Dòng Mực Cũ
Chương 10

Ông Lương hơi giật mình ngước nhìn Duyên. Gần đây ông có nghe người bạn tâm giao của ông là ông Tú Nhân đề cập đến một tổ chức cách mạng là Việt Nam Quốc Dân Đảng đang bị mật thám Pháp truy quét rất gay gắt, nhất là tại Hà Nội. Ông tưởng con ông tham gia đoàn thể này, hóa ra không phải. Ngẫm nghĩ một chốc, ông mới đoán ra là lúc Tân còn sống, Việt Nam Quốc Dân Đảng chưa ra đời hoặc chỉ mới vừa thành hình mà chưa phát triển công khai. Nhưng điều ấy có quan trọng gì đâu! Các con ông có chí lớn muốn đánh đuổi ngoại xâm thì vào đoàn thể nào cũng được, bởi chính ông cũng chưa biết giữa hai tổ chức VNTNCMĐCH và VNQDĐ có gì khác nhau hay không? Ông ngồi im, lơ đãng nâng cốc trà mới rót, xoay xoay trong tay. Bà Lương cố ngăn dòng lệ nhưng chỉ nhịn được một lúc rồi bật khóc tấm tức. Duyên mủi lòng tiến lại, quì xuống trước mặt mẹ và nói:

- Con biết anh Tân con mất rồi chị Hậu lại ra đi, mẹ buồn lắm! Nhưng vì nghĩa lớn chúng con phải hy sinh tình nhà. Ngày mai, con xin phép bố mẹ, con lên đường!

Bà Lương òa lên khóc lớn, hai tay quờ quạng đặt trên vai Duyên rồi lùa vào tóc Duyên. Bà nghẹn ngào khá lâu mới nói được một câu:

- Các con bỏ bố mẹ đi hết hay sao?

Ông Lương nhắc:

- Bà nói khẽ chứ!

Duyên không ngăn được dòng lệ, gục mặt lên đùi mẹ. Cô nói:

- Bố mẹ ở nhà, giữ gìn sức khỏe, đừng quá bận lòng vì chúng con. Thôi thì mẹ cứ xem như chị em chúng con đi lấy chồng ở xa. Rồi thế nào con với chị Hậu cũng liên lạc về, khi điều kiện cho phép!

Bấy giờ ông Lương mới bảo:

- Các con đã chọn con đường ấy, thì bố mẹ cũng chả dám cản. Bố mẹ chỉ mong là hễ đã đi theo con đường cách mệnh, thì phải bền chí đến cùng, đừng bỏ cuộc giữa đàng!

Bà Lương đứng dậy, thấy thểu bỏ vào buồng. Duyên đi theo và đêm ấy lên giường ngủ chung với mẹ.

Sáng hôm sau, gà chưa gáy tiếng thứ nhất, Duyên đã ngồi dậy rón rén bước xuống thu xếp hành trang. Ngày Hậu ra đi, Duyên đã tràn ngập cái cảm giác chia ly. Hôm nay chính Duyên ra đi, cô càng hiểu nỗi xót xa của Hậu hơn nửa năm về trước khi phải từ biệt mái ấm đã cưu mang mình từ thuở lọt lòng.

Duyên về buồng mình, lấy cái tay nải bằng vải thô, bỏ mấy bộ quần áo vào rồi ngồi ở mép giường ngẫm nghĩ xem còn việc gì của chi bộ mà cô chưa giải quyết. Đêm hôm qua, bao nhiêu sách báo, tài liệu học tập, Duyên đã mang sang bàn giao hết cho Nhâm bởi cô đoán chắc nay mai thế nào lý trưởng cũng dẫn mật thám đến xét nhà mình sau khi hay tin Hậu bị bắt. Hải Ninh từ ngày Hậu đi, số đảng viên vẫn không tăng được người nào. Anh chàng Kết bên kia bờ ao đã được Duyên tuyên truyền nhiều lần, nhưng Duyên vẫn còn e ngại, chưa dám kết nạp. Ai cũng công nhận Kết rất nhiệt tình trong mọi công tác, lại đã đọc được chữ quốc ngữ do Nhâm dạy. Nhưng Duyên thấy rõ cái hăng say của Kết không do lòng căm thù Tây mà chỉ vì Kết là chàng thanh niên duy nhất có mặt giữa bầy phụ nữ trẻ. Sự kiện ấy xóa cho Kết cái mặc cảm nghèo vì bổng thấy mình trở nên quan trọng, được hoạt động chung với những cô gái mà bình thường Kết chưa bao giờ dám làm quen. Duyên mơ hồ cảm thấy cái đích của Kết không phải là làm cách mạng chống ngoại xâm mà là tìm dịp gần gũi các cô, nhất là Nhâm. Điều ấy rất nguy hiểm, bởi Kết chỉ cần thất vọng vì tình thì sẽ bỏ cuộc và có thể trở thành kẻ phản bội tổ chức. Chính vì thế mà Duyên vẫn lưỡng lự, chưa muốn cho Kết tuyên thệ gia nhập tổ chức. Có lần Duyên tâm sự riên với Nhâm:

- Cậu thấy anh Kết thế nào? Tham gia tổ chức được chưa? Mình thì mình thấy cần phải giáo dục Kết thêm một thời gian nữa!

Nhâm chẳng những nhất trí ngay với Duyên mà hơn thế nữa, cô còn muốn loại bỏ Kết ra luôn khỏi hàng ngũ. Từ lâu, Nhâm đã nhận ra Kết không có đủ phẩm chất cách mệnh. Duyên đã tuyên truyền lầm đối tượng mà Nhâm không dám nói ra. Thuở đầu Nhâm phụ trách dạy chữ quốc ngữ cho Kết, Kết siêng năng chăm chỉ lắm, lắng nghe tất cả những gì Nhâm giảng về con đường cách mạng. Lắng nghe nhưng không bàn cãi không thảo luận, chỉ cốt ý tìm dịp gần gũi Nhâm. Nhâm bảo gì Kết cũng nghe, sai cái gì Kết cũng làm, miễn Nhâm vui là Kết vui theo. Ngày ngày biết Nhâm hay ra chăm sóc ngôi nhà mới ở ven làng, Kết cũng len lén tìm đến gặp Nhâm, vờ vịt nhờ Nhâm đọc một trang sách truyện hoặc một bài chính tả. Nhâm ngại lắm vì rủi có ai bắt gặp hai người ngồi chung với nhau trong căn nhà trống thì tiếng đồn sẽ bay nhanh ra như bão tố trong làng. Nhưng cứ nghĩ đến lời Hậu và Duyên đã dặn. Chi bộ cần phải có cả đàn ông chứ không thể chỉ toàn phụ nữ. Nhâm lại đành chiều ý Kết dù biết lòng Kết không thẳng thắn

Mổi lần thấy Kết từ ngoài cổng bước vào, Nhâm khó chịu lắm. Kết thường làm bộ vác cuốc ra đồng hoặc mang cần đi câu cá, rồi tiện đường tạt vào để nhờ Nhâm dạy thêm. Quyển sách mỏng hoặc cuốn vở tập viết, Kết giấu trong áo, vào hẳn trong nhà Nhâm, Kết mới moi ra. Từ ngày được bố mẹ mua cho căn nhà này, Nhâm thích lắm, ngày nào cũng ghé đây coi vườn vì nó là giang sơn riêng của Nhâm. Nhưng Kết ghé nhiều quá, có tuần liên tục đến mấy ngày, khiến Nhâm lo sợ không dám ra nữa! Nhâm định chịu đựng thêm một thời gian nữa, nếu Kết không thay đổi tính thì chính Nhâm phải lên tiếng, bởi nếu Nhâm không nói thì có khi Kết lại tưởng Nhâm cũng có cảm tình với mình và cứ thế mà mạnh dạn tiến tới. Cho nên một hôm Nhâm bảo:

- Anh Kết ơi! Gặp riêng anh như thế này thì thật là không tiện tí nào. Ngộ nhỡ có ai nom thấy thì nguy to! Đề nghị anh, chỉ khi nào cần thiết lắm, anh mới ra đây tìm tôi …

Nghe giọng nói dịu dàng và tha thiết, Kết không cho đó là một câu đuổi khéo, trái lại còn thầm nể Nhâm là cô gái đoan trang cẩn trọng. Kết hăm hở nói:

- Vâng! Nhâm nói thế cũng phải. Thôi thế này. Từ nay, mỗi tuần tôi chỉ gặp Nhâm một lần thôi. Nhiều bài tôi đọc mãi mà chả hiểu. Nhờ Nhâm giúp hộ!

Nhâm rất bực vì Kết dám kêu tên mình, trái với nguyên tắc của của chi bộ là phải gọi bằng “anh, chị”. Bực mình nhưng Nhâm không đủ can đảm phê bình, nên Kết vẫn cứ có cảm tưởng Nhâm có thiện cảm với Kết.

Một hôm, Nhâm dạy Kết tập đọc. Bàn tay cô đang chỉ vào một chữ khó đánh vần trên trang giấy thì Kết đột ngột nắm lấy bàn tay Nhâm. Nhâm nghiêm mặt trừng mắt nhìn Kết và rút mạnh tay ra. Từ đó, cô không dạy Kết nữa. Nhâm không kể cho Duyên biết, nhưng trong lòng rất chán nản vì Duyên đã tuyên truyền lầm một người không xứng đáng

Chi bộ Hải Ninh vì vậy vẫn chưa có đàn ông!!

Sau buổi họp, chia tay mọi người rồi, Duyên nán lại bảo Nhâm:

- Cậu nhớ đấy nhé! Anh Quảng bảo Hải Ninh chúng mình đã bị địch phát hiện và đang ra sức theo dõi. Tạm thời cần án binh bất động. Tránh hội họp, tránh gặp nhau!

Nhâm gạt nước mắt nói:

- Mình nhớ rồi! Cậu cứ an tâm lên đường, cố gắng công tac tốt. Rồi sẽ có ngày gặp nhau!

Hai người ôm chầm với nhau trong vài giây rồi Duyên quay bước về nhà.

Sáng nay thức dậy, Duyên bổng thấy nhớ tha thiết những hoạt động bí mật thật sôi nổi hai năm qua ở Hải Ninh. Những khuôn mặt đồng chí đầy nhiệt tình nhưng mỗi người một tính, trong đó có Nhâm, tuy nhà giàu mà tốt bụng, luôn luôn tìm cách giúp đỡ bạn bè về vật chất. Từ hôm nay, dấn thân trên con đường cách mạng mịt mùng, chả biết có bao giờ còn gặp lại bạn bè ở Hải Ninh nữa hay không?

