Hồi ký kết Hiệp định Paris, tôi đã tính sáu mươi lăm tuổi, hòa bình trở lại rồi tôi sẽ nghỉ. Cuối năm 1975, tôi vừa đúng sáu mươi lăm tuổi, nói với một bạn thân:

- Chúng mình già rồi, không nên làm gì nữa, chỉ mong người ta cho mình ở yên để coi những bước thăng trầm trong buổi giao thời.

Bạn tôi đáp:

- Như vậy là tốt nhất.

May mắn là chính quyến thấy tôi đa bịnh và tuổi cao, cho tôi được thong thả. Nghe nói ở Nga, những người già khỏi học chính trị, vì người ta nghỉ tuổi đó nan hóa, mà lại “gần đất” rồi nên chú trọng vào sự huấn luyện bọn trẻ hơn.

Tuy nhiên hai năm đầu, vì đã lỡ có một chút danh, tôi cũng không được nhàn, phải học tập đường lối chính phủ, làm một số bổn phận công dân, dự vài ba cuộc họp với tư cách trí thức yêu nước, hoặc nhân sĩ, và tiếp nhiều bạn văn ở bưng về, ở Bắc vô.

Tôi lại may mắn là khỏi phải lo về gia đình. Vợ tôi, bà họ Trịnh mắc kẹt ở bên Pháp từ 1972 vì phải trông hai đứa cháu nội, vì con tôi đã ly thân với vợ, đương xin tòa ly dị. Một hai tháng sau ngày Giải phóng, liên lạc được với ngoại quốc tôi báo tin nhà cho họ biết, và ít tháng sau tôi cũng được tin bên đó.

Ở bên đây chỉ còn tôi và bà họ Nguyễn. Chị giúp việc nhà xin nghỉ luôn để về quê ở Thừa Thiên làm ruộng. Nhà tôi kêu một đứa cháu, nữ sinh Đại học sư phạm lại ở cho bớt hiu quạnh và tôi yêu cầu nhà tôi ở lại Sài Gòn với tôi tới khi mọi việc ổn định rồi hai vợ chồng sẽ về Long Xuyên luôn cho gần bà con, họ hàng và khi chết khỏi phải xa quê.

Tiếp bạn văn - Dự các cuộc họp

Như một chương trên tôi đã nói, chiều ngày 1.5.1947 tôi mới ra khỏi nhà đi thăm bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, nhưng ông đã cùng gia đình di tản tới đảo Guam rồi từ đó qua Pháp. Cô em ruột tôi và cô Mộng Đơn em nhà tôi [1] cũng ở đảo đó để đợi qua Mỹ.

Tối ngày 3.5, nhà văn Nguyễn văn Bổng bút hiệu Trần Hiếu Minh, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Con trâu - và Rừng U minh, hồi giải phóng chắc đương hoạt động tại thành nên lại thăm tôi trước hết, do một bạn văn giới thiệu. Ông ta đã đọc một số sách của tôi, thích cuốn Tô Đông Pha, nên lại làm quen. Người Trung, ngoài ngũ tuần, có học khá, ăn nói thận trọng.

Vài hôm sau, cũng vào buổi tối, nhà văn Nguyễn Huy Khánh cùng với cô Hợp Phố (em Thiên Giang) cũng lại chơi. Tôi quen ông Khánh từ non hai chục năm trước, viết bài tựa cho cuốn Khảo về tiểu thuyết Trung Hoa của ông. Ông là nhà biên khảo, biết chữ Pháp, chữ Hán, nghe nói có nhiệm vụ khá quan trọng trong thời kháng chiến. Về Sài Gòn, ông điều khiển tờ Giải phóng, rồi qua tờ Đại đoàn kết cơ quan thông tin của Mặt trận tổ quốc. Hồi nằm vùng ở thành ông có viết ít bài cho tờ Bách Khoa nên có cảm tình với anh em Bách Khoa, và giúp đỡ cho tôi được ít việc trong buổi đầu sau ngày Giải phóng. Đối với tôi, ông thành thực, cởi mở.

Khoảng một tháng sau, Thiên Giang (theo kháng chiến sau Tết Mậu Thân) từ Hà Nội mới vô, cùng với ông Khai Trí lại thăm tôi, đương lúc tôi đau. Về chí hướng chúng tôi đã xa nhau từ lâu, cho nên gặp nhau tuy niềm nở mà không thân mật.

Tôi không tham dự cuộc mít tinh đầu tiên ở Dinh Độc lập để mừng chiến thắng (không nhớ ngày nào) vì vừa lớn tuổi, vừa đau. Nghe nói có tới nửa triệu người. Phải đi từ một hai giờ khuya, sáu giờ tới dinh, chín mười giờ mới giải tán. Nhiều ông già bị một cơn mưa, mà phải đứng bốn giờ liền, về nhà đau cả tuần lễ.

Sau ngày mít tinh đó, tôi mới lại tòa soạn Bách Khoa. Tấm bảng đã bị hạ. Gặp bốn năm anh em, ai cũng có vẻ lo lắng. Họ cho hay từ ngày 2.5, nhiều nhà báo, nhà văn ở Sài Gòn, mỗi ngày lại trụ sở tạm thời của cơ quan văn hóa nào đó ở đường Nguyễn Du, từ bảy giờ sáng tới trưa để xin “chỉ thị” của cách mạng. Họ tự ý tới chớ không ai mời; các cán bộ cách mạng bận việc tíu tít mà cũng chưa có chỉ thị của cấp trên, mặc cho họ ngồi đó, sau đưa cho họ tờ giấy bảo họ ghi những hoạt động của họ trong thời Diệm, Thiệu. Ngồi không suốt một tuần, họ chán, lần lần không tới họp nữa. Họ có mặc cảm tội lỗi.

Trước ngày Giải phóng tôi đã bị chứng nước tiểu đục, đi tiểu buốt, bác sĩ Phiếm trị không hết hẳn, mà da qui đầu co lại muốn bít lỗ tiểu. Sau ngày Giải phóng tôi nhờ bác sĩ trẻ Nguyễn Chấn Hùng, độc giả của tôi trị cho. Cậu ấy cho là tại da qui đầu cả, cắt đi, cho uống ít thứ thuốc nữa, hết luôn.

Trong thời gian trị bệnh, hội Nhà văn Giải phóng Sài Gòn - Gia Định mời tôi dự buổi bầu Ban chấp hành, tôi không dự được.

Một hôm đi mua thuốc, tôi gặp ông bà Trần Thúc Linh, ông lái xe hơi, thấy tôi vẫy tôi lại đưa tôi về nhà. Tôi thấy ông bà đều có vẻ buồn, đoán được lý do, nhưng không hỏi. Mấy năm trước Giải phóng, ông hoạt động ngầm cho cách mạng, bị chính phủ Thiệu giam hai lần; một người con trai của ông tên Chương, đương học Y khoa, ra bưng một hai năm rồi về, ít lâu sau bị giết một cách tàn nhẫn: xô hay liệng từ từng lầu thứ ba trường Y khoa xuống đất, chết tức thì. Cái chết đó làm ông đau xót. Ngày đưa đám cháu Chương - cháu rất mến tôi - trông thấy tôi, ông nức nở khóc ròng, tôi không hiểu nước mắt ở đâu ra nhiều thế.

Giải phóng rồi mà ông buồn, ít nói, chắc có nhiều tâm sự. Ít lâu sau, tôi thấy ông trong danh sách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh. Năm kia (1978), bà Linh xin qua Pháp thăm con, đợi cả năm mới được phép. Ông ở lại Sài Gòn với người con út, cũng ở trong Mặt trận Tổ quốc. Tháng 3.1980, tôi hay tin ông đứt mạch máu, tê liệt nửa người, mê man một tuần, ở trong Bệnh viện Thống Nhất, như ông Nguyễn Ngọc Thơ trước kia. Bệnh viện Thống Nhất trị cho ông gần hết, ông xin qua Pháp trị tiếp. Hiện ông ở Pháp. Ông ham hoạt động, có sáng kiến, có đởm thức, có nhiệt tâm, ăn nói rất hoạt bát.

Tháng 6.1975, cô Cao thị Quế Hương trong Ban Trí vận khu Sài Gòn - Gia Định dắt Nguyễn Kim Thản, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Hà Nội lại thăm tôi. Nói chuyện với nhau khoảng một giờ về vấn đề giữ cho tiếng Việt được trong sáng. Tôi tuyên bố rằng đã thôi nghiên cứu về Ngữ pháp hơn mười năm rồi, lúc này chỉ đọc Trung triết thôi, và bảo ông nên tìm thăm ông Trương văn Chình và bác sĩ Trần Ngọc Ninh, hai người này biết nhiều hơn tôi về Ngôn ngữ học.

Vài tổ chức Văn hóa mời tôi dự các buổi diễn thuyết, tôi đều không dự được.

Tháng bảy, Hội Nhà văn Giải phóng mời tôi dự một cuộc tọa đàm với hai cán bộ Văn hóa cao cấp ở Bắc vô: Thứ trưởng Hà Huy Giáp và Thứ trưởng Hà Xuân Trường [2]. Chỉ có năm nhà văn ở Sài Gòn được mời: Vũ Hạnh, bà Phương Đài, Nguyễn Ngọc Linh... mà tôi là nhà văn duy nhất không nằm vùng [3].

Tôi lớn tuổi nhất, đưa ý kiến trước hết, yêu cầu chính quyền vạch rõ đường lối văn hóa của Bắc, giải tỏa nỗi thắc mắc và lo ngại của cả ngàn nhà văn trong Nam - như trường hợp nhà văn Bình Nguyên Lộc - và nên cho họ biết sớm có thể dùng họ được hay không, nếu không thì họ kiếm cách khác mưu sinh.

Ông Hà Huy Giáp có vẻ cởi mở, bảo cứ phục vụ nhân dân là đúng đường lối của chính phủ rồi; nhà văn nào cũng được tự do phát biểu ý kiến, tự do sáng tác theo cảm nghỉ của mình, và những nhà văn như Bình Nguyên Lộc - có lần thách đố học giả miền Bắc - nên yên tâm, đừng có mặc cảm gì hết.

Chính quyền theo chính sách đoàn kết và khoan hồng mà! Ông nói thêm: “Dĩ nhiên, những tác phẩm nào không hợp với chủ trương của chính phủ thì chính phủ không dùng”.

Ông phàn nàn rằng cán bộ văn hóa Sài Gòn đã đốt nhiều sách viết về văn thơ của ta, cả nhiều bộ tự điển nữa.

Tôi hỏi ông: “Trong bộ Văn học Trung Quốc hiện đại, tôi chê cuộc cách mạng Văn hóa 1966 của Mao Trạch Đông, ông nghỉ sao?”. Ông đáp: “Tôi không biết cuộc cách mạng đó ra sao, nhưng Trung Hoa có đường lối Văn hóa của Trung Hoa, mình có đường lối Văn hóa của mình”.

Sở dĩ tôi hỏi vậy vì hồi đó, Sở Thông tin Văn hóa thành phố đương kiểm duyệt những tác phẩm của tôi. Kết quả là họ không cấm một cuốn nào của tôi cả, như một chương trên tôi đã nói, chỉ bảo bộ Văn học Trung Quốc hiện đại còn phải xét lại (rồi họ im luôn); còn cuốn Bài học Iraël thì họ chỉ khuyên các sạp sách cũ đừng nên bày bán. Lần đó họ cấm toàn bộ tác phẩm của 56 nhà văn trong Nam mà họ cho là phản động hay đồi trụy.

Tháng 8.75, Đại hội trí thức yêu nước ở Nhà hát thành phố (Quốc hội thời Thiệu), tôi được mời dự với tư cách nhân sĩ thành phố. Hai người dìu cụ Trần Tuấn Khải bước lên bàn chủ tọa trên sân khấu. Cụ ngồi yên, trước sau chỉ nói một câu đại ý: “Tôi đã tám mươi tuổi rồi, nhưng thực ra tôi chỉ mới một tuổi, mới sanh ngày Giải phóng”. Cử tọa im lặng, cảm động hay buồn cho cụ? Ít tháng sau cụ làm bài “Mừng anh khóa về” đăng trên tờ Văn nghệ 13.9.75. Không ai để ý tới bài đó cả. Cụ lẩy bẩy đứng vậy ngó hình Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trổi bản Quốc ca. Nghe nói mãi năm ngoái chính quyền mới trợ cấp cụ mỗi tháng 150đ.

Khi nghỉ để giải khát, tôi về trước.

Hai tháng sau, có Đại hội Văn nghệ thành phố cũng hợp tại Nhà hát thành phố, để giới thiệu các hội viên trong đợt đầu, toàn là những văn nghệ sĩ nằm vùng tôi không hề biết tên. Nhà văn Lý văn Sâm mời tôi phát biểu ý kiến, tôi từ chối, ông ta có vẻ thất vọng.

Trong Đại hội đó tôi ngồi cạnh nhà văn Thiếu Sơn Lê văn Sĩ, tác giả cuốn Phê bình và Cảo luận mà tôi đọc từ đầu thế kỷ. Hồi làm việc ở Sở Thủy lợi Sài Gòn, tôi biết ông có họ xa với bên ngoại của tôi (ông quê ở Đoan Loan), làm việc ở Sở Bưu điện Gia Định, nhưng không có dịp gặp nhau. Mập, lùn, lớn hơn tôi vài tuổi, có bệnh huyết áp cao. Ông khen tác phẩm và bài báo của tôi, bảo: “Ở trong khu bị chiếm và viết được như vậy - ông muốn nói: tôi can đảm, thẳng thắn chỉ trích chính phủ - là được lắm”.

Hồi trẻ ông theo đảng SFIO của Pháp [4], thời kháng chiến ra bưng ít lâu; thời kháng Mỹ theo Mặt trận giải phóng rồi ra Bắc [5] được chính phủ ngoài Bắc cho qua Pháp “tham quan” một thời gian; giải phóng rồi trở về Sài Gòn, làm một nhân sĩ. Tôi hỏi ông sẽ viết lách gì những không, ông mỉm cười, đáp:

- Thời trước mình viết, nguỵ nó bỏ tù mình cũng không sao; bây giờ viết để cho cách mạng bắt giam mình thì kỳ quá, mà lại kẹt cho họ nữa.

Tôi cười, quí ông là người hiền lương, thành thực, có tư cách.

Hai năm sau ông mất vì đứt mạch máu. Trong hai năm đó, tôi chỉ thấy ông viết vài bài ngắn, một đăng trên tờ Sài Gòn Giải phóng vào cuối 1975, đại ý là: muốn đoàn kết thì đồng bào miền Bắc nên bớt mặc cảm tự cao đi, còn đồng bào miền Nam nên bớt mặc cảm tự ti đi.

Đọc bài đó, tôi viết thư cho ông bảo: “Không biết đồng bào Bắc có bớt được chút mặc cảm tự cao nào không, chứ người miền Nam rất ít ai còn mặc cảm tự ti”.

Ông không đáp, nhưng khoảng một tháng sau ghé tòa soạn của Bách Khoa, nói với Lê Ngộ Châu: “Anh Lê không làm cách mạng nhưng đáng quí hơn nhiều người làm cách mạng”.

Chính ông dắt ông Như Phong, giám đốc Nhà xuất bản Văn học Hà Nội lại thăm tôi. Tôi tặng ông và Như Phong mỗi người vài cuốn biên khảo của tôi. Như Phong hỏi tôi có tác phẩm nào có thể in hoặc in lại thì đưa cho ông coi. Tôi đưa cho ông cuốn Đông Kinh nghĩa thục, cuốn Chiến Quốc sách mà ở Bắc chưa ai viết, với tập bản thảo Tôi tập viết tiếng Việt. Ông trở ra Hà Nội, một năm sau không có tin tức gì cho tôi cả, tôi viết thư đòi tập bản thảo, nửa năm sau nữa ông mới trả.

Cuối năm 1975, chính quyền phát động phong trào thống nhất tổ quốc. Nhà văn Nguyễn Đỗng Chi, tác giả cuốn Cổ văn học sử, lại thăm tôi, xin tôi viết một bài về vấn đề thống nhất để đăng trong một tạp chí nào đó. Tôi từ chối, lấy cớ là đau và không có tài liệu lịch sử. Giá tôi có viết thì cũng uổng công vì tạp chí ông nói đó sau không thấy ra.

Cũng vào khoảng đó, Đào Duy Anh ở Hà Nội vào, tìm tôi. Hôm đó, khoảng bảy giờ, tôi đang ăn sáng thì một ông già tóc râu bạc phơ, mập, lùn, to xương đứng ở ngoài sân nhìn qua cửa sổ có lưới sắt hỏi tôi.

- Ông Nguyễn Hiến Lê có nhà không?

Tôi không biết là ông, mà không muốn tiếp người lạ, nên đáp:

- Không, ông ấy về Long Xuyên rồi. Chưa biết bao giờ về.

Ông ta quay ra. Ít bữa sau ông trở lại, gặp nhà tôi, xưng danh, nhà tôi cho tôi hay, tôi ở trên lầu xuống tiếp liền.

Hỏi nhau về gia đình, hoạt động văn hóa của nhau, rồi nói chuyện thời cuộc. Ông khuyên tôi nên coi các cán bộ ở bưng về như con cháu mình, tìm hiểu họ chứ đừng trách họ. Họ gian lao chiến đấu cả chục năm, thành công thì tất nhiên muốn được hưởng lạc, muốn được nắm quyền và tin chắc rằng chính sách của họ đúng, phải có tin như vậy mới làm việc được. Họ ít được học, không có kinh nghiệm hành chánh, cho nên phải dò dẫm... Khi ra về ông hỏi con trai tôi ở đâu, tôi đáp làm kỹ sư ở Pháp, ông bảo: “Tốt, Pháp là một nước văn minh”.

Tôi hỏi ông:

- Làm sao anh biết tôi mà lại thăm?

Ông đáp:

- Tôi vô đây kiếm tài liệu viết về trí thức tiến bộ miền Nam. Khi tới Huế tôi đã nghe nhiều người nói về anh; tới Nha Trang Quách Tấn khuyên tôi vào Sài Gòn nên lại tìm anh; sau cùng tới Sài Gòn, Phạm văn Diêu bảo nên lại thăm anh trước.

Năm đó (1975) tôi gặp ông một lần nữa, tặng ông ít cuốn sách, ông tặng tôi cuốn Tự điển Truyện Kiều (viết công phu) soạn xong đã lâu, đưa nhà xuất bản, bị họ dìm cả chục năm, sau nhờ Thủ tướng Phạm văn Đồng can thiệp, họ mới in cho. Sách mới phát hành mấy tháng đã hết.

Năm sau ông lại vô Sài Gòn, chúng tôi gặp nhau vài lần.

Năm 1978 ông trở vô một lần nữa, tôi mời ông ở lại chơi ít ngày, được biết rõ ông hơn. Ông ân hận rằng có hồi làm chính trị, thất bại, tự xét kỹ không làm chính trị được, nên chuyên về Văn hóa. Ông ngại rằng hai ba chục năm nữa, kinh tế vẫn chưa tiến được, và xã hội chủ nghĩa vài trăm năm nữa cũng chưa xây dựng xong, mình sẽ bị phương Tây bỏ lùi lại sau rất xa nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ.

Năm ngoái (1979), ông lại vô Sài Gòn, ở sáu bảy tháng, nhưng tôi bận việc nên ít có dịp gặp ông. Ông mất một lá phổi, một vai xệ xuống, hơn tôi bảy tuổi mà còn mạnh quá: nói chuyện suốt ngày được, ngồi nghe ông tôi thấy rất mệt. Ông mượn tôi ít cuốn sách Trung Hoa về Hàn Phi và bản thảo tôi viết về Hàn Phi để kiếm tài liệu.

Tôi đọc được một tập Hồi ký [6] khoảng 50 trang đánh máy, chép lại những hoạt động chính trị và văn hóa của ông từ hồi trẻ (thời dạy học) đến năm 1970. Cơ hồ ông muốn minh oan rằng suốt đời ông trung thành với cách mạng. Ông viết được khoảng bốn chục tác phẩm (kể cả những tập chưa in, như dịch Đạo Đức kinh, Thi kinh, dịch Thơ Đường...), chuyên khảo về sử, hiệu đính văn thơ Nôm (Kiều, Hoa Tiên), và nghiên cứu về chữ Nôm. Ông đào tạo được ba nhà biên khảo về sử: Hà văn Tấn tác giả cuốn Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông [7], Phan Huy Lê tác giả cuốn Lam Sơn khởi nghĩa, và Trần Quốc Vượng, người soạn chung với Vũ Tuân Sán cuốn Hà Nội nghìn xưa. Ông là học giả siêng năng, có uy tín nhất ở Bắc. Hè năm 1981, ông vô Nam nữa, ở 5-6 tháng, đi thăm Rạch Giá, Long Xuyên, ghé chơi tôi một ngày. Trong lúc tâm sự, ông tỏ vẻ buồn về thời cuộc, hy vọng có sự thay đổi lớn; và bảo rằng đọc tác phẩm của tôi ông càng thấy thích, thèm một cuộc đời viết văn tự do, độc lập như tôi. Chính ông đã sống một cuộc đời như vậy khi mở nhà xuất bản Quan Hải tùng thư còn bà thì mở tiệm sách ở Huế. Ông tiếc thời đó chăng?

Quê ông ở làng Thanh Oai (Hà Đông), hồi nhỏ học ở Thanh Hóa, rồi Vinh, sau dạy học ở Quảng Bình, bà con một vị tổng đốc ở Huế cũng có một thời dạy học. Con cái thành tài hết. Em ruột ông có vài người làm cán bộ cao cấp.

Mấy năm sau 1975 tôi còn gặp non mười nhà văn và học giả miền Bắc như Vũ Tuân Sán, bạn học trường Bưởi của tôi, có cử nhân luật, thông chữ Hán, chuyên khảo về danh nhân và bia Hà Nội; Thạch Giang, nghiên cứu chữ Nôm và Truyện Kiều; Hoàng Phê soạn Tự điển Việt; Hướng Minh, bạn học trường Bưởi, dịch sách Pháp và viết báo v.v...

Có vài người ngỏ ý muốn lại thăm tôi, nhưng tôi nhờ bạn từ chối khéo cho. Ai lại thăm tôi cũng niềm nở tiếp nhưng không đáp lễ ai cả.

Xét chung, các học giả miền Bắc có cảm tình với tôi, chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn. Sở Thông tin Văn hóa Thành phố coi tôi như một nhân sĩ; Ban Tuyên huấn Thành phố có lần phái một nhân viên lại thăm tôi, nghe tôi sức khỏe mỗi ngày mỗi suy, nhân viên đó đề nghị giới thiệu tôi để vào điều trị ở bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện cho hạng cán bộ cao cấp, nhiều máy móc và thuốc men nhất thành phố). Tôi từ chối, tự xét bệnh chưa nặng có thể điều trị ở ngoài được.

Khi nhân viên đó ra về rồi, ông Đào Duy Anh hỏi tôi:

- Người ta săn sóc sức khỏe của anh như vậy mà sao anh tỏ vẻ lơ là?

Tôi đáp:

- Tôi có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm? Hưởng một ân huệ mà mình không đáng hưởng, tôi cho không phải là phúc. Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí tôi sẽ mắc cỡ, chịu không nỗi. Tôi chỉ mong được sống yên ổn, không ai nhắc tới tôi, không ai nhớ tên tôi nữa.

Khi có phong trào vượt biên rầm rộ, có tháng 65.000 người bỏ quê hương. Cơ quan cho người lại dò xét xem tôi có ý định đi ngoại quốc không và khuyên tôi đừng nên đi đâu cả. Tôi bảo họ: “Nếu tôi muốn đi Pháp thì đã đi từ lâu rồi vì tôi có đủ điều kiện để đi theo cách chính thức”.

Tôi biết thái độ của chánh quyền đối với hạng nhà văn miền Nam mà họ gọi là “Tiến bộ” như tôi. Cứ yên ổn sống, đừng thắc mắc gì cả, vài ba năm xuất hiện một lần trong một cuộc hội nghị nào đó, chẳng cần đưa ý kiến, hoặc viết một bài báo dài ngắn gì cũng được, ngắn thì tốt hơn, vô thưởng vô phạt, để tỏ rằng mình còn ở trong nước và hợp tác với chính quyền, như vậy là được rồi; còn đường lối chính trị, kinh tế, văn hóa đã có chủ trương của cấp trên.

Năm 1976, tôi lại khạc ra máu như năm 1954, mới lên Sài Gòn, nhưng lần này nhẹ hơn. Tôi uống đọt chùm ruột hai lần thì hết. Bác sĩ Liêu Thanh Tâm rọi phổi, chụp hình quang tuyến, so với năm 1954 thấy không tăng, nên tôi chỉ cần nghỉ ngơi và uống thuốc bổ. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh hay tôi đau lại thăm và giúp đỡ vài việc.

Nhờ có bệnh đó tôi xin phép miễn dự Đại hội Văn nghệ thành phố thảo luận về đường lối văn nghệ. Hội họp làm ba đợt, mỗi đợt khoảng một tuần, cho vài trăm nhà văn. Các nhà biên khảo dự đợt đầu, rồi tới các thi sĩ, tiểu thuyết gia v.v... Gọi là thảo luận, chứ thực ra Ủy ban của Hội đem ra mổ xẻ tác phẩm một số nhà văn, có ý mong họ tự kiểm thảo. Đa số nhà văn trách Ủy ban không hiểu hoàn cảnh của họ: ở dưới chế độ kiểm duyệt của chính phủ Thiệu không thể muốn viết gì là viết được. Một vài nhà văn còn can đảm nhận rằng đã viết những tác phẩm mà cách mạng gọi là đồi trụy, nhưng như vậy không phải là tội lỗi: những truyện đó tả đúng xã hội thời đó, và ở trong xã hội nhà văn có hóa đồi trụy cũng là chuyện thường.

Rốt cuộc ba tuần kiểm thảo chẳng đi tới đâu, so với phong trào chỉnh huấn ở Bắc năm 1953 thì dễ dãi, cởi mở hơn nhiều, mà đa số nhà văn Nam có thái độ đàng hoàng hơn.

Nhưng sau đó cũng có khoảng hai chục nhà văn bị đưa đi “cải tạo tư tưởng”, một số được thả về sau ba bốn năm như Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Tạ Tị... một số chết trong trại như Nguyễn Mạnh Côn... hoặc gần chết mới được thả về, tới nhà vài ngày thì chết như Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương (Vũ bị giam ở Chí Hòa, khỏi phải đi trại cải tạo), hiện (1981) còn một số ít chưa được về như Duyên Anh. Võ Phiến, Lê Tất Điều, Nguyên Sa qua Mỹ trước ngày giải phóng; Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan cũng đã đi từ lâu.

Suốt một năm rưỡi từ 5/75 đến cuối thu 76, tôi sống tương đối thảnh thơi: sách của tôi được phép bán, và nhiều người, cả Bắc lẫn Nam, mua; giá mỗi ngày mỗi tăng như cuốn Đắc nhân tâm: năm 1975 giá 2đ thì năm 1981 giá 50đ ở chợ sách cũ [8]. Năm 1983 giá 300đ. Tôi không làm gì cả, nằm nhà dưỡng sức, vài ba ngày lại tòa soạn Bách Khoa cũ một lần để gặp lại bạn văn (ngày nào cũng có 5-6 anh em cầm bút lại đó tán gẫu); rồi dạo khu chợ trời từ đường Lê Lợi tới Chợ Cũ, đường Nguyễn Huệ. Mỗi tuần họp tổ một lần. Mỗi tháng lại chen chúc, chờ đợi ở ngân hàng xin rút ra 60đ cho hai vợ chồng.

Sách báo miền Bắc

Tôi để nhiều thì giờ nhất vào việc đọc sách báo miền Bắc: Báo Nhân dân, Hà Nội mới, Dân chủ, Tổ quốc, một số tạp chí chính trị, triết học, khoa học, nhất là tạp chí văn học. Sách của nhà xuất bản Văn học, Khoa học xã hội, sách cho trẻ em và dăm ba tiểu thuyết sáng tác hoặc dịch.

Xét chung tôi thấy ngành xuất bản ở Bắc không phát triển bằng trong Nam, đa số nhà văn, nhà biên khảo làm việc ít, chậm, không hăng say, không “đua nở”. Trong hai chục năm sau ngày tiếp thu Hà Nội, không có nhà văn nào cho ra được chín mười tác phẩm, trung bình chỉ được một hai.

