(Tôi được chứng kiến)

Tôi đã tiêu đầu lạn ngạch, tức làm việc cháy đầu phỏng trán, tức chịu khốn chịu khổ đủ mọi cách, hoặc nói theo lời bà thân ông kỹ sư Nguyễn Khắc Trương ở gần bên nhà, bà thường dùng câu nà tôi không hiểu nghĩa "cực trần ai lai khí" (?), mới về "gần mặt trời", và "về làm dâu nơi dinh Thống đốc Nam Kỳ” với chức thơ ký hạng nhứt (secrélaire de premiere classe), sau khi “lăn tròn cục bướu" khắp đó đây suốt mười sáu năm trời luân lưu nhiều chỗ:

- 5 năm Trường Máy đường Đỗ Hữu Vị (nay là trường Cao Thắng) (1923-1928)

- 4 năm công táp phát ngân toà bố Sa Đéc (mấy năm vui nhứt vì còn trong tuổi xuân xanh) (1928- 1932)

- 4 năm sở Địa bộ quê nhà, Sốc Trăng, báo ân báo hiếu cho cha mẹ... (1932-1936)

- 3 năm toà bố Cần Thơ, đứng bàn ông chánh (thông ngôn quan chánh bố) làm giàu dễ ợt nhưng tôi không màng, một mực làm theo lương tâm, ăn ngay nói thẳng. (1936-1939)

Gọi "gần mặt trời"vì làm với đầu xứ; gọi “làm dâ" vì làm đây cực nhọc và phải cho kín miệng, động một chút là bị đổi đi xa bất tín dụng luôn nhưng được chút an ủi là thêm lương mỗi tháng mười lăm đồng gọi tiền xúp (supplément) duy phải làm mỗi ngày thêm một giờ, như trưa ra sở 12 giờ thay vì 11 giờ 1/2 và chiều trễ tới 18 giờ thay vì về từ 17 giờ 1/2 như các sở khác.

Lúc đầu tôi làm "dâu phụ", "dâu ghẻ", vì còn chờ ở trên giám nghiệm tôi về khả năng. Vì vậy mấy tháng đầu, tôi được bổ làm phụ tá cho một thơ ký nhỏ tuổi hơn tôi và đó là thơ ký công nhựt Dương Văn Minh sau làm đến đại tướng. Ông Minh, nầy là người rất dễ thương và vốn dòng lễ giáo nho phong. Ông là nhỏ nhất trong dinh, và trừ vài người đồng chạn, các nhân viên đều là "chú của Minh", vì đều như tôi, bạn đồng liêu đồng ty với cha của Minh, là đốc phủ Dương Văn Mau. Tôi nói Minh rất dễ thương là thật sự và không có ý nịnh bợ. Sau nầy, cách nhau hơn gần chục năm, Minh làm đến tướng, vinh quang và lừng danh với chiến thắng vào Rừng Sác rượt Bảy Viễn và trận sanh cầm tướng Ba Cụt nơi cánh đồng Chắc Cà Đao.

Một buổi sáng lối năm 1948 nơi Chợ Trời bán chim bán chó đường Hàm Nghi, Minh gặp tôi, ôm choàng lấy cổ như hai bạn thiết cách mặt lâu ngày, tuy vậy "kính nhi viễn chi", tôi thủ phận "hưu viên trưng dụng trở vô làm ăn lương công nhựt”, bấy lâu không lại gần ông tướng suý nầy, vì xét phận mình, gần thần gần cây da, bóng mát thật, nhưng rủi cây da ngã, đè chết có ngày! Và an phận thủ thường là hơn.

Minh lúc ấy coi về công văn từ các tỉnh gởi lên và từ các ty sở khác (divers services) gởi về. Công việc dồn dập chồng chất không làm xuể, nên tôi được, buổi chân ướt chân ráo nhận việc, cấp làm phụ tá cho Minh. Ông Minh chia cho tôi coi về công văn các sở, và giữ lại công văn các tỉnh hạt có phần ít và khỏe hơn, Minh có một cách làm việc thực tế lắm. Trong khi tôi là một thơ ký già làm việc theo lề lối xưa, nai lưng kệch đi đúng giờ và đúng khắc và cong lưng ghi chép nhón và cho số thứ tự hết tất cả công văn thu nhận rồi gởi lên đãi lịnh bề trên là ông đốc phủ xếp ở lên lầu, Minh chê rằng làm như vậy đã mệt mỏi mau chết mà cũng chả ai khen, cho nên Minh đổi phương pháp lại theo ý riêng và chỉ lựa nhón những công văn khẩn cấp và thiết yếu, thì Minh mới ghi vào sổ, cho số thứ tự và bổn thân xách tay lên giao quan đốc phủ, kỳ dư công văn còn lại và Minh cho rằng "không gấp" thì Minh chôn vào nhiều ngăn và hộc tủ có đánh số cẩn thận tỷ dụ như “S” là Sốc Trăng, Sa là Sa Đéc, vân vân, rồi lần lần rỗi rảnh và thong thả Minh sẽ lấy ra ghi sổ, còn lại bao nhiêu thì giờ dư thì Minh sẽ lén dùng để thả xích phê ngoài chợ nhứt là trên đường d'Espagne (nay là Lê Thánh Tôn) ở sát mé sau dinh. Tuy vậy không một ai phàn nàn Minh vì Minh rất biết điều, trong lúc thả rong chơi làm vậy là Minh lấy tin tức về cá ngựa cho "Chú Thân" "Chú Inh" là hai thơ ký đánh máy về ngựa trường đua như mê đào hát và tuần nào cũng cúng tiền mua cỏ cho ngựa côn hơn công tử chạy tiền cho các cô gầy sòng. Đối với tôi, Minh cho tin tức về hát bóng, tuần nào và rạp nào hát những tuồng gì, và Minh có một câu rất mát ruột: "Chú Sển à, tuần nầy Eden hát tuồng hay, không xem thì uổng lắm. Chú để đó tôi làm giúp cho và chú "nhảy dù" đi xem đi kẻo tiếc”. Hoặc giả, đến phiên Minh nhờ tôi và rằng: "Chú coi chừng tiệm giùm tôi, tôi bữa nay lén đi xi-nê một chuyén!:.

Hai chú cháu tôi làm việc đang tương đắc, bỗng Minh bị bắt đi quân dịch. Tôi cũng vừa mãn kỳ làm dâu, được lên lầu làm chung với các bạn và được giao chỗ quan trọng là coi về công văn mật (courrier confidentiel), sau coi luôn về việc dịch các điện tín mật mã (télégramme chiffré). Hai chú cháu bịn rịn chia tay không đành, nhưng Minh từ ấy công danh đốc lộ đi học trường thiếu sinh (école des cadres) vì có tú tài Pháp văn, dư trận chiến Thái Miên vùng Battambang, trở về đóng lon quan hai (trung uý), rồi lần lần lên tột bực làm đại tướng, người hùng một thuở và tương lai hậu vận còn chưa biết được. Vẻ vang thay, Minh.

Tôi nhờ lên lầu, làm quen và kết giao với nhiều bạn mới, nay kẻ mất người còn và không còn nhớ nữa, như:

- Xếp trên hết công chức Việt là ông đốc phủ sứ Phan Văn Ngô, nhà ở Phú Lâm, đường quốc lộ số 4, treo bảng đề “Villa An Phong”, tức “ông Phan” nói lái lại. Ông là một người đức hạnh, trọn đời không nhận của hối, sáng đi xe lửa Mỹ Tho lên, làm việc cho đến trưa, sai tuỳ phái mua một tô hủ tíu, ăn nửa tô với cơm, nằm nghỉ lưng một chút với một tờ báo mượn nơi phòng báo chí (bureau de la Presse), chiều tối đi bộ ra sở lần đến ga xe lửa Mỹ, lên xe về nhà, và luôn luôn như vậy suốt mấy chục năm trời, không thay đổi tánh. Ai dám nói quan lại đời Tây Tà toàn là tham ô? Một giai thoại đáng tức cười là một khi nọ có một anh tuỳ phái kia mới đổi lại nơi nầy chưa biết ý quan, gặp trưa thứ bảy, anh được quan sai đi mua một tô hủ tíu và bốn chén cơm trắng, khi dọn cho quan "thời", thấy quan chừa nửa tô và hai chén cơm trong bụng phất cờ tưởng quan tử tế cho mình "hầu tàn" anh chàng lấy tô chạy lăng xăng mua trà Huế cho quan dùng, bỗng nghe quan dặn: "Cất mấy cái nầy, chiều tôi ăn rồi sẽ về”. Ấy quan nhờ tiện cặn mà cũng sắm ruộng Phú Lâm như ai và đâu cần hối lộ, chỉ tôi nghiệp anh tuỳ phái thua ngựa, chỉ rửa chén cho quan như mấy anh khác chớ không hơn? Tôi giữ đối với ông Ngô, một lòng kính cẩn và ông là người đức độ, khi rầy la cũng nhỏ nhẹ, nhưng lời nói đoan trực làm cải hối được nhiều người.