Duyên ra dàn nước rửa mặt. Trời mờ tối, hơi sương thấm lạnh. Lúc quay vào thì thấy bà Lương đã đứng chờ trong buồng. Bà dúi vào tay Duyên ít tiền và dặn:

- Con đi đâu, ở đâu, thân giá dặm trường, lúc nào cũng phải cẩn thận, nhìn trước trông sau. Thỉnh thoảng, con phải cố liên lạc về cho bố mẹ biết tin. Cái Hậu nữa. Con có gặp nó thì bảo nó biên thư cho bố mẹ để bố mẹ đỡ sốt ruột!

Duyên nén tiếng thở dài, nhìn mẹ tội nghiệp. Đã trốn đi làm cách mạng mà bảo biên thư về! Thư từ ở đâu gửi tới cũng phải qua tay lý trửơng rồi mới phân phối tới từng địa chỉ trong làng. Hậu và Duyên gửi thư cho bố mẹ thì có khác nào lạy ông con ở bụi này! Tuy vậy, Duyên cũng gật đầu cho mẹ yên tâm:

- Vâng! Thế nào chúng con cũng liên lạc về! Mẹ ở nhà, uống thuốc cho lại sức mẹ nhé. Dạo này mẹ gầy đi nhiều lắm. Chúng con lớn cả rồi. Mẹ đừng quá bận tâm cho chúng con.

Rồi Duyên xách tay nải, đeo lên vai và dứt khoát nói:

- Thôi con đi mẹ ạ! Mẹ chào bố hộ con. Bố con đang ngủ, con không muốn đánh thức

Bà Lương nghẹn ngào đứng trong bậc cửa nhìn theo Duyên lặng lẻ bước ra cổng rồi mất hút trên con đường làng vắng lặng dưới làn sương mỏng. Ngang qua nhà Nhâm, trên cùng một con đường, Duyên đưa mắt nhìn vào, biết chắc cả nhà giờ này còn đang ngủ vì bố mẹ Nhâm thường tiếp khách đánh bài đến khuya mới tan sòng. Nhưng thật là bất ngờ! Nhâm đã đứng chờ sẳn sau cây rơm gần cổng ra vào. Vừa thấy Duyên, Nhâm lao ra kéo tay Duyên vào khuất sau đống rơm khổng lồ. Nhâm bùi ngùi bảo:

- Cả đêm mình không ngủ được! Dậy sớm nấu ấm nước pha chè cho ông cụ rồi ra đây đứng chờ cậu!

Duyên cảm động đáp:

- Mình cũng không tài nào nhắm mắt được! Đi chuyến này chả biết đến bao giờ mới gặp lại nhau!

Nhâm gắt nhẹ:

- Đừng có nói gở! Còn sớm, hay là vào bếp ngồi với mình một tý. Cả nhà chưa ai thức cả!

- Thôi đứng đây được rồi. Vào bếp, nhỡ bố mẹ cậu thức dậy, bắt gặp thì biết nói năng làm sao! Con gái, con lứa mà đi đâu sớm thế này?

Nhâm giật nhẹ bàn tay Duyên:

- Chưa có ai dậy đâu! Đánh chắn đến quá nữa đêm, giờ này dậy làm sao được! Đi. Đứng đây, ai thấy mới là khó ăn khó nói!

Duyên lưỡng lự một chút rồi theo Nhâm vào bếp. Đó là dãy nhà ngang cách xa hẳn nhà trên, có nói chuyện cũng chả ai nghe thấy. Nơi đây dạo trước, Hậu thường cho họp chi bộ. Hậu đi rồi, Duyên cũng hay họp chi bộ ở đây vì Nhâm là phó bí thư.

Hai người rón rén vào bếp, lấy hai cái ghế thấp lè tè, ngồi trước bếp lửa vừa tắt nhưng than còn đỏ rực trong đó. Nhâm đứng dậy khép cửa rồi bảo Duyên:

- Mình gặp cậu để nói chuyện này. Lẻ ra mình phải nói với cậu lâu rồi, nhưng ngại quá đành để bụng ….

Duyên quay nhìn Nhâm, ngơ ngác hỏi:

- Chuyện gì đấy? Sắp lấy chồng ư? Tiếc là mình chả được ăn cưới!

Nhâm cười buồn:

- Cưới đâu mà cưới! Chuyện anh Kết … Mình thấy không được Duyên ơi! Hôm nọ dạy anh ấy tập đọc, tự dưng nắm lấy tay mình!

Duyên sửng sốt ngắt lời và thấy chẳng cần gọi Kết là “anh” nữa:

- Nó dám nắm tay cậu?

Nhâm gật đầu rồi thêm:

- Kém phẩm chất quá! Cứ tưởng là yêu nước mà theo cách mệnh, hóa ra chỉ vì mê gái thôi!

Rồi Nhâm ưu tư thêm:

- Cái khổ của mình là đã lỡ cho anh ấy tham gia, biết nhiều chuyện nội bộ của chi bộ mình. Nếy bây giờ làm anh ấy phật lòng, anh ấy đi tố giác thì vỡ cả chi bộ. Vào tù hết!

Duyên đăm chiêu nhìn xuống đống tro. Khá lâu cô mới nói một câu vô thưởng vô phạt:

- Cần phải giáo dục thêm một thời gian. Hy vọng anh ấy sẽ giác ngộ! Nhiều người cứng đầu lắm, xấu tính lắm, mà rồi cách mệnh cũng cảm hóa được!

Nhâm thở dài:

- Nhưng bây giờ mình không muốn gặp anh ấy nữa thì giáo dục làm sao được! Người như thế, có kết nạp rồi cũng chả đến đâu bởi nặng tình cảm cá nhân, thiếu lý tưởng cách mệnh!

Duyên cũng không biết nên xử trí thế nào về trường hợp của Kết. Im lặng một chút, Nhâm dè dặt lên tiếng:

- Trước khi cậu đi, mình hỏi cậu cái này: Nếu bây giờ chi bộ thẳng thắn phê bình thái độ của Kết, rồi anh ta thất vọng xấu hổ, đâm ra phá bĩnh và có thể trở thành kẻ phản bội, thì lúc ấy mình làm thế nào? …. Mình nghe nói đoàn thể sẳn sàng trừng trị những đứa phản bội, giống như bên Quốc Dân Đảng mới xử tử mấy thằng nội tuyến mà cậu đã kể với tớ …

Duyên giật mình ngắt lời:

- Trừng trị kẻ phản bội thì đúng rồi, nhưng anh chàng Kết này đâu đã đến nỗi nào! Cậu lo xa quá! Anh ấy có cảm tình với cậu, cậu không bằng lòng thì thôi chứ chả nhẽ. … thủ tiêu người ta!

Nhâm vẫn ưu tư:

- Chớ nó đi tố cáo thì vỡ cả chi bộ!

Duyên đặt bàn tay lên vai Nhâm an ủi:

- Nếu chi bộ không giải quyết được thì lên báo cáo với anh Quảng!

Dứt lời, Duyên quay nhìn ra sân và đứng dậy:

- Thôi, mình đi kẻo trễ quá! Từ đây lên tỉnh cũng xa!

Nhâm tiển Duyên ra tận cổng, Duyên bảo:

- Cậu ngại gặp Kết thì cư giao công tác cho người khác giáo dục nó. Chỉ có cách ấy thôi, chứ cậu làm nó xấu hổ, nó phá bĩnh thì nguy lắm!

Nhâm gật đầu, nắm tay Duyên bịn rịn. Duyên bảo:

- Cậu vào nhà đi! Mình đi đây! Vào đi, không nhỡ hai bác thấy.

Rồi Duyên quay gót, lầm lũi đi giữa hai rặng tre sương còn đọng lóng lánh.

Hơn một tuần sau, đúng như Quảng dự kiến, lý Bân đưa hai mật thám đến lục soát nhà ông Lương. Lúc ấy là khoảng 6 giờ chiều, bà Lương đang dọn cơm ra hè trong nỗi buồn vời vợi vì nhà bây giờ trống vắng quá. Bà vừa ngồi xuống, mở nắp nồi cá kho thì nghe tiếng xôn xao ngoài ngõ, bà giật mình nhìn ra rồi hoảng hốt quay đầu vào, run run gọi ông:

- Ông ơi! Ông lý dẫn người đến kia kìa!

Vừa nói, bà vừa đậy nắp nồi lại rồi bưng luôn cả mâm cơm chạy xuống bếp. Bà lo lắng tự hỏi:

- Không nhẽ Duyên mới đi có mấy hôm đã bị bắt?

Lý trưởng chống ba-toong dẫn đầu, theo sau là trương tuần rồi đến hai gã thanh niên mặc Âu phục, đứa nào mặt mũi trông cũng dữ dằn và kỳ bí. Ông Lương đã đoán trước sẽ có ngày hôm nay, nên ông bình tỉnh ra chờ ngoài hiên. Lý trưởng hầm hầm tiến đến. Ông Lương chưa kịp mở miệng chào thì lý trưởng đã mắng:

- Ông nuôi một lũ con làm giặc! Cái Duyên đâu? Lôi cổ nó ra đây! Tưởng là con nhà gia giáo, hóa ra đi làm loạn! Chuyến này tôi trừng trị thẳng tay, không nể nang gì nữa!

Ông Lương tức lắm vì bị lý trưởng nói nặng lời, nhưng ông ở thế kẹt vì con gái ông “làm loạn” thật! Ông từ tốn hỏi lại:

- Ông lý bảo sao?

Lý trưởng càng quát lớn:

- Ông im đi! Rồi ông sẽ biết!

Dứt lời, lý trưởng hùng hổ bước vào nhà, cùng tóan mật thám bung ra lục xét. Bà Lương khép nép đứng nhìn theo. Bao nhiêu năm nay ở làng này, hình như bà chưa bao giờ thấy lý Bân có vẻ tức giận như vậy!

Lý Bân tức là phải! Cách đây hai hôm, ông đang thưởng thức bửa rượu lậu bên mâm thịt chó béo ngậy ở nhà ông phó lý, có cả chánh tổng, phó tổng, chưởng bạ, thư ký, chánh hội, phó hội, nói chung là đủ mặt quan viên chức sắt trong làng, thì có lệnh quan Huyện đòi lên hầu việc khẩn cấp. Theo kinh nghiệm ngàn đời để lại thì hễ quan gọi là điềm dữ nhiều lành ít! Từ phút ấy, lý Bân ăn mất ngon. Bửa tiệc nhìn ông thông cảm. Không khí trầm hẳn xuống. Tháng này không phải mùa thuế thân, cũng chằng phải mùa nước lũ phải phòng chống vỡ đê. Thế thì quan trên gọi làm gì? Ông lật đật chan húp cho xong bữa rồi chạy về, chuẩn bị quà cáp và tiền mặt để nếu chẳng may quan gợi ý thì nộp ngay theo thủ tục bỏ của chạy lấy người!

