Đường Ra Biển Lớn
Chương 4: “TÔI SẴN SÀNG THỬ NGHIỆM BẤT CỨ ĐIỀU GÌ”

1970 – 1971
Và thế là Virgin ra đời. Nghĩ lại những tên khác nhau chúng tôi lựa chọn để đặt, tôi nghĩ mình đã có quyết định đúng. Tôi không chắc là Slipped Disc Airways, Slipped Disc Brides hay Slipped Disc Conndoms đều có sức hấp dẫn giống nhau.
Kết quả nghiên cứu thị trường của chúng tôi đã chứng minh điều đó đúng: Sinh viên thường dành khoản tiền đáng kể để mua đĩa nhạc và họ không thích phải trả 39 si-linh ở WH Smith, trong khi họ biết rằng họ có thể mua của Virgin với giá chỉ 35 si-linh. Chúng tôi bắt đầu phát tờ rơi quảng cáo về dịch vụ Đặt hàng mua đĩa qua thư Virgin, khắp đường phố Oxfort và bên ngoài các buổi biểu diễn, hoà nhạc. Thư hằng ngày tăng dần, có tới cả bao tải đầy thư. Một trong những thuận lợi nhất của việc đặt hàng qua thư với chúng tôi đó là khách hàng gửi tiền trước: Việc này cấp vốn cho chúng tôi để mua đĩa. Tài khoản ngân hàng của tôi ở Coutts bắt đầu có nhiều tiền.
Khi dịch vụ Đặt hàng qua thư Virgin lớn mạnh, tôi bán tờ Student cho một công ty xuất bản khác. IPC Magzines là khách hàng quan tâm duy nhất. Và chúng tôi đã có những cuộc thương lượng kéo dài, đỉnh điểm là cuộc gặp mà họ đã mời tôi tiếp tục làm biên tập. Tôi đồng ý làm, nhưng sau đó lại phạm sai lầm là đã kể cho họ nghe về các dự án tương lai của mình. Vẽ ra viễn cảnh tương lai là một trong những trò giải trí của tôi. Và thế là tôi đã nói tại cuộc gặp ấy rằng tôi có một số kế hoạch cho tờ Student: Tôi thấy rằng sinh viên thường bị ngân hàng đối xử thiếu công bằng và tôi muốn thành lập một ngân hàng giá rẻ dành cho sinh viên. Tôi cũng muốn lập một chuỗi câu lạc bộ đêm và khách sạn làm nơi mà sinh viên có thể lui tới; thậm chí có thể tổ chức cho họ những chuyến du lịch thú vị, ví như đoàn tàu sinh viên, hay biết đâu đấy, có thể cả máy bay sinh viên nữa. Lúc tôi say sưa trình bày ý tưởng của mình, thì tôi thấy ánh mắt họ hết sức kinh ngạc. Họ nghĩ tôi là người điên. Họ quyết định không thể giữ một người mất trí như thế làm biên tập cho Student. Và cuối cùng là họ quyết định không mua nữa. Student đã chết một cách âm thầm như vậy. Còn các kế hoạch cho tương lai của tôi thì bị xếp xó.
Chúng tôi đành dành toàn bộ tâm trí cho dịch vụ Đặt hàng qua thư Virgin. Khi nhìn vào đống đơn đặt hàng khổng lồ và thấy nhu cầu cần tổ chức việc mua đĩa nhạc ở đâu và làm cách nào bán chúng tới khách hàng đã khiến tôi nghĩ tới việc phải tìm một người giúp đỡ.
Tôi là người duy nhất phải lo chuyện trả lương cho mọi người. Ngay cả khi tiền lương rất ít thì cũng khó có đủ lợi nhuận để chi phí cho khoản này. Chỉ có một người tôi có thể tìm tới nhờ vả: Nik. Tôi muốn người bạn cũ của mình trở lại.
Tôi cố quên đi việc Nik đã định lật đổ tôi và vẫn đề nghị chia cho cậu ta 40% giá trị công ty Đặt hàng đĩa nhạc qua thư Virgin vừa thành lập, nếu cậu ấy làm việc với tôi. Cậu ta đồng ý ngay. Chúng tôi không thương lượng nhiều về khoản chênh lệch 60%-40%. Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều thấy đây là sự phản ánh công bằng những gì mỗi người trong chúng tôi đóng góp cho việc kinh doanh.
Mặc dù Nik không phải là một kế toán viên được đào tạo bài bản, nhưng bù lại cậu ấy rất tỉ mỉ và cẩn thận tới từng đồng xu. Cậu ta thường đi đầu làm gương: Cậu ta không bao giờ tiêu tiền, vậy cớ gì chúng tôi lại tiêu? Cậu ta không bao giờ giặt giũ, thì sao ai đó cứ phải làm? Cậu ta tằn tiện và tiết kiệm từng đồng xu; cậu ta luôn tắt đèn khi ra khỏi phòng; cậu ta chỉ nói chuyện điện thoại rất nhanh và cậu ta xử lý những hoá đơn thanh toán của chúng tôi với kỹ năng tuyệt vời.
“Thanh toán hoá đơn muộn cũng tốt đấy” – Cậu ta nói. “Miễn là cậu vẫn thanh toán chúng như thường lệ”.
Vì thế, chúng tôi thanh toán ngay, không lần lữa, chỉ có điều bao giờ cũng vào lần nhắc cuối cùng. Ngoài tôi và Nik, chẳng có một nhân viên nào ở dưới tầng hầm ấy. Một nhóm công nhân làm việc luân phiên đến và được trả 20 bảng một tuần, rồi cũng bỏ đi. Trong suốt năm 1970, dịch vụ Đặt hàng đĩa nhạc qua thư Virgin rất phát đạt.
Sau đó, vào tháng 1/1971, chúng tôi gần như là sụp đổ vì một sự việc hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát: công nhân bưu điện đình công. Dưới sự dẫn dắt của Tom Jackson, Tổng thư ký Công đoàn ngành bưu điện, các nhân viên chuyển phát thư bỏ việc và Bưu điện phải tạm ngưng hoạt động các thùng thư. Công việc kinh doanh đặt hàng qua điện thoại của chúng tôi bị ngưng trệ: Khách hàng không thể gửi séc cho chúng tôi; còn chúng tôi lại không thể gửi đĩa nhạc cho họ. Chúng tôi phải làm cái gì đó.
Tôi và Nik sau đó quyết định mở một cửa hàng để bán đĩa. Chúng tôi chỉ được phép tìm cửa hàng trong một tuần, trước khi cạn sạch tiền. Lúc đó chúng tôi không hề có khái niệm gì về hoạt động của cửa hàng. Tất cả những gì chúng tôi quan tâm là bằng cách nào đó phải bán được đĩa, nếu không công ty sẽ sụp đổ. Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm địa điểm.
Năm 1971, các hãng WH Smith và Hohn Menzies làm bá chủ việc bán lẻ đĩa nhạc, nhưng cả hai đều ế ẩm và mang tính hình thức. Các cửa hàng bán đĩa thường ở dưới các tầng hầm và nhân viên trong bộ đồng phục hai màu nâu và xanh thì dường như không quan tâm gì tới âm nhạc. Khách hàng vào chọn thật nhanh những đĩa nhạc trên giá, rồi bước ra chỉ sau mươi phút. Các cửa hàng chẳng có vẻ gì là mời chào khách; thiếu dịch vụ, mà giá lại cao. Vào thời đó, nhạc rock đang rất thịnh hành, nhưng cái hứng thú, náo nhiệt của nó đã không ngấm vào các cửa hàng bán đĩa ấy. Những nhân viên không được nhã nhặn cho lắm, họ chỉ tỏ vẻ đồng tình hoặc quan tâm nếu bạn chọn mua đĩa mới của Doors. Họ lẽ ra đã thu được nhiều tiền, nếu như bạn mua đĩa của Mantovani hay Perry Como. Họ dường như cũng chẳng có hứng thú đặc biệt nào đối với các đĩa của nhóm Van Der Graaf Generator hay Incredible String Band được bình chọn trong chương trình Melody Marker của tuần vừa rồi. Không ai trong số bạn bè tôi cảm thấy thoải mái khi tới các cửa hàng bán đĩa: Chúng chỉ giống như những địa điểm hoạt động theo chức năng khô cứng, nơi mà họ chỉ tới để chọn mua những đĩa họ yêu thích. Vì thế, đây chính là sự thu hút của việc kinh doanh đặt hàng qua thư giá rẻ.

Chúng tôi muốn cửa hàng của Virgin Records phải trở thành một hoạt động mở rộng của Student; một nơi mà mọi người có thể gặp gỡ và nghe nhạc cùng nhau; nơi mà họ không chỉ đơn thuần được kêu gọi ghé qua một cách vội vã, mua đĩa rồi đi. Chúng tôi muốn họ ở lại lâu hơn, nói chuyện với nhân viên bán hàng và thật sự hoà mình say sưa cùng những đĩa nhạc mà họ chọn mua. Con người thường đối xử với âm nhạc nghiêm túc hơn nhiều thứ khác trong cuộc sống. Đó là một phần để họ chứng tỏ bản thân, giống như chiếc xe họ lái, bộ phim họ xem và trang phục họ mặc vậy. Thanh thiếu niên thường dành thời gian nghe nhạc, bàn bạc về những nhóm nhạc họ yêu thích và lựa chọn đĩa nhạc nhiều hơn hầu hết các nhóm khác trong xã hội.
Cửa hàng bán đĩa đầu tiên của Virgin sẽ phải đáp ứng được tất cả những khía cạnh này, làm sao để làm cho âm nhạc thấm vào cuộc sống của mọi người. Khi tìm kiếm cách thức để thực hiện điều đó, chúng tôi đã nghĩ tới việc tạo ra một mô hình hoạt động khuôn mẫu cho sự nghiệp của Virgin sau này. Chúng tôi muốn cửa hàng Virgin Records phải là nơi giải trí thú vị để khách hàng tìm đến những khi họ có thời gian. Chúng tôi muốn gắn bó với khách hàng, chứ không phải là giáo huấn hay lấn lướt họ; và chúng tôi muốn giá cả phải rẻ hơn các cửa hàng khác. Để đạt được tất cả những mục tiêu ấy là một nhiệm vụ khó, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng số tiền sử dụng để tiếp tục tạo ra không khí mới và lợi nhuận thua thiệt từ việc bán giá rẻ có thể nhiều hơn, do khách hàng mua nhiều đĩa hơn.
Tôi và Nik đã dành một buổi sáng để đếm số người qua lại phố Oxford, so với số người qua lại phố Kensington. Cuối cùng chúng tôi quyết định rằng, vị trí cuối phố Oxford giá rẻ hơn sẽ là địa điểm tốt nhất để lựa chọn. Chúng tôi cũng biết là không thể phụ thuộc vào hy vọng mọi người biết nhiều đến cửa hàng Virgin Records và sẽ đến đó để mua đĩa. Vì thế, chúng tôi phải thu hút sự chú ý của những người qua đường đến cửa hàng của mình bằng cách thuyết phục họ. Chúng tôi khảo sát tại địa điểm có nhiều người qua lại nhất trên phố và bắt đầu tìm kiếm một cơ sở còn trống tại đó. Chúng tôi nhìn thấy một cửa hàng bán giày dép bên cạnh lối cầu thang dẫn lên tầng lầu trông có vẻ còn trống. Chúng tôi lên đó xem xét địa điểm.
“Các anh tìm kiếm gì thế” – Một giọng nói vang lên.
“Chúng tôi đang tìm địa điểm mở một cửa hàng” – Chúng tôi nói. “Cửa hàng bán gì?”
Tôi và Nik trở lại cầu thang và thấy ông chủ cửa hàng giày dép chặn lối chúng tôi. “Một cửa hàng bán đĩa nhạc” – Chúng tôi đáp.
Người chủ cửa hàng vóc dáng cao lớn, người Hà Lan, tên là Mr Alachouzos. “Các anh sẽ không thể trả được tiền thuê địa điểm đâu” – Ông ta nói.
“Vâng, ông nói đúng” – Tôi nói. “Chúng tôi không thể đủ chi phí để trả tiền thuê cửa hàng. Nhưng chúng tôi sẽ thu hút rất nhiều người đi ngang qua cửa hàng của ông và họ sẽ mua giày dép”.
“Loại giày dép nào vậy?” – Đôi mắt Mr.Alachouzo nheo lại.
“Loại xăng-đan Jesu đã hết rồi” – Nik nói. “Ông có bán loại Doc Martens không?”
Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ mở cửa hàng bán đĩa tại đây và chỉ được sử dụng địa điểm ấy không trả tiền thuê tới khi có ai muốn thuê nó. Dù sao đấy cũng chỉ là một chỗ còn trống. Trong vòng 5 ngày chúng tôi đã hoàn thành việc lắp đặt những giá đĩa, trải thảm lên sàn, kê hai chiếc sofa và một quầy tính tiền. Cửa hàng đầu tiên của Virgin Records đã sẵn sàng kinh doanh.
Một ngày trước khi khai trương cửa hàng, chúng tôi phát hàng trăm tờ rơi dọc con phố Oxford quảng cáo dịch vụ bán đĩa giá rẻ. Trong ngày đầu tiên, hôm đó là thứ Hai, một dòng người dài tới cả trăm thước xếp hàng bên ngoài cửa hàng (một thước Anh= 0, 914m – ND). Tôi đứng tạiquầy tính tiền, khách hàng ra vào đông nườm nượp. Khách hàng đầu tiên mua một đĩa nhạc của Tangerine Dream, nhóm nhạc Đức mà chúng tôi đã bán rất chạy qua dịch vụ Đặt hàng qua thư Virgin.
“Các anh có một anh chàng vui tính ghê” – Vị khách hàng nói. “Anh ấy cố mời tôi mua một cặp đĩa của Doc Martens lúc tôi đứng xếp hàng chờ”.
Đến cuối ngày, tôi đem tiền đến ngân hàng. Tôi thấy Mr.Alachouzos lượn đi lượn lại bên ngoài cửa hàng.
“Công việc bán hàng thế nào?” – Tôi hỏi, trong khi cố xách sao cho nhẹ nhàng cái túi tiền nặng trĩu tôi đang cầm theo.
Ông ta nhìn tôi một lượt rồi quay vào cửa hàng. Trong đó vẫn còn một đống chất cao những đĩa của Doc Martens chưa bán được.
“Mọi việc ổn cả” – Ông ta nói chắc nịch. “Không thể tốt hơn được”.
Trong năm 1971, Nik quản lý cửa hàng bán đĩa trên phố Oxford, Debbie điều hành Trung tâm Tư vấn Sinh viên, còn tôi chịu trách nhiệm chung, tìm kiếm các cơ hội mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Chúng tôi đang trong quá trình chuyển đổi từ các ý tưởng của Student sang Virgin. Và đến đúng thời điểm thích hợp chúng tôi đã đổi tên Trung tâm Tư vấn Sinh viên thành một địa chỉ từ thiện mới, gọi là HELP! Trung tâm này vẫn hoạt động cho tới ngày nay, nhưng trong khuôn khổ của Virgin Unite, được tiến hành các hoạt động từ thiện trên phạm vi rất rộng.
Tôi không hiểu biết nhiều về ngành công nghiệp thu âm, nhưng qua những gì tôi thấy ở cửa hàng bán đĩa tôi có thể hiểu rằng đâu là một ngành kinh doanh không chính thức, không hề có những quy định khắt khe. Nó có tiềm năng vô hạn để phát triển: Một ban nhạc mới có thể bất thình lình lập một kỷ lục lớn, hay sự say mê biến thành mốt, như đối với The Bay City Rolles, Culture Club, The Spices Girls hay Busted. Ngành công nghiệp âm nhạc là một sự kết hợp kỳ lạ giữa các tài sản thực tế và vô hình: Bản thân các ban nhạc pop đã là những cái tên có thương hiệu và ở các sân khấu biểu diễn nhất định, tên của họ chính là lời bảo đảm chắc chắn nhất cho các đĩa nhạc ăn khách. Nhưng đây cũng là một ngành công nghiệp mà trong đó chỉ có một số ít ban nhạc thành công trở nên rất rất giàu có, còn những ban nhạc mờ nhạt thì ngày một lụn bại. Kinh doanh nhạc rock là một ví dụ điển hình về sự khốc liệt của chủ nghĩa tư bản.
Là một nhà bán lẻ, Virgin không chịu ảnh hưởng từ thành công hay thất bại của một nhóm nhạc nào đó, miễn là vẫn có các ban nhạc mà mọi người vẫn thích mua đĩa của họ. Tuy nhiên, chúng tôi không chịu bó hẹp sống dựa vào lợi nhuận của bán lẻ, thường là rất nhỏ; và tôi đã thấy rằng, tiềm năng thật sự để kiếm tiền trong ngành công nghiệp âm nhạc này nằm ở chính những công ty thực hiện thu âm.
Lúc đó, cả tôi và Nik đều tập trung vào việc xây dựng hình ảnh cho cửa hàng. Chúng tôi liên tục phác thảo những ý tưởng khác nhau để thu hút khách hàng càng nhiều càng tốt.
Chúng tôi tặng kèm tai nghe, sofa và đệm ghế, hay phát miễn phí những tạp chí như New Musical Express và Melody Maker, thậm chí cả cà phê miễn phí. Chúng tôi giữ chân họ ở lại cửa hàng bao lâu mà họ muốn và tạo cho họ cảm giác thoải mái như ở nhà mình.
Tiếng đồn lan nhanh và mọi người bắt đầu lựa chọn mua đĩa nhạc của cửa hàng chúng tôi, thay vì mua ở chuỗi cửa hàng lớn. Họ nghĩ cứ như thể là mua đĩa của Thin Lizzy hay Bob Dylan ở cửa hàng chúng tôi thì dường như có giá trị hơn cũng đĩa đó mua của các cửa hàng Boots. Tôi thấy cực kỳ tự hào mỗi khi nhìn thấy người ta xách theo túi giấy có dòng chữ Virgin đi trên phố Oxford. Nhân viên của chúng tôi thông báo rằng có những khách hàng đã quay lại mua chỉ sau một vài tuần. Với một lượng khách hàng trung thành như thế, danh tiếng của Virgin bắt đầu lớn mạnh.

*

Từ một góc độ khác của việc mua đĩa nhạc – các phòng thu âm – tôi đã thấy những điều kiện mang tính nghi thức. Các ban nhạc phải đến phòng thu theo đúng lịch hẹn, mang theo tất cả thiết bị của họ được lắp đặt sẵn sàng, rồi sau đó rời phòng thu cũng theo đúng thời gian biểu quy định, mang đi tất cả thiết bị của họ. Do các phòng thu có quá dày lịch đăng ký trước, nên các ban nhạc thường phải tiến hành thu âm ngay sau bữa sáng. Việc nhóm Rolling Stones phải thu thanh đĩa Brown Sugar ngay sau khi họ vừa ăn xong những bát bỏng ngô đã khiến tôi tức cười. Tôi cứ tưởng tượng rằng không gian tốt nhất dành cho việc thu đĩa nhạc phải rộng lớn, tiện lợi, ở vùng nông thôn, nơi ban nhạc có thể đến và ở lại trong vài tuần và việc thu âm chỉ tiến hành khi nào họ thấy thích, và có thể là vào buổi tối. Vì thế, năm 1971 tôi bắt đầu tìm kiếm một ngôi nhà ở nông thôn để có thể biến nó thành một phòng thu âm.
Trong cuốn tạp chí Country Life tôi đọc được thông tin một lâu đài cổ ở Wales được bán với giá chỉ 2.000 bảng. Dường như vẫn có thể mặc cả được. Tôi lái xe lên đường tới đó, cùng với Tom Newman, một nhân viên mới tuyển dụng vào công ty Đặt hàng qua thư Virgin Mail Order. Anh là một ca sĩ và cũng đã từng phát hành một vài đĩa đơn, nhưng lại quan tâm nhiều hơn tới việc mở một phòng thu. Khi chúng tôi tới được lâu đài đó thì mới vỡ lẽ rằng, thông tin bán tài sản này đã quên một cách khó hiểu khi không cho biết lâu đài đó thực chất là trung tâm của cả một khu bất động sản lớn.
Cảm giác thất vọng và mệt mỏimệt mỏi, tôi và Tom đành quay trở về, dự tính mất 5 tiếng đồng hồ lái xe để về London. Trên đường về, tôi lại lật mở trang tạp chí Country Life và đọc được một quảng cáo bất động sản khác, đó là một ngôi nhà biệt thự cổ ở Shipton-on- Cherwell, nằm cách Oxford vài dặm về phía bắc. Chúng tôi rẽ sang đường khác, đi theo chỉ dẫn để tới Shipton-on-Cherwell. Chúng tôi lái xe qua ngôi làng, sau đó rẽ vào một ngõ nhỏ dẫn tới toà biệt thự. Cửa vào biệt thự khoá chặt, tôi và Tom trèo qua tường và nhảy xuống sân một ngôi biệt thự thế kỷ XVII tuyệt đẹp, được xây bằng đá Cotswold màu vàng, đang ánh lên trong nắng chiều muộn. Chúng tôi đi lòng vòng bên ngoài ngôi nhà và cả hai đều nhất trí rằng đây là một ngôi nhà hoàn hảo.
Khi chúng tôi gọi tới đại lý bất động sản vào sáng hôm sau, thì được biết rằng biệt thự đó đã được đưa ra thị trường một thời gian khá lâu rồi. Với hơn 15 phòng ngủ, biệt thự quá lớn cho một gia đình, nhưng lại quá nhỏ để có thể sử dụng làm khách sạn. Họ ra giá 35.000 bảng, nhưng sau đồng ý bán nhanh cho chúng tôi với giá 30.000 bảng. Tôi đến ngân hàng Coutts, lần này mặc một bộ vét, đi đôi giày đen và hỏi vay tiền. Tôi trình cho họ các thông tin về doanh số của công ty Đặt hàng qua thư Virgin Mail Order và cửa hàng đĩa Virgin trên phố Oxford. Tôi cũng không biết họ ấn tượng thế nào với những thông tin đó, họ quyết định cho tôi vay thế chấp tới 20.000 bảng. Vài năm sau đó, ngân hàng Coutts cho tôi biết rằng, nếu tôi không đến ngân hàng hôm đó trong bộ trang phục lịch lãm ấy, thì họ đã biết tôi đang gặp khó khăn rồi.
Khoản vay từ Coutts là một bước ngoặt đối với tôi: Đó là lần đầu tiên một ngân hàng tin tưởng cho tôi vay nợ một khoản lớn như vậy; và tôi đã có thể tin rằng mình gần như đã mua được ngôi biệt thự cổ. Mặc dù bản thân tôi chẳng có tiền, nhưng bố mẹ đã để dành khoản 2.500 bảng cho tôi, Lindi và Vanessa khi tôi 30 tuổi. Tôi đề nghị bố mẹ cho phép rút số tiền ấy ra sử dụng trước để mua ngôi biệt thự. Bố mẹ đồng ý, thậm chí biết trước rủi ro nếu phòng thu của chúng tôi phá sản, ngân hàng sẽ tịch thu ngôi biệt thự bán phát mãi với giá thấp kinh khủng và chắc chắn chúng tôi sẽ mất tiền. Dù sao tôi vẫn tiếp tục lo tìm kiếm khoản 7.500 bảng còn thiếu.
Chúng tôi nói chuyện về ngôi biệt thự vào bữa trưa một ngày Chủ nhật ở Shamley Green. Bố tôi gợi ý tôi nên đến gặp cô Joyce. Cô không có con cái và luôn ủng hộ chúng tôi. Chồng cô hy sinh trong chiến tranh và từ đó cô không yêu ai nữa. Cô sống ở Hampshire, tôi đã đi gặp cô ngay buổi chiều hôm đó. Như thường lệ, cô luôn thẳng thắn và rất phóng khoáng. Cô thu xếp mọi việc.
“Ricky này, cô đã nghe nói về căn biệt thự” – Cô nói với tôi. “Và cô cũng biết là ngân hàng Coutts đã cho cháu vay tiền”.
“Vâng”.

“Nhưng chưa đủ đúng không?” “Vâng, chưa đủ”.
“Ừ, cô sẽ giúp, nhưng phải công bằng. Cô muốn lấy lãi tương đương của Coutts” – Cô nói. “Nhưng cháu có thể hoãn trả lãi cho cô, đến khi cháu có”.
Tôi biết cô Joyce luôn tốt bụng một cách đặc biệt với tôi và có thể chấp nhận sẽ không bao giờ lấy lãi số tiền đó. Điều tôi không biết đó là cô đã thế chấp ngôi nhà của mình để vay
7.500 bảng chuyển cho tôi và phải tự trả lãi. Khi tôi chuẩn bị nói cảm ơn, cô gạt đi.
“Thôi nào” – Cô nói. “Cô sẽ không cho cháu vay tiền nếu không muốn. Nhưng tiền dùng để làm gì? Để biến mọi ý tưởng thành sự thật. Và cô tin là cháu sẽ biến giấc mơ phòng thu thành sự thật, giống như khi cháu giành của cô 10 si-linh lúc cháu học bơi ấy”.
Tôi tự hứa với mình sẽ trả lại cô số tiền đó, cả lãi nữa.
Tôi mới chỉ liên lạc với nhân viên đại lý bất động sản qua điện thoại. Nhưng sau khi chuyển tiền và tôi đã mua được ngôi biệt thự thì tôi đến gặp để lấy chìa khoá. Tôi vẩn vơ suy nghĩ, khi bước vào văn phòng của ông ta.
“Tôi có thể giúp gì được anh?” – Ông ta nói, chắc chắn là đang thắc mắc một gã khờ như tôi có thể cần gì ở một văn phòng đại lý bất động sản sang trọng này.
“Tôi đến lấy chìa khoá ngôi biệt thự” – Tôi nói. “Tôi là Richard Branson”. Ông ta lộ rõ vẻ ngạc nhiên.
“À vâng, thưa ông Branson” – Ông ta đưa ra một chiếc chìa khoá bằng sắt rất lớn. “Đây thưa ông. Chìa khoá ngôi biệt thự. Xin mời ông ký vào đây”.
Và thế là sau khi ký vào văn bản của ông ta, tôi cầm lấy chìa khoá và lái xe tới nhận ngôi biệt thự.
Tom Newman cùng với người bạn của anh ta, Phil Newell, ngay lập tức bắt tay vào việc biến ngôi biệt thự trở thành một phòng thu âm. Anh ấy muốn lắp đặt một máy ghi băng Ampex 16 track hiện đại nhất, cùng với những thứ tốt nhất mà anh ấy có thể nghĩ ra: một bộ phối âm 20 kênh (20-channel desk), bộ điều chỉnh bốn kênh (quadraphonic monitoring), thiết bị tiếng dội và định pha và thậm chí là cả một cây đàn piano lớn. Cả hai chúng tôi cùng muốn bảo đảm rằng mọi thứ thật sự phải tốt giống như một phòng thu tốt nhất ở London. Phòng thu biệt thự dần dần thành hình. Cứ vào các kỳ nghỉ cuối tuần, tối lại lái xe cùng Nik tới đó và chúng tôi dọn dẹp sàn nhà, lò sưởi, kéo vải lót che kín sàn nhà bằng đá còn nguyên bản và bắt đầu sơn tường. Lindi cũng tới giúp, giống như hầu hết những người tham gia vào Virgin Records. Một ngày, mẹ tôi tới mang theo cái đồng hồ quả lắc lớn mẹ mới mua của hãng Phillips.

“Con sẽ cần tới nó đây” – Mẹ nói.
Chúng tôi đặt nó ở ngay hành lang phía trước nhà và bỏ tiền vào trong ngăn cửa. Bây giờ chiếc đồng hồ ấy vẫn đặt ở tiền sảnh công ty Virgin Upper Class ở Heathrow, nhưng tất nhiên là không có tiền ở bên trong.
Thời hạn thuê nhà ở phố Albion kết thúc, tôi cùng một số bạn bè chuyển tới Notting Hill một thời gian, vì chúng tôi tiếp tục làm việc tại khu hầm mộ. Sau đó, do quá đông để không thể ở trong khu hầm mộ nữa, chúng tôi phải tìm một khu xưởng ở đường South Wharf, gần Paddington Station, nơi sau này là trụ sở của Virgin Mail Order.
Một ngày, tôi lái xe trên đường Westway tới Maida Vale. Khi tôi đi qua cây cầu cong cong thì nhìn thấy một đoàn nhà thuyền đi dọc con kênh. Giữa dòng nước và hàng cây, những con thuyền sáng lên màu đỏ và xanh lam, với những chậu hoa cảnh trên nóc nhà thuyền, rất nhiều vịt và thiên nga bơi xung quanh, bất ngờ tạo nên cảnh tượng êm đềm giống như ở vùng nông thôn.
Vì tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn hoang sơ, nên tôi không thích sống ở London lắm và luôn cảm thấy mình không được thấy ánh nắng mặt trời và không được hít thở không khí trong lành. Tôi rất yêu nước và mùi vị những con thuyền: mùi dầu máy, mùi nhựa đường và những sợi dây chão. Tôi lái xe tới văn phòng hội đồng địa phương. Họ nói tôi nên tới Ban phụ trách sông, cơ quan chịu trách nhiệm phân phối nhà thuyền. Họ cảnh báo tôi rằng danh sách người chờ rất dài. Nếu tôi đăng ký bây giờ, thì có thể phải chờ khoảng 5 năm mới được cấp một chiếc nhà thuyền. Tôi không ngại đăng ký, nhưng tôi vẫn quyết định lái xe quay lại Little Venice, hy vọng tìm được ai đó của nhà thuyền có thể giúp tôi thuê được một chiếc. Tôi chắc chắn rằng phải có một cách nào đó.
Khi đang trên đường Blomfield dọc con kênh, xe tôi bị hỏng. Điều này không phải là bất thường. Tôi ra khỏi xe và thất vọng nhìn vào nắp ca-pô.
“Ông có cần giúp đỡ không?” – Một giọng nói Ailen đặc sệt vang lên.
Tôi quay lại và nhận ra một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi trên nóc nhà thuyền bên cạnh ống khói.
“Không sao đâu” – Tôi nói và đi về phía ông lão. “Nhưng điều tôi muốn được giúp là làm thế nào để có thể được ở trên nhà thuyền như vậy”.
Brendan Fowley ngồi thẳng người lên, nói: “Thế thì có thể đấy”.
Ông lão rút tẩu thuốc ra và châm lửa.
“Anh cứ đi dọc kênh này, tới chỗ con thuyền đằng kia kìa” – Ông lão nói. “Tôi vừa bán cho một người, đó là một cô gái trẻ, cô ấy vừa đi xong. Tôi cũng không chắc, nhưng ở đó có hai phòng ngủ và có thể cô ấy cũng đang tìm người thuê ở cùng. Anh phải đi qua cái cửa gỗ và men theo con đường mòn dọc sông. Cô ấy ở trong chiếc thuyền cuối cùng gần tới cây cầu ấy. Nó tên là Alberta”.
Tôi đi dọc kênh, đẩy cánh cửa gỗ và tiếp tục men theo con đường mòn. Đến con thuyền cuối cùng, tôi nhìn qua cánh cửa sổ và thấy một cô gái có mái tóc đẹp đang lúi húi trong bếp.
“Xin chào” – Tôi nói. “Chắc cô là Alberta”.
“Đừng ngốc thế” – Cô gái nói và quay lại. “Đó là tên của con thuyền. Tên tôi là Mundy”. “Tôi có thể vào được không?” – Tôi hỏi. “Xe của tôi bị hỏng và tôi đang tìm chỗ để ở
tạm”.
Mundy rất xinh đẹp. Chúng tôi ngồi xuống và cùng ăn trưa. Và trước khi chúng tôi biết được mình đang làm gì, thì chúng tôi đã lên giường cùng nhau. Tên cô ấy là Mundy Ellis và tôi đã ở lại cùng cô ấy đêm đó. Cô ấy có một con chó tên là Friday. Và cùng với Mundy và Friday, tôi đã có một tuần vui vẻ trên thuyền. Chúng tôi đã có một cuộc tình lãng mạn nhất trên con thuyền Alberta, ăn tối trên nóc thuyền trong đêm mùa hè, ngắm những con thiên nga và những con thuyền bơi đi bơi lại nhộn nhịp trên dòng kênh.
Tôi và Mundy sống chung được gần một năm. Cô ấy giúp tôi tại Trung tâm Tư vấn Sinh viên và cả ở biệt thự. Trong lúc gần như là ai cũng sử dụng ma tuý, Mundy cũng không tránh khỏi việc sử dụng một vài liều LSD (loại ma tuý mạnh, gây ảo giác – ND) cùng với Tom Newman. Cô ấy mua LSD mang về London cho tôi thử. Và vào một đêm, chúng tôi cùng với hai người bạn nữa là Rob và Caroline Gold xuống thuyền Alberta đi chơi. Rob quyết tâm chỉ dùng LSD trong những trường hợp gặp rắc rối. Tôi lại tin vào câu châm ngôn hết sức nguy hiểm (đôi khi rất là ngớ ngẩn) rằng tôi đã sẵn sàng để thử nghiệm mọi thứ một lần. Sau một lúc, đầu óc tôi bắt đầu rối. Lúc đầu thì mọi thứ vẫn bình thường. Chúng tôi nghe nhạc, rồi ra ngoài ngắm bầu trời đêm. Nhưng khi quay vào, thì mọi thứ bắt đầu chuệch choạc: tầm nhìn của tôi bắt đầu nghiêng ngả và Mundy thì lúc phóng to, lúc lại thu nhỏ lại giống như một đứa trẻ 8 tuổi bé tí tẹo. Tôi nhìn mọi người rồi cười nói. Nhưng cứ mỗi lần tôi bắt được hình ảnh Mundy, thì tôi lại nhìn thấy một sinh vật khô cằn nhăn nheo.
Tôi ghét mọi thứ vượt tầm kiểm soát, khi đó tôi không biết phải làm gì. Mặc dù gần như tất cả nhân viên làm việc cho Student và sau này là Virgin đều sử dụng ma tuý, nhưng tôi vẫn không tham gia. Tôi thích vui vẻ và luôn giữ sự hóm hỉnh. Tôi biết rằng, mình phải dậy sớm sáng hôm sau và vì thế hiếm khi để cơ thể rơi vào tình trạng rã rời trong đêm hôm trước. Do chưa quen với những thứ như thế nên khi LSD ảnh hưởng toàn bộ hệ thần kinh, tôi đã không thể suy nghĩ đúng đắn. Cuối cùng tôi bước ra ngoài và nằm nhìn lên bầu trời. Mundy đến bên tôi và kéo tôi vào giường. Lúc ở cùng cô ấy, mắt tôi nhắm nghiền, sợ hãi những gì tôi nhìn thấy nếu mở mắt ra.
Lúc LSD hết tác dụng cũng là lúc quan hệ giữa tôi và Mundy kết thúc. Dù sáng hôm sau cô ấy không còn giống như một người lùn xấu xí nữa, nhưng tôi không bao giờ có thể nhìn cô ấy giống như trước đây. Sau đó, Mundy rời Alberta tới biệt thự, và cùng Tom Newman chuyển đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Đường Ra Biển Lớn Chương 4: “TÔI SẴN SÀNG THỬ NGHIỆM BẤT CỨ ĐIỀU GÌ”

Có thể bạn thích