Phụ tá cho ông Ngô, là ông đốc phủ Nguyễn Văn Bá, người gốc ở Cái Bè (Mỹ Tho), lúc học Chasseloup, trên tôi ba lớp, ông lớp 4c année gần ra trường thi tôi mới vô lớp 1ère année. Ông người đức hạnh, học trường hành chánh ở Hà Nội về suốt đời làm ở Sài Gòn, và không đổi đi lục tỉnh, vì tánh ông không ăn hối lộ. Ngộ nhứt là suốt đời làm quan, ông chỉ sử dụng có một cây bút chì, loại một đầu xanh một đầu đỏ, buổi ấy chưa có loại atomic BIC như nay, vì ông là trưởng phòng công văn cơ mật và thông thường, các thơ ký dâng lên ông, ông chỉ xem kỹ rồi dùng bút ghi mấy chữ lặp đi lặp lại mãi những ngày nầy tháng nọ, tỷ như: M.S. Cl., có nghĩa là "Ông S. Cất luôn (classer)" vào hồ sơ, hoặc giả như:

- "sortie", tức công văn đã xem, nay không cần trình lại;

- "entrée", tức công văn cần ghi chép chỉ thị dặn xong rồi cho trở vô đãi lịnh lần nữa;

- "sortie définitive", tức công văn đã giải quyết xong.

- "entrée définititive", tức công văn phải ghi chú lời dặn rồi gởi vô quan trên (tức chánh đầu phòng của thống đốc) để quan lưu trữ vĩnh viễn, vì đó là công văn hệ trọng hoặc cơ mật, để ngoài e lậu sự.

Khi tôi biết sắp được đổi về tỉnh nhà là Sốc Trăng, tôi lưu niệm lại anh em dinh Thống đốc bằng cách đề nghị gởi lại bản dịch Việt ngữ để thơ ký và tuỳ phái khỏi lầm lộn, là ghi thêm dưới bốn danh từ Pháp văn nọ như vầy?

- entrée, tôi đề nghị dịch “cho vô”;

- sortie, dịch "cho ra";

- entrée définitive, dịch "cho vô luôn";

- sortie définitive, dịch "cho ra luôn";

Về sau, không biết có ai kẻ vạch, ông sai bỏ hết những bìa các hồ sơ có ghi câu Việt văn do tôi đề nghị, vì đọc lâu thấm mật, thấy có ẩn ý điệu Hồ Xuân Hương cái gì cho vô, cho ra, cho vô luôn rồi lại "cho ra luôn"!

Khi ấy thì tôi đã về xứ sở, dẫu trách tôi cũng không nghe. Tuy vậy ông Bá không giận, bằng chứng là sau năm đảo chánh 1945, ông gặp tôi giữa Chợ Mới Sài Gòn, ông bắt tay niềm nở làm tôi cảm động. Tánh ông rất kín miệng nhưng ông vô thưỏng vô phạt, không hại ai mà cũng ít giúp ai. Ông có một sức nhớ phi thường nhờ vậy mà ông thăng chức đều đều. Công văn chánh văn phòng hay thống đốc khi trở ra có ghi chú câu nào ông đều nhớ để bụng, một ngày nào quan muốn tìm xem lại ông biết ngay chỗ, không mất thì giờ, dẫu cách mấy năm hay cất chỗ nào ông vẫn không quên.

Ông Bá, có một bạn ba chữ "đ”, đồng liêu, đồng hương, và "địch thủ”, danh từ sau chót tuy không đúng nhưng tả rõ tâm trạng cả hai, và cả hai đều cùng một quê quán ở Mỹ Tho, đồng ngạch đốc phủ và đồng hạng, duy trở nên thù ngầm mỗi kỳ vận động xin ăn lên. Ông nào không được lên đều tam sầu bạch xác (tâm sầu bạch phát), khổ não ra mặt, cho đến khi quan Tây thấy vậy cho thăng chức cả hai thì mặt méo mới trở lại no tròn, và ông sau là ông T.M.P. tú tài Pháp học bên Pháp, bổ ngạch huyện khỏi thi, mặt trắng đẹp trai, có vợ con nhà giàu xứ Gò Công, có nhà lầu chợ Mỹ, đốc phủ sứ trật ngạch, chánh đầu phòng "phòng bản xứ chánh trị sự vụ" (doc-phu-sư de classe exceptionnelle, chen du bureau des affaires politiques indigèces, gọi tắt là bureau des A.P.I., tức sở coi về việc nổi loạn, tù chánh trị, tôn giáo v.v...).

Ông người tốt, hiền, nói tiếng Tây rất giòn, nghe đồn lúc nhỏ ông rất vất vả, nhờ người chị có nhan sắc nên ông anh rể đốc phủ hàm cho sang Pháp cùng theo học với cậu con, nhưng khi trở về, ông đậu tú tài được bổ quan, còn ông kia trở nên bầu gánh cải lương, phong lưu công tử nức tiếng một thời và tên Georges Ph...

Kể qua bạn đồng liêu trên lầu dinh Thống đốc lúc ấy còn có quý ông:

Nguyễn Hữu Hậu, sau là tỉnh trưởng Biên Hoà, lúc đó coi về công văn gởi đi không biết nay ông còn ham hút thuốc chăng, chớ thời đó, ông vấn thuốc thật khéo và thật lớn, tánh tình ông dễ dãi dễ thương.

Khi ông Hậu đi, người lại thế là ông Trương văn Thành nay ẩn sĩ ở Vĩnh Long, người hiền và đạo đức, một lòng tu thân, nên lánh xa việc thế, quan lớp Tây thuộc, ít người theo kịp ông, và trên đời ngày nay còn gì hơn là để cho quên, đừng ai nhắc đến. Hoan hô ông Thành!

- Coi về dây thép điện tín không mật là chú nhỏ Trần Văn Cự.

- Người sau lưng Cự, là A-ngành, đã nói nơi đoạn trước. Công Văn Thường.

- Ngồi ngó qua Ngành là ông huyện Hồ Văn Sĩ, sau làm tỉnh trưởng, lúc đó coi về ghi số, đề ngày, các chỉ dụ Thống đốc ký và cho ban hành (gởi đi Bà Rá là ở chỗ nầy).

- Ông đốc phủ Mau, sau tôi lên thế, coi công văn mật và điện tín mật, ngồi sát cửa ra vô phòng Phó Chánh văn phòng (Chen đe Cabinet adjoint), khít bàn ông Phú Sĩ. Nhưng ông Mau và tôi, có tiếng mà không có miếng. Ông Mau một đời thanh bạch, làm việc hết lòng, đậu hèn lâu khoa phổ thông, nhưng không qua được ngạch trên và khi từ trần chỉ khiêm tốn chức "ngoại hạng thông phán kiêm phủ danh dự" (phủ hàm). Còn tôi, xin cho nói luôn, cho đến nay tôi chỉ chánh thức một thông phán nhì hạng, đến như chức quản thủ Viện bảo tàng, thì đó là chức "lậu", không chánh thức, anh em thường tình kêu lâng giỡn chơi, và về hưu bổng ngày nay tôi lãnh cũng là hưu bổng tỷ lệ, tính theo lương phán nhì hạng, công mười bảy năm tôi cố thủ Viện bảo tàng (từ 1947 đến 1963 không tính trong hưu bổng nầy). Duy nhờ trời cho tôi sống dai, lãnh lương hưu trí từ 1944 cho đến nay, đã thay ba cuốn sổ rồi mà chưa chết, nếu cộng lại tiền lãnh được, có lẽ đã quá lời quá vốn. Theo tôi tưởng chánh phủ còn phát tiền cho tôi mãi mãi người phát tiền không khỏi nổi cáu rủa thầm tại sao tôi quá cứng cựa, không chết đâu chết phức, cho xong!

