DocSachHay.net

a đi lần ấy, tôi ngỡ đâu mình đi cao lắm chừng một tháng là về. Không ngờ tôi đi tới bốn tháng mới trở về tới Bà-rịa. Là vì sau khi lên khu, tôi lại lên Miền dự Đại hội anh hùng. Chỉ tính đi đường không cũng đã mất gần hai tháng.

Tôi về tới tổng trạm giao liên tỉnh vào lúc xế chiều.

Trình giấy tờ cho một cô giao liên ở trạm trực xong, tôi tháo bồng ngồi nghỉ. Mới lấy túi thuốc rê ra vấn một điếu hút thì chợt nghe từ phía trong trạm có tiếng chân ai lịch phịch đi ra và cất giọng oang oang:

- Trời đất ơi, anh hùng đã về tới rồi đó hả?

Tôi nghe giọng nói rất quen. Ngước nhìn, tôi thấy một phụ nữ tướng tá vạm vỡ, hối hả đi ra. Người đó mặc bà ba đen, đầu buộc khăn rằn, vừa đi riết tới chỗ tôi vừa tiếp tục nói lớn:

- Ngó kỹ coi có quen không?

Tôi vội vàng liệng điếu thuốc đứng bật dậy, nhảy tới chụp cánh tay to lớn của người đàn bà kêu to:

- Chị Tám!

Người đàn bà đó không phải ai lạ, đó chính là chị Tám Mây có biệt hiệu Bà Chủ Rừng, là người cách đây bảy năm đã gặp tôi bên bìa rừng Hắc-dịch. Bây giờ chị Tám Mây vẫn thế, lại còn có vẻ khỏe mạnh hơn trước.

Chị Tám ngó tôi trân trối, lạ lùng, vì chắc là tôi khác trước quá. Trước tôi là đứa trẻ vừa trốn ra khỏi nhà Bảy Vàng, mò vô tới suối Châu-pha rồi đói sốt trong cái chòi hoang lợp vỏ dền. Trong cơn ác mộng gặp lại Bảy Vàng, tôi co chân đạp hắn nhưng lại trúng vào chị.

Tôi đã làm người giao liên trong trạm chị Tám, rồi ra trận, và hôm nay thành người anh hùng.

Chị Tám Mây có sự hãnh diện đặc biệt về chuyện đó. Chị nắm tay dắt tôi vào tổng trạm, kêu vang:

- Anh chị em mình đâu, mau ra đây đón anh hùng của tỉnh mình vừa vinh quy về tới đây nè!

Thế là mọi người trong tổng trạm đồ xô ra vây kín lấy tôi. Chị Tám Mây giới thiệu:

- Chú Quyết đây trước khi đi bộ đội đã từng đi công tác giao liên ở trạm tôi!

Buổi cơm chiều hôm đó, chị Tám ra lệnh làm gà để đãi tôi. Cơ quan tổng trạm giao liên tỉnh rôm rả hẳn lên. Tôi cũng không ngờ việc tôi vừa được tuyên dương anh hùng đã làm cho mọi người vui mừng và hãnh diện tới cái mức đó. Hình như anh chị em càng thêm đắc ý ở chỗ tôi cũng là dân giao liên cũ. Thấy tôi có mang một khẩu súng ngắn K.54 mới tinh bên hông, chị Tám cười hỏi:

- Bộ chú em mầy được thăng cấp rồi sao mà có cây súng này?

- Dạ không, cây súng này là quà tặng của đại hội đó chị. Em tính đem về tặng lại anh Ba Đấu đại đội trưởng đại đội em!

- Ối bây giờ mấy ảnh thiếu gì súng, đủ thứ hết, toàn là súng bén không. Hơn tháng nay, vũ khí đưa về nườm nượp, mới cáo. À em nhắc tới Ba Đấu, chị báo em hay, Ba Đấu đã được đề bạt thăng lên tiểu đoàn trưởng rồi!

Đoạn chị ghé tai tôi:

- Em về kịp thời lắm, sắp làm ăn lớn, rất lớn. Mỹ đã thất bại bước đầu, mình sẽ dồn sức đánh cho nó bại luôn.

- Chị Tám biết đơn vị của em bây giờ ở đâu không?

Chị Tám cười:

- Tức nhiên là chị phải biết, nhưng mà em nóng máu quá vậy. Được rồi, ăn cơm rồi đi. Chị sẽ không giữ em ở lại đây lâu đâu. Nhưng chị đề nghị em khoan về thẳng đơn vị, vì đơn vị em ở dưới Hắc-dịch. Tối nay, chị sẽ cho người đưa em tới một chỗ chắc em khoái, ở đó chơi rồi mai về đơn vị...

Tôi thắc mắc:

- Chỗ chị nói đó là chỗ nào?

Chị Tám Mây vẫn chưa nói toạc ra:

- Chỗ đó là một cái kho chứa vũ khí. Kho này nhận hàng từ chỗ chị để chuyển về tiểu đoàn em. Người giữ kho hổm nay cứ ghé lại tổng trạm của chị hỏi thăm em đã về tới chưa...

Tôi ngớ ra:

- Ai vầy kìa?

- Đố em đoán ra người đó là ai? Ráng đoán thử coi?

Những lời lẽ cùng cái cười của chị Tám Mây đã khiến tôi hơi ngờ ngợ. Không đợi tôi nói ra, chị Tám đã kề miệng nói rỉ vào tai tôi:

- Con nhỏ Biếc của em hiện đang ở cách đây chừng nửa tiếng đi bộ. Nó với mấy đứa nữa đã đến đây chiều nay cất kho, tiếp nhận vũ khí.

Tôi mừng quá, kêu lên:

- Ủa, thiệt hả chị Tám?

- Ai nói chơi với em làm chi. Chuyện giữa em với nó, chị biết ráo trọi rồi... Bữa nào nó cũng qua đây hỏi em về chưa. Con nhỏ thiệt khôn quá trời, cứ đón đầu tổng trạm mà hỏi, là vì nó biết chắc thế nào em có về cũng đi qua đây. Nó sốt ruột dữ, nói em đi đã bốn tháng rồi mà sao chưa về tới.

Tôi hỏi:

- Hôm em đi, Biếc nó bị thương nằm quân y.

Chị Tám nói:

- Nó lành lâu rồi, ra quân y mấy tháng nay. Hổm rày tụi nó đã làm xong nhiệm vụ tiếp nhận và vận chuyển hàng, nay mai tụi nó cũng đi về... Vậy cơm nước xong, chị cho người dắt em tới đó. Đồng ý chớ?

Tôi gật đầu. Trong bữa cơm, chị Tám Mây kể:

- Hôm trước chị đi công tác có ghé qua sóc Chùm đuông, ông Xà, ông Cổ vẫn mạnh. Ông Xà năm nay đã một trăm mười tuổi. Trên đường về đơn vị, em nên ghé sóc chơi. Sóc Chùm-đuông bị Mỹ liệng bom mấy lượt nhưng bà con vẫn vững. Phải nói vừa rồi bà con Châu-ro ở Chùm-đuông và mấy sóc kế đó đã góp phần công sức rất lớn trong đợt tải vũ khí cho bộ đội. Già trẻ bé lớn gì cũng đi hết, ông Xà, ông Cổ cũng đi...

- Hai ông già có còn nhớ em không?

- Nhớ chớ sao không, Chị có nói chuyện về em, nói em đánh Mỹ giỏi và đã thành anh hùng. Hai ông già mừng lắm, dặn hễ gặp em thì nhắn em ghé chơi, hai ông sẽ đãi rượu.

Tôi hỏi:

- Chị Tám có ngó thấy cây ná bắn voi của ông Xà còn đó không?

- Còn, cây ná đó vẫn còn!

Cơm nước xong, một cô giao liên của chị Tám Mây dắt tôi sang chỗ Biếc. Trời đã chạng vạng vừa đi theo ánh đèn pin của cô giao liên vừa nghĩ ngợi sắp đặt chọn tặng cho Biếc một món quà trong số những quà đại hội đã tặng tôi. Những món quà ấy gồm có một khẩu súng ngắn K.54, một đài thu thanh bán dẫn kiểu Nhật, một cái đồng hồ và một chiếc võng đôi. Tôi định bụng sẽ tặng lại anh Ba Đấu khẩu súng hoặc cái đồng hồ, tặng Biếc chiếc võng, còn cái đài sẽ để cho khẩu đội nghe chung. Cô giao liên dắt tôi rẽ vào một đường mòn hơi khó đi, hai bên cây ve ra rậm rạp. Lát sau, tôi ngó thấy có ánh đèn le lói. Cô giao liên vượt lên trước, nhảy qua mấy lượt chiến hào, rồi đưa tôi vào trước một gian nhà mà vách ken lại bằng những thân cây rừng lột vỏ, chôn sâu chân xuống đất. Trong nhà có tiếng chuyện trò, tiếng ai đó đang rang đậu phộng. Cô giao liên tinh nghịch đẩy tôi nép qua bên cửa rồi lên tiếng gọi. Một cô chạy ra. Đó chính là Biếc. Nhưng Biếc chưa ngó thấy tôi. Cô giao liên nói với Biếc:

- Có anh khách nè!

Và cô ta kéo tôi ra. Biếc ngó tôi chưng hửng, rồi quýnh kêu lên:

- Anh Quyết, anh Quyết về rồi mấy đứa bây ơi!

Cả đám con gái thanh niên xung phong gồm bốn năm cô liền xô ra kéo tôi vào. Tôi không trả lời kịp câu hỏi của các cô. Tôi bảo các cô nấu nước và soạn bồng lấy trà, kẹo Hà-nội ra đãi. Trà và kẹo ấy là của hậu phương lớn Miền Bắc gởi đến đại hội, tôi để dành đem về. Tội nghiệp, mấy đứa con gái không đứa nào dám ăn, đều chia phần đem cất cả. Tôi kể cho các cô nghe con đường đi tới đại hội, rồi hôm lên báo cáo thành tích tôi run như thế nào. Tôi bảo tuy tôi cũng có ghi ra giấy tờ nhưng lên diễn đàn tôi chỉ cầm tờ giấy cho có lệ chớ tôi nói toàn tuồng bụng. Sự thiệt là nhờ tôi nhớ hết từng trận đánh, nên ban đầu thì run chớ về sau tôi bình tĩnh thuật lại rất đầy đủ, những chi tiết giáp chiến với Mỹ, những chi tiết về anh em trong khẩu đội tôi, đặc biệt là về cái chết của Khởi, Cần, Lắm. Khi tôi kể lại cái chết của Lắm, kể lại tư thế anh hùng và hồi kèn cuối cùng của Lắm, cả đại hội đều bừng bừng xúc động.

Chúng tôi trò chuyện tới khuya. Ngồi giữa cái kho giờ chỉ còn lại vài khẩu súng kiểu rất lạ, tôi hỏi Biếc súng gì. Biếc lôi ra một khẩu có bánh xe bảo tôi đấy là đại liên Liên-xô. Tôi ngồi thụp xuống coi khẩu súng.

Biếc nói:

- Hôm trước, mấy anh cán bộ quân khí ghé đây có dạy cho tụi em cách tháo ráp, cách bắn. Dễ lắm anh à, để em chỉ sơ qua là anh biết ngay

- Ừ, chỉ cho anh coi!

Biếc hất tóc, chụp khẩu đại liên tháo tung ra, lắp lại, nạp đạn giây vào rồi nhanh nhẹn nhoài người ngắm bắn. Đợi Biếc thao tác xong, tôi tới vơ lấy khẩu súng ngắm nghía xem xét, tháo ra và lắp lại cũng được y hệt như Biếc. Tôi hỏi:

- Khẩu này bắn tốt không?

Biếc đáp:

- Nghe mấy anh nói nó bắn mạnh hơn đại liên Mỹ.

Được cái nó bắn cùng loại đạn với súng AK nên rất tiện!

- Để mai anh bắn thử coi?

- Không được, khu vực này cấm nổ súng. Vả lại, ở đây có tình hình không. tốt.

- Tình hình gì mà không tốt?

- Mới có một thằng ở đây nhảy theo giặc. Thằng này tên là thằng Mẹo huyện đội phó. Nó biết rành khu này và việc chuyển vận vũ khí. Cái kho này đã chuyển hàng xong, sáng mai anh nên đi luôn với tụi em về đơn vị.

Tôi cười:

- Không đi thì ở lại giữ cái kho trống này à?

Tôi hậm hực quay trở lại chuyện thằng Mẹo:

- Tới nước này rồi mà cũng còn có thằng nhảy. Kể ra bây giờ nó nhảy theo giặc thì cũng như nhảy vô rọ, sớm muộn gì mình cũng dở rọ trói đầu mấy thằng đó!

Nhưng nghe việc này, tự nhiên tôi đâm cảnh gịác, hỏi thêm:

- Thằng Mẹo thằng Mẽo gì đó theo địch cách đây bao lâu?

- Theo thông báo thì chỉ mới có hai hôm.

- Nó mới nhảy một tiếng cũng phải coi chừng chớ đừng nói hai bữa. Theo lẽ là nên rời khỏi chỗ này liền!

Biếc phân trần:

- Kẹt cho mình là phải chuyển đi một khối lượng đạn rất lớn. Tới trưa nay mới xong đó anh!

- Thôi đi ngủ đi, mai rời chỗ này cho sớm!

Biếc và các cô lần lượt lên võng ngủ. Tôi cũng mắc võng nằm. Nhưng tôi chưa ngủ ngay được. Dường như có linh tính, hay đúng hơn là tinh thần cảnh giác thường trực của những năm ở đơn vị đã buộc tôi cứ nghĩ tới tên huyện đội phó phản bội mà Biếc vừa kể. Ngả mình trên võng, tôi nhìn đồng hồ thấy kim đã chỉ gần một giờ khuya. Tôi nghĩ bụng: "Chỉ còn có mấy tiếng đồng hồ nữa là sáng, tốt nhất mình sẽ gác!". Quyết định như thế rồi, tôi liền vấn thuốc hút, hầu như hết điếu này tới điếu khác. Vào lúc ba giờ rưỡi sáng, bỗng nhiên tôi nghe có tiếng lào thào rất khẽ ngoài rừng. Thoạt tiên, tôi ngỡ là tiếng gió khua lá. Để xác minh cho chắc, tôi ngồi dậy, nghe ngóng. Tiếng lào thào chợt im bặt. Nhưng lát sau tiếng đó lại nổi lên. Nghe là tiếng người nói, chớ không phải tiếng gió. Lập tức, tôi liền mò đến nắm đầu giây võng của Biếc và các cô kia mà lắc mạnh. Biết có động, tất cả đều nhảy xuống võng. Tôi nói khẽ:

- Có địch, theo tôi ra chiến hào!

Trong bóng đêm mờ mờ, tôi nắm cò cây đại liên Liên-xô lôi ra khỏi nhà. Không chần chờ, Biếc quơ vội ba bốn giây đạn vắt lên vai, bò theo tôi. Những giây đạn nằm thõng thượt trên vai Biếc giống như những con trăn. Mấy cô kia đều chụp mấy khẩu AK bò ra theo.

Tôi nhanh chóng đặt khẩu đại liên lên bờ chiến hào, chĩa nòng xoay thử các hướng. Đây là khẩu súng tôi chưa hề bắn, nhưng trong tình huống này tôi phải bắn. Sau lưng tôi là Biếc, đang sẵn sàng với những giây đạn quấn đầy người.

Quân địch đã bắt đầu tiếp cận. Trong đêm hãy còn tối, nghe rõ tiếng chân giầy của chúng gượng dẫm lạt sạt trên lá khô. Và một thứ mùi phất tới mà tôi đã từng ngửi thấy nhiều lần. ấy là mùi lính Mỹ, một thứ mùi pha trộn hỗn tạp giữa áo quần, mồ hôi, xà-bông và hơi thuốc lá thơm. Tôi không thể nào nhầm lẫn cái mùi đó.

Nhờ vậy, tôi xác định một cách chắc chắn, những tên giặc đang bò tới chính là bọn biệt kích Mỹ. Bọn này tôi đã gặp nhưng không lần nào gặp chúng đi quá một trung đội. Tôi lại cầm điếu nữa, thế nào cũng có tên Mẹo dẫn đường. Tên phản bội này dĩ nhiên sẽ đi trước. Do đó, tôi cần cố gắng bắn chết nó trước. Mất tên này, bọn Mỹ sẽ quờ quạng ngay.

Bọn chúng đang nhích tới từng bước. Nhưng dù chúng cố trườn bò thiệt êm cũng không thể nào tránh gây nên tiếng động. Những chiếc lá khô bị dẫm lên rào rạo, những cành khô khẽ gãy rắc rắc. Đêm tối có sự yên tĩnh rất khắc nghiệt, nó dễ làm nổi bật mọi tiếng động, dù là một tiếng động nhỏ.

Bọn địch đến rất sát. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chúng sắp nổ súng. Có kẻ bội phản dẫn đường, lại nắm biết trong kho chỉ có mấy cô gái thì chúng dám không cần nổ súng, chỉ cần vây chặt và bắt sống các cô mà thôi. Nhưng tình huống không cho phép tôi để cho chúng tiếp cận gần hơn nữa. Khi tôi nhận ra bóng chúng lom khom, mờ mờ xuất hiện cách chiến hào chùng chục mét thì tôi nổ súng. Khẩu đại liên Liên-xô nổ thiệt giòn khiến tôi yên tâm ngay. Mấy cô đứng rải dưới chiến hào cũng bắn xả vào địch. Sự đón tiếp bất ngờ nầy lập tức làm cho toán biệt kích Mỹ rối loạn, hoảng hốt. Chúng nhốn nháo bò lùi trở lại. Và bây giờ có cấm chúng cũng la ré lên bằng tiếng Mỹ. Nhân lúc chúng chưa kịp lại hồn, tôi bắn thiệt rát. Bọn biệt kích bắn trả lại vài loạt AR15 rồi tức khắc tháo trở ra. Có lẽ chúng cho rằng chúng đã bị gài bẫy. Lúc bọn Mỹ vừa rút khỏi thì chị Tám Mây cùng hai chục tay súng từ bên tổng trạm chạy qua tới.

Trong buổi rừng hé sáng, chúng tôi rời khỏi nhà kho, đi ngang qua xác sáu tên biệt kích Mỹ nằm chết cùng với tên phản bội nằm úp mặt xuống đất. Tôi đưa chân đá lật mặt tên nầy lên và hỏi chị Tám Mây:

- Có đúng là thằng Mẹo không chị?

Chị Tám gật đầu:

- Thì nó chớ ai!

Tôi nói:

- Thằng nầy đền tội lẹ quá, chắc chỉ kịp ăn được vài bữa bơ thừa sữa cặn!

Sau đó, chúng tôi theo chị Tám về tổng trạm. Tới trưa tôi và Biếc đi Hắc-dịch. Còn mấy cô gái kia thì tranh thủ lại xã nhà rồi sẽ về đơn vị sau.

Con đường từ chỗ chị Tám Mây đi về Hắc-dịch có một chặng đường mà bảy năm trước tôi đã đi qua, hồi tôi rời Xà-bang. Sở dĩ tôi nhận ra được c đường đó là vì tôi ngó thấy rừng cặp bên đường có nhiều sợi giây chìu lớn bằng cổ tay mà tôi đã từng tạt vào chặt giây để lấy nước uống. Rồi tiếp đến là những cánh rừng chồi cũng chói chang ánh nắng như xưa. Bây giờ song đôi cùng đi với Biếc, tôi lại càng bồi hồi nhớ rõ bóng mình đi ngày đó, thiệt đơn độc làm sao. Ngày đó tôi đi như chạy, chỉ sợ Bảy Vàng đuổi theo, cố mà đi cho mau khỏi Xà bang, giữa lúc bụng thì đói mà cổ thì khát bỏng.

Tôi rưng rưng xúc động nói với Biếc rằng đây là con đường tôi đã đi tìm bộ đội, đi một mình với niềm hy vọng bùng cháy.

Tới chiều, hai chúng tôi đi qua những cánh rừng chồi nối tiếp dai dẳng. Cũng y như lần trước, trong ánh lửa chiều đỏ rực, rừng Hắc-dịch sừng sững giăng ngay trước mặt chúng tôi như bức trường thành xanh thẳm.

ở nơi cách rừng cháy ngày nọ tôi phải chạy dẫm lên than lửa để vượt qua giờ đây không còn cháy nữa. Bên trên đất rừng cháy đen, đã mọc lên một khu rừng chồi mới, nhưng khu rừng chồi đó bị bom B.52 đánh ác liệt.

Những thân cây non trẻ đứng bên các miệng hố bom đìa trông dãì dầu, tơi tả.

Tôi và Biếc đến bờ con suối Châu-pha vào lúc ngày tắt, chỉ vừa kịp nhìn thấy dòng suối loang loáng cuộn chảy rồi chỉ còn nghe tiếng suối khẽ reo, bởi đêm đã tràn xuống. Để Biếc khói bị ướt, tôi bắt Biếc lên lưng, cõng Biếc đi qua suối. Nhờ cặp chân cao, tôi đi qua suối mà không bị ướt quá gối. Trên vai tôi Biếc cười khúc khích như trẻ thơ mà nói rằng lần nào hành quân qua suối nầy Biếc cũng phải chịu ướt mà Biếc thì chỉ mong sao ba lô quần áo cái nào cũng được khô ráo lúc hành quân. Tôi bảo nếu như vậy thì khi nào hành quân qua đây Biếc cử gọi chuyền, tôi sẽ tới cõng cho. Biếc la lên: "Làm như vậy thì chắc chết quá!" rồi cười ngất.

Chúng tôi dừng lại bên bờ suối, lấy đèn "Pin", và đi lên dốc suối kiếm con đường rẽ về sóc Chùm-đuông.

Chẳng bao lâu, tôi đã bắt đầu nhận ra những đồi cỏ trúc. Trong buổi đầu đêm, những trái đồi thoai thoải nối tiếp nhau như những cồn sóng. Qua sương mờ giăng, chợt tôi nghe vẳng tới tiếng đờn chình-kha-la. Tiếng của cây đờn tre ấy thánh thót lan qua các triền đồi. Bản đờn nghe triền miên không dứt, tợ tiếng suối reo, lúc như gần lúc lại như xa, lúc tưởng người chơi đã ngừng chơi, nhưng rồi lại chới với cất lên. Kia rồi sóc Chùm- đuông đã ló dạng dưới lũng trảng, với những ánh lửa bập bùng nhảy nhót như nhịp t tiếng đờn cất lên từ đó. Biếc nắm tay tôi, cùng tôi men theo triền đồi mà đi xuống lũng. Chợt ở trên đầu hai chúng tôi như có cơn gió dậy. Trong thế đi nghiêng nghiêng, chúng tôi ngước nhìn lên, thấy một bầy chim hồng-hoàng mấy mươi con đang vỗ những đôi cánh lớn ào ào bay ngang qua lũng. Những con chim to ấy không nhìn thấy tôi và Biếc đứng sát dưới cánh chúng, vì chúng bay mải miết dường như còn phải đi nhiều dặm đường xa.

Bây giờ tôi đã ngửi thấy mùi khói, mùi phân bò quen thuộc. Vẫn hệt như cái đêm tôi theo chị Tám Mây ghé sóc, giờ tôi cũng cảm như ngó thấy những con bò dưới các sàn nhà đang thong thả nhai cỏ, mặc dù tôi không hề thấy chúng, nhưng vì trong đêm tối tôi ngửi thấy rõ ràng mùi cỏ tươi bị răng chúng vầu nghiến. Nhờ ánh lửa ở các đống un bò cháy chờn vờn, tôi nhận ra có nhiều nhà sàn bị cháy trụi chỉ còn lại những thân cột đen sì và trên nền nhà rải rác nhiều mảnh chum sành bể vụn. Máy bay giặc Mỹ bắn phá không chừa cái sóc Châu-ro ở miệt rừng hẻo lánh này. Nhưng sóc vẫn còn, có vẻ đông đúc hơn trước là khác.

Chúng tôi lần theo ánh lửa dưới các sàn nhà để tìm tới nhà ông Xà ông Cổ. Do lâu ngày và cảnh vật đổi thay, tôi không tìm ra được. May sao gặp mấy anh du kích Châu-ro đi tuần, tôi xưng là bộ đội giải phóng từ chỗ chị Tám Mây muốn tới nhà ông Xà. Mấy anh du kích Châu-ro rối rít dẫn chúng tôi đi. Càng đi, tôi càng nghe tiếng đờn tới gần. Cho đến lúc mấy anh Châu- ro đưa chúng tôi tới dưới chân ngôi nhà sàn mà họ bảo là nhà ông Xà thì ra chính tiếng đờn phát ra từ đó.

Thì ra, từ nãy giờ tiếng đờn bay tới đồi cỏ trúc chính là tiếng đờn của ông Cổ.

Khi tôi và Biếc bước lên sàn nhà thì bên bếp lửa rực hồng, ông Cổ hãy còn ngồi bật giây đờn trên thân cây đờn tre vàng óng khoét đầy những lỗ. Ngồi đối mặt với ông Cổ là ông Xà. Ông già trên trăm tuổi ấy đang rót mật ong vàng quện từ những ống tre vào một cái chum lớn. Cả hai ông già đều dừng lại. Tiếng đờn buông ngân lơ lửng và dòng mật óng ánh kia cũng thôi rỏ giọt. Hai ông ngó sững tôi và Biếc, chưa nhận ra ai. Tôi cởi bồng đặt xuống sàn, bước nhanh về phía hai ông mà nói:

- Hai ông quên cháu rồi à, cháu là thằng Quyết đây!

Ông Cổ không ngờ là tôi, là người chiến sĩ giải phóng cao lớn như vậy. Ông ngạc nhiên trố mắt nhìn tôi, đôi bàn tay run run sờ bấu lên cây đờn tre. Rồi ông từ từ đứng lên, dạng chân bước tới. Bước chân ông Cổ đi chẩm rẩm như trẻ nhỏ, và ông ôm lấy tôi mà khóc cái tiếng khóc sung sướng. Chỉ có ông Xà là cười. Vẫn còn cầm hai cái ống tr đựng mật, ông Xà cười không ra tiếng. Cặp mắt ông sáng rực, bờm râu bạc của ông rung lên. Trong cái cười của ông Xà có ẩn sự đắc chí, hể hả.

Hẳn ông đã biết rõ chuyện về tôi rồi. Chắc ông đã nhớ ra tôi, thằng bé đã ghé đây hồi bảy mùa rẫy trước, thằng bé nằm sốt trên sàn nhà này, được ông cho ăn thứ cháo nếp trộn mật và ngải.

Hai ông già Châu-ro hết sức vui mừng. Khi biết chúng tôi chỉ ăn cơm vắt từ trưa, hai ông liền vo gạo nếp nấu xôi và nướng thịt.

Ông Xà kéo dụm những cây gỗ dài lại cho bếp lửa giữa sàn cháy to hơn. Than ở đầu những cây gỗ rơi xuống, đỏ hực. Ông Cổ lấy thịt nai khô từ trong chum, đem ra xiên đầy bốn cây xiên rồi đặt lên bếp. Lát sau mùi thịt nai khô ướp sả ớt bốc dậy thơm ngát. Đang đói bụng, tôi khoan khoái thở hít lấy cái mùi hấp dẫn đó.

Ông Cổ già hơn xưa nhưng có vẻ khỏe hơn xưa, cứ ngồi ngắm tôi và Biếc mà cười. Bữa cơm hai đứa tôi ăn gồm có thịt nai nướng, lá bép nấu rục, và một ống mật mà ông Xà nói để lâu tới năm mùa rẫy. Thứ mật lâu năm này quện đặc sệt, bày ra với một cái dầm tre dùng để phết lên cơm nếp ăn vào cuối bữa. Ông Xà còn lôi ra từ góc sàn một hũ rượu cắm một cần trúc có nhiều mắt, cong vút. Ông bảo tôi uống rượu, rồi ông với ông Cổ cũng uống, vì: "Đêm nay vui, tụi tao được uống rượu với thằng bộ đội đánh Mỹ nhiều!".

Lửa nhảy nhót trên sàn nhà, thỉnh thoảng lại reo lên khe khẽ. Thân gỗ lõi tiếp tục rơi vạc, đỏ rực. Khuôn mặt của Biếc rạng hồng ánh lửa. Đang đói, chúng tôi ăn ngon miệng lạ lùng. Hai đứa tôi ngó nhau cười tủm tỉm thích thú, vì bữa ăn trong ngôi nhà sàn vừa ngon lại vừa ấm nhờ cơm nóng thịt nóng, chút rượu nồng, nhờ ngọt đậm gắt của mật lưu niên, nhờ ánh lửa hồng và bao trùm lên tất cả các thứ đó là sự chúng tôi ngồi ở bên nhau, dưới ánh mắt vui vẻ, chất phác của hai ông già. Một nỗi mệt nhọc do trận đánh địch hồi gần sáng cùng với suốt ngày đi đường bỗng tan biến. Tôi thấy khỏe khoắn, hồi sức giữa ngôi nhà sàn này. Đêm đó chúng tôi không mắc võng mà nằm ngủ trên sàn tre lên nước bóng nhẫy, đầu trở ra ngoài chân đặt vào phía lửa ấm. Đêm đó, hai đứa tôi ngủ say nhứt, yên lành nhứt, giấc ngủ không có bọn Mỹ đột kích. Lúc gà trong sóc Chùm-đuông gáy rõ, chúng tôi choàng dậy thì thấy ông Xà ông Cổ đã dậy từ lúc nào. Ổng Xà đang ngồi bên bếp, đốt mấy ống tre non xanh rờn trong đó có gạo nếp và thịt gà. Còn ông Cổ thì đang bịt nút một ống tre già chứa mật ong. Đó là những món ăn đường có thể nói là tốt nhất mà hai ông già sửa soạn cho hai đứa tôi đem the

Trước khi lên đường về tiểu đoàn, tôi đứng lại dưới sàn nhà ngắm coi cây ná lớn bắn voi của ông Xà. Cây ná này vẫn đặt y chỗ cũ, dưới gậm sàn. Gỗ trắc thân ná lên nước đen bóng. Chừng như càng trải thêm nhiều năm tháng, cây ná càng thêm chắc khỏe, lực lưỡng. Thấy tôi cứ đứng nhìn cây ná, ông Xà vỗ hai bàn tay to bè của ông lên vai tôi, cất tiếng sang sảng:

- Thằng Quyết mầy bắn chết nhiều Mỹ được làm anh hùng, chắc bây giờ lên cây ná này được đó!

Ông Cổ cũng nói:

- Bây giờ nó cao lớn mạnh mẽ, chắc nó đủ sức lên cây ná thiệt đó!

Tôi cười, nín im. Tôi đưa mắt nhìn Biếc, như ướm hỏi. Biếc cũng chỉ cười, không nói chi cả. Lại có thêm nhiều người trong sóc kiếm coi mặt tôi, cũng hô hào tôi lên thử cây ná. Họ đưa ra một lý lẽ hết sức đơn giản rằng tôi đánh giết Mỹ chết đầy đồng thì tức nhiên lên nổi cây ná đó. Nhất là mấy anh du kích Châu-ro thúc dục tôi dữ quá. Thiệt tình tôi cũng rất muốn lên thử cây ná, nhưng còn cân nhắc. Tuy lượng sức mình có thề lên nổi nhưng tôi không khỏi hồi hộp, phập phồng, vì cây ná quá lớn. Muốn giương được nó để đẩy mũi tên đúng mức cần phải có đủ sức, nếu không mũi tên sẽ tuột khỏi tầm tay mà bản thân người giương sẽ không sao cưỡng nổi.

Ngay giữa lúc tôi còn đang do dự thì Biếc ghé vào tai tôi hỏi:

- Anh Quyết đã biết cách lên cây ná chưa?

Tôi khẽ đáp:

- Anh có coi kỹ ông Xà lên một lần rồi?

- Anh còn nhớ rõ chớ?

- Nhớ.

- Vậy cứ việc lên thử đi anh!

Lời của Biếc là một lời cổ võ có tính cách quyết định.

Không lưỡng lự nữa, tôi day qua nói cùng ông Xà:

- Ô cháu lên thử nghen!

Tức thời ông Xà hồ hởi đi vào gầm sàn, lịch kịch đưa cây ná xuống. Tôi xắn tay áo, bước ra sân. Ông Xà khoác ống tên lên vai tôi và trao cây ná. Trong cái ống tên dài cả sải tay chỉ có một cây tên cũng bằng gỗ trắc đen mun.

Bà con, anh em du kích Châu-ro chừng chục người đứng vòng quanh, chờ đợi. Biếc đưa mắt thìn tôi khuyến khích.

Không để lâu tôi lập tức khom người quỳ gối chân trái xuống. Trong lúc khom xuống đó, tôi đã với tay phải rút phắt mũi tên và cũng với khuỷu tay của cánh tay ấy, tôi từ từ giương ná. Tuy đã hơn bảy năm trôi qua, nhưng tôi nhớ rõ từng động tác của ông Xà, nên lập lại không chệch chút nào. Tôi giương cánh ná mạnh lên, mạnh lên mãi. Cuối cùng, tranh thủ vừa lúc giây ná đã giương tới tầm, tôi mau lẹ cài tên. Nghe đánh rắc một tiếng. Mũi tên đã được cài xong. Bà con chung quanh thở phào, vỗ tay reo hò vang cả sân. Em Biếc cũng mừng quá, cũng vỗ tay kịch liệt hoan hô tôi.

Ông Xà lụi đụi chạy tới, dang rộng tay ôm lấy tôi.

Ông cười kha kha:

- Thấy chưa, mấy đứa ở trong sóc thấy chưa? Tao đã nói rồi mà, hễ đứa nào đánh chết được nhiều thằng giặc Mỹ như anh bộ đội đây thì lên được cây ná của tao thôi mà!

Một anh đu kích Châu-ro tóc tai xồm xoàm vụt đưa hai bàn tay lên miệng ráng sức gọi lớn:

- Bà con ơi... Anh bộ đội giải phóng lên được cây ná của ông Xà rồi!

Anh du kích gọi tới ba lần, như thể anh đang phát loa truyền đi cái tin mới mẻ đó, cho cả sóc Chùm-đuông được biết. Tiếng gọi lan đi cùng lúc với tiếng chim rừng đã líu lo khúc hát đầu ngày, tiếng vo vo lớn dần của một bầy ong bay qua. Tôi và em Biếc thân yêu của tôi từ biệt ông Xà ông Cổ, từ biệt bà con lên dường, đi ra phía lũng trảng đứng sững những cây dầu đen cháy mà bây giờ bình minh đã nhuốm đỏ những mảng trời.

12/1973. A Đ

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích