Hồi ký Đỗ Mậu
Chương 12

Năm 1960, như đã trình bày, nếu đã là năm mở đầu cho sự băng hoại tận gốc rễ của chế độ Diệm với 5 biến cố là sự thảm bại của sư đoàn 21, bức tranh chuột đục khoét quả dưa hấu miền Nam của báo Tự do, bản tuyên cáo của Nhóm Caravelle, cuộc binh biến 11.11 do binh chủng nhảy dù khởi xướng và sự ra đời đầy thách đố của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, thì năm 1961, Việt cộng phát động những trận đánh lớn nâng mức độ huỷ diệt của chiến tranh lên một tầng cao hơn để phát triển màng lưới chính trị ở lông thôn, xây dựng hạ tầng cơ sở tuyên truyền tố cáo những tội ác của chế độ để phát huy chính nghĩa và thanh thế thêm cho Mặt trận.

Tình trạng mất an ninh của miền Nam cũng như viễn tưởng huỷ diệt của chính chế độ rõ ràng và khẩn cấp đến nỗi thành phần rường cột trung kiên nhất của chế độ lúc bấy giờ cũng phải hốt hoảng lo lắng. Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Nha chiến tranh tâm lý, chủ tịch Uỷ ban quân uỷ đảng Cần lao, Lê Văn Thái (hiện ở Mỹ), Phụ tá giám đốc Nha nghiên cứu chính trị của Trần Kim Tuyến và bác sĩ Lý Trung Dung, uỷ viên Trung ương Đảng Cần lao bèn vận động với ông Ngô Đình Nhu và một số chính khách nhân sĩ đối lập ôn hoà để thành lập Hội nghị Đại đoàn kết toàn dân chống cộng trong mục đích cải thiện chế độ và làm giảm bớt nỗi căm thù của quần chúng đối với chế độ ông Diệm.

Cuộc vận động bắt đầu từ 18.1.1961 mà mãi đến mồng 2.7.1961 mới thành hình và mới triệu tập được một buổi họp chính thức tại tư gia của bác sĩ Phan Huy Quát với sự tham dự của một số chính khách có cả bác sĩ Đặng Văn Sung (hiện ở Mỹ) và dưới sự chủ toạ của ông Ngô Đình Nhu. Người bạn trẻ của tôi anh Tạ Chí Diệp (con của cụ Tạ Chương Phùng, một cựu đồng chí của ông Diệm) vừa mãn tù ra và được Đại hội cử làm thuyết trình viên. Sau khi trình bày thực trạng nguy ngập của đất nước, những hiểm hoạ rõ ràng của Cộng sản. Đại hội đưa ra quyết nghị gồm các điểm: “công khai hoá hoạt động của các chính đảng, lập một diễn đàn chính trị, xét lại vấn đề chính trị phạm (vì người quốc gia chống Cộng bị bắt bớ giam cầm quá nhiều, nhất là ở thôn quê), lập một hội đồng chính trị có nhiệm vụ phê bình và chất vấn chính quyền, và cử một Uỷ ban vận động Đại đoàn kết gồm 11 người để thực hiện nghị quyết”.

Rõ ràng nghị quyết đó là một giải pháp chính trị ôn hoà và thực tế để cứu nước, một phương thức dân chủ gây lại tinh thần đoàn kết, xoá bỏ hận thù. Nhưng ông Nhu không những bác bỏ ngay hết mọi đề nghị của. Đại hội mà còn nặng lời chỉ trích các chính khách, đảng phải, và lên án họ đã phá hoại chế độ, không để cho chính quyền của ông ta rảnh tay lo đối phó với Cộng sản.

Sau lần gặp gỡ duy nhất đó, ông Nhu không bao giờ đi họp nữa và Đại hội cũng tan luôn. Tội nghiệp cho mấy vị chính khách nhiệt thành và mấy ông Cần lao ngây thơ; họ không biết kinh nghiệm đã cho thấy rằng đối với anh em nhà Ngô thì cả nước chỉ biết cúi đầu tuân phục. Những thiện chí, những sáng kiến dù có giá trị và xuất xướng từ người thân tín mà hễ đả động đến tự ái của anh em nhà Ngô thì chỉ là những giấc mơ không bao giờ thành sự thật. Nhiều kẻ đưa ra thiện chí, đưa ra sáng kiến còn mua lấy tai hoạ như trường hợp Tạ Chí Diệp vì quá hăng say trong việc cứu nước mà lấy cái chết sau này.

Sau Đại hội đoàn kết bất thành, Diệp bị bắt và bị thủ tiêu luôn. Được tin Diệp bị Công an sát hại, Bác sĩ Tuyến và tôi vô cùng bàng hoàng kinh khiếp. Chúng tôi gặp nhau than thở không ngờ nhóm Nguyễn Văn Y, Dương Văn Hiếu tàn ác đến thế.

Không ai có thể chối cãi được thái độ chính trị của Tạ Chí Diệp cũng như những đề nghị của anh ta trong Hội nghị đoàn kết là những đề nghị xây dựng để mong cứu lấy miền Nam, thế mà Diệp đã chết vì cái chủ trương đối lập xây dựng đó. Huống chi Diệp lại là con trai độc nhất của cụ Cử Tạ Chương Phùng, một đồng chí son sắt của ông Diệm trong phong trào Cường Để từng hy sinh thân thế, sự nghiệp, tiền của cho ông Diệm, từng bị mật thám Pháp tra tấn đến nỗi gẫy cả răng và điếc cả tai.

Diệp chết đi để lại một cha già gần 70 tuổi nghèo nàn và cô đơn, để lại một bà nội trên 90 tuổi già nua bệnh tật. Trước cảnh thương tâm đó chỉ còn cụ Huỳnh Minh Y bà bác sĩ Bùi Kiện Tín giúp đỡ cụ Tạ một phần nào mà thôi.

Cái chết của Tạ Chí Diệp cũng như cái chết của Nguyễn Tấn Quê, Vũ Tam Anh, Nguyễn Bảo Toàn v.v... và hàng trăm ngàn người dân vô tội ở thôn quê nằm trong chính sách tiêu diệt người quốc gia đối lập của chế độ Diệm. Ai cũng biết rằng cái chết oan khiên của hàng trăm ngàn người dân quê nhiều khi là do hành động lạm quyền của các cán bộ Cần lao công giáo còn việc sát hại những nhân vật chính trị tên tuổi tại Sài gòn là phải có lệnh của các ông Diệm, Nhu, Cẩn. Thế mà sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, trước Toà án Cách mạng, đại tá Nguyễn Văn Y dám khai rằng ông ta đã ra lệnh giết những nhân vật quốc gia kia chỉ vì "nghe không rõ lệnh của Tổng thống". Đó là một lời khai gian xảo tuy có ý bênh vực Tổng thống Diệm nhưng đồng thời cũng tố cáo Tổng thống Diệm đã liên hệ vào các vụ giết người. Dù sao thì một chế độ chủ trương sát hại, thủ tiêu những người quốc gia đối lập đã là một chế độ tàn bạo kiểu Nazi Đức Quốc Xã. Còn một chế độ mà ông Tổng giám đốc cầm đầu ngành Công an, Cảnh sát vì "nghe không rõ lệnh của ông Tổng thống" mà đem những nhân vật quốc gia chân chính đi trấn nước cho chết như trấn nước một con chó dại thì chế độ đó là chế độ gì? Đừng trách thống nhà văn Hiếu Chân, Chu Tử, Tư Chung buộc tội chế độ Diệm là thứ "Chế độ cầm phi thú”.

Trường hợp yếu tử của Đại hội đoàn kết nếu đã để lại những xót xa và phản tỉnh trong lòng một số người thì nó cũng đã xác nhận thêm cái chân tướng chính trị của Ngô Đình Nhu, một chân tướng được đúc nặn bằng tâm địa thâm độc chủ quan và óc tham quyền cố vị. Năm 1953 khi cần tạo uy thế cho anh mình để nắm chính quyền, Ngô Đình Nhu đã chủ trương chính sách Đại đoàn kết với các đảng phái đến nỗi Ngô Đình Nhu không ngại ngồi chung và cộng tác với những kẻ mà Nhu cho là "ăn cướp” như Năm Lửa, Bảy Viễn; thế mà khi nắm giữ được quyền hành rồi Nhu lại bác bỏ phương thức Đại Đoàn kết để cứu nước, chỉ điều hành sinh hoạt quốc gia bằng những luật lệ độc tài phản dân chủ, khinh thị quốc dân, chỉ trích mạt sát các đảng phái mặc dù đất nước đang rách nát đau thương do chính tay gia đình ông ta gây ra.

Đã không chịu thực hiện công cuộc Đại đoàn kết, liều thuốc cuối cùng và hợp lý nhất để cùng nhau đương đầu với kẻ thù chung là Cộng sản, nhà Ngô còn ngoan cố bác bỏ mọi đề nghị dân chủ hoá chế độ của người Mỹ, mọi đề nghị đoàn kết của quốc dân, còn khinh thường thái độ của quân đội và nhân dân đã nhiều phen tha thiết biểu lộ nguyện vọng xin chính quyền nới rộng bàn tay kìm kẹp. Thủ đoạn thành lập chính phủ mới dưới đây càng tỏ rõ thái độ ngoan cố và khinh thường ý kiến của người Mỹ và ý nguyện của nhân dân Việt nam.

Sau khi làm lễ tuyên thệ chức Tổng thống nhiệm kỳ II trước Quốc hội vào ngày 28-5-1961, anh em ông Diệm thành lập một chính phủ mới và tuy tuyên bố có cải tổ trong thành phần nhân sự nhưng thật sự cũng chỉ là những người thân tín cũ. Nếu có vài người mới thì cũng chỉ là thứ người chỉ biết uốn mình theo chế độ Cũng như mới nhìn thì có vẻ một sự tái phối trí về nhiệm vụ nhờ một số danh từ mới nhưng những danh từ này thật ra chỉ cốt để đánh lận con đen, không lừa dối được ai mà lại còn bày tỏ rõ ràng thêm những thủ đoạn chính trị ấu trĩ. Chính phủ mới có ba bộ đặc nhiệm gồm có Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ kiêm Bộ trưởng Đặc Nhiệm Phối Hợp Phát triển Kinh Tế, ông Nguyễn Đình Thuần, làm Bộ trưởng tại Phủ Tổng thống kiêm Bộ trưởng Phụ Tá Quốc phòng và Bộ trưởng Đặc nhiệm phối hợp An ninh là ông Trương Công Cửu, vốn là Dân biểu và chủ tịch "Uỷ ban chống phiến cộng", giữ chức Bộ trưởng Đặc nhiệm Văn Hoá Xã hội, Lúc đặt ra ba bộ Đặc nhiệm, anh em ông Diệm muốn chứng tỏ đang thực hiện chính sách tản quyền nhưng thiên hạ còn lạ gì thủ đoạn của họ Ngô vì trong lúc đưa ra ba bộ Đặc nhiệm do chính cộng sự viên thân tín nắm giữ thì đồng thời nhà Ngô cũng lại ban hành nhiều sắc luật đặc biệt để nắm chặt lấy quyền hành.

Ngoài ba vị Bộ trưởng Đặc nhiệm trên đây còn có các ông Vũ Văn Mẫu, Bộ ngoại giao, Bùi Văn Lương, Bộ Nội Vụ, Nguyễn Văn Lượng, Bộ tư pháp, Nguyễn Quang Trình, Bộ Giáo dục, Ngô Trọng Hiếu, Bộ Công dân Vụ, Hoàng Khắc Thành, Bộ Kinh Tế, Nguyễn Lương, Bộ Tài Chánh, Trần Lệ Quang, Bộ Cải Tiến Nông Thôn, Trần Đình Đệ, Bộ Y Tế, Huỳnh Hữu Nghĩa, Bộ Lao động, Nguyễn Văn Dinh, Bộ Giao Thông Công chánh. (Đa số các vị trên đây đều có mặt tại hải ngoại). Ngoài một số Bộ trưởng được dư luận coi như nhân tài hay liêm chính như các ông Trần Lệ Quang, Vũ Văn Mẫu, Trần Đình Đệ, Nguyễn Văn Lượng... một số khác có những “huyền thoại riêng, tuy nhiên có hai nhân vật đặc biệt được dư luận bàn tán rất nhiều là các ông Huỳnh Hữu Nghĩa và Ngô Trọng Hiếu.

Ông Huỳnh Tấn Nghĩa (hiện ở Pháp) tuy rất trẻ tuổi và không có một bằng cấp văn hoá nào nhưng ông ta là "chiến hữu" của tướng Trịnh Minh Thế đã được đại tá CIA Lansdale thuyết phục kéo quân từ chiến khu Bà Đen về hợp tác với anh em ông Diệm từ thời 54-55. Giới báo chí và dân chúng thủ đô cho rằng ông lo việc bàn đèn cho ông Nhu tại Sài gòn cũng như một ông Thị trưởng lo bàn đèn cho ông Nhu tại Đà Lạt mỗi khi ông Nhu đi săn bắn. Dư luận đó không biết có đúng không nhưng theo ông Nguyễn Đình Thuần kể lại cho nhiều người Mỹ biết thì ông Nhu là người nghiện thuốc phiện. Ông Nhu có cặp môi xám đen như thường thấy nơi những người hút sách nghiện ngập, thường đến chơi và thường ăn cơm tại nhà ông Nghĩa. Những chuyện mà các chính khách và các văn nghệ sĩ ở Sài gòn bàn tán nhiều là vào năm 1956, ông Nghĩa đã cho ra đời một thi phẩm tự đề là "Việt nam ngày nay" để ca tụng Tổng thống Diệm như một “vĩ nhân giữa đời kết tinh ý trời và hồn sông núi" để trong phần kết luận tác giả đã chiêm ngưỡng thần tượng do mình tạo nên bằng cách "Cúi đầu lạy trước cao dày, cùng nhau kể lể những ngày sau xưa". Thi phẩm quái đản này và việc lo bàn đèn cho ông Nhu chắc chắn đã đóng góp vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Lao động mà ông Nghĩa đã nắm cho đến ngày tàn của chế độ Ngô triều.

Người ta chú ý đến ông Ngô Trọng Hiếu (hiện ở Mỹ), vì ông Hiếu làm Bộ trưởng cho chính phủ "Cách mạng Nhân vị" Việt nam cộng hoà mà gốc gác lại không phải là người Việt nam. Mẹ ông là người Việt nhưng cụ thân phụ của ông là người Phillippines có quốc tịch Pháp, và tuy ông sinh đẻ ở Thủ Dầu Một nhưng lại theo quốc tịch cha. Ông đã từng học luật ở Pháp và vì người Pháp nên ông được chính phủ Bảo hộ cử giữ chức Trưởng Ty ngân khố. (Dưới thời Pháp thuộc chỉ có người Pháp mới được giữ chức này). Ông được ông Thơ giới thiệu với anh em ông Diệm cho đi làm Đại sứ Việt nam ở Phnom Penh. Buồn cười thay những thất bại trong nhiệm vụ Đại sứ lại làm cho ông trở thành Bộ trưởng công dân Vụ cho đến ngày chế độ Diệm sụp đổ.

Dư luận đã cho rằng việc nhà Ngô trọng dụng ông Ngô Trọng Hiếu là một thái độ khinh thị quần chứng, coi quốc gia đã hết nhân tài nên mới dùng "con Tây" làm Bộ trưởng. Hai nhân vật Ngô Trọng Hiếu và Huỳnh Hữu Nghĩa trong tân Nội các của ông Diệm vào nhiệm kỳ Tổng thống thứ II đã biểu lộ một cách chính xác nhất bản chất chế độ Diệm chỉ là chế độ trung ương tập quyền và phong kiến quan lại chỉ tin dùng những bề tôi nịnh thần. Vì miền Nam đã thực sự suy yếu, chế độ Diệm đã thực sự lung lay ngay từ năm 1960 khi những biến cố chính trị và quân sự dồn dập xảy đến, nên khi mới bước chân vào toà Bạch ốc và đầu năm 1961, mối ưu tư hàng đầu của Tổng thống Kennedy là vấn đề Việt nam. Ông cấp tốc lấy những biện pháp cần thiết quan trọng để xây dựng lại uy tín cho Tổng thống Ngô Đình Diệm và để cứu vãn miền Nam.

Tổng thống Kennedy vội vã phái Phó tổng thống Johnson qua Sài gòn để quan sát và nghiên cứu tình hình tại chỗ. Trước khi ra đi, Kennedy đã nói với Johnson rằng: "Miền Nam Việt nam đang rối rắm, ta cần phải giúp họ, mà chính họ cũng phải tự giúp họ nữa". Quả lời nói bao hàm nhiều ý nghĩa chính trị. Tổng thống Kennedy cũng nhờ Phó tổng thống Johnson trao cho Tổng thống Ngô Đình Diệm một bức thư đề nghị tăng quân viện và kinh viện, đặc biệt là đề nghị tăng quân số của quân đội VNCH thêm 20.000 người, tăng lực lượng giang thuyền và cận duyên, tăng cường sức mạnh cho Bảo an...

Cuộc viếng thăm ba ngày 11, 12, 13 tháng 5 năm 1961 của nhân vật thứ hai trong chính quyền Hoa kỳ không những chỉ để cho cấp lãnh đạo tố cáo Mỹ có một cái nhìn chính xác hơn về tình hình Nam Việt nam mà còn có mục đích chứng tỏ cho Hà nội và cho dân chúng miền Nam biết rằng Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ VNCH dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Để tạo lại uy tín cho Tổng thống Ngô Đình Diệm vốn đã bị sứt mẻ quá nhiều, khi đến Sài gòn, Phó tổng thống Johnson đã đưa ra lời ca ngợi ngoại giao lố lăng là tôn vinh ông Diệm như một "Winston Churchill Á Đông”. Những lời tán tụng ông Diệm của Phó tổng thống Johnson đã làm cho ký giả Mỹ thêm thắc mắc và nhân dân Việt nam thêm bẽ bàng uất hận.

Tháng 11 năm 1961, Tổng thống Kennedy lại cử Đại tướng Taylor cố vấn quân sự, và ông Rostow, cố vấn an ninh, qua Sài gòn để cùng với chính phủ VNCH thiết lập dự án những nhu cầu viện trợ đa diện, đặc biệt là về phương diện quân sự. Hai nhà chức trách cao cấp Mỹ khi trở lại Washington đã báo cáo với Tổng thống Kennedy rằng tình hình quả thật nguy kịch nhưng vẫn còn có thể chiến thắng được Cộng sản, với điều kiện là Mỹ phải cấp tốc tạo lại tinh thần lạc quan và quyết chiến cho miền Nam Việt nam. Tờ trình nói rằng: "Viện trợ dồi dào và rộng lượng của Mỹ cả về tài lực, nhân lực cho mọi ngành thuộc các cơ cấu dân sự, quân sự có thể đưa đến kết quả là chế độ Diệm có thể được cải tiến để họ có ý chí quyết chiến”.

Trong những năm 61 và 62 đó, tuy chính quyền Kennedy có thật sự ưu tư và yểm trợ cho miền Nam Việt nam nhưng tiếc thay, chính sách yểm trợ đó chỉ củng cố thêm uy tín và địa vị riêng của ông Diệm đang bị lực lượng chủ lực của đất nước là quân đội chống đối. Chính quyền Kennedy đã không dám quyết liệt đòi hỏi ông Diệm phải thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng để trong sạch hoá và hùng mạnh hoá chế độ mà chỉ đề nghị những cải cách phiến diện đến độ anh em ông Diệm cũng không lưu tâm đến. Trong phần tư đầu của nhiệm kỳ, tuy vấn đề Việt nam tiềm ẩn những yếu tố phức tạp và nghiêm trọng nhưng Tổng thống Kennedy vẫn chưa lấy các biện pháp có tầm quan trọng thích đáng vì vẫn hy vọng miền Nam nói chung, và chế độ Diệm nói riêng, dù có sai lầm suy nhược nhưng vẫn còn có thể sửa sai để tự cường được.

Riêng đối với nhân dân Việt nam, với trên 7 năm cầm quyền của anh em ông Diệm, người quốc gia miền Nam đã kinh qua nhiều kinh nghiệm xương máu với chế độ ông Diệm nên hoàn toàn thất vọng, không còn tin tưởng nơi lời nói và việc làm của ông ta nữa. Rõ ràng nhất là anh em ông Diệm vẫn không học được một bài học nào sau một năm 1960 đầy sóng gió, không chịu cảnh tỉnh trước sự công phẫn công khai và quyết liệt của quân nhân để vẫn cứ ngoan cố tiếp tục tác phong khinh thị quốc dân và tiếp tục chính sách quản trị đất nước một cách hẹp hòi ngu xuẩn. Chứng cớ rõ ràng là những vụ lùng bắt, giam cầm sát hại người quốc gia đối lập, vẫn tiếp tục và tiếp tục quyết liệt hơn. Chứng cớ rõ ràng là vụ Ngô Đình Nhu khinh thị và mạt sát người quốc gia đối lập trong Hội nghị Đại đoàn kết. Chứng cớ rõ ràng là việc thành lập một chính phủ mới gồm toàn những tay chân thân tín, không có thành tích và ý thức cách mạng.

Trong lúc đó, Việt cộng lại khôn khéo khai thác những chiến thắng của năm 1960 để tung ra những đợt tiến công hung hãn hơn trong năm 1961 và những năm tiếp theo. Mới vào năm 1961 mà Việt cộng đã làm chủ tình hình nhiều nơi, đã liên tiếp tấn công hết quận ly này đến quận lỵ khác, đã sát hại nhiều quận trưởng, Dân biểu, Phó tỉnh trưởng và dám tấn công vào tỉnh ly Kiến Hoà (ngày l.4.1961). Đặc công Việt nam cũng đã liên tiếp khủng bố, đặt bom ném lựu đạn ngay giữa đô thành Sài gòn, Chợ Lớn, đã dám xua 2.500 dân các tỉnh lên Sài gòn biểu tình phá rối cuộc bầu cử Tổng thống (ngày 9-4-1961), Việt cộng cũng đã dám tấn công công trường Đa Nhim, một khu vực nổi tiếng an toàn chỉ thua thủ đô Sài gòn, bắt và hạ sát cả Quận trưởng Đơn Dương, ngày 28-6-196l. Trong cuộc hành quân của quân đội VNCH vào chiến khu Tô Hạp (biên giới tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hoà) quân lực ta đã phải đương đầu với một lực lượng 1.500 Việt cộng cũng đủ nói lên sức mạnh có tính cách quy mô của Việt cộng ở hai tỉnh thường được coi là an ninh nhất miền Trung. Ngày 16-7-1961, Tiểu đoàn 502 của Việt cộng dám công khai công hãm một tiểu đoàn nhảy dù giữa ban ngày tại Mỹ Quý (Kiến Phong). Ngày 18-9-1961, Việt cộng tấn công chiếm đóng, đốt phá tỉnh ly Phước Thành làm cho thiếu tá Tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn, Phó Tỉnh trưởng và nhiều viên chức dân sự, quân sự bị sát hại. Ngày 1-10-1961, đại tá Hoàng Thuỵ Nam, trưởng phái đoàn Việt nam liên lạc với Uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến lên thăm trại riêng tại Thủ Đức, khu vực được coi là an toàn gần thủ đô Sài gòn, bị Việt cộng bắt cóc và giết chết. Việc này làm cho Tổng thống Diệm phải viết thư báo động với Tổng thống Kennedy về chủ trương xâm lăng của Hà nội...

Tôi chỉ kể qua một ít hoạt động của Việt cộng nhưng nhìn vào bản đồ miền Nam năm 1961 thì những vết đỏ giới hạn ban đầu đã từ từ lan toả khắp miền Nam, từ tuyến đầu Quảng Trị vào đến Cà Mau heo hút, từ Duyên hải trù phú đến Cao Nguyên màu mỡ rồi.

Trước hoàn cảnh bi đát đó, người quốc gia không thể cứ ngồi nhìn anh em ông Diệm và chế độ “Cần lao công giáo” bất lực và thối nát kia bám lấy địa vị và xé dần bản đồ Việt nam cho rách nát thêm. Họ nhận định rằng nếu chế độ Diệm tồn tại thì họ sẽ không có một cơ may nào để sinh tồn vì họ vừa phải chống giặc ngoài vừa dẹp thù trong.

Sáng ngày 27-2-1962, khoảng 7 giờ, tôi đang chuẩn bị đến văn phòng thì bỗng nghe tiếng nổ dữ dội, rồi một vùng khói đen nghịt cuồn cuộn từ phía dinh Độc lập toả lên cao, trong lúc trên bầu trời quận I và quận 2 thành phố, 2 chiếc chiến đấu cơ đang bay lượn theo đội hình tác chiến. Không cần phải kiểm chứng tôi cũng biết được dinh Độc lập đã bị ném bom như chỉ cách đây 2 năm, ngày 10-3-1960, dinh Tổng thống Sukarno ở Nam Dương cũng bị phi cơ bắn phá.

Tôi bèn lên xe chạy vào dinh Độc lập nhưng đến nơi thì thấy cửa dinh đã đóng kín, quân phòng vệ phủ Tổng thống đã bố trí trong tư thế tác chiến cả bốn mặt. Tôi gặp tướng Nguyễn Khánh dọc đường nên hai chúng tôi bèn trở lại theo phía cổng đường Nguyễn Du mà vào. Nhìn thấy cánh trái dinh Độc lập bị sụp đổ tôi nghĩ rằng vợ chồng Ngô Đình Nhu đã bị trúng bom rồi, không ngờ khi đến một căn phòng nhỏ hẹp ngay dưới cầu thang chính của phòng đại sảnh, nơi xây cất vững chắc nhất, thì thấy Tổng thống Diệm, gia đình Ngô Đình Nhu và tình cờ lại có cả giám mục Ngô Đình Thục nữa, đang ngồi chen chúc trú ẩn. Mọi người im thin thít, mặt mày xanh như tàu lá chuối. Trước cảnh tượng đó, Khánh và tôi vội chào rồi lui ra. Khoảng một giờ sau, một sĩ quan của Nha An ninh quân đội đến báo cho tôi biết hải quân đã bắn hạ một chiếc phóng pháo cơ của không quân trên sông Nhà Bè, cách hải quân công xưởng chỉ độ một cây số và đã biết được viên phi công là trung uý Phạm Phú Quốc, còn chiếc máy bay thứ hai thì đã mất dạng. Tôi vào "hầm" trình bày tự sự cho ông Diệm biết, bấy giờ mọi người mới lục đục đi ra. Và cũng cho đến lúc đó mới có một nhân viên của Phủ báo cho biết ngay trên vị trí trú ẩn còn một quả bom không nổ. Nhờ vậy mà cả gia đình ông Diệm đều được bình an chỉ trừ bà Nhu bị thương nhẹ vì gạch văng trúng vào ngực. Mới quan sát qua quang cảnh đó tôi đã biết ý định của nhóm phi công “phản loạn” vốn không có ý hạ sát ông Diệm mà chỉ muốn giết vợ chồng Ngô Đình Nhu mà thôi.

Sau đó mấy giờ, ông Diệm ra lệnh dời Phủ Tổng thống về dinh Gia Long tức khắc, chỉ để lại một số cơ quan phụ thuộc tại những ngôi nhà nhỏ trong Dinh.

So với biến cố 11-11-1960, vụ ném bon không xảy ra tuần tự có thứ lớp để ông Diệm có thì giờ đối phó. Tiếng nổ long trời lở đất (đúng là như "trời giáng" xuống dinh Độc lập) đến một cách bất thần không những đã làm sụp đổ cái kiến thức biểu tượng cho uy quyền của ông mà còn làm sụp đổ chỉ trong mấy giờ phút ngắn ngủi, cái niềm tin thiên mệnh thần bí đã từ lâu bám chặt lấy tâm lý của ông.

Chỉ độ vào khoảng vài tiếng đồng hồ sau tiếng sét chính trị đó, ông Diệm gọi tôi đi theo ông về ngôi nhà Trắng biệt lập ở góc đường Nguyễn Du- Công Lý trong vòng rào của Dinh. Trước đây vài phút, giữa đám đông ông đã cố gắng bình tĩnh để giữ thể thống của một nhà lãnh đạo gan lý không xao xuyến trước mọi thử thách, nhưng đến khi ngồi trong căn nhà vắng lặng chỉ có hai thầy trò, khuôn mặt của ông lộ hẳn vẻ buồn phiền. Ngồi im lặng đến hơn 5 phút ông mới hỏi tôi: “Mậu có biết thằng Quốc không?” Tôi biết ông muốn hỏi trung uý Phạm Phú Quốc nhưng vì chưa nắm vững tình hình nên tôi chỉ trả lời: "Thưa Cụ, nếu nói là Phạm Phú Quốc thì y là người Quảng Nam thuộc giòng dõi cụ Phạm Phú Thứ". Nghe tôi nói đến cái tên Phạm Phú Thứ, ông Diệm liền chau mày. Hơn ai hết, ông biết rõ tiên bối Phạm Phú Thứ đã từng làm quan Nam triều, từng làm Tuần Vũ Bình Thuận nơi ông đã có thời trấn nhậm, ông cũng biết cụ là người Quảng Nam nơi anh ruột ông đã từng làm Tổng đốc. Cụ Phạm Phú Thứ là một nhà nho tuy ra làm quan vào thời Tây bắt sau đô hộ Trung kỳ nhưng cụ luôn luôn hành xử một cách thanh liêm, cương trực và từng tỏ thái độ bất khuất đối với người Pháp nên được giới sĩ phu và nhân dân miền Trung hết lòng ngưỡng mộ. Ông Diệm là người mang nhiều tự ái, tính tình lại cao ngạo, ông tự cho mình cũng là nhân vật tên tuổi, tiếng tăm không thua gì Phạm tiền bối mà sao còn cháu dòng họ Phạm lại dám ném bom dinh Độc lập. Đoán biết tư tưởng của ông, tôi nghĩ thầm có lẽ ông Diệm đang uất ức lắm. Cái chau mày bất thình lình đó hàm chứa một sự tức giận cao độ vì bị sỉ nhục. Ông chỉ hỏi có ngần đó rồi lại ngồi im, lầm lý buồn bã. Cặp mắt đăm chiêu ra chiều suy nghĩ lung lắm. Tôi muốn phá tan bầu không khí im lặng nặng nề rất khó chịu cho tôi trong giờ phút phải đối diện với vị nguyên thủ quốc gia đang buồn bực vì một cảnh ngộ vừa là gia biến vừa là quốc biến mà chính tôi ít nhiều đã có lỗi vì không chu toàn được trách nhiệm khám phá những âm mưu phản loạn trong quân đội. Để gián tiếp an ủi ông và cũng có ý để phân trần với ông, tôi nói: “Thưa Cụ, qua phương pháp và mục tiêu của vụ ném bom thì hình như bọn "phản loạn" chỉ muốn tốc chiến tốc thắng giết ông bà Cố vấn mà thôi, họ không muốn làm hại Cụ. Hơn nữa, quả bom trên đầu cầu thang đã không nổ, tức là số mạng của Cụ còn vững vàng lắm". Nói mấy lời đó tôi có ý muốn nhắc khéo cho ông Diệm biết rằng quân dân chỉ thù ghét vợ chồng Ngô Đình Nhu mà thôi. Nói cách khác tôi chỉ muốn nhắc cho ông biết chính anh em, bà con của ông mới là những nguyên nhân chính gây tai hoạ cho ông, và qua ông, họ gây tai hoạ cho đất nước.

Tôi đoán từ lâu rồi ông Diệm đã biết rõ ông Nhu không ưa tôi nhưng vụ ném bom dinh Độc lập mà chủ ý là để giết ông bà Nhu, như thêm một bằng chứng nói lên việc quốc dân thù oán ông bà Nhu tột độ để cho ông Diệm thấy rằng ông Nhu ghét tôi là một sai tâm thiếu sáng suốt. Có lẽ vì thế mà sau vụ ném bom ngày 27-2-1962; ông Diệm càng ngày càng tỏ vẻ thương mến tôi hơn.

Thời còn ở dinh Độc lập, thường thường vài tháng một lần, ông mới gọi tôi vào dinh ban đêm nói chuyện thế sự, nhưng từ ngày soạn về dinh Gia Long cứ vài tuần lễ ông lại cho gọi tôi vào để nói chuyện đời, có khi đến 2,3 giờ sáng mới chấm dứt, làm cho sĩ quan tuỳ viên và ông già ấn, người đầy tớ trung thành của ông, phải thức đêm chầu chực. Có lần gia đình tôi được gia đình một bạn Pháp cố vấn cho Phủ Tổng thống, là ông Mourer mời ăn cơm tối tại nhà riêng nhưng vào đúng giờ bắt đầu ăn cơm, ông Diệm cho gọi tôi vào Dinh làm cho chúng tôi phải đợi đến nửa đêm mới bắt đầu bứa tiệc dù trong lúc ngồi nói chuyện với ông, tôi đã vài lần nhắc khéo chuyện gia đình tôi đang đợi tại nhà ông bà Mourer (ông Mourer sau khi về Pháp là cố vấn hành chính cho Tổng thống Geoges Pompidou và hiện sống ở Paris). Nhiều đêm, hai thầy trò đang say sưa nói chuyện nhưng khi nghe tiếng dép của ông Nhu đi tới thì ông Diệm vội nhè nhẹ bảo tôi: "Thôi anh về đi kẻo ông Nhu tới đó “. Chính sách cư xử thân tình đó lại càng làm cho tôi thương mến ông nhiều hơn mặc dù tôi đã không còn tìm thấy nơi ông một người có vóc dáng xứng đáng để lãnh đạo quốc gia nữa.

Mối thâm tình thắm thiết kéo dài cho đến khi biến cố Phật giáo xảy ra, rồi vì ông Diệm quá bộn bề công việc, quá bối rối buồn bực, giữa ông và tôi không còn những dân tâm tình vào ban đêm như trước nữa. Tại ngôi nhà Trắng, ông Diệm và tôi đang ngồi im lặng mỗi người mang riêng một tâm sự và cặp mắt cả hai thầy trò như muốn ứa lệ trước một biến cố hết sức hãi hùng thì bỗng nhiên tướng Nguyễn Khánh bước vào. Tướng Khánh tỏ vẻ bớ ngớ rõ rệt khi chỉ thấy có ông Diệm và tôi, nhưng ông Diệm vội vã lấy bình tĩnh rồi bảo tôi: "Thôi Mậu về lo việc ở điều tra đi”.

Khi tôi về đến Nha An ninh quân đội thì Cục An ninh hải quân đã bắt được trung uý Phạm Phú Quốc và An ninh không quân đã bắt được trung uý Nguyễn Văn Đính, anh ruột của trung uý phi công Nguyễn Văn Cử rồi. Tối đó chúng tôi nghe được đài phát thanh Nam Vang thông báo việc chính phủ Cao Miên bắt được Nguyễn Văn Cử và chiếc phi cơ quân sự của VNCH do Cử lái. Tôi xuống phòng điều tra của đại uý Sinh (trung tá Sinh hiện ở Mỹ) thấy hai sĩ quan vừa bị bắt mặt mày thâm tím, sưng vù trông rất đáng thương. Tôi ra lệnh ngừng ngay cuộc hỏi cung và cho dân Quốc và Đính về phòng giam tạm của Nha. Ba hôm sau, bà mẹ của Phạm Phú Quốc (hiện ở Mỹ) từ Đà Nẵng vào xin gặp tôi để được phép thăm con. Luật pháp cũng như thông lệ không cho phép ai được thăm viếng một đại tội phạm vừa mới bị bắt, nhưng lương tâm riêng lại bảo tôi cứ để cho bà cụ được gặp con trong cơn hoạn nạn. Chính tôi đích thân dẫn bà cụ vào phòng giam thăm Quốc và khi vừa thấy Quốc, bà cụ vẫn giữ vẻ bình tĩnh lại còn mỉm cười rồi hỏi con: "Vì sao mặt con sưng cáy lên như thế? " Quốc trả lời: "Thưa mẹ, khi máy bay rớt xuống nước, mặt con đụng vào thân phi cơ". Tôi biết rằng nét mặt bình tĩnh và nụ cười trên môi bà cụ chỉ là thái độ gượng gạo bên ngoài để che giấu lòng dạ đang héo hon của bà. Cũng như việc Quốc không nói lên sự thật đã bị tra tấn cũng chỉ là lời che giấu để mẹ được yên tâm. Tôi khâm phục mẹ Quốc như một bà Mạnh mẫu, tôi cảm phục Quốc là người dũng sĩ, tôi tự nghĩ họ thật xứng đáng là dâu con, cháu chắt của gia đình Phạm Phú tiên sinh nơi quê hương của Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Trần Cao Cân... Tôi bèn thưa với bà cụ: "Thưa bác, anh Quốc muốn giấu bác đó, chính nhân viên điều tra của tôi đã tra khảo anh ta đến nỗi mang thương tích nặng nề. Tôi xin lỗi bác và xin bác cứ yên tâm, từ nay sẽ không có những vụ hành hạ đó với Quốc nữa đâu”.

Cử chỉ khiêm tốn của tôi đối với một gia đình can phạm trong tay mình đã được đền bù xứng đáng vì mười năm sau trong một phi vụ ném bom Bắc Việt, chỉ vì muốn cứu bạn mà Quốc phải vĩnh biệt quê hương đất nước tại vùng Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Vụ ném bom dinh Độc lập do ông Nguyễn Văn Lực tổ chức và lãnh đạo. Ông Lực là người miền Bắc, một đảng viên kỳ cựu của Việt nam Quốc dân Đảng và cũng từng quen biết nhiều với ông Ngô Đình Nhu. Ông Lực là tác giả bản "Tuyên ngôn con người" rất nổi tiếng trong giới chính trị Sài gòn. Ông phân giải hệ thống âm Dương Ngũ Hành trong kinh dịch Đông Phương để đưa ra thuyết “nhân chủ” chống lại quan niệm vũ trụ và nhân sinh của Các Mác cũng như các giáo lý tín điều của tôn giáo Tây phương, chủ trương thờ một Đấng Chú Tể vạn năng. Theo ông Lực thì muốn chống Cộng cứu nước, phải thực hiện chế độ nhân chủ dựa theo thuyết âm Dương Ngũ Hành...

Nguyễn Văn Lực là thứ người cương nghị, đảm lược nên ông ta dám có những hành động táo bạo, tốc chiến tốc thắng. Ông lý luận một cách tuy đơn giản nhưng rất hợp lý rằng đối với một gia đình tham tàn, độc đoán, đối xử; một đầu hàng họ để kiếm miếng đỉnh chung cho cá nhân mình, hai là đập nát đầu họ để cướp lấy chính quyền mà cứu nước. Còn thiện chí xây dựng, hoà giải hay đoàn kết thì chắc chắn đã không cảm hoá được họ mà nhiều khi còn rước hoạ vào thân.

Do đó, vào sáng 27-2-62, khi trung uý Phạm Phú Quốc được lệnh thực hiện phi vụ hành quân tại Quân khu Tư, khi vừa cất cánh khỏi phi đạo của căn cứ không quân Biên Hoà, hai phi công liền đổi hướng bay về Sài gòn để thực hiện cuộc ném bom vào giờ phút mà vợ chồng Ngô Đình Nhu đang say sưa giấc điệp. Trong lúc đó thì trung uý Nguyễn Văn Đính (anh ruột Nguyễn Văn Cử, một sĩ quan không quân thuộc căn cứ Tân Sơn Nhất) có nhiệm vụ giữ liên lạc giữa Bộ chỉ huy đảo chính và hai phi công "phản loạn" theo đúng kế hoạch đã định.

Sau này ông Lực cho tôi biết nếu cuộc ném bom thành công, tiêu diệt được vợ chồng Ngô Đình Nhu thì một trong hai trường hợp có thể xảy ra:

Một là ông Diệm sẽ vì mất em ruột, cánh tay mặt chính trị mà ông phải nương dựa nên buồn phiền rồi tự ý từ bỏ địa vị; hai là ông ta sẽ được người Mỹ khuyến cáo tiếp tục lãnh đạo quốc gia trong tư thế lâm thời cho đến ngày một "Quốc dân hội nghị" bao gồm các tôn giáo, đảng phái, các tổ chức quần chúng khác và quân đội được thành hình để nhận trách nhiệm lãnh đạo đất nước.

Ông Lực cũng cho tôi biết lý do ông không muốn giết ông Diệm là vì ông không muốn làm cho Hoa kỳ, vốn đang mạnh mẽ ủng hộ ông Diệm, phải xúc động dẫn đến những phản ứng bất lợi hoặc những hệ quả tiêu cực cho miền Nam.

Sau khi thất bại ông Lực trốn về Biên Hoà, xuống tóc và bận áo nâu sòng sống như một nhà tu hành ẩn nấp từ chùa này qua chùa khác, thỉnh thoảng ông về thăm nhà và liên lạc với các đồng chí của tổ chức.

Tổ chức của ông Lực, theo kết quả điều tra của Nha tôi, chỉ gồm có gia đình ông ta, một số đảng viên Việt Quốc như nhà báo tên tuổi Vũ Ngọc Các, giáo sư Nguyễn Mậu, trung uý không quân Phan Ngô và một số người khác. Ngoài ra còn có ông Nguyễn Xuân Kỳ (hiện ở Mỹ), trưởng nam của bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, linh mục Nguyễn Văn Dũng, và ông Phan Xứng là những người đã hết lòng ủng hộ ông Diệm trong những năm đầu khi ông Diệm mới cầm quyền. Riêng về phía quân đội, ông Lực tổ chức nhiều tiểu tổ trong các đơn vị nhưng họ chỉ có nhiệm vụ sẵn sàng đợi cuộc ném bom thành công là phát động phong trào binh sĩ nổi dậy hường ứng cuộc cách mạng để vận dụng quân lực yểm trợ cho tổ chức. Sau ngày ném bom độ một tuần lễ, về phía dân sự, nhân viên của Nha tôi chỉ mới bắt giáo sư Nguyễn Mậu, ông Nguyễn Xuân Kỳ và vài người nữa vì tôi được lệnh của ông Nhu phải bắt toàn thể gia đình của ông Lực về giam giữ để làm con tin hầu có thể làm áp lực để bắt chánh phạm. Tôi bèn phải đi bắt bà Lực, vợ con trung uý Cử, trung uý Đính, giam giữ tại Nha An ninh quân đội nhưng không bắt đại uý Nguyễn Văn Tâm và tiểu gia đình anh ta vì tôi cố tình để cho gia đình ông Lực còn có người thân tự do ở ngoài để lo lắng việc gia đình trong lúc toàn gia bị nằm trong vòng lao lý (đại uý Tâm là con trai trưởng của ông Lực lúc bấy giờ phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu, hiện sống ở Hoa kỳ). Sau Cách mạng 1.11.1963, gia đình ông Lực trở về đoàn tụ, đại uý Tâm thường làm người liên lạc giữa ông Lực và tôi lúc bấy giờ đã trở nên đôi bạn tri kỷ.

Mấy tháng trôi qua, tôi không bắt thêm ai nữa ngoại trừ những người đã kể, chẳng những thế tôi còn trả tự do cho giáo sư Nguyễn Xuân Kỳ (anh ruột trung tá Nguyễn Xuân Phát hiện ở San José) vì khi nghiên cứu hồ sơ thấy ông là trưởng nam nhà cách mạng Nguyễn Xuân Chữ mà tôi rất kính trọng. Tôi mời riêng ông Kỳ lên văn phòng vừa để an ủi vừa để tỏ lòng khâm phục chí hướng của ông, nhờ ông chuyển lời thăm hỏi của tôi lên thân phụ ông rồi trả tự do cho ông về nhà. Tôi cũng trả tự do cho trung uý không quân Phan Ngô sau khi biết được Ngô là con trai sử gia Phan Khoang một nhân sĩ Quảng Nam khả kính mà tôi đã quan biết hơn mười năm trước. (Gia đình ông Phan Ngô hiện sống tại San José Hoa kỳ).

Có lẽ hành động đó của tôi đã đến tai ông Ngô Đình Nhu cho nên tôi được lệnh văn phòng cố vấn chính trị phải chuyển nội vụ qua Nha Công an thụ lý, tôi chỉ giữ lại hai sĩ quan không quân là trung uý Phạm Phú Quốc và trung uý Nguyễn Văn Đính.

Biến cố ném bom dinh Độc lập như một vụ “trời giáng” làm xúc động nặng nề tâm tư anh em ông Diệm cho nên ông Diệm nghi ngờ nhiều người biết trước vụ ném bom trong đó có cả ông Đoàn Thêm.

Khi xảy ra vụ ném bom dinh Độc lập, Bộ trưởng Quốc phòng Nguyễn Đình Thành và đại tá Nguyễn Xuân Vinh, Tư lệnh không quân, còn công du tại Đài Loan, hai ông vội trở về nước sau ngày xảy ra thảm hoạ. Về đến Sài gòn họ vội vã vào vấn an tổng thống liền bị ông Diệm hỏi ngay: "Có phải cái ông biết trước vụ ném bom nên bỏ đi ra nước ngoài có phải không?". Tất nhiên cả Bộ trưởng và Tư lệnh không quân đều lo sợ và ngạc nhiên.

Từ ngày xảy ra vụ ném bom dinh Độc lập, có lẽ Tổng thống Diệm không còn tín nhiệm đại tá Vinh nữa vì ông biểu lộ rõ rệt thái độ lơ là với vị Tư lệnh không quân. Nguyên nhân chính làm cho Tổng thống giảm bớt lòng tin với đại tá Vinh không phải chỉ vì Vinh có lỗi mà vì những lời gièm pha của một số người trong dinh Tổng thống, những người có cảm tình với trung tá Huỳnh Hữu Hiền, viên phi công được Tổng thống hết sức thương mến.

Tôi gặp Nguyễn Xuân Vinh từ ngày hai chúng tôi còn ở Nha Trang (năm 1955) lúc tôi giữ chức Tư lệnh Phân khu Duyên hải, còn Vinh là một chuẩn uý phi công ở căn cứ Nha Trang đồng thời cũng là giáo sư toán tại trường trung học Võ Tánh. Lúc bấy giờ tôi thường nghe nhiều phụ huynh học sinh và một số giáo sư ca ngợi Vinh, nên tôi nhờ trung uý Nguyễn Khắc Mai (một đồng chí của tôi), mời Vinh đến nhà để tôi hỏi thăm và ngầm điều tra về con người của Nguyễn Xuân Vinh hầu tổ chức ông ta vào Phong trào Cách mạng quốc gia.

Sau khi biết Vinh từng bị nhóm sĩ quan của tướng Nguyễn Văn Hinh chèn ép ganh ghét, biết Vinh có bằng cử nhân toán, biết phong cách đàng hoàng của Vinh, biết Vinh rất thông minh và có chí lớn, tôi thầm nghĩ phải tiến cử Vinh với ông Diệm để một nhân tài của quân đội khỏi phải bị mai một.

Nhưng rồi tôi bị mất chức Tư lệnh Phân khu Duyên hải, bị đổi đi Pháp, Vinh cũng đi Pháp để được trau dồi thêm kỹ thuật ngành không quân.

Năm 1958 khi tôi về chỉ huy ngành An ninh quân đội, Vinh phục vụ tại căn cứ Tân Sơn Nhất, tôi bèn đem hồ sơ của Vinh trình bày với ông Diệm và đề bạt Vinh làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh không quân. Tôi còn mang tham vọng đề bạt Vinh lên giữ chức Tư lệnh không quân vài năm sau nữa.

Trước khi "đẩy” Vinh lên nắm quyền chỉ huy binh chủng trọng yếu của quân đội, tôi muốn “soát xét” con người của Vinh một lần chót, tôi bèn rủ Vinh đi xem tử vi Thầy quỷ cốc đường Trần Quý Cáp, sau khi nói về gia thế của Vinh, thời thơ ấu của Vinh, tính tình của Vinh, bèn kết luận:

"Tuổi này hiện nay là một sĩ quan cao cấp, nhưng rồi đây sẽ giữ một địa vị rất lớn, địa vị chỉ huy quan trọng. Tuy nhiên vào năm (tôi không còn nhớ năm nào) tuổi này sẽ bỏ đường võ cách để tiếp tục học hành và sẽ trở thành một tiến sĩ, một giáo sư Đại học nổi tiếng trên trường quốc tế".

Quả thật hai năm sau, mặc dù còn mang cấp bậc trung tá, Vinh được ông Diệm cử giữ chức Tư lệnh không quân, lòng tôi rộn lên niềm sung sướng. Một hôm chủ nhật, hình như sau biến cố đảo chính của Nhảy dù, tôi còn ngồi uống trà với nhà tôi tại nhà riêng thì bỗng Vinh tới với quân phục trắng. Vinh cho biết vừa nhận được nghị định thăng cấp đại tá, rút trong túi ra cặp cấp hiệu có ba hoa mai trắng rồi nói:

- Từ ngày quen biết đại tá, biết đại tá là người có cặp mắt xanh, biết đại tá lo cho đại sự quốc gia đãi tôi như một hiền sĩ. Hôm nay nhận được nghị định thăng cấp đại tá tôi đến đây để nhờ đại tá đích thân gắn cặp “lon” đại tá lên vai để tôi được đền phút ơn tri ngộ.

Sau có hai chúng tôi chụp chung một tấm hình kỷ niệm.

Biết rằng Vinh rất cẩn mật không muốn ai biết cung cách xử thế khôn ngoan tế nhị đối với một người tri kỷ, nhưng mấy lời nói của Vinh làm cho vợ chồng tôi vô cùng cảm kích, tôi ôm choàng lấy Vinh tỏ lời cảm ơn và khen ngợi.

Vinh ra về, tôi ngồi độc ẩm nhớ lại câu chuyện Trương Lương từng giới thiệu Hàn Tín với Lưu Bang, mừng cho Tổng thống Diệm vị thầy của tôi có một trung thần văn võ toàn tài.

Nhưng rồi hoàn cảnh đất nước, bản chất của chế độ Diệm đưa đẩy đại tá Nguyễn Xuân Vinh không đi theo bước chân của Hàn Tín, làm kẻ ngu trung để khỏi phải chết oan khiên như Tể giả Vương họ Hàn.

Thái độ nghi ngờ của ông Diệm sau vụ ném bom dinh Độc lập và chết độ thất nhân tâm của Công giáo Cần lao buộc con người khí phách, có chí lớn như Nguyễn Xuân Vinh từ giã binh nghiệp, từ giã địa vị cao sang để tiếp tục con đường học vấn. Biết Tổng thống Diệm không còn tin tưởng mình nữa. Nguyễn Xuân Vinh xin từ chức, xin giải ngũ và xin đi học ở Hoa kỳ. Ông trở thành một khoa học gia tên tuổi đem lại vẻ vang cho đất nước quê hương đúng như lời tiên đoán của thầy quỷ cốc Sài gòn năm nọ.

Đối với tôi, từ ngày Vinh rời khỏi quê hương, giữa hai chúng tôi không còn liên lạc gì nữa cho đến năm 1976 tôi mới nhận được thư Vinh từ Michigan gởi lời thăm khi Vinh biết tôi cư ngụ tại Sacramento, Hoa kỳ.

Nguyễn Xuân Vinh không chỉ là một cựu Tư lệnh không quân Việt nam, không chỉ là một khoa học gia (có chân trong Hàn lâm Viện Khoa học Pháp), mà còn là một nhà văn. Anh từng viết cuốn Đời phi công với bút hiệu Toàn Phong nói lên tâm tình và chí hướng của một chàng trai thời loạn, một chiến sĩ tung mây lướt gió cho thoả chí bình sinh. Sách của anh được giới nam nữ thanh niên của thập niên 60 hết sức ngưỡng mộ. "Đời phi công” được giải nhất đông hạng với tác phẩm “Thần Tháp Rùa" của giáo sư Vũ Khắc Khoan trong giải thưởng văn chương toàn quốc năm 1960, được triển lãm tại phòng Khánh tiết Đô thành Sài gòn, ngày 6-4-1961.

Quả thật cuộc đời sự nghiệp Nguyễn Xuân Vinh đáng làm cho người đời suy gẫm, đáng làm gương cho thế hệ thanh niên. Từ một hàn sĩ miền quê Việt Bắc, lớn lên thành lập gia đình với ái nữ của một vị đại thần Nam Triều, học hành đứt quãng mà rồi cũng thành tài rồi trở thành một nhân vật văn võ toàn tài; chỉ tiếc Vinh sinh bất phùng thời, không gặp được nhà lãnh đạo quốc gia anh minh lỗi lạc để Vinh phục vụ cho xứ sở quê hương trong thời ly loạn.

Sau cuộc viếng thăm miền Nam của Phó tổng thống Johnson và của hai ông Taylor và Rostow trong năm 1961, qua năm 1962, viện trợ hùng hậu của Hoa kỳ về mọi mặt đã tuôn đổ vào miền Nam sau khi ông Diệm hứa sẽ cải cách chế độ của ông ta.

Về quân sự, Hoa kỳ đã tăng cường thêm cho miền Nam 400 chuyên viên. Về quân cụ, Hoa kỳ đã trang bị thêm cho quân lực VNCH thiết vận xa M113, trực thăng chiến đấu CH21, phi cơ trinh sát, phóng pháo cơ, chiến hạm và nhiều võ khí, dụng cụ tân tiến đã cải tiến quân đội Việt nam Cộng hoà về mọi mặt từ huấn luyện đến tiếp liệu, từ tác chiến đến vận tải và truyền tin.

Đầu năm 1962, Việt Mỹ thoả thuận thành lập Bộ Tư lệnh Quân Đội Mỹ tại Sài gòn, thường được gọi là MACV, để điều hành và phối hợp chính sách viện trợ và hành quân tại Việt nam Việt nam, Hoa kỳ cũng giúp VNCH thiết lập một hệ thống tiếp liệu quy mô, cải tiến phương pháp sưu tầm, khai thác về tình báo.

Vào tháng 9 năm 1962, tất cả mọi cơ cấu chính yếu của quân đội VNCH khắp toàn quốc đều được Hoa kỳ giúp thiết trí một hệ thống truyền tin vô cùng tối tân để tiêu chuẩn hoá và phối hợp hoá việc liên lạc giữa các đơn vị quân đội với các trung tâm hành quân tại trung ương lẫn địa phương. Nhờ sự giúp đỡ của Hoa kỳ mà lần đầu tiên quân đội VNCH mới xâm nhập sâu vào những căn cứ bất khả xâm phạm của Việt cộng như chiến khu D, như rừng già U Minh. Nhờ phương tiện hiện đại mà quân đội Việt nam Cộng hoà đã di động một cách tiện lợi mau chóng hơn, để có thể bao vây quân địch, đánh tập hậu quân địch dễ dàng nhanh chóng và làm cho Việt cộng thiệt hại nặng nề...

Ngoài ra Hoa kỳ còn giúp tăng cường lực lượng đặc biệt về cả nhân sự lẫn phương tiện để hoạt động tại Bắc Việt và Lào, giúp VNCH thực hiện chương trình ấp chiến lược, bỏ ra ngoài ngân quỹ 55 triệu đô la để mua phân bón, dây kẽm gai... Hoa kỳ cũng đã vận động với chính phủ úc gửi phái đoàn quân sự giúp huấn luyện du kích và chỉ trong đợt đầu vào tháng 8 năm 1962 đã có 30 sĩ quan úc đến Việt nam.

Chẳng những chính quyền Kennedy yểm trợ dồi dào về mặt vật chất cho VNCH mà còn hỗ trợ luôn cả về mặt chính trị. Để cải thiện mối bang giao Việt Mỹ cho thật tốt đẹp, Kennedy đã bổ nhiệm Đại sư Nolting, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, mềm dẻo, tế nhị qua Sài gòn thay thế Đại sứ Durbrow vốn có thái độ bất mãn với chế độ Diệm, với hy vọng ông Diệm có thể tiến hành những cải cách mà ông đã hứa hẹn. Đồng thời, Bộ ngoại giao Mỹ làm áp lực mạnh mẽ với các nước tại á Châu để các nước này nỗ lực nhiều hơn trong việc yểm trợ VNCH gia nhập các định tố trong công cuộc phát triển kinh tế của miền Nam Việt nam. Nhìn lại giai đoạn đó ta có thể nói rằng tuy chế độ Ngô Đình Diệm do Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Foster Dulles khai sinh, nhưng việc nuôi dưỡng, bảo bọc, săn sóc. nuông chiều tận tâm chu đáo là do Tổng thống Kennedy và chính quyền của ông ta.

Tuy nhiên, mặc dù viện trợ Hoa kỳ gia tăng dồi dào, tình hình miền Nam vẫn như cơn bệnh trầm kha không cải thiện được phần nào trái lại càng ngày càng thêm trầm trọng. Trong năm 1962, chẳng những Việt cộng tấn công các căn cứ quân sự, các quận ly, tỉnh ly, các ấp chiến lược khắp nơi mà còn tập kích vào các đoàn xe, vào những đoàn công voa lớn của VNCH gây thiệt hại nặng nề cho binh sĩ Việt nam và Mỹ. Ngày 27 tháng 7 năm 1962, không lực VNCH đã phải xuất trận đến 60 phi vụ, ném 1000 tấn bom xuống một cơ sở liên khu Tư ở ranh giới ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Komtum.

Ngay giữa thủ đô Sài gòn, đặc công Việt công liên tiếp gài chất nổ, đặt mìn gây thiệt hại đáng kể cho các cơ sở Mỹ và VNCH, tấn công bằng lựu đạn và cả khu triển lãm chiến lợi phẩm của quân đội trước toà Đô Chính, nơi được canh phòng vô cùng cẩn mật. Cũng trong năm 1962, mặc dù Việt cộng bị bất ngờ trước chiến thuật trực thăng vận của quân đội VNCH với sự yểm trợ của thiết vận xa M113, thế mà tại đồng bằng sông Cửu Long, Việt cộng vẫn dám mở các cuộc tấn công đánh phá bằng lực lượng hùng hậu của quân đội.

Chính sách ngoại giao bất lực, vụng về của anh em ông Diệm đối với Lào và Cao Miên lại gây tình trạng môi hở răng lạnh cho miền Nam, tạo thêm sức mạnh cho Việt cộng. Trong năm 1962, tình hình miền Nam bất an đến nỗi phải bãi bỏ nhiều cơ sở kinh tế ở những vùng xôi đậu như cơ sở khai thác nước suối Vĩnh Hảo ở Phan Rí, cơ sở khai thác Tôm ở Long Hải, và phải sử dụng cả một tiểu đoàn Bộ binh để bảo vệ công trường mỏ than Nông Sơn ở Quảng Ngãi mà khu công trường vẫn bất an. Mùa thu năm 1962, ông Diệm cũng phải bãi bỏ con đường hoả xa xuyên Việt mà ông mới khánh thành năm 1959, dân chúng phải giao thông bằng đường hàng không, quân đội phải di chuyển bằng công-voa hoặc hàng không quân sự. Ngay cả than Cà Mau muốn đưa lên Sài gòn mà cũng phải được chuyên chở bằng đường thuỷ và với chiến hạm của hải quân hộ tống...

Năm 1962, Việt cộng coi như đã làm chủ tình hình nông thôn đến nôi trong một bài tường thuật giáo sư danh tiếng Robert Scigliano đã phải than: "Vào năm 1962, Việt cộng đã chiếm được 80% nông thôn của VNCH”.

Miền Nam Việt nam như lá dâu bị tằm gặm nhấm dần cho đến cuối năm 1962 thì tình hình bi đát đến độ Tổng thống Diệm phải có những biện pháp hết sức quyết liệt để đối phó với Cộng sản. Dù từ năm 1957, các Tỉnh trưởng đã được toàn quyền bắt bớ, giam cầm và năm 1959 thêm một đạo luật (10/59) với 21 điều khoản quy định tội tử hình cho những ai có liên hệ với Việt cộng, một đạo luật mà các nhà viết sử tên tuổi của Hoa kỳ đều phải nhắc đến, nhưng vẫn không ngăn cản được sức mạnh bành trướng của Việt cộng, nên ông Diệm đã phải lấy thêm những biện pháp sau đây:

- Ngày 10 tháng 10 năm 1961, ông Diệm ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ VNCH (sắc lệnh 109-TTP)

- Ngày 29 tháng 10 năm 1961 Quốc hội uỷ quyền đặc biệt cho Tổng chống ban hành các sắc luật trong tình trạng khẩn cấp (luật số 13/61).

- Ngày 25 tháng 11 năm 1961 Quốc hội lại uỷ toàn quyền cho Tổng thống về ngân sách an ninh và các biện pháp tài chánh (luật số 15/61).

- Ngày 7 tháng 12 năm 1961, Tổng thống Diệm gởi thư cho Tổng thống Kennedy xin tăng thêm viện trợ. Trong thư ông đã trình bày cho Tổng thống Mỹ về sự nguy ngập của VNCH cùng với sự lớn mạnh của Việt cộng và báo động việc Bắc Việt cho quân xâm nhập miền Nam. Ông Diệm nêu lên việc Việt cộng bắt cóc đại tá Hoàng Thuỵ Nam; riêng tháng 10 đã có đến 1.200 vụ khủng bố với 2.000 thương vong cho VNCH. Ông Diệm đã kết luận lá thư với lời lẽ vô cùng bi thiết: "Nói tóm lại, VNCH hiện nay đang phải đối đầu với một thảm hoạ lớn nhất trong lịch sử”. Bức thư của ông Diệm đã được Tổng thống Kennedy phúc đáp ngày 14-12-1961, hứa sẽ giúp đỡ VNCH để chống lại Cộng sản, bảo vệ độc lập cho miền Nam.

- Ngày 31-3-1962, ông Diệm gởi thông điệp cho 92 quốc gia trên thế giới yêu cầu ủng hộ VNCH chống xâm lăng Cộng sản, tố cáo Bắc Việt giật dây Cộng sản miền Nam.

- Ngày 27-10-1962, đặc quyền Tổng thống ban hành sắc luật về tình trạng khẩn cấp được Quốc hội gia hạn kể từ 19-1-1962 (sắc luật 18/62).

Những biện pháp và những thông điệp kêu cứa trên đây cho thấy mới năm 1962 mà tình hình Việt nam cộng hoà đã nguy ngập như thế nào rồi.

Mặc dù ông Diệm đã ban bố "tình trạng khẩn cấp" để cai trị bằng sắc luật, đã nắm hết vào trong tay toàn bộ quyền hành, và mặc dù viện trợ Mỹ gia tăng dồi dào, đặc biệt là đã dành một ngân khoản lớn giúp thực hiện ấp chiến lược (một chương trình mà cả Mỹ lẫn anh em ông Diệm đặt hết hy vọng có thể tiêu diệt được hạ tầng cơ sở địch, tiêu diệt lực lượng du kích địch) thế mà tình trạng miền Nam vẫn cứ mỗi ngày thêm bi đát, nguy kịch. Thế rồi tháng Giêng 1963 thảm bại ấp Bắc lại xảy ra chẳng những minh chứng rõ ràng sự yếu kém về khả năng lẫn tinh thần chiến đấu của quân lực VNCH mà còn báo hiệu sự khủng hoảng chính trị thê thảm của miền Nam Việt nam.

ấp Bắc là một làng được chính quyền coi là an ninh vì ở kế cận tỉnh lỵ Mỹ Tho, được bảo vệ bởi những ấp chiến lược và chỉ cách Sài gòn 50 cây số đường chim bay. Tháng chạp năm 1962, tình báo VNCH được tin một đại đội du kích Việt cộng đang hoạt động tại đó, đại tá Bùi Đình Đạm, Tư lệnh Sư đoàn 7, và tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Quân khu 4, quyết định mở cuộc hành quân. Một lực lượng mạnh mẽ của quân lực

VNCH gồm nhiều tiểu đoàn Bộ binh, Biệt động quân, trực thăng CH21, thiết vận xa M113, Pháo binh, Bảo an tỉnh Định Tường và 31 cố vấn Mỹ tham dự trận đánh. Không ngờ khi chạm súng, lực lượng của ta bị thiệt hại nặng nề và khám phá ra rằng tại ấp Bắc không phải chỉ có một đại đội du kích mà là tiểu đoàn 514 của Việt cộng có độ trên 400 người, cho nên khi bị thiệt hại quá nặng nề, Bộ chỉ huy hành quân bèn gọi một tiểu đoàn Dù đến cứu viện. Thay vì nhảy xuống phía Đông để chặn đánh địch thì tiểu đoàn Dù lại nhảy về phía Tây nên Việt cộng lợi dụng trời tối rút lui an toàn. Kết quả về phía ta có 5 trực thăng bị phá huỷ, 11 thiết bị hư hại nặng, 65 binh sĩ VNCH và 3 cố vấn Mỹ bị chết và vô số bị thương. Trận ấp Bắc, một thảm hại nhục nhã của quân đội VNCH mà 3 nguyên do chính là sự bất lực của cấp chỉ huy, tinh thần bạc nhược của quân sĩ và sự ước lượng sai lầm của tình báo. Ngược lại, thảm bại đó cũng chứng tỏ rõ rệt sự trưởng thành về lực lượng và tinh thần quyết chiến của Việt cộng tại miền Nam.

Bi thảm hơn nữa là cấp lãnh đạo Việt - Mỹ không chịu lấy ấp Bắc để làm bài học quý giá cho quân đội để sửa sai, không chịu trừng phạt những cấp chỉ huy bất lực gây nên cuộc thảm bại để cho quân kỷ được nghiêm minh và ngược lại, từ ông Diệm bà Nhu đến tướng Harkins, Đại sứ Nolting lại vẽ vời ca ngợi trận ấp Bắc là một chiến thắng của VNCH. Trong lúc đó thì trong nội bộ quân đội, chính Đại tướng Lê Văn Tỵ đã phải đích thân đến tại chỗ để điều tra và khiển trách Huỳnh Văn Cao để rồi Cao lại đổ lỗi cho Bùi Đình Đạm và tất cả các cố vấn Mỹ tại trận địa đều phúc trình trận đánh này như một thảm bại quân sự lớn của VNCH. Đại tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH đã phải kìm hãm lòng tự ái để hỏi một cố vấn Mỹ: “Đại tá Vann, tại sao quân đội chúng tôi chiến đấu tồi tệ đến thế?”.

Sỡ dĩ có mâu thuẫn trong việc tuyên bố kết quả trận đánh là vì ông Diệm muốn che giấu khả năng lãnh đạo yếu kém của mình nhất là về phương diện bổ nhiệm các sĩ quan, còn người Mỹ cao cấp thì che giấu sự thật trên mặt chính thức công khai để khỏi làm phật lòng ông Diệm. Nhưng báo chí Mỹ vì không bị ràng buộc bởi những thủ đoạn chính trị đó nên nổi giận và phanh phui sự thật ra ánh sáng, tạo nên luồng dư luận công phẫn chống lại ông Diệm và chống lại chính phủ Mỹ.

Nhiều báo chí Mỹ lên án chính phủ của họ đã bỏ ra 400 triệu Mỹ kim, hy sinh 50 quân nhân Mỹ mà không thu lượm được gì ngoài sự từ chối của ông Diệm trong việc cải tiến chế độ, mặc dù chính ông ta đã hứa cải tiến để được nhận viện trợ Mỹ. Báo chí Mỹ còn phanh phui rằng trong lúc Việt cộng đã chiếm hết nông thôn thì sĩ quan VNCH lại ngại ngùng không chịu thật tâm chiến đấu, do đó một số bình luận gia Mỹ đòi chính phủ họ phải nắm lấy toàn quyền lãnh đạo chiến tranh ở Việt nam.

Phân tách về thảm hại ấp Bắc cũng như về những thất bại của quân lực VNCH trên toàn lãnh thổ vào giai đoạn đó, ta thấy rằng yếu tố kỹ thuật và khả năng tác chiến chỉ là hệ quả tất nhiên của chính sách chọn lựa và sử dụng nhân lực sai lầm của dinh Độc lập. Chính sách này, vì bản chất "Cần lao công giáo" của nó, đã không chọn lựa sĩ quan theo tiêu chuẩn nào hơn là Công giáo và Cần lao: Cho nên quân đội không còn tinh thần chiến đấu, không còn muốn xông vào lửa đạn để hy sinh. Họ hy sinh cho ai và chết để làm gì, khi họ không được phục vụ cho Tổ quốc mà chỉ phục vụ cho một số thống trị vốn đã thụ hưởng chán chê còn chủ trương kỳ thị, đàn áp tất cả các thành phần khác của dân tộc, nhất là tôn giáo và đảng phái.

Huỳnh Văn Cao, Bùi Đình Đạm là những sĩ quan bất tài, nhưng chỉ vì là người Công giáo lại có tài nịnh hót bợ đỡ cho nên anh em ông Diệm đã trao vào tay họ cả một vùng đất trách nhiệm rộng lớn, một dân số đông đảo và một lực lượng quân sự lớn lao.

Khi còn chỉ huy sư đoàn 7 vào đâu năm 1962, nhờ trực thăng chiến đấu và thiết vận xa M113 mới được du nhập vào miền Nam Việt nam làm cho Việt cộng bỡ ngỡ lúc đầu. Cao thu hoạch được một ít chiến thắng, mặc dù mỗi lần Việt cộng rút lui, Cao không dám xua quan truy kích. Sau mỗi cuộc hành quân. Cao vội vã tổ chức lễ Tạ ơn Đức Mẹ tại nhà thờ rồi về ngay Sài gòn khoe với ông Diệm lý do chiến thắng là nhờ Đức Mẹ chỉ dạy cho Cao hành quân nơi nào, bày binh bố trận ra sao? Cao biết gãi vào chỗ ngứa của ông Diệm mỗi khi Cao dùng Đức Mẹ để mê hoặc ông ta. Những "chiến thắng nhờ Đức Mẹ”, những lễ “Tạ ơn” đó Cao đã trắng trợn ghi vào tập hồi ký "Lòng ái quốc" để khoe khoang.

Đức Mẹ đã bị đại tá Lansdale "bắt di cư" vào Nam năm 1954, lại bị Cao "bắt đi đánh giặc" vào những năm 1962-1963, bây giờ ra hải ngoại, vài tờ báo của "Cần lao" lại bắt Đức Mẹ làm thầy bói khi họ đăng tin Đức Mẹ hiện ra ở nhà thờ Fatima ở cầu Bình Triệu để chỉ cho giáo dân biết đến năm 1980-1981 thì Cộng sản sẽ bị tiêu diệt hết, và miền Nam sẽ thanh bình!

Trong lúc Cao bày trò đưa Đức Mẹ ra để mê hoặc ông Diệm và các linh mục địa phương với ý đồ sử dụng các vị này như một hệ thống tuyên truyền đến tai anh em ông Diệm, bày trò tổ chức chúc mừng chiến thắng, và đề nghị với ông Diệm cho kéo quân diễu hành tại các đường phố Sài gòn để khoe khoang công trạng thì Bùi Đình Đạm lại không phải là thứ người sinh ra để làm quân tác chiến vì Đạm chỉ biết nghề kế toán. Đạm chỉ có tài vâng lời Huỳnh Văn Cao, và theo ký giả Halberstam, lúc ngồi trong máy bay khi đi hành quân, Đạm chỉ biết lầm rầm cầu nguyện Đức Mẹ phù hộ cho Đạm được an lành mà thôi.

Nhìn lại cuộc chiến đấu từ đầu Xuân 1963, tình hình miền Nam quả thực đã đi vào tuyệt lộ, mặc dù lúc bấy giờ quân đội đã được gia tăng hùng hậu và viện trợ Mỹ vẫn ào ạt đổ vào. Bernard Fall cho biết rằng vào đầu năm 1963, dưới chế độ Diệm con số chính xác của quân đội VNCH gồm có 225.000 binh sĩ chính quy, 100.000 Bảo an, 90.000 Địa phương quân, 85.000 dân vệ... tất cả là 500.000 người.

Với một nửa triệu quân, chưa kể 100.000 nhân viên Công an, Cảnh sát, Cảnh sát dã chiến, nhân viên An ninh xã ấp, chưa kể sự hiện diện của 16.000 binh sĩ Mỹ, đoàn cố vấn người úc thế mà với lực lượng hùng hậu đó tình hình miền Nam vô phương cứu chữa nếu không có quân đội đồng minh nhập cuộc sau này.

Denms Warner, một ký giả tiếng tăm người úc đã được ký giả Hoa kỳ, ngay cả Bernard Fall cũng phải kính trọng, đã nói rằng: "Năm 1963, tướng lĩnh Mỹ gặp khó khăn về tình hình chiến sự tại đồng bằng sông Cửu Long cũng giống như năm 1951-1952 tướng lĩnh Pháp gặp khó khăn về tình hình chiến sự tại đồng bằng sông Hồng Hà", năm 1951-1952, tình hình chiến sự Bắc Việt nam nguy kịch đến độ chính phủ Pháp phải cử danh tướng số một của họ qua cầm quân ở Đông Dương. Và tuy danh tướng De Lattre de Tassingy có thu lượm được vài chiến thắng lúc đầu như vụ chặn đứng quân của Võ Nguyên Giáp tại Vĩnh Phúc, Phúc Yên chẳng hạn nhưng sau đó tình hình đã trở nên tồi tệ đến nỗi De Lattre phải thu quân về cố thủ sau dãy chiến luỹ khu tam giác nhỏ hẹp miền Trung châu mà vùng đó mỗi ngày một ung thối thêm.

Lời ví von của Dennic Warner cho thấy toàn thề lãnh thổ miền Nam vào năm 1963 cơ hồ đã nằm trong tay Việt cộng ngoại trừ những đô thị và những tỉnh ly. Và ngay cả trong những khu vực an toàn này, cán bộ nội thành của Việt cộng cũng đã lộng hành, phá hoại hoặc xâm nhập làm nội tuyến nằm vùng trong các cơ sở của chính quyền.

Đã thế, đầu mùa hè năm 1963, chế độ Diệm lại bị rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị vì biến cố Phật giáo, một biến cố do chủ trương kỳ thị tôn giáo của chính anh em ông Diệm gây ra, làm cho quân đội (Nhảy dù và Thuỷ quân lục chiến), Công an cảnh sát, An ninh quân đội bị huy động vào việc bao vây các chùa chiền, vào việc đàn áp các phong trào nổi dậy của sinh viên và phật tử. Bộ máy cai trị lúc bấy giờ chỉ chú tâm vào việc đối phó với tình hình chính trị nội bộ đã tạo ra nhiều sơ hở an ninh cho Cộng sản lợi dụng gia tăng hoạt động xâm nhập thêm người, thêm vũ khí vào miền Nam. Cho nên sau khi chế độ Diệm bị lật đổ thì vào những năm 1964-1965 chiến tranh miền Nam dĩ nhiên phải trở nên sôi động hơn vì lực lượng Cộng sản đã được gia tăng nhiều hơn từ những năm trước. (ở đây tôi chưa đề cập đến những yếu tố khác như những xáo trộn chính trị, những âm mưa của Cần lao sau khi ông Diệm bị lật đổ).

Tình hình miền Nam từ 1961 đến 1963 trầm trọng đến độ ông Diệm phải kêu gọi 92 nước ủng hộ, đã phải nhờ thêm phái đoàn quân sự úc đến giúp đớ, đã phải báo cáo với Tổng thống Kennedy là "VNCH đang phải đối đấu với thảm hoạ lớn nhất trong lịch sử”, thế mà sau khi ông Diệm bị lật đổ, nhóm Cần lao lại cho rằng nếu ông Diệm còn cầm quyền thì miền Nam đã chiến thắng Cộng sản rồi. Tiếc thay trong nhóm Cần lao đưa ra luận điệu đó, đưa ra những lời buộc tội đảo chính 1-11-1963 lại có cả một người bạn cũ, một người đồng hương cùng tỉnh, cùng phủ với tôi, đó là cựu trung tá Nguyễn Văn Châu (hiện ở Pháp).

Trung tá Châu theo ông Diệm từ năm 1954, là lãnh tụ Quân uỷ Đảng Cần lao, giám đốc Nha chiến tranh tâm lý từ năm 1957, Tổng thư ký Mặt trận nhân dân Chống Phiến Cộng sau vụ đảo chính của Nhảy dù cuối năm 1960. Với tất cả thành tích của một "đại công thần” như thế, lại được tất cả các anh em ông Diệm thương yêu tin cậy, thế mà Châu lại vận động để bỏ nước, bỏ chức vị ra đi, trong khi Châu đang ngồi trên uy quyền và tiền bạc. Lại nữa, vào năm 1962, những năm khó khăn, rối rắm, hiểm nguy của quốc gia và chế độ đang cần sự hiện diện của một thành phần trung kiên, hăng hái hoạt động như Châu bên cạnh các lãnh tụ và đảng Công giáo Cần lao thay vì đi làm tuỳ viên quân sự tại Hoa kỳ, một nhiệm sở không phù hợp với khả năng của Châu.

Sự thật thì sau bao nhiêu biến cố bất lợi liên tiếp xảy ra cho đất nước và chế độ, Châu cảm nhận được chế độ đang trên đà suy vong mà Châu đã cố gắng cùng với các ông Lý Trung Dung, Lê Văn Thái tìm phương cứu chữa bằng "Hội nghị đoàn kết" nhưng lại bị ông Nhu khinh thường bác bỏ. Châu thất vọng hoàn toàn, nhìn thấy cơn bệnh trầm kha của quốc gia đã vô phương cứu chữa. Hơn ai hết, Châu biết thế nào chế độ cũng bị lật đổ mà Châu sẽ là cái bia đầu tiên cho Cách mạng nhắm bắn, Châu phải ra đi, phải xa quê hương để tránh một cuộc trả thù. Tâm sự này Châu đã bộc bạch với tôi vào tháng 4 năm 1963, khi tôi gặp Châu tại Washington.

Sự kiện đầu năm 1963 Châu cố vận động xin đi làm Tuỳ viên quân sự tại Hoa kỳ để lánh xa quê hương, lánh xa chế độ đã đủ nói lên tình thế chế độ Diệm chênh vênh như ngọn lá vàng chỉ chờ một cơn gió nhẹ lay động là rụng xuống. Nếu chỉ có thế thì cũng có thể khen Châu là khôn ngoan, thức thời nhưng điều cần phải nói lên để làm sáng tỏ lịch sử là sau khi chế độ Diệm bị lật đổ. Châu lại ca ngợi chế độ mà Châu đã chạy trốn, lại còn chỉ trích những người đã lật đổ nó.

Sự ra đi này chỉ được đánh giá như một hành động đào ngũ khỏi chế độ, khỏi nơi nương tựa đã bắt đầu lung lay, khác hẳn với trường hợp của công thần Nguyễn Thái, giám đốc Việt Tấn Xã, cũng ra đi vì muốn cảnh cáo một chế độ đang đi ngược lòng dân.

Ngược lại với Nguyễn Văn Châu thì Võ Văn Hải cũng nắm vững tình hình quốc gia, tình hình chế độ Diệm, cũng đã biết trước "phép lạ không xảy ra hai lần" cho chế độ Diệm sau biến cố Nhảy dù năm 1960, nhưng Hải không ra đi và sau khi chế độ Diệm bị lật đổ, Hải không bao giờ tham gia những cuộc cúng kỵ do Cần lao tổ chức tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Hải chỉ âm thầm nhớ thương ông Diệm vì tình nghĩa thầy trò gần 20 năm trời, nhưng Hải không bao giờ lên án cuộc lật đổ ông Diệm ngày 1-11-1963 vì Hải biết trước được việc phải đến sẽ đến. Trái lại Hải còn ủng hộ Dương Văn Minh, người đã từng cầm đầu cuộc đảo chính ông Diệm. Cũng cần phải nói thêm rằng tháng 10 năm 1963, sau cuộc tấn công chùa chiền đêm 20 tháng 8, Châu tưởng rằng anh em ông Diệm đã làm chủ được tình hình nên xin về nước tham quan một chuyến không ngờ Cách mạng 1-11-1963 xảy ra, Châu bị Hội đồng tướng lĩnh nhốt vào khám Chí Hoà. Sau một tuần lễ tôi mới can thiệp được để trả tự do cho Châu và giúp Châu trở lại Hoa kỳ. (Đồng thời tôi cũng can thiệp trả tự do trung tá Nguyễn Ngọc Khôi cựu Tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ và trung tá Phạm Thu Đường bí thư của ông Ngô Đình Nhu).

Nếu trường hợp của Nguyễn Văn Châu, tôi chỉ muốn dẫn chứng thêm rằng, dưới chế độ Diệm tình hình miền Nam của năm 1963 đã tuyệt vọng hoàn toàn đến nỗi một trung thần như Nguyễn Văn Châu mà cũng phải đào thoát tìm đường sống và khi ông Diệm chết đi, đã để lại một hậu quả nguy kịch và tệ hại cho những chế độ kế tiếp.

Trên mặt trận an ninh quốc gia, hay một cách đặc thù hơn, trên mặt quốc phòng, hai năm 1961-1962 đã là hai năm khốn đốn cho chế độ, những khía cạnh đó cũng chưa đủ để cho miền Nam sau này kiệt quệ và buông súng đầu hàng vào mùa Xuân 1975.

Phải có những yếu tố khác sâu sắc hơn, trầm trọng hơn đã làm huỷ hoại sinh lực của dân tộc, đã làm tiêu huỷ mọi nỗ lực tội nghiệp cho nhân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu chống Cộng sản.

Những yếu tố đó là sự băng hoại xã hội do hệ thống tham nhũng có kế hoạch và có chỉ đạo của vợ chồng Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục, Ngô Đình Cẩn; và chính sách kỳ thị tôn giáo có chủ trương và có sách lược của dòng họ Ngô Đình mà tôi sẽ trình bày trong các chương tiếp. Vì hai yếu tố có tính cách văn hoá cao nên bao trùm mọi sinh hoạt của xã hội và tác dụng lên mọi kích thước sinh sống của người dân, cho nên chính hai yếu tố này đã là những loại độc dược góp phần tiêu huỷ chế độ trong cấp kỳ, nhưng chậm rãi mà chắc chắn đánh gục quốc gia trong lâu dài.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Hồi ký Đỗ Mậu Chương 12

Có thể bạn thích