Tại sao những vật kín, ngắn bó sát chỗ kia của đàn bà lại ngự trị trong giỏ đựng giấy ở trên lầu trong dinh quan Thống đốc Nam Kỳ như vậy? Số là lúc ấy vào thời gần "tận thế" của chánh phủ đô hộ, khiến sanh nhiều quỷ dâm dục: đàn bà nhí nhảnh lúc ấy lại sẵn sàng bán rẻ chữ trinh, miễn vào đây xin được một cái bông với quan chánh hay quan phó văn phòng để khi mua vài thước hàng lụa, khi để có một cục xà bông thơm hay vài ký đường buổi khan hiếm vì Nhựt phong toả đường biển, thì "cái ngàn vàng kia" đâu có mòn mà hòng tiếc? Ông Chánh được mồi thì dắt lại phòng ông Phó và xong rồi quăng ngay nùi giẻ vào sọt giấy ngay trên đầu hai anh đánh máy Inh và Thân, vì vậy mà thua ngựa mạt cộng từ đường. Đến phiên ông Phó săn được mồi ngon, thì đưa xuống mượn phòng ông đốc phủ nơi gọi bureau des A.P.I đã nói nơi trước và mỗi lần như vậy ông dối bề trên rằng đi học và trau dồi tiếng bản xứ!

Mấy năm trước nữa, gương bày đầu làm việc trên bộc trong dâu như vậy là lão Pagès (đọc “Ba-ghè"). Lão ta rất hảo ngọt và trang trí nguyên một Bá-lạc-đài trên Thủ Đức, nay còn để tiếng.

Người tài xế cho ông, tôi còn nhớ là anh Dền, một tay lái xe tuyệt luân và cũng một tay kiếm mèo về nạp cho quan tài dách. Anh thuật với tôi mỗi lần anh dẫn một bà thì ăn còm-mi-xi-ông bằng cách viết sẵn cái "bon" mượn quan năm chục bạc. Và đợi kỳ sau rước bà ấy nữa thì chực sẵn đôi ba chục lo le xin trả lại quan. Anh Dền cười và nói mười lần như một khi xin trả mớ nhắm và hẹn trả nốt khi khác, trước mặt bà, Dền vẫn được chửi “mấy là thằng con heo" (tu es ùn cochon", nhưng chửi rồi thôi, quan không khi nào đòi tiền, và Dền nói không biết ai heo hơn ai! Nghĩ làm tài xế như Dền, tôi đây cũng muốn được như vậy, xe có sẵn người vô dầu và săn sóc, rửa xe có người ở trường máy rửa sẵn, bánh lốp vừa nửa sạc ông Rosel đã lo thay cái mới, và sướng nhứt là mượn tiền thống đốc xài mà không bao giờ trả! Tôi hỏi Dền thay vỏ xe chi thay hoài, Dền đáp quan thường đi hứng gió ngoài Cấp với các bà, giao trong hai giờ phải chạy đến nơi, thường chạy hết tốc lực tám chục cây số một giờ (xe hiệu Delate số C.20), nếu không thay vỏ, rủi chậm trễ thì mất chức, vả lại của ông của cha gì tôi mà tôi tiếc.

Ông Ba ghè (Pagès) nầy có tiếng là thống đốc khó tánh, oai nghiêm và khinh người hơn các ông trước. Ông nghe tiếng quan đốc phủ Đ.N.C là lỗi lạc hơn người, làm đầu phòng nhơn ty (chef de section au bureau du Personnel) trong nhiều trào Thống đốc, ông dẫn theo một vòng lục tỉnh bắt làm thông ngôn, nhưng từ ấy không thấy mời đi nữa, ngầm hiểu lục lục thường tài. Ba ghè mặt sắt như vậy, thế mà trái tim là của một con dê xồm.

Dinh Gia Long, trước kia là dinh Thống đốc nơi phía mặt tiền, chỗ nầy sau lấy làm văn phòng cho ông tổng Diệm, thì lối năm 1936 là phòng giấy bu-rô ông Ba ghè. Cố nhiên, phòng nầy nghiêm mật, năm thì mười hoạ có người thật tai mắt mới được quan soái tiếp. (Soái là tiếng thông thường để gọi ông, vì Thống đốc nghe chưa oai). Nhưng có một người được ra vô thong thả, không cần gõ cửa xin phép, và đó là chỉ có một ông quản vệ uy tín cẩn nhứt, các ông đốc phủ cũng nhường bước sau ông và đó là ông Vệ Kỳ. Ông Vệ Kỳ, ngày thường, luôn luôn o bế một cái mâm nhỏ bằng gỗ cẩm lai, lâu lên nước bóng láng đỏ như nhuộm son, lớn cỡ 0,20 x 0,15; khi tôi thấy vật nầy thì vì lòng hiếu cổ tôi ước ao muốn lắm, vì là vật cổ tích của nhiều trào phó soái, đã có từ đời Tây mới qua đây, (theo lời Vệ Kỳ). Tôi cố ý nài hoài xin đổi với một cái mâm khác, có lẽ tốt hơn và tiện hơn mâm cũ nầy, nhưng Vệ Kỳ khăng khăng một mực từ chối, rằng sợ quan biết sẽ phạt nặng. Cái mâm ấy, tôi quên nói, dùng để đựng thơ từ quan trọng cần dâng lên phó soái, và mỗi ngày Vệ Kỳ đều có dùng, và sở dĩ tôi muốn đổi để làm của, vì tôi cho cái mâm ấy là một lưu vật biểu hiện của mấy trào nô lệ thời Pháp thuộc. Nhưng nếu tôi cà kê như vậy mãi e lạc đề, vậy xin nhắc lại một bữa sáng chúa nhựt kia, tôi đến phiên trực nên như thường lệ tôi phải vô làm việc, mặc dầu tuồng xi-nê hôm đó hay lắm. Đến trưa ông Vệ Kỳ ôm công văn xuống giao cho tôi, nhưng tôi để ý và lấy làm lạ, vì mặt ông Vệ không còn một chút máu, xanh như tàu lá, xanh thấy sợ. Tôi với ông là chỗ thâm giao, nên tôi vội hỏi dồn và lo lắng cho ông. Nhưng ông cứ lắc đầu không trả lời. Hỏi han không nói, đến lượt tôi van xin cầu khẩn một cách thật tình. Hỏi mãi Vệ Kỳ chỉ rưng rưng nước mắt và trả lời xuôi xị: "Hỏi làm gì. Ông coi về confidentiel (việc cơ mật), trước sau gì rồi ông cũng biết. Tôi chắc lần nầy chết, ông à!".

