DocSachHay.net

hờ có má Năm đắp củ ngải nên chỉ ba hôm sau vết thương trên đầu tôi đã hàn miệng và bắt đầu lên da non. Mới hơi khỏe lại tôi đã tính chuyện lên đường.

Má Năm khuyên tôi ở nán lại năm ba bữa nữa dưỡng cho thiệt mạnh hẵng đi.

Tôi nói:

- Thôi để con đi, má. ở lại đây láng cháng Bảy Vàng nó tới kiếm nữa hoặc nó kêu lính tới bắt thì con hết đi à!

Nhắm bề không cầm tôi lại được, má Năm và anh Vững đành để tôi đi. Đêm hôm rạng ngày tôi lên đường, má Năm thức khuya lo cụ bị đồ đạc cho tôi. Thấy tôi chỉ có bộ đồ đang mặc, má xé vải may thêm cho tôi hai cái quần cụt nữa. Má còn cho tôi cái khăn rằn má mới mua, vì cái khăn của tôi đã cũ mèm sờn rách.

Khuya hôm đó, má dậy nấu một nồi cơm nếp, dỡ cơm nén chặt vào tấm mo cau non để tôi còn đem theo ăn đường. Má dặn:

- Kiếm không được bộ đội thì con trở về đây, bữa khác hẵng đi nữa, nghe con!

Tôi dạ, rồi khoác cái bọc khăn lên vai, theo anh Vững bấy giờ đã lùi lũi ra trước ra đường. Anh Vững đưa tôi đi khỏi xóm một đỗi dài. Lúc chia tay, anh rút cây mác vót trong người đưa cho tôi:

- Cầm cây mác này theo mà hộ thân. Em đi ít bữa, chắc tao cũng dông. Thế nào anh em mình cũng có ngày gặp nhau. Thôi đi đi kẻo trời sáng!

Tôi đặt bọc quần áo và cây mác xuống đất, vùng nhảy tới ôm anh Vững chặt cứng. Hồi sau tôi mới buông ra, cúi lượm ngọn mác xỏ ngang bọc quần áo, gác lên vai. Trời hãy còn tối. Tôi bắt đầu băng qua các trảng cỏ ướt sương, nơi tôi đã thả bò cho Bảy Vàng trên ba năm. Trong hơn ba năm đó, hầu như ngày nào tôi cũng có mặt ở cái trảng này. Kìa là lùm cây mà tôi vẫn thường lủi vô trốn nắng. Đen hù trước mặt kia là cây gáo độc chiếc tôi vẫn thường leo lên nằm trên cháng ba đánh giấc ngủ trưa. Nhưng ngó chỗ nào trên trảng tôi cũng thấy buồn. Buồn và trơ trụi. Tôi không biết rồi đây đứa nào sẽ thay tôi đội nắng dầm mưa trên cái trảng này mà coi đàn bò của Bảy Vàng. Phần tôi từ nay coi như là chấm dứt. Không đời nào tôi quay lại coi bò cho Bảy Vàng nữa.

Vào lúc trời vừa hửng sáng thì tôi đã băng qua gần hết các trảng, có trảng rộng tới hai cây số. Tôi bước sải như bay. Phần thì hy vọng gặp được bộ đội như giục giã bước chân. Phần thì ở đằng sau lưng chẳng hứa hẹn với tôi sự gì tốt lành. Tôi vẫn cứ luôn bị bóng dáng của Bảy Vàng rượt đuổi. Một mình Bảy Vàng thì tôi không sợ, nhưng rất có thể hắn nhờ lính rượt theo bắt tôi. Mà đi trên trảng thì lại trống trải quá. Thời may, tới lúc trời sáng rõ thì tôi đã cặp bìa một khu rừng chồi.

Nhưng khu rừng này chưa phải là khu rừng tôi muốn tới. Theo lời chỉ vẽ của anh Vững, thì tôi phải đi qua hết khu rừng chồi đó để tới rừng Hắc-dịch. Anh Vững bảo phải đón bộ đội ở mạn rừng Hắc-dịch thì mới có thể gặp, chớ đón ở phía ngoài này thì năm thì mười họa bộ đội mới kéo qua.