Sáng hôm sau, lý Bân cắp ô đi từ lúc gà chưa gáy tiếng thứ nhất. Lên đến nơi thì vừa tan chầu, quan lui vào nghỉ trưa. Lý Bân lóng ngóng ngồi chờ trước công đường, không dám ra phố, mặc dù bụng đói mỗi lúc một sôi lên vì đói. Nhìn quanh, thấy cả năm bảy ông khăn đống áo dài giống hệt mình, mặt mũi ai cũng ưu tư thở vắn than dài, lâu lâu liếc về phía ông bằng ánh mắt lo âu, ông biết ngay đó là mấy ông lý ông tổng ở mấy làng khác cũng được quan gọi lên ban lệnh. Điều này làm ông an tâm hơn chút vì chắc là có chỉ thị chung cho cả huyện.

Hơn hai giờ chiều, lính hầu mới ho lên một tiếng rồi vén mành cửa để quan huyện từ bên trong khệnh khạng bước ra. Quan mới ngòai ba mươi nhưng nom bề thế như người ngũ tuần đang độ phát tướng, nhất là khuôn mặt tròn quay càng ngày càng béo ra, khiến cho cái mồm nhỏ hẳn lại. Vừa nhác thấy bóng quan, lập tức các ông lý ông tổng đều nhất loạt đứng bật dậy, cúi rạp xuống và chấp tay vái:

- Lạy quan lớn ạ! Bẩm cụ lớn ạ!

Quan không thèm nhếch mép. Mặt lúc nào cũng nghiêm và buồn bởi theo truyền thống của chế độ phong kịến là hễ làm quan lớn thì không được cười, vì cười sẽ làm giảm đi cái uy tín của bậc dân chi phụ mẫu! Quan đủng đỉnh ngồi xuống, lính hầu cầm quạt phe phẩy phía sau. Chả biết quan đọc giấy tờ gì mà cả mười phút sau mới ngẩng lên hỏi:

- Lý trưởng Hải Ninh có đây không?

Dĩ nhiên qua đả thấy ông ngay từ lúc bước ra công đường, nhưng vẩn hỏi một câu cho oai. Lý Bân đứng dậy, tiến lên vài bước, chấp tay vái mấy cái và đáp:

- Bẩm có ạ! Bẩm quan lớn! Con lên chầu quan từ sáng sớm đấy!

Quan khẻ nhướng mắt nhìn và chẳng cần bịết người đối diện mình bao nhiêu tuổi, hễ cứ cấp dưới là quan đều gọi bằng “mày” cho thân mật, cũng giống như bản thân quan, hễ gặp cấp trên như tuần phủ hay thống sứ thì lại đến lượt quan cúi rạp người và xưng con!

Mặt quan đang lạnh như tiền, bổng nổi giận bất ngờ, đập bàn quát:

- Làng mày dạo này chứa chấp cộng sản, phải không?

Lý Bân tái mét, run lập cập đáp:

- Bẩm quan lớn đèn giời soi xét …

Quan không thèm nghe, cầm xấp giấy lên rồi ném mạnh xuống bàn:

- Công văn trên tỉnh vừa gửi xuống. Cả ổ cộng sản hoạt động ngay trước mắt mà mày không biết! Mày mù sao hở thằng kia?

Lý trưởng Hải Ninh không nói nên lời. Những ông chức việc của làng khác cũng xanh xám mặt mày trước cơn thịnh nộ của quan huyện. Cũng như Hải Ninh, họ đã liên tiếp nhận được chỉ thị mật từ trên xuống là phải theo dõi và phát hiện Quốc Dân Đảng cũng như Cộng sản trong địa phận của mình. Vậy mà cứ lâu lâu quan lại được tin hội kín càng ngày càng tung hoành trong huyện. Hôm nay quan cho gọi một loạt lý trưởng lên đây cũng chỉ vì việc ấy. Quan chỉ tay vào mặt lý Bân, nhưng cốt ý là ban nghiêm lệnh chung cho tất cả các chức việc có mặt tại công đường:

- Mày chỉ biết lạm thu thuế thân, bòn rút của công! Còn an ninh trật tự trong làng thì mày nhắm mắt ngơ đi, có phải không? Tao hạn cho mày một tuần lễ mà không tìm ra chúng nó thì tao cách cổ, tịch thu bằng triện, nghe chưa?

Tất cả những ông lý ông tổng ở các làng khác đều run lên bần bật giống như lý Bân. Quan quay sang bảo thầy đề:

- Thầy giắt nó xuống. Người ta chờ dưới ấy lâu rồi!

Thầy đề dạ một tiếng rồi đứng ngay dậy, ngoắc tay bảo lý Bân theo gã. Lý Bân gập người từ giã quan huyện rồi lui dần ra cửa. Ông thở phào nhẹ nhõm theo thầy đề sang bên hông công đường, ở đó có căn phòng khang trang quan dùng để tiếp khách quí trên tỉnh xuống.

Buổi chầu hôm nay diễn ra nhanh chóng chưa từng thấy trong bao nhiêu năm nắm quyền ở Hải Ninh, khiến lý Bân hết sức ngạc nhiên. Bình thường, mỗi lần được lệnh lên hầu, bao giờ ông cũng bị quan hạch sách đủ điều mà lẫn trong những câu hỏi vặn vẹo rất khó trả lời của quan, thể nào cũng lộ ra cái ý đòi ông phải đút lót. Hôm nay thì khác hẳn. Quan chỉ mắng có mấy câu mà là mắng lấy lệ chứ rõ ràng chả có hậu ý gì. Khôn đòn quan, gái ngoan đòn chồng! Quan có yêu thì quan mới mắng, trò này lý Bân đã quen lắm rồi, miễn quan không vòi vĩnh là được! Nhưng như vậy là thế nào? Chả nhẽ quan cho gọi ông từ Hải Ninh lên đây chỉ để gặp quan có mấy phút cho đỡ nhớ? Ông lo lắng quay sang nói với thầy đề:

- Tôi hỏi cái này không phải thầy bỏ qua cho! Quan vừa bảo “người ta chờ ở dưới ấy lâu rồi”. Người ấy là ai thế hở thầy?

Thầy đề ghé tai lý Bân thì thầm mấy câu. Lập tức đôi mắy lý Bân trợn lên và da mặt bỗng chốc đổi sắc! Ông đứng khựng lại một chút rồi khúm núm theo thầy đề bước vào phòng khách vãng lai của huyện đường, ở đó có một ông Tây và một thanh niên Việt Nam nước da đen xỉn đang ngồi nói chuyện với nhau, khói thuốc tỏa lên dày đặc.Đó là gã thanh tra mật thám Léon và tên tay sai đắc lực vừa từ Hà Nội xuống để điều tra thêm về tông tích của Hậu sau khi được biết Hậu là người làng Hải Ninh. Cả năm nay, Léon làm việc không ngừng tay, trở thành thứ thanh tra lưu động của Sở Liêm Phóng, đi lùng bắt những thành phần hội kín khắp nơi trên đất Bắc. Gã đã đưa vào tù hàng loạt nhân sự VNQDĐ sau cái chết của Bazin hồi tháng 2 năm 1929. Bây giờ đến lượt khui tìm đường giây cộng sản vì bắt được cả thùng truyền đơn trong nhà Hậu. Lý Bân chưa biết Léon là ai, nhưng hễ cứ thấy Tây là cúi đầu chào kính cẩn. Thầy đề vốn có thiện cảm với lý Bân vì lần nào có việc lên hầu quan, lý Bân cũng không quên quà cáp cho thầy, nên thầy dịu dàng bảo:

- Ông lý vào gặp quan thanh tra đi! Tôi lên hầu quan lớn!

Léon dụi điếu thuốc, ngoắc lý Bân lại, mở cuốn sổ nhỏ ghi chép li ti bằng tiếng Tây lẫn tiếng Việt, rồi bằng tiếng Việt khá thành thạo, gã hỏi:

- Mày có biết Vũ Thị Hậu là con cái nhà ai ở làng mày không?

Lý trưởng giật mình đáp:

- Bẩm biết ạ! Nó là con ông giáo Lương. Nhưng bẩm quan lớn, nó chết lâu rồi ạ! Nó tự tử chết đến hơn nữa năm nay rồi ạ!

Thằng Tây toan vả vào mặt ông nhưng kìm lại được vì biết lý trưởng cũng là người tận tâm phục vụ cho nhà nước bảo hộ. Hắn văng tục một câu tiếng Tây rồi gay gắt bảo lý trưởng:

- Tự tử cái con mẹ mày! Sở Liêm Phóng mới bắt quả tang nó in truyền đơn và cờ búa liềm! Nó hoạt động cho cộng sản, mày nghe chửa?

Gã tay sai Việt Nam chen vào:

- In cả đống truyền đơn với cờ búa liềm ngay tại nhà nó tại Hà Nội!

Lý Bân choáng váng quay cuồng, ngơ ngác hỏi:

- Thật ư? Cái Hậu nó còn sống ư?

Rồi ông run run hỏi:

- Bẩm quan bảo sao ạ? Vũ Thị Hậu còn sống à? Lẽ nào lại như thế được!

Léon nhìn ông khinh bỉ:

- Mắt mày mù, nên mày mới tưởng là nó chết! Nó in truyền đơn cộng sản, bị bắt quả tang! Bây giờ nó đang bị nhốt ở sở Liêm Phóng!

Lý Bân còn đang lúng túng thì Léon tiếp:

- Nó khai nó hoạt động ở Hải Ninh lâu rồi mà mày không biết? Tao sẽ bảo quan huyện cách chức mày vì tắc trách!

Lý Bân sững sờ vừa lo vừa giận. Ông giận chính ông vì không ngờ mình bị lừa. Ông nhớ lại cái lớp dạy đan may và quốc ngữ ở nhà Hậu mà đáng lẽ ông phải để tâm theo dõi ngay từ khi mới khai trương. Hóa ra ông quá ngây ngô! Giờ này ông hối hận thì đã muộn mà nhất là ông không dám khai ra cái lớp ấy vì càng tiết lộ, ông càng bị khiển trách là lơ là nhiệm vụ.

Ông lập cập thưa:

- Bẩm quan! Chắc nó mới bị đứa nào dụ dỗ chớ làng con xưa nay làm gì có cộng sản. Đến Quốc Dân Đảng còn chả có, cộng sản lọt vào làng con thế nào được!

Léon nhìn lý Bân bằng ánh mắt khinh bỉ. Với những tù nhân chính trị chống chính quyền bảo hộ, León đánh đập không chút nương tay. Nhưng với những kẻ hợp tác trung thành có thể sai khiến được, chẳng hạn như lý Bân, thì dù có sơ sót vì khờ khạo, Léon vẫn sẳn sàng niệm tình tha thứ. Tuy vậy, gã không quên răng dạy nghiêm khắc:

- Mày nói ngu như thế mà cũng mở mồm mà nói! Mày bảo con Vũ Thị Hậu mới bị thằng nào dụ dỗ theo loạn đảng! Thế thì thằng anh nó đang học trường cao đẳng, bỏ trốn theo TNCMĐCH rồi chết vì sốt rét đã mấy năm nay, mày mù hay sao mà không biết?

