Ký sự pháp đình 2
Viết cho ngày 21-06

DocSachHay.net
ấy lâu nay, tôi thường thận trọng mỗi khi đặt bút viết về một con người - nhất là một bị cáo, một người tù. Nhưng có một lần, tôi đã phạm sai lầm. Trong một bài ký sự pháp đình, tôi có nhắc đến tên anh P. Cách đây 16 năm, P. bị kết án 20 năm tù, nhưng do cải tạo tốt, anh được tha trước thời hạn. Anh ra tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, nói những điều anh biết về vụ án. Nghĩ rằng anh đã là một công dân bình thường, đã trở lại với đời sống xã hội, tôi không một chút cân nhắc khi viết nguyên tên anh trong bài. Sau đó ít lâu, trong một lần tình cờ gặp tôi, P. nói sau khi ra tù, anh đã xin được việc làm ở một tổ hợp sản xuất, không ai biết quá khứ của anh, kể cả người bạn gái, công việc đang tốt đẹp. Bài báo của tôi đã làm hại anh. Mọi người bàn tán xầm xì, người ta e sợ anh, tuy chưa đến mức phải nghỉ việc, nhưng anh rất buồn. Tôi lặng người đi, muốn xin lỗi anh mà không thể thốt nên lời, vì tôi biết lời xin lỗi chẳng cứu vãn được gì! P. không phiền trách gì tôi, nhưng tôi ân hận mãi, tự giận mình vì một lỗi lầm không đáng có.

Tôi rất nhớ một bà già, bị ra tòa (phiên tòa ngày 27/10/ 1995) về tội chứa mại dâm và thêm tội chống người thi hành công vụ - vì đã níu kéo, la lối khi công an đến khám nhà. Cũng giống nhiều trường hợp tôi đã gặp, bà già kiếm tiền bằng cách ngăn nhà thành từng ngăn nhỏ cho gái mại dâm thuê tiếp khách, nghĩa là không phải vô tội nhưng cũng chưa đến mức tú bà. Trông bà chất phác, quê mùa. nhưng cô con gái ngồi phía dưới phòng xử án lại rất lanh lẹn, sắc sảo. Giờ nghị án, tôi hỏi chuyện cô gái. Cô nói cô cản ngăn hoài nhưng mẹ cô không chịu nghe, nên lần này phải ra tòa như vậy may ra bà mới chịu chừa. Khi biết tôi là phóng viên, không biết thú vị sao đó mà cô bật cười: “Trời ơi, chị là nhà báo hả? Mẹ tôi mà biết có nhà báo dự là bả sợ lắm!”. Tôi nói: “Công an bà còn không sợ, sao lại sợ nhà báo?”. Cô nói: “Bà sợ lên báo xấu hổ”. Trên kia, bà mẹ - có lẽ nghe loáng thoáng gì đó - kêu con gái lên hỏi nhỏ. Khi biết tôi là phóng viên, mặt bà xanh lè, ngó chừng tôi.

Cô con gái, có lẽ muốn trêu mẹ mình, nên càng làm già: “Chỉ tính đưa mẹ lên báo đó!”. Bà già chắp hai tay khẩn khoản: “Xin cô đừng đăng lên báo, xấu hổ lắm cô ơi!”.

Ngày 31/3/1998, TAND Thành phố Hồ Chí Minh xử vụ án làm hàng giả. Bị cáo là dược sĩ, liên kết với công ty Dược phẩm tỉnh Đ. sản xuất thuốc vệ sinh phụ nữ Gynofort. Bị cáo khai: theo hợp đồng, công ty chịu trách nhiệm tư cách pháp nhân, bị cáo cung cấp vốn, sản xuất, và bao tiêu sản phẩm. Sau một năm - lúc đó hợp đồng hết hạn, và công ty Đ. đã đổi tên - các hiệu thuốc mà bị cáo ký gởi đã trả lại số thuốc tồn đọng, hết “đát” sử dụng. Giá một chai thuốc là 2.300 đồng. Bị cáo mang thuốc về lọc bỏ cặn, pha thêm hương liệu, tái chế, vẫn sử dụng nhãn cũ của công ty Đ., mang đi bán được 160 chai, thì bị bắt.

Có hai yếu tố đủ để kết luận bị cáo phạm tội làm hàng giả sử dụng nhãn hiệu (cũ) của công ty khi hợp đồng đã hết hạn và thuốc kém chất lượng. Tuy nhiên, ngồi nghe chị khai trước phiên tòa, tôi rất băn khoăn. Thuốc Gynofort có hai chất chính là đồng sulfat, để chống nấm, sát trùng và acid boric có tác dụng điều hòa độ pH, hạn chế độ phèn trong trường hợp nguồn nước sử dụng có nhiều phèn. Những chai thuốc tái chế sau này, cơ quan kiểm nghiệm kết luận thuốc không đạt chất lượng vì thiếu mất acid boric. Chị nói chất chính của Gynofort là đồng sulfat, còn acid boric chỉ là chất phụ. Chị còn nói đối với mặt hàng thuốc sát trùng ngoài da, cứ áp dụng theo quy định chung thì thời hạn sử dụng là một năm nhưng trong Gynofort, đồng sulfat vẫn còn tác dụng. Điều thứ hai làm tôi suy nghĩ là những chai thuốc mà chị đem về “làm giả” cũng chính là sản phẩm của chị chớ không phải của ai khác.

Giờ nghị án, ôm con, đứa con nhỏ vừa mới được người nhà cho chạy lại bên mẹ, nước mắt chị ràn rụa. Tôi nói với chị nếu như chị cho rằng thuốc chị tái chế vẫn có tác dụng sát trùng tốt, thì chị nên chứng minh tại phiên tòa phúc thẩm. Chị hỏi tôi làm công việc gì? Tôi nói: “phóng viên”, chị im lặng hồi lâu rồi thốt lên: “Em khổ sở vì các báo. Năm ngoái, báo nào cũng đưa tin vụ án này, rồi viết trong mục ‘Gương mặt đen’.”

Dược sĩ làm thuốc giả! Trăm người như một chắc chắn sẽ lên án. Tôi cũng vậy, nhưng “tôi” trước khi dự phiên tòa và sau khi dự phiên tòa, đã khác nhau. Sau phiên tòa, tôi được biết về đồng sulfat và acid boric, nghe việc chị gom góp hơn 40 triệu đồng để đầu tư sản xuất, tiền chôn vào đó, hàng không bán được, hết “đát”, tâm lý tiếc của, cố vớt vát đồng vốn, dù biết việc mình làm là sai. Sau phiên tòa, cách nhìn nhận về “tội” có thể không khác trước, nhưng khác khi nhìn nhận con người.

A. giết người, B. cướp của, C. làm hàng giả, D. gây rối trật tự công cộng v.v... Những con người đã phạm tội, thậm chí tội ác, nhưng đó chỉ là một đoạn đời, một vết nhơ. Thậm chí nhiều vết nhơ đi nữa. thì cuộc đời họ vẫn còn có biết bao nhiêu thứ khác - mà có thể tôi, anh, chị, chúng ta... chưa được biết, còn tình yêu thương, còn ý thức danh dự, còn lòng tư trọng, còn lòng tin ở sự khoan dung và công bằng của con người.

Chú thích:

[1] Ngày 21-06: Ngày Nhà báo Việt Nam.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Ký sự pháp đình 2 Viết cho ngày 21-06

Có thể bạn thích