Kho tàng ngọc trai
Kho tàng ngọc trai

Viên hoa tiêu người xứ Kanaka xoay bánh lái trở về nguyên vị và chiếc Malahini lướt ngược chiều gió rồi lấy lại thăng bằng. Bộ buồm mũi hết gió trũng xuống, có tiếng đầu móc ở mép buồm và tiếng nhanh tay đổi trục giây kéo buồm kêu lách cách, và con tầu chao mình nghiêng về một bên mạn lướt đi với cánh buồm bên kia phồng gió. Tuy trờì vừa hửng sáng và gió thổi nhanh, năm người da trắng hóng mát trên boong thượng đằng mũi đều vận quần áo sơ sài. Thuyền chủ David Grief và Gregory Mulhall, một tân khách người Anh của ông, vẫn còn vận quần áo ngủ, chân trần xỏ trong dép Tàu. Thuyền trưởng và phó thuyền trưởng mặc áo lót mỏng, quần vải thô không hồ bột, còn viên quản lý hàng hoá tay vẫn còn cầm áo lót dùng dằng chưa muốn mặc vội. Mồ hôi đọng thành giọt trên trán và hắn hơi ưỡn bộ ngực để trần về phía trước như để đón ngọn gió không mang lại một chút hơi mát nào.

”Gió này là gió heo may mà sao lại oi nồng quá thế? - hắn càu nhàu nói.

“Không biết ở miền Tây nó thổi ra sao? Đó là điều tôi muốn biết,” - Grief cũng góp lời than phiền phụ hoạ theo mọi người.

“Gió này thổi chẳng được mấy chốc, mà xem nó vừa mới nổi lên thôi,” Hermann, viên phó thuyền trưởng người Hoà-Lan nói: - Suốt đêm rồi nó chỉ lăng nhăng thổi quanh - chỗ này năm phút, chỗ kia mười phút, lại một chỗ khác một tiếng.”

“Chắc có gì chẳng lành sắp xảy ra,” thuyền trưởng Warfield nói, giọng ồm ồm, rồi xòe hai tay đưa lên vuốt bộ ria mép cứng như rễ tre và hất bộ râu cằm rậm rạp vào hướng gió để đón chút hơi mát tuy biết rằng vô hy vọng. "Suốt nửa tháng qua, thời tiết bỗng trở chứng. Đã ba tuần rồi mà chưa có được một cơn gió mậu dịch nào thổi đúng hướng. Cái gì cũng trở thành hỗn tạp. Hôm qua lúc hoàng hôn xuống, phong vũ biểu tụt dữ dội, bây giờ vẫn còn xuống thấp hơn nữa, mặc dù mấy tay thạo thời tiết cứ quả quyết là chẳng có gì đáng sợ. Dầu sao, thấy nó tụt xuống nhiều quá tôi chẳng yên lòng chút nào. Tôi bứt rứt thế nào ấy. Nó cũng tụt vùn vụt kiểu này hồi tụi tôi mất chiếc “Lancaster”. Dạo ấy, tôi còn đang học nghề, nhưng tôi vẫn nhớ chuyện ấy rành rọt. Tàu bọc sắt mới nguyên, bốn cột buồm mà mới đi biển lần đầu tiên nó đắm làm lão thuyền trưởng đau buồn đến tuyệt vọng. Lão làm việc cho hãng trước sau được bốn chục năm. Láo héo hon dần rồi chết một năm sau đó.”

Mặc dầu có gió và trời còn sớm, hơi nóng thật ngột ngạt. Trong gió thoang thoảng hơi mát nhưng gió chẳng quạt mát được ai. Giá không có hơi ẩm nặng trĩu trong gió thì người ta đã tưởng nó từ sa mạc Sahara thổi về. Lúc ấy không có sương mù hay sương mỏng hay một chút điềm nhỏ nào báo hiệu có sương cả. Tuy nhiên, trạng thái mơ hồ của khoảng cách khiến người ta có ấn tượng là có sương buông.

Trên trời không có mây bay thành đám rõ rệt, tuy thế, một màn mây u ám giăng kín bầu trời dấy đến nỗi ánh mặt trời không sao chiếu lọt qua.

“Cho tàu quay mũi” thuyền trưởng Warfield ra lệnh, giọng chậm chạp nhưng đanh thép.

Đám thuỷ thủ Kanaka, da bánh mật, ngang hông quàng sa-rông ngắn chấm đầu gối, uể oải bắt tay vào việc nhưng cũng đủ nhanh để dương buồm và cần mắc buồm.

“Cho nghiêng mạnh về hướng gió”.

Viên hoa tiêu xoay thêm mấy nấc, xem ra không có ý cho tàu lướt chậm lại cho đỡ tròng trành. Chiếc Malahini lao mũi nghênh gió, rồi lượn quanh.

“Ái chà, con tàu này hay quá đỗi,” Mulhall khen. “Ai ngờ bọn lái buôn miền Nam-Hải các anh lại biết lái du thuyền chứ.”

“Nó vốn là tàu đánh cá xứ Gloucester đấy,” Grief giải thích “mà tàu bè hạt Gloucester đều lắp buồm, lèo hệt như du thuyền vậy.”

“Anh đang cho nó chạy thẳng vào, vậy sao lại không vào nổi?” người khách xứ Anh chỉ trích.

“Này thuyền trưởng Warfield, thử cố xem sao,” - Grief đề nghị. “Cho hắn biết là cửa đầm mặn chảy xiết khó vào ra sao, nhất là khi nước triều rút ra quá mạnh.”

“Cho tiến lại gần hơn nữa,” - thuyền trưởng ra lệnh.

“Cho tiến lại gần hơn nữa” viên hoa tiêu Kanaka nhắc lại, xoay tay lái xuống nửa nấc.

Chiếc Malahini vọt thẳng mũi vào cửa đầm hẹp đưa vào hồ nước mặn nằm trong một hòn đảo san hô to lớn, hình bầu dục, vừa dài vừa hẹp. Cứ nhìn hình dạng của đảo san hô, người ta có cảm tưởng rằng nó gồm ba hòn đảo khác nhau đã đâm xầm vào nhau trong khi đang được cấu tạo, kết hợp với nhau và quên không xây vách phân chia nhau ra. Đây đó, trên vòng đai trải cát, dừa mọc thành cụm, và, ở những chỗ bãi cát nằm thấp gần mặt biển, dừa không mọc được. Qua những quãng trống đó, người ta nhác thấy mặt đầm nước mặn lặng gió, trải rộng khác nào một tấm gương gợn sóng lăn tăn. Đầm mặn quanh co rộng có đến mười dặm vuông. Nước hồ theo thuỷ triều cuồn cuộn rút ra khơi qua chiếc cửa đầm hẹp duy nhất. Lối ra thì quá hẹp mà con nước chảy ra lại quá mạnh đến nỗi cửa đầm không còn là lối nước biển tràn vào đảo san hô mà là ngọn thác đổ trên một con sông chảy xiết. Nước biển réo lên sùng sục, xoáy tròn, lượn quanh và lao vút ra khơi thành những đợt sóng bạc đầu dũng mãnh nhấp nhô như răng cưa. Mỗi khi một cơn sóng dựng đứng đánh thốc vào phía mũi, chiếc Malahini lại bị đẩy chệch hướng. Như những chiếc đục thép khổng lồ, từng đợt sóng dúi con tàu dạt sang qua một bên cửa đầm. Mới vào được một đoạn, vì bị ép quá gần vách san hô, nó lại phải lượn quanh, xoay mình ngang với dòng thuỷ triều rồi bị cuốn mạnh ra khơi.

“Nào, giờ đến lúc ta đem dùng cái bộ máy đắt như vàng vừa mới tậu của anh đó ” Grief vui vẻ riễu.

Bộ máy là một nhược điểm đối với thuyền trưởng Warfield không phải là không có lý do. Hắn đã phải năn nỉ, nằng nặc đòi cho bằng được đến nỗi cuối cùng Grief phải bằng lòng cho phép mua.

“Nó còn khối dịp để tỏ rõ giá trị của nó” - thuyền trưởng đáp. “Cứ đợi rồi sẽ thấy. Có nó còn lợi hơn đóng tiền bảo hiểm, vì không ai là không biết rằng bọn công ty bảo hiểm không dám nhận bảo hiểm cho các tàu bè chạy trong vùng Paumotus”

Grief chỉ về phía một chiếc thuyền buồm mũi vuông ở đằng đuôi đang tiến lên và cũng theo một lộ trình.

“Tôi dám cuộc năm quan là chiếc Nuhiva tí hon sẽ vượt chúng ta vào được trong đó.”

“Dĩ nhiên rồi” - thuyền trưởng Warfield đồng ý. ”Sức nó quá mạnh so với thân hình nhỏ nhoi của nó.”

Đem sắp cạnh nó thì tàu ta có khác gì một chiếc thuyền, thế mà chỉ có bốn chục mã lực. Nó có mười mã lực nhưng lại nhỏ, nhẹ như chiếc giá hớt bọt. Nó có thể lướt trên mặt bọt sóng con sông dưới âm ty. Nhưng gặp ngọn thuỷ triều này thì đừng có hòng vượt qua được nhé. Lúc này sức nước rút nhanh lắm, phải mười gút một giờ là ít”.

Và, với tốc độ mười gút, chiếc Malahini bị sóng nhồi nghiêng ngửa và theo ngọn thuỷ triều lướt ra khơi.

“Chỉ nửa giờ nữa sức nước triều sẽ yếu hẳn – lúc ấy ta sẽ quay mũi chạy thẳng vào” - thuyền trưởng Warfield nói, giọng lộ vẻ cáu kỉnh qua những câu tiếp theo. “Thằng cha đó không có quyền gì để đặt tên là đảo Parlay. Trên bản đồ của bộ tư Lệnh Hải Quân, mà ngay trên bản đồ của người Pháp cũng thế, người ta đã chỉ rõ nó là đảo Hikihoho. Bougainville tìm ra nó và đặt tên nó theo thổ dân?”

“Tên là gì đi chăng nữa thì có quan hệ gì” – viên quản lý hỏi và nhân câu chuyện đang nói giở, ngưng mặc áo lót mới xỏ được đôi tay. “Đấy, nó đấy, nằm ngay trước mũi ta đấy. Và lão Parlay đang ở đấy với mỏ ngọc trai”.

“Có ai nhìn tận mắt chỗ ngọc trai ấy chưa?”. Hermann hỏi, đưa mắt nhìn hết người này đến người kia.

“Ai mà chẳng biết” – viên quản lý đáp rồi quay sang phía người bẻ lái. “Này, Tai-Hotauri, kể cho họ nghe đi”.

Gã Kanaka, vừa hài lòng vừa cho là mình quan trọng, lấy qua rồi trả về một nấc bánh lái. “Tôi có người anh em mò ngọc cho lão Parlay được ba bốn tháng. Hắn biết nhiều chuyện về trân châu lắm. Hikihoho là nơi nhiều ngọc”.

“Mà chưa một gã lái buôn ngọc nào dỗ nổi lão bán bớt cho họ lấy một viên ngọc” – viên thuyền trưởng nói xen vào.

“Người ta nói hồi dong buồm sang Tahiti, lão già mang theo một mũ đầy ngọc trai cho Armande con gái lão” – viên quản lý nói tiếp.

“Đấy là mười lăm năm về trước rồi. Từ ngày ấy đến giờ lão ta ắt phải có thêm nhiều nữa - đến sà cừ lão còn cất kỹ vào kho nữa là. Ai mà chẳng được nhìn tận mắt - vỏ trai chất đống, phải có tới hàng trăm tấn là ít. Nghe nói trai trong đầm mặn mò hết sạch rồi. Có lẽ vì vậy mà lão ta bắn tin mở cuộc bán đấu giá đấy”.

“Nếu quả thực lão ta muốn bán chỗ ngọc trai hiện có, thì số ngọc trai đem ra bán năm nay nhiều hơn hết từ trước tới nay trong khắp vùng Paumotus này” – Grief nói.

“Này, cho tôi hỏi cái đã.” Mulhall buột miệng ngắt ngang câu chuyện. Cũng như hầu hết những người khác, hắn rất bực dọc vì cơn nóng nồng hơi ẩm. “Tất cả những chuyện ấy là nghĩa làm sao? Thực ra lão tứ chiếng ấy là ai? Tất cả cái mỏ ngọc ấy làm gì vậy? Tại sao lại phải úp úp mở mở như vậy?”

“Đảo Hikihoho là tài sản của lão Parlay” – viên quản lý đáp. “Lão có một đống trân châu, cả một gia tài đồ sộ, lão đã dành dụm không biết được bao năm rồi. Từ mấy tuần trước, lão loan tin sẽ đem chỗ ngọc ấy ra bán đấu giá cho lái buôn vào ngày mai. Anh có thấy mé trong đầm lô nhô biết bao nhiêu là cột buồm không?”

“Tám cái tất cả - Theo tôi thấy” - Hermann nói.

“Tụi chúng kéo nhau đến hòn đảo san hô nhỏ xíu như thế này làm gì mới được chứ?” – viên quản lý nói tiếp. “Cả năm, khô dừa sản xuất ở đây không đủ để chất chất đầy một chiếc thuyền buồm, chúng có đến cũng chỉ vì cuộc bán đấu giá. Cũng vì vậy, mà chúng ta mới có mặt nơi đây. Cũng vì vậy chiếc Nuhiva tí hon mới đang nhấp nhô mé sau đuôi chúng ta kia - mặc dầu tôi không đoán được ra là sức nó có thể mua nổi cái gì. Narii Herring, một người Anh lai Do Thái, vừa làm chủ nó vừa làm hoa tiêu. Tài sản của hắn là tính liều lĩnh, nợ nần và hoá đơn mua chịu rượu uýt-ky. Về những món đó hắn quả là một thiên tài. Hắn mắc nợ quá nhiều đến nỗi không một thương gia nào ở Papeete lại không lo lắng cho số phận hắn. Họ phải cất công bày ra công việc để giao cho hắn. Họ buộc lòng phải làm thế - và Narii rất đắc ý được họ chăm lo cho như vậy. Giờ tôi chẳng nợ nần ai. Kết quả sẽ ra sao? Nếu tôi chẳng may bị bạo bệnh ngã lăn quay ra ngoài bãi biển, người ta sẽ để mặc tôi nằm đấy cho đến chết. Họ đâu có mất mát gì. Nhưng nếu là Narii Herring thì lại khác. Giá hắn ngã bất tỉnh, thử hỏi có cái gì mà họ không làm để cứu hắn? Dù họ có hết sức cũng là không đủ đối với trường hợp hắn. Tiền của họ đọng trên thân hắn quá nhiều nên họ không dám để hắn nằm sõng sượt nơi đó. Họ tất khiêng hắn về nhà họ, thân hành săn sóc, nâng giấc hắn như người em ruột. Tôi xin thưa để quý vị rõ là tính sòng phẳng trong việc trang trải nợ nần không còn được trọng vọng như xưa nữa”.

“Thằng cha Narii đó thì ăn thua gì đến việc này?” – gã người Anh sốt ruột hỏi. Và, quay sang Grief, hắn nói: “Tất cả cái câu chuyện trân châu ấm ớ này là nghĩa làm sao? Xin anh cho biết từ đầu”.

“Có chỗ nào sót các anh phải nhắc dùm đấy nhé” – Grief dặn trước mấy người kia rồi bắt đầu kể. “Parlay là một lão già kỳ quặc. Căn cứ vào những điều tôi nhận xét về lão, tôi dám cả quyết rằng lão có phần hơi khùng. Dẫu sao, đây là sự tích lão Parlay, một người Pháp nguyên chất. Có lần lão bảo tôi là lão quê ở Paris. Tiếng lão nói quả là giọng Paris chính cống. Lão phiêu bạt sang đây từ hồi xa xưa. Buôn bán ngược xuôi và tất cả những việc khác. Cũng vì thế mà lão đặt chân tới Hikihoho. Đến đây để mậu dịch hồi mả mậu dịch còn giữ nguyên ý nghĩa của nó. Lão kết hôn với Nữ Hoàng trên đảo – theo đúng tục lệ thổ dân. Khi nữ chúa băng hà tất cả mọi thứ đều để lại cho lão. Dịch sởi đột phát chỉ còn không quá một tá sống sót. Lão nuôi dưỡng họ, bắt họ lao tác và thành Quốc Vương. Quên không nói là trước khi băng hà, Nữ Hoàng sinh ra một công chúa. Đó là nàng Armande. Mới lên ba, nàng được cha gửi sang nhà dòng nữ tu ở đảo Papeete. Khi nàng lên bảy lên tám gì đó, cha nàng gửi nàng sang Pháp. Chắc anh đã bắt đầu hình dung ra được tình trạng ấy. Ngôi trường nhà dòng nữ tu tốt nhất và cao sang nhất bên Pháp chẳng phải là quá tốt đẹp đối với vị công nương con một vị chúa đảo kiêm tư bản của miền Paumotus. Chắc anh cũng rõ là người dân Pháp ở xứ họ không kỳ thị màu da. Nàng được giáo dục như một nàng công chúa và nàng cũng đinh ninh như thế. Nàng cũng lại tưởng mình là dân da trắng và chưa bao giờ nghĩ tới thảm hoạ phân chia chủng tộc, dù là trong cõi mộng”.

“Thế rồi tai hoạ giáng xuống. Lão già xưa nay tính vốn kênh kiệu, đồng bóng. Lão đóng vai một vị quân vương chuyên chế trên đảo Hikihoho đã quá lâu khiến lão ngờ rằng đối với nhà vua và công chúa mọi sự đều tốt đẹp cả. Khi Armande vừa tròn đôi chín, lão cho người sang đón nàng về. Lão giàu nứt đố đổ vách, theo lời thằng Bill người Mỹ thường nói. Lão xây toà nhà nguy nga ở Hikihoho và một biệt thự diêm dúa bên Papeete. Nàng phải đáp chuyến tàu thư từ Tân-Tây-Lan tới và lão thân hành lái chiếc thuyền buồm của lão đến Papeete đón nàng. Và lẽ ra lão đã ngăn chặn kịp thảm trạng ấy, bất chấp các mụ vợ người da trắng và lũ đầu bò ở Papeete, nếu không có cơn bão tố. Có phải là vào cái năm mà toàn thể đảo Manu Huni bị tàn phá và ngàn mốt nhân mạng chết toi không nhỉ?”.

Mấy người kia gật đầu xác nhận và thuyền trưởng Warfield nói: “Tôi đang ở trên chiếc “Magpie”, khi trận bão ấy thổi. Tụi tôi, toàn thể đoàn thuỷ thủ và gã đầu bếp nghĩa là tất cả chiếc “Magpie” - dạt sâu vào bờ đến một phần tư dặm giữa rừng dừa ở đầu Vịnh Taiohae xưa nay được coi là một hải cảng không bao giờ bị bão”.

“Vậy thì” – Grief tiếp, “Lão Parlay nhà ta cũng bị kẹt trong trận bão ấy và đến được Papeete với một mũ đầy trân châu nhưng muộn mất ba tuần. Hẳn phải cho kích chiếc thuyền buồm của hắn lên và mở một con đường dài nửa dặm mới đem được tàu trở ra biển”.

Trong thời gian ấy, Armande ở Papeete, mà chẳng ma dại nào buồn đến thăm viếng nàng. Theo đúng kiểu Pháp-lang-sa, nàng có đến thăm xã giao viên Thống Đốc và một vị bác sĩ hải cảng. Họ tiếp kiến nàng, nhưng không một con nào trong đám vợ dưới của chúng chịu ở nhà để tiếp hay đáp lễ nàng. Nàng bị gạt ra ngoài lề giai cấp – vô giai cấp - mặc dầu xưa nay nàng chưa hề nghĩ ra điều đó; và đó là lề lối tử tế nhất mà tụi chúng nghĩ ra để tỏ thái độ với nàng. Lúc ấy trên chiếc tàu tuần dương hạm Pháp có một gã trung uý vui vẻ trẻ trung. Gã mê nàng nhưng vẫn giữ vững được lý trí. Anh có thể mường tượng được ra nỗi đau khổ của một thiếu phụ phong nhã, xinh đẹp, được dạy dỗ như con nhà thế phiệt, quanh mình lúc nào cũng có sẵn tất cả những gì là cái tốt, cái đẹp nhất nước Pháp cổ kính mà tiền bạc có thể mua được. Giờ thì anh có thể tự đoán được kết cuộc ra sao.” Hắn nhún vai “Trong biệt thự có một gã bồi người Nhật. Gã được mục kích cảnh ấy. Gã nói nàng xử sự đúng tinh thần võ sĩ đạo. Cầm dao lá liễu – không thọc, không đâm, không vội vã trong việc tự huỷ - nàng cầm lưỡi dao lá liễu, thận trọng tì mũi dao vào chỗ tim và với cả hai tay, nàng từ từ và đều đặn đẩy dao vào yếu huyệt.

“Sự việc đã xảy ra, lão Parlay mới tới với mớ ngọc trai. Có một viên ngọc, theo lời đồn, riêng nó cũng đáng giá 6 vạn quan rồi. Lão Peter Gee từng thấy viên ngọc ấy và có bảo tôi là hắn đã trả tới số tiền ấy mà mua không được. Lão già điên hẳn trong một thời gian ngắn. Người ta phải trói chặt lão tại câu lạc bộ Thuộc địa hai ngày liền”.

“Chú vợ lão, một thổ dân Paumotus già lụ khụ, cắt dây trói và thả lão ra” – viên quản lý góp lời.

“Rồi lão Parlay bắt đầu trả oán” – Grief nói tiếp. “Tương ba phát đạn vào người thằng trung uý chó má đó”.

“Hắn nằm liệt giường trong bệnh viện dưới tàu trong ba tháng” - thuyền trưởng Warfield nhắc.

“Lao cả một ly rượu vào mặt viên thống đốc; đấu súng tay đôi với viên bác sỹ hải cảng để rửa nhục; đánh đập gia nhân của hắn thật tàn nhẫn, đập phá tan hoang ngôi nhà thương, đánh một gã y tá gẫy một xương quai xanh và một cặp xương sườn rồi dông tuốt xuống tàu buồm của lão, mỗi tay một súng, thách gã quận trưởng cảnh sát và toàn thể lũ sen đầm bắt lão và dong buồm về Hikihoho. Người ta nói là từ ngày ấy đến giờ lão chưa hề rời khỏi đảo”.

Viên quản lý gật đầu đồng ý, “Mười lăm năm rồi mà lão chưa hề động đậy”.

“Và góp thêm trân châu vào kho tàng của lão,” – viên thuyền trưởng nói. “Lão già ấy tâm tính thất thường và điên dại. Nói đến lão cũng đủ làm tôi sợ hết vía. Thật là một gã Phần Lan chính cống”.

“Thế nghĩa là gì?” – Lý –Hùng hỏi.

“Điều khiển được thời tiết - dầu sao, đó cũng là niềm tin của thổ dân. Cứ hỏi gã Tai-Hotauri đứng kia thì rõ. Này, Tai-Hotauri, theo chú thì lão Parlay có tài gì trong lãnh vực thời tiết?”

“Lão quả là một hung thần,” gã thổ dân Kanaka trả lời.” Tôi biết rõ lắm. Nếu muốn có bão lớn, lão làm ra bão lớn ngay. Nếu lão không muốn có gió chẳng có cơn gió nào đến”.

“Một lão phù thuỷ chính hiệu” – Mulhall nói.

“Mớ trân châu ấy không mang lại may mắn đâu” – Tai-Hotauri buột miệng nói, đầu hắn lắc lư tỏ vẻ sợ hãi. “Lão nói là lão muốn bán. Cả đống tàu buồm lũ lượt kéo đến. Lúc ấy lão mới làm bão lớn, rồi các ngài xem, ai nấy đều sẽ hết đời. Thổ dân không ai là không nói thế”.

“Giờ đương mùa bão” - thuyền trưởng Warfield phá lên cười giọng bực dọc. “Lý của họ chẳng sai sự thực là mấy. Ngay lúc này đang có một cái chẳng lành sắp xảy ra: nếu chiếc Malahini ở cách xa đây ngàn dặm tôi mới thấy yên lòng được”.

“Lão quả có hơi điên” – Grief kết luận. “Tôi đã từng tìm cách dò quan điểm của lão. Tư tưởng của lão, xem ra thật hỗn độn. Trong suốt mười tám năm, lúc nào lão cũng chỉ nghĩ đến Armande. Lão hầu như tin tưởng rằng nàng vẫn còn sống chưa ở Pháp về. Đó là một trong những lý lẽ khiến lão khư khư giữ chắc mớ ngọc trai. Không lúc nào là lão không ghét cay ghét đắng người da trắng. Lão nhớ mãi rằng họ đã giết nàng, mặc dầu nhiều lúc lão quên bẵng là nàng đã chết”.

“Ê, gió của anh đi đâu rồi?”

Mấy cánh buồm trên đầu họ vắng gió chùng xuống. Thuyền trưởng Warfield làu nhàu tỏ vẻ bực dọc. Lúc nãy có gió mà trời đã oi nồng, bây giờ vắng gió, hơi nóng hầu như ngột ngạt. Mồ hôi tuôn thành dòng trên mặt họ; thỉnh thoảng, hết người này lại đến người kia hít những hơi dài, như cố lấy thêm không khí mà không biết.

“Lại có gió đấy – xoay thêm tám nấc nữa. Kéo ngang cần căng buồm! Lẹ lên!”.

Đoàn thuỷ thủ Kanaka hấp tấp theo lệnh thuyền trưởng và trong năm phút, chiếc tàu buồm lao thẳng vào cửa đầm và tiến lên được một đoạn ngược dòng thuỷ triều. Cơn gió may lại tắt, để rồi lại từ trong hướng cũ thổi đến buộc đoàn thuỷ thủ phải đổi lại cánh và cần buồm.

“Chiếc Nuhiva đã tới đấy rồi” – Grief nói. “Nó đã xả máy. Coi nó lướt đi kìa?”

“Sắp sẵn rồi chứ?” - thuyền trưởng hỏi viên kỹ sư lai Bồ Đào Nha; đầu và vai hắn nhô ra khỏi chiếc cửa sổ tròn nhỏ ở ngay trước phòng ngủ. Hắn đưa một mớ giẻ đầy mỡ lên lau bộ mặt nhễ nhại mồ hôi.

“Dĩ nhiên rồi” - hắn đáp.

“Cho máy chạy đi chứ?”

Viên kỹ sư lai vào phòng máy và một lát sau, ống khói kêu lụ xụ và khuấy bọt nước tung toé ở một bên mạn tàu. Tuy nhiên, chiếc tàu buồm không còn dẫn đầu được nữa. Chiếc thuyền buồm vuông mũi tiến được ba thước trong khi nó mới tiến được hai. Chẳng mấy chốc, chiếc thuyền nhỏ đã lên ngang hàng rồi vượt qua chiếc tàu lớn.

Trên boong thuyền toàn là thổ dân, và người đàn ông bẻ lái giơ tay vẫy để chào và cáo biệt một cách chế diễu.

“Thằng cha ấy là Narii Herring” – Grief bảo Mulhall. “Cái thằng cao lớn đứng sau bánh lái ấy, thằng đểu cáng vô sỉ nhất mà cũng lật lọng nhất trong khắp vùng Paumotus”.

Năm phút sau, đám thuỷ thủ Kanaka trên tàu hò reo sung sướng khiến họ dồn mắt nhìn sang chiếc Nuhiva. Động cơ của nó đã liệt và họ đang bắt kịp nó. Đoàn thuỷ thủ trên chiếc Malahini nhảy lên như choi choi bám vào màn lưới chão và reo hò chế giễu trong khi họ vượt qua; bị gió ép nghiêng sang một bên mạn, chiếc thuyền buồm nhỏ đang lùi dần theo nước thuỷ triều.

“Máy tàu ta cũng cừ đấy chứ?” – Grief tán thưởng, trong khi đầm nước mặn trải rộng trước mắt họ và phương hướng được đổi để con tàu băng ngang mặt hồ tiến tới vùng bỏ neo.

Thuyền trưởng Warfield trông sung sướng ra mặt, tuy gã chỉ làu nhàu: “Nó đáng đồng tiền bát gạo đấy chứ, đừng lo”.

Chiếc Malahini xông thẳng vào giữa đám tàu buồm và tìm chỗ đủ rộng để buông neo.

“Kìa lão Isaacs trên chiếc Dolly” – Grief nhận xét và giơ một tay lên vẫy chào. “Và kia là thằng cha Peter Gee trên chiếc Roberta. Không gì có thể giữ cho hắn khỏi xuất hiện ở một nơi bán ngọc như nơi này. Kìa gã Francini trên chiếc “Xương Rồng”. Có bao nhiêu lái buôn đều tụ họp tại đây. Lão Parlay ắt phải bán được giá cao”.

“Tụi chúng chưa sửa xong máy” - thuyền trưởng Warfield làu nhàu, giọng hỉ hả. Hắn đang đưa mắt ngang qua mặt hồ về nơi chiếc Nuhiva nhô buồm qua rặng dừa thưa thớt.

II

Dinh thự của Parlay là một toà nhà gỗ nguy nga hai từng. Gỗ mua tận xứ California, về còn mái thì lợp tôn uốn. So với vòng đai mỏng manh của đảo san hô, trông nó quá so le: nó trải dài ra trên bãi cát mịn và đứng sừng sững trên giải cát khác nào một thứ quái vật khổng lồ từ lòng đất mọc chồi lên. Ngay sau khi thả neo, đám con buôn trên chiếc Malahini đã lên bờ và yết kiến chúa đảo cho phải phép. Các thuyền trưởng và lái buôn khác đã tề tựu đông đủ trong gian đại sảnh và đang quan sát mỏ trân châu sẽ được đem ra bán đấu giá hôm sau. Bọn gia nhân, toàn là thổ dân đảo Hikihoho và họ hàng của chủ nhân, lăng xăng đi đi lại lại rót uýt-ki và rượu bạc hà. Parlay cũng xen lẫn vào đám người từ chiếng, luôn miệng ba hoa hay cười diễu. Trông lão này chỉ còn là một thân tàn héo hắt, vang bóng của con người xưa kia đã từng có thời phương phì, lực lưỡng. Mắt lão trũng sâu, long lên sòng sọc, má lão hóp lõm hẳn xuống. Tóc lão đâm ra tua tủa hinh như chỉ mọc thành từng đám. Bộ ria và râu mép dưới của lão đều được vuốt rẽ sang cùng một bên.

“Trời ơi!” – Mulhall khẽ lẩm bẩm. “Trông lão già này mình cứ ngỡ là một Nã Phá Luân Đệ Tam cao giò – nhưng đã mòn mỏi, má triệt, răn rúm. Mà lại ốm o loẻo khoẻo nữa. Thảo nào lão cứ phải ngoẹo đầu sang một bên. Lão phải giữ cho thân thể được thăng bằng đi cho vững mà”.

“Sắp có bão rồi” – lão già nói với Grief thay câu chào. “Bác chắc phải quý ngọc lắm nên mới chịu lặn lội đến đây vào một ngày giở trời như hôm nay”.

“Ngọc của cụ thật là quý giá. Nếu có phải xuống hoả ngục tìm chúng, tôi cũng xuống ngay” – Grief cười lấy lòng và đảo mắt lướt qua đám trân châu bày la liệt trên mặt bàn.

“Trước đây từng có bao nhiêu người đã không quản ngại đường xa đến đây vì chúng” – lão Parlay ba hoa. “Thử coi viên kia xem!” Lão chỉ một viên ngọc trai tròn xoe, to bằng một hạt dẻ nhỏ, được đặt riêng trên một mảnh da hoẵng. “Bên Tahiti, có người đã trả tôi sáu vạn quan rồi đấy. Ngày mai người ta tất trả bằng giá ấy, có khi cao hơn, nếu họ may mắn thoát khỏi cơn bão. Xem nào, anh họ tôi - họ bên vợ mà – đã mò được viên trân châu ấy. Hắn là thổ dân, chắc bác cũng dư biết. Hắn còn là một tay bợm giỏi. Hắn dấu kỹ viên ngọc. Thực ra, ngọc là của tôi. Em họ hắn, đồng thời là em họ tôi nữa, - ở đây ai cũng là họ hàng thân thích cả - giết hắn đoạt viên ngọc, rồi đáp thuyền buồm trốn sang bên Noo-Nau. Tôi đuổi theo nhưng chúa đảo Noo-Nau đã giết hắn cướp ngọc trước khi tôi đến kịp. Thưa phải, mỗi viên ngọc bày trên mặt bàn kia tượng trưng cho bao người đã bỏ mạng vì nó. Thuyền trưởng uống gi chứ? Trông bác lạ mặt quá. Bác mới đến vùng đảo này lần đầu phải không?”

“Đây là thuyền trưởng Robinson chỉ huy chiếc Roberta” – Grief giới thiệu.

Trong khi đó Mulhall bắt tay Peter Gee.

“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng trên đời này lại có nhiều trân châu đến thế” – Mulhall nói.

“Tôi cũng thế, tôi chưa hề thấy ngần ấy ngọc tụ chung cùng một nơi và cùng một lúc” – Peter Gee công nhận.

“Chỗ ngọc này đáng giá tất cả bao nhiêu?” – Mulhall hỏi.

“Độ năm, sáu chục ngàn bảng Anh - ấy là theo giá bán cho nhà buôn chúng tôi. Bên Paris…” - hắn nhún vai.

Mulhall lau mồ hôi đọng trên mí mắt. Chung quanh ai nấy đầu vã mồ hôi như tắm và thở hít những hơi dài. Nhà chủ không có nước đá, tân khách phải uống uýt-ki hay rượu bạc hà hâm hẩm nóng.

“Vâng” – Parlay ba hoa. “Bao vong hồn đang phảng phất quanh chiếc bàn kia. Tôi thuộc sự tích những viên ngọc ấy, từng viên một. Bác coi bộ ba kia - giống hệt nhau phải không? Một thợ lặn quê bên Đảo Phục Sinh mò được chúng cho tôi nội trong một tuần. Ngay tuần sau hắn bị cá mập đớp cụt mất một tay; sau hắn chết vì máu nhiễm độc. Cái viên ngọc méo mó to tướng kia lại chẳng đáng giá bao nhiêu; ngày mai, có ai trả giá hai chục quan mua nó, tôi cũng tự cho là hên rồi - phải lặn xuống sâu hai mươi hai sải mới vớt được lên đấy. Gã thợ lặn là thổ dân đảo Rarotonga. Hắn đã phá bao kỷ lục về môn lặn. Hắn phải lặn xuống tới hai mươi hai sải mới mò được nó. Tôi được chứng kiến hắn lặn mà. Chắc hắn lặn mà nổ phổi, hoặc chất đạm nổi phao trong máu hắn, hoặc cả hai cùng một lúc, bởi vì lên bộ được hai tiếng thì hắn ngoẻo. Lúc chết hắn ta hét rùm trời, ở xa hàng mấy dặm còn nghe thấy tiếng hắn rú. Xưa nay tôi chưa từng thấy một gã thổ dân nào lực lưỡng hơn hắn. Trong đám thợ lặn của tôi, có tới nửa tá chết vì chứng chất đạm nổi phao trong máu. Và sẽ còn nhiều người phải chết - nhiều người chết nữa”.

“Thôi xin cụ im miệng đi cho” - một thuyền trưởng cự Parlay. “Trời thế này làm gì có bão”.

“Nếu tôi còn trẻ và khoẻ mạnh, tôi đã rút neo và chuồn cho lẹ” – lão già cãi lại với giọng đã the thé vì tuổi tác. “Nếu tôi mà còn trai tráng, nhất là khi còn thưởng thức được hương vị của rượu, thì tôi đã chuồn rồi. Nhưng các bác thì không. Chẳng ai chịu ra về đâu. Tôi đã không khuyên các bác nếu tôi biết là các bác muốn chuồn. Ai mà xua được đám diều hâu bay khỏi cái xác thối trương chứ? Nào, các bác, ta uống thêm ly nữa chứ. A ha, vì mấy viên ngọc trai khốn khổ mà bao người coi thường mọi hiểm nguy! Đây, bao vưu vật còn nằm trơ ra đó. Mai nhất định bán đấu giá, đúng mười giờ. Lão Parlay đã chịu đem của báu ra bán hết và bầy diều hâu đang xúm lại quanh – Parlay nay đã già rồi, nhưng hồi trai tráng, còn cường kiện hơn bất cứ một chú diều nào và sẽ được mục kích hầu hết bầy diều ấy đi đến chỗ tử vong”.

“Có phải lão đúng là một quái vật quỉ quyệt không?” – viên quản lý của chiếc Malahini rỉ tai Peter Gee.

“Nếu quả có bão thì đã sao?” - thuyền trưởng chiếc Dolly nói. “Đảo Hikihoho chưa từng bị bão mà”.

“Như thế càng chắc chắn lần này thế nào nó cũng bị” - thuyền trưởng Warfield trả lời một cách bi quan. “Tôi không tin ở đây được an toàn lắm”.

“Giờ thì ai ba hoa vậy?” – Grief trách.

“Tôi rất ân hận nếu phải mất bộ máy mới toanh trước khi mình được sử dụng nó đã đời” -thuyền trưởng Warfield đáp giọng rầu rĩ.

Parlay nhanh nhẹn băng qua gian phòng chật ních những người đến chỗ tường treo phong vũ biểu.

“Này, các bạn vàng, mau lại đây xem thử” – lão sung sướng reo lên. Gã đứng gần nhất chăm chú nhìn chiếc ống thuỷ tinh. Trông gã hốt hoảng ra mặt.

“Tụt xuống mười độ rồi” – gã chỉ nói được có thế. Tuy nhiên ai nấy đều lo lắng và cảm thấy bứt rứt như muốn bước ngay ra phía cửa.

“Thử lắng nghe coi?” – Parlay ra lệnh.

Qua màn im lặng, tiếng sóng biển bên ngoài có vẻ réo to khác thường. Từ xa, vọng lại tiếng biển gầm dữ dội.

“Biển bắt đầu động rồi” - một người trong bọn nói: Mọi người đổ xô ra tụ tập bên mấy khung cửa sổ.

Họ đưa mắt nhìn qua rặng dừa thưa thớt về phía biển khơi. Từng đợt sóng cao, đều đặn, nối đuôi nhau tung mình vào bờ san hô. Trong chốc lát, họ lặng ngắm cái cảnh kỳ lạ đó và trầm giọng bàn tán với nhau. Và, trong mấy phút ngắn ngủi đó, ai cũng phải nhận thấy rằng sóng biển mỗi lúc một lớn thêm. Cái cảnh trùng dương dâng sóng trong khi không có lấy một hơi gió thoảng thật là ghê rợn. Họ tự nhiên hạ thấp giọng xuống. Giọng ba hoa the thé đột ngột của lão Parlay làm họ giật mình và bực dọc.

“Quý vị còn thừa chán thì giờ để ra kịp ngoài khơi. Quý vị có thể dùng xuồng săn kéo tầu băng qua đầm mặn”.

“Này cụ, chẳng hề gì đâu” - Darling, phó thuyền trưởng chiếc “Xương Rồng”, một gã trai tráng lực lưỡng trạc hăm lăm nói. “Bão thổi về hướng Nam qua đây rồi đi thẳng. Ở đây, chúng ta không bị một chút ảnh hưởng nào của nó”.

Trong phòng ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm. Người ta lại bắt đầu bàn chuyện, giọng họ mỗi lúc một ồn ào hơn. Một số con buôn còn đủ gan trở lại bên bàn xem lại mớ ngọc trai. Giọng the thé của Parlay cất cao hơn nữa.

“Quý vị có lý lắm” – lão khuyến khích. “Dù giờ tận thế có đang điểm đi chăng nữa, các bạn cứ việc mà mua bán”.

“Ngọc này, ngày mai tụi tôi phải mua cho bằng được” - Isaacs cam quyết với lão.

“Nếu vậy quý vị ắt phải xuống tận âm ty mà mua”.

Cả bọn phá lên cười ra vẻ không tin, càng khiến lão già sốt tiết. Lão hùng hổ quay hỏi Darling.

“Cái thứ nhãi ranh như chú bắt đầu am hiểu về giông bão từ thuở nào vậy? Ai là kẻ sắp đặt lộ trình cho bão tố trong vùng Paumotus này? Chú học hỏi điều ấy ở những sách nào vậy? Ta đã từng dong duổi khắp vùng Paumotus trước khi đứa già nhất trong bọn chú ra đời, ta biết chứ. Về phía đông, những đường càn quét của bão táp đều nằm trên một vòng tròn trải qua quá rộng đến nỗi chúng thành hình một đường thẳng. Về phía tây nơi này, chúng hợp thành một vòng cung hết sức cong. Hãy nhớ lại bản đồ của chú. Làm sao mà trận bão năm 1891 lại tàn phá Auru và Hiolau? Vì vòng cung đó, chú em! Chỉ độ một, hai hay nhiều nhất là ba tiếng nữa, gió sẽ bắt đầu thổi. Hãy dỏng tai mà nghe”.

Một tiếng sóng đổ ầm làm rung động cả nền móng đặc san hô. Ngôi nhà cũng rung chuyển theo. Bọn gia nhân bản xứ, tay còn cầm những chai uýt-ki và rượu bạc hà, xúm xít lại với nhau như để che chở lẫn cho nhau, và dương cặp mắt thao láo vì sợ hãi trân trối nhìn qua cửa sổ ra phía đợt sóng dũng mãnh tung mình vào sâu trên bờ biển lên đến tận góc nhà kho chứa khô dừa.

Parlay quay lại nhìn chiếc phong vũ biển, cười sặc sụa và đưa mắt liếc quanh đám tân khách. Thuyền trưởng Warfield bước ngang phòng tới nhìn góp.

“Hăm chín độ bẩy mươi lăm” - hắn đọc to. “Lại tụt thêm năm độ nữa. Lão già yêu quái này nói đúng đấy. Bão đang đến đấy. Riêng tôi, tôi muốn trở về tàu ngay”.

“Trời mỗi lúc một tối sầm lại” - Isaacs lại nói như rên rỉ.

“Trời! Có khác gì trên sân khấu không chứ?” – Mulhall nói với Grief, mặt nhìn đồng hồ. “Mới mười giờ sáng mà xem như đã chạng vạng tối. Ánh sáng tắt dần để mở đầu vở kịch. Sao chưa thấy điệu nhạc chậm ấy nhỉ?

Như để đáp lại lời gã, một làn sóng khác ào ạt ồ vào bờ làm rung chuyển cả đảo san hô lẫn toà nhà. Gần như hoảng hốt, đám tân khách kéo nhau ra cửa. Trong ánh sáng mờ nhạt, bộ mặt đẫm mồ hôi của họ trông thật ghê rợn. Isaacs ho rũ rượi như lên cơn suyễn trong bầu không khí oi nồng đến ngột ngạt.

“Vội vã làm gì thế các bồ?” – Parlay cười nức nở, chế giễu đám tân khách ra về. “Uống ly chót đã nào!”. Không ai buồn để ý đến lão. Trong khi họ bước xuống con đường trải mảnh ốc vụn đi ra bãi biển, lão thò đầu ra cửa gọi với: “Này, quý ngài, đừng có quên là đúng mười giờ sáng mai lão Parlay bán ngọc đấy nhé?”.

III

Ngoài bãi biển đang diễn ra một cảnh tượng kỳ quặc. Hết xuồng săn này đến xuồng săn kia được vội vã chèo đi. Trời tối xầm hơn nữa. Gió vẫn lặng và với mỗi đợt sóng dội mạnh vào bờ biến phía ngoài, bãi cát lại rung chuyển dưới chân họ. Narii Herring ung dung dạo bước dọc theo bờ cát. Hắn tủm tỉm cười khi nhận thấy vẻ hấp tấp hiện rõ trên mặt đám thuyền trưởng và lái buôn. Theo sát hắn là ba thuỷ thủ Kanaka trên tàu hắn và Tai-Hotauri.

“Mau xuống xuồng giúp một tay chèo chứ” - thuyền trưởng Warfield ra lệnh cho gã này.

Tai-Hotauri chậm rãi bước tới, mặt vênh vênh, trong khi Narii Herring và mấy thủy thủ Kanaka dừng lại cách họ chừng bốn chục bước, nhìn theo.

“Thuyền trưởng, tôi không giúp việc cho ông nữa” – Tai-Hotauri to tiếng nói, giọng hỗn hào; nhưng vẻ mặt của hắn lại không phù hợp với ý nghĩa lời hắn nói, bởi vì hắn nháy mắt một cái. “Xin thuyền trưởng đuổi tôi đi” - hắn hạ giọng thì thầm, mắt nháy thêm một cái đầy ý nghĩa.

Thuyền trưởng Warfield hội ý và cũng bắt đầu đóng kịch. Ông cất cao giọng nói và giơ nắm đấm.

“Quân chó má, có xuống xuồng ngay không thì bảo?” – ông quát: “Liệu xác, không thì tao đánh cho thấy ông bà ông vải”.

Gã Kanaka vội vàng lùi bước và Grief bước vào giữa can ngăn thuyền trưởng.

“Tôi sang làm việc bên chiếc Nuhiva” – Tai-Hotauri miệng nói chân bước vào nhập bọn nhóm người kia.

“Trở lại đây ngay” – viên thuyền trưởng nạt nộ.

“Này thuyền trưởng, hắn đầu có phải là nô lệ” – Narii Herring lên tiếng. “Hồi xưa hắn đã từng đi biển với tôi. Bây giờ hắn trở về với tôi thì có gì là lạ?”

“Thôi ta đi. Ta phải về tàu ngay” – Grief giục giã. “Anh có thấy là trời mỗi lúc một tối sầm không?”

Thuyền trưởng Warfield đành nhượng bộ, nhưng trong khi con xuồng lướt ra xa, ông đứng trong đám dây chão đằng đuôi và giơ nắm tay đấm đấm về phía bờ biển.

Ông thét lớn “Narii, rồi sẽ có ngày ta thanh toán với mi. Trong giới thuyền trưởng chỉ có mi chuyên cướp giật thuỷ thủ của người khác”. Ông ngồi xuống và hạ giọng hỏi: “Này, thằng Tai-Hotauri có ý gì vậy? Nó đang mưu mô một việc gì, nhưng việc gì mới được chứ?”.

IV

Con xuồng vừa ép sát mạn tàu Malahini thì Hermann nhô đầu ra khỏi hàng lan can đón họ, mặt lộ vẻ lo âu.

“Phong vũ biểu như muốn tụt xuống tận đáy” - hắn báo tin “Sắp bão lớn rồi. Tôi đã cho nới thêm dây neo bên mạn phải”.

“Nới thêm dây neo lớn nữa” - thuyền trưởng Warfield hạ lệnh và đứng ra chỉ huy. “Bảo mấy người kéo xuồng lên chứ. Thả xuồng xuống boong, úp sấp, rồi buộc chặt lại”.

Trên boong những tàu buồm khác, thuỷ thủ hấp tấp làm việc. Đâu đâu cũng vang tiếng dây xích được nối dài kêu loảng xoảng. Hết tàu này đến tàu khác xê dịch, chuyển hướng và buông thêm neo.

Cũng như chiếc Malahini, những tàu nào có ba mỏ neo đều sửa soạn thả nốt chiếc thứ ba giữa lúc gió hông nổi lên và chỉ rõ phương hướng xuất xứ của gió.

Tiếng sóng lớn đánh vào bờ mỗi lúc một gầm to hơn, mặc dầu mặt hồ vẫn phẳng lặng như gương. Nơi mà toà nhà nguy nga của lão Parlay đứng sững trên bãi cát vắng tanh vắng ngắt. Dãy nhà kho chứa xuồng, khô dừa và vỏ xà cừ không một bóng người qua lại.

“Chỉ cần hai xu là tôi rút neo ngay và cuốn xéo thật mau” – Grief nói. “Nếu ta đang ở ngoài khơi thì tôi nhất định biến rồi. Nhưng với những vách san hô ở phía Bắc và phía đông liên tiếp bao quanh, chúng ta có khác gì nằm trong rọ. Ở nguyên đây, chúng ta còn có cơ thoát khỏi. Thuyền trưởng Warfield, ông nghĩ sao?”.

“Tôi đồng ý với ông, mặc dầu tôi cho rằng mặt đầm nước mặn chẳng phải là vũng ao yên ổn để độ qua trận bão này. Không hiểu nó đã tràn vào lối nào? Kìa, một nhà kho chứa dừa khô của lão Parlay bị cuốn đi rồi”.

Họ còn kịp thấy ngôi nhà kho lợp tranh bị nâng lên rồi đổ sụp, trong khi một làn bọt sóng lướt qua mỏm cát trôi xuống dần.

“Phá thông rồi!” – Mulhall reo to. “Như thế mới đáng mặt tướng tiên phong chứ. Kìa, nó lại dâng lên nữa kìa!”.

Ngôi nhà kho bẹp dúm lúc này bị hất tung lên rồi vứt lại trên mỏm cát. Đợt sóng thứ ba chẻ nó ra thành từng mảnh bị quấn xuôi triều dốc xuống đầm.

“Giá bão nổi ngay, có gió mặt mình cũng đỡ khổ” - Hermann làu nhàu. “Tôi thấy khó thở quá. Nóng đếch gì mà nóng quá thế này. Tôi thấy trong người háo như lò lửa ấy”.

Hắn rút con dao găm dày bản ra khỏi bao, bổ một trái dừa non rồi tu hết nước. Mấy người kia cũng bắt chước theo, chỉ ngừng uống mỗi một lần để theo dõi một ngôi nhà kho chứa xà cừ của Parlay xụp đổ tan tành. Bây giờ phong vũ biểu chỉ hai mươi chín độ rưỡi.

“Ta phải ở gần giữa vùng khí áp thấp” – Grief nhận xét với giọng vui vẻ. “Từ trước đến giờ, tôi chưa từng được ở vào điểm trung tâm của một trận bão. Mulhall, anh nên nhân dịp này rút thêm ít kinh nghiệm. Cứ theo tốc độ phong vũ biểu đang tụt xuống, trận bão này ắt phải to lắm”.

Thuyền trưởng Warfield thốt lên mấy tiếng lầm bầm và ai nấy đều đảo mắt nhìn về phía ông. Ông đang dương viễn vọng kính quét dọc theo chiều dài đầm nước mặn chạy về phía đông nam.

“Bão đến rồi đấy” – ông thản nhiên nói.

Họ chẳng cần có viễn vọng kính cũng nhìn thấy. Trên mặt hồ mặn hình như hiện ra một lớp màn mỏng bị thủng lỗ chỗ trông thật quái đản, di động như bay. Đi trước nó, dọc theo đảo san hô, và di động với cùng một vận tốc là một cơn gió mạnh khiến rặng dừa phải rạp ngọn xuống và các tàu dừa lờ mờ tung bay phấp phới. Đường ranh trước của cơn gió trên mặt biển là một giải nước sẫm màu, gợn sóng, hợp thành một khối có giới hạn rõ rệt. Từng đợt gió mạnh mở đường cho giải nước ấy giật từng cơn khác nào từng loạt súng bắn lẻ tẻ. Phía sau giải nước là một vùng biển trông phẳng lặng như tấm kính rộng chừng một phần tư dặm, rồi đến một giải nước sẫm nữa lộng gió và sau đó đầm nước mặn nhấp nhô sóng nhồi, tung bọt trắng phau réo sôi sùng sục.

“Cái giải phẳng lặng ấy là cái gì vậy?” – Mulhall hỏi.

“Vùng lặng gió chứ gì” – Warfield đáp.

“Thế sao nó cũng đi nhanh ngang gió” – gã kia bắt bẻ.

“Nó phải di chuyển theo gió chứ, nếu không nó tất bị gió tràn lên và sẽ chẳng còn vùng lặng gió nữa. Thứ này là bão “hai đầu”. Tôi đã có lần gặp phải một cơn phong ba dữ dội chẳng kém gì ngoài khơi đảo Savali. Một trận bão hai đầu chính cống. Chúng tôi bị tạt một lần rồi thấy phẳng lặng như tờ. Sau đó chúng tôi bị tạt thêm lần nữa. Chúng tôi chỉ còn nước đứng nguyên một chỗ chờ nó thổi qua. Bão đến rồi đó. Coi kìa, chiếc Roberta”.

Chiếc Roberta buông dây neo chùng nằm gần gió nhất, bị thổi dạt sang một bên mạn như một cọng rơm. Thế rồi dây xích lại kéo nó đứng thẳng mũi dậy hướng theo chiều gió, thân tàu chòng chành dữ dội. Hết chiếc tàu này đến chiếc tàu khác - kể cả chiếc Malahini - đều bị tạt nghiêng theo trận gió đầu để rồi lại đứng thẳng dậy với sợi dây xích bị kéo thẳng căng.

Khi chiếc Malahini chòng chành theo sức giật của dây neo. Mulhall và phần lớn đoàn thuỷ thủ Kanaka loạng choạng suýt ngã.

Thế rồi gió tắt. Giải biển lặng sóng di động như bay đã lên tới chỗ họ. Grief đánh một que diêm và ngọn lửa để trần cháy đều không nhấp nháy trong bầu không khí yên lặng. Khắp vùng chìm trong cảnh tranh tối tranh sáng ảm đạm. Màn mây giăng kín bầu trời, trong suốt mấy giờ qua, mỗi lúc một hạ thấp xuống và lúc này hình như đã là hẳn xuống mặt biển.

Cũng như chiếc Roberta, trong khoảnh khắc, tất cả các thuyền buồm đều lần lượt căng dây xích khi đầu thứ hai của trận bão thổi tới. Mặt biển trắng ngầu những bọt nước réo lên sùng sục, cuộn mình thành những đợt sóng nhỏ tung toé. Bỗng tàu Malahini rung động dưới chân họ. Những sợi chão dương buồm bị kéo căng đập mạnh vào các cột buồm để lại những đường vằn, và toàn thể màn lưới chão reo vi vu như thể bị một bàn tay mạnh mẽ gẩy lên thành tiếng. Nếu đứng hướng mặt về phía gió thì không tài nào thở được. Nằm rạp đằng sau phòng ngủ kín gió cùng với những người khác, Mulhall tìm ra chân lý ấy. Trong khoảng khắc giớ lùa vào lồng ngực gã một thể tích không khí quá lớn lao đến nỗi gã không kịp thở ra, khiến gã suýt chết ngạt trước khi gã kịp quay đầu sang phía khác.

“Thật là ghê gớm” – gã hổn hển nói; nhưng không ai nghe rõ lời gã.

Hermann và phần đông đoàn thuỷ thủ Kanaka đang bò lổm ngổm về phía mũi để thả nốt chiếc neo thứ ba. Grief vỗ vai thuyền trưởng Warfield và chỉ sang chiếc Roberta. Con tàu đang bị dạt về phía họ. Warfield kề miệng sát tai Grief hét:

“Mình cũng bị dạt mà!”.

Grief vùng dậy chạy đến xoay bánh lái ngược lại, điều khiển chiếc Malahini lượn sang bên trái. Mỏ neo thứ ba bám chặt. Chiếc Roberta trôi qua, đuôi đi trước, cách họ trên chục thước. Họ vẫy tay chào Peter Gee và thuyền trưởng Robinson đang làm việc ráo riết đàng mũi cùng với một số thuỷ thủ.

“Hắn đang chặt đứt vòng xích buộc neo” – Grief hét, “Hắn định mạo hiểm vượt cửa đầm. Bất đắc dĩ mà. Neo nào cũng trơn tuột”.

“Tàu mình đứng vững rồi” – có tiếng ai hét lơn trả lời. “Coi kìa chiếc Xương Rồng đang lao về phía chiếc Misi. Thế là chúng rồi đời”.

Chiếc Misi nguyên lúc trước có thể đứng vững một mình, nhưng bây giờ lại bị gia thêm sức cản gió quá mãnh liệt của chiếc Xương Rồng, nên cả hai đều bám dính vào nhau trôi tuột đi băng qua mặt đầm réo sùng sục, trắng phau bọt sóng. Người ta thấy thuỷ thủ trên hai con tàu mải miết, nào chặt, nào đẩy gỡ chúng rời nhau ra. Chiếc Roberta, đã đứt neo, phía mũi trương một mảnh vải bạt đang hướng mũi lao về phía cửa biển ở tận đầu Tây Bắc của đầm nước mặn. Họ thấy con tàu vượt được qua cửa và chạy thẳng ra khơi. Tuy nhiên, chiếc Misi và chiếc Xương Rồng không sao rời được nhau ra. Cả hai bị thổi bạt lên bờ đảo san hô cách cửa biển nửa dặm.

Giông tố mỗi lúc một thổi mạnh thêm. Để chịu đựng toàn thể sức gió thổi, người ta phải dồn tất cả sức lực trong mình, bò bốn chân trên boong ngược chiều gió, trong một lúc là người nào cũng thấy mệt nhoài. Cùng với mấy thủy thủ Kanaka, Hermann vẫn gắng công bò lên, nào chằng nào buộc, luôn tay thêm dây neo chặt mép buồm vào cột. Gió xé tan manh áo lót mỏng và giật từng mảng ra khỏi lưng họ. Họ di động hết sức chậm chạp như thể người họ nặng hàng tấn, không bao giờ dám buông một tay trước khi tay kia đã nắm vững. Những đầu chão thừa nhô ngang ra, trông cứng nhắc. Sau khi bị giật, các đầu thừa dứt dời ra và bay đi mất.

Mulhall lần lượt vỗ vai từng người rồi chỉ về phía bờ biển. Dãy nhà kho lợp tranh đã biến mất và toà nhà của Parlay đang lung lay như say rượu. Vì lẽ giông tố thổi dọc theo chu vi đảo san hô, ngôi nhà được che chở nhờ rặng dừa mọc thành hàng dài hàng mấy dặm; nhưng những đợt sóng biển lớn, từ mé ngoài vỗ mạnh vào trong, đang rìa nát nền móng và đập phá nó thành mảnh vụn. Nó đã xiêu hẳn xuống triền đồi cát, và chẳng mấy chốc giờ lâm chung của nó sẽ điểm. Đây đó, người ta thấy thổ dân tự trói mình vào những thân dừa. Rặng dừa không lay động hay nghiêng ngả gì. Gió bẻ cong ngọn chúng xuống và chúng ở nguyên thế đó trong khi tàu lá rên rỉ nghe đến rợn người. Phía dưới, những ngọn sóng bạc đầu tung mình băng qua bãi cát.

Dọc theo chiều dài của đầm mặn, biển cũng đang động dữ dội. Nó có thửa chỗ để tung mình trong khoảng mười dặm trải rộng từ riềm đón gió của đảo san hô, và không một chiếc tàu nào là không chúi hay nhô mũi. Chiếc Malahini bắt đầu hụp chúi đầu và ngọn cột cái dưới những đợt sóng lớn, và đôi lúc, nước biển tạt lên boong cao ngang mặt dãy lan can.

“Giờ đến lúc sử dụng động cơ của anh đó” – Grief hô lớn. Thuyền trưởng Warfield bò tới chỗ viên kỹ sư đang nằm và hét to để ra lệnh rối rít.

Nhờ sức máy chạy hết tốc lực về phía trước, chiếc Malahini lấy lại được đôi chút thăng bằng. Mặc dầu sóng vẫn tràn lên đằng mũi, nó không còn bị mấy chiếc neo giật mạnh trở lại như lúc trước nữa. Mặt khác, nó vẫn không thêm được chút dây xích nào. Chạy hết sức, giỏi lắm bộ máy bốn chục mã lực của nó cũng chỉ có thể làm chão bớt căng thẳng mà thôi.

Gió vẫn tăng sức mạnh. Chiếc Nuhiva bé nhỏ, nằm trước chiếc Malahini và gần bờ biển hơn, động cơ vẫn chưa sửa xong và thuyền trưởng còn ở trên bờ, đang trải qua một thời gian khốn đốn. Nó lặn hụp quá nhiều lần và quá sâu đến nỗi lần nào họ cũng phập phồng chỉ sợ nó không sao thoát khỏi sóng nước.

Lối ba giờ chiều, bị chôn vùi với đợt sóng thứ hai trước khi nó kịp gỡ mình ra khỏi làn sóng trước, nó không ngoi lên được nữa.

Mulhall nhìn Grief.

“Nước biển tràn vào qua các cửa sổ của nó rồi” – Grief hét to trả lời.

Thuyền trưởng Warfield chỉ sang chiếc “Winifred” - một chiếc tàu buồm nhỏ đang hụp lặn mé ngoài họ, và quát vào tai Grief. Giọng ông vang lên thành từng chuỗi yếu ớt, thỉnh thoảng lại bị ngất bằng những quãng yên lặng mỗi khi bị giông tố gào thét thổi tạt đi.

“Nó có khác gì một chiếc bồn tắm nhỏ nhoi đã rữa nát… Neo bám vững… Nhưng làm sao nó tránh khỏi bị tan thây được… Cũ kỹ như thuyền của cụ Noeh ấy”.

Một giờ sau, Hermann chỉ sang phía nó. Mấy chiếc cột con, cột cái phía trước và phần lớn mũi tàu bị biến mất vì bị mấy chiếc neo giật đứt khỏi thân tàu. Nó nghiêng về một bên mạn, lẩn mình trong luống trũng giữa hai làn sóng rồi chúi hẳn đầu xuống; và ở thế đó nó bị cuốn đi theo chiều gió.

Giờ chỉ còn lại năm chiếc tàu, và chỉ có chiếc Malahini là gắn thêm động cơ. Sợ cùng chung một số phận với chiếc Nuhiva hay chiếc Mildred, hai chiếc nữa đành theo gương chiếc Roberta chặt đứt vòng dây neo và lao về phía cửa bể. Chiếc Dolly dẫn đầu nhưng cánh buồm của nó bị gió cuốn mất, và nó đi đến chỗ tử vong ở riềm khuất gió của đảo san hô, gần chiếc Misi và chiếc Xương Rồng. Thấy thế, chiếc Moana vẫn không sờn lòng, chặt neo và theo sau để đi đến cùng một kết quả.

“Máy cừ đấy chứ hả?” - thuyền trưởng Warfield hỏi vọng sang phía chủ thuyền.

Grief giơ tay bắt. “Đáng đồng tiền bát gạo lắm” - hắn la đáp lại. “Gió đang đổi hướng lượn về phía nam, tàu ta sẽ bớt chòng chành”.

Từ từ và đều đặn nhưng với tốc lực mỗi lúc một tăng, cuồng phong lượn vòng xuống phía nam và phía tây nam; cho đến khi cả ba chiếc tàu buồm còn sót lại đều hướng thẳng mũi vào bờ. Cái xác nhà của Parlay bị thổi tung xuống đầm mặn và bị đẩy hắt về phía họ. Nó bay qua chiếc Malahini, rớt xuống chiếc Papara nằm cách đuôi nó chừng một phần tư dặm. Đoàn thuỷ thủ chiếc Papara hối hả ra công phá, gỡ và chừng một khắc sau xác nhà được đẩy ra khỏi tàu nhưng cũng mang theo chiếc cột buồm mũi và bộ buồm phụ trước mũi.

Gần bờ biển, về phía trước mũi họ là chiếc Tahaa, thon nhỏ giống như chiếc du thuyền nhưng lại lắp quá nhiều cột buồm. Mấy chiếc neo của nó vẫn còn bám vững nhưng viên thuyền trưởng thấy gió không bớt sức lộng, bắt đầu tìm cách giảm sức gió cản, bằng cách chặt dây các cột buồm trên tàu.

“Máy ta cừ quá” – Grief khen viên thuyền trưởng. “Cũng may có nó ta đỡ phải chặt cột buồm”.

Thuyền trưởng Warfield lắc đầu ra vẻ hoài nghi.

Vùng biển trong vùng nước mặn lặng sóng dần với hướng gió đổi thay; nhưng họ bắt đầu cảm thấy sức tung dồn của biển cả mé ngoài vỗ qua mặt đảo san hô. Rặng dừa không sót lại mấy cây. Một số bị gãy ngang thân: mấy cây khác bị tróc gốc. Họ được chứng kiến cảnh một nửa thân cây bị bẻ gẫy rời; trên có ba người bám chặt, và bị cuồng phong lôi cuốn xuống đầm mặn. Hai người rời thân cây bơi về phía chiếc Tahaa. Một lát sau, ngay trước khi đêm xuống, họ thấy một người từ đuôi chiếc tàu nhảy xuống nước và mạnh mẽ bơi sải về chiếc Malahini qua những đợt sóng nhỏ nhấp nhô tung bọt trắng ngần.

“Đó là Tai-Hotauri” - Grief đoán. “Giờ thì ta biết tin đây”.

Gã thổ dân Kanaka bám vào sợi dây chão ở đầu mũi, trêo lên đầu tàu và bò về phía đuôi. Hắn dành được đủ thời gian để lấy lại hơi sức và nấp sau phía khuất gió của căn phòng, gã kể lại câu chuyện qua những lời ngắt quãng và phần lớn nhờ cách giơ tay làm hiệu.

“Narii… Đạo tặc khốn khiếp. Nó muốn cướp ngọc trai. Một đứa giết Parlay… Không biết là đứa nào… Ba thằng Kanaka, Narii, tôi… Năm hạt đậu… Narii nói một hạt đen… Chẳng ai biết… Giết Parlay… Narii gian dối khốn khiếp… Viên nào cũng đen… Năm đen… Kho khô dừa tối ngòm… Người nào cũng được viên đen… Gió lớn đến… Không cách gì… Ai nấy lên cây… Ngọc trai mang vận xui; trước kia tôi từng nói với ông thế… Không may mắn đâu”.

“Parlay bây giờ ở đâu?” – Grief thét lên hỏi.

“Trên cây… Ba thằng Kanaka của nó cũng ở cây ấy; Narii và một thằng Kanaka nữa ở cây khác… Cây của tôi bị tróc gốc, thế rồi tôi về tàu”.

“Mớ ngọc trai ở đâu?”

“Trên cây cùng với Parlay, có lẽ Narii lấy được ngọc rồi”.

Grief lần lượt thét vào tai từng người kể lại câu chuyện của Tai-Hotauri, riêng thuyền trưởng Warfield nổi cơn thịnh nộ và họ thấy ông nghiến răng kèn kẹt.

Hermann xuống phía dưới rồi trở lên, tay cầm mỗi cây đuốc nhưng đúng lúc vừa giơ lên quá vách phòng nó bị gió thổi tắt ngóm. Hắn may mắn hơn với cây đèn lồng xem địa bàn được thắp sáng, sau khi họ thay phiên nhau bao lần hoài công cố gắng châm lửa.

“Đêm nay gió mới lộng chứ” – Grief hét vào tai Mulhall “và mỗi lúc lại thổi mạnh thêm”.

“Mạnh thế nào?”

“Một trăm dặm một giờ - hai trăm cũng nên. Tôi cũng không biết nữa. Chưa bao giờ tôi thấy giớ thổi mạnh hơn”.

Đầm mặn mỗi lúc một chuyển động mạnh vì sức sóng biển tràn vào qua thành đảo san hô. Cả một vùng trùng dương rộng hàng trăm hải lý đang bị đẩy lui dưới sức cuồng phong, sức đẩy còn mạnh gấp bội sức nước rút của thuỷ triều. Ngay khi ấy thuỷ triều bắt đầu dâng lên, mực biển lên cao rất dễ nhận thấy. Trăng và gió đang dồn nước miền Nam Thái Bình Dương tràn lên đảo san hô Hikihoho.

Thuyền trưởng Warfield trở lên boong sau một trong những chuyến xuống phòng máy và báo tin viên kỹ sư bị ngất.

“Không thể cho máy ngừng chạy được” – ông kết luận với giọng thất vọng.

“Thôi được” – Grief thét. “Khiêng hắn lên boong. Để tôi thay phiên hắn một lúc”.

Nắp cửa hầm dẫn xuống phòng máy đã được đóng chặt, muốn xuống phải qua một lối đi hẹp từ phòng ngủ. Qua hơi nóng và khói dầu xông lên ngột ngạt. Grief vội vã quan sát động cơ và dụng cụ trong gian phòng nhỏ bé qua một lượt rồi thổi tắt ngọn đèn dầu. Sau đó, ông mò mẫm làm việc trong bóng tối ngoại trừ ánh sáng le lói toả ra từ những điếu xì gà liên tiếp mà ông phải đi sang phòng ngủ để châm hút. Mặc dầu tính vốn điềm đạm, chẳng mấy chốc ông đã bắt đầu tỏ ra mệt nhọc, cáu kỉnh vì bị giam lỏng cùng với một bộ máy quái đản phải chạy hết tốc lực, rền rĩ và rung chuyển trong đêm tối đầy tiếng gào thét. Minh để trần đến ngang thắt lưng, dính đầy dầu mỡ, nhiều chỗ tím bầm hay xước da vì bị con tàu lúc chồm lên, lúc chúi mũi xuống, hất ngã dúi dụi, đầu óc chơi vơi vì bị buộc phải hô hấp thứ không khí trộn lẫn hơi xăng, ông làm lụng vất vả hết giờ này sang giờ khác, lần lượt vuốt ve khen tặng, đổ thêm xăng, và nguyền rủa chiếc động cơ và tất cả những bộ phận của nó. Bộ phận phát lửa bắt đầu hỏng. Bộ máy mỗi lúc một thêm ngộp xăng và tệ hơn hết mấy chiếc xy lanh bắt đầu bốc nóng. Trong khi hội họp trong phòng ngủ để thảo luận, viên kỹ sư hết van xin lại yêu cầu cho máy nghỉ độ nửa tiếng để động cơ nguội đi và để sửa lại hệ thống tuần hoàn.

Thuyền trưởng Warfield phản đối không cho hãm máy. Gã lai da trắng thề độc rằng động cơ tất hư hỏng và thế nào cũng ngưng chạy hẳn. Mắt nẩy lửa, khắp người xây xát và bê bết những dầu mỡ. Grief la hét và rủa xả cho cả hai im miệng, và thân hành ban bố hiệu lệnh. Mulhall, viên quản lý và Hermann được giao phó việc gạn dầu xăng, gạn đi gạn lại hai, ba lần trong phòng ngủ.

Một lỗ hổng được phá thông qua sàn phòng máy và một thuỷ thủ Kanaka phải kéo nước dưới hầm tàu lên tưới nguội mấy ống xi lanh, trong khi Grief tiếp tục dội dầu lên những bộ phận đang hoạt động.

“Ai ngờ ông lại là một chuyên viên dầu xăng” - thuyền trưởng Warfield tán tụng khi Grief sang phòng ngủ để thở hút một chút không khí trong lành hơn.

“Tôi quả là tắm dầu xăng” – ông hằn học nói dằn từng tiếng qua kẽ răng. “Uống nữa là đằng khác”.

Người ta không biết ông còn tìm ra những cách nào khác để sử dụng xăng bởi vì vào lúc ấy, tất cả những người có mặt trong phòng ngủ, kể cả chỗ dầu xăng đang được gạn lọc, đều bị xô đẩy vào vách phòng trong khi chiếc Malahini đột nhiên chúi mũi xuống biển sâu. Trong một lúc lâu, họ không sao đứng dậy được, lăn đi lộn lại, nện đầu thình thịch vào hết bức tường này đến bức tường kia. Chiếc tàu buồm, bị ba đợt sóng lớn nhồi liên tiếp, rên rỉ, rùng mình và dưới sức nặng của nước biển tràn vào các cầu tàu, hoạt động như một khúc gỗ. Grief bò sang phòng máy, trong khi thuyền trưởng Warfield đợi dịp trèo lên cầu thang thoát lên boong.

Mãi nửa giờ sau ông mới trở xuống.

“Thuyền săn trôi mất rồi” – ông báo cáo, “chiếc xuồng lớn cũng mất nốt. Cái gì cũng trôi hết trừ boong tàu và mấy cửa hầm. Và nếu cái máy ấy không chạy, tụi mình cũng đã trôi đi mất rồi. Ta phải tiếp tục cho máy chạy đều”.

Gần tới nửa đêm, lồng ngực và đầu óc viên kỹ sư đã trút sạch khói dầu đủ để cho hắn vào thay phiên Grief cho ông lên boong thông sạch đầu và phổi. Ông nhập bọn đám người đang nằm rạp ở mé sau buồng ngủ, tay bám chắc vào mép tường, khắp người chằng thêm dây thừng cho thật chắc chắn. Đó là cả một khối người hỗn độn, xúm xít vào nhau, bởi vì đầy là nơi ẩn nấp duy nhất của đoàn thuỷ thủ Kanaka. Một số đã nhận lời thuyền trưởng mời vào tạm trú trong phòng ngủ, nhưng rồi lại bị khói dầu xua trở ra. Chiếc Malahini luôn luôn chúi mũi xuống và bị sóng tạt qua boong, và cái mà họ dang thở hít là do không khí, bọt sóng và nước biển hỗn hợp cùng pha trộn.

“Mulhall, tàu chòng chành dữ quá” – Grief hét về phía ông khách quý sau một lần ngập sũng nước mặn.

Mulhall, bị nghẹt thở đến gần chết sặc, chỉ đành gật đầu đồng ý. Những lỗ thông nước ở hai bên mạn tàu không sao xối kịp cho khối nước tràn ngập trên boong rút hết xuống biển. Con tàu lăn lộn, hất tung khối nước qua mặt lan can bên mạn này để rồi lại đón nhận khối nước khác tràn lên qua mặt lan can bên kia. Đôi khi, mũi chổng hẳn lên trời, đuôi ngụp thẳng xuống biển, nó hắt nước biển chảy xối về phía sau. Nước mặn tuột theo cầu thang sân thượng đằng mũi, dào dạt leo qua nóc phòng ngủ, trút ngập xuống và gây bầm dập cho những kẻ bám chắc lấy cầu tàu, và đổ xuống biển qua mặt lan can đằng đuôi.

Mulhall trông thấy một người trước tiên và lưu ý Grief. Đó chính là Narii Herring, đang nằm rạp, tay bám chắc vào nơi mà ánh đèn soi địa bàn chiếu xuống người hắn. Hắn trần như nhộng, ngoại trừ một chiếc đai lưng và một lưỡi dao giắt giữa chiếc đai và lần da.

Thuyền trưởng Warfield cởi dây trói và bước qua thân mình đám thuỷ thủ. Khi mặt ông hiện rõ trong vùng sáng của ngọn đèn, người ta mới thấy ông đang nổi cơn thịnh nộ, và có thể nhận ra ông quát tháo, nhưng tiếng ông bị gió át đi. Ông không muốn kề sát tai Narii Herring. Trái lại, ông chỉ qua một bên mạn tàu. Narii Herring hội ý. Hàm răng trắng nhởn của hắn nhe ra trong một nụ cười vui thích và riễu cợt. Hắn đứng thẳng dậy – hình ảnh một con người thật hiên ngang.

“Có khác gì giết hắn?” – Mulhall hét về phía Grief.

“Nó cũng định giết lão Parlay mà?” – Grief hét đáp lại.

Lúc ấy nước đã rút hết trên sân thượng và chiếc Malahini đang ở thể thăng bằng. Muốn làm ra vẻ anh hùng rơm, Narii Herring cố bước chững chạc ra mé lan can, nhưng lại bị cơn giớ thổi ngã bổ nhoài. Sau đó, hắn bò lồm ngổm và biến dạng trong đêm tối mặc dầu ai nấy đều tin rằng hắn đã trôi xuống biển qua mạn tàu. Chiếc Malahini hụp xuống thật sâu: và khi họ nhô ra khỏi làn nước đổ như thác lũ xuống mé đuôi, Grief rót vào tai Mulhall.

“Chúng ta không thể mất người bạn quý ấy đâu! Hắn là Người Cá của đảo Tahiti đấy! Thế nào hắn cũng bơi được qua đầm mặn leo lên bờ đảo san hô mé bên kia - nếu còn vành san hô nào sót lại”.

Năm phút sau, trong một lần khác bị nước biển bao phủ, một đống hài hài hỗn độn qua nóc phòng xuống đầu họ. Họ vội nắm lại và giữ chắc cho đến khi nước rút hết, rồi khiêng chúng xuống khoang tàu để tìm biết lai lịch chúng. Lão Parlay nằm ngửa trên sàn, hai mắt nhắm nghiền không động cựa. Hai gã kia là anh em họ của lão, người xứ Kanaka. Cả ba đều trần truồng và bê bết những máu. Cánh tay một gã Kanaka đã gẫy rục và lủng lẳng cạnh sườn, gã Kanaka kia bị toạc một miếng khá to, máu ở vết thương chảy ra xối xả.

“Công trình của gã Narii phải không?” – Mulhall hỏi. Grief lắc đầu. “Không. Họ bị thương trong khi trôi theo cầu tàu và qua nóc nhà”.

Một cái gì bỗng ngưng hẳn, làm họ chóng mặt và hoang mang. Trong giây lát, họ khó lòng mà nhận thức ra rằng gió đã tắt. Như được tặng một nhát kiếm cực bén bất thình lình chém xuống, cuồng phong bị chặt đứt. Chiếc tàu buồm tròng trành và lặn hụp để rồi được mấy chiếc neo kéo trở lên với một tiếng dội mạnh mà lần đầu tiên họ nghe thấy, và cũng là lần đầu tiên họ nghe tiếng nước biển dào dạt đổ quanh trên mặt boong. Viên kỹ sư chặn chân vịt lại và cho động cơ nghỉ chạy.

“Chúng ta đang ở trong tâm bão lặng gió” – Grief nói. “Sắp sửa đến lúc đổi phiên. Nó sẽ đến mạnh như lần trước”. Ông nhìn phong vũ biểu.

“Hai mươi chín độ ba mươi hai phút”, - ông cao giọng đọc.

Trong một lát, ông không sao hạ thấp được giọng. Trong hàng bao tiếng đồng hồ, ông đã quen hét to để cuồng phong khỏi át mất giọng. Giờ đây, ông nói quá lớn đến nỗi, trong bầu không khí yên lặng, tiếng ông làm những người khác phải chối tai.

“Xương sườn lão dập hết rồi” – viên quản lý miệng nói tay sờ nắn hai bên hông Parlay. “Lão còn thoi thóp nhưng cũng sắp ngoẻo rồi”.

Lão Parlay rên rỉ, động đậy một bên tay nhưng không sao cất nhấc lên được và mở mắt. Mắt lão rực sáng khi nhận ra người quen.

“Quý ngài” – lão thì thầm qua hơi thở hổn hển “đừng quên… buổi bán đấu giá… lúc mười giờ… dưới âm ty”.

Mắt lão nhắm nghiền và hàm dưới chỉ chực trễ xuống, nhưng lão gắng sức chế ngự cơn quằn quại trong giây phút hấp hối để kịp buông ra tiếng cười khành khạch diễu cợt cuối cùng.

Trên không và dưới biển cả, giông bão lại nổi dậy đùng đùng. Tiếng gầm rít quen thuộc của cuồng phong lại đến với họ. Chiếc Malahini bị tạt trúng vào một bên sườn và bị ép dí xuống trong khi nó lượn một vòng cánh cung mà mấy chiếc neo buộc nó phải trôi theo. Chúng kéo nó trở vào hướng giớ, nó giật mạnh rồi về thế thăng bằng. Chiếc chân vịt được đẩy cho chạy và động cơ lại tiếp tục hoạt động.

“Hướng Tây Bắc” - thuyền trưởng Warfield hét về phía Grief khi ông leo lên boong. “Tụt tám độ trong nháy mắt”.

“Bây giờ thì Narii không thể nào vượt qua được đầm mặn nữa” – Grief nhận xét.

“Nếu thế thì hắn tất bị thổi dạt trở về phía chúng ta – không còn gì xui xẻo hơn nữa.”

V

Sau khi tâm bão đi qua, phong vũ biểu bắt đầu lên. Sức gió cũng bớt theo cùng một tốc độ. Khi giông tố chỉ còn là một cơn gió mạnh rú rít, chiếc động cơ nẩy tưng lên trên không, rời khỏi bệ trong cơn quằn quại cuối cùng của một tân lực mạnh bốn mươi mã lực, và đổ lăn sang một bên, một luồng nước từ dưới hầm tàu phun lên tung toé bao trùm lấy nó và hơi nóng bốc lên ùn ùn như mây.

Viên kỹ sư rên xiết vì hoảng sợ, nhưng Grief nhìn cái thân tàn của nó với vẻ trìu mến rồi bước sang phòng ngủ bốc từng nắm bông gòn bỏ đi đưa lên chùi sạch những vết dầu mỡ bám trên ngực và cánh tay.

Mặt trời đã mọc và cơn gió nồm hiền hoà nhất mùa hè đang thổi khi ông lên tới boong, sau khi khâu lại vết nứt trên sọ một gã Kanaka và bó chắc cánh tay của gã kia. Chiếc Malahini nằm sát bờ biển. Đằng mũi, Hermann và đoàn thuỷ thủ đang kéo chão và gỡ mấy chiếc dây neo xoắn vào nhau. Chiếc Papara và chiếc Tahaa đều đã mất dạng. Thuyền trưởng Warfield dương viễn vọng kính quan sát riềm bên kia đảo san hô.

“Chúng chìm hết, chẳng còn cột buồm” – ông nói. “Không có động cơ tai hại thế đấy. Chắc chúng bị dạt, băng ra ngoài đầm trước khi cơn bão tạm ngưng thổi để đổi hướng”.

Trên bờ, ở nơi nền nhà cũ của Parlay, không còn một chút vết tích gì chứng tỏ trước kia từng có ngôi nhà ở đó: Trong khoảng ba trăm thước, nơi mà biển cả đã phá vỡ tràn vào, không còn lại một cây nào đứng vững hay cả một thân cây bị đổ. Đây đó, về phía xa xa, còn trơ một cây dừa lẻ loi và có rất nhiều cây đã bị xén đứt ngang thân.

Trong vòm lá của một cây dừa sống sót, Tai-Hotauri cả quyết gã trông thấy một vật gì cử động. Trên tàu không còn sót một chiếc xuồng nào, và họ nhìn theo gã bơi vào bờ, leo lên cây.

Khi gã lội trở về tàu, họ giúp một thiếu nữ thổ dân thuộc đám da nhân của Parlay trèo qua lan can, nhưng trước hết nàng trao cho họ một chiếc rổ méo mó đựng một ổ mèo con chưa mở mắt – chúng đã chết, trừ một con còn yếu ớt kêu meo meo và lẩy bẩy bò quanh.

“Ô kìa” – Mulhall kêu lên “ai kia kìa”.

Họ thấy một người đàn ông tản bộ dọc theo bờ biển. Hắn ung dung bước như thể đang dạo mát vào lúc ban mai. Thuyền trưởng Warfield nghiến chặt răng lại. Đó là Narii Herring.

“Kìa, thuyền trưởng”. - Narii Herring lên tiếng chào khi hắn vừa tới trước mặt họ. “Thuyền trưởng có cho phép tôi lên tàu và đãi tôi một bữa điểm tâm không?”.

Mặt và cổ thuyền trưởng Warfield bắt đầu nổi gân và ửng đỏ. Ông định lên tiếng nhưng nghẹn họng không nói được nên lời.

“Đồ dịch vật… đồ dịch vật… chỉ cần hai xu… chỉ cần hai xu...” – ông chỉ lắp bắp được có thế.

HẾT

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Kho tàng ngọc trai Kho tàng ngọc trai

Có thể bạn thích