Giang hồ Sài Gòn
Chương VI

DocSachHay.net

áo chí đã đăng nhiều bài nói về mối thù giữa hai tay giang hồ cộm cán này. Theo đó, Lâm Chín ngón luôn tỏ vẻ "khi dễ" Năm Cam vì tên này khi xưa là đàn em dưới cơ Lâm xa lắc, nay chẳng qua gặp thời thế phất lên mà lại được lắm kẻ a dua theo bợ đỡ; còn Năm Cam bực bởi Lâm dám cả gan không chịu phục tùng mình như bao dân chơi khác, lại ngông nghênh có những lời nói xúc phạm đến "ông trùm" xã hội đen; đã vậy đến cả vợ của Lâm cũng coi Năm Cam không ra gì thì thật là quá quắt.

Rốt cuộc Năm Cam sai đệ tử trừng phạt Lâm Chín ngón bằng cách tạt a-xit vào ngay mắt đối thủ khiến Lâm gần như bị mù.

Tất cả những thông tin trên đều không sai, tuy nhiên có một điều vẫn chưa được làm rõ: Mối thù này đã bắt đâu từ thời gian nào?

Đưa vào sự quen biết giữa bản thân tôi với Lâm Chín ngón cũng như Năm Cam và một số tư liệu nắm được, tôi cố gắng làm sáng tỏ thêm vấn đề này.

Tôi quen Năm Cam

Trong giới nhà báo, có lẽ tôi là một trong những người quen biết Năm Cam sớm nhất.

Đúng hơn là Năm Cam làm quen với tôi, qua sự quen biết giữa con út của Năm Cam - Trương Hiền Vũ - và con trai tôi, cũng tên Vũ, Lê Vũ. Số là cả hai Vũ (để phân biệt, võ đường kêu con Năm Cam là Vũ lớn và con tôi là Vũ nhỏ do nhỏ tuổi hơn nhiều) đều cũng theo học một lớp tại võ đường Taekwondo quận 3 nằm trên Sài gòn Hồ Xuân Hương vào cuối những năm 1980, khi ấy do anh Trương Văn Hai (thường gọi thân mật là Hai Lùn), ngũ đẳng huyền đai dạy. Anh Hai Lùn từng làm đội trưởng đội bảo vệ cho tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Nhân một lần kỷ niệm sinh nhật con trai tôi, vào cuối những năm 1980, tôi cho phép cháu mời một số bạn quen lại nhà dự một bữa ăn thân mật nho nhỏ. Bạn bè cháu mời không tới 20 người, gồm hai lứa ban: Học chung lớp văn hoá và học chung lớp Taekwondo. Do bữa ăn chỉ nhắm mời bạn của cháu, nên hễ cháu nào được người lớn chở tới nhà, tôi chỉ mời người nhà uống nước và hẹn hai giờ sau lại rước cháu; hơn nữa, nhà tôi khi ấy ở tại một căn hộ thuộc chung cư Nguyễn Kim vốn chật chội nên cũng không thể đủ chỗ đón khách.

Chiều hôm ấy đích thân Năm Cam chở con tới nhà tôi, mang theo quà mừng sinh nhật (mà lâu quá tôi không còn nhớ). Tôi cũng lịch sự mời Năm Cam ngồi uống ly nước và Năm Cam ngồi chơi không lâu, nhưng từ đó có sự quen biết. Hỏi qua tuổi tác, thấy thua tôi ít tuổi, lại nữa qua câu chuyện, biết tôi từng ở tù Chí Hoà, Côn Đảo chung với nhiều dân chơi du đãng lừng danh hồi trước như Đại Cathay, Huệ Râu, Điền Khắc Kim, Tuấn Đả, Nam Lương, Lâm Chín ngón…, Năm Cam gọi tôi bằng anh ngọt sớt (nhưng cũng rất có thể, một phần do vào thời gian ấy tôi đang giữ chức phó Tổng Biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tạm gọi là có chút danh phận, nên Năm Cam tỏ ra lễ độ; và chuyện Năm Cam chở con tới nhà tôi là có ý đồ làm quen từ lâu và nay mới gặp dịp)

Một thời gian ngắn sau, gặp nhau lại tại võ đường Taekwondo Hồ Xuân Hương, trong khi chờ đón con, Năm Cam nói với tôi có vẻ rất thân tình:

- Em thấy anh ngày nào cũng chở cháu đi đi về về, vừa mất thời gian vừa cực. Em có mấy đứa đệ tử đưa rước thằng Vũ lớn con em, đằng nào cũng tốn công, hay để em nói tụi nó chở cháu Vũ nhở con anh luôn cho tiện.