Nhưng rồi Vệ Kỳ không chết. Rồi một tuần qua, một tháng qua, Vệ Kỳ vẫn sống nhăn và không thấy gì. Ít tháng sau lại đến phiên tôi trực nữa. Chuyến nầy tôi theo bên lưng gạn thét, Vệ Kỳ bèn thú thiệt: "Hôm cái ngày xui xẻo, hôm trước đó, hì hì! Tôi mắc tiêu quá nên tôi mượn thằng dịch vật là thằng Đội Cửu, đứng coi giùm cửa ông Lớn hộ tôi vài phút. Cửu nó lên ngồi chỗ tôi, tôi thì chạy xuống cầu tiêu xong rồi trở lên liền, dịch vật thằng Cửu nó không nói gì, nên tôi yên tâm cứ phận sự mà làm. Một lát kế đó tôi nhận được một bức công văn thượng khẩn để trong bì thư có con dấu đóng “Ultra secret” (Tối mật) và một con dấu khác "Très urgent" (Hoả tốc), hai con dấu đỏ lóe, thấy mà ghê, khiến nên tôi lật đật lấy mâm cây đặt bì thư lên trên, rồi tôi thản nhiên đến cửa vặn chốt bước vô. Rủi cho tôi là lúc ấy tôi muốn thối bộ cũng không thể nào kịp và trước mắt tôi hiện ra cảnh ông Lớn đang đứng đè cô đầm nhỏ đánh máy sát vào vách, còn miệng ông Lớn thì đang ngậm một nhũ hoa của cô đầm, và tay ông Lớn đang vò cái kia như ta vò xôi vò! Trời mẹ ôi! Khi ấy tôi sợ quá mà cũng không biết làm sao, thấy lỡ và bại lộ hết rồi! Tôi rút lui, tôi hồi hộp và lo sợ trót tháng. Bây giờ nhắc lại tim tôi còn đập mạnh và có lẽ sau nầy tôi chết vì bịnh đau tim. Tôi có trách thằng Cửu, nó chối đong đỏng, nó thề bán mạng, nó đổ thừa cô đầm vô phòng lúc nào nó không thấy, sau tôi rõ lại thằng Cửu nó không ngồi một chỗ như tôi, nó bỏ chỗ, chạy chỗ nầy chỗ kia nói dóc, và như vậy có phải thằng Cửu nó giết tôi không? May sao thời vận tôi còn đỏ, ông Lớn tốt quá, đại độ quá! Đã không cách chức tôi mà cũng không đổi tôi ra Côn Lôn cho đáng tội. Buổi chiều tôi không dám vô thấy mặt ông Lớn, và chính ông Lớn lối năm giờ mở cửa bước ra chỗ tôi ngồi cú ru, ông cười cười và nói ba tiếng tôi còn nhớ mồn một: "Ne recommence plus, Ve!" (Đừng tái diễn như vậy nữa nghe. Vệ!). Thiệt là ơn đức tái sanh tái tạo. Ông Sển nghĩ coi, tội đáng chết, lưu đày tới Côn Đảo, tôi cũng cho là chưa vừa và còn nhẹ, thế mà Tây người ta không nói gì, chớ phải như ai, mồ tổ tôi cũng không còn và có lẽ tôi đã chôn thây ngoài ấy!".

Rồi tôi đổi về Sốc Trăng, cái mâm nhỏ bằng cẩm lai của dinh Phó Soái không biết thất lạc về đâu trong cuộc đảo chánh năm 1945, khiến nay tôi còn nhớ tiếc mãi.

Tại nhà, hiện có hai cổ vật mà đến nay mới biết giá trị:

1) Một hộp gỗ màu đỏ, trên nắp đề bốn chữ “Tấu sự, khâm giám”, mua ở Huế độ sáu bảy chục bạc, và nay mới rõ đó là "hộp đựng sớ tấu” của lục bộ đài quan, dùng dâng cho vua và trao cho nội-giám dâng lên. Người ta tốn bạc triệu mà không có vật nầy. (36cm x 25cm x 4cm).

2) Một mâm cẩm-lai 24cm x 15cm, dáng chữ Nhựt, tôi gặp nơi dinh phủ tỉnh Sốc Trăng, lúc mắc kẹt làm phó tỉnh trường lối 1946- 1947, người tuỳ phái dùng dâng thơ tín lên quan thời Pháp thuộc.

Hai vật nầy, một của triều đình Huế, một của thời Tây, theo tôi, cũng là vật hi hữu, có duyên mới gặp.

(Viết thêm 24-5-1992)

VHS

Ngày nay ngồi đánh máy cộp cộp bất kể lát nữa chết ngay trên bàn bất đắc kỳ tử cũng có thể được, bình tâm xét lại lúc làm trên dinh phó soái, buổi ấy tôi hoàn toàn hạnh phúc mà không hay biết để tận hưởng, vợ chưa ngoại tình, đồng bạc còn giá trị nhiều, tuy Nhựt có in lén bạc giấy xăng mới, và đồ ăn thực phẩm ngoài chợ chưa leo thang như hiện nay, bơ sữa chợ đen giá phải chăng. Tôi nhớ và xin kể ra đây bốn chuyện mà cho tôi rằng lạ, nếu nay không nói e lâu ngày quên phứt cũng uổng, và đây cũng không phải quốc gia trọng sự gì mà giấu kín. Duy xin các bạn cứ xem đó là giai thoại buổi mạt kiếp buổi Tây thuộc, có lẽ vì lâu ngày nếu có sai lạc đôi chút đối với sự thật, xin các bạn lượng thứ. a) Chuyện một ông Tây giỡn chơi và chơi chữ mà thành anh hùng kháng chiến; b) Chuyện cô Ba Trà nhờ giỏi khóc mà khỏi bị đày lên Bà Rá, c) Chuyện phá Khám lớn năm xưa và chuyện anh hùng ra pháp trường chịu tử hình.

a) CHUYỆN ÔNG TÂY CHƠI CHỮ TRỞ THÀNH ANH HÙNG KHÁNG CHIẾN.

Việc đã lâu, quên mất năm tháng và tên họ của nhân vật duy nhớ đại khái như vầy: Lúc Pháp thất trận, ông thống chế Pétain lên lập chánh phủ theo Đức Hitler, thì ba chữ devise (Cách ngôn, tiêu ngữ) cũ của Pháp quốc "Liberté-egalité-fraternité tức Tự Do (liberté), Bình đẳng (Egalité) Bác ái (Fraternité), được đổi lại là:

Travail, tôi dịch cho thật nôm na là "Làm việc" (cần lao)

Famille, tôi giữ ý sát nghĩa và dịch gọn "Gia đình"

Patrie, tôi cũng dịch gọn là "Tổ quốc".

Lúc ấy đã có chế độ kiểm duyệt thơ tín (contrôle postal), cho nên một hôm sở bưu điện gởi lên thống đốc một bức thơ nhận được của một người Pháp gởi cho một bạn thân cũng Pháp, trong thơ tác giả chơi chữ và nhạo giễu ba chữ tiêu ngữ mới của chánh phủ Pétain đầu hàng Đức, như sau:

Tiêu ngữ Việt ngữ Bị đổi là Dịch là

Travail Làm việc Trahison Làm phản

Famille Gia đình Forfaiture Gia tâm

bạn nghịch

Patrie Tổ quốc Pourriture Thúi nát

Trộm nghĩ đó là một cách giỡn chơi giữa bạn thân, nói lén chánh phủ để mua cười trong buổi bị phong toả vì chiến tranh, và cũng có một phần nào khoe mình là tay giàu văn chương, hay chữ hay nghĩa. Dè đâu giỡn chơi thành thật, ông toàn quyền Đờ-cu không cho là giỡn, và chỉ thị sai thống đốc ký nghị định bắt tác giả đày vào trại phạm nhơn chánh trị ở Long Xuyên (centre d'internement politique à Long Xuyên). Và đến khi trào Pétain đổ tác giả được phóng thích và chẳng như vậy, được tôn trọng như một anh hùng kháng chiến, dám ăn dám nói.

b) CHUYỆN CÔ BA TRÀ

Ngày nay thanh niên chỉ thấy mỹ nhân phần nhiều là giả, là độn, là nhân tạo. Ngày xưa muốn xứng đáng danh từ “mỹ nhân”, phải hoàn toàn là thứ thiệt, răng sún hay có một tí thẹo nhỏ ở chỗ nào cũng không được. Cô Ba Trà thuộc vào hạng ấy. Lối năm 1939, một hôm cô bị bắt và sở mật thám Catinat định tống giải cô lên Bà Rá là nơi đày tù bản xứ làm chánh trị hoặc phạm tội làm bại hoại phong tục nề nếp xưa như tình trạng Cô Ba. Nhưng cô nài nỉ viên thanh tra Pháp khéo thế nào mà cô được dẫn dắt lên quan chánh văn phòng trước khi lên đường đi Bà Rá, nếu cô có tội.

Chánh văn phòng là tham biện nhứt hạng, Dufour, tôi sẽ nói sau, ông có tiếng là tay háo sắc, nhưng thật là người có tánh tốt nhất là thẳng thắng và cương trực, dám ăn dám làm. Cô Ba Trà cặp mắt lưng tròng đo đỏ, hai khóe mũi cũng đo đỏ, được tha ngay, vì ông Dufour hoàn toàn đồng ý với cô: một là cô không khuyến dụ, hai là cha phải nghiêm dạy con trước khi thưa con bị gái làm hư; ba là đây là ý nghĩ riêng của ông chánh văn phòng háo sắc nầy, một người đẹp như cô không thể gởi đày lên Bà Rá.

Tôi giả đò ra xả hơi nơi hành lang để cho người đẹp thấy rằng thằng nhỏ hôm trước đi xe hơi bòm Fiat C. 9032 chung với Thầy Ba Kính, nhạc gia nó, chính là thằng nầy, làm việc dinh phó soái đây! Hôm ấy ra cửa đi về có ba người - người sau bị ám sát góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn là cò Bazin, một lần thứ nhất phải giấu cái còng sắt trong túi, vì lịnh thống đốc, ký trước, đề tên sau vẫn vô hiệu lực trước một mỹ nhân.

Người ra kế, khi vô là cực phẩm đại thần, nghị viên cơ mật viện (membe du conseil privé); khi ra là người thua kiện! Con ông làm lục sự tên Trường, ông không biết dạy, ông đòi bỏ tù ai? Ông tên Tống, dòng Trương Vĩnh.

Người thứ ba là cô Ba Trà, khi vô là một bị cáo mắc nàn, khi ra là một bà hoàng, được ông Chánh văn phòng Dufour tiễn ra tới cửa. Ô! là! là! Sắc đẹp.

c) CHUYỆN PHÁ KHÁM LỚN SÀI GÒN NĂM ĐÓ, TIẾP THEO LÀ VỤ XỬ BẮN 13 NGƯỜI TÙ CÓ TỘI LÀM CHÁNH TRỊ, TỘI CHỐNG PHÁP.

Tôi đã làm mất hồ sơ nầy trong chuyến chạy giặc Pháp năm 1946 tại làng Hoà Tú (Sốc Trăng), nên nay chỉ ghi chép lại theo trí nhớ và không ghi được chi tiết khoa học về năm tháng xảy ra cùng tên tuổi người đương sự, hay người quan hệ. Xin độc giả lượng thứ. Theo tôi định chừng thì việc nầy xảy ra sau khi Pháp khai chiến với Đức quốc và khoảng những năm có quân đội Phù tang để chân lên đất Đông Dương nầy. Lúc ấy lịnh của chưởng lý dạy canh phòng thật nghiêm ngặt các khám đường nhất là đối với tù trọng phạm v.v...

Cái khám đường hay ngục thất mà ngày nay nhắc đến tên đủ rợn tóc gáy là Khám lớn Sài Gòn, vị trí ở ngay Thư viện Quốc Gia đường Gia Long, mà oái ăm thay, người Pháp lúc đó không gọi là khám lại gọi là "nhà" và đặt tên là "Maison Centrale" để tránh tiếng Prison Centrale, mà chính họ cũng không muốn dùng tiếng prison vì nghe ghê rợn quá; duy dân ta lại quá nhàm và đặt là Khám lớn Sài Gòn, cũng không gọi đó là Đại Ngục thất hay Đại Khám đường chi cho rườm. Năm 1953 tôi có viếng và chụp hình được đầy đủ chi tiết để viết một thiên khảo cứu dày, nhưng hỏi ra tôi đành chịu thua, vì chánh phủ không muốn phanh phui những tài liệu của nhà nước như vậy. Trên từng lầu cao, không nhớ rõ từng thứ mấy, duy nhớ ngó mặc qua sở nhà hình, đường Nguyễn Trung Trực ngày nay, có một phòng lớn xây rất kiên cố, vách dày ba mươi phân Tây (ba lớp gạch thứ 0,20 x 0,10 x 0,05), cửa làm bằng sắt, ống khoá cũng bằng một loại kim khí mà người làm, Ăng-lê và Hoa kỳ, tự hào là giũa không ăn, cưa không đứt, chánh hiệu là ống khoá Yale trứ danh. Phòng nầy dùng để giam cầm những người bị khép án tử hình và ngày như đêm vẫn khoá chân vào cùm sắt (trong Nam còn gọi là còng), và những còng nầy vẫn xỏ vào một gông sắt to bằng bắp tay, một đầu gông thì cháy cứng và một tấm sắt thật dày không rút còng ra được, còn đầu gông bên kia thì có khoét lỗ để đặt một ống khoá Yale thật to. Mỗi lần muốn đưa tù đi hầu toà hay đi một việc cần thiết như hỏi cung, trình biện lý cuộc hay "cho ra chơi", mỗi tuần vài ba mươi phút, thì phải mở khoá rồi rút chân từng người như cá trong xâu gắp, lấy ra, xong rồi khoá chân lại trong cùm. Lâu ngày chân chai đi, chớ lúc đầu lở loét, sanh ghẻ, chảy máu chảy mủ đau đớn lắm. Nội cái cách làm tiền, cai ngục khoá chân tù vào còng rồi, rồi lại nắm chân giựt kéo thử xem có sút tuột ra không, nói đến cũng đủ lạnh mình và tục lệ "khám tối" nầy, là cứ mỗi phiên đúng bốn giờ đồng hồ thì có một "phiên canh", viên cai xếp mở khoá cửa phòng, vô xem xét lại coi cái khoá gông có còn y như cũ chăng, rồi mới trở ra khoá trái cửa sắt lớn và canh tuần bên ngoài cẩn mật, có thể nói là con ruồi cũng không thể bay vô ra thong thả chốn nầy nếu không có phép của viên cai ngục nầy. (Tôi nói cai ngục chớ chưa phải chúa, vì tôi dành chữ "chúa ngục" để gọi tên Agostini là đầu dọc của khám đường, chức gọi directeur de la Mai son Centrale; cũng chưa hẳn chúa ngục là gác-dan xếp, vì Agosiini là chủ, là chúa tất cả và oai hơn nhiều, nhưng nếu dịch "giám đốc khám đường” thì tựa hồ kém mất oai đi). Ấy vậy mà một đêm tối trời, mưa gió lu bù, vào một giờ khuya khoắt, các xếp cai ngục đang ngủ gục. Giữa lúc ấy (độ một hai giờ khuya), anh cai ngục Chà lai Việt tên là Simoni, có phận sự mở khoá phòng tử hình để vào trong xem xét ổ khoá của cái gông lớn. Vừa đúng lúc ấy, các tù bên trong đã núp chờ sẵn, bỗng tạt mạnh vào mắt mũi tên cai, ngục một mủng vừa chứa đầy nước mắm giằm ớt cay mà họ dành dụm từ nhiều ngày để chờ cơ hội nầy. Tên cai ngục bị ớt cay nước mắm mặn làm cho mở mắt không ra, thừa dịp ấy, mấy người tù nầy lấy áo quần làm dây trói tay chân tên cai ngục bỏ nằm đó, lục lưng thộp xâu chìa khoá và ùn ùn mở khoá cửa kéo nhau chạy ra ngoài, rồi cởi hết quần áo đánh làm dây thang, quăng móc được lên vách ngoài và mặc dầu miểng chai, miểng kiếng chơm chởm, nhưng bất kể kiếng cắt chai đâm, họ cũng liều chết leo ra trốn được không hơn mười người, về sau đều bị bắt lại đủ số, vì làm sao thoát được với cách đề phòng hết sức hoàn bị của Pháp, có điện ba dây, có chuông a-lẹt (báo động) và cách trấn binh phòng thủ năm ngăn, bảy nắp từ trong ra ngoài của cái Khám lớn Sài Gòn có tiếng là khó hạ, khó chiếm (imprenable) nầy? Khi bắt tù trốn về, quan chưởng lý ra lịnh điều tra và có mời một viên chuyên môn từ Pháp quốc qua, để nghiên cứu về kỹ thuật tại sao khoá Yale tuy tù không có khí cụ tinh xảo mà vẫn cắt đứt và trốn thoát được như vậy?

Hỏi: Mấy anh lấy gì để cắt gọng ống khoá nầy?

Đáp: Chúng tôi lén giấu miếng xi-măng rồi thừa dịp cai ngục trở ra, thì cắt.

Hỏi: Mấy anh cắt như vậy trong bao lâu thì gọng khoá đứt?

Đáp: Dạ, cắt trong tám giờ đồng hồ thì gọng khoá đứt lìa.

Hỏi: Tôi không tin, vì trong tám giờ có đến hai lần đi rỏn, đi tuần (faire une ronde), mấy anh làm sao để tránh mất cú vọ kinh nghiệm của gác-dan?

Đáp: Dạ thưa, dễ ợt! Gác-dan ra vô mãi hoá quen và khinh thường. Chúng tôi kinh nghiệm nào thua họ và cứ mỗi lần rỏn họ day lưng ra hoặc chúng tôi canh kỹ biết giờ họ sắp vào trong khám, thì trước đó chúng tôi dùng xà-bông dành dụm phát khi tắm khi giặt, lấy đó đắp lên trên chỗ cắt, màu đồng ổ khoá và màu vàng của xà-bông Mạc-xây vẫn tiệp y nhau, dẫu ông Trời hay Bao Công tái thế cũng không dễ gì khám phá.

Thế là cuộc điều tra kết thúc. Muốn cho hắc bạch phân minh, viên điều tra Pháp yêu cầu một ông quán ty đề hình xỏ chân vào cùm và còng lại, khoá lại bằng ổ khoá Yale và dạy ông cắt thử bằng miếng xi măng, quả nhiên tám giờ đồng hồ gọng khoá đứt lìa, tội nhân tử hình phạm tội gì chớ không phạm tội nói dối!

Để tỏ ra mình tài ba xuất chúng, viên điều tra Pháp, cử nhân khoa học kiêm cứ nhân luật, đích thân đến khám xem xét tại chỗ, sau đó gởi lên chưởng lý và thống đốc tờ phúc trình chê đè các viên chức giữ ngục cũ, hoặc vì dốt hoặc thiếu kinh nghiệm, hoặc vì lơ đễnh, đã "dâng cơm cho lục" nhè ổ khoá gông lại đặt trong phòng giam, khiến nên khi đi rỏn, thì người cai ngục vẫn ở trong tay tha giết của những tù nhân bên trong, đều là bọn bất trị hay liều mạng cùi.

Viên điều tra đưa ra sáng kiến mới mẻ trong phúc trình rằng: "Thay vì đặt đầu gông và ổ khoá bên trong, bây giờ tay hãy đục vách tường khoét một lỗ nhỏ cho vừa lọt đầu gông ra ngoài, rồi khoá cái ống khoá Yale bên ngoài vách. Như vậy tù nhân làm sao thò tay ra ngoài mà cắt ổ khoá được? Cố nhiên khi đi tuần, chỉ cần liếc xem ổ khoá còn y nguyên, thì biết tù bên trong vẫn còn đủ số. Trừ ra khi nào muốn giải toả đầu gông hay dẫn tù ra ngoài, khi ấy sẽ mở khoá, thụt đầu gông vào trong và khi ấy viên cai ngục sẽ đem lính gác có đủ súng ống theo vào trong, thì làm sao tù tạt hắt nước mắm và bắt trói được, như vậy phải lưỡng toàn kỳ mỹ chăng?”

Bản phúc trình nầy tôi thấy mới lạ, nên có sao chép định làm tài liệu để viết và thuật lại khi tuổi già, tiếc thay lúc ấy chạy giặc nơi làng Hoà Tú năm 1946, lúc lính Tây bố ráp, tôi bỏ lại trên giường, giữa đêm khuya và có một nhóm người đến hôi của, thấy bó giấy tưởng là giấy bạc, giành nhau, chừng biết đó là giấy vụn bọn người nầy thất vọng bèn đốt làm đèn rọi để soi kiếm đồ khác, nay tôi tiếc quá!

Nay nhắc lại viên đá khoét lỗ của khám lớn Sài Gòn, khiến tôi phải dài dòng thêm nữa. Số là buổi ấy là thời kỳ chiến tranh, bên châu Âu thì Tây đã thua Đức còn chờ ngày "Dứt chến", còn bên Đông Dương thì binh Nhật lan tràn hách dịch, người Pháp làm chuyện vá víu chờ thời cơ, cho nên mặc dù lời đề nghị kia có chỗ tuyệt diệu, nhưng khi đem ra thực hành, trong cơn cấp bách như lửa cháy nầy, khiến nên khi đục vách đem đầu gông ra ngoài, thay vì lựa một viên đá cho vuông vắn, người thợ hồ làm việc tạm bợ lấy có và đã chọn một đầu đá có chạy chỉ bất viền khéo léo, vì chung viên đá cổ nầy có khoét sẵn một lỗ tròn đúng ni tấc cho đầu gông sắt lọt qua; khi đặt vào tường, người thợ hồ sẽ lấy xi măng trám bằng phẳng và bít mất những lằn chỉ viền bên kia đi, thì cục đá cổ sẽ hoàn toàn như mới chỉ còn hai mặt liền trơn với vách.

Làm như vậy viên đá đã làm tròn phận sự và giữ được tù khỏi trốn. Nhưng đối với nhà kháo cổ gàn như tôi, tôi vẫn chưa bằng lòng. Số là khi có lịnh chánh phủ sai phá bỏ Khám lớn Sài Gòn, tôi là người có ý định sẵn cho nên tôi đã xin đem cục đá có khoét lỗ ấy về đặt tại sân giữa của Viện bảo tàng, vì tôi cho rằng đó là một viên đá lịch sử, di tích độc nhất của cái gọi là Khám lớn Sài Gòn. Năm trước đây, nhân một buổi hội hiệp bàn về văn hoá và về thư viện quốc gia, tôi có đề nghị ngay với ông bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, kiêm chủ tịch ban Văn hoá thời ấy, rằng nên dựng một cái bia bằng đá, nơi góc đường Gia Long và đường Công Lý, trước mặt tiền Thư viện Quốc Gia, rồi đặt viên đá Khám lớn có khoét lỗ nầy và ghi một đôi hàng chữ cắt nghĩa đó là di tích của một chỗ âm u tù đày "Khám lớn" mà ta đã biến thành một nơi sáng suốt chứa đựng văn hoá văn minh các nước, v.v... Lời đề nghị của tôi được ông N.L. Viên tán thành, và cục đá vẫn còn nằm chờ đợi “có chỗ dùng" nơi Viện bảo tàng; tiếc thay cho đến nay vật đâu nằm đó, cho đến tôi chết ắt không thấy cái bia kia, vì ông Mai Thọ Truyền đặc trách Văn hoá, vốn là đốc phủ sứ, sau làm thanh tra ngạch tài chánh, làm sao nghe một lời đề nghị vô duyên của một thơ ký quèn, bạn cũ mà thi rớt Huyện! Hôm nay tôi viết mấy hàng nầy thì ông đã nằm yên dưới mộ, tôi xin thần minh chứng giám, tôi vẫn giữ tình xưa như cũ, mến phục ông thì có mà không lòng nào kích bác một bạn cũ đồng trường tốt phước hơn tôi.

d) VIỆC GÌ XẢY RA SAU CUỘC TÙ TRỐN Ở KHÁM LỚN NĂM ẤY. ĐÓ LÀ VIỆC XỬ BẮN MƯỜI BA VỊ ANH HÙNG CHỐNG PHÁP.

Sau vụ tù trốn, tờ phúc trình của quan chường lý chạy lên thống đốc có kể vụ mười ba người phạm nhân phạm tội tử hình giam trong khám tối, mặc dầu cửa phòng mở và khoá gông bị phá, mười ba người nầy không vượt ngục. Và tại sao có cơ hội tốt mà không thèm lợi dụng? Ông thống đốc Rivoal, khi đọc tờ phúc trình, không dám tự mình định đoạt và lật đật sai sao chép y nguyên văn và gởi cấp tốc ra Hà Nội đãi lịnh quan toàn quyền. Lúc ấy đường hàng không sử dụng loại máy bay Potez rất chậm chạp, phải hai ngày mới bay từ Sài Gòn ra tới Hà Nội hoặc từ ấy trở về.

Tuy vậy máy bay Potez chỉ dành riêng cho toàn quyền Đờ Ku hoặc cho loại công văn cơ mật và thượng khẩn. Nhưng bộ hành muốn ra ngoài nớ còn có cách khác đi cũng mau lẹ không thua lại có phần vững chắc hơn Potez, đó là xe hoả tốc hành, nhưng xe hoả thì không oai bằng máy bay, dẫu tử mạng cũng cam. Về công văn muốn mau lẹ hơn nữa thì điện tín mật gởi theo mật mã, nhưng đó là chuyện khác. Khi ông Đờ Ku nhận được phúc trình của ông Rivoal, ngài ta khoái quá, nên điện vô cấp tốc, và ra chỉ thị "grâcié", tức "đặc xá phóng thích” mười ba người kia, và cho rằng đó là những người có can đảm phi thường, đáng được hưởng đặc ân đại xá, để mua chuộc lòng người trong buổi bấp bênh có kẻ ngoại bang (Nhựt) dòm ngó và cũng để trấn tĩnh những kẻ có lòng như vậy. (Đó cũng là kế sách thâm sâu của ông Đờ Ku nầy quyết ru ngủ dân trong xứ bằng những phương pháp bơm ngọt và dụ dỗ, cầm bằng dân ta ấu trĩ "nên cho kẹo ngọt hơn là dùng roi sắt để cai trị”).

Nhưng khi nhận được chỉ thị ấy, quan chưởng lý phúc đáp cho thống đốc rằng “chỉ dụ đặc xá ấy vô phương áp dụng” cho mười ba người nầy, lý do vì mỗi người đều mang đến hai án tử hình (duex fuis condamné à mort), nếu tha và ân xá một cái đầu thì còn phải làm cho rụng một cái đầu kia, và con người có một thủ cấp chứ không có đến hai!

Sau đó chưởng lý dạy dẫn dắt những người ấy ra cho ông điều tra vì sao có dịp thuận tiện như vậy mà không tẩu thoát, cao chạy xa bay? Cả thảy đều thản nhiên trả lời cụt ngủn rằng: "Một khi ra làm quốc sự là đã lựa cái chết để đền nợ nước, chạy trốn là phi anh hùng!".

Đã không được ân xá thì phải hành hình. Chiếu y quân luật, họ bị xử bắn. Bây giờ pháp trường thuộc vùng Gò Vấp hay Hóc Môn gì đó, chung qui thuộc tỉnh Gia Định. Lại nữa chuyện xảy ra đã quá lâu, tôi cũng không dám quả quyết xử lần trước sáu người lần sau bảy người, hay là lần trước bảy lần sau sáu, vậy kể như xử bắn mười ba người ấy làm hai tốp. Tốp thứ nhất chịu hành hình xong, ông Dufour, lại cũng ông Dufour, lúc nầy ông đã thôi làm chánh văn phòng nơi dinh Thống đốc Rivoal và về lãnh trong trách làm chủ tỉnh tỉnh Gia Định. Ông nầy vì cuộc xử hắn xảy ra trên địa phận ông cai trị nên ông đứng ra làm thị chứng cuộc hành hình, và trên biên bản nơi phần cước chú, ông ghi một câu vắn tắt: "Ils sont morts courageusement", tôi dịch là "Chúng nó chết một cách can đảm”. Và khi được tờ phúc trình về việc nầy, ngoài Hà Nội quan toàn quyền Đờ Ku gởi vào ông Thống đốc một công văn mật căn dặn nên khiển trách sơ ông chủ tỉnh Dufour và khuyên ông nên chọn danh từ đúng chỗ, không nên đề cao hay tự tuyên dương kẻ thù. Trong công văn cũng nhấn mạnh đó là nể tình ông Dufour là một quan cai trị có công cán nhiều nên không nỡ khiển trách nặng, miễn ông đừng tái phạm.

Quả nhiên, sau khi được chỉ thị, ông Rivoal có điện thoại mời ông Dufour ra dinh, và nên nhớ hai người đồng hàng tham biện hạng nhứt, duy ông Rivoal, tốt phước được làm thống đốc, bề trong hai người rất kính nể nhau, nên ông Rivoal, mời ông Dufour ra hai người nói chuyện qua loa trời mưa trời nắng rồi ông Rivoal đưa công văn của toàn quyền có chữ ký của Đờ Ku cho xem và không nói thêm lời nào. Kế hai người bắt tay thân mật và ông Dufour cáo từ lui về Gia Định.

Xẩn bẩn lại đến vụ hành hình kỳ nhì. Cũng ông Dufour thị sự, và phen này, trên tờ biên bản giống y như kỳ trước, ông ghi vỏn vẹn câu: "Ils sont morts trèm courageusement" (Chúng nó chết một cách rất can đảm!).

Thế là chuyến nầy ông Dufour tự khai pháo, nói cách khác, ông tự châm dầu vào lửa. Decoux không dùng công văn, và sau một thời gian ngắn, đích thân bay vào Nam, đòi ông Dufour vào phủ toàn quyền, "cạo sát nhíp" (theo lời ông Dufour thuật lại với ông Grange là phó văn phòng, bạn thân với nhau từ trước), muốn bị khép vào tội "chống đối” sau khi nghĩ tình đồng nghiệp cũ, cho huyền chức, tức khắc giao việc cho chủ tỉnh khác thay thế, và cho chờ một chuyến tàu trước nhứt, cho về hưu trí non, và phải viết tờ tự thú, để vào hồ sơ.

Với phận sự thâu nhận công văn mật, tôi có đọc tờ tự thú nầy, vắn tắt có mấy câu thật nhã mà cứng cỏi: "Tôi, Dufour, là cựu phi công trận giặc chống Đức, tôi có tứ đẳng bội tinh lãnh tại chiến trận đã từng bị thương tại trận tiền, vốn là một binh sĩ nên ăn ngay nói thật, không có tánh nói vẹo màu mè. Phàm kẻ địch chết dũng cảm thì tôi nói chúng nó chết can đảm; khi chúng hô to “Việt nam muôn năm” trước họng súng, tôi có phận sự phúc trình "Chúng nó chết một cách rất can đảm”. Nếu muốn đúng sự thật, đáng lẽ tôi phải ghi “Các lính sơn đá đều khiếp khi bắn, tức nhát sợ, nhứt là tên đội có lịnh bắn phát chót xá hồn (donner le coup de grâce), tên đội nầy hai lần run như cầy sấy, tôi lấy làm nhục cho quân đội Pháp, nhưng tôi không nói trong lúc phúc trình".

Tờ thú nhận nầy, tôi ghi vào sổ "mật" đánh đấu thứ tự rồi gởi vào trong, trình Thống đốc, nhưng không bao giờ thấy trở ra.

Lúc ông làm chủ tỉnh ở Rạch Giá, ông ra chợ thấy dân nghèo nheo nhóc, trẻ con trần truồng vô y vô khậu, ông chạy xe về dinh ôm tất cả áo quần của con ông đem ra chợ phân phát hết, bất chấp lúc ấy hàng khan, không dễ gì sắm lại. Sau cuộc đảo chánh và khi binh Pháp trở lại Đông Dương, lúc ấy tôi đã về hưu, bỗng tôi thấy dạng ông Dufour đi ngang nhà, số 31-33 đường Hai Bà Trưng, chợ Sốc Trăng. Khi đó tôi biết dư ông làm lớn, thanh tra chánh trị gì gì đó, nhưng tôi khép cửa bước vào trong. Tuy rằng chủ cũ năm xưa, và đây là người hùng, gặp người cũ ắt mừng lắm. Nhưng tôi cam phận gác ngoại vòng thoi, như vậy mà cũng chưa được yên thân. Cái kiếp con bò kéo xe, tôi chưa thoát, và năm 1947 phải ra đầu quân lại nơi Viện bảo tàng, thà ăn lương công nhựt hơn là cầu cạnh ông Dufour, lúc thấy ở Sốc Trăng.

Chưa hết chuyện. Còn lại mười ba cái thây ma, không biết đem về đâu, và chôn dập nơi đâu? Chầu xưa, Sài Gòn có hai đất thánh: đất thánh Tây là nghĩa địa đô thành như ngày nay, mặt tiền ở đường Phan Thanh Giản, cửa trổ ngay đường Mạc Đĩnh Chi, và một nghĩa địa thứ nhì, nay đã san bình địa cất nhà lên trên cho công chức nhỏ của đô thành ở, xưa có tên là đất thánh Chà và đó là nơi chôn vùi dân bản xứ và tội phân tử hình như đám phá Khám Lớn đời Phan Xích Long và Tư Mắt v.v... đất Thánh Chà ở phía sau nghĩa địa đô thành và day mặt tiền vào đường Hiền Vương, trổ cửa xéo xéo đường Phan Liêm.

Còn một thây ma nữa và là thây ma một người đàn bà, không tên không tuổi, và khi đem ra hành hình chỉ mang tên kín là "agent X" (mỗ viên). Nghe nói bà là người có học thức, đậu bằng brevet élémentaire hay brevet supérieur (văn bằng tiểu học hay cao tiểu) nhưng bỏ tất cả ra làm quốc sự, đã mấy lần bị bắt, sau rốt bị kêu án tử hình. Trước khi hành hình, người cha là một ông quan ở Huế, nghe nói chức to lắm, vào Sài Gòn nhờ luật sư xin được thấy mặt con. Luật sư Pháp làm đơn xin đến toàn quyền nhưng ông Đờ Ku bác đơn không cho cha thấy mặt con, mặc dầu chưởng lý gởi suông bức đơn của luật sư không chống cũng không chấp thuận. Sau khi thọ hình, người cha đau đớn nhờ luật sư thảo một bức đơn thứ nhì thống thiết xin lãnh xác con về chôn. Toàn quyền Đờ Ku lại bác nữa. Trong đám công văn mật, tôi ghi vào sổ một bức thơ của ông luật sư gởi ông toàn quyền xuyên qua thống đốc Nam Kỳ, đại khái tôi nhớ và thuật lại như sau:

"Thưa quan toàn quyền, tôi ký lên dưới đây, xin trả lại ông:

1) Một mề đai điều tứ đẳng bội tinh lãnh tại trận tiền do chiến công mà có;

2) Tôi trả luôn quốc tịch Pháp và bằng cựu thương binh trận giặc 1914-1918.

Tôi là con một nhà cách mạng. Ông cha tôi đã từng làm cách mạng năm 1789 để lật đổ một chế độ lỗi thời và chống lại những, bất công của xã hội.

Vừa rồi tôi thay mặt cho thân chủ tôi là một người Việt Nam, cựu quan lại triều đình Huế. Ông không thể nói vì lão quan nầy thiếu sự hy sinh cho Đế quốc Pháp của chúng ta. Thế mà ông khước đơn tôi ký xin cho người cha nầy được thấy mặt con là "mỗ viên" một lần chết, trước khi con bị hành hình, vì tội làm quốc sự chống Pháp. Trong việc nầy, tôi cam cúi đầu trước lịnh của ông, vì ông là người điều khiển xứ nầy, có một chánh sách của ông riêng mà tôi không hoàn toàn đồng ý. Và có lẽ ông nhìn nhận chống Pháp là quyền riêng của người kia, không chắc đó là tội, và trước tiên luật pháp dạy phải tôn trọng tư tưởng riêng của một cá nhân.

Nay mới đây ông lại từ khước cho thân chủ tôi lãnh về một cái thây ma sình thúi để chôn một mộ riêng, vì tình cha thương con.

Tôi hiểu: chống lại cảnh tương ngộ cuối cùng của một cha già và một nữ nhi sấp chết, đó là một sự bất nhân tàn nhẫn, vô lương tâm, một đấng quân tử không khi nào dùng đến phương sách hèn hạ ấy, nhưng có chỗ dung thứ nếu hiểu làm chánh trị, cai trị một thuộc địa, phải như vậy, tức không có cảm tình.

Đến như nay ông từ chối không cho lãnh một cái thây ma "vô dụng" để đem về chôn phần mộ riêng là một cách an ủi lòng già, ông ở xứ Á Đông nầy lâu ắt biết dư, như vậy văn minh chỗ nào, và văn minh của ông như vậy đó có chỗ gì hay hòng truyền bá nơi đây?

Tôi cho rằng việc ấy bất xứng với tư cách một con cháu của các nhà đã làm cách mạng năm 1789.

Bởi các lẽ trên, tôi trả lại ông những gì đã nói nơi trên v.v... và v.v...

Ông luật sư nầy là trạng sư Motais de Narbonne, tôi không nhớ sau đó có bị hành tội gì không duy nhớ về sau thấy tên ông trên báo Pháp và tên tuổi ông lẫy lừng.

Tôi không có ý đề cao ai, nhưng ông Dufour và ông Motais de Narbonne nên liệt vào hàng Tây tốt.

Về điển tại sao gọi hải đảo Trường Sa là Iles Itu Aba

Còn một giai thoại khác xin nói cho luôn cuộc kẻo quên, và để nhớ buổi nhàn hạ thời còn làm trên dinh Thống đốc hay Phó soái ở Sài Gòn: việc nầy có liên quan đến hải đảo Trường Sa. Đảo nầy tên riêng gọi là Itu Aba, và khi đánh điện tín mật mã từ Nam (Sài Gòn) ra đó thì đề trên dây thép: "Phước à Itu", tức khắc sở điện tín gởi ngay ra đó vì tên "Phước" là dấu hiệu riêng để gọi Thống đốc Nam Kỳ, cũng như khi có điện tín nhận được “Itu à Phước" thì nhà dây thép chánh biết ngay mà đem lại dâng cho dinh để dịch lại tiếng thông thường trình lên thượng cấp. Một hôm đến phiên tôi gác, gần Tết, lối hai mươi lăm hai mươi sáu tháng chạp ta, lon-ton đưa vô tôi một điện tín vàng mật mã, dịch ra thì hiểu các ông lính mã-tà ngoài ấy, vì bắt vít lấy trứng luộc ăn mãi ngán quá nuốt không vô, nên thừa dịp cận tết, gởi điện tín mật xin gởi ra cho họ: năm ba bộ bài tứ sắc để giải buồn, ít kí-lô lạp xường và ít kí-lô hạt dưa đỏ để cắn chơi, nhai chơi thì cũng hiểu được, duy sau rốt có mấy số dịch hoài mà vẫn vô nghĩa. Tôi đánh dây thép xin gởi cho số khác, vì e sở điện tín ghi lộn, nhưng trở đi trở lại cũng mấy số vô nghĩa cái gì mà: H comme Henri, Acomme Albert, M comme Maurice. Nên nhớ lúc ấy dùng toàn Pháp văn, nên ba số nầy dịch là H.A.M, tạm hiểu như vậy. Đến đoạn sau, cái gì mà: D comme Denis, Z comme Ulysse, ráp lại là Dzu.

Tôi bứt đầu bứt óc kêu trời, may sao ông đốc phủ Bá là xếp của tôi, ông thấy tôi sa lầy, lại tiếp và sau rốt cả hai mới hiểu họ thèm cá mặn phơi khô của tiệm chạp phô các chú bán: mà thay vì "cá mặn" họ viết "hàm dzu" - (đọc là hàm dũ theo trong Nam, tức hàm ngư là cá mặn rõ ràng. Rõ tôi bị tổ trác!)

Một chuyện chót. Lúc tôi lên làm tiếp trên dinh Toàn quyền hai tuần lễ ở Đà Lạt với ông Decoux tôi có hỏi một chuyên gia Pháp về mật mã vì sao đặt tên hải đảo Trường Sa là cù lao Itu Aba, ông nầy cười và nói bằng tiếng Việt. Khi trước lựa tên đặt theo mật hiệu, có một thằng Tây nhè lựa danh từ trớ trêu "Chị Tư Chị Ba" là tên của hai người bồi của nó vì nó đọc giọng Pháp Itu Aba mà thành danh luôn từ thuở". (Tài liệu nầy tôi không đảm bảo rằng đúng nhưng cũng phải chép ra đây để người thức giả nghiệm lại).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích