Đường Về Nô Lệ
Chương 7: Kiểm Soát Kinh Tế Và Chế Độ Toàn Trị

Kiểm soát việc sản xuất của cải vật chất là kiểm soát chính đời sống của con người.

Hilaire Belloc

Đa số những người ủng hộ kế hoạch hóa đã từng nghiên cứu một cách nghiêm túc các khía cạnh thực tiễn của vấn đề đều không nghi ngờ gì rằng việc quản lí đời sống kinh tế chỉ có thể thực hiện được bằng một chế độ độc tài, dù ít hay nhiều. Để có thể quản lí một hệ thống phức tạp những hành động liên quan với nhau của rất nhiều người thì cần, một mặt, một nhóm chuyên gia thường trực và mặt khác, một vị tống chỉ huy không bị gò bó bởi bất kì thủ tục dân chủ nào. Đây là hậu quả tất yếu của tư tưởng kế hoạch hóa tập trung và những người ủng hộ nó cũng hiểu như thế, chỉ có điều họ an ủi chúng ta rằng việc này “chỉ” liên quan đến lĩnh vực kinh tế mà thôi. Ông Stuart Chase, một trong những người ủng hộ kế hoạch hóa nổi tiếng nhất, quả quyết rằng trong xã hội kế hoạch hóa “dân chủ chính trị có thể tồn tại nếu như kế hoạch hóa chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế”. Những lời bảo đảm như thế thường đi kèm với ám chỉ rằng bằng cách từ bỏ tự do trong những lĩnh vực không quan trọng, chúng ta sẽ được tự do theo đuổi những giá trị cao cả hơn. Trên cơ sở đó, những người vốn ghét cay ghét đắng độc tài chính trị lại thường lên tiếng đòi hỏi độc tài trong lĩnh vực kinh tế.

Các lí lẽ được sử dụng nhắm vào những tình cảm tốt đẹp nhất của chúng ta thường khi lại lôi kéo được những bộ óc sáng láng nhất. Nếu kế hoạch hóa thực sự làm cho chúng ta không còn phải bận tâm tới những lo lắng vụn vặt, làm cho đời sống vật chất của chúng ta trở thành đơn giản nhưng chúng ta lại có một đời sống tinh thần cao thì ai nỡ coi thường lí tưởng như thế? Và trên thực tế, khi hoạt động kinh tế chỉ liên quan đến những khía cạnh thấp kém của đời sống thì chúng ta sẵn sàng làm mọi cách để thoát khỏi những lo lắng quá mức về vật chất, chúng ta sẵn sàng để cho một phần của bộ máy công lợi làm công việc phục vụ cho các nhu cầu vật chất của chúng ta; còn chúng ta thì được giải phóng để suy tư về những khía cạnh cao quý hơn của cuộc đời.

Đáng tiếc là không có cơ sở cho việc coi thường việc mất tự do trong lĩnh vực kinh tế, rằng quyền lực đối với đời sống kinh tế chỉ là quyền lực đối với những thứ không quan trọng. Niềm tin đó xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng có những mục tiêu hoàn toàn mang tính kinh tế, tách biệt với những mục tiêu khác của đời sống. Song, không thể có những mục tiêu như thế, nếu không kể đến các trường hợp tham lam, keo bẩn một cách bệnh hoạn. Mục đích cuối cùng của những hoạt động của các sinh vật có lí trí bao giờ cũng nằm ngoài lĩnh vực kinh tế. Nói cho ngay, không hề có một “động cơ kinh tế” nào vì kinh tế chỉ là tập hợp các tác nhân có ảnh hưởng đối với việc phấn đấu của chúng ta nhằm giành được các mục tiêu khác. Cái trong ngôn ngữ đời thường mà ta vẫn gọi một cách sai lầm là “động cơ kinh tế” chỉ có nghĩa là ước muốn giành lấy những cơ hội tiềm tàng, giành lấy những điều kiện cho những mục tiêu chưa xác định khác mà thôi[1]. Chúng ta muốn kiếm tiền là vì tiền cho chúng ta quyền được lựa chọn trong việc thụ hưởng thành quả lao động của mình. Trong xã hội hiện đại, vì thu nhập có hạn, chúng ta cảm thấy những hạn chế do sự nghèo khó tương đối đè trên vai mình và nhiều người sinh ra căm thù tiền bạc, coi tiền là biểu tượng của những hạn chế đó. Người ta đã lẫn lộn nguyên nhân với hậu quả. Đúng ra phải coi tiền là công cụ vĩ đại nhất của tự do mà con người từng phát minh. Trong xã hội hiện nay chính tiền đã mở ra cho người nghèo những khả năng lựa chọn to lớn, mà vài thế hệ trước đây ngay cả người giàu cũng không có. Để hiểu được giá trị thật sự của đồng tiền phải tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra trên thực tế, nếu, như những người xã hội chủ nghĩa thường xuyên đề nghị: dùng “khuyến khích phi kinh tế” thay cho “động cơ kinh tế”. Khi phần thưởng, thay vì được trao bằng tiền lại được trao bằng danh hiệu, đặc lợi hay quyền lực, nhà ở hay lương thực thực phẩm tốt hơn, quyền được đi du lịch hay đi học, thì điều đó có nghĩa là người nhận phần thưởng không có quyền lựa chọn và bất cứ ai có quyền ấn định phần thưởng cũng có quyền xác định không chỉ số lượng mà cả cách thức hưởng thụ phần thưởng đó.

* * *

Một khi chúng ta công nhận rằng không hề có bất kì động cơ kinh tế riêng biệt nào, rằng được hay mất về kinh tế chỉ là đơn thuần là được hay mất về quyền quyết định xem nhu cầu hay ước muốn nào của ta bị ảnh hưởng mà thôi, thì ta sẽ dễ dàng thấy được điều cốt lõi trong quan niệm chung rằng các vấn đề kinh tế chỉ liên quan đến những mục tiêu thứ yếu của cuộc đời và hiểu được vì sao người ta lại hay coi thường những vấn đề “thuần túy” kinh tế như thế. Ở khía cạnh nào đó việc coi thường này là có thể hiểu được, nhưng chỉ đối với nền kinh tế thị trường tự do mà thôi. Chừng nào chúng ta còn có quyền sử dụng thu nhập và tài sản của mình thì thất bại về kinh tế chỉ buộc chúng ta phải từ bỏ những ước muốn mà chúng ta cho là không quan trọng lắm. Vì vậy mà thiệt hại “đơn thuần” về kinh tế sẽ chỉ ảnh hưởng đến những nhu cầu thứ yếu. Nhưng khi chúng ta nói rằng giá trị của vật bị mất cao hơn nhiều lần giá trị kinh tế của nó hay không thể quy ra giá trị kinh tế thì điều đó có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận sự mất mát như nó vốn thế. Cũng có thể nói tương tự như thế về thành công trong lĩnh vực kinh tế. Nói cách khác, những biến động kinh tế chỉ tác động đến phần nhu cầu “ngoại vi”, hạn hẹp của chúng ta. Có nhiều thứ còn quan trọng hơn bất cứ những gì mà thành công hay thất bại về kinh tế có thể ảnh hưởng đến, đây là những thứ được chúng ta đánh giá cao hơn cả tiện nghi hay ngay cả những vật dụng tối thiểu vốn bị ảnh hưởng bởi sự thăng giáng về kinh tế. So với những thứ đó thì “đồng tiền nhơ bẩn” hay sự giàu lên hay nghèo đi không phải là quan trọng. Chính điều này đã làm cho nhiều người nghĩ rằng những thứ, chẳng hạn như kế hoạch hóa, chỉ liên quan đến quyền lợi kinh tế sẽ không phải là mối đe dọa đối với những giá trị nền tảng của chúng ta.

Nhưng đấy là một kết luận sai. Đối với chúng ta các giá trị kinh tế không quan trọng bằng nhiều thứ khác vì rằng khi giải quyết các vấn đề kinh tế chúng ta có quyền lựa chọn cái gì là quan trọng còn cái gì không. Nói cách khác, trong xã hội này [tức, xã hội tư bản tự do - ND] chính chúng ta là người giải quyết các vấn đề kinh tế của mình. Nếu hoạt động kinh tế của chúng ta bị kiểm soát thì muốn làm bất cứ chuyện gì chúng ta đều phải báo trước dự định và mục tiêu của mình. Nhưng báo trước vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải được chính quyền chấp thuận. Như vậy là toàn bộ đời sống của chúng ta đã bị kiểm soát rồi.

Vì thế vấn đề kế hoạch hóa kinh tế không chỉ giới hạn ở câu hỏi liệu chúng ta có thể đáp ứng các nhu cầu của mình theo cách ta muốn hay không. Vấn đề là chúng ta có được tự giải quyết cái gì đối với ta là quan trọng hay các cơ quan lập kế hoạch sẽ giải quyết điều đó cho chúng ta. Kế hoạch hóa sẽ động chạm không chỉ các nhu cầu ngoại vi như chúng ta vẫn hiểu khi nói về các vấn đề “thuần túy” kinh tế. Vấn đề là chúng ta, với tư cách là các cá nhân sẽ không được quyền quyết định nhu cầu nào là ngoại vi nữa.

Khi chính quyền đã quản lí hoạt động kinh tế thì nó cũng sẽ kiểm soát không chỉ các khía cạnh vật chất của cuộc sống của chúng ta; nó sẽ nắm quyền phân phối các phương tiện có hạn mà nhất định chúng ta sẽ cần khi muốn hoàn thành bất kì mục tiêu nào đó. Và dù người kiểm soát tối cao đó có là ai thì một khi đã kiểm soát tất cả các hoạt động kinh tế sẽ kiểm soát tất cả các phương tiện có thể đáp ứng các mục tiêu của chúng ta, và sẽ phải quyết định mục tiêu nào đáng được thỏa mãn còn mục tiêu nào thì không. Bản chất vấn đề là như thế. Kiểm soát kinh tế không chỉ là kiểm soát một phần tách biệt của đời sống của con người; đấy là sự kiểm soát tất cả các phương tiện nhằm thỏa mãn các mục tiêu của chúng ta. Bất cứ người nào nắm độc quyền kiểm soát các phương tiện sẽ phải quyết định mục tiêu nào xứng đáng được đáp ứng, phải quy định các giá trị nào cao hơn, giá trị nào thấp hơn, tóm lại là quyết định các thần dân của họ phải có tư tưởng thế nào, phải phấn đấu vì cái gì. Kế hoạch hóa tập trung có nghĩa là không phải từng người mà toàn xã hội sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế và vì thế xã hội, đúng hơn là các đại diện của nó, sẽ quyết định tầm quan trọng của các mục tiêu khác nhau.

Cái gọi là tự do kinh tế mà những người ủng hộ kế hoạch hóa hứa hẹn, chỉ có nghĩa là chúng ta không còn phải tự giải quyết các vấn đề kinh tế của mình nữa và những lựa chọn khó khăn đi kèm với nó đã được những người khác làm hộ cho chúng ta. Và vì trong thời đại ngày nay chúng ta gần như phụ thuộc hoàn toàn vào những phương tiện do người khác sản xuất ra cho nên kế hoạch hóa kinh tế sẽ kéo theo sự quản lí gần như toàn bộ đời sống của chúng ta. Khó có lĩnh vực nào, từ những nhu cầu sơ đẳng cho đến quan hệ của chúng ta với bạn bè, người thân, từ việc làm cho đến cách nghỉ ngơi của chúng ta thoát khỏi được “sự kiểm soát có chủ ý” của những người lập kế hoạch[2].

* * *

Quyền lực của cơ quan lập kế hoạch đối với đời sống riêng tư của chúng ta cũng sẽ không giảm ngay cả khi cơ quan này không kiểm soát trực tiếp việc tiêu dùng của chúng ta. Có thể là trong xã hội kế hoạch hóa sẽ có một số quy định về tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm và công nghệ phẩm, nhưng về nguyên tắc việc kiểm soát không phải do các biện pháp đó quyết định và có thể người ta sẽ cho các công dân được quyền sử dụng thu nhập theo ý mình. Nhà nước kiểm soát lĩnh vực sản xuất, đấy chính là nguồn gốc quyền lực của nó đối với người tiêu dùng.

Quyền tự do lựa chọn trong xã hội cạnh tranh dựa trên cơ sở là nếu một người nào đó không chịu đáp ứng nhu cầu của chúng ta thì chúng ta có thể quay sang người khác. Nhưng đứng trước một nhà sản xuất độc quyền thì chúng ta chỉ còn hi vọng vào lòng tốt của ông ta mà thôi. Và như thế, nhà chức trách quản lí toàn bộ nền kinh tế sẽ trở thành một người độc quyền lớn nhất mà ta có thể tưởng tượng được. Mặc dù chúng ta có lẽ sẽ không phải lo lắng về việc cơ quan lập kế hoạch sẽ sử dụng quyền lực của mình như một nhà tư bản độc quyền, nghĩa là lợi nhuận tối đa không phải là nhiệm vụ chính của nó, song nó vẫn có toàn quyền quyết định chúng ta sẽ được nhận cái gì và với những điều kiện như thế nào. Cơ quan này không chỉ quyết định loại hàng hóa và dịch vụ được cung cấp mà còn cả số lượng của chúng nữa; nó quản lí cả việc phân phối giữa các địa phương và nhóm xã hội và nếu muốn, nó có thể thực hiện chính sách phân biệt đối xử một cách tuỳ tiện nhất. Nếu nhớ lại rằng vì sao đa số ủng hộ kế hoạch hóa thì liệu có nghi ngờ gì rằng quyền lực này sẽ được sử dụng cho một số mục đích nhất định, được nhà chức trách đồng ý và sẽ ngăn chặn mọi xu hướng mà nó phản đối?

Việc kiểm soát sản xuất và giá cả tạo ra quyền lực gần như vô giới hạn. Trong xã hội cạnh tranh, mức giá mà ta phải trả cho một món hàng, tức tỉ lệ trao đổi giữa những món hàng khác nhau, phụ thuộc vào số lượng các món hàng khác vì nếu ta lấy đi một món thì những người khác không thể lấy món đó nữa. Mức giá này không được quy định bởi ý chí của bất kì ai. Nếu không đủ tiền thỏa mãn nhu cầu theo cách này thì chúng ta có thể thử những cách khác. Khó khăn mà chúng ta phải vượt qua không phải là vì có người nào đó phản đối ý định của chúng ta mà chỉ vì lúc đó một người nào đó cũng cần món hàng mà ta muốn mua. Trong xã hội mà nền kinh tế bị quản lí, nơi chính phủ giám sát các mục tiêu của công dân, chắc chắn là nó sẽ ủng hộ một số mục tiêu và ngăn chặn một số mục tiêu khác. Và thế là không phải quan điểm của chúng ta mà quan điểm của một người nào đó về việc ta phải thích hay không thích cái gì sẽ quyết định cái mà ta được nhận. Và vì chính quyền có thể ngăn chặn bất cứ nỗ lực nào nhằm “lách khỏi các định hướng” trong lĩnh vực sản xuất cho nên họ có thể kiểm soát việc tiêu dùng của chúng ta hữu hiệu như thể họ trực tiếp bảo chúng ta phải chỉ tiêu như thế nào vậy.

Nhưng chính quyền "định hướng" đời sống hằng ngày của chúng ta không chỉ trong lĩnh vực tiêu thụ. Thực ra đó không phải là đích nhắm chính yếu của chính quyền. Nếu là người sản xuất, chúng ta còn bị nhà chức trách nhào nặn và "định hướng" kĩ lưỡng hơn nữa. Đối với một con người, làm việc và hưởng thụ là hai mặt không thể tách rời, Đa số chúng ta sử dụng phần thời gian trong cuộc đời để làm việc và công việc của chúng ta thường quyết định nơi cư trú và những người xung quanh ta. Do đó, đối với hạnh phúc của chúng ta, tự do lựa chọn công việc có thể còn quan trọng hơn cả quyền tự do sử dụng thu nhập trong thời gian rảnh rỗi nữa.

Dĩ nhiên là ngay cả trong những thế giới tốt đẹp nhất, quyền tự do này vẫn có giới hạn. Chỉ một ít người có thể tự coi là thực sự có tự do trong việc lựa chọn công việc. Nhưng vấn đề là chúng ta có thể lựa chọn, là chúng ta không bị trói chặt vào công việc mà người ta đã chọn cho ta hoặc ta đã chọn trong quá khứ; và nếu ta không thể chịu đựng được công việc đó nữa, hoặc nếu ta thích công việc khác thì những người có khả năng vẫn có thể, với một cái giá phải trả nào đó, tìm được công việc thích hợp hơn. Không có gì đau khổ hơn là nhận thức được rằng dù cố gắng đến đâu chúng ta cũng không thể thay đổi được điều kiện sống của mình. Ngay cả khi chúng ta không có đủ dũng khí thì nhận thức được rằng dù sao chúng ta cũng vẫn có thể thay đổi được cuộc sống của mình với giá nào đó cũng làm cho hoàn cảnh khó khăn của ta trở nên dễ chịu hơn nhiều.

Tôi không muốn nói rằng xã hội chúng ta đã đạt được sự hoàn hảo trong lĩnh vực này hay là đã từng đạt được như thế trong quá khứ, khi những nguyên lí tự do được tuân thủ một cách nhất quán hơn. Còn phải làm nhiều nữa thì mới mong cải thiện được cơ hội lựa chọn của người dân. Ở nước ta cũng như ở tất cả các nơi khác nhà nước còn có thể làm rất nhiều việc như giúp truyền bá thông tin và kiến thức, giúp cho người dân dễ dàng di chuyển đến nơi có việc làm. Các biện pháp của chính phủ nhằm tăng cường cơ hội của người dân khác hẳn với “kế hoạch hóa”, hiện đang được nhiều người ủng hộ và thực hiện. Hầu hết những người ủng hộ kế hoạch hóa đều hứa rằng trong xã hội mới, tự do lựa chọn công ăn việc làm sẽ được giữ một cách cẩn thận, thậm chí còn mở rộng thêm. Nhưng họ khó mà thực hiện được lời hứa này. Nếu họ muốn lập kế hoạch thì họ phải kiểm soát số người gia nhập vào những ngành nghề khác nhau hay kiểm soát mức lương hoặc kiểm soát cả hai. Việc kiểm soát và hạn chế như thế thường là những biện pháp được thi hành đầu tiên trong hầu như tất cả các trường hợp kế hoạch hóa mà ta đã biết. Và nếu một cơ quan lập kế hoạch duy nhất có hành động như thế đối với tất cả các lĩnh vực thì ta có thể dễ dàng mường tượng được kết quả của “tự do lựa chọn công việc” mà người ta đã hứa. “Tự do lựa chọn” sẽ chỉ là giả mạo, chỉ là một lời hứa suông rằng sẽ không có chính sách phân biệt đối xử và chỉ còn có thể hi vọng rằng việc lựa chọn sẽ được thực hiện trên cơ sở các tiêu chí mà chính quyền cho là khách quan mà thôi.

Kết quả cũng sẽ tương tự như thế, nếu cơ quan lập kế hoạch có những quy định “cứng” về tiền lương và tìm cách điều chỉnh các quy định đó mỗi lần họ muốn điều tiết số người lao động trong một lĩnh vực nào đó. Lúc đó mức lương “cứng” sẽ là lực cản hữu hiệu trong việc chọn nghề chẳng khác gì việc cấm đoán trực tiếp.

Trong xã hội cạnh tranh một cô gái không nhan sắc mơ ước trở thành nhân viên bán hàng hay chàng trai trẻ yếu đuối mơ được làm một công việc cần nhiều sức lực và nói chung những người mới nhìn có vẻ như không phù hợp với một công việc nào đó vẫn có cơ hội thực hiện dự định của mình: bắt đầu từ một chức vụ khiêm tốn, ít lương, nhờ năng lực tiềm tàng, họ có thể thăng tiến dần cho đến khi đạt được ước mơ. Nhưng khi chính quyền đã quy định một mức lương duy nhất cho mỗi loại lao động và việc lựa chọn được tiến hành thông qua kiểm tra khách quan thì ước mơ của con người đối với một công việc cụ thể nào đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Một người có những đặc điểm bất bình thường hay tính khí bất bình thường sẽ không tìm được việc làm ngay cả khi người sử dụng lao động sẵn sàng nhận anh ta. Thí dụ, một người chấp nhận đồng lương thấp và không ổn định để làm việc không theo giờ giấc nhất định thay vì cứ phải “sáng cắp ô đi tối cắp về”, sẽ chẳng còn hi vọng gì. Điều kiện làm việc ở mọi nơi đều như nhau, hệt như trong các xí nghiệp lớn, nhưng còn tệ hơn vì không có chỗ nào mà đi. Chúng ta sẽ không có cơ hội thể hiện sáng kiến hay mưu trí vì hoạt động của chúng ta phải phù hợp với các tiêu chuẩn giúp chính quyền hoàn thành nhiệm vụ của mình. Muốn cho nhiệm vụ cực kì to lớn đó có thể quản lí được, chính quyền phải giản lược các khả năng và thiên hướng muôn hình muôn vẻ của con người thành một vài tiêu chí đảm bảo cho việc luân chuyển cán bộ và cố tình bỏ qua những khác biệt tinh tế mang tính cá nhân của mỗi người.

Mặc dù người ta đã long trọng tuyên bố rằng mục đích của kế hoạch hóa là con người không còn là phương tiện nữa, nhưng vì trong quá trình lập kế hoạch, về nguyên tắc không thể tính toán được các thiên hướng của từng người, hơn lúc nào hết từng người cụ thể sẽ trở thành phương tiện được nhà cầm quyền sử dụng cho các mục đích mơ hồ như là “lợi ích chung” hay là “phúc lợi của toàn xã hội”.

* * *

Trong xã hội cạnh tranh ta có thể mua được tất cả mọi thứ với một cái giá nào đó, dù đôi khi có thể là rất cao. Ý nghĩa của điều này lớn hơn rất nhiều so với cảm nhận thông thường của chúng ta. Thay thế cho nó không phải là hoàn toàn tự do lựa chọn mà là các chỉ thị và cấm đoán, buộc phải chấp hành hoặc may lắm là được kẻ cầm quyền gia ân mà thôi.

Người ta đã lẫn lộn các khái niệm đến mức nhiều người khẳng định rằng hiện tượng “có tiền mua tiên cũng được” chính là khuyết tật của xã hội cạnh tranh. Nếu những người phản đối chống lại việc đưa các giá trị cao cả của con người vào quan hệ “tiền trao cháo múc” thực sự cho rằng chúng ta không được hi sinh các nhu cầu vật chất để bảo vệ các giá trị cao hơn hay cho rằng để ai đó lựa chọn thay cho chúng ta, thì có thể nói thẳng rằng ý kiến như thế không phù hợp với quan niệm về nhân phẩm của con người. Muốn bảo vệ cuộc sống và sức khỏe, đức hạnh và sắc đẹp, danh dự và lương tâm, ta phải hi sinh phúc lợi vật chất ở một mức độ nào đó; ta buộc phải đưa ra lựa chọn. Đây là điều không thể chối bỏ, giống như tất cả chúng ta đôi khi không sẵn sàng hi sinh như thế.

Chỉ xin lấy một thí dụ: không nghi ngờ gì rằng chúng ta có thể làm cho số người chết vì tai nạn ô tô bằng không với một cái giá là từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng ô tô. Tất cả những việc khác đều như thế cả: chúng ta thường xuyên mang cuộc sống, sức khỏe và giá trị tinh thần của mình cũng như của người thân của mình ra đánh cược để đổi lấy cái mà chúng ta thường gọi một cách khinh thị là tiện nghi vật chất. Không thể nào khác được vì phương tiện của chúng ta không phải là vô hạn, chúng ta buộc phải lựa chọn mục tiêu sử dụng. Chắc chắn là chúng ta sẽ chỉ hướng đến các giá trị tuyệt đối đó nếu chúng bị đe dọa không có lí do chính đáng.

Việc người ta muốn giải thoát khỏi những sự lựa chọn đầy đau đớn mà hoàn cảnh khó khăn đặt lên vai họ là điều dễ hiểu. Nhưng ít người muốn người khác lựa chọn hộ. Họ chỉ muốn không cần phải lựa chọn gì hết mà thôi. Và vì thế mọi người đều sẵn sàng tin rằng lựa chọn không phải là vấn đề thiết yếu, chúng ta phải lựa chọn là vì hệ thống kinh tế buộc chúng ta phải làm như thế. Nói cho ngay, chính các vấn đề kinh tế đã làm cho người ta phẫn nộ.

Người ta muốn tin rằng vấn đề kinh tế sẽ có thể giải quyết một lần và vĩnh viễn không bao giờ phải nói đến nữa. Vì vậy mà họ vội vã tin ngay những lời hứa vô trách nhiệm về “sự phú túc trong tương lai”, nếu sự sung túc như thế đột nhiên xuất hiện thì chắc chắn người ta sẽ chả cần phải lựa chọn gì nữa. Mặc dù mánh khóe tuyên truyền này xuất hiện từ khi xuất hiện chủ nghĩa xã hội, nhưng trong suốt hơn một trăm năm qua nó vẫn chẳng có thêm một tí sự thật nào. Cho đến nay không một người nào trong số những kẻ sẵn sàng kí vào lời hứa đó đưa ra được kế hoạch bảo đảm sự tăng trưởng sản xuất đủ sức giải phóng các nước Tây Âu, chưa nói toàn thế giới, khỏi sự đói nghèo. Vì vậy những người đang ba hoa về sự phú túc trong tương lai chỉ là những kẻ dối trá hoặc chẳng biết mình đang nói gì[3]. Nhưng chính cái hi vọng hão huyền đó lại đang đẩy chúng ta đi theo hướng kế hoạch hóa.

Trong khi các phong trào quần chúng vẫn bám vào tư tưởng cho rằng nền kinh tế kế hoạch hóa sẽ đưa năng suất lao động lên cao hơn rất nhiều so với nền kinh tế cạnh tranh thì các nhà nghiên cứu lại lần lượt quay lưng với ý tưởng như thế. Ngay cả những nhà kinh tế học theo trường phái xã hội chủ nghĩa, sau khi nghiên cứu vấn đề một cách thận trọng, cũng đành phải nói rằng họ hi vọng là năng suất lao động trong hệ thống đó sẽ không thấp hơn hệ thống cạnh tranh. Họ không còn coi kế hoạch hóa là biện pháp nâng cao năng suất lao động nữa mà chỉ nói rằng nó sẽ tạo điều kiện phân phối sản phẩm một cách đồng đều và công bằng hơn mà thôi. Đây là lí lẽ duy nhất còn có trọng lượng trong việc ủng hộ kế hoạch hóa. Đúng là nếu chúng ta muốn phân phối của cải theo những tiêu chuẩn về sự ấm no xác định trước nào đó, nếu chúng ta muốn quyết định ai được nhận cái gì thì chúng ta chỉ có một cách, đấy là kế hoạch hóa toàn bộ đời sống kinh tế. vấn đề chỉ còn là liệu cái giá mà ta phải trả cho việc thực hiện lí tưởng của ai đó về sự công bằng có phải là sự bất bình và áp bức khủng khiếp hơn cả khi các lực lượng kinh tế được thả tự do và luật chơi bị lạm dụng một cách dữ dội hay không mà thôi.

* * *

Chúng ta sẽ tự lừa dối mình một cách nghiêm trọng nếu thay vì trả lời những lo ngại đó, chúng ta lại tự an ủi rằng áp dụng kế hoạch hóa chỉ có nghĩa là sự quay trở lại, sau một giai đoạn phát triển nền kinh tế tự do ngắn ngủi, những ràng buộc từng đóng vai trò kim chỉ nam cho nền kinh tế trong hàng thế kỉ trước đây và vì vậy mà tự do cá nhân cũng sẽ trở lại mức tương tự như giai đoạn trước thời laissez-faire. Đây là một ảo tưởng nguy hiểm. Ngay cả trong các giai đoạn của lịch sử châu Âu, khi mà kinh tế phải chịu những quy định rất ngặt nghèo thì đấy cũng chỉ là hệ thống các quy tắc chung, có giá trị trong một thời gian không dài, tại đó các cá nhân vẫn có một mức độ tự do hành động đáng kể. Bộ máy kiểm soát khi đó cũng chỉ có thể thực thi các chỉ thị chung chung. Ngay cả trong những trường hợp khi mà việc kiểm soát được thực hiện một cách dầy đủ thì nó cũng chỉ liên quan đến lĩnh vực hoạt động của người tham gia vào mạng lưới phân công lao động xã hội. Còn trong khu vực rộng lớn hơn, khi cá nhân sống trên cơ sở tự cấp tự túc thì anh ta hoàn toàn tự do.

Hiện nay tình thế đã hoàn toàn khác. Trong thời đại tự do, phân công lao động đã đạt đến tầm mức mà gần như mọi hoạt động cá nhân đều là một phần của hoạt động xã hội. Chúng ta không thể đẩy lùi được tiến trình phát triển này bởi vì nó chính là sự bảo đảm giữ cho đời sống của dân chúng đang ngày càng tăng lên trên hành tinh này một mức sống ít nhất cũng được như tiêu chuẩn hiện thời. Nhưng nếu chúng ta thay cạnh tranh bằng kế hoạch hóa tập trung thì bộ máy lập kế hoạch sẽ buộc phải kiểm soát đời sống của mỗi người một cách sâu rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Nó không thể chỉ giới hạn trong lĩnh vực mà chúng ta gọi là hoạt động kinh tế vì trong bất kì lĩnh vực nào của đời sống chúng ta cũng đều phụ thuộc vào hoạt động kinh tế của những người khác[4]. Vì vậy mà lời kêu gọi “thỏa mãn tập thể các nhu cầu”, mà những người xã hội chủ nghĩa trải trên con đường tiến đến chế độ toàn trị chính là phương tiện giáo dục chính trị với mục đích huấn luyện cho chúng ta quen dần với việc đáp ứng các nhu cầu và ước muốn của chúng ta trong thời điểm được quy định trước và dưới hình thức được quy định trước. Đây chính là kết quả trực tiếp của kế hoạch hóa, chúng ta sẽ không còn được lựa chọn, thay vào đó, nó sẽ cho chúng ta những thứ phù hợp nhất với kế hoạch và vào thời điểm mà kế hoạch đã trù liệu.

Người ta thường nói không có tự do kinh tế thì tự do chính trị cũng chẳng có giá trị gì. Đúng như thế, nhưng không phải theo cách mà những người ủng hộ kế hoạch hóa thường nói. Tự do kinh tế - vốn là tiền đề cho mọi quyền tự do khác - không phải là được giải phóng khỏi những lo lắng về kinh tế, nghĩa là giải thoát khỏi nhu cầu lựa chọn và quyền được lựa chọn như những người xã hội chủ nghĩa hứa hẹn với chúng ta; tự do kinh tế phải là tự do hoạt động kinh tế, và cùng với quyền lựa chọn là rủi ro và trách nhiệm.


Chú thích:

[1] Robbins L, The Economic Causes of War (Các nguyên nhân kinh tế của chiến tranh), 1939, Appendix.

[2] Việc kiểm soát kinh tế sẽ lan sang tất cả các lĩnh vực khác của đời sống thể hiện rõ trong trường hợp quản lí trao đổi với nước ngoài. Mới nhìn thì việc chính phủ quản lí trao đổi với nước ngoài không liên quan gì đến đời sống cá nhân công dân và đa số cũng chẳng quan tâm đến việc nhà nước có quản lí hay không. Nhưng kinh nghiệm của đa số các nước châu Âu cho những người chịu suy nghĩ thấy rằng áp dụng việc quản lí như thế là bước quyết định trên con đường tiến đến chế độ toàn trị và đàn áp tự do cá nhân. Trên thực tế biện pháp này có nghĩa là cá nhân đã hoàn toàn khuất phục sự bạo hành của nhà nước, là cắt đứt mọi cơ hội chạy trốn, cả người giàu lẫn người nghèo. Khi con người bị tước quyền tự do đi lại, tước quyền mua sách báo nước ngoài, khi phải được các cấp có thẩm quyền cho phép thì mới được liên hệ với nước ngoài thì nghĩa là dư luận xã hội đã bị kiểm soát khắt khe hơn cả dưới thời các chế độ độc đoán thế kỉ XVII hay thế kỉ XVIII.

[3] Để không mang tiếng là nói mò khi đưa ra lời kết án như thế, xin dẫn ra ở đây kết luận mà Colin Clark, một trong những chuyên gia trẻ nổi tiếng nhất trong lĩnh vực thống kê kinh tế, một nhà khoa học chân chính và dĩ nhiên là có quan điểm tiến bộ, đưa ra trong cuốn Conditions of Economic Progress (Những điều kiện của tiến bộ kinh tế), 1940, p. 3-4: “Cái điệp khúc về sự nghèo khổ giữa cảnh giàu sang và về việc là chúng ta đã có thể giải quyết từ lâu vấn đề sản xuất nếu chúng ta hiểu rõ được bản chất của vấn đề phân phối, hóa ra lại là lời nói dối trá nhất trong số những sáo ngữ đang thịnh hành hiện nay… Việc không sử dụng hết năng lực sản xuất chỉ là vấn đề nghiêm trọng đối với Mĩ, mặc dù có thời gian nó cũng đã từng là vấn đề của Anh, Đức và Pháp nữa. Nhưng đối với đa số quốc gia hiện nay vấn đề hàng đầu, quan trọng hơn nhiều chính là năng suất lao động quá thấp ngay cả khi toàn bộ nguồn lực sản xuất đã được sử dụng. Vì vậy mà thời đại phú túc sẽ còn xa vời lắm… Ngay cả nếu ta có thể loại bỏ được nạn thất nghiệp trong tất cả các ngành sản xuất của Mĩ thì mức sống của nhân dân nước này sẽ được nâng cao thêm đáng kể; nhưng với toàn thế giới thì đây chỉ là một đóng góp rất nhỏ vào việc giải quyết vấn đề phức tạp hơn rất nhiều; làm sao có thể đưa thu nhập thực tế của dân chúng đến một cái mức dù còn rất xa với tiêu chuẩn mà ta vẫn gọi là văn minh”.

[4] Không phải vô tình mà trong các nhà nước toàn trị, cả ở Nga lẫn ở Đức và Ý, vấn đề tổ chức thời gian rỗi của dân chúng cũng đều được đưa vào kế hoạch. Người Đức còn nghĩ ra một thuật ngữ không thể tưởng tượng nổi, chứa đầy mâu thuẫn là Freizeitgestaltung (có nghĩa là: tổ chức thời gian rỗi), cứ như thể thời gian sử dụng theo chỉ thị của chính quyền cũng được gọi là thời gian rỗi vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Đường Về Nô Lệ Chương 7: Kiểm Soát Kinh Tế Và Chế Độ Toàn Trị

Có thể bạn thích