Tôi đứng nơi bìa khu rừng chồi, ngoái nhìn lại phía sau. Vườn cây cao su cùng các xóm ấp ở Xà-bang, Ngãi-giao giờ chỉ còn là một rặng xanh nằm ở cuối đồng trảng mù sương. Những vườn sở đó giờ đã ở lại sau lưng tôi khá xa.

Tôi đứng hồi lâu ngoái nhìn cái xứ mà số phận đã bắt tôi phiêu dạt tới ở đó trên ba năm. Tôi nghĩ tới má Năm, anh Vững, nghĩ tới những cô bác ở đó rồi sẽ càng thêm cực khổ hơn, vì chỉ ngày mai ngày kia tụi Mỹ- Diệm sẽ rào ấp, vì số giây thép gai mà Bảy Vàng lãnh thầu chở về đã quá đủ để vây bọc các xóm ấp ấy lại.

Làm não lòng tôi hơn cả là khi nghĩ tới đám trẻ nhỏ trong xóm, đám trẻ nheo nhóc, người lúc nào cũng lấm lem sình đất nhưng lại chính là những bậu bạn trong trẻo thân thiết với tôi nhứt. Bữa nay ra đi, tôi không gặp lại một đứa nào. Nhưng phải nói rằng cũng chưa có lúc nào tôi cảm thấy tôi được tự do thung thăng như lúc nầy. Sợi giây xiềng mà cách đây bốn năm do Biện Tư buộc ghịt vào chân tôi, giờ đã bị tôi giựt đứt, và sớm nay coi như tôi đã trả sợi xiềng đó cho thằng em của Biện Tư là Bảy Vàng. Lúc còn đi băng qua trảng, tôi còn sợ Bảy Vàng có thể cho lính rượt theo, chớ bây giờ thì tôi đã hết ngán. Bây giờ dẫu có mười Bảy Vàng với một trăm thằng lính tôi cũng không sợ. Có bề gì là tôi nhảy tọt vô rừng, đố Bảy Vàng với lính dám theo.

Mới thoạt ngó quanh, tôi thấy khu rừng chồi trước mặt thưa rêu. Không có cây lớn, toàn là cây ngành ngạnh, thân nhú đầy gai sắc, cây lào táo còn non thân thẳng đuột. Có lẽ cách đây vài năm, khu này còn là trảng. Trông xa tới trước là khoảng trời rộng, nơi mặt trời lên đang nhuốm hồng, ban đầu là màu hồng sen mát rượi, nhưng không mấy chốc màu hồng đã chói lói, gay gắt. Đặt chân lên con đường mòn đi xuyên qua rừng, tôi nghĩ là mình sẽ vượt qua cánh rừng đó một cách nhanh chóng. Không ngờ cánh rừng đã đánh lừa tôi, với cảnh rừng chỗ nào cũng thưa thoáng, với những mảng trời, như luôn hứa hẹn rằng rừng phía trước là sắp hết. Kíp đến khi tôi vượt tới trước thì rừng vẫn thế, trời vẫn trống sáng mà con đường thì vẫn dài hun hút. Nhưng tôi vẫn không nản chí, vẫn hăm hở bước đi vùn vụt. Bởi vì đối với tôi bây giờ, ở phía trước, ở bên kia rừng Hắc-dịch có một điều tốt lành nhất đời đang đợi tôi. Dần dần tôi mới biết con đường không phải trót lọt dễ dàng như tôi tưởng. Càng không giống với con đường tôi mơ thấy trong mơ. Suốt từ sáng tới trưa, tôi đi mải miết không dừng mà vẫn chưa qua hết quãng rừng chồi. Không lâu sau, mặt trời dội nắng xuống như dội lửa. Quãng rừng chồi chỉ có cây nhỏ lúp xúp không che nắng được bao nhiêu. Điều thắt ngặt cho tôi hơn cả là suốt dọc đường tôi chưa bắt gặp một dòng suối nào, một vũng nước nào. Trước khi thấy đói, tôi đã thấy khát.

Và cơn khát cứ theo độ đường nắng cháy mà tăng lên.

Cổ họng tôi khô se, lưỡi ráo hoảnh. Tôi muốn tìm một bóng cây ngồi nghỉ ăn cơm, nhưng cơn khát cứ buộc tôi phải cố rấn bước, để may ra đi tới một chút nữa thì gặp suối hoặc gặp một bàu nước nào đó. Mặt trời đã dội ánh nắng gay gắt xuống giữa đỉnh đầu tôi rồi, mà suối, bàu gì tôi vẫn không thấy. Chim chóc cũng đã rủ nhau đi kiếm bóng râm trốn nắng chớ cũng chằng xập xòe ca hót như tôi thấy trong giấc chiêm bao dạo nọ. Tôi ngửa mặt nhìn trời, mong một đám mây đen nào đó vần vũ báo mưa tới, nhưng trời xanh ngăn ngắt không có một gợn mây. Đó là bầu trời tháng ba, bầu trời mùa nắng ráo.

Đang lúc cơn khát làm cho mỗi một bước đi cũng trở nên nặng nhọc, bỗng một sợi dây leo vắt ngang cành cây bên đường khiến tôi chú ý. Đó là sợi giây chìu lớn bằng cổ tay. Tôi lập tức tháo cái túi khăn ra, xách ngọn mác luồn vô. Tôi mừng rỡ nhận ra đúng đó là sợi giây chìu, thứ giây leo có thể cho một lúc hằng đôi ba lít nước mà cô bác ở Xà-bang đã có lần chỉ cho tôi biết. Sau khi luồn mình tới bên nâng sợi dây chìu đó lên coi cho chắc chắn, tôi cũng chưa chém lấy nước vội.

Tôi trở ra dỡ cơm nếp ăn. Để tôi ăn đủ trọn ngày, má Năm nấu tới một lít nếp, ấp chặt trong tấm mo cau dịu dặt. ở giữa lớp nếp, má Năm nhét bốn năm con tôm càng kho mặn đỏ lưỡng. Tôi bốc cơm ăn, rưng rưng nước mắt. Tôi nghĩ sao má Năm không rứt ruột đẻ ra tôi mà lại thương tôi như vậy. Miệng nhai miếng cơm nếp ngon dẻo, tôi những lo cho má và anh Vững ở lại không biết rồi sẽ ra sao. Không bao lâu nữa, ở Xà-bang sẽ đều bị biến thành ấp chiến lược hết. ấp chiến lược là cái gì tôi không rành, chỉ biết là rào rấp, ngăn cô bác ra một bên, đằng giải phóng ra một bên, như là gạn nước để bắt cá. Tôi nghe nói đã có nhiều nơi bị làm ấp, cô bác tối ngày ở giữa vòng rào giây thép gai, khổ sở tù túng như con chó. Tôi sực nhớ tới những đống giây thép do Bảy Vàng hăng hái đốc thúc chở về chất đầy nhà công sở hội đồng xã mà tức dội, ăn miếng cơm hết ngon. Đầu tôi bắt đầu nóng hơ, nghĩ thầm: "Tổ cha tụi bây, cho tụi ba giỏi bày ra, tao mà vô bộ đội thế nào có bữa tao về phá banh trê, bao nhiêu hàng rào giây thép gai tụi tao guận lên như guận cỏ bờ cho bây coi!".

Ăn đã no, tôi gói kỹ mo cơm còn lại, rồi cầm cây mác trở vô chỗ có sợi dây chìu. Một tay nâng sợi dây, một tay tôi quơ ngọn mác nhằm chỗ vừa tầm mà chém. Sợi giây chìu bị chém ngọt, đứt rời một khúc văng xuống đất. Khúc dây còn lại lơ lửng trên không bắt đầu ri rỉ nước ở vết chém. Để nước có thể tuôn ra, tôi lại nâng sợi dây lên chém thêm nhát nữa. Lát sau, nước từ sợi giây chìu liền chảy rỏ giọt, trong vắt. Tôi mừng quá, rùn gối chân, há miệng hứng nước uống. Nước rất mát. Uống ngụm nào, tôi thầm cảm ơn bà con Ngãi-giao, Xà-bang ngụm nấy. Thiệt là lạ, cái giọt nước chảy lòng từ sợi giây rừng sần sùi này ngọt mát không kém nước mưa chút nào, mùi nước không bị pha trộn mùi vị uế tạp nào.

Tôi uống no bụng rồi đứng dậy, đăm đăm ngó nhìn khúc rễ cây cặm xuống đất ở gần đó. Tôi cho rằng rễ cây giây chìu chắc phải ăn sâu xuống đất dữ lắm, bởi vì có ăn sâu xuống đất, sợi dây mới rút nổi mạch nước bên dưới trong mùa đất rừng đang khô hạn. Tôi bỗng nảy ra ý muốn ước ao mình giống được sợi dây giỏi giang đó, không cắm thì thôi, đã cắm là hút lên cho kỳ được nước. Là con người, tôi phải hơn sợi dây đó, không làm thì thôi, đã làm là phải làm tới chốn. Ý nghĩ đó lại giục giã tôi tiếp tục lên đường.

Mặt trời đã chiếu chênh chếch, nhưng nó vẫn như một cái đĩa lớn, rót lửa chảy xuống. Nắng đến nỗi các ngọn ngàn xa bốc lên một thứ chi giống tự khói.c cho nắng dội, tôi vẫn đi bươn tới. Lần này thì cánh rừng đã phải chịu thua tôi. Cánh rừng chồi đã chấm dứt, khi chiều xuống. Bấy giờ tôi đứng sựng lại, tóc tai mắt mũi ướt đẫm mồ hôi, ngó thấy trước mặt mình một cánh rừng già khác lạ. Ven rừng đang cháy, bừng lên một vòm lửa dữ dội. Tôi đoán tôi đã tới miệt rừng Hắc-dịch. Chỗ tôi đứng là chỗ rừng đã bị cháy rồi, nhưng giữa buổi chiều tà, than lửa còn rớm hồng ở khắp mọi nơi. Những thân cây cổ thụ cháy ngã nằm ngổn ngang, ngút khói. Ngọn lửa cứ chốc chốc lại lùa vô mặt tôi từng luồng gió nóng hực, và tiếng lửa thì cứ hù hù réo dậy không dứt bên tai.

Chẳng có bóng người nào ở đó cả. Tôi đảo mắt nhìn khắp nơi. Không thấy bóng một anh bộ đội giải phóng nào. Mà chiều thì xuống thấp mãi. Mặt trời thu nắng về hết. Rồi chính mặt trời cũng không còn. Mặt trời để lại sau lưng tôi, ở phía rừng chồi tôi đã đi qua, cả một phương mây đỏ ối. Ráng chiều, giống như một đám cháy lớn thứ hai, đang dậy lên màu đỏ rói như bông lựu. Trên thinh không, bay ngang qua từng bầy chim lớn. Chim hồng hoàng, chim cao cát và tôi nhận ra có cả gà đãy. Từ phía rừng già, chúng bay thẳng tới vòm trời đỏ rực ráng chiều.

Cánh của những con chim lớn đó vỗ nghe ào ào, như gió dậy trên vầng khói. Lửa rừng đã xua đuổi chúng. Tôi nghĩ thế khi ngước nhìn đàn chim chạy trốn. Tôi cho rằng bây giờ chắc là heo, nai, mễn, cọp gì cũng đã bỏ chạy. Chỉ có tôi tự nãy giờ tuy chưa bước tới, nhưng không lùi lại. Tôi đứng dẫm trên tro than của cây lá cháy, ngó về mạn rừng già phía trước, chỗ mà dẫu có chết tôi cũng phải đến. Dẫu chưa gặp một anh bộ đội nào, mối hy vọng lớn giữa lòng tôi vẫn không tắt. Còn bìa khu rừng này tuy đang cháy, nhưng tôi đinh ninh rồi thế nào nó cũng tắt. Vả lại chẳng lẽ không còn có lối nào để tôi đi qua được? Giữa lúc đêm xuống, tôi vuốt mồ hôi rỏ ròng trên mặt, bắt đầu tìm lối vượt qua quãng rừng cháy. Quãng này ước chừng trên một cây số. Tôi chú ý xem coi chặng nào dẫn vô rừng ít có lửa than nhứt. Bóng tối đã giúp tôi điều đó. Cũng chính bóng tối đang dần dần trùm phủ khoảng ven rừng đã bị cháy trụi, bây giờ chỉ có một mình tôi xông xáo tìm đường. Tôi chạy tới chạy lui, khi ở chỗ này khi ở chỗ khác. Chỗ nào cũng có than lửa.

Thứ than lửa ngó thấy và thứ than lửa không ngó thấy, vùi dưới tro. Sau khi dò dẫm thấy chỗ nào cũng có lửa, tôi đã quyết định sẽ nhắm theo một lối lửa đã lụi tắt mà tôi cho là ngắn nhứt để chạy qua. Tôi chạy thiệt nhanh, bất kể lửa than dẫm phải. ở quãng cuối cùng tiếp giáp với rừng, tôi ngỡ là có lửa cháy dữ, may đâu ở đó lửa đã tắt. Đang chạy bỗng tôi hụt chân té ùm xuống nước. Thì ra đó là một dòng suối chắn ngang. Tôi không nhận ra trước dòng suối vì đã tối, vì mặt suối đầy tro tàn của lá cháy. Tôi hết hồn lồm cồm đứng dậy, lội sồn sồn sang suối.

Rừng bên nầy, nhờ dòng suối mà ngọn lửa không bò qua được Tôi ngồi bệt bên bờ suối. Người tôi áo dầy một lớp tro. Khắp đầu cổ tôi cũng đều dính đầy tro. Nhưng tro bụi chỉ làm tôi khó chịu, chớ than lửa mà tôi dẫm phải trong khi chạy đã khiến đôi bàn chân tôi bị bỏng cả. Ngồi một lúc, tôi mới thấy đau rát dữ, đến nỗi tôi có cảm giác hồ như đôi bàn chân vừa bị đem nướng.

Nhưng bây giò tôi không có thì giờ nghĩ tới chân đau. Tôi lo lắng nhìn đêm tối trùm phủ. Khu rừng tối sầm lại mau lẹ, đến cái cây gần bên cũng chẳng còn ngó thấy được. Chỉ có phía bên kia suối, nơi rừng hãy còn cháy là có ánh sáng. Thứ ánh sáng đục nhờ ở chỗ vừa bị dọn quang còn bập bùng lửa cháy, còn rạng ánh than đỏ và lan tỏa đầy khói. Nhờ có ánh sáng đó, tôi thấy dòng suối vẫn đang chảy, cuốn theo lá rừng đã cháy thành tro, những tàn than. Đám lá chết cháy giờ hãy còn chấp chới, chao liệng trên không rồi rớt xuống mặt suối nghe xèo xèo.

Sau chặng vượt lửa, tôi lại thấy khát. Chồm người tới bên vệ suối, tôi khoát tro, khoát nước thành một lõm trống rồi vốc nước lên uống. Đó là một thứ nước suối âm ấm. Ngọn lửa đã làm cho con suối rừng đêm ngày buốt lạnh kia trở nên ấm nóng.

Ngồi một lúc cho đỡ mệt và tỉnh táo trở lại, tôi liền lên bờ suối quờ quạng bẻ nhánh cây khô, bật lửa nhen đốt thành một bó đuốc. Cầm bó đuốc, tôi dẫm lạo xạo trên lá khô, quan sát bờ rừng cao trên suối. Toàn là những gốc cây cầy lớn, rụng đầy những trái cầy bằng ngón chân cái. Chân tôi dẫm phải những trái cầy chín rục, nhớt nhợt. Bỗng dưới ánh lửa chờn vờn của ngọn đuốc tôi ngó thấy một cái chòi dựng dưới một gốc cây.

Tôi tiến tới coi kỹ thì thấy đó là cái chòi nhỏ hẹp, chỉ vừa đủ cho vài ba người ngồi túm tụm. Nóc chòi che bằng vỏ cây gì in như vỏ cây dền, và dưới đất cũng trải thứ vỏ cây đó. Trong góc chòi còn có bắc ba tảng đá làm bếp. Mấy tảng đá này ám đen khói, chứng tỏ cái tép đã được nấu nướng nhiều rồi. Tôi đến bên, cúi xuống sờ tro thì thấy tro còn ấm. "Cái bếp nầy có ai nấu, mới tắt lửa hồi trưa thôi!". Tôi vừa rút bàn tay ra vừa nghĩ bụng, phấn chấn hẳn lên. Lúc mới đặt chân tới đây mà chưa thấy bóng người nào tôi đã hơi lo. Giờ thì khấp khởi hy vọng, vì tuy vẫn chưa gặp ai, nhưng tôi đã thấy có người ở hơi tro còn ấm lòng bàn tay: "Những người đây là người nào?". Tôi tự hỏi: "Có phải là mấy anh giải phóng không, hay là bọn bất nhơn như Biện Tư, Bảy Vàng, như tụi thằng Hoành?". Và tôi tự đáp: "Chắc không phải là tụi nó đâu... Có thể là mấy anh, hoặc là bà con người Xê-điêng Châu-ro chớ tụi nó thì không ăn ở như vậy đâu!".

Tôi quyết định tạm nghỉ đêm trong túp chòi đó.

Đặt cây ná và cái bọc khăn xuống lớp vỏ cây trải trong chòi, tôi dỡ mo cơm nếp ra ăn nghiến ngấu vì đã quá đói. Nhưng tôi không dám ăn thả sức, sợ ngày mai ngày kia vẫn chưa tìm gặp bộ đội. Mặc dù má Năm và anh Vững có dặn nếu không gặp thì quay về, song tôi rắp tâm đã đi là phải tìm gặp chớ không quay về. Tôi còn trở về Xà-bang để làm gì, chẳng lẽ lại để Bảy Vàng làm tròng làm tréo bắt tôi ở đợ chăn bò nữa hay sao? Không, cho dù khổ cực tới đâu tôi cũng ráng chịu để tìm gặp bộ đội xin cầm súng. Khi đó tôi sẽ về. Tôi sẽ về Xà bang với cây súng trong tay.

Đêm hôm đó tôi nằm co như con tôm trên vỏ cây dền mà ngủ. Tôi bị thức giấc cả chục lần. Lần đầu tiên ngủ trong rừng một mình, tôi hơi ớn xương sống. Có lúc tôi lại giựt mình nghe tiếng gì như là con gấu, con beo nào đó đang đứng rình rồi ngứa ngáy gãi sột sột vào lòng bàn tay. Rừng đêm thử thách tôi không phải chỉ ở tiếng động mà còn ở sự lặng im của nó. Là lúc chẳng còn nghe thấy một tiếng động nào, rồi bất thần gió dậy ào ào trên ngọn lá. Là có lúc rừng như ngủ say, đột nhiên trăn trở với tiếng cành khô kêu răng rắc bắt gợi nghĩ tới những móng sắc dẫm lên, với tiếng gầm gừ, có vẻ khó chịu của con vật để vuột mồi. Lại thêm vào đó, một thứ tiếng lại càng làm cho tôi khó ngủ gấp bội, là tiếng trái cây rụng. Suốt đêm, trái cầy cứ rụng lộp bộp xuống mái chòi. May mà chòi lợp bằng vỏ cây nên trái cày không chọc thủng nổi, chớ nếu lợp lá thì tôi chắc phải u đầu.

Về khuya, khí trời bỗng trở nên nóng bức. Vào lối nửa đêm, trời nổi sấm ầm ì. Để đến lúc gần sáng đổ ngay xuống một trận mưa dữ dội. Đó là trận mưa đầu tiên sau sáu tháng ròng chói chang nắng lửa, báo hiệu mùa mưa đã đến. Cơ khổ, tôi bị ướt hết, vì nước mưa chảy như xối qua các kẽ hở của những tấm vỏ cây lợp chòi.

Tôi đành ngồi xổm ở giữa chòi mà chịu trận. Trời mưa tới sáng thì dứt. Trận mưa lúc chấm dứt cũng nhanh gọn như lúc mở đầu, không lê thê rỉ rả thêm một giọt nào nữa.

Buổi sáng đã đến. Tôi đứng dậy giũ nước mưa ướt sũng trên người, bước ra khỏi chòi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!

Có thể bạn thích