cũng đã khổ nhiều. Có lẽ cái bộ đồ coi được trên mình là tất cả tài sản của anh ta. Anh ta cũng không có tiền ăn. Nhìn xem, thật tội nghiệp. Mà thôi đừng thắc mắc nữa. Thà như vậy còn hơn...”.

Golyadkin mở đầu:

- Xin lỗi... Ông có thể cho biết quý danh...?

- Tôi... Tôi tên Yakov Petrovich Golyadkin - Khách trả lời nhỏ, như hổ thẹn vì cũng được gọi là Yakov Petrovich Golyadkin và cầu mong một sự tha thứ.

- Yakov Petrovich! - Người hùng của chúng ta lặp lại, không giấu nổi sự ngạc nhiên.

- Vâng, đúng vậy. Tôi trùng tên với ông.

Người khách rụt rè của Golyadkin trả lời, lần này đã dám nở nụ cười, nói nhỏ nhẹ. Nhưng lại bối rối ngay vì thấy chủ nhân không đùa.

- Tôi muốn hỏi vì sao tôi được cái hân hạnh...

- Biết ông tử tế và rộng lượng - Khách hơi nhổm người, nói nhanh dầu vẫn còn nhút nhát - tôi bạo gan tìm đến ông để có được sự quen biết và che chở...

Anh ta lộ vẻ khó khăn trong việc tìm chữ cho thích hợp và cố nói sao cho đừng khúm núm cũng như đừng tự hạ mình, như là điều đó có thể khiến anh ta thấy xấu hổ, nhưng đồng thời cũng không dám mong sự ngang hàng. Nghĩa là bộ anh ta như một người ăn xin no đủ, và chưa điêu luyện trong việc ngửa tay xin tiền.

Golyadkin dựa vào vách, nhìn mình rồi nhìn khách:

- Tôi vẫn thấy băn khoăn... Với khả năng của tôi, tôi giúp gì được cho ông?

- Yakov Petrovich, tôi thấy thân thiết ngay với ông. Xin ông tha lỗi, vì tôi đã hy vọng, đã dám hy vọng... Yakov Petrovich ạ, tôi nghèo quá, và ở đây tôi hoàn toàn bơ vơ, xa lạ. Khi tôi nghe nói là ngoài sự tử tế ra, ông lại còn trùng tên với tôi (Golyadkin nhăn mũi khó chịu) và cũng như tôi, từ một nơi khác đến, tôi quyết định đi tìm ông và giải thích hoàn cảnh khổ sở của tôi.

- Được rồi, được rồi, thật tôi cũng chẳng biết nói sao bây giờ - Golyadkin bối rối - Hãy dùng bữa trước đã, nói chuyện sau.

Khách gật đầu, và bữa ăn được mang lên. Petrushka dọn bàn, rồi chủ lẫn khách cùng ăn. Bữa ăn không kéo dài lâu, cả hai ăn vội vàng, chủ thì áy náy vì bữa ăn quá nghèo nàn - chàng muốn cho khách ăn ngon để y thấy chàng sống không quá tệ. Còn khách thì vô cùng luống cuống. Vừa ăn xong một mẩu bánh, anh ta không dám đưa tay lấy mẩu khác, viện lẽ là mình không đói mặc dù bữa ăn rất sang trọng, và anh ta rất hân hạnh đã được mời và sẽ biết ơn mãi. Khi cả hai ăn xong, Golyadkin đốt thuốc mời khách. Hai người ngồi đối diện nhau, và khách bắt đầu kể câu chuyện của mình.

Khách phải mất ba hay bốn tiếng đồng hò để kể. Tuy nhiên chỉ toàn những chuyện vặt vảnh để che giấu một gốc gác bỉ ổi. Có tòa án, có nguyên cáo, quan tòa, mưu mô lũng đoạn, vài viên chức tòa án, một thanh tra. Rồi một sự thay đổi thống đốc bất ngờ đã khiến ông Golyadkin thứ hai trở thành một nạn nhân vô tội và đem lại sự khốn khổ cho bà cô già cả Pelageva Semyonova của ông. Vì kẻ thù mà mất việc làm, anh ta phải lội bộ đen Petersburg, nơi trong một thời gian dài anh ta không kiếm ra được một công việc làm và đã phải chịu khổ sở khi cạn tiền. Hầu như anh ta phải ngủ ngoài đường, ăn bánh mì khô, vừa ăn vừa nuốt lệ, nằm trên sàn nhà bỏ hoang... Sau cùng có người tử tế giúp đỡ và giới thiệu việc làm cho anh ta.

Khách luôn luôn chậm nước mắt với chiếc khăn tay xanh trông giống hệt giẻ lau bàn. Anh ta kết luận là hiện giờ anh ta không có phương tiện sinh sống, không tiền thuê phòng hay thậm chí chỉ để mua quần áo, và anh ta không thể có nổi một đôi giày lịch sự, còn cái áo choàng chỉ là thuê đâu đó trong một thời gian ngắn.

Golyadkin cảm động thực tình. Và dầu câu chuyện có đôi chút nhảm nhí lẩm cẩm, nhưng mỗi chữ cũng như một lời nói thiêng liêng dội vào lòng chàng. Golyadkin đã quên hết mọi nghi kỵ. Chàng để tình cảm lấn lướt và cuối cùng cho rằng mình quả là thằng điên. Mọi việc xảy đến rất tự nhiên. Dĩ nhiên cái trớ trêu vẫn còn đó nhưng không có gì đáng ngại cả. Làm sao danh dự và khả năng của một người có thể bị hoen ố và mai một bởi điều mình không gây ra, mà do tạo hóa sắp đặt? Lại nữa, khách đang cầu mong một sự che chở, đang khóc lóc than van cho số phận tàn nhẫn, rõ ràng là một người bơ vơ, một kẻ vô hại, không điêu xảo, một kẻ yếu đuối đáng thương đang bị khủng hoảng vì sự tương tự lạ lùng với chủ.

Khách tỏ vẻ đứng đắn, lo lắng lấy lòng chủ, và có cái nhìn của một người mang mặc cảm tội lỗi trước người khác. Chẳng hạn khi nói đến một điểm gì đáng bàn cãi thì khách lật đật đồng ý với chủ, và nếu lỡ khi nào khách bày tỏ một quan niệm mà Golyadkin không hưởng ứng thì khách vội vã rút lại lời nói và tuyên bố là sự thật mình cũng đồng ý với chủ. Tóm lại khách làm đủ cách để Golyadkin vừa lòng và Golyadkin cuối cùng nghĩ rằng khách quả là một bạn thiết của mình.

Khi trà được đem lên thì cũng gần 9 giờ. Golyadkin thấy vui sướng vô cùng. Chàng rất thoải mái và nói chuyện với tất cả hăng say. Chàng thích kể chuyện vui khi quá hứng thú, và bây giờ chàng đang kể cho khách nghe về những cái vui đẹp của Petersburg, về những hí viện, những hội quán, về bức họa “Ngày tàn của thành phố Pompei” của Bruylov, về hai người Anh đến Petersburg chỉ để nhìn những thiết lộ vùng Gerden mùa hè, nhìn rồi lại đi ngay, về sở làm, về Olsulfy Ivanovich và Andrei Filipovich; sự tiến bộ toàn hảo của nước Nga với sự phát triền về mặt nghệ thuật và nhân văn; về câu chuyện con trăn khổng lồ được tìm thấy ở Ấn Độ mà chàng mới đọc ở miền bắc Bee; về một nhà phê bình văn học có bí danh nam tước Brambeus v.v... Tóm lại Golyadkin rất hài lòng vì trước hết chàng thấy vững bụng, thứ đến không những chàng không còn thấy sợ hãi kẻ thù mà chàng còn muốn thách thức bọn chúng trong một trận thư hùng tàn khốc, và sau cùng là chàng có người để che chở đồng thời cũng làm được một việc thiện.

Tuy vậy, chàng cũng thấy như có con mối đang gặm nhấm quả tim mình - ôi, chỉ một con bé tỉ xíu - nhưng đủ khiến chàng không sao vui được trọn vẹn. Nhớ đến bữa tiệc tại nhà Olsufy Ivanovich, chàng vẫn còn thấy xót xa. Chàng có thể cho hết tất cả để những việc đó không xảy ra.

Nhưng rồi chàng lại nghĩ “có quái gì đâu?” Và quyết từ rày về sau sẽ khôn ngoan hơn và không bao giờ lầm lạc như vậy nữa.

Vì quá hứng và sung sướng, Golyadkin quyết định nếm chút mùi vị cuộc đời. Petrushka mang rượu Rhum lên và cả hai cùng pha. Rồi chủ và khách cùng cạn ly. Khách trở nên thân mật hơn, luôn luôn tìm cách chứng tỏ sự thành thật và dễ dãi của mình. Anh ta cùng vui với Golyadkin và lộ vẻ vui sướng thấy Golyadkin hài lòng, và nhìn chàng như ân nhân thật sự của mình. Một lần anh ta lấy một mảnh giấy và một cây bút, bảo Golyadkin quay đi khi anh ta viết gì đó, viết xong anh đưa cho ta Golyadkin xem, đó là một bài tứ cú viết với tình ý tràn trề, thể thơ nhẹ nhàng và nét chữ bay bướm. Rõ ràng do chính khách sáng tác:

Nếu bạn có bao giờ quên tôi

Phần tôi tôi sẽ không sao quên được

Bởi cuộc đời nhiều biến cố đối dời

Hãy nhớ rằng đôi ta đã có lần hội ngộ

Golyadkin ôm chầm lấy khách, mắt đẫm lệ, cảm động thực sự, rồi chàng kể cho anh ta nghe những chuyện thầm kín riêng tư của mình, trong đó Andrei Filipovich và Klara Olsufievna được nhắc nhở nhiều nhất.

Chàng vỗ về khách:

- Yakov Petrovich, chúng ta sẽ thân nhau là cái chắc. Chúng ta sẽ sống bên nhau như cá với nước, như anh em. Có việc chúng ta sẽ bàn tính với nhau, đếch cần ai cả. Yakov Petrovich, đừng bao giờ tin ai hết. Tôi biết bạn rõ, hoàn toàn hiểu bạn. Bạn là người luôn luôn đi kiếm kẻ khác để thố lộ tất cả những gì trong lòng mình. Bạn quả thực thà, không tinh ranh chút nào cả. Đừng, đừng gần gũi họ...

Khách hoàn toàn tán đồng. Anh ta cám ơn Golyadkin nhiều lần và cuối cùng bật khóc.

Với giọng xúc động, Golyadkin gọi khách với tên tắt thân mật:

- Yasha, sao không đến ở với tôi? Nhất định chúng ta sẽ rất sung sướng. Sao, bạn nói gì? Đừng để sự trùng hợp lạ lùng đó làm phiền bạn. Yasha, phản kháng làm gì? Đó là một việc tự nhiên. Hơn nữa, để tôi nói bạn nghe, Tạo Hóa rất rộng lượng. Tin tôi đi, tôi nói vậy tự đáy lòng tôi đó. Giống như anh đối với em. Nhớ là chúng ta sẽ bàn định với nhau. Sẽ diệt hết chúng nó cho chúng nó thấy.

Khi cả hai đã cùng cạn ly thứ ba, rồi thứ tư, Golyadkin có hai cảm giác: chàng thấy sung sướng tột độ rồi thấy mình đứng không vững nữa. Khách đương nhiên ngủ lại mà khỏi phải mời. Hai chiếc ghế đặt sát lại thành một chiếc giường tạm. Khách nói với Golyadkin rằng dưới mái nhà của một người bạn chỉ cần nằm trên sàn nhà cũng đủ ấm êm rồi. Anh ta ngủ nơi nào cũng được và cũng lấy làm biết ơn. Bây giờ anh ta thấy như mình đang ở trên thiên đàng. Anh ta đã chịu nhiều bất hạnh và khổ cực trong đời, nhưng ai biết được tương lai sẽ ra sao? Biết đâu anh ta sẽ lại còn phải chịu như vậy?

Golyadkin phản đối quan niệm bi quan đó và cho rằng con người phải đặt lòng tin vào Thượng đế. Khách đồng ý ngay và nói dĩ nhiên không ai có thể như Thượng đế được. Điều này khiến Golyadkin nghĩ rằng trên một phương diện nào đó người Thổ đã có lý khi gọi Thượng đế ngay cả trong giấc ngủ. Thật ra chàng không hề a dua với một số học giả bài bác tiên tri Mohammed của Thổ, người mà Golyadkin xem như là một chính khách. Rồi từ điểm này Golyadkin nói đến một bài viết rất hay về một tiệm hớt tóc của người Algérie chàng đọc được trong phụ trương một từ báo.

Chủ và khách cùng cười đầu óc giản dị của người Thổ dầu thấy vẫn còn thua kém người Thổ ở đức tin cuồng nhiệt được hỗ trợ bằng nha phiến của họ.

Khách bắt đầu thay quần áo và Golyadkin bước ra sau vách ngăn, một phần vì lịch sự không muốn để cho kẻ khác phải áy náy vì không có được một bộ đồ dễ coi, phần khác muốn biết thái độ của Petrushka thế nào, để làm cho hắn vui, để ai cũng thấy sung sướng hài lòng. Nhưng phải nói là sự hiện diện của Petrushka vẫn còn khiến Golyadkin thấy khó chịu.

Chàng bước nhẹ vào phòng Petrushka và nói:

- Petrushka, mày có thể lui. Đi ngủ đi, mai sáng tám giờ đánh thức tao dậy. Hiểu chưa?

Golyadkin nói với giọng êm ái và thân thiện không ngờ. Nhưng Petrushka không trả lời. Y loay hoay bên cạnh giường, không cả nhìn chủ mà theo phép lý ra y phải nhìn. Y càu nhàu, nhát gừng:

- Dĩ nhiên là hiền. Chả có gì đặc biệt.

- Tốt lắm, Petrushka, tao nói vậy để mày khỏi lo, cho mày khỏe khoắn. Ai cũng sung sướng, tao cũng muốn mày như vậy. Chúc mày ngủ ngon. Chúng ta ai cũng phải làm để có ăn, và tao không muốn mày nghĩ rằng là...

Golyadkin ngừng lại, tự hỏi mình có đi quá xa chăng - “mình đi quá lố rồi” chàng nghĩ, và bước ra khỏi phòng Petrushka, bực bội với chính mình. Chàng thấy như bị xúc phạm bởi cái khô khan lãnh đạm của Petrushka. Chàng nghĩ thầm “Mình đang tử tế với thằng cục súc. Lẽ ra hắn phải vui sướng và vinh hạnh lắm, thế mà hắn lại không săn đón tí nào. Thôi mặc kệ, chắc thứ đó nó như vậy”.

Golyadkin trở về phòng, hơi nghiêng ngả, và ngồi xuống mép giường khi thấy khách sửa soạn đi ngủ.

Chàng lắc lư đầu, thì thầm:

- Yasha, bạn có thể cho rằng bạn là thằng du đãng và có lỗi với tôi. Để tôi nói cho bạn hay, hỡi người bạn cùng tên thân mến, bạn là một tên... bạn biết chứ?

Golyadkin thấy thích thú và dễ chịu với khách.

Sau cùng Golyadkin chào khách và đi nằm. Khách ngáy liền. Nằm thoải mái trên giường, Golyadkin mỉm cười nói thầm với mình “Mày say rồi, thằng mất dạy, Yakov Petrovich Golyadkin, mày say với chính cái tên của mày. Có quái gì đâu mà mày sướng thế? Ngày mai mày lại sẽ khóc, hỡi thẳng bé khóc nhè, rồi họ lại làm gì mày nữa đây?”.

Bỗng nhiên một cảm giác lạ lùng - vừa hối hận, vừa nghi ngại - xâm chiếm Golyadkin.

Chàng nghĩ:

- “Mình vừa quá lố rồi. Đầu mình quay cuồng, mình say rồi. Không tự kiểm soát nổi, đã nói bậy ít nữa là ba lần. Dầu nghĩ là mình thận trọng đi chăng nữa, và mình biết chắc là tha thứ và bỏ qua là đức tính đầu tiên, nhưng sao...”

Golyadkin nhổm dậy ra khỏi giường, tìm cây đèn và đi nhìn khách lần nữa. Chàng đứng trên đầu giường của kẻ ngủ say, thầm nghĩ “Thật coi không được! Chỉ là một trò đùa độc ác mà mình là nạn nhân. Đúng là thế”.

Rồi chàng trở về giường. Đầu chàng quay cuồng như có hàng vạn âm thanh đang khua động, đang kêu réo. Chàng bắt đầu chập chờn vào giấc ngủ, như đang muốn nhớ lại điều gì, nghĩ đến điều gì hào hứng, hay đang tự giải thích một chuyện gì quan trọng nhưng rắc rối, nhưng không thể làm gì được. Giấc ngủ đến với đầu óc lộn xộn của chàng, và chàng ngủ như một kẻ không biết uống rượu mà khi gặp bạn bè phải uống một lúc năm ly.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích