Đây, người Nhật ăn, hay là "Bữa tiệc chín con tép quèn bên nước Nhật". Mỗi khi thấy một người nào cũng như mình, mà tốt phước được toại nguyện sướng hơn mình, để an ủi, ta thường dỗ êm thân phận, bằng câu: "Thằng hề được làm vua!" Trước khi đạt chân lên phần thế giới ông Tưởng cai trị, lòng vẫn ái ngại nỗi ngôn ngữ bất đồng, đã vậy một phần lo khác nữa là thuở nay mình dối đặc cán mai, chữ và tiếng ăng lê không từng học may phước làm sao chánh phủ Đài Loan đã sắp đặt trước, lo giùm mọi việc; ẩm thực khỏi bận tâm, mỗi khi phát biểu ý kiến, cứ nói tiếng mẹ đẻ đã có người mẫn tiệp thông dịch lại, lột ý mình lựa lời hay đổi lại sang tiếng bản xứ, thiệt là trăm phần chu đáo, hèn chi lúc ở Sài Gòn, toà lãnh sự Trung Hoa trấn an; "Ăn mì có mì, muốn cái gì, cũng "bao" hết!".

Ở trên đất Cộng hoà Đài Loan, tuy vậy bề nào cái sợ cũng có chừng mực, vì từ nhỏ đã biết; "chìa pừng" (tiếng Tiều). "xực phàn" (tiếng Quảng Đông), có hai tiếng ấy bỏ túi, qua bên Tàu khỏi lo chết đói, vì dịch ra Hán tự, là "thực phạn": ăn cơm.

Khổ một nỗi, nay đặt chân lên đất Nhật, lúc ra đi quên hỏi thăm trước vấn đề “tứ khoái “, may thay khi qua đến sân bay Đông Kinh tay xách va ly, mắt láo liên, lòng thon thót vì lạ nước lạ non, tiền túi vẫn nhẹ, đang khi bối rối, thần hộ mạng, hai bạn Pháp hiện ra trước mặt; giáo sư thạc sĩ Pezeu, trước có dạy Đại học Sài Gòn, nay có gia đình bên nầy, vốn là bạn thân cũ, được thơ tôi nên ra đón, cùng đi với Merken, ông nầy là nhân viên hãng bay ở Paris, sang đây vài ngày viếng đất Phù tang, và cùng với P, là bạn đồng song cũ.

Nhờ vậy, từ 19-9-1963 cho đến 26-9-1963, tôi tha hồ xài tiếng Pháp, khỏi lo tiếng Tây y bị bỏ mốc meo. Và khỏi ngợ miệng "nai kà, nai tơ, dô tô nài", và mặc sức; "búa lê ba"; pourquoi pas?, "Ba xi tú"; Pas du tout!

Quả ông trời còn độ và sanh ra một tên già mũi xệp xứ Ba Thắc (Sốc Trăng) có duyên kiếp trước, nay ý hợp tám đầu với hai anh mũi nhọn mắt xanh xứ Pha lang sa; vui cùng vui, cười cùng cười, khi nằm nghỉ lưng phòng trọ, cùng tiếu lâm hài hước, tiếng cười dội vang gần bể phòng. Từ cái bồn tắm, anh Merken thân lớn như con trâu nước hippopotame, vừa đặt cái lưng vào bồn bao nhiêu nước Nhật sợ hơi Tây, lật đật từ trong bồn, tràn ra, biến làm trận lụt hồng thuỷ, chảy đầy sàn gác, chảy xuống sa lông tầng dưới, báo hại chị thơ ký khách sạn la chói lói, chúng tôi tạ lỗi nhe răng cùng cười. Đến cái áo kimono màu sặc sỡ, mỗi phòng trọ đều có treo sẵn cho khách mượn, Merken và tôi chưa quen, vừa xỏ tay vào, tấm thân bồ tượng áo che không khuất, trống trước trống sau, đứa “lù coi", đứa “lắc cọ”, áo nhột nhột, cảnh thật buồn cười. Tôi vốn có tánh kỹ lưỡng từ lúc nhỏ, và hay lo chuyện bao đồng. Nếu sáng hôm sau có việc lên đường đi xa, thì trọn đêm trằn trọc không ngủ được, sợ trễ giờ hụt chuyến tàu, hụt chuyến máy bay. Vì vậy mà với hoài, không với tới hạnh phúc; Trái lại, anh Merken vốn sanh trưởng xứ lạnh nên quen tật ngủ súp lê măng (supplément). Còn khỏi nói anh "voi cầm bầy" Pezeu, anh không khi nào biết vội vã gấp gáp là gì, tỷ dụ chuyến ba đứa đi viếng cựu kinh Kyoto, ở xa mút tí tè, cách tân kinh Tokyo cả ngàn cây số tàu hoả thì rục rịch tách bến, bánh xe đã lăn, thế mà vào phút chót, anh Pezeu, còn nhảy xuống xe chạy lại quán trong ga mua bao diêm và gói thuốc lá, con tàu thoát chạy vùn vụt, anh Merken và tôi, hai đứa ngó nhau thốn thốn trong lòng, chỉ sợ thiếu con voi cầm bầy thì cuộc phiếm du mất hứng Merken và tôi chẳng qua là đứa câm dắt thằng mù? Hai đứa tôi chưa nói lời nào, bỗng Pezeu lù lù từ sau toa xe chót huýt sáo đi tới, tôi ỷ y tuổi già được nể, tôi cằn nhằn sao anh suýt làm sút trái tim của già, nhưng Pezeu cười chua chát: "Có việc chi mà vội! Bị vậy anh mãn đời lao tâm mệt óc, lo bao đồng thì còn gì là hạnh phúc. Sao không nhớ; việc đâu còn đó, con người ta chỉ chết có một lần. Có bề gì, tôi cũng leo máy bay hay chuyển qua chuyến tàu khác, theo kịp hai anh, rồi cũng gặp nhau, chớ tôi có bỏ hai anh đâu mà hòng sợ!".

Nghĩ cho hai anh nầy tốt phúc, sinh và sống trên đất Tự Do từ nhỏ đến bạc đầu, nhờ vậy mà tánh tình cởi mở vui đời. Tủi cho mình sanh đất ba đào xoay chuyển, từ bé cha mẹ muốn đánh không nói duyên cớ, rầy oan rồi cũng bỏ chìm xuồng, lớn lên ông ở trên, lịnh ra bất nhứt, tha giết không chừng đổi, thằng đi trước lãnh được tiền, thằng đi sau bị đuổi về, vì không có Tự Do từ lâu đời, nên tánh hai sợ lảng, dái thường thót trên cổ. Ấy đó, kể về tánh tình ba đứa tôi vẫn khác nhau, Đông là Đông, Tây vẫn là Tây, thế mà khi ráp nhau làm bộ ba, lại rất Pháp Việt đề huề “, buổi phiếm du ở Nhật vắn vỏi như buổi chiêm bao toàn hường, nay nhắc lại đây tiếc tiếc sao đã chia tay nhau quá sớm.

Từ phi trường, xe taxi Nhật chạy hèn lâu mới tới Đông Kinh (Tokyo) Pezeu chọn sẵn cho tôi trú tại Hilltop Hôtel. Vừa đặt lưng nằm một chút kế Merken đến, kéo nhau xuống quán tầng dưới, ngồi uống khai vị Martel-Perrier, vừa rẻ vừa ngon, vì đã lâu ngày vắng rượu. Bữa cơm vừa rồi, Pezeu đã đến, đưa hai chúng tôi về nhà chào ra mắt Pezeu phu nhân. Lần đầu tôi gặp một hoa anh đào biết nói. Thằng Pezeu khéo lựa: Lúc ở Sài Gòn Pezeu có thương một nữ sinh Việt. Cha mẹ không khứng gả; Pezeu tuy có cảm tình nhiều với nước tôi, Pezeu đành ôm mối tương tư qua đổi lấy cô nầy. Sinh viên đại học tân tiến, nói trôi chảy tiếng Pháp, mắt thu lóng lánh, người hơi cao dong dảy, sánh với lai giống tiên rồng e vượt lướt bề lực cũng như bề cao, nhưng ráp với dòng gô-loa thì quả xứng đôi vừa lứa, Pezeu phu nhân mỏng mảnh như cành liễu đang độ hơ hớ thanh xuân, thêm hai hàm răng hàm tiếu trong trắng như ngọc giũa sấp đều đều trong đôi môi đỏ không cần son, duyên dáng. Đêm hôm nay, Pezeu mời chúng tôi chào đêm đầu trên nước Nhật, và để thêm danh dự cho bạn Việt là tôi, phu nhân vận bộ quốc phục đại lễ, trông xinh như mỹ nhân trong tranh vẽ. Khi ba đứa đàn ông chúng tôi thả bách bộ trên hè phốp vì phong tục vợ không sánh đôi cặp kè ngoài đường với chồng, vì một lẽ khác gái Nhật có chồng ngoại kiều, ra đường đi chung, traỉ Nhật thường xí xô xí xao phê bình, nên không phải cố ý phu nhân lóc cóc chạy theo vừa kịp ba thằng lực lưỡng bước những bước ông chằng ông kẹ quên phứt có người đàn bà yếu đuối theo sau gót, tội nghiệp phu nhân, tiếng guốc gỗ nện thật nhanh trên nền đá nghe cốc cốc vui vui và chiếc áo dài quốc phục bó gối, khi bê bên nầy, khi đảo bên kia, uốn nắn theo vóc mình liễu mướt thảo nào thằng giáo sư đa tình là Pezeu có địa vị cao, bô trai bô gột (beau gosse), đã quên mất các cô mắt đục bờ sông Seine, cũng quên luôn tiểu thơ xứ Huế, đã chết mê chết mệt vì tiếng sét ái tình của cô Phù Tang thơ mộng nầy, hai đứa đụng nhau nghe cái rộp, thành vợ thành chồng, và đến ngày nay nghe đâu Pezeu đã vào quốc tịch của phu nhân, vì tục người đảo Mặt Trời, có vợ người nước ngoài thì ép theo đúng như gái bản xứ, và có chồng xứ lạ, trước sau cũng phải chọn Nhựt tịch mới được trọng đãi đồng hàng.

