Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng
Chương 11: Xây Dựng Một Chính Phủ Trong Sạch

Khi đảng PAP lên nắm chính quyền vào năm 1959, chúng tôi bắt tay xây dựng một bộ máy chính quyền trong sạch. Chúng tôi ghê tởm trước lòng tham và sự suy đồi của những nhà lãnh đạo châu Á – những người chiến đấu giành tự do cho dân tộc bị áp bức lại trở thành kẻ cướp vì sự giàu có cho riêng mình. Xã hội của họ đã tụt hậu. Chúng tôi bị cuốn theo làn sóng cách mạng ở châu Á, quyết tâm giũ sạch ách áp bức của thực dân, để rồi giận dữ và xấu hổ khi những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc ở châu Á không sống theo những lý tưởng mà một thời chúng tôi đã từng kỳ vọng.

Tại Anh sau Thế chiến thứ hai, tôi gặp những sinh viên đến từ Trung Quốc mang hoài bão thiết tha giải thoát Trung Quốc khỏi nạn tham nhũng và bất tài của những kẻ lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa Dân Quốc. Lạm phát cao và nạn cướp bóc hàng loạt đã dẫn đến sự thất bại nhục nhã của họ và họ phải trốn tránh sang Đài Loan. Sự căm phẫn đối với tính dễ bị mua chuộc, tham lam và vô đạo đức của những người lãnh đạo này là động lực cho sinh viên học sinh Trung Quốc tại Singapore quay sang ủng hộ cộng sản. Các sinh viên nhìn người cộng sản như một tấm gương mẫu mực cho sự cống hiến, hy sinh và quên mình. Phẩm chất cách mạng được bộc lộ qua cuộc sống thanh đạm của những nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc. Họ đã tạo nên niềm tin lúc bấy giờ.

Một quyết định quan trọng mà chúng tôi thực hiện trước cuộc tổng tuyển cử tháng 5/1959 là nhấn mạnh quan điểm của chúng tôi đối với tệ tham nhũng. Chính quyền của Lim Yew Hock (1956 – 1959) đã bắt đầu rơi vào nạn tham nhũng. Bộ trưởng Giáo dục của ông ta, Chew Swee Kee, nhận một triệu đôla Singapore, số tiền có nguồn gốc từ Mỹ, để chống cộng sản trong những cuộc bầu cử sắp tới. Đã xuất hiện phổ biến những cuộc điều đình đổi chác những số tiền nhỏ hơn để lấy những lý do ít thuộc về hệ tư tưởng hơn. Chúng tôi thực sự chưa muốn đấu tranh để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vì chúng tôi cảm thấy mình chưa chuẩn bị và chưa được tổ chức một cách đầy đủ để có thể là đối thủ của những người cộng sản, những người mà chúng tôi cho rằng sẽ đối địch khi chúng tôi nắm chính quyền. Tuy nhiên, nếu cho phép nhóm người vô lại này một nhiệm kỳ năm năm thì họ sẽ làm hư hỏng những công chức trung thành của nhân dân vốn vẫn còn đang lương thiện; và một khi điều này xảy ra, chúng tôi sẽ không thể cứu chữa được cho cả một hệ thống. Do đó, chúng tôi quyết định phải nỗ lực giành chiến thắng.

Sự cám dỗ đang có mặt ở khắp mọi nơi, chứ không chỉ riêng ở Singapore. Lấy ví dụ, viên chức đầu tiên tiếp xúc với những người nước ngoài khi họ bước chân vào lãnh thổ một quốc gia chính là nhân viên phòng hải quan và nhập cư. Ở nhiều sân bay tại Đông Nam Á, du khách thường thấy sự chậm trễ trong khâu thủ tục hải quan cho đến khi nào họ đã sẵn sàng một số tiền đút lót đúng lúc (thường là tiền mặt). Cái thực tế phiền hà ấy cũng hiện diện ở những cảnh sát giao thông; khi buộc phải ngừng xe do bị vin vào lý do tốc độ, lái xe phải nộp bằng lái cùng với việc tiếp theo là một số tiền ước lượng bằng đôla để tránh những hành động xa hơn. Các sĩ quan cao cấp cũng chẳng nêu được một tấm gương tốt. Ở nhiều thành phố trong khu vực, thậm chí nhập viện sau một tai nạn giao thông cũng cần một khoản đút lót để được chăm sóc mau lẹ. Những người có chức vụ nhỏ không thể sống nổi bằng đồng lương của họ và thực tế đó đã lôi kéo họ đến sự lạm dụng quyền lực.

Chúng tôi ý thức sâu sắc sứ mệnh của mình là kiến lập một chính quyền trong sạch và hiệu quả. Vào tháng 6/1959, khi tuyên thệ tại nghi lễ nhận nhiệm kỳ ở văn phòng hội đồng thành phố, tất cả chúng tôi đều mặc áo sơ mi trắng và quần trắng tượng trưng cho sự thanh khiết và lương thiện của mình trong hành vi cá nhân cũng như trong cuộc sống cộng đồng. Đây là điều mà nhân dân đã kỳ vọng ở chúng tôi và chúng tôi quyết định phải sống xứng đáng với những kỳ vọng đó. Những người theo chủ nghĩa cộng sản phô bày những phẩm chất thuộc tầng lớp Lao động của họ qua cách ăn mặc (quần và tay áo sơ mi nhăn nhúm), phương tiện đi lại (xe buýt hay taxi), chỗ ngủ (các phòng phía sau của các trụ sở công đoàn) và học vấn từ các trường Trung Quốc. Họ chế nhạo văn phòng và ngôi nhà lắp máy điều hoà, xe hơi hiệu Studebaker của Mỹ, thú uống bia và chơi gôn, nguồn gốc xuất thân từ gia đình tư sản và học vấn từ trường Cambridge của tôi. Song họ không thể buộc tội tôi và các đồng sự của tôi lấy tiền của công nhân và của các đoàn thể mà chúng tôi đã giúp đỡ.

Tất cả các Bộ trưởng của tôi, ngoại trừ một người, đều là những người đã tốt nghiệp đại học. Hết nhiệm kỳ, chúng tôi tin là mình có thể kiếm sống được và những nhà chuyên nghiệp giống như tôi luôn sẵn sàng làm điều đó. Chúng tôi không cần phải dành dụm một cái gì đó để phòng những trường hợp có thể xảy ra. Quan trọng hơn, hầu hết chúng tôi đều có những người vợ Lao động có thể nuôi dưỡng gia đình nếu chúng tôi bị vào tù hay không còn xuất sắc trong công việc được nữa. Yếu tố này định hướng quan điểm của các Bộ trưởng và vợ của họ. Khi các Bộ trưởng chiếm được niềm tin và lòng kính trọng của người dân, các công chức còn có thể ngẩng cao đầu và tự tin ra quyết định. Điều này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của chúng tôi với những người cộng sản.

Từ ngày lên nắm chính quyền vào tháng 6/1959, chúng tôi chắc chắn rằng mỗi đồng đôla trong tổng thu nhập đều phải được giải thích một cách hợp lý và sẽ đến với người dân nguyên vẹn là một đồng đôla mà không bị rút bớt đi ở dọc đường. Vì vậy, ngay từ buổi đầu chúng tôi đã đặc biệt chú ý đến những lĩnh vực mà sự lộng quyền được khai thác cho lợi ích cá nhân và đồng thời mài nhọn những công cụ có thể ngăn chặn, phát hiện và cản trở những thủ đoạn này.

Cơ quan trọng yếu thực hiện nhiệm vụ này là Corrupt Practices Investigation Bureau (CPIB) (Ban điều tra hành vi tham nhũng) do người Anh thành lập vào năm 1952 để xử lý tình trạng gia tăng tham nhũng, đặc biệt là ở những cảnh sát có cấp bậc vừa và thấp, ở những nhân viên kiểm soát bán hàng, và những nhân viên quản lý đất có trách nhiệm chống lại kẻ phạm luật lấn chiếm các con đường công cộng để buôn bán bất hợp pháp, hoặc lấy đất công xây nhà trái phép. Những nhân viên kiểm soát này có thể hoặc đưa ra một cái trát hầu tòa hoặc sẽ làm ngơ bởi một khoản tiền đút lót phù hợp.

Chúng tôi quyết định tập trung vào những người đảm nhận chức vụ lớn ở các cơ quan hành chính cấp cao và cho CPIB hướng vào mục tiêu mà chúng tôi ưu tiên. Đối với những đối tượng nhỏ hơn, chúng tôi đơn giản hóa thủ tục, tẩy trừ sự lạm quyền bằng đường lối chỉ đạo được công bố rõ ràng, thậm chí hủy bỏ nhu cầu cấp giấy phép hoặc phê chuẩn trong những phạm vi ít quan trọng. Mỗi khi chúng tôi gặp khó khăn trong việc kết tội khi truy tố, chúng tôi siết chặt hơn luật pháp trong lĩnh vực đó.

Năm 1960, chúng tôi thay đổi luật chống tham nhũng đã lỗi thời của năm 1937 và mở rộng định nghĩa về quà cáp để chỉ bất cứ thứ gì có giá trị. Sự sửa đổi này nới rộng quyền lực của các điều tra viên, kể cả quyền bắt giữ, khám xét, thanh tra tài khoản ngân hàng, sổ ghi tiền gởi ngân hàng của những kẻ bị tình nghi cũng như của vợ, con và thuộc hạ của họ. Việc chứng tỏ rằng người nhận hối lộ đang ở một vị trí thực hiện sự thiên vị theo yêu cầu trở nên không cần thiết. Người quản lý thuế thu nhập buộc phải đưa những thông tin có liên quan tới bất kỳ ai đang bị điều tra. Luật hiện hành quy định rằng chứng cứ do kẻ đồng phạm khai ra không có giá trị tin cậy trừ phi được chứng minh. Chúng tôi đã thay đổi, cho phép các quan tòa chấp nhận lời khai của kẻ đồng phạm là chứng cứ.

Thay đổi hiệu quả nhất mà chúng tôi thực hiện năm 1960 là cho phép quan tòa xem những chứng cứ cho thấy kẻ bị tố cáo đang sống ở mức sống vượt quá khả năng kinh tế của anh ta hoặc có những tài sản mà thu nhập của anh ta không thể giải thích là bằng chứng xác thực chứng minh rằng người bị tố cáo đã nhận hối lộ. Với sự nhạy bén, tinh tế và quyền hạn được điều tra bất kỳ viên chức hay vị Bộ trưởng nào, vị giám đốc của CPIB, đang làm việc tại Phủ Thủ tướng, nổi danh trong việc phát hiện ra những kẻ phản bội lại lòng tin của nhân dân.

Năm 1963, chúng tôi thực hiện việc bắt buộc các nhân chứng, được triệu tập bởi CPIB, phải có mặt để cung cấp thông tin. Năm 1989, chúng tôi tăng tiền phạt tối đa đối với tội tham nhũng từ 10.000 đôla Singapore lên đến 100.000 đôla Singapore. Cung cấp thông tin giả hoặc lừa dối CPIB sẽ bị phạt tù và số tiền nộp phạt lên đến 10.000 đôla Singapore, các quan tòa được quyền sung công những khoản tiền có nguồn gốc từ tham nhũng.

Tham nhũng từng được tổ chức trên quy mô lớn ở một số khu vực nhất định. Năm 1971, CPIB đã phá tan một tổ chức có trên 250 cảnh sát cơ động, nhận những khoản phí từ 5 đến 10 đôla Singapore mỗi tháng từ những chủ xe tải mà phương tiện của họ bị nhận ra bởi dòng địa chỉ được sơn trên mặt bên của xe. Chủ xe nào từ chối trả tiền sẽ thường xuyên bị quấy rối bằng những lệnh triệu tập nhằm chống lại họ.

Nhân viên hải quan nhận những khoản hối lộ để kiểm tra qua loa những xe buôn lậu hàng cấm. Các viên chức ở Central Supplies Office (Phòng thu mua của chính phủ) tiết lộ thông tin sau khi đã được ngã giá tế nhị một khoản phí. Nhân viên phòng xuất nhập khẩu nhận đút lót để đẩy nhanh việc cấp giấy phép. Các thầu khoán hối lộ cho các đốc công để bớt xén vật liệu. Nhân viên vệ sinh công cộng nhận tiền của các chủ cửa hiệu và cư dân để làm cái công việc dọn dẹp rác rưởi của họ. Hiệu trưởng và giáo viên ở một số trường trung học người Hoa nhận hoa hồng từ những người cung cấp văn phòng phẩm. Tài khéo léo của con người khi sử dụng quyền lực hay sự lạm quyền để tư lợi cá nhân là vô hạn.

Không phải quá khó khăn đến độ không thể dẹp bỏ được những thủ đoạn có tổ chức này. Việc phát hiện những hành vi tham nhũng đơn độc thì khó hơn nhưng khi phát hiện được thì phải bóp chết ngay.

Nhiều vụ nổi bật đã gây xôn xao trên báo chí. Vài vị Bộ trưởng đã phạm tội tham nhũng, suốt từ 1960 đến 1980, mỗi một thập niên lại có một vị. Tan Kia Gan đã giữ chức vụ Bộ trưởng Phát triển quốc gia cho đến khi ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 1963. Chúng tôi là những đồng sự thân thiết từ đầu những năm 1950 khi ông là người lãnh đạo của Hiệp hội kỹ sư hãng hàng không Malaya và tôi là cố vấn pháp lý của nó. Chúng tôi bổ nhiệm ông làm Giám đốc hãng hàng không Malaya. Tại một cuộc họp ban giám đốc công ty vào tháng 8/1966, Tan phản đối mạnh mẽ việc mua máy bay Boeing. Vài ngày sau đó, có một ngài Lim nào đó liên lạc với First National City Bank, chủ ngân hàng của Boeing, đề nghị một khoản hoa hồng cho dịch vụ của ông. Người khách đó chính là bạn kinh doanh của Tan Kia Gan. Ngân hàng biết sự nghiêm khắc của chính phủ đối với tội tham nhũng và đã báo cáo lại sự việc trên. Lim phủ nhận có liên can đến Tan Kia Gan và Tan không thể bị truy tố. Nhưng tôi biết rõ rằng Tan chính là nguyên nhân. Đau lòng khi ra quyết định, tôi tuyên bố, là đại diện của chính phủ trong ban giám đốc của hãng hàng không Malaya nhưng ông đã không làm tròn trách nhiệm. Tôi sa thải ông ra khỏi ban giám đốc và tước bỏ những chức vụ bổ nhiệm khác. Sau đó Kim San bảo tôi là trông Tan nghèo nàn nhếch nhác, không thể làm gì nhiều vì ông đã bị khai trừ. Tôi rất buồn nhưng tôi đã không có sự chọn lựa nào khác.

Wee Toon Boon đang là Quốc vụ khanh của Bộ Môi trường năm 1975, khi đó ông đã nhận một chuyến du lịch miễn phí cho mình và gia đình đến Indonesia do một nhà kinh doanh địa ốc bao trả chi phí.

Nhà kinh doanh này đã nhân danh Wee Toon Boon để chống lại các công chức. Wee còn nhận từ người này một ngôi nhà trị giá 500.000 đôla Singapore và rút hai khoản tiền chi trội tổng cộng 300.000 đôla Singapore trong tài khoản tên của người cha do nhà kinh doanh này bảo lãnh để đầu cơ cổ phiếu. Wee từng là người lãnh đạo trung kiên của tập đoàn mậu dịch phi cộng sản từ những năm 50. Rất đau lòng khi đối chất với ông và nghe ông nói những lời cam đoan không có sức thuyết phục về sự vô tội của mình. Ông bị bắt giam, ra tòa và bị kết án 4 năm 6 tháng tù. Wee kháng án. Tội trạng vẫn được giữ nguyên nhưng bản án giảm nhẹ còn 18 tháng.

Tháng 12/1979, chúng tôi đột ngột phải đối mặt với một trở lực lớn. Phey Yew Kok, chủ tịch của NTUC và là nghị sĩ của đảng PAP, đã có bốn vụ vi phạm lợi dụng lòng tin với tổng số tiền là 83.000 đôla Singapore. Ông còn dính vào hai vụ phạm tội khác, lấy danh nghĩa của Trade Unions Act đầu tư 18.000 đôla Singapore tiền của công đoàn vào một siêu thị tư nhân mà không thông qua sự phê duyệt của Bộ trưởng. Theo cách thức thông thường trong những trường hợp như thế, ông được tạm thả với một số tiền bảo lãnh.

Devan Nair, tổng thư ký của NTUC, rất thân thiết với Phey Yew Kok và tin vào sự vô tội của ông ta. Devan Nair, muốn CPIB xem xét lại trường hợp này, đã phát biểu rằng những buộc tội sai lầm của CPIB đang phá hủy thanh danh của một người vô tội. Tôi không đồng ý vì tôi đã xem qua các báo cáo điều tra và cho phép CPIB tiếp tục tiến hành. Devan Nair tin Phey vô tội và lo lắng về việc mất đi một trợ thủ giá trị cho hoạt động công đoàn đến nỗi ông đã tranh cãi quyết liệt với tôi trong bữa ăn trưa vào một ngày thứ bảy. Trước mặt ông, tôi gọi điện cho trưởng thanh tra của CPIB, yêu cầu ông ta bí mật cho Devan Nair xem những chứng cứ chống lại Phey Yew Kok ngay sau bữa ăn trưa đó. Sau khi đọc các chứng cứ, Devan không tìm gặp tôi nữa. Phey Yew Kok quyết định chạy trốn không ra tòa, và hai người bảo lãnh mất đi số tiền 50.000 đôla Singapore khi ông ta không bao giờ trở lại. Tin tức cuối cùng về ông ta mà tôi nghe được là ông ta đang sống cuộc sống khốn khổ của kẻ chạy trốn, chịu áp lực của cảnh sát và nhà chức trách nhập cư tại Thái Lan.

Sự sụp đổ bi kịch nhất là trường hợp của Teh Cheang Wan, Bộ trưởng phát triển quốc gia. Tháng 11/1986, một trong những người giao thiệp cũ của ông khi bị CPIB tra vấn đã thú nhận rằng hắn từng đưa Teh hai khoản tiền mặt, mỗi khoản trị giá 400.000 đôla Singapore, khoản tiền đầu tiên là để xin phép cho một công ty phát triển giữ lại phần đất của công ty mà chính phủ đã đánh dấu để trưng thu, và khoản tiền thứ hai là để giúp cho một nhà kinh doanh mua lại phần đất của nhà nước nhằm sử dụng cho mục đích cá nhân. Hai vụ hối lộ này diễn ra vào năm 1981 và 1982. Teh phủ nhận việc mình nhận tiền và cố gắng mặc cả với viên trợ lý thanh tra cao cấp của CPIB để ngưng việc điều tra. Thư ký nội các báo cáo lại sự việc này và nói Teh yêu cầu được gặp tôi. Tôi đáp là tôi không thể gặp ông cho đến khi nào cuộc điều tra kết thúc. Một tuần sau, sáng ngày 15/12/1986, nhân viên an ninh của tôi thông báo rằng Teh đã chết và để lại cho tôi một bức thư.

Ngài Thủ tướng

Suốt hai tuần nay tôi đã rất ân hận và thực sự suy sụp. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm đối với những sự việc đáng tiếc xảy ra và tôi nên nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Là người phương Đông trọng danh dự, tôi phải nhận lấy hình phạt cao nhất cho lỗi lầm của mình.

Chào vĩnh biệt

Teh Cheang Wan

Tôi đến thăm vợ ông và thấy thi hài ông đặt trên giường. Vợ Teh nói ông đã suốt đời phục vụ cho chính phủ và muốn giữ danh dự. Bà hỏi liệu rằng có thể đừng tiến hành một cuộc điều tra về cái chết bất thường của chồng bà hay không. Điều đó chỉ có thể nếu như bà có được giấy chứng tử từ bác sĩ xác nhận rằng ông ta chết vì những nguyên nhân tự nhiên. Không thể tránh khỏi có một cuộc điều tra về cái chết bất thường của ông nếu người ta tìm thấy rằng ông đã dùng chất sodium amytal quá liều để kết thúc cuộc sống. Phe đối lập đưa vụ việc lên nghị viện và yêu cầu một hội đồng điều tra. Tôi lập tức đồng ý. Quyết định này đã công khai sự việc làm cho vợ và con gái ông cảm thấy đau lòng hơn. Ngay sau đó, họ đã rời khỏi Singapore và không bao giờ trở lại.

Chúng tôi đã kiến lập một xu hướng quan điểm xem tham nhũng trong các cơ quan chính quyền là sự đe dọa đối với xã hội. Teh chọn con đường kết thúc cuộc sống hơn là phải đối mặt với sự cách chức và bị khai trừ. Tôi không hiểu được tại sao ông lại nhận số tiền 800.000 đôla Singapore này. Ông là một kiến trúc sư tài giỏi, và với khả năng đó ông có thể kiếm được hàng triệu đồng một cách lương thiện.

Đưa ra những chuẩn mực đạo đức cao, lên án mạnh mẽ và đề ra quyết tâm tiêu diệt tham nhũng thì dễ dàng. Nhưng sống theo những lý tưởng tốt đẹp này thì vô cùng khó khăn trừ phi người lãnh đạo có đủ mạnh mẽ và quyết tâm để đương đầu với kẻ phạm tội và không có sự ngoại lệ nào. Nhân viên CPIB phải được ủng hộ để thực thi luật, không e dè hay thiên vị.

Niên giám cạnh tranh thế giới năm 1997 của Viện phát triển quản lý sắp xếp theo thứ hạng cho các quốc gia ít tham nhũng nhất trên toàn thế giới, và cho điểm mười, điểm hoàn hảo, đối với quốc gia nào không có nạn tham nhũng. Singapore được xếp vào hàng ngũ các quốc gia ít tham nhũng nhất trong khu vực châu Á với điểm số 9,18 trước Hong Kong, Nhật Bản và Đài Loan. Transparency International (đặt tại Berlin) xếp Singapore đứng thứ bảy trên thế giới năm 1998 cho thành tích “vắng mặt tham nhũng”.

Chuyện phần trăm, tiền lại quả, tiền làm quà, quỹ đen hay có thể gọi chúng bằng bất kỳ uyển ngữ địa phương nào khác là một lối sống ở châu Á: người ta công khai chấp nhận nó như một phần văn hóa của họ. Đồng lương của các Bộ trưởng và viên chức nhà nước không đảm bảo nổi tiêu chuẩn của chức vụ mà họ đảm nhận. Chức vụ càng cao, nhà càng lớn, vợ, vợ lẽ, tình nhân càng nhiều, tất cả đều được trang điểm bằng những trang sức phù hợp với quyền lực và vị trí của người đàn ông. Người Singapore đang làm việc tại các quốc gia này phải chú ý không được du nhập cái lối sống đó về đất nước mình.

Khi những người cộng sản Trung Quốc nắm quyền lực, họ rầm rộ bày tỏ sự cống hiến và lòng lương thiện. Nhân viên phục vụ và những người hầu gái ở Trung Quốc vào thập niên 50, 60 sẽ trả lại tài sản mà khách để quên trong khách sạn, thậm chí cả những món đồ mà khách cố tình vứt bỏ. Họ cố ý phô trương sự thờ ơ của mình đối với của cải vật chất. Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn cao trào của cuộc Cách mạng văn hóa 1966 – 1976, hệ thống đó đã sụp đổ. Sự thiên vị, thói gia đình trị, và tham nhũng đã lây lan đến vị trí tối cao. Toàn bộ xã hội bị thoái hóa bởi những kẻ cơ hội đeo cho mình một lớp mặt nạ cách mạng mà cái thành tích “thăng chức nhanh như trực thăng lên thẳng” của họ đạt được bằng sự phản bội và khủng bố đối với cấp trên và những người cùng địa vị.

Tham nhũng trở nên tồi tệ, nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc mở cửa năm 1978. Nhiều nhà cách mạng cảm thấy mình đã bị lừa dối và lãng phí những năm tháng tươi đẹp nhất, họ liền tranh thủ thời gian còn lại để làm giàu cho bản thân bằng mọi cách. Tình trạng này có thể thấy ở các xã hội đóng kín vừa bước sang giai đoạn mở cửa. Nạn tham nhũng ở đó có khi còn tồi tệ hơn ở những nước tự bản suy đồi tại châu Á mà trước đây họ khinh thường.

Điều kiện tiên quyết đối với một chính quyền lương thiện là những người ứng cử không phải cần đến số tiền lớn để được đắc cử, nếu không nó sẽ khởi sự một chu trình tham nhũng. Nguyên nhân suy sụp của hầu hết các quốc gia châu Á chính là cái chi phí quá cao của những cuộc bầu cử. Sau khi đã chi một số tiền lớn để được đắc cử, người chiến thắng sẽ phải kiếm chác để bù lại chi phí mà họ đã bỏ ra và còn phải tích lũy những khoản quỹ dành chi cho cuộc bầu cử tới. Hệ thống đó tự bản thân nó là tất yếu của tham nhũng. Để được bầu vào Hội đồng lập pháp của Đài Loan vào những năm 1990, một số ứng cử viên của Quốc Dân Đảng phải chi khoảng từ 10 đến 20 triệu đôla Mỹ. Một khi được đắc cử, họ phải tự bù đắp lại và chuẩn bị cho kỳ tới bằng cách dùng quyền lực của mình đối với các viên chức và Bộ trưởng chính phủ để đạt được các hợp đồng, hoặc để biến đổi phần đất nông nghiệp sang sử dụng cho công nghiệp hay cho việc phát triển đô thị. Ở Thái Lan, một cựu Bộ trưởng đã ví điều này là “nền dân chủ thương mại, sự ủy nhiệm được mua bằng tiền”. Năm 1996, 2.000 ứng cử viên đã chi khoảng 30 tỷ baht (bằng 1,2 tỷ đôla Mỹ). Một vị thủ tướng được gọi là Ngài ATM (Automatic Teller Machine) (máy trả tiền tự động) vì ông ta nổi tiếng trong việc phân phối tiền mặt cho các ứng cử viên và cử tri. Ông còn đáp lại rằng ông không phải là một ATM duy nhất.

Ở Malaysia, những nhà lãnh đạo gọi hiện trạng này là “chính trị tiền bạc”. Trong bài diễn văn trước các đại biểu đảng viên vào tháng 10/1996, Thủ tướng Mahathir Mohamad phát biểu rằng một số ứng cử viên tranh những chức vụ cao đã “đề nghị tặng những khoản đút lót và quà cáp cho các đại biểu” và đổi lại bằng những lá phiếu. Mahathir lấy làm xót xa trước thực trạng của chính trị tiền bạc và rơi nước mắt khi ông kêu gọi các đảng viên đại biểu rằng “không được để cho nạn hối lộ hủy hoại dân tộc, tôn giáo và quốc gia Malay”. Theo các bản tin của Malaysia, ngân hàng Negara đã chi cạn kiệt loại giấy bạc 1.000 RM và 5.000 RM vào thời điểm cao trào của cuộc vận động dẫn đến hội nghị đại biểu đảng UMNO vào năm 1993.

Indonesia là một điển hình của nạn tham nhũng. Phương tiện truyền thông đại chúng Indo hình thành một cụm từ gọi là “KKN” kết hợp những chữ cái đầu của Kolusi (sự thông đồng), Korupsi (sự tham nhũng) và Nepotism (gia đình trị). Con cái, bạn bè và những người thân cận của Tổng thống Suharto là những điển hình biến KKN trở thành một thành phần không thể giản ước được của văn hóa Indo. Phương tiện truyền thông của Mỹ định giá tài sản của gia đình Suharto đáng giá 42 tỷ đôla Mỹ trước khi cuộc khủng hoảng tài chính làm giảm giá trị của chúng. Tham nhũng trở nên trầm trọng hơn dưới thời Tổng thống Habibie. Các Bộ trưởng và viên chức, không chắc có thể giữ vững vị trí của họ sau cuộc bầu cử một tổng thống mới, đã tranh thủ tham nhũng cho hết thời gian còn lại. Các phụ tá của Tổng thống tích lũy một ngân quỹ khổng lồ mua lại số phiếu trong MPR (Hội đồng Tư vấn Nhân dân) để được đắc cử. Giá hiện hành cho mỗi lá phiếu, theo tin đã đưa, là hơn một phần tư triệu đôla Mỹ.

Hệ thống bầu cử tốn kém nhất là hệ thống của Nhật Bản. Bộ trưởng và các nghị sĩ Nhật Bản được hưởng một mức lương và tiền trợ cấp khá khiêm tốn. Một nghị sĩ Nhật cần phải có hơn 1 triệu đôla Mỹ một năm để duy trì đội ngũ ủng hộ ông ta cả ở Tokyo và ở khu vực bầu cử, cũng như để tặng quà cho các cử tri nhân ngày sinh nhật, lễ cưới hay đám tang. Trong năm bầu cử, ứng viên cần trên 5 triệu đôla Mỹ. Ông ta phải dựa vào sự hỗ trợ tiền bạc từ những người lãnh đạo đồng phe. Vì quyền lực của một nhà lãnh đạo phụ thuộc vào số nghị sĩ ủng hộ và dựa dẫm ông, nên ông ta phải tích lũy một số tiền khổng lồ tài trợ cho những người theo về phe mình trong suốt thời gian giữa hai cuộc bầu cử.

Singapore tránh sử dụng tiền cho mục đích thắng cử. Là người lãnh đạo của phe đối lập, năm 1959, tôi thuyết phục Lim Yew Hock thực hiện việc bỏ phiếu bắt buộc và cấm sử dụng xe hơi để đưa cử tri đi bỏ phiếu. Sau khi nắm chính quyền, chúng tôi xóa sạch ảnh hưởng chính trị của Hội Tam Hoàng (một tổ chức bí mật của người Hoa). Địch thủ ghê gớm nhất của chúng tôi là cộng sản đã không dùng đồng tiền để mua chuộc các cử tri. Chi phí dành cho cuộc bầu cử của chúng tôi rất thấp, dưới cả mức tiền mà luật cho phép. Đảng không có nhu cầu phải làm đầy kho bạc sau cuộc bầu cử và cũng không có quà cáp gì cho các cử tri vào thời gian giữa các cuộc bầu cử. Họ bỏ phiếu cho chúng tôi nhiều lần vì chúng tôi đã cung cấp việc làm, xây dựng trường học, bệnh viện, trung tâm cộng đồng và quan trọng hơn hết là những ngôi nhà mà họ sở hữu. Đó là những lợi ích đáng kể làm thay đổi cuộc sống của họ và thuyết phục họ rằng tương lai của con cháu họ đặt trong tay của PAP. Các đảng đối lập cũng không cần đến tiền. Họ đánh bại các ứng viên của chúng tôi vì toàn bộ cử tri cần một nghị sĩ đối lập gây sức ép đối với chính phủ để đạt nhiều sự nhượng bộ hơn.

Những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây cho rằng nếu giới báo chí có quyền tự do tuyệt đối, họ sẽ vạch trần tệ tham nhũng và làm cho chính phủ trở nên trong sạch, lương thiện. Vậy mà, báo chí, truyền hình hoạt động tự do và không bị cấm đoán ở Ấn Độ, Philippin, Thái Lan, Đài Loan, Nam Triều Tiên và Nhật Bản vẫn không ngăn chặn được nạn tham nhũng đang lan rộng khắp những đất nước này. Trái lại xuất hiện một điển hình gây ấn tượng mạnh chính là cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã sử dụng phương tiện truyền thông tự do làm công cụ thực hiện hành vi tham nhũng, ông làm chủ một mạng lưới truyền thông lớn, song ông bị điều tra, bị buộc tội về những hành vi tham nhũng mà ông đã phạm phải trước khi trở thành thủ tướng.

Mặt khác, Singapore đã chứng minh rằng một hệ thống bầu cử trong sạch, không có ảnh hưởng của đồng tiền sẽ giúp duy trì một chính phủ lương thiện. Tuy nhiên, Singapore chỉ giữ được sự trong sạch và lương thiện khi nào những con người lương thiện và đầy năng lực sẵn sàng tham gia ứng cử và nắm giữ chức vụ. Họ phải được trả một mức lương tương xứng với những gì mà một người có khả năng và liêm chính có thể được hưởng khi điều hành một công ty lớn hay đang làm những công việc có tính chuyên môn khác. Họ phải quản lý được một nền kinh tế Singapore mà trong hai thập niên qua đạt được mức tăng trưởng hằng năm từ 8% đến 9%, và mức GDP bình quân đầu người, theo Ngân hàng Thế giới ước tính, đứng thứ chín trong những nước cao nhất trên thế giới.

Với thế hệ những nhà lãnh đạo sáng lập thì lương thiện đã trở thành một tập quán. Các đồng sự của tôi sẽ bác bỏ bất kỳ một toan tính nào muốn mua chuộc họ. Họ đã đặt cuộc sống của mình trong cảnh hiểm nghèo để đạt được quyền lực nhưng không vì mục đích làm giàu cho bản thân mà là để thay đổi xã hội. Tuy nhiên, không thể có bản sao của những con người này vì chúng ta không thể tái tạo những điều kiện lịch sử đã tạo cho họ sự khác biệt đó. Những người nối nghiệp chúng tôi trở thành Bộ trưởng xem tước vị đó như sự lựa chọn một nghề trong nhiều nghề, và đó không phải là nghề hấp dẫn nhất. Nếu chúng tôi trả lương quá thấp cho những người đảm nhận chức vụ Bộ trưởng thì chúng tôi không thể kỳ vọng họ ở lại lâu với chức vụ mà tiền lương chỉ bằng một phần nhỏ những gì họ có thể kiếm được bên ngoài. Với mức tăng trưởng kinh tế cao và tiền lương cao hơn trong khu vực tư nhân, lương của các Bộ trưởng phải tương xứng với mức lương của những người tương đương với họ trong khu vực tư nhân. Chính vì đồng lương thấp mà các bộ trưởng và công chức đã làm sụp đổ nhiều chính quyền tại châu Á. Sự trả công thỏa đáng là nhân tố quan trọng đối với chuẩn mực liêm khiết của hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị và viên chức cao cấp.

Tháng 3/1985, trong một cuộc tranh luận về vấn đề ngân sách, tôi đã chỉ trích phe đối lập về việc họ phản đối tăng lương cho các Bộ trưởng. Ông J. B. Jeyaretnam thuộc đảng Công nhân đã so sánh sự tương phản giữa mức lương hàng tháng của tôi, 29.000 đôla Singapore, và mức lương của Thủ tướng Malaysia, 10.000 đôla Singapore, song ông ta chỉ nhận có 9.000 đôla Singapore. Tôi liền đưa ra nhiều ví dụ so sánh hơn như mức lương của Tổng thống Philippines, Marcos, là 100.000 pêsô một năm, chỉ trên 1.000 đôla Singapore một tháng, và Tổng thống Indonesia, lãnh đạo của 150 triệu dân với mức lương hàng tháng là 1,2 triệu rupi tương đương với 2.500 đôla Singapore. Vậy mà tất cả bọn họ đều giàu có hơn tôi.

Nhà lãnh đạo Indonesia được giữ lại công thự của ông ta khi về hưu. Thủ tướng Malaysia được cấp cho một ngôi nhà hay phần đất để xây dựng cơ ngơi riêng. Còn công thự của tôi lại thuộc về chính phủ. Tôi không có độc quyền nào, không có xe hơi và tài xế, không có dinh thự Bộ trưởng với người làm vườn, người nấu bếp hay những người hầu khác phục vụ. Thói quen của tôi là gộp các lợi ích thành một số tiền và để cho chính Thủ tướng và các vị Bộ trưởng quyết định xem sẽ sử dụng nó vào việc gì.

Tôi đã tham khảo thang lương của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mức lương thấp nhất của họ là 18 nhân dân tệ và cao nhất là 560 nhân dân tệ, tỷ lệ là 1:31. Song điều này không phản ánh được sự khác nhau về chất lượng cuộc sống giữa người có mức lương thấp nhất và cao nhất ở địa hạt những người sống phía sau bức tường của Trung Nam Hải gần Tử Cấm Thành. Nó cũng không tính đến việc tiếp cận những chủng loại hàng hóa và thực phẩm khác nhau, với những người đầu bếp, ban nội trợ, dịch vụ y tế đã làm nên một chất lượng cuộc sống khác biệt.

Chủ nghĩa quân bình phô trương là một quan điểm chính trị có hiệu quả. Trong những thập niên khi Trung Quốc nằm dưới sự lãnh đạo của Mao, người dân mặc quần áo jacket Mao cùng kiểu, bề ngoài trông có vẻ như cùng một chất liệu và cùng một kích cỡ. Thực sự, có nhiều loại áo jacket Mao khác nhau. Một nhà lãnh đạo cấp tỉnh phụ trách về du lịch giải thích với một trong những vị Bộ trưởng của tôi rằng có thể chúng trông giống nhau, nhưng chất lượng vải thì khác nhau. Để nhấn mạnh điểm này, ông mở nút áo jacket đang mặc và chỉ cho thấy những đường viền bằng lông thú.

Cần đến sự ủng hộ của công chúng, nên chính phủ – những người được bầu cử vào chức vụ – như một quy luật hiển nhiên, trả mức lương chính thức cho các Bộ trưởng rất thấp. Song, những đặc quyền bán công khai về nhà ở, chi phí, xe hơi, du lịch, học hành của con cái và những khoản trợ cấp khác gộp lại còn nhiều hơn cả tiền lương của họ.

Trong những cuộc tranh luận thành công tại nghị viện những năm 1980 và 1990, tôi chỉ rõ tiền lương cho các Bộ trưởng và những người được bổ nhiệm ở Anh, Mỹ và ở hầu hết những quốc gia phương Tây không sánh kịp với mức tăng trưởng kinh tế của họ. Họ cho rằng những người đã bước chân vào hoạt động chính trị phải là những quý ngài có tài sản riêng. Thực vậy, ở Anh trước chiến tranh, những người không có thu nhập riêng rất hiếm thấy trong nghị viện. Hiện nay đã không còn những trường hợp như thế ở Anh hay ở Mỹ nữa, hầu hết những người thành công đều bận rộn và quá thành đạt chẳng muốn có mặt trong chính phủ.

Ở Mỹ, những người được trả lương cao trong các khu vực tư nhân được tổng thống bổ nhiệm trong thời gian ngắn của một hoặc hai nhiệm kỳ. Sau đó, họ trở về với công việc riêng của họ là một luật sư, chủ tịch công ty hay những người vận động hành lang nghị viện với giá trị được nâng cao vì hiện tại họ dễ dàng tiếp cận với những nhân vật quan trọng trong chính phủ. Tôi nghĩ hệ thống “cánh cửa xoay vòng” này có thể gây rắc rối.

Sau khi độc lập, tôi hạn định lại tiền lương của các Bộ trưởng, giữ cho mức lương ở các cơ quan dân chính tăng ở mức độ thấp để chúng tôi có thể đương đầu với nạn thất nghiệp và sự tụt hậu của nền kinh tế đồng thời nêu lên tấm gương về sự chừng mực. Năm 1970, khi tình trạng thất nghiệp không còn trầm trọng nữa, không khí đã dễ thở hơn, tôi tăng lương cho các Bộ trưởng từ 2.500 đôla Singapore lên 4.500 đôla Singapore một tháng nhưng giữ cố định lương của tôi ở mức 3.500 đôla Singapore để nhắc nhở cơ quan dân chính rằng sự chừng mực vẫn là cần thiết. Cứ vài năm tôi phải tăng lương cho các Bộ trưởng để thu hẹp khoảng cách rộng lớn với mức lương trong lĩnh vực tư nhân.

Năm 1978, Tiến sĩ Tony Tan, tổng giám đốc của Oversea–Chinese Banking Corporation, một ngân hàng địa phương lớn, có thu nhập là 950.000 đôla Singapore một năm. Tôi thuyết phục ông ta từ chức để trở thành quốc vụ khanh, với chức vụ đó, ông được trả chưa tới một phần ba so với số tiền lương trước đó, ngoài việc mất đi bổng lộc, trong đó có giá trị nhất là chiếc xe hơi và một tài xế. Ong Teng Cheong Bộ trưởng Thông tin cũng đã hy sinh sự nghiệp thành công của một kiến trúc sư trong thời kỳ bùng nổ công cuộc xây dựng.

Khi tôi còn là một Bộ trưởng cấp cao, năm 1994 tôi đã đề nghị lên nghị viện rằng chính phủ nên đặt ra một phương án nhằm tự động hóa việc xét duyệt lương các Bộ trưởng, quan tòa và các công chức hàng đầu theo bản báo cáo thuế thu nhập của khu vực tư nhân. Với mức tăng trưởng kinh tế từ 7% đến 10% một năm trên hai thập niên qua, tiền lương trong khu vực nhà nước luôn chậm lại sau khu vực tư nhân từ hai đến ba năm. Năm 1995, Thủ tướng Goh quyết định chọn phương thức mà tôi đã đề nghị rằng sẽ gắn lương các Bộ trưởng và viên chức nhà nước cao cấp với mức lương ở vị trí tương ứng trong khu vực tư nhân. Điều này sẽ tự động làm cho thu nhập của họ tăng khi thu nhập trong khu vực tư nhân tăng. Sự thay đổi đối với cách thức cố định ở mức hai phần ba thu nhập của các vị trí tương đương trong khu vực tư nhân thể hiện qua báo cáo thuế thu nhập, đã gây ra một sự xáo trộn lớn, đặc biệt là với những nhà chuyên môn, họ đang cảm thấy rằng điều này hoàn toàn vượt ra khỏi sự cân xứng so với mức lương mà các Bộ trưởng ở các quốc gia tiên tiến được trả.

Người ta đã quen nhìn các công chức nhà nước nhận đồng lương khiêm tốn trong một thời gian dài đến nỗi cái ý tưởng rằng các Bộ trưởng không chỉ có quyền lực mà còn được trả công xứng đáng với tầm quan trọng của công việc đã làm xáo trộn nhận thức của họ. Tôi có thể giúp Thủ tướng giải thích cho sự thay đổi này và bác bỏ những luận điệu cho rằng các Bộ trưởng được bù đắp đầy đủ hơn là do quyền cao chức trọng và quyền lực mà họ nắm trong tay, rằng các cơ quan dân chính sẽ phải hy sinh thu nhập của họ. Cái lý lẽ cao thượng này là hão huyền và là cách chắc chắn nhất chỉ giữ được các Bộ trưởng phụng sự trong một thời gian ngắn. Ngược lại, sự tiếp tục chức vụ và kinh nghiệm đạt được là một thế mạnh và ưu điểm của chính phủ Singapore. Các Bộ trưởng của chúng tôi cung cấp kinh nghiệm và sự phán đoán mà chính phủ thể hiện chúng qua các quyết định, thành quả năng lực của họ trong tư duy và vạch kế hoạch lâu dài.

Trong cuộc tổng tuyển cử 18 tháng sau đó, Thủ tướng thông qua toàn bộ cử tri mặc dù phe đối lập khai thác vấn đề tiền lương của các bộ trưởng. Người dân cần một chính phủ trong sạch, lương thiện và tài giỏi nhằm mang lại những thành quả tốt đẹp. Và đó chính là những gì mà đảng PAP đã đạt được. Hiện tại, không quá khó khăn trong việc tuyển chọn nhân tài từ khu vực tư nhân. Trước khi phương án tiền lương được thực thi, các luật sư giỏi kiếm được 2 triệu đôla Singapore một năm, trong khi thẩm phán thì được trả ít hơn 300.000 đôla Singapore. Nếu không có sự thay đổi này, chúng tôi không bao giờ có thể bổ nhiệm được những luật sư giỏi nhất vào bộ máy tư pháp. Chúng tôi còn kết hợp lương của bác sĩ và những nhà chuyên môn khác trong cơ quan nhà nước với thu nhập của những người tương đương họ trong khu vực tư nhân. Phương án tiền lương này không có nghĩa là gia tăng lương mỗi năm, vì thu nhập trong khu vực tư nhân có thể tăng hoặc giảm. Điển hình là sự kiện năm 1995 khi thu nhập trong khu vực tư nhân giảm xuống, do đó năm 1997 lương các Bộ trưởng và viên chức cao cấp cũng bị giảm theo.

Để đề phòng những người thiếu trung thực và không lương thiện vào bộ máy chính phủ, trong một buổi mít tinh chào mừng Ngày Quốc khánh vào tháng 8/1984, tôi đã đề nghị nên bầu ra một tổng thống để bảo vệ đội ngũ viên chức dự bị của quốc gia. Tổng thống cũng sẽ có những quyền cao hơn cả một thủ tướng, chẳng hạn tổ chức các cuộc điều tra tham nhũng đối với chính thủ tướng và các bộ trưởng của ông ta hoặc các viên chức cao cấp, và có quyền phủ quyết sự bổ nhiệm không thích hợp vào các vị trí cao cấp như chánh án, bộ trưởng quốc phòng, tổng nha cảnh sát. Một tổng thống như thế sẽ cần đến sự ủy thác độc lập từ cử tri. Nhiều người cho rằng tôi đang chuẩn bị một chức vụ cho bản thân sau khi tôi rời khỏi chức vụ thủ tướng. Thực sự, tôi chẳng có chút hứng thú nào đối với chức vụ cao cấp này vì nó quá thụ động so với tính khí của tôi. Kế hoạch đề xuất này và những vấn đề liên quan đến nó được thảo luận tự do tại nghị viện năm 1988. Vài năm sau đó, vào năm 1992, Thủ tướng Goh Chok Tong bổ sung hiến pháp chuẩn bị cho việc bầu cử chức vụ tổng thống. Chúng tôi phải giữ sự thăng bằng giữa quyền lực của tổng thống và quyền lực tự do hợp pháp của thủ tướng cùng với nội các của ông.

Khi các quốc gia Đông Á từ Hàn Quốc đến Indonesia bị tổn thất bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, tham nhũng và chủ nghĩa gia đình trị làm tình trạng của họ càng thêm khốn khổ. Singapore khắc phục cuộc khủng hoảng tốt hơn vì không có nạn tham nhũng và không có sự tồn tại của chủ nghĩa gia đình trị, hai yếu tố vốn đã làm cho các quốc gia khác phải tổn thất hàng tỷ bạc.

Chính những tiêu chuẩn mà chúng tôi duy trì là động lực cho Thủ tướng Goh Chok Tong ra lệnh tiến hành cuộc điều tra vào năm 1995 đối với việc mua sắm bất động sản, một do vợ tôi nhân danh tôi và một do con trai tôi, Phó Thủ tướng Lý Hiển Long, cả hai đều được hưởng giảm giá khi mua. Chủ công trình tự nguyện giảm giá từ 5% đến 7% cho cuộc mua bán này cũng như ông đã từng giảm giá từ 5% đến 10% cho những khách hàng khác trong buổi khai trương nhằm khảo sát thị trường. Ngay lập tức sau cuộc mua bán đó, vào cao điểm bùng nổ mua bán bất động sản, giá bất động sản leo thang nhanh chóng. Những người không có cơ hội mua vào buổi khai trương đã phàn nàn lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Singapore (SES) (Chủ công trình là một công ty yết giá công khai). Sau cuộc điều tra, SES xác nhận rằng người chủ công trình đã hành động trong quyền hạn hợp pháp của mình. Do em trai tôi là một giám đốc không điều hành của công ty nên có những lời đồn đại cho rằng tôi và con trai kiếm mối lợi một cách không ngay thẳng khi mua các bất động sản này. Ủy ban tiền tệ Singapore điều tra và báo cáo cho Thủ tướng Goh rằng không có gì bất hợp lí trong các khoản giảm giá dành cho chúng tôi.

Choo rất phẫn nộ đối với sự buộc tội vô lý này. Bà ấy từng là một luật sư chuyên thảo giấy chuyển nhượng tài sản trong 40 năm và biết rằng giảm giá trong việc bán hàng là thông lệ chung của tất cả các chủ công trình. Tôi cũng cảm thấy tức giận và quyết định chấm dứt những nghi ngờ về sự không hợp lí của vụ mua bán này bằng cách công khai vụ mua sắm và các khoản giảm giá tự nguyện. Chúng tôi đã nộp lại giá trị của khoản giảm giá, tổng cộng là một triệu đôla Singapore, cho Bộ trưởng tài chính. Thủ tướng ra lệnh trả số tiền này lại cho chúng tôi vì ông đồng ý rằng không có sự bất hợp lí nào và chính phủ cũng không có quyền gì với số tiền này. Loong và tôi không muốn mang tiếng hưởng lợi từ em trai tôi, giám đốc công ty chủ công trình xây dựng, và quyết định quyên một triệu đôla Singapore cho nhà từ thiện.

Tôi đã yêu cầu Thủ tướng đưa sự việc lên nghị viện để công khai hoàn toàn vấn đề. Trong cuộc tranh luận, các nghị sĩ phe đối lập, trong đó có hai luật sư, một trong hai người là lãnh đạo phe đối lập, nói rằng theo kinh nghiệm của họ thì việc giảm giá là thông lệ kinh doanh và không có gì bất hợp lý trong việc mua sắm của chúng tôi. Sự công khai hoàn toàn của cải lợi ích được xem là không ngay thẳng này đã biến nó không còn là vấn đề bàn tán trong cuộc tổng tuyển cử một năm sau. Như tôi đã nói trước nghị viện, sự việc của tôi được hệ thống do tôi lập ra điều tra và báo cáo trung thực đã chứng minh rằng hệ thống ấy công minh và hiệu quả, không ai ở ngoài lưới pháp luật cả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng Chương 11: Xây Dựng Một Chính Phủ Trong Sạch

Có thể bạn thích