Dòng Mực Cũ
Chương 11

Những ngày cuối năm, trời trở lạnh mau. Cái rét giao mùa dường như ông trời cố ý mang đến để tương phản với không khí đang sôi sục đang chuẩn bị tổng khởi nghĩa trong lòng hàng ngàn đảng viên Quốc Dân Đảng. Bao nhiêu mất mát liên tục về mặt nhân sự cũng như vũ khí của Đảng, càng làm Tổng Bộ thấy không còn đường nào khác ngoài một cuộc vùng dậy liều lĩnh theo phương châm “sát thân thành nhân” của cổ nhân xưa.

Hàng loạt tổ đảng bi vỡ đã đành, lại thêm những xưởng chế bom, những cơ sở cất giấu truyền đơn, cũng cứ lộ dần, đặc biệt là trong phạm vi tỉnh Bắc Giang, quê hương của Nguyễn Khắc Nhu và chị em cô Giang. Kế hoạch tổng khởi nghĩa vì vậy không còn là một bí mật đối với sở Liêm Phóng. Chúng chỉ không biết ngày nào mà thôi. Mạng lưới mật thám và tay sai vốn đã dày đặc, nay lại càng giăng bủa sâu rộng hơn, bám sát từng bước chân của đảng viên Quốc Dân Đảng, nhất là quyết bắt cho được Nguyễn Thái Học và các nhân vật chủ chốt.

Giữa tình thế dầu sôi lửa bỏng, một mất một còn ấy, người đau khổ nhất là Lê Hửu Cảnh. Đang là một ủy viên trung ương, sát cánh với Nguyễn Thái Học, ông bị đẩy hẳn ra ngoài, chẳng những không được tham dự bất cứ một buổi họp quan trọng nào, mà còn bị ngờ vực, xa lánh. Chia sẻ với Cảnh, chỉ có vài đồng chí trong nhóm “cải tổ” và thêm một đàn em trẻ, đó là Minh.

Minh lúc này vẫn làm việc ở tòa báo trong nỗi thấp thỏm chờ đợi tai họa ập đến. Căn gác trọ của anh ở Khâm Thiên may mắn chưa nằm trong danh sách bị khám xét. Ông Sửu khập khiễng bên kia đường vẫn là bạn tri kỷ để Minh tâm sự và đôi khi nhờ vả công tác, dù ông không nằm trong đoàn thể. Dòng đời vẫn lặng lẻ trôi, sáng chiều hai buổi Minh vẫn xách cập đi về như một công chức cần mẫn, gác bỏ mọi chuyện nhiêu khê đang diễn ra quanh anh. Nhưng trên thực tế, những lo buồn triền miên làm Minh gầy xọm đi vì mất ngủ. Giống như bao nhiêu đảng viên khác, Minh mang nỗi buồn chung là tình hình nguy biến liên tục của Quốc Dân Đảng. Thêm vào nỗi buồn riêng là hoàn cảnh giằng co của Lê Hửu Cảnh, một đàn anh mà Minh hết lòng nễ phục. Ngoài ra, cái tin Nguyễn Văn Viên bị bắt rồi treo cổ tự tử trong tù cũng làm Minh trăn trở đến cả tháng trời. Với Viên, Minh có khá nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Huống chi hai năm hoạt động trong Thành Bộ, Viên là người lãnh đạo trực tiếp của Minh. Minh cũng là người đầu tiên được Viên trực tíêp kể cho nghe vụ ám sát Réne Bazin và dặn anh phải viết lại câu chuyện này cho đời sau tường tỏ.

Một buổi chiều Minh ở tòa soạn về, tạt ngang sạp hàng của ông Sửu định đưa cho ông tờ báo mới. Thấy ông đang có khách, trả giá mua một cái mũ nồi cũ. Minh đứng tần ngần một chút, toan băng ngang đường leo lên gác thì vui mừng nhận ra người khách ấy chính là Lê Hửu Cảnh. Minh buột miệng kêu lên:

- Ơ! Anh Cảnh! Đi đâu lang thang đến chốn này!

Cảnh ngẫng lên làm bộ ngạc nhiên:

- Minh đấy ư? Tôi vừa ở Ô Chợ Dừa lại thẳng đây! Tôi nhớ láng máng hình như cậu ở quanh đâu đây, phải không?

Minh hiểu ý, khẻ gật đầu:

- Vâng! Em thuê gác trọ bên kia đường!

Thật ra thì Cảnh đã đến căn gác của Minh nhiều lần và hôm nay anh ghé ngang đây cốt để chờ Minh. Minh cũng từng kể qua cho Cảnh biết về hoàn cảnh và tâm sự của ông Sửu, nên Cảnh dù gặp ông lần đầu mà đã thấy như biết ông ấy từ lâu. Tuy vậy, Cảnh vẫn cẩn trọng bởi thời buổi này lòng người thay đổi trắng đen, không biết thế nào mà lường. Có người mới hôm trước còn là đồng chí, hôm sau lại là tay sai cho thực dân, dẫn mật thám đi bắt bạn bè của mình. Bao nhiêu bài học đắng cay của Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng như Đông Dương Cộng Sản Đảng đang diễn ra từng ngày, khiến Cảnh không thể không dè dặt.

Cảnh lúc này không còn làm trong cong xưởng hỏa xa nữa vì sở đã báo cho mật thám biết là Cảnh vắng mặt thường xuyên, không thể không nghi ngờ hành tung của Cảnh. Ông không dám về nữa. Ông phải cải trang, đóng nhiều vai trò khác nhau và thay đổi chỗ ngủ hàng đêm. Nắng gió và cuộc sống thất thường đả làm Cảnh gầy và đen, nhất là ánh mắt lúc nào cũng toát ra nỗi ưu tư.

Hôm qua Cảnh ở Yên Bái về, bỗng nhớ đến Minh, nên hôm nay tìm gặp để hàn huyên cho vơi bớt nỗi sầu đang nặng trĩu trong lòng.

Cảnh trả tiền mũ cho ông Sửu rồi chụp ngay cái nón đen lên đầu, kéo thấp xuống, che gần nữa khuôn mặt. Minh trao cho ông Sửu tờ báo rồi giới thiệu vội vã:

- Anh Cảnh đây là anh họ của tôi! Anh em lâu ngày mới gặp nhau!

Cảnh gật đầu chào ông Sửu, nhưng không nói gì. Ông Sửu lễ phép cúi đầu chào lại. Minh nói thêm với Cảnh:

- Còn ông Sửu đây thì cũng như chỗ người nhà. Anh có cần nhắn gì em thì cứ bảo ông ấy một tiếng! Em nói phòng xa, anh đến tìm em mà không gặp.

Ông Sửu nhìn Minh bằng ánh mắt dịu dàng như thầm nói cám ơn về sự tin tưởng của Minh. Bấy giờ Cảnh mới quay sang nói với ông Sửu:

- Cậu em tôi đây cũng hay nhắc đến ông luôn! Thời buổi này tìm được người tri kỷ không phải là dễ, có phải không ông?

Ông Sửu khách sáo đáp:

- Thưa ông! Quả có như thế ạ! Tôi may mắn được làm quen với thầy Minh. Thầy là nhà báo học rộng hiểu nhiều, thành ra đầu óc tôi cũng vỡ ra được lắm thứ hay!

Minh vỗ vai ông Sửu:

- Không dám! Không dám! Ông nói quá lời!

Rồi Minh nói vài lời giã từ và kéo tay Cảnh băng ngang đường. Anh bảo Cảnh:

- Lên gác ngồi nói chuyện anh nhé! Em đang mong anh mà chả biết tìm anh ở đâu! May quá hôm nay gặp!

Phố chiều không đông lắm, mặc dù là giờ tan sở. Khu này dân cư thưa thớt mà đa số là thành phần lao động chân tay, khiêng thuê vác mướn, buôn thúng bán bưng, nên đâu có giờ giấc cố định.

Trước đề nghị của Minh, Cảnh ngần ngừ không trả lời ngay. Anh cũng muốn lên gác trọ của Minh ngồi nói chuyện cho vắng vẻ. Nhưng lúc này anh như con chim đậu cành mềm, vào nhà ai cũng sợ bị theo dõi rồi vây bắt, thành ra anh đảo mắt nhìn hai bên đường rồi bảo nhỏ Minh:

- Đi chỗ khác tiện hơn là lên gác. Ngộ nhỡ …

Minh hiểu ý gật đầu:

- Vâng. Thế thì đi. Để em xem đi đâu bây giờ? Ừ! Hay là đi ăn cao lâu anh nhé? Phải đấy. Lâu lắm rồi chả có bửa ăn nào cho ra hồn!

Cảnh cười:

- Nhà báo như cậu, tiền đâu mà ăn cao lâu? Nhưng mà tùy cậu. Ngồi chỗ nào nói chuyện. Miễn là không bị theo dõi!

Minh trấn an:

- Anh yên lòng. Hiệu ăn đông khách lắm mà chả có ai chú ý vì toàn là khách ở trong các nhà hát ra. Văn nhân công tử đủ mặt!

Hai người thả bộ dọc theo Phố Khâm Thiên đến một hiệu ăn mới mở gần rạp hát Vĩnh Lạc. Thực khách không đông lắm. Minh đưa Cảnh vào sâu ở góc trong, sát bên cái cửa sổ rộng. Theo thói quen, Cảnh thò đầu ra hẳn ngoài cửa sổ quan sát để đề phòng nếu mật thám ập vào thì ông sẽ nhảy qua đó mà trốn. Cảnh bỏ mũ để thiên hạ khỏi chú ý, nhưng anh ngồi quay mặt vào vách. Minh gọi vài món ăn rồi nhập đề bằng giọng nho nhỏ vừa đủ hai người nghe:

- Ít lâu nay anh đi đâu? Em có ghé chỗ anh làm, nhưng người ta bảo anh nghỉ rồi. Muốn lại nhà tìm anh, nhưng ngại quá! Em thì vẫn còn ở tòa báo. Hàng ngày, bao nhiêu tin tức dồn dập, làm em sốt ruột quá anh ạ!

Cảnh bưng cốc nước trà nóng, xoay xoay trong tay, cúi đầu đáp:

- Tôi vẫn đi lanh quanh, nay chỗ này, mai chỗ khác! … Cậu sốt ruột một, tôi sốt ruột mười! Tôi chả phải kể cậu cũng biết, tôi như người ngồi trên đống lửa! Từ dạo tháng 5 đến bây giờ, sau Hội Nghị Đức Hiệp mà tọi đưa cậu về dự, Tổng Bộ chả còn liên lạc gì với tôi. Tôi biết Tổng Bộ đang chuẩn bị tổng khởi nghĩa, mà tôi chả thấy ai giao công tác gì cả!

Minh nén tiếng thở dài chen vào:

- Em cũng thế! Tổng Bộ ít người biết em đã đành, mà ngay cả Thành Bộ, từ khi anh Viên bị bắt và hy sinh trong tù, em trở thành lạc lõng quá! Tổ đảng chả còn ai hỏi han gì đến em nữa!

Cảnh ngậm ngùi nhận xét:

- Có thể là vì các đồng chí ấy cho rằng cậu theo phe của tôi, nên họ ngại tiết lộ kế hoạch của đảng!

Yên lặng một lúc, Cảnh hỏi:

- Cậu bảo, cậu ngồi ở tòa báo, bao nhiêu tin tức dồn dập, là những tin gì?

Minh chưa kịp trả lời thì nhà hàng mang thức ăn ra. Cảnh đang đói nên vội vàng làm dấu Thánh giá rồi cầm đũa gắp ngay. Chờ bồi bàn đi khỏi, Minh mới nói:

- Biết bao nhiêu tin tức quan trọng mà toàn là tin buồn. Bắt bớ, xử án, kho vũ khí bị phát giác. Tin nào về đến tòa báo cũng làm em đứt ruột!

Cả hai đều im lặng bùi ngùi. Nhưng chỉ một phút sau, Cảnh xòe bàn tay và vui vẻ bảo Minh:

- Cậu ăn đi đã chứ! Cậu để tôi ăn một mình hay sao? Từ nãy đến giờ, cậu chưa động đũa! Làm tôi gắp mãi cũng thấy ngượng!

Minh cười buồn đáp:

- Lâu lắm em mới được mời anh ăn với em một bửa cơm xoàng! Xin anh cứ tự nhiên cho!

Rồi Minh kể:

- Hôm mùng 10 tháng 10, nghĩa là cách nay một tháng, tòa án Nam triều họp ở Vinh, tuyên án tử hình vắng mặt mấy nhân vật cộng sản. Chắc là do sự thúc giục của Pháp …

Cảnh gật đầu ngắt lời:

- Tôi biết. Xử tử hình khiếm diện Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Hồ Tùng Mậu, Trần Văn Cung. Cả Lê Duy Điếm và Tổng Oánh nữa. Tổng Oánh thì tôi quen từ thuở chưa gia nhập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội.

Minh nhấn mạnh:

- Cái mà em muốn nói đây là em vẫn nhớ đề nghị của anh ở hội nghị Đức Hiệp hồi tháng 5. Anh Học, anh Nhu và tổng bộ của mình phải ra nước ngoài giống như Tổng bộ VNTNCMĐCH! Đấy anh xem! Tuyên án tử hình vắng mặt thì cũng như không, chỉ càng làm cho mấy ông ấy được quần chúng chú ý thêm mà thôi! Tiếc là anh Học cứng rắn quá!

Cảnh chớp mắt như sắp khóc, Việt Nam Quốc Dân Đảng là một đảng cách mạng chủ trương bạo động, dùng vũ lực để đánh đổ thực dân Pháp. Cảnh vẫn biết như thế ngay từ buổi đầu khi chưa gia nhập. Nhưng ông vẫn không đồng ý với cách tổ chức quá vội vả của tổng bộ, dường như không tính đến chuyện đường dài. Hy sinh tính mạng cá nhân thì Cảnh không tiếc, như lời thề khi tuyên thệ gia nhập Đảng. Nhưng việc hy sinh đó là nền tảng vững chắc để những đồng chí kế tục tiến lên mà giành lấy thành công thì mới có ý nghĩa. Chứ hy sinh chỉ để gây tíêng vang thì thực là phí phạm lòng yêu nước. Cảnh không buồn vì bị tổng bộ hất hủi mà buồn vì nhìn thấy trước trong tình hình hỗn tạp này, thế nào đảng trưởng Nguyễn Thái Học cũng bị bắt, mà Nguyễn Thái Học bị bắt thì đảng sẽ tan vỡ. Trong tâm thức của người Á Đông, đảng chính là lãnh tụ. Lãnh tụ còn thì đảng còn. Lãnh tụ mất thì đảng cũng sẽ biến theo! Bởi thế, Nguyễn Thái Học không thể coi nhẹ con người của mình như bất cứ đảng viên nào khác.

Minh dè dặt hỏi:

- Anh tính sao bây giờ anh Cảnh? Anh có định ra nước ngoài không? Em nghe nói anh Nghiệp đang gây dựng cơ sở bên Vân Nam …

Cảnh cắt ngang:

- Cậu cũng biết chuyện ấy ư? Việc ấy thì tôi biết khá rõ. Anh Huân cũng có bàn với tôi và lúc đầu tôi cũng có nghĩ đến việc tạm lánh sang Tàu. Nhưng bây giờ tôi quyết định ở lại cùng tham gia tổng khởi nghĩa với anh em!

Minh ngạc nhiên tròn mắt nhìn Cảnh:

- Nhưng có ai dùng anh đâu?

Cảnh nhún vai đáp:

- Mình làm gì được thì cứ làm, đóng góp được gì thì đóng góp! Vì đảng vì dân mà làm. Bất đồng nội bộ chỉ là chuyện thường tình. Huống chí, nếu tôi bỏ đi lúc này thì các đồng chí ở Tổng bộ lại càng nghi hơn!

Nghe câu nói khảng khái, Minh lại càng cảm phục Cảnh. Quả thực mấy tháng vừa qua, Cảnh đã trăn trở đến nát óc, nhiều lần định sang Tàu hay sang Xiêm, nhất là khi ông nhận được mật tin các hoạt động của Nguyễn Thế Nghiệp bên kia biên giới.

Lùi lại 2 năm về trước, khi nhóm Nam Đồng Thư Xã thành hình tại Hà Nội, cử người đi kết giao hào kiệt thì gặp Nguyễn Thế Nghiệp là một nhân vật trí thức đang nung nấu đầu óc cách mạng tại Bắc Ninh. Ông nhận lời tham gia Nam Đồng Thư Xã và khi biến thành Việt Nam Quốc Dân Đảng thì ông có mặt trong tổng bộ lâm thời, nhiệm kỳ đầu tiên, giữ vai trò phó chủ tịch cho Nguyễn Thái Học. Vốn chủ trương cách mạng đường dài, ngay sau đó Nguyễn Thế Nghiệp vào Sài Gòn xuất bản tờ báo tiếng Pháp Revue Économique để làm tiếng nói đấu tranh và tạo vị thế cho mình để gặp gở các nhà trí thức yêu nước khác. Qua tờ báo, Nguyễn Thế Nghiệp bắt liên lạc được với một vài nhân vật chủ chốt trong nhóm Phục Việt, chẳng hạn như Vũ Đình Dy và Quang Minh Nguyễn Văn Ngọc. Nghiệp bàn việc kết họp lại dưới bãng hiệu Quốc Dân Đảng, nhưng chuyện không thành. Nghiệp lại trở ra Hà Nội và khi tổng bộ Quốc Dân Đảng bầu ban chấp hành nhiệm kỳ 3, chia làm 2 ban: Lập pháp và hành pháp thì Nguyễn Thế Nghiệp là chủ tịch bên Hành Pháp trong khi Nguyễn Khắc Nhu phụ trách bên Lập Pháp, có Nguyễn Thái Học làm phụ tá. Đầu năm 1929, sau khi Bazin bị ám sát, mật thám Pháp mở cuộc càn quét, bắt giữ hầu hết các nhân vật trọng yếu của Quốc Dân Đảng, thì Nguyễn Thế Nghiệp cũng nằm trong đám người không may đó. Tháng 7, Hội đồng đề hình xử án tập thể, Nghiệp bị tuyên án 10 năm cấm cố, chuẩn bị lên đường lưu đày vào tháng 8 cùng với 45 đồng chí khác.

Tuy đã tống vào tù được đa số các yếu nhân Quốc Dân Đảng, nhưng mật thám Pháp vẫn chưa hài lòng vì Nguyễn Thái Học và Xứ Nhu còn thong dong bên ngoài, nghĩa là cái nguy cơ nổi dậy vẫn còn nguyên. Lúc ấy, tên thực dân Brides, xuất thân là công sứ - tức là quan đầu tỉnh về phía chánh quyền Pháp, song hành với tuần phủ về phía Nam triều – vừa thăng làm giám đốc chính trị và hành chánh. Brides được bổ nhiệm đứng đầu “hội đồng đề hình”, tức là chánh án tòa đặc biệt chuyên xử những vụ án chính trị. Với nhiệm vụ mới này, Brides dùng hết nỗ lực để bắt cho bằng được Nguyễn Thái Học. Hắn đã từng ép Trúc Khê Ngô Văn Triện viết thư dụ hàng Nguyễn Thái Học rồi nhờ hai chị em cô Nhu và Uyễn của Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội trao thư cho cô Giang để cô Giang đưa lại cho Nguyễn Thái Học. Chuyện không thành, dẫn đến chuyện ám sát Nhu Uyễn do chính nhóm Cộng Sản ra tay ở Hải Phòng hồi cuối tháng 5. Sau vụ thất bại ấy, Brides lại càng bực bội hơn, đêm ngày không ngơi nghỉ nghĩ kế bắt Nguyễn Thái Học.

Biết được ưu tư sâu xa của Brides, Nguyễn Thế Nghiệp liền nghĩ ra một kế khá bất ngờ. Ông gặp riêng Brides và đề nghị Brides thả ông ra. Ông sẽ thuyết phục cho Nguyễn Thái Học về đầu thú chánh quyền bảo hộ.

Vốn là người giỏi tiếng Pháp, lại từng là chủ tịch ban Hành Pháp của Quốc Dân Đảng – nghĩa là tương đương với chức vụ đảng trưởng – Nguyễn Thế Nghiệp lung lạc được Brides một cách tương đối dễ dàng, vì tin là Nguyễn Thế Nghiệp có vị thế lớn để nói chuyện với Nguyễn Thái Học. Hơn thế nữa, trong cách suy nghĩ của Brides thì việc bắt lại Nguyễn Thế Nghiệp cũng không khó nếu Nghiệp không làm được việc.

Tháng 8 năm 1929, thực dân phát vãng các tù nhân Quốc Dân Đảng đã bị tuyên án tháng trước, lên đường đi Côn Đảo. Nguyễn Thế Nghiệp cũng nằm trong danh sách ấy, nhưng thay vì đày ông đi biệt xứ, thanh tra Brides cấp giấy tờ tùy thân và tiền bạc rồi thả tự do cho Nghiệp để ông bí mật đi gặp đảng trưởng Nguyễn Thái Học.

Ra khỏi tù, dĩ nhiên Nguyễn Thế Nghiệp không tìm Nguyễn Thái Học. Ông lên thẳng Lào Kai, tìm đến đồng chí Nguyễn Kim Ngữ để nhờ ông này đưa sang bên kia biên giới. Nguyễn Kim Ngữ lúc ấy là chi bộ trưởng Lào Kai, người có công kết nạp và thành lập rất đông đảng viên Quốc Dân Đảng từ năm 1928. Lào Kai có đến gần 10 chi bộ Việt Nam Quốc Dân đảng, kể cả những châu bản người thiểu số. Gia đình Nguyễn Kim Ngữ chuyên sống bằng nghề buôn lậu thuốc phiện từ Lào Kai sang bên kia biên giới và ngược lại, cho nên đường đi nước bước Ngữ rất rành. Ngữ giắt Nghiệp sang Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Tại đây, Ngữ lấy một cái tên mới nghe có vẻ Tàu là Trương Nguyên Minh, rồi tức tốc làm quen và vận động kiều bào, kết họp những nhóm cách mạng lẻ tẻ đang có mặt trên đất Trung Hoa. Ba tháng sau, ông thành lập được “Việt Nam Quốc Dân Đảng Vân Nam Đạo Bộ”. Bấy giờ ông mới cho người về Việt Nam thông báo cho Nguyễn Thái Học và Tổng bộ Quốc Dân đảng. Cũng nhờ có lực lượng Nguyễn Thế Nghiệp ở Vân Nam mà sau này khi cuộc tổng khởi nghĩa thất bại, các đồng chí từ quốc nội thoát ra, mới có sẳn cơ sở để tiếp tục.

Giữa lúc Nguyễn Thế Nghiệp gây dựng cơ sở Quốc Dân Đảng tại Vân Nam thì Lê Hửu Cảnh từ Hà Nội lên Yên Bái để gặp cô Giang. Một vài đồng chí trong nhóm “cải tổ” từng bàn với Cảnh về việc trốn qua biên giới gặp Nguyễn Thế Nghiệp vì ai cũng biết ngay từ buổi đầu Nguyễn Thế Nghiệp đã có khuynh hướng ôn hòa, chủ trương đấu tranh đường dài giống như phần đông các nhà văn, nhà báo trong đảng. Nhưng Cảnh suy đi nghĩ lại rồi quyết định không đi. Tổng bộ đã dứt khoát ở lại để đồng lao cộng khổ, chả nhẽ ông lại yếu đuối trốn sang vùng an toàn! Là Hạ sĩ quan Pháp đã giải ngũ, Cảnh đã đứng ra thành lập được một số chi bộ nhà binh tại Hà Nội. Đó là chưa kể một vài xưởng chế tạo bom cũng do ông gầy dựng và huấn luyện. Ông vẫn bí mật gặp gở họ và động viên họ giữ vững tinh thần, chờ lệnh khởi nghĩa của Đảng. Nguyễn Thái Học và Xừ Nhu không tin Cảnh nữa, nhưng không vì thế mà ông bỏ đảng hay tìm cách xa lánh. Ông lên Yên Bái gặp cô Giang lúc này đang làm công tác binh vận, đưa đồn lính Khố Xanh về với Quốc Dân Đảng. Cô mở gian hàng nhỏ bán mía và một vài thứ kẹo bánh lặt vặt chênh chếch cửa đồn lính Khố Xanh để dễ dàng gặp gở anh em binh sĩ trong đồn. Cô vốn nễ Cảnh lớn tuổi, từng là cố vấn cho Nguyễn Thái Học và nhất là từng vun đắp cho cuộc tình của cô với Nguyễn Thái Học, nên mỗi lần gặp Cảnh, cô đều bày tỏ nỗi lòng quí mến sâu xa. Giờ đây, dù biết rõ giữa Cảnh và tổng bộ có chút bất đồng, cô vẫn thản nhiên như thường lệ. Vừa gặp Cảnh, cô rót mời Cảnh bát nước chè rồi ưu tư nói ngay:

- Nguy to rồi anh Cảnh ơi! Mấy tháng nay mà hàng loạt xưởng chế tạo bom của mình ở Bắc Giang bị địch khám phá. Chắc có đứa nào nó tố!

Cảnh ngắt lời:

- Bị địch khám phá đã đành mà đau đớn nhất là xưởng bom nhà ông Trạm tự dưng phát nổ. Có lẽ vì kho chứa nóng quá! Các đồng chí ấy không để ý! Cả ba đồng chí đều bị bắt cả dù đang bị thương nặng! Trường hợp này thì làm gì có ai tố cáo! Cũng chẳng phải vì các đồng chí ấy chế bom bất cẩn, mà chỉ vì chưa có kinh nghiệm!

Cô Giang nhập đề thẳng:

- Vâng! Tôi cũng cho là thế …. Anh Cảnh ạ! Anh từng ở trong nhà binh đã lâu, kinh nghiệm có thừa. Hay là anh chịu khó về Bắc Giang giúp các đồng chí ấy.

Cảnh uống cạn bát nước, phân vân suy nghĩ. Cô Giang lại giục:

- Hay là anh đang bận công tác gì khác thì thôi vậy!

Cảnh thú nhận:

- Không, tôi có bận gì đâu! Nhưng Tổng Bộ không giao nhiệm vụ, tôi gặp các đồng chí ấy thế nào được!

Cô Giang hiểu ra, thở phào bảo Cảnh:

- Để tôi viết cho các đồng chí ấy mấy chữ. Anh cầm đưa cho họ!

Cảnh lắc đầu:

- Cảm ơn chị. Nhưng chị không nên viết gì cả. Nói đúng ra thì tôi không nên mang theo bất cứ giấy tờ gì có nét chữ của chị. Nhỡ chẳng may …

Cô Giang gật đầu:

- Anh nói đúng đấy. Để tôi gửi anh cái lượt làm tin. Anh đưa cho họ, họ biết ngay là của tôi. Anh cứ vào làng Mỹ Điền, hỏi nhà ông Tự. Ông ấy là chú họ của tôi.

Cảnh hài lòng nhận lời:

- Vâng. Sáng mai tôi về Hà Nội thu xếp vài công việc, rồi đi Bắc Giang ngay!

Cảnh ngồi lại trao đổi với cô Giang về kinh nghiệm binh vận mà ông cho là yếu tố sinh tử quyết định trong cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới bởi họ có vũ khí trong tay. Ông nán lại Yên Bái một đêm rồi hôm sau quay về Hà Nội.

Ở Hà Nội hai ngày. Cảnh tiếp xúc với một số chi bộ nhà binh do ông thành lập trước đây. Lúc đi lang thang qua Ô Chợ Dừa, Cảnh bổng nhớ đến Minh. Ông đến sạp hàng ông Sửu ngồi vì ông muốn gặp Minh tối nay để sáng mai sẽ lên đường đi Bắc Giang.

Ăn xong bửa cơm, Minh mới hỏi Cảnh:

- Theo anh thì bây giờ em phải làm gì?

Cảnh đắn đo một chút rồi đáp:

- Tôi cũng chả biết khuyên cậu thế nào. Theo nguyên tắc, thì cậu phải sinh hoạt với tổ đảng. Nhưng cậu bảo là tổ đảng chả ngó ngàng gì đến cậu. Cậu cũng không phải là người của Tổng Bộ, thành ra …

Minh cười buồn ngắt lời:

- Thành ra em là đứa con vô thừa nhận!

Minh gọi bồi bàn tính tiền rồi anh em bước ra cửa.

Hai người sánh vai đi bên nhau. Ngang qua một nhà hát cô đầu, cả hai cùng im lặng lắng nghe tiếng ngâm, tiếng phách vọng ra trong khu phố vắng người qua lại:

- Trăm năm ai chẳng bạc đầu

- Mười điếu ai có hay đâu cả mười!

Minh châm điếu thuốc rồi hỏi Cảnh:

- Anh còn ở lại Hà Nội lâu không? Thỉnh thoảng ghé em chơi. Em muốn tìm anh, cũng chả biết tìm ở đâu!

Cảnh đáp nhỏ:

- Mai tôi đi xa rồi. Lên Bắc Giang!

Minh ngạc nhiên hỏi lại:

- Anh sang làm gì bên ấy? Mấy xưởng chế bom của ta bên ấy vừa bị lộ. Chúng nó bắt cả lọat. Anh sang bên ấy lúc này thì nguy hiểm lắm!

Cảnh im lặng, không phân trần. Ông nhớ lại lúc từ giã cô Giang ở Yên Bái, cô tha thiết bảo:

- Anh Cảnh! Em biết anh Học và vài anh ở Tổng Bộ đang buồn anh. Nhưng em hiểu anh và lúc nào em cũng đặt hết tin tưởng ở nơi anh!

Câu nói chân tình ấy làm Cảnh xúc động lên tinh thần vì lấy lại được nghị lực phấn đấu, giống như kẻ cô đơn gặp được bạn đồng hành trên đoạn đường thăm thẳm. Vì vậy, dù biết chuyến đi Bắc Giang có thể gặp nguy hiểm. Cảnh vẫn mạnh dạn lên đường theo yêu cầu của cô Giang.

Tới một con hẽm nhỏ, Cảnh bắt tay từ giã Minh và lầm lũi rẽ vào.

Minh ái ngại đứng trông theo cho đến khi bóng Cảnh khuất hẳn ở một khúc đường cong. Minh tự hỏi: Những người trốn tránh như Cảnh, rồi đây sẽ kéo dài được bao lâu trước khi sa lưới mật thám Pháp? Anh bổng thấy quyết định tổng khởi nghĩa của Tổng Bộ là sáng suốt trong cái thế chẳng đặng đừng hiện nay. Thà đánh một trận lớn rồi có chết cũng vinh quang. Còn hơn cứ nơm nớp chờ đợi tai họa rồi cũng chết dần chết mòn trong nhà tù sau những cực hình tra tấn man rợ của địch!

Chia tay Lê Hửu Cảnh rồi, Minh trở lại cuộc sống đều đặn và buồn tẻ như thường lệ. Ngày hai buổi đến tòa báo, đóng vai một tư chức cần mẫn để tránh sự chú ý của bất cứ ai. Giờ này, Minh bắt đầu ngờ vực lung tung. Ngay cả các đồng nghiệp thân quen trong tòa soạn cũng có thể có người sẳn sàng làm tai mắt cho giặc. Anh nhớ lời dặn dò của Cảnh, giảm bớt mọi giao tiếp và viết lách cũng cẩn trọng hơn. Trong thâm sâu Minh bực bội lắm. Bực bội chính mình đến độ lắm khi thấy xấu hổ. Cái hăng hái, cái can đảm của tuổi trẻ trong Minh dường như cứ nhụt dần. Thời còn đi học, Minh nổi tiếng là một học sinh ngang tàng, dám làm dám chịu. Nay thì chỉ còn là một người thư ký an phận, sáng vác ô đi tối vác về để trả nợ áo cơm.

Một buổi chiều đi làm về trên phố Khâm Thiên. Gần tới hiệu thuốc Bắc Vĩnh An Đường. Minh bỗng giật mình thấy một cô gái bưng chậu nước ra đường. Minh đứng khựng lại, nép vào một gốc cây để nhìn cho rõ, vì anh vừa nhận ra Duyên! Anh dụi mắt, nhìn kỹ lại và quả thực anh không lầm. Cô gái ấy chính là Duyên. Minh tự hỏi: Duyên từ Hải Ninh lên đây làm gì? Sao lại ở trong tiệm thuốc Bắc này? Anh đứng thẳng người, bàn tay phải đặt lên ngực, nghe rõ trái tim mình đập thình thịch. Anh thấy Duyên quay vào nhà cất cái thao rồi lại trở ra ngay. Lần này Duyên bưng mẹt thuốc phơi trên sân gạch vô nhà và không quay ra nữa.

Duyên vấn tóc trần, mặc áo cánh nâu, yếm trắng, quần đen và đi chân đất. Toàn thân vẫn toát ra cái vẻ hiền lành của một cô gái quê còn xa lạ với thị thành. Nét đổi thay duy nhất Minh thấy ở Duyên hôm nay là cô không mặc váy giống như đa số con gái dưới Hải Ninh. Hà Nội vài năm nay đang bắt đầu nhem nhúm những ý tưởng cách mạng về nữ quyền. Tuy vậy, con gái tân thời dám mạnh dạn từ bỏ lối sống cũ, vẫn còn ít ỏi lắm. Chẳng hạn cạo răng trắng là một hành động được coi là rất táo bạo, thường bị xã hội lên án là “me Tây”, nghĩa là lấy chồng lính Pháp. Hoặc thanh niên nam nữ yêu nhau, hẹn hò ở bờ hồ Hoàn Kiếm, cũng rất ít khi xảy ra vì thiên hạ đi ngang sẽ đăm đăm nhìn và lắm khi ngứa mồm bình phẩm vài lời độc ác! Nói chung thì giữa một cô gái quê như Duyên hoặc một tiểu thư con nhà giàu Hà Nội, cái khác biệt chỉ là ăn mặc bề ngoài. Còn nét đoan trang khép nép thì vẫn giống như nhau.

Minh chờ thêm một lúc rồi lặng lẽ bước đi. Cái quá khứ êm đềm ở làng Hải Ninh ùa về rất nhanh trong đầu Minh. Từ khi anh đến ngồi học chữ Nho ở nhà ông giáo Lương cùng với Tân, rồi mấy năm xuống Hà Nội học trường cao đẳng đến khi vào tù và bị đuổi. Suốt quãng thời gian khá dài ấy, gia đình ông giáo Lương và bố mẹ Minh vẫn có ý vun đắp cho cuộc hôn nhân của Minh và Duyên. Nhất là Duyên thì luôn luôn mong đợi cho cái ngày cô được về nâng khăn sửa túi cho Minh. Nhưng thời cuộc nhiễu nhương, Tân mất sớm và Minh tham gia Quốc Dân Đảng, ít khi có dịp về làng. Chuyện tình giữa anh và Duyên vì vậy cũng nhạt dần dù anh chẳng nói ra. Anh biết ông bà Lương thất vọng lắm. Duyên lại càng não nề hơn. Nhưng họ đều là những người tự trọng, không ai nhắc đến việc ấy nữa. Lắm khi nghĩ đến Duyên, Minh cũng cảm thấy nao nao tội nghiệp và anh mong có một lần nào gặp riêng Duyên để nói vài lời ân hận về thái độ lấp lửng của mình.

Hôm nay tình cờ nhìn thấy Duyên ở Hà Nội, trong căn nhà xa lạ nằm ngay trên một con phố gần gác trọ của Minh, anh hiểu ngay Duyên lên đây không phải để đi làm thuê làm mướn, giúp việc cho người ta. Giấy rách phải giữ lấy lề! Đời nào ông bà giáo lại để cho Duyên tha phương cầu thực như vậy! Huống chi so với đa số dân làng Hải Ninh thì gia đình Duyên cũng thuộc vào hàng khá giả, của ăn của để, đâu đến nỗi phải bỏ làng đi kiếm cơm! Minh biết Tân trước đây theo VNTNCMĐCH, từng có lần rũ Minh cùng hoạt động. Rồi anh lại nghe tin tự dưng Hậu biến mất khỏi làng, ai cũng tin cô tự tử, nhưng không thấy xác! Bây giờ đến Duyên thoát ly. Như vậy thì chắc hẳn Duyên cũng ở trong tổ chức của Tân và Hậu. Và như vậy cũng có nghĩa cái hiệu thuốc Bắc Vĩnh An Đường kia chính là một cơ quan của VNTNCMĐCH, đang lột xác trở thành Đông Dương Cộng Sản Đảng. Quanh Minh và rải rác khắp nơi tại thủ đô, có biết bao nhiêu tư gia, bao nhiêu hiệu buôn, ngày ngày sinh hoạt bình thường, chỉ đến khi bị mật thám vào bắt, thì người ta mới biết đó là những địa điểm cách mạng, hoặc Quốc Dân Đảng hoặc Cộng Sản Đảng.

Đã gần hai năm không về Hải Ninh, nghĩa là không nhìn thấy Duyên. Minh chẳng bao giờ ngờ Duyên bây giờ tá túc ngay gần nhà Minh. Anh nghĩ đến biết bao nhiêu nam nữ như Hậu như Duyên và như chính bản thân anh, đang lặng lẽ lao vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho xứ sở. Hàng loạt người đang chịu cực hình tra tấn trong nhà ngục. Hàng loạt người khác đang bị lưu đày đi biệt xứ và bao nhiêu người đã nằm xuống như Tân. Bất giác Minh thở dài bước những bước nặng nề trên con phố nắng chiều đang tắt dần.

Sáng hôm sau vừa thức giấc, Minh nhớ ngay đến Duyên. Lúc còn ở Hải Ninh, Minh không chú ý đến Duyên, dù thuở mới lớn anh không hề phản đối việc hôn nhân do hai nhà sắp đặt. Nay gặp lại ở Hà Nội, anh bổng thấy cái tình hàng xóm nảy nở đậm đà hơn gấp bội, theo cái cảm giác “viễn khách tha hương ngộ cố tri”. Vì vậy, từ gác trọ đến tòa báo, lẽ ra chẳng cần đi ngang hiệu thuốc Vĩnh An Đường, nhưng Minh vẫn thả bộ về hướng ấy, mua thêm một đoạn đường, hy vọng gặp Duyên.

Hiệu thuốc Bắc vừa mở cửa, chưa có ai vào mua thuốc hay bắt mạch. Minh ngước nhìn tấm bảng hiệu nhỏ bằng gỗ mộc, đóng bên cạnh cửa ra vào, vừa chữ Tàu vừa chữ ta, vẽ cái tên Vĩnh An Đường rất thô sơ. Phía dưới ghi thêm:”Bắt mạch và bán các loại thuốc cao, đơn, hoàn, tán”. Minh xách cặp đen, mặc Âu phục như thường lệ, thong dong bước vào. Người đàn ông đứng sau quầy đang xếp mấy hủ thuốc cho ngay ngắn. Đó là ông lang Chu chủ nhà mà Minh có nhìn thấy đôi lần mỗi khi đi ngang, nhưng chưa bao giờ chú ý. Ông mặc bộ quần áo ta, giống như bộ pyjama may đơn giản bằng vải nội hóa màu trắng đục, chân đi guốc mộc và hớt tóc ngắn. Kệ thuốc sau lưng ông bày la liệt những hộp, chai, lọ, bình, từ dưới đất lên tới sát trần nhà. Thêm vài hủ rượu ngâm cao hổ cốt đặt trên chiếc bàn nhỏ trong tầm vói của ông. Nhìn tổng quát cửa hàng, người ta có thể đoán đây là một cơ sở làm ăn đang phát đạt.

Thấy Minh, ông ngẩng lên, lễ phép hỏi:

- Chào ông! Ông cần gì ạ?

Minh đã chuẩn bị sẳn, làm bộ ho mấy tiếng và đáp:

- Tôi muốn mua một lạng cam thảo. Mấy hôm nay bị khản cổ!

Vừa nói, Minh vừa liếc sâu vào bên trong, nhưng không thấy ai.

Chủ nhân ân cần nói:

- Vâng! Cam thảo thì hiệu chúng tôi có loại tốt lắm, mới về. Nhưng ông bị khản cổ thì ngoài cam thảo ra, chúng tôi có thuốc tán. Ông chỉ việc khoắng với nước uống, uống độ ba bận là khỏi hẳn! Cam thảo thật ra chỉ để thông đờm mà thôi! Thuốc tán mới chửa được khản tiếng!

Minh vui vẻ câu giờ:

- Vâng. Thế thì xin ông luôn thể!

Chủ nhân quay lại, với tay lấy cái hủ trên kệ, mở nắp lấy một gói trao cho Minh và dặn

- Thứ này dễ uống lắm ông ạ! Ngọt như đường phèn, có chút vị cay bạc hà. Ông chia làm hai lần. Nhớ là phải pha nước ấm!

Chủ nhân đặt gói thuốc trên quầy, trước mặt Minh, rồi cười bảo:

- Cam thảo thì lúc nào cũng có sẳn, nhưng ông chờ tôi một tí. Tôi thái củ mới cho ông. Chả gì ông cũng mở hàng ….

Minh cũng cười lại và lên giọng lớn hơn, hy vọng Duyên ở bên trong nghe thấy mà chạy ra:

- Cảm ơn ông! Tôi mở hàng thì thể nào hôm nay ông cũng đắt khách lắm!

Chủ nhân vừa thái cam thảo vừa gợi chuyện:

- Ông ở gần đây hay chỉ đi qua ….

Minh lại vừa nói vừa nhìn vào trong:

- Thưa tôi ở gần đây ….Cũng không gần lắm, nhưng gọi là gần vì cũng trên con phố Khâm Thiên này! Nhờ trời thương, tôi ít ốm đau, thành thử chả có hân hạnh được ghé thăm hiệu thuốc của ông!

Minh thấy câu giờ như thế cũng đã đủ lắm rồi mà Duyên vẫn không nghe thấy, làm anh khá thất vọng. Hay là Duyên không có trong nhà? Cô đi chợ sớm chăng?

Chủ nhân gói những lát cam thảo mới thái xong vào miếng giấy nhật trình, trao cho Minh, Minh trả tiền rồi cố nấn ná thêm chút nữa. Anh nói:

- Tôi đi làm, tối mới về. Cảm phiền ông, nếu có sẳn nước nóng, xin ông cho một cốc, tôi pha thuốc bột uống ngay bây giờ thì tiện hơn cả!

Chủ nhân vui vẻ đáp:

- Có chứ ạ! Ông tính thế cũng phải! Bây giờ phải uống nửa gói. Tối về uống nốt!

Rồi ông quay vào gọi lớn:

- Ly ơi Ly! Đem phích nước sôi ra đây!

Minh hồi hộp đứng đợi. Anh đoán Ly là tên con ông thầy thuốc. Nhưng anh chờ khá lâu, chả thấy ai bên trong trả lời, cũng không thấy ai ra. Chủ nhân quay đầu vào gọi:

- Ly ơi! Đem phích nước sôi ra đây!

Chờ thêm chút nữa, Minh gợi hỏi:

- Nhà ta vắng vẻ quá ông nhỉ! Chắc các anh chị bận đi làm hay đi học sớm!

Chủ nhân làm như không nghe câu nói của Minh. Ông vừa bước vào phía trong, vừa lẩm bẩm:

- Con bé này nó làm gì trong ấy mà gọi mãi không thấy tăm hời đâu cả!

Minh nghe ông nói xầm xì bên trong. Lại có cả giọng phụ nữ làm anh hồi hộp. Nhưng rồi chỉ có ông chủ quay ra, cầm cái bình thủy, rót nước vào cốc cho Minh. Ông khoắng thuốc và giục Minh uống. Ông bảo:

- Còn nửa gói. Tối về ông uống nốt. Mai mà không thấy giảm thì ông đến đây gặp tôi. Tôi cho liều mạnh hơn!

Nói dứt câu ông mới nhận ra Minh không hề khản tiếng. Giọng nói trong trẻo vẫn bình thường. Minh chào ông quay ra cửa. Ông đứng nhìn theo và chợt lo âu, cố nhớ lại vừa rồi, ông có nói điều gì lỡ lời chăng! Biết đâu Minh chả là tay sai của Pháp đếm thăm dò ông! Ông ưu tư mang cái phích nước vào nhà trong thì Duyên cũng vừa từ dưới bếp đi lên, ông nhẹ nhàng trách:

- Làm gì dưới ấy mà gọi mãi không thấy trả lời?

Duyên không nói gì, đôi mắt vẫn đăm đăm nhìn ra cửa vì nét xúc động chưa tan biến hết. Lúc nãy, cô đang rửa mặt sau nhà thì nghe giọng nói quen quen. Cô ngờ ngợ một chút rồi ném cái khăn vải vào thau nước, đứng dậy, tò mò nép sau cánh cửa trông ra. Duyên sửng sốt suýt kêu lên vì nhận ra Minh, người thanh niên đáng lẽ đã là chồng hay ít ra là vị hôn phu của Duyên. Duyên đứng chết cứng tại chỗ, miệng há ra như gặp ma. Cô vẫn biết Minh đi học rồi làm việc ở Hà Nội, nhưng không ngờ Minh lại ở quanh đây, vì cứ như Minh vừa nói với ông Chu thì nhà Minh cũng nằm trên con phố Khâm Thiên này. Khi ông Chu gọi Duyên mang cái phích nước ra cho Minh pha thuốc, Duyên lúng túng chả biết tính sao, đành cứ đứng yên. Ra gặp Minh thì khác nào tự tố cáo mình thoát ly gia đình lên tá túc ở đây. Huống chi, cô vừa thức dậy, áo quần đầu tóc còn lem luốc quá, gặp Minh làm sao được! Tuy chẳng còn hy vọng sẽ làm vợ Minh, nhưng dù sao, Duyên cũng cần tươm tất đôi chút khi tái ngộ người tình thuở nhỏ! Cô cứ phân vân tự hỏi: Không biết có nên gặp lại Minh hay không, mặc dù trong thâm tâm cô rất muốn gặp bởi lúc này cô cảm thấy cô đơn quá!

Duyên xuống Hà Nội đã gần ba tuần lễ mà chả thấy ai liên lạc giao công tác gì cả. Anh thanh niên kéo xe đón Duyên từ nhà ga về đây, đưa vào hiệu thuốc Bắc của ông Chu rồi mất tăm luôn, không có tin tức gì nữa! Duyên sốt ruột lắm, vì chả biết mình ở đây để làm gì. Hôm đầu, ông Chu lôi Duyên xuống bếp ân cần bảo:

- Chị ở tạm đây. Nay mai sẽ có người đến đón chị đi. Cũng có thể là nhà tôi sẽ đưa chị đi. Nghe bảo là xuống Hải Phòng! Nhưng tôi dặn cái này: Trong lúc chờ đợi, chị ở đây với tôi thì chị là cháu tôi. Cháu gọi bằng cậu. Cháu ở nhà quê ra giúp việc cậu mợ. Nhớ đây! Nhà này khách khứa ra vào luôn. Chị nhớ, kẻo xưng hô lung tung là lộ đấy!

Duyên gật đầu đáp:

- Vâng! Tôi nhớ!

Nhận thấy nhà vắng vẻ quá, Duyên tò mò hỏi:

- Thế chị đâu anh? Đi chợ hở anh?

Ông Chu lắc đầu:

- Nhà tôi đi công tác. Chắc độ vào hôm nữa mới về! Với chị thì tôi nói là đi công tác. Nhưng với người ta thì là đi lấy hàng, đi cất thuốc về bán!

Ngừng một chút, ông Chu thêm:

- Đúng ra thì tôi chả nói. Nhưng chị ở đây thì cần nắm rõ tình hình. Chị thấy mấy cái bao tải dưới gầm giường chứ gì? Xương hổ đấy! Nhà tôi lên mạn ngược, mua xương hổ về nấu cao! Cao hổ cốt ngâm rượu của Vĩnh An Đường bán chạy lắm! Ai ốm dậy cũng đòi mua uống cho lại sức!

Duyên tò mò thêm:

- Thành ra nhà này hiện bây giờ chỉ có mình anh?

Ông Chu cười:

- Vâng. Có mình tôi. Với lại bây giờ thêm chị nữa!

Duyên tiếp tục thăm hỏi vài câu, nhưng ông Chu lờ đi, tránh tiết lộ tông tích gia đình. Duyên hỏi chỉ vì xã giao thôi chứ không vì hiếu kỳ. Nguyên tắc của người hoạt động chống Pháp thời ấy là càng ít nói về gia cảnh càng tốt, bởi đôi khi vô tình làm liên lụy đến người thân. Duyên để ý thấy ông Chu cũng có một thứ tác phong giống như Quảng: Lịch thiệp và bình bị. Chỉ khác một chút là nhìn Quảng, Duyên thấy ở ông, một con người có chiều sâu thao thức hơn, trong khi Chu thì có vẻ là một người nặng nề buôn bán, chú tâm làm giàu. Điều này chắc cũng tốt, vì Duyên đoán nhà thuốc là cơ quan kinh tài cho đoàn thể.

Hơn hai tuần lễ trôi qua, ban ngày thì Duyên không nhớ nhà lắm vì phố xá vui mắt và vì cô cũng vẽ ra nhiều việc để làm. Ngoài chuyện dọn dẹp nhà cửa và đi chợ nấu cơm, Duyên được ông Chu chỉ dẫn thêm việc thái thuốc, phơi thuốc, gói thuốc bột thành từng bao nhỏ hoặc viên thuốc tễ thành những cục bi tròn như hòn bi và bọc vào giấy bóng kính. Những công việc lẻ tẻ này, Duyên thấy quen thuộc và nhàn hạ vì chính Duyên cũng sinh ra trong một gia đình thầy thuốc và thỉnh thoảng cô cũng phụ với cha bưng từng mẹt thuốc ra phơi ngoài sân nắng. Lâu lâu trong lúc thu dọn quầy thuốc cho ông Chu, Duyên có dịp bốc trộm một hai quả táo Tàu là thứ mà Duyên vốn mê từ nhỏ.

Ban ngày thì thế, nhưng mỗi khi đêm về, Duyên thấy cô quạnh và nhớ nhà da diết. Duyên vốn là người nặng tình cảm, không cứng rắn như Hậu, cho nên lắm lúc cô thấy thóai chí muốn bỏ cuộc. Nhưng bỏ làm sao được! Đã tuyên thệ vào tổ chức tức là ngồi trên lưng cọp, chỉ có tiến chứ không thể lùi vì bước xuống sẽ bị cọp vồ, bị chính đoàn thể của mình trừng trị. Đêm đêm nằm trăn trở, cô thấy luyến tiếc những ngày thanh thản ở Hải Ninh và rùng mình nghĩ đến Hậu giờ này đang bị đánh đập trong Hỏa Lò. Đã thế, từ hôm đến ở với ông Chu, chả có người nào liên lạc hỏi han gì Duyên. Duyên chẳng hiểu mình ở đây để làm gì. Vai trò của cô chỉ hoàn toàn là một đứa ở không công cho ông Chu. Huống chi trong nhà chỉ có mình cô với một người đàn ông chung đụng sớm tối, rất bất tiện mà ông Chu xem chừng không đứng đắn như Quảng. Càng ngày, ánh mắt ông nhìn Duyên càng toát ra cái vẻ thèm của lạ!

Một hôm, hai người ngồi ăn chung, Duyên bạo dạn hỏi ông Chu:

- Có tin tức gì không anh? Tôi cứ ở đây mãi thế này hay sao?

Ông Chu đắn đo một chút rồi nhìn Duyên tội nghiệp, giải thích:

- Dạo này tình hình căng lắm. Đường giao liên bị mật thám theo dõi rất sát. Nhiều người của ta đi công tác bằng xe hỏa, vừa xuống đến sân ga là bị bắt. Vụ xử án Quốc Dân Đảng dạo tháng 7 vừa rồi làm ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ta. Vì thế, Thành Bộ ra lệnh án binh bất động. Tạm thời ai ở đâu cứ ở đấy! Ngưng mọi di chuyển! Chị chịu khó nhẫn nại một thời gian nữa!

Duyên hiểu ra gật đầu im lặng. Chu tránh không nhắc đến việc phó Bí Thư Lê Tín bị bắt. Ông cũng không nói lên sự kiện liên quan đến in truyền đơn của Đông Dương Cộng Sản Đảng đặt tại nhà Hậu và Kiệt bị phá vỡ. Đây mới là nguyên nhân chính đưa đến chiến dịch truy lùng của mật thám. Nhưng ông sợ Duyên mới thoát ly đã nhục chí nên ông đổ hết cho Quốc Dân Đảng đã bất cẩn gây nên tình trạng bi đát này. Ông không ngờ chính Duyên lại nói:

- Chả phải do vụ xử án Quốc Dân Đảng, thực dân Pháp mới lùng bắt người của ta. Nói chúng thì lúc nào mật thám cũng muốn tiêu diệt hết những đoàn thể cách mạng, dù là Quốc Dân Đảng hay Đông Dương Cộng Sản Đảng!

Im lặng một chút, ông Chu lại thêm:

- Nhà tôi đi đã hai tuần lễ chưa về, tôi cũng đang sốt cả ruột! Bình thường thì chỉ độ một tuần. Chuyến này chả biết tại sao lâu đến thế?

Thật ra hai tiếng “nhà tôi” mà ông Chu vừa nhắc đến, không phải để chỉ người vợ chính thức của ông. Thuở còn bên Hà Đông, ông lập gia đình sớm, ngoài 20 đã có 3 con. Khi các con đã bắt đầu lớn thì ông bỏ nghề làm ruộng, xin ông thầy Tàu cho thụ giáo nghề thuốc Bắc. Ông theo thầy lên vùng biên giới, sang hẳn bên Quảng Châu trau dồi thêm tay nghề. Kiều bào làm ăn bên ấy cũng khá đông, trong đó có nhiều người mượn vùng đất tương đối an toàn của Trung Hoa để hoạt động chống Pháp. Ông Chu lúc này đã giỏi, trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho họ. Một trong những bệnh nhân của ông là cô Nguyễn Thị Tịnh, đoàn viên TNCMĐCH, vừa từ Tuyên Quang thoát ly sang, bị bệnh sốt rét rất nặng. Ông Chu tận tụy săn sóc rồi ân tình nảy nở, nên duyên vợ chồng, lờ hẳn bà vợ chính thức với 3 đứa con đang cày sâu cuốc bẫm ở quê nhà! Lấy cô Tịnh, tất nhiên ông Chu hăng hái gia nhập tổ chức cách mạng của cô, nghĩa là tìm được ánh sáng lý tưởng trong tình yêu.

Năm 1927, khi TNCMĐCH bị chính quyền Tưởng Giới Thạch làm khó dễ tại Quảng Châu, phải phân tán đi khắp nơi thì vợ chồng ông Chu được chỉ thị trở về Việt Nam. Nhờ có nghề hốt thuốc, ông gây dựng chút vốn liếng dễ dàng rồi mở hiệu Vĩnh An Đường trên phố Khâm Thiên lúc mảnh đất này còn rẻ mạt vì thưa thớt dân cư. Vợ ông, đồng chí Nguyễn Thị Tịnh, thua ông hơn 10 tuổi, vẫn nhiệt tình tiếp tục con đường hoạt động của mình, làm công tác giao liên hoặc đưa người của đoàn thể đi những nơi cần thiết. Duyên nằm chờ ở nhà Tịnh cũng vì thế. Nay mai, có thể Tịnh sẽ đưa Duyên xuống Hải Phòng hoặc ra tận Hòn Gai, giao cho tổ đảng địa phương.

Nghe ông Chu giải thích tình hình, Duyên nén tiếng thở dài, chấp nhận sống những ngày vô tích sự bên ông. Giữa lúc xuống tinh thần như thế thì Minh xuất hiện. Cả đêm hôm ấy, cô nằm thao thức nhớ đến Minh. Muốn gặp lại nhưng chả biết làm thế nào. Biết Minh ở trọ trên cùng một con đường, nhưng chả nhẽ cứ lang thang ra phố mà tìm. Con đường Khâm Thiên chỉ dài hơn một cây số, cố ý tìm thế nào cũng ra địa chỉ của Minh. Nhưng thời ấy con gái không ra đường một mình, trừ khi gánh hàng đi bán rong hoặc xách giỏ đi chợ. Cần lắm thì cũng phải giắt theo đứa em đứa cháu, chứ đi mình là hạng không đứng đắn. Duyên nghĩ mãi rồi dự tính hôm sau đi chợ, cô sẽ cấp cái thúng đi sớm hơn và thả bộ dọc theo suốt con đường, may ra gặp Minh chăng! Nghĩ được cách ấy, Duyên thấy tạm an tâm đôi chút nhưng lại tự hỏi ngay:

- Thế ngộ nhỡ gặp lại Minh mà Minh lờ đi, không thèm nhận Duyên là người quen thì làm sao!

Câu hỏi ấy làm Duyên choáng váng xấu hổ, bất chợt thở dài não nuột trong đêm tối.

Sáng hôm sau, Duyên dậy sớm, chải đầu vấn khăn và thay áo cánh nâu, định bụng khi ông Chu vừa mở cửa hiệu là cắp thúng ra đi. Ông Chu thấy Duyên hôm nay gọn ghẽ hơn mọi ngày, trố mắt nhìn nhưng không hỏi. Ông uống trà, hút thuốc lào, ăn xong củ khoai luộc rồi đứng dậy ra mở cửa hiệu. Duyên soi gương lại lần nữa rồi từ buồng trong cấp nón bước ra. Cô sửng sốt thấy Minh từ ngoài đường rẽ vào. Cô đứng khựng lại trố mắt nhìn Minh, quên cả chào hỏi. Minh cũng đứng giữa tiệm, không biết phản ứng thế nào. Ông Chu đứng sau quầy nhận ra Minh, người khách đã mở hàng sáng hôm qua, vội niềm nở lên tiếng:

- Uống thuốc của nhà Vĩnh An Đường có đỡ tí nào không ông?

Minh giật mình quay lại, nở nụ cười:

- Đỡ nhiều ông ạ! Tôi trở lại là vì thế. Mới uống có một gói mà cổ thông lắm rồi. Xin ông một gói nữa cho dứt hẳn!

Chủ nhân hân hoan đáp:

- Vâng! Tôi đã bảo mà! Loại thuốc tán ấy là do chính tay tôi chế ra đấy. Không hiệu nào có đâu! …. Ông có cần thêm cam thảo không ạ?

- Cam thảo thì còn. Để thư thư rồi tôi ghé đến xin ông thêm. Nhà tôi cũng gần đây thôi

Vừa lúc ấy, Duyên từ trong bước ra. Cô hồi hộp lắm, tim đập thình thịch và đôi bàn tay lạnh toát, nhưng cố giữ bình tỉnh gật đầu chào Minh như chào một người khách lạ rồi bảo ông Chu:

- Cháu đi chợ đây, cậu ơi!

Ông chú lơ đãng hỏi:

- Đi sớm thế cháu?

Duyên đã chuẩn bị trước, thản nhiên đáp:

- Cháu đi sớm cho mát. Sợ chốc nữa giời nắng to. Với lại cả hai cái chum trong bếp đều hết sạch nước rồi cậu ạ. Cháu đi chợ về còn phải đi gánh nước nữa! … Thôi, cháu đi cậu nhé!

Ông Chu vừa lấy thuốc cho Minh vừa đáp:

- Ừ! Cháu đi đi! Mua cái gì ăn qua loa thôi!

Duyên gật đầu chào Minh rồi bước ra cửa. Cô cố ý dừng lại ngoài sân cho Minh thấy, rồi mới rẽ sang phía tay phải. Trước khi bước đi, Duyên còn quay đầu nhìn Minh một lần nữa, bắt gặp ánh mắt của Minh cũng đang nhìn theo Duyên. Cô đội nón lên và cố tình đi những bước chậm chạp trên con đường phố bắt đầu tấp nập.

Quả nhiên, đúng như Duyên mong đợi: Cô ngoái đầu lại thì thấy Minh cũng đi nhanh về phía cô, làm tim cô đập thình thịch. Duyên đi sát vào một gốc cây, rồi ngồi xuống, tháo một chiếc guốc gõ mạnh trên nên đất, làm như có hạt sỏi vừa vương trong lòng bàn chân cô. Minh đến sau lưng cô và cất tiếng gọi:

- Duyên! Xuống Hà Nội bao giờ thế?

Minh đứng nép vào gốc cây vắng vẻ, đảo mắt nhìn quanh. Duyên vẫn ngồi, nón đội đầu, khẻ đáp lại:

- Em xuống đã hơn hai tuần lễ rồi. Gặp lại anh, em mừng quá! Hóa ra anh cũng ở gần đây!

Phía trước có hai người bộ hành và một bà gánh hàng rong đang tiến đến. Minh vội vã nói:

- Tôi cũng mừng gặp lại Duyên …. Nói chuyện ngoài đường không tiện. Hay là cô lại đằng nhà tôi đi, được không?

Duyên mừng quá vì không ngờ Minh rủ cô lại nhà. Gặp Minh mà Minh gợi chuyện là đủ vui lắm rồi, huống chi Minh còn rủ lại nhà! Cô hỏi:

- Nhà anh ở đâu?

Minh lấm lét nói nhanh:

- Cũng ở con đường này. Đi bộ một lát là đến. Bây giờ tôi đi trước, cô cứ đi theo tôi …

Duyên ngắt lời:

- Vâng! Anh đi đi! Nhưng anh đi chậm thôi, kẻo nhỡ em bị lạc!

Minh toan cất bước thì Duyên lại hỏi một câu khách sao không đúng lúc:

- Thế anh không đi làm ư? Lúc nãy anh bảo với ông Chu là anh đi làm cơ mà!

- Tôi nghỉ một buổi cũng không sao!

- Vậy thì anh về nhà đi. Anh cứ đi tự nhiên, em theo ngay sau lưng!

Minh gật đầu và rảo bước ngay. Đưa Duyên về nhà nói chuyện đã, buổi chiều đến tòa báo cũng không sao.

Về phần Duyên, đến lúc ấy, đi sau lưng Minh cách khoảng vài bước, để đến nhà Minh, cô mới chợt nhận ra là mình quá táo bạo. Táo bạo không những chỉ xét về khía cạnh luân thường đạo lý, nam nữ thọ thọ bất thân, mà hơn thế nữa, gặp riêng Minh tức là cô đã vi phạm nguyên tắc bí mật của người đi làm cách mạng. Ở hòan cảnh của cô, đúng ra phải tránh né mọi giao tiếp, nhất là đối với người quen. Gặp Minh, tức là “lay ông tôi ở bụi này”, việc thoát ly của Duyên làm sao còn nằm trong vòng bí mật được! Vừa đi, cô vừa tự trách mình quá yếu lòng, để cho tình cảm cá nhân che mờ lý tưởng tranh đấu! Nay mai nếu ông Chu hoặc Quảng biết được thì cô không tránh khỏi sự phê bình gay gắt của Đảng.

Nhưng Duyên lại tự an ủi rằng: Cách mạng đâu có cấm Duyên lấy chồng! Minh chính là người đã đính ước với Duyên từ nhỏ qua sự thỏa thuận của đôi bên gia đình. Như vậy, việc cô gặp người chồng tương lai của cô, chẳng có gì là sai trái với lương tâm cũng như đối với đoàn thể! Ở làng thì không có cách nào gặp riêng được. Chỉ có ở nơi đất khách quê người như thế này, Duyên mới có cơ hội gần gũi Minh, lẽ nào lại bỏ qua!

Cô tự bảo lòng: Muốn cho chắc ăn, cô sẽ dặn Minh phải giấu kín buổi hẹn hò này. Và từ nay, nếu Minh có ghé hiệu Vĩnh An Đường mua thuốc Bắc, thì dứt khoát phải coi Duyên như người xa lạ để che mắt ông Chu!

Đến trước cửa căn gát trọ, Minh dừng lại, quay đầu nhìn Duyên làm hiệu. Bên kia đường, ông Sửu cũng đang bày những cái mũ ra, mồm nhai bánh mì ngồm ngòam. Ông mải làm nên không trông thấy Minh. Vả lại, ông biết chắc giờ này Minh đã đi làm nên không ngó qua.

Minh đẩy cánh cửa bước vào rồi cứ để hé cánh cửa để chờ Duyên. Nhìn ra, anh thấy Duyên đứng lại, dáo dác ngó quanh rồi mới lẻn nhanh vào. Minh khép cửa, cài then rồi nói nhỏ:

- Tôi ở trên gác! Lên đi!

Minh đi trước, Duyên theo sau. Những bậc thang bằng gỗ lâu ngày, mối đinh bị hở, kêu lên ken két. Duyên nín thở không nói lời nào. Đời cô chưa bao giờ biết hẹn hò với trai, thành ra cô cứ hồi hộp như sắp đứng tim. Khi hai người đã vào hẳn bên trong căn gác, Minh khép cửa cài then cẩn thận. Duyên bỏ nón ra, đặt cái thúng xuống chân và thở phào như trút gánh nặng ngàn cân đè lên lồng ngực. Cô nhìn quanh căn gát nhỏ của Minh, tuy bừa bộn sách báo nhưng thấy toát ra cái vẻ đầm ấm của một người trí thức mà cô vẫn tưởng tượng trong đầu. Minh kéo ghế mời Duyên ngồi. Cô vẫn chưa hoàn hồn, nỗi xúc động còn tràn ngập trong lòng, không nói được lời nào. Minh cười trấn an và giục:

- Cô ngồi tạm đây! Ngồi nghỉ đi! Có gì đâu mà sợ hãi quá vậy!

Bây giờ Duyên mới gượng cười theo và nói:

- Tại em không ngờ được gặp lại anh! Em cứ nghĩ là chả bao giờ còn gặp lại anh nữa!

Minh bảo:

- Hà Nội tiếng là to nhưng thật sự không to. Lanh quanh rồi cũng gặp nhau!

Vừa nói, Minh vừa xếp những chồng báo, những cuốn sách vứt ngổn ngang trên bàn, trên mặt giường, bỏ vào góc nhà rồi phân trần:

- Tôi chả mấy khi có khách đến chơi, thành ra cứ quăng bừa bãi!

Nói câu ấy, bỗng dưng Minh nhớ đến các đồng chí đã từng đến đây bàn chuyện hoặc ngủ lại chung giường với Minh. Hai người anh nhớ nhất là Nguyễn Văn Viên đã chết trong tù và Lê Hữu Cảnh giờ này đang phiêu bạt ngoài sương gió.

Duyên nhìn khắp lượt căn phòng rồi nhận xét:

- Anh ở đây một mình thì cũng rộng chán!

- Giá chịu khó dọn dẹp thì còn rộng hơn nhiều!

Câu nói của Minh làm Duyên liên tưởng đến những ngày vừa qua của mình: Hết dọn dẹp nhà cửa cho tiệm gạo Thịnh Ký, lại dọn dẹp cho tiệm thuốc Bắc Vĩnh An Đường! Duyên tự nhủ: Mình có thể bình thản ở chung cả ngày lẫn đêm với những người đàn ông xa lạ như Tửu, như Chu, thì tại sao hôm nay gặp riêng Minh vốn là người thân từng đính ước với nhau, mà Duyên lại lo sợ là thế nào?

Ý nghĩ ấy làm Duyên lấy lại được bình tỉnh và thản nhiên nói đùa:

- Hay là từ nay anh thuê em đến dọn dẹp cho anh! Em không tính tiền công đâu!

Minh cũng cười theo:

- Được thế thì còn gì bằng! Cô có tính tiền công, tôi cũng chả có mà trả!

Rồi Minh ngồi xuống mép giường, đối diện với Duyên, nghiêm mặt nói:

- Có một dạo, tôi nghe người ta đồn là Hậu tự tử. Tôi thì biết chắc là cô Hậu đã thoát ly gia đình cũng giống như anh Tân trước đây. Anh Tân không may mất sớm. Nhưng còn cô Hậu thì sao, gia đình có tin tức gì chưa?

Duyên buồn bã gật đầu:

- Thưa có ạ! Chả giấu gì anh, chị em đang bị nhốt ở Hỏa Lò!

Minh thở dài lắc đầu, nhìn Duyên tha thiết:

- Anh Tân, rồi đến cô Hậu, rồi bây giờ lại đến lượt Duyên. Cả ba anh em đều đi, hai bác chắc buồn lắm!

Duyên khẽ gật đầu.

Thấy Duyên u sầu vì câu nói của mình, Minh lựa lời an ủi:

- Cũng may là bên cạnh hai bác còn có thằng Hòan! Mấy năm nay chả gặp, chắc nó lớn lắm rồi. Dễ đến mười lăm mười sáu chứ còn bé bỏng gì nữa! Làng mình, nhiều đứa ít tuổi hơn nó, đã có vợ! Chà lứa của anh Tân với tôi thì hầu hết làm bố rồi, trừ những người xuống Hà Nội học.

Quả nhiên Duyên đổi thái độ, giọng nói vui hơn:

- Vâng!... Thế còn anh, bao giờ anh mới cưới vợ?

Minh gượng cười không đáp. Anh đoán là Duyên muốn gợi lại câu chuyện thuở hai đứa còn nhỏ, hai nhà đã từng đính ước với nhau để Duyên làm vợ Minh và Minh cứ lờ đi cho ngày tháng trôi qua. Chẳng phải Minh chê Duyên nhà quê hoặc Minh vì có người yêu khác ở thị thành. Cái lý do chính khiến Minh không nghĩ nhiều đến chuyện hôn nhân là vì từ khi xuống Hà Nội, anh bị lôi cuốn vào cái không khí sôi sục ngấm ngầm của giới trẻ tân học căm thù thực dân Pháp. Những họat động sôi nổi có khi công khai như bãi khóa, viết bài đăng báo, có khi bí mật giải truyền đơn, vận động bạn bè, làm Minh không còn thì giờ tính đến chuyện riêng tư. Hơn thế nữa, anh nhìn quanh và thấy rõ một điều là mười người đi làm cách mạng chống Pháp thì chín người bị bắt. Bản thân Minh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng đã nếm mùi tù tội hơn nữa năm. Có gia đình rồi thì chỉ thêm vướng bận cho mình hoặc làm liên lụy đến vợ con mà thôi, nhất là khi anh đã chính thức gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng. Anh chỉ không ngờ là chính Duyên cũng lại cùng một chí hướng như anh, dám thoát ly gia đình, mặc dầu không cùng đứng chung một đoàn thể.

Mình bỗng đứng dậy và bảo:

- Chết! Để tôi đun nước pha ấm chè mời cô. Khách đến nhà mà không mời được cốc nước thì thất lễ quá!

Duyên xua tay gạt đi:

- Em chứ ai mà anh bảo là khách! Với lại, ngồi với anh một tí, em phải đi chợ. Đi lâu quá không được. Anh hiểu cho!

Minh ngồi xuống và hỏi thẳng:

- Như vậy là hai chị em cô hoạt động trong TNCMĐCH? Dạo ấy, anh Tân có nói chuện với tôi.

Hỏi cho có chuyện thôi chứ thật ra mười phần Minh đã nắm chắc được chín. Thời buổi này, những người thoát ly chống Pháp, phi là đảng viên Quốc Dân Đảng thì chỉ còn TNCMĐCH mà thôi. Huống chi ngày trước, Tân từng có lần xa gần ngỏ lời rủ Minh cùng tham gia hoạt động chung khi Minh chưa hề nghe đến danh xưng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cũng giống như cái nhìn của đa số các đồng chí Quốc Dân Đảng, thoạt đầu Minh không hề có ác cảm với TNCMĐCH. Họ cũng là những người chống Pháp tích cực và đòan thể của họ thành hình trước cả Quốc Dân Đảng. Cho nên xét về mục tiêu tối hậu thì họ vẫn là đồng minh của Quốc Dân Đảng. Mãi đến gần đây Minh mới có thái độ dè dặt với họ từ khi nghe Lê Hửu Cảnh thuyết phục, hay nói đúng là từ khi TNCMĐCH cải danh thành Đông Dương Cộng Sản Đảng. Với một người công giáo như Cảnh thì chủ trương vô thần của Cộng Sản là điều không thể dung hợp được, dù họ có nhiệt tình đánh Tây đến đâu đi chăng nữa. Cảnh bảo:

- Nếu đảng Cộng sản nắm được chính quyền trên đất nước ta, thì tai họa có khi còn lớn hơn cả thực dân!

Minh vốn tin phục Cảnh, nên điều gì Cảnh nói, Minh cũng thấy hợp lý. Minh muốn nói điều đó ra cho Duyên nghe, nhưng mới gặp nhau lần đầu, anh thấy chưa tiện. Vả lại, một người đã tham gia đoàn thể, đã tuyên thệ trung thành và thoát ly gia đình để dấn thân như Duyên, thì dễ gì Minh còn thuyết phục nổi!

Duyên ngồi yên không đáp câu hỏi của Minh. Nguyên tắc bí mật của đòan thể, không cho phép cô tiết lộ. Với người trong gia đình còn phải giấu chứ nói chi đến người ngoài. Nhưng cô ngẫm nghĩ một chút rồi chợt nhận ra mình quá vô lý. Nếu đã muốn bảo vệ bí mật hoàn toàn thì ngay cả việc Duyên gặp Minh, đến nhà Minh như thế này là đã vi phạm qui định của đoàn thể rồi. Duyên tự trách mình quá yếu đuối, nặng tình cảm cá nhân. Nếu ông Chu biết được thì thế nào cô cũng bị phê bình một cách nghiêm khắc. Duyên nghĩ: Nếu muốn gặp Minh thường xuyên thì chỉ có cách rủ Minh cùng gia nhập TNCMĐCH với mình. Tìm ra chân lý ấy, Duyên đột ngột gợi ý:

- Em nghe bảo lớp thanh niên trí thức ở Hà Nội phần đông đều tham gia hoạt động chống Pháp. Thuở trước, anh từng bị lý Bân bắt ở Hải Ninh, rồi lại bị đuổi học vì giải truyền đơn. Bây giờ thì sao? Anh thôi không chống Pháp nữa hay sao?

Minh lắc đầu cười nhẹ:

- Bây giờ tôi chả làm gì cả! Ngày hai buổi xách cặp đến toà báo!

Duyên tha thiết thuyết phục:

- Người có chí hướng như anh mà không làm gì thì thật là tiếc quá! Hay là. …. Hay là anh vào đoàn thể của em đi!

- Đoàn thể của cô tức là Đông Dương Cộng Sản Đảng?

- Em thì vẫn cứ quen gọi là Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội!

Minh thấy buồn cười vì anh đang có ý định bảo Duyên bỏ Đảng Cộng Sản thì chính Duyên lại đề nghị anh gia nhập. Anh hỏi:

- Cô không sợ tôi tố cáo với mật thám hay sao mà dám khai ra với tôi?

Duyên nhìn Minh cứng rắn đáp:

- Em biết lòng anh!

- Chưa hẳn đâu! Những việc tôi làm cách đây vài năm chỉ là sự bồng bột hay nói đúng hơn là háo thắng của tuổi trẻ! Bây giờ tôi già đi nhiều rồi! Nhưng thôi, bỏ chuyện ấy đi. Lâu quá mới có dịp gặp riêng cô để hỏi thăm chuyện xóm làng ….

Duyên ngắt lời:

- Vâng! Em xin lỗi anh! Chẳng qua là vì em muốn gặp anh mà chả nghĩ ra cách nào để gặp được, nên đành liều rủ anh vào đoàn thể với em.

Duyên ngừng lại, nhìn quanh căn buồng nhỏ đầm ấm và chợt thấy chuyện cách mạng chẳng còn quan trọng nữa. Cô lãng mạng mơ tưởng được trở thành vợ của Minh, bỏ hết mọi thứ chung quanh để chỉ cùng Minh xây dựng tổ ấm. Cô mạnh dạn gợi chuyện:

- Em xuống Hà Nội đã 3 tuần lễ. Nhưng tiếng là ở Hà Nội mà đố có đi đến đâu! Suốt ngày chỉ ru rú trong nhà! Thành ra quanh quẩn vẫn chỉ biết có mỗi phố Khâm Thiên!

- Chắc là cô ngại ra đường gặp người quen?

- Một phần vì thế. Nhưng cái chính là chả nhẽ em đi lang thang một mình!

Minh nhìn rõ nỗi cô đơn của Duyên tại thành phố xa lạ nên anh tội nghiệp bảo:

- Cô còn ở Hà Nội lâu không? Thư thả rồi tôi đưa cô đi. Cô muốn đi xem chỗ nào? Ra bờ hồ chẳng hạn. Đi với tôi, cô có ngại không?

Duyên cảm động nhìn Minh bày tỏ nỗi lòng biết ơn rồi háo hức nói:

- Thật nhé! Anh đưa em ra bờ hồ anh nhé! Xuống Hà Nội mà không biết đến Hồ Gươm thì quê quá! Em chỉ sợ anh ngại chứ em thì ngại gì!

Minh lắc đầu cười:

- Tôi chả ngại gì cả! Người ta đi dạo đầy bờ hồ, có gì mà ngại! Trai thanh gái lịch, Tây với Ta, đủ cả! Hôm nào cô thấy tiện thì cho tôi biết, tôi tình nguyện làm người hướng đạo, đưa cô đi thăm cảnh Hà Nội!

Duyên chớp mắt nao nao như muốn khóc. Cô run run bảo:

- Anh nói thế thì em mừng lắm! Em biết anh có ngại gì thiên hạ đâu! Em chỉ sợ anh ngại đi với em. Thật lòng em cứ ngỡ là anh chả bao giờ thèm đi bên cạnh con bé nhà quê như em!

Minh manh dạn đáp:

- Cô ở Hải Ninh. Tôi cũng ở Hải Ninh, quen nhau từ thuở còn bé. Nếu bảo cô là nhà quê thì tôi có khác gì đâu! Thôi thế này: Hôm nay là thứ năm. Chủ nhật này cô có muốn đi không? Cô muốn đi thì để tôi thu xếp!

Câu hỏi bất ngờ của Minh làm Duyên suýt reo lên vì mừng rỡ, nhưng sau đó lại đưa Duyên về với thực tế. Cái giây phút bồng bột đi qua rất nhanh, cô nhớ lại vị trí của mình và chợt thở dài. Cô bỏ gia đình xuống đây theo lệnh của đoàn thể, chứ có phải tự ý cô đi chơi đâu mà đòi ngắm cảnh Thành phố! Dù cô có muốn đi với Minh cũng không tìm ra cớ gì để nói dối với ông Chu. Cô đứng dậy, buồn rầu bảo Minh:

- Em cảm ơn anh, nhưng chắc là chả dám hẹn với anh đâu … Thôi bây giờ em xin phép anh em đi chợ kẻo ông Chu ở nhà sốt ruột. Thỉnh thoảng có điều kiện, em lại đến thăm anh, nếu anh cho phép!

Minh cũng đứng dậy tiển chân và bảo:

- Đáng lẽ tôi phải ghé thăm cô mới phải. Nhưng đến đấy thì chả nói chuyện được.

Duyên gật đầu đáp nhỏ:

- Vâng. Đến nhà ông Chu thì không tiện! Vả lại. Cũng chả biết em còn ở đấy đến bao giờ. Được gặp anh hôm nay là em mừng lắm rồi! …. Thôi. Em chào anh, em về!

Minh tháo then cửa, nhoài người ngó ra cầu thang, rồi gật đầu làm hiệu bảo Duyên theo sau anh. Xuống tới mặt đường, anh đẩy cánh cửa gỗ nhỏ, quan sát hai bên rồi mới quay lại bảo Duyên:

- Thôi thế thì cô về nhé! Dịp khác, mời cô lại chơi. Chủ nhật tôi nghỉ cả ngày! Thường thì tôi chả đi đâu!

Duyên coi đó như một lời hẹn hò của Minh nên cô rất xúc động. Cô đội nón lên, lấm lét bước ra rồi vội vã cắm đầu nhập vào dòng người đang qua lại nhộp nhịp trên hè phố. Chờ Duyên đi khá xa. Minh mới hân hoan băng qua đường. Anh lấy làm lạ là bao nhiêu năm nay, anh chả để ý đến Duyên, ngay cả khi anh có dịp về làng. Bây giờ gặp Duyên ở Hà Nội, tự dưng anh thấy gần gũi và lòng anh chợt thấy ấm áp. Có lẽ nó là cái cảm giác tha hương cố tri mà người xưa thường nói đến!

Thấy Minh, ông Sửu đang ngồi khâu cái mũ nỉ, vội đứng dậy nhường ghế:

- Thầy ngồi chơi. Hôm nay thầy không đi làm?

Minh xua tay:

- Ông cứ ngồi đi! Giờ này tòa báo chắc đã nghỉ ăn trưa, tôi tạt vào nói chuyện với ông một tí rồi đến tòa soạn là vừa.

Bên cạnh ông Sửu lúc nào cũng có hai viên gạch xếp chồng lên nhau dùng làm ghế ngồi dành riêng cho Minh. Ông Sửu kéo cái ghế đẩu của mình xích ra một chút. Minh ngồi xuống moi túi lấy ra gói thuốc ra mời ông một điếu.Ông đưa cả hai tay đỡ và nói:

- Tôi xin thầy!

Ông rít hơi thuốc đầu tiên rồi hạ giọng hỏi Minh:

- Chắc có người nhà dưới quê lên thăm nên sáng nay không đi làm?

Minh trố mắt quay đầu nhìn ông và hỏi lại:

- Sao ông biết?

Ông Sửu thản nhiên giải thích:

- Thầy đừng mắng tôi là người hiếu sự. Tôi cũng như đứa gát cổng cho thầy mà thôi!

Minh vôi xua tay ngắt lời:

- Tôi đâu dám trách ông! Tôi chỉ lấy làm lạ là chuyện gì ông cũng biết!

- Nhà thầy ít khi có khách, thành ra ai đến nhà thầy tôi cũng biết! Mẹ của thầy dưới Hải Ninh lên thăm ba lần, rồi cô em họ, cô gì nhỉ?

Minh gật đầu:

- Cái Nhi!

- Vâng cô Nhi con bà dì của thầy. Hôm nay mới thấy người thứ ba, mà tôi nom thấy cách ăn mặc thì biết ngay là mới ở làng ra thành phố.

Minh lắc đầu cười:

- Ông tinh thật! Chả giấu ông được cái gì!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Dòng Mực Cũ Chương 11

Có thể bạn thích