Hôm ấy Pezeu có nhã ý mời Merken và tôi cùng đi với vợ chồng Pezeu đến thưởng thức một bữa tiệc đặc biệt “tép chiên rán trong chảo mỡ sôi", món ăn nầy do một ngự thiện của Nhật hoàng, nay xuất cung lập nhà hàng chiêu khách.

Nhà nầy nay ở vào nơi nào cũng không nhớ rõ, duy nhớ muốn đến đó phải năm ngăn bảy nấp, len lỏi quanh co rất xa trong xóm hẻo lánh, hai bên đường lót toàn đá lớn miếng và leo dốc ngoằn ngoèo, có rào trúc xinh xinh lá giao nhành đòng đưa, mỗi nhà đều có một tiểu hoa viên trước ngõ, có mạch nước chảy ro rẻ, có giếng đá róc rách cách nhau xa xa mỗi tiếng mỗi khác kiểu nhưng luôn luôn nhà nào có giếng đều kèm bên một cái gáo bằng tre đơn sơ, có tra cán rất dài, không biết đây là cảnh Thiên Thai, nếu không phải thì ắt cũng là xóm các trà sư nối dõi nghề "trà đạo” huyền bí và thanh cao có tiếng. Trước mỗi nhà có hàng rào tre xinh xắn, cột dây mây luôn luôn thay mới, không cần hàng rào sắt thô kệch, và mỗi nhà có cách riêng thắt dây rất mỹ thuật nên dùng chữ "nghệ thuật", tưởng đúng hơn. Merken và tôi, đến đây phải coi chừng, gìn giữ lời ăn tiếng nói, kẻo hơi tục làm bẩn chốn thần tiên uổng lắm. Bất chợt, nhớ lại mấy câu hát xưa;

"Giỏ lá vai mang nhe nhẹ.

Đường ba chơn bước khoan khoan, (đường hoa...)

Hơi, gió đưa người trở lại Cam đàng (Cam đường)

Mây theo gió, trông chừng Hồ động”

Hát nam;

"Hồ động phăn phăn lối cũ~

Như là: Việc nhãn tiền tán tụ chòm mây.

Bớ kỳ nhi? Ngộ làm ri tê!

La phù giấc ngủ hây hây, (La phù lanh cũ hay hay)

Gió khêu bóng nguyệt mùi gây hương sầu (Bóng tiêu thu nguyệt,

mùi gây xuân sầu)

Ủa nầy! Thuyền đâu trăng nước đâu đâu

Màu lam thoát đã vẽ sầu thần tiên (... rẽ cầu Tịch dương)

Không biết tác giả có đến chốn nầy chăng, mà tả cảnh nghe như hệt. Người hát câu nầy, nay đã là bạn trăm năm, ăn ở với nhau đã bạc hai cái đầu, học mãi hát không nên một câu khỏi gãy.

Âu là "chỉnh y quan...", mới hát nho nhỏ đến đó, cũng vừa bước đến cổng, một người thiếu phụ chực sẵn, vừa thấy chúng tôi, nàng khúm núm cúi chào, chúng tôi đáp lễ, chưa kịp chi đã thấy nàng vái móp, đầu cúi gần sát đất. Chúng tôi vừa vào tới sân bên trong, có bốn cô gái tóc còn chừa bánh bèo ra quỳ rước, tay nâng từng chiếc giày mở dây, và trao ngay chân voi chân tượng mỗi người một đôi thảo hài hoa, vừa nhẹ vừa lâng lâng, đủ làm cho tôi có cảm giác gần như thoát tục. Rượu khai vị uống từ ban nãy, bây giờ hơi rượu đã bay đâu mất, tôi hoàn hồn nhớ lại lúc nào ở nhà vẫn quen tiết kiệm đi vớ rách, đôi giày hả miệng, nếu hôm nay trên đất lạ, làm vị khách Việt viễn du mà giữ thói quen xài đôi bít tất có cửa sổ, thì còn gì thể diện mặt mày. Cũng may sao là biết thân nên đề phòng trước, chớ không thì đã lòi cái cùi cẳng (cẳng cùi) xấu hổ.

 Chân bước đến phòng tiệc thì dội lại. Duy có một cái bàn duy nhứt, mà đã có khách choán rồi. Chúng tôi được đưa sang phòng trà ngồi đợi. Chúng tôi gọi rượu, trả lời rượu không có vì đây là phòng trà. Vậy xin khách hãy tạm dùng trà để đợi đến phiên. Tôi đã chếnh choáng hơi men, nói giọng hơi cao, không ai nói gì, nhưng ngờ ngợ vì mắt chị Pezeu như tha thứ. Khổ một nỗi đôi giày đã bị lột, không quen ngồi chém bẹp "u mê trên chiếu, thêm bộ âu phục bó sát mà an toạ thế nầy, cái mông sát sàn gỗ, cái bụng tuy chưa phải trứng gà thuộc địa (oeuf colonial), nhưng cũng thấy thốn thốn đến khó thở, nó tăn tăn tức tức lấy làm khó chịu. Còn trời ơi! Cặp giò già đãy (chim marabout) kềnh càng không biết thu xếp vào đâu cho gọn, nếu nhét nó dưới chiếc bàn lùn e nó làm sập hay ngã bàn, bằng thu nó, xếp vào dưới bụng, ngồi theo kiểu tham thiền, thì khốn nạn thay, cái quần bó sát cứng đơ, vẫn đòi bung cặp giò tới trước. Đương cơn bực bội ngã lòng, cũng khiến bên kia khách vừa mãn tiệc, hiện bà chủ gia sang phòng mình, đang quỳ móp thỉnh vợ chồng Pezeu, lão M. và tôi qua bên ấy dùng món ngự thiện kẻo bỏ qua dịp tốt. Đây là món Pezeu khen lấy khen để, bào chuốt còn hơn Sơn Đông bán thuốc dán, rằng xưa đặt trên bàn Nhựt hoàng, nay bình dân hoá hiến cho khách ngoại bang như bốn đứa tôi mặc tình thưởng thức. Nó cực văn minh ngon không chỗ chê, thanh không thể tả, lạ hết cỡ, đồ Tây đầy tô còn thua nhiều nhiều. Cái phòng tiệc trông đà lạ mắt, khoảng giữa rộng mênh mông, vỏn vẹn mới vào chỉ thấy một đại lực sĩ đang quỳ dưới đất, cái bụng to bằng cái trống chầu đưa tới trước, y vận đài phục bạch y bạch mạo, xem trắng lốp như cục bột, đầu thì trọc lóc trọc lơ.

 Trước mặt y là một cái chảo mỡ đang sôi sục sục, chảo đen mun vì dùng lâu đời, khói củi khói mỡ đóng dày nhưng rất sạch, chảo lớn lạ thường to cỡ cái bồ lúa bên ta thứ nhốt tràm giạ, chung quanh chảo, chừa chỗ lão quỳ, ba bề kia có một cái bàn bằng gỗ hẹp lùn, bọc gọn tròn theo kiểu móng ngựa, vành trong cái móng ôm sát cái chảo, vành ngoài có thả chiếu hoa tròn làm chỗ khách ngồi, như những bồ đoàn của pháp sư tham thiền. Bốn đứa tôi, Pezeu, Pezeu phu nhân, Merken và tôi, ngồi xếp bằng, vây giáp vòng cái bàn lùn ấy, đâu mặt với lão đại lực sĩ đang quỳ gối trước chảo mỡ sôi hực. Mỗi đạo sĩ cưỡng bách là chúng tôi, an toạ trên bồ đoàn là manh chiếu tròn êm mịn, chỉ êm cho bàn toạ nhưng làm khổ cho cái bụng gần ngày của tôi to như cái trống, khổ nhứt là cặp giò seo, đến đất Nhựt vào chỗ nầy, trở nên kềnh càng, và lúc ngồi thưởng thức món ăn lạ nầy, không biết cất giấu vào đâu cho khỏi cản trở. Nhớ năm trước từng gặp một chiến binh Mỹ mất cặp giò, nếu anh xin về an dưỡng nước Nhựt thì hay biết mấy. An toạ vừa xong, thì có mấy cô thiếu nữ má trái đào, ra quỳ dọn đĩa chén và đũa. Nói đến đôi đũa bình dân Nhựt, của các quán cơm công cộng, phải chấm một dấu son phục cái tài chế biến của người tự xưng là tân tiến nhứt trong giống da vàng. Đũa tre, đũa mun, đũa quán phở, nhứt là đũa ngà không dám cho gặp nước, đều thua xa hai chiếc đũa gỗ thông thô sơ của Nhựt, rẻ tiền là gọn vô cùng. Đũa do cái máy cưa nào đó cắt ra nguyên lố, muôn thiên vạn ức, không cần bào chuốt chi cho tốn kém, cứ đế máy cưa cưa đồng một cỡ, duy giữ kỹ lằn cưa không cho đứt rời, làm sao cũng giữ đầu trên hai chiếc đũa còn một thẻo gỗ dính lại, phòng khi quan khách cần dùng thì chỉ tách rời ra làm đôi là gắp món ăn được ngay, và khi nào dùng bữa cơm xong, cứ quăng đũa đi là hết chuyện, khỏi rửa khỏi phơi khỏi cất, sau nầy có khách mới dọn tiệc mới thì lấy đũa cũng mới, chiếu lệ đũa còn dính cặp là đũa chưa dùng, đũa nào tách rời là đũa xài rồi, đã hạp vệ sinh thêm giản tiện, khen ai sáng chế loại đũa rẻ tiền tránh được lây bịnh và gớm chờm. Duy cái bàn lùn kiểu móng ngựa của nhà nầy, người nào nghĩ ra nó, không biết có kỳ thị dân bụng phệ và dân nước ngoài không quen ngồi xếp bằng hay chăng, hay đây chỉ là óc giàu tưởng tượng của một tên già ưa suy nghĩ lếu. Một điều nên công nhận, là với cái bàn móng ngựa nầy, khách tối đa là tám người, kiểu bát tiên là cùng, chớ không lẽ ngồi giáp vòng và ngồi sau lưng lão chiên tép thì sao ra lễ?

 Cũng may hôm ấy chúng tôi chỉ có bốn người, nên khỏi lo ngôi thứ. Tuy vậy vẫn theo lễ, tôi được ngồi bên hữu của phu nhân, chỗ danh dự nhờ cao niên, còn Merken thì ngồi bên hữu của Pezeu là đúng phép lịch sự. Đã không trái phong tục Đông Tây, vừa gọn thêm vừa khéo. Chủ và khách bái chào vừa xong, thì lão lực sĩ đầu bếp bắt đầu thi tài khéo léo. Lão sử dụng hai chiếc đũa tre thật dài, mới tinh và trắng toát, tưởng chừng lão sẽ gắp đầu bốn người ngồi trước mặt cho vào chảo, nhưng không, lão ngó chúng tôi gật đầu cười, rồi nhón kẹp bốn con tép bạc, mỏng như lá lúa nhỏ bằng ngón tay út, lão thả bốn con tép bé tí teo ấy vào chảo mỡ khổng lồ, lão lật qua lập lại vài lần là bốn con tép vàng lườm đến đỏ tươi. Thế rồi lão dùng đũa dài gắp từ con ra, con thứ nhứt lão đặt vào đĩa ngay mặt tôi vì ngồi chỗ danh dự, con thứ nhì lão dâng cho phu nhân, con thứ ba dâng cho Merken, con thứ tư cho Pezeu là chủ bữa tiệc được dâng sau rốt, rồi lão bắt qua chiên lớp tép khác. Con tép bé tý teo ấy, vừa đặt xong vào lòng đĩa trắng, thì lẹ như chớp tôi đã thủ tiêu mất xác, mặc dầu tép đang nóng hổi vì vừa gấp từ trong chảo mỡ sôi lấy ra. Trời thì lạnh buốt, con tép lại quá nhỏ, nên sức nóng không đủ làm phỏng môi lưỡi, vị chi tép vào miệng lỏng lẻo, như cọp ăn bù mắt, làm sao phỉ sức những bợm láu ăn như thằng hạm nầy. Giá thử “thực tại gia” thì ít nữa mỗi lần tôi lùm ba bốn con một lượt mới là phỉ tình.

Thế mà nay phải ăn cầm thực, mỗi lần một con tép bạc làm vầy, trời đất ôi, chịu sao thấu? Để an ủi, tôi đánh trốc một hớp rượu sa kê "nhấp tận bôi" (campei) và gắp kèm một miếng gừng chua cho vào mồm, vừa đưa cay chén rượu, vừa đỡ cơn đói, vừa chờ lão lực sĩ ngự thiện bố thí cho mình con tép khác. Bạn chúng tôi với tư cách là chủ tiệc, hỏi Merken và tôi: "Chỗ tép chiên điệu hoàng gia Nhựt, món ngự thiện nầy, có vừa miệng chăng?”. Tôi không trả lời, vì Merken đã văng ra một tiếng thề, muốn hiểu sao cũng được Merken!

 Rượu sa kê không nồng nhưng rất dễ say. Tôi gật gù, bắt chuyện vần quay xay lúa, rằng bên nước Việt: "nam thực như hổ, nữ thực như miêu". Nhưng đến đây xứ của samourai (hiệp sĩ, võ sĩ) và anh hùng kami-kaze (cảm tử quân), đành nhập gia tuỳ tục, và đỡ dạ bằng con tép bạc chiên trong chảo lớn. Tôi không nói dối, tôi nói tiếp, thú lắm và ngon lắm. Không thú không ngon sao được, vì như tôi đây, sau một ngày hành trình vất vả đổ đường ngàn dặm, hay từ Đài Bắc sang đây, đường xa thiên lý, trong dạ dày từ sáng sớm chưa có một hột cơm lót bụng, (bữa trưa ăn bánh mì), nay trọn bữa tiệc, tưởng được dằn đầy bao tử mau lấy sức, nhưng không, đất nầy là đất triết lý, đất nầy là đất “cần kiệm lề gia chi bản”, chín con tép cũng đã là nhiều?. Để đánh lừa cơn đói, tôi phải "thồn" bất cứ bao nhiêu đồ bổi bày trước mặt; gừng non xắt mỏng ngâm trong giấm chua, dưa leo cũng ngâm giấm, dưa chuột cũng ngâm giấm, rồi nào củ hành Tây, nào cọng hành Tàu, nào ớt đỏ lớn trái nhưng lấy hột ra sạch, thảy đều ngâm giấm, giấm son giấm thanh giấm chua, thảy đều là giấm. Tôi trở lại gắp gừng chua, dưa chua, hành chua, ớt chua, tuần tự thồn đồ chua, để chờ con tép mằn mặn chén rượu sa kê lạt lạt rượu gì còn thua nước cơm rượu xứ mình!

Thế mà tôi đã say và no tự hồi nào, tôi không hay?

Tôi để ý trọn bữa tiệc, Pezeu phu nhân không ngớt rót rượu đãi khách thay cho chồng không quên trâm tiếng Nhựt hối lấy thêm đồ gia vị, nào lấy thêm rượu, nào thêm gừng chua, vừa phục vụ đức lang quân một cách chu đáo, vừa lo lắng cho khách không để thiết sót vật gì, thật là cung cung kính kính, gái tân thời mà được vậy không hổ chút nào với câu xưa: "ngang mày Mạnh thị khôn nâng chén".

Tôi lại để ý phu nhân có nhiều cử chỉ rất đẹp, con tép đặt vào đĩa, phu nhân gắp rất khéo, có nhai nó không và nhai nó tự hồi nào, duy thấy tép mất tức đã bị ăn, một điều khác nữa là người phụ nữ Nhựt không bao giờ tự rót rượu vào chén mình, và rượu của đàn bà uống phải do đức ông chồng ban cấp.

Mãn tiệc, trời đã khuya. Vả lại tiền nong đã trả xong và có lẽ trả hậu lắm nên lão lực sĩ đứng dậy, nơ cái bụng trống chầu ra tiễn khách. Tại sân và trước cổng, đủ vợ đủ chồng luôn cả gia nô binh tướng đều quỳ gối cúi đầu tống tiễn. Tuy bụng còn đói, nhưng tôi rất vừa lòng, nội cái cử chỉ dân Phù tang cúc cung khấu đầu lễ bái, nổi cái cách thấy họ khép nép lúm khúm trước mặt mình, cũng đủ hả hê khoái sảng. Ai dám nói "lạy là nhục", và giữa Việt và Nhựt, người xứ Mặt Trời đâu phải là dân hèn?

Về đến khách sạn, nằm trên nệm ấm, đồng hồ đã gõ mười hai tiếng, mới nhớ hôm nay trọn ngày vất vả, chỉ nuốt có chín con tép long bong, thế mà thấy khỏe nhiều, phải chăng chẳng cần ăn thật no, miễn dùng thức ăn thật giàu sinh tố, gừng chua bên mình xem rẻ, qua xứ người mới biết.

Gẫm lại nước Nhựt, nằm trên vô số cù lao giữa biển, quả là một nước ăn cần ở kiệm, lấy con tép con cá làm gốc, làm món ăn căn bản. Nước, đất không rộng, mấy ngàn hải đảo không đủ cỏ mọc cho thú nhà ăn, bốn bề sóng bủa giăng, chỉ có cá là dễ kiếm và dư dả tha hồ, cho nên từ vua đến quan từ tướng tá đến dân đen lam lũ, đều dùng cá rau làm thức ăn để sống. Tiết kiệm vi tiên. Trọn bảy ngày trên đất hoa anh đào, tôi ăn cơm bữa nào cũng thấy cá và đậu hủ kho chung với cá, cá chiên, cá nướng, cá gỏi, cá sống, vân vân...

Nghĩ cho mình, từng nếm trên đất Nhựt, miếng thịt bò nướng rượu cồn, thì đây cũng là một cách bít tết Châteaubriand chế cho khỏi nói ăn cắp kiểu. Miếng thịt mềm lắm, nhưng quả là món ăn của người phương Bắc có đồng cỏ rộng lớn nuôi được bò nhiều, qua đất Nhựt đây là món xa xỉ phẩm dành cho người tư bản. Tôi cũng từng ăn cá sống cặp với rau thơm, nhưng thú thật, tôi chưa biết ăn và cũng chưa dám ăn như người Nhựt là món cá biển để sống, thái nguyên thẻo dài dài như thịt xá xíu, sau khi thái xong, họ lấy vải sạch vuốt cho khô máu, rồi họ cầm thẻo cá sống họ cắn ăn ngon lành, xem còn ngon hơn trẻ nút cà rèm cây, hoặc như mấy chị thèm chua nhai xoài sống.

Buổi chợ đông, con cá hồng, anh chê lạt.

Tan chợ rồi, con tép bạc, anh khen ngon.

 Câu hát nguyên là câu hát cũ của dân Việt, khen ai khéo đặt, giá thử đem qua hát cho dân Nhựt nghe, thì là ăn khớp nhứt! Ăn cá rất bổ, mau tiêu hoá, ít ốm đau và đỡ tốn tiền. Hèn chi người nước họ, bắp thịt cứng, gân guốc. Trước kia họ lùn, nhưng nay người họ cao lớn cân xứng. Nghe như họ không bao giờ xa xỉ. Tỷ như anh lính tay trơn, tỷ lệ mỗi bữa ăn là một con cá mèn. Lên chức cai chức đội, thì có quyền ăn hai con cá, nhưng đến một con số nào đó thì dừng lại, chớ không lý cứ cái đà nhứt biến tam, nhì biến tứ, rồi lên đến tướng, ăn nguyên một biển cá lận sao?

Trông người rồi gẫm đến ta, nước mình tại sao huỷ hoại và xa xỉ quá?

 Vô cớ phá diệt, không tiếc của chung. Cứ xem nội cái mẻ cá kho của người nghèo. Cá trứng đầy bụng, cá chưa kịp đẻ, xúc về kho đầy một đĩa cá rồng rồng. Ngon thật, nhưng nếu đếm thử, mỗi nhà nghèo đều làm như vậy, vô tình đã sát sanh bao nhiêu cá. Kẻ đến sau còn có gì ăn? Trên mâm nhà giàu, muốn được khoái khẩu, ăn cá cháy trứng, ăn mắm trứng cá, ăn cá mùa đẻ mập béo, v.v.., huỷ hoại biết bao nhiêu thực phẩm đủ nuôi cả làng cả nước. Nhưng tội chưa nặng bằng dùng lựu đạn quăng xuống nước, ăn một con mà giết từ trứng mèn, tiệt cá trọn một khúc sông hồ.

- Thứ năm 19-9-1963 (ngày thứ 9 trên đường Đông du, thứ nhứt ở Tokyo)

- Hôm qua 18 Tây, buổi sáng còn ở Đài Bắc, buổi cơm tôi ăn chín con tép ở Đông Kinh, xưa kia Tiên Phật muốn được như mình, phải trai giới kinh kệ cực khổ lắm, còn nay có ba đồng tiền mua tiên cũng được, nói chi việc ngồi máy bay dễ ợt. Nhưng được đàng nầy, thua đàng kia, hồi đời Tiên Phật hoá phép thần thông, nghe nói khi lầm lỗi bị đoạ thì Tiên Phật xuống trần lại có dịp ngã mặn và biết đàn bà, sướng quá. Thuở trước chưa có dấu vết văn minh thế kỷ hai mươi; nhẹ thì học tập, nặng thì cải tạo. Sau bữa cơm chín con tép, bắt tay giã bạn, về tới phòng trọ là 12 giờ khuya, rượu sa kê uống ít say nhiều, nằm trằn trọc, bắt suy nghĩ viển vông, trót hẹn với Pezeu, dặn 10 giờ sáng hãy đến, nên sáng nầy tôi ngủ nướng! Cái số cực, mãn đời vẫn cực. Ai kia quen ngủ nán ngủ thêm, tôi thì có tật tối trốn khách vô chuồng còn sớm hơn gà, để năm giờ sáng thức dậy lau chùi đồ cổ, không biết còn mấy năm nữa và làm mọi cho ai; tại số cực. Nhớ bạn cũ là bác sĩ Trần Vạn Kim, lúc hai đứa tôi hàn vi, tá túc ăn cơm tháng nhà anh hai Bùi Văn Khá đường Hàng Dừa (Lacote cũ), bảy giờ sáng đã gõ, anh Kim còn dật dựa trên ghế bố, chờ cho chủ nhà nhảy xuống giường thì bác sĩ ta nhảy lên thế, hưởng thêm ít phút trên nệm ấm. Nhưng sau đó chủ nhà mua một con chó lai cho Nhựt đem về tập, hễ chủ bỏ giường trống thì nó choán, để tránh gồi dính nước miếng ke. Hai anh đều bỏ đi chầu trời, tôi ở lại, từ ấy bỏ biệt thú ấp chăn ấp nệm ngủ nướng. Faire la grasse matinee, phải dịch làm sáo cho ổn và bắt suy nghĩ phải chăng ngủ thêm vào giấc sáng, mỡ trong châu thân tụ tập lại làm cho con người mập thêm, nên mới có câu thành ngữ oái ăm như vậy. À, ở đất Nhựt, tiếng là nằm giường, nhưng giường đâu chẳng thấy. Nệm trắng tinh, giải ngay trên sàn gỗ, sao gọi rằng giường? Mình có tánh sợ nhứt khi ngủ chỗ lạ, là ngủ trong mùng có mùi dầu dừa xức tóc cả tháng không tắm. Ngủ đất Nhựt không có nạn ấy, vì ngủ trần, màn cũng không mà mùng cũng "nơ ba ". Ở Pháp, ở Đài Loan, cũng không dùng màn. Cũng như tôi khen xứ Pháp không có muỗi và không có trộm. Thầy cũ, ông Bourotte cãi; tại mấy chưa vô xa, nên chưa thấy, và tại cái máy nhiếp ảnh của mầy, chúng chê bán không có giá nên chừa.

Kìa Pezeu đã đến.

Mét với Pezeu rằng lúc nãy, gọi cà phê đen, bơ và bánh mì; Khi dọn, bánh thêm có nhân mứt. Pezeu cười mà rằng; nên tha thứ! ở Sài Gòn thợ sắp chữ không làm theo lời dặn. Qua bên nầy, nói ngọt nó không làm, nói nặng nó càng bỏ bê hư việc. Bây giờ tiếc thợ Việt thì đã muộn màng. Không nên trách vì ngôn ngữ bất đồng, chẳng qua vì đời tiến bộ và mình theo không kịp.

Mảng lo nói chuyện, xe taxi tới viện bảo tàng, cũng vừa mở cửa. Viện ở đây, cách trình bày khéo lắm. Tỷ dụ một gian phòng rộng thinh thang tròm trèm phòng Khơ me ở bên ta, viện ta bày trên trăm món, ở đây tôi đếm tám ngự bào Thanh đế (Trung Hoa), tám bức đại tự bút tích các vua Mãn trị vì đất Hoa (Khang Hy, Kiền Long), và tám món sứ cổ thật quý, đúng là quý tại tinh bất quý tại đa. Nhưng đặc biệt là tủ kính bên nầy rộng như căn phòng, vì gác dan di lòn trong ấy được để lấy tranh ra khi xảy ra hoả hoạn. Nhưng khen nữa là khen phò mã tốt áo, cũng bằng thừa.

Khi 12 giờ gõ, Pezeu từ giã về nhà vì một chút việc cần.. Tôi leo lên taxi, đưa cho bác tài xem một cái hộp quẹt diêm có đề địa chỉ khách lầu Hilltop - Hôtel, tôi không cần biết tiếng Nhựt mà khỏi lộn nhà, đây là một sáng kiến tốt bên ta nên bắt chước, giúp khách ngoại bang dễ tìm đường, và hộp quẹt quảng cáo cũng không tốn mấy.

Về đến phòng thì Merken đợi tôi sẵn, hai đứa kéo xuống tầng dưới dùng bữa trưa qua loa rồi gọi taxi đưa ra ga, lên tàu hoả đi Kamakura. Ông Phật ở đây bằng đồng, cao mười ba thước, ngồi tham thiền giữa trời, theo sách chỉ nam, đã trên bảy trăm năm. Nhìn nét mặt thấy Phật tha thứ, không như lúc nãy đi ngang một chùa xưa thờ thần hổ, xứ lạnh không nhang, dân Nhựt đã mất tự tin, hổ lấy gì no? Xem thêm một viện bảo tàng lập trong một điện cũ của một vị tướng quân thời phong kiến (shogun). Xem xong ra đón xe buýt đưa tới ga mua vé về Đông Kinh, tính tiền xài chung là 1.500 yên, phần tôi là 750 yên, trao lại Merken, thế là sòng phẳng. Tối nay, 8 giờ rưỡi, đi dùng cơm. Bữa nay ăn cá thu sống, thịt đỏ lòm, nhưng cũng lạ miệng và cá không tanh. Đĩa thứ nhì, và chót, là cơm trạng ăn với lươn nướng rút xương. Tôi uống sa kê, hai anh kia uống bia, cơm rồi kéo nhau về Hilltop uống trà tán dóc đến 11 giờ 30, Pezeu và Merken mới chịu ra về.

Vendredi 20-9-1963

(ngày thứ 10 trên đường Đông du, thứ hai tại Đông Kinh).

Sáng thức sớm dọn dẹp cho sẵn để mai lên đường đi viếng cựu đô Kyoto. Điểm tâm xong, ra phòng khách chờ 9 giờ rưỡi, Pezeu đến, cùng nhau lên taxi đi đến phòng của Merken, rồi bộ ba đi viếng khắp các nơi có bán cổ ngoạn do thổ công ở đây là Pezeu dắt đường. Đến hơn 12 giờ, lựa mua được một tranh người mặt đỏ thủ siêu đao, định chắc đó là đức Quan đế do thợ Nhựt hoạ; giá 4.500 yên, có trao thêm hai cục sành đỏ và nặng, mới biết vật ấy dùng treo dưới tranh cho gió đừng bay. Thấy bốn viên ngọc rất vừa ý, hỏi giá 25.000 yên, trả lại, vì không đủ tiền.

Đến 15 giờ (ba giờ chiều) mới ăn cơm. Phòng là một nơi hẹp té, có nước chảy róc rách dưới chưn, đây là mạch suối có từ khi có động đất ở vùng nầy. Người Nhựt là dân hiếu kỳ, cảnh thiên tạo họ không tu bổ, để y vậy, chỉ bắc một cây cầu con con qua rãnh nứt, rải thêm một lớp đá cuội thay vì gạch hoa, là đủ hốt tiền. Ghế bàn thô sơ cho đúng với cảnh thạch thất bị động đất, nói thô sơ chớ kỳ thật là nghiên cứu chu đáo; gỗ để nguyên không sơn không thoa vẹc ni nhưng bóng sẵn và có vân rất đẹp. Kiểu thức thì ở xa ba cây số cũng nhìn biệt là made in Japan. Buổi tối đi ăn cơm xoàng, uống khai vị ngon, rồi kéo lại nhà ông De Berval trước ở Sài Gòn làm chủ bút tờ tạp san chữ Tây "Pháp - Á-tế-á" (France - Asie) mình từng cộng tác. Đến đây ông li dị được với chị phù dung nhưng tóc pha sương thêm nhiều. 12 giờ khuya bắt tay từ giã, để mai thức sớm đi Kyoto.

- Thứ Bảy 21-9-1963 (ngày thứ 11 trên đường Đông du, thứ ba tại Nhựt).

Tôi đã nói số tôi cực vì tật lo việc không đáng lo, hạnh phúc kề bên mà không chịu ôm, để nay đã già thì đã muộn. Đêm nay ngủ không thẳng giấc, vì mệt mỏi cũng có, vì lo sáng phải thức cho kịp trước 6 giờ rưỡi để kịp đi Kyoto cũng có, lúc ở nhà de Berval ra về, ngồi viết ký ức kẻo quên, hai ba thứ rượu uống trong ngày bây giờ hành, muốn những việc cấm, mơ màng nhớ hoa anh đào thứ bằng xương bằng thịt, vừa ba giờ đã thức, sợ cái đồng hồ quả quít quên vặn lò so, bốn giờ thức nữa, và 5 giờ rưỡi là ngồi dậy, đi toa-lết, thay đồ, dọn hành lý một lần chót, lựa cái gì cần dùng cho vào tay xách đem theo, gởi lại Hilltop một va ly xộn xên, một mớ sách, y phục giày guốc. Trời còn sớm quá, chưa sáu giờ sáng. 6 giờ 15 phút có Merken đến, và đúng 6 giờ rưỡi thì "thản nhiên vô sự tiên sinh" là Pezeu đến. Tưởng nên gọi va là ông thần "Hạnh Phúc" mới phải. Đồng hồ ra ga, lên xe... 7 giờ xe chạy, 7 giờ 30 điểm tâm trên xe, 11 giờ 40 ăn cơm trên tàu. 14 giờ đúng, xe tới Kyoto. Liền khi ấy, mướn được phòng và chia nhau ra ở; Pezeu và Merken là hai thanh niên sồn sồn, nên chia nhau ở chung một phòng lớn; còn lại tôi, tụi nó ngáng phải ở riêng một phòng nhỏ, được tự do hơn, nhưng phòng không chỗ rửa tay, không chỗ tiểu tiện, nhưng tôi không than phiền, vì có điện thoại đủ gọi cô phụ nữ Nhật tẩm quách, và suốt mấy ngày ở đây, cứ về giờ ngơi, tôi “khai trương” bộ y phục vải trắng má bù trẻ may tặng trước khi Đông du, và mỗi đêm Pezeu mỗi cười trên đất Nhựt thấy ông già Việt. Ba đứa tôi hối hả bỏ hành lý lại phòng để đi xem bốn chỗ; hoa viên cổ tự Ryoanji (le Jardin du Temple Ryoanji), chỉ trơ trọi có năm hòn đá dị hình ở giữa một biển đá cuội tượng trưng cho trầm luân khổ ải, biển đá nầy mỗi ngày mỗi cào đá cho luôn luôn thấy sóng dợn, và nhờ chúng tôi ở nán xem đạo sĩ cào đá, mới rõ đá không dấu cllơn người, vì đạo sĩ sắp hàng ngang dùng bồ cào cào đá và vì họ đi ngược, bồ cào theo sau nên không có dấu chân. Nước Nhựt là nước tôn trọng đạo Thiền (Zen), người Nhựt rất giàu tưởng tượng, năm cục đá nầy họ xem trọng không thua bức tranh la Joconde hay một danh lam cổ tích Tây phương nào khác. Đây là họ nhiễm thú chơi cổ thạch kỳ bi của Trung Hoa mà danh sĩ Tô Đông Pha là người dẫn đầu. Không kể tích “Mễ Phí bái thạch”.

Cựu đô Kyoto, sùng thịnh từ năm 794 đến năm 1868. Chùa Phật, am thiền, điện xưa của các lãnh chúa, ngự hoa viên, trong một ngày vội vã, chúng tôi đều có bước chân đến viếng, duy tiếc nhứt là chúng tôi không được cung chiêm cựu hoàng cung, vì muốn viếng chốn thiêng liêng nầy phải xin phép trước và có giấy phép mới vào cửa được, thiệt là một điều đại ân hận nhứt là cho tôi, đến chết không có dịp trở lại đây nữa. Các nơi danh thắng khác chúng tôi đã viếng là:

b) Le sanctuaire de Heian, tôi dịch là Bình an giáo đường. Xây cất năm 1895, như vậy thì chưa cổ lắm, nhưng đặc biệt là trong vườn trồng toàn một giống anh đào, lúc chúng tôi đến là lúc hoa đang trỗ rực. Các toà nhà và lầu các nơi đây đều toàn bằng gỗ sơn một màu son đỏ và đã lạc tinh, tôi chỉ cho Pezeu và Merken lớp laque rạn đủ kiểu chân muỗi, vảy cá, da cá nhám, v.v.., và lấy làm lạ vì sao trẻ nít Nhựt đến đây không làm trầy một chút xíu những lớp sơn nầy, không phải như ở Huế, đá Thanh Hoá ở Ngọ Môn mang đầy vết đạn bắn, vết khắc tên đôi tình nhân hoặc khắc những câu tục tĩu của mấy anh lính Sài Gòn ra thú ở đó mấy năm tao loạn, thậm chí con rùa đội bia chùa Thiên Mụ cũng bị đục nơi đầu, một câu chữ quốc ngữ ghi ngày tháng và tên họ của một thằng và một con Thị Mẹt vô giáo dục đã đến đây làm chuyện không tốt khiến cho đá mang tủi nhục đời đời như vậy.

c) Les Temples de Higashi ét Nishì Honganji, (Đông Tây Bổn an tự) là hai toà kiến trúc thuần Nhựt Bản, thờ Thần đạo;

d) Le Pavillon d'argent, ngân điện tên gọi Ginkakuji (Ngân các tự) trước cửa một đốc quân lãnh chúa. Nơi đây thấy đủ bao trùm cảnh Kyoto cổ kính; khiến nhớ câu: "lâng lâng chẳng bợn chút trần ai", và bất giác buồn buồn vì không mấy ngày nữa phải trở về cõi tục.

e) Le Pavillon d'or, xin cho tôi dịch "Kim phụng điện” vì rõ ràng có hình dáng chim phụng thếp vàng trên chót vót vách cao. Theo sách chỉ nam, điện nầy bị cháy và tu bổ lại từ năm 1955 gần đây và trước kia cũng của một tướng quân shogun, thống lãnh một vùng.

f) Sanjusangendo, chùa thờ Phật của thế kỷ 18 còn lại, làu làu nguyên vẹn, nhờ người Nhựt biết sùng bái báo tàng và giàu tánh hiếu cổ.

g) Le château de Nijo, là một lầu các kiên cố như một thành trì, tên gọi lấy theo tên ông chúa cũ Nijo. Cũng vậy, nơi đây có một sân gác cao, đứng đó nhìn được cảnh thần tiên Kyoto (Kinh đô) dưới mắt.

h) Chùa Dai sen (Đại Thiền) tôi muốn dịch Đại Tiên quá. Nơi đây tôi mua được một chén trà bằng đất nung, giá 150 yên, và một tập giấy bản Nhựt, có đóng dấu đỏ kỷ niệm ngày để dấu chân chốn nầy.

i) Chùa Daitokeyi, tôi dịch chùa Đại tổ? Cũng đá cũng hình sư tổ nhốt trong động nhỏ, và chỗ nào như chỗ nấy, huyền bí và khó hiểu, đi xem hối hả như chúng tôi, nhờ đều là tay si mê cổ tích và có chút vốn bảo tồn mới tạm tạm nhớ và biết được, thưởng thức được đôi chút.

Hai thằng trai Pháp chúng nó phá tôi hôm ấy, báo hại chạy theo chúng muốn rã cặp giò. Thi đua như vậy còn chưa phỉ sức, đến chiều chúng tôi bỏ bữa cơm, mua gấp rút mỗi đứa hai cái bánh dồn thịt kiểu bánh sanwich, thi đua mua vé chun vô kịp rạp hát Musi hall, ngồi nhai bánh xem không nháy mắt, cảnh gái Nhựt thoát y vũ. Rạp nầy rộng khá, nhưng chật nứt khách ham chuyện xác thịt, và dòm đi dòm lại trong rạp còn nhiều lão già trời đánh chớ không phải duy có riêng một lão Nguỵ Vương già nầy! Sân khấu là một cái móng ngựa bằng gỗ thật dài, từ trong buồng lú ra chạy vòng đến nửa phần rạp và mọc sát mặt khán giả. Hát ở đây là hát bẹt-ma-năng, ai giỏi kiếm chỗ, chờ người nào xem mỏi ra về thì xê xít lần lần, xít thét bộ ba chúng tôi đều lên được khít sân khấu, các cô vũ nữ, lột lần áo.., sú-cheng.., quăng tưới xuống đầu cổ khán giả, một cô dạn hơn hết trong đám khi đi ngang Merken, ngồi khòm xuống sân khấu, lấy chân ếch khều má Pezeu và vừa cười mím chi vừa rót một chén sa kề đưa tận môi Nguỵ Vương, tôi nuốt cạn bôi và muốn cắn luôn ngón tay út của cô, nữ độc giả nào đọc đến đây xin tha thứ vì tôi đâu phải là thánh! 11 giờ khuya mới ra về, Pezeu dắt đi ăn cơm, tôi nuốt không vô, vì đã ngán món cá kho tào hủ Nhựt. 12 giờ khuya mới về tới phòng.

- Chủ Nhựt, 22-9-1963 (ngày thứ 12 trên đường Đông du, bữa thứ 4 tại Nhựt).

Sáng uể oải đến 7 giờ mới thức, vì thi đua hôm qua nay thấm mệt. 8 giờ rưởi thay y phục qua phòng Pezeu và Merken đưa nhau đi dùng điểm tâm, rồi đến ga mua vé xe lửa đi Nara, độ một giờ sau là xe tới chỗ.

Nara là cựu kinh đô nước Nhựt trong thế kỷ thứ VIII. Buổi cực thịnh, nơi đây là thành Trường An của mỹ thuật và văn chương. Dấu vết xưa còn lại tuy dấu xưa xe ngựa đã biến theo hồn thu thảo, nhưng ngõ cũ lâu dài, đi đến đâu thấy ràng ràng. Chúng tôi có dự kiến một cảnh moi đấl tìm ra chưn cột nền đá và dấu tích đô thành xưa Nara, nhưng chúng tôi đành rời ra đi, vì chúng tôi không có thì giờ khảo cổ. Chúng tôi đến:

1) Le parc de Nara (Nại lương) công viên. Nơi đây, có mấy chục con “mai hoa lộc” rất dạn, lại cọ sát tay du khách để xin, khi hột đậu phộng khi miếng kẹo gói trong giấy, khi một miếng đường cục. Giống nai nầy nhỏ con quá, và tiên đời xưa ắt cũng nhỏ con thôi, nên mới ngồi trên lưng mai hoa lộc được. Hoặc vì nhậm toàn hoa quả cho nên thân mình nhẹ?

2) Le Sanctuaire de Kasuga, lâu các toàn sơn màu đỏ, trên nóc có treo nhiều lục lạc đồng, gió thổi khua vui tai, và nhiều đèn cũng bằng đồng và rất xưa.

3) Le Temple de Horyuji, là một "đại ẩn am" xưa và theo sách chỉ nam, cổ nhứt trên thế giới, kể về kiến trúc bằng gỗ. Đây là một kho tàng vô giá về đồ cổ đồ xưa của nước Nhựt. Tôi đứng ngắm mà bùi ngùi nhớ cung điện Huế của đất nước ông bà chúng.

4) Sau rốt, chúng tôi dừng chân lại nơi "le Temple de Todaiji (Đông đại tự) là một kiểng chùa Phật nhưng sao trong chỉ nam lại viết "temple"? Phật bà nơi đây là hình Phật đứng, thân bằng đồng, ngón tay của bà bề ngang bằng bề ngang vóc hình tôi, tuy tôi không phải là oải tử. Phật bà đo mười sáu thước Tây bề cao, đầu gần đụng nóc chùa, đúc từ đời Đường (618-907). Nghệ thuật đúc tượng đồng thời đó đã điêu luyện tới bực nầy, nhưng sách không nói do thợ Nhựt hay thầy Tàu chế tạo. Tượng ông Thánh đồng đen của Hà Nội không đem so sánh được. Sự tín ngưỡng đời trước đã giúp cho nghệ thuật thành công một cách thiêng liêng, quá sức tưởng tượng.

Những cột gỗ chùa nầy đều lựa toàn bằng cây thông già, mỗi cây cột ba người choàng tay ôm không giáp, cao nghều nghêu, cao lối hai chục thước, như vậy Phật bà mới khỏi đụng đầu. Có ruột gốc cột trước bàn Phật, nơi sát nền, có một lỗ trống, bên nầy thấu qua bên kia cột. Mấy ông sãi chun lòn vào cột thì bớt được nợ trần. Bộ ba chúng tôi đứng xem phụ nữ Nhựt chun, khi ấy tôi khám phá ra mấy thằng sãi chùa là đồ mắc dịch, vì khi chun như vậy cái đầu chưa ra được bên kia còn bên nầy, cái gì cũng đòi "lù coi" là hẳn. Đi tu mà không trót, bày cảnh tục tĩu. Vì sao đã mấy thế kỷ rồi mà không dẹp bỏ cảnh xấu xa nhơ mắt nầy? Pezeu và Merken nghe tôi càu nhàu, kéo tôi ra khỏi chùa, tôi tiếp xem lần chót, mấy cây cột gỗ thông, vì già đời quá, nên mòn lớp thịt mềm và lòi ra mớ sớ gân đỏ lòm, thịt thông trắng sậm, lòng thục đức tin đến đây cũng muốn tu.

Tối nay được ăn cơm đãi, Pezeu thết một tình nhân cũ, chúng tôi khỏi trả tiền. Đã thấy mê tín trong chùa, thêm thấy vắng vợ, đàn ông ở đâu cũng hư như nhau. Tôi bèn cho hư luôn, và đêm nay nhắn thơ ký khách sạn gọi cho một thiếu nữ tẩm quách cho khá đẹp, giây lát một cô “đấm bóp” choàng áo blouse như nữ bác sĩ: tay xách túi da đựng đồ nghề, đến làm phận sự. Muốn đấm lưng và vai tả, cô ngồi mé hữu và lật sấp tôi, mặt day bên chỗ không có cô ngồi. Đấm rồi cô trở bộ, qua bên kia, day tôi trớ mặt cũng ngó qua chỗ không có cô ngồi. Cho đến nay xin ai đừng hỏi nhiều, và thú thật tôi có hứng thú tẩm quách nhưng vẫn không biết đàn bà Nhựt!

- Thứ hai 23-9-1963 (ngày thứ mười ba trên đường Đông du, bữa thứ năm trên đất Nhựt).

Sáng nầy 6 giờ thức, 8 giờ rưỡi xuống lầu ăn điểm tâm, 9 giờ đi nhà băng đổi 80 đô la lãnh 28.900 Yen, nhà băng còn tặng một hộp quẹt khổng lồ một ngàn cây diêm làm quảng cáo, tôi giao cho giáo sư Pezeu và trả 10.000 yen làm tiễn đưa trước cho sự chi phí chung mấy ngày du lịch. Chúng tôi đến sở cho giấy phép viếng hoàng cung (le palais impérial), nhưng họ trả lời phải xin trước ba ngày mới có trả lời. Từ giã nơi đây, chúng tôi xem lại toà ngân điện (Le pavillon d'argent), rồi xem qua thuỷ tâm viện.

Đến 12 giờ, ghé quán nếm mì Nhựt Bản, không khác nào ăn cơm nếp mắc mưa, nó dở như hạch, nhưng vào quán lỡ rồi, miễn no và không nên khó tánh. Muốn khó hãy đợi về nhà. 13 giờ rưỡi, ba đứa tôi y hẹn, đến nhờ một thiếu phụ Nhựt quen với Pezeu đưa đến một am thanh, xem diễn “trà đạo”. Vì có nhiều sách tả rồi, tôi nay không tả lại.

Buổi chiều tái diễn ăn sandwich để kịp mua vé xem geisha, vũ nữ và ca kỹ Nhựt trình diễn nghệ thuật.

9 giờ rưỡi về phòng sớm, định diễn lấy mình. Đòi cho được cô đấm bóp hôm qua, nhưng cũng bổn cũ soạn lại, cô đứng đắn quá, cô ra dấu khứa khứa cái cổ, hiểu rằng anh kia ghen lắm. Thôi! Đấm bóp rồi về đi. Tôi ngủ!

- Thứ ba 24-9-1963 (ngày thứ 14 trên đường Đông du, bữa thứ 6 trên đất Nhựt)

Sáng nầy dậy sớm ra ga mua vé, lên xe cùng đi với Pezeu và Merken, xe đến Yokoyama, xuống sang qua xe buýt chạy về làng Imbé là một làng nhỏ vô danh đối với khách du lịch khác, nhưng tối quan trọng đối với tôi, vì đây là làng chuyên làm đồ đất nung, theo phương pháp cổ truyền học được do thợ gốm đời Tống truyền nghề lại. 11 giờ xe buýt tới Imbé, đặc biệt xe buýt xứ Nhựt hoàn toàn dưới quyền cô bán vé ra lịnh, bác tài tuân theo răm rấp, trở đầu xe cũng do cô bán vé xuống đứng huýt còi ra dấu, xem oải quá, và vé xe có thứ tự, chỗ ngồi có số hẳn hoi, không có cảnh ép cá mòi, ngửi nách hôi, lên xe sợ rận đeo xuống e sợ chí nhảy qua tóc như bên mình. Imbé có một con đường duy nhứt, thẳng như ruột ngựa, hai bên là phố bán và phía sau phố là lò làm đồ gốm của mỗi gia đình chủ từ căn phố nhỏ. Tôi đã tả đầy đủ trong tập khảo về đồ gốm của bộ Hiệu cổ đặc san, nơi đây xin cho tôi lược bỏ phần chuyên môn, để nói riêng về vấn đề ăn và uống không mà thôi. Nhưng cũng phải cho tôi nói, vì tôi là giống già hàm, tôi nói tại sao nước ta không lấy làng Nhựt nhỏ nầy làm gương. Một con đường non một cây số (1.000 thước chiều dài), hai bên phố làm gốm mà không có cạnh tranh giành giựt mối hàng, vì mỗi nhà chỉ bán gốm riêng biệt, anh thì bán đĩa, tôi ở kế bên anh nhưng tôi chỉ bán chén, muốn mua tô phải tìm căn phố chuyên sản xuất tô, và người khách nào không muốn viếng riêng từng nhà, thì cứ việc vào căn “hợp tác xã" ở mỗi hai đầu phố, nơi đây có bày đủ thứ hàng (đĩa chén tô, lục bình, v.v...) của mỗi nhà kia và bất cứ ở đâu đều một giá nhứt định không lên không xuống. Như vậy cho nên tôi thấy mỗi chủ gia đều trầm tĩnh, kẻ xem báo, người biên chép sổ sách, khách hàng đến họ nghinh tiếp tử tế nhưng không lăng xăng líu quít như chủ nhà thổ những đêm cuối tháng. Cứ thỉnh thoảng cách năm ba căn phố, chúng tôi xin chủ nhà biểu diễn nghệ thuật, họ không bao giờ từ nan, lễ phép đưa chúng tôi ra sau nhà, chỗ có trại làm đồ gốm, rồi họ nhồi đất nắn nặn món gốm nào mình muốn xem họ làm, dưới tay họ, cục đất sét chạy vo vo trên bàn, biến ra hình cái vò, cái chậu, cái bình, mau như chớp mắt, xem mãn nhãn rồi, khi hết muốn xem, họ thôi biểu diễn và họ không quên đập quặp món đồ trước khi đưa khách ra về. Lò của họ đều nhỏ thôi, nhưng đặc biệt, lò nầy chụm củi gỗ thông, nóng bao nhiêu độ, lò kia chụm gỗ trực, gỗ danh mộc tuỳ theo sức nóng họ muốn có để hầm món đồ. Đó là nghệ thuật đời Tống, lưu truyền lại, không cần máy đo sức lửa, và vì vậy nên có danh từ chuyên môn "thần nhân", "ngọc nhãn", "thanh nhãn", thay cho thermomètre, compteur v.v.., "hoả biến" (món đồ đổi màu vì lửa, Pháp gọi "accident de four", v.v.

Trưa chúng tôi xức cơm với tàu hủ kho chung với cá đuối (nuốt vào nó muốn nhơn ra vì lanh quá, nhưng hai thằng mũi lò nuốt được thì tên Nguỵ Vương già cũng rán nuốt theo, cũng may kỳ nầy nó vô luôn. Vì ăn cơm lường mỗi bữa cơm ăn bốn chén nên chuyến nầy tôi hơn hai bạn tôi, chỉ chuyên phá mồi, ăn đồ ăn nhiều hơn cơm, và vì cá tanh quá, nên tôi không giành. Buổi tôi chúng tôi ních sandwich tại ga, để lời thì giờ, vì trọn ngày, chúng tôi thả rong từ lò nầy qua lò nọ, gần quên hết thời gian tính. Merken trầm trồ khen mãi, rằng đem qua Paris thì nghề riêng ăn đứt mấy ông nghệ sĩ trời âu, chỉ có danh, tính tiền thật mắc, nhưng kể về nghệ thuật thì thợ gốm Nhựt, nay đã hết lùn vì lai nhiều, hơn xa! Merken mua khá nhiều đồ. Pezeu lựa được ba món rất có duyên. Duy có tôi, ngu và hư hơn tất cả, ban đầu tuyên bố rằng nhứt định không mua, nhưng khi lên xe hoả trở về thì đếm món của tôi nhiều hơn cả.

Lò số 1 - Mua một cái nậm rượu grès, chủ lò tặng một nhạo nứt đít bỏ ngoài sân, tôi cố nài, chủ lò đổ nước nước không chảy, chủ lò biếu không tính tiền, tôi chỉ cho xem lằn nứt hình cong chữ S là chữ hoa tên tôi, ba người kia, chủ lò, Pezeu và Merken, đều chưng hửng. Nhạo nầy vẫn còn. Nậm 1.000 Yen.

- Lò số2 - Lựa mua một bộ đồ trà, đếm năm chén quân (mua dư đề phòng bể), một ấm, một chén tống cả thảy hình thù méo mớ, đựng trong một hộp gỗ, 2.000 Yen.

Lò số 3 - Nơi đây ban đầu lựa mua một ngỗng (nhạo dài cổ), sau chủ lò đem ra bốn cái khác, tôi đều mua cả. Đây là loại gốm chế tạo sau trận dội bom ở Hiroshima, Pháp gọi piè ces scatologiques, hình dáng giống cục phân (cứt), người chế ra đầu tiên là một anh thợ may tỷ phú Nhựt, chọn nghề tài tử (violon d' Ingres) và thỉnh thoảng nghỉ may ngồi nắn ấm chén, cho vào lò và chuyên sản xuất loại hình cục phân. Và nói đĩa tròn, bình tròn, con nít và đàn bà đều làm được, vì đặt lên bàn quây là nó tròn. Duy đồ scatologique là đồ thiên tạo đồ “hoả biến”, làm không khi nào giống nhau nên quý. Bộ đồ trà nói trên, cũng thuộc loại nầy, cả thảy ngụ ý sự tích chiếc giày Hoàng Thạch Công, nhờ Trương Lương không gớm, lượm giày ba phen mà sau làm thầy Hán Cao Tổ và học được nghề tiên. Nếu đừng gớm thì ở lại nhậu trong chiếc bình xấu xí nầy, nhược bằng phạm tục sợ dơ thì hãy để ta yên. Bình còn ngụ ý ngầm nước Nhựt vì trái bom nguyên tử mà hư hại như cục phân, cục cứt. Anh thợ may tỷ phú bày ra làm gốm xấu xí để rủa những ai bày ra nạn chiến tranh và bom dữ giết người, tôi có dư tiền vẫn mua gốm ấy để chiều sở thích. Anh chủ lò nể, nên tính năm món 700 Yen.

- Lò số 4 và chót - Lựa mua một "ngọc hành" làm bằng đất chưa nung, còn phơi nấng ngoài sân. Hỏi mua chủ lò không ưng bán vì chưa nung, cố nài mãi, chủ lò định giá 500 Yen và căn dặn phải “nướng” kịp trước hạn kỳ, không thì hỏng. Đây không phải vật tục tĩu đúng ra là cái cúp (chén) dùng cúng lễ của đạo kín, tôi mua vì tánh cầu kỳ, mà cũng xuýt mất chức vì chén nầy, vì khi tới sân bay Tân Sơn Nhứt, có người khám hành lý, tôi đã hỡi ôi, may sao giờ phút chót khỏi bị xét, vì có người quen đến kíp giải nguy. Nếu không có cứu tinh, cái dương vật bằng đất lòi ra, thì chức quản thủ viện bảo tàng, thứ quản thủ ăn lương công nhựt, đã bay mất từ lâu, thêm xấu hổ biết bao nhiêu.

Có lẽ món ấy, đúng là xúi quảy. Merken từ giã chia tay, mai nầy và còn du lịch thêm mấy ngày trên đất Phù tang nên va ở lại. Pezeu và tôi trễ chuyến xe trực chỉ về Kyoto, phải đi xe chuyến từ 8 giờ cho đến 11 giờ, thì xe hoả nghỉ chạy phải tạm mướn phòng nghỉ một đêm nửa đường. Nằm chung một phòng với Pezeu, va lấy tiểu thuyết ra đọc tỉnh bơ, còn tôi trằn trọc, phí 3.300 Yen tiền phòng và 2.500 Yen chi tiêu lặt vặt mới về tới nơi, thiệt là lãng phí. Trong hai người, ai là có hạnh phúc, tôi xin nhường cho độc giả đoán giùm.

- Thứ tư 25-9-1963 (ngày thứ 15 trên đường Đông du, bữa thứ bảy trên đất Nhựt)

Cũng là ngày chót trên đất Phù tang - Tuy mệt mỏi, nhưng ở Kyoto được cái may là có nước nóng pha ấm ấm để tắm, buổi tối 11 giờ đêm tôi tắm rồi mới đi nghỉ, sáng lại 6 giờ tôi tắm nước nóng nữa, cho nên người thấy khỏe khoắn. Không phải tôi gượng, kỳ thật tôi vui vì chẳng mai thì mốt, mình cũng có mặt ở Sài Gòn. Vì chiều ý Pezeu nên 8 giờ sáng hai tôi mới thức, trả liền phòng rồi ra xe luôn, ăn điểm tâm sáng và dùng cơm trưa trên xe. Xe Nhựt không thua xe Âu châu, chạy đúng giờ khắc, thêm có trà uống khỏi tiền. 14 giờ 30, xe tới Tokyo, ghé tạt Hilltop Hơtel, để hành lý, mướn phòng số 303 xong rồi lên tai đưa Pezeu về nhà và cho xe chạy luôn lại De Berval. Ở lóng nhóng tại đó cho lới 4 giờ 30, nhưng đêm nay không có hát Nô (hát Nhựt theo lối tối cổ, cũng hò hét như hát bội ta). Bụng muốn đơn thân đi xem thoát y vũ cho đã thèm, nhưng trót hẹn lo với Pezeu ăn cơm tiễn hành tám giờ nầy nên đành bỏ chuyện muốn hư.

Chờ vợ chồng Pezeu cho đến 20 giờ 40 vợ chồng y mới lại. Vì trời mưa tầm tã nhắm đi đâu cũng bất tiện, tính gọn ăn tại Hilltop-Hôtel cho giản tiện, không ngờ tổ trác một vố khá nặng, mình đòi ăn Châteaubriand, tiệc rồi toa ghi 7.634 Yen, không đủ tiền, phải xin Pezeu 2.000 yên mới đủ trả. Vì còn để dành 1.400 Yen, ngày mai trả taxi ra sân bay.

- Thứ năm 26-9-1963 (ngày thứ 16 trên đường Đông du, bữa chót, ngày hồi hương...)

Sáng 6 giờ thức dậy, tắm nước nóng rồi trở lại nệm nằm chờ... 8 giờ thay y phục, mang hành lý xuống lầu, chị bồi phòng một hai giành xách va ly tồng tềnh, mình một phen nịnh đần, chị châm một hơi tiếng Nhựt, mình nào hiểu ất giáp gì, chị ta xuống lầu, trả tiền lì xì, chị xem hơi giận, anh thơ ký cất nghĩa tiền súp-lê-măng đã có kể trong hoá đơn. Thiệt khó làm cho vừa lòng mỏi chỗ; bên Pháp mỗi mỗi phải có pourboire, bên Nhựt trả lì xì, họ cho rằng nhục.

Đến 8 giờ 55 có ông Pezeu đến tiễn lên đường. Pezeu phu nhân xin miễn lễ vì trời còn sớm quá, không dậy nổi. Pezeu đứng bên xe bắt tay giã biệt lần chót, dặn taxi đưa mình đến phi trường Tokyo, xuống xe trả 800 Yen. Ban đầu bợ ngợ vì dốt tiếng Nhựt và không biết một tiếng Anh. Cứu tinh hiện ra nữa là một ông Mỹ thạo tiếng Pháp, làm thông ngôn hộ, nên giấy tờ dễ dàng qua khỏi cửa phi trường vô phòng khách ngồi chờ giờ cất cánh. Rờ trong túi còn 600 Yen Nhựt, bèn mua bốn gói Camel hút phì phà đỡ buồn miệng. Lên máy bay Air France, chiếc Château de Compiègne, lớn khổng lồ, loại JET hoàn cầu biết tiếng. Phỗng lỗ mũi hồi nào không hay!

11 giờ 15 cất cánh, đến Hương Cảng là 15 giờ 30 thật là nhấp nháy. Móc ví ngăn kín tiền má bù trẻ giấu, mua miễn thuế một transitor 10 NATIONAL hai bandes, giá 39,50 U.S, dollars. Ngồi ăn chung bữa cơm chót dọn trong phòng sang trọng và rộng lớn, người khách kia là Đại tướng Lê Văn Tỵ, ông đi Mỹ trị bịnh nay trở về. Đại uý Bùi Công Minh tuỳ viên quân sự, đứng hầu. Ăn cơm uống toàn sâm banh. Đại tướng không uống được. Một mình uống, sướng quá, té ra về cách chẳng bao lâu bị tướng Khánh cho ra rìa.

Viết theo notes cũ, ngày 20-6-1978

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích