Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 1
Chương 21: Thua Đậm Ở Hong Lim

Tôi được biết rằng một Ong Eng Guan bất mãn đang có âm mưu cùng với một số dân biểu nhưng đã không bận tâm lắm, vì tôi tin ông ta chẳng bao giờ có thể kiếm đủ đa số ủng hộ ông ta. Thế nhưng ông ta lại trở nên liều rồi. Nếu không thể nắm quyền được, ông ta sẽ phá hoại chúng tôi, cho dù MCP sẽ là người hưởng lợi. Tại hội nghị đảng vào tháng 6/1960, chi bộ Hong Lim của ông đã đề ra 16 nghị quyết, bốn trong số đó nhằm giúp ông ta giành được sự ủng hộ của những người cộng sản.

Để đánh tan nghi ngờ của tôi, Lim Chin Siong và các đồng chí của ông trước đó đã kháng nghị rằng họ sẽ không dính dáng gì đến Ong. Tổng Liên đoàn lao động đã đưa ra một tuyên bố nói rằng mặc dù PAP đã có những lầm lỗi, nhưng họ cũng sẽ không ủng hộ ông ta. Nhưng tôi tin rằng hoàn toàn có thể là họ đã nắm được các bạn bè thân của ông ta để đẩy ông ta vào hành động này. Các nghị quyết đó kêu gọi một đường lối chống thực dân hơn nữa, thả ngay tức thì những người bị giam giữ, và tu chính lại hiến pháp ngay. Nói khác đi, tự trị về đối nội vẫn chưa đủ. Ong cũng vậy, cũng muốn được độc lập. Trong đảng, ông đã bị cô lập, và sau hai ngày tranh cãi, hội nghị đã đình chỉ chức vụ của ông cùng với hai dân biểu ủng hộ là S.V. Lingam và Ng Teng Kian, một người Hoa gốc Hokkien cũng như Ong. Cả ba người thế rồi đã rời chỗ ngồi của mình và bước sang ngồi bên phe đối lập trong Hội đồng lập pháp.

Ong trở nên bồn chồn. Ông đã bị mất đi địa vị ngôi sao và không còn xuất hiện trên những hàng tít sốt dẻo của báo chí nữa. Do đó ông bắt đầu thu hút chú ý bằng cách làm những chuyện bất ngờ và chơi nổi. Vào tháng 9, ông đệ trình một kiến nghị yêu cầu Thủ tướng phải đấu tranh trong Hội đồng an ninh nội chính để phóng thích vô điều kiện tất cả tù chính trị. Điều này chẳng giúp ích được gì cho ông ta. Một lần nữa, điều này sẽ chỉ có ích cho những người cộng sản, mặc dù họ không tin và coi thường ông ta. Nhưng điều đó sẽ gây rắc rối cho chính quyền. Tôi khi đó đang ở Sarawak, do đó Chin Chye đã đề nghị một tu chính nhằm vạch rõ rằng chính phủ Liên bang, vốn có tiếng nói quyết định trong Hội đồng an ninh nội chính, khó có thể đồng ý với chuyện phóng thích những người mà họ nghĩ rằng đang cổ súy cho sự nghiệp của MCP. Và bởi vì công việc của chính quyền là nâng cao mức an sinh cho người dân Singapore thông qua việc hợp nhất với Liên bang, nên chính phủ không có ý đi ngược lại với quan điểm của chính phủ Liên bang.

Chiến lược của Ong là vạch mặt chúng tôi là những đầy tớ của đế quốc, và ông ta giờ đây còn tiến thêm một bước xa hơn nữa. Vào tháng 10, ông phát biểu rằng George Thomson, giám đốc Sở Thông tin, giờ đây là người chỉ đạo và là triết gia của tôi; tôi là “con rối của người diễn viên nói bằng bụng và George Thomson là diễn viên đó”. Ông ta muốn làm tiêu tan vị thế của tôi trong khối dân nói tiếng Hoa bằng cách mô tả tôi như thể cái loa phát ngôn của một người viết diễn văn và cố vấn thực dân. Ong tuyên bố Val Meadows, người mà ông ta đã cho triệt hạ văn phòng, và Alan Blades, thanh tra cảnh sát, cũng đang giật dây tôi như vậy. Khi tôi thách ông ta lặp lại những phát biểu đó bên ngoài Hội đồng lập pháp, ông ta đã im lặng.

Thay vào đó, trong kỳ họp kế tiếp của Hội đồng lập pháp, ông ta đã tố cáo tôi là có tinh thần gia đình trị, khi nói rằng tôi đã bổ nhiệm Kwa Soon Chuan làm phó thanh tra của Cục thuế nội địa bởi ông ta là anh rể của tôi. Một lần nữa, tôi đã yêu cầu Ong hãy lặp lại những gì ông đã nói bên ngoài nghị trường, thì ông ta cũng nín thinh như trước. Chin Chye, với tư cách là chủ tịch Hội đồng lập pháp, đã đưa ra một kiến nghị kết án Ong có hành vi mất danh dự và ngưng chức Ong cho đến khi Ong có lời xin lỗi với Hội đồng. Ong đã đệ trình một kiến nghị tuyên bố Quốc hội không có quyền kết án một dân biểu. Ông đã thách tôi từ chức cùng với Ong và ứng cử trong kỳ bầu cử bổ sung tại các khu vực bầu cử của mình, khẳng định lại những lời cáo giác chống PAP của mình, và Ong còn phát biểu rằng Ủy ban Công vụ gồm toàn những người ủng hộ PAP. Ong đồng ý có một cuộc điều tra về những lời cáo giác đó, do một ủy ban của toàn Hội đồng tiến hành, nhưng trước khi Hội đồng họp vào ngày ấn định cho việc này, Ong đã từ chức. Chúng tôi tuyên bố sẽ thành lập một ủy ban điều tra do một thẩm phán của tòa án tối cao làm chủ tịch nhằm điều tra các tuyên bố của Ong, và sau khi báo cáo đó được đệ trình và thảo luận trong Hội đồng, một cuộc tuyển cử bổ sung sẽ được tổ chức ở Hong Lim.

Vào ngày 3/1/1961, thẩm phán F.A. Chua được chỉ định làm chủ tịch ủy ban, và từ ngày 17/1 đến ngày 1/2 , ủy ban đã tổ chức mười lần nghe điều trần. Mục tiêu chính của tôi trong cuộc điều tra này là buộc ông ta phải chứng minh được tất cả những lời buộc tội mà ông đã gán cho tôi. Báo cáo của Chua, đệ trình vào tháng 2, cho thấy những tuyên bố đó hoàn toàn vô căn cứ và bừa bãi, và “Ong chẳng phải là người đáng tin cậy”. Chúng tôi đã thảo luận về báo cáo này suốt hai ngày ở Hội đồng và đã kết án Ong là có hành vi làm mất danh dự. Tôi đã vạch trần rằng ông ta là một kẻ nói dối, một con người tầm thường, nhỏ nhen. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ làm lung lay chỗ đứng của Ong trong giới người Hoa ở Hong Lim. Nhưng tôi đã không thể có sai lầm nào lớn hơn.

Chúng tôi đã tổ chức một chiến dịch vận động bầu cử suốt 9 tuần liền, từ ngày 11/3 đến 29/4. Chúng tôi đưa ra ứng cử viên là Jek Yeun Thong, phóng viên đã viết diễn văn đầu tiên bằng tiếng Quan thoại cho tôi.

Tuy nhiên, sau hai cuộc mít–tinh tại Hong Lim, chúng tôi biết rằng mình vẫn chưa giành được sự ủng hộ gì nhiều. Hình ảnh của Ong trong lòng người dân ở đó vẫn không bị sứt mẻ gì cả. Ông ta đã ban cho dân chúng ở đó quá nhiều ân huệ bằng cách phó mặc đường phố cho những người bán rong. Ông ta đã cho đặt các vòi nước công cộng, lắp đèn đường và nói về chuyện cấp giấy phép tắc xi thoải mái. Dân chúng sẵn sàng bỏ qua những lời nói dối và nhiều thất bại khác của ông ta. Họ bất mãn chỉ vì chúng tôi không chịu cấp nhập cảnh cho bà con của họ từ Trung Quốc qua, một điều giờ đây ông ta nêu lên thành vấn đề lớn, mặc dù Ong chưa từng làm như vậy bao giờ lúc còn là một Bộ trưởng. Ong biết rằng nếu chúng tôi làm như vậy, sẽ có rắc rối lớn với các sắc dân khác, cả với giới người Hoa có Anh học, và chắc chắn sẽ làm các nhà lãnh đạo Malaya tức giận. Cử tri không màng tới bốn kiến nghị có tính chất thân cộng của Ong. Chúng tôi khám phá ra những chuyện này khi chúng tôi cố làm cho ra lẽ. Tôi đã đi khắp Hong Lim, một khu bầu cử đông dân nằm ở trung tâm Chinatown, lên lên xuống xuống những cầu thang gỗ ọp ẹp của những nhà xưởng xiêu vẹo để vận động hầu như tất cả mọi người, đôi khi còn phải tới lui cùng một chỗ đôi ba lần. Dân chúng tử tế thì có, nhưng ủng hộ thì không. Chúng tôi đã ráng hết sức mình, nhưng chúng tôi biết họ đã quá gắn bó với Ong. Và chúng tôi còn phải tính toán đến Lim Chin Siong, vốn cũng đang bất mãn bởi chúng tôi đã sửa đổi luật pháp để cho phép chính quyền kiểm soát tốt hơn các nghiệp đoàn thân cộng và các hiệp hội văn hóa.

Lim Chin Siong muốn bãi bỏ Hội đồng an ninh nội chính bởi ông ta biết nếu ông ta vượt quá những giới hạn nào đó, Hội đồng sẽ ra tay, và nếu hội đồng ra lệnh bắt giam các lãnh tụ cộng sản, chính phủ Singapore sẽ không hề có trách nhiệm gì trong chuyện này cả và không thể bị sỉ vả là tay sai của thực dân được. Bởi lần này đại diện của chính phủ Malaya, chứ chẳng phải một thống đốc người Anh, với lá phiếu có tính quyết định, sẽ là người phát pháo khai hỏa. Khi chúng tôi từ chối xét lại vấn đề này, Lim đã phát biểu về những chủ trương này tại một cuộc mít–tinh gồm cả nghìn đoàn viên công đoàn tại Victoria Memorial Hall và rỉ tai trong khu Hong Lim là không ủng hộ PAP. Khi cuộc đầu phiếu được tiến hành, Ong đã đánh bại ứng cử viên của chúng tôi với tỷ lệ 7.747 trên 2.820.

Đây là một thất bại đau đớn, nhưng tôi quyết phải tiếp tục chiến đấu. “Kết quả,” tôi nói, “cho thấy rõ chúng ta phải xây dựng lòng tin của quần chúng đối với chúng ta.”

Điều an ủi trong kinh nghiệm cay đắng này là tôi thấy tin tưởng mình có thể trở thành một diễn giả Hokkien. Với việc ngưng chức Ong vào tháng 6/1960, chúng tôi mất đi diễn giả Hokkien giỏi nhất của mình, đủ sức đối chọi được với Lim Chin Siong. Keng Swee đề nghị chính tôi sẽ là người phải cố gắng trám vào chỗ đó, chứ chẳng phải tìm một ai khác để rồi người đó có thể lại gây rắc rối cho chúng tôi lần nữa. Do vậy, tôi bắt đầu học phương ngữ này, tranh thủ một giờ trong bữa ăn trưa hoặc vào lúc chiều tối, được ba, và thường là năm lần một tuần. Tôi có hai vị thầy giáo giỏi, nhân viên của đài truyền thanh của chúng tôi. Người thứ nhất dạy tôi toàn bộ hệ chữ La tinh hóa hiện đại để nắm được cách phát âm các chữ Hoa theo giọng Hokkien. Tiếng Hokkien chẳng giống tiếng Quan thoại chút nào, nó có tới bảy âm vận, thay vì bốn, và dùng những kết hợp từ khác nhau để làm thành động từ, danh từ và tính từ. Nhưng cả hai cũng đều là tiếng Hoa, và may thay tiếng Quan thoại của tôi cũng đủ giỏi để có thể đi thẳng vào tiếng Hokkien mà không phải bắt đầu từ đầu, cũng như xuất phát từ tầng hai hay ba của một tòa nhà 25 tầng. Vậy mà lần đầu tiên tôi phát biểu bằng tiếng Hokkien tại Hong Lim, trẻ em trong đám công chúng đã cười rộ vì những cái sai của tôi – âm sai, giọng sai, câu cú sai, hầu như cái gì cũng đều sai. Nhưng tôi không thể cứ đứng đó mà sượng sùng. Đó là một vấn đề có tính chất sống còn. Đó không chỉ là việc đấu tranh với Ong. Tôi đang chuẩn bị cho một cuộc tranh tài không thể nào tránh khỏi với Lim Chin Siong và những người cộng sản. Tất nhiên tôi sẽ thua nếu tôi không thể nói được phương ngữ đó đủ thành thục để truyền đạt quan điểm của mình cho khối đa số người Hoa thất học hoặc ít học này, vốn không hiểu được tiếng Quan thoại. Vào cuối chiến dịch, và sau vô số bài phát biểu, tôi đã nói được tiếng Hokkien đủ cho người ta hiểu.

Để học một ngôn ngữ mới ở vào tuổi ngoài 30 như tôi, trong khi còn phải ngập đầu trước hàng khối giấy tờ được đóng dấu nào là Ngay, Khẩn, Bí mật, Tối mật, rồi biết bao là hồ sơ có những dấu thập đỏ to tướng nằm trên bìa hồ sơ cộng với hàng dấu Cicero (trình đích danh), đòi hỏi một sức tập trung và nỗ lực gần như là siêu phàm, tôi chẳng thể làm nổi được chuyện đó nếu như không có một động lực mang tính bắt buộc. Khi tôi bắt đầu, đúng như một ngạn ngữ Trung Quốc đã nói, nó khó còn hơn cử đỉnh trước đền. Ngay cả trong lúc ngồi xe đến chỗ mít-tinh tôi cũng phải nhẩm bài, ôn lại những câu mới. Đôi khi thầy giáo của tôi phải ở bên cạnh để sửa sai ngay cho tôi sau bài phát biểu đầu tiên và trước bài diễn thuyết kế tiếp. Mỗi khi rỗi tôi phải tập phát âm lại cho đúng, học thuộc những từ mới để chúng khắc sâu vào đầu sao cho có thể thốt ngay ra cửa miệng mà không phải nhìn xuống bản viết sẵn. Tôi phải học cấp tốc.

Bằng sự thực hành tại chỗ và lặp đi lặp lại qua suốt mấy tháng liền, nói mà không cần có ghi chép, lầm lỗi và sửa đi sửa lại hoài, cuối cùng tôi cũng đã nói sõi phương ngữ này, và có thể phát biểu cả nửa giờ đồng hồ mà không phải mò mẫm chữ nghĩa và câu cú hay loay hoay tìm chúng trong bản viết sẵn có gạch dưới của mình. Công chúng đã thấy hết những điều này và tôi đã giành được lòng thán phục của họ. Lúc mới đầu, tôi lúng túng, vụng về và gần như đáng buồn cười. Nhưng nay tôi đã đứng trước mặt họ, bỗng dưng có thể diễn đạt tư tưởng của mình bằng ngôn ngữ của họ một cách trôi chảy. Tôi có thể chẳng biết dùng thành ngữ, thậm chí chẳng có văn phạm gì cả, nhưng lời tôi nói chẳng hề sai trệch ý nghĩa, và được nói ra với cả sự hùng hồn, đầy cảm xúc và đầy tin tưởng khi tôi biện luận, ca tụng, cảnh cáo, và cuối cùng cũng đã lôi kéo được một số người đi theo mình.

Tôi đã trở thành người phát biểu phương ngữ đó cho chính mình. PAP không có một Lim Chin Siong hay một Ong Eng Guan, vốn là những diễn giả người gốc Hokkien. Dân chúng biết tôi bước đi từ con số không vào năm 1961 và do vậy đã không nghi ngờ gì về quyết tâm và nghị lực của tôi. Tôi là người Hakka, và người Hakka là nhóm dân thiểu số sống giữa những người nói các phương ngữ khác, và được coi là những người có khiếu ngoại ngữ. Điều này đã tăng thêm huyền thoại. Họ nghĩ tôi học ngôn ngữ mới một cách dễ dàng cũng là điều tự nhiên. Nhưng chỉ có Choo mới biết tôi đã phải chật vật như thế nào để nắm được tiếng Hokkien.

Ngay sau trở lực đó ở Hong Lim, chúng tôi đã phải đối đầu với một trở lực khác nữa. Khoảng chín ngày trước khi có cuộc đầu phiếu ở Hong Lim, dân biểu đại diện cho khu Anson là Baharuddin bin Mohamed Ariff chết vì một cơn đau tim. Anh là một người Malay trẻ mới bước vào độ tuổi 30, một phóng viên của tờ Utusan Melayu, từng là nghị viên của PAP trong hội đồng thành phố, một con người có năng lực, thông minh và đầy hứa hẹn. Đúng là một cú sốc, và điều đó có nghĩa là phải có một cuộc bầu cử bổ sung khác nữa. Tôi biết những người cộng sản giờ đây sẽ cố đuổi theo chúng tôi cho đến kỳ cùng. Họ sẽ xem vụ Hong Lim như một dấu hiệu cho thấy khối người nói tiếng Hoa mà chúng tôi đã chinh phục trong cuộc tổng tuyển cử thật ra là ủng hộ Ong chứ không phải chúng tôi, và chúng tôi, những người theo Anh học, không có lực lượng ủng hộ thực sự trong khối người nói tiếng Hokkien.

Vào ngày Quốc tế lao động năm đó, khi đến dự cuộc mít–tinh của Tổng Liên đoàn lao động tại vận động trường Jalan Besar, tôi quyết định sẽ không nhượng bộ. Tôi trích câu Lim Chin Siong vẫn nói: “Tìm sự tương hợp, duy trì sự khác biệt”, một khẩu hiệu ngắn gọn mà Mao Trạch Đông thường dùng mỗi khi ông ta kêu gọi một mặt trận thống nhất trong những vấn đề đặc thù nào đó. Để vạch rõ PAP sẽ không yêu cầu dẹp bỏ Hội đồng an ninh nội chính khi hiến pháp được tu chính vào năm 1963, tôi đã phát biểu rằng: “Hãy tìm kiếm sự hòa hợp nếu như các bạn muốn, nhưng là trên quan điểm của PAP, bằng không hãy giữ lấy sự khác biệt của các bạn và đừng tìm kiếm sự hòa hợp gì cả nếu như các bạn thấy rằng PAP đi ngược với lợi ích của các bạn.” Chúng tôi tin rằng có thể bỏ ngỏ những vấn đề then chốt về sửa đổi hiến pháp cho đến năm 1963 được, nhưng vì những biến chuyển trước và trong thời gian bầu cử bổ sung ở Hong Lim, tôi quyết định phải giải quyết chúng sớm.

Mấy ngày sau, một nữ liên lạc viên người Hoa đã đến gặp Choo ở văn phòng, có mang theo thư gửi cho tôi. Cũng cô liên lạc đó vào đầu năm đã chuyển cho tôi một bức thư do ông Đặc mệnh gửi, yêu cầu tôi đặt cho ông một cái tên giả để liên lạc với ông ấy. Tôi đã quyết định chọn cho ông cái tên là “Ping An”, với họ là “Fang”, nghĩa là “bình an và yên tĩnh”. Lần này ông hỏi tôi có thể gặp ông được hay không, và nếu được thì quay số điện thoại của cửa hiệu xe đạp trên đường Rochor.

Tôi lưỡng lự. Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, tôi chỉ là một dân biểu. Bây giờ tôi đã là Thủ tướng. Nếu tôi bị phát hiện là có liên lạc với kẻ thù, thật rắc rối vô cùng. Và tôi sẽ phải tới gặp ở địa điểm bí mật nào đó một mình. Một khi tôi đã là mối đe dọa trong những kế hoạch của họ, những người cộng sản có thể âm thầm thanh toán tôi. Tôi đã quyết định chơi liều một phen, nhưng có tính toán trước, để biết ông ta đang nghĩ gì. Điều đó cũng nguy hiểm cho chính ông. Tôi có thể đến chỗ họp và đã báo trước cho cảnh sát. Họ có thể mai phục ông ta. Nhưng bằng cách chọn một cái tên giả có bao hàm tên họ của ông ta, tôi có ý cho biết rằng tôi đã biết ông ta là ai: anh trai của nghị viên Fung Yin Ching. Nếu muốn bắt giữ ông ta, tôi sẽ không bỏ qua dịp này, và điều đó cũng để cho ông thấy tôi là người đáng tin cậy. Tôi cũng đánh liều mà coi ông là một người đáng tin cậy và không lợi dụng tình thế dễ bị thiệt hại của tôi.

Khi gọi điện tới, tôi nhận ra giọng trả lời là của người đã tiếp xúc lần đầu tiên với tôi vào năm 1958. Chúng tôi đồng ý với nhau về địa điểm gặp gỡ, rằng tôi sẽ tìm một cô gái tóc thắt bím đi bộ dọc theo đường Keng Lee cách chỗ quảng trường Newton vào lúc 8 tối ngày 11/5/1961. Một lần nữa tôi đã dùng chiếc Morris Minor màu xanh lục nhạt của cha tôi và đón cô ta lên xe. Ông Đặc mệnh hẳn đã sắp xếp bám đuôi chiếc xe của tôi để chắc rằng không ai theo dõi chúng tôi cả, nhưng tôi đã không nhìn vào kính chiếu hậu bởi biết đâu cô ta báo cáo lại chuyện này và do vậy làm dấy lên sự nghi ngờ và mất tin tưởng. Sau khi đi gần trọn con đường, chúng tôi dừng lại ở St Michael’s Estate, một khu chung cư đang xây dựng của Ủy ban gia cư và phát triển nằm trên đường Serangoon. Khả năng và sự thông minh của tổ chức cộng sản khiến tôi thán phục. Chẳng ai khác có nhúng tay vào vụ gặp gỡ này ngoại trừ HDB. Tôi bước trong tối, leo lên hai dãy bậc thang của một khối nhà đang xây dở dang. Vật liệu xây dựng còn vung vãi đó đây, và chưa có điện có nước gì cả. Khi tôi bước vào căn phòng thắp nến do cô gái chỉ, ông Đặc mệnh đang đứng đó chờ tôi. Trong phòng chỉ đặt có hai ghế bành và một cái bàn ở giữa. Ông biết tôi là một người có uống bia nên đã mời tôi loại bia Anchor. Ông khui một chai, rót đầy một vại cho tôi, rồi cho ông. Ông ta uống trước. Tôi mong là mình đừng để lộ vẻ ngập ngừng trước khi uống. Chúng tôi phải tin cậy nhau thì mới cởi mở tấc lòng với nhau được.

Ông trông khỏe hơn, tuy gầy hơn so với lúc chúng tôi gặp nhau lần cuối cách đây hai năm. Tôi hỏi ông dạo này ra sao. Ông nói rằng cũng lắm gay go, khá vất vả. Tôi bảo ông không có vẻ gì là như vậy cả, trông ông khỏe khoắn lắm. Không phải, ông cảm thấy vậy thôi. Ông cám ơn tôi đã giúp đỡ cho em gái của ông. (Cô đã bị bỏng lúc còn nhỏ và đôi chân đã bị sẹo nhiều đến nỗi lúc nào cũng phải mặc quần dài. Vào năm 1960, Choo đã sắp xếp để Yeoh Ghim Seng, giáo sư phẫu thuật và một người bạn của tôi thời còn ở London, tiến hành ghép da cho cô.) Khi chúng tôi trở lại đề tài chính trị, giọng nói của ông có vẻ lo âu. Ông nói rằng tôi nên mau chóng thay đổi cách nghĩ của mình, điều đó có nghĩa rằng nếu tôi không chấp nhận quan điểm của ông, chúng tôi sẽ tự mình rước lấy cái khổ. Cũng như những lần gặp nhau trước đây, tôi vẫn giữ thái độ im lặng. Tôi không vội tranh luận với ông; tôi sẵn sàng hòa giải nhưng sẽ không cam kết gì cả. Nhưng tôi muốn biết ông muốn nói gì với tôi.

Chúng tôi đã trò chuyện với nhau suốt bốn tiếng đồng hồ, từ 8 giờ 15 đến quá nửa đêm, điểm qua nhiều vấn đề. Nhưng ông sẽ quay trở về lần nữa để “trao cho dân chúng quyền dân chủ, tự do văn hóa, tự do nhập sách vở từ Trung Quốc hơn và được phép nhập cư thoải mái hơn” – tóm lại, tạo nhiều cơ hội hơn cho các hoạt động của cộng sản, cho sự bành trướng của cộng sản. Ông muốn chúng tôi cộng tác, không phải vì nền độc lập, cũng không phải để đòi lại các căn cứ của người Anh – những chuyện này có thể làm được trong một vài năm – mà là để giải tán Hội đồng an ninh nội chính.

Ông băn khoăn trước việc tôi nói rằng chính phủ PAP từ chối chuyện này, và muốn biết chủ định của tôi như thế nào. Tôi nói rằng nếu tôi kết luận tình huống hiện tại sẽ chỉ tệ hại hơn thêm trong những năm tới, thì việc chờ đợi cho nhiệm kỳ năm năm kết thúc sẽ chẳng có ý nghĩa gì. PAP sẽ thất bại. Và tôi sẽ chỉ tiếp tục nếu có triển vọng rằng các chính sách của mình thành công. Tôi giải thích rằng phải phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng ý của Liên bang về thị trường chung, để có được cơ hội tốt hơn cho việc công nghiệp hóa và tạo được nhiều công ăn việc làm hơn. Ông hỏi tôi có nghĩ rằng Tunku sẽ sớm tính chuyện hợp nhất không. Tôi trả lời rằng không có triển vọng gì lắm, Tunku nhất quyết chống Singapore. Chúng ta quá Trung Hoa và người Hoa thì lại quá thân cộng.

Ông cứ nhấn mạnh với tôi hoài rằng mục tiêu trước mắt cho cuộc bàn thảo hiến pháp trong năm 1963 nên là chuyện giải tán Hội đồng an ninh nội chính. Sau khi quan sát cử chỉ, giọng nói và sự mong mỏi có PAP cộng tác nhưng theo những điều kiện của ông, tôi thấy mình ngu lắm mới đồng ý với ông. Rõ ràng ông ta muốn chúng tôi góp phần vào việc tạo thêm cơ hội cho những người cộng sản bành trướng mặt trận thống nhất của họ từ 1961 đến 1963, và rồi giải tán Hội đồng an ninh nội chính cho dù người Anh không thể nhượng bộ cái gì khác được.

Tôi quyết định rằng cứ quanh co thì chẳng đạt được gì. Tôi đang trong chính quyền. Nếu bây giờ tôi đồng ý với ông ta, thì sau này, xem những hành động của tôi, ông ta sẽ thấy là tôi nói dối. Tôi không trực tiếp trả lời với ông là “không”, mà nói rằng tốt nhất ông ta nên nghĩ rằng PAP sẽ làm những gì mà đảng đã phát biểu trước công chúng rằng mình sẽ làm. Nói khác đi những tuyên bố công khai của tôi vẫn nói lên đường lối của tôi trong tương lai. Chúng tôi đã bắt tay nhau để từ giã. Ông chẳng tỏ vẻ hiềm thù hay oán giận gì cả. Ông có lẽ đã ngạc nhiên là tôi đã thoái thác, khi mà tôi có thể nói xuôi theo và rồi sau đó làm theo ý mình.

Lúc đó tôi cảm thấy rằng ông chưa hiểu hết tình huống rằng chừng nào người Anh chưa trao độc lập cho Singapore, chừng đó họ vẫn còn có quyền thu hồi hiến pháp. Chừng nào chủ quyền và các căn cứ vẫn còn trong tay người Anh, chừng đó ông ta quả là ngu xuẩn mới tin rằng mình có thể khiến cho Hội đồng an ninh nội chính bị giải tán và xây dựng được sức mạnh của cộng sản tại Singapore nhằm làm suy yếu được Liên bang. Ông đã tính sai nước cờ. Người cộng sản chẳng bao giờ có thể kiểm soát được Singapore mà không kiểm soát được Malaya trước, vậy mà ông lại hy vọng dùng Singapore để lật đổ chính quyền ở Kuala Lumpur. Sao ông lại nghĩ người Anh sẽ chịu để cho chuyện đó xảy ra được kia chứ? Thực ra tôi đã nói với Selkirk ở một cuộc họp của Hội đồng an ninh nội chính rằng người cộng sản muốn rằng bằng bất cứ giá nào cũng phải biến hòn đảo này thành một căn cứ để giải phóng toàn Malaya, và họ đã tích cực cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của người Hoa bằng cách đánh mạnh vào nỗi sợ bị người Malay thống trị của người Hoa nếu như chuyện hợp nhất xảy ra.

Tôi đã nói với Selkirk và Moore rằng người cộng sản tin rằng hiện tại không cần phải chống đốì những căn cứ của người Anh, bởi chúng có thể dễ dàng trở nên vô dụng khi có chiến tranh. Họ cũng chẳng coi trọng luận điểm kinh tế tán đồng việc hợp nhất và tin rằng, cũng y như Cuba và người Nga vậy, họ có thể trông cậy vào sự giúp đỡ đại quy mô của Trung Quốc. Như vậy, nếu Singapore không sớm liên kết với Liên bang, tình thế có thể sẽ trở nên không kiểm soát nổi, nhưng nếu có thể đưa ra được trước công chúng một đề xuất hợp nhất trong vòng chín tháng hay một năm, thì chuyện có thể được. Sau đó, có lẽ sẽ là quá trễ. Tôi đã nhấn mạnh với Moore rằng chúng ta đang ở một thời điểm có tính quyết định, và nếu người Anh để cho những người cộng sản tin rằng có thể có một Singapore thân cộng được, họ sẽ gây rắc rối cho cả Singapore lẫn Malaya. Tôi tuyệt đối tin chắc rằng cho dù người Anh có chấp nhận chuyện xây dựng bước đầu đi chăng nữa thì họ cũng sẽ đình chỉ hiến pháp ngay khi mọi điều đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Sẽ có bạo loạn và đổ máu, và những người cộng sản sẽ bị đè bẹp bởi quân đội Anh vốn vẫn nắm chủ quyền trên đảo này.

Nhưng chuyện đó ông Đặc mệnh phải hiểu chứ việc của tôi đâu phải là giải thích cho ông ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Hồi Ký Lý Quang Diệu - Tập 1 Chương 21: Thua Đậm Ở Hong Lim

Có thể bạn thích