Ký sự pháp đình 2
Kẻ lừa đảo

DocSachHay.net
ột người đàn ông mặc áo tù dáng còm cỏi, chiếc đầu cạo trọc, tóc mới ra lún phún cho thấy đã bạc quá nửa, và một người đàn bà áo hoa đứng trước vành móng ngựa: đó là hai kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công dân, bị truy tố ở khoản 3 - trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, phiên tòa sơ thẩm ngày 17/4/1995, TAND Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi vốn không có thiện cảm đối với những kẻ lừa đảo, cho dù họ có đổ thừa hoàn cảnh thế nào đi nữa - nhất là khi nghe vị đại diện VKSND đọc cáo trạng buộc tội thì hành vi của các bị cáo bộc lộ một sự lừa dối chủ tâm. Căn nhà ở Tân Hòa Đông, Quận 6 của hai vợ chồng bị cáo T. H. Đ., N. T. L. T. đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án trong một vụ án dân sự. Nhưng trong một thời gian ngắn, từ tháng 3/1992 đến tháng 8/1992, hai người đã hứa bán cho bốn người khác nhau, nhận tiền cọc 72 chỉ vàng, rồi không làm thủ tục mua bán. Sau đó, hai người có trả lại được một ít, nhưng vẫn còn nợ 58 chỉ vàng.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Đ. nói cáo trạng có chỗ đúng, chỗ sai. Sai ở chỗ chị L., người mua đầu tiên, không phải mua để ở mà là người mua đi bán lại. Sau khi đặt cọc hai chỉ vàng, chị có dẫn khách tới coi nhà, nhưng hai, ba tháng sau vẫn không bán được, vì thế sự mua bán mới không tiếp tục. Người thứ hai đặt cọc một lượng vàng, nhưng làm giấy tờ không được (vì TAND Quận 6 đang giữ giấy chủ quyền nhà), sau khi dàn xếp, bị cáo đã trả lại tiền cọc. Người thứ ba là chị P. thì không có tiền để mua tiếp sau khi đặt cọc một lượng vàng v.v... Bị cáo Đ. cũng xác nhận những phần còn lại cáo trạng nêu là đúng, và thừa nhận việc đem bán căn nhà trong khi đang có lệnh kê biên là sai. Theo lời bị cáo, ông ta đã đem giấy tờ nhà thế chấp cho một cửa hàng cầm đồ, lấy 15 triệu đồng, và phải chịu lãi suất cao tới 10%, trả trước lãi hai tháng. Sau đó, do quá khó khăn, lại thêm bệnh tật nên ông ta đã bán nhà cho người thứ tư là chị M., nhận tiền cọc 5 lượng vàng. Tòa hỏi nếu như bị cáo đến TAND Quận 6 xin giải tỏa lệnh kê biên, tự bán nhà để giải quyết nợ thì đâu có phạm tội? Bị cáo trả lời ông ta có xin giải tỏa lệnh kê biên nhưng không được xét, nhưng thấy tổ thi hành án trả lại giấy chủ quyền nhà nên nghĩ rằng mình đã có thể bán nhà được. Bị cáo cũng nói “Tôi nói đây là nói thật thà, xin tòa xem xét chớ tôi không khai gian để nhẹ tội...” Tòa hỏi bị cáo bị truy tố tội lừa đảo có đúng không? Bị cáo thừa nhận đúng.

Đầu tiên khi mới ngồi dự phiên tòa, nhìn thấy Hội đồng xét xử năm người, nghe cáo trạng truy tố khoản 3 và có luật sư chỉ định, hẳn nhiên tôi cảm nhận đấy là một vụ lừa đảo nghiêm trọng. Nhưng cứ qua những lời trình bày của bị cáo thì những cảm giác nặng nề trong tôi được hóa giải dần dần. Người ngồi kế bên tôi cũng chia sẻ cảm giác này. Chị nói “Nếu như ông ta có ý định bán nhà thật thì sao?”. Quả tình có những yếu tố để nghĩ ông ta có ý định bán thật ở một vài trường hợp, nhưng cũng không thể loại trừ ý định lừa đảo, ở một số trường hợp khác... - Tôi nghĩ thế.

Sau đó Tòa thẩm vấn bị cáo T., làm rõ về số nợ thế chấp căn nhà. Trong hồ sơ vụ án lừa đảo của vợ chồng Đ.- T., ngoài bốn người mua nhà hụt còn có một “người bị hại” nữa. Người này vốn là một người cho vay, tên N. Bị cáo T. ký giấy vay nợ của N. số tiền 23,8 triệu đồng sau khi bản thân đã bị truy tố và chồng đã bị bắt giam, vì thế, đó là tình tiết tăng nặng tội. Nhưng thật ra - như bị cáo trình bày - không phải là bị cáo vay thêm nợ mới mà đó là một cách “trả lãi trên giấy”. Trước đây, hai vợ chồng bị cáo vay của N. 15 triệu đồng, lãi 10%, trả trước hai tháng lãi, cho nên số tiền nhận thực tế chỉ có 15 triệu nhưng trên giấy nợ phải ghi 17 triệu. Sau đó, vợ chồng bị cáo đã trả lãi tổng cộng là 10 triệu hai trăm ngàn đồng nhưng số nợ gốc 17 triệu vẫn còn nguyên. Đến tháng 12/1993, khi bị cáo Đ. bị bắt giam, không trả lãi nổi nữa, nên bị cáo T. đã làm giấy nợ mới, xác nhận số tiền nợ (cả vốn lẫn lãi), nay đã lên tới 23,8 triệu đồng.

Có một cô gái nhỏ ẵm một em bé mười mấy tháng ngồi dự phiên tòa. Người nhân viên trật tự lúc đầu định mời cô ra ngoài nhưng sau đó đã cho cô ở lại. Đó là con gái lớn và con trai út của hai “kẻ lừa đảo”. Trò chuyện với em, tôi được biết em học lớp 10, trường Hùng Vương, cuối năm 1994, thi xong học kỳ I không có tiền đóng tiền học tiếp phải bỏ học. Em còn bốn đứa em, ba đứa kia học lớp 7, lớp 5 và lớp 3. May mắn thay các em vẫn còn đi học - tôi thầm nghĩ trong khi em nói tiếp rằng tụi nhỏ đi học được nhờ được cho học miễn phí. Cảnh túng quẫn nợ nần thì đã từ lâu, nhưng từ khi ba bị bắt lại càng cùng cực. Em kể bà con lối xóm rất thương gia đình em, một người cho chiếc xe bánh mì cũ, người khác cho khoảng sân để xe bánh mì bán. Ngày lời mười, mười lăm ngàn. Hàng ngày em đi chợ mua một ký gạo - ăn thiếu, đủ, no, đói gì thì cũng chỉ một ký thôi - hết hai ngàn đồng, thêm vài trăm rau cải nấu canh lạt chan cơm, còn để dành tiền đi thăm nuôi ba nữa. Cô bác nói giúp phương tiện cho mấy mẹ con sinh sống để chờ ngày ba ra tù, mà mấy mẹ con em cũng chỉ trông đợi thế. Tôi nhìn em nói một cách hồn nhiên, bỗng nghe lạnh cả người khi nghĩ tới số phận các em sẽ ra sao nếu như mẹ em không thể về với các em được nữa? Mà căn cứ theo diễn tiến của phiên tòa thì điều đó rất có thể xảy ra. Tôi bày tỏ sự lo ngại này, với ý muốn giúp em chuẩn bị tinh thần. Em khóc òa lên.

Từ đó cho tới khi tòa tuyên án tôi cứ thầm mong - dù gần như biết chắc rằng không thể xảy ra - người mẹ sẽ được tha về. Tôi không chịu nổi viễn cảnh năm con người chưa đến tuổi trưởng thành sống thiếu cha thiếu mẹ, ngôi nhà bị phát mãi để trả nợ và các em bị đẩy ra đường? Cô gái nhỏ sẽ xoay xở làm sao với bốn đứa em thơ dại? Nhưng việc phải đến đã đến. Sau khi nghị án gần 30 phút, Tòa tuyên án bị cáo Đ. 6 năm tù, bị cáo T. 5 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, và đọc lệnh bắt giam bị cáo T. ngay tại phiên tòa. Các anh công an ra đưa hai bị cáo vào trong. Sau phút sững sờ, cô gái bồng em gọi với theo và òa khóc: “Mẹ ơi!”. Cô trao em cho mẹ. Cảnh tượng sau cùng tôi còn nhớ là cảnh người phụ nữ mặc áo hoa bồng đứa bé bước lên xe tù. Cô gái đứng lặng ở phía xa xa. - “Em để em bé theo mẹ vào tù ư?” - tôi hỏi. Em khóc: “Chứ để ở ngoài, em đâu có lo được cho nó!”.

Em đi bộ ngược lại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, gần hết đường Nguyễn Du, vừa đi vừa khóc. Em sẽ đi bộ về nhà? Tôi muốn giúp đỡ em, nhưng trước sau em vẫn lắc đầu, nước mắt chảy tràn trên má. Mãi sau khi tôi gợi ý em về việc làm đơn kháng cáo xin giảm án cho ba má, em mới chịu dừng lại, hỏi cách thức, rồi tiếp tục cuộc hành trình đơn độc của mình.

Khi cảm thấy bất bình, con người ta cần phải trút sự giận dỗi vào một ai đó, những người đàn bà bị chiếm đoạt tiền cọc khi nãy đã trút giận dữ vào kẻ lừa đảo lúc họp nhau lại ở sân tòa án, sỉ vả và bàn cách nào để lấy lại được tiền nhanh chóng. Em gái thì trút nỗi đau vào nước mắt. Còn tôi, tôi cũng phải tìm ra một cái gì đó, và tôi bỗng thấy mình căm phẫn những kẻ cho vay nặng lãi, những kẻ đã kiếm về phần mình một số lời rất lớn mà không hề biết chút gì về số phận của năm con người, trong đó có bốn em bé sắp rơi vào thảm cảnh, ừ, trong vụ án này, đã không giận ghét được những “tên lừa đảo” thì ít ra thì cũng còn có cái để cho mình giận chứ!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Ký sự pháp đình 2 Kẻ lừa đảo

Có thể bạn thích