Đúng là tôi chở con đi học võ cực thiệt, nhất là gặp khi mưa gió hoặc bận việc này nọ, nhưng cực vì con cũng có cái vui của nó, và lại nhờ ai chớ nhờ Năm Cam thì tôi chả dại, nên tôi cám ơn Năm Cam và dứt khoát không nhận lời.

Mãi nhiều năm sau này, khi con tôi thì xong đai đen, Năm Cam không dưới một lần bảo tôi: “Cháu có việc gì làm chưa, nếu không, anh cứ để em kiếm việc cho cháu, cháu có thể vừa đi học vừa đi làm thêm, bảo đảm đủ sống”.

Tuy lúc ấy không biết rành về các việc làm của Năm Cam, nhưng tôi cũng nghe loáng thoáng, nên lần nào Năm Cam ngỏ lời tôi cũng đều từ chối. Có lẽ thấy tôi tuy vẫn tiếp chuyện lịch sự nhưng không mặn mà gì với bất kỳ đề nghị giúp đỡ nào, nên Năm Cam đối với tôi không thân thêm, mà cũng không xa lánh thêm, cho mãi đến khi xảy ra một việc…

Một hôm, Lâm Chín ngón hỏi tôi:

- Anh hay viết bài điều tra lắm phải không?

Thì đúng thể loại báo chí tôi ưa thích, nên tôi đáp:

- Cũng thỉnh thoảng. Có gì không Lâm?

- Có. Chuyện hay lắm mà em nghĩ may ra chỉ có báo Công an mới dám đăng.

Đụng đến “máu nghề nghiệp”, tôi không nén nổi tò mò:

- Chuyện gì mà ghê vậy, Lâm cứ nói.

Quả thực, hiếm khi một người “ruột để ngoài da”, có gì cứ huỵch toẹt mà lại cứ kể úp úp mở mở như lần ấy. Lâm Chín ngón rào đón:

- Chuyện lớn lắm, về một sòng bạc, nói ra rất dễ đụng chạm, nhưng nếu anh không thể trực tiếp thì thôi, không thể giao cho bất cứ người nào khác.

Tôi thật tình bảo:

- Cũng tuỳ chuyện. Toà soạn đông anh chị em phóng viên viết điều tra lắm. Nếu bận việc, tôi để anh em khác đi điều tra là chuyện thường tình. Nhiều anh chị em giỏi hơn tôi nhiều.

Lâm Chín ngón lắc đầu, kiên quyết:

- Việc nào em không biết. Nhưng việc này dứt khoát chỉ hoặc là anh, hoặc bỏ qua. Chuyện em kể là hoàn toàn đúng sự thật một trăm phần trăm. Nhưng em biết anh cái gì cũng đòi mắt thấy tai nghe mới viết, nên nếu anh đồng ý, em sẽ dẫn anh đi vô tận sòng bạc, anh ngồi chơi ít ván cho biết và nắm tư liệu cụ thể.

Tôi gật đầu, lựa:

- Biết rồi, dù chưa biết là chuyện gì, tôi vẫn tin Lâm như từ hồi nào đến giờ. Nếu việc Lâm kể, vì bất cứ lý do gì khiến tôi không thể trực tiếp điều tra, thì coi như… huề. Rồi, giờ kể được chưa?

Đến nước này mà Lâm Chín ngón còn đưa tay ra ngoéo tay tôi để làm bằng trước khi “vô đề”:

- Sòng bạc này nằm ở quận 4. Sòng bạc lớn lắm. Em bảo đảm với anh lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh nếu không nói là lớn nhất Việt Nam. Quy mô hơn cả những sòng bạc em biết hồi trào trước giải phóng. Ăn thua mỗi ván lên đến bạc triệu. Đủ thứ bài bạc; xóc đĩa, xí ngầu. Đổi tiền; cầm đồ tại chỗ. Bảo vệ từ vòng ngoài đến vòng trong. Dân bảo vệ toàn thú dữ. Khách vô chơi bắt buộc phải là dân quen và đã được tuyển nếu không có người quen giới thiệu. Có rất nhiều lối thoát hiểm an toàn khi bị bảo động; nhưng việc này chưa bảo giờ xảy ra. Chắc chắn đây là một tư liệu hết sức độc đáo để anh viết báo.

Tôi hỏi:

- Như vậy làm sao tôi vô sòng bạc ấy được? Tiền đâu mà chơi bài?

Lâm gật gù:

- Vì vậy em mới dẫn anh đi. Anh không có tiền thì em đưa cho anh. Có em là khách quen sẽ không ai dám khó dễ gì anh cả; đồng thời em cũng bảo vệ cho anh luôn. Em cũng tính rồi, nếu anh đồng ý, em bố trí thêm vài thằng đệ tử thân tín nữa ngầm bảo vệ, ở sẵn trong sòng bài. Nếu rủi có chuyện gì anh cứ yên tâm…

Ông tướng thứ 13

Trước khi kể tiếp về sòng bạc ở quận 4, tôi xin quay ngược giòng thời gian chút đỉnh để nói qua mối tình quen biết giữa tôi với Lâm Chín ngón.

Do tại Côn Đảo tôi bị nhốt chung với số anh em dân giang hồ thú dữ tại chuồng cọp khu C trại 7 suốt hai năm (từ khoảng giữa 1973 đến ngày 30-4-1975) nên quen biết, và hơn nữa, chơi khá thân với tất cả những anh em này.

Lâm Chín ngón bị đày ra Côn Đảo khoảng đầu tháng 4-1975, tất nhiên được đưa ngay vào khu C trại 1, nhốt một mình một phòng.

Thoi gian này tôi mới ở bệnh xá về, ở chung phòng với anh Giáo, chân phải vẫn còn bị liệt nên ngay cả giờ tắm nắng cũng ít đi lại, phải nói thực mới loáng thoáng biết có Lâm, chớ chưa thế gọi là quen Lâm.

Thì tiếp đó là giải phóng 30-4.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi khi đó đang bị liệt một chân nên được lên chuyển tàu đầu tiên về đất liền. Mãi về sau nghe anh em kể lại số dân chơi trong chuồng cọp khu C bắt Sang lai là tên cầm đầu bọn trật tự phải quỳ gối uống hết một chén nước tiểu trộn phân. Tiếp đó nhiều tù thường phạm bị nhốt trong khu C lợi dụng những ngày đầu giải phóng, công tác canh gác tù nhân còn sơ hở, trốn ra khỏi trại, phá kho tang vật, lấy cấp nhiều món đồ có giá trị trong kho như đồng hồ, nữ trang, tiền mặt… và toàn bộ số này bị xử bắn (nghe đâu ở bài Đầm Trầu).

Lâm Chín ngón không nằm trong số này, nhưng do án quá nặng (hai án chung thân về tội giết Vũ Định Cường, em Sơn Đảo; và Hoàng Đầu lâu) nên không được tha về hoặc lưu lại Côn Đảo như tất cả các tù thường phạm khác, mà tiếp tục chuyển về trại giam tại đất liền, mãi đến năm 1988 mới được tha về.

Tha về chưa được bao lâu Lâm Chín ngón đã hỏi thăm, tìm tới thăm tôi, kể cho tôi nghe suốt hơn mười năm qua anh ta đã sống ra sao.

Nhắc lại thời gian ở chuồng cọp Côn Đảo, Lâm bùi ngùi kể số phận không may của những “dân chơi” cũ.

Biết tôi quen Đại Cathay hồi ở tù năm 1966 tại khu ED, Chí Hoà; hỏi tuổi, Lâm thua tôi một tuổi nên gọi tôi là anh, xưng em - và kể từ đó, Lâm luôn giới thiệu với mọi người (từ dân chơi đến gia định, người quen) tôi là “anh kết nghĩa” của Lâm.

Trong câu chuyện kể, tôi nhớ nhất chi tiết Lâm Chín ngón bị đưa vô trại học tập cải tạo ở tận miền Bắc chung với số sĩ quan và cán bộ cao cấp của chế độ cũ. Lần lượt họ được tha về gần hết, rốt lại chỉ còn 13 ông tướng bị nhốt trong trại, đó là 12 người đeo quân hàm tướng thật sự (tướng nguỵ) và ông tướng thứ 13 là tướng cướp - tức Lâm Chín ngón.

Tôi cũng chỉ biết an ủi Lâm, khuyên anh ta nên cố sống đàng hoàng.

Sòng bạc quận 4

Giờ xin trở lại với sòng bạc tại quận 4.

Nghe qua lời Lâm giới thiệu về sòng bạc, tôi bán tín bán nghi. Không lẽ một sòng bạc lớn tới cỡ đó mà không cơ quan chức năng nào hay biết, nhất là chính quyền cơ sở và công an phường, cảnh sát khu vực. Nhưng quả thực Lâm Chín ngón nói dóc với ai thì tôi không rõ, chứ chưa khi nào anh ta nói dóc với tôi. Tôi nói thật ý nghĩ vừa thoáng qua của mình:

- Vậy chớ Uỷ ban nhân dân và Công an phường, rồi Công an quận, chẳng lẽ không ai hay biết gì sao?

Lâm lắc đầu:

- Em không rõ, nhưng chắc là họ biết và có thể họ làm ngơ. Nhưng sao anh chưa trả lời liệu có dám đi với em lấy tư liệu về viết báo không?

Tôi suy nghĩ rất nhanh, đánh giá nguồn tin, cân nhắc qua mọi tình huống, đáp:

- Ý tôi rất muốn đi cũng với Lâm. Nhưng chuyện này qua lớn, có thể vượt ngoài khă năng của tôi, nên Lâm cho tôi suy nghĩ dăm ba ngày, sẽ trả lời Lâm sau.

Lâm Chín ngón gật đầu:

- Em cũng nghĩ anh khó quyết đoán ngay được. Nhưng dù vì bất cứ lý do gì, anh cũng đừng nói với ai rằng em đã báo nguồn tin này. Ít hôm nữa em sẽ tới gặp lại anh.

Từ thâm tâm tôi qua thực rất muốn cùng Lâm Chín ngón mạo hiểm một chuyến, thâm nhập sòng bài để lấy tư liệu thực tế viết bài điều tra mà tôi tin rằng sẽ khá độc đáo. Nhưng tôi không thể tự mình mạo hiểm. Giả sử tôi có mặt tại sòng bài đúng lúc công an ập vô bắt quả tang, lại đúng khi tôi đang đặt tiền thì làm sao giải thích? Chưa kể tình huống xấu nhất, tôi bị những tay bảo vệ sòng bài phát hiện, tấn công mà Lâm Chín ngón cũng như đám tay chân của anh ta không đủ sức chống cự giải vây cho tôi, thì liệu thân tôi sẽ ra sao?

Chỉ có cách tốt nhất là báo cáo lên lãnh đạo xin ý kiến, tuỳ trên quyết định, và tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quyết định ấy.

Tôi gặp Huỳnh Bá Thành, tức Ba Ớt, khi ấy là thủ trưởng trực tiếp của tôi, Tổng Biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Huỳnh Bá Thành về chức vụ tuy là cấp trên, nhưng đối với tôi vốn quen biết từ lâu, hồi còn làm báo tại Sài gòn, nên coi như chỗ bạn bè thân tình mày tao chi tớ. Nghe tôi kể qua câu chuyện sòng bạc quận 4, Ba Ớt bảo:

- Nguy hiểm quá, nguy hiểm quá, mà ông tính xông vô đó thiệt hay sao?

Tôi cười:

- Có gì mà không thiệt. Sợ quái gì. Hồi trước bao nhiêu hiểm nguy còn chưa sợ, nay sợ gì một sòng bạc.

Ba Ớt khất:

- Nhưng tình hình bây giờ khác. Tôi không dám can, mà cũng không muốn khuyến khích ông. Bây giờ như vậy, nói thiệt ông nghe tôi cũng không dám quyết chuyện này đâu. Ông ráng chờ ít hôm để tôi phải xin ý kiến Ban Giám đốc Công an Thành phố mới được. Anh em mình quyết với nhau, rủi ông có chuyện gì bắt trắc, làm sao tôi trả lời với Ban Giám đốc?

Huỳnh Bá Thành nghĩ vậy là đúng. Ngay khi trao đối với Ba Ớt, tôi cũng đã đoán anh ta sẽ “đẩy” lên cấp cao hơn nữa, nhưng dù sao tôi cũng đã làm tròn nhiệm vụ của tôi; và toàn bộ công việc của tôi lúc này chỉ là chờ đợi. Thực sự cho đến lúc ấy, tôi vẫn chưa biết ai là chủ nhân của sòng bạc tại quận 4 mà Lâm Chín ngón muốn dẫn tôi đi lấy tư liệu để viết bài.

Trong khi ấy Lâm Chín ngón tỏ ra rất nôn nóng. Mới hai ngày sau anh ta đã tới gặp tôi, thúc giục:

- Sao, anh đã xin ý kiến xong chưa?

Tôi nói thật với Lâm là tôi đã báo cáo với Ban Biên tập, và còn phải báo cáo lên cấp cao hơn nữa. Việc chờ dợi do đó có thể không phải ba ngày, mà phải lâu hơn.

Bất ngờ từ Năm Cam

Mấy ngày sau, Ba Ớt gọi tôi cho biết sòng bài đang được theo dõi, không nên viết bài đánh động.

Khi nghe tôi báo tin tôi không thể theo anh ta đến sòng bạc quận 4 để viết bài, Lâm thở ra, bảo:

- Em cũng đã đoán trước có thể anh mắc kẹt, nlung vẫn có hy vọng. Ai dè Năm Cam quen biết lớn thật…

Tôi cố giải thích:

- Không hẳn vậy đâu, nhưng ở đời luôn có nhưng việc dù mình muốn mà không thể thực hiện, luôn có những việc mà mình không thể hiểu biết thấu đáo. Thôi Lâm ạ, cứ yên vui với cuộc sống của mình là được rồi, hơi đâu lo cho kẻ khác.

Những Lâm vẫn tỏ vẻ bực đọc:

- Anh nói vậy em nghe vậy. Những Năm Cam đâu có ra gì. Hồi nào nó tà lọt cho anh Đại, dưới cỡ em xa lắc, giờ chỉ nhờ khéo luồn lọt mà ngoi lên, bao nhiêu thằng theo nịnh. Phải chi nó có tài đã đành.

Thì ra Lâm Chín ngón ganh ghét Năm Cam nên muốn qua báo chí “chơi” Năm Cam - tôi chợt hiểu ra cốt lõi của vấn đề. Lâm Chín ngón tiếp tục tâm sự:

- Anh biết không, cách đây chưa lâu công an đánh vụ buôn lậu và sản xuất hàng giả tại làng thương binh Phước Bình, Thủ Đức. Em không biết rõ sự việc nhưng nghe nói huy động lực lượng mạnh lắm, quay cả phim để học tập rút kinh nghiệm đánh án trong nội bộ ngánh…

Vụ làng thương binh Phước Bình thì tôi biết. Do dính liu đến thương binh vốn là vấn đề hết sức nhạy cảm nên công an thành phố và công an huyện Thủ Đức phải phối hợp với lực lượng kiểm soát quân sự, Bộ tư lệnh Thành và Huyện đội Thủ Đức để phá án. Đúng là khi ấy lực lượng công an có quay cuốn băng video về vụ này, nhưng tại sao Lâm Chín ngón cũng biết thì lạ thiệt. Giọng Lâm vẫn đều đều:

- … Nghe đâu chỉ cán bộ có tầm cỡ mới được coi bộ phim ấy, thế mà anh biết không, Năm Cam được “mời” xem phim.

Xem xong, Năm Cam bị hỏi kiểu dằn mặt: “Nguyên cả làng thương binh Phước Bình cũng không thể chống nổi, liệu sòng bạc quận 4 của anh có chịu nổi không?”. Năm Cam đáp nữa đùa nửa thật: “Dạ, dạ, sòng bạc của em sao chịu nổi, cũng nhờ mấy anh thương bỏ qua cho. Có điều muốn đánh sòng bạc của em, các anh phải huy động lực lượng gấp hai lần đánh Phước Bình”.

Anh nghĩ thử coi, Năm Cam nó quen biết cỡ đó và dám trả lời láo như vậy thì thật hết biết.

Tôi khi ấy hoàn toàn không tin chuyện Năm Cam có thể ngồi xem cuốn phim được coi là tài liệu mật của ngành công an, những nếu không thì làm cách nào Lâm Chín ngón bịa chuyện y như thật? Tôi hỏi:

- Dựa vào đâu mà Lâm biết chuyện về cuốn băng trên?

- Thì chinh Năm Cam khoe với bọn đàn em nhằm trấn an bọn chúng cứ yên tâm hoạt động vì đã lo lót hết các cửa. Bọn chúng kể lại với em nên em mới rành chuyện.

Một lần nữa tôi trấn an Lâm, nhưng lần này cũng là trấn an chinh mình:

- Nghe qua nghe lại tam sao thất bổn. Chuyện khó tin lắm, không lẽ một trùm xã hội đen lại ngồi xem tài liệu mật chung với cán bộ công an có tầm cỡ. Có thể Năm Cam bốc phét loè em út đó. Thôi, mình cứ lo thân mình cho xong, hơi nào lo thiên hạ sự.

Nãy giờ tôi quen chưa nói thời gian xảy ra sự kiện trên. Đó là vào quãng giữa năm 1992. Như vậy mối thù giữa Năm Cam và Lâm Chín ngón hẳn phải có từ trước đó nữa, đã lâu làm rồi.

Mãi sau này, khi Năm Cam bị bắt, cơ quan điều tra phanh phui ra mới quan hệ móc ngoặc giữa Năm Cam và một số cán bộ có tầm cỡ của Công an Thành phố Hồ Chí Minh như (nguyên) Thượng tá Sài gòn Minh Ngoc, trưởng Phòng cảnh sát hinh sự; (nguyên) Trung tá Nguyễn Mạnh Trung, phó Phòng cảnh sát điều tra; và sự quen biết giữa Năm Cam với các cán bộ còn lớn hơn nữa như (nguyên) Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh Thân Thành Huyện và Vô Văn Mạng, v.v… tôi mới vỡ lẽ nguồn tin của Lâm Chín ngón là hoàn toàn có cơ sở để tin cậy.

Như vậy rất có thể không phải Năm Cam đã “huếnh” lên về cuốn băng, mà hắn đã từng được mời xem thực và từng bị “nắn gân” thực. Câu trả lời của Năm Cam có thể do hắn bốc phét thêm mắm dặm muối nhằm “giật le” với bọn em út, nhưng cũng có thể xuất phát từ sự thật. Quả là toàn những chuyện khó tin nhưng có thực.

Tôi cũng bất giác lạnh xương sống khi nghĩ nếu ngày ấy tôi cao hứng lên, theo Lâm Chín ngón vô sòng bạc tại quận 4 của Năm Cam, về viết bài, đang lên báo, thì nào ai mà biết được hậu quả sẽ ra sao!

Và, ai mà biết được, chuyện Lâm Chín ngón tâm sự với tôi về sòng bạc đã bằng cách nào đó lọt đến tại Năm Cam, chinh vì vậy sau này Năm Cam tỏ ra lơ là với tôi và thêm lý do để hắn rắp tâm tạt át-xit Lâm nhằm trả thù, mối thù mà Năm Cam đã ấp ủ suốt hàng chục năm.

Chuyện của giới giang hồ xã hội đen tôi nào muốn dính dáng đến, nhưng do hoàn cảnh đẩy đưa, muốn tránh cũng không được, thôi đành cố giữ lấy mình; điều gì giúp được anh em mà không trái luật pháp, không trái đạo lý làm người thì có giúp, không bằng hành động cụ thể thì bằng lời khuyên “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”, còn sự việc xảy ra thì mình tài hèn sức mọn làm sao can thiệp cho nổi, đành phó thác mặc cho số phận…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Giang hồ Sài Gòn Chương VI

Có thể bạn thích