Lý Bân run lên bần bật vì không ngờ mật thám đã có đủ hồ sơ về gia đình Hậu. Ông không dám lên tiếng nữa, đành ngồi im nghe chửi.

Léon hầm hầm nhìn lý Bân tiếp:

- Nếu nhà ấy chỉ có mình con Hậu theo cộng sản thì tao không phải thân hành xuống! Tao muốn là vì muốn moi ra tận gốc cái ổ nhà nó ở Hải Ninh, xem chúng nó hoạt động từ bao giờ và gồm những đứa nào. Mày hiểu chưa? Chắc là mày phải chờ cả làng mày treo cờ búa liềm thì mày mới mở mắt ra! Có đúng không!

Dứt lời, Léon quay sang gã tay sai người Việt từ nãy đến giờ vẫn ngồi hút thuốc Bastos bên cạnh. Tên gã là Nam, nhưng vì da mặt lúc nào cũng xám ngoét như chì, nên mọi người đều gọi gã là Nam đen. Léon bảo:

- Nam! Gọi tài xế. Đánh xe đi xuống Hải Ninh!

Thế là lý Bân được tháp tùng Léon, ngồi xe ô tô chạy về làng. Dọc đường, gã tay sai tên Nam đen đặt ra hàng loạt câu hỏi về hoạt động của Hậu, về lí lịch cả nhà ông bà Lương, nhưng lý trưởng cứ phải giấu quanh, che đậy giùm cho gia đình ấy, bởi ông sợ làm to chuyện thì sẽ bị cách chức vì thiếu kiểm soát nhân sự trong làng. Ông phân trần với Nam đen:

- Gia đình ông giáo Lương thuộc loại tử tế trong làng. Ai cũng quí cả! Sưu thuế nhà ấy chả năm nào thiếu!

Léon quay sang mắng:

- Tao không về đây để đòi thuế chúng nó! Tao về đây để bắt cộng sản!

Lý Bân sợ quá ngồi yên. Xe vào đến cổng làng, Léon đột ngột hỏi:

- Con em của Hậu là Vũ Thị Duyên, 20 tuổi, còn ở nhà với bố mẹ nó. Mày có theo dõi nó hay không?

Léon hỏi câu hỏi đó thật là chơi ép lý Bân quá! Mãi đến hôm nay ông mới biết là Hậu theo hội kín. Trước đó, ông có nghi ngờ gì đâu mà theo dõi! Ông đáp:

- Bẩm quan lớn. Con bé ấy nó vẫn đi làm ruộng với người ta …

Léon cắt ngang:

- Làng mày, đứa nào không làm ruộng? Mày tưởng hễ cứ làm ruộng là không làm loạn à?

Xe chạy vào sân nhà lý trưởng, dừng lại trước thềm. Lý Bân quát cái Nhung dọn ấm chén, pha trà mạn sen đón quan thanh tra từ Hà Nội xuống. Nhưng Léon chỉ thị:

- Tao không có nhiều thì giờ. Tao về đây không phải để uống nước chè với mày! Bây giờ, mày dẫn thằng Nam với tuần phiên của mày đến thẳng nhà con Hậu, lục xét thật kỷ cho tao. Tao ngồi ở đây! Bất cứ giấy tờ, sách báo gì ở nhà nó, cũng khuân hết về đây cho tao!

Lý trưởng luôn mồn vâng dạ. Ông mừng thầm vì Léon không đòi đi theo ông. Có mặt thằng Tây giữa xóm làng, dù sao thì thiên hạ cũng sẽ kinh động rồi tiếng đồn lan ra càng rộng. Ngày nào ông còn ngồi ghế lý trưởng, ngày ấy ông muốn ém nhẹm mọi việc, đừng để có bé xé ra to, quan trên sẽ kiếm cớ để cách chức ông. Léon quay sang bảo Nam đen:

- Tao giao quyền cho mày. Hễ bắt được tài liệu gì khả nghi ở nhà nó, thì lập tức trói cổ con Duyên với thằng bố nó, giải về đây cho tao, để tao đem xuống Hà Nội!... Đi đi!

Lý trưởng gọi ba người tuần phiên, rồi cùng với Nam đen và gã tài xế rảo bước đến nhà ông Lương. Nam đen chỉ thị một người tuần phiên gác cổng, còn tất cả xông thẳng vào nhà. Nam đen quát tháo ra lệnh cho cả nhà ông Lương tập trung ngoài hè, ai bỏ chạy là bắn bỏ ngay! Ông bà Lương và thằng Hòan run rẩy ngồi sát bên nhau, mặt mũi lo âu, nhưng không ai dám nói lời nào. Nam đen dẫn cả bọn xông vào, chia nhau từng buồng, bới tung từng cái rương, cái tủ, moi móc hết mọi ngõ ngách từ trên nóc xuống nền gạch. Lục lọi một lúc, lý trưởng quay ra hè, nhìn ông Lương hỏi:

- Cái Duyên đâu?

Bà Lương sợ hãi đáp:

- Chắc cháu nó sang chơi lanh quanh đâu bên hàng xóm!

Lý trưởng gằn giọng:

- Chơi lanh quanh ở đâu? Đi họp với cộng sản chứ gì?

Dứt lời, ông lại chạy vào nhà để cùng toán mật thám tiếp tục moi móc. Giờ này, khi được tin Hậu bị bắt quả tang đang in truyền đơn và cờ búa liềm tại Hà Nội, ông mới nhớ ra rằng âm mưu của chị em Hậu đã khởi đầu ngay từ cái lớp dạy may và chữ quốc ngữ ở nhà này. Kết luận ấy khiến ông càng căm thù ông bà Lương đã che chở cho Hậu, cho Hậu đi theo cộng sản mà còn giả vờ làm đám tang, mếu máo huy động dân làng đi tìm xác Hậu! Ông không ngờ cái lão Lương này xuất thân nhà giáo mà cũng lưu manh như vậy!

Lục lọi một hồi nữa vẫn chẳng có kết quả gì bởi Duyên ra đi không để lại dấu tích nào sơ hở, lý trưởng uất lắm! Trong phạm vi cai trị của ông vì có dấu vết của hội kín, khiến ông bị quan trên khiển trách nặng nề. Mấy lần truyền đơn chống Pháp rãi đầy khắp Hải Ninh, ông bứt rứt mất ăn mất ngủ vì không bíêt đứa nào là thủ phạm. Hóa ra chúng nó xuất phát từ căn nhà này!

Ngồi bên hè, bà Lương lấm lét liếc vào trong nhà, đau đớn nhìn hai gã mật thám cùng đám tuần phiên đổ tung từng cái hòm, cái rương, cái thùng. Chăn chiếu trên giường lôi xuống hết. Thậm chí cả bàn thờ gia tiên cũng không bỏ sót. Họ cần phát hiện một tờ truyền đơn, một xấp tài lịêu hay cờ búa liềm để kết tội. Nhưng chả có gì vì Duyên đã mang đi giao hết cho Nhâm.

Bên ngoài trời tối dần. Ông lý đứng chống nạnh trên hè, nhìn ra cổng rồi quay sang hỏi

- Cái Duyên nó đi đâu mà giờ này vẫn chưa về?

Ông bà Lương đưa mắt nhìn nhau rồi bà Lương đáp:

- Tôi cũng chả biết. Chắc tại vui bạn vui bè …

Bà Lương đang nó dở thì Nam đen từ trong nhà bước ra. Cũng như lý trương, Nam đen chưa biết Duyên đã đi khỏi làng cả tuần nay, nên gã kéo tay ông lý ra một góc và bảo:

- Ông Lý về đi! Dẫn lính về đi! Ông về trình với quan thanh tra là chúng tôi nằm lại đây. Kể từ giờ phút này, gia đình này nội bất xuất, ngoại bất nhập! Hai đứa chúng tôi sẽ mai phục lại đây để chờ cái Duyên! Nó đi đâu thì chốc nữa cũng phải về chứ chả nhẽ con gái mà đi cả đêm! Quan thanh tra dặn chúng tôi là phải bắt cho kỳ được con bé này! Nó với chị nó đều theo cộng sản cả!

Lý Bân gật đầu:

- Vâng! Để tôi về bẩm lại với quan thanh tra!

Rồi để lấy lòng Nam đen, ông nói:

- Xếp đã ăn uống gì chưa? Hay là để tôi bảo con gái tôi nấu nồi cháo gà bưng lại đây!

Nam đen phất tay gạt đi:

- Không dám phiền ông lý! Xong việc rồi tha hồ ăn! Vụ này, xem chừng quan thanh tra sốt ruột lắm! Từ Hà Nội về đây mà không bắt được con bé này thì quan thanh tra bực mình lắm. Thôi, ông lý cứ về đi!

Lý Bân gật đầu, quay vào gọi đám tuần phiên. Nam đen níu cánh tay ông và dặn thêm

- Ông bảo lính của ông phải tuyệt đối giữ im lặng. Nó mà nghe động tĩnh là mình lục soát nhà nó thì nó sẽ trốn biệt! Thôi! Ông về đi!

Nam đen quay lại vào nhà, bật đèn pin lục lọi tíêp. Lý Bân tiến lại bảo ông bà Lương:

- Từ giờ phút này, không ai được phép đi đâu cả! Ngồi hết trong nhà, nghe chưa?

Ông bà Lương ngơ ngác, chưa hiểu gì, nhưng không dám hỏi lại. Lý Bân cùng đám tuần phiên khệnh khạng bước xuống sân. Đi được mấy bước, lý Bân quay lại bảo ông Lương:

- Cái Hậu nó đang ở tù ở Hỏa Lò vì tội làm giặc! Mỗi tháng người ta cho thăm nuôi một lần, vào ngày mùng 5!

Dứt lời, ông quay phắt đi. Bao nhiêu năm nay làm chức lý trưởng, ông chí lo hai nhiệm vụ chính là đốc thuế và phòng vỡ đê. Nào ngờ gần đây lại có thêm một công tác nặng nề khác là lùng bắt hội kín. Mà cái công tác này thì ông chả ham tí nào, bởi vì chẳng có gì cho ông chấm mút thu lợi cho riêng mình.

Bà Lương nghe tin Hậu ở tù, choáng váng suýt kêu lên, nhưng cố nhịn, chỉ bấu chặt lấy vai cậu Út Hòan và quay sang đau khổ nhìn chồng. Nước mắt bà lập tức trào ra. Khá lâu bà mới thì thầm bảo chồng:

- Khổ thâm con bé!

Ông Lương thở dài bảo:

- Bà liệu thu xếp mà đi thăm con. Làm cho nó ít thức ăn với lại mang cho nó ít quần áo!

Bà Lương mếu máo gật đầu:

- Một thân một mình tôi, biết đàng nào mà thăm với nom. Phố xá Hà Nội …

Thằng Hòan ngắt lời:

- Con đi với mẹ!

Ông Lương không muốn thằng con trai duy nhất còn lại của ông dính dáng đến chuyện chính trị, nên ông bảo vợ:

- Bà sang hỏi thăm ông bà Truyền là hay hơn. Dạo trước, thằng Minh cũng nằm ở Hỏa Lò đến hơn nữa năm. Bà Truyền sẽ chỉ đường đi nước bước cho bà!

Trong nhà, Nam đen và gã đàn em tên Chiến sốt ruột đi tới đi lui, đến gần nữa đêm vẫn không thấy Duyên về. Nam đen mới ra hiệu truyền lệnh cho ông bà Lương và thằng Hòan vào ngủ và dặn cấm không được ra ngoài. Nam đen bảo Chiến vào nằm ngay trên giường của Duyên, mở hé liếp cửa sổ trông ra vườn. Còn chính gã thì ngã lưng trên chiếc võng căng ngay ở gian giữa, chắn ngang cửa ra vào. Ông bà Lương và thằng Hoàn nằm trong mùng, không tài nào ngủ được, nhưng không ai dám thở mạnh, không dám nhúc nhích, thậm chí buồn đái cũng đành phải nhịn!

Phục kích thêm khoảng hai tiếng nữa, vẫn không thấy Duyên về, Nam đen đứng ở cửa buồng ông bà Lương uất ức nói vọng vào:

- Con gái đi đêm đến giờ này vẫn chưa về thì một là đi họp với giặc, hai là đi đánh đĩ thập phương, chứ con nhà tử tế có ai lại như thế!

Ông bà Lương dĩ nhiên nghe thấy, nhưng sợ quá nằm im thin thít. Nam đen thất vọng lôi Chiến ra hiên. Ông bà Lương nghe tiếng mở cửa và tiếng chân bước ra ngoài, nhưng cứ nằm yên, không dám ngồi dậy theo dõi. Nam đen kéo Chiến băng ngang mảnh sân ra tận cổng, núp sau đống rơm dưới tàn cây mít, kiên nhẫn đứng thêm một lúc nữa mặc dầu trong thâm sâu, cả hai đều không còn chút hy vọng nào về Duyên. Chiến dè dặt nói:

- Anh cho là con bé ấy còn ở làng này hay sao mà đợi với chờ? Em sợ là nó đã đi mất biệt từ lâu mà lão lý trưởng gà mờ chả biết gì cả, cho nên mới làm phiền quan thanh tra và anh em mình xuống tận đây!

Bằng kinh nghiệm bản thân, Nam đen đáp:

- Tao cũng đóan như thế. Lúc nãy, khi ông lý hỏi, bố mẹ nó cứ nói quanh là nó sang chơi nhà hàng xóm. Nhưng nom nét mặt hai người, tao đã thấy đáng nghi rồi. Tuy nhiên, quan thanh tra đã đích thân xuống tới đây thì mình là phận thừa hành, quan bảo sao, cứ nghe như vậy, mai sau quan không trách móc được mình!

Đàn em gật đầu im lặng, bật diêm mồi thuốc trong bóng tối. Chiến vốn được tuyển vào sở mật thám làm tài xế, nhưng Léon cũng cho học thêm nghề điều tra bằng cách bố trí công tác tháp tùng Léon và Nam đen về các địa phương. Trong tương lai thể nào Léon cũng cất nhắc cho Chiến lên làm công việc chung với Nam đen. Chiến biết như thế, cho nên hễ có dịp đều tỏ ra chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm của đàn anh.

Đêm không trăng, không gian thăm thẳm mờ mịt. Chỉ có tiếng gió đưa xào xạc trong các tàn lá và thỉnh thoảng mới có tiếng chó sủa văng vẳng từ xa vọng lại. Giờ này, nếu Duyên có mò về thì chắn chắn phải có cây đuốc trong tay, hai gã sẽ nhìn thấy từ xa.

Nam đen ngồi nhẹ xuống lớp rơm khô đã bắt đầu âm ẩm hơi sương. Chiến rít thuốc rồi quay sang đề nghị:

- Hay là mình vào nhà, lôi cổ bố mẹ nó ra, nện cho một trận, chúng nó sẽ khai ra hết, việc gì mình phải ngồi đây mà thắc mắc!

Nam đen đáp:

- Cứ như ý quan thanh tra đã dặn tao nhiều lần, thì mình không được trực tiếp dẫm chân vào việc của xóm làng, trừ khi mình bắt được quả tang. Chẳng hạn lúc nãy mà tao vớ được truyền đơn trong nhà này thì đời nào tao để yên! Nhưng vì không tóm được chứng cớ gì cả, thì mình nên giao việc theo dõi nhà này cho lý trưởng đảm trách. Tao theo quan thanh tra đi nhiều nơi, tao biết ý quan. Việc làng, việc xã, quan luôn luôn thông qua lý trưởng, không muốn để lý trưởng mất mặt!

Đàn em lẳng lặng hút thuốc, không nói gì nữa. Gã để ý thấy một điều là Nam đen lúc nào cũng tỏ ra tận tụy với xếp Léon, đúng là một kẻ bầy tôi trung thành tuyệt đối với chủ. Nhận xét này quả thực là đúng bởi gần đây Nam đen có một món nợ khá lớn với Léon khiến gã tự cảm thấy mình cần phải gắn bó mật thiết với Léon để đền đáp. Gần hai năm trước, lúc Nam đen còn phụ trách công việc tra tấn ở phòng giam sở Liêm Phóng. Có một nghi can chính trị phạm không may lọt vào tay Nam đen. Gã đánh đập nặng tay quá, làm người ấy bị dập lá lách, chết ngay trong phòng hỏi cung. Nam đen xanh mặt không biết làm sao, vội vàng báo cáo lên Léon. Với Nam đen thì chuyện này có thể bị lôi thôi, nhưng với Léon thì cách giải quyết đơn giản lắm. Gã xé áo nạn nhân, cuộn thành sợi giây rồi thòng vào song cửa sắt, dàn cảnh nạn nhân treo cổ tự tử. Lẽ tất nhiên với cặp mắt chuyên môn của các bác sĩ cũng như nhân viên điều tra thì họ nhận ra ngay là nạn nhân chết trước khi sợi dây tròng vào cổ. Nhưng làm gì có ai mua việc, bỏ thì giờ kiểm nghiệm một phạm nhân chính trị. Thành ra Nam đen không hề bị rắc rối, dù chỉ là cảnh cáo. Từ đấy, gã nhớ ơn Léon và coi cuộc đời mình trọn kiếp sẽ gắn chặt với Léon để đền ơn cứu tử!

Khuya lắm, có lẽ đã gần hết canh tư, Nam đen và Chiến mới xông vào nhà ông Lương một lần nữa để kiểm tra cho chắc ăn trước khi trở về báo cáo lên với Léon. Bắt được Duyên là thượng sách vì quan thanh tra muốn như thế. Nhưng hai đứa khua khoắng thêm một hồi không có kết quả. Chiến đề nghị trở lại nhà lý trưởng ngủ một giấc chờ sáng thì Nam đen bỗng nghĩ ra một kế. Gã vào buồng, lôi thằng Hoàn dậy và thản nhiên bảo:

- Dậy đi! Mày ra ngoài cổng, chị Duyên mày mới đi chợ về, đang chờ mày ngoài ấy!

Thằng Hoàn mắt nhắm mắt mở ngơ ngác mấy giây rồi buột miệng đáp:

- Chị Duyên cháu đi vắng đã cả mấy hôm rồi, làm gì có nhà mà đi chợ!

Nam đen hỏi tiếp:

- Chị Duyên mày đi đâu vắng nhà mấy hôm?

- Cháu có biết đâu! Nghe mẹ cháu bảo đi làm ăn phương xa! Cả tuần nay rồi!

Nam đen đưa mắt nhìn Chiến thật nhanh trong bóng đêm mờ mờ rồi nhỏ nhẹ bảo thằng Hoàn:

- Ừ! Thôi thế mày ngủ lại đi! Tao cứ tưởng là chị mày về, hóa ra không phải! Ngủ đi!

Chiến ứa gan, muốn lôi cổ ông bà Lương dậy ngay, thụi cho mấy quả cho hả giận vì cái tội nói dối, khiếm gã mất gần trọn một đêm canh gát. Nhưng Nam đen lôi Chiến ra sân và bảo:

- Như vậy là con bé này trốn đi đã mấy hôm rồi …

Chiến ngạc nhiên thấy hôm nay Nam đen hiền lành nhân đức quá! Gã gay gắt ngắt lời đàn anh:

- Chứ còn gì nữa! Sao anh không để tôi choảng cho cái vợ chồng già kia một trận cho nó chừa cái tật nói láo nói lếu! Thà cứ khai toẹt mẹ nó ra cho xong chuyện. Chối quanh để làm gì không biết! Vải thưa che mắt thánh!

Nam đen rảo bước ra cổng và nói:

- Mình cứ về trình quan thanh tra để quan định liệu. Tội của vợ chồng già ấy, ông lý sẽ không tha đâu!

Hai đứa toan bước chân ra cổng thì bỗng nghe có tiếng bước chân xa xa trên con đường đất chạy ngang. Rồi lại thêm cả tiếng xầm xì nói chuyện mỗi lúc một gần hơn. Nam đen vội kéo Chiến, thụt lùi trở lại sau đống rơm, hồi hộp chờ đợi. Có thể là Duyên đi họp hội kín về chăng? Chắc không phải vì thằng Hoàn vừa tiết lộ Duyên đã đi khỏi làng mấy hôm rồi. Nam đen trố mắt nhìn trong bóng tối. Hai bóng người đến gần, đi ngang cổng nhà ông Lương, nghĩa là qua ngay trước mặt Nam đen và Chiến. Hóa ra đó chỉ là hai gã tuần phiên vác gậy đi kiểm tra ban đêm theo lệnh lý trưởng. Bình thường thì chúng lười lắm. Chỉ kiếm chỗ nằm ngủ. Nhưng đêm nay có quan Tây về, không đứa nào dám lơ là.

Chờ tuần phiên đi khá xa, Nam đem mới lôi tay Chiến ra đường, mò mẫm quay lại nhà lý trưởng.

Từ cổng vào đến nhà lý trưởng, hai ba toán đứng gác bảo vệ quan thanh tra. Léon vừa chợp mắt được một chút, giật mình thức giấc, vén mùng chui ra ngồi trên xe hút thuốc. Một anh lính tuần đứng quạt muỗi cho Léon. Nam đen và Chiến đi nhanh vào, báo cáo chi tiết cho xếp nghe. Lập tức Léon quăng điếu thuốc, phóng vào nhà lôi cổ lý trưởng dậy.

Thấy đám tuần phu xúm lại chung quanh, Chiến đứng lại trên thềm lên tiếng thị oai:

- Lão lý trưởng này gà mờ thật! Người làng mình đi hay ở, mất hay còn, đố có biết! Chắc phải chờ đến lúc giặc xông vào nhà cắt cổ thì mới tỉnh ngủ!

Trong nhà, lý Bân vừa lóp ngóp chui ra khỏi mùng đã nghe tiếng Léon mắng như tát nước vào mặt:

- Mày làm lý trưởng chỉ biết ăn với ngủ thôi, có phải không?

Giọng Léon rõ ràng run lên vì giận. Gã lại châm thuốc, rít một hơi dài rồi lớn tiếng xỉ vả

- Con Duyên nó trốn theo cộng sản cả tuần nay rồi, mày có biết gì đâu! Mày thử nghĩ xem, mày có xứng đáng ngồi cái ghế lý trưởng nữa hay không? Đồ ăn hại! Hay là mày thông đồng bao che cho chúng nó làm giặc?

Lý trưởng mắt nhắm mắt mở gật đầu vâng dạ luôn mồm để tỏ vẻ nhận lỗi. Léon quăng mạnh điếu thuốc mới đốt, rồi gay gắt chỉ mặt lý trưởng và giảng thêm:

- Mày phải nhớ rằng: Quốc Dân Đảng cũng như Cộng sản, không có đứa nào hoạt động một mình. Đứa nào cũng nằm trong một tổ đảng gọi là chi bộ. Cho nên khi mày bắt được một đứa, đừng bao giờ vội mừng là đã xong việc! Bắt một đứa thì phải bắt luôn cả chi bộ của nó nữa! Nghe chửa? Chẳng hạn cái con Duyên này, mày đã biết là nó theo cộng sản, chị nó là cái Hậu in truyền đơn và cờ búa liềm bị bắt quả tang, anh nó là thằng Tân đang đi học bỏ trốn lên rừng rồi chết vì sốt rét. Như thế nghĩa là quanh con Duyên, con Hậu, còn cả một tổ đảng của chúng nó nằm ngay ở Hải Ninh này. Nhiệm vụ của mày là phải theo dõi, điều ra và phanh ra đường giây của chúng nó càng sớm càng tốt!

Lý trưởng khổ sở đáp:

- Bẩm quan lớn con sẽ cố gắng hết sức mình ạ!

Rồi để lấy lòng quan thanh tra, lý trưởng hướng ra cổng gọi lớn:

- Tuần đâu! Đến nhà giáo Lương, trói cổ cả nhà nó, giải về đây cho tao!

Nhưng lý trưởng chưa dứt lời, Léon đã quay sang bảo Chiến:

- Đánh xe về Hà Nội!

Nam đen ngơ ngác hỏi:

- Đi ngay bây giờ hả xếp?

Léon gật đầu:

- Đi ngay! Tao còn bao nhiêu việc phải giải quyết. Chịu khó một tí. Về đến Hà Nội, tao cho hai đứa chúng mày nghỉ một hôm!

Lý trưởng mừng thầm vì phái đoàn bỏ về tức là gỡ cho ông một gánh nặng, khỏi phải đãi đằng tốn kém. Tối hôm qua, bà lý và cái Nhung đã cấp tốc nấu một nồi cháo gà thơm phức, bưng lên mời Léon, nhưng gã quay mặt đi, không thèm động tới. Dù thế, lý Bân vẫn dặn vợ sáng mai phải chạy ra chợ sớm, mua cặp gà mái tơ về luộc, kèm theo vài món đặc biệt như giò lụa và lòng lợn để đãi quan thanh tra cùng phái đoàn đã cất công từ Hà Nội về Hải Ninh. Thói quen thù tiếp quan trên bao giờ cũng thế. Ấy là chưa kể còn phải dúi thêm quà cáp cho quan mang về ăn dọc đường! Bây giờ bỗng nghe Léon ngỏ ý đòi đi ngay khi trời chưa hừng sáng, lý trưởng khoan khóai lắm, nhưng vẫn làm bộ tha thiết, nói vài câu thủ tục:

- Rước quan lớn ở lại uống cốc rượu nhạt …

Léon cắt ngang:

- Rượu với chè cái gì! Tao hạn cho mày một tháng, mày mà không tóm được cái Duyên và bè lũ chúng nó thì đừng có trách tao! Tăng cường kiểm tra, cho lính đi lục xét từng nhà khả nghi! Tháng sau tao sẽ quay lại!

Lý trưởng chấp tay vâng dạ luôn mồm. Ba người lên xe và chiếc ô-tô con lăn bánh ra cổng. Hai ngọn đèn rực sáng rọi thẳng ra đường, in rõ lớp sương đêm đang tỏa xuống như cơn mưa phùn nhẹ hạt.

Từ hôm ây lý Bân đứng ngồi không yên vì vừa lo vừa tức. Ông thường xuyên đến nhà ông giáo Lương hoặc gọi giáo Lương đến nhà ông để đay nghiến cho hả giận. Tất nhiên lý Bân chẳng khám phá ra được điều gì mới mẻ ở làng này, bởi việc điều tra hội kín không phải sở trường của ông. Cũng giống như bao nhiêu ông lý ông chánh trên cả nước, lý Bân ra làm việc làng chỉ vì ham danh lợi chứ biết gì về chính trị đâu. Quanh năm ông chỉ quát nạt lương dân cho sướng miệng rồi nhận tiền đút lót của thiên hạ là đủ mãn nguyện lắm rồi, chứ đâu ngờ giờ này ông phải lãnh thêm cả công tác điều tra an ninh! Đứng trước chỉ thị của quan Huyện và nhất là sở mật thám, lý Bân lay hoay chả biết tính sao. Phản ứng duy nhất của ông chỉ là bắt tuần phu tăng cường canh gát và lệnh cho chúng nó chia nhau đi tuần tiễu hằng đêm trong làng, mặc dầu đi tuần như thế, thật ra chỉ ngăn ngừa được trộm cướp chứ không thể nào phát hiện được các thành phần hội kín.

Về phía ông bà Lương, tuy bị lý trưởng liên tục mắng nhiếc, nhưng bù lại, có được niềm vui là biết Hậu còn sống. Ngày mùng 4, bà Lương xuống Hà Nội ngủ trọ một đêm ở nhà người quen. Sáng hôm sau vào thăm Hậu lần đầu tiên trong Hỏa Lò. Mẹ con gặp nhau sau gần một năm xa cách, cả hai cùng già đi nhiều. Tuy thế, ngồi đối diện với mẹ, Hậu lúc nào cũng cố nở nụ cười để mẹ an lòng mặc dầu bao nhiêu vết thương trên thân thể cô vẫn còn đang nhức nhối. Bà Lương thì cứ nói được vài câu lại mủi lòng ấm ức khóc. Mãi đến lúc chia tay, bà mới bảo Hậu:

- Cái Duyên nó cũng bỏ bố mẹ, đi cả tháng nay rồi con ạ!

Hậu lặng người cúi xuống. Cô vừa trãi qua một tháng trời lãnh chịu những trận đòn tra tấn dã man nhất của mật thám, vết thương chưa lành được một phần nhỏ. Thế mà nghe tin Duyên đã ra đi, cô đã quên ngay những đớn đau của mình để chỉ ái ngại cho em gái. Biết đâu, chỉ nay mai, Duyên cũng sẽ bị bắt như Hậu! Bị bắt khi chưa làm được việc gì cho đoàn thể. Cô lắc đầu mấy cái, cố gạt đi, không nghĩ đến chuyện xui xẽo ấy nữa. Nhân thể gã cai tù cứ nhìn hai mẹ con đăm đăm. Hậu nói bóng gió:

- Con gái lớn ai cũng phải đi mẹ ạ! Thôi, mẹ đừng có buồn! Thư thả rồi em con cũng sẽ liên lạc về! Dù sao, cũng còn thằng Hoàn ở bên cạnh bố mẹ!

Bà Lương bật khóc nấc lên một lúc rồi cố dằn xúc động, nâng vạt áo hỉ mũi. Bà toan kể bao nhiêu nỗi khổ ở nhà từ ngày Duyên đi. Nhưng bà không kể được vì mấy gã cai tù cứ đi tới đi lui, hoặc cố tình đứng lảng vảng bên cạnh cho đến khi hết giờ thăm nuôi. Hôm ấy là đầu tháng 11 năm 1929. Lúc chia tay, bà Lương sụt sùi mãi mới nói được một câu

- Con cố gắng giữ gìn sức khỏe. Gặp con, mẹ đứt từng khúc ruột. Nhưng dầu con cũng còn nom thấy con! Chỉ khổ cái Duyên, chả biết rồi sẽ ra sao!

Hậu trấn an mẹ một câu vô nghĩa:

- Mẹ đừng quá lo! Em con chả sao đâu! Tháng sau mẹ lên, nhớ mang cho con cái áo bông. Mùa này giời bắt đầu rét!

Bà Lương tay nâng vạt áo lau nước mắt:

- Mẹ nhớ rồi! Thôi, mẹ đi đây!

Bà Lương lầm lũi bước ra cổng. Vừa đi, bà vừa nhớ lại trọn vẹn hình ảnh của Duyên buổi sáng sớm hôm ấy khi bà tiễn chân con trước thềm nhà.

Cũng giống như cuộc hành trình thoát ly của Hậu hơn nữa năm về trước, từ Hải Ninh, Duyên đi bộ qua cánh đồng làng, rẽ lên con đê cao rồi cứ thế mà cắm đầu rảo bước lên tỉnh. Cái tay nải bằng vải nâu đeo trên vai, làm Duyên trông giống như người đi tản cư chứ không có vẻ gì là một cô gái đi chợ. Điều này làm cô giật mình tự trách vì nhận ra mình thiếu thận trọng, nhất là mỗi khi có khách bộ hành đi ngược chiều, đăm đăm nhìn Duyên như theo dõi. Trước đây, mỗi lần lên tỉnh gặp Quảng nhận công tác, bao giờ Duyên cũng gánh đôi quang gánh, hay ít ra cũng bưng một cái thúng, đựng vài củ khoai hay bó rau để nhỡ có bị xét hỏi, người ta khỏi nghi. Hôm nay, Duyên biết mình sẽ không trở lại Hải Ninh, cho nên mới dùng cái túi vải gọn ghẽ để đựng mấy bộ quần áo và dăm ba thứ lặt vặt. Cũng may là dọc đường không gặp trở ngại gì.

Lên đến tỉnh, bước trên con đường quen thuộc giữa hai bên phố xá, Duyên liếc mắt vào hiệu thuốc lào, nơi cô vẫn thường gặp Quảng, hôm nay thấy một cặp vợ chồng lạ hoắc đang đứng sau quầy. Duyên vội cắm đầu đi thẳng một quãng đường khá xa đến tiệm gạo Thịnh Ký, mới dừng lại bên kia đường trông sang. Cô đứng tần ngần một chút, lấy nón quạt mồ hôi, quan sát kỹ lưỡng rồi băng ngang con lộ hẹp, bước nhanh vào tiệm. Những thúng gạo mậu đủ các loại, đổ vun lên thành ngọn, đặt san sát bên nhau cho khách chọn lựa. Vào sâu hơn, sát bức vách ngăn buồng, bên trong là từng đống bao tải căng phồng, còn nguyên, đặt chồng lên nhau, cao gần tới trần nhà. Chủ nhân là một người đàn ông trẻ tuổi Duyên chưa từng gặp bao giờ. Anh ta mặc quần nâu, áo may ô trắng cháo lòng, đang cân gạo cho một bà khách. Duyên nhìn anh ta, khẽ gật đầu chào. Qua ánh mắt, Duyên biết anh ta cũng nhận ra đồng chí. Duyên buông tay nải, ngồi xổm xuống bên thúng nếp. Cô vụt bàn tay vào lớp nếp mới trắng tinh, bốc một nắm, rồi xòe bàn tay ra chỗ ánh sáng và nói:

- Hôm nọ, ông để cho tôi mấy đấu nếp ngon quá. Vừa dẽo vừa thơm. Thành ra mẹ tôi bảo quay lại đong thêm lấy vài cân! Chả biết cửa hàng có còn loại ấy hay không?

Anh thanh niên mồ hôi nhễ nhại đáp:

- Thưa còn ạ! Nhưng bà cảm phiền chờ tôi một tí. Tôi đang dở khách!

Duyên vui vẻ đáp:

- Vâng! Ông cứ tự nhiên ạ!

Vừa lúc ấy lại có thêm hai người khách bưng thúng vào. Duyên đứng dậy bảo:

- Tôi chạy ra chợ một tí rồi tôi quay lại!

Duyên nhấc cái tay nải lên vai rồi lại hạ ngay xuống và nói:

- Ông cho tôi gửi nhờ cái này ở đây, có được không ạ?

Anh thanh niên rời cái cân, tiến lại phía Duyên và nói:

- Được ạ! Bà cứ để tôi cất vào trong kia!

Rồi anh đỡ cái túi vải và cười:

- Tiền bạc thì bà nhớ bọc theo đấy nhé! Một mất mười ngờ, ngộ nhỡ có gì lại trách oan tôi!

Duyên cũng cười theo rồi bước nhanh ra cửa, thả bộ theo con phố đang tấp nập người qua lại. Bấy giờ mới là xế trưa, nắng vàng còn rực rỡ nhưng trời cuối năm không nóng lắm. Nhìn những bà cụ buôn thúng bán bưng, dăm bó rau nhỏ, một mẹt cau mới bổ hoặc vài chục bánh gai bày bên lề đường, Duyên nôn nao nhớ đến mẹ dù chỉ xa cách có mấy tiếng đồng hồ. Khác với Hậu là người chủ trương cách mạng triệt để, Duyên mang bản tính yếu mền hơn nhiều, lại tận mắt chứng kiến những tháng ngày lao đao chết đi sống lại của mẹ vì thương con, nên việc thoát ly gia đình của Duyên là cả một biến cố lớn lao đôi khi làm cô hối hận muốn chùn bước. Đã thế, giờ này lại nghe tin Hậu bị bắt, Duyên càng thấy nản hơn vì thấy rõ một người mang chí lớn như Hậu mà chưa làm được gì đã bị tóm, huống chi là Duyên!

Duyên dừng bước lại trước cửa một tiệm vải. Những cô gái quê quanh năm nâu sòng như Duyên, khi lên thành phố, luôn luôn bị những sắc mầu rực rỡ của hiệu vải lôi cuốn. Tơ, lụa, nhiễu, nhung, từng xấp đặt bên nhau, làm Duyên thấy chóa mắt và bỗng nhớ ngay đến mẹ, muốn mua tặng mẹ một cái khăn nhung mà không làm sao gửi về được. Đang thèm thuồng ngắm nghía, chợt nghe thấy tiếng ồn ào phía trước. Duyên giật mình ngẫng lên nhìn, bạn hàng buôn thúng bán mẹt nhiều người ù té chạy. Hóa ra có đội xếp, tức cảnh sát, đang đi tuần sắp tới. Đội xếp kiểm tra đường phố luôn luôn đi hai người: Một Tây và một ta. Đội xếp Tây thì mặc sắc phục oai nghiêm, đi giày da và đeo súng lục trong bao da kẹp sát hông. Đội xếp ta thì đội nón lợp vải vàng, thắt lưng da to bản, hai ống quần quấn xà cạp, đi chân đất và chỉ cầm roi chứ không có súng! Dân chúng buôn bán hai bên lề đường chẳng cần biết mình có vi phạm luật lê hay không, hễ cứ thấy đội xếp là chạy cho chắc ăn!

Duyên bước hẳn vào trong tiệm vải, làm bộ quan sát chọn hàng. Chờ hai gã đội xếp đi qua khá xa, cô mới trở ra đường đi tiếp.

Đi lang thang một lúc, Duyên quay trở lại cửa hàng Thịnh Ký. Nhìn vào, thấy không còn khách, Duyên an lòng rẽ vô. Cô lại càng mừng hơn vì ngoài anh chàng bán gạo, giờ đây lại có thêm cả Quảng đang ngồi hút thuốc lào trên cái di-van nhỏ ở góc nhà, khuất sau mấy bao gạo. Duyên vừa bước vào, bỏ nón thì Quảng gọi:

- Chị Ly mới lên đấy ư? Vào đây uống cốc nước!

Duyên ngơ ngác nhìn quanh, mấy giây sau mới sực nhớ ra cái tên mới của mình. Cô vội mĩm cười bước vào bên Quảng. Quảng bảo cô ngồi rồi nói:

- Chị nhớ đấy nhé! Từ nay dứt khoát phải quên cái tên cũ dưới Hải Ninh. Nói dại, giữa đám đông, có đứa gọi “cô Duyên ơi”, mà chị quay lại là vào tù như chơi đấy! Từ hôm nay, chỉ nhớ bí danh thôi. Tên cha mẹ đặt là vứt hẳn!

Duyên ngượng ngùng đáp:

- Vâng. Tại hôm nay là lần đầu anh gọi, thành ra tôi chưa quen.

Anh thanh niên bán gạo mặc áo thung lá, mồ hôi vẫn đầm đìa từ mặt xuống đến vai, cầm cái quạt nan phe phẩy. Anh trao cho Duyên cốc nước rồi đưa mắt nhìn Quảng như nhắc nhở, Quảng nhập đề:

- Giới thiệu với chị đây là anh Tửu. Lẽ ra, chị chỉ ngủ tạm ở đây tối nay thôi, rồi sáng mai đáp tàu hỏa xuôi Hà Nội sớm. Nhưng vừa có tin mới đột xuất. Mai chưa thể đi được

Duyên thoáng để lộ niềm vui trong ánh mắt. Quảng nhận thấy ngay khiến ông có vẻ thất vọng về Duyên. Ông thấy rõ Duyên không hăng hái lên đường như Hậu ngày trước. Cái tin đột xuất mà ông vừa nói đến là Phó bí thư Thành Ủy Lê Tiến đã bị bắt, tất cả các đồng chí thành bộ phải phân tán mỏng mỗi người một nơi, nhất thời xa phố Hàm Long là cơ quan mà Quảng định gửi Duyên đến. Hậu bị bắt, Quảng phải bỏ hiệu thuốc lào đi nơi khác. Dĩ nhiên là Quảng tin là Hậu gan dạ. Nhưng biết đâu thực dân tra tấn nặng nề quá, cô chịu không nổi phải khai ra cái người đã đưa cô đi hoạt động là Quảng! Cũng vậy, Lê Tiến bị bắt, cơ quan phố Hàm Long tất nhiên không dùng được. Quảng nói:

- Chị cứ tạm nán lại đây đã. Chờ chỉ thị của Thành bộ. Không đi được nhưng cũng không trở về lại Hải Ninh được. Có thể mật thám đang rình chung quanh nhà chị rồi cũng chưa biết chừng. Chị quay về Hải Ninh bây giờ là vào tù ngay!

Duyên vội phân bua:

- Không! Tôi có định quay về đâu! Đã đi còn về làm gì!

Quảng lại dặn thêm:

- Tôi dặn hờ chị cái này. Cửa hiệu hàng sáo thì người ra người vào tấp nập cả ngày, chị ở đây thì chả có gì đáng ngại. Nhưng giả như có ai hỏi thì anh Tửu đây sẽ bảo với người ta chị là cháu của anh ấy, ở nhà quê ra đứng bán hàng hộ anh ấy. Cháu gọi bằng cậu. Anh Tửu là em của mẹ chị. Chị nhớ như thế kẽo trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì nguy to. Ấy là nói phòng xa thế thôi chứ chị chả ở đây lâu đâu. Vài hôm là cùng!

Duyên nhìn Tửu gật đầu:

- Vâng. Tôi nhớ!

Tửu chộp cái khăn vải trên mặt bàn, đưa lên mặt mình lau mồ hôi rồi vui vẻ tiếp lời Quảng:

- Từ bây giờ chị bắt đầu gọi tôi là cậu xưng cháu cho nó quen đi! Có ai hỏi tôi sẽ bảo với người ta là cửa hiệu neo người quá, tôi phải về quê gọi cháu tôi lên trông nom giúp một thời gian! Nhưng tốt hơn cả là chị tránh đừng nói chuyện với ai. Việc bán hàng thì đã có tôi!

Duyên đáp:

- Vâng! Tôi cứ ở trong nhà. Anh cần sai bảo gì thì gọi tôi ra!

Nhân tiện Duyên hỏi Quảng:

- Nhà này chỉ có hai anh thôi sao? Còn ai khác hơn nữa không, anh Quảng?

Quảng lắc đầu:

- Không! Nhà này chỉ có mình anh Tửu thôi. Tôi ở chỗ khác. Cần gì thì anh Tửu sẽ liên lạc với tôi.

Trước khi đứng dây từ giã, Quảng dặn thêm:

- Nói gì thì nói, từ Hải Ninh lên đây, đường đi chưa đến nữa ngày. Người dưới ấy buôn bán trên này cũng nhiều, thành ra chị phải tránh tối đa, hễ không có việc gì cần thì không nên ra ngoài. Mà ra ngòai thì cũng phải nhìn trước trông sau. Ngộ nhỡ gặp người quen thì lộ hết bí mật!

Dứt lời, Quảng đội nón, đi nhanh ra cửa.

Còn lại mình Tửu, nhân lúc cửa hàng không có khách, anh chỉ cái divan đang ngồi và nói:

- Tối nay chị ngủ ở đây, tôi nằm trong kia.

Rồi anh ngoắc tay bảo Duyên theo anh vào buồng trong. Đó là một căn phòng hẹp, một bên làm bếp, một bên làm kho chứa những dụng cụ lặt vặt. Duyên nhìn quanh rồi buột miệng hỏi:

- Trong này chả có giường chiếu gì cả. Anh ngủ làm sao?

Tửu phất tay cười xòa:

- Chi không lo! Tôi kê miếng ván hay giải chiếu xuống đất cũng xong. Tôi dễ ngủ lắm. Nằm đâu cũng được!

Rồi Tửu nghiêm mặt, đẩy tấm ván che cái cửa sổ duy nhất phía sau và dặn nhỏ Duyên

- Đây này. Chị xem cho kỹ đi. Vạn bất đắc dĩ có chuyện gì thì chị leo cửa sổ này nhảy ra ngoài. Lúc nào tôi cũng để sẳn cái ghế đẩu ở đây, phòng khi cần thì đứng lên mà lao qua cửa sổ. Sau lưng nhà này có con lộ nhỏ quanh co, đi sâu vào xóm cũng được, mà đâm ra lộ chính phía trước cũng tiện. Ấy là nói phòng hờ thế thôi chứ chắc chả có gì đâu

Duyên tiến lại, thò đầu ra hẳn phía ngoài khung cửa để quan sát hai bên. Con đường đất nhỏ chạy ngang, có những đoạn lầy lội bùn đất. Cô quay lại hỏi cho có chuyện:

- Anh Quảng có hay lại đây không?

Tửu đang châm đóm lửa đốt thuốc lào, ngẫng lên đáp:

- Thỉnh thoảng thôi! Anh ấy lúc này bận lắm. Có đến đây thì cũng chỉ thoáng một tí rồi lại đi ngay!

Duyên nhìn Tửu, với cái dáng nhanh nhẹn bặt thiệp, gặp ai lần đầu đã thấy gần gũi thân tình. Tự dưng cô lấy làm lạ là tại sao cửa hiệu bán gạo tương đối to như tiệm Thịnh Ký này mà lại không có đàn bà. Một thanh niên như Tửu mà đứng quản lý, trực tiếp đong gạo, bán gạo cho khách hàng thì buồn cười thật! Việc này phải là việc của đàn bà chứ! Nghĩ thế, nhưng Duyên không dám hỏi Tửu vì đây không phải là chuyện cô được quyền biết đến. Duyên chỉ đóan thầm đây hẳn là một cơ quan kinh tài của Đảng.

Thật ra thì Tửu chỉ có mặt ở tiệm gạo này mới hai tháng. Đây là cửa hàng của người chị ruột Tửu, nhờ Tửu trông coi để về quê bán ruộng đất sau khi cha mẹ Tửu bị chết vì đắm thuyền trên sông.

Tuy còn trẻ, nhưng Tửu lên đường hoạt động trước cả Quảng. Từ năm 1925 đến 1927, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn mở các lớp huấn luyện cách mạng vô sản bên Quảng Châu, đào tạo được khoảng 200 cán bộ, Tửu có mặt trong số những người tiên khởi ấy. Tất cả đều đứng trước một Phạm Hồng Thái, tuyên thệ gia nhập Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội.

Trở về nước làm công tác tuyên truyền, Tửu chọn Sơn Tây là quê hương nội ngoại của mình, nhưng không thành công. Tửu xuống Hà Nội, gặp nhóm Ngô Gia Tự và Trần Văn Cung, vận động các chi bộ dẹp bỏ bảng hiệu VNTNCMĐCH để đổi tên thành Đông Dương Cộng Sản Đảng. Sau vụ thanh tóan hai đồng chí Như, Uyễn ở Hải Phòng, nhóm Cộng Sản tiền phong Trần Văn Cung, Nguyễn Đức Cảnh bị mật thám lùng bắt dữ dội. Tửu lại trốn về Sơn Tây, nương náu ở tiệm gạo của bà chị cho đến hôm nay.

Nữa ngày còn lại ở Thịnh Ký, Duyên lăng xăng học việc đong gạo, cân gạo, nhớ giá cả của từng loại gạo và đỗ. Xế chiều cô vào bếp thổi cơm, luộc rau và nướng cá khô, bưng lên divan, cùng ăn với Tửu. Cô thoáng nghĩ, thoát ly theo cách mạng mà được bố trí ở lại đây lâu dài, chỉ việc đứng bán hàng xáo thì cũng sướng thật! Nhưng ở lại đây sao được! Người làng Hải Ninh đi lại trên này nhiều lắm, sớm muộn gì cũng có người gặp Duyên. Thôi thì cứ nán lại đây được này nào hay ngày nấy. Dù sao đây cũng là trạm giao liên, là bước khởi đầu để Duyên dấn thân vào con đường chông gai sắp tới.

Tối hôm ấy Duyên đi ngủ sớm. Cái divan nhỏ có chiếu trải, có mùng căng, Duyên nằm giữa mùi thơm thoang thoảng của gạo thóc. Nhưng cô không tài nào ngủ nổi.Nhớ Hải Ninh quá! Hơn hai mươi năm, lần đầu tiên xa cha mẹ và nhất là bạn bè đồng trang lứa ngày ngày gặp nhau trên đồng lúa nương ngô. Mới đây, nhất là những đồng chí cùng hoạt động trong chi bộ. Nhắm mắt lại trong bóng đêm, từng khuôn mặt thân thương cứ hiện ra rõ mồn một trong trí nhớ làm Duyên càng ray rức, luyến lưu. Duyên cứ lăn qua lăn lại mãi, nghe tiếng ngáy nho nhỏ đều đặn của Tửu bên kia bức vách. Có lẽ đến gần sáng Duyên mới thiếp đi được. Một lúc sau, ngoài đường, tiếng rao hàng quà sáng đã bắt đầu vang lên, nhưng Duyên ngủ say quá chả biết gì cả. Tửu đứng bên cạnh divan cất tiếng kêu nho nhỏ, Duyên cũng không nghe không thấy. Tửu vạch mùng, thò hẳn đầu vào, đập nhẹ trên vai Duyên:

- Chị Ly! Chi Ly! Dậy đi!

Bấy giờ Duyên mới mở mắt và ngồi bật dậy. Cô kéo tấm chăn mỏng che ngang ngực rồi ngơ ngác hỏi:

- Sáng rồi à?

Tửu bước lui một chút rồi mỉm cười hiền hòa và nói:

- Chưa! Còn sớm. Nhưng tôi phải đánh thức chị dậy vì có lệnh bảo chị đi Hà Nội ngày hôm nay. Chị dậy chuẩn bị đi, rồi ra ga xe lửa cho kịp chuyến sớm!

Duyên xoay người thòng hai chân xuống đất và thất vong nhắc lại:

- Đi ngày hôm nay à?

- Vâng! Đi ngay! Tưởng giử chị lại được vài hôm cho vui. Hóa ra không được! Đêm qua, anh Quảng ghé đây, đưa chỉ thị …

Duyên im lặng không nói gì. Tửu ân cần đề nghị:

- Chị ăn tạm cái gì cho đỡ đói. Chốc nữa lên xe ngủ. Ăn xôi nhé?

Duyên lắc đầu:

-Thôi. Nếu đàng nào cũng phải đi thì để tôi đi ngay bây giờ cho chắc ăn. Ra ga rồi ăn cũng được!

Tửu giơ tay ngăn lại:

- Chị chờ độ nửa tiếng nữa, tốt hơn. Giờ này ngoài đường còn thưa thớt lắm. Nửa giờ nữa người ta mới ùn ùn gánh hàng ra chợ. Phố xá đông, mình đi lại không ai chú ý!

Duyên im lặng tháo mùng, gấp chăn, đặt ngay ngắn trên đầu giường. Cô đẩy liếp cửa sổ, trông ra con hẻm nhỏ phía sau đã bắt đầu mờ sáng. Tửu lại ân cần đề nghị:

- Hay là ăn bát bún riêu cho dễ nuốt. Tôi đã mua sẳn khúc bánh Tây. Nhưng bánh thì mang theo, ăn dọc đường! Gánh bún riêu của bà Ngát bên kia đường, giờ này chắc đã bắt đầu bày bán rồi! Để tôi gọi bà ấy bưng sang cho chị một bát!

Duyên cảm động trước sự chu đáo của Tửu, cô đành gật đầu:

- Vâng! Anh đã nói như thế thì tôi xin anh một bát!

Tửu quay ra, tháo then cửa, Duyên nhìn theo, chớp mắt nghĩ đến những con người lặng lẽ mà cô đã tiếp xúc trên chặng đường cách mạng. Từ Trần Khải theo Tân về Hải Ninh huấn luyện chị em Duyên, đến chị Thúy được bố trí về nhà Duyên để dạy lớp đan may, rồi đồng chí Quảng trực tiếp chỉ thị công tác cho chi bộ và bây giờ là Tửu. Mai mốt đây sẽ còn biết bao nhiêu người nữa. Những bóng hình ấy, thoáng đến thoáng đi, có khi chỉ kịp làm quen trong chốc lát rồi chia tay,chẳng bao giờ gặp lại!

Quá trưa hôm ấy, Duyên đặc chân xuống sân ga Hà Nội. Người đón Duyên vẫn là anh chàng kéo xe mà hơn nữa năm trước đã đã đưa Hậu về ngõ Lò Rèn. Hôm nay, anh chở Duyên tới khu Khâm Thiên, gửi ở nhờ một cơ sở cách mạng nằm ngay trong xóm cô đầu. Đó là tiệm thuốc Bắc Vĩnh An Đường mà khách hàng phần đông là những người đàn ông mê thú trăng hoa, không may bị mắc bệnh phong tình. Ông Lang Chu, tuổi khoảng 40, có tiếng là mát tay, thu hút đông bệnh nhân ra vào tấp nập. Nhờ vậy, hiệu thuốc trở nên một trạm giao liên rất thuận tiện mà mật thám Pháp chưa hề chú ý.

Anh phu xe bỏ Duyên xuống ngay trước cửa hiệu thuốc Vạn An Đường, nói vài lời từ giã rồi giục Duyên đi vào. Rồi anh bỏ nón, lôi cái điếu cày máng ở càng xe, ngồi xổm trên lề đường, lấy thuốc lào ra hút. Khi ông lang Chu, chủ nhân hàng hiệu thuốc, bước ra cửa ho mấy tiếng và đưa mắt làm hiệu đã tiếp nhận Duyên, anh mới đứng dậy kéo xe đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Nhấn vào giữa màn hình để hiển thị Tùy chọn đọc.
Theo dõi Đọc Sách Hay trên Facebook, mỗi ngày chúng tôi cập nhật những cuốn sách, truyện hay nhất!
Dòng Mực Cũ Chương 10

Có thể bạn thích