Không có gì kích thích cho họ sáng tác mạnh. Họ đều là công chức, dù không viết gì thì cũng lãnh được khoảng 60đ mỗi tháng; nếu viết thì phải có danh lớn, hoặc bồ bịch, bè phái mới hy vọng được in, vì vậy ta thấy nhiều cuốn có lời đề tựa của một “Anh lớn” nào đó vào hàng bộ trưởng, thứ trưởng, điều tối kị ở trong Nam.

Về loại sáng tác, tôi thấy thơ và tiểu thuyết kém, các nhà nổi danh thời đó như Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển... viết ít hơn trước mà nghệ thuật cũng không hơn gì trước.

Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng, đóng góp rất lớn cho cách mạng, có bài có hồn thơ, nhưng có những câu rất khó hiểu, như bài Đời đời nhớ Ông, ông viết:

“Thương cha thương mẹ thương chồng,

Thương mình thương một thương ông thương mười”.

Hay trong một bài kỷ niệm Nguyễn Du, ông gọi Nguyễn Du là anh, bài đó tôi không thể hiểu nổi!

Một thiếu niên (tên Trần Đăng Khoa?) 12 tuổi đã in tập thơ đầu tiên, cảm hứng dồi dào, giọng thơ hồn nhiên, ai cũng tưởng là có tương lai, nhưng lớn lên, chưa thấy bài nào hay cả.

Về tiểu thuyết thì có dăm tác phẩm nổi tiếng tả tinh thần kháng thực dân như cuốn Con trâu của Nguyễn văn Bổng... nhưng tưởng tượng không dồi dào, tâm lý không sâu sắc, bút pháp không có gì mới mẻ. Truyện ngắn được vài cây viết như Lê Vĩnh Hòa (em ruột Võ Phiến) cũng toàn là viết về chiến tranh, đọc vài tập rồi không muốn đọc thêm nữa. Tiểu thuyết gia được trọng dụng nhất là Nguyễn Đình Thi. Nguyễn Tuân vẫn được nể.

Thơ và tiểu thuyết ngoài đó không đa diện, nhà văn ngoài đó có ít hình ảnh mới, dùng chữ không táo bạo. Nhưng phải nhận rằng Bắc không có những tác phẩm tệ lắm như trong Nam; tác phẩm nào cũng lành mạnh, sàn sàn, trung trung, ít có tác phẩm nổi bật, thật sâu sắc. Chỉ có Nguyễn Tuân là giữ được ít nhiều bản sắc trong một cuốn viết về Sông Đà.

Trước ngày giải phóng tôi thấy công trình khảo cứu tập thể, xét chung thì thận trọng hơn, công phu hơn, ít lỗi hơn trong Nam. Nhưng lối làm việc tập thể đó có nhược điểm: rất chậm, thiếu phối hợp chặt chẽ nên không nhất trí, chẳng hạn bộ Chiến tranh và Hòa bình của Léon Tolstoi do bốn người dịch chung, không đều tay mà một số danh từ đầu sách dịch khác, cuối sách dịch khác. Cái tệ lớn nhất là gây tật thiếu tinh thần trách nhiệm.

Mới mở tập đầu A-C bộ Tự điển tiếng Việt phổ thông của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội - 1975), tôi thấy Ban biên tập gồm 12 nhà, với sự cộng tác trên một trăm học giả, văn nhân, thi sĩ, từ Đào Duy Anh, Hoa Bằng tới Nguyễn Công Hoan, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Xiển, Thanh Tịnh, Tô Hoài, Trần văn Giáp v.v..., rồi tới một Hội đồng xét duyệt gồm 9 nhà: Nguyễn Khánh Toàn, Cù Huy Cận, Bùi Huy Đáp, Đào văn Tiến, Hoàng Phê (ông này vừa là chủ biên, vừa là một hội viên trong hội đồng xét duyệt!), Phan Triều, Tạ Quang Bửu, Trần Quỳnh, Tú Mỡ. Trước sau mất 11 năm (1964-1975) mới ra được tập đó. Thấy họ làm việc đông đủ, lâu năm, kỹ lưỡng như vậy, tưởng công trình phải đồ sộ, gần đạt được mức hoàn hảo (không có tự điển nào hoàn toàn không có lỗi), nhưng khi lật ra một số từ thì tôi thất vọng.

Có những điều vô lý, bất tiện như từ a pa tít ghi là xem apatit, tôi phải lật trên mười trang sau mới tìm được apatit: “khoảng vật chủ yếu canxi photphat...”, tôi không hiểu tại sao Ban biên tập dùng tới hai cách viết, một cách rời, một cách liền; sao không viết liền như canxi, photphat. Sao lại bất nhất trên nguyên tắc như vậy?

Có những lỗi rất nặng như từ cọng, biến thể ngữ âm của cộng, mà Ban biên tập gọi là “tiếng địa phương”, thì sai quá. Cọng chỉ là cách phát âm sai của người Nam, cũng như cây cau, họ phát âm là cây cao, như con tôi họ phát âm là coong tui v.v... không thể gọi là tiếng địa phương được.

Có những từ định nghĩa chưa sát, hoặc mù mờ như:

Biến tốc, không thấy ghi danh từ hay động từ, theo nghĩa: “làm thay đổi tốc độ”, tôi đoán nó là động từ. Nhưng “hộp biến tốc” thì là danh từ?

Khi ông Hoàng Phê, chủ Ban biên tập lại chơi, tôi đưa ra mấy nhận xét đó với dăm sáu nhận xét nữa, ông làm thinh, bảo ông Hoàng văn Hoành (cũng trong Ban biên tập) ghi chép, và lúc ra về, ông Hoành bảo tôi rằng nhiều nhận xét của tôi có lý.

Các sách biên khảo tập thể khác cũng vậy, tuy công phu mà cũng có vài lỗi nặng, khiến tôi có cảm tưởng rằng họ làm việc tập thể đấy, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm cả; ngay cả Hội đồng xét duyệt cũng chưa chắc đã đọc lại tác phẩm, có đọc thì chỉ lật lật, lướt qua vài chỗ thôi.

Trái lại, một số công trình biên khảo cá nhân rất có giá trị, như bộ sử Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của Hà văn Tấn, rồi tới bộ Lam Sơn khởi nghĩa của Phan Huy Lê...

Xét chung, công việc khảo cứu về sử (sử dân tộc cũng như sử văn học) và công việc khảo cổ, khai quật để tìm di tích miền núi Hùng Vương... ở Bắc hơn hẳn trong Nam.

Về Việt ngữ, ngoài đó cũng tốn công nghiên cứu nhưng kết quả không được bao nhiêu (trừ ngành chữ Nôm), không bằng kết quả vài cá nhân trong Nam như Lê Ngọc Trụ, Trương văn Chình...

Họ hiệu đính được vài ba truyện bằng thơ của ta, nhưng lại không in chữ Nôm, kém hẳn cuốn Lục Vân Tiên của nhóm Lê Thọ Xuân trong này.

Tôi góp ý

Khi Việt Nam đã thống nhất, tôi viết một bài Góp ý về việc Thống nhất tiếng Việt đăng trên tờ Giải phóng chủ nhật ngày 12.9.76. Đại ý tôi bảo rằng tiếng Việt từ hồi nào tới giờ vẫn thống nhất, nay chỉ cần “nhất trí” hay “qui định” một số tiếng thôi; công việc đó mới xét tưởng là dễ dàng nhưng thực ra cũng có khá nhiều vấn đề nan giải và tôi nêu ra một số vấn đề về thống nhất: 1. phát âm, 2. chính tả, 3. từ ngữ, 4. ngữ pháp.

Bài đó không dài, được độc giả ở Nam và Bắc khen. Chẳng hạn Vũ Tuân Sán bảo: Bài viết sâu sắc, chứng tỏ một kiến thức có tầm khái quát lớn, thật “Bách khoa”; được đăng lại trên báo Đoàn kết của Hội Việt kiều ở Pháp, (có lẽ ở Tây Đức nữa), và trên một tờ báo của đồng bào di cư qua Mỹ, với một trang giới thiệu tôi, do Nguyên Sa viết.

Một bạn đọc cũ của tôi di cư qua Gia Nã Đại đọc bài báo đó bảo tôi là một trong số ít nhà văn được cảm tình của cả Nam và Bắc.

Vấn đề thống nhất tiếng Việt nêu lên rầm rộ ở khắp nước năm 1976 rồi lặng xuống. Năm 1978, tháng 10, có một hội nghi thống nhất chính tả ở Sài gòn, trưởng ban tổ chức là học giả Hoàng Tuệ ở ngoài Hà Nội vô. Tôi không dự mà chỉ viết thư góp ý kiến, đại ý bảo “Gần hoàn toàn đồng ý với Ban tổ chức về nguyên tắc tiêu chuẩn hóa chính tả, chỉ xin nhắc lại chủ trương của tôi (đã đăng trên tờ Giải phóng chủ nhật năm 1976) là giữ đúng cách viết tên người tên đất của nước ngoài như Napoléon, Marseille, Shakespeare, London...; chỉ một số thuật ngữ khoa học là cần phiên âm; muốn vậy phải mạnh bạo “cải tiến và bổ sung chữ quốc ngữ”, chẳng hạn:

- Tạo một số phụ âm mới: bl, cl, fl, gl, pl, vl, sl,..., br, cr, fr.

- Tạo một số vần mới: ab, eb, ib, ob, ub,..., ad, ed,,..., ar, er...

để giữ được gần đúng dạng chữ của phương Tây mà khi đọc sách ngoại quốc, dễ nhận ra, đỡ bỡ ngỡ. Ví dụ Nil, Broglie, Chrome... sẽ phiên âm là Nil, Brogli, Crôm... chứ không phiên âm là Nin, Bờ-rô-gờ-li, Cờ-rôm... như ngày nay.

Cuối tháng 10 năm 1979, Ban tổ chức Hội nghị Khoa học toàn quốc ở Hà Nội, mời tôi ra dự về vấn đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, tôi đã định đi, rồi vì sức khỏe kém, đi không được. Sau đọc các báo cáo đăng trên báo, tôi thấy Hội nghị đã gần như nhất trí về việc để nguyên các tên người, tên đất ngoại quốc, mà không cần phiên âm. Như vậy là sau ba năm (1976-1979), mới tiến được một bước nhỏ. Tôi ngại tới cuối thế kỷ vấn đề thống nhất chính tả vẫn chưa giải quyết xong.

Năm 1977, tôi viết một bài nhan đề là Đoàn kết, gởi báo Đại đoàn kết, đại ý buồn rằng tinh thần phục vụ của anh em kháng chiến xuống nhiều rồi, gây nhiều bất mãn trong dân chúng (tôi dẫn chứng vài trường hợp có thật), muốn “Đoàn kết” thì chính cán bộ phải khiêm tốn và làm gương cho dân, việc khó nhọc thì làm trước dân, hưởng thụ thì sau dân; nhưng báo không đăng, sợ gây sự bất bình của tất cả cán bộ trong nước chăng?

Ngoài ra, do theo lời yêu cầu của Lê Huy Dân, bạn học cũ của tôi ở trường Yên Phụ, thư ký tòa soạn tờ Nguyện san Tổ quốc, tờ báo của Đảng Xã hội (được coi là tờ báo của giới trí thức), tôi viết hai bài cho báo đó:

- Một truyện ngắn làm tôi xúc động, đăng trên số tháng chạp 1977. Tôi phê bình các truyện ngắn của Nam Cao, viết trước cách mạng 8/1945, đặc biệt khen truyện Một đám cưới; nhưng tòa soạn cắt bỏ đi khoảng một phần ba, chỉ giữ phần phê bình riêng truyện Một đám cưới thôi.

- Chủ nghĩa thực dân và vấn đề kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi, đang trên số 11 năm 1978. Bài này cũng bị cắt bỏ đi nhiều. Từ đó có vài tờ báo xin bài tôi đều từ chối hết.

Năm 1978 Thứ trưởng Văn hóa Hà Xuân Trường mà tôi đã gặp ở Sài Gòn trong một cuộc tọa đàm năm 1975, vào Sài Gòn, phái một nhân viên rất lanh lợi tên là Hải, lại mời tôi dự một cuộc họp để lập một Ủy ban Trung Hoa học (Sinologie) nghiên cứu về Trung Hoa. Tôi không dự, cho rằng chương trình đó lớn quá, thực hiện không nổi.

Cũng trong năm 1978 thì phải, một cán bộ trong Hội Văn nghệ Giải phóng thành phố Hồ Chí Minh lại bảo hội muốn đề nghị lên chính quyền trợ cấp mỗi tháng 30đ cho năm sáu nhà văn ở Sài Gòn, trong số đó có cụ Trần Tuấn Khải, ông Giản Chi, ông Thuần Phong..., và tôi. Tôi bảo tôi còn tự túc được, không dám làm phiền chính quyền trợ cấp; nhưng cụ Trần Tuần Khải chắc cần lắm, mà 30đ một tháng chẳng nhằm gì đâu, phần tôi nên để tặng cụ. Sau đó cũng chìm luôn, và năm ngoái tôi hay rằng riêng cụ Trần được trợ cấp một tháng 150đ. Vậy người ta đã theo đề nghị của tôi.

Một bạn học cũ của tôi ở trường Bưởi, anh Phó Đức Vinh, có tú tài bản xứ, hợp tác với tờ Thanh Nghị (bút hiệu Hướng Minh) trước 1945 đã đăng vài truyện ngắn. Sau khi tiếp thu Hà Nội, thỉnh thoảng viết ít bài trên vài tờ báo ngoài đó, lúc này hợp tác với nhà xuất bản Văn học; năm ngoái (1979) đề nghị tôi dịch cho nhà đó một danh tác của Anh hay Pháp do tôi tự lựa, tôi từ chối vì không có thì giờ, còn bận làm xong vài công việc đã dự định.

Mới đây ông lại bảo tôi không có thì giờ dịch thì xem trong số các tác phẩm văn học tôi đã dịch và in trước ngày Giải phóng như Cầu sông Drina, Mưa, Kiếp người, Cổ văn Trung Quốc... có cuốn nào nên in lại thì sửa chữa rồi gởi cho ông cùng với nguyên tác để ông đề nghị với nhà Văn học tái bản; lòng ông rất tốt, nhưng ông không hiểu nỗi lòng của tôi. Ngày 30.6.80 tôi viết thư tạ tấm lòng ông, kể qua tâm sự tôi, tự nhận định giá trị mấy cuốn ông nêu ra đó và bảo chỉ có cuốn Cổ văn Trung Quốc là đáng tái bản hơn cả, nhưng lúc này tôi đã dời về Long Xuyên, không thể trở lên Sài Gòn mà sửa ấn cảo (chữ Hán) được, ông tính sao thì tính (bức thư đó tôi còn giữ phó bản).

Tưởng như vậy ông hiểu ý tôi mà cho tôi được yên thân, không ngờ giữa năm nay (1981) ông lại viết thư cho hay nhà Văn hóa đã lựa cuốn Kiếp người, yêu cầu tôi sửa sớm sớm cho để nhà xuất bản sắp chữ liền. Tôi lại đáp hiện còn bận việc lắm, sức khỏe lại kém, chư thể sửa được.

Nữa tháng sau tôi được thư ông Vũ Tuân Sán ở ban Hán Nôm, cho hay nhà Văn học đã nhờ ông đọc cuốn Cổ văn Trung Quốc của tôi; ông đọc xong đưa hai người nữa đọc, tất cả đều “đáng giá rất cao” cuốn đó, và ông sẽ viết “Đề cương” (tôi đoán là Compte rendu) cho nhà Văn học. Vậy thì rất có thể họ sẽ xin phép tôi tái bản cuốn đó nữa.

Kim phong thiết mã nhàn trung quá

Nhất hạp thanh sơn tự chủ trương.

(Phương Sơn)

Sửa lại bản thảo chưa in

- Trong chương XXVII tôi đã nói khi soạn gần xong cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, tôi thấy công trình đó không có lợi ích thiết thực bằng một cuốn chỉ cách viết tiếng Việt sao cho sáng sủa, xuôi tai, không lại căng.

Có chủ trương đó rồi, ngay từ 1963, hễ đọc sách báo, tôi luôn để cây viết chì bên cạnh, thấy câu nào mắc một trong những lỗi kể trên, tôi đánh dấu liền, sau chép lại, sắp riêng vào một chỗ. Tôi chú trọng nhất vào sự cấu tạo câu văn, và khi đã gom được ba bốn trăm câu rồi, tôi lựa lại còn độ trăm câu, tìm xem lỗi tại đâu, sắp đặt thành từng loại, cố kiếm ra những luật chi phối tiếng Việt, mà luật quan trọng nhất theo tôi là luật liên tục, luật cân xứng...

Tôi lại nghĩ ý nào có thể diễn được theo lối của mình thì không nên mượn lối phô diễn của người, nhất là trong giai đoạn hiện tại. Viết văn càng phải có tính cách bình dân để dễ truyền bá những kiến thức mới trong đại chúng. Vay mượn của người là một việc cần thiết nhưng chúng ta phải luôn thận trọng, không nên tiếp thu một cách lố lăng, bừa bãi. Chủ trương đó giống với chủ trương mà gần đây ngoài Bắc gọi là giữ cho tiếng Việt được trong sáng.

Cuối năm 1964, tôi viết xong một tập dày trên một trăm trang.

Mới đầu tôi đặt nhan đề là: “Ít kinh nghiệm của tôi để viết cho sáng sủa và xuôi tai”. Sau thấy dài quá, đổi là: “Tôi tập viết tiếng Việt”

Vài nhà muốn xin phép tôi xuất bản, tôi khất để sửa lại đã, rồi mắc nhiều công việc, mãi đến 1976, sau ngày giải phóng, mới sửa lại xong.

Ngoài tập đó ra, trước 1975, tôi còn soạn và dịch xong được chín tác phẩm nữa mà tôi sẽ lần lượt giới thiệu dưới đây; và bắt đầu soạn chung với ông Giản Chi bộ Tuân TửHàn Phi, hai bộ này đến cuối 1976 cũng hoàn thành (sẽ nói ở sau).

- Đời nghệ sĩ [9]

Thuộc loại Gương danh nhân, gồm tiểu sử năm nhà: Goethe, thi hào Đức; Chataubriand, văn hào Pháp; Balzac, tiểu thuyết gia danh tiếng nhất của Pháp; Maugham, tiểu thuyết gia Anh; Walt Disney tác giả những phim hoạt họa bất hủ.

Dày khoảng 200 trang.

- Con đường thiên lý [10]

Tôi dùng hồi ký của tôi với những tài liệu về cuộc tìm vàng ở miền Tây nước Mỹ giữ thế kỷ trước để tạo ra nhân vật Lê Kim (quê ở Phú Thọ, Bắc Việt), người đầu tiên trôi nổi qua Mỹ, theo một đoàn đi tìm vàng, trải nhiều gian nan; và khi tìm được rồi thì chán, trở về Nam Việt lập gia đình, khai hoang và giúp Thiên Hộ Vương “Bình Tây sát tả” trong Đồng Tháp Mười.

Ý nghĩa truyện đó trong đoạn cuối, lời tôi nói với một người chắt của cụ Lê Kim ở Gia Định vào khoảng 1950 [11]:

“Cụ Lê Kim có phải là người Việt đầu tiên qua Mỹ không, điểm đó không quan trọng gì đối với chính sử. Vậy mà tìm ra được đủ chứng cứ và ít nhiều chi tiết, bác (tức tôi, người kể truyện) đã phải bỏ ra... tới nay non bốn chục năm đấy, và phải nhờ vài sự ngẫu nhiên lạ lùng với mấy người giúp sức nữa.

Trong khi tìm, tôi có những lúc chán nản mà cũng có những lúc phấn khởi say mê, tìm ra được rồi tất mừng, nhưng chỉ được một lúc... cũng như cụ Lê Kim mạo hiểm đi hết con đường Thiên lý, tới miền có mỏ vàng thì chán nản, trở về nước khai hoang, kháng chiến. Vàng là cái mà cụ coi thường nhất - danh vọng cũng vậy - cụ chỉ muốn tìm ý nghĩa cho cuộc sống “và sự say mê trong hành động”.

Truyện đó tôi đặt cho nhan đề: “Con đường thiên lý” vì hồi trẻ tôi muốn viết một tập du ký từ Nam ra Bắc mang nhan đề đó, mà không có cơ hội thực hiện được.

Tôi viết xong năm 1972, định dăm năm sau sẽ giao cho nhà Lá Bối xuất bản. Ông Giám đốc nhà Lá Bối và vài người nữa khen truyện rất hấp dẫn. Chưa kịp xuất bản thì miền Nam được giải phóng. Truyện dài khoảng 250 trang, ghi được một số hồi ký của tôi, như cảnh ngã ba Bạch Hạc, cảnh đền Hùng, tình hình hồi đầu kháng Pháp ở thôn quê miền Nam...

- Một mùa hè vắng bóng chim [12].

Dịch tiểu thuyết (mà cũng là tự truyện) Birdless Summer của Han Suyin (Hàn Tú Anh), một nữ sĩ cha Trung Hoa, mẹ Bỉ, khá nổi tiếng ở phương Tây, viết khá nhiều về Trung Hoa hiện đại.

Bà đang học Y khoa ở Bỉ thì xảy ra Trung - Nhật chiến tranh. Vì yêu tổ quốc bà bỏ học về quê hương, lấy chồng là một sĩ quan Quốc Dân đảng, cũng du học ngoại quốc về rồi hai vợ chồng từ Hán Khẩu lên Trùng Khánh phục vụ trong Quốc Dân đảng. Nhưng sau bà thất vọng về thói tàn bạo của chồng, nhất là chế độ thối nát của Tưởng Giới Thạch, thương hại cho tình cảnh điêu đứng của dân nghèo Trung Hoa “sống như thú vật trên một non sông tuyệt đẹp”.

Đọc truyện đó ta mới thấy nguyên nhân thất bại của Quốc Dân đảng: họ chỉ lo cũng cố địa vị và làm giàu, mua quan bán chức, bán chợ đen thực phẩm, y phục, lương thực của lính, bán lậu khí giới cho Nhật nữa, họ lùng bắt nông dân ở ngoài đồng, phu phen ở ngoài phố, lấy dây chì hay dây thừng cột lại thành từng xâu, lùa vào trại lính rồi đánh đập, bỏ đói; họ bắt dân nhổ lúa để trồng thuốc phiện, đặt ra hàng trăm thứ thuế (thuế cửa sổ, thuế số nhà, thuế hạnh phúc, thuế làm biếng...), họ lạm phát giấy bạc tới nỗi dân phải vác cả thúng giấy bạc mới mua nổi một vé xe. Trong chương XII [13] có một tài liệu chính xác gồm 5 trang về cuộc nội chiến Trung Hoa giữa Quốc và Cộng từ 1946 đến 1949.

Bà bảo: “Tôi chỉ ghi lại các biến cố một cách vô tư và trung thực để cho các thế hệ sau biết những gì đã xảy ra”.

Tác phẩm dày 400 trang, tôi đã dịch khá kỹ, năm 1972 nhà Lửa Thiêng đưa kiểm duyệt, không được phép in, đưa hai bản, Sở Thông tin chỉ trả lại một. Tôi phản đối bảo bản tiếng Pháp cuốn Destination Tchung King cũng của Han Suyin nội dung cũng như cuốn Birdless summer bán đầy ở Sài Gòn trong loại Livre de poche (sách bỏ túi) thì sao không cấm? Họ làm thinh. Họ cấm có lẽ vì trong bài Tựa, tôi viết:

“Đọc truyện đó, chúng ta không thể không liên tưởng tới tình cảnh nước ta trong mười mấy năm nay. Tôi cho rằng có những luật bất di bất dịch trong lịch sử: những dân tốc cùng một văn hóa, đặt trong một hoàn cảnh như nhau thì cũng phản ứng như nhau và rốt cuộc cùng đi tới một điểm lịch sử như nhau...”.

Trong mấy hàng đó, tôi đã báo trước sự sụp đổ của chế độ Nguyễn văn Thiệu. Sau Thiệu cũng phải lưu vong nhưng không được một đảo Đài Loan như Tưởng Giới Thạch.

- Những quần đảo thần tiên

Tuyển dịch một số truyện ngắn của Somerset Maugham viết về đời sống của thực dân Anh trong một số quần đảo trên Thái Bình Dương.

Trong lời giới thiệu tôi viết:

“Trong khung cảnh đẹp mê hồn của các quần đảo miền Nam Hải (Thái Bình Dương) xảy ra biết bao bi kịch mà nạn nhân là người da trắng. Họ trụy lạc, mắc tội lỗi đến nỗi phải chết một cách thê thảm hoặc phải chôn vùi cả cuộc đời ở giữa rừng xanh với một ve Whisky”.

S. Maugham không phê phán, nhưng đọc rồi chúng ta rút được kết luận này: “đa số bọn thực dân chỉ là những “con heo nhơ nhớp”; chính những thổ dân mà họ tự cho là có sứ mạnh phải “khai hoá” kia, lại văn minh hơn họ”.

- Gogol

- Tourguéniev

- Tchékhov

Ba cuốn trên đi chung với nhau thành một bộ. Mỗi cuốn dày khoảng 150-180 trang, gồm hai phần: một phần giới thiệu tác giả (khoảng 50 trang) và một phần văn tuyển.

Cũng như thơ Trung Hoa đời Đường, tiểu thuyết Nga thế kỷ XIX từ một bình nguyên bỗng vọt lên những đỉnh rất cao rồi qua thế kỷ XX lại hạ xuống. Tất cả các tiểu thuyết gia lớn thời đó đều có tinh thần nhân bản, phản kháng, chiến đấu và đều tả chân thân phận những hạng người bị áp bức trong xã hội.

Độc giả nước mình đã quen với hai đỉnh cao nhất là Tolstoi và Dostoievski; trong bộ ba cuốn này tôi giới thiệu thêm ba đỉnh cao hạng nhì:

+ Gogol mà mọi người đều nhận là “cha của tiểu thuyết Nga”, “một vinh quang của dân tộc Nga”, “không có Gogol thì không có toàn thể tác phẩm Dostoievski”.

+ Tourguéniev mà Tolstoi khen: “Tôi mới đọc xong tập Hồi ký của một người đi săn của Tourguéniev; ông ấy viết rồi thì người ta ngại không muốn viết nữa”. Lời đó khiến ta nhớ thái độ của Lý Bạch khi đứng trước bài thơ của Thôi Hiệu ở Hoàng hạc lâu!

+ Tchékhov mà từ Tolstoi, Gorki tới Maugham, Maurois đều phục là bực thầy, có phần sâu sắc hơn Maupassant của Pháp.

- Lịch sử văn minh Trung Quốc [14] của Will Durant trong bộ Lịch sử văn minh gồm 33 cuốn (32 cuốn với 1 cuốn tổng kết: Bài học lịch sử).

Dày khoảng 400 trang, cũng sáng sủa, hấp dẫn như hai cuốn Văn minh Ấn Độ, Văn minh Ả Rập, tuy viết cho độc giả phương Tây mà thanh niên mình đọc vẫn hiểu thêm được nhiều điều, và có được một tổng quan khá đúng về văn minh Trung Hoa, vì tác giả nhận định thận trọng, sáng suốt, tỏ rằng ông yêu nền văn minh đó, có yêu nó nên hiểu được nó.

Phê bình Khổng học ông viết:

“Khổng Tử chỉ thành công khi ông mất rồi, và thành công ấy thật hoàn toàn (...).

Có thể nói rằng lịch sử Trung Hoa với lịch sử V.N ảnh hưởng Khổng giáo chỉ là một. Liên tiếp bao nhiêu thế hệ, người Trung Hoa dùng Tứ thư, Ngũ kinh để dạy trong các trường của quốc gia và hầu hết các học sinh đều thuộc lòng lời dạy trong sách. Tinh thần khắc kỷ, bảo thủ của vị “thánh” đó nhờ vậy mà lần lần thấm vào máu dân tộc, lâu đời tạo nên những con người thâm trầm, có tư cách cao mà khắp lịch sử nhân loại không nước nào có, không thời nào có nữa. Nhờ triết lý ấy, dân tộc Trung Hoa đã tìm được một sự hòa hợp trong đời sống xã hội, trong lối sống của mỗi người; biết ngưỡng mộ sự học thức, minh triết, và có được một nền văn hóa vĩnh cửu, hiếu hòa, khiến cho văn minh Trung Hoa đủ sức mạnh để tồn tại sau tất cả các cuộc xâm lăng, không những vậy, còn đồng hóa kẻ xâm lăng nữa. Ngày nay cũng như ngày xưa, cho thanh niên hưởng thụ nhiều tư tưởng Khổng học là phương thuốc tốt nhất cho những dân tộc nào bị nhiễm cái hại quá thiên về trí dục, mà luân lý quá suy đồi, từ cá nhân đến toàn thể dân tộc đều kém tư cách.

Nhưng một mình triết lý chưa đủ để bồi dưỡng. Nó rất thích hợp với một nước cần ra khỏi cảnh hỗn loạn, cần mạnh lên để lập lại trật tự, nhưng nó là một sự cản trở cho nước nào cần biến đổi, tăng tiến hoài để ganh đua trên trường quốc tế”.

Cộng sản Trung Hoa hiểu vậy cho nên mấy chục năm nay đả Khổng rất mạnh; nhưng khi nào xã hội loạn thì người ta lại sẽ phải trọng học thuyết của Khổng. Đoán về tương lai dân tộc Trung Hoa, Will Durant trước thế kỷ vừa rồi, bảo: “Trung Hoa đã chết nhiều lần, mà lần nào nó cũng hồi sinh”; nghĩa là ông tin nó sẽ hồi sinh. Và mãi đến năm 1972, Mỹ mới chịu nhận rằng không thể nào thắng một dân tộc như vậy được. Hiện nay Nga lại muốn tranh giành ảnh hưởng với Trung Hoa, để coi bên nào sẽ thắng?

Tôi đưa Lịch sử văn minh Trung Quốc cho nhà Cảo Thơm xuất bản. Năm 1974 ông Giám đốc nhà đó đã chuẩn bị nhiều hình danh nhân và thắng cảnh Trung Hoa để làm bản kẽm (Cliché), chưa kịp in thì nhà xuất bản phải đóng cửa như mọi nhà khác.

Mấy cuốn giới thiệu ở trên đều đáng đọc cả, nhưng không tốn công cho tôi mấy, không in được tôi không tiếc lắm. Những cuốn dưới đây về triết học Trung Hoa thời Tiên Tần mới tốn công hơn. [15]

- Trang Tử

Trang Tử có địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, ngang với Mạnh Tử hơn Tuân Tử, hơn cả Mặc Tử nữa. Nhờ ông một phần lớn mà tư tưởng của Lão Tử mới được phổ biến mạnh: chỉ giới trí thức mới quí những cách ngôn trong Đạo Đức kinh, còn giới bình dân thì ai cũng biết ít nhiều những ngụ ngôn của Trang Tử. Tên ông gắn liền với tên của Lão Tử và cả hai có công làm cho dân tộc Trung Hoa bớt thực tiễn, yêu thiên nhiên hơn, tự do hơn, khoan dung hơn, khoáng đạt hơn; thơ văn và họa từ Lục triều trở đi, nhất là dưới đời Tống đều mang dấu vết của Trang.

Ở nước ta, ông Nguyễn Duy Cần đã giới thiệu học thuyết của Trang nhưng chỉ dịch ít chương trong Nội thiên, Nội thiên và Tạp thiên [16]; lại không đặt chân ngụy của những chương đó, cho nên gán cho Trang vài tư tưởng không thực của Trang. Ông nhằm mục đích phổ thông hơn khảo cứu.

Người đầu tiên nêu ra vấn đề chân ngụy trong bộ Trang Tử (cũng có tên là Nam Hoa Kinh) là Tô Đông Pha đời Tống. Sau ông, số học giả nghi ngờ sự ngụy tác trong Trang Tử càng ngày càng nhiều. Đại khái ngày nay ai cũng nhận rằng Nội thiên là của Trang Tử (trừ một số bài), còn Ngoại thiênTạp thiên là của người đời sau.

Tôi kiếm được năm bản Trang Tử, quan trọng nhất là Trang Tử toản tiên của Tiền Mục, Tân dịch Trang Tử độc bản của Hoàng Cẩm Hoành (1974) và L’œuvre complète de Tchouang-tseu của Liou Kia - hway (1969); dịch tất cả các chương trong Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên, không bỏ một bài nào; cuối mỗi chương đưa ra nhận định của các học giả gần đây, và một số nhận định của tôi về chân, ngụy; nếu là ngụy tác thì người viết thuộc về phái nào: chẳng hạn phái quá khích của Lão giáo, phái ôn hòa của Lão giáo, phái theo Trang, phái theo Khổng, phái theo Đạo gia (tu tiên) hay theo Pháp gia...

Tôi chỉ dùng những chương chắc chắn của Trang để phân tích tư tưởng của Trang, rán không gán cho Trang những tư tưởng của người sau. Cuối cùng tôi chỉ cách nên đọc Trang ra sao.

Tác phẩm khá dày: trên 500 trang (riêng phần giới thiệu trên 100 trang). Và có thể coi là công trình đầy đủ nhất về Trang Tử từ trước tới nay, tiếc là chưa in được [17].

Viết nốt về triết học Tiên Tần

Những cuốn kể trên đều viết xong trước ngày 30.4.75. Hai cuốn dưới đây, bắt đầu viết từ 1974, khoảng 75-76 mới xong. Ông Giản Chi và tôi phân công nhau: ông viết về Tuân Tử rồi đưa tôi coi lại, tôi viết về Hàn Phi rồi đưa ông coi lại.

- Tuân Tử

Khổng học tới Mạnh Tử trải một lần biến, tới Tuân Tử trải một lần biến nữa. Khổng Tử chỉ nói “tính tương cận, tập tương viễn” (bản tính con người giống nhau, do tập nhiễm mới khác xa nhau), và trọng đức nhân hơn cả; Mạnh Tử đưa ra thuyết tính thiện, ai sinh ra cũng có sẵn bốn “đầu mối”: nhân, lễ, nghĩa, trí (tứ đoan), ông ít nói đến nhân mà nói nhiều đến nghĩa; Tuân Tử, trái lại chủ trương tính ác (tính người vốn ác), và “thiên nhân bất tương quan” (người và trời không quan hệ gì với nhau), ông ít nói đến nhân, nghĩa mà rất trọng lễ.

Mạnh là một triết gia kiêm chính trị gia; Tuân hoàn toàn là một triết gia, học rất rộng, có nhiều tư tưởng độc đáo, bàn cả về tri thức, danh (công dụng của danh, nguyên lý chế danh...), về biện thuyết (phạm vi của biện thuyết, phương pháp biện thuyết), nên được nhiều người tôn là học giả uyên bác nhất thời Chiến Quốc.

Cho tới đầu đời Hán, học thuyết của Mạnh và của Tuân được trọng ngang nhau; từ Đường trở đi, Mạnh được tôn mà Tuân bị nén; nhưng gần đây ở Trung Hoa, Tuân lại được nghiên cứu hơn Mạnh, vì tư tưởng của Tuân hợp thời hơn: tìm hiểu các hiện tượng thiên nhiên, trọng khoa học, lễ (gần như pháp luật, hiến pháp...).

Ở nước ta, vì chịu ảnh hưởng nặng của Tống Nho, các nhà Nho cũng khinh quân, buộc Tuân cái tội đã đào tạo Lý Tư và Hàn Phi, hai chính trị gia giúp Tần Thủy Hoàng dựng nghiệp đế rồi đốt sách, chôn Nho nên tới nay, ngoài ít chục trang trong Nho giáo của Trần Trọng Kim, Khổng học đăng của Phan Sào Nam, chưa có một cuốn nào chuyên viết về Tuân Tử.

Chúng tôi soạn bộ Tuân Tử [18] để bổ khuyết điểm đó. Tác phẩm dày khoảng 400 trang viết tay; phần học thuyết chiếm khoảng 150 trang, còn lại là phần trích dịch.

- Hàn Phi

Bộ này dày như bộ trên và cũng gồm hai phần như bộ trên [19].

Vì Hàn Phi là tư tưởng gia cuối cùng của thời Tiên Tần, tập đại thành các pháp gia (các nhà cho rằng trị nước, dùng pháp luật có hiệu quả hơn, là những người chủ trương pháp trị, trái với Khổng, Mặc chủ trương nhân trị) trong ba bốn thế kỷ, nên trước khi giới thiệu đời sống và tư tưởng của Hàn Phi, chúng tôi ôn lại hai thời Xuân Thu và Chiến Quốc về phương diện xã hội, chính trị và học thuật, lược thuật tư tưởng cùng chính sách của các pháp gia trước Hàn Phi: Quản Trọng, Tử Sản, Lý Khôi, Ngô Khởi, Thân Bất Hại, Thận Đáo, Thương Ưởng.

Ba điểm chính trong học thuyết của Hàn là:

- Trọng cái thế: Người cầm quyền không cần phải hiền và trí, mà cần có quyền thế và địa vị. Hiền và trí không đủ cho đám đông phục tùng, mà quyền thế và địa vị đủ khuất phục được người hiền.

Trọng thế thì tất nhiên trọng sự cưỡng chế: vua nắm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, và phải được tôn trọng triệt để: bắt chết thì phải chết.

- Trọng pháp luật, mà pháp luật phải hợp thời, dễ biết dễ thi hành, phải công bằng.

- Trọng thuật trừ gian, dùng người. Điểm này rất quan trọng, Hàn đưa ra nhiều thuật tàn nhẫn rồi dùng nhiều cố sự để dẫn chứng, đại khái cũng như Kautilya ở Ấn Độ sau cuộc xâm lăng Ấn của Alexandre le Grand, một thế kỷ trước Hàn Phi; và như Machiavel, tác giả cuốn Le prince ở Ý cuối thế kỷ XV.

Học thuyết của Hàn giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, nhưng từ đời Hán ảnh hưởng của Hàn giảm nhiều, ảnh hưởng của Khổng học lại mạnh lên.

Từ năm 1977, được nhàn rỗi, tôi lại tiếp tục nghiên cứu hết các triết gia lớn đời Tiên Tần, để thực hiện xong chương trình tôi đã vạch từ sáu năm trước và soạn thêm năm cuốn nữa: Mặc Học, Lão Tử, Luận Ngữ, Khổng Tử, Kinh Dịch.

- Mặc học (gồm Mặc Tử và phái Biệt Mặc) [20]

Đạo Mặc là đạo Khổng của bình dân, do một tiện nhân thành lập. Mặc Tử sinh sau Khổng Tử, chịu ảnh hưởng của Khổng, cũng tôn quân, trọng hiền, đề cao đạo đức và sự tu thân như Khổng, nhưng chống Khổng ở chỗ ghét lễ nghi, cho nó là phiền phức, xa xỉ, ghét ca nhạc, mà lại có tinh thần tín ngưỡng rất mạnh. Đạo Mặc gần như một tôn giáo, tổ chức cũng chặt chẽ như một tôn giáo. Nó chỉ thịnh ở thời Chiến Quốc, các thời sau không một triều đại nào dùng nó vì thuyết kiêm ái và bỏ chính sách mỹ thuật, sống khắc khổ của nó không hợp nhân tình, nhưng nó có ảnh hưởng khá lớn: mở đường cho Lão Tử vì nó chủ trương bình đẳng giữa các giai cấp (không kẻ giàu người nghèo) và trở về lối sống bình dị; mở đường cho cả pháp gia nữa vì trọng quyền lực, trọng lao động và buộc người dưới phải thống nhất tư tưởng với người trên, buộc dân phải cáo gian...

Mặc Tử mất rồi, chỉ trong vài thế hệ, môn đồ không còn giữ chủ trương của ông nữa, bỏ hẳn chính trị, đạo đức, mà suy tư về tri thức, biện luận, khoa học (hình học, lực học, quanh học)... khiến cho triết học Trung Hoa có được vài nét của triết học phương Tây thời Hy Lạp. Đó là một cống hiến đáng kể của bọn môn đệ Mặc Tử mà người ta gọi là phái Biệt Mặc.

Gần đây các học giả Trung Hoa rất chú ý tới Mặc học vì họ nghĩ rằng giá triết học đó không bị dìm trong mấy ngàn năm thì chưa biết chừng Trung Hoa đã có tôn giáo, khoa học như phương Tây. Một lẽ nữa là chính sách của Mặc Tử có vài điểm hợp với chế độ cộng sản.

Ở nước ta, mới chỉ có Ngô Tất Tố giới thiệu Mặc Tử trong một tập mỏng. Bộ của tôi dày 350 trang [21], nửa trên về Mặc Tử, nửa dưới về Biệt Mặc, gọi chung là Mặc học. Tôi lại trích dịch mười chín thiên quan trọng nhất của Mặc Tử. Ông có giọng một nhà truyền giáo: hùng hồn, bình dị, lập đi lập lại để đập vào óc thính giả.

- Lão Tử

Chúng ta đã có vài ba bản dịch Đạo Đức kinh rồi.

Tôi góp thêm một bản dịch nữa, với một phần giới thiệu khoảng 100 trang về học thuyết của Lão Tử.

Theo các học giả Trung Hoa gần đây, cho rằng Lão sinh sau Khổng, Mặc, trước Mạnh; và bộ Đạo Đức kinh xuất hiện sau Luận ngữ, vào thế kỷ thứ IV hay thứ III, trước Tây lịch, do môn sinh của Lão Tử chép lại lời thầy; tuy có khoảng mười chương của người đời sau thêm vào nhưng tư tưởng vẫn là nhất trí.

Lão Tử là triết gia đầu tiên của Trung Quốc luận về vũ trụ, có một quan niệm tiến bộ, vô thần về bản nguyên của vũ trụ mà ông gọi là Đạo. Ông lại xét tính cách và quy luật của Đạo, dùng những qui luật đó làm cơ sở cho đạo ở đời và đạo trị nước, tức cho một nhân sinh quan và một chính trị quan mới mẻ. Do đó mà học thuyết của ông hoàn chỉnh nhất, có hệ thống nhất thời Tiên Tần.

Ông tặng cho hậu thế những tư tưởng bình đẳng, tự do, trọng hòa bình, không tranh giành nhau mà khoan dung với nhau (dĩ đức báo oán), trở về tự nhiên, sống thanh tịnh. Trở về tự nhiên theo ông không phải là trở về thời ăn lông ở lỗ, sống bằng săn bắn và hái trái cây, mà trở về buổi đầu thời đại nông nghiệp, thời bộ lạc, có tù trưởng nhưng tù trưởng cũng sống như mọi người khác, không can thiệp vào đời sống của dân. Nước thì nhỏ mà dân ít; các nước láng giềng trông thấy nhau, nghe được tiếng cho sủa, tiếng gà gáy của nhau mà dân các nước không qua lại với nhau, có thuyền có xe mà không ngồi, dùng lối thắc dây thời thượng cổ mà không có chữ viết (chương 80). Thời đó có thể là thời Nghiêu Thuấn mà tất cả các triết gia thời Tiên Tần đều cho là hoàng kim thời đại. Dĩ nhiên nhân loại không lùi lại như vậy được và đọc Lão Tử chúng ta chỉ nên nhớ rằng ông muốn cứu cái tệ đương thời là đời sống đã phúc tạp quá, từ kinh tế tới lễ nghi, chính trị, tổ chức xã hội; con người đã gian tham, xảo trá nhiều, do đó mà loạn lạc, nghèo khổ.

Học thuyết của ông bổ túc cho học thuyết của Khổng, nén bớt tinh thần hăng hái hữu vi, quá thực tiễn của Khổng. Hiện nay người phương Tây chán nản nền văn minh cơ giới, sản xuất để tiêu thụ rồi tiêu thụ để sản xuất, muốn trở lại đời sống thiên nhiên, giản dị, nên Đạo Đức kinh lại được nhiều người đọc. Nhưng các chính trị gia không ai theo bài học của ông cả; tôi nghĩ những câu như: “Càng ban nhiều lệnh cấm thì dân càng nghèo” (Chương 57), “Can thiệp vào việc dân nhiều quá thì dân sẽ trá ngụy, chống đối” (Chương 60) rất đáng cho họ suy ngẫm.

- Luận ngữ

Thấy nhiều người hiểu sai Khổng Tử, hoặc không đặt ông vào thời đại của ông, hoặc gán cho ông những tư tưởng của nhà Nho đời sau, cho nên từ lâu tôi đã có ý viết một cuốn về học thuyết Khổng Tử mà chỉ căn cứ vào bộ Luận ngữ thôi, bộ đáng tin nhất do môn sinh của ông chép lại lời của ông.

Năm 1972, tôi đã soạn một cuốn mỏng nhan đề là Nhà giáo họ Khổng theo chủ trương trên, định bụng sẽ viết một cuốn nữa về triết gia họ Khổng.

Năm 1978, viết xong cuốn Lão Tử, tôi thực hiện dự định đó. Và trước khi viết về Khổng Tử, tôi phải đọc lại, dịch lại bộ Luận ngữ đã.

Cũng như các cổ thư thời Tiên Tần, Luận ngữ có những chỗ tối nghĩa vì chép lầm, thiếu sót; lại có chỗ do người đời sau thêm vào. Lối chép vắn tắt quá, nhiều khi ta không biết Khổng Tử nói một lời nào đó trong hoàn cảnh nào, nên khó hiểu được tư tưởng của ông, mỗi người giảng một khác. Vì vậy, ngoài các bản Việt dịch toàn hiểu theo Chu Hi, tôi phải kiếm thêm nhiều bản chú giải của Trung Hoa để biết thêm các cách hiểu khác của người Trung Hoa xưa và nay; lại tham khảo thêm lối dịch của Lâm Ngữ Đường, của Etiemble - một nhà Trung Hoa học danh tiếng của Pháp - có tinh thần khách quan, tự do.

Khi dịch, gặp bài nào có nhiều cách hiểu, tôi lựa lấy một, nhưng cũng ghi thêm những cách kia.

Dịch và chú thích xong, tôi làm các bảng phân loại, nhân danh, địa danh và một bảng khoảng 200 câu thường dẫn. Việc đó rất tốn công. Có những mục chính như Khổng Tử, Học và tu dưỡng, Xử thế, Chính trị... rồi trong mỗi loại lại có những tiểu mục, chẳng hạn mục về Khổng Tử chia ra: Đời sống, Lối sống, Nhân cách, Tính tình..., Người đương thời xét Khổng Tử.

Tôi phân loại như vậy chủ ý để tôi dễ tra và dẫn chứng, mà cũng để giúp người sau vì từ trước tới nay chưa ai làm công việc đó.

Dịch xong bộ Luận ngữ rồi tôi mới bắt đầu viết cuốn Khổng Tử.

- Khổng Tử

Trang đầu tiên tôi nêu chủ trương của tôi:

“Triết thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi. Muốn đánh giá một triết thuyết, phải đặt nó vào thời của nó, xem nó giải quyết được những vấn đề của thời đó không, có là một tiến bộ so với các thời trước, một nguồn cảm hứng cho các đời sau không”.

Trước hết tôi tìm hiểu thời đại Khổng Tử (chương I) rồi đời sống Khổng Tử (chương II - có một niên biểu đời Khổng Tử), con người Khổng Tử: lối sống, tư cách, tính tình (chương III).

Tư tưởng và phương pháp giáo dục của ông tôi đã xét trong cuốn Nhà giáo họ Khổng rồi, nên trong cuốn này tôi chỉ xét tư tưởng chính trị và chính sách trị dân của ông thôi (chương V, VI). Sau cùng là một chương về đạo làm người của luân lý gia họ Khổng.

Ở đầu chương V (Tư tưởng chính trị) tôi viết:

“Khổng Tử sinh ở cuối thời Xuân Thu, thời mà chế độ phong kiến tuy suy nhưng vẫn còn cơ duy trì được. Tề Hoàn công là vị “bá” đầu tiên và có uy thế nhất trong số ngũ bá vẫn phải mượn danh thiên tử nhà Chu để họp các chư hầu, và về già mới có ý lật vua Chu nhưng chưa kịp thi thành thì chết, và nếu có thể thi hành được thì cũng chỉ thay Chu để làm thiên tử chứ vẫn phải giữ chế độ phong kiến”.

Rồi tôi minh chứng rằng như mọi người khác ở thời ông, có lẽ cả Mặc Tử, Mạnh Tử sau ông nữa, Khổng Tử cho chế độ phong kiến là hợp pháp, hợp lý nữa, vì hoàn cảnh thời ông chưa cho ông quan niệm được một chế độ nào khác để thay nó. Phải tới gần cuối thời Chiến Quốc, khoảng 250 năm sau, bọn pháp gia mới lần lần quan niệm được một chế độ mới, chế độ quân chủ chuyên chế thống nhất Trung Hoa. Mà sở dĩ vậy là vì ở thời Khổng Tử, nền kinh tế Trung Hoa (canh nông, công nghiệp) chưa phát triển, không đủ nuôi một số dân đông, cả Trung Hoa nới có được 10-15 triệu người, nước lớn như Tề mới có được vài triệu người, một hai ngàn chiến xa (bốn ngàn - tám ngàn quân), võ khí lại thô sơ (cuối đời Khổng Tử mới có sắt để làm lưỡi cày chứ chưa làm binh khí được), chiến thuật cổ lỗ (vẫn dùng chiến xa, không có bộ binh, kỵ binh), quốc gia chưa chia thành quận huyện để nắm được toàn dân, tập trung quyền hành vào triều đình; như vậy thì làm sao có một nước đủ mạnh, đủ lính, đủ khí giới để chinh phục tất cả các nước kia mà thống nhất Trung Hoa và lập chế độ quân chủ chuyên chế cai trị cả Trung Hoa được. Khổng Tử ở vào thời đó tất phải giữ chế độ phong kiến, không thể trách ông được. Trái lại, đặt ông vào thời đại của ông thì ta phải khen ông có tinh thần cải cách, cách mạng nữa (thuyết Chính danh của ông đẻ ra thuyết giết một bạo chúa là giết một tên thất phu của Mạnh), bắt bọn cầm quyền phải có đức, phải thương dân; ông điều chỉnh lại quyền lợi, nghĩa vụ vua tôi; ông lại đào tạo một giai cấp mới: kẻ sĩ để trị nước, thay thế bọn quí tộc thiếu tài, thiếu đức, giai cấp đó đa số ở trong giới bình dân, địa chủ mới và thương nhân mà ra. Ở thời ông, ai làm được hơn ông?

Cả hai cuốn trên tôi viết trong khoảng 7-8 tháng.

Thật lạ lùng! Người đề cao Khổng Tử nhất ở nước ta từ trước tới nay lại là một tín đồ Công giáo, giáo sư Kim Định, ông viết khoảng chục cuốn về đạo Khổng, đưa ra nhiều ý kiến táo bạo, mà ông chưa kịp sắp đặt lại thành hệ thống. Ông muốn cải tạo xã hội, cải tạo thế giới nữa, cho rằng nếu canh tân đạo Khổng thì những tư tưởng tự do và bình sản (làm cho tài sản quân bình, không ai giàu quá nghèo quá) của Khổng có thể cứu nhân loại khỏi khỏi nhiều thảm họa. Theo ông, “hiểu Khổng là vượt Khổng”, cho nên Khổng rất tránh các vấn đề siêu hình mà ông có lúc dùng nhãn quan siêu hình để nghiên cứu Khổng.

Tự do, bình sản là lý tưởng chung của các triết gia phương Đông như Khổng, Lão, Phật mà cũng là những điều nhân loại ngày nay đòi hỏi; nhưng tôi nghĩ thời nay chúng ta cần có một nhân sinh quan mới, một triết lý mới, một lối sống mới, chứ tự do và bình sản chưa đủ. Lối sống mới đó tôi đã vạch qua ở cuối chương trên và trong tạp chí Bách Khoa hồi đầu năm 1975.

Điều tôi quí nhất ở Khổng Tử là ông rất gần chúng ta, rất hiểu tâm lý con người. Học thuyết của ông thật đầy đủ từ tu thân tới tề gia, trị quốc, không triết thuyết nào được như vậy. Ông thực tiễn, sáng suốt mà ôn hòa, vừa nghiêm, vừa khoa. Những lời ông khuyên môn sinh về bất kỳ vấn đề gì tới nay vẫn còn giá trị, miễn là ta nhớ qui tắc “thời trung”, học được thái độ “vô khả vô bất khả” của ông. Bộ Luận ngữ có mấy trăm câu minh triết sâu sắc, thành châm ngôn cho thời sau, càng già đọc càng thấy ý vị.

- Năm 1979 tôi viết cuối cùng về triết học Tiên Tần, tức cuốn Kinh Dịch.

Tôi đã thu thập tài liệu Hoa, Việt, Pháp, Anh về Kinh Dịch từ non 20 năm trước, được 15 cuốn. Tôi đọc lại hết, ghi chép mất bốn tháng, rồi viết mất sáu tháng nữa, được khoảng 500 trang.

Chủ trương của tôi khác hẳn các học giả của mình gần đây. Tôi chỉ nhắm mục đích hướng dẫn những bạn trẻ muốn tìm hiểu triết lý trong Kinh Dịch, nghĩa là vũ trụ quan, nhất là nhân sinh quan, cách xử thế, tu thân trong Kinh Dịch, đạo của bậc chính nhân quân tử ngày xưa. Vì vậy tôi bỏ hết phần bói toán huyền bí, nhất là phần tướng số và rán trình bày một cách có hệ thống, sáng sủa tư tưởng của cổ nhân.

Tôi đã xét về:

● Nguồn gốc Kinh Dịch (bỏ những thuyết huyền bí đi), sự tạo thành của tám quẻ đơn, 64 quẻ trùng,

● Nội dung phần kinh,

● Nội dung phần truyện,

đã giảng kỹ các thuật ngữ và qui tắc cần nhớ: ý nghĩa các hào, thế nào là trung, chính, tương quan giữa các hào, hào làm chủ...

Theo tôi, vũ trụ quan trong Kinh Dịch tổng hợp thuyết âm dương có từ đời Ân (hay trước nữa) và đạo Lão; còn nhân sinh quan tổng hợp đạo Lão và đạo Khổng. Trước sau vẫn là đạo Khổng (kính đó làm kinh của đạo Nho), nhưng Dịch học phái đã biết dùng đạo Lão mà sửa đạo Khổng cho bớt hữu vi đi, trọng khiêm nhu hơn; trọng phụ nữ hơn (quẻ Khôn và quẻ Gia nhân chẳng hạn), Khổng không nói đến phụ nữ, có thì chỉ chê là “nan hóa” thôi; trọng sự ẩn dật hơn (quẻ Tiệm). Tôi có thể bảo vì vậy Dịch là tổng hợp được minh triết của dân tộc Trung Hoa thời Chiến Quốc.

Triết lý trong Dịch thực tế: Việc đời không bao giờ hết được, xong việc rồi (Ký tế) thì phải bắt vào việc khác (sau Ký tế tới Vị tế); lạc quan: tuy biết rằng không bao giờ diệt được hết ác, được tiểu nhân; thiện ác, quân tử, tiểu nhân cũng như dương âm vẫn thay đổi nhau lên lên xuống xuống, nhưng Dịch vẫn khuyến thiện, vẫn thiên vị với quân tử, chỉ cho quân tử cách đợi thời ra sao, hành động ra sao; Dịch lại rất thực tiễn: 64 quẻ đều xét những việc thường ngày từ việc ăn uống, cưới xin, kiện cáo, xuất quân, dạy con, tới những việc trị dân, làm cách mạng, tu thân, tiến lui... cả những cách giữ thân khi gặp nguy khốn, khi ở đậu đất khách; mà như vậy chỉ dùng có hai vạch liền và đứt thay đổi nhau, chồng chất lên nhau. Tôi nhấn mạnh vào phần nhân sinh quan đó trong phần giới thiệu và cả trong phần dịch 64 quẻ.

Leibniz, một triết gia Đức ở thế kỷ XVII tìm ra được rằng 64 quẻ trong đồ phương vị của Phục Hy hợp với phép Nhị tiến (numération binaire) của ông, tài tình thật. Nhưng tương truyền Thiệu Ung, triết gia đời Tống ở thế kỷ XI đã vẻ đồ đó, vậy thì ông hay người thời Chiến Quốc đã tìm ra phép Nhị tiến trước Leibniz chăng? Đáng phục hơn hết các nhà trong Dịch học phái đời Chiến Quốc đã “tán” thoán từ và hào từ trong Kinh Dịch một cách rất lôgích, biến một sách bói thành một bộ triết lý gom hết các tinh hoa của cổ nhân. Họ có óc tưởng tượng mạnh thật. Càng suy nghĩ tôi càng thấy Dịch là một kỳ thư.

Bộ Kinh dịch [22], đạo của người quân tử viết xong tôi đưa cho vài bạn đọc, bạn nào cũng khen; một bạn chịu khó chép tay để giữ (vì không biết bao giờ mới in được), một bạn khác nhờ đánh máy 6 bản để tặng người thân [23].

Trong những năm 1977-1979 tôi còn:

- Lựa những bài báo tôi bàn về thời sự, gom vào một tập nhan đề là Mười câu chuyện thời sự.

- Lựa những bài văn (tùy bút, tiểu luận, tựa, hồi ký...), những đoạn đắc ý trong các tác phẩm của tôi gom vào một tập nữa, nhan đề Để tôi đọc lại, vì tôi không có ý định sau sẽ in.

- Sau cùng năm 1980 tôi viết tập Hồi ký này rồi rút trong đó ra khoảng 200 trang cho vào một tập riêng, nhan đề là Đời viết văn của tôi.

Về triết học chính trị thời Tiên Tần

Vậy là tôi thực hiện xong dự định: viết về tất cả các triết gia quan trọng thời Tiên Tần, thời rực rỡ nhất của triết học Trung Quốc, dài trên 3-4 thế kỷ. Nó rực rỡ nhất vì ngôn luận được tự do nhất; hơn nữa những kẻ sĩ được vua chúa kính trọng nhất.

Từ gần cuối đời Xuân Thu đến hết đời Chiến Quốc, Trung Hoa loạn lạc liên miên, các nước chư hầu thôn tính lẫn nhau, từ mấy trăm rút xuống còn mấy chục. Kẻ sĩ nào ưu thời mẫn thế cũng tìm một đường lối cứu loạn cho dân. Vua chư hầu nào cũng muốn nước mình được mạnh lên để chống với nước lớn hoặc để chiếm nước nhỏ, cho nên tiếp đón long trọng các kẻ sĩ đó, lắng nghe mọi chính sách họ đề nghị. Do đó có hiện tượng không hề thấy ở thời nào khác, tại một dân tộc nào khác, hiện tượng mà người đời Hán gọi là “bách gia tranh minh” (trăm nhà đua tiếng). Ở Tề có một thời kẻ sĩ bốn phương tụ lại ở chật cả khu phía tây kinh đô Lâm Tri, ngựa xe nườm nượp ở các nẻo đường; kẻ sĩ nào cũng được vua Tề cung cấp lương thực, khi đi còn được tặng một số vàng nữa.

Không kể các nhà ngày nay ta gọi là chuyên môn như kinh tế gia, nông gia, binh gia... chỉ xét riêng các triết gia về chính trị, chúng ta có thể sắp làm ba phái:

Phái hữu vi - Khổng, Mặc [24] - Chủ trương đức trị [25], sửa đổi chế độ cũ, can thiệp vào đời sống của dân vừa phải thôi, lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, khuyên can vua, dạy dân lễ nghĩa để giữ trật tự trong nước.

Phái vô vi chủ trương can thiệp rất ít (Lão Tử) hoặc không can thiệp chút gì (Trang Tử, Liệt Tử) vào đời sống của dân, để dân sống theo bản năng, trở về tính chất phác thời nguyên thủy, như vậy xã hội hết loạn. Có thể kể thêm trong phái này Dương Tử và các ẩn sĩ không dự một chút gì vào việc đời.

Phái cực hữu vi - Pháp gia - ngược lại, can thiệp triệt để vào đời sống của dân, không dạy dân lễ nghĩa, chỉ dạy họ cái đạo phục tòng, bắt họ cày ruộng, đi lính để nước giàu và mạnh. Phái này rất ghét nhân, nghĩa, chỉ dùng pháp luật tàn khốc (Thương Ưởng); thế (quyền thế) của vua (Thận Đáo) và các thuật xảo trá (Thân Bất Hại) để sai khiến bách quan, nắm chặt dân như bọn nhà độc tài ngày nay.

Phái hữu vi đức trị, ôn hòa, hoàn toàn thất bại. Hồi đầu xã hội còn loạn ít mà Khổng Tử cũng không được ông vua nào tin dùng lâu cả, mặc dầu tới đâu ông cũng được tôn trọng. Đạo nhân của ông - cũng như đạo kiêm ái của Mặc - cao quá; chủ trương người trên phải chính đáng, làm gương cho kẻ dưới (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử) không ông vua nào theo. Đời sau xã hội loạn hơn, Mạnh Tử phải hạ lý tưởng xuống, không nói nhân mà nói nghĩa, cũng chẳng ai nghe; cuối thời Chiến Quốc, Tuân Tử lại hạ xuống một bực nữa, không nói nghĩa mà đề cao lễ, nhưng ngay học trò ông là Lý Tư, Hàn Phi cũng không theo mà chỉ dùng pháp, thấp hơn lễ nữa.

Phái vô vi thì càng về sau càng chán nản, lánh đời tới phủ nhận cả quốc gia (Trang Tử), rốt cuộc người ta tìm cách tu tiên (đạo gia), lên núi ở.

Còn phải cực hữu vi, phái pháp trị, thì xã hội càng loạn càng được trọng dụng. Các vua chúa, nhất là vua Tần tin họ và nhờ chính sách độc tài của họ mà Tần mạnh lên, thống nhất được Trung Quốc.

Nhưng Tần không giữ nước được lâu, chỉ vài chục năm sau, non sông lại qua tay nhà Hán. Hán biết rằng hết loạn rồi thì không thể chỉ dùng pháp, không thể độc tài như Tần mà phải dung hòa Khổng và pháp: một mặt rất tôn quân (thuyết quân xử thần tử, thần bất tử bất trung là của pháp gia, Hán áp dụng), trị dân bằng hình pháp nghiêm, nhưng một mặt cũng nhận rằng vua phải yêu dân, phải dạy dân lễ nghĩa bằng Tứ thư, Ngũ kinh của Nho gia. Qui tắc dân vi quí, quân vi khinh của Mạnh Tử vẫn được nêu cao mặc dù ít ông vua nào theo được; không theo được nhưng họ vẫn nể dư luận của giới sĩ phu.

Nhờ chính sách dung hòa đó mà về chính trị, Trung Hoa được ổn định trên 2.000 năm: nhà vua mà bất lực, làm bậy thì dân nổi dậy, hạ bệ, đưa người khác lên, chứ chính thể quân chủ vẫn còn; khiến Will Durant trong cuốn Văn minh Trung Hoa phải khen dân tộc Trung Hoa đã tìm được một sự hòa hợp trong đời sống xã hội mà khắp thế giới không dân tộc nào có. Ngay Chu Nguyên Chương, người khai sáng nhà Minh, là ông vua độc tài nhất, bôi bỏ nhiều đoạn trong Mạnh Tử có hại cho uy quyền của mình, mà vẫn phải duy trì Khổng giáo. Khổng Tử đã thất bại trong đời ông, nhưng đã thành công lớn trong lao trên suốt hai ngàn năm từ khi ông chết. Không một triết gia nào trên thế giới có ảnh hưởng lâu bền và rộng rãi (khắp cả miền Đông Á) như ông.

Tuy nhiên, ta cũng không nên quên công của Lão Tử. Ông đã cho dân tộc Trung Hoa một sự hòa hợp về lối sống: không hăng hái hữu vi như Khổng Tử mà trọng tự do, thích hòa bình, yêu thanh tĩnh, thiên nhiên. Có thể như Lâm Ngữ Đường nói, nhờ Lão Trang dân tộc Trung Hoa tuy nghèo khổ mà vẫn yêu đời, tinh thần được quân bình không thác loạn như người Âu giàu có gấp 10, gấp 100 lần họ.

Thế giới ngày nay cũng loạn như thời Chiến Quốc, cũng có chia hai phe: một phe hữu vi can thiệp vừa phải vào đời sống của dân, một phe cực hữu vi độc tài. Hai phe đó đương tranh giành nhau ảnh hưởng. Chưa biết tương lai ra sao.

Nhân sinh quan của tôi

Rải rác trong các tác phẩm tôi thường đưa ra những suy tư, ý kiến của tôi về nhiều vấn đề, dưới đây tôi lựa và gom lại một số thuộc về nhân sinh quan [26].

1- Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại đã tiến về rất nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ, thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy theo khả năng mỗi người.

2- Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải, chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế hay một thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết Bàn hay Thiên Đàng.

3- Quan niệm thiện ác thay đổi tùy thời, tùy nơi. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện; cũng cái đó mà qua thời khác không còn ích lợi nữa, mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội thời nông nghiệp, tới thời kỹ nghệ, không còn lợi cho gia đình, xã hội nữa, nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thải quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội.

Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, dân tộc văn minh nào cũng trọng, như đức nhân, đức khoan hồng, công bằng, sự tự do, tự chủ...

4- Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là Đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thẩy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.

5- Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, tề gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.

6- Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.

7- Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống giữa sách và hoa, được lòng quí mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô, mà có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nên nhận chức tước gì của chính quyền.

8- Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, và tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.

9- Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, giản dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.

10- Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân [27].

11- Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập; cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ đừng gây rối thôi, tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của mọi người.

12- Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do, thì không thể gọi là một xã hội tự do được.

13- Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh vì lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều điều như vậy hay không.

14- Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quí, hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì thế nào cũng sẽ mang họa vào thân.

15- Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hoàn toàn hợp ý mình; phải sống chung đôi ba năm mới biết được rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi chỉ mới thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cá nhân ông bà lẫn cho xã hội.

Hiện nay ở Mỹ có phong trào kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà còn có thể gây nhiều xáo trộn trong xã hội.

16- Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng người đàn bà chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng người rất tầm thường.

Chơi hoa tôi thích nhất loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.

17- Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.

18- Cơ hồ như không thể thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích lợi.

Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng quy củ, kỹ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm, và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàn, làm cho xong.

19- Thay đổi bản tính loài như Mặc Tử, như Karl Max muốn không thể làm một sớm một chiều [28].

Thế giới còn những nước nhược tiểu có nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân, họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ khai thác biển, dưới biển. Họ còn sống lâu. Tuy nhiên, cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời này đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần.

20- Xã hội bao giờ cũng có kẻ tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói lúc thì âm (xấu) thắng lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời khi giải quyết xong thì lại sinh ra việc khác liền, sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay đến quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại các thế hệ sau.

21- Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

Bạn bè

Trong ba năm viết lách liên tiếp đó, nửa tháng tôi mới ra khỏi nhà một lần, nhưng nhận được rất nhiều thư từ bốn phương và được rất nhiều bạn tới thăm.

Ngoài thư của người thân, họ hàng ở Pháp, Mỹ, thư các bạn cũ ở Nam, còn thêm thư của bà con, thư các bạn cũ ở miền Nam, còn thêm thư các bà con, bạn cũ mới ở Bắc và nhiều thanh niên nhờ tôi khuyên bảo hoặc chỉ xin được gặp mặt tôi để “vững tin những giá trị cũ” trong buổi giao thời này.

Bốn bạn văn (Đông Xuyên, Quách Tấn, Bàng Bá Lân, Toan Ánh) buồn, không biết làm gì cũng viết lách cho qua ngày, viết rồi để đó như tôi; có bạn gởi tôi đọc rồi góp ý kiến [29].

Thường lại thăm tôi có các bạn Giản Chi, Học Năng, Dã Lan, Trần Thúc Linh, Lê Ngộ Châu, nhất là Vương Hồng Sển.

Tôi quen ông Vương từ hồi mới lên Sài Gòn, khoảng 1956, nhưng hồi đó mỗi người đi một đường nên ít khi gặp nhau; mãi đến ngày Giải phóng mới gặp nhau thường. Ông hơn tôi tới chín tuổi, tóc bạc phơ nhưng vẫn còn mạnh, mỗi tuần xách ba toong từ Gia Định ra Sài Gòn tìm kiếm sách cũ, và cứ khoảng nửa tháng ghé tôi, cho tôi mượn vài cuốn sách hay, nói chuyện một hai giờ. Ông nhớ rất nhiều phong tục, nhân vật trong Nam nên câu chuyện của ông rất vui. Tủ sách của ông rất nhiều sách quý; chẳng đợi tôi hỏi ông cũng tự mang lại cho tôi mượn. Mỗi ngày ông còn có thể đánh máy bản thảo được 8 giờ. Ông đã có cả ngàn trang hồi ký [30] và biên khảo chưa in, mấy ngàn tấm thẻ về địa danh Nam Việt.

Về Long Xuyên

Ngày 4.2.1980 (18 tháng chạp Kỷ Mùi) tôi về Long Xuyên. Lần này tính về ở lâu để viết nốt tập Hồi ký này, nên đã chở về trước một số đồ đạc và sách vở.

Ngôi nhà ở 92 đường 26 tháng 3 [31] này (xưa là số 26 đường Gia Long) là tài sản duy nhất của nhà tôi khi về hưu, sau 37 năm dạy học ở Long Xuyên.

Mới đầu, năm 1934, nó là khu đất trống trên đường Gia Long, cách tòa bố (tức tỉnh đường) [32] khoảng vài ba trăm thước, thuê của một điền chủ rồi cất một ngôi nhà sàn nhỏ, nóc ngói, vách ván. Hồi đó đường Gia Long rất vắng, cách cả trăm thước mới có một nhà sàn, sau nhà toàn là lau sậy, chung quanh không trồng trọt gì được vì đất thấp, mùa nước ngập trên một thước; dọc theo đường lộ, phía trước nhà có một con kinh rộng bốn thước, phải bắt cầu ván vô nhà. Ngày nay con kinh đã lấp, hai bên đường nhà cửa san sát, lớp trong lớp ngoài, vườn tược sum suê.

Mỗi năm một chút, từng ki đất một, nhà tôi đắp lần lần cho mặt đất cao gần tới sán nhà, chỉ năm nào nước lớn lắm mới ngập độ hai tấc, nhờ vậy trồng được cây. Năm mười năm, có dư tiền lại tu bổ thêm ngôi nhà, nối thêm ở phía sau. Khoảng 1948 lại mua được miếng đất, là chủ cả nhà lẫn đất.

Trên mười năm trước, tôi cất thêm một căn nhỏ bằng gạch ở bên nhà cũ, làm chỗ tôi viết lách và nghỉ ngơi khoảng 50 thước vuông, cho nhà tôi tụng niệm cho được yên tĩnh. Sau đó tôi sửa lại ngôi nhà cũ, thay vách và sàn ván bằng tường và sàn gạch.

Phía sau nhà, cách một khoảng sân, bà con trong họ xin cất hai căn nhà sàn nhỏ nữa. Do đó, đất xây cất chiếm hết thảy 300 thước vuông, còn lại khoảng 500 thước vuông làm vườn, trồng được ba gốc xoài, ba gốc mận, vài cây dừa, vài gốc nhãn, ổi, khế, vài bụi chuối, một luống khoai mì, một luống mía, hai gốc ngọc lan (đã chết sau mùa lụt năm 1978) và hai gốc hoàng lan với nhiều cây cảnh: mai vàng, mai chiếu thủy, lan tím [33], nguyệt quế...

Trước nhà, bên lề đường có một cây nính không biết bao nhiêu tuổi, thân hai người ôm không giáp, cao non hai chục thước.

Hôm tôi về nhằm tiết lập xuân, nó bắt đầu trút lá. Lá nó nhỏ như lá chanh, xanh đen. Suốt nửa tháng, lá bay lả tả xuống sân, ban đêm nghe lào xào, sáng dậy lá đã đầy sân; nhìn lên ngọn, chỗ nào lá mới rụng là lá non mới nhú lấp lánh dưới ánh vàng ban mai. Cứ mỗi ngày thay một vài cành, bắt đầu từ ngọn xuống, khi tới những cành thấp nhất thì toàn cây xanh mướt, khiến tôi nhớ lại cảnh xuân ngoài Bắc.

Trong nửa tháng đó ngày nào cũng có vợ chồng một nhà giáo với hai ba đứa con lại quét và hốt lá, thồn đầy một hai bao ni-lông chở về nhà để đỡ phải mua củi; củi đắt quá, lương cô giáo có 60 đ một tháng chỉ đủ mua củi đốt trong tháng. Sáng nào tôi cũng ra coi họ lượm lá khô mà nhớ lại hồi nhỏ, hai anh em tôi xách thúng, cùng với bà ngoại ra đường Bờ Sông trước nhà lượm lá bàng khô đem về đun bếp. Chốc mà đã sáu chục năm rồi, bà ngoại tôi mất đúng nửa thế kỷ rồi, em trai tôi cũng đã mất trên ba chục năm rồi!

Mấy ngày mới về tôi sắp đặt đồ đạc, tủ sách và chỗ làm việc. Bà con bên nội tôi (con bác tôi), bà con bên nhà tôi, học trò cũ của chúng tôi hay tin, lại thăm. Nơi đây đã thành quê hương tôi.

Một tuần lễ sau, ngày 25 tháng chạp, tôi mới qua thăm chợ. So với hồi mới Giải phóng, thành phố đã thay đổi nhiều quá: đường xá thì bẩn thỉu, rác rưởi, nhiều chỗ hư mà không sửa; ồn ào mà hỗn độn, tới cây cối cũng tiêu điều. Các tiệm buôn lớn đều đóng cửa hết, mà các gánh quà, sạp hàng thì đầy đường, chật một khu từ cầu Hoàng Diệu, cầu Duy Tân qua chợ, xuống tới bến đò, dài ba bốn trăm thước. Không biết bao nhiêu tiểu thương ngồi lề đường, dưới nắng, mỗi người chiếm một khoảng một hai thước vuông để bày hàng. Người đi chợ chen chúc nhau, tôi đã đề phòng, không mang nhiều tiền trong túi. Nóng quá, ngộp quá, tôi không rẽ vào chợ, vòng xuống Cái Sơn. Các cửa hàng mậu dịch vắng teo, các cô bán hàng ngồi không, vẻ ủ rũ, quạu quọ. Các biệt thự của giới điền chủ lớn ở Long Xuyên hồi hai chục năm trước, nay thì hoặc bị sung công, thành cơ quan chính phủ, hoặc cửa đóng then cài, tường nứt, mái rêu, vắng tanh không một bóng người, chủ nhân đã đi nơi khác hết, người thì lên Sài Gòn, người thì qua Pháp. Một vườn trồng cả chục giống hồng quí nay trồng khoai, trồng bắp, tôi bùi ngùi nhớ bài Thương Lương đình ký của Quy Hữu Quang: “Cung quán chi mỹ, cực nhất thời chi thịnh [34]... Kim giai vô hữu hĩ”.

Hồi tôi mới vô Nam, năm 1935, con đường Cái Sơn này còn thuộc về ngoại ô, ngồi xe đò từ Cần Thơ lên, còn thấy hai bên đường nhiều khu vườn rộng trồng xoài, mận, vú sữa, giữa vườn là một ngôi nhà sàn ba gian hai chái, với những ông già búi tóc, bận đồ đen, những thiếu phụ để tóc bánh lái [35] bận hàng Tân Châu. Ai nấy đều có vẻ ung dung, an cư lạc nghiệp. Nay thì suốt năm sáu trăm thước, san sát nhà nóc tôn, lớp trong lớp ngoài, xe cộ tấp nập đầy đường, người hấp tấp chen lấn nhau; phố xá bẩn thỉu mà chật hẹp, không còn là con đường dạo mát bên bờ sông nữa.

Khỏi cầu Cái Sơn tôi thở nhẹ nhàng, nơi đây còn những mảnh vườn cũ. Một làn gió nhẹ thoảng qua, đem lại một thứ hương gì quen quen, ngọt ngọt. Tôi ngơ ngác nhìn hai bên đường: phải rồi, hương xoài đây, hương đặc biệt của miền Nam đây. Tôi bồi hồi nhớ lại 45 năm trước. Thời đó cảnh vật sao tươi mát thế: trên các đường làng đâu đâu cũng phảng phất hương mù u, hương xoài, hương cau, và trong xóm nào cũng có tiếng chim cu, tiếng cuốc, tu hú tùy mùa. Mươi năm nay hương đã hiếm mà ba loài chim đó đã đi đâu mất, ngay đến chim khách, diều hâu, quạ cũng vắng.

Tôi quay về cầu Hoàng Diệu bắc trên gạch Long Xuyên, đứng giữa cầu ngắm một hàng dừa bảy gốc [36] trên bờ rạch trong Quân y viện: thân dừa vươn lên nền trời xanh mây trắng, tàu dừa phe phẩy dưới gió, lấp lánh dưới ánh nắng, yểu điệu mà bóng bảy; phía mặt, bên kia đường lộ, dưới gốc cầu, là một bụi ba cây dương, sừng sững, hiên ngang trấn áp khu Bình Đức. Cả thành phố chỉ còn chỗ này là cảnh thiên nhiên. Hồi tôi mới tới, cầu còn bằng sắt, hẹp, xe chạy qua cầu rầm rầm. Chiếc ghe hầu của tôi thường đậu phía dưới kia.

Một giọng hò văng vẳng từ dĩ vãng xa xăm:

Hò ơ... Long Xuyên nước ngọt gió hiền,

Tàu xuôi Nam Hải ngược miền Nam Vang,

Thương hồ chiếc dọc chiếc ngang,

Tiếng rao lảnh lót nhịp nhàng chèo khua...

Mới ngày nào mà thoắt đã non nửa thế kỷ! Trên ba chục năm nay tôi không còn được nghe thứ tiếng xuất phát từ đáy lòng mà dân quê gởi vào lòng trời đất trong những đêm khuya thanh vắng trên cảnh sông nước mênh mông đó nữa. Hết rồi! Nếu còn thì chỉ còn trên những băng nhạc ít chục năm nữa là cùng. Hết rồi, hết ghe thương hồ, hết những cô em:

Chèo vô núi Sập lựa con khô cá sặc cho thiệt ngon, lựa trái xoài cho thiệt dòn, đem ra Long Xuyên lựa gạo cho thiệt trắng, thiệt thơm.

Em về em dọn một bữa cơm để người quân tử, hò ơ... để người quân tử ăn còn nhớ quê...

Cái gì cũng có lúc phải hết, nhưng khi truyền thống cũ đã tắt từ mấy chục năm nay mà chưa có gì để thay thế...

Tôi không muốn vòng ra công viên Nguyễn Du trên bờ sông Hậu, phía dưới Sở Bưu Điện nữa, nơi mà trước ngày Giải phóng tôi thường lại ngồi trên ghế đá, dưới hàng điệp đỏ để hưởng cảnh gió mát trên sông, nhìn ghe tàu qua lại trước mặt. Vì nơi đó hai ba năm nay đã bị phá để làm chỗ chất cát, đá, thùng dầu. Ngay cái hồ nhân tạo phía sau công viên, cách công viên một con đường trồng dừa mà tôi gọi là đường Cổ ngư của Long Xuyên, nay cũng đầy lục bình; chiếc cầu gỗ bắc ngang qua hồ đã gẫy nát, chỉ còn trơ hai hàng cột bê tông trơ trẽn.

Tôi bùi ngùi xuống cầu Hoàng Diệu, theo đường Gia Long cũ đi thẳng về nhà. Thăm thành phố bấy nhiêu đã đủ. Từ nay ngày lại ngày nằm trên võng dưới mái hiên, bên gốc mận đỏ mà nhìn mây và đọc sách.

Sài Gòn tháng 10.1979.

Long Xuyên tháng 8.1980.

- Sửa chữa xong tháng 8.1981

- Năm 1984 sửa lại lần nữa.

Chú thích:

[1] Cô em ruột của cụ Nguyễn Hiến Lê là cô Mùi, cô Mộng Đơn là em gái của cụ bà Trịnh thị Tuệ. (Goldfish).

[2] Trong Đời viết văn của tôi ghi: “... hai Thứ trưởng Hà Huy Giáp (văn hóa), Hà Xuân Trường (giáo dục). (Goldfish).

[3] Nằm vùng là bí mật tại thành.

[4] Tức đảng Xã hội Pháp. (Goldfish).

[5] Thực ra khoảng năm 1971 ông bị chính quyền Sài Gòn bắt đày Côn Đảo, sau Hiệp định Paris (1973) ông được “trao trả tù binh” rồi mới ra Bắc (BT).

[6] Năm 1989 Nhà xuất bản Trẻ TPHCM xuất bản (BT).

[7] Tức cuốn Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. (Goldfish).

[8] Ở đường Cá Hấp, sau đổi Bùi Quang Chiêu (BT).

[9] Nxb Văn học sắp xuất bản (BT).

[10] Nxb Long An - 1990 (BT).

[11] Trong Đời viết văn của tôi in là 1956. (Goldfish).

[12] Nxb Hội Nhà văn - 1993 (BT).

[13] Trong Đời viết văn của tôi in là: “chương XIII”. (Goldfish).

[14] Trường ĐHSP TP.HCM xuất bản, 1989 (BT).

[15] ĐHSP TPHCM xuất bản, 1999 (BT).

[16] Trong bộ Trang Tử - Nam Hoa kinh, cụ Nguyễn Duy Cần chỉ dịch 6 chương trong Nội thiên (bỏ thiên Nhân gian thế), còn Ngoại thiên và Tạp thiên cụ chỉ trích dịch mà thôi. Ngoài bộ đó, cụ còn có cuốn Trang Tử tinh hoa. (Goldfish).

[17] Nxb Văn học sắp xuất bản (BT).

[18] Sắp xuất bản (BT).

[19] Sắp xuất bản (BT).

[20 Sắp xuất bản (BT).

[21] Trong Đời viết văn của tôi in là: 550 trang (Goldfish).

[22] Bộ Kinh Dịch, đạo của người quân tử, Nxb Văn học xuất bản (1992) in tất cả được hai lần (BT).

[23] Trong Đời viết văn của tôi, cụ Nguyễn Hiến Lê còn cho biết thêm: “... bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, giảng viên Đại học Y khoa Sài Gòn xin phép tôi đánh máy sáu bản, tặng tôi một bản, còn thì tặng các bạn thân đã giúp công giúp của trong việc đánh máy. Cậu xin mười năm nữa khi nào có dịp xuất bản thì cậu sẽ lo cho”. Bs Hùng, trong bài Kinh Dịch và tinh thần của giếng cho biết: “Tôi xin ông được giữ một bản, tự tay ông đã viết phần chữ Hán trong sách cho tôi”. (Goldfish).

[24] Thực ra Mặc Tử với chính sách thượng đồng (người dưới phải triệt để theo người trên), tiết dục, phi nhạc, can thiệp khá nhiều vào đời sống của dân, nhưng đạo của ông vẫn gần Khổng hơn gần phái Pháp gia, nên tôi sắp ông vào phái hữu vi.

[25] Cũng gọi là nhân trị, coi trọng tư cách nhà cầm quyền nhất.

[26] Coi thêm Phụ lục.

[27] Trong Đời viết văn của tôi in là: “... đứng về phía nhân dân mà đối lập với chính quyền, vì chính quyền nào cũng đàn áp dân chúng. Tất cả các chính thể dân chủ hiện nay đều giả dối hết”. (Goldfish).

[28] Trong Đời viết văn của tôi in là: “Thay đổi bản tính loài như Mặc Tử, như Karl Max muốn còn là chuyện xa vời hơn nữa. Thế giới đại đồng còn là mô tip không tưởng”. (Goldfish)

[29] Có lẽ cụ Nguyễn Hiến Lê muốn nói đến Quách Tấn, người gởi bản thảo tập Nhà Tây Sơn nhờ cụ Nguyễn Hiến Lê góp ý. (Goldfish).

[30] Tức cuốn Hơn nữa đời hư, Nxb TP.HCM, 1992 (BT).

[31] Năm 1982 đổi là đường Tôn Đức Thắng.

[32] Tức Tòa Hành chánh. (Goldfish).

[33] Một giống địa lan dễ trồng. (Goldfish).

[34] Chắc cụ Nguyễn Hiến Lê nhớ lầm. Nguyên văn: 宮館苑囿,極一時之盛 cung quán uyển hựu, cực nhất thời chi thịnh, nghĩa là: cung quán, vườn tược cực thịnh một thời (theo Nguyễn Hiến Lê, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ, 1992, tr.589-560). Còn địa danh 沧浪 (trong nhan đề bài ký), theo bác Vvn thì nên đọc là Thương Lang thay vì Thương Lương (Goldfish).

[35] Phụ nữ bới tóc ở sau đầu rồi, lấy vài lọn tóc quấn thành 3-5 vòng nhỏ ở bên búi tóc. Kiểu tóc này đã mất cũng như kiểu để đuôi gà ở Bắc. Hàng Tân Châu tức lụa Tân Châu, vì Tân Châu chuyên sản xuất hàng hóa đó, nhờ trồng dâu, có trại nuôi tầm và có nhiều cây mặc nưa mà trái dùng để nhuộm rất tốt.

[36] Trong Đời viết văn của tôi in là: tám gốc. (Goldfish).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích