DocSachHay.net

ôm sau, máy bay trinh sát địch quần khu vực rất rộng rồi quần siết xã Long-phước. Từ sáng cho tới lúc chiều tối hầu như lúc nào cũng có tiếng tì ti của con đầm già. Lúc thì thấy như nó bay vẩn vơ ở đâu đâu, lúc lại thấy nó rề tới, tè tè trên ruộng lúa vừa gặt phơi đầy gốc rạ. Bà con ở Long-phước thù con đầm già chuyên đi dòm dỏ soi mói, nên phát ra nhiều câu nguyền rủa hăm he. Nào là "Bắt được thằng Mỹ ngồi trên đầm già, nhất định tôi đem nó vụt xuống bàu, cho đỉa cắn!", hoặc "Tao mà chộp được nó là tao bắt đem căng tay căng chân phơi nắng suốt ngày!". Nhiều người réo kêu du kích bộ đội: "Đem súng ra xạ nó như xạ mỏ nhác đi, để nó rà rê coi nhức con mắt quá!". Nhưng dù cho bà con có thôi thúc đốc lói bắn con đầm già, cũng chẳng có tiếng súng nào bắn lên. Du kích mọi bữa cũng có bắn mà bữa nay êm ru. Còn chúng tôi thì lại càng không động tĩnh gì.

Mặc cho ai bực bội chưởi bới con đầm già, ông Chín hôm nay tỉnh bơ. Ông già cứ việc vuốt râu cười tủm tỉm. Ông châm trà, ngồi trên bộ ván ngựa kêu anh em chúng tôi uống. Tới trưa ăn cơm, ông lại bày rượu ra. Thấy vậy tôi thay mặt anh em từ chối. Thì ông già nói:

- Tao biết rồi, tao biết tại sao bữa nay tụi bây không dám nhậu rồi. Nên tao đâu có ép uống nhiều, mỗi đứa một ly thôi. Uống bấy nhiêu thì không can hại gì.

Nể lời ông Chín, chúng tôi uống vài hớp rượu trước bữa cơm chớ không dám uống nhiều. Hồi đêm, sau khi đi coi văn công về, tôi được mời lên đại đội họp, nghe phổ biến địch sắp càn lớn vào đây, và lần nầy cả tiểu đoàn sẽ đánh càn, lấy chính càn nầy mà tiêu hao sinh lực địch. Lực lượng càn quét của địch lần nầy lại là bọn Mỹ "Anh Cả Đỏ". Lúc nghe tin, anh em trong khẩu đội tôi đều la lên: "Nữa rồi lại "Anh Cả Đỏ" nữa rồi! Lần trước mình hốt giò nó ở gần đây, bữa nay coi bộ nó tính quyết tử trả thù mình hay sao?". Mặc dù sau đó, anh em chúng tôi không ai hé ra câu gì, nhưng ông Chín vẫn biết. Chuyện nầy cũng là lẽ tự nhiên. Bởi những động tác chuẩn bị của chúng tôi như: hội ý, kiểm tra đạn, lau súng là khó dấu ông già. Hơn nữa đó lại là một ông già ham mê trận mạc, nên ông càng thính lắm. Nhưng có điều ông Chín biết mà giả bộ như không biết gì. Nghĩa là ông vẫn như thường, vẫn bình thường, trừ đôi thái độ nếu tinh ý thì mới có thể nhận ra được. Đó là lúc ông cười tủm một mình, khẽ vuốt chòm râu bạc. Hay như trong bữa ăn trưa nay, ông tỏ ra săn sóc miếng ăn cho chúng tôi một cách đặc biệt. Hết gắp cá nướng bỏ vô chén tôi, ông lại gắp đùm lòng cá nấu chua béo lự ép Cần, Lắm ăn. Kể cả Khởi, ông cũng nhắc:

- Ăn đi con, ăn mạnh vô đặng có sức mà đụng với tụi nó. Tao nghe nói thằng Mỹ bự con lắm, thằng nào thằng nấy cao thước tám đổ lên. Nên chi mấy đứa bây phải ăn uống có sức mới hạ nó được. Tao không nói chuyện súng đạn. Súng nổ đạn bay thì thằng Mỹ bự bằng con trâu cũng té, ngặt phải đánh xáp lá cà thì sao? Phải đâm lê phải vật lộn với nó thì tụi bây phải có sức mạnh. Lúc ở rừng ở núi tao không tính, chớ về đây, tao với bà con chịu trách nhiệm nuôi thúc...

Ngồi ăn cơm, tôi nghe ông Chín nói mà giựt mình nhớ lại hồi khuya mấy anh Ban chỉ huy cũng có dặn:

"Lần này có thể Mỹ nó xuống đông, diện tích trận địa lại không rộng, chắc sẽ xảy ra đánh gần, cho nên tiểu đoàn thông báo cho tất cả các chiến sĩ nhất thiết phải chuẩn bị lê!".

Sau cơm trưa, đại đội lại triệu tập tôi lên phổ biến tình hình địch. Lúc về, anh em xúm lại hỏi có gì mới không. Tôi nói:

- Ban chỉ huy xác định là cuộc càn của Mỹ vào khu vực này coi như chắc chắn. Tin kỹ thuật báo chánh thức ý đồ địch muốn kiếm tiểu đoàn ta. Anh Ba Đấu nói cuộc càn này nằm trong chiến thuật tìm diệt, còn anh Sáu Dũng thì bảo là nó xài "chưởng" mới. Tao quên hỏi "chưởng" là gì?

Lắm cười giảng giải:

- Chưởng là miếng võ chớ gì. Ở Sài-gòn bây giờ người ta hay kêu vậy, kêu theo kiểu Đài-lo

- Ờ, té ra vậy đó. Thôi, để tao hỏi tiếp...

- Khoan. Lắm hỏi: "Như vậy nghĩa là nó chơi chưởng tìm diệt mà mình chấp chưởng phải không?".

- Mầy nói chấp chưởng là sao?

- Là mình nhận chiến?

- Ừ. Nhưng không phải để nó tìm gặp rồi tiêu diệt mình, mà mình hứng nó, hốt nó hiểu chưa?

- Hiểu...

Tôi tiếp tục:

- Giờ xin phổ biến mấy khẩu hiệu, anh em mình tự viết lấy để gài lên nón, coi đó như là quyết tâm thơ.

- Có ghi liền không?

- Ghi chớ, ghi rồi viết luôn!

Đợi anh em lấy giấy bút ra xong, tôi đọc:

- Khẩu hiệu thứ nhất "Quyết nhuộm lê bằng máu Mỹ, báo thù nhà đền hận nước!" Viết đi!

- Rồi!

- Khẩu hiệu thứ hai "Quyết lấy thây giặc Mỹ bón ruộng đồng Long-phước thêm tươi tốt"... Rồi chưa?

- Rồi!

- Xin nhắc lại, anh em mình viết trên mảnh giấy nhỏ, cất sẵn, tới chừng đó sẽ gài hoặc dán lên nón. Nè, nhớ đừng làm rùm.

Cần cười:

- Làm rùm với không làm rùm gì ông nội ở nhà cũng hay hết trơn rồi!

- Nội có hỏi chi không?

- Không hỏi, nhưng nội

Tôi ngó khắp nhà thấy vắng ông Chín, liền hỏi Khơi:

- Nội đâu rồi mầy?

- Nội với má tôi đi nộp chông. Mới có lịnh xã đội tập trung chông từng nhà lại...

Tôi vui vẻ bảo anh em:

- Thấy chưa, ở xã đã phối hợp với mình liền rồi đó. Trận nầy mình phải đánh sao cho ngon, cho khỏi phụ lòng bà con cô bác...

Lắm hỏi tôi:

- Mấy ảnh có phổ biến rõ quân số địch càn chừng bao nhiêu không?

- Áng chừng cỡ hai trung đoàn, vì một phần lực lượng của sư đoàn Mỹ nầy hiện đương kẹt ở Xuân-lộc.

- Rõ!

Lắm đáp rồi đứng lên, với lấy túi kèn treo nơi cột nhà mở túi lôi cây kèn ra. Lắm hoa kèn lên mấy cái hệt như động tác của một lính kèn nghề. Cây kèn Mỹ làm bằng loại hợp kim trắng đó hắt lên mái lá ánh sáng loang loáng. Trên thân kèn, lá cờ Mặt trận kiểu đuôi nheo do Biếc thêu tặng giờ đã hơi bạc màu, phần phật xoay tít theo vòng tay vung của Lắm. Sau khi biểu diễn vài đường điệu nghệ, Lắm đem kèn đi lau. Chúng tôi cũng bảo nhau đổ đạn trong thùng ra, rà coi từng viên. Thói quen của tôi lâu nay đã làm cho Khởi, Cần cũng quen theo. Bất kỳ trước một trận đánh nào, tôi cũng coi lại đạn thiệt kỹ. Do kinh nghiệm, nên ngó viên đạn là tôi biết nó chắc hay lép. Tôi thường nói với anh em: "Ra trận, hễ mình bóp cò là đạn phải nổ không được lép!".

Thấy cái nòng đại liên bắn lâu đã rêm, tôi tháo ra coi, và quyết định thay nòng mới. Tôi nói với Đó đang ngồi bên:

- Anh có biết tôi thay cái nòng thứ mấy đây không?

Đó dòm tôi lắc đầu. Gắn cái nòng mới vô rồi, tôi nói:

- Cái thứ bảy rồi!

Đó le

- Bắn dữ quá!

Tôi gật đầu:

- Ờ, bắn dữ vậy mà còn chưa ăn nhằm gì đó anh. Tôi tính nếu bắn tới mút mùa, không biết còn phải thay mấy cái nòng nữa. Lính tụi nó đông quá. Tụi ngụy đã đông mà Mỹ còn kéo qua cả mấy chục vạn nữa, bắn hoài không hết. Phải chi anh em mình đừng theo Mỹ thì đánh Mỹ mau hơn...

Câu nói sau của tôi vô tình khiến Đó ngồi im gãi đầu coi bộ bứt rứt. Lâu sau, anh bảo tôi:

- Thì bây giờ em theo mấy anh đặng đánh Mỹ cho lẹ. Không biết kỳ này em có được theo mấy anh không?

- Được, đáng lẽ anh phải đi học nhưng tôi có hỏi cấp trên rồi, mấy ảnh đồng ý trận này cho anh đi. Anh Đó mới trở về với cách mạng mà được cho ra trận liền là ưu tiên lắm. Chẳng qua cách mạng thấy anh cũng là do khổ cực bị ép phải đi lính, nên có sự chiếu cố, chớ mấy thằng tụi tôi nắm biết là ác ôn đều đã đi cải tạo. Từ nay anh cần cố gắng lập công chuộc tội, phần tụi tôi sẽ hết sức giúp đỡ. Súng ống thì anh đã có cầm rồi, còn như sự đánh Mỹ, tôi chỉ nói vắn tắt là...

Nói tới đây cũng vừa lúc ráp xong súng tôi chụp cái giẻ lau chùi tay đi tới đi lui:

- Tôi hỏi anh một câu nghen, tại sao Mỹ nó ở tít mù đâu đâu mà cớ sao nó đem quân đem máy bay tàu chiến qua đánh mình?

- Thì tại mình đánh đổ ông Diệm, ông Khánh, đánh đổ Việt Nam Cộng Hòa.

- Cái anh nầy cứ kêu mấy thằng tay sai bán nước đó bằng ông nghe chướng lỗ tai quá. Kêu bằng thằng, không có ông iếc gì hết: thằng Diệm, thằng Nhu, thằng Khánh...

- Dà dà. Tại tôi còn quen miệng, bậy quá!

Tôi tiếp:

- Việt Nam Cộng Hòa là cái gì? Là đống cứt, là cái mặt mẹt tay sai do Mỹ chế ra đặng xí gạt bà con mình, chớ không lẽ Mỹ chường mặt ra lập chánh phủ. Mỹ mà chường mặt làm vụ đó thì người ta ỉa vô mặt nó. Nhưng dẫu nó bày ra Việt Nam Cộng Hòa thì bà con mình cũng ỉa vô cái Việt Nam Cộng Hòa đó luôn, tại vì Việt Nam Cộng Hòa là tay sai bám đít Mỹ, tám chín năm nay rước Mỹ vô giết hại phá phách nước mình tàn mạt. Còn tại sao tụi tay sai đó quyết theo mỹ phá hại bà con, phá hại cách mạng. Dễ hiểu quá anh Đó à, là tại vì tụi đó giàu gắt củ kiệu, nó muốn bóc lột, muốn ăn trên ngồi trốc, muốn làm giàu hoài, mặc kệ bà con mình cực khổ chết chóc lãnh bom lãnh đạn Mỹ ra sao thì ra. Tụi đó không có nhiều, nhưng nó muốn chơi cha, bắt bà con mình làm mọi cho Mỹ, để nó ngồi hưởng sang giàu mập ú hoài hoài... Mấy anh đi lính, nó lấy tiền Mỹ phát cho một tháng vài ngàn, là để mấy anh đi đánh lại cách mạng cho nó ngồi yên hưởng lạc, hút xách chơi bời, vì cách mạng mình cương quyết không cho nó chơi cái kiểu đó! Cách mạng mình cũng cương quyết không cho thằng Mỹ ở xứ mình, nhất định phải tống cổ nó đi. Nói thiệt, còn thằng Mỹ thì nước mình ít năm nữa chỉ còn là bãi bom... Tôi nói sơ qua vậy, anh Đó hiểu chưa. Sau trận này, anh phải học, chừng đó sẽ rõ thêm!

Sẵn trớn, tôi nói luôn một thôi. Là vì thấy anh Đó còn ngu ngơ quá nên cố nói sao cho anh vỡ lẽ, cộng thêm vào đấy là sự phẫn nộ. Tôi nói như nguyền rủa, như chửi tụi tay sai mà vẫn chưa hả. Rồi tôi tự trỏ vô ngực mình:

- Tụi nó xí gạt mấy anh chớ xí gạt tôi không nổi. Ba má tôi đều bị tụi nó mổ bụng...

Anh Đó ngó sững tôi, có ý muốn hỏi mà không dám hỏi. Tôi kể cho anh nghe sơ qua cảnh chết của ba má tôi cảnh đi ở đợ và trốn theo bộ đội, rồi nhìn anh bảo:

- Đi đây, tôi tính hễ có đâm tụi nó là đâm lút dao, hễ có bắn là bắn thiệt trúng. Nói thiệt, bữa chiều tụi tôi chặn mấy anh ở vườn chuối, thiếu chút nữa là tôi xổ đại liên bắn chết hết mấy anh rồi, may mà tôi nghĩ kịp. Tôi nghĩ là nghĩ trong số mấy anh có nhiều người bị lừa gạt, với lại nhờ bữa đó trời chưa tối, tôi còn ngó thấy mặt mấy anh sao không giống tụi ăn trên ngồi trốc. Thiệt mà, cái bản mặt tụi ăn trên ngồi trốc không giống mặt mấy anh đâu... Mặt tụi đó trắng, mập có nọng, chớ đâu có đen đúa táp nắng như mặt mấy anh. Mặt mấy anh cũng như mặt tụi tôi thôi...

Tới lượt anh Đó bồn chồn, rọ rạy. Những lời tôi nói tuy không mắng mỏ nhiếc móc gì anh, nhưng coi mòi anh đau thấm. Mới biết, có những anh đã đầu hàng, đã theo về với cách mạng mà vẫn còn u u mê mê, như ngủ dậy chưa tỉnh. Thành ra tôi nói xé ra, nói như dội nước lạnh vô gáy anh Đó cho anh tỉnh hẳn.

Tôi hỏ

- Ban chỉ huy đã cho anh nhập vô khẩu đội tôi, vậy mai mốt đụng trận anh nhắm làm gì được?

- Tôi làm gì cũng được. Thôi cứ để tôi vác đạn, tiếp đạn cho mấy anh bắn!

- Ừ, thôi anh phụ vác đạn với anh em nghe. Rồi anh sẽ bắn, anh đã từng bắn cây đại liên này chưa?

- Tôi bắn được, mà không nghề. Tôi quen bắn cây Ga-răng.

Lối xế chiều, ông Chín về tới. Ngó thấy anh em chúng tôi vẫn còn ở nhà đủ thì ông mừng rỡ nói:

- Tưởng tụi bay dời đi rồi chớ. Tao với mẹ thằng Khởi đi xuống chông tới bây giờ mới dứt. Trận này, cho ba thằng Mỹ biết mùi chông cau nghe!

Ông già vẫn ở trần, mặc cái quần tiều quá gối, đầu buộc khăn xước. Tấm lưng trần của ông hãy còn nhễ nhại mồ hôi, và mồ hôi tuôn chảy cũng đã làm bộ râu bạc của ông loang loáng ướt.

Trời vừa sáng, quân Mỹ đã đổ xuống ngay.

Đứng ở ven đồng Long-phước, chúng tôi có thể trông thấy từng bầy trực thăng sà xuống cặp con lộ, thả lính và thả các khẩu pháo. Trực thăng đổ lính là loại HU.1B có biệt hiệu là cán gáo hoặc thập ác. Những chiếc "Xi- nốc" to lớn một mình kè dưới bụng hai khẩu pháo loại 105 và 155 mi-li-mét, xa trông như một con quái vật đang quặp tha mấy con mồi vừa bắt được mà bay gầm gừ giữa chốn thinh không. Trong khi các đợt xuống quân hãy còn tiếp tục, trong khi các cánh quạt máy trực thăng hãy còn lấp loáng xoáy tít dưới ánh mặt trời mới dậy, thì đã nghe nẩy bật lên những tiếng nổ "đề-pa" của pháo. Bọn pháo binh được thả xuống trước, chân vừa chạm đất thì chỉ một chốc sau chúng đã nạp đạn bắn tỏa xung quanh, chỉ chừa lại khu vực quân Mỹ đang tiến. Tiểu đoàn chúng tôi nằm đúng hướng tiến quân của chúng. Đại đội 2 được lệnh vận động ra hướng lộ chận đánh các mũi địch đang tiến vào, gặp đâu đánh đó. Tôi nháy mắt, nói với anh em C2:

- Mấy anh cứ ra, hễ quá căng thì kêu tụi tôi ra xé nó!

Không đầy mười lăm phút sau, tôi nghe súng nổ ran ở trường Bắc Long-phước. Tôi biết là đã đụng địch. Anh Dũng lo lắng nói với anh Đấu:

- Cha, văn công đang ở xóm đó, nguy quá!

Tôi nghe rất nóng ruột. Anh Đấu đứng im nghe súng:

- Anh chị em văn công tỉnh, cả đoàn chỉ có năm ba cây súng, không thể phó mặc anh chị em. Thôi, em Quyết đưa đại liên ra đó đi!

Khẩu đội chúng tôi cặp vườn chạy về phía tiếng súng nổ mỗi lúc một tăng. Pháo địch bắn dữ dội hơn, nhưng không có một trái nào rơi vào khu vực đã bắt đầu đụng độ. Khẩu đội tôi vừa lọt sang tới vườn mít, thì ngó ra cánh đồng giáp vườn thấy quân Mỹ đông nghịt, đang chạy ùa vô. Lắm vừa thở vừa nói:

- Coi chừng nó vô bắt sống anh em đoàn văn công nghe!

Câu nói của Lắm khiến tôi càng đâm lo. Nhớ lại đêm hôm kia, anh chị em trong đoàn đã biểu diễn hết mình cho chúng tôi xem, và tôi nghĩ tới Thắm, đứa em gái xinh tươi dễ thương kia. Chúng tôi quyết cho bọn Mỹ bắt được Thắm và các anh chị khác. Bây giờ sao tôi thấy hết sức là quý những lời ca điệu múa của các chị ấy hơn cả mọi lúc. Trong giờ phút này, mọi tiết mục của đêm trình diễn lại hiện ra, những bước chân những đôi bàn tay dịu dặt lại hiện ra. Nhưng sân khấu không còn nữa, chỉ có tiếng súng rộ lên. Phần của các anh chị trình diễn đã xong, bây giờ tới phần của chúng tôi.

Quân Mỹ năm nay không còn dò dẫm nữa. Chúng chạy trên đất đồng cũng quen thạo hơn. Chưa có bao giờ chúng đến nhanh và sát kề như hôm nay. Tôi ngó thấy rõ từng thằng Mỹ trắng, Mỹ đen. Đã ngó thấy sát trước mặt những nón sắt bọc vải, súng AR15 báng nhựa đen bóng, giầy trận cao cổ nện cồm cộp trên ruộng rạ khô nẻ. Bọn Mỹ chừng sáu bảy chục tên đang lom khom chạy qua một quãng trống chỉ còn trơ lại những bụi rạ giống những cây chổi dựng ngược. Trong khi đợi chúng tới gần hơn chút nữa, tôi tiếp tục quan sát các bộ mặt râu ria rậm rì, các bộ mặt đen bóng nhe răng trắng nhởn, các bộ mặt hồng hào giương những đôi mắt như trẻ nhỏ coi rất ngộ.

Bọn Mỹ vừa chạy xáp vô vừa bắn. Súng Mỹ bắn nổ nghe không lớn, AR15 nó tẹt tẹt, cả đại liên đuôi cá nổ nghe cũng không căng. Lúc chúng chỉ còn nhảy năm ba cái nhảy nữa là tới mé vườn, tôi liền bắn chúng. Thiệt không gì rùng rợn cho bằng kẻ bị bắn gần, nhất là những đứa chưa trúng đạn. Những tên Mỹ nào đã chết thì chết rất ngọt. Nguyên cái đơn vị tiền tiến Mỹ ấy chỉ chạy tháo trở ra đồng được trên chục tên, còn bao nhiêu đều nằm xuống, tay chúng như còn ráng với vô vườn mít.

Tôi vội xách súng nhổm dậy la:

- Anh em mình ra ruộng hết, nằm then vô thây tụi nó!

Tất cả chúng tôi đều vọt ra ruộng, nằm sát bên những tên Mỹ chết tay chân còn nóng hổi. Bấy giờ cánh trắc vệ Mỹ lập tức ghim ngang vô. Cùng một lúc bọn Mỹ bắn súng cối ngồi thụp xuống đồng bỏ trái lia lịa. Đạn cối địch vạch nhiều đường khói hình cầu vồng, bay vô vườn. Đại liên của chúng cũng bắn như mưa. Tôi đang nã súng vào bọn trắc vệ thì súng hết đạn. Khởi lẹ làng kéo giây đạn trong thùng đạn mở sẵn lắp vào ngay. Nhưng khi tôi vừa miết cò bắn tiếp, bỗng thấy Khởi bên cạnh nhổm giật người. Hai tay Khởi đưa lên ôm lấy ngực. Cần nhoài tới ôm xốc Khởi. Máu ướt đầm ngực và lưng Khởi. Một viên đạn đã xuyên trở qua tấm thân chắc nịch đó. Tôi vẫn bắn không dám ngừng tay. Mãi tới lúc bọn Mỹ dạt lại, Khởi vẫn chưa chết. Nó đưa mắt nhìn từng anh em trong khẩu đội. Cặp mắt nó cố hết sức để nhìn, như ráng nhớ, ráng đem theo mãi mãi hình ảnh anh em chúng tôi. Cặp mắt đó còn nhìn một lần nữa khắp ruộng khắp vườn nhìn về hướng nhà, rồi ngó lên bàu trời xanh có mây trắng mỏng bay qua rất mau. Cuối cùng, Khởi gắng đưa tay rờ chạm người tôi nói chậm nhưng tỉnh táo:

- Thôi... mấy anh... ở lại. Đem tôi... về... chỗ cây ổi nhà tôi!

Tôi buông súng, day qua đỡ lấy Khởi trên tay. Khởi nhìn tôi trìu mến và mắm môi, rồi giẫy nhẹ một cái, ngoẹo đầu vào vai tôi. Lúc đó lối chừng chín giờ. Tôi đặt Khởi nằm xuống ruộng, chỗ đất phẳng nhất và nói:

- Mình để Khởi nằm tạm đây, rồi sẽ đưa về. Tụi nó chắc còn tấn công vô nhiều đợt, anh em mình phải chịu chân ở đây, ráng diệt tụi nó cho nhiều như khẩu hiệu mình đã nêu!

- Đồng ý, phải lấy thây nó bón đồng, phải trả thù cho thằng Khởi!

Thấy tất cả anh em đều vững, tôi rất phấn chấn. Phải công nhận Đó rất khá. Mới qua hai đợt phản xung phong, anh lính vừa theo về với chánh nghĩa nầy đã tỏ rõ quyết tâm lập công chuộc tội. Mang trên mình bốn thùng đạn, anh vọt nhanh như sóc, bám sát chúng tôi.

Lát sau, trung đội ba của anh Bảy tới mé vườn. Cùng đi với trung đội anh có tiểu đội thanh niên xung phong của Biếc. Thấy chúng tôi ra ngoài đồng, bên cạnh đầy xác Mỹ các anh và các cô vỗ tay hoan hô. Tôi dơ tay vẫy Anh Bảy với tốp Biếc chạy ra. Đến nơi, ngó thấy xác Khởi ai cũng lặng người. Anh Bảy chắc lưỡi:

- Tiếc thằng nhỏ quá. Kiếm được lính như nó không phải dễ. Nó chết như vậy đẹp lắm, được chiến đấu được hy sinh tại chính quê nhà!

Biếc đến bên tôi, mắt đỏ hoe:

- Tụi em đưa anh Khởi về nghe anh?

Tôi gật đầu:

- Ừ, mấy em đưa Khởi về, nhưng để nó tụi anh về chôn. Trước khi chết, nó có dặn... chôn nó ở cây ổi nhà nó!

Nói tới đó, tôi bỗng đau lòng nghĩ tới má Khởi, ông nội Khởi. Ông già ấy cưng cháu lắm. Ông sẽ ra sao khi thấy khiêng Khởi về, khi nhìn lại đứa cháu mà chỉ mới chiều qua hãy còn ngồi ăn cơm cùng ông, và ông đã gắp những miếng ngon cho nó. Còn má của Khởi, người mẹ mấy bữa nay rất vui vẻ vì con về đóng tại nhà, nay sẽ ra sao?

Biếc cùng với hai cô khác nâng Khởi đặt lên võng bằng những động tác nhanh nhẹn nhưng nhẹ nhàng thận trọng. Các cô đã quen với công việc ấy, đặc biệt sự trân trọng những thân xác ấy. Biếc đưa tay dịu dàng vuốt mắt, vuốt tóc, vuốt lại bộ quân phục vải thô nhuộm màu khói của Khởi không kể gì máu me ướt dính đôi tay.

Biếc và các cô cáng Khởi đi rồi, anh Bảy bảo tôi:

- Anh Đấu biểu tao truyền lịnh cho khẩu đội chú mầy bám diệt địch ở đây cho tới khi có lịnh mới. Tụi tao giờ phải lên trên kia, bữa nay ven đồng nào cũng có Mỹ tràn vô, chỗ nào cũng phải căng tụi nó ra!

Tôi nói:

- Lịnh đó tôi xin lãnh!

Anh Bảy hộc tốc trở vô vườn, dắt trung đội của anh chạy luồn qua khu vườn bấy giờ đạn cối 60, 81 đang nổ ầm ầm, Trung đội anh Bảy vừa đi khỏi thì có hai chiếc "ép" lên, đảo một vòng, rồi đánh bom. Nhưng mấy chiếc "ép" nầy chỉ đánh vào vườn, trong khi chúng tôi lại ở ngoài ruộng. Bốn anh em chúng tôi nằm giữa bọn Mỹ chết và bọn Mỹ tử thương sắp chết còn oằn oại chút ít. Để chuẩn bị đón đợt tấn công mới của địch, tôi kêu anh em lục lấy bia hộp trong các túi quần, trong ba-lô của bọn Mỹ chết đem ra khui uống. Riêng tôi vớ được rất nhiều thuốc lá thơm. Thứ thuốc năm điếu một tấp, có kèm cả diêm. Đủ các loại: Pan-mơn, Ca-men, Lúc ky v.v... Uống hai lon bia đã khát rồi, tôi hút thuốc. Thuốc lá của chúng thơm thì có thơm, nhưng lạt, chỉ có loại Ca-men in hình con lạc đà là còn đậm đà. Lắm thì rất khoái chí:

- Tao hút mấy thứ này vừa cỡ lắm, thiệt là ngồi buồn lại gặp chiếu manh. Nè, mình hút bao nhiêu còn lại gom về cho tụi nó hút!

Cần cười:

- Bữa nay ở đâu mà không có thứ nầy. Tôi không ham, dứt trận tôi sẽ gom đồ hộp quảy một bồng về dự trữ làm lương khô cho khẩu đội mình ăn một tháng!

Tôi nói:

- Đồ hộp của nó ăn dở ẹc, ăn còn thua mắm tép, thua khô cá lù đù của mình xa. Hồi nãy tao khui một hộp nếm thử, tưởng gì, té ra là đậu phộng nghiền sền sệt ăn lãng nhách!

Lắm la lên:

- Úy, mầy thử khui trúng hộp bánh bông lang nhân nho, bánh sô-cô-la có kem coi. À, hộp xúp của nó đem về nấu ăn cũng có lý lắm nghe...

Tôi mồi thêm một điếu Ca-men nữa, tiếp tục chọc Lắm:

- Cái thằng ở ngoài chợ như mầy coi bộ mê tín mấy thứ đó, chớ tao ở ruộng, nói thiệt ăn thì ăn chơi chớ không ghé 1. Tao cũng ăn bộn rồi chớ không phải mới ăn đậu phộng nghiền đâu. Nói tắt là nó dở dở ương ương, mặn không ra mặn, lạt không ra lạt...

Tôi vừa nói tới đó, bỗng Cần la lên:

- Anh Quyết, hình như tụi nó vô nữa kìa!

Tôi đứng lên, đưa bàn tay che ngang mày nhìn thấy bọn Mỹ lại lục tục kéo vô thiệt:

- Đúng rồi, lính cậu vô nữa đó. Chuẩn bị đi, anh em!

Chúng tôi chuẩn bị một cách thiết thực, đi kéo gom lại chừng mấy chục thây Mỹ chết, chất lên làm công sự vây bọc xung quanh. Dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời chiếu thẳng, mấy tên Mỹ bị thương nặng ban nãy chưa chết giờ đều đã chết. Đó đây còn thấy những chân giầy duỗi đạp lần chót. Tiếng rống, tiếng thở phì phì của chúng đã im đi. Trong lúc đó thì xa xa ngoài đồng trống, dưới ánh nắng lóa sao, bọn Mỹ sống lại vào.

Chúng đi dưới làn súng cối bắn yểm trợ. Đạn cối nổ ở mé vườn, vang động như bưng cả mặt ruộng. Tôi rít nốt điếu thuốc và dặn anh em:

- Lần này hễ đánh lật gọng tụi nó, mình dời chỗ, tới ngay chỗ tụi nó vừa bị hạ. Ở một chỗ lâu rất nguy. Phát hiện ra mình, tụi nó dám thí bỏ xác Mỹ, kêu máy bay hoặc dập pháo hủy diệt. Mình phải dời điểm luôn luôn mới được!

Địch đã đến gần. Chúng bắn M.79 "bóc... đùng, bóc... đùng". Những vầng khói do M.79 nổ ra, bốc dậy tùm lum trên ruộng. Vầng khói này vừa tan thì vầng khói mới còn xám đặc đã bục lên làm như tự dưới ruộng khói tỏa dậy. Rồi đại liên, trung liên, M.16 nổ ran.

Chúng đánh vào ba mặt. Tôi đánh cánh địch ở phía bên trái và bên phải trước, rồi mới xả đạn vào bọn đi giữa.

Tôi xoay người theo mũi súng như chong chóng. Phát hiện ra hỏa lực của tôi, bọn Mỹ bắn M.79 và thụt cối tập trung. Miểng cối và M.79 bay rào rào, ghim vô các thây Mỹ mà chúng tôi dựng thành công sự ở xung quanh. Ở trước mặt đã có nhiều tên hốt hải chạy tháo lui. Tên nào trúng đạn nhảy dựng, tôi cầm chắc nó đã chết. Xác Mỹ nằm chất lẫn bên các gốc rạ ngày một nhiều. Trời trưa nắng gắt, tôi không kịp vuốt mồ hôi chảy ròng ròng xuống mặt, vì giữa lúc đó mà chậm một chút là nguy. Lâu lâu, tôi mới đưa tay quệt ngang mồ hôi để trông cho rõ.

Bọn "Anh Cả Đỏ" lại tháo lui, chạy cà còng trên ruộng. Tôi thả tay khỏi nòng, xách súng nhổm dậy cùng anh em dời điểm ngay. Lần này, chúng tôi dời tới một lỗ pháo địch bắn ban sáng. Lỗ pháo tuy không sâu, nhưng chất thêm thây Mỹ xung quanh, nó trở thành một công sự khá tốt. Thiệt tình là tới bữa nay, tôi mới thấy thây Mỹ còn có ích. Thằng nào cũng lớn xác, mập bự, nếu chất hàng ba lượt thây đạn bộ binh thường khó bề xuyên thấu.

Mà chúng tôi không chỉ xếp ba lượt. Có bao nhiêu thằng chết gần đó, chúng tôi đều kéo lại, chất lên hết. Nhưng chính tại cái lỗ pháo này, vào lúc không còn địch ùa tới, Cần lại trúng đạn. Đang kéo chân một thằng Mỹ, thình lình Cần kêu:

- Anh Quyết ơi!

Tôi thấy Cần té chúi mặt xuống đất. Vừa ôm Cần lên, tôi chỉ còn kịp thấy Cần ngước nhìn tôi. Trong đôi mắt mà cặp đồng tử chợt đứng sững lại đó, tôi nhận ra sự nuối tiếc đọng đầy, nhưng sự sống đã dừng ở đó. Một viên đạn thù lạc lõng không phải là viên đạn trong đợt tấn công, đã bắn vào mé thái dương bên phải của Cần.

Vết thương chỉ rỏ một dòng máu nhỏ, ngoằn ngoèo chảy xuống chiếc cằm hơi thốn. Tôi chợt như ngó thấy trước mặt mình một vườn cao-su rì rào vòm lá. Rồi trên nền lá cành cao-su ấy hiện ra khuôn mặt bà mẹ Cần, bà mẹ có hai con mắt bị miểng pháo khoét thành một vùng tối thẳm, bà mẹ đã thúc dục con mình đi bộ đội và mới đây nhận ra con mình không phải bằng mắt mà bằng những ngón tay gầy guộc rờ rẫm lên người con.

Tôi phủi nhẹ bụi đất dính trên mặt Cần, bế Cần xuống công sự lỗ pháo, bảo Lắm và Đó:

- Bây giờ không thể đem Cần ra sau được. Thôi mình cứ để Cần nằm đây, tan trận rồi đem Cần về!

Thấy rải rác quanh công sự có nhiều súng địch, tôi bảo Lắm và Đó chọn lấy đại liên hoặc M.79 của chúng để tăng cường hỏa lực. Đó đi gom về thêm được sáu thùng đạn mở nắp ra nói:

- Hai anh đừng lo, đạn mình có nhiều, cứ bắn xả ga. Hễ bắn hết em đi lượm nữa!

Tôi rất hài lòng về Đó. Từ sáng tới giờ, Đó chịu chơi một cách lặng lẽ. Anh ta kết chặt với chúng tôi, khiến tôi cứ ngỡ anh ta đi với chúng tôi đã lâu chớ không phải cách đây mấy hôm anh còn là lính giặc. Cũng như lần trước, tôi lấy thuốc lá Mỹ đốt hút hết điều này tới điếu khác. Chúng tôi chưa vội xuống công sự, mà ngồi trên ruộng. Bỗng qua làn khói thuốc, tôi thấy cách chỗ tôi chừng năm mét, có vài tên Mỹ đang nằm hình như hơi động đậy. Chưa tin mắt mình, tôi vớ một cục đất chọi tới. Thì thấy chúng nằm im. Sanh nghi, tôi đứng dậy, rón rén đi tới sát bên. Trong số năm bảy tên Mỹ đang nằm, có hai tên nằm nghiêng, mặt dính đầy máu. Tôi nghĩ bụng: "Sao mà mặt có thể dính đầy máu được?" nên càng nghi thêm. Không nói gì, tôi quay lại xách cây đại liên, đến kê vô bụng một thằng giả bộ như sắp xổ vô bụng nó một loạt. Cái thây Mỹ đó bỗng nhổm dậy, dơ tay lên trời. Tôi cười ha hả, chĩa súng vô thằng nằm kế, thì nó cũng nhổm lên y như thằng trước.

Tôi gọi:

- Tụi này bôi máu lên mặt giả đò chết anh em ơi!

Lắm chạy tới:

- Mẹ, khôn dữ ha!

Thừa lúc anh em tôi chỉ chỏ la rùm, hai thằng Mỹ bỏ tay xuống, ù té chạy. Tôi thét kêu chúng đứng lại. Nhưng mặc cho tôi thét, chúng vẫn chạy.

Lắm bảo tôi:

- Kêu chi cho mệt, mày kêu nó có nghe được đâu, xử đi!

Tôi lại kêu và bắn bổng một loạt, nhưng hai thằng Mỹ cứ chạy cả cồng. Sau cùng tôi đành bắn chúng ngã chúi trong đà chạy.

Suốt từ đó cho tới xế chiều, khẩu đội tôi còn lại có ba người, đánh và vận động hằng chục điểm nữa. Điểm nào cũng lấy lỗ pháo hoặc lấy thây Mỹ làm công sự.

Vẫn là cánh đồng đó, quần tới quần lui. Nhưng dù có di động tới điểm mới, tôi vẫn nhớ rõ chỗ Cần nằm. Khi rời chỗ đó, tôi thầm nói: "Cần ơi, mày nằm đây nghe Cần, đánh tan tụi Mỹ rồi chiều tao đem mày về!". Vậy mà cho tới chiều, chúng tôi vẫn chưa quay lại đem Cần về được. Là vì súng vẫn còn nổ khắp ven đồng, và ở khoảng đồng mà chúng tôi chịu chân, chúng còn quá đông, cứ xông vào hết lượt này tới lượt khác như một bầy cọp đói. Quần nhau với chúng không biết là tới lượt thứ mấy mươi, chúng tôi lại dời tới một điểm áp sát một giồng tre thưa mọc chòi ra đồng. Ba đứa tôi nằm bên bờ một hố bom, đợi chúng tràn vô là bắn bắn giáp vòng chung quanh. Đến lúc này, quân Mỹ không chia thành đợt nữa, chúng tràn tới tấp, bắn M.79 hết sức bừa bãi. Nhiều tên Mỹ chưa chết nằm quanh chỗ chúng tôi bị đạn M.79 tất tung lên. Nhân lúc vừa đánh lui một tốp Mỹ vừa tràn tới, tôi xách đại liên phóng theo một đám Mỹ chừng bảy tám tên đang chạy lủi vào bờ tre. Tôi bắn chết thêm vài tên trong đám đó.

Chạy qua một bụi tre, tôi không dè có một thằng núp lại. Thằng Mỹ này thọt mũi súng M.16 ngay hông tôi. Nhanh hơn, tôi co chân đạp nó té ngửa giữa lúc nó đã miết cò. Trọn một băng đạn,sẽ cắm vào tôi, đều bay bổng lên trời. Tôi bước tới, dí đại liên bắn tên Mỹ đó liền. Nó buông cây M.16, nằm ngửa, tay chân run như thằn lằn. Chạy thêm mấy bước, lại có một thằng Mỹ nhảy ra. Thằng này không còn súng ống gì cả quýnh quáng chụp bừa họng đại liên còn đỏ lòm của tôi. Bàn tay lông lá vàng khè của nó vừa quớ họng súng cái xèo thì tôi bóp cò. Nó ngã ngồi xuống. Giữa bộ ngực bị đạn của nó, phổi lòi ra phập phều. Vậy mà nó vẫn chưa chết, vẫn còn ráng với tay tính cầm lấy cây AR15 đánh rớt gần đó. Tôi đạp chân lên tay nó. Nó giương mắt ngó tôi lườm lườm. Để chấm dứt mọi hành động gỡ gạt, tôi bắn vào đầu nó. Bỗng một tràng AR15 nổ rét rét. Một thằng núp gần đó, bắn vào tôi nữa. Mạn lưng tôi rát bỏng. Giận vì nỗi bọn này núp bắn chót chét hoài, tôi ngồi thụp xuống đưa mắt kiếm thằng Mỹ bắn lén.

Nhờ tre thưa, nên tôi ngó thấy nó ở sau bờ tre. Nó ngồi chò hõ, chìa mũi súng về phía tôi nhưng không bắn. Chắc nó vừa bắn hết băng đạn chót. Tôi muốn tới bắt sống nó, nhưng cũng không biết chắc nó đã hết đạn chưa, nên bắn cài đạn sát gốc tre giết chết nó luôn. Đám Mỹ chạy vô bờ tre không còn tên nào. Tôi xách súng trở ra, gặp lại Lắm và Đó ở một khoảng ruộng trũng. Tôi vạch áo nói:

- Ê Lắm, coi hình như tao bị thương hay sao mà rát quá!

Lắm kéo áo tôi lên coi rồi bảo:

- Đạn nó lẻo qua thôi, bôi thuốc đỏ đi!

Tôi nói:

- Thuốc đỏ đâu mà bôi... Thôi được, để tao lấy thuốc khác đắp!

Men lại một vũng cạn gần đó, tôi móc một cục đất sét. Lắm chưng hửng:

- Mầy tính làm cái gì vậy?

- Thì đắp vết thương, để nó rỉ máu hoài rin rít khó chịu quá. Hồi đó ba tao bị trầy trụa, ông đều lấy đất trét vô. Ổng nói: "Dân ruộng sống chết gì cũng nhờ đất!".

Thấy tôi trét đất vô vết thương, Lắm nhảy tới cản mà cản không kịp. Đó thì cười bò lăn ra.

Tôi ngồi xếp bằng trên bờ ruộng trũng, uống bia, hút thuốc. Bây giờ tôi đốt thuốc khỏi cần bật lửa, cứ ghé miệng châm thuốc vô nòng đại liên đỏ rồi rít cho cháy. Tôi bảo Lắm và Đó:

- Tụi Mỹ tập trung đánh mấy đứa mình ở đây tao tính có tới hai tiểu đoàn. Nói thiệt hổi giờ mới có bữa nay là đánh Mỹ đã tay nhứt. Mình mất hai, nhưng tụi nó bỏ mạng chắc cả trăm chớ không ít!

Rồi tôi đứng lên đưa tay trỏ bao quát cánh đồng:

- Mấy đứa bây coi, Mỹ nó nằm lềnh khênh coi sướng chưa kìa.

Lắm và Đó cũng đứng lên theo. Ba đứa tôi áo quần tả tơi, dính đầy bụi đất và bê bết máu, đứng nhìn thấy Mỹ nằm có đống trên đồng. Chỗ quân Mỹ nằm chết nhiều nhứt lại là quanh chỗ chúng tôi đang đứng, bởi chỗ nầy sau những lần đánh lui rồi chúng tới tấp tràn vào chúng tôi không kịp dời đi nữa. Có đến ba bốn chục thây Mỹ nằm bu quanh, chưa kể một số tên chưa chết đang oằn oại. Trên đồng chiều, tiếng thở rống, tiếng rên rỉ của bọn Mỹ lần lượt im tắt. Chúng chết lịm sau những hồi cựa quậy, dẫy đạp trên đất đồng nóng hực và dưới bầu trời bây giờ bỗng vần vũ mây đen. Trời đang chuyển mưa. Bởi gió đứng, mây cụm lại, rồi bay sà thấp, vùn vụt. Lát sau gió trở chiều, tôi nghe hơi lành lạnh thì biết chắc thế nào cũng có mưa to. Nhưng quân Mỹ dường như bất kể cơn mưa sắp đổ xuống, chúng rục rịch vô nữa. Tôi bảo Lắm và Đó:

- Gần tối rồi, mà trời lại sắp mưa, mình phải đánh một keo cho tụi nó nhớ đời!

Có thêm khẩu đại liên của Lắm, tôi rảnh tay hơn, nên dồn hỏa lực rất mạnh. Bọn Mỹ lần này đã thưa bớt, không đông như những lần trước. Chúng cố sức xông về phía chúng tôi, nơi khoang ruộng trũng mà bốn bề là thây Mỹ được chúng tôi ken đầy làm công sự. Chính nhờ cái công sự lạ đời đó mà chúng tôi xé rách đám Mỹ cuối cùng chỉ còn vài bước nữa là nhảy tới. Bọn nầy hình như muốn bắt sống chúng tôi hay sao mà khi tới gần thì không bắn, cứ nhảy xổ vào. Đến khi chúng quay đầu bỏ chạy mưa bắt đầu rớt hột trên đồng. Tôi dở chân lên, chợt thấy bàn chân dính đầy máu rít chịt, nóng hổi. Xung quanh bốc dậy một mùi tanh nồng khiến tôi lợm cổ họng. Thì ra máu của giặc Mỹ chết tự nãy giờ từ trên đổ dốc xuống đã biến khoảnh ruộng trũng thành một nơi đọng máu, xâm xấp ngập lên tới mắt cá chân chúng tôi.

Trời đổ mưa rất lớn. Ba anh em mình mẩy ướt mèm lóp ngóp chạy trở lại chỗ xác Cần. Trời tối sầm lại. Máy bay giặc bắt đầu bay tới thả pháo sáng. Khi chúng tôi tìm lại được lỗ pháo chỗ Cần nằm thì mưa ngớt ngay, và pháo sáng do những chiếc C.47 thả xuống soi sáng cánh đồng vừa đổ tối. Những trái pháo sáng bục ra trên thinh không, lôi theo những chiếc dù trắng bằng cái nia, lơ lửng, hạ thấp dần. Đứng trên đồng, tôi nhìn thấy rõ từng bụi rạ, từng đống thây Mỹ ướt sũng, từng khẩu súng M16 loang loáng nước mưa. Chúng tôi bắt đầu nhột nhạt, vì ánh pháo sáng rọi sáng đến nỗi giờ đây chúng tôi ngó thấy cả viên đạn rơi vãi. Sợ máy bay có thể phát hiện, chúng tôi ngồi nép sau các lính Mỹ đã bắt đầu có mùi hôi. Chợt có tiếng trực thăng phành phạch tới gần. Đó nói:

- Chắc nó tới chở thây.

Mới lòn tay bồng xác Cần, tôi ngước lên thấy một bầy năm chiếc HU1A ầm ầm bay tới, chiếc nào chiếc nấy tròn vo. Tôi la lên.

- Nó tới ngay chỗ mình, chém vè tạm vô đám thây Mỹ đi! Nếu chuyến nầy tụi nó chưa rớ tới đống thây Mỹ ở đây thì mình nín luôn. Nếu tụi nó tới chở đống thây này thì mình mới nổ. Sống chết gì cũng phải đem Cần về!

Tôi đặt xác Cần lên trên thây một tên Mỹ rồi nằm ém kế bên bọn Mỹ chết. Lắm và Đó cũng nằm y như tôi. Bầy trực thăng đã khựng lại. Cánh quạt gỗ ép quay vù vù, bành bạch. Gió cuộn dậy trên đồng rạ làm cho tôi có cảm giác không khéo nó lôi cả tôi bay lên. Rề qua rề lại một chốc, những chiếc trực thằng bay sà ngang đầu chúng tôi, rồi đỗ cách đó chừng hai công đất. Trong tiếng động cơ trực thăng hãy còn nổ lạch bạch, tôi thì thào:

- Có lẽ nó chưa chở tới đống thây Mỹ nầy. Ở đằng đó, chắc gì nó đã chở hết. Anh em cứ tỉnh, nếu nó lại đây buộc lòng lắm mình mới đánh. Bây giờ nó lo lấy xác đồng bọn, mình cho nó lấy, để mình đem được Cần về!

Bọn lính Mỹ trên trực thăng đã đem băng-ca xuống để khiêng thây. Chúng chạy xồng xộc, gắng hết sức làm cái việc đó cho thiệt mau, để rời khỏi cánh đồng nầy càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ tự nãy giờ, dưới ánh pháo sáng, bọn Mỹ trên máy bay chắc đã nhìn tỏ rõ cánh đồng phẳng rộng coi rất hiền lành mà độc địa thay chỗ nào cũng có đồng bọn chúng nằm chết. Và trong khi làm phận sự thu nhặt xác, chúng lại không gặp xác một kẻ địch nào. Đó mới là điều khủng khiếp nhứt của chúng.

Năm chiếc trực thăng sắp chở đầy xác lính Mỹ thì bọn đi nhặt xác vừa đến gần chỗ chúng tôi núp. Chúng đến gần đến nỗi tôi nghe rõ cả tiếng chúng sù sì tiếng chúng lôi thây đồng bọn xềnh xệch. Tôi hồi hộp nằm im thở, đợi coi chúng có trở lại lấy thêm xác không. Nhưng chúng đã không trở lại. Năm chiếc trực thăng đậu lù lù đen xì trước mặt bỗng nổ máy mạnh. Những cánh quạt quay nhanh hơn. Rồi chúng bốc mình lên khỏi mặt ruộng. Tôi thở phào, bỏ ra khỏi đống xác Mỹ. Lắm và Đó cũng chui ra. Chúng tôi bịt mũi lại cho bớt tanh máu, ngồi xổm nhìn bầy trực thăng nối đèn đỏ đằng sau đít, bay vù đi. Tôi giao cây đại liên cho Đó, cõng xác Cần lên vai và nói:

- Mình đi thôi!

Theo đúng lời Khởi dặn, chúng tôi cùng với gia đình đem chôn Khởi cạnh gốc ổi nơi hồi nhỏ Khởi thường leo bẻ ổi ăn. Nằm bên mả Khởi là mả của Cần. Đó là ý muốn của tôi, muốn hai anh em khi sống có nhau, khi chết được nằm bên nhau. Lắm đặt hai chiếc mũ tai bèo của Khởi và Cần lên mả rồi nâng kèn thổi bản "Hồn tử sĩ". Bài kèn vừa thổi dứt, tôi bắn một loạt đại liên rồi đến đứng dựa lưng vào cây ổi òa khóc lớn.

Cho tới lúc anh em đã dìu mẹ Khỏi về rồi, chỉ còn lại tôi và ông Chín. Ông già ấy không khóc một tiếng, suốt từ lúc xác Khởi được đem về... ông đã ngồi gần hết đêm bên Khởi và Cần, và ông hoàn toàn nín lặng. Khi sửa soạn tẩm liệm, ông khẽ gạt hết mọi người ra, bảo để tự tay ông tẩm liệm. Một mình ông lót vải, đặt Khỏi và Cần vào hòm. Chính tay ông đóng hòm bằng những cây đinh cau mà ông đã vót sẵn. Ông già nhứt định không chịu dùng đinh sắt mà không nói rõ là tại sao không chịu. Suốt đêm và suốt buổi sáng hôm nay ông lo đưa Khởi và Cần ra nơi yên nghỉ cuối cùng với một vẻ tỉnh táo và im lặng đến lạnh người, giữa tiếng khóc của mẹ Khởi nổi lên không bao giờ dứt.

Giờ đây ông ngồi giữa nắng, ngồi xếp bằng lên đất, không động đậy. Cả tiếng động cơ trực thăng của giặc Mỹ sáng nay ầm ì lui tới đồng Long-phước để lấy nốt xác hầu như ông già cũng không nghe thấy. Tôi về nhà trước, lâu sau mới thấy ông về. Khi tôi sửa soạn dẫn anh Ba Đấu và anh Chánh tiểu đoàn trưởng ra coi lại trận địa, thình lình ông Chín bước sải theo:

- Đợi tao đi với!

Vẫn ở trần phơi tấm lưng rám nắng, vẫn mặc cái quần tiều lỡ dài lỡ ngắn guộn giây lưng lên thành cục, ông già lầm lũi đi theo tôi và các anh chỉ huy. Hồi hôm, khi đem Cần về đến nhà, tôi đến báo cáo trận ác chiến trong ngày với anh Đấu, anh Đấu báo lên thì anh Chánh đòi phải xác nhận lại. Cho nên lúc trực thăng lấy xác xong, tôi dẫn các anh đi xem.

Bốn người (kể cả ông Chín) chúng tôi ra tới đồng lối một giờ trưa. Tất cả xác lính Mỹ đều đã được trực thăng chở đi hết. Còn lại trên đồng là những mũ sắt, bi-đông, giày da khẩu súng gẫy vỡ. Những khẩu súng còn tốt đều bị du kích, thanh niên xung phong lấy hết hồi đêm. Ruồi lằn bay vo vo ở nơi nầy nơi khác. Lát lát chúng tôi lại bắt gặp những mảnh xương sọ Mỹ bể, dính máu.

Anh Chánh hỏi tôi:

- Em ước tính diệt được bao nhiêu thằng Mỹ?

Tôi hơi lúng túng:

- Tụi em bẳn chết dữ lắm, nhưng không biết bao nhiêu, để em đếm nón sắt của nó bỏ lại là biết thôi!

Thế rồi tôi chạy đến từng cụm, đếm nón. Anh Đấu và anh Chánh cùng đếm tiếp tôi. Mất khá lâu mới đếm hết. Tất cả là một trăm tám mươi ba cái nón sắt. Tôi cười nói:

- Vậy cứ kể chắc là một trăm tám mươi ba thằng bỏ mạng!

Anh Chánh xác nhận có thể trên mức đó nhiều, vì số anh em du kích và thanh niên xung phong ra lấy súng hồi đêm thế nào cũng đã thu một mớ nón.

Anh Chánh lại hỏi tôi:

- Em có nhớ đã vận động bao nhiêu điểm không?

- Thì mỗi một cụm nón sắt là một điểm!

Anh Đấu nói với anh Chánh:

- Tôi có đếm, tất cả là bốn mươi lăm điểm, thiệt quá sức tưởng tượng anh!

Tôi gãi đầu:

- Lúc đó tụi em lo quần nhau với tụi nó, không dè vận động tùm lum như vậy!

Bấy giờ ông Chín đứng bên chợt hỏi:

- Còn hai anh em nó hy sinh ở chỗ nào, thằng Quyết mầy dắt chỉ cho tao coi!

Anh Đấu cũng nói:

- Phải đó, em Quyết đưa với mấy anh lại cho đó đi!

Tôi dắt mọi người lại chỗ Khởi đã hy sinh, rồi tới chỗ Cần. Sau rốt tôi dắt hai anh và ông Chín tới khoảnh ruộng trũng cho tới bây giờ vẫn còn đọng máu, nhưng đã đặc lại. Tôi nói:

- Hồi sáng tới giờ nắng lên, máu rút bớt rồi, chớ hồi chiều hôm qua, em rút chân lên thì máu tới nắt cá chân lận!

Ông Chín khom lưng, ngó vũng máu trân trối. Rồi bỗng quay lại phía tôi, ghé tấm lưng trần la lớn:

- Lên đây, thằng Quyết mầy leo lên đây tao cõng mày đi giáp đồng. Trời đất ơi, tao đâu có dè tụi bây đánh nó tận mạng như vậy. Tao hết buồn rồi, tao sướng con mắt tao lắm rồi Quyết ơi!

Day sang anh Chánh và anh Đấu, ông nói tiếp:

- Chưa, hổi giờ chưa có khi nào tao ngó thấy cái cảnh nầy. Lâu nay ở trên đồng nầy, tao chỉ ngó thấy rắn, rùa, le le, cúm núm... Tự hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ tao chỉ ngó thấy lúa trúng hai chục giạ một công, chớ đâu có thấy cái cảnh máu Mỹ ngập đồng như vầy đâu. Anh tiểu đoàn ơi, Ba Đấu ơi, năm nay tôi đã trên bảy mươi được ngó thấy cảnh này rồi có chết tôi cũng hả!

Vậy rồi ông già đi ùa trên cánh đồng ngập nắng. Ông đi coi lại bãi chiến trường, khi ghé chỗ nầy lúc ghé chỗ nọ. Chỗ nào cũng có vỏ đạn rơi vãi vàng chóe dưới các gốc rạ. Nón sắt Mỹ lăn lóc đây đó, có cái còn nguyên có cái bị đạn xuyên thủng. Gió đồng lát lát thôi qua, phất tới mùi máu giặc, mùi thịt Mỹ rắc rải đã tanh hôi nghe mà lợm giọng. Mặc dù những chuyến trực thăng đã đến đem xác chúng đi hết, nhưng xương thịt máu me của chúng vẫn còn vương vãi khắp đồng. Tất cả những thứ đó giờ đã bắt đầu thối rữa, bắt đằu thấm xuống đất đồng, khởi sự cuộc vun bón. Bỏ mặc chúng tôi đứng đó, ông già vẫn đi một mình trên đồng, đôi lúc như chạy. Cánh đồng đối với ông quen thuộc một đời vậy mà bây giờ tuồng như ông mới biết, bỡ ngỡ, lạ lùng. 

--------------------------------

Không thích.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích