Đường Ra Biển Lớn
Phần mở đầu: “MẶC KỆ NÓ, LÀM TỚI ĐI!”

Thứ Ba, ngày 7 tháng Giêng năm 1997, Morocco
5 giờ 30 phút sáng
Tôi thức giấc trước Joan và ngồi trên giường. Tôi nghe thấy khắp cả vùng Marrakech giọng nói chập chờn qua loa phóng thanh báo thức của thầy dòng (thầy tu Hồi giáo giữ việc báo giờ cầu nguyện cho tín đồ – ND) gọi mọi người thức dậy cầu nguyện. Tôi vẫn chưa viết vài dòng cho Holly và Sam, vì thế tôi xé vội tờ giấy trong cuốn vở và viết cho hai con một lá thư, phòng trường hợp tôi không quay trở lại.
Holly và Sam thân yêu!
Cuộc sống đôi khi dường như không có thực. Một ngày ta được sống, khoẻ mạnh và được yêu thương. Sau đó có thể không còn được tiếp tục nữa.
Cả hai con đều biết rằng bố luôn luôn muốn sống một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa nhất.
Điều đó có nghĩa là bố đã đủ may mắn để sống một cuộc sống của nhiều người, khi bố đã 46 tuổi. Bố trân trọng từng phút của cuộc đời này và nhất là bố yêu từng giây được ở bên các con và mẹ các con.
Bố biết là nhiều người nghĩ chúng ta thật ngu ngốc khi dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm này. Bố đã nghĩ là họ sai. Bố cảm thấy mọi thứ chúng ta có được từ các chuyến thám hiểm Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có nghĩa rằng, chúng ta đã có những chuyến đi an toàn. Bố cũng nghĩ rủi ro là có thể chấp nhận được. Bố cần chứng minh là mình không sai.
Nhưng bố không hề tiếc nuối gì về cuộc đời bố, trừ một điều đó là không được ở bên cạnh mẹ các con cho đến tận cuối cuộc đời, để giúp mẹ chăm sóc các con. Hai con đang ở tuổi 12 và 15, tính cách đã phát triển. Bố mẹ tự hào về các con. Cả hai con đều tốt bụng, biết quan tâm người khác, lạc quan, rất hài hước, dí dỏm. Bố mẹ còn có thể mong gì hơn nữa?
Hai con hãy mạnh mẽ lên. Bố biết, điều đó không dễ dàng. Nhưng chúng ta đã có một cuộc sống tuyệt vời cùng nhau và các con đừng bao giờ quên những khoảng thời gian tốt đẹp chúng ta từng có.
Hãy sống một cuộc sống đầy ý nghĩa. Hãy hưởng thụ từng phút, từng giây của cuộc đời. Hãy yêu và chăm sóc mẹ.
Bố yêu các con!
Bố của các con.
Tôi gấp lá thư lại thành hình chữ nhật và bỏ vào túi áo. Mặc quần áo chỉnh tề, tôi nằm xuống cạnh Joan và ôm cô ấy. Tôi thấy tỉnh táo và bồn chồn, còn cô ấy vẫn ngủ yên lành trong tay tôi. Holly và Sam cùng bước vào phòng, trèo lên giường và nằm gọn giữa chúng tôi. Một lúc sau, Sam trườn khỏi giường, cùng với mấy đứa em họ ra sân để kiểm tra chiếc khinh khí cầu mà tôi sẽ dùng nó để bay vòng quanh trái đất. Joan và Holly ở lại với tôi một chút, trong khi tôi nói chuyện với Martin – chuyên gia khí tượng học. Ông ta nói, chuyến bay đã hoàn toàn sẵn sàng – chúng ta có điều kiện thời tiết tốt nhất cho 5 năm. Sau đó tôi gọi điện thoại cho Tim Evans, bác sĩ riêng của gia đình tôi, vừa ở chỗ Rory McCarthy – phi công thứ ba của tôi; ông có tin xấu: Rory không thể bay được. Anh bị viêm phổi nhẹ, nhưng nếu anh ta ở trong điều kiện khoang kín khí liền ba tuần, thì bệnh sẽ nặng hơn. Ngay lập tức tôi gọi cho Rory và bày tỏ lo lắng của mình cho anh ấy.
“Gặp lại ở phòng ăn nhé” – Tôi nói. “Đi ăn sáng thôi!”
6 giờ 20 phút sáng
Lúc tôi và Rory gặp nhau, phòng ăn của khách sạn vẫn vắng tanh. Những nhà báo theo dõi việc chuẩn bị cho chuyến bay khinh khí cầu này suốt 24 giờ qua, giờ này đã đi hết ra sân.
Tôi và Rory ôm lấy nhau. Cả hai đều khóc. Vừa là người bạn thân thiết, vừa là phi công thứ ba trong chuyến bay khinh khí cầu của tôi, gần đây Rory cũng đã cùng tôi hợp tác trong một loạt dự án kinh doanh. Ngay trước khi chúng tôi đặt chân tới Morocco, anh ấy đã mua cổ phần trong dự án ghi âm mới V2 và cũng đầu tư vào các công ty mỹ phẩm mới của chúng tôi là Virgin Clothes và Virgin Vie.
“Tôi không thể tin là đã làm anh thất vọng” – Rory nói. “Tôi không bao giờ ốm, không bao giờ”.
“Đừng lo” – Tôi an ủi anh ấy. “Chuyện đó bình thường thôi. Chúng ta đã có Alex. Chúng tôi sẽ bay xa hơn khi có anh ấy đi cùng”.
“Nói nghiêm túc nhé, nếu anh không quay lại…” – Rory nói. “… tôi sẽ tiếp tục công việc anh để lại”.
“Tốt rồi, cảm ơn anh!” – Tôi nói và cười, xen lẫn một chút bồn chồn.
Alex Ritchie đã ra sân phóng khinh khí cầu, kiểm tra việc chuẩn bị sẵn sàng khoang lái cùng với Per Lindstrand – một người từng bay khinh khí cầu bằng hơi đốt và cũng là người giới thiệu tôi đến với môn thể thao này. Alex là một kỹ sư cơ khí tài năng, anh đã thiết kế khoang lái khinh khí cầu này. Trước thời điểm này, chưa có ai thiết kế thành công hệ thống điều khiển có thể giữ khinh khí cầu bay ở tầm cao ngang với với máy bay trực thăng. Mặc dù Alex là người từng thiết kế cho tôi các khinh khí cầu trong hai chuyến bay trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trước đó, nhưng tôi cũng không biết nhiều lắm về anh. Và lúc này thì không còn đủ thời gian để tìm hiểu thêm về anh ấy nữa. Chưa hề được huấn luyện bay, nhưng Alex đã dũng cảm nhận lời bay cùng tôi. Nếu chuyến bay thuận lợi, chúng tôi sẽ có ba tuần để tìm hiểu về nhau, càng thân thiết hơn nếu cả hai chúng tôi muốn.
Không giống như các chuyến bay cùng Per trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bằng hơi đốt, trong chuyến bay này chúng tôi sẽ không đốt nóng không khí cho tới khi nào thật sự cần thiết: Khinh khí cầu đã có lõi trong chứa khí heli, giúp chúng tôi cất cánh. Thiết kế của Per thì đốt nóng không khí chung quanh lõi, sau đó khí nóng sẽ đốt heli. Joan, Holly và tôi nắm chặt tay nhau, rồi cả ba cùng ôm lấy nhau. Đã đến giờ khởi hành.
8 giờ 30 phút sáng
Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy điều đó cùng lúc. Chúng tôi chạy dọc con đường đất lầy lội tới căn cứ không quân Morocco và thấy giống như thể có một nhà thờ mới mọc lên đêm qua. Phía trên những rặng cọ xanh mướt uốn cong, một quả cầu trắng lung linh đang bay lên, tựa như một mái vòm hình viên ngọc trai khổng lồ. Đó là khinh khí cầu. Những người cưỡi ngựa phi nước đại dọc theo con đường, súng khoác trên vai và chạy về phía căn cứ không quân. Tất thảy mọi người như bị hút vào chiếc khinh khí cầu trắng bóng khổng lồ đang treo lơ lửng trên không trung.
9 giờ 15 phút sáng
Khinh khí cầu đã được rào chắn bảo vệ, bên ngoài hàng rào đã tụ tập rất nhiều người.
Toàn bộ binh sĩ của căn cứ không quân đứng về một phía, xếp hàng theo cấp bậc, tất cả đều vận bộ quân phục màu xanh hải quân. Phía trước mặt họ là một nhóm vũ nữ truyền thống Morocco, choàng khăn trắng, hò reo cổ vũ. Sau đó, một nhóm lính cưỡi ngựa mặc trang phục Berber và mang súng hoả mai lao tới và xếp thành hàng ngay trước khinh khí cầu. Tôi nghĩ họ sẽ bắn loạt súng chào mừng. Cả Per, Alex và tôi đều tập trung trong khoang lái, kiểm tra lần cuối cùng tất cả hệ thống. Mặt trời lên nhanh và khí heli bắt đầu nở ra.
10 giờ 15 phút sáng
Chúng tôi đã kiểm tra xong mọi thứ và sẵn sàng khởi hành. Tôi ôm Joan, Holly và Sam lần cuối. Tôi thật sự khâm phục sự rắn rỏi của Joan. Holly luôn ở bên cạnh tôi trong suốt bốn ngày qua và dường như con bé hoàn toàn hiểu rõ được tình hình. Tôi cứ nghĩ Sam thì không sao, nhưng rồi thằng bé cũng bật khóc, ôm lấy tôi và không muốn tôi đi. Tôi cũng suýt khóc. Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ôm chặt đầy sức mạnh ấy của thằng bé. Rồi thì Sam cũng buông tôi ra, nó hôn tôi và chạy về phía Joan. Sau đó, tôi chạy về phía bố và mẹ, tôi ôm hôn từ biệt họ. Mẹ giúi vào tay tôi một lá thư và nói: “Sáu ngày nữa con hãy mở thư này nhé”. Tôi im lặng và thầm ước giây phút ấy kéo dài mãi.
10 giờ 50 phút sáng
Và công việc cuối cùng là trèo lên các bậc cầu thang bằng thép để lên khoang khinh khí cầu. Chợt thoáng một giây tần ngần, lơ mơ tự hỏi liệu bao giờ mình sẽ được đặt chân trở lại và sẽ đặt xuống đâu, mặt đất hay mặt nước. Cũng không có thời gian để nghĩ nữa, tôi bước qua cánh cửa vào khoang. Per ngồi vị trí điều khiển chính, tôi ngồi cạnh thiết bị ghi hình, còn Alex ngồi ở ghế gần cửa.
11 giờ 19 phút sáng
Mười, chín, tám, bảy, sáu, năm… Per đếm, còn tôi tập trung vào điều khiển máy ghi hình. Tay tôi lướt nhanh xuống kiểm tra khoá dù. Tôi cố không nghĩ đến chiếc khinh khí cầu to đùng trên đầu và sáu thùng nhiên liệu khổng lồ gắn chung quanh khoang lái. Bốn, ba, hai, một… Per xoay cái cần điều khiển bật chốt dây neo khinh khí cầu. Và chúng tôi từ từ, im lặng và nhẹ nhàng bay lên bầu trời. Không có tiếng gầm gừ của lò đốt: Chúng tôi bay lên giống như những quả bóng bay trong các bữa tiệc của bọn trẻ.
Cửa thoát hiểm vẫn mở khi chúng tôi bắt đầu cất cánh và chúng tôi vẫn có thể vẫy tay xuống phía dưới, nơi những bóng người thân nhỏ dần. Hình ảnh mọi thứ ở Marrakech, như các bức tường vuông màu hồng, quảng trường thành phố, những sân cỏ rộng lớn và đài phun nước ẩn mình giữa những bức tường cao… cứ mờ dần phía dưới chúng tôi. Đến độ cao khoảng 10.000 feet, thì không khí bắt đầu lạnh và trở nên loãng hơn. Chúng tôi đóng cửa khoang lại. Từ lúc đó, chỉ còn chúng tôi với nhau trong khoang. Áp suất bắt đầu tăng,chúng tôi phải điều áp.

*

Tờ fax đầu tiên chúng tôi nhận được vào giữa ngày hôm đó.
“Trời ơi!” – Per đưa tờ fax ra. “Xem này”.
“Xin thông báo! Ống dẫn nối các thùng nhiên liệu đang được khoá.” – Tôi đọc to lên.
Đó là lỗi đầu tiên chúng tôi mắc phải. Ống nối các thùng nhiên liệu phải được cắt, đề phòng trường hợp gặp trục trặc và bị rơi, chúng tôi có thể ném bớt một thùng nhiên liệu nặng một tấn nhằm cân bằng trọng lượng.
“Nếu đây là lỗi duy nhất, thì mọi chuyện chúng ta đang làm không đến nỗi tồi đâu” – Tôi nói để trấn an Per.
“Chúng ta cần hạ xuống độ cao 5.000 feet, sau đó tôi sẽ ra ngoài và ngắt các đường ống nối” – Alex nói. “Không sao đâu”.
Nhưng ban ngày thì không thể hạ độ cao, bởi vì mặt trời sẽ đốt nóng khí heli và một khi khí heli bị thoát ra ngoài thì khó có thể thu lại được. Mà chúng tôi thì không thể để mất khí heli. Vì thế, chúng tôi nhất trí đợi đến đêm mới hạ độ cao khinh khí cầu. Chúng tôi không biết khinh khí cầu bay trong đêm sẽ thế nào và với những thùng nhiên liệu bị khoá chặt vào khoang như thế, thì khả năng thoát hiểm là rất mong manh.
Dù tôi và Alex cố xoa dịu lo ngại về các đường nối nhiên liệu đang bị khoá, nhưng Per thì lo lắng thật sự. Anh ấy ngồi yên lặng trên ghế điều khiển và chỉ trả lời khi thật sự cần thiết.
Chúng tôi lặng lẽ bay như thế cho đến cuối ngày. Quang cảnh những ngọn núi phía dưới hiện ra, những đỉnh núi nối đuôi nhau thành hình răng cưa, được tuyết phủ trắng lấp lánh trong nắng nhẹ. Khoang khinh khí cầu chật ních những vật dụng cần thiết cho chúng tôi trong 18 ngày nữa. Nhưng việc quên không mở khóa các dây nối thùng nhiên liệu không phải là lỗi duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi cũng đã quên mang theo giấy vệ sinh, thế là cứ phải đợi có thêm tờ giấy fax nào, chúng tôi mới có thể đi xuống cái cầu thang xoắn bé tí xíu để vào nhà vệ sinh cũng bé tí xíu. Cái bụng Morocco của tôi lại cần rất nhiều giấy fax.
Chúng tôi kéo cần điều khiển, tháo khóa những thùng chì gắn ở dưới đáy khoang khinh khí cầu. Số nhiên liệu đó nếu được giữ lại có thể sử dụng trong hai tuần. Những chiếc thùng đó rơi khỏi khoang khinh khí cầu. Nhìn qua màn hình, tôi thấy chúng rơi xuống, giống như những quả bom. Tôi có cảm giác sợ hãi, giống như khởi đầu một thảm họa. Khoang này rõ ràng là lớn hơn hai khoang tôi từng sử dụng trong các chuyến vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Nhưng đó vẫn chỉ là một hộp sắt treo lơ lửng phía dưới một quả bóng khổng lồ, phó mặc số phận cho gió và thời tiết.
Trời bắt đầu tối. Không còn những thùng chì, khinh khí cầu lên cao một chút, nhưng rồi lại bắt đầu rơi xuống. Lần này thì nó rơi với tốc độ nhanh hơn nhiều. Trong một phút, chúng tôi rơi xuống 2.000 feet; tiếp đến xuống 2.000 feet nữa. Tai tôi ù đi và bụng sôi lên.
Chúng tôi đang ở độ cao 15.000 feet. Tôi cố gắng bình tĩnh, tập trung chú ý vào màn hình điều khiển và đồng hồ đo độ cao, xem xét nhanh mọi sự lựa chọn hiện có. Chúng tôi cần phải thải bớt nhiên liệu, nhưng nếu làm vậy, đồng nghĩa với việc kết thúc sớm chuyến du hành này. Tôi bặm môi. Chúng tôi đang bay trên dãy Atlas trong đêm tối và rất có thể sắp rơi xuống. Không ai lên tiếng. Tôi tính toán nhanh.
“Với tốc độ thế này, chúng ta còn khoảng 7 phút” – Tôi nói.
“Thôi được” – Per nói. “Mở cửa nắp. Hạ áp suất đi”.
Chúng tôi mở cửa khoang ở độ cao 12.000 feet, giảm xuống độ cao 11.000 feet. Và một luồng khí lạnh ùa vào khoang, áp suất hạ. Tôi và Alex bắt đầu vứt bỏ mọi thứ có trên khoang: thức ăn, nước uống, can dầu, bất cứ thứ gì không gắn chặt với khoang lái. Mọi thứ.
Thậm chí, cả đống đô-la. Sau 5 phút, khinh khí cầu ngừng rơi. Chúng tôi đã tự cứu sống mình.
“Chưa đủ” – Tôi nói và nhìn đồng hồ đo độ cao lúc này hiện báo 9.000 feet. “Chúng ta vẫn rơi xuống”.
“Thôi được, tôi sẽ bò ra ngoài” – Alex nói. “Buộc phải vứt bớt thùng nhiên liệu”.
Là người thiết kế khoang khinh khí cầu này, nên Alex biết chính xác cách thức tháo bỏ khóa gắn các thùng nhiên liệu. Tôi chợt sợ hãi nghĩ rằng, giả sử người trên khoang lúc này là Rory, chứ không phải Alex, thì chắc chắn chúng tôi đã bế tắc. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là nhảy dù khỏi khinh khí cầu. Có nghĩa là chúng tôi phải lao vào bóng đêm, rơi xuống dãy Atlas. Lò đốt cháy rực, bắn những tia sáng màu da cam vào chúng tôi.
“Anh đã bao giờ nhảy dù chưa?” – Tôi hét lên, hỏi Alex.
“Chưa bao giờ” – Anh ấy trả lời.
“Đây là dù của anh” – Tôi nói và giúi dù vào tay anh ấy.
“Đã xuống độ cao 7.000 feet và tiếp tục rơi” – Per hét lên. “6.600 feet rồi”.
Alex trèo ra ngoài cửa, bò lên nóc khoang. Rất khó cảm nhận được tốc độ chúng tôi rơi xuống. Tai tôi ù đặc. Nếu Alex không thể tháo khóa được các thùng nhiên liệu và chúng không được vứt bỏ, thì chúng tôi sẽ phải nhảy ra ngoài. Chúng tôi chỉ còn một vài phút. Tôi nhìn ra cửa và nhẩm tính lại những gì tôi phải làm: Một tay nắm vào dây dù, bước ra ngoài và nhảy vào đêm tối. Tay tôi nắm lấy dù theo bản năng. Tôi ngoái nhìn xem Per có đeo dù vào không. Per đang theo dõi đồng hồ đo độ cao. Các con số hạ thấp xuống rất nhanh.
Chúng tôi chỉ còn 6.000 feet, trời thì tối. Không, chỉ còn 5.500 feet. Nếu Alex tiếp tục ở trên đó thêm một phút nữa thôi, thì chúng tôi chỉ còn 3.500 feet. Tôi thò đầu ra khỏi cửa nắp khoang, xem Alex dò dẫm, hì hụi làm việc trên nóc khoang. Chúng tôi không thể nhìn thấy mặt đất. Điện thoại, máy fax reo liên tục. Bộ phận chỉ huy dưới mặt đất chắc hẳn đang thắc mắc không hiểu chúng tôi đang làm cái quái gì ở đây.
“Một thùng đã được tháo rời” – Alex hét to qua cửa khoang.
“3.700 feet”– Per nói.
“Thêm một thùng nữa” – Alex nói.
“3.400 feet”.
“Lại thêm một thùng”.
“2.900 feet, 2.400 feet…”
Đã quá muộn để nhảy dù khỏi khoang. Vào lúc chúng tôi có thể nhảy được, thì chúng tôi đã va vào dãy núi sừng sững xuất hiện trước mắt.
“Trở lại khoang ngay” – Per hét lên. “Ngay lập tức”.
Alex ngã trở lại vào khoang.
Chúng tôi ôm lấy nhau. Per quay cần điều khiển để ngắt nối các thùng nhiên liệu. Nếu cái chốt mà hỏng, thì chúng tôi sẽ chết ngay trong 60 giây tới. Thùng nhiên liệu rơi xuống, khinh khí cầu bật lên đột ngột, cảm giác giống như thang máy rơi phịch xuống đất. Chúng tôi bẹp dí trên ghế ngồi, đầu tôi gục mạnh xuống. Khinh khí cầu bắt đầu bay lên. Chúng tôi nhìn đồng hồ: 2.600, 2.700, 2.800 feet. Chúng tôi đã an toàn. Mười phút sau chúng tôi đã ở độ cao 3.000 feet và khinh khí cầu đã bay trở lại trong bầu trời đêm.
Tôi quỳ dưới sàn khoang, bên cạnh Alex và tôi ôm lấy anh ấy.
“Ơn Chúa, anh đã đi cùng chúng tôi”. Tôi nói. “Chúng tôi đã chết nếu không có anh”.
Người ta nói rằng, người sắp chết thường nhìn nhận lại cuộc đời mình vào những giây cuối cùng. Với tôi, dường như điều đó không đúng. Khi chúng tôi rơi xuống, sắp sửa giống như một quả cầu lửa lơ lửng trên dãy Atlas và tôi nghĩ rằng chúng tôi sắp chết, thì đúng lúc đó những gì tôi nghĩ tới là nếu tôi tìm cách thoát chết, thì tôi sẽ chẳng bao giờ lặp lại điều này. Lúc chúng tôi bay lên an toàn trở lại, Alex kể một câu chuyện về một người đàn ông giàu có, chuẩn bị bơi qua Kênh đào: Ông ta đi xuống bãi biển, sắp xếp bàn và ghế, ngả lưng thưởng thức bánh sandwich kẹp dưa chuột và dâu tây, rồi tuyên bố rằng, người của ông ta sẽ bơi qua Kênh đào thay ông ta. Vào thời điểm đó, câu chuyện nghe có vẻ như một ý tưởng tồi.
Qua đêm thứ nhất, chúng tôi đã chiến đấu nhằm kiểm soát được khinh khí cầu. Cuối cùng, khi nhận ra một trong những thùng nhiên liệu bị rò rỉ và chúng tôi đã tháo bớt thùng nhiên liệu. Khi bình minh lên, chúng tôi chuẩn bị hạ cánh. Phía dưới là vùng sa mạc
Algeria, một địa điểm không thuận lợi, nhất là nước này đang lâm vào cảnh nội chiến.
Sa mạc ở đây không có những cồn cát mềm mại, vàng óng, giống như khi bạn xem Lawrence of Arabia. Mặt đất đỏ, trơ trụi toàn đá, giống như bề mặt Sao hỏa, đá dựng đứng như những tổ mối khổng lồ. Tôi và Alex ngồi trên nóc khoang, ngắm nhìn bình minh ló rạng trên sa mạc. Chúng tôi nhận thức được rằng, đây là một ngày mới mà chúng tôi thiếu chút nữa đã không còn sống sót để hưởng thụ. Mặt trời đang lên, sự ấm áp của ánh nắng ban ngày thật sự đáng quý biết bao. Ngắm nhìn bóng của khinh khí cầu nhẹ lướt trên hoang mạc, thật khó tin rằng cũng chính cái “máy bay” này chỉ mới đêm qua thôi còn suýt rơi xuống dãy Atlas.
Khi gần hạ xuống mặt đất, Alex hét to lên:
“Phía dưới có đường dây điện”.
Per trả lời, rằng chúng tôi đang ở giữa sa mạc Sahara và ở đó thì không thể có đường dây điện được. “Chắc là anh nhìn thấy ảo ảnh rồi” – Per nói oang oang.
Alex quả quyết rằng chính anh ấy đã nhìn thấy. Chúng tôi đã thấy đường dây điện duy nhất ở sa mạc.
Mặc dù xung quanh chỉ là hoang mạc trơ trụi mênh mông, nhưng sau vài phút hạ cánh, chúng tôi đã thấy ở đó dấu hiệu của sự sống. Một nhóm người bộ lạc Berber bỗng hiện ra từ những khối đá. Thoạt đầu, họ giữ khoảng cách với chúng tôi. Trong lúc đưa họ nước uống và một vài vật dụng còn sót lại, thì nghe thấy tiếng ù ù của trực thăng quân sự. Chắc họ phát hiện ra chúng tôi qua rađa. Ngay khi họ xuất hiện thì những người Berber lủi đi mất. Hai chiếc trực thăng đậu xuống ngay gần chỗ chúng tôi đứng, bụi bốc lên mù mịt. Chúng tôi nhanh chóng bị bao vây bởi những binh sĩ tay lăm lăm súng hướng về phía chúng tôi.
“Lạy thánh Ala” – Tôi nói.
Trong giây lát họ vẫn đứng tại chỗ, nhưng sau đó họ tiến lại phía chúng tôi đầy tò mò và nghi ngờ. Chúng tôi dẫn viên sĩ quan đi quanh khoang khinh khí cầu, anh ta rất ngạc nhiên về những thùng nhiên liệu.
Khi đứng bên ngoài khoang, tôi thắc mắc không biết những binh sĩ Algeria nghĩ gì về chiếc khinh khí cầu. Tôi quay lại nhìn và đã đọc được điều đó trong ánh mắt họ. Những thùng nhiên liệu còn lại được sơn giống như những thùng Virgin Cola và Virgin Energy khổng lồ, với hai màu đỏ và vàng tươi. Trong các dòng chữ in bên sườn khoang, có các chữ Virgin Atlantic Challenger, Virgin Direct (bây giờ là Virgin Money), Virgin Territory và Virgin Cola. Thật may cho chúng tôi là những người lính Hồi giáo ấy không thể hiểu được dòng chữ viết phía trên thùng Virgin Energy: DÙ BẠN ĐÃ TỪNG NGHE ĐƯỢC GÌ
CHĂNG NỮA, THÌ CŨNG HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CHỨNG CỨ NÀO CHO THẤY
VIRGIN LÀ MỘT LOẠI THUỐC KÍCH DỤC.

*

Khi nhìn vào khoang khinh khí cầu nằm chềnh ềnh trên cát đỏ rọi và hồi tưởng lại cảm giác khủng khiếp khi rơi xuống dãy Atlas, thì tôi tự hứa với chính mình rằng sẽ không bao giờ cố gắng làm lại điều đó một lần nữa. Trái lại với ý nghĩ đó, đằng sau ý chí mạnh mẽ, tôi vẫn biết rằng, ngay khi tôi trở về nhà và nói chuyện với những người thích du ngoạn vòng quanh trái đất bằng khinh khí cầu, thì tôi vẫn sẽ đồng ý tham gia một lần cuối cùng nữa.
Đó thật sự là một thử thách có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được. Còn bây giờ ý định đó đã được giấu kỹ trong đầu tôi.
Hai câu hỏi người ta hay hỏi tôi nhất, đó là: “Tại sao ông liều mạng bay khinh khí cầu?” và “Tập đoàn Virgin của ông phát triển đến đâu?” Cũng có khi, theo một cách hiểu nào đó, thì hình ảnh khoang khinh khí cầu nằm trên sa mạc Algeria, với một loạt tên Virgin in chung quanh nó, đã đưa ra câu trả lời chung nhất cho những câu hỏi trên.
Tôi biết rằng mình vẫn có thể cố gắng thực hiện một chuyến bay khinh khí cầu khác, bởi vì đó là một trong số ít những thử thách tuyệt vời còn lại. Ngay khi tôi loại bỏ được những nỗi sợ hãi sau mỗi chuyến bay thực tế, thì một lần nữa lại tôi cảm thấy tự tin rằng mình có thể học được từ những sai lầm đã phạm phải và sẽ có thể có được một chuyến bay an toàn lần sau.
Câu hỏi lớn hơn là: “Tập đoàn Virgin sẽ kết thúc tại đâu?” thì không thể có câu trả lời.
Không hề mang tính kinh điển, sách vở, và đó cũng không phải cách mà tôi nghĩ, tôi đã viết cuốn sách này để diễn tả lại bằng cách nào chúng tôi xây dựng Virgin như ngày hôm nay. Nếu bạn đọc kỹ từng dòng, tôi hy vọng rằng bạn sẽ hiểu được tầm nhìn của chúng tôi đối với Tập đoàn Virgin; và bạn cũng sẽ thấy được chúng tôi đang đi đến đâu. Một số người nói rằng, tầm nhìn của tôi về Virgin phá vỡ mọi quy tắc và giống như kính vạn hoa. Người khác lại nói rằng, Virgin đã trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu của thế kỷ.
Còn với tôi, tôi chỉ nhấc máy điện thoại lên và tiếp tục công việc. Với cả hai việc, những chuyến thám hiểm bằng khinh khí cầu và tập đoàn Virgin, thì tôi đều đặt ra một loạt những thử thách liên tục, mà tôi có thể học từ quá khứ thời thơ ấu của mình.
Khi tôi đang tìm kiếm tiêu đề cho cuốn sách, David Tait – người phụ trách phía Mỹ của Virgin Atlantic Challenger – đã gợi ý rằng tôi đặt tên cho cuốn sách là Virgin: Nghệ thuật chiến lược kinh doanh và phân tích so sánh.
“Một ý tưởng không tồi” – Tôi nói với anh ta “Nhưng tôi không chắc là đầu đề như vậy đã đủ độ hấp dẫn chưa”.
“Tất nhiên là hấp dẫn rồi”– Anh ấy nói. Và thế là tiêu đề phụ của cuốn sách sẽ là Screw it! Let’s do it! (Mặc kệ nó, làm tới đi!)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Đường Ra Biển Lớn Phần mở đầu: “MẶC KỆ NÓ, LÀM TỚI ĐI!”

Có thể bạn thích