Giang hồ Sài Gòn
Chương I (C)

DocSachHay.net

u đãng Sài Gòn đụng dân chơi Đà Lạt

Như đã nói ở phần trên, hồi ấy có một số tay tài phiệt thường “tài trợ” cho dân du đãng, trong số đó đáng kể nhất là Hoàng Kim Qui, thường được gọi “vua kẽm gai”. Đó là do Kim Qui làm giàu nhờ chiến tranh Việt Nam: Ông ta trúng thầu cung cấp toàn bộ dây kẽm gai để làm hàng rào ấp chiến lược, hàng rào phòng thủ cho đồn bót, rào cản ngăn chặn sinh viên học sinh biểu tình tranh đấu... Về sau Kim Qui còn trúng thầu làm lưới sắt bảo vệ B40, nên lại càng giàu thêm.

Hoàng Kim Qui có một quí tử là Hoàng Kim Lân, thuộc loại công tử bột ăn chơi có hạng. Lân thường kết bạn với số con nhà giàu khác và các “dân chơi” nổi tiếng, ngày ngày lui tới các vũ trường, nhà hàng, tiêu tiền như rác, lâu lâu nổi hứng “chơi trội” để “giựt le”.

Có lần, buổi tối Lân vô một nhà hàng lớn nằm trên đường Lê Lợi, tuyên bố sẽ bao toàn bộ khách đang ăn trong nhà hàng, trả tiền cho hết thảy mọi người. Maitre d’hôtel lên thông báo trên micro, ai dè bữa đó có một toán biệt động quân từ chiến trường về Sài Gòn nghỉ phép vô quán nhậu từ xế, nay đã ngà ngà say. Bọn này nhao nhao phản đối: “Tụi tao có tiền, vô đây ăn uống. Lân là thằng nào mà dám trả tiền bao tụi tao?”. Lời qua tiếng lại, bọn lính rút lựu đạn ra. Lân đang cầm chiếc hộp quẹt máy châm thuốc lá hút nổi sùng lên, quăng bỏ luôn hộp quẹt máy, te te bỏ ra khỏi nhà hàng. Nhân viên cả nhà hàng vội nháo nhào đi tìm chiếc hộp quẹt vì hộp quẹt của Lân ai cũng biết làm bằng vàng 18!

Lân rất khoái chơi với bọn Đại Cathay. Thường hắn ký sẵn séc tại các nơi Đại Cathay thường lui tới ăn chơi, lâu lâu kiểm tra lại, khi nào thấy Đại và bọn đàn em xài gần hết lại ký tiếp.

Trong băng công tử bột của Lân có hai anh em người Hoa là Dách Bửu và Dì Bửu, là con của chủ nhà hàng Mékong. Khi ấy chủ Mékong không những có hai nhà hàng sang trọng tại Sài Gòn và Chợ Lớn, mà còn mở cả nhà hàng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, và tại thủ đô PhnomPenh, Campuchia. Đang lúc ăn nên làm ra, Mékong lập thêm một nhà hàng nữa ở Đà Lạt. Nhân dịp khai trường nhà hàng này, Dách Bửu và Dì Bửu mời Hoàng Kim Lân lên Đà Lạt dự lễ, nhờ Lân mời luôn Đại Cathay và một số tay em của hắn - mà hai anh em người Hoa này cũng đã biết sơ sơ qua giới thiệu của Lân và đôi lần gặp gỡ trên sàn nhảy.

Gặp hồi đang phấn khởi vui vẻ trước lời hứa giúp đỡ của “ông chủ”, Đại kéo luôn một lô đàn em thân tín lên cao nguyên đổi gió. Đi cùng tay trùm du đãng này có đến hơn chục tên: Lâm Chín ngón, Hải Súng, Cu Quì, Sáng, Phong, Năm Công... chất lên hai xe du lịch Mustang và Traction không hết, phải đi nhờ cả xe của Hoàng Kim Lân.

Dách Bửu, Dì Bửu đón tiếp giới du đãng rất long trọng, không thua gì so với các nhà chính trị xa-lông có máu mặt và khách nước ngoài đến dự lễ khai trương. Chúng được dành nguyên một tầng lầu riêng để tiện việc ăn ở, đi lại. Đúng thời gian ấy có đoàn cải lương từ Sài Gòn lên Đà Lạt lưu diễn tại nhà hát ngay khu chợ Hòa Bình thuộc trung tâm thành phố sương mù. Các kép chính trong đoàn vốn cũng không xa lạ gì với Đại Cathay vì Thành Được, Hữu Phước hay lui tới hút thuốc phiện (hồi đó thường gọi là “đoong thóc”) tại tiệm Khang Thành nằm gần góc đường Đồng Khánh và đã nhiều lần gặp Đại Cathay cùng đám nhà văn Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy... cũng thường đến đây đi mây về gió.

Liên tiếp hai đêm, đoàn cải lương không ngớt kêu khổ vì đám du đãng Đà Lạt đến gây rối. Đám du đãng này đâu khoảng trên dưới 20 tên, do Xi Rổ cầm đầu, câu kết với bọn lính địa phương quân. Băng nhóm Xi Rỏ không chỉ coi khu chợ Hòa Bình mà còn tung hoành khắp thị xã Đà Lạt, từ bến bãi xe đến nhà hàng, khách sạn, vũ trường... hễ ai dám không “nộp thuế” cho bọn chúng là gặp chuyện ngay.

Gặp đoàn cải lương, đêm nào chúng cũng đòi “coi cọp” (không mua vé), không chỉ cho riêng chúng mà còn cho cả bọn lính địa phương và... luôn họ hàng, bạn bè thân thuộc của chúng, với số người “ăn theo” lên đến hàng trăm. Đã thế, chúng lại yêu cầu ngược: Đoàn cải lương phải trả “tiền bảo vệ” cho mỗi suất hát. Bầu cải lương tuy méo mặt vẫn rán è cổ ra chịu mà trong lòng tức anh ách.

“ Tha hương ngộ cố tri”, bất ngờ đất lạ quê người gặp ngay Đại Cathay trùm du đãng - mà anh em văn nghệ sĩ khi ấy hay gọi là Zimbô - Hữu Phước và Thành Được đều vô cùng mừng rỡ (Đại có tên “Zimbô” vì vào khoảng thời gian 1965 ở Sài Gòn có chiếu một bộ phim Tarzan Ấn Độ với nhân vật chính là Zimbô rất ăn khách. Do Đại mang một phần tư máu Ấn - cha lai Ấn, mẹ Việt Nam - nên được mang tên này luôn). Cả hai tài tử cải lương đều xổ bầu tâm sự, than phiền không ngớt về dân chơi Đà Lạt chơi không đẹp và nhờ Đại ra tay giúp đỡ. Nghe qua lời kể, phần vì được nịnh phỗng mũi, phần vì nghĩa khí giang hồ “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” (thấy việc nghĩa không làm là không phải kẻ dũng khí, gặp nguy chẳng cứu chẳng phải anh hùng), Đại Cathay ưỡn ngực hứa: “Để đấy tôi lo cho!”.

Chưa hết. Nghe tin nhà hàng Mékong khai trương làm lễ rất lớn, Xi Rổ viết thư gởi đến chủ nhà hàng, yêu cầu nội nhật chiều hôm ấy phải gởi cho hắn một con heo quay, hai chai rượu ngoại và năm két bia (hồi đó chỉ có bia La Rue con cọp) để bọn hắn nhậu, ghi chú rõ ràng ở cuối thư “nếu không, chủ nhà hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” (?). Mời bọn Đại Cathay lên Đà Lạt dự lễ khai trương, đụng chuyện này mà nhờ vả đến thì thật là đắc sách, Dách Bửu và Dì Bửu đưa thư của Xi Rổ cho Đại Cathay coi và “xin ý kiến chỉ đạo”. Vốn đã có sẵn chủ ý, Đại phẩy tay:

- Cứ gởi rượu, bia, heo quay cho chúng. Tôi sẽ nói chuyện phải quấy với thằng Xi Rổ sau.

Khoảng 8 giờ tối hôm ấy, Đại Cathay kéo nguyên băng ra bến xe gần chợ Hòa Bình tìm Xi Rổ, thì Xi Rổ đang ngồi nhậu với bầy lâu la ngay quán nhậu kế bến xe chớ đâu. Ngoài khoảng hơn chục tên du đãng xứ hoa anh đào còn có cả tiểu đội địa phương quân cũng túm tụm uống rượu, bia với mồi là con heo quay béo ngậy. Súng cạc-bin, ga-răng dựa ngay bên bàn nhậu. Riêng Xi Rổ cởi trần trùng trục mặc dù trời tối Đà Lạt trời lạnh như cắt, có lẽ một phần hắn muốn khoe thân hình lực lưỡng cuồn cuộn cơ bắp, một phần do nhờ rượu tỏa năng lượng sưởi ấm cơ thể (?).

Đại Cathay dẫn đầu băng du đãng Sài Gòn, tiến thẳng đến trước tiệc nhậu, lớn tiếng (tuy hắn dễ dàng nhận ngay ra Xi Rỗ với khuôn mặt rỗ đặc trưng):

- Ai là Xi Rỗ đâu?

Thấy có kẻ kêu đích danh mình, lại có vẻ hống hách, Xi Rỗ không thèm đứng dậy, hếch mặt, tay không buông ly rượu đang uống dở:

- Tao đây! Có chuyện gì vậy?

Đại Cathay gằn giọng:

- Tao muốn nói chuyện với mày về vụ nhà hàng Mékong và đoàn cải lương. Mày có biết tao là ai không?

Xi Rỗ hừ một tiếng, dằn mạnh ly rượu xuống bàn:

- Biết chớ! Biết cả chuyện mày lên đây đã mấy ngày rồi mà không lại chào tao. Giờ mày muốn gì?

Đại Cathay cố nén giận:

- Nhà hàng Mékong và đoàn cải lương là chỗ bạn bè của tao, mày vuốt mặt phải nể mũi.

Xi Rỗ vụt đứng dậy:

- Mày là cái thá gì mà tao phải nể? Rừng nào cọp nấy. Sài Gòn của Đại Cathay. Đà Lạt này của Xi Rỗ, không được lôi thôi gì hết!

Nãy giờ đã hầm hầm trong bụng, Sáng người nhái nghe đến đây tức khí móc luôn khẩu Colt 45 giấu bên hông ra, thẳng tay quật bá súng vô sau ót Xi Rỗ. Nhưng Xi Rỗ không phải tay vừa, đã kịp hụp đầu xuống làm bá súng chỉ sớt ngang vai. Rồi như một con thú bị thương, lại thêm hơi men hừng hực, Xi Rỗ bất thần cúi đầu, khom người dùng hết sức lao ngay ngang bụng Đại Cathay. Quá bất ngờ, bị trúng đòn “đầu quyền”, Đại ngã ngồi phịch xuống đất. Nhưng không hổ danh Zimbô, Đại đã kịp vòng tay ôm lấy cổ Xi Rỗ kéo hắn ngã theo. Xi Rỗ khỏe như con trâu điên, siết chặt ngang lưng Đại...

Và cứ thế, hai tay đầu sở du đãng vừa ôm cứng lấy nhau, vừa ra đòn quyết liệt, nào đấm, nào đá, nào siết cổ, nào chận họng, nào móc mắt, nào thúc cùi chỏ, nào lên đầu gối, nào bẻ ngón tay, toàn dùng các thế hiểm hóc như “tiểu cầm nã thủ pháp” trong truyện chưởng do các đại cao thủ võ lâm sử dụng khi cận chiến. Chiến trường nằm ngay trên sườn dốc nên chẳng mấy chốc cả Đại Cathay lẫn Xi Rỗ đều lăn lông lốc theo con dốc thoai thoải, có lúc Xi Rỗ đè lên người Đại, có khi Đại lại ấn được đầu Xi Rỗ xuống...

Quân binh hai bên cũng xấp lá cà, có điều chỉ toàn thượng cẳng tay hạ cẳng chân mà không bên nào dùng đến súng ống, theo đúng điệu dân chơi khi ấy. Tin cấp báo đến Ty Cảnh sát Đà Lạt. Nguyên một đại đội cảnh sát dã chiến trang bị vũ khí đến tận răng được điều đến khu vực chợ Hòa Bình.

Khi bọn cảnh sát tới nơi thì hai phe du đãng Sài Gòn và dân chơi Đà Lạt đã đập phá tanh bành mấy quán nhậu, dùng bàn ghế trong quán làm vũ khí. Riêng hai “chủ tướng” Đại Cathay và Xi Rỗ đã ôm vật nhau lăn hết con dốc.

Thấy số người lâm chiến quá đông, lại đang hăng máu, cảnh sát nổ súng thị uy. Ai dè bọn địa phương quân nghe tiếng súng tưởng đâu phe Đại xài “chó lửa” liền xách súng ra “chơi” lại. Cảnh sát dã chiến đông hơn, súng ống hiện đại hơn, coi mòi chiếm ưu thế. Các xạ thủ dùng luôn bến xe làm bãi chiến trường với vật cản là những chiếc xe hơi. Thấy lực lượng yếu hơn, địa phương quân báo cáo về đơn vị xin tăng cường một đại đội vũ trang mạnh vì “Việt Cộng tràn vô thành phố” (!). Đến lượt cảnh sát dã chiến lép vế, yêu cầu chi viện một đại đội nữa. Súng nổ vang trời, đạn như pháo bông... Tình hình không ai đoán nổi sẽ diễn biến ra sao nếu tỉnh trưởng Đà Lạt không đích thân can thiệp và đôi bên đành chấp nhận ngưng chiến. Cũng ngộ: Súng nổ như bắp rang cả giờ đồng hồ mà không ai trúng đạn!

Trong khi ấy, Dách Bửu hay tin chiến sự, vội lái chiếc xe “con cóc” 2CV đến tận chợ Đà Lạt, chở Đại Cathay, Hải Súng và Cu Quì vọt thẳng về Sài Gòn cho khỏi ai hỏi han lôi thôi. Đại Cathay qua trận kịch chiến với Xi Rỗ bị trặc cổ chân, đi cà nhắc, phải nhờ đàn em đỡ lên xe. Còn Xi Rỗ mặt mày thâm tím, thân mình trầy xướt tùm lum y như con gà chọi vừa sau đó đá, sợ quá, chạy tuốt vô rừng trốn biệt suốt đêm, sáng hôm sau mới dám mò về. Dân du đãng, giang hồ mạnh ai nấy tìm đường thoát thân, cũng chẳng ai bị bắt, coi như... huề cả làng!

Chỉ tội nghiệp cho đoàn cải lương, sau trận đọ súng vang trời chẳng ma nào dám tới xem hát nên đành cuốn gói về Sài Gòn chịu lỗ chỏng gọng. Ít ngày sau, gặp lại Đại Cathay tại tiệm hút thuốc phiện Khang Thành, Hữu Phước và Thành Được nhắc lại “sự cố” trên Đà Lạt, nữa đùa nữa thật nói: “Gặp Zimbô, tưởng huy hoàng ai ngờ điêu tàn!” Đại Cathay không hề giận, chỉ cười cười nhắc lại lời hắn nói với Dách Bửu khi tay công tử bột này chở hắn chạy trốn khỏi Đà Lạt, sau đó còn đưa hắn về ở tại nhà riêng trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) để ẩn náu thêm ít bữa: “Tôi tưởng tụi nó biết điều, sợ uy tôi nên mới kiếm gặp nói chuyện phải quấy, ai dè tụi nó uống rượu xỉn nên chẳng sợ trời đất gì cả, chuyện hoàn toàn ngoài dự kiến. Thôi, để hôm nào tôi lên Đà Lạt tính sổ lại”.

Điềm báo hiệu ngày tàn

Tuy nhiên Đại Cathay không thể ngờ đó là chuyến đi Đà Lạt cuối cùng của hắn. Những sự việc diễn biến tiếp theo sẽ chứng tỏ điều này. Và trước hết là điểm báo hiệu ngày tàn của băng du đãng Sài Gòn qua vụ nội bộ chúng tự thanh toán lẫn nhau, với hậu quả hai tên đàn em thân tín của Đại Cathay là Bồng và Thu bị bắn chết ngay tại sòng bài, giữa thanh thiên bạch nhật.

Trong số các sòng bài dưới quyền Đại Cathay khi ấy, sòng me ở quận 4 do Bảy Xi phụ trách là sòng lớn nhất (Năm Cam xuất thân đầu tiên cũng tại sòng bài này). Nhất là từ sau khi nghe tin “ông chủ” chịu nhường cho Đại để y có phần hùn tại nhà hàng Đại Thế Giới, các tay đánh bạc đổ về đây ngày càng tấp nập. “Quân sư” A Chó thường xuyên có mặt tại sòng me để kiểm tra tài chánh. Hai tay em của Đại Cathay là Thu và Bông chịu trách nhiệm “bảo vệ” địa điểm đang ăn nên làm ra này.

Nhưng trước hết, phải có đôi dòng giới thiệu về Bảy Măng, nhân vật chính trong vụ thanh toán nội bộ.

Bảy Măng là trung úy Tổng nha Cảnh sát nhưng chỉ là “lính kiểng” (để khỏi đi quân dịch, khỏi cần lãnh lương), còn nghề nghiệp thực thụ của hắn là đánh bài - xứng đôi với vợ hắn là Bảy Quấn chuyên môi giới gái mại dâm ở đường Nguyễn Du, toàn “đào” nổi tiếng vừa trẻ vừa đẹp. Thoạt đầu chỉ chơi bài, nhưng nhờ mác sĩ quan cảnh sát, Bảy Măng được Đại Cathay ưu ái cho hưởng phần lợi tức tại sòng bài theo tỉ lệ phần trăm, một phần coi như thưởng công cho hắn đã nhiều lần giúp Đại Cathay giao dịch với các quan chức. Về vấn đề ngoại giao, phải công nhận Bảy Măng có tài, lại nhờ mác trung úy cảnh sát nên dễ làm quen chỗ này chỗ nọ. Và thế là dần dần, Bảy Măng đứng núi này trông núi nọ, tranh chấp với A Chó, mong ngoi lên thành kẻ phụ trách tài chánh cho Đại Cathay. A Chó đâu phải ngu gì, đánh hơi ngay được âm mưu này của Bảy Măng, nên một mặt ráo riết đề phòng, một mặt chờ dịp ra tay...

Không hiểu tại sao, thời gian gần đầy Bảy Măng chơi bài toàn gặp xui, thua cháy túi liên tiếp mấy ngày.

Đến khoảng hơn 10 giờ sáng bữa ấy, Bảy Măng lại nướng sạch tiền. Đang say máu gỡ gạc, hắn liền hỏi A Chó:

- Nị, bữa nay trích tiền lời phần trăm cho tui chớ?

A Chó lắc đầu:

- Đâu được giờ này. Phải chiều mới có.

Bảy Măng nổi nóng, đổi giọng:

- Sao bữa qua không chia tiền cho tao?

A Chó cũng lớn tiếng cự lại, còn ra vẻ khi dễ:

- Tiền tao muốn cho mày hưởng thì mày mới được hưởng. Nói thiệt mày nghe, tao muốn đuổi mày lúc nào chẳng được!

Đang thua bạc, tiền không được nhận, túi thì rỗng tuếch, còn bị chửi te tua, mà mình cũng đường đường một đấng sĩ quan cảnh sát (!) “nghĩ mình phương diện quốc gia”, Bảy Măng giận đến tím mặt, te te rời sòng bài, về nhà lấy khẩu ru-lô mà Tổng nha Cảnh sát cấp cho hắn, lận vô lưng quần, tức tốc quay trở lại địa điểm đánh bạc cũ.

Lúc ấy khoảng 11 giờ trưa, sòng bài đang lúc “tàn xưởng” (tiếng lóng của dần cờ bạc, chỉ lúc mọi người đánh bạc tà tà đợi thêm khách). Bảy Măng hùng hùng hổ hổ xộc thẳng vô tuốt bên trong sòng bài vì là khách quen nên chẳng bị ai cản trở, tay rút súng, miệng quát:

- A Chó đâu?

Nghe tiếng quát, lại có ai đó nói nhỏ “Nó cầm súng đó!”, A Chó hồn vía lên mây, vội vàng ba chân bốn cẳng bỏ chạy theo ngã sau. Sòng bài vốn nhiều ngóc ngách nên khi Bảy Măng sục sạo hết các phòng thì A Chó đã cao bay xa chạy. Không những thế, do quá sợ, thoát khỏi sòng bài A Chó không dám chạy theo những con hẻm mà nhảy đại xuống kênh nước hôi rình, toàn bùn sình, cứ thế cắm đầu cắm cổ lủi càng xa nơi nguy hiểm càng tốt.

Thu và Bông, bảo vệ sòng bài, nghe nói Bảy Măng rượt bắn A Chó, vội chạy tới cố ngăn cản. Tưởng tên trung úy cảnh sát này chỉ hù dọa, nếu có bắn cùng lắm cũng chỉ thanh toán đối thủ chính là A Chó, Thu nhào vô toan ôm Bảy Măng lại, còn lớn tiếng chửi thề: - Đ.M, bộ mày điên hết muốn sống rồi hả?

Ai dè Bảy Măng đang nổi cơn điên thật. Hắn không thèm trả lời mà trừng mắt, đưa luôn họng súng ngay tam tinh (ngang trán, giữa hai lông mày) Thu, bóp cò. Viên đạn ở cự ly gần xuyên qua óc Thu khiến tên du đãng này đổ vật xuống dãy đành đạch.

Bông thấy bạn ngã chết tại chỗ, sợ quá quay đầu chạy trốn, nhưng Bảy Măng đang say máu, chĩa súng nhắm ngay ót đối thủ, “đoàng” một phát. Đến lượt Bông ngã sấp, máu ra lênh láng. Cả sòng bài hốt hoảng, nín khe không ai dám ho he một tiếng. Bảy Măng đưa mắt nhìn quanh một lượt, không thấy ai để bắn tiếp, hậm hực nhét súng vô lưng quần, lên xe gắn máy chạy thẳng vô Tổng nha Cảnh sát đầu thú.

Nghe được hung tin, Đại Cathay lập tức triệu tập toàn bộ các thủ hạ có súng - kể cả số mang súng hợp pháp như Sáng, Cu Quì, lẫn số mang súng bất hợp pháp chuyên “ăn bay” như Hải Súng, Lâm Chín ngón, Chương Khùng, Việt Parker... - ra lệnh tỏa ra khắp hướng kiếm Bảy Măng, hễ thấy mặt là bắn ngay không lôi thôi gì cả.

Bọn chúng sục đến tận nhà riêng của Bảy Măng trên đường Nguyễn Du, vô các sòng bài, quán nhậu, vũ trường, nhà hàng... nhưng làm sao tìm ra thủ phạm vì Bảy Măng đã xin được tạm giam luôn trong Tổng nha Cảnh sát, đã thế còn ở biệt giam một mình một phòng cho chắc ăn.

Mặt khác, đám ma Thu và Bông được Đại Cathay ủy nhiệm cho Bảy Xi tổ chức rất long trọng, nhạc tây nhạc ta ì xèo không dứt.

Rồi cơn giận nguôi ngoai, từ từ Đại Cathay mới biết Bảy Măng bắn hạ Thu và Bông chẳng qua trong cơn nóng giận nhất thời, còn kẻ hắn tính triệt hạ đúng ra là A Chó. Nghe mọi người thuật lại đầu đuôi, Đại rút lại “lệnh” giết Bảy Măng, bảo: “Thôi, vậy thì tha cho nó”.

Nhờ vậy, sau này khi Bảy Măng bị kết án năm năm tù giam vì tội cố sát, nhốt tại khám Chí Hòa, hắn vẫn sống yên ổn với đám du đãng cũng bị bắt nhốt tại đây.

Đại chiến tại nhà hàng Thanh Bạch

Chẳng bao lâu sau vụ Bảy Măng bắn chết Thu và Bông, một tối nọ Đại Cathay dẫn gần chục đàn em đến vũ trường Olympia, một vũ trường sang trọng tại quận l.

Mỗi khi binh tướng du đãng kéo tới, thường các em ca-ve dồn đến tiếp đón nồng hậu, phần vì khi ấy Đại Cathay rất nổi tiếng, phần vì bọn hắn “boa” đẹp.

Có thể nói, vào thời điểm ấy, chỉ có hai nhân vật được các vũ trường đón tiếp long trọng hơn Đại Cathay.

Thứ nhất là Nguyễn Ngọc Loan, thường gọi Sáu Lèo, giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia. Sáu Lèo vốn mê Phương Dung, cô ca sĩ mới nổi được phong tặng danh hiệu “con nhạn trắng Gò Công”. Mỗi khi nghe Phương Dung cất giọng ca bài ruột Nỗi buồn gác trọ “Có người con gái buông tóc thề thu về e ấp chuyện vu qui...” là Sáu Lèo khoái chí tử, tay gõ nhẹ trên bàn đánh nhịp theo bài hát và thế nào cũng lôi bằng được cô xuống ngồi chung bàn.

Người thứ nhì là Lưu Kim Cương, khi ấy đang chỉ huy lực lượng không quân. Kim Cương thích Minh Hiếu, cô ca sĩ vốn xuất thần từ con một ông thợ hớt tóc nghèo tại Phú Nhuận. Bọn cận vệ đi theo Lưu Kim Cương vốn quen được các cô vũ nữ nuông chiều (thực ra họ nuông chiều Kim Cương) nên hễ vô tới vũ trường là bọn chúng “quơ” hết các cô đẹp nhất về bàn của mình. Nhưng tất nhiên, bọn lính tráng này tiền bạc chẳng là bao nên không thể “boa đẹp” như dân giang hồ.

Tối hôm ấy, thấy băng Đại Cathay kéo đến, ca-ve dồn qua bàn của bọn hắn, dễ có đến hơn chục cô. Không có gì lạ, bởi bữa nay, băng Đại Cathay đi nhảy đầm khá đông, ngoài “chủ tướng” còn có Hải Súng, Lâm Chín ngón, Ngân pô-côn, Phong khùng, Bôn... Cả bọn còn đang tán dóc chưa kịp nhảy nhót gì, bỗng lại có nguyên băng không quân cận vệ của Lưu Kim Cương bước vào Olympia - tối đó tay tướng không quân này mắc bận không đến vũ trường.

Ngồi dễ đến 10 phút mà không thấy không có em nào “sạch nước cản” đến chăm sóc như mọi hôm. Đã vậy, Thiếu úy Hải thường gọi Hải Không quân, một tên trong băng, vẫy tay mấy lần mà các em cứ làm bộ ngó lơ, nhí nha nhí nhót với băng du đãng. Hải Không quân không dằn nổi cơn bực bội, kêu má mì Thúy Tàu lệnh phải dẫn đào đến cho bọn hắn. Biết Hải Không quân vốn rất rất khoái một cô vũ nữ đang ngồi chung với Hải Súng tên Ly Ly, Thúy Tàu nói nhỏ cô này qua ngồi kế Hải Không quân để tình hình bớt căng thẳng, vì má mì thấy hai băng coi bộ đang “kên” nhau.

Ai dè Hải Súng vốn hay gây sự. Vừa thấy đào rời ghế qua ngồi bàn bên cạnh, hắn lập tức xô ghế, bước qua kiếm chuyện với Hải Không quân:

- Ê! Cô này là của tao mà!

Hải Không quân lên tiếng:

- Bàn bên đó nhiều “ghế linh” (gái đẹp) quá mà. Mượn đỡ một em không được sao?

- Không được thì làm gì nhau?

Vừa nói hắn vừa nắm cánh tay phải cô vũ nữ Ly Ly đứng dậy, lôi về phía mình.

Đời nào chịu lép về trước “văn võ bá quan”, nhất là người đẹp bên cạnh bị phỗng tay trên, Hải Không quân vụt đứng dậy, nắm tay trái cô gái kéo lại, miệng chửi thề:

- Đ.M, bộ mày ngon lắm hả?

Bị hai cao thủ cầm hai tay ra sức lôi kéo, đúng là “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”, bỗng nhiên biến thành mục tiêu cho hai thanh niên lực lưỡng thi triển công lực, cô ca-ve Ly Ly đau quá, không biết nên làm thế nào cho phải, miệng thét lên be be, thì Hải Súng đã nhanh nhẹn co tay lại, thúc cùi chỗ ngay mặt đối thủ. Và hắn nhanh như chớp, quơ chai rượu whisky Black & White đang uống dở trên bàn, nhắm đầu Hải Không quần thẳng cánh quật xuống. Giả sử chai rượu trúng đích, chưa biết giữa hai thứ - cái đầu của Hải Không quân và chai rượu - thứ nào sẽ vỡ thành nhiều mảnh hơn. Nhưng với phản ứng nhanh nhạy của con nhà võ, gã thiếu úy tức thì buông Ly Ly, một mặt đưa cánh tay lên đỡ chai rượu, một mặt thọc tay vào bụng rút phát khẩu súng ngắn ra, quát:

- Cho tụi mày chết luôn!

Miệng nói, tay hắn nhắm về hướng Đại Cathay đúng lúc tên cầm đầu du đãng dợm đứng dậy.

Đại Cathay vung chân đá bàn tiệc. Ly, tách, chén, dĩa bay tứ tung. Tay trùm du đãng vừa khom người định lấy thế lao lên thì viên đạn găm ngay chân.

Thấy đồng bọn đã nhả đạn, gần chục tên cận vệ đi theo Hải Không quân đồng loạt rút súng bắn tá lả. May thay Thúy Tàu nhanh trí cúp cầu dao điện, vũ trường vụt tối thui, vũ nữ la oai oái, khách khứa chạy tứ tung như đàn ông vỡ tổ. Bọn lính hầu hết chỉ bắn lên trời ra oai vì sợ bắn lầm người hoặc sát thương lẫn nhau.

Đại Cathay kêu nho nhỏ: “Tao trúng đạn rồi” khi Lâm Chín ngón đến dìu hắn chạy xuống cầu thang. Đồng thời Lâm cũng đánh liều rút súng định bắn trả, nhưng một viên đạn đã xuyên ngang bắp tay phải khiến khẩu súng rớt xuống đất. Lâm Chín ngón không thể sử dụng vũ khí được nữa, đành cố nhịn đau, dìu đại ca vòng xuống cầu thang phía sau, chuồn theo cửa hậu. Vừa may Lành lái xe hơi trờ tới, rước cả hai chạy trốn.

Sau trận “đại chiến” này, Sáu Lèo kiên quyết không nương tay với bọn du đãng nữa. Đại úy Chi nhắn Đại Cathay bỏ trốn ra nước ngoài một thời gian chờ êm chuyện, nhưng Đại cứ chần chừ...

Ba ngày sau, chế độ cầm quyền cũ tung ra chiến dịch truy quét sạch “dân chơi” Sài Gòn - Chợ Lớn. Từ Đại Cathay, Huỳnh Tì, Woòng Cái cho đến Hải Phòng Kin, Quảy Thầu Hao, Bắc Kỳ Chảy... đều bị bắt sạch.

Duy nhất Tín Mã Nàm thoát nạn nhờ hắn thân hành dẫn Trung tá (mới thăng chức từ thiếu tá) Trụ, Trưởng ty Cảnh sát quận 5, chỉ mặt bắt từng người.

Đến ngày 28-11-1966, cả bọn bị đầy ra đảo Phú Quốc “an trí” về tội “có nhiều thành tích bất hảo”. Toàn bộ các băng nhóm du đãng tạm thời bị xóa sổ.

Thêm một tình tiết phụ: Sau đó không lâu, Đại úy Chi sau giờ làm việc, lái chiếc xe hơi mui trần màu đỏ đang chạy trên xa lộ thì bị một xe Container cán dẹp lép cả xe lẫn người. Tài xế xe Container bước xuống xem Chi đã tắt thở hẳn hay chưa rồi mới lên xe chạy tiếp và... biến mất. Vụ án không tìm ra thủ phạm này khiến có nhiều tin đồn rằng tàn dư của dân du đãng đã dàn cảnh giết Đại úy Chi nhằm trả thù việc tay sĩ quan cảnh sát này đã lừa bắt Đại Cathay. Cũng có người cho rằng Trần Kim Chi bị giới tài phiệt thanh toán. Nghi án đến tận bây giờ vẫn chưa sáng tỏ và có lẽ vĩnh viễn sẽ không bao giờ sáng tỏ.

 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Giang hồ Sài Gòn Chương I (C)

Có thể bạn thích