Khái Quát Về Lịch Sử Nước Mỹ
Chương 5: Mở rộng sang phía Tây và sự khác biệt giữa các vùng

“Hãy tiến về phía tây, hỡi chàng trai, và hãy lớn lên cùng tổ quốc"
Biên tập viên Horace Greeley, 1851

GÂY DỰNG TÌNH ĐOÀN KẾT

Cuộc Chiến tranh 1812, xét từ góc độ nào đó, là cuộc chiến lần thứ hai giành độc lập và khẳng định sự đoạn tuyệt vĩnh viễn của nước Mỹ với nước Anh. Khi chiến tranh khép lại, nhiều khó khăn trầm trọng đặt ra với nền cộng hòa non trẻ kể từ thời cách mạng giờ đã biến mất. Nhà nước liên bang theo Hiến pháp đã đem lại sự cân bằng giữa tự do và trật tự. Cùng với khoản nợ công rất nhỏ và một lục địa đang ngóng chờ được khám phá, cánh cửa hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ xã hội đã mở ra trước dân tộc Mỹ.

Hoạt động thương mại càng làm cho tình đoàn kết dân tộc thêm vững chắc. Những mất mát trong chiến tranh đã giúp nhiều người nhận thấy tầm quan trọng phải bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ cho đến khi họ có thể một mình chống chọi được với sự cạnh tranh của nước ngoài. Nhiều người lập luận rằng độc lập về kinh tế cũng quan trọng không kém độc lập về chính trị. Để cổ súy tinh thần tự lực cánh sinh, các nhà lãnh đạo Quốc hội như Henry Clay thuộc tiểu bang Kentucky và John C. Calhoun thuộc tiểu bang Nam Carolina đã kêu gọi thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, hạn chế hàng nhập khẩu nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp Mỹ phát triển.

Đây là thời điểm thuận lợi để tăng thuế quan. Các linh mục ở Vermont và Ohio muốn bảo hộ chống lại sự tràn ngập của len nước Anh. Ở bang Kentucky, ngành dệt cây gai dầu địa phương thành vải sợi may bao và túi mới ra đời đã bị ngành công nghiệp dệt vải may túi bao Scotland đe doạ. Pittsburgh ở bang Pennsylvania vốn đã là một trung tâm cán thép rất phát triển, nay sốt sắng thách thức các nhà cung cấp thép Anh và Thụy Điển. Biểu thuế ban hành năm 1816 đã đủ mạnh để bảo hộ thực sự các nhà sản xuất.

Ngoài ra, dân miền Tây còn ủng hộ một hệ thống đường sá và kênh đào quốc gia để nối kết họ với các thành phố và hải cảng miền Đông, và để mở mang những vùng đất miền biên giới cho việc định cư. Tuy nhiên, họ đã không thành công trong việc kêu gọi chính quyền liên bang tham gia phát triển nội bộ bang do có sự phản đối từ bang New England và miền Nam. Những con đường và những con kênh còn lại là mối quan tâm của các bang cho đến khi Đạo luật Hỗ trợ Đường bộ Liên bang năm 1916 được thông qua.

Vị thế của Chính phủ Liên bang vào thời gian này đã được củng cố mạnh mẽ nhờ có một số quyết định của Tòa án Tối cao. Một người đại điện ủng hộ chủ nghĩa liên bang, John Marshall, người bang Virginia, đã trở thành Chánh án Tòa án Tối cao năm 1801 và giữ chức vụ này cho tới khi ông qua đời năm 1835. Tòa án vốn yếu ớt trước khi ông nhậm chức thì giờ đây đã trở thành một tòa án mạnh, có vị trí ngang hàng với Quốc hội và tổng thống. Theo các quyết định mang tính lịch sử sau đó, Marshall đã xây dựng quyền của Tòa án Tối cao và củng cố chính quyền liên bang.

Marshall là người đầu tiên trong hàng ngũ đông đảo các vị thẩm phán Tòa án Tối cao mà những quyết định của họ đã tạo nên ý nghĩa và áp dụng cho Hiến pháp. Khi ông kết thúc sự nghiệp phục vụ của mình thì Tòa án Tối cao đã giải quyết chừng 50 vụ án liên quan tới các vấn đề hiến pháp. Một trong những phán quyết nổi tiếng nhất của Marshall - vụ Marbury kiện Madison (1803) - ông đã kiên quyết khẳng định quyền của Tòa án Tối cao được xem xét tính hợp hiến của tất cả các bộ luật của Quốc hội Liên bang hay của cơ quan lập pháp của tiểu bang. Trong vụ Mc Culloch kiện Maryland (1819) ông đã khẳng khái nêu cao lý thuyết của Hamilton cho rằng, suy rộng ra, Hiến pháp ban cho chính phủ những quyền hạn vượt ra ngoài phạm vi những quyền đã được quy định rõ ràng trong văn kiện này.

MỞ RỘNG CHẾ ĐỘ NÔ LỆ

Chế độ nô lệ mặc dù cho đến lúc này còn ít thu hút sự chú ý của công chúng song đã bắt đầu có được tầm quan trọng hơn nhiều với tư cách là một vấn đề quốc gia đại sự. Vào những năm đầu tiên của nền cộng hòa, khi các bang miền Bắc đang tiến hành giải phóng nô lệ, nhiều nhà lãnh đạo đã cho rằng chế độ nô lệ sẽ bị thủ tiêu. Năm 1786, George Washington đã viết rằng, ông chân thành cầu chúc cho một kế hoạch nào đó có thể được thông qua theo đó chế độ nô lệ có thể được bãi bỏ một cách từ từ, chắc chắn và tinh tế. Jefferson, Madison và Monroe từ Virginia và các chính khách miền Nam hàng đầu khác đều có những lời phát biểu tương tự.

Sắc lệnh Tây Bắc ban hành năm 1787 đã cấm chế độ nô lệ ở lãnh thổ miền Tây bắc. Cho tới năm 1808, khi việc buôn bán nô lệ quốc tế bị bãi bỏ thì có nhiều người miền Nam nghĩ rằng chế độ chiếm hữu nô lệ sẽ mau chóng chấm dứt. Song mọi sự mong đợi như vậy đã không được thành hiện thực bởi vì trong thế hệ sau đó, dân miền Nam liên kết chặt chẽ với nhau biến việc tổ chức chiếm hữu nô lệ thành những nhân tố kinh tế, khiến cho chế độ này càng đem lại lợi nhuận nhiều hơn so với trước năm 1790.

Nguyên nhân chính là do sự phát triển nghề trồng bông quy mô lớn ở miền Nam nhờ việc áp dụng canh tác các giống bông mới và phát minh máy tỉa hạt bông của Eli Whitney vào năm 1793 giúp tách được các hạt ra khỏi bông. Đồng thời, cuộc Cách mạng Công nghiệp đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt hoạt động với quy mô lớn, làm gia tăng nhu cầu về bông nguyên liệu. Việc triển khai các vùng đất mới ở miền Tây sau năm 1812 đã mở rộng rất lớn khu vực có thể trồng bông. Nghề trồng bông đã dịch chuyển nhanh chóng từ các bang thuộc khu vực Tidewater ở duyên hải miền Đông qua miền Nam trũng thấp hơn tới vùng đồng bằng châu thổ sông Mississippi và cuối cùng là tới bang Texas.

Mía, một loại cây trồng khác sử dụng nhiều lao động, cũng góp phần mở rộng chế độ nô lệ ở miền Nam. Những vùng đất ấm, màu mỡ ở Đông Nam Louisiana rất lý tưởng cho việc trồng mía đem lại lợi nhuận cao. Tới năm 1830, bang Louisiana đã cung cấp cho cả nước khoảng một nửa lượng đường. Cuối cùng, những người trồng thuốc lá đã chuyển sang miền Tây và mang theo họ chế độ nô lệ.

Vì xã hội tự do của miền Bắc và xã hội chiếm hữu nô lệ của miền Nam đều bành trướng sang phía Tây nên có lẽ sẽ có lợi về chính trị nếu duy trì được sự bình đẳng vững chắc giữa các bang mới đang tiến về những vùng lãnh thổ miền Tây. Năm 1818, khi Illinois được chấp nhận vào liên minh, 10 bang đã được phép có chế độ nô lệ, 11 bang cấm chế độ này; nhưng sự cân bằng đã được phục hồi sau khi bang Alabama được thừa nhận theo chế độ nô lệ. Dân số ở miền Bắc tăng nhanh hơn, cho phép các bang miền Bắc chiếm đa số ghế trong Hạ viện. Tuy nhiên, sự bình đẳng giữa miền Bắc và miền Nam vẫn được duy trì ở Thượng viện.

Vào năm 1819, bang Missouri có 10.000 nô lệ đã xin gia nhập liên bang. Dân miền Bắc tập hợp lại để phản đối việc gia nhập của Missouri trừ phi đó là một bang tự do, và làn sóng phản đối đã lan khắp cả nước. Có một thời gian Quốc hội đã lâm vào tình trạng bế tắc, nhưng Henry Clay đã đạt được một thỏa thuận mang tên Thỏa hiệp Missouri: Missouri được gia nhập với tư cách là một bang có chế độ nô lệ cùng lúc với bang Maine gia nhập với tư cách là một bang tự do. Ngoài ra, Quốc hội đã cấm chế độ nô lệ ở lãnh thổ Louisiana vốn được mua lại từ nước Pháp ở khu vực phía bắc biên giới phía Nam của bang Missouri. Đồng thời quy định này dường như đã trở thành một thắng lợi đối với các bang miền Nam vì người ta không ngờ rằng vùng sa mạc Mỹ bao la này lại có người đến sinh sống. Cuộc tranh luận đã tạm thời được giải quyết ổn thỏa, nhưng Thomas Jefferson đã viết cho một người bạn rằng "vấn đề trọng yếu này tựa hồ tiếng chuông báo cháy đã khiến tôi tỉnh giấc với nỗi sợ khủng khiếp. Ngay lập tức tôi cho rằng đó là hồi chuông khai tử Liên bang".

CHÂU MỸ LA-TINH VÀ HỌC THUYẾT MONROE

Vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX, miền Trung và Nam Mỹ đã hướng về Cách mạng. Tư tưởng tự do đã khuấy động nhân dân châu Mỹ La-tinh từ thời các thuộc địa Anh chiến đấu giành tự do. Cuộc chinh phục Tây Ban Nha của Napoleon năm 1808 đã báo hiệu người Mỹ La-tinh sẽ vùng lên khởi nghĩa. Cho tới năm 1822, dưới sự lãnh đạo tài tình của Simon Bolivar, Francisco Miranda, José de San Martin và Miguel Hidalgo, tất cả khu vực nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở châu Mỹ - từ Argentina và Chile ở miền Nam tới Mexico ở miền Bắc - đều đã giành được độc lập.

Nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã quan tâm sâu sắc đến việc củng cố lại những kinh nghiệm của chính họ trong việc đoạn tuyệt với chế độ cai trị của châu Âu. Những phong trào đòi độc lập ở châu Mỹ La-tinh đã khẳng định niềm tin nơi họ về quyền tự trị. Năm 1822, Tổng thống James Monroe, trước áp lực ngày càng lớn của dư luận, đã cho phép công nhận các quốc gia mới ở Mỹ La-tinh và đã nhanh chóng trao đổi công sứ với các quốc gia này. Tổng thống đã công nhận họ là các quốc gia độc lập thực sự, hoàn toàn tách khỏi những mối ràng buộc trước kia với châu Âu.

Chính lúc đó, Nga, Phổ và áo đã thiết lập Liên minh Thần thánh để bảo vệ họ trước các cuộc cách mạng. Bằng việc can thiệp vào những nước nơi phong trào của quần chúng đang đe dọa chế độ quân chủ, liên minh này - có sự tham gia của Pháp thời hậu Napoleon - đã hy vọng có thể ngăn chặn cách mạng lan rộng. Chính sách này đi ngược lại với nguyên tắc tự quyết của nước Mỹ.

Chừng nào mà Liên minh Thần thánh giới hạn những hoạt động của họ trong phạm vi cựu thế giới thì điều đó không gây lo lắng cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nhưng khi Liên minh tuyên bố ý định muốn phục hồi các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha thì người Mỹ bắt đầu lo âu. Do Mỹ La-tinh có ý nghĩa rất quan trọng với lợi ích thương mại của Anh nên nước Anh đã quyết định ngăn chặn hành động này. Luân Đôn hối thúc mở rộng các bảo đảm của Anh - Mỹ đối với châu Mỹ La-tinh, nhưng Ngoại trưởng John Quincy Adams lại thuyết phục Monroe hành động đơn phương: “Có thể sẽ ngay thẳng, chân thật hơn, cũng như đường hoàng hơn nếu ta tuyên bố những nguyên tắc của mình một cách rõ ràng với Nga và Pháp so với việc leo lên một con thuyền nhỏ đuổi theo tàu chiến của Anh.

Tháng 12/1823, khi biết hải quân Anh sẽ bảo vệ châu Mỹ La-tinh chống lại Liên minh Thần thánh và Pháp, Tổng thống Monroe đã nhân dịp gửi thông điệp hàng năm tới Quốc hội công bố những điều mà sau này người ta gọi là Học thuyết Monroe - chối từ chấp nhận bất cứ một sự mở rộng thống trị tiếp theo của châu Âu ở các nước châu Mỹ:

Các lục địa châu Mỹ... từ nay trở đi không thể được coi là đối tượng của thực dân hóa trong tương lai do bất cứ một cường quốc châu Âu nào tiến hành.

Chúng ta phải coi bất kỳ toan tính nào về phần họ nhằm mở rộng hệ thống [chính trị] của họ tới bất cứ bộ phận nào của bán cầu này đều là nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh của chúng ta.

Chúng ta đã không can thiệp và sẽ không can thiệp vào những thuộc địa hay các xứ phụ thuộc nào của bất cứ cường quốc châu Âu nào. Nhưng với những chính phủ đã tuyên bố nền độc lập của mình và bảo vệ nền độc lập ấy và được chúng ta thừa nhận thì chúng ta phải coi bất kỳ một sự can thiệp nào nhằm mục đích áp chế họ hay kiểm soát số phận của họ bằng bất kỳ phương thức nào do bất cứ cường quốc châu Âu nào thực hiện đều thể hiện khuynh hướng thù nghịch đối với nước Mỹ.

Học thuyết Monroe đã thể hiện tinh thần đoàn kết với các nền cộng hòa mới giành độc lập ở châu Mỹ La-tinh. Những dân tộc này đã công nhận tầm quan trọng của quan hệ chính trị với Hoa Kỳ bằng việc thiết lập các hiến pháp mới của mình theo mô hình của Bắc Mỹ xét trên nhiều phương diện.

CHỦ NGHĨA BÈ PHÁI VÀ CÁC CHÍNH ĐẢNG

Ở trong nước, nhiệm kỳ tổng thống của Monroe (1817-1825) được mệnh danh là thời đại của những tình cảm tốt lành. Cụm từ này đã thừa nhận chiến thắng về chính trị của Đảng Cộng hòa trước Đảng ủng hộ chủ nghĩa liên bang bị thất bại với tư cách một lực lượng dân tộc. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ có xung đột bè phái và cát cứ.

Kết cục của những người theo phái ủng hộ chủ nghĩa liên bang đã dẫn tới sự chia rẽ thành bè phái trong chính trị và gây rối loạn cho hệ thống đề cử tổng thống của các chính đảng trong Quốc hội. Khi đó, các cơ quan lập pháp bang có thể chỉ định các ứng cử viên. Vào năm 1824, các bang Tennessee và Pennsylvania chọn Andrew Jackson cùng với Thượng nghị sỹ bang Nam Carolina là John C. Calhoun tham gia liên danh. Bang Kentucky chọn Chủ tịch Hạ viện là Henry Clay; bang Massachusetts chọn Ngoại trưởng John Quincy Adams, con trai của vị tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ là John Adams; ủy ban thường trực của Quốc hội - cơ quan bị chế nhạo là phi dân chủ - thì chọn Bộ trưởng Tài chính William Crawford.

Nhân cách và tư tưởng cục bộ địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc xác định kết quả bầu cử. Adams đã thắng cử trong các cuộc bỏ phiếu của đại cử tri từ bang New England và phần lớn bang New York; Clay thắng cử ở các bang Kentucky, Ohio và Missouri; Jackson thắng cử ở miền Đông Nam, các bang Illinois, Indiana, Bắc và Nam Carolina, Pennsylvania, Maryland và New Jersey; còn Crawford thắng ở các bang Virginia, Georgia và Delaware. Không có ứng cử viên nào đạt đa số phiếu đại cử tri, vì vậy theo các điều khoản của Hiến pháp thì cuộc bầu cử được chuyển sang Hạ viện giải quyết. Tại đây Clay là một nhân vật có ảnh hưởng nhất. Ông ủng hộ Adams, và Adams đã giành được chức tổng thống.

Trong nhiệm kỳ này của Adams, những liên minh đảng mới đã xuất hiện. Những người ủng hộ Adams đã lấy tên Những người theo phái Cộng hòa quốc gia để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Chính phủ Liên bang ngày càng đảm đương vai trò lớn hơn trong công cuộc phát triển đất nước. Tuy Adams lãnh đạo đất nước trung thực và có hiệu quả, nhưng ông không phải là một tổng thống được người ta ưa. Adams đã không thiết lập được một hệ thống đường sá và kênh đào quốc gia. Đức tính bộc trực lạnh lùng nhưng giàu chất trí tuệ của ông đã không được lòng bạn bè. Ngược lại, Jackson có sức lôi cuốn quần chúng mạnh mẽ và có bộ máy chính trị hùng mạnh. Những người ủng hộ ông đã hợp lại để thành lập Đảng Dân chủ. Họ cho rằng Đảng này trực tiếp xuất thân từ Đảng Cộng hoà - Dân chủ của Jefferson. Trên thực thế, Đảng Dân chủ cổ súy nguyên tắc chính phủ phân cấp nhưng nhỏ gọn. Tập hợp lực lượng chống Adams, họ đã quy kết tổng thống tham nhũng khi bổ nhiệm Clay làm ngoại trưởng. Trong cuộc bầu cử năm 1828, Jackson đã đánh bại Adams bằng một chiến thắng áp đảo.

Jackson vốn là chính khách ở bang Tennessee, một chiến binh chống lại người da đỏ và là người hùng trong trận chiến New Orleans trong chiến tranh năm 1812. Ông đã giành được sự ủng hộ từ quần chúng. Ông lên nắm giữ chức tổng thống nhờ phong trào dân chủ dân túy đang dâng cao. Cuộc bầu cử năm 1828 là dấu mốc quan trọng trong xu thế thể hiện sự tham gia của cử tri ngày càng rộng lớn hơn. Vào thời điểm đó, hầu hết các tiểu bang hoặc đã thông qua quyền phổ thông đầu phiếu cho nam giới da trắng, hoặc đã giảm thiểu yêu cầu về tài sản. Năm 1824, các thành viên của cử tri đoàn ở sáu tiểu bang vẫn được cơ quan lập pháp của bang lựa chọn. Đến năm 1828, các thành viên của cử tri đoàn đã được lựa chọn qua phổ thông đầu phiếu ở tất cả các bang ngoại trừ hai bang Delaware và Nam Carolina. Những diễn biến này là sản phẩm của một quan điểm rộng rãi cho rằng người dân nên cai trị và chính phủ của tầng lớp tinh túy truyền thống đã đi đến dấu chấm hết.

CUỘC KHỦNG HOẢNG VÔ HIỆU HÓA

Vào cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, Jackson đã buộc phải đối đầu với bang Nam Carolina - tiểu bang quan trọng nhất trong tất cả các bang trồng bông đang nổi lên ở viễn Nam - về vấn đề biểu thuế bảo hộ. Những giới doanh thương và nông nghiệp ở bang này vẫn hy vọng Jackson sẽ sử dụng quyền lực tổng thống của mình để sửa đổi các luật thuế ban hành năm 1828 mà họ gọi là Đạo luật Ghê tởm. Theo quan điểm của họ thì tất cả các lợi ích của việc bảo hộ đều rơi vào túi các nhà sản xuất miền Bắc và trong khi cả nước giàu lên thì riêng bang Nam Carolina lại nghèo đi. Năm 1828, chính trị gia hàng đầu của tiểu bang - đồng thời cũng là Phó Tổng thống của Jackson cho đến khi ông từ chức vào năm 1832 - John C. Calhoun đã tuyên bố tại cuộc đấu xảo và biểu tình ở Nam Carolina rằng các bang có quyền vô hiệu hóa đạo luật mang tính đàn áp của chính quyền liên bang.

Năm 1832, Quốc hội đã thông qua và Jackson ký dự luật giảm mức thuế ban hành năm 1832, nhưng điều đó cũng không đủ để xoa dịu đa số người dân Nam Carolina. Bang này đã thông qua Sắc lệnh Vô hiệu hóa, tuyên bố cả mức thuế quan ban hành năm 1828 và 1832 đều vô hiệu trong phạm vi biên giới của họ. Cơ quan lập pháp của bang cũng thông qua các đạo luật để thực thi sắc lệnh này, bao gồm cho phép xây dựng quân đội và chuẩn chi mua vũ khí. Vô hiệu hóa là chủ đề phản đối vốn đã có từ lâu nhằm chống lại những hành động bị cho là thái quá của chính quyền liên bang. Jefferson và Madison đã đề xuất khái niệm vô hiệu hóa trong các nghị quyết của bang Kentucky và Virginia năm 1798 nhằm phản đối các Đạo luật Ngoại kiều và Nổi loạn. Hội nghị Hartford năm 1814 đã viện dẫn khái niệm này để phản đối cuộc chiến năm 1812. Tuy nhiên trước đây chưa từng bao giờ có một tiểu bang thực sự cố gắng áp dụng vô hiệu hóa. Quốc gia non trẻ giờ đây lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất của chính mình.

Để chống lại mối đe dọa của bang Nam Carolina, Jackson đã phái bảy tàu hải quân nhỏ và một tàu chiến tới Charleston vào tháng 12/1832. Ngày 10/12 ông đã ra một tuyên bố đanh thép chống lại những kẻ ủng hộ việc vô hiệu hóa. Tổng thống tuyên bố rằng, bang Nam Carolina đã đứng trên bờ vực của phản loạn và phản bội và ông đã kêu gọi nhân dân của bang này khẳng định lại lòng trung thành của họ với liên bang. Ông cũng nêu rõ rằng, nếu cần thiết, cá nhân ông sẽ lãnh đạo quân đội Hợp chủng quốc thực thi pháp luật.

 

Khi vấn đề về các biểu thuế quan lại được trình ra trước Quốc hội, thì đối thủ chính trị của Jackson, Thượng nghị sỹ Henry Clay, một người ủng hộ rất mạnh cho việc bảo hộ mậu dịch, đã ủng hộ một biện pháp thỏa hiệp. Dự luật thuế quan của Clay - một dự luật nhanh chóng được thông qua năm 1833 - đã xác định rõ rằng toàn bộ các mức thuế vượt quá 20% giá trị các hàng hóa nhập khẩu sẽ được giảm xuống hàng năm để đến năm 1842, các khoản thuế đánh vào tất cả các mặt hàng sẽ đạt mức biểu thuế vừa phải của năm 1816. Đồng thời, Quốc hội thông qua Đạo luật Quân sự, cho phép tổng thống sử dụng sức mạnh quân sự để thực thi pháp luật.

Bang Nam Carolina đã hy vọng giành được sự ủng hộ của các bang miền Nam khác, nhưng họ phát hiện thấy họ đã tự cô lập chính mình (Đồng minh tin cậy nhất của họ là bang Georgia đã muốn và đã có được quân lực Hoa Kỳ để loại bỏ các bộ lạc da đỏ ra khỏi lãnh thổ của họ). Cuối cùng, Nam Carolina đã bãi bỏ quyết định của mình. Tuy nhiên, cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng. Jackson đã bảo vệ vững chắc liên bang. Nhưng bằng việc thể hiện sự chống đối của mình, tiểu bang Nam Carolina đã đạt được nhiều yêu cầu của họ và đã minh chứng rằng một bang đơn lẻ vẫn có thể ép Quốc hội chấp nhận ý chí của mình.

TRẬN CHIẾN CỦA NGÂN HÀNG

Mặc dù những tranh cãi về vấn đề vô hiệu hoá một đạo luật của Quốc hội trên lãnh thổ bang là mầm mống của cuộc Nội chiến, song nó không phải là một vấn đề chính trị nghiêm trọng bằng cuộc đấu tranh đầy cam go để đảm bảo sự tồn tại của ngân hàng trung ương của liên bang - Ngân hàng thứ hai của Hợp chủng quốc. Ngân hàng thứ nhất đã được thành lập năm 1791 dưới sự lãnh đạo của Alexander Hamilton và đã được trao đặc quyền trong một giai đoạn là 20 năm. Tuy chính phủ có nắm giữ một số vốn cổ phần của ngân hàng này, nhưng ngân hàng này - tương tự Ngân hàng Trung ương của Anh và các ngân hàng trung ương khác cùng thời - lại là công ty tư nhân, trong đó lợi nhuận được chuyển cho những cổ đông của nó. Chức năng phục vụ nhà nước của ngân hàng này là nơi lưu trữ các khoản thu của chính phủ, cho chính phủ vay ngắn hạn, và trên hết là đảm bảo một đồng tiền vững mạnh bằng cách không chấp nhận giá trị danh nghĩa của tiền (tiền giấy) do các ngân hàng nhà nước cho phép phát hành quá khả năng bù đắp của chính phủ.

Đối với giới tài chính và kinh doanh miền Bắc, ngân hàng trung ương là công cụ cần thiết để đảm bảo chính sách tiền tệ thận trọng. Nhưng ngay từ đầu, ngân hàng này đã bị dân miền Nam và miền Tây phản đối vì họ tin rằng sự thịnh vượng và phát triển trong khu vực của họ dựa vào lượng tiền và tín dụng dư dật. Đảng Cộng hòa của Jefferson và Madison đã nghi ngờ tính hợp hiến của ngân hàng này. Khi điều lệ của ngân hàng này hết hạn vào năm 1811 thì nó đã không được gia hạn.

Trong vài năm tiếp theo, hoạt động ngân hàng nằm trong tay các ngân hàng được nhà nước cấp độc quyền mà đã phát hành những lượng tiền nhiều quá mức. Điều này đã gây ra sự hỗn độn và làm gia tăng lạm phát. Một điều đã trở nên ngày càng rõ ràng là ngân hàng của các tiểu bang không thể cung cấp cho đất nước một đồng tiền đáng tin cậy, và do vậy vào năm 1816, Ngân hàng thứ hai của Hoa Kỳ - tương tự ngân hàng đầu tiên - đã được cấp đặc quyền trong 20 năm. Ngay từ khi bắt đầu, Ngân hàng thứ hai đã không được phổ biến ở các bang mới và các vùng lãnh thổ mới, và số người thịnh đạt biết tới ngân hàng này cũng ít hơn. Các đối thủ cho rằng ngân hàng đã nắm độc quyền thực sự với khoản tín dụng và tiền tệ của quốc gia, và họ khẳng định rõ ngân hàng này đại diện cho quyền lợi của một số rất ít người giàu có.

Xét tổng thể thì ngân hàng này đã được quản lý tốt và cung cấp được dịch vụ có giá trị; nhưng Jackson là người từ lâu đã có cùng quan điểm với phe Cộng hòa là không tin tưởng vào định chế tài chính này. Được bầu lên với tư cách một người được lòng dân, ông biết rằng người lãnh đạo mang dòng máu quý tộc của ngân hàng này, Nicolas Biddle, là một người dễ bị đánh bại. Khi phe ủng hộ ngân hàng trong Quốc hội thúc ép việc gia hạn sớm điều lệ của ngân hàng, Jackson đáp lại bằng hành động phủ quyết và lên án độc quyền đặc lợi. Nỗ lực xóa bỏ hiệu lực của việc phủ quyết này đã không thành công.

Trong chiến dịch bầu cử tổng thống tiếp theo, vấn đề ngân hàng đã gây ra sự chia rẽ lớn. Các thương nhân lớn, giới sản xuất và tài chính ủng hộ một đồng tiền mạnh. Các nhà băng và doanh nhân ở các khu vực ủng hộ việc cung cấp tiền nhiều hơn và tỷ lệ lãi thấp hơn. Những người đi vay nợ, đặc biệt là nông dân, cũng nhất trí với quan điểm này. Jackson và những người ủng hộ ông đã gọi ngân hàng trung ương là con ác quỷ và nhanh chóng giành được thắng lợi dễ dàng trong cuộc tranh cử với Henry Clay.

Jackson đã thấy sự tái cử của mình năm 1832 là bằng chứng sự ủy nhiệm của nhân dân nhằm đánh bại ngân hàng khiến nó không thể nào có thể vực dậy được. Tháng 9/1833 ông ra lệnh cấm không cho một khoản tiền nào của chính quyền được gửi vào ngân hàng, kể cả việc rút dần số tiền đang gửi tại đây. Chính phủ đã gửi tiền của mình ở các ngân hàng của các tiểu bang đã được lựa chọn - hay phe đối lập còn gọi là ngân hàng được ưu ái.

Trong thời gian của thế hệ kế tiếp, nước Mỹ xoay xở được nhờ một hệ thống ngân hàng tiểu bang khá lộn xộn không được quản lý, việc này đã giúp cho việc kích thích sự mở rộng về phía Tây nhờ khoản tín dụng rẻ nhưng đã khiến cho cả quốc gia dễ bị tổn thương trước cú sốc định kỳ. Trong thời kỳ Nội chiến, Hoa Kỳ đã khởi xướng hệ thống đặc quyền dành cho các ngân hàng địa phương và khu vực. Nhưng cuối cùng, vào năm 1913, nước Mỹ đã quay lại sử dụng một ngân hàng trung ương duy nhất với sự ra đời của hệ thống Cục Dự trữ Liên bang.

CÁC ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG HÒA, ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ PHÁI BẤT KHẢ TRI

Những đối thủ chính trị của Jackson đã không có hy vọng thành công là vì trong số họ còn có ý định trái nhau. Do vậy họ đã câu kết tất cả những thành phần bất mãn lại với nhau, nhập vào một chính đảng chung có tên gọi là Đảng Whig. Tuy họ tổ chức ngay sau khi chiến dịch bầu cử năm 1832 nhưng phải mất hơn một thập niên trước khi họ có thể giải quyết được những điểm khác biệt và có thể tạo nên một cương lĩnh chính thống. Phần lớn nhờ sức hấp dẫn của Henry Clay và Daniel Webster - những chính khách mẫn tuệ bậc nhất của Đảng Whig - họ đã củng cố được lực lượng đảng viên của mình. Nhưng vào cuộc bầu cử năm 1836, Đảng Whigs vẫn còn bị chia rẽ nên không thể đoàn kết được dưới sự dẫn dắt của một nhà lãnh đạo duy nhất hay dựa trên một lập trường chung. Martin Van Buren ở New York, Phó Tổng thống của Jackson, đã thắng trong cuộc đua này.

Tình trạng trì trệ kéo dài của kinh tế và nhân cách được phóng đại của người tiền nhiệm đã làm lu mờ những công lao của Van Buren. Những hoạt động công khai của ông không làm dấy lên được lòng nhiệt tình say mê vì ông thiếu những phẩm chất có sức hấp dẫn mạnh mẽ của phong cách lãnh đạo và tài nhạy cảm gây ấn tượng sâu sắc vốn thể hiện trong mọi động thái của Jackson. Cuộc bầu cử năm 1840 đã xảy ra vào lúc đất nước đang đau đớn vật vã với thời kỳ gian khổ và đồng lương thấp, và đặc biệt là các đảng viên Đảng Dân chủ đang trong thế phòng ngự.

ứng cử viên tổng thống của Đảng Whig là William Henry Harrison của bang Ohio. Ông nổi tiếng với tư cách là một người hùng trong các trận xung đột với người da đỏ cũng như chiến tranh năm 1812. Cũng như Jackson, ông được coi là đại diện cho miền Tây dân chủ. ứng cử viên phó tổng thống là John Tyler người Virginia. Ông có những quan điểm ủng hộ các quyền của các bang và các biểu thuế thấp rất nổi tiếng ở miền Nam. Harrison đã giành được chiến thắng áp đảo.

Tuy nhiên ngay trong tháng tổ chức lễ nhậm chức, Harrison đã qua đời ở tuổi 68, và Tyler trở thành tổng thống. Những niềm tin của Tyler rất khác với niềm tin của Clay và Webster, nhưng ông vẫn là người có ảnh hưởng lớn nhất trong Quốc hội. Kết quả là đã có sự đoạn tuyệt công khai giữa tân tổng thống và đảng đã bầu ông. Nhiệm kỳ tổng thống của Tyler không đạt được điều gì khác rõ ràng hơn ngoài quy định, nếu một tổng thống qua đời thì phó tổng thống sẽ kế nhiệm với đầy đủ quyền lực trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Tuy vậy người Mỹ thấy mình bị chia rẽ ở những phương diện phức tạp hơn nhiều. Đông đảo những người nhập cư theo công giáo La-mã vào nửa đầu thế kỷ XIX, chủ yếu là người Ai-len và người Đức đã châm ngòi gây nên những phản ứng cực đoan trong những người Mỹ bản địa theo Tin Lành giáo. Dân nhập cư đã mang tới bờ biển nước Mỹ những phong tục và hành đạo mới thật kỳ lạ. Họ đã đua tranh với dân bản địa để giành giật việc làm ở các thành phố dọc vùng bờ biển miền Đông. Hơn nữa, những thay đổi về chính trị của những năm 1820 và 1830 đã làm gia tăng khả năng hoạt động chính trị của những người nhập cư. Những chính trị gia dòng dõi quý tộc bị thất thế đã đổ lỗi cho người nhập cư vì đã làm họ mất đi quyền lực. Sự thất bại của Cơ đốc giáo nhằm ủng hộ phong trào giảm uống rượu mạnh đã làm dấy lên những lời buộc tội rằng La-mã đang cố gắng lật đổ nước Hoa Kỳ bằng rượu.

Quan trọng nhất trong các tổ chức theo thuyết bẩm sinh vốn đã xuất hiện trong giai đoạn này là một hội kín, đó là Dòng tu của Lá cờ điểm sao, thành lập năm 1849. Khi các thành viên của hội này từ chối nhận diện mình, họ mau chóng được đặt tên là Những người bất khả tri. Trong một số năm, họ đã tổ chức được bộ máy khắp cả nước và có quyền lực chính trị tương đối.

Những người bất khả tri cổ xúy việc mở rộng về thời gian đòi hỏi cho việc nhập quốc tịch từ 5 năm lên tới 21 năm, và loại trừ người nhập cư và các tín đồ công giáo La-mã khỏi các chức vụ nhà nước. Năm 1855, tổ chức này đã giành được quyền kiểm soát các cơ quan lập pháp ở bang New York và Massachusetts. Đến lúc đó, chừng 90 nghị sỹ Mỹ đã có liên hệ với đảng này. Sau đó, cuộc khủng hoảng giữa Bắc và Nam về vấn đề mở rộng chế độ nô lệ đã gây chia rẽ sâu sắc trong đảng, gợi lại các cuộc tranh luận giữa Đảng Whig và Dân chủ vốn đã áp đảo nền chính trị Mỹ trong 25 năm cuối cùng của nửa đầu thế kỷ XIX.

NHỮNG KHUẤY ĐỘNG CỦA CẢI CÁCH

Sự biến động đột ngột của tinh thần dân chủ trong vấn đề chính trị mà được minh chứng bằng cuộc bầu cử Jackson chỉ là một giai đọan trong cuộc tìm kiếm dài lâu của nước Mỹ vì những quyền và những cơ hội lớn hơn cho tất cả các công dân. Một cuộc biến động khác là sự bắt đầu của tổ chức người lao động. Năm 1835, các lực lượng lao động ở Philadelphia, bang Pennsylvania đã thành công trong việc giảm thời gian làm việc trong ngày trước đây từ sáng sớm đến tối mịt xuống còn 10 tiếng một ngày. Đến 1860, quy định ngày làm việc mới đã được ban hành trong luật ở một số tiểu bang, và nhìn chung được chấp nhận là chuẩn mực.

Sự lan truyền của phong trào đòi quyền bầu cử đã dẫn tới quan điểm mới về giáo dục, vì các chính khách nhìn xa trông rộng ở khắp nơi hiểu rằng phổ thông đầu phiếu đòi hỏi cử tri phải biết chữ và có kiến thức. Các tổ chức của công nhân đã đòi hỏi phải có trường học miễn phí, được hỗ trợ thuế dành cho tất cả trẻ em. Dần dần, hết bang này đến bang khác, các đạo luật đã được ban hành để cung cấp giáo dục miễn phí cho trẻ em. Sự lãnh đạo của Horace Mann ở bang Massachusetts lúc này đặc biệt hiệu quả. Hệ thống trường công đã trở thành phổ biến ở khắp khu vực miền Bắc nước Mỹ. Tuy nhiên, ở các khu vực khác của đất nước, cuộc đấu tranh vì nền giáo dục công lập vẫn tiếp tục xảy ra trong nhiều năm.

Một phong trào xã hội có ảnh hưởng lớn khác xuất hiện trong giai đoạn này là sự chống lại việc bán và sử dụng rượu, tức là phong trào vận động hạn chế rượu. Phong trào này bắt nguồn từ những mối quan tâm lo ngại về hệ quả của nó như: các niềm tin tôn giáo, hậu quả của rượu đối với sức khỏe của người lao động, nạn bạo lực và nạn ngược đãi phụ nữ và trẻ em. Vào năm 1826 các mục sư ở Boston đã tổ chức hội khuyếch trương phong trào hạn chế rượu. Bảy năm sau ở Philadelphia, Hội này đã tổ chức một hội nghị quốc gia và thành lập Liên hiệp hạn chế rượu Mỹ. Liên hiệp này đã kêu gọi từ bỏ tất cả các loại đồ uống có cồn và gây áp lực với các cơ quan lập pháp bang cấm việc bán và sản xuất rượu. Cho tới năm 1855, 13 bang đã thực hiện như vậy, tuy nhiên các bộ luật sau đó đã bị thách thức tại tòa án. Các bộ luật này chỉ tồn tại ở miền Bắc New England, nhưng dù sao thì vào những năm, từ 1830 đến 1860, phong trào hạn chế rượu cũng đã làm giảm sản lượng rượu tiêu thụ theo đầu người.

Những nhà cải cách khác đã hướng tới các vấn đề nhà tù và chăm sóc những người bị bệnh tâm thần. Những nỗ lực đã được thực thi để biến các nhà tù vốn nhấn mạnh việc trừng phạt trở thành các trại cải huấn, tại đây, các phạm nhân sẽ được phục hồi, cải tạo. Ở bang Massachusetts, Dorothea Dix đã lãnh đạo cuộc tranh đấu nhằm cải thiện các điều kiện cho những người mắc chứng tâm thần, những người đã bị giam giữ trong những trại tế bần thảm hại, khốn khổ và các nhà tù. Sau khi giành được sự cải thiện ở Massachusetts, bà đã đưa chiến dịch của mình hướng tới miền Nam nơi có chín bang đã lập các bệnh viện cho người mắc chứng tâm thần vào những năm 1845 và 1852.

QUYỀN CỦA PHỤ NỮ

Những cuộc cải cách như vậy đã khiến nhiều người phụ nữ nhận thức được vị trí bất bình đẳng của họ trong xã hội. Từ thời thuộc địa, những phụ nữ chưa chồng đã được hưởng nhiều quyền hợp pháp như nam giới, tuy nhiên phong tục buộc họ phải lấy chồng sớm. Khi đã kết hôn thì phụ nữ đã thực sự mất đi những quyền của họ trước luật pháp. Phụ nữ không được phép đi bầu cử và việc học hành của họ vào các thế kỷ XVII và XVIII chủ yếu chỉ ở mức biết đọc, biết viết, âm nhạc, khiêu vũ và may vá.

Sự thức tỉnh của phụ nữ bắt đầu với cuộc đi thăm Mỹ của Frances Wright, một giảng viên và nhà báo Scotland, người đã công khai khuyếch trương các quyền của phụ nữ ở khắp nước Mỹ vào những năm 1820. Vào thời gian này phụ nữ bị cấm phát biểu ở những nơi công cộng, thì Wright không chỉ lớn tiếng phát biểu mà còn khiến chủ tọa kinh ngạc bởi những quan điểm của bà bênh vực quyền của phụ nữ tìm kiếm thông tin về việc kiểm soát sinh đẻ và ly dị. Đến những năm 1840, một phong trào vì quyền phụ nữ Mỹ đã nổi lên. Lãnh đạo đầu tiên của phong trào này là Elizabeth Cady Stanton.

Vào năm 1848, Cady Stanton và đồng nghiệp là Lucretia Mott đã tổ chức một hội nghị quyền phụ nữ - hội nghị phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thế giới tại Seneca Falls bang New York. Các đại biểu đã soạn thảo một Tuyên ngôn Tình cảm yêu cầu quyền bình đẳng với đàn ông trước pháp luật, quyền bầu cử, cơ hội công bằng trong giáo dục và việc làm. Các nghị quyết được nhất trí thông qua trừ nghị quyết về quyền đi bầu cử. Nghị quyết này sau đó đã giành được đa số phiếu chỉ sau khi Frederick Douglas, một người da đen theo chủ nghĩa bãi nô, phát biểu một bài gây xúc động mạnh ủng hộ nghị quyết này.

Tại Seneca Falls, Cady Stanton đã trở nên nổi tiếng với tư cách vừa là nhà văn vừa là người lớn tiếng ủng hộ quyền phụ nữ. Bà đã nhận thấy từ rất sớm rằng nếu không có quyền bỏ phiếu, phụ nữ không bao giờ có thể bình đẳng với nam giới. Noi gương William Lloyd Garrison, một người ủng hộ bãi nô, bà phát hiện thấy rằng mấu chốt để đi tới thành công nằm ở chỗ thay đổi quan điểm của công chúng, chứ không phải là hành động của Đảng. Seneca Falls đã trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi trong tương lai. Chẳng bao lâu sau, các hội nghị khác về quyền khác của phụ nữ đã được tổ chức. Những người phụ nữ khác tiên phong bước lên tuyến đầu của phong trào đấu tranh bình đẳng chính trị và xã hội của họ.

Cũng vào năm 1848, Ernestine Rose, một người nhập cư Ba Lan đã đấu tranh để một đạo luật được thông qua tại bang New York. Đạo luật này cho phép phụ nữ đã kết hôn được giữ phần tài sản của mình theo tên của mình. Trong số những luật lệ đầu tiên loại này ở Mỹ thì Đạo luật về tài sản phụ nữ đã kết hôn đã khuyến khích các cơ quan lập pháp bang khác ban hành các luật tương tự.

Vào năm 1869, Elizabeth Cady Stanton và một nhà đấu tranh tích cực chủ đạo khác cho nữ quyền, Susan B. Anthony, thành lập Hiệp hội quốc gia về quyền bầu cử của phụ nữ (NWSA), hiệp hội này ủng hộ một Điều bổ sung sửa đổi Hiến pháp về quyền phụ nữ được đi bầu cử. Hai người này sẽ trở thành những người bênh vực ủng hộ thẳng thắn nhất của phong trào phụ nữ. Khi mô tả sự hợp tác hoạt động của họ, Cady Stanton nói "Tôi đã tạo nên các tiếng sét còn chị ấy bắn những tiếng sét ấy".

TÂY TIẾN

Miền biên giới đã làm được nhiều điều để tạo dựng nên cuộc sống của nước Mỹ. Những điều kiện ở dọc toàn bộ vùng bờ biển Đại Tây Dương đã kích thích di dân tới những khu vực mới mẻ hơn. Từ New England nơi đất đai đã không thể đem lại những năng suất ngũ cốc cao, đã xuất phát cả một dòng người đều đặn gồm những người đàn ông và đàn bà rời các trang trại và làng mạc vùng ven bờ biển của họ tới vùng đất nội địa màu mỡ của lục địa. Ở các khu định cư miền xa xôi của các bang Nam và Bắc Carolina và Virginia, dân chúng bị bất lợi vì thiếu những con đường và những con kênh cho phép tiếp cận những thị trường ven biển, và họ cũng chịu khốn khổ vì sự thống trị về chính trị của các chủ đồn điền vùng thủy triều vốn cũng phải di chuyển về miền Tây. Cho đến năm 1800, các thung lũng sông Mississippi và Ohio đang trở thành vùng biên giới rộng lớn. "Chào nhé, chúng tôi ra đi, trôi xuôi dòng trên xứ Ohio", lời hát này đã trở thành bài ca của hàng ngàn dân di cư.

Dòng dân cư tiến về miền Tây vào đầu thế kỷ XIX đã dẫn tới sự phân chia những vùng lãnh thổ cũ, và xác lập những đường biên giới mới. Vì có các bang mới được kết nạp nên tấm bản đồ chính trị đã ổn định hóa vùng phía đông của Mississippi. Từ năm 1816 đến năm 1821, 6 bang đã được thành lập: Indiana, Illinois và Maine (đây là 3 bang tự do) và Mississippi, Alabama và Missouri (các bang nô lệ). Miền biên giới đầu tiên đã gắn bó chặt chẽ với châu Âu, miền biên giới thứ hai có quan hệ chặt chẽ với các vùng định cư ven bờ biển, nhưng thung lũng sông Mississippi là độc lập và dân cư vùng này chăm chú nhìn sang miền Tây hơn là sang miền Đông.

Cư dân miền biên giới là một nhóm cư dân khác. Một du khách Anh đã mô tả họ như là một sắc dân táo bạo, liều lĩnh và chịu được gian khổ đang sống trong những căn lều tồi tàn... Họ là những người thô lỗ nhưng hiếu khách, dễ thương đối với người ngoại quốc, họ trung thực và cả tin. Họ gieo trồng ít ngô của người da đỏ, bí ngô, nuôi heo và nhiều khi họ có một hay hai con bò... Khẩu súng trường là phương tiện chống đỡ chính yếu của họ. Vốn rất khéo léo, lành nghề với cây rìu, cái bẫy và chiếc cần câu, những người này đốt dọn những con đường đi, dựng những căn lều đầu tiên bằng gỗ súc và đối chọi với những bộ lạc da đỏ bản địa có đất đai bị họ chiếm.

Khi ngày càng có nhiều cư dân nhập cư lọt sâu vào vùng đất hoang dã thì nhiều người đã trở thành các chủ trại cũng như thợ săn. Một căn nhà tiện nghi bằng gỗ súc với các cửa sổ lắp kính, một ống khói và các phòng riêng biệt đã thay thế cho chiếc lều gỗ, giếng nước đã thay thế cho dòng suối. Những người định cư siêng năng cần cù sẽ nhanh chóng dọn quang những vùng đất mọc đầy cây to bằng việc đốt gỗ lấy tro làm phân bón và để lại các gốc cây đã đốn mục nát. Họ trồng ngũ cốc, rau và quả; sắp xếp các cánh rừng để nuôi hươu, gà tây rừng và lấy mật; họ đánh cá ở những con suối gần nhà; chăm sóc đàn gia súc và heo. Những người đầu cơ đất đai mua những khoảnh đất rộng, rẻ, và nếu giá đất tăng họ bán những ruộng đất của họ đi và họ tiếp tục đi xa hơn nữa về miền Tây, mở đường cho những người khác.

Các thầy thuốc, luật sư, chủ cửa hàng, biên tập viên, nhà truyền giáo, thợ cơ khí và các nhà chính trị chẳng bao lâu sau đã đi theo các chủ trại. Tuy nhiên, các chủ trại là một cơ sở vững chắc. Ở những nơi họ định cư, họ có ý định ở lại và hy vọng con cái họ sẽ ở đó sau khi họ qua đời. Họ xây dựng những kho lúa lớn và những ngôi nhà gạch hay nhà khung. Họ mua gia súc giống đã cải tạo, cày cấy đất đai và gieo những loại hạt có năng suất cao. Một số người dựng những xưởng xay bột, xưởng cưa và lò cất rượu. Họ tạo nên những con đường chính rất bền tốt, họ xây những ngôi nhà thờ và trường học. Những biến đổi khó có thể tin được đã hoàn tất chỉ sau vài năm. Vào năm 1830 chẳng hạn, Chicago ở bang Illinois chỉ là một khu làng buôn bán với một pháo đài không có triển vọng gì; nhưng ngay một thời gian dài trước khi một số người định cư đầu tiên qua đời thì khu làng đó đã trở thành một trong số những thành phố rộng lớn nhất và giàu có nhất nước Mỹ.

Thật dễ dàng có thể sở hữu những trang trại. Sau năm 1820, đất của nhà nước có thể mua được với giá 1,25 đô-la cho một nửa héc -ta và sau Đạo luật Trang trại ban hành năm 1862 thì đất đó có thể có được chỉ cần bằng chiếm cứ và cải tạo thôi. Hơn nữa, những công cụ để canh tác đất đai cũng dễ kiếm. Đó là cái thời khi mà, theo câu nói của John Soule viết ra và được nhà báo Horace Greeley phổ biến, những người trẻ tuổi có thể tiến về miền Tây và lớn lên cùng đất nước.

Ngoại trừ việc di cư tới vùng Texas do Mexico sở hữu thì biên giới vùng nông nghiệp phát triển sang phía tây chỉ mãi tới năm 1840 mới qua miền Missouri. Vào năm 1819, để trả công cho việc đoạt được những quyền khai khẩn của công dân Mỹ với trị giá 5 triệu đô la, nước Mỹ đã đoạt từ tay Tây ban Nha cả vùng Florida lẫn quyền của Tây Ban Nha sở hữu khu vực Oregon ở miền Viễn Tây. Đồng thời, miền Viễn Tây đã trở thành khu vực hoạt động rộng lớn của việc buôn bán lông thú mà vốn dĩ có giá trị hơn nhiều so với da thú. Cũng như những ngày đầu tiên của cuộc thám hiểm của người Pháp ở thung lũng Mississippi, lái buôn là người mở đường cho dân định cư vượt qua sông Mississippi. Những thợ bẫy thú lấy da là người Pháp và người Xcotlen - Ai-len khi khảo sát những con sông lớn và các nhánh sông đã phát hiện ra những đoạn đèo trên các dãy núi Rocky và Sierra, từ đó dẫn tới việc di dân bằng đường bộ vào thập niên 1840 và sau này, mở ra khả năng khai khẩn vùng nội địa nước Mỹ.

Xét một cách toàn diện thì sự tăng trưởng của đất nước thật to lớn: dân số tăng từ 7, 25 triệu lên hơn 23 triệu từ năm 1812 đến năm 1852, đất đai sẵn có cho việc định cư tăng gần bằng diện tích châu Âu - từ 4, 4 triệu lên tới 7, 8 triệu km2. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa được giải quyết đó là những cuộc xung đột căn bản giữa các địa phương mà cho đến những năm 1860 bùng nổ thành nội chiến. Một điều cũng không thể tránh khỏi là cuộc mở rộng sang miền Tây đã khiến dân nhập cư xung đột với dân bản địa của miền đất này là người da đỏ.

Vào đầu thế kỷ XIX, nhân vật kiệt xuất nhất gắn bó với những xung đột đó là Andrew Jackson, người miền Tây đầu tiên chiếm lĩnh Nhà Trắng. Vào giữa cuộc chiến tranh năm 1812, Jackson khi đó phụ trách lực lượng dân quân Tennesse đã được phái tới phía nam Alabama, tại đây ông đã đàn áp không thương xót cuộc khởi nghĩa của dân da đỏ Creek. Sau đó, người Creek đã nhượng hai phần ba đất đai của họ cho Hoa Kỳ. Sau này Jackson đã đánh tan những băng nhóm người da đỏ Seminole, khiến họ phải chạy khỏi những vùng trú ẩn của họ ở Florida do người Tây Ban Nha sở hữu.

Vào những năm 1820, Bộ trưởng Chiến tranh của Tổng thống Monroe, ông John C. Calhoun, đã theo đuổi chính sách lùa những bộ lạc còn lại ra khỏi miền Tây Nam cổ kính và tái định cư họ ở bên kia sông Mississippi. Jackson đã tiếp tục chính sách này với tư cách là tổng thống. Vào năm 1830, Quốc hội đã thông qua Đạo luật di chuyển người da đỏ, cung cấp tài chính để đưa các bộ lạc miền Đông qua sông Mississippi. Vào năm 1834, một vùng lãnh thổ đặc biệt của người da đỏ đã được thiết lập ở khu vực mà bây giờ là bang Oklahoma. Tính tổng cộng thì các bộ lạc đã ký 94 hợp đồng trong thời gian hai nhiệm kỳ của Jackson để nhượng quyền sở hữu hàng triệu hécta đất cho Chính phủ Liên bang và di dời hàng chục bộ lạc ra khỏi vùng đất chôn nhau cắt rốn của tổ tiên họ.

Có lẽ chương bi hùng nhất trong cuốn sử bất hạnh này liên can tới người da đỏ Cherokees mà đất đai của họ ở vùng phía tây bang Nam Carolina và bang Georgia đã được bảo đảm bằng hiệp ước từ năm 1791. Vốn là một trong những bộ lạc tiến bộ nhất trong các bộ lạc miền Đông, số phận người Cherokees đã được quyết định khi vàng được phát hiện trên đất đai của họ vào năm 1829. Người Cherokees đã bị bắt buộc phải tiến hành cuộc di chuyển lâu dài và hiểm nghèo tới Oklahoma vào năm 1835. Nhiều người đã chết vì bệnh tật và tình trạng vất vả, thiếu thốn trên con đường nổi tiếng mang tên Đoạn trường nước mắt.

MIỀN BIÊN ẢI, MIỀN TÂY VÀ TRẢI NGHIỆM CỦA NƯỚC MỸ

Biên giới - ranh giới giữa lãnh thổ đã có người định cư với vùng đất chưa có người ở - bắt đầu từ Jamestown và Plymouth Rock. Biên giới dịch chuyển về phía Tây suốt chiều dài gần 300 năm, băng qua những vùng đất hoang sơ, rợp bóng rừng và những đồng bằng trống trải cho đến khi cuộc điều tra dân số cứ mười năm một lần tiến hành năm 1890 cho thấy chí ít, Hợp chủng quốc không còn nhận thấy ranh giới phân chia định cư một cách rõ ràng nữa.

Vào thời đó, đối với nhiều người, một chương lịch sử dài đã khép lại - một chương sử mà ở đó đất nước đã vươn lên từ vài thương điếm nhỏ mang dấu ấn văn minh của người Anh tới vị thế của một quốc gia độc lập có bản sắc riêng. Người ta dễ dàng có thể tin rằng quá trình khai hoang và hậu khai hoang, cứ thế liên tục diễn ra khi người ta đi chinh phục một lục địa mới, chính là nhân tố quyết định tới sự phát triển của quốc gia non trẻ này.

Năm 1893, nhà sử học Frederick Jackson Turner, khi thể hiện một cảm xúc thường thấy ở nhiều người như ông hồi đó, đã tuyên bố chính miền biên giới đã khiến cho nước Mỹ không phải là một khúc thừa của châu Âu. Miền biên cương đã giúp tạo nên một dân tộc có văn hóa có lẽ thô ráp hơn của châu Âu nhưng giàu thực tế, nhiệt huyết, cá tính và dân chủ hơn. Sự tồn tại của những khu vực đất tự do rộng lớn đã giúp tạo nên một dân tộc có nhiều chủ sở hữu và là van an toàn cho những tâm tư uẩn khúc ở các thành phố và những nơi định cư quá đông. Những phân tích của ông hàm ý một nước Mỹ không có miền biên ải hẳn sẽ rất giống như một châu Âu rệu rã, với những chế độ xã hội bị phân tầng, xung đột giai cấp và hiếm có cơ hội tốt.

Sau hơn một trăm năm, các học giả vẫn còn tranh luận về tầm quan trọng của miền biên ải trong lịch sử Hoa Kỳ. Rất ít người cho rằng miền biên ải giờ đây vẫn còn mang ý nghĩa quan trọng quyết định như Turner đã nêu. Một số người thậm chí còn đi xa hơn bằng cách bác bỏ lập luận của Turner. Họ cho rằng ông đã lãng mạn hóa cả một quá trình lịch sử đẫm máu và nước mắt - với những dấu ấn như cuộc chiến chinh phục Mexico, cách thức đối xử gần như diệt chủng với các bộ lạc da đỏ và tàn phá môi trường. Họ cho rằng những hình ảnh thường thấy ở miền biên giới là chỉ là khổ ải và thất bại.

Dẫu vậy, thật khó có thể tin rằng ba thế kỷ dài trong phong trào Tây tiến lại không có tác động nào tới bản sắc dân tộc. Chúng ta hãy nhớ lại, những nhà quan sát đầy tinh tế người nước ngoài như học giả người Pháp Alexis de Tocqueville lại mê mẩn trước miền Tây Hoa Kỳ. Thực vậy, khu vực định cư cuối cùng ở biên giới - một vùng đất rộng thênh thang, trải dài từ Texas lên phía Bắc cho tới tận biên giới Canada mà ngày nay người Mỹ gọi chung là miền Tây - dường như vẫn mang những lý tưởng đặc trưng nhất về chủ nghĩa cá nhân, dân chủ và cơ hội hiện hữu rõ ràng hơn nhiều so với phần còn lại của nước Mỹ. Có lẽ chúng ta cũng có thể phát hiện thấy rằng nhiều người ở nhiều vùng đất khác, khi nghe thấy hai tiếng người Mỹ cũng đều liên tưởng ngay tới biểu tượng của vùng biên giới cuối cùng đó - "cao bồi".

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Khái Quát Về Lịch Sử Nước Mỹ Chương 5: Mở rộng sang phía Tây và sự khác biệt giữa các vùng

Có